Asoka lên ngôi thừa hưởng một vương quốc to lớn do ông nội ông, Chandragupta, sáng lập và do cha ông, Bindusàra, tiếp tục củng cố và mở rộng. Trong khoảng thời gian tám năm đầu mới lên ngôi, giống như Chandragupta và Bindusàra, Asoka đã áp dụng chính sách xâm lăng nhằm mở rộng đế quốc Maurya. Trận đánh chiếm xứ Kalinga thuộc vùng Orissa ngày nay là một bằng chứng về chính sách xâm lăng của Asoka. Nhưng chiến thắng Kalinga cũng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng tronglịch sử triều đại Asoka: chấm dứt chính sách xâm lược, mở ra một kỷ nguyên mới về hòa bình tiến bộ xã hội, phát triển tôn giáo, ổn định chính trị, quan hệ ngoại giao và nhiều lĩnh vực khác của vương triều Maurya. Kể từ sau trận Kalinga, nghĩa là từ 262 trước Công nguyên trở đi, Asoka từ bỏ mọi ý đồ xâm lăng và áp dụng một chính sách hòa bình triệt để. Trong các bia ký của mình, Asoka tỏ ra hối tiếc về việc xâm lăng Kalinga và xác nhận : “ Tiếng trống thúc quân ( bheri-ghosa ) ngày nào nay được thay thế bởi tiếng gọi Chánh pháp ( Dharma-ghosa )”.[45] Việc Asoka áp dụng chính sách như thế nào để mang lại thái bình cho xứ sở ông và giữ vững quan hệ hòa hiếu với các lân bang là vấn đề sẽ được bàn đến ở các chương tiếp theo. Trong phạm vi chương này; chúng ta sẽ tập trung xem xét hai vấn đề chính, phạm vi lãnh thổ và cơ cấu tổ chức- quản lý nhà nước dưới triều Asoka.
I.Phạm vi lãnh thổ:
Về phạm vi lãnh thổ do Asoka cai quản, nguồn tài liệu bia ký và trụ đá của ông cung cấp cho chúng ta khá nhiều thông tin. Các bia ký và trụ đá của ông được tìm thấy tại nhiều nơi khác nhau thuộc Ấn Độ ngày nay và tại các quốc gia lân cận nói rõ phạm vi rộng lớn của vương quốc Maurya dưới thời Asoka. Trước hết, chuyển từ đông sang tây, chúng ta có hai văn bản, bản bắc và bản nam, về 14 bia ký Asoka được tìm thấy tại vùng đông nam, gần vịnh Bengal. Trong số này, bản bắc được khắc gần ngôi làng Dhauli, thuộc quận Purì, vùng Orissa. Bản nam được ghi tại thị trấn Jaugadà, thuộc quận Ganjàm, bang Madra. Tất cả các bia ký này được dựng tại vùng Kalinga vừa mới chiếm cứ, thuộc đông nam Ấn Độ. Chuyển về phía bắc, chúng ta có văn bản thứ ba về các bia ký của Asoka được khắc trên một tảng đá gần ngôi làng Kàlsì , thuộc quận Dehrà Dun. Hướng về phía tây, ta có hai văn bản, một được khắc tại Manserà, quận Hazàrà và một tại Shàhbàzgarhì, thuộc thủ phủ Peshàwar, Pakistan. Chuyển sang bờ biển phía tây, chúng ta chú ý tới một văn bia được phát hiện gần Junàgarh thuộc Kàthiàwàr và một văn bia khác tại Sopàrà thuộc quận Thànà, cách Bombay 37 dặm về hướng bắc. Gần đây người ta lại phát hiện một loạt 14 bia ký tại các biên giới phía nam lãnh thổ Asoka, tức YerragudI, thuộc quận Kurnool, bang Madras. Vào năm 1903, Levis Rice tìm thấy ba văn bia nằm gần nhau tại quận Chitaldrug thuộc Bắc Mysore. Tất cả những bia ký này và những địa điểm chúng được phát hiện giúp chúng ta hiểu rõ phạm vi rộng lớn của vương quốc Aśka.
Nội dung các bia ký Asoka cung cấp thêm cho chúng ta những địa danh hay vùng lãnh thổ thuộc vương quốc Maurya. Trong các bia ký II và XIII, Asoka thông báo cho chúng ta về các vị vua trị vì bên ngoài Ấn Độ như Yavana, Amtiyoka, Turumàya, Amtekina, Maga và Alikasumdara. Về phía nam đế quốc Asoka, nằm trong và ngoài Ấn Độ, có các xứ sở như Chola, Pàndya, Keralaputra, Sàtiyaphutra và Tambapamnì. Các bia ký V và XIII nói đến các địa danh xa xôi như Yona, Kamboja, Gamdhàra, Ràstika-Petenika, Bhoja-Petenika, Nàbhaka- Nàbhapamti, Amdhra, và Pàrimda. Theo công trình nghiên cứu và khảo sát của D.R.Bhanarkar, trừ các xứ sở như Chola, Pàndya, Sàtiyaputra và Keralaputra, tất cả các xứ sở còn lại đều thuộc quyền cai quản của Asoka. [46]
Một nguồn thông tin khác có thể giúp thêm cơ sở cho việc xác định biên giới vương quốc Maurya dưới thời Asoka là các trụ đá và bảo tháp ( Stùpa ) của ông được tìm thấy tại nhiều nơi khác nhau của Ấn Độ và các lân bang. Các trụ đá Asoka dược phát hiện ở Punjab, Kauśàmbi, Sañchi, Sàrnàth, tại Rummindeì và ở Nigliva thuộc Tarài, Nepal. Huyền trang ( Yuan Chwang ) nói đến các bảo tháp Asoka được xây dựng ở Kapis ( Kafiristan), Nagar ( Jalalabad) và ở Udyàna thuộc vùng biên giới tây bắc, tức Đông Afghanistan. [47]
Ngoài ra, các tài liệu Hy Lạp nói về các thuộc địa của triều đại Chandragupta cũng giúp chúng ta hình dung phạm vi rộng lớn của vương quốc Maurya dưới thời Asoka. Theo các tài liệu này thì không bao lâu sau khi Alexander qua đời, những cuộc xâm lăng Ấn Độ của ông ở phía đông Indus, vượt Punjab trải rộng cho đến sông Hyphasis hay Bias đều nhanh chóng rơi vào tay Chandragupta. Bốn chức phó vương các lãnh địa Aria, Arachosia, Gedrosia và Paropanisadai cũng được Seleukos Nikator nhượng lại cho Chandragupta vào năm 305 trước Tây lịch. Như vậy biên giới Maurya dưới thời Chandragupta đã được mở rộng cho tới dãy Hindu Kush và các quốc gia rộng lớn ngày nay như Afghanistan, Baluchistan và Makra, cùng với vùng biên giới tây bắc đều được sáp nhập vào đế quốc Maurya. Ấn Độ lúc bấy giờ bao gồm các thành trì nổi tiếng như Kabul, Zabul, Kandahar và Heart. B.M. Barua đồng nhất các xứ sở Kashmir, Nepal, Butan và Sikkim ngày nay với các sở Yona, Kàmboja, Gàndhàra và Nàbhaka được nói đến trong bia ký Asoka .[48] Theo V.A Smith thì Bindusàra tiếp tục giữ vững lãnh thổ Maurya rộng lớn do Chandragupta để lại. [49] Đến thời Asoka, vương quốc Maurya lại tiếp tục được mở rộng ra ở phía đông nam, sau chiến thắng Kalinga.
Căn cứ các tài liệu nêu trên thì Maurya dưới thời Asoka là một vương quốc rộng lớn, bao gồm các quốc gia ngày nay như Pakistan, Afghanistan, Butan, Sikkim, Nepal và toàn bộ Ấn Độ hiện tại. B.M.Barua mô tả đế quốc Asoka theo các hướng địa lý như sau : phía bắc được giới hạn bởi dãy Himalaya; phía nam tiếp giáp với lãnh thổ độc lập Chola, Pàndya, Sàtiyaputra, Keralaputra và Tàmraparnya; phía đông trải rộng cho đến tận vịnh Bengal; phía tây tiếp giáp với lãnh thổ Tây Á Antiyoka.[50]
Theo Will Durant, xứ đó là một tam giác mênh mông , đáy ở phía Bắc , tức dãy Himalaya quanh năm tuyết phủ, đỉnh ở phía Nam, tức đầu đảo Tích Lan, quanh năm nóng như thiêu. Phía Tây là Ba Tư mà dân chúng, ngôn ngữ, thần thánh đều rất gần gũi với Ấn Độ thời Veda, cơ hồ hai xứ là bà con chú bác với nhau. Nếu chúng ta theo biên giới phía Bắc Ba Tư mà tiến về phương Đông thì sẽ gặp Afghanistan, nơi mà nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp và Ấn Độ dung hòa với nhau trong một thời gian rồi tách biệt nhau ra không còn bao giờ gặp lại nhau nữa; tiến lên phía Bắc chút nữa, đây là Kaboul nơi xuất phát những cuộc xâm lăng đẩm máu Hồi và Mông Cổ, và hai dân tộc đó làm chủ Ấn Độ trong ngàn năm. Ở phía trong biên giới, đây là Peshawer chỉ cách Kaboul một ngày ngựa. Bạn nhận thấy đất Nga ở xứ Kashmir thật sát Ấn Độ, thông với Ấn bằng những đèo Hindoukouch. Ở phía cực Bắc Ấn Độ là tỉnh Cachenire. Ở phía Nam Cahenire là miền Pendjap với châu thành Lahore và kinh đô mùa hè của Ấn Độ, tức Simla. Tiến về phía Đông thì tới xứ Miến Điện với những ngôi chùa giát vàng ở Rangoon và con đường Mandalay chói chang ánh nắng. Phía Tây là tỉnh Bombay với những châu thành dân cư đông như kiến. Ở phía Đông và phía Nam là tiểu quốc Hyderabad và Mysore mà các vua chúa đều có óc duy tân tiến bộ. Dọc theo bờ vịnh Bengale là tỉnh Madras. Sau cùng là chiếc cầu Adam- một hàng mỏm đá ló một nửa lên khỏi mặt nước- đưa ta tới đảo Tích Lan. [51]
Bản đồ Ấn Độ mà sử gia Will Durant vừa mô tả chỉ được thực hiện không lâu trước hoặc sau ngày Ấn Độ độc lập nhưng cũng giúp chúng ta hình dung sự sộng lớn của lục địa này dưới thời Asoka như thế nào bởi những địa danh được đề cập xưa kia từng là đất của Ấn Độ. Rõ ràng với một lãnh thổ rộng lớn như vậy việc điều hành và cai quản chắc chắn sẽ gặp phải không ít khó khăn. Tiếp theo chúng ta sẽ xem Asoka đã thiết lập hệ thống tổ chức và quản trị như thế nào để điều hành và quản lý quốc gia to lớn của mình.
II.Tổ chức nhà nước và hệ thống quản lý :
Về phương diện tổ chức và quản lý, bộ luận Arthaśàstra tương truyền do Kautilya, một đại thần thuộc vương triều Chandragupta, biên soạn và tài liệu do Mégasthènes, sứ thần của nah2 vua Syrie Seleukos Nikator, để lại cung cấp cho chúng ta ít nhiều hiểu biết về hệ thống điều hành nhà nước và thuật quản lý của triều đại Maurya đầu tiên. Tuy nhiên để hiểu rõ cơ cấu tổ chức và quản lý nhà nước dưới thời Asoka, các bia ký của ông là nguồn thông tin chính xác và đáng tin cậy. Vương quốc Maurya là một nhà nước theo chế độ quân chủ trung ương tập quyền, đứng đầu là quốc vương, kế đến là hội đồng triều thần gồm các quan lại phụ giúp quốc vương trông coi việc triều chính .[52] Các bia ký cũng nói đến các phân ban hay bộ thuộc guồng máy nhà nước trung ương như phân ban trông coi về pháp luật, phân ban trông coi về đạo đức xã hội, phân ban trông coi về biên cương hay quốc phòng, phân ban trông coi các đô thị, phân ban trông coi các vấn đề về phụ nữ, phân ban trông coi việc chăn nuôi. Xét tài liệu bia ký đề cập việc Asoka cho thiết lập hệ thống chăm sóc y tế ở khắp nơi trong nước và ở nước ngoài, B.M.Barua cho rằng hẳn phải có một phân ban hay bộ nhằm trông coi công tác này. [53] Ta cũng có thể kể thêm một phân ban chăm lo các vấn đề an sinh phúc lợi xã hội, bởi các hoạt động này rất được chú trọng và mở rộng dưới thời Asoka, như tài liệu bia ký của ông đã nói rõ. Bia ký Asoka cũng nhắc đến các quan chức gọi là dùta ( sứ giả hay đại sứ ) đảm nhiệm công tác đối ngoại. Đứng đầu các phân ban hay bộ có các quan chức gọi là Mahàmàtra.
Vương quốc Maurya mà Pàtaliputra ( Patna ngày nay) là kinh đô được chia làm nhiều địa hạt khác nhau; mỗi điạ hạt lại được chia thành nhiều trấn hay quận huyện và do một vị phó vương ( uparàja ) hay người đại diện trông coi. Chúc vụ phó vương hay đại diện do nhà vua cắt cử. Dưới thời Bindusàra, Asoka từng giữ chức phó vương vùng Ujjain hay Avantì. Làng xã la đơn vị hành chánh nhỏ nhất của tố chức nhà nước dưới thời Asoka. Ta có được thông tin này nhờ trụ đá Rummindeì, ghi sự kiện 20 năm sau khi lên ngôi, Asoka ngự giá chiêm bái thánh tích Lumbinì và ban lệnh giảm tô thuế cho dân làng Lumbinì bởi “đức Thế Tôn đã ra đời tại đây .”
Về Pàtaliputra, được khởi dựng từ thời Udaya, cháu nội vua Ajàtasatru, [54] sứ thần Syrie là Mégas-thènes, đến Ấn Độ dưới thời Chandragupta, mô tả như sau: Kinh đô dài khoảng mười lăm cây số, rộng ba cây số, có hình dáng một hình bình hành, có tường thành bằng gỗ bao bọc chung quanh và các lỗ châu mai để bắn cung tên từ bên trong ra. Thành gồm 570 vọng tháp và 64 cổng lớn, mặt trước có hào sâu phòng thủ và cũng dùng làm cống thoát nước cho cả thành phố. Cung điện nhà vua tuy cất bằng gỗ nhưng đẹp hơn các cung điện ở Suse và Ecbatane, chỉ kém các cung điện Perśepalis. Các cột trụ trong cung điện đều bọc vàng, vẽ những hình chim và lá cây, trong cung bày đồ đạc vàng son rực rỡ, ở bên ngoài cung có nhiều hồ dùng nuôi cá kiểng.[55]
Về cơ cầu tổ chức, bộ luận Arthaśàstra cho biết Pàtaliputra gồm một hội đồng ba mươi nhân viên chia làm sáu ủy ban. Một ủy ban điều khiển kỹ nghệ; một ủy ban lo về ngoại kiều, kiếm chỗ ở cho họ, hướng dẫn họ mà cũng dò xét sự di chuyển của họ; một ủy ban giữ sổ sinh sổ tử; một ủy ban cấo giấy phép cho thương nhân, quy định việc bán các sản phẩm tự nhiên, kiểm soát các đồ đo lường; một ủy ban nữa kiểm soát việc bán các hóa phẩm; và một ủy ban khác lo việc đánh thuế 10% vào mọi việc giao dịch. Will Durant dẫn lời Havell thừa nhận; “ Tóm lại, ở thế kỷ thứ IV trước Công nguyên, Pàtaliputra có vẻ là một đô thị tổ chức và cai trị rất hoàn hảo theo những quy tắc tốt nhất của môn xã hội học.” Sử gia này cũng trích lời V.A.Smith khen ngợi cơ cấu hành chánh của Pàtali-putra : “ Sự tuyệt hảo của các biện pháp đó đáng làm cho ta ngạc nhiên dù ta chỉ mới xét các đại cương mà thôi, nếu đi sâu vào chi tiết ta càng thán phục rằng hơn ba trăm năm trước Công nguyên, làm sao Ấn Độ đã sáng lập và thực hành được một nền hành chánh như vậy.” [56]
Sang thời Asoka, Pàtaliputra dường như được mở rộng ra và các công trình kiến trúc gỗ được thay thế bằng các kiến trúc sa thạch. Pháp Hiển ( Fashien ), một tăng sĩ Phật giáo Trung Hoa đến Ấn Độ đầu thế kỷ thứ năm , mô tả cung điện của Asoka như sau; “ Cung điện và các sảnh đường nằm ở trung tâm thành phố đến nay ( nghĩa là khoảng 650 năm sau ) vẫn còn như xưa, được xây dựng theo lối xếp chồng các khối đá với các tường thành và các cổng bao quanh và được trang trí với nghệ thuật khắc chạm duyên dáng cùng các công trình điêu khắc lắp ghép tinh xảo.” [57] Tường thuật này của Pháp Hiển tỏ cho thấy Asoka đã dùng đá để xây cất cung điện thay cho vật liệu bằng gỗ của thời Chandragupta. Công cuộc khai quật cổ thành Pàtaliputra được tiến hành bởi P.C. Mukharji và sau đó bởi tiến sĩ D.B.Spooner đã phát hiện một số dấu vết còn lại của cung điện Asoka,những mảnh vỡ của các cột trụ bằng đá bóng nhẵn mà người ta cho là thuộc kiến trúc cung điện của ông. Hơn thế, người ta còn phát hiện một sàn gỗ nằm sâu khoảng năm mét dưới lòng đất bên trên phủ một lớp đất dày ba mét tiếp theo là một lớp tro trong đó các mảnh vỡ của những chiếc cột được tìm thấy. Các chứng cứ khảo cổ này có thể giải thích sự kiện Asoka đã dùng đá để thay thế các kiến trúc bằng gỗ như Pháp Hiển đã mô tả.
Chúng ta không được biết đích xác có bao nhiêu điạ hạt trong đế quốc rộng lớn của Asoka. Ngoài Pàtaliputra, các bia ký của ông chỉ thông báo cho chúng ta về bốn lãnh thổ quan trọng do các thành viên hoàng gia cai quản. Đó là Ganghàra phía tây bắc với trung tâm Taxilà, Kalinga, phía đông nam với thủ phủ là Tosalì, Ujjain ở phía tây và Suvarnagiri ở phía nam. [58] Mahàvamsa thông báo Asoka từng đề cử Tisya, em trai ông,làm phó vương ( uparàja ) nhưng không cho biết thuộc địa hạt nào. Pháp Hiển ( F-hsien ) nói đến việc hoàng tử Dharmavivardana giữ chức vụ phó vương vùng Gandhàra. [59] Theo Divyàvadàna, Dharmavivardana là tên gọi khác của hoàng tử Kunàla được Asoka đề cử làm phó vương Taxilà, thủ phủ Gandhàra.[60]Bia ký Rudradàman đề cập một vị phó vương người địa phương có tên là Pusyagupta trấn nhậm lãnh địa phía tây với trung tâm là Girnar, dưới thời Chandragupta, trong khi dưới triều đại Asoka, Raja Tusàpha được đề cử trông coi lãnh địa này. [61]Từ những thông tin do các bia ký cung cấp, chúng ta có thể nói rằng dưới thời Asoka có hai loại phó vương được đề cử nhằm cai quản các địa hạt của vương quốc Maurya.Thứ nhất là hạng phó vương thuộc hoàng gia gọi là Kumàra hay Àryaputra va thứ hai là hạng phó vương không thuộc hoàng gia, như trường hợp Raja Tusàpha được cử trấn nhậm lãnh địa phía tây với Girnar là thủ phủ.
Lại nữa, tại mỗi lãnh địa có hệ thống các quan lại phụ giúp việc quản trị cho vị phó vương. Tác phẩm Divyàvadàna nói đến trường hợp dân chúng xứ Taxilà dưới thời Bindusàra nổi lên chống đối các quan lại đàn áp nhưng không chống lại vị hoàng tử phó vương hay mệnh lệnh triều đình.[62] Trong truyền thuyết nói về hoàng tử Kunàla trấn nhậm lãnh thổ Gandhàra, người ta kể rằng ông hoàng này từng bị một phen khốn đốn bởi kẻ khác đã mạo danh ông gởi mật lệnh giả cho các quan lại dưới quyền ông .[63] Bia ký Kalinga II nói rõ sự kiện các phó vương có quyền đề cử các thuộc hạ của mình vào chức vụ Mahàmàtra nhằm kiểm tra và giám sat định kỳ việc thực thi pháp luật. Theo bia ký Kalinga I, văn bản Dhauli, và Tiểu bia ký I, văn bản Brahmagiri, thì các phó vương và các vị Mahàmàtra cùng làm việc với nhau. Vào thời gian đầu, vị Hoàng tử phó vương (Àryaputra ) có trách nhiệm gởi thánh chỉ của nhà vua đến các quan lại địa phương, nhưng về sau trách nhiệm này cũng được giao cho các vị Mahàmàtra. Bia ký Kalinga II, văn bản Jaugada, nói đến một hạng Mahàmàtra khác được biết bởi tên gọi là Làjavachanika, người trực tiếp nhận chỉ thị của nhà vua mà không thông qua vị hoàng tử phó vương. Như vậy Mahàmàtra ở đây có thể được xem là chức vị tổng đốc bởi các Mahàmàtra này được giao trách nhiệm cai quản độc lập các tổng trấn.
Pràdeśika. Ràjùka và Yukta là tên gọi của các loại quan chức khác được nói đến trong bia ký Asoka.B.M.Barua xem Ràjùka là người đại diện chính quyền trung ương có trách nhiệm đối với nhà vua trong việc chuyển các mật lệnh và các chỉ dụ của nhà vua đến các quan tổng đốc ( Mahàmàtra ) ở các thị trấn hay quận huyện thuộc phạm vi quản lý của mình. Như vậy Ràjùka đóng vai trò như một sứ giả mang các mật lệnh và chỉ dụ của nhà vua cho các quan lại địa phương. Ràjùka nhận các chỉ dụ từ bộ phận thư ký riêng của nhà vua và chuyển giao cho các quan lại địa phương có trách nhiệm thi hành.[64] Tuy nhiên theo D.R.Bhandarkar và R.Mookerji thì Ràjùka là một quan chức có trách nhiệm về mặt pháp luật, có quyền thưởng phạt đối với người có công hay kẻ phạm tội.[65] Cũng có ý kiến cho rằng công việc của Ràjùka là thống kê đất d0ai, thu thuế má, trông coi các công việc về nông nghiệp, như được mô tả trong Kurudhamma-Jàtaka. Mégasthènes thông báo cho chúng ta rằng Ràjùka có trách nhiệm trông coi các việc công ích như bảo vệ sông rãnh, đào giếng, đắp đê, làm đường …Ràjùka cũng có quyền ban thưởng cho người có công và trừng phạt kẻ phạm tội.[66] Từ các thông tin trên ta có thể hiểu rằng Ràjùka là một chức vị khá cao trong cơ cấu tổ chức nhà nưóc của vương triều Asoka, mỗi Ràjùka đứng đầu một ban ngành chuyên trách khác nhau trong hệ thống quản lý nhà nưóc.
Về chức vị Pràdeśika, Thomas đồng hóa Pràdeśika với Pradeshtri được nói đến trong bộ luận Arthaśàstra, nghĩa là một quan chức có trách nhiệm thực hiện việc thu thuế và ngăn bắt kẻ trốn thuế.[67]Bộ luận Arthaśàstra của Kautilya cũng cho chúng ta biết về chức năng của vị quan chức gọi là Yukta. Theo Kautilya, Yukata là chức danh dành cho các quan lại ngân khố địa phương có trách nhiệm quản lý tài sản của nhà vua, tiến hành việc thu thuế và kết toán các khoản thu nhập. [68] Như vậy cả hai loại quan chức Pràdeśika và yukta xem ra có chung một trách nhiệm là thực hiện việc thu thuế cho ngân khố quốc gia. Tuy nhiên, theo bia ký III thì năm năm một lần, cùng với các Ràjùka, các Pràdeśika và Ykta có trách nhiệm tuần du địa bàn quản lý của mình nhằm giám sát và đôn đốc mọi người thực thi pháp luật. Theo ý kiến của Kern thì Pràdeśika là chức quan ngang hàng với tổng đốc , [69] trong khi theo tài liệu của Kautlya được nói ở trên thì Yukta chỉ là một quan lại địa phương. Như vậy ta có thể hiểu rằng Yukta là một chức quan có lẽ thuộc cấp quận huyện và Pràdeśika cũng là một chức quan nhưng ở cấp cao hơn.
Ngoài ra, bia ký Asoka còn nói đến một số quan chức đứng đầu các bộ như Dharma-Mahàmàtra, quan trông coi về đạo đức xã hội; Ithijhakha-Mahàmàtra hay Stryadhyaksha-Mahàmàtra, trông coi các vấn đề về phụ nữ; Anta-Mahàmàtra, trông coi các biên giới; Mahàmàtra-Nàgaraka, trông coi về đô thị; Vachabhùmika, lo về chăn nuôi. [70] . Sau cùng ta phải kể đến một loạt các quan chức trông coi các công trình và phúc lợi xã hội, những việc mà Asoka rất quan tâm và được làm rất tốt dưới triều đại của ông. Rải rác trong các bia ký của ông người ta đọc thấy chức danh các viên chức trông coi các công trình công ích và an sinh xã hội như Vraija-bhùmika, [71] trông coi các công viên công cộng, các vườn xoài, các giếng nước, các nhà nghỉ dọc theo các đường lộ dành cho khách hành hương. Lại có một bộ phận công nhân viên chức khác chăm nom các vườn cây thuốc và các viên chức y sĩ chăm lo việc chữa trị cho người và thú vật.
Trên đây là các thông tin về cơ cấu tổ chức và hệ thống quản lý nhà nước dưới thời Asoka. Tiếp theo chúng ta sẽ thử xem những động cơ nào đã thực sự khiến cho guồng máy nhà nước này vận hành tốt và có hiệu quả.
Mặc dù có vài ý kiến xem ông là một triết gia hơn là một quốc vương, một nhà đạo đức hơn một nhà quản lý,[72] đa số các học giả đều công nhận tài lãnh đạo và năng lực quản lý quốc gia của Asoka.K.Hazra cho rằng các hệ thống quản lý và cải cách của ông có đủ lý do để chứng minh rằng Asoka không chỉ là một nhà quản trị tài ba của thời đại ông mà còn là một hoàng đế lớn của mọi thời đại. Trước và sau ông, khó có ai đạt được vị trí mà Asoka đã đạt được trong lịch sử chính trị và tôn giáo của Ấn Độ cổ đại. Từ bỏ mọi chiến tranh và ý đồ xâm lăng, Asoka đã giữ vững một đế quốc to lớn và duy trì quan hệ thân thiện với các thế lực nước ngoài.[73] Theo B.M.Barua, “ việc thành lập các phái đoàn thanh tra nhà nước năm năm và ba năm một lần (đi thanh tra các nơi trên toàn quốc), việc bổ nhiệm các quan chức Dharma-mahàmàtra trông coi về đạo đức xã hội, chuẩn bị những phương án tỷ mỉ cho việc giáo dục, công dân, cải tiến về quản lý tội phạm, nhân tính hóa các điều luật hình sự , nhấn mạnh các quan niệm hiếu thảo, khuyến khích các lễ nghi và v.v…là những sáng kiến bổ sung trách nhiệm cho một nhà nước lý tưởng mà Asoka đã cưu mang và ấp ủ.”[74]
Có thể nói rằng động cơ mạnh mẽ nhất khiến guồng máy quản lý nhà nước dưới thời Asoka vận hành tốt và có hiệu quả trước hết và trên hết là nguyên lý vì con người và hạnh phúc của con người mà chính Asoka đã nỗ lực thực hiện . Asoka đại diện cho nguyên tắc sống làm việc vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Nhà nước Asoka tiêu biểu cho một mô hình nhà nước của dân, do dân và vì dân mà hơn 20 thế kỷ sau các quốc gia dân chủ phương Tây mới nói đến. Bộ luận Arthaśàstra đề cập sự kiện Chandragupta thiết lập điều lệ lên ngôi của các quốc vương Maurya, nói rằng đức vua phải tuyên thệ suốt đời phụng sự nhân dân vào dịp lễ đăng quang. Các lời thề như sau; “ Xin hãy bắt ta từ bỏ thiên đường, từ bỏ cuộc sống và trở thành một kẻ tuyệt tự nếu ta áp bức thần dân.” “ Niềm hạnh phúc của Người(vua) là niềm hạnh phúc của thần dân.Người coi những gì làm cho Người vui thích đều không tốt, mà coi bất cứ thứ gì làm cho thần dân vui thích đều là tốt.” Ngoài ra, luận Arthaśàstra còn nhấn mạnh đức vua phải luôn luôn sẵn sàng gánh vác việc công , không nề hà hay than thở. Nếu nhà vua hành động sai trái thì dân chúng có quyền phế truất ông và thay thế một vị vua khác.[75]Như vậy cứ theo bộ luận Arthaśàstra thì mỗi vị vua Maurya đều phải là một hoàng đế chân chính, có lòng thương dân và luôn luôn lo lắng cho dân, lấy hạnh phúc của dân làm niềm vui của mình và không được đi ngược ý chí của toàn dân. Asoka kế thừa truyền thống này và chứng tỏ là một hoàng đế xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
Trước hết, Asoka là vị hoàng đế rất mực thương dân. “ Tất cả thần dân là con cái ta; bởi ta có lòng mong muốn cho các con ta được hạnh phúc và an lạc đời này và đời sau, ta cũng mong muốn cho tất cả thần dân của ta được như vậy.”[76] Từ quan điểm lấy dân làm gốc, vì hạnh phúc nhân dân mà phục vụ, Asoka từ bỏ những cuộc dạo chơi săn bắn và nhiều thú vui khác của hoàng gia ( vihàr-yàtra ) để tập trung vào công việc chăm lo đời sống và giáo dục nhân dân ( Dharma-yàtra ). Theo ông,[77]nỗ lực quản lý và điều hành quốc gia không chỉ là nghĩa vụ mà còn là món nợ mà một vị vua phải làm đối với nhân dân. R.Mookerji cho rằng hiếm có vị vua nào lại nhấn mạnh các nghĩa vụ và bổn phận của mình đối với dân như Asoka.[78] Bia ký VI nói rõ Asoka chú tâm giải quyết công việc ở mọi lúc và mọi nơi; ông lệnh cho các quan chức phải báo cáo ngay cho ông những vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân,ngay cả khi ông đang ăn, đang ở hậu cung, đang ngủ, đang ở tại các trại chăn nuôi, đang ở chổ thuyết giáo hay khi ông đang vui chơi. Asoka còn nói thêm trong bia ký rằng ông không bao giờ bằng lòng về các nỗ lực giải quyết công việc của mình, bởi ông cho rằng làm việc là để phục vụ hạnh phúc của dân trong đó nỗ lực giải quyết các công việc là căn bản. Asoka cũng ý thức rất rõ rằng việc quản lý và điều hành một quốc gia rộng lớn như Maurya không thể chỉ hoàn toàn dựa vào những báo cáo mà cần phải thường xuyên theo dõi và giám sát thực tế. Đó là lý do vì sao ông thường xuyên du hành với mục đích xem xét tình hình đất nước và hiện tình đời sống nhân dân.[79]Rõ ràng nhờ ý chí phục vụ không mệt mỏi và tài năng lãnh đạo đa dạng của Asoka mà guồng máy nhà nước Maurya dưới sự điều khiển của ông được vận hành tốt và có hiệu quả.
Một yếu tố quan trọng khác góp phần làm cho guồng máy nhà nước của Asoka vận hành có hiệu quả là đội ngũ các nhà quản lý các cấp do ông thiết lập và đề cử đã tỏ ra xuất sắc trong các nhiệm vụ được giao. Mặc dù rất năng động trong cung cách điều hành và giải quyết các công việc, Asoka không thể một mình quản lý hết mọi việc của một quốc gia rộng lớn như Maurya. K. Hazra cho rằng nhờ tài lãnh đạo sáng suốt và quản lý giỏi và với sự trợ giúp của đội ngũ quan chức chính phủ các cấp. Asoka đã quản lý hết sức thành công toàn bộ đế quốc to lớn của mình và đã thu phục lòng người một cách dễ dàng.[80]
Hệ thống tổ chức và quản lý nhà nước của ông khá quy mô và vận hành có hiệu quả. Asoka tỏ ra rất sắc sảo trong khoa học quản trị khi thiết lập hệ thống quản lý nhà nước với nhiều ban ngành chuyên trách và đề cử nhiều chức vụ quản trị tương ứng. Danh sách các quan chức đứng đầu các bộ hay ban ngành chuyên trách thuộc nhà nước trung ương, hệ thống các quan lại địa phương với các nhiệm vụ và chức năng được quy định rõ tỏ cho thấy Asoka ý thức rất rõ việc quản lý nhà nước rộng lớn bằng phương tiện thông tin, bằng chứng là ông đã cho dựng các bia ký và trụ đá khắp nơi nhằm phổ biến chính sách nhà nước và hướng dẫn nếp sống nhân dân. Ông từng phàn nàn việc một số các chỉ dụ của ông đã bị thông tin thiếu chính xác.[81]Trong các chỉ dụ của mình, Asoka thường xuyên nhắc nhở quan chức các cấp sống đúng pháp luật và làm việc theo pháp luật để nêu gương cho mọi người.[82] Bia ký Kalinga ghi rõ những lời răn của ông dành cho các quan lại địa phương, nhắc nhở họ về bổn phận và nghĩa vụ của kẻ làm quan. Theo Asoka,[83]mục đích của kẻ làm quan là chăm lo hạnh phúc cho dân, vì vậy kẻ làm quan phải tuyệt đối cần mẫn và phải hiểu rõ niềm vui và nỗi khổ của dân. Trong cách nói của mình, Asoka ví dân như trẻ thơ, quan lại như người vú. Dân cần phải được chăm sóc bởi quan lại cần mẫn, giống như đứa trẻ cần phải được chăm sóc bởi người vú ân cần.
Có thể còn nhiều yếu tố khác nữa khiến bộ máy nhà nước của Asoka được củng cố vững chắc và vận hành có hiệu quả. Chẳng hạn, chính sách đức trị và chăm lo hạnh phúc cho dân, phản ánh của quần chúng nhân dân đối với chính sách nhà nước và thái độ của các quan chức chính phủ mà họ có quyền nói lên vào dịp các phái đoàn thanh tra nhà nước đến làm việc tại các điạ phương. Bia ký VIII ghi nhận sự kiện rằng mười năm sau khi lên ngôi, Asoka chiêm bái thánh tích Bodhgaya, chỗ đức Phật giác ngộ, và từ đó trở đi ông thường thực hiện những chuyến du hành gọi là Dharma-yàtrà nhằm phổ biến chính sách đức trị bằng cách thăm viếng các tổ chức tôn giáo, tiếp xúc với quần chúng nhằm khuyến khích nếp sống đạo đức và thảo luận với nhân dân về đường lối đức trị, K . Hazra cho rằng Asoka đã thiết lập một nhà nước lý tưởng dựa trên tình thương và sự cảm thông.[84] Quả thực, với một ông vua hết lòng thương dân như thế và với một đội ngũ các quan chức chính phủ được giáo dục thương yêu và chăm lo hạnh phúc cho dân như thế thì không có gì quá đáng khi nói rằng nhà nước của Asoka là một nhà nước lý tưởng của mọi thời đại.
[45] Bia ký IV.
[46] D.R.Bhandarkar,Asoka,tr.42.
[47] OYC,II, tr.184.
[48] B.M.Barua,Asoka and his Inscription,tr.104.
[49] V.A.Smith,Asoka,tr.76.
[50] B.M.Barua, Asoka and hia Inscriptions,tr.69.
[51] Nguyễn Hiến Lê, lịch sử văn minh Ấn Độ,tr.30.
[52] B.M.Barua, Asoka and his Inscription,tr.146.
[53] B.M.Barua, Asoka and his Inscription, tr.186.
[54] Theo tài liệu Vàya Putràna.
[55] R.Mookerji, Asoka, tr.94-95.
[56] Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ, tr.98.
[57] RBK,tr.77.
[58] Kalinga Edict I; Kalinga II, văn bản Dhauli; Minor Rock Edict I, văn bản Brahmagiri.
[59] R.Mookerji, Asoka,tr.8,51.
[60] R.Mookerji,Asoka,tr.51.
[61] R.Mookerji, Asoka,tr.51.
[62] R.Mookerji, Asoka,tr.52;B.M.Barua, Asoka and his Inscription,tr.34.
[63] R.Mookerji, Asoka,tr.52.
[64] B.M.Barua, Asoka and his Incription,tr.151.
[65] D.R.Bhandarkar, Asoka,tr.53;R.Mookerji,Asoka,tr.53.
[66] D.R.Bhandarkar,Asoka,tr.53.
[67] D.R.Brandarkar,Asoka,tr.52.
[68] D.R.Bhandarkar, Asoka,tr.51.
[69] D.R.Brandarkar,Asoka,tr.52.
[70] D.R.Brandarkar, Asoka,tr.54-56;R.Mookerji, Asoka,tr.56.
[71] Bia ký XII.R.Mookerji, sau khi so sánh với tài liệu Arthaśàstra của Kautilya, cho rằng vraja-bhùmika là một quan chức trách nhiệm xây dựng các giếng nước, hồ nước, các vườn hoa, vườn cây ăn trái, các nhà nghỉ dành cho khách bộ hành , bảo vệ an toàn cho nhân dân và súc vật trên các tuyến đường. (Xem R.Mookerji, Asoka,tr.160-61, phần chú thích cuối trang.)
[72] Heras cho rằng Asoka là một triết gia hơn là một quốc vương, một bậc thầy về đạo đức hơn là một nhà quản trị. ( Xem QJMS, XVII, tr.276).C.J.Shah nêu quan điểm tương tự: “ Về phương diện chính trị, Asoka là một tín đồ phái Quaker và là người xứng đáng với vị trí một đạo sư hơn là một hoàng đế.” ( Xem C.J.Shah,Jainism in North India,tr.133 )
[73] RPBAI,tr.64-65.
[74] B.M.Barua,Asoka and his Inscriptions,tr.221-22.
[75] Phát hiện Ấn Độ, tập I,tr.201.
[76] Bia ký Kalinga II.
[77] Bia ký VI.
[78] R.Mookerji,Asoka,tr.50.
[79] R.Mookerji,Asoka,tr.50.
[80] RPBAI,tr.64.
[81] Bia ký Kalsi.
[82] Trụ đá I.
[83] Trụ đá IV.
[84] RPBAI,tr.64.
Nguồn: www.quangduc.com