.



 

HỘI THẢO KHOA HỌC

300 NĂM PHẬT GIÁO

GIA ĐỊNH - SÀI GÒN - TP HỒ CHÍ MINH


---o0o---

phần iII

những ngôi chùa cổ

phật giáo gia định

  

Vai trò của chùa Từ Ân

trong sự phát triển văn hóa Phật giáo ở Gia Định

 

PTS. Trần Hồng Liên

Viện Khoa học Xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh

 

Thế kỷ thứ XVII, cùng với sự nhập cư của tộc người Việt và nhiều tộc người khác, khu vực Gia Định-Tân Bình đã sớm trở thành một trung tâm thương mại trù phú. Sự phát triển kinh tế đã tạo tiền đề cho sự phát triển văn hóa, trong đó có các hình thức tín ngưỡng, đặc biệt là tín ngưỡng Phật giáo (PG). Nhiều ngôi chùa của người Việt, miếu thờ thần, hội quán của người Hoa kiều cũng được mọc lên, sôi động và thị tứ, từ sau khi thiết lập cơ cấu hành chính vào năm 1698.

1. Cùng đi vào Gia Định với lưu dân, có Thiền sư Phật Ý, từ vùng Biên Hòa đã cùng với một bạn đồng hành, trụ lại tại làng Tân Lộc - huyện Tân Bình. Cả hai đã lập một thảo am nhỏ thờ Phật, lúc ấy vào giữa thế kỷ 18 (1). Ngôi thảo am này nằm trong khu vực gần vườn Tao Đàn, sau này có tên là Từ Ân. Sau đó không lâu, người bạn tách riêng ra, lập ngôi chùa khác đối diện với chùa Từ Ân, là chùa Khải Tường. Vị trí chùa này đã được M.Carmouze vẽ ngày 20-1-1873 và bản đồ của M.Lambley vẽ ngày 28-10-1931 (2) cho phép ta đi tới kết luận rằng vị trí hai chùa Từ Ân và Khải Tườâng thuộc khu vực vườn Tao Đàn - công viên Văn hóa (chùa Từ Ân) và đường Võ Văn Tần (chùa Khải Tường) ngày nay.

Trong khoảng thời gian ban đầu ấy, hai vị thiền sư đã tự túc lương thực, thực phẩm, cùng người dân quanh khu vực khai khoang, vỡ đất trồng rau, làm rẫy... Bàn thờ đặt trong thảo am đơn giản chỉ là một tờ giấy vẽ chữ “Phật” bằng chữ Hán để thờ tự.

Trong bối cảnh xã hội của buổi đầu đi khai hoang, nhà ở còn tạm bợ, cuộc sống lại đầy bất trắc, khí hậu phong thổ chưa phù hợp, bệnh tật và cái chết luôn đe dọa cư dân... nên với ngôi thảo am có bàn thờ Phật trong đấy, nhiều người dân đã bắt đầu tìm đến và nhờ hai vị thầy an ủi, cầu nguyện. Được nghe thuyết giảng một ít về đạo lý nhà Phật, được nghe tiếng kinh đọc tụng, họ cảm thấy ấm áp và an tâm hơn.

Như vậy là trong buổi đầu đặt nền móng tại vùng đất Gia Định, tín ngưỡng PG đã có một vai trò quan trọng, góp phần tăng cường lòng tự tin; khuyến khích sự bền chí và đã tạo được sự yên ổn và phát triển tại vùng đất mới. Nhu cầu cần có thầy cầu an khi đau ốm và cầu siêu khi qua đời là một đòi hỏi bức bách của lưu dân. Tín ngưỡng Phật giáo đã đáp ứng được nhu cầu ấy và đã tạo tiền đề để đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển nhanh chóng của nhiều ngôi chùa trong vùng đất Gia Định thời bấy giờ.

Chùa Kim Chương được thành lập năm 1755; chùa Giác Lâm được xây dựng từ năm 1744, nhưng đến năm 1772 mới có thiền sư về trụ trì ; chùa Cây Mai, chùa Phụng Sơn, chùa Giác Viên... cũng dần được thành lập  vào đầu và giữa thế kỷ XIX.

Từ một thảo am nhỏ, không đủ sức chứa cho nhiều người đến lạy Phật, nghe kinh; lại thêm cuộc sống cư dân dần được ổn định, ngôi chùa Từ Ân khang trang hơn được dựng lên vào năm Nhâm Thân 1752. Từ đó hai chùa cùng phát triển. Có lẽ rằng dưới triều đại nhà Nguyễn, chùa được đại trùng tu, nên Đại Nam nhất thống chí có cho biết: “Chùa Từ Ân ở thôn Hòa Hưng, huyện Bình Dương, nhà chùa tráng lệ, cảnh trí u nhã...” (3). Có lẽ do sự nhầm lẫn (4) giữa việc lập chùa và trùng tu chùa nên sách của Quốc sử quán triều Nguyễn đã cho rằng chùa chỉ mới được xây dựng vào năm Gia Long nguyên niên (1802). Chùa cũng được Hiếu Khương hoàng hậu sắc cho làm chùa công. Đến năm Minh Mạng thứ II (1821), chùa được ban sắc “Sắc tứ Từ Ân tự” và được cấp cho phu ở giữ chùa.

Như vậy, vào giai đoạn đầu của cuộc khai phá vùng đất Gia Định, chùa Từ Ân đã góp phần mang lại sự ổn định và phát triển tín ngưỡng PG tại vùng đất mới qua sự có mặt khá sớm và gần như tiêu biểu nhất của mình tại vùng đất Gia Định.

2. Một trong những yếu tố góp phần lớn cho công cuộc phát triển PG còn là sự hiện diện của các nhà sư. Vai trò quan trọng của các vị thiền sư ở chùa Từ Ân qua nhiều giai đoạn khác nhau đã chứng tỏ điều đó. Thiền sư Linh Nhạc-Phật Ý, qua tên gọi cho biết là vị thiền sư thuộc thế hệ truyền thừa thứ 35, thuộc dòng đạo Bổn Nguyên, phái Lâm Tế, gốc từ Tổ Nguyên Thiều, một trong những vị được xem là sơ tổ hoằng truyền PG vào vùng đất Đàng Trong.

Thiền sư Phật Ý là đệ tử của thầy Thành Đẳng ở chùa Đại Giác (Biên Hòa, Đồng Nai). Chùa Từ Ân là nơi dừng chân và nơi đào tạo nhiều thiền sư có tiếng sau này như: Thiệt Thành-Liễu Đạt, thủ tọa chùa (điều khiển tăng chúng); Tổ Đạt-Trí Tâm, tri khách (tiếp khách) sau làm trụ trì chùa Khải Tường; Tổ Ấn-Mật Hoằng, sau thời gian tu học ở chùa Từ Ân được cử về trụ trì chùa Đại Giác (Đồng Nai - 1775); Tế Chánh-Bổn Giác, trị sự (lo điều hành nội bộ chùa); Tổ Tông-Viên Quang, đệ tử của thiền sư Phật Ý, được cử về trụ trì chùa Giác Lâm, trở thành người trụ trì đầu tiên và là tổ khai sơn của ngôi tổ đình của dòng đạo Bổn Nguyên ở Gia Định, là ngôi chùa cổ nhất thành phố hiện nay...

Những vị thiền sư sống tu tại chùa Từâ Ân, nhiều năm liền, được đào tạo và bồi dưỡng tại một “trung tâm PG” ở Gia Định thời bấy giờ nên không lạ gì vào những năm dưới triều Gia Long và Minh Mạng, nhiều vị tại đây đã được vinh hạnh mời ra kinh đô, được phong chức tăng cang, được giao trụ trì chùa Thiên Mụ, Giác Hoàng... ở Huế: được vua mời vào cung dạy đạo cho vua, hoàng hậu và hoàng gia như các thiền sư: Tổ Ấn-Mật Hoằng (1804-1817) đã được phong tăng cang (5) và giao trụ trì chùa Quốc Ân: Thiệt Thành-Liễu Đạt; Tế Giác-Quảng Châu....

3. Trong giai đoạn có chiến tranh Tây Sơn - Nguyễn Ánh (1788-1801), chùa Từ Ân còn là nơi trú ẩn của Nguyễn Ánh và quan quân, chùa Khải Tường dành cho cung phi. Vào năm 1791, hoàng tử Đởm đã ra đời tại chùa Khải Tường, sau này lên ngôi là vua Minh Mạng, vua đã nhớ lại việc lành được “mẹ tròn, con vuông” thuở trước nên sắc phong là Sắc tứ Từ Ân tự vào năm 1821 và một hoành phi cho biết được khắc vào năm Quý Mão 1843 phong “Quốc ân Khải Tường tự”.

4. Thiền sư Linh Nhạc-Phật Ý, sau một quá trình dài đổ nhiều công sức cho công cuộc khai hoang, ổn định đời sống tinh thần cho cư dân Gia Định, năm 1821 thiền sư viên tịch tại chùa Từ Ân, thọ 97 tuổi. Buổi lễ an táng được tổ chức long trọng và ngọn tháp đã được dựng lên trong khuôn viên chùa. Nhưng những năm 1859-1961, chùa bị đốt cháy do sự chiếm đóng thành Gia Định của Pháp, ngôi chùa đành phải bị di dời. Một số hoành phi, liễn đối, tượng thờ được đem về ngôi chùa mới, được dựng lên gần rạch ông Buông, quận 6, lấy tên cũ để lưu giữ (6). Tuy nhiên, ngôi tháp của vị tổ sư, xem như là vị tổ đầu tiên của Phật giáo ở Gia Định, của dòng đạo Bổn Nguyên, lại được đưa về cải táng tại chùa Giác Lâm, nên từ đó chùa Giác Lâm trở thành tổ đình của dòng phái Bổn Nguyên.

5. Từ trên những thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa Từ Ân mới được dựng lên vào cuối thế kỷ XIX (1870), khiêm tốn nằm trên đường Tân Hóa. Kiến trúc tuy không bề thế, qui mô, lộng lẫy và khang trang tương xứng với một đại bửu sát trước đây, nhưng bên trong ngôi chùa ấy là một “kho tàng” vô giá, đã góp phần lưu giữ văn hóa PG Gia Định qua nhiều thế hệ, đã giúp cho dòng chảy văn hóa PG Gia Định vẫn còn luân chuyển tiếp nối, thể hiện qua nhiều hiện vật có giá trị lịch sử - văn hóa như hoành phi, liễn đối, tượng thờ, bài vị...

Hai bức hoành phi chạm gỗ, sơn son thiếp vàng, được sắc phong của vua vào đầu thế kỷ 19 là hai hiện vật có giá trị lớn. Từ những dòng chữ Hán được chạm nổi trên gỗ, nét chạm sắc sảo, tinh tế, với dãy hoa văn mềm mại viền quanh bức hoành, đến phần lạc khoản của nó đã là một minh chứng về sự hiện diện của các vị vua triều đại nhà Nguyễn trong một ngôi chùa ở vùng đất Gia Định; là sự khẳng định một nền văn hóa PG, đặc biệt là qua kiến trúc, chạm khắc hoành... ở Gia Định thời đó. Còn nữa, những chạm trổ trên phần lạc khoản của hoành phi còn cho biết nó được dâng cúng bởi vị hoàng tử, vào năm Minh Mạng tam niên, tức 1822, tháng giêng, ngày tốt. “Minh Mạng tam niên trọng xuân ngoạt kiết nhật” (phía phải) và “Hoàng tử Thường Tín đồng chi tạo hiến cúng” (phía trái). Cặp đối có hai chữ đầu là “Từ Ân” (tên chùa) còn cho biết đã được Tăng cang chùa Thiên Mụ và Giác Hoàng là Tế Chánh-Bổn Giác hòa thượng tạo (7). khá nhiều bức hoành và câu đối còn ghi nhận niên đại làm lễ lạc thành của chùa là vào năm Canh Ngọ, dưới thời của hòa thượng (HT) Như Bằng-Thanh Ấn, tức năm 1870 (là năm khánh thành chùa Từ Ân tại đường Tân Hóa). Theo lời hT Thiện Thành-Nhựt trí, hiện trụ trì cho biết, chùa di dời đến đây là địa điểm thứ ba. Lần đầu ở khu vực gần Võ Văn Tần hiện nay, sau đó chuyển sang khu vực thuộc đường Nguyễn Trãi (gần Tổng nha Cảnh sát trước đây) và lần cuối tại đường Tân Hóa.

Hệ thống tượng thờ trong chùa cũng cho thấy mức độ giao lưu và dung hợp mạnh mẽ giữa PG ở Gia Định với các hình thức tín ngưỡng dân gian, đặc biệt là thờ cúng các thần nữ (Mẫu).

Hầu như các nữ thần được thờ tự rải rác khắp Gia Định và Nam Bộ đều có trong điện thờ chùa Từ Ân như năm Bà Ngũ Hành, Bà Thủy Long, Linh Sơn Thánh Mẫu... Chánh điệån chùa còn thể hiện sự kết hợp của “Tam giáo đồng nguyên” qua hình ảnh các vị Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Già Lam Thánh Chúng... bên cạnh đức A Di Đà Phật và Quan Thế Âm Bồ Tát.

Các bài vị chạm khắc gỗ được lưu giữ tại nhà tổ cũng là những hiện vật quí giá cho biết lịch sử truyền thừa của các vị tổ sư. Đặc biệt chùa còn có cả những bài vị các sơ tổ ở Đàng Trong như tổ Nguyên Thiều (đời thứ 33); Thành Đẳng (đời thứ 34), Phật Ý (đời thứ 35). Bàn tổ còn có cả bài vị dành cho vị tổ khai sáng dòng đạo Bổn Nguyên từ Trung Quốc truyền sang đó là Đạo Mẫn-Mộc Trần (đời thứ 31 tông Lâm Tế, vị tổ khai bài kệ dòng đạo Bổn Nguyên) và tổ Khoáng Viên (đời thứ 32) rồi đến các vị tổ thuộc đời tiếp sau như Tế Chánh-Bổn Giác... Ngày nay vị hòa thượng đang trụ trì thuộc đời thứ 41. Bên cạnh 18 bài vị ấy còn có một điểm đặc biệt là bài vị của Hoàng cô (chị vua Gia Long), một cư sĩ đã từng học đạo với tăng cang Thiệt Thành-Liễu Đạt ở Huế. Bài vị của Hoàng cô đã được đặt trên bàn thờ tổ chùa Từ Ân cho đến hiện nay. Bên trong mỗi bài vị còn mang một nội dung khá phong phú, đã để lại cho thế hệ tăng ni trẻ nhiều thông tin giá trị về những ngôi chùa, chức sắc các vị đã trụ trì và đã được phong tặng. Bài vị của Tế Chánh ghi rằng: “Tứ y bát, Thiên Mụ tăng cang, trùng hưng Từ Ân, đệ tam thập lục thế, húy Tế Chánh, Bổn Giác hòa thượng giác linh” (Bốn y bát, tăng cang chùa Thiên Mụ, trùng tu chùa Từ Ân, đời thứ 36, tên húy là Tế Chánh, Bổn Giác hòa thượng).

6. Ngoài những hiện vật thờ cúng còn lưu giữ, chùa Từ Ân còn đang bảo quản hàng trăm quyển kinh, luật, luận bằng chữ Hán và chữ Nôm. Trong kho tàng quí giá đó có bộ sách “Ngũ gia tông phái ký toàn tập” (8) do hT Hải Tịnh chứng minh vào năm 1875, là bộ sách đầu tiên đề cập đến sinh hoạt PG ở Gia Định và Nam Bộ. Sách gồm 3 quyển, quyển trung mang tên “Lược yếu sự tích Phật tổ” do pháp sư Trí Thông chùa sắc tứ Từ Ân, kiêm giám quản phó trụ trì chùa Khải Tường và chư sơn đại đức hiệu đính. Quyển hạ cũng cho biết nhiều thông tin quan trọng về việc triệu tập các tu sĩ tại chùa Khải Tường để định lại các ngày lễ kỵ giỗ ở chùa và các ngày tạo tháp; việc hT Chánh Trực ở chùa phó chúc cho hT Hải Tịnh thống quản tăng chúng ở Gia Định... Qua một số sự kiện trong tập sách, đã cho biết rõ thêm vị trí và ảnh hưởng của chùa Từ Ân đối với PG vùng đất Gia Định thời bấy giờ và đặc biệt là các kinh sách cổ ấy đã giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về những trung tâm in ấn kinh sách trên bản gỗ tại Gia Định, về nơi tạng bản; về các vị hòa thượng đã chứng minh cho sách... Một số sách lưu giữ đã được đưa từ các chùa ở miền Trung vào để trùng khắc ở Gia Định... điều đó cho thấy ngôi chùa Từ Ân đã góp phần lưu giữ một số lượng khá lớn về tư liệu văn hóa PG, đồng thời đây cũng là nơi phổ biến những ấn phẩm PG ấy đi khắp nơi ở Gia Định và Nam bộ.

7. Nhiều sinh hoạt nghi lễ PG diễn ra tại chùa Từ Ân, từ hơn hai trăm năm qua, với các hình thức như mở khóa An cư kiết hạ, mở giới đàn, cúng ứng phú; các lễ hội như lễ tảo tháp, lễ Vu Lan, lễ giỗ tổ... đã tạo điều kiện cho các tăng sĩ khắp nơi có dịp gặp gỡ, trao đổi kinh sách, giao lưu với các nơi khác qua các dịp lễ giỗ tổ. Nhiều bức hoành câu đối còn ghi lại trong phần lạc khoản do các hT trụ trì tại khắp nơi ở Gia Định và Nam Bộ tặng. Hoành phi “Đại Hùng bửu điện” do hT chùa Thới Bình, quận Cần Giuộc, dâng cúng nhân ngày lễ lạc thành của chùa; hoành phi “Pháp vũ ân triêm” do chủ hương Hiếu Nghĩa chùa Phước Tường ở Bến Lức dâng tặng; hoành phi “Pháp nhũ ân thâm” do thiền chủ Từ Thông chùa Huê Nghiêm, Thủ Đức, dâng tặng... Còn nhiều hoành phi khác do các chùa Giác Lâm, Sắc tứ Huệ Lâm; chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một), chùa Long Thạnh (Bình Chánh) v.v.. dâng cúng.

Những buổi đi cúng ứng phú tại nhà Phật tử, các lễ trai đàn có hát bội được tổ chức ở Nam Bộ và Gia Định, do yêu cầu của lễ cúng cần thiết mời nhiều tu sĩ cùng tham gia, cũng tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của PG ở Gia Định xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại, đã làm cho vùng đất Gia Định nhanh chóng trở thành trung tâm phát triển văn hóa PG và lan tỏa đi các nơi khác.

Sự kiện nhiều thiền sư thuộc chùa được mời ra kinh đô, được phong chức tăng cang, được vua phong cho y áo, dao cạo tóc, cấp độ điệp xuất gia như hT Hải Tịnh, được vua phong làm tăng cang chùa Thiên Mụ (1821), Long Quang (1841-42), Giác Hoàng (1842) (9), khi trở về Nam Bộ được vua ban giá võng, hài, y áo... Những hiện vật ấy là những yếu tố của “văn hóa PG cung đình” đã hội nhập vào dòng văn hóa dân gian ở Gia Định qua các cuộc thỉnh mời thiền sư ở Gia Định ra giảng đạo tại kinh đô. Mặt khác, từ những chuyến đi của khá nhiều thiền sư ở chùa Từ Ân ra Huế đã cho thấy được trong sự truyền bá của PG, ở Gia Định nói riêng và cả ở Nam Bộ, đã có mối quan hệ giao lưu và ảnh hưởng lớn đế PG ở kinh đô, đặc biệt là vai trò quan trọng của các thiền sư Gia Định bấy giờ.

Tóm lại, là một ngôi chùa cổ có mặt sớm ở đất Gia Định, qua quá trình phát triển, chùa sắc tứ Từ Ân đã dần dần xác lập được vị thế vững chắc trong lòng cư dân có tín ngưỡng tại đây. Trong suốt hơn hai trăm năm qua, dù đã phải chịu cảnh di dời do nhiều biến cố lịch sử, nhưng cho đến nay ngôi chùa vẫn xứng đáng là một kho tàng văn hóa PG phong phú, đã để lại dấu ấn đậm nét trong sự phát triển chung của nền văn hóa vùng đất Gia Định. Ngày nay, kỷ niệm thành phố 300 tuổi, những đặc thù trong văn hóa cư dân Gia Định xưa - TP Hồ Chí Minh nay - đã có sự góp phần của văn hóa PG ở Gia Định từ cái nôi của trung tâm PG “Sắc tứ Từ Ân tự”.

 

 

1 Huệ Chí: Lược sử chùa Giác Lâm, Bản thảo, 1983.

2 Xem bản đồ vị trí chùa Khải Tường trong sách Trần Hồng Liên: Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ Việt Nam - Nxb KHXH.1995, tr.46).

3 Đại Nam nhất thống chí. Lục tỉnh Nam Việt, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, tập thượng, tr.95, Nha văn hóa Phủ QVKĐTVH tái bản. Sài Gòn, 1973.

4 Về những điểm sai lầm này, chúng tôi đã có nhận xét trong bài viết: “Vài tư liệu về chùa cần xem xét lại trong Đại Nam nhất thống chí”, đăng trong sách “Mùa thu lịch sử”. Nxb Trẻ, 1996, tr. 143-147.

5 Chức sắc cao nhất thời bấy giờ, trên cả hòa thượng.

6 Chùa Từ Ân hiện nay thuộc số 23 đường Tân Hóa, phường 14, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh.

7 Thiền sư Tế Chánh-Bổn Giác là đệ tử của Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt (hòa thượng Liên Hoa) - được thiền sư Phật Ý giao chức trị sự, điều hành nội bộ chùa. Khi thiền sư Phật ý viên tịch, hòa thượng Liên Hoa về trụ trì chùa ; sau khi hòa thượng Liên Hoa tự thiêu (1823), thiền sư Tế Chánh Bổn Giác lên trụ trì.

8 Bộ sách trước đây được in ấn và tạng bản tại chùa Giác Lâm. Sau sự tìm tòi nghiên cứu về các kinh sách cổ của PG tại các chùa ở Nam Bộ do chúng tôi tiến hành cùng với trung tâm nghiên cứu Hán-Nôm, sách đã được đưa ra dịch sang Việt ngữ và sẽ được xuất bản nay mai.

9 Hải Tịnh (chứng minh): Ngũ gia tông phái ký toàn tập, quyển Hạ.


 

Kiến trúc các ngôi chùa xưa và nay

 

NGUYỄN QUẢNG TUÂN

Vùng đất Sài gòn được kể như đã hình thành từ năm 1698, sau khi Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào tổ chức việc quản lý hành chính vì lúc này dân vào định cư cũng đã khá đông.

Ngoài lớp người Việt này còn có một số người Hoa gồm cả những quan quân nhà Minh không chịu thuần phục nhà Mãn Thanh cũng tới xin định cư.

Các người mới định cư này đều không tránh khỏi tâm trạng của những kẻ lưu dân, xa nơi quê cha đất tổ. Họ đều nhớ đến làng cũ, nhớ đến mồ mả của ông cha nên ai cũng muốn cầu xin sự phù hộ của đức Phật từ bi để được mạnh khỏe, yên ổn làm ăn.

Người Hoa thì lập ra các hội quán và các miếu thờ quan Đế, thờ Thiên Hậu. Người Việt thì lập ra các đình, chùa thờ Phật, thờ thần.

Truyền rằng, hồi đó, đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, vào khoảng năm 1747, Tổ Phật Ý đã từ miền Trung vào Nam truyền bá đạo Phật. Khi vào tới vùng đất Sài gòn, thuộc huyện Tân Bình, xã Minh Hương, tổ trụ lại ở làng Tân Lộc và đã lập một thảo am để thờ Phật.

Năm Nhâm Thân (1752), tổ Phật Ý đã cho sửa am thành một ngôi chùa gồm chánh điện và nhà hậu tổ đặt tên là Từ Ân tự, ngụ ý nhờ được ân huệ của đức Từ Bi mà dựng được nơi thờ tự và truyền bá đạo pháp.

Đồng thời với việc thiết lập chùa Từ Ân (1) còn có chùa Khải Tường (2). Hai ngôi chùa này được kể là hai ngôi già lam cổ nhất ở vùng đất Sài gòn, nhưng đều đã bị phá hủy vì chiến cuộc, thời chống quân Pháp xâm lược, nên ngày nay chúng ta không còn được biết kiến trúc hồi đó ra sao.

Nếu kể thêm các ngôi chùa cổ thì chùa Kim Chương cũng là một danh lam mà Trịnh Hoài Đức đã nói đến trong quyển “Gia Định thành thông chí” như sau:

“Chùa ở phía Tây Nam trấn hơn bốn dặm, về phía Bắc quan lộ. Ở giữa là Phật điện, trước sau có đông-Tây đường, sơn môn, phương trượng, kinh thất hương viện và phạn đường, chạm trổ sơn then thếp vàng, đẹp đẽ nguy nga...”.

Trong bản đồ Gia Định-Sài gòn-Bến Nghé do Trần Văn Học vẽ năm 1815, chúng ta thấy có ghi rõ địa điểm chùa Kim Chương và chùa Cây Mai.

Chùa Cây Mai (Mai Khâu tự) cũng được Trịnh Hoài Đức nói đến trong Gia Định thành thông chí:

“Gò Cây Mai ở cách phía nam trấn độ 30 dặm, ở đây có nhiều cây nam mai, cành lá rườm rà... Trên gò có ngôi chùa Ân Tông... quanh chân gò có hào nước bao bọåc. Chiều mát, các thiếu nữ chèo thuyền hái sen. Gặp những giai tiết lại có những văn nhân thi sĩ lên ngâm vịnh tại nơi đầu gò, dưới gốc cây mai... Thật là một thắng cảnh cho người du lãm”.

Các ngôi chùa cổ ấy, cũng như các ngôi chùa Pháp Vũ, Phước Hải, Phước Hưng, Kim Tiên, Gia Điền, chỉ còn được nhắc lại trong sách sử chứ đến nay đã không còn để lại một vết tích nào, ngoại trừ pho tượng Phật của chùa Khải Tường còn được lưu giữ và hiện được trưng bày ở viện Bảo tàng lịch sử (số 2, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1) và tấm hoành QUỐC BẢO KHẢI TƯỜNG TỰ còn được lưu giữ và hiện được treo ở chánh điện chùa Sắc tứ Từ Ân (về sau đã được xây cất lại ở đường Tân Hóa, quận 6).

Ngày nay, muốn tìm hiểu về kiến trúc các ngôi chùa cổ, chúng ta chỉ còn căn cứ vào một số những ngôi chùa còn tồn được như sau:

Chùa Giác Lâm

Quận Tân Bình

Chùa Giác Viên

Quận 11

Chùa Giác Sanh

Quận 11

Chùa Từ Ân

Quận 6

Chùa Tập Phước

Quận Bình Thạnh

Chùa Trường Thọ

Quận Gò Vấp

Chùa Phụng Sơn

Quận 1

Chùa Huệ Lâm

Quận 8

Chùa Gò (Phụng Sơn)

Quận 11

Chùa Huê Nghiêm

Huyện Thủ Đức

Chùa Phước Tường

Huyện Thủ Đức

Chùa Hội Sơn

Huyện Thủ Đức

Chùa Linh Sơn

Huyện Củ Chi

Chùa Long Thạnh

Huyện Bình Chánh

Nhưng trong số các ngôi chùa kể trên cũng có những ngôi chùa đã được sửa lại, không còn giữ nguyên dạng ban đầu nữa. Ngoài ra có những ngôi chùa cổ như chùa Linh Sơn ở quận 1, chùa Long Huê ở quận Gò Vấp, chùa Long Nhiễu ở huyện Thủ Đức... đã xây cất lại hoàn toàn nên chỉ còn cái danh là chùa cổ, chứ về mặt kiến trúc thì phải coi là chùa mới.

Vậy, căn cứ vào những nhận định trên, chúng tôi xin trình bày vắn tắt về một số chùa cổ và chùa mới ở thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi xin tạm lấy mốc thời gian là năm 1900 để phân định chùa cổ và chùa mới.

Nếu những ngôi chùa nào được lập trước năm đó, dù đã được trùng tu nhưng còn giữ được khung gỗ truyền thống thì được coi là chùa cổ.

Nếu những ngôi chùa nào được lập sau năm đó, mà dù có làm theo khung gỗ cổ truyền vẫn được coi là chùa mới.

NHỮNG NGÔI CHÙA CỔ

Trước hết phải kể đến chùa Giác Lâm. Ngôi chùa này đã được Trịnh Hoài Đức nói đến trong quyển Gia Định thành thông chí:

“Ở trên gò Cẩm Sơn, cách phía Tây lũy Bán Bích ba dặm, đột khởi một gò đất hình tròn... rộng ba dặm, cây cao như rừng, hoa nở như gấm, sáng chiều mây khói quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà có nhã thú.

Mùa xuân năm Giáp Tý (1744) đời chúa Thế Tông (Nguyễn Phúc Khoát) năm thứ 7, người xã Minh Hương là Lý Thụy Long, quyên góp xây dựng nhà chùa trang nghiêm, cửãa thiền u tịch...”.

Hồi ấy, khi mới xây xong chùa, cư sĩ Lý Thụy Long có đến chùa Từ Ân xin với Tổ Phật Ý cho một đệ tử về trụ trì chùa của mình. Tổ Phật Ý đã cử Thầy Viên Quang về trụ trì. Nếu kể từ đời trụ trì thứ nhất ấy đến nay thù chùa Giác Lâm đã trải qua 10 đời trụ trì và chùa cũng được gọi là tổ đình của dòng Lâm Tế ở miền Nam. Chùa đã được trùng tu lớn hai lần:

Lần thứ nhất từ 1799 đến 1804.

Lần thứ hai từ 1906 đến 1909.

Xưa kia xung quanh chùa còn vắng vẻ, chưa có nhà ở của dân chúng lấn chiếm vào khuôn viên chùa như hiện nay, nên cảnh chùa thật u tịch, đúng như câu đối ở chánh điện đã diễn tả:

Tự cổ Tăng nhàn thường dẫn yên hà vi bạn lữ;

Sơn thâm thế cách chỉ bằng thảo mộc ký xuân thu.

Diễn nôm:

Chùa cổ sư nhàn, sẵn khói ráng kết duyên bầu bạn.

Non sâu đời khất, nhờ có cỏ hoa ghi dấu tháng năm.

Hoặc:

Dưỡng tính vô như thiền cảnh tỉnh;

Minh tâm phương giác pháp môn thâm.

Diễn nôm:

Dưỡng tính gì hơn thiền cảnh tỉnh;

Minh tâm mới thấy pháp môn sâu.

Các câu đối ở chùa Giác Lâm hầu hết được khắc liền trên cột rất công phu. Cả chùa có 98 cột dựng chạy dọc từ ngoài vào trong, chia thành ba lớp nhà nên có người cho là xây theo kiểu chữ (tam), nhưng không hẳn đúng vì các chùa xây theo hình chữ “tam” như chùa Tây Phương, chùa Kim Liên đều có ba dãy nằm theo chiều ngang: chùa thượng 5 gian, chùa trung 3 gian và chùa hạ 5 gian.

Chùa Giác Lâm tuy còn bộ cột gỗ cổ truyền nhưng tường bao quanh đã được xây cất lại. Mặt tiền chính điện cũng không còn lớp cửa bức bàn mà đã được xây gạch với bốn cửa sổ và hai cửa đi như ở các tư gia (có gắn chống song sắt). Nền nhà trong chánh điện cũng đã được lát gạch hoa.

Nói chung, kiến trúc chùa Giác Lâm tuy bên ngoài có sửa đổi nhiều so với lúc ban đầu, nhưng vẫn xứng đáng là ngôi chùa cổ tiêu biểu nhất ở thành phố Hồ Chí Minh nên Bộ Văn hóa đã xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia ngày 16-11-1988.

Các chùa cổ khác như chùa Giác Viên, chùa Huê Nghiêm, chùa Phước Tường, chùa Hội Sơn... đều đã sửa chữa mặt tiền nên đã mang phần nào nét hiện đại, nhất là chùa Huê Nghiêm ở Thủ Đức.

Riêng chùa Gò (Phụng Sơn tự) tọa lạc tại số 1408 đường Ba Tháng Hai, quận 11, tuy được khai sơn từ đầu thế kỷ XIX, nhưng lúc ban đầu chỉ là một thảo lư, mãi đến năm 1904 mới được xây cất lại. Kiến trúc hiện nay được khánh thành năm 1915. Cổng tam quan ngoài đường mới được xây năm 1997. Nếu căn cứ vào bộ cột kèo cổ truyền bằng gỗ thì chùa Gò được coi là ngôi chùa cổ, nhưng thực ra kiến trúc ấy cũng mới được tạo dựng vào đầu thế kỷ 20 do công của Hòa thượng Tuệ Minh. Thời ấy chùa này còn chưa có đường chạy qua nên cả khu vực còn rất hoang vắng. Chung quanh gò còn có bàu sen rộng ở phía sau và phía trước có hào nước bao bộc. Nay khuôn viên chùa đã bị lấn chiếm : hào nước bị rác rưởi lấp cạn và bàu sen bị thu hẹp lại bởi các căn nhà mọc lên quanh bờ.

Cảnh trí chùa đã mất đi nhiều vẻ đẹp thiên nhiên nên cần được tôn tạo để xứng đáng là một danh lam đã được xếp hạng di tích văn hóa bậc quốc gia.

Chúng tôi chỉ nói qua như vậy về mấy ngôi chùa cổ ở thành phố Hồ Chí Minh, vì nếu đi vào chi tiết của từng chùa thì phạm vi hạn hẹp của một bài thuyết trình không cho phép được trình bày thêm.

NHỮNG NGÔI CHÙA MỚI

Như đã nói ở trên, chúng tôi chỉ kể là chùa mới những ngôi chùa được lập từ sau năm 1900 dù cho có được tạo dựng bằng khung gỗ cổ truyền với cột kèo rui mè... như chùa Giác Huê ở huyện Hóc Môn hoặc chùa Giác Nguyên ở Bến Vân Đồn, quận 4.

Các ngôi chùa mới, nhất là các ngôi chùa ở ngoại thành, thường có cảnh trí thiên nhiên đẹp đẽ nên thích hợp cho sự tu hành hơn là ở trong nội thành ồn ào và chật hẹp về khuôn viên. Chính vì lẽ này mà giữ thế kỷ thứ XX đến nay, phong trào xây chùa theo kiểu mới, có lầu, có hội trường dùng vật liệu hiện đại như xi-măng cốt thép, gạch hoa, chấn song sắt, cửa kính mái ngói Tây hoặc mái đúc bằng bê tông... trở nên thịnh hành.

Người ta còn cho bắt đèn điện, đèn nê-ông, đèn màu hào quang trên bàn thờ Phật thay cho những ngọn đèn dầu mù mờ...

Có người thắc mắc, xây chùa theo kiến trúc mới thì không còn giữ được vẻ đẹp truyền thống của dân tộc nữa, nhưng vấn đề cũng không hẳn đơn giản như vậy.

Xưa kia, dân chúng còn ở thưa thớt, đất đai rộng rãi nên chùa không cần phải xây cho có qui mô như hiện nay gồm đủ cả lầu gác, hội trường và giảng đường với các tiện nghi công cộng.

Đáng kể nhất, về mặt kiến trúc, là chùa Giác Hải ở đường Hùng Vương, phường 12, quận 6, đã được xây như một ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo. Chùa được khánh thành vào năm Canh Dần (1820) như có ghi ở mặt tiền.

Bên trong, chánh điện là một căn phòng rộng có trần khá cao, nền nhà lát gạch bóng láng. Hai bên tường, mỗi bên có 8 cửa sổ, phía trên có cửa gương hình tròn. Có 10 cột xi măng tròn chia chánh điện thành 3 gian theo chiều dọc. Cuối gian giữa kê bàn thờ Phật. Ở đây không có một tấm bao lam, một bức hoành phi hay một câu đối nào.

Đây có thể là trong thời kỳ Pháp thuộc các công trình kiến trúc đều do các kiến trúc sư người Pháp vẽ. Điều này chúng ta cũng thấy phần nào ảnh hưởng của kiến trúc Pháp qua các ngôi chùa cổ được trùng tu như đã nói ở phần trên.

Về sau, khi chế độ bảo hộ bị chấm dứt, chúng ta thấy các kiến trúc sư Việt Nam đã có sự dung hòa hơn nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng của kiến trúc Tây phương.

Trong quyển Mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Phi Hoanh đã có nhận xét:

“Ngôi chùa Xá Lợi ở Bà Huyện Thanh Quan tuy chưa đạt phong cách dân tộc và nghệ thuật kiến trúc như chùa Vĩnh Nghiêm nhưng cũng cho thấy kiến trúc sư biết áp dụng kỹ thuật kiến thiết nhà thờ thiên Chúa ở Tây Âu vào việc xây dựng phần chánh điện”.

Điều nhận xét này cũng có phần đúng vì chánh điện chỉ thờ có một pho tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ở giữa có hai hàng cột ngăn làm ba gian theo chiều dọc. Ngọn tháp ở trước chùa cũng được dùng để treo quả hồng chung chứ không dùng để thờ Phật.

Kiến trúc này do hai kiến trúc sư Trần Văn Đường và Đỗ Bá Vinh vẽ họa đồ và đã do hai kỹ sư Dư Ngọc Ánh và Hà Tố Thuận trông coi việc xây cất.

Chùa Xá Lợi được khởi công ngày 5-8-1956 và khánh thành vào ba ngày 2,3,4 tháng 5 năm 1958, đã mở đầu cho kiểu kiến trúc “chùa hội trường”.

Nhưng phải đợi đến khi có chùa Vĩnh Nghiêm thì nghệ thuật kiến trúc mới mang nặng dấu ấn dân tộc.

Chính Nguyễn Phi Hoanh trong quyển Mỹ thuật Việt Nam cũng đã có nhận xét:

“Chùa Vĩnh Nghiêm đánh dấu một thành công ít có của nghệ thuật kiến trúc tôn giáo ta. Ngôi tháp bên ngoài nhắc nhở những tháp vĩ đại nay không còn, của đời Lý mà sử sách đã tả tỉ mỉ cái nguy nga đẹp đẽ như tháp Bảo thiên, tháp Chương Sơn ở Ngô Xá v.v...".

Chùa Vĩnh Nghiêm được khởi công năm 1964 và hoàn thành năm 1971 do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng vẽ kiểu với sự cộng tác của hai kiến trúc sư Lê Tấn Chuyên và Cổ Văn Hậu. Chùa có một tầng trệt và một tầng lầu.

Tầng trệt có giảng đường, văn phòng và Tăng phòng v.v..

Tầng lầu có Phật điện là một tòa vũ nguy nga kiến trúc theo kiểu chữ I (công) gồm có ba nếp: bái điện, bản điện và Địa tạng đường.

Các mái chùa đều uốn cong ở đầu góc, có hình đầu phượng trang trí.

Chùa Vĩnh Nghiêm là một ngôi chùa có kiến trúc đẹp đẽ nguy nga, nhưng tiếc rằng khuôn viên lại không được rộng rãi và vị trí lại ở trên một con đường đông xe cộ, ồn ào náo nhiệt, không thích hợp với cảnh thiền vốn cần sự yên tĩnh.

Chúng tôi rất tiếc không thể giới thiệu chi tiết hơn về ba ngôi chùa nói trên vì còn có rất nhiều các ngôi chùa khác cũng rất đặc biệt về mặt kiến trúc như Ngọc Hoàng điện, chùa Trường Thạnh, chùa Lâm Tế (quận 1), chùa Phước Hòa, chùa Kỳ Viên (quận 3), chùa Kim Liên, chùa Giác Nguyên (quận 4), chùa Vạn Phật (quận 5), Hưng Minh tự, chùa Tuyền Lâm, chùa Nam Phổ Đà (quận 6), chùa Pháp Quang (quận 8), chùa Ấn Quang (quận 10), chùa Sùng Đức, chùa Linh Quang, chùa Huê Lâm (quận 11), chùa Pháp Hoa, chua Đại Giác, Thanh Minh thiền viện (quận Phú Nhuận), chùa Phổ Đà, chùa Dược Sư, tịnh xá Trung Tâm (quận Bình Thạnh), chùa Phật Bảo (quận Tân Bình), Quảng Hương Già Lam (quận Gò Vấp), tu viện Quảng Đức, Nam Thiên Nhất Trụ (huyện Thủ Đức), chùa Huệ Nghiêm (huyện Bình Chánh) v.v.. mà chúng tôi chưa đề cập đến được, vì phạm vi hạn hẹp của bàn tham luận không cho phép chúng tôi được nói rộng hơn nữa.

Chúng tôi chỉ xin nói thêm rằng, nếu xét về mặt kiến trúc thì mỗi chùa có một vẻ đẹp riêng, không chùa nào giống hẳn chùa nào. Đến cổng tam quan các chùa cũng vậy, có chùa xây thật nguy nga như cổng tam quan chùa Gò (Phụng Sơn tự), chùa Huê Nghiêm, thiền viện Vạn Hạnh, chùa Lâm Tế, chùa Pháp Hoa, Quảng Hương Già Lam...; có chùa lại xây cổng tam quan thật giản dị như chùa Giác Lâm, chùa Phước Hòa, Nam Thiên Nhất Trụ v.v.. Những dù lớn hay nhỏ, cổng tam quan cũng phải phù hợp với khuôn viên của ngôi chùa. Nếu khuôn viên nhỏ quá, sân trước ngắn quá mà xây cổng tam quan như chùa Lâm Tế (quận 1) thì cổng tam quan sẽ che lấp cả ngôi chùa, không còn gì là vẻ mỹ quan nữa.

Ở các chùa mới, chánh điện thường được thiết trí ở tầng lầu, phong quang và rộng rãi. Mái chùa đều không có uốn cong ở các đầu góc như chùa Vĩnh Nghiêm.

Tháp chùa thì có nhiều hình loại khác nhau, đáng kể hơn cả là tháp chùa Xá Lợi và tháp chùa Vĩnh Nghiêm. Tháp mộ cũng rất đa dạng và cũng có nhiều kiểu xây đắp công phu như các tháp Tổ chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên... hoặc giản dị như các tháp mộ ở chùa Hội Sơn, chùa Long Thạnh...

Cho nên, ở thành phố Hồ Chí Minh, mới có 300 năm lịch sử, chỉ còn có mấy ngôi chùa cổ thì chúng ta - nhất là các vị trụ trì các ngôi chùa ấy - phải bảo tồn lấy các kiến trúc xưa, không nên vì cái đẹp hào nhoáng bề ngoài mà hiện đại hóa đi.

Chúng tôi lại cũng yêu cầu các cấp chính quyền lưu tâm đến các ngôi chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, hãy có biện pháp hữu hiệu giải tỏa các phần đất bị lấn chiếm để cho cảnh quan các chùa ấy được tôn nghiêm đúng với chủ trương của nhà nước và cũng để làm cho thành phố được mỹ quan hơn nhân dịp kỷ niệm 300 năm lịch sử.«

 

(1) Địa chỉ ban đầu ở đường Võ Văn Tần, ngày nay khoảng góc Lê Quí Đôn - Võ Văn Tần.

(2) Khoảng khu chợ Đũi.


 

Đặc trưng kiến trúc truyền thống của chùa Nam Bộ

 

HUỲNH NGỌC TRẢNG

Đặc điểm phổ biến của kiến trúc thờ tự bao gồm đình, chùa, miếu, võ - ở Nam bộ phân biệt rõ rệt với kiến trúc dân dụng là ngôi nhà tứ trụ. Nói cách khác nhà tứ trụ là kiến trúc để thờ thần, thờ Phật và không một ai cả gan làm một ngôi nhà theo kiểu tứ trụ để ở. Tại sao lại có điều kiêng kỵ này? Đây là câu hỏi mà ở bài tham luận này, chúng tôi thử tìm cách giải đáp.

I. Kiểu nhà tứ trụ là kiểu kiến trúc nhà rường (còn gọi là xiên trính/xuyên trếnh), một trong hai kiểu kết cấu phổ biến của thức kiến trúc Đàng Trong. Cái khác của nhà tứ trụ và nhà rường dân dụng là bốn cây cột cái bố trí cách đều nhau ở bốn góc một diện tích hình vuông, và từ 4 cột cái đó, các kèo đấm và kèo quyết đưa đều ra 4 hướng tạo thành một ngôi nhà vuông vức. Nhà tứ trụ khác nhà rường dân dụng là ở chỗ gian trung tâm hình vuông thay vì hình chữ nhật, và như thế không gian nội thất được mở rộng đều ra bốn phía, xác lập một không gian trung tâm - hiểu là ở giữa và quan trọng nhất, vuông vắn và không thiên lệch về kích cỡ cho bốn phương tám hướng.

II. Vấn đề tiếp theo là tại sao không gian vuông vắn ấy được coi là thiêng, dành cho việc thờ tự thần, Phật?

Một cách trực quan rất dễ nhận ra, đó là kiểu thức của một ngôi tháp. Nhiều nhà nghiên cứu đã giải lý từ “chùa chiền” của tiếng Việt bắt nguồn từ âm của từ Stupa và Caitya.

Stupa (sanskrit) hay dagoba (Pàli) dịch và âm Hán là phù đồ, tháp... nguyên nghĩa là gò, đống, ụ đất cao và tháp đài để chứa đựng hài cốt người chết,đặc biệt là xá lợi của Phật.

Caitya cũng có nghĩa gần như stupa tức cũng là nơi để hài cốt, xá lợi nhưng lại hàm nghĩa rộng hơn: là nơi để kinh tạng, ảnh tượng - hiểu là nơi thờ, chùa miếu.

Nói chung, stupa/caitya du nhập vào xứ ta, được gọi chung chung là “chùa chiền”, hay gọi nghiêm túc hơn là chùa tháp - với sự phân biệt chùa khác với tháp, mặc dù đều nằm trong tổng thể một cụm kiến trúc Phật giáo (PG) - gọi chung là chùa. Rồi trong tiến trình lịch sử, chùa là kiến trúc có nhiều canh cải và càng ngày càng biến đổi khác xa với kiểu thức của stupa/caitya nguyên thỉ.

Trong sự tiến hóa đó ngôi nhà tứ trụ là kiểu thức kiến trúc thờ tự còn bảo lưu được những đặc trưng cơ bản của stupa/caitya - kiến trúc thờ tự truyền thống của PG mà ngay nay chúng ta có thể tìm thấy ở các di tích cổ của PG ở khắp châu Á - đặc biệt nhất là tháp Sãnchi (thế kỷ I trước Tây lịch - thế kỷ I sau Tây lịch, ở Madya Pradesh/Ấn Độ). Nói cách khác, việc sử dụng kiểu nhà tứ trụ để làm chánh điện thờ Phật như một chuẩn tắc phổ biến và duy trì mãi đến nay (trong một số chùa mới làm bằng bê tông cốt sắt) có thể coi là sự bảo lưu truyền thống kiến trúc stupa/caitya ; và mặt khác, việc chọn kiểu nhà trứ trụ để làm đình, miếu, võä để thờ tự các thần linh ở Nam bộ là chứng tích chỉ ra sự ảnh hưởng của kiến trúc PG đối với kiến trúc miếu, vũ của các tín ngưỡng dân gian và truyền thống khác ở mảnh đất này. Đó là một ảnh hưởng của PG đối với văn hóa phương Nam (hay rộng hơn là Đàng Trong).

III. Về kiểu nhà tứ trụ, có ý kiến cho rằng đó là kiểu thức kiến trúc bắt nguồn từ dịch lý gọi là kiểu nhà tứ tượng: thái âm - thiếu dương - thái dương - thiếu âm; đây là kiến giải tư biện pha chút màu sắc phong thủy và định vị ngũä phương theo thuyết ngũ hành mà thế nhân đời sau, do ảnh hưởng của đạo giáo/nho gia đề xuất ra.

1. Trở lại ngôi chính điện của chùa Phật ở Nam bộ để quan sát, chúng ta thấy rằng việc thiết lập Đại Hùng bửu điện ở khu trung tâm ngôi nhà tứ trụ và cách bài trí tượng thờ ở bửu điện là sự tái lập có tính chất tượng trưng ngọn núi TuDi - một ngọn núi trung tâm của thế giới theo vũ trụ luận Phật giáo. Theo đó 4 hướng của TuDi là 4 cõi: 1) Bắc Cu Lư châu/Uttarakuru, 2) Nam Thiệm Bộ Châu/Jambhuvipa (là trái đất của chúng ta), 3) Tây Ngưu Hóa Châu/Godana và 4) Đông Thắng Thần Châu/Purva-videha. Bốn cõi ấy bao quanh núi TuDi có bốn vị Thiên vương (Tứ Đại Thiên Vương) thống quản: 1) Trì Quốc Thiên Vương/Phrtarastra; 2) Quảng Mục Thiên Vương/Virùpàka; 3) Tăng Trưởng Thiên Vương/Virùdhaka; 4) Đa Văn Thiên Vương/Dhanada. Theo Phật thoại, Phật Bổn Sư Thích Ca đã có ngự đến núi TuDi để thuyết pháp và 4 vị Tứ Thiên Vương (cùng với chư Phật, Bồ Tát, Long thần hộ pháp...) đều đến nghe pháp và rất hoan hỷ nguyện hỗ trợ Phật pháp và các bậc tu hành. Đây là một trong những căn cứ để từ đó biện sự ra cách bài trí Phật điện cũng như kiểu thức kiến trúc chính điện của chùa. Mô hình tượng trưng như vậy rất dễ nhận thấy ở các chùa Nam bộ mà đặc biệt là chính điện chùa Giác Viên với các tượng Tứ Đại Thiên Vương được đặt ở bốn góc trên trính của gian trung tâm nếp nhà tứ trụ. Nói cách khác, ngôi chính điện tứ trụ trong chừng mựåc nhất định được coi là hình ảnh tượng trưng cho núi TuDi và Phật điện là ảnh tượng tái hiện cuộc pháp hội lớn đã từng diễn ra ở đó.

2. Tất nhiên điều này cũng bị tác động của những quan niệm khác mà rõ rệt nhất là sự kết hợp với các thành phố khác nhằm biểu thị của một đàn tràng (mandala/mandâra: linh phù, đạo tràng). Mandàla, theo cách hiểu trực quan và đơn giản là một đồ án (diagram) hay một sơ đồ biểu hiện về thế giới/vũ trụ. Nó được căn cứ vào đó để thể hiện một điện thờ tròn hay vuông, nhiều lớp đồng tâm. Ở đó đặt tượng Phật, Bồ Tát thành nhóm, hay nhiều nhóm.

Borobudur (Indonesia) là một kiến trúc tiêu biểu. Nó vừa là một caitya (chandi/tháp) vừa là một đàn tràng mà tất cả tượng và tranh khắc/vẽ đều hướng về trung tâm; hay nói cách khác, borobudur là những cụm kiến trúc nghệ thuật hướng ra 4 hướng (và cái tâm trống rỗng). Đối với PG/chơn ngôn tông, mandàla là một tập hợp những thế lực linh thiêng đủ loại có khả năng bảo hộ nhà cửa, tịnh thất... Còn đàn hay đạo tràng, theo quan niệm thông thường được coi là tu hành (một cuộc đất, một chỗ ngồi): nơi ấy người tu học ngồi thiền định mà thâu nhiếp sự linh thiêng của chư Phật, chư thánh, chư tiên, chư thần bảo hộ cho nơi ấy và rộng hơn là bảo hộ cho nhà ở, tịnh thất. Do đó, chùa được xây dựng theo mô hình đó. Như vậy, sự kết hợp giữa một stupa/ hay caitya và mandàla đã mở ra khả năng dung nạp nhiều đối tượng thờ tự vào ngôi chính điện, và ngôi nhà tứ trụ ấy cũng được phân bố mặt bằng ra những khu vực thờ tự riêng, bao quanh bửu điện/tu di sơn.

IV. Nói chung, kiểu nhà tứ trụ đã biểu thị những nguyên lý khác nhau để tạo nên ngôi chính điện có tính chất vừa khế lý vừa khế cơ. Đó là đặc trưng đáng chú ý của bộ phận chính yếu của tổng thể kiến trúc chùa Nam bộ.

Từ những năm đầu thế kỷ này đến nay, kiến trúc chùa ở Gia Định-Sài Gòn, ở Nam bộ nói chung, có nhiều thay đổi theo những xu hướng và kiến trúc đa dạng. Một ít chùa khi tái thiết, tuy có kiểu thức mới, song còn bảo lưu chính điện kiểu tứ trụ; còn đa phần thì theo kiểu khác - có chùa lại theo kiểu kiến trúc trở đòn dông dọc của nhà thờ, hay chú tâm đến giảng đường nhiều hơn chính điện. Mọi sự canh cải đều đáng được trân trọng vì có  như vậy mới thích ứng được với yêu cầu thực tế của mỗi thời đại.

Tuy nhiên, những cải đổi đó, trừ một vài trường hợp, đa phần là đa tạp và chưa định hình thành một mẫu mực nào nhất định - nhất là mẫu mực “cách tân truyền thống”. Trong quá trình đó cũng kéo theo sự cải đổi điện thờ. Chẳng hạn như chỉ thờ ở chính điện một tượng Phật Thích Ca duy nhất được thêm vào hai bên: một Bồ Tát Quan Thế Âm có chức năng độ sanh; một bên là Địa Tạng Vương Bồ Tát có chức năng độ tử là một bước tiến khá xa với chính điện truyền thống.

Rõ ràng, việc đề xuất chỉ thờ một Phật tượng là nhằm “nhất tâm bất loạn” có thể được coi là rất hợp lý, nhưng trong thực tế xu hướng này có phần cực đoan, có tính chất khế lý mà không lưu tâm đến tính chất khế cơ. Ngược lại, việc đưa Bồ Tát độ sinh và Bồ Tát độ tử ở vị trí tả hữu Phật Bổn Sư lại coi ra có phần thực dụng; vì với Phật điện này có khả năng dẫn đến xu hướng quá chú tâm đến tính chất “khế cơ” và vô hình chung làm nhạt đi tính chất khế lý. Tất nhiên, việc “chất chồng” vào Phật điện đủ thứ tượng thờ, cũng như việc lạm dụng thiết bị chiếu sáng chớp tắt màu mè lòe loẹt... lại đã làm mất hẳn tính chất trang nghiêm thanh tịnh của chốn thiền môn. Đây là câu chuyện của một vấn đề khác.

30-4-1998

 

(1) A dictionary of the chinese Buddhist term. Broadway House xb, London, 1937. Stupa xem các trang 342a, 343a, 359a, 389a; Caitya xem các trang 152b, 227b, 250b, 336b, 342a, 444b.


 

Chùa Sùng Đức 300 năm tồn tại và phát triển

 

Ni sư thích nữ mỹ thuận

Cách đây 300 năm, chúa Nguyễn Phúc Chu, vốn là người mộ đạo, đã trùng tu và xây dựng nhiều chùa chiền, và đạo Phật được xem là quốc đạo.

Hiện nay Phật giáo (PG) Việt Nam đang ở thời kỳ phát triển. Bao tầng lớp nhân dân đều tìm về cội nguồn. Đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh đã ôn lại quá trình phát triển của thành phố 300 năm, trong đó Phật pháp đã khai dẫn nhiều ý thức kết hợp Đạo và Đời thành triết lý sống cao đẹp. Đặc biệt trên vùng phía Bắc Sài Gòn, và trong số hơn 200 ngôi chùa, chùa Sùng Đức là một cơ sở tín ngưỡng đã đóng góp thiết thực vào sự phát triển của Sài Gòn-Gia Định xưa và nay. Cụ thể tại chùa Sùng Đức, qua các thời kỳ dân tộc Việt Nam đang bị áp bức dưới sự thống trị của các thế lực ngoại xâm, chùa đã tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp, chống được nạn bệnh tật, nghèo dốt  với mục đích phát huy tinh thần từ bi, vô ngã của đức Phật.

A.- KIẾN TRÚC CHÙA SÙNG ĐỨC XƯA VÀ NAY

Chư vị tiền bối xưa đã chọn phần đất 14.600m2 tọa lạc tại ấp Bình Thọ, phường Trường Thọ, làm nơi tôn nghiêm thờ phượng để kết hợp Đạo và Đời.

Vào năm 1806, một Phật tử tục gọi là Kiển, cúng dường mảnh đất nói trên. Chính ông bà Kiển cũng đứng ra xây một ngôi chùa với kiến trúc đơn sơ và cung thỉnh chư Sư về trụ trì nơi đây, từ đó chùa Sùng Đức được hình thành và phát triển.

Cùng với Sài Gòn 300 năm, chùa Sùng Đức đã trải qua 14 đời Hòa thượng (HT) kế thừa, lãnh đạo ngôi vị trụ trì. Hiện nay bài vị của chư Tổ sư được an trí tại Tổ đường.

Cùng với sự biến thiên của thời gian, ngôi chùa cổ đã xuống cấp. Đến năm 1967, HT Thích Tuệ Hải đã trùng tu, tôn tạo về phần chánh điện, bằng cách thay thế kiến trúc nhẹ cũ thành một cơ sở tôn giáo trang nghiêm hơn để phù hợp với tín ngưỡng của đồng bào Phật tử.

Phần tiền đường được kiến trúc với hai mái cong được lợp bằng ngói vẩy cá thay cho ngói âm dương.

Tổ đường phía sau chánh điện vẫn giữ nguyên được nét cổ kính, là nơi thờ phượng chư vị Tổ sư có công khai sáng và trùng tu chùa Sùng Đức. Vào năm 1990 đã được kiến tạo thêm cổng tam quan với chiều cao là 7,5m, ngang là 12m. Một giảng đường có sức dung chứa hơn 200 đồng bào Phật tử, một thiền đường được xây dựng nơi khu đất yên tĩnh, rộng rãi. Ngoài ra, chùa còn có vườn tháp là nơi an trí chư vị Tổ sư.

Cơ sở từ thiện gồm có lớp học tình thương và phòng khám bệnh, phát thuốc từ thiện.

Ngoài các kiến trúc, chùa còn những cổ vật có giá trị lịch sử :

- Quả chuông cổ có giá trị lịch sử hơn 300 năm. Chuông được đúc từ thời Đại Cồ Việt.

- Tượng Phật Thích Ca được nhà điêu khắc thực hiện trên một cây gỗ mít lớn và những bức hoành phi, câu đối có thời gian hơn 100 năm, làm cho ngôi cổ tự càng thêm phong phú về mặt thời gian.

B.- SỰ TỒN TẠI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CHÙA SÙNG ĐỨC

Phần kiến trúc chưa đủ để nói lên thành tựu của chùa Sùng Đức. Quan trọng là tâm linh nội dung tiêu biểu cho ý nghĩa cao cả của ngôi chùa. Sự gắn bó Đạo và Đời được ghi nhận trên phương diện giúp nước, cũng như trên lãnh vực truyền bá Phật pháp được thể hiện qua những việc làm sau:

1- Thành quả cách mạng của chùa Sùng Đức

Trải qua hai cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, chùa Sùng Đức là một cơ sở cách mạng, nuôi dưỡng cán bộ và chiến sĩ, nơi quy tụ biết bao nhà sư và tín đồ đã hy sinh cho nền độc lập tự do của dân tộc.

Vào năm 1940-1945, HT Thích Pháp Linh, thế danh Phan Thanh Hà, pháp hiệu Hồng Liên, nguyên trụ trì chùa Sùng Đức, là một bậc chân tu học thức uyên bác, là nhà hoạt động cách mạng, đã đóng góp vào cuộc thành tựu cách mạng bằng cách vận động tuyên truyền giáo dục Tăng Ni và tín đồ Phật tử tinh thần yêu nước, yêu quê hương, nhất là tham gia kháng chiến tại Gia Định, là Ủy viên Huyện ủy tỉnh Gia Định, không những Hòa thượng chiến đấu sức người, sức của mà còn là chủ bút của tờ tuần báo Tiến Hóa, trụ sở đặt tại chùa Tam Bảo - Rạch Giá, Kiên Giang, phát hành được 14 số. Tuần báo kêu gọi, động viên giới Tăng Ni và đồng bào Phật tử phát huy lòng yêu nước, bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản. Ngoài ra, tại chùa Hòa thượng còn thành lập cơ sở dệt vải, tạo môi trường để chiến sĩ cách mạng thuận lợi hoạt động.

Ngài là một pháp sư lỗi lạc, cho nên dân gian có câu tục ngữ : “Nhứt Chiếu, nhì Linh, tam Không, tứ Đạo”. (Chiếu là Sư Thiện Chiếu, Linh là HT Pháp Linh, Không là Sư Thái Không, Đạo là Sư Thành Đạo).

Thực dân Pháp phải nể sợ khi nghe nhắc tới câu tục ngữ này.

Năm 1941, HT Pháp Linh bị giặc bắt đày ra Côn Đảo. Để ghi công đức của HT, năm 1997, Phòng Văn hóa lấy tên HT Thích Pháp Linh để đặt tên đường, thay thế cho đường Truông Tre tại địa phương.

Chùa Sùng Đức là nơi hoạt động cách mạng của nhiều vị có tên tuổi như Thiếu tướng Đào Sơn Tây hiện đang sống tại Thủ Đức, đã cùng tham gia cách mạng hoạt động chính trị với HT Thích Pháp Linh.

Trong tông môn của HT Thích Pháp Linh hiện nay còn có HT Thích Huệ Thành, hiện là Phó Pháp chủ Giáo hội PG Việt Nam.

2- Hoạt động chủ yếu hiện nay

Hoạt động chính của chùa vẫn là nơi truyền bá giáo lý. Mỗi tháng, chùa tổ chức thọ Bát quan trai 4 lần và dạy giáo lý cho Phật tử hàng tuần. Ngoài ra trong những tháng an cư kiết hạ tổ chức nhiều buổi thuyết giảng do những vị giảng sư tại Thành hội đảm trách, sinh hoạt Phật pháp tại chùa lúc nào cũng phù hợp với Hiến chương của Giáo hội và Hiến pháp của Nhà nước, kết hợp hài hòa giữa Đạo và Đời. Ngoài ra, thể hiện tinh thần người con Phật qua phương châm “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”, chùa Sùng Đức đã thực hiện trạm chữa bệnh, phát thuốc từ thiện, thực hiện thường xuyên mỗi tháng bốn kỳ cho những người già neo đơn, với số bệnh nhân hơn 100 người mỗi lần, khám bệnh do các bác sĩ có tên tuổi ở các bệnh viện lớn trong thành phố đảm trách, và đã tạo được niềm tin cho nhân dân địa phương. Ngoài việc khám bệnh, chùa Sùng Đức còn có lớp học tình thương cho những con em nghèo không có điều kiện đến trường, số học sinh hiện nay hơn 100 em, chia làm 4 lớp: 2 lớp Một, 1 lớp Hai và 1 lớp Ba, và có những sân chơi rộng, thoáng mát.

Nhân dịp kỷ niệm 300 năm lịch sử của thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn-Gia Định), người am hiểu lịch sử phải nghĩ ngay đến sự đóng góp hữu hiệu của PG. Từ sự vận động phát triển, từ sự đóng góp của cách mạng yêu nước và từ sự phổ biến đạo lý con người đến sự trưởng thành của đất nước là thừa kế nền giáo lý của Phật pháp. Sự phát triển vật chất và trí tuệ, từ đó được tiếp nối theo trong lịch sử. Đặc biệt, chùa Sùng Đức cũng đã đóng góp phần nào vào sự phát triển của thành phố 300 năm.

Trong phạm vi nhỏ hẹp, chùa Sùng Đức đã nói lên được tinh thần yêu nước, tư tưởng lợi tha, ý niệm phát triển trí tuệ và vật chất của con người.

Với phương châm “tốt Đạo đẹp Đời”, là viên gạch xây ngôi nhà Phật pháp ngày thêm vững mạnh cùng với các công tác từ thiện v.v..., tất cả được chùa Sùng Đức chủ trương thực hiện nhằm đem ánh sáng của đức Phật tỏa khắp mọi nơi để chúng sanh được an lành và hạnh phúc.

 

---o0o---
 

Mục Lục | phần i | iI | iII | iV | v | vI | vII | vIII


---o0o---

Vi tính: Bảo Hiếu & trích thêm từ trang: www.chuyenphapluan.com
Trình bày: Jacinta & Anna
Cập nhật: 01-02-2005

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Þ cẫm bat ngo ceo thai ha books chan dat di an suy ngẫm về việc tan TÃo æåŒ vang 佛教典籍的數位化結集 æ æ³ ä½œæ ç ¼èµžå ½åº ä½œæ Ã ç½ åˆ¹å ³ 关于青春的议论文 Quay về với yêu thương åƒäæœä½ xuan van hanh 五痛五燒意思 Đi dọc đường quê 塩谷八幡宮 à สโตร ส รา お墓の種類と選び方 看完新闻联播的观后感 Ð Ð Ð 心累的时候 换个角度看世界 築地本願寺の年末恒例行事帰敬式 描写家乡的桥的句子 พระพ ทธศ ลปาว 护法 hoa thuong thich mat hien 1907 Ç văn å æžœ โทษของเท ยวกลางค น ï¾ ï½ Hà nh 佛經 丢失菩提心的因缘 地藏十轮经 chùa pháp bảo 瑞州三峰院的平和尚 唐代 臨濟 thuyen 乃父之風 천수경듣기 Phật giáo 士用果 ด หน ง