Trầm Tư
Nhà văn
Võ Hồng
Nha Trang
- 1992
---o0o---
GIỚI THIỆU
Ghi rải
rác trong những trang nhật ký, trên bìa cuốn vở nháp, sau lưng cuốn
sách, cuốn lịch... là những suy nghĩ nhỏ, bất chợt. Nay chọn lọc lại,
xén cắt, trang điểm, đặt tên là "Trầm tư".
Trong chỗ
bạn bè thân quen, tôi hay rủ mỗi tối dành năm phút trước khi ngủ, lược
ghi 3-4 hàng về những gì xảy ra trong ngày. Gọi tên là nhật ký, là
gì...gì...tùy. Chỉ biết là rất có ích. Còn "Trầm tư" thì hể chợt
nghĩ là ghi liền.
Tôi thích
câu này của Gérard de Nerval : Semons de roses les pas du Temps (Hãy rắc
những đóa Hồng trên bước đi của Thời gian). Tôi rủ các bạn tôi rắc những
đóa Hồng như vậy.
Có những
câu của tôi mang nội dung giống những danh ngôn thường gặp. Cũng tất
nhiên thôi, vì các danh nhân đích thực cũng thường nghĩ giống nhau. Bà
con nông thôn thì có lịch duyệt bình dân, như cụ bà nhà quê mù chữ
thường nói, chẳng hạn "Ăn mặn cho lắm vô, rồi khát nước chết cha mày".
Có chất trầm tư trong đó! Tôi ít băn khoăn về tính chất "bản quyền". Nội
dung có thể giống, nên tôi chọn câu có cách phô diễn ngồ ngộ. Đúng vậy,
Ai cũng nói được "lá xanh... hoa thơm... yêu quê hương..." Nhưng nói
bằng một cách nói lạ thì người ta gọi là Thi sĩ. Có những câu không độc
đáo, nhưng tôi cứ giữ để người đọc có dịp nhớ tới một cái gì hay hay.
Mỗi câu
dầu ngắn mà gợi lên được... một cái gì đó, thì một tập 500 câu cũng đã
khá giàu. Như sinh hoạt ngân hàng tiết kiệm.
Có trường
hợp những trầm tư của người gây suy nghĩ nơi mình. Kinh Talmud của dân
tộc Do Thái ghi "Hãy leo lên một bực để chọn bạn, hãy bước xuống một bực
để chọn vợ". Tôi nói khác : " Hãy bước xuống một bực để tìm vợ. Hãy leo
lên một bực để chọn chồng" (câu 512) và tôi cảm thấy thú vị. Câu Talmud
chỉ đề cập đến một nửa nhân loại: đàn ông. Câu của tôi bao trọn cả đàn
bà nữa.
Có những
câu chợt hiện ra không do hoàn cảnh cụ thể nào hết. Như câu 430 "Tôi
ghét chữ Hiền thê nhưng bởi tánh vợ tôi quá hung dữ nên không dám dùng
chữ khác để thay". Do tính nghịch ngợm cố hữu nơi tôi mà ra.
Có lần cô
bé ở cạnh nhà la con chó "Chó mà cũng chê cơm", tôi liền ghi lên cửa
dưới dạng danh ngôn: "Thân phận làm chó mà cũng học đòi chê khen". Tôi
nghĩ tiếp: nếu dưới câu đó, ghi tên một hoàng đế La Mã? Rồi đem làm đầu
đề bình giảng? Té ra làm tác giả danh ngôn còn khỏe hơn, dễ hơn trồng
một... cây bắp.
Lại có hôm
chị của cô bé vô bếp rối vừa thở vừa la em: " Bếp núc bỏ bừa bãi. Rờ đâu
cũng bụi bặm". Tôi cười thầm: Đã mệt ngất ngư mà còn từ hoa: bụi bặm. Và
tôi viết câu trầm tư số 521 " Sắp tới ngày mà ngôn ngữ cũng phải chịu
ảnh hưởng của luật Kinh tế: bụi không bặm, chậm không chạp, vui không
vẻ, buồn không bã..."
Trong tập
này, câu nào hình thành trước thì được đánh máy trước và mỗi câu mang
một số hiệu để dễ gọi tên. Định sau khi hoàn tất sẽ sắp xếp lại theo
từng mục như Tình yêu - Tôn giáo - Triết lý... Nhưng chợt nghĩ: cứ để
lộn xộn, khi đọc, gặp được sự bất ngờ. Mọi xếp đặt đều không ít thì
nhiều mang vẻ gượng ép cố ý. Nhàm nữa. Chớ đằng này: đang triết lý tôn
giáo bỗng gặp một cô..., đang suy gẫm về Nghệ thuật chợt gặp một bà...
Nếu xếp họ vào cùng chung một dãy, một cụm, một lô, họ sẽ bớt giá trị,
mình sẽ nhìn lướt qua, thậm chí bỏ chạy qua cho mau.
Nha Trang, mùa
Phượng 1992
Võ Hồng
--o0o--
|
Chương 01|
--o0o--
Vi tính : Huệ Minh - Đoan Trang
Trình bày : Diệu Nga - Thùy Châu
Cập nhật : 01-02-02