DIPA MA
Cuộc
Ðời Và Di Huấn
DIPA MA -- The Life and Legacy of A Buddhist Master
Con đường chuyển hoá
Chương 4: Tận sức và Vượt qua
"Bạn có thể làm được bất cứ điều gì bạn muốn làm."
Như cuộc đời của Dipa Ma là một thí dụ điển hình, con đường đạo pháp là một hành trình của sự chuyển hoá nơi đó mọi tin tưởng hằng tưng tiu trong tâm và mọi hạn chế tự mình áp đặt cho mình được đem ra thách thức tại mỗi khúc quanh. Nhiệm vụ của vị Thầy là thúc đẩy các đệ tử vượt khỏi lằn ranh của điều mà họ tưởng là còn có thể làm được, để triệt tiêu hết mọi quan niệm về "Ta chẳng làm nổi". Bởi vì, cái "Ta" chẳng làm nổi" đó, và cái điều "chẳng làm nổi" đó, chúng là gì, nếu chẳng phải chỉ là một sản phẩm của tâm tư tạo dựng nên? Dipa Ma đã nhìn thấy, qua sự phát triển các năng lực của chính bà, rõ ràng rằng, chẳng có giới hạn nào ngăn cản tâm trí chẳng làm được. Ðôi khi bà tỏ ra phẫn nộ trong lời bà giảng dạy hay đề nghị, và lắm khi bà rất trầm tĩnh nhưng cũng khăng khăng nghiêm khắc nhắc nhở. Bà muốn đưa các học viên của bà đến tận bờ ranh, rồi thúc dục họ hãy vượt qua khỏi. Bà cũng dạy rằng "vượt qua khỏi" có nghĩa chỉ là thiện chí đơn giản muốn tự tỏ lộ mình ra, là cứ để cho mọi sự việc tự chúng tháo gỡ ra, rồi tự tan vỡ lấy, và cứ từ điểm ấy mà tiếp tục đi tới mãi.
Con đường chuyển hoá tuy nhiên, còn đòi hỏi nhiều hơn nữa ngoài sức cố gắng vượt lên trên các sự hạn chế của mình. Nó cũng cần đến sự thăng bằng giữa nỗ lực, ý đồ và năng lực của chúng ta. Dipa Ma thường nói, "Nếu bạn thực tập để tìm một kết quả, thì đó cũng là một trở ngại." Ý muốn được giải thoát dù sao cũng vẫn là một ý muốn -- một trong các chướng ngại quan trọng trên con đường đạo pháp. Trong một giai đoạn, sự sốt sắng rất hữu ích trên đường đạo, và đẩy ta tiến lên; nhưng đến một giai đoạn khác, chính cái việc tiện lợi ấy lại trở thành một chướng ngại, điều mà chúng ta cần nhận cho rõ đúng lúc. Giữ theo đúng những gì đang xảy ra mà chẳng bỏ cuộc -- đôi khi đó là tất cả những gì có thể làm được.
Một vị thiền sư cương nghị của Miến điện, U Pandita, đã khuyến cáo các đệ tử Tây phương của ông, trong số có cả tôi nữa, "Phải thực tập Thiền chẳng kể chi đến thân, mạng." Thiền sư Howard Cohn có nhận xét là đường lối của Dipa Ma có đôi chút khác biệt nhưng đầy ý nghĩa: "Phải thực tập Thiền chẳng kể chi đến thân, mạng, và với cả tấm chơn tình trong tâm." Dipa Ma đã hoàn mãn một hình thức nỗ lực chín chắn, một hình thức có đủ hùng mạnh và dịu dàng, vừa nam tính lại vừa nữ tính. Thực tập Thiền còn yêu cầu nhiều hơn một sự hăng say như kiễu võ sĩ đạo. Nó đòi hỏi nơi ta tâm từ bi và lòng thương yêu. (...)
Thiền sư Steven Smith nhận xét: "Nơi Dipa Ma có một đức tánh kỳ diệu về nỗ lực. Mọi sự việc đều là một cuộc phiêu lưu; thực tập cho đến nửa đêm cũng là một cuộc phiêu lưu. Nơi bà, thể hiện, thật rõ ràng, động cơ thúc đẩy việc thực tập Thiền đã khởi phát từ sự nhiệm mầu của mỗi phút giây."
Thiền sanh Sharon Kreider cũng phụ hoạ theo ý hướng đó: "Bà dạy chúng tôi rằng, chánh niệm trong sự tỉnh giác chẳng phải là điều mà ta cố tranh đấu để có được; nó có sẵn đấy, hiện diện ở mọi thời. Ðâu phải tôi cần chụp nắm lấy nó, sự tỉnh thức chỉ giản dị có mặt cùng với những gì đang xảy ra, nó khởi lên vào mọi lúc."
Ðối với đa số các thiền sanh Tây phương, mối thách thức to lớn nhứt chính là sự quân bình giữa nỗ lực, dịu dàng, hoà ái, với lòng từ bi chịu chấp nhận.
Thực tập trong mọi thời. - Khi Dipa Ma hỏi về sự thực tập của tôi, tôi đáp, tôi ngồi thiền buổi sáng và buổi tối mỗi ngày, thời gian còn lại tôi đến sở làm việc. Bà mới hỏi: "Còn hai ngày cuối tuần thì anh làm gì?" Tôi chẳng nhớ đã trả lời bà ra sao, nhưng bà nói tiếp: "Có những hai ngày. Anh phải nên thực tập suốt cả trọn ngày, thứ bảy và chúa nhựt." Rồi bà giảng cho tôi một bài học làm thế nào mà tận dụng thời giờ của tôi. Tôi chẳng thể nào quên bài học nầy: phải thực tập trong mọi thời. --Bob Ray.
Ðừng có lười biếng. - Lần cuối cùng tôi gặp Dipa Ma trước khi bà mất, bà bảo tôi phải ngồi thiền trong hai ngày. Bà chẳng muốn nói là một thời tĩnh tâm trong hai ngày, mà là phải toạ thiền suốt hai ngày dài! Tôi phá lên cười; hình như đó là một điều hoàn toàn chẳng thể làm được. Nhưng với một giọng từ bi vô lượng, bà bảo tôi: "Ðừng có lười biếng!" -- Joseph Goldstein
Giới hạn của chúng ta đến đâu? - Khi Dipa Ma đến giảng dạy ở Hội Thiền Minh sát trong ba tháng an cư năm 1984, trong giảng sư đoàn, Joseph và Sharon thành một nhóm, còn Dipa Ma và tôi một nhóm khác. Chúng tôi ngồi nghe thiền sanh trình pháp suốt buổi sáng, dùng cơm trưa xong, thì Dipa Ma trở về nhà bà bên kia đường; còn tôi thì quay về phòng riêng để nghỉ ngơi trước khi giảng dạy tiếp vào buổi xế.
Vừa đến lúc tôi sắp ngả lưng đánh giấc ngủ trưa thoải mái, tôi nhìn xuyên khung cửa sổ và thấy Dipa Ma đang đi thiền hành bên ngoài. Năm ấy, bà đang bịnh, và trời bên ngoài rất lạnh. Bà chỉ mặc chiếc áo sari vải trắng, đều đều bước đi tới, rồi bước quay lại, dưới màn tuyết trắng. Và người trong cảnh đó là một bà lão với bịnh trạng đau tim.
Tôi cứ nhìn qua cửa sổ, và tôi cứ nhìn Dipa Ma, rồi tôi lại nhìn đến chiếc giường của tôi, lại quay ra nhìn Dipa Ma... Tôi cảm thấy tôi phải chấp nhận giới hạn của mình. Tôi biết tôi chẳng thể bước ra ngoài đi thiền hành vào giờ nầy, nhưng tôi thấy được sự khác biệt và rất khen ngợi. Lòng chí thành kiên cố của bà để hoàn mãn, để được giải thoát hoàn toàn, đã đem lại uy lực mãnh liệt cho bà, nhưng lại là một uy lực rất ư dễ mến. Bà chẳng bao giờ ngừng nghỉ cả. Ðiều đó, cùng với sự nhận thấy ra hành động của bà chẳng phải do chán ghét hay do luyến ái thúc đẩy, làm lóa trí ta. Tôi đã thấy biết hết tất cả điều nầy, và rồi tôi lại bước lên giường nghỉ trưa! -- Michele McDonald Smith
Chỉ có ý tưởng mình mới hạn chế mình. - Năm 1974, tôi ghé Calcutta để từ giả Dipa Ma. Tôi nói với bà: "Tôi trở về Mỹ một thời gian ngắn để bồi bổ sức khoẻ và kiếm chút tiền nong, rồi sẽ trở qua đây."
Bà lắc đầu và quả quyết: "Không, khi chị về Mỹ rồi chị sẽ giảng dạy về Thiền với Joseph".
Tôi đáp: "Không, tôi chẳng dạy đâu", và bà bảo: "Ừ, chị sẽ dạy", rồi tôi nói: "Không, tôi chẳng dạy".
Sau cùng, bà nhìn thẳng vào mắt và tuyên bố: "Ta có thể làm bất cứ điều ta muốn làm. Chỉ có ý tưởng rằng ta chẳng làm nổi mới hạn chế khả năng của ta." Bà nói thêm: "Chị nên dạy, vì chị đã thật sự thấu hiểu sự đau khổ."
Ðó là lời chúc phước lớn lao bà đã gởi cho tôi về Mỹ. Ðã hai mươi tám năm qua rồi. Và bà nói đúng. -- Sharon Salzberg
Bạn có đủ thời giờ. - "Nếu bạn là một người nội trợ, bạn có đủ thời giờ", Dipa Ma bảo tôi như thế. "Sáng sớm, bạn tập thiền trong hai giờ. Tới khuya, bạn cũng tập thêm hai giờ nữa. Hãy học cách chỉ ngủ mỗi đêm bốn giờ thôi. Chẳng cần phải ngủ nghỉ hơn bốn tiếng.". Tôi ngồi thiền đôi khi cho đến nửa đêm, hoặc thức giấc vào hai hay ba giờ sáng để thực tập. Ma dạy chúng tôi rằng phải giữ sức khoẻ để có thể tiếp tục tu tập. Bà bảo giữ đúng năm giới mỗi ngày sẽ giúp ta có đầy đủ sức khoẻ. -- Pritimoyee Barua
Hãy làm gì bạn có thể làm. - Tôi hỏi Nani (Dipa Ma), "Tôi nghe nói bà dạy Thiền Minh sát (Vipassana). Thiền là gì vậy?
Bà cắt nghĩa cho tôi thế nào là Thiền Minh sát, rồi nói: "Trước đây, tôi cũng như chị, đau khổ rất nhiều. Tôi tin rằng chị có thể bước đi theo con đường đó để tự giải thoát mình."
Tôi bảo bà, "Tôi còn biết bao nhiêu sự lo lắng cho mẹ tôi, cho con trai tôi, tôi còn phải dọn dẹp nhà cửa trong gia đình, và coi sóc việc buôn bán ngoài lò bánh mì nữa. Còn có thể nào cho tôi thực tập Thiền Minh sát được hay sao?"
-- Ai bảo thế? Khi chị đang nghĩ tới con chị hay mẹ chị, chị hãy đến với họ trong chánh niệm. Khi chi đang lo việc bếp núc, chị biết chị đang làm việc đó. Là một con người, chị đâu thể giải quyết được hết tất cả mọi vấn đề của chị. Những việc chị đang phải đối đầu và chịu đau khổ, chị hãy mang sự tỉnh thức đến với chúng.
-- Nhưng mà giữa lò bánh mì và gia đình của tôi, tôi chẳng thấy có được nổi năm phút để tập Thiền. -- Nếu chị dàn xếp để có được năm phút mỗi ngày, thì cứ tập ngay đi. Thật là quan trọng phải làm ngay những gì mình có thể làm được, chẳng kể đến ít nhiều.
-- Tôi biết tôi chẳng thể nào dành riêng được năm phút. Chẳng thể được mà.
Nani liền hỏi tôi rằng, ngay giờ đây, tại chỗ nầy, tôi có thể ngồi xuống tập Thiền cùng bà trong năm phút không? Thế là tôi ngồi thiền cùng bà trong năm phút. Bà vẫn chỉ cho tôi các điều căn bản về thiền tập, mặc dầu tôi nói tôi chẳng có thời giờ.
Dầu sao đi nữa, tôi cũng tìm được năm phút rỗi rảnh mỗi ngày, và tôi tuân theo các lời bà dạy bảo. Tôi tập trong năm phút mỗi ngày, rồi lâu hơn, cứ lâu hơn nữa. TậpThiền trở nên ưu tiên số một của tôi. Tôi thực tập ngay những lúc nào có thể được. Rồi tôi tìm được thời gian càng ngày càng dài hơn để thực tập. Chẳng bao lâu, tôi toạ thiền nhiều giờ một ngày, đến khuya, đôi khi cả đêm sau khi làm xong mọi việc. Tôi đã tìm thấy được năng lực và thời gian mà tôi chẳng ngờ là tôi đã có. -- Sudipti Barua
Ðẩy lên nấc cao hơn. - Hầu như mỗi lần tôi từ giả Dipa Ma sau hơn mấy giờ tiếp xúc, bà đều khích lệ tôi nên thực tập miên mật thêm hơn. Bà luôn luôn cố đẩy tôi vươn lên nấc thang cao kế tiếp. "Tôi hi vọng anh sẽ nhớ ngồi trong X giờ," hoặc "Tôi hi vọng anh sẽ cố gắng làm việc X đó." Có vài lần bà dùng đến từ ngữ: "Tôi kỳ vọng anh sẽ... " Bà hằng nói với một giọng thật là dịu dàng, chẳng bao giờ đượm vẻ quá khẩn thiết, nhưng bên dưới lại có cả một sự quyết tâm chơn thành muốn điều đó. -- Steven Schwartz
Mãi luôn thơ thới. - Trong thời kỳ an cư hai tháng của tôi với Dipa Ma, tại các buổi trình pháp thường lệ của tôi, bà luôn luôn đặt trọng tâm vào những điểm cần phải cố gắng thêm trong việc thực tập của tôi. Thí dụ như các cảm xúc đặc biệt nào vẫn còn mạnh mẽ? Trong buổi ngồi thiền, hay trong lúc nào đang ngồi, sức chú tâm lại trở nên yếu ớt? Tôi đã làm được gì đối với sự ngầy ngật vào lúc hết ngày? Chẳng phải bà chẳng tán thành sự vui say về các thắng điểm trong việc thực tập, nhưng bà luôn luôn muốn thảo luận về những gì đã chướng ngại sự miên mật của việc thực tập.
Ðiều làm ta thán phục Dipa Ma là tình trạng an nhiên liên tục của bà. Chẳng kể là bà đang ăn trưa, đi dạo hay chơi đùa với đứa cháu ngoại còn nhỏ, bà đều làm với sự chú tâm vừa mạnh mẽ lại vừa thơ thới.
Tôi nhớ ngay đến phương thức hướng dẫn thực tậpThiền của Dipa Ma khi chúng tôi vừa có một con rùa hoang được cưng nuôi trong sân thiền đường. Hàng rào dầu rào kín đến đâu cũng chẳng là chướng ngại cho con thú chậm chạp và kiên trì nầy. Ðể theo dấu nó, chúng tôi đã dán lên cái mai của nó một miếng băng keo có ghi số điện thoại của chúng tôi. Vài ngày sau khi nó biến đi đâu mất, thì điện thoại lại vang lên và chúng tôi sửng sốt trước các dặm đường xa xôi khi chạy xe đến chỗ để mang nó trở lại. Khi chúng tôi vừa thả nó ra ngoài sân, chơn nó vừa đụng đất thì nó đã khởi lên chuyến du hành khác nữa.
Cũng cùng thế ấy với Dipa Ma -- ta có thể trông thấy rõ một sự liên tục sâu xa cộng với vẻ nhàn nhã. Bà đã dạy tôi nếp phong nhã chính là sự tiết kiệm đúng mức: chẳng quá nhiều mà cũng chẳng quá ít. --Katrina Schneider
Bạn có thật sự làm điều ấy chăng? - Bà thường hay hỏi: "Bạn đã ngồi trong bao lâu? Sự tỉnh thức của bạn được như thế nào? Bạn đã giác tỉnh đến mức nào trong đời bạn?" Căn bản mà nói, câu hỏi của bà là: "Bạn có thật sự làm điều ấy không, hay là bạn chỉ nghĩ về điều ấy?" Thật là một tư tưỏng vĩ đại: "Sống trong sự tỉnh thức!" nhưng bạn có thật sự đang sống như thế ấy không? -- Jack Kornfield
Pháp (Dharma) ở khắp nơi. - Khi khoá an cư chấm dứt, tôi nói với Dipa Ma rằng, thật là khó khăn cho tôi, vì tôi ở tại một nơi xa vắng trong nước, chẳng có một tăng đoàn (Sangha, Tăng già, một cộng đồng các vị tì kheo) nào ở gần. Tôi hỏi bà cách tu tập làm sao khi chẳng có Tăng già. Bà đáp: "Phật pháp ở khắp nơi. Bạn ở nơi nào, cũng thế thôi." -- Michele McDonald-Smith
Sự tinh tấn toàn bích. - Món quá cao quí nhứt mà Dipa Ma đã hiến tặng tôi là chỉ cho tôi thấy những gì tôi có thể làm được và luôn luôn sống với điều ấy. Sự tinh tấn nơi bà thật là toàn bích. Những bực với khả năng tinh tấn đó chẳng hề cảm thấy chán nãn thoái tâm khi việc làm phải kéo dài thật lâu, hay khi gặp phải khó khăn trở ngại cách mấy đi nữa. Tháng vắn năm dài nào có xá chi, bởi vì sức can đảm nhẫn nại trong lồng ngực vẫn sẵn sàng có mặt đó. Bà đã đem lại cho tôi ý nghĩa: với chánh tinh tấn, mọi sự việc đều có thể thành tựu được. -- Joseph Goldstein
-ooOoo-
Chương 5: Nhìn thấu qua các vọng tưởng
"Hãy suy tư, và niềm tin sẽ đến từ bên trong."
Dipa Ma dạy rằng, bên trong tâm có đầy vọng tưởng, hết cái nầy đến cái khác, cũng tựa như những con búp bế có nhiều lớp, lồng vào nhau thành một con (nesting dolls). Khi bạn cởi con ngoài, thì còn những con bên trong. Cởi một con, lại lòi ra một con khác nữa. Ðến khi bạn đã lột tới con cuối cùng, và mở nó ra, bạn thấy gì ở bên trong? -- chỉ là một sự trống không, chẳng còn có chi hết cả. Và xung quanh bạn đầy những cái vỏ trống của những mẩu chuyện cũ của đời bạn, những vọng tưởng của đời bạn mà thôi. Bởi vì Dipa Ma đã có khả năng nhìn thấu suốt qua tất cả các mẩu chuyện cũ của cuộc đời (vọng tưởng của tâm), nên bà chẳng bao giờ công nhận có những thảm kịch cá nhơn bất cứ dưới hình thức nào. Bà muốn các học viên của bà phải sống với một sự thật sâu xa hơn là sự giải đoán rồi tự đồng hoá mình với những biến cố ngoại lai của đời mình. Dipa Ma đã thấu hiểu tường tận các thảm kịch của cuộc đời. Bản thân bà đã nếm mùi thống khổ của căn bịnh trầm kha, nổi đắng cay trước cái chết của chồng, của cha mẹ và của hai con, và cơn tuyệt vọng dày vò. Chỉ khi bà đã vượt qua khỏi sự tự mình đồng hoá với những cố sự và thảm kịch của đời bà, bà mới bắt đầu trở nên một con người giải thoát.
Chẳng thành vấn đề! - Ðôi khi gặp người đến với bà, mang theo tất cả những nổi âu lo phiền muộn, thì bà cười dòn, lại cứ cười. Bà chẳng thể nín cười được. Sau cùng, bà ôn tồn bảo: "Cái vấn đề mà bạn đang phải đối đầu đó chẳng thành vấn đề đâu. Chỉ vì bạn nghĩ, "Ðấy là nỗi khổ của tôi!", "Ðấy là điều mà tôi phải giải quyết cho xong". Ðừng suy nghĩ theo chiều hướng đó nữa, rồi thì chẳng có vấn đề nào cả." -- Dipak Chowdhury
Ðừng tưởng họ đã đảnh lễ con! - Khi tôi lên tám tuổi, tôi được làm lễ xuất gia ở Bồ đề đạo tràng (Bodh Gaya) theo sự đề nghị của bà. Tôi được làm tu sĩ trong ba ngày. Ngay sau lễ xuống tóc, thiên hạ bắt đầu đảnh lễ tôi. Tôi nghĩ, "Chà! Oai quá nhĩ!" Tôi cảm thấy mình rất đặc biệt. Nhưng bà ngoại tôi đã nhắc chừng tôi: "Ðừng tưởng họ đảnh lễ con. Họ chỉ đang lạy cái áo cà sa vàng của con đó mà thôi." -- Rishi Barua, cháu ngoại của Dipa Ma
Chẳng đặc biệt gì! - Chúng tôi ngồi ở băng sau trên chiếc xe đi thăm viếng thiền sư Munindra. Dipa Ma ngồi kế bên tôi và bà nắm tay tôi. Xuyên qua bàn tay của bà, tôi cảm thấy một luồng hơi nóng rần rần đầy tình thương truyền sang người tôi. Tôi như phơi mình trong nắng ấm. Có lẽ trong một hay hai phút, tôi đang say sưa đắm mình vào đó, thì trong đầu tôi lại nẩy vụt lên ý tưởng: "Ồ! Bà thật là đặc biệt!" Ngay lúc tôi nghĩ như thế, thì bà tức khắc buông tay tôi ra, một cách hết sức dịu dàng, và kể từ phút đó bà chẳng chạm tới nữa cho đến hết cuộc hành trình. -- Matthew Daniell
Bạn có ý định gì? - Một buổi tối nọ, một người sinh viên đến gặp Dipa Ma và đặt ra rất nhiều câu hỏi. Ðến từ một nơi trí thức đầy ắp lý thuyết trừu tượng, chàng ta tỏ rất thách thức và thích chạm trán, và cố làm cho bà phải tranh luận. Ðộ một lúc, bà ngưng lại và nói với một giọng hết sức trầm tỉnh: "Vì lý do nào mà bạn đến đây? Bạn có ý định gì?" Sự thành thật của câu bà hỏi đã tức thời làm câm miệng chàng sinh viên. -- Ajahn Thanasanti
Tháo mở tuôn ra. - Vừa mới tới Ấn độ, tôi muốn đến gặp ngay Dipa Ma. Jack, Joseph và Sharon liền nói: "Cứ đi đi." Thế là tôi đến tìm bà, ngay chiều tối hôm ấy. Tôi có điạ chỉ của bà, nhưng chẳng biết đi lối nào đến đó. Trời đã tối sầm khi tôi tới. Tôi còn nhớ bước xuống taxi, tại một khu nghèo khó trong thành phố, và vừa nhìn xuống con đường hẽm nhỏ hẹp, tăm tối, đầy rác bẩn, tôi vừa nghĩ: "Ðây, chắc chẳng phải đúng chỗ đâu." Nhưng mà đúng nơi thật.
Ðến mút đường hẽm, tôi bước tới gần một cầu thang trống trải, bên phải. Tôi được chỉ dẫn là bà ở tầng thứ tư, nhưng rất khó nhìn rõ và tôi càng lúc càng lo lắng có lẽ đã đi qua khỏi mất rồi. Nhưng sau rốt, tôi cũng đến bao lơn lầu tư, nói lên tên bà với người đầu tiên tôi gặp. Họ trỏ vòng quanh bao lơn về phía bên kia của khoảng sân trống. Có lẽ lúc nầy đã sáu hay bảy giờ tối rồi. Các học viên của bà đã ra về cả, và hiện giờ chắc là thời giờ dành riêng cho gia đình. Tôi lúng túng cáo lỗi, vì tưởng đâu chẳng tới quá muộn như vầy. Tôi vừa học xong bốn tháng thực tập thâm luyện. Nay đổ đuờng đến đây chỉ để học pháp, tôi nghĩ điều nầy chắc cũng phải quan trọng hơn là lo việc riêng tư cho mình.
Tôi nhìn thấy một người đàn bà gầy thấp đang đứng ngoài cửa. Tôi bấp búng vài tiếng, thì bà bảo tôi chờ, và gọi con bà là Dipa ra thông dịch. Tôi tự giới thiệu và nói là bạn- đạo rất thân với Joseph Goldstein và Sharon Salzberg cùng học pháp với nhau. Bà mời tôi đi vào căn phòng nhỏ của bà.
Tôi nhớ, ngồi trên chõng gỗ của bà, tôi bắt đầu kể lại vì sao tôi đến đây, thuật đầy đủ về mấy tháng tu tập ráo riết vừa qua và những kinh nghiệm đã thâu thập được. Bà thật hết sức tử tế và hiếu khách. Bà chăm chú nhẫn nại lắng nghe qua lời thông dịch của Dipa, dường như thể là vào giờ phút nầy, chẳng biết làm chi hơn là ngồi nghe một người đàn ông trẻ, kẻ vừa xâm nhập vào nhà bà, phô trương các kinh nghiệm đầy mình của hắn. Tôi càng tiếp tục nói thì có một sự việc gì, tự bên trong tôi, cứ tự tháo mở mà tuôn ra.
Chuyện xảy ra chiều hôm ấy chưa hề đến với tôi lần nào và cả về sau nữa. Tôi cũng đã lắm lần tỏ ra lo lắng khi gặp người khác trước đây. Qua năm tháng, tôi cũng đã gặp nhiều người quan trọng ở mọi tầng lớp xã hội. Nhưng chưa hề có chuyện giống như chiều nay. Tôi càng tiếp tục nói, từng đợt hoảng hốt và bối rối càng khởi dậy lên và tràn ngập cả tâm hồn tôi. Tâm tôi bắt đầu quay cuồng đến mức chẳng còn kiểm soát được. Tôi lo nghĩ có lẽ tôi đã bắt đầu nói mà chẳng ai hiểu được cả. Tôi cảm thấy cuống cuồng hoàn toàn và bối rối hết mực. Tất cả sự cao mạn của tôi, tất cả sự tự quan trọng hoá của tôi, tất cả kinh nghiệm của tôi, tất cả sự tự cho mình là đặc biệt và đang dự cuộc hành hương phi thường nầy, tất cả đều sụp đổ dữ dội bên tai tôi, chỉ trong khoảnh khắc. Và Dipa Ma chẳng có làm chi hơn là cứ ngồi đó nhìn tôi với đôi mắt từ ái và lắng nghe chăm chú. -- Jack Engler
Tất cả mọi sự vật đều vô thường. - Khi con trai tôi mất năm 1984, Dipa Ma đã làm tôi sửng sốt rụng rời khi nghe bà nói. Ðó là một bài học khó quên cho tôi. "Hôm nay con trai bạn đã rời cõi đời nầy. Tại sao bạn lại rụng rời thê thảm thế? Tất cả mọi sự vật đều vô thường. Chồng bạn vô thường. Con trai bạn vô thường. Con gái bạn vô thường. Tiền bạc của bạn vô thường. Nhà cửa bạn vô thường. Vật nào, việc gì cũng vô thường. Chẳng có chi là thường còn hết. Khi bạn còn sống, bạn có thể nghĩ: "Ðây là con gái tôi, đây là chồng tôi, đây là tài sản của tôi, đây là nhà của tôi, chiếc xe nầy thuộc về tôi". Nhưng đến khi bạn chết đi, chẳng có gì là của bạn hết. Nầy chị Sudipti, chị nghĩ chị là một thiền sanh đứng đắn, nhưng chị còn phải thật sự học hỏi rằng tất cả đều vô thường." -- Sudipti Barua
Chẳng chút lo lắng. - Ðiều mà tôi lo sợ nhứt -- chồng mất, đàn con mất -- đã xảy ra cho Dipa Ma, tuy vậy, mà coi kià, bà thật là yên lặng, trầm tĩnh, và tươi cười. Nhìn thái độ bà trước những nỗi khổ tâm gây nên phiền muộn, mà chính tôi cũng đã trải qua, nhưng chẳng chút lo lắng nào, thật một nguồn cảm hứng lớn. -- Sylvia Boorstein
Một số người Mỹ, lo âu về tình trạng nghèo khó trong khu vực chợ cũ của đô thị Calcutta, nơi Dipa Ma sanh sống, đã chung góp tặng phẩm để giúp bà dời khỏi nơi ấy. Một thiền sanh kể lại việc anh đến nhà Dipa Ma để trao số tiền xây cất nhà mới.
Buông xả. - Tính tổng cộng lại, tôi được hai mươi lăm ngàn đô la Mỹ trong quỹ xây cất ngôi nhà đó, tôi nghĩ nếu đổi ra tiền Ấn độ thì đủ cất được nửa ngôi nhà. Số tiền trên cũng dư cho cả gia đình Dipa Ma sống đầy đủ trong một năm. Bởi vì tôi mến thương bà quá -- và cũng có lẽ tại vì tôi tự quan trọng hoá mình chút chút -- tôi đã nhận lấy trách nhiệm mang số tiền đó đến long trọng trao cho bà, và với cả một niềm thích thú to tát.
"Hãy chờ xem bà nhìn đến những gì tôi đang mang lại cho bà", tôi đang thầm nghĩ, "Cả nửa ngôi nhà, chớ bộ!"
Khi đến nơi, tôi thưa với bà, tôi mang từ Mỹ đến một số tiền bằng đô la Mỹ. Bà bảo: "Chúng tôi chẳng thể đổi tiền Mỹ được. Chúng tôi lại chẳng được phép giữ đô la nữa. Bạn nên đem đổi ra tiền ru pi của Ấn độ." Cứ theo giá chánh thức đổi ngoại tệ vào lúc đó, thì hai mươi lăm ngàn đô la Mỹ trị giá khoản bốn mươi lăm ngàn ru pi. Tôi đến ngân hàng American Express Bank, và giấy bạc lớn nhứt mà họ có là giấy một trăm ru pi. Tôi bước ra khỏi nhà băng trên vai vác một bao tải đầy ắp giấy bạc ru pi. Trước đây, tôi đã bị cướp giựt hai lần tại Ấn độ -- một lần đến một ngàn đô la -- nên tôi cảm thấy thần kinh căng- thẳng khi vác bao bạc qua các đường phố ở Calcutta. Tôi lại có cảm tưởng như vai mình đang mang cả tương lai của Dipa Ma: ngôi nhà của bà, trọn tài sản của bà, và cả cơ duyên may mắn cho bà sống một đời sung túc. Tôi đi thẳng từ ngân hàng đến nhà bà. Mất gần một giờ mới đến nơi, và theo mỗi bước đi, lòng lo âu của tôi càng lên cao. Tôi rất nôn nóng để nhìn thấy gương mặt bà. Trước đây, chúng tôi nghĩ là phải mất đến năm năm mới quyên đủ số, thế mà đây, sau ba tháng đầu thôi, tôi lại được hân hạnh đem nửa ngôi nhà đến cho bà. "Chắc bà vui mừng lắm!", tôi thầm nghĩ mãi như thế. Ðến lúc tới nơi, tôi ướt đẫm cả mồ hôi. Tôi vừa bước qua cửa, Dipa Ma đã đặt tay lên đầu tôi và nói các lời chúc lành thường lệ. Bà bảo, "Bạn thật trông như người mất hồn!" Ý tôi chẳng muốn nói ra: "A! Tôi ớn sợ các đồng bào của bà ở đây lắm. Tôi sợ bị cướp giựt." Thay vì như vậy, tôi đã nói: "A! Tôi phải đem đổi hết số tiền. Thật nhiều giấy bạc quá, nên tôi lo lắng khi mang tiền mặt nhiều như vầy."
Tôi đặt bao tải xuống, mở ra và đổ đầy lên sàn nhà. Cảnh tượng lúc ấy giống như trong phim chiếu bóng, từng chồng, từng chồng giấy bạc ru pi khắp cả gian phòng. Bà chẳng chớp mắt nhìn, chẳng có chút chi tỏ ra hân hoan hay khích động. Bà lặng lẽ đẩy các chồng giấy bạc xuống dưới gầm giường, rồi lấy tấm vải phủ lên trên.
Tôi thắc mắc ngẫm nghĩ, "Ðể dưới gầm giường à? Bốn mươi lăm ngàn ru pi -- ai lại đem dấu dưới gầm giường một số bạc to tát như vậy? Sao lại chẳng tìm một nơi nào an toàn hơn để khỏi bị đánh cắp? Rồi làm sao mua nhà mới? Thôi hãy bàn về vụ nhà cửa!."
Bà chẳng nói đến tiếng nào về ngôi nhà và số tiền dành để mua. Thay vào việc đó, bà lại tỏ ra lo lắng cho tôi. Bà bảo, "Nầy anh bạn, bạn nên trầm tĩnh lại. Bạn đừng quá xao xuyến như vầy." Rồi bà quay lại bảo Dipa: "Chúng ta phải mời khách dùng cơm chớ!"
Dọc đường ra về, tôi nghĩ có lẽ nên nói với Dipa về số bạc. "Mẹ chị để hết số bạc dưới gầm giường. Tôi lo chẳng được an toàn đấy. Chị nên mang gởi ở ngân hàng."
Dipa cười to: "Ồ! Gởi nhà băng đâu có an toàn. Nhưng ở đây, an toàn hơn."
Tôi định phản đối, nhưng rồi tôi nghĩ ra, vấn đề ngay tự lúc ban sơ, chính là do tôi. Tôi chẳng phải chỉ là một công cụ giản dị để chuyển đạt lòng hảo tâm của những người khác, tôi còn muốn xem đó như là "của tôi". Tôi đã biến việc đó ra thành một đại sự, bằng cách bơm chích vào đó chút ý tưởng "mình là người quan trọng". Ngay cả khi tôi đã trao số bạc cho mẹ con bà rồi, tôi cũng còn chưa muốn buông xả nó. Chỉ khi Dipa bảo, "Ðừng quá lo, sẽ được an toàn mà!", tôi mới bừng tỉnh mà nói được lên: " O.K., bây giờ là của chị đó."
Tôi chẳng hỏi thêm câu nào nữa, và cũng chẳng còn nghĩ đến lần thứ hai về số bạc hay về ngôi nhà. Khi tôi rời chung cư nơi họ ở, tôi cảm thấy được cởi nhẹ một gánh nặng. Trên thực tế, tôi chẳng hề được biết họ có xây cất ngôi nhà hay không. Và chính bây giờ là lần thứ nhứt mà tôi nghĩ đến việc ấy, sau mười lăm năm. -- Steven Schwartz
-ooOoo-
Chương 6: Sự Giải thoát sâu xa nhứt
"Lần hồi, tôi làm quen với sự đau khổ,
nguyên nhân của đau khổ,
sự khởi sanh của đau khổ,
và sự chấm dứt của đau khổ.
Dipa Ma tin tưởng, một cách vô điều kiện, rằng sự giác ngộ -- sự giải thoát hoàn toàn của tâm và trí -- là mục đích của đời sống con người và là lý do căn bản của việc tu tập thiền định. Bà nhắc đi nhắc lại, chẳng hề mệt mỏi, với các học viên của bà: "Các bạn phải thực tập cho đến ít nhứt là giai đoạn đầu của sự chứng ngộ. Bằng không, các bạn đã phí mất cuộc sống làm người."
Trong truyền thống của Phật giáo Nguyên thủy (Theravada), ít thấy viết về các kinh nghiệm thật sự về giác ngộ. Sự kín tiếng của nhiều vị thiền sư ít chịu bàn huận về đề tài nầy, phần lớn là để tránh sự khởi lên một thái độ nỗ lực (vì mong cầu). Chương nầy đem ra ánh sáng những kinh nghiệm về giác ngộ, với mục đích là chỉ cho thấy rõ chẳng có gì bí mật hay siêu nhiên về các kinh nghiệm đó cả. Và trong khi chẳng hề có "một đường lối chơn chánh" (duy nhứt) trên con đường đạo pháp, và do lẽ ấy, chẳng có chi để phán đoán, so sánh hay dự đoán, thì Joseph Goldstein đã cống hiến một cái "thắng hãm bớt lại" quan trọng nầy: "Kinh nghiệm về giác ngộ là sự xả bỏ cái "tự ngã". Qua bao năm, tôi đã từng thấy nhiều người đã thể nghiệm sự chứng ngộ và dùng nó để tạo thêm tự ngã. Họ bám vào kinh nghiệm đó và tự đồng hoá với nó. Ðó là đã lạc mất mục tiêu rồi, và gây thêm ra rất nhiều đau khổ."
Thiền giả cảm tử (Kamikaze yogi). - Hai lần đầu tôi dự khoá an cư, ba tháng mỗi lần, (...) tôi tự miêu tả tôi như là một "thiền giả cảm tử" (Kamikaze yogi). Nhưng đến khoá an cư thứ ba thì chảy nước mắt ngay từ ngày đầu cho đến ngày chót. Nhiều lúc, tôi cảm thấy đau thắt bên trong và rã rời ra từng mảnh, cho đến nổi tôi tưởng chẳng thể nào ngồi lâu hơn năm phút được. Lúc đầu, tôi đến trình với Dipa Ma, và bà đề nghị tôi chỉ cần "ghi nhận điều đó".
Nhưng sau cùng, đã đến một lúc nào đó tôi cảm như tôi sẽ vở tung lên, nếu tôi nán ngồi lâu thêm nữa. Dipa Ma ngồi bên cạnh, cầm lấy tay tôi, và vuốt ve rất dịu dàng và âu yếm, như người mẹ đang vuốt ve đứa hài nhi. Vừa làm thế, bà vừa trấn an tôi: "Nếu chị vượt qua được chuyến nầy, chị sẽ được công đức rất lớn."
Bằng hành động và lời nói ấy, bà đã trao truyền sang tôi lòng tín nhiệm và từ ái của bà đối với tôi. Tất cả mọi sự ngờ vực đều tan biến khỏi nơi tôi. Tôi hoàn toàn đặt niềm tin nơi lời bà nói. Tôi liền trở lại thiền phòng, ngồi lên toạ cụ của tôi và... một cái gì vừa mới mở ra... Tôi chẳng biết phải mô tả như thế nào mới đủ. Tôi bắt đầu thể nghiệm các điều như bạn đã đọc thấy trong các bản văn cổ điển về giác ngộ. Bà hướng dẫn tôi với các quyết định đặc biệt trong thời gian nầy.
Tôi hết sức thâm cảm bà đã kéo giữ tôi lại để tiếp tục thực tập. Mặc dầu trong hai tháng rưỡi còn lại tôi bị sự đau nhức và xao động bất an đến hành hạ và nhiều lần tôi muốn "cuốn chiếu lại" để về nhà, bà giữ tôi lại để tiếp tục mãi. -- Ẩn danh.
Bạn có được chứng ngộ không? - Dipa Ma đến dạy một khoá học ở trường tôi, trong ba tuần lễ. Ðến cuối khoá,chúng tôi phải thực tập một cuộc an cư cuối tuần. Một ngày trước cuộc an cư, bà nói với tôi rằng: "Chị sẽ có được một "kinh nghiệm về thấu hiểu rõ". Tôi phân vân tự hỏi, "Chẳng biết kinh nghiệm đó nghĩa ra làm sao?"
Ðêm đó, tôi ngồi thiền được một lúc rồi đứng dậy vì tôi buồn ngủ quá. Tôi trở lại phòng tôi, và có cái gì thay đổi xảy ra. Tôi nhận ra là tôi cần trở lại thiền phòng và thực tập thêm. Tôi liền quay lại ngồi tập, và tôi trở nên hết sức chú tâm. Chỉ giản dị là sự theo dõi hơi thở của tôi. Tôi để ý đến cả từng tiểu vũ trụ của sự phồng lên và dẹp xuống của bụng, từng chi tiết nhỏ nhiệm, và tôi lại có cả khả năng nhìn ra sự khởi lên của ý định tư tưởng. Nó cũng tựa như cái bong bóng sắp vỡ, rồi tư tưởng có mặt ở đấy, rồi lại qua đi, và kế đến là một sự dừng nghỉ, rồi lại một ý định tư tưởng khác khởi lên tiếp để rồi lại vỡ tan như bọt bong bóng trên mặt nước. Và cứ như thế.
Ðó, chẳng phải là do tôi đang làm được như vậy, vì tôi đâu có đủ khả năng về trình độ định lực đó. Tôi nghĩ đó chỉ giản dị là ân sủng của Dipa Ma đã ban cho tôi. Có một sự lắng đọng khó tin, và một khoảng không gian khổng lồ gìữa các tư tưởng với nhau nơi mà chẳng có gì xảy ra.
Kế đó là một sự chuyển biến lớn lao về sự tỉnh thức, tựa hồ như tôi đã "đi vắng" ở nơi nào đó mà sự chú ý trở ngược lại. Chẳng còn có ai ở đó cả, chỉ có sự khởi lênvà sự qua đi của sự việc. Ðiều đó đã thổi tung tôi đi mất.
Ngày hôm sau, Dipa Ma hỏi tôi: "Sao, bạn có được chứng ngộ chưa?" Sau nầy, vì hiện tôi còn mới thực tập thiền -- tôi chưa có căn bản và kinh nghiệm về thiền quán -- nên có nhiều sợ hãi nổi lên. Trước nhứt là sự tỉnh giác rất khó tin nầy, kế đến là sự sợ hãi khởi sanh khi tôi thấy mọi sự vật đang được hủy diệt từng giây phút. Tâm trí tôi trở nên hết sức mù mờ; tôi chưa có khả năng nhìn thấu qua sự mù mờ đó, và phải đợi một thời gian thật lâu trước khi kinh nghiệm chín muồi nơi tôi. Mãi ba năm sau tôi mới có ý muốn ngồi thiền lại. -- Ẩn danh
Sự chứng ngộ đúng ra là việc thường tình đối với các thiền sinh Ấn độ của bà Dipa Ma. Jack Engler kể lại rằng, họ thực tập trong khung cảnh gia đình, và ngay trong đời sống hằng ngày. "Khi Dipa Ma nhận ra được một sự chín muồi trong việc thực tập của họ, bà liền bảo họ: "Hãy thu xếp công việc, xem coi bạn có thể vắng nhà trong hai tuần lễ không, rồi đến đây và ngồi trong căn phòng nầy, bên cạnh tôi, để dành trọn nỗ lực trong mười hay mười lăm ngày cho việc tu tập". Ðấy chính là lúc sự chứng ngộ đã xảy đến cho họ. Ðó là tất cả sự thực tập ráo riết nỗ lực của chính họ, và kể cả khi một vài người trong bọn họ phải trở về nhà trong thời gian đó để giải quyết công việc trong gia đình."
Chỉ cần hai hay ba ngày thôi. - Tôi chở mẹ tôi mỗi buổi chiều đến tu viện (lời của con gái bà Hema, gọi Dipa Ma bằng dì). Tôi gặp được một phụ nữ người Miến điện kể cho tôi nghe việc bà thực tập thiềntại nhà, giữa bầy con còn nhỏ. Bàphải làm việc cả ngày, và ngồi thiền vào buổi tối khi các con bà đã ngủ. Chỉ trong hai tháng, bà bảo bà đã đạt được giai đoạn đầu của sự chứng ngộ.
Tôi liền noi theo tấm gương đó trong khi tôi đang theo học chương trình cao học ở nhà trường. Tôi thức giấc vào bốn giờ sáng và ngồi thiền đến năm giờ rưỡi. Tôi đi học cho đến ba giờ rưỡi chiều, kế đó đưa mẹ tôi tới chùa. Sau đó, tôi làm bài, học bài cho đến chín giờ đêm. Bấy giờ, tôi đi thiền hành trong một giờ, tay dắt con chó của tôi. Rồi tôi toạ thiền thêm một giờ nữa, đến mười một giờ khuya mới đi ngủ.
Trong mọi thời, trên xe buýt đến trường, trong lớp học, bất cứ nơi nào, tôi cũng tập "niệm" (ghi nhận mỗi kinh nghiệm cảm giác). Hai hay ba tuần lễ sau, thiền sư Munindra bảo tôi, hãy lấy ngày nghỉ phép, rồi đến tập thiền. Tôi đáp, chẳng thể nào nghỉ học được; ông lại bảo: "Thôi được, hai hay ba ngày cũng đủ rồi!" Thế là tôi đến từ ngày thứ Năm cho tới hết ngày Chúa nhựt. Vì thời gian eo hẹp, tôi quyết định thức trọn cả đêm Thứ Năm và liên tục ngồi thiền cho đến sáng Thứ Sáu.
Ðến gần một giờ khuya đêm Thứ Sáu, tôi cảm thấy dường như có cái gì bất ổn đây. Sáng ngày, tôi thuật lại cho mẹ tôi và dì tôi là Dipa Ma hay rằng có điều gì lạ lùng đã xảy ra cho tôi đêm qua. Cả hai phá lên cười, và cười. Hai bà bảo tôi, đó là giai đoạn đầu của sự chứng ngộ, và hai bà rất mừng cho tôi. -- Daw Than Myint
OK, có một con cọp đi đến. - Chính vào ngày tôi gặp gỡ Nani (Dipa Ma) lần đầu tiên, bà đã dạy tôi những điều căn bản về thiền tập rồi bảo tôi rằng, "Chị có thể thực tập ngay tại nhà." Xế trưa hôm đó, về tới nhà, tôi thực tập ngay, và ròng rã trong hai mươi ngày.
Trong khoảng thời gian hai mươi ngày thực tập thiền định, tôi cảm thấy lên cơn sốt nặng, tựa như có một thanh sắt nóng đang xuyên qua thân tôi. Rồi tôi thấy rắn bò lổm ngổm khắp nơi, với bầy cọp nhảy tới chụp tôi. Tôi trình lại với Nani, và bà nói với tôi, "Ðừng có lo ngại. Khỏi uống thuốc men gì cả. Bạn đang sốt, nhưng đó chẳng phải là một cơn bịnh: cứ để nó tự nhiên lui đi mất. Chị chỉ cần tỉnh giác về việc ấy. Cứ cảm thấy nó và ghi nhận nó. Khi rắn hay cọp đến, đừng sợ hãi, cứ niệm: "OK, một con cọp đi đến". Chỉ có thế mà thôi!"
Rồi tôi lại thấy nhiều hình ảnh quái dị: thây người chết. Tôi thấy nhiều thây chết, rất nhiều, ở những nơi khô cằn, và tôi phải ngang qua các xác chết. Tôi sợ đến hãi hùng. Nani bảo, "Ðừng sợ hãi gì. Cứ niệm trong đầu "Thấy! Thấy!". Những hình ảnh đó đến do từ nhiều kiếp trước của mình. Những gì chúng ta đã làm trong các kiếp trước, thường hiện lên trong tâm chúng ta khi ngồi thiền." Theo lời bà chỉ dạy, tôi niệm: "Thấy một xác chết!" hoặc "Bước qua một xác chết!" Và tôi tiếp tục ghi nhận, "Tôi đang thấy trong tâm..."
Chẳng bao lâu, chỉ còn có sự tỉnh giác mà thôi, các hình ảnh đã tan biến, ngừng hẳn, và tâm tôi trở nên trong suốt và an lạc, và tôi đã đi đến sự giác tỉnh. Tất cả những đau nhức đã được quét sạch. Tôi đạt đến sự thông hiểu rõ về thân tôi là gì, tâm tôi ra sao, và chính đó là đường lối của sự tu tập Thiền. Chẳng hề có sự thoái chuyển. Sau hai mươi ngày, tôi rời chỗ ngồi và dấn thân đi vào thế giới. -- Jyotishmoyee Barua
Vật quí báu nhứt. - Khi tôi đang bận lo công cuộc khảo cứu ở Calcutta, Dipa Ma giới thiệu người láng diềng của bà cho tôi. Bà ấy sáu mươi lăm tuổi, tên là Madhuri Lata. Bà nầy đã nuôi nấng con cái, nay chúng đã lập gia đình riêng nơi khác. Chẳng giống với những đại gia đình Ấn độ đông con cháu, bà Madhuri sống quạnh hiu với người chồng già. Chồng bà bảo, "Ngày nay bà chẳng có việc chi làm. Có người "dì"của bà là Dipa Ma đang dạy tu tập Thiền kia. Sao chẳng đến thưa chuyện với bà ấy? Rồi sẽ có việc cho bà để làm đấy." Bà Madhuri, trí óc hơi chậm chạp, nghe lời chồng, đi đến gặp Dipa Ma, và được Dipa Ma chỉ dạy cho những điều căn bản (chú ý vào sự phồng, xẹp của cái bụng theo mỗi hơi thở vào và ra, rồi) ghi nhận trong tâm "phồng, xẹp, phồng, xẹp". Madhuri bảo, "Ðược rồi", và quay ra về. Vừa bước xuống lầu chưa được nửa cầu thang, bà đã quên khuấy mất lời chỉ dạy. Bà trở lên lại.
-- Tôi phải làm những gì? Bà ta hỏi Dipa Ma.
-- "Phồng, xẹp, phồng, xẹp", Dipa Ma đáp.
-- A! Ðúng rồi!
Bốn bận, Madhuri quên mất lời dạy và phải quay trở lại hỏi nữa. Dipa Ma rất kiên nhẫn với bà Madhuri. Phải mất cả năm, bà ta mới thông hiểu rõ lời chỉ dạy căn bản; nhưng một khi bà đã nắm vững được rồi, dõng mãnh tựa như con cọp, bà bắt đầu thực tập. Madhuri trước đây lưng còng xuống thấp vì bị bịnh phong thấp và đau ruột. Khi tôi gặp bà, sau khi bà đã thể nghiệm sự chứng ngộ, bà đi đứng thẳng lưng. Chẳng còn đau ruột nữa. Bà ta thật là một người đàn bà bình dị, dịu ngọt và dễ mến nhứt.
Bà kể việc bà chứng ngộ cho tôi nghe, "Hồi nào tới giờ, tôi vẫn muốn kể lại cho một ai nghe cái giây phút thần diệu ấy đã đến với tôi, mà chưa có dịp, như hôm nay, để chia xẻ vật quí báu nhứt trong đời tôi." -- Jack Engler
Mặc dầu gặp các khó khăn thật nghiêm trọng về cảm xúc, một tu sĩ Việt Nam, Hoà thượng Khippapanno, đã đạt được sự chứng ngộ, dưới sự khuyến khích của Dipa Ma. Năm 1969, người tham dự một khoá an cư, và trong năm ngày, người chẳng thể nào ngừng dứt được vừa cười vừa khóc. Vị thiền sư hướng dẫn cho rằng Khippapanno đã phát cuồng rồi và khuyên ông nên chấm dứt an cư để trở về nhà. Hay tin đó, Dipa Ma mới mời Khippapanno đến thực tập cùng với bà.
Mọi cảm xúc đều từ trong suy nghĩ mà ra. - Trọn một tháng trời, tôi đến thực tập tại nhà bà. Bà khuyên dạy tôi, "Ông sẽ khắc phục được sự khó khăn nầy. Nếu mọi sự việc đều được ghi nhận, tất cả những khó khăn về cảm xúc của ông sẽ biến mất. Khi ông cảm thấy vui, chớ có bám dính vào sự vui. Và khi ông cảm thấy buồn, cũng đừng bám dính vào nỗi buồn. Bất cứ điều gì đến, cũng đừng lo âu. Chỉ cần biết nó đến, vậy thôi!"
Trong kỳ an cư sau, khi tôi cảm thấy sự điên rồ trở lại, tôi liền nhớ đến lời bà dạy. Tôi gặp phải khó khăn quá nhiều về các cảm xúc, đến nổi tôi muốn bỏ ra về, nhưng tôi nhớ sự tín nhiệm bà đã đặt nơi tôi và lời bà nói: "Sự thực tập của ông tốt. Chỉ cần niệm tất cả mọi sự việc, rồi thì ông sẽ khắc phục nỗi khó khăn." Với ý thức biết bà tín nhiệm nơi mình, nên định lực của tôi càng lắng sâu dần.
Chẳng bao lâu, tôi nhận thấy được mọi xúc cảm đều từ nơi suy nghĩ mà phát xuất, chẳng có gì thêm. Tôi đã tìm thấy ra rằng, một khi tôi biết cách quán sát các tư tưởng dẫn đến các cảm xúc, tôi có thể khắc phục được chúng. Và rồi tôi thấy rằng tất cả mọi tư tưởng đều do từ dĩ vãng hay từ tương lai mà đến, vậy nên tôi bắt đầu chỉ sống với hiện tại, và rồi tôi phát triển được sự thức tỉnh càng ngày càng hơn lên... Tôi dứt bặt mọi tư tưởng được trong một thời gian, chỉ có chánh niệm thôi, và bấy giờ thì tất cả mọi khó khăn về cảm xúc đều biến mất. Giống như vầy! Thế rồi tôi lại được một sự thể nghiệm. Tôi cũng chẳng biết đó là gì, vào độ ấy. Ðó chỉ là một giây phút, và chẳng có ai lúc ấy để xác nhận. Các vấn đề xúc cảm của tôi, tự bấy giờ, chẳng hề trở lại.
Sau nầy, vào năm 1984, khi tôi gặp Dipa Ma ở Mỹ, bà kéo tôi đứng riêng ra và hỏi về sự thực tập thiền của tôi. Khi nghe tôi kể lại, bà bảo rằng tôi đã chứng xong được giai đoạn thứ nhứt của sự giác ngộ. Bà nói với tôi, như người mẹ nói với con vậy. -- Sayadaw Khippapanno
-ooOoo-
Chương 7: Bạn sống đời bạn ra sao?
"Trọn con đường của chánh niệm là:
Ðang làm gì, phải ý thức việc đang làm."
Tôi được nghe một vị thiền sư có lần nói với bạn: "Tôi biết anh ta đang học được một việc gì, bởi vì bây giờ thấy bới khó sống gần anh ấy." Tuệ giác, tuệ giác thật sự, thay đổi cả lối sống của chúng ta; tuệ giác khiến ta trở nên dịu hiền hơn đối với mỗi người với nhau, và đối với cả hành tinh. Sự tu tập của bạn có thể mang lại phần thưởng lớn về tuệ giác. Nhưng dầu cho tuệ giác đến mức thần diệu đến đâu, các kinh nghiệm về tuệ giác cũng vút qua, nhứt thời. Dầu có được giác ngộ cùng không, thì vấn đề vẫn là: Bạn đã sống đời bạn ra sao? Ðây, một trắc nghiệm giản dị, nhưng quan trọng: Bạn rửa chén bát ra sao? Bạn phản ứng như thế nào khi có người lái xe cắt ngang bạn trên xa lộ?
Dipa Ma là một tấm gương sáng sống động cho lối sống trên cõi thế gian nầy, cho sự dung hợp thành một giữa sự tu tập và các hoạt động thường nhựt nơi trần thế. Bà nhấn mạnh rằng việc tu tập cần được thực hiện vào mọi thời, và chúng ta nên làm bất cứ việc gì trong ngày mà chẳng biến chúng trở thành vấn đề. Dipa Ma muốn biết, "Bạn đã tỉnh giác đến mức nào, trong đời bạn? Có phải bạn đang nghĩ đến sự tỉnh giác, hay là bạn đang thật sự tỉnh giác?"
Dipa Ma bảo, ngay cả khi bước chơn đi, bà cũng thiền quán. Nói năng, ăn uống, làm việc, nhớ đến con gái, chơi với cháu ngoại -- chẳng có việc nào cản trở sự tu tập của bà, bởi vì bà thi hành mỗi việc trong chánh niệm. "Khi tôi đang di chuyển, mua hàng, làm mọi sự việc, tôi luôn luôn làm trong chánh niệm. Tôi biết đấy là những sự việc mà tôi phải làm, nhưng chẳng hề xem chúng như một vấn đề khó. Mặt khác, tôi chẳng mất thì giờ nói chuyện tào lao, hay đi thăm viếng, hoặc làm việc gì mà tôi chẳng thấy cần thiết cho đời tôi."
Bạn buộc dây giầy cách nào? - Bà khuyến dạy tôi phải nên sống đúng theo điều tôi đang dạy. Phẩm chất của sự hiện diện của bà cũng tựa như giai thoại Hasidic (nhóm tín đồ mật tông Do thái gốc Hung gia lợi) sau đây: Một người hỏi, "Tại sao ông lại đến gặp ông giáo sĩ (Rabbi, tu sĩ Do thái)? Có phải ông đến để nghe giáo sĩ thuyết một bài đại pháp về Kinh luật Torah (toàn bộ Luật tạng của Do thái), hay là ông đến để xem vị ấy làm việc thế nào với các đệ tử?" Và người kia trả lời: "Không, tôi chỉ đến để xem vị ấy buộc dây giầy cách nào!" Dipa Ma chẳng muốn thiên hạ đến nơi đây và sống luôn mãi tại Ấn độ, hoặc trở thành tu sĩ hay vào ở trong đền thờ Ấn giáo. Bà thường bảo: "Hãy sống cuộc đời của bạn. Hãy rửa chén bát. Hãy giặt quần áo. Hãy dắt sắp nhỏ đến nhà trẻ. Hãy nuôi nấng, dạy dỗ các con của bạn, các cháu của bạn. Hãy giúp đỡ cộng đồng mà bạn đang sống chung. Bạn hãy lấy tất cả việc đó làm con đường đạo của mình, và đi theo con đường đạo ấy với tất cả tấm lòng." -- Jack Kornfield
Ủi quần áo trong tỉnh giác. - Bà tin tưởng là bạn sẽ được chứng ngộ ngay trong khi đang ủi quần áo... Bà bảo, mọi hoạt động đều phải làm trong chánh niệm. Và tình thương ân cần nữa cũng có mặt ở đó -- ân cần thương người mà ta đang ủi quần áo giùm cho. Michelle Levey
Phơi quần áo với Thánh. - Cái cảnh đắc ý nhứt của tôi trong khúc phim 8 mm mà tôi quay theo cách tài tử, đã thâu được hình ảnh lúc Dipa Ma đang phơi quần áo. Có một câu thiền ngôn nói (đại khái như sau): "Sau phút xuất thần ngây ngất, là việc phơi quần áo." "A, tôi đã quay được cảnh ấy, lâu gần hai hay ba phút, cảnh Dipa Ma đang tươi cười và thích thú phơi quần áo. Thật là tuyệt diệu khi nhìn bà dưới ánh nắng ngoài sân. Tôi muốn lộng khuôn kiếng để treo bức tranh đó lên và đặt tên là "Phơi quần áo với Thánh". -- Jack Kornfield
Thiêng liêng ngay trong phàm tục. - Khi tôi đến gỏ cửa, con gái bà là Dipa ra mở. Tôi rất nôn nóng kích thích để gặp gỡ bà và tôi có cả một bụng câu hỏi về thiền quán để thưa trình bà. Sau đôi phút, một người đàn bà lớn tuổi bước ra. Bà dường như chẳng để ý đến sự có mặt của tôi. Bà chẳng nhìn tôi, và cũng chẳng thấy đã nhận ra sự hiện diện của tôi. Bà thật hết sức im lặng và lắng dịu, thật an vững và tự tại, khiến tôi biết tôi phải chờ đến khi bà sẵn sàng nói chuyện với tôi. Ðó chẳng phải là sự lãnh đạm lạnh nhạt, mà là một biểu lộ của sự trầm lặng thật sự.
Khi bước vào phòng, bà cúi nhặt lên một món đồ chơi nhỏ bằng plastic, hình con vịt, chắc là của đứa cháu ngoại trai của bà. Bà đem con vịt đó lại một thau nước bên bệ cửa sổ. Dưới ánh nắng nhạt xế chiều xuyên qua khung cửa sổ, bà bắt đầu tắm cho con vịt plastic, chẳng khác chi đang làm thánh lễ rửa tội cho nó. Ðiều làm cho tôi cảm kích nhứt là bà tắm rửa nó với cả một tấm lòng chú ý. Ðây là những vật thật hết sức tầm thường, phàm tục, chẳng chút nào có ý nghĩa tâm linh, thế mà cung cách bà làm hết sức chú tâm trịnh trọng. Ðiều ấy đã làm tôi bừng tỉnh để biết chỉ cần quan sát bà mà thôi. -- Andrew Getz
Giới đức nghiêm tịnh. - Khi trời thu sắp bước sang đông, ở Hội Thiền Minh sát (Insight Meditation Society, IMS), nhiệm vụ của tôi là quyên góp tất cả những quần áo cần thiết cho mùa đông dành cho Dipa Ma. Có người may cho Dipa Na một chiếc khăn choàng, những kẻ khác lo đóng góp để sắm sửa y phục cho bà. Một trong những món tôi đem đến cho bà là một đôi vớ ấm rất tiện nghi, để bà mang đi tới lui trong nhà. Tôi rất vui sướng thấy món quà nhỏ bé của mình đã tỏ ra rất ích lợi cho bà. Nhưng giữa sự bận rộn trong những ngày ấy, tôi lại sơ suất phạm vào lỗi là chẳng theo đúng các nghi thức hiến tặng các vật phẩm.
Sau bảy tuần lễ cùng nhau chia xẻ cuộc sống chung hằng ngày với nhau, đã đến lúc tôi phải đưa bà và gia đình bà lên phi trường và nói lời giã biệt. Khi tôi trở về nhà, lòng tôi buồn man mác, thấy thời gian nỗ lực nhiều để tu tập đã trôi qua. Căn nhà như quá trống trải.
Khi tôi bước vào căn phòng bà nghỉ lúc trước, tôi nhìn thấy một số vật dụng đặt ở chơn giường rất có thứ tự. Một trong các món đó là đôi vớ ấm của tôi. Tim tôi như ngưng đập. Tôi chẳng thể nào hiểu được vì sao bà lại cố ý để chúng lại.
Sau một hồi suy nghĩ, tôi hiểu ra rằng, đôi vớ đó đã được trao tặng một cách chẳng được minh bạch, bà đã chẳng thể nào xem đó như là những vật bà có quyền giữ lấy. Dầu chuyện đó xảy ra xem như quá nhỏ nhiệm, nhưng nó lại mạnh mẽ dạy tôi một bài học về giới đức nghiêm tịnh (sila, giới luật) cần phải giữ gìn một cách chẳng thể chê trách được -- một bài học đôi lúc hơi đau khổ, nhưng mà tôi muốn nhớ nó mãi trong lòng. -- Michael Liebenson Grady
Hiện diện bất động chuyển. - Tôi thưa với Dipa Ma, "Xin mời bà sang phòng bên để ngồi. Có một nhóm thiền sinh đang tới ở bên ấy."
-- Tôi đang ngồi hiện giờ. Sao lại phải sang ngồi bên ấy?
-- Vâng, chúng tôi định toạ thiền bên ấy."
-- Thì chúng ta đang ngồi vậy.
-- Nhưng các người khác đang đến, và họ muốn toạ thiền bên ấy.
Sau cùng, tôi cũng mời được bà sang ngồi ở phòng bên. Bà ngồi đấy, bất động chuyển. Mắt bà có thể mở ra, có thể nhắm lại, nhưng đó chẳng có gì khác biệt. Sự hiện diện của bà, ở trong nhà chúng tôi, đã làm nổi bật lên ý nghĩa của việc "Sao lại dời chỗ? Còn gì thật sự đáng làm ở đó?"
Trong những buổi toạ thiền như thế, đôi khi có đến năm mươi người tới để được bà ban phước lành; nhưng dầu nhiều mấy đi nữa, bà cũng đến với từng người, từng người một, và hoàn toàn hiện diện với người ấy. Nhìn đôi mắt bà chiếu thẳng vào tiêu điểm nơi người đối diện và mối giao cảm tỏa ra, tôi thấy cách bà đang liên hệ với mỗi người, cũng giống như Thượng Ðế. -- Steven Schwartz
Ðứng thẳng, ngồi ngay. - Tôi chưa hề bao giờ thấy Dipa có một phút lơ đãng hay xao động, và tôi thường quan sát bà trong tất cả mọi thời. Khi bà đứng, thì thẳng như hòn đá dựng. (...) Và khi bà ngồi, thì bà ngồi. Chấm. Chẳng bao giờ có việc gì khác thêm nữa cả. Bà chẳng hề nhìn quanh hoặc để mất tiêu điểm của mắt bà bao giờ. Michael Liebenson Grady
Thẳng đến Phật đà. - Ở Calcutta, một học viên của Dipa Ma và của Munindra vừa góp đủ tài chánh để mở tiệc tân gia, mời đông khách đến ăn mừng nhà mới. Tôi bước lên cầu thang cùng với Dipa Ma và giúp bà cởi giày. Tân khách chuyện vãn, ăn uống, và máy stereo đang vang dội. Không khí ồn ào như một dạ yến sâm banh, trong cảnh sôi động.
Dipa Ma bước qua ngưỡng cửa, khoan thai và đều bước, bà tiến thẳng ngay đến bên tượng Phật phiá tường bên kia. Khi bà đã đến trước bức tượng, bà quì sát xuống nền và bắt đầu lạy, ngay giữa đám thực khách đang dùng mấy món ăn chơi và vui vẻ dự tiệc. Tôi nhận thấy ra, với Dipa Ma, bất chấp việc gì đang xảy ra, bà chỉ có một mục tiêu: Chơn Lý. -- Ajahn Thanasanti
Cập nhật ngày: 01-10-2003
Nguồn: www.quangduc.com