Chương Năm
- Nhiều khi ta nhận một lời khen hay một tiếng chê do một cử
chỉ, một hành vi bất ngờ thoáng qua. Đành phải mượn chữ "
vận may số rủi" để tự giải thích.
- Lời của Nước: " Khi ngươi dơ bẩn và nóng nực, ngươi cứ nhờ
ta. Ta không phân biệt ngươi sang hay hèn, ngươi tốt hay
xấu".
- Từ ngữ là những ký hiệu biểu diễn thực tế một cách tương
đối. Vậy nên chỉ nghe, chỉ tin một cách tương đối.
- Chỉ bằng một chữ " biển" mà mặt nước nhấp nhô trải rộng ra
trong tâm hồn người đọc. Rồi liền đó một chữ "rừng", vậy là
cảnh biển bị xóa tan, rừng cây âm u hiện ra có tiếng chim
hót thánh thót. Kỳ diệu thay ngôn ngữ.
- Sau cơn mưa, trên sân xi-măng có những vũng nước nhỏ màu
bùn đen dơ. Cứ bỏ mặc. Trời nắng ba ngày, vũng nước không
còn thấy bùn đen mà là một chất bụi vàng, mịn và đẹp. Cuộc
đời cũng vậy đó.
- Chớ ganh tị với những danh nhân, những nghệ sĩ. Họ đâu có
hưởng được mãi được nhiều?
- Khi nghèo, ta thích có bà con giàu. Để nhờ cậy. Khi giàu,
ta thích có bà con nghèo. Để ban phát.
- Đạo đức nhiều khi chỉ là kết quả của sự lười biếng, sự
tiêu cực.
- Triết gia duy vật nói " Tôn giáo là thuốc phiện của linh
hồn" Nhưng loài người khôn ngoan đã dùng nó dưới dạng
morphine, thuốc giảm đau.
- Khi anh có quyền lực, những câu nói xuề xòa nhất của anh
cũng được kẻ nịnh tôn vinh là danh ngôn và được đem quảng
bá. Và đó là điều khốn khổ cho anh: bởi vô tình, anh biến
thành kẻ nói nhảm, bạ gì cũng nói.
- Ai nỡ ném cái hột nhãn? Hình tròn toàn hảo, mầu nâu láng
toàn hảo, tất cả phải do những bộ máy tinh vi phối hợp tạo
nên. Con người đành thầm kêu: "Thượng đế!"
- Con người nhiều khi giống như thịt nướng. Trên lò than,
hương tỏa ngào ngạt tưng bừng, nhưng trên bàn ăn thì trơ
trơ, tầm thường, vô vị.
- Có đau nhức quằn quại về thể xác, u buồn tuyệt vọng về
tinh thần mới thấy cái chết là êm đềm, là ân nhân giải
thoát. Khỏi cần cầu xin, khỏi phải cố gắng. Không đòi hỏi
phải nhớ tạ ơn, cái chết từ bi nhẹ nhàng gỡ hết mọi khổ đau.
- Người đói ăn hay nghĩ đến kẻ khác. Nhất là vào giấc 12
giờ, 19 giờ.
- Ưa trách người cũng là một cách khéo để khỏi làm bổn phận
đối với người đó.
- Do cái miệng mà con người bộc lộ ý nghĩ thầm kín. Khi lớn:
cái miệng nói ra rả. Khi lên hai, lên ba: cái miệng nhai
suốt ngày.
- Truyện dài được coi như truyện của một người. Truyện ngắn
là truyện của xã hội rộng rãi, của nhiều người, và người đọc
loáng thoáng thấy mình hiện diện trong đó.
- Tôi trước sau như một. Nhiều nhất là 1,2. Chớ nhất định
không là 2,1.
- Kết quả công lao của người làm nông, của người chài lưới
được dùng trong một mùa; của người thợ mộc thợ nề dùng vài
thế hệ; của người nghệ sĩ có thể lưu truyền lâu hơn. Do vậy,
hãy nhớ yêu thương đa số bà con mà kết quả công lao chỉ dùng
trong ngắn hạn.
- Người giàu và người nghèo đều than như nhau: - Có những
cái tôi cần mà tôi không có. - Có những cái tôi có mà tôi
không cần.
- Mỗi chúng ta đều có đủ mọi tính xấu và mọi tính tốt của
người. Có khác nhau chăng là độ đậm lợt, ở tỷ lệ nhiều ít,
nặng nhẹ.
- Biết bổn phận mình phải làm gì là một việc, còn bắt tay
vào làm không chần chừ là một việc khác. Thường thì chỉ biết
mà không làm. Cần thì giờ để tìm biết thêm những bổn phận
khác.
- Bảy giờ sáng. Mọi người hối hả đi làm, nhằm kiếm những tờ
giấy bạc. Nhưng ngộ nghĩnh thay, kết quả của sự lo toan ích
kỷ và đầy tư lợi đó lại vô tình thành cần thiết quý hóa đối
với cuộc sống của những người khác: xây nhà, dạy học, chữa
bệnh...Xuất phát từ ý đồ thấp hèn cận thị mà kết quả lại
nhân nghĩa vị tha!
- Xác nhận rằng chính danh nhân đó đã nói vậy với ông A thì
chưa đủ. Còn phải minh định ông A là người như thế nào. Vì
còn tùy trình độ, căn cơ của người nghe mà người nói nghĩ là
nên nói gì, nói như thế nào.
- Thi sĩ mà viết văn xuôi thì được, thì coi như việc tất
nhiên. Còn văn sĩ mà làm thơ thì bị coi như kẻ ngoại lai.
- Những cô hầu bàn bưng đặt dĩa thịt xào thơm ngát, cạnh
những bát cà ri bốc khói. Thực khách ồn ào nâng ly bia sủi
bọt. Chợt nhìn lên tấm bảng tên đường phố, tên ông danh nhân
được mượn để đặt tên đường. Đời ông ta khổ lắm. Không có
rượu thịt ê hề như thế này.
- Bà A dành cho anh 1/4 tình cảm, Cô B dành cho anh 1/6, cô
C 1/3, bà D 1/5 v.v... Cộng lại là một phân số lớn hơn đơn
vị. Mà muốn có hạnh phúc thì chỉ cần đúng một đơn vị!
- Tạo hóa là một tác giả phong phú và tự trọng. Không cần ai
thúc đẩy. Không đợi ai khen. Không nhận đề cương của ai,
không thi đua với ai...nhưng khi sáng tạo ông thay đổi biến
hóa cho khỏi chán, khỏi nhàm. Các loại cây khác nhau về vóc
dáng, lá, hoa, trái...về màu sắc hương vị...Các con vật: gà,
trâu, rắn, cá...Sau ngày thứ Sáu của Sáng thế ký, công tác
sáng tạo đó được trao lại cho loài người tiếp tục.
- Đừng vội khen một người "đạo đức quá sức tưởng tượng". Có
thể là trong quá khứ người đó đã quá xấu, nay muốn chuộc
lỗi.
- Người đời dễ có Nhân, có Trí mà khó có Dũng. Bởi hiếm có
trường hợp đểphải xử cái Dũng. Vả chăng, nhiều khi chính cái
Trí bảo ta tạm lướt qua cái Dũng. Sống không đê hèn đã là
đạo đức tối thiểu, sử xự quang minh là đạo đức trung bình,
vậy có thể không đòi hỏi đến cái Dũng.
- Đóng vai quan trọng trong việc ban phát hạnh phúc cho loài
người là con Heo. Gần như nấu món ăn gì ngon cũng cần mỡ.
- Cuối cùng, chỉ có cái huyệt mộ là nhân ái. Nó rộng lượng
bao dung nhận người tốt cũng như kẻ xấu. Chớ con người thì
luôn luôn: "Tôi có ý kiến!"
- Trái Xoài Cát to bự đáng được tôn vinh trong phong trào
"Sinh đẻ có kế hoạch": Nó chỉ có một hột.
- Nước quá trong còn không cá, huống chi nước xoáy, nước
gầm. Hãy gắng nuốt những cơn giận để giữ hòa khí giữa họ
hàng.
- Nhạc sĩ, họa sĩ mà nghèo tâm hồn thì còn nhờ âm thanh của
cây đàn, màu sắc của thuốc vẽ thay thế. Chớ người cầm bút mà
vô tài thì trần trụi.
- Làm thầy giáo được hưởng cái vinh dự khi có ai nhắc: "Ồng
là thầy cũ của ngài Tổng Thống..., của ông Bộ Trưởng..."
Khiêm tốn mà xét thì nhiều khi sức học của thầy chỉ bằng 1/3
của ngài Tổng Thống, tuổi của thầy chỉ hơn ông Bộ trưởng có
5 năm. Vậy mà có vị làm như mình giỏi cỡ Sư, mình lớn cỡ
Phu!
- Nghệ sĩ, nhà văn, nhà tư tưởng làm vui làm đẹp tâm hồn thế
hệ đến sau. Không chỉ do cái Hay cái Đẹp của nội dung mà
nhiều nhất là do cái hào quang êm đềm mà lòng mến mộ tạo ra
một cách tự nhiên. Ông Phú Đức, Ông Lê Hoàng Mưu, Ông Nguyễn
Chánh Sắt...không mấy người đã đọc, nhưng người ta quí
trọng, thương mến. Các ông thường sống khổ cực. Sung sướng
không phải là các ông. Độc giả và hậu sinh mới là người sung
sướng thay các ông, khi họ đề cập đến các ông.
- Người trẻ thích ông thợ chụp hình. Người già ghét ông thợ
chụp hình. Chỉ có bà bán chuối là trẻ già đều thích.
- Ông cư sĩ uyên bác đó đã giảng kinh Phật thật hay, rất
hay, khiến người nghe đâm ra nghi ngờ: " Có thật đó là ý
Phật?".
- Khi tặng một món quà mà được người nhận vui mừng thì nhiều
khi chính khi người tặng lại vui mừng hơn.
- "Mọi người phải phục tùng Chân lý, chớ Chân lý không phục
tùng ai cả". Đúng. Nhưng cái nào là Chân lý? Thượng Đế thật
thà và sơ xuất đã quên cấp phát cho Tư Tưởng và Chân Lý các
tính chất Vật Lý, Hóa học...cụ thể để dễ nhận diện, so sánh,
cân nhắc, chọn lựa.
- Muốn biết tư cách của một người thì tìm hiểu xem sự thụ
hưởng hiện tại của người đó có tương xứng với tài năng của
họ hay không. Nếu cao hơn thì hỏi làm sao mà có thể tin là
họ chính trực, không a dua, không xu nịnh?
- Người khôn có khuynh hướng trung dung. Duy trong yêu ghét
là dễ bị cực đoan thiên lệch.
- Khi người kia xin anh một món gì thì theo ý nghĩ của họ,
anh có bổn phận phải cho. Từ chối có nghĩa anh là người xấu.
- Tuổi trẻ hôm nay quen nghe sự dối trá. Khiến lần lần coi
như đó là bản chất của sự sống.
- Khi tiếp nhận một sự trân trọng thái quá, ta thường vội
vàng nhìn kỹ lại mình.
- Lạ: mới hôm qua ngồi cắt cổ gà, đánh tiết canh vịt, giã
riềng ướp xả nướng, luộc, um, xào, nhậu nhẹt bia rượu...hôm
nay đã hiền từ tương chao rau đậu. Mà phía nào cũng trọn vẹn
hết mình!
- Ngụm nước dừa xiêm đầu tiên: ngọt đến giật mình. Ngụm thứ
năm: bình thường. Thượng Đế sáng suốt! Kẻ dư dật bị cắt bớt
cảm giác hân hoan.
- Có những sự thật không nên nói. Mọi sự không thật đều
không nên nói.
- Mới năm mươi mà tóc đã bạc, mà râu đã mọc dài! Ông ta lật
đật già, cố ý làm cho mau già để được già lâu.
|