VIỆT NAM PHẬT GIÁO SỬ LƯỢC
Thích Mật Thể
---o0o---
Mục
lục
- Lời khen cuốn Việt Nam Phật giáo sử
lược của Hòa thượng Phước Huệ
- Tựa (Trần Văn Giáp)
- Vài nét về Thiền sư Mật Thể
- Lời nói đầu
- Phàm lệ
- Tiểu dẫn
Phần
Tự Luận
I.1
Chương một: I. Nguồn gốc Phật giáo
- Lịch sử đức Thỉ tổ Phật giáo.
- Phật Thích-ca Mâu-ni.
- Hoàng tử Tất Đạt Đa.
- Tư tưởng và lòng từ bi đặc biệt của một tâm hồn siêu đẳng.
- Một lý tưởng cao siêu.
- Sự kết quả của bao nhiêu năm sống thắc mắc trước vấn đề
chân lý.
* Phật giáo ấn Độ qua các triều đại
- Bốn kỳ
kiết tập kinh điển.
- Nam phương Phật giáo và Bắc phương Phật giáo.
- Thời đại Phật giáo phát triển.
- Thời đại Phật giáo diệt vong.
- Phong trào phục hưng Phật giáo
I.2 Chương hai : II . Phật giáo ở Trung Quốc
- Phật giáo đời Tây Hán.
- Đời Đông Hán.
- Đời Tam Quốc.
- Đời Tây Tấn.
- Đời Nam Bắc triều.
- Đời Hậu Ngụy.
- Đời Đường.
- Đời Ngũ đại.
- Đời Tống - Kim.
- Đời Nguyên - Minh - Thanh.
- Đời Dân Quốc.
I.3 Chương
ba : III. Địa thế nước Việt Nam
- Nguồn gốc
và tinh thần người Việt Nam
I.4 Chương tư : IV. Tôn phái truyền vào Việt Nam
- Thiền Tôn
Phần Lịch sử
II.1. Chương một : Thời đại Phật giáo du nhập
- Phật giáo đời Bắc thuộc : Mấy vị đến truyền đạo đầu tiên ở
Việt Nam
II.2. Chương hai : Phật giáo đời hậu Lý Nam Đế và đời Bắc thuộc
thứ ba
- Phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi
- Khởi điểm phái Thiền tôn ở Việt Nam.
- Ba đoàn truyền giáo ở Việt Nam.
- Phái Vô Ngôn Thông
II.3. Chương
ba : Phật giáo đời nhà Đinh và đời Tiền Lê :
- Một giai đoạn vẻ vang trong lịch sử Phật giáo.
- Lần cầu kinh thứ nhất.
II.4. Chương tư : Phật giáo đời nhà Lý :
- Thời đại Phật giáo độc tôn.
- Lần cầu kinh thứ hai.
- Sự ảnh hưởng của Phật giáo trong các triều vua Lý.
- Phái Thảo đường.
- Sự bắt đầu Phật giáo bị pha lẫn các tà đạo.
- Phật giáo bước sang thời kỳ bảo thủ.
II.5. Chương
năm : Phật giáo đời nhà Trần
- Vua Trần Nhân Tôn xuất gia, mở đầu phái Trúc Lâm Yên
Tử.
- Nguyên nhân sự sai lạc của Phật giáo.
- Phật giáo bị áp đảo dưới thế lực của Nho sĩ.
II.6. Chương
sáu : Phật giáo đời nhà Hồ đến đời thuộc Minh
- Sự thiệt hại của Phật giáo.
II.7. Chương bảy : Phật giáo đời Hậu Lê
- Thời đại Phật giáo suy đồi
II.8. Chương
tám : Phật giáo ở thời đại Nam Bắc phân tranh
- Cơ vận phục hưng.
- Phái Lân Giác.
- Phái Nguyên Thiều
- Mấy vị Danh Tăng ở Trung Hoa sang trong đời chúa Nguyễn.
- Phái Liễu Quán
II.9. Chương
chín : Phật giáo trong thời kỳ cận đại
(triều Nguyễn)
- Mấy vị
Danh Tăng triều Nguyễn.
- Hiện trạng suy đồi.
II.10. Chương mười
: Phật giáo hiện đại
- Phong trào
chấn hưng Phật giáo
- Một vài tia hy vọng
Phụ
lục
- Những dòng
kệ của các phái
- Tư liệu nghiên cứu về :
+ Tổ Nguyên Thiều
+ Tổ Liễu Quán
- Sách tham
khảo
- Mục lục
Tháng Trọng Xuân năm Quí Mùi, Pháp sư Mật Thể du hành các
tỉnh phía Nam mang theo bản cảo Quốc ngữ cuốn Việt Nam Phật giáo sử,
và thưa với tôi đó là tập sách do Pháp sư trải bao năm tháng sưu tầm
biên soạn mà thành, thỉnh cầu tôi chứng giám. Tôi nhận lấy bản cảo và
đọc kỹ. Mỗi khi đêm tĩnh đèn cao, ngồi bên cuốn sách, nghĩ đến Sư đã
từng có năm theo học nơi tôi, tôi biết được chí hướng và nguyện vọng của
Sư. Ngoài việc tu học, Sư chưa từng lưu tâm đến việc phiên dịch trước
thuật nhằm cho sự nghiệp hoằng pháp.
Xưa kia Phật giáo từ Đông độ sang, truyền nhập vào nước
Nam ta đã hơn ngàn năm. Chư vị đạo Tổ Thánh Tăng tương tục phát xuất
công đức, chiếu sáng lịch sử, há đâu từng mai một. Ngày hôm nay đây có
được cuốn sách này, chẳng những có công với Phật giáo mà còn có công với
Phật học vậy. Do đó tôi vui mừng vô lượng vô biên, vội có mấy lời tán
thán.
Phật giáng thế 2506, tháng ba mùa Xuân,
Chùa Thập Tháp, Bình Định
Hòa thượng Phước Huệ.
Phật giáo khởi thủy ở ấn Độ, truyền đi khắp các xứ lân
cận. Trước hết sang các nước Trung á Tế á rồi thứ độ sang Tây Tạng,
Trung Hoa, Cao Ly, Nhật Bổn và các nước miền Nam Châu á. Việt Nam ta
cũng ở trong phạm vi ảnh hưởng ấy. Mỗi khi Phật giáo vào xứ nào thì tùy
theo tính tình, phong tục, quốc độ, thời cơ xứ ấy mà phương tiện truyền
thụ. Phật giáo mỗi xứ có một tinh thần và một tính cách khác nhau cũng
như lịch sử các xứ ấy Nên muốn khảo về Phật giáo một xứ nào cần phải
chia ra làm hai phần : Phần Lịch sử và phần giáo lý
cùng triết lý. Lịch sử có khảo cứu được rõ ràng thì giáo lý,
triết lý suy nghiên mới được vở vạc.
Hỏi đến
Lịch sử Phật giáo Việt Nam nhà thì ai cũng bảo: “Có từ Đinh, Lê trải qua
Lý, Trần, Lê rồi đến bản triều”, tựa hồi như một vấn đề giản dị quá.
Thật vậy, các quan sử phần nhiều chỉ thấy có nói đến Phật giáo đời Đinh
mà thôi. Biết đâu bất đầu từ Đinh, Việt Nam ta đã nhận Phật giáo làm
Quốc giáo, đặt Tăng quan trong triều, thì chắc hẳn Phật giáo hồi đó đã
tới một trình độ thịnh đạt lắm rồi. Bởi thế trong vấn đề Phật giáo
truyền vào từ bao giờ? Truyền vào cách nào? Đường nào? Từ phía Bắc hay
từ phía Nam? Ấy, chính những câu hỏi ấy, khiến ta phải để tâm nghiên cứu.
Những sách nói về vấn đề Lịch sử Phật giáo Việt Nam tuy
không phải không có, nhưng cũng không lấy đâu được nhiều, mà cũng không
phổ cập mọi người. Bất quá chỉ vỏn vẹn được vài ba bộ như : Thiền uyển
tập anh, Thống yếu kế đăng lục, Đạo giáo nguyên lưu v...v và một vài bộ
Ngữ lục cùng năm ba thiên truyện ký các vị Cao Tăng. Vì những nỗi eo hẹp
khó khăn ấy, nên mấy ai đã có cái hứng thú về đường trước thuật, mà có
một ít - rất ít - cũng dấu trong chùa riêng, sao đi chép lại, chắc chưa
có bản nào là hoàn thiện mà ai cũng được xem. Tuy vậy có còn hơn không :
nhờ có những sách ấy của tiền nhân ta để lại mà ta biết được chút ít về
Lịch sử Phật giáo nước nhà. Há không phải là những tài liệu quý hóa cho
môn sử học này hay sao?
Khốn nỗi những sách ấy viết toàn bằng chữ Hán cả Đối với
phái xuất gia không kể, còn quốc dân ta, từ khi Hán học không được nhận
dạy ở các trường công, học giới ta lấy Quốc văn và Pháp vặn thay vào.
Các bậc tân tiến ngày nay đối với kho sách chữ Hán xưa gần như chim
chích vào rừng. Nếu không dịch ra chữ Quốc ngữ thì các tài liệu quý hóa
ấy cũng chẳng bổ ích cho học giới được bao nhiêu.
Vậy ngày nay trong Thiền gia học giới có người dụng công
sưu tập cả tài liệu Hán văn, Quốc văn cùng Pháp văn, đem dịch thuật, sửa
soạn phô diễn làm thành một quyển sách khiến độc giả có thể biết qua cả
Lịch sử Quốc giáo Việt Nam trong mấy nghìn năm, há chẳng có ích lắm ru !
Không những thế, những tài liệu đã sưu tập lại là tài liệu quý giá cho
sử học giới sau này, thì dù ở trong không khỏi có điều sai lầm khiếm
khuyết, song
về môn tài liệu thì sách
này vẫn là có công to.
Chính vì các lẽ ấy, nên xin giới thiệu cùng các học giả
và các Phật tử Việt Nam sách “Việt Nam Phật giáo sử lược” của
Thượng tọa Mật Thể, giáo sư Trường Sơn Môn Phật học Huế. Mong rằng
Thượng tọa bền chí sửa tập, cố gắng làm thêm cuốn VIỆT NAM PHẬT GIÁO
GIÁO LÝ thì thật bổ ích cho tương lai Phật giáo Việt Nam nhà ta lắm vậy.
Riêng phần chúng tôi lấy làm mong mỏi vô cùng.
Nay
kính đề
Thúc Ngọc : TRẦN VĂN GIÁP
Viết tại Thư viện chùa Quán sứ
Trụ sở Trung ương Hội Phật giáo Bắc kỳ - Hà Nội
ngày nhập đông tháng mười năm Nhâm Ngọ (1942).
(1913 - 1961)[2]
Thiền sư tên thật là Nguyễn Hữu Kế, sanh năm 1912 ở làng
Nguyệt Biểu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, thành phố Huế.
Chánh quán huyện Tống Sơn, Gia miêu ngoại trang, tỉnh
Thanh Hóa, dòng Thích
Lý của cụ Nguyễn
Hữu Bộ.
Lúc nhỏ theo học Nho giáo và Quốc ngữ chương trình Pháp
Việt.
Thiền sư đã
đỗ Primaire. Người thông minh, lanh lợi.
Gia đình
đều qui hướng theo Phật. Cụ thân sinh và người anh ruột cũng đều xuất
gia làm đệ tử chốn Thiền lâm.
Lên 12
tuổi, Thiền sư được thân sanh đem về chùa Diệu Hỷ (Huế) cho tu học. Hằng
ngày cần mẫn học tập. Bản chất thông minh nên chả mấy chốc tiếp thu một
cách mau chóng Kinh Luật căn bản của Phật giáo.
Lên 16 tuổi
Thiền sư nhập chúng ở chùa Từ Quang với Hòa thượng Giác Bổn. Nhận thấy
Thiền sư là người xuất sắc, đảm đang, nên cho vào tu học ở chùa Trúc Lâm
với Hòa thượng Giác Tiên. Khi vào đây như cá gặp nước, rồng gặp mây,
Thiền sư lại được gần Thầy gần bạn, học hỏi chuyên cần nên trí huệ mau
chóng phát triển.
Năm lên 18
tuổi, Thiền sư được Hòa thượng Giác Tiên thế độ và cho thọ Sa-di giới
với Pháp danh Tâm Nhứt, Pháp tự là Mật Thể.
Năm 1932,
Hoà thượng Giác Tiên thỉnh đại lão Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp
tỉnh Bình Định ra khai giảng Phật học đường ở chùa Trúc Lâm và Tây
Thiên, Thiền sư được đặc cách cho theo học lớp này.
Năm 1935,
Hòa thượng Bổn sư viên tịch. Năm 1937 Hòa thượng Thập Tháp vì tuổi già
không thể dạy tiếp nên trở về Tổ đình Thập Tháp ở Bình Định an nghỉ.
Thiền sư xin với Sư huynh sang Trung Quốc
nghiên cứu về Phật học ở Viện Phật học Tiêu Sơn do Hòa thượng Tinh
Nghiêm làm Trú trì.
Cuộc chiến
tranh Hoa-nhật bùng nổ, năm 1938 Thiền sư trở về Việt Nam làm Giảng sư
cho Sơn môn Phật học và An Nam Phật học Hội. Trong thời gian này Thiền
sư trước tác quyển Việt Nam Phật giáo Sử lược. Ngoài ra còn dịch tiếp
quyển Phật giáo Khái luận, Phật học dị giải và kinh Đại thừa vô lượng
nghĩa.
Năm 1941,
Thiền sư nhận làm giáo thọ cho Phật học đường Lưỡng Xuyên tại Trà Vinh
được một năm rồi trở ra Huế.
Đến năm
1944, Thiền sư thọ Cụ túc giới ở Giới đàn tại chùa Thuyền Tôn do Hoà
thượng Giác Nhiên làm Đàn đầu.
Trong Giới
đàn này Thiền sư đứng đầu các giới tử và được công nhận là Thủ Sa-di.
Năm 1945,
Thiền sư được Sơn môn cử giữ chức Trú trì chùa Phổ Quang ở cố đô Huế.
Những văn nhân nghệ sĩ tên tuổi thời bấy giờ như cụ Trần Văn Giáp, Phạm
Quỳnh, Khái Hưng . . . đều đặn đến chùa Phổ Quang đàm đạo với Thiền sư.
Năm 1946, Thiền sư tham
gia Phong trào Phật giáo cứu quốc khi Chính phủ Lâm thời tổ chức Tổng
tuyển cử, Thiền sư được đề cử ra ứng cử đơn vị Thừa Thiên và đắc cử Đại
biểu Quốc Hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng năm 1946 này,
Thiền sư được mời làm Chủ tịch ủy ban Phật giáo Cứu quốc tỉnh Thừa Thiên.
Trong những năm sơ tán, Thiền sư về ở Nghệ An và viên tịch tại đây.
Thiền sư trụ thế 49 năm, thị tịch năm 1961 tại Nghệ An.
Những tác phẩm của Thiền sư đã xuất bản từ năm 1941-1957 gồm có :
- Phật giáo yếu lược.
- Phật giáo khái luận.
- Cải tổ sơn môn.
- Xuân đạo lý.
- Đại thừa Vô lượng
nghĩa.
- Việt Nam Phật giáo sử
lược.
Trong thời gian ở Nghệ An, Thiền sư đã phiên dịch và
trước tác Kinh Luật Luận rất nhiều, nhưng hiện nay đã thất lạc vì chiến
tranh. Tháp của Thiền sư hiện đã được cải táng ở chùa Trúc Lâm - Huế.
Đứng về phương diện
tuyệt đối mà nói, chân lý vốn không có thời gian và không gian. Thời
gian và không gian đã không, thì, trên cõi đời này có cái gì đáng gọi là
lịch sử và ai là nguội chép lịch sử ? Xưa đức Phật tổ qua 49 năm thuyết
pháp giáo hóa, khi gần nhập Niết-bàn, Ngài muốn khai thị cho chúng biết
đạo lý "bất nhị pháp môn", Ngài dạy: Ta xưa nay chưa từng nói một chữ
Huyền diệu thay ! Câu
nói tuy rất vắn tắt, đơn sơ mà bao hàm biệt bao ý nghĩa. Vì sao ? Với
chân lý tuyệt đối bản thể "pháp giới thanh tịnh tâm " thì văn tự hay ngữ
ngôn đều là thừa cả.
Đành vậy, nhưng cuộc đời
này là tương đối. Trăm ngàn hiện tượng phô diễn trước mặt, người ta
không thể cùng nhau bảo là không được. Toàn thể nhân loại chúng sinh đã
mê lầm, nhận vạn hữu trong vũ trụ cho là thật có, nên đã manh tâm tranh
dành kiến thiết, để mưu cầu sự tiến hóa hạnh phúc. Nhưng trái lại, chỉ
cùng nhau quay cuồng hụp lặn trong biển khổ ! Nỗi nguy hại của lịch sử
đã biểu diễn ra rành rành, sao người ta không chịu xóa nhòa nó đi, để
mọi người được sống trong cảnh giới hòa đồng, không còn phân chia văn
hóa, chủng tộc của mỗi địa giới ? Nói vậy, không phải tôi bi quan, phủ
nhận sự tiến hóa hiện thời của nhân loại. Nhưng tiến hóa bằng cách nào
chứ ? Nếu tiến hóa mà buộc nhân loại mãi rước lấy sự chém giết lẫn nhau,
thì khốc hại biết chừng nào ?
Mục đích và tinh thần
Phật giáo vốn dắt dẫn mọi người đạt đến chân lý tuyệt đối. Và, chúng tôi
bao giờ cũng thể theo tâm “Vô tướng” của chư Phật, chân lý tuyệt đối của
“pháp giới” mà tu trì; ngoài ra không dám manh tâm tranh dành một địa
vị hay một thiên lịch sứ gì cho Phật giáo hay cho cá nhân ở trong xã hội
nhân loại này. Chẳng qua với giữa hoàn cảnh người người đều xem trong
lịch sử, suy tầm lịch sử, mà Phật giáo lại là nền giáo lý vốn sẵn phương
tiện tùy duyên khai hóa, đủ có pháp này pháp kia cho hết thảy mọi người
biết mà tu học.
Vậy Phật giáo đã là một
hiện tượng trên thế giới, nói hẹp là một tôn giáo đã truyền vào nước
Việt Nam này, lẽ nào lại không có một lịch sử truyền bá ?
*
Kể Phật giáo từ khi
truyền vào đất Việt Nam ta đến nay đã gồm có cái lịch sử gần 2.000 năm.
Qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê không phải là không thạnh và,
Phật giáo không bổ ích cho thế đạo nhơn tâm. Các vị Tổ sư, các bậc Cao
Tăng xưa như ngài Pháp Hiền Thiền sư, Khuông Việt thái sư, Vạn Hạnh
Thiền sư, Cảm Thành Thiền sư và Trúc Lâm tam tổ v.v... đã từng đem chỗ
tu học hoằng pháp của mình mà mở mang nền đạo đức văn hóa cho nước nhà
không phải là ít.
Thế mà trừ một ít tài
liệu chép rải rác trong các sách sử và một đôi quyển Ngữ lục gia phổ ở
các chùa, thì không còn có một quyển sách nào cụ thể đáng gọi là một
quyển lịch sử có tổ chức để làm gương soi chung cho người sau, noi theo
đó biết được điều hay cần bắt chước, điều dở phải tránh xa, đặng giúp về
sự xét đoán trên bước đường tu học hoằng pháp. (Nói thế chứ tôi đâu dám
chỉ trích gì cổ nhân. Không, tôi biết lắm ! - 1. Người xưa tánh tình
thuần phác, vả lại nền kinh tế kỹ nghệ
chưa được phát triển mấy, nên người học đạo (Phật hay Nho cũng vậy) cột
để tu tâm dưỡng tánh, chứ đâu phải để chuyên về mặt văn hóa trước thuật.
Vì vậy, không những riêng về Phật giáo
thiếu quan niệm
lịch sử mà
cho đen thế gian các bậc tiền bối ta cũng thiếu hẳn quan niệm ấy. Huống
nữa Phật giáo là một tôn giáo chứa đầy tư tưởng “vô tướng”. Người hành
đạo dù có làm việc gì to lớn đến đâu cũng không cần ai biệt và chẳng lưu
tâm biên chép điều đó để lại làm gì. 2. Nước Việt Nam ta là một nước nhỏ
ở gần một nước lớn - Trung Hoa, ngót 1000 năm nội thuộc, hết thảy văn
hóa, giáo dục đều phải học đòi theo những sách vở mà họ chở qua cho ta
đọc còn không hết, có thì giờ đâu mà nghĩ đến việc trước tác. Vả dù có
nghĩ đến việc trước tác thì, viết chữ Hán chi bằng đọc sách họ là hơn,
mà nếu viết bằng tiếng nước nhà thì chữ Nôm ta thời ấy còn cho là nôm na,
không có giá trị, chi bằng thôi là xong. Những khuyết điểm ấy ta phải
nhận là một công lệ của thời đại trước. Mà thật ra người đương thời đó
cũng không lấy thế cho là khuyết điểm).
Ngày nay nhơn phong trào
học thuật tiến bộ, tư tưởng người ta đã quan niệm nhiều về lịch sử.
Riêng về Phật giáo phần đông người học Phật cũng muốn biết đến tung tích
nền Phật giáo của nước nhà mình thế nào ... Vẫn biết học đạo chỉ tìm
thấy con đường về là được cần gì phải hỏi đến Tổ tông
. Nhưng thiết nghĩ, nếu biết được Tổ tông thì lại có hại gì ? Vả lại
bước đầu nếu không biết Tổ tông thì nương vào đâu mà tìm thấy được con
đường về.
Vì thiên kiến, muốn
thích ứng với nhu cầu của thời đại, bổ khuyết vào chỗ khuyết hám trên
nền Lịch sử Phật giáo nước nhà, quyển Việt Nam Phật giáo sử lược này ra
đời. Nói lại lần nữa, bản ý chúng tôi không vì xua đùa theo danh lợi,
hay phô trương cái hay cái giỏi trong Phật giáo, mà chỉ một lòng vì văn
hóa học thuật, đi với
mục đích hoẵng pháp lợi sanh, chỉ mong được làm - dù công việc gì, nhiệm
vụ của một Phật tử trong một thời đại.
Những tài liệu chúng tôi
dùng viết sách này, về phương diện Phật học phần nhiều căn cứ vào quyển
Việt Nam Thuyền uyển tập anh, Thống yêu kế đăng lục, Việt Nam Thuyền
tôn thế hệ và quyển Le Bouddhisme An-nam des origines au XIII è siècle
của Trần Văn Giáp tiên sanh. Còn về sách ngoài thì có bộ Quốc Triều tiền
biên. Chánh biên, lịch sử nhân vật chí, Khâm định Việt sử thông giám
cương mục, Đại Việt ký, Đại Nam nhất thống chí, Việt Nam sử lược v.v…
Tóm lại những sách vở hoặc báo chí gì đã dùng làm tài liệu để kê cứu
trong khi việt sách này, chúng tôi đều có kê vào mục sách tham khảo rõ
ràng để tiện độc giả khi muôn xét lại điều gì. Tiếc vì không gian quyển
sách này có hạn và mọi phiền tạp trong sự biên tập nên chúng tôi không
thể đánh dấu hết sơ xuất của mỗi chỗ được. Điều đó, tưởng độc giả cũng
xét biết mà lượng thứ cho.
Nội dung sách này chia
làm hai phần : Tự luận và Lịch sử. Phần Tự luận chia làm
bốn chương. Trước hết thuật qua lược sử đức Thủy tổ Phật giáo và tình
hình duyên cách Phật giáo ở ấn Độ, rồi đến Phật giáo ở Trung Hoa; địa
thế nước Việt Nam, nguồn gốc và tinh thần người Việt Nam v.v... Về phần
Lịch sử chia làm mười chương. Bắt đầu khảo xét Phật giáo từ khi mới du
nhập, lần lượt qua các triều đại cho đến hiện đại.
Trong khoảng thời gian
gần 2000 năm, sự bố giáo của liệt vị Tổ sư ra thế nào, tình cảnh thạnh
suy của Phật giáo qua các triều đại ra thế nào, chúng tôi đều tham hiệp
với tình hình chính trị, kinh tế của mỗi thời đại trong nước mà ghi chép
rõ ràng kỹ lưỡng. Sau mỗi tôn phái lại có một bản đồ kê về thế hệ cho
độc giả tiện bề tham khảo. Chúng tôi không dám tự nghĩ là đã hoàn toàn
trong công cuộc khảo xét, nhưng với tài liệu xưa, chúng tôi cố tìm và cố
chọn lấy những điều xét thật đáng tin. Chúng tôi không có xa vọng gì hơn
là mong sách này nó chỉ là một cuộn đại quan về một thiên lịch sử, phận
sự của nó là mở đường cho những cuốn Việt Nam Phật giáo sử sau nầy.
*
Chúng tôi vẫn nhận thấy
khảo xét lịch sử là một công việc rất lớn lao, không phải riêng phần cá
nhân mà đảm đương nổi. Riêng về Phật giáo, Thượng Chi tiên sanh cũng đã
từng than : “Sưu tầm tài liệu để viết quyển Việt Nam Phật giáo sử là một
việc rất khó”.
Nhưng chúng tôi đã đem hệt nhiệt tâm, nhận lấy một trách nhiệm, trong
ba, bốn năm nay với sự yếu đau, với những khi mệt nhọc, chúng tôi vẫn cố
gắng quyết đeo đuổi một mục đích : Phụng sự Phật giáo.
Trong sự biên tập cũng
nhờ có nhiều thiện hữu tri thức đã giúp cho tôi, hoặc về tài liệu, hoặc
biên chép hay cho những đoạn Pháp văn có quan hệ đến Lịch sử Phật giáo.
Tiếc rằng không thể ghi hết được, vậy xin các bạn hoan hỷ nhận lấy ở
đây, lòng thành thật cảm ơn của tôi.
Và chúng tôi rất trông
mong các bậc Đại đức trong các Sơn môn cùng các học giả, cư sĩ trong
nước, sau khi quyển sách này ra đời nếu được may mắn nằm trên tay quí
ngài, như còn chỗ nào sai lầm khuyết điểm, xin quí ngài vui lòng chỉ
giáo lại cho. Chúng tôi rất chân thành cảm tạ.
ĐIỀU NGỰ TỬ MẬT THỂ
Viết ở
Trúc Lâm - Huế
Giữa mùa Xuân năm Quí Tị
(Phật lịch : 2506 - Tây lịch : 1943)
1. Phần Tự luận trong sách này, vì thảo luận các vấn đề
có hơi dài sau nghĩ muốn bỏ đi, nhưng lại tiếc cái công trình đã thảo ra
nó. Vậy độc giả muốn hiểu ngay tình hình của một thiên lịch sử, xin hãy
giở ngay phần lịch sử đọc trước, khi rỗi rảnh sẽ tham khảo phần Tự luận
sau, cũng không ngại gì.
2. Những bản đồ trong sách này, trừ bản A, bản H, và bản
I ra, còn các bản khác đều theo sự sắp đặt của Trần tiên sanh trong sách
Le Bouddhisme en An-nam ... Chẳng qua đoạn dưới bản đồ G, tác giả
có sửa lại mấy tên cho đúng hiệp với thứ tự về những chữ trong giòng kệ.
3. Kể ra Phật giáo ở Trung kỳ gần đây, ngoài phái Nguyên
Thiều và Liễu Quán, còn có các phái nhỏ khác, gốc ở hai phái trên mà lập
ra, đặt riêng một giòng kệ khác. Nhưng sự truyền thống không được phát
đạt lắm, nên đại khái không thể chép thành bản đồ được
4. Bất cứ một tôn giáo này, truyền vào nước nào, về sự
thạnh suy đều có liên quan bởi các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của
các thời đại trong nước ấy. Sách này vì muốn khởi hứng cho độc giả, nên
tác giả dựa theo tình hình của các thời đại trong nước, lược thuật một
cách rõ ràng, độc giả khi đọc rất có nhiều thú vị.
5. Sách này viết xong vừa gặp thời cuộc chiến tranh ngày
thêm rắc rối, đối với vấn đề ấn loát thật trăm phần khó khăn, nên đành
phải để nằm trong tủ một thời gian, nay mới đem in được. Vậy các giáo
hữu xa gần, hữu tâm mong đợi xin vui lòng lượng thứ.
Theo tục truyền, nước
Việt Nam ta khai quốc bắt đầu từ dời Hồng Bàng (2879 trước TL..?) lấy
quốc hiệu là Xích Quỷ.
Bấy giờ dân ta còn mông
muội lắm, ngoài sự tín ngưỡng thần trời (ông Sâm, mụ Sét), thần cây,
thần đá v. v… như các dân mọi rợ hiện giờ, thì cũng không có một tín
ngưỡng gì thuộc về một tôn giáo nào nữa.
Điều đó không có gì là
lạ; bởi không luận dân tộc nào, hễ còn ở vào cái thời kỳ dã man, trí
thức chưa được nảy nở, thì về phần tín ngưỡng, đại khái đều giống nhau.
Và người ta còn dùng bao nhiêu câu thần thoại để giải thích những hiện
tượng mà người đương thời đó cho là bí mật khó hiểu trong vũ trụ. Như
chuyện Sơn tinh, Thủy tinh trong I.ích sử nước ta chẳng hạn v.v.. Nên ta
có thể nói sự tín ngưỡng ấy là một Thần đạo rất phổ biến của nhân loại
buổi sơ khai.
Đến đời Tần Thủy Hoàng
sai Đề Thư đem quân sang đánh Bách Việt (Quảng Đông, Quảng Tây và Bắc kỳ
bây giờ), (214 trước TL), cho đến khi Triệu Đà nổi lên làm bá chủ cả
quận Nam Hải và Âu Lạc (tên cũ nước ta ngày xưa) (207 trước TL) thì dân
ta mới bắt đầu tiếp xúc với
văn hóa Trung Quốc. Tuy vậy cũng chưa được hấp thụ gì mấy.
Mãi đến đầu thế kỷ, sau
khi Lộ Bác Đức diệt xong họ Triệu, các vua Trung Quốc mới nghĩ đến việc
truyền bá văn chương, lễ nghĩa sang lãnh thổ mới. Nhưng thật ra, thời ấy
họ cũng chỉ dạy cho một số ít người hiểu sơ về lễ giáo và đủ làm thông
ngôn mà thôi.
Đến đời Sĩ Nhiếp, nghĩa
là bắt đầu vào khoảng năm 178, họ Sĩ được lãnh chức Thái Thú ớ đất này,
bấy giờ sự giáo dục mới có tổ chức, các học thuyết Khổng, Mạnh mới bắt
đầu truyền bá một cách rõ rệt. Trong khi họ Sĩ đương đem Nho học khai
hóa cho dân ta, đồng thời Phật giáo cũng ở ấn Độ và Trung Quốc truyền
vào; sau Phật giáo lại có Lão giáo, cũng truyền vào lúc này.
Thế là dân nước ta đến
đây đã có được ba tôn giáo. Tựu trung Phật giáo trước tiên được nhận làm
Quốc giáo và được nhân dân sùng tín hơn cả. Nhờ tinh thần sáng suốt của
thể đạo, với công nghiệp bố giáo của các Tổ sư, Phật giáo rất có công to
trên lịch sử văn hóa nước nhà.
…Mà Phật giáo là gốc ở
ấn Độ truyền qua Trung Quốc sang ta; vì sự liên quan ấy, nên trước khi
muốn rõ Lịch sử Phật giáo Việt Nam, ta cần phải biết qua nguồn gốc Phật
giáo Ân Độ và Phật giáo Trung quốc. Điều đó tưởng cũng không phải là vô
ích.
---o0o---
Mục Lục
|
I.1| I.2
| I.3
|I.4
|
II.1
|
II.2
|II.3
|II.4
| II.5
|
II.6
|
II.7
| II.8
|II.9
|II.10
---o0o---
Ví tính: Diệu An
Trình bày: Diệu Tường - Cát Tường
Cập nhật: 01-05-2005