CHƠN
TÂM TRỰC THUYẾT
1.
Chánh tín Chơn Tâm
Kinh
Hoa Nghiêm nói: “Tín là nguồn của Đạo, là mẹ của các
công đức hay nuôi lớn tất cả căn lành”. Trong Duy Thức
cũng nói: “Tín như hạt châu thủy thanh, hay làm cho nước
dơ được sạch”. Cho nên, muôn điều thiện phát sanh là
chữ tín dẫn đầu. Vì thế kinh Phật trước hết lập “như
thị ngã văn” là cốt để sanh lòng tin vậy.
Hỏi:
Chữ tín của Giáo môn (Kinh) và chữ tín của Tổ môn (Thiền)
có gì sai khác?
Đáp:
Có nhiều loại sai khác nhau: Giáo môn khiến người, trời
tin ở nhơn quả. Như có người thích phước lạc, tin thập
thiện là diệu nhơn, cõi người cõi trời là lạc quả. Có
người thích không tịch, tin nhơn duyên sanh diệt làm chánh
nhơn, khổ tập diệt đạo làm thánh quả. Có người thích
Phật quả, tin ba kiếp sáu độ làm đại nhơn, bồ đề niết
bàn làm chánh quả.
Tổ
môn chánh tín chẳng đồng như trên. Tổ môn chẳng tin tất
cả pháp hữu vi nhơn quả. Chỉ tin ở tự mình xưa nay là
Phật, tự tánh thiên chơn người người đều đầy đủ.
Diệu thể của niết bàn mỗi mỗi đều viên thành, chẳng
nhờ cầu nơi người khác, từ xưa đến nay nó tự đầy
đủ. Tam Tổ nói: “Tròn bằng thái hư, không thiếu không
dư. Sở dĩ chẳng như, bởi do thủ xả”. Ngài Chí Công nói:
“Trong thân có tướng là thân không tướng, trên đường
vô minh là đường vô sanh”. Ngài Vĩnh Gia nói: “Thật tánh
của vô minh là Phật tánh, thân huyễn hóa không thật tức
pháp thân”. Cho nên, chúng sanh xưa nay là Phật.
Đã
sanh chánh tín cần phải thêm hiểu biết nữa mới được.
Ngài Vĩnh Minh nói: “Tin mà chẳng hiểu biết thì thêm lớn
vô minh. Hiểu biết mà chẳng tin thì thêm lớn tà kiến”.
Cho nên, tin hiểu gồm hai thì mau vào Đạo.
Hỏi:
Mới phát lòng tin chưa được vào Đạo, có lợi ích chăng?
Đáp:
Trong luận Khởi Tín nói: “Nếu nghe pháp này mà chẳng sanh
khiếp nhược, thì nên biết, người này nhất định sẽ nối
hạt giống Phật, và được chư Phật thọ ký cho. Thí như
có người giáo hóa chúng sanh đầy khắp tam thiên đại thiên
thế giới, khiến họ hành thập thiện, chẳng bằng có người
đối với pháp này khoảng một niệm chánh tư duy thì công
đức cũng hơn người trước không thể thí dụ được”.
Trong Kinh Bát Nhã nói: “Cho đến người chỉ sanh một niệm
tịnh tín, Như Lai trọn thấy biết các chúng sanh này được
vô lượng phước đức như vậy”. Cho nên muốn đi ngàn dặm,
bước đầu cần phải chánh, bước đầu nếu sai ngàn dặm
đều sai. Vào nước vô vi, niềm tin ban đầu đã mất, muôn
thiện đều lui. Cho nên Tổ Sư nói: “Mảy may nếu sai, trời
đất ngăn cách”. Đấy là lý này vậy.
2.
Tên khác của Chơn Tâm
Hỏi:
Đã sanh chánh tín, nhưng chưa biết thế nào gọi là chơn tâm?
Đáp:
Lìa vọng gọi là chơn. Linh giám gọi là tâm. Trong Kinh Lăng
Nghiêm đã nói rõ tâm này.
Hỏi:
Chỉ gọi chơn tâm thôi, hay có tên riêng khác nữa chăng?
Đáp:
Phật dạy, Tổ dạy lập danh không đồng nhau. Phật dạy trong
Bồ Tát Giới gọi là Tâm Địa, vì hay phát sanh muôn việc
thiện. Kinh Bát Nhã gọi là Bồ Đề, vì lấy giác làm thể.
Kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp Giới, vì giao triệt và dung nhiếp.
Kinh Kim Cang gọi là Như Lai, vì không từ đâu đến. Kinh Bát
Nhã gọi là Niết Bàn, vì là chỗ qui hướng của chư Thánh.
Kinh Kim Quang Minh gọi là Như Như, vì chơn thường bất biến.
Kinh Tịnh Danh gọi là Pháp Thân, vì là chỗ nương của báo
thân và hóa thân. Luận Khởi Tín gọi là Chơn Như, vì chẳng
sanh chẳng diệt. Kinh Niết Bàn gọi là Phật Tánh vì là bản
thể của ba thân. Kinh Viên Giác gọi là Tổng Trì, vì mọi
công đức từ đó mà lưu xuất, Kinh Thắng Man gọi là Như
Lai Tạng, vì ẩn phú và hàm nhiếp. Kinh Liễu Nghĩa gọi là
Viên Giác, vì hay chiếu phá mờ tối.
Do đây
nên Ngài Vĩnh Minh Thiền Sư trong Duy Tâm Quyết nói: “Một
pháp có ngàn tên, tùy theo duyên mà lập hiệu”. Tất cả
còn đầy đủ trong các Kinh, không thể kể ra hết được.
***
Hỏi:
Phật dạy đã biết, Tổ dạy như thế nào?
Đáp:
Cửa Tổ Sư dứt tuyệt danh ngôn, danh còn chẳng lập, sao lại
có nhiều tên? Chỉ vì ứng theo cơ duyên nên tên cũng lắm.
Có lúc gọi là Tự Kỷ, vì là bản tánh của chúng sanh. Có
lúc gọi là Chánh Nhãn, vì hay soi tướng của muôn loài. Có
lúc gọi là Diệu Tâm, vì hư linh và tịch chiếu. Có lúc gọi
là Chủ Nhơn Ông, vì xưa nay từng gánh vác. Có lúc gọi là
Đờn không dây, vì hiện nay ra điệu vận. Có lúc gọi là
Vô tận đăng, vì hay chiếu phá mê tình. Có khi gọi là Cây
không rễ, vì gốc rễ bền chắc. Có khi gọi là Suy mao kiếm,
vì hay chặt đứt căn trần. Có lúc gọi là Nước vô vi, vì
sóng êm bể lặng. Có lúc gọi là Mâu ni châu, vì hay giúp
đỡ người nghèo khó. Có lúc gọi là Vô nhu tỏa, vì cửa
sáu tình đóng. Cho đến nào là trâu đất, ngựa gỗ, tâm
nguyên, tâm ấn, tâm cảnh, tâm nguyệt, tâm châu,v.v... nhiều
tên khác nhau không thể ghi ra cho hết. Nết đạt được chơn
tâm thì các tên đều hiểu cả. Bằng mê muội chơn tâm thì
còn bị trệ nơi các tên. Cho nên đối với chơn tâm cần
yếu nên xét kỹ.
3.
Diệu thể của Chơn tâm
Hỏi:
Chơn tâm đã biết, còn thể nó như thế nào?
Đáp:
Trong Kinh Phóng Quang Bát Nhã nói: “Bát Nhã không có tướng
có và tướng sanh diệt”. Luận Khởi tín nói: “Tự thể
của chơn như, tất cả phàm phu, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ
Tát và chư Phật đều không thêm bớt, cũng chẳng phải trước
sanh sau diệt mà rốt ráo thườngcòn. Từ xưa tới nay tánh
nó tự đầy đủ tất cả công đức”.
Căn
cứ theo các Kinh Luận thì bản thể chơn tâm siêu xuất nhơn
quả, thông suốt cổ kim, chẳng lập phàm thánh và không có
các đối đãi. Như hư không biến khắp tất cả. Diệu thể
ngưng tịch, dứt hết các hí luận, chẳng sanh chẳng diệt,
phi hữu phi vô, chẳng động chẳng lay, trạm nhiên thường
trụ. Gọi là Chủ Nhơn Ông ngày xưa, là người ở mé kia
của Phật Oai Âm, là Tự Kỷ của trước Không Kiếp. Một
giống thường hằng không một mảy may tì vết, tất cả sơn
hà đại địa, cỏ cây rừng bụi, vạn tượng sum la, các
pháp nhiễm tịnh, đều từ trong ấy mà ra.
Cho
nên KinhViên Giác nói: “Này các Thiện nam, Vô Thượng Pháp
Vương có một pháp môn đại đà la ni gọi là Viên Giác, từ
đó lưu xuất tất cả thanh tịnh Chơn Như, Bồ Đề, Niết
Bàn và Ba La Mật, dạy dỗ cho các Bồ Tát”.
Ngài
Khuê Phong nói: “Tâm ấy rỗng rang mà thuần diệu, rực rỡ
mà mầu sáng, chẳng đến chẳng đi, thông suốt cả ba mé,
chẳng phải trong ngoài, suốt khắp mười phương. Chẳng sanh
chẳng diệt, bốn núi nào có thể hại. Lìa tánh lìa tướng,
nào bị năm sắc làm mờ”.
Ngài
Vĩnh Minh trong Duy Tâm Quyết nói: “Xét về tâm này là cái
diệu trong lẽ mầu mà hội khắp, là vua của muôn pháp. Ba
thừa năm tánh đều thầm về, hay là mẹ của nghìn bậc Thánh.
Độc tôn độc quí không gì sánh bằng. Thật là nguồn của
đại đạo, là chơn pháp yếu vậy. Tin tâm này, nên ba đời
Bồ Tát đồng học là học tâm này. Ba đời Bồ Tát đồng
chứng là chứng tâm này. Một đại tạng giáo giải rõ là
hiển tâm này. Tất cả chúng sanh mê vọng là mê tâm này.
Tất cả hành nhơn phát ngộ là ngộ tâm này. Chư Tổ truyền
nhau là truyền tâm này. Chư tăng trong thiên hạ đều tham học
là tham học tâm này. Đạt tâm này thì mỗi mỗi đều phải,
vật vật đều toàn bày. Mê tâm này thì nơi nơi đều điên
đảo, niệm niệm đều si cuồng”.
Thể
này là cái Phật tánh sẵn có của tất cả chúng sanh, là
căn nguồn phát sanh của tất cả thế giới. Cho nên Đức
Thế Tôn ở ngọn Thứu Phong lặng
thinh, Ngài
Thiện Hiện dưới ngọn núi quên lời, Ngài Ðạt Ma nơi Thiếu
Thất ngó vách, ông cư sĩ thành Tỳ Da ngậm miệng. Tất cả
đều phát minh cái diệu thể của tâm này. Cho nên, người
mới vào cửa Tổ, cần yếu trước tiên phải hiểu tâm thể
này vậy.
4.
Diệu dụng của Chơn tâm.
Hỏi: Diệu
thể của chơn tâm đã biết. Diệu dụng của chơn tâm thế
nào?
Ðáp: Người
xưa nói: “Gió động cây tâm lay, mây sanh tánh dấy bụi.
Nếu sáng, rõ việc hôm nay. Nếu mê, mất người xưa nay”.
Ðấy là diệu thể khởi ra tác dụng vậy. Diệu thể của
chơn tâm xưa nay chẳng động, yên tịnh chơn thường. Trên
chơn thể diệu dụng hiện tiền, chẳng ngại mọi trường
hợp đều được diệu. Cho nên trong bài tụng của Tổ Sư
nói: “ Tâm tùy muôn cảnh chuyển, chỗ chuyển thật sâu xa,
theo dòng nhận được tánh, không mừng cũng không lo”.
Cho nên trong
tất cả thời, động dụng thi vi, đi đông đi tây, ăn cơm
mặc áo v.v. đều là diệu dụng hiện tiền. Trái lại kẻ
phàm phu mê lầm, khi mặc áo chỉ biết mặc áo, khi ăn cơm
chỉ biết ăn cơm, tất cả sự nghiệp chỉ tùy tướng mà
chuyển. Bởi dùng hằng ngày mà chẳng biết, ở trước mắt
mà chẳng hay. Nếu người đuợc tánh thì động dụng thi vi
chẳng từng mê. Cho nên Tổ Sư nói: “Trong thai gọi là
thân, ở đời gọi là người, ở mắt thì thấy, ở tai thì
nghe, ở mũi thì ngữi mùi, ở miệng thì đàm luận, ở tay
thì nắm bắt, ở chân thì chạy nhảy. Khi biến hiện thì
cùng khắp pháp giới, thu nhiếp lại thì chỉ trong hạt bụi.
Người biết cho đó là Phật tánh, người chẳng biết gọi
là tinh hồn”.
Thế nên
Ðạo Ngô múa hốt, Thạch Củng dương cung, Bí Ma đập nạn,
Câu Chi dơ ngón tay, Hân Châu đánh đất, Vân Nham sư tử. Ðấy
là phát minh ra những đại dụng lớn vậy. Nếu việc hằng
ngày chẳng mê thì tự nhiên tung hoành tự tại.
5.
Thể đụng của Chơn tâm một hay khác?
Hỏi: Thể
đụng của chơn tâm chưa biết là một hay khác?
Ðáp: Ðúng
về mặt tướng thì chẳng phải một. Ðứng về mặt tánh
thì chẳng phải khác. Cho nên thể dụng của tâm nầy chẳng
phải một chẳng phải khác. Tại sao thế? Thử vì ông bàn
đó:
Diệu thể
thì bất động, dứt mọi đối dãi và lìa tất cả tướng.
Người chưa đạt tánh khế chứng không thể lường được
lý nầy.
Diệu dụng
thì duyên ứng khắp muôn loài, vọng lập ra tướng hư, giống
như có hình trạng. Nhằm vào hữu tướng, vô tướng này nên
chẳng phải một.
Lại, dụng
từ thể phát ra, dụng không lìa thể. Thể hay phát dụng,
thể chẳng lìa dụng. Nhằm vào cái lý bất tương ly này,
nên chẳng phải khác. Như nước lấy tánh ướt làm thể,
thể thì không động. Sóng lấy động làm tướng, vì nhơn
gió mà dấy khởi. Tánh nước, tướng sóng, động với chẳng
động, nên chẳng phải một.
Nhưng ngoài
nước không có sóng, ngoài sóng không có nước. Tánh ướt
là một nên chẳng phải khác. Xét trên thể dụng một hay
khác có thể biết vậy.
6.
Chơn tâm trong mê.
Hỏi: Thể
dụng của chơn tâm mọi người đều có đủ. Vì sao nơi thánh
phàm chẳng đồng?
Ðáp: Nơi
thánh phàm chơn tâm vốn đồng, vì phàm phu vọng tâm nhận
vật, nên mất tự tánh thanh tịnh, do đây bị ngăn cách. Thế
nên chơn tâm không được hiện tiền. Ví như bóng cây trong
tối, dòng nước chảy ngầm dưới đất; có nhưng không biết.
Trong Kinh
nói: “Nầy thiện nam tử! Như viên thanh tịnh bảo châu chiếu
ra năm sắc, tùy chỗ mà hiện. Kẻ ngu si thấy ma ni châu kia
thật có năm sắc. Thiện nam tử! Tánh viên giác hiện ở thân
tâm, tùy loại mà có ứng hiện. Kẻ ngu si kia nói tánh tịnh
viên giác thật có thân tâm như thế. Tự tánh cũng lại như
vậy”.
Trong Triệu
Luận nói: “Bên trong của càn khôn, khoảng giữa của vũ
trụ, trong ấy có một vật báu ngầm dấu trong hình sơn”.
Ðấy là chơn tâm tại triền vậy.
Lại Từ
Ân nói: “Pháp thân sẵn có của chư Phật đều đồng. Phàm
phu bị vọng che, nên có mà chẳng biết. Phiền não cột ở
trong nên gọi Như Lai tàng”.
Bùi Hưu
nói: “Suốt ngày viên giác mà chưa từng viên giác, ấy là
phàm phu vậy”.
Cho nên,
chơn tâm tuy ở trần lao mà không bị trần lao làm nhiễm.
Như
bạch ngọc ném vào bùn, màu sắc nó không đổi.
7.
Chơn tâm và sự dứt vọng.
Hỏi: Chơn
tâm nơi vọng là phàm phu. Vậy làm thế nào thoát vọng để
thành Thánh?
Ðáp: Người
xưa nói: “Vọng tâm không chỗ nơi tức là bồ đề, niết
bàn và sanh tử vốn bình đẳng”.
Kinh nói:
“Chúng sanh kia thân huyễn diệt, nên tâm huyễn cũng diệt.
Tâm huyễn diệt, nên huyễn trần cũng diệt. Huyễn trần diệt,
nên huyễn diệt cũng diệt. Huyễn diệt, diệt rồi, nên cái
phi huyễn chẳng hề diệt. Ví như lau gương, bụi nhơ hết
thì ánh sáng hiện”.
Ngài Vĩnh
Gia nói: “Tâm là căn, pháp là trần. Cả hai như vết nhơ
trên gương, vết nhơ hết, ánh sáng mới hiện. Tâm pháp đều
quên, tánh ấy tức chơn”.
Ðây là
ra khỏi vọng thì thành chơn.
***
Hỏi: Trang
Sanh nói: “Tâm ấy nóng thì cháy lửa, lạnh thì đặc nước,
mau thì khoảng cúi ngước, lại hay vỗ về ngoài bốn bể,
chỗ ở của nó sâu mà tinh. Khi nó động thì huyền mà thiên.
Đấy là chỉ cho tâm của con người vậy”.
Trang Sanh
nói cái tâm của kẻ phàm phu không thể trị phục như thế.
Chưa biết nhà Thiền dùng phương pháp gì để điều phục
vọng tâm?
Ðáp: Lấy
pháp vô tâm để trị vọng tâm.
Hỏi: Người
vô tâm chẳng khác cây cỏ. Xin lập bày phương tiện về thuyết
vô tâm.
Ðáp: Nay
nói vô tâm ấy, chẳng phải thể của nó vô tâm mà gọi là
vô tâm. Chỉ trong tâm không vật nên gọi là vô tâm. Thí như
nói: bình không, là do trong bình không có vật gì, nên
gọi là bình không. Chớ chẳng phải thể của bình là không
nên gọi là bình không.
Cho nên Tổ
Sư nói: “Người chỉ nơi tâm vô sự, ở nơi sự vô
tâm, thì tự nhiên rỗng mà mầu, tịnh mà diệu”. Ðấy là
yếu chỉ của tâm vậy.
Căn cứ
đây mà xét thì không vọng tâm, chớ không phải không có
chơn tâm diệu dụng. Từ xưa đến nay chư Tổ đã nói đến
thực hành công phu vô tâm, chủng loại không đồng nhau. Nay
đại khái tóm nêu ra mười loại:
1-Giác Sát:
Nghĩa là khi hành công phu, bình thường phải dứt niệm và
đề phòng niệm khởi. Một niệm vừa sanh liền dùng giác
mà phá nó. Vọng niệm phá rồi, biết niệm sau chẳng sanh,
cái giác trí này cũng không dùng tới nữa. Lúc ấy, vọng
giác đều mất, nên gọi là vô tâm.
2-Hưu Kiệt:
Nghĩa là khi hành công phu chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác,
tâm vừa khởi liền thôi, gặp duyên liền dứt. Người xưa
nói: “Một mảnh lụa trắng đi! Lạnh như đất đi! Lò hương
trong miếu cổ đi! Thẳng đến chỗ dứt lìa không còn một
mảy may phân biệt, như ngây như dại, mới có chút phần tương
ưng”. Ðây là công phu hưu kiệt vọng tâm vậy.
3-Dẫn tâm
tồn cảnh (tâm mất cảnh còn): Nghĩa là khi hành công phu,
nên dứt hết tất cả vọng niệm. Chẳng đoái đến ngoại
cảnh chỉ tự dứt tâm mình thôi. Vọng tâm đã dứt lo gì
có cảnh. Ðây là pháp môn mà người xưa gọi là “Ðoạt
nhơn bất đoạt cảnh”. Cho nên ngạn ngữ có câu: “Nơi
đây đầy hoa thơm cỏ lạ mà người xưa không có”. Bàng
Công nói: “Chỉ tự mình vô tâm với muôn vật, lo gì muôn
vật thường khuấy phá”. Ðây là công phu dứt vọng “hết
tâm còn cảnh”.
4-Dẫn cảnh
tồn tâm (cảnh hết còn tâm): Nghĩa là khi hành công phu, đem
tất cả cảnh trong, cảnh ngoài đều quán là không-tịch,
chỉ còn lại một tâm độc lập một mình. Cho nên người
xưa nói: “Chẳng cùng muôn pháp làm bạn, cũng chẳng cùng
các trần đối đãi” (Bất dữ vạn pháp vi lữ, bất dữ
chư trần tác đối). Tâm nếu chấp cảnh tức là vọng, nay
đã không cảnh thì vọng nào có được? Ðấy là chơn tâm
độc chiếu chẳng chướng ngại nơi đạo. Tức người xưa
gọi là pháp môn “Ðoạt cảnh bất đoạt nhơn”. Cho nên
có câu: “Vườn trên hoa đã rụng, xe ngựa vẫn còn đây”.
Lại cũng có câu: “Ba ngàn kiếm khách nay đâu tá, chỉ kế
Trang Châu định thái bình”. Ðây là công phu dứt vọng “hết
cảnh còn tâm”.
5-Dẫn tâm
dẫn cảnh (tâm hết cảnh hết): Nghĩa là khi hành công phu,
trước quán ngoại cảnh đều không-tịch, kế đó diệt nội
tâm. Khi nội tâm ngoại cảnh đều lặng thì vọng từ đâu
mà có được. Cho nên Quán Khê nói: “Mười phương không
vách đổ, bốn phía cũng không cửa, sạch trọi trơn, bày
trơ trơ”. (Thập phương vô bích lạc, tứ diện diệc vô
môn, tịnh khỏa khỏa, xích sái sái). Tức pháp môn mà người
xưa gọi: “Nhơn cảnh lưỡng câu đoạt”. Cho nên có câu:
“Mây tan nước trôi chảy, lặng lẽ trời đất không”.
Lại có câu: “Người trâu đều chẳng thấy, chính là lúc
vầng trăng trong”. Ðây là công phu dứt vọng “tâm dứt
cảnh dứt”.
6-Tồn tâm
tồn cảnh (còn tâm còn cảnh): Nghĩa là khi hành công phu, để
tâm trụ trong vị trí của tâm, cảnh trụ vị trí của cảnh
(tâm trụ tâm vị, cảnh trụ cảnh vị). Có khi tâm và cảnh
đối nhau, thì tâm chẳng thủ cảnh, cảnh chẳng đến tâm,
mỗi mỗi chẳng đến nhau, tự nhiên vọng niệm chẳng sanh,
nơi đạo chẳng ngại. Cho nên Kinh nói: “Pháp ấy trụ nơi
bản vị của nó. Tướng của thế gian thường trụ”. (Thị
pháp trụ pháp vị, Thế gian tướng thường trụ). Tức là
pháp môn “Nhơn cảnh câu bất đoạt” của Tổ Sư. Cho nên
có câu: “Một mảnh trăng rộng chiếu, bao nhiêu người lên
lầu”. Lại cũng có câu: “Hoa núi ngàn muôn đóa, khách lãng
du chẳng biết về”. Ðây là công phu diệt vọng “còn tâm
còn cảnh”.
7-Nội ngoại
toàn thể: Nghĩa là khi hành công phu, quán thấy sơn hà đại
địa, trời trăng sao, nội thân ngoại thân, tất cả các pháp
đều đồng một thể chơn tâm trạm nhiên hư minh, không tý
sai khác. Ðại thiên sa giới gồm thành một mảnh, lại ở
chỗ nào khởi vọng tâm? Cho nên Triệu Pháp Sư nói: “Trời
đất cùng ta đồng nguồn, muôn vật cùng ta đồng thể”.
Ðây là công phu diệt vọng “nội ngoại toàn thể”.
8-Nội ngoại
toàn dụng: Nghĩa là khi hành công phu, đem tất cả thân tâm
trong ngoài, các pháp trong thế giới, và tất cả động dụng
thi vi, trọn thấy là diệu dụng của chơn tâm. Tất cả tâm
niệm vừa sanh là diệu dụng hiện tiền, vọng tâm chỗ nào
mà an trí. Cho nên vĩnh Gia nói : “Thật tánh của vô minh là
Phật tánh, thân không huyễn hóa tức pháp thân” (vô minh
thật tánh tức phật tánh, huyễn hóa không thân tức pháp
thân). Trong Chí Công Thập Nhị Thời Ca nói: “Thường buổi
sớm, máy cuồng ẩn chứa Ðạo Nhơn thân, ngồi nằm chẳng
biết nguyên là đạo, chỉ thế luống mà chịu đắng cay”.
Ðây là công phu dứt vọng “nội ngoại toàn dụng”.
9-Tức thể
tức dụng: Nghĩa là khi hành công phu, tuy thầm hợp với chơn
thể, chỉ một vị không-tịch, nhưng mà nơi trong ẩn một
cái linh minh, nên thể tức dụng. Trong cái linh minh ẩn cái
không-tịch, nên dụng tức thể. Cho nên Vĩnh Gia nói: “Tỉnh
tỉnh lặng lặng phải, tỉnh tỉnh vọng tưởng quấy. Lặng
lặng tỉnh tỉnh phải, vô ký lặng lặng sai”. (Tỉnh tỉnh
tịch tịch thị, tỉnh tỉnh vọng tưởng phi. Tịch tịch tỉnh
tỉnh thị, tịch tịch vô ký phi). Ðã trong cái lặng lẽ không
dung vô ký, trong cái tỉnh táo không dung loạn tưởng, thì
vọng tâm làm sao sanh được? Ðây là công phu diệt vọng “tức
thể tức dụng”.
10-Thấu xuất
thể dụng: Nghĩa là khi hành công phu, chẳng phân trong ngoài,
chẳng phân biệt đông tây, nam bắc. Ðem bốn phương tám mặt,
chỉ làm một môn “đại giải thoát viên đà đà địa”.
Thể dụng chẳng phân, không một mảy may rỉ lậu. Suốt thân
gồm thành một mảnh, vọng kia chỗ nào khởi được? Người
xưa nói: “Suốt thân không đường nứt, trên dưới đều
tròn trịa”. Ðây là công phu diệt vọng “thấu xuất thể
dụng”.
Các phương
pháp công phu trên chẳng nên dùng cả, mà chỉ dùng một môn
cho được thành tựu, thì cái vọng tâm kia tự nhiên tiêu
diệt, chơn tâm hiện tiền. Tùy căn cơ đã huân tập từ trước,
xem thích hợp với pháp nào, nên tập pháp đó.
Công phu
ở đây là không công mà công, chẳng để tâm dụng sức.
Cái pháp môn thôi dứt vọng tâm nầy rất tối trọng yếu.
Pháp môn diệt vọng còn nhiều, sợ văn rườm nên chỉ lược
thôi.
8.
Chơn tâm với bốn oai nghi.
Hỏi: Trên
đã nói cách dứt vọng, nhưng chưa biết chỉ ngồi tập hay
thông cả bốn oai nghi?
Ðáp: Các
kinh luận phần nhiều nói ngồi tập, vì ngồi dễ thành công
hơn, nhưng cũng thông cả bốn oai nghi, tập lần lần rồi
từ từ được thuần thục. Luận Khởi Tín nói: “Người
tu CHỈ, nên ở chỗ tịnh ngồi ngay thẳng giữ ý chơn chánh.
Chẳng nương tựa vào hơi thở, chẳng nương vào hình sắc,
chẳng nương vào không, chẳng nương vào đất nước gió lửa.
Cho đến chẳng nương vào thấy nghe hay biết. Tất cả các
tưởng tùy niệm đều trừ, cũng nên dẹp luôn cái tưởng
trừ, vì tất cả pháp xưa nay vốn vô tưởng, niệm niệm
chẳng sanh, niệm niệm chẳng diệt. Cũng chẳng đuợc tùy
tâm niệm cảnh giới bên ngoài. Sau rốt lấy tâm trừ tâm,
tâm nếu chạy rong liền kéo về trụ nơi chánh niệm. Chánh
niệm là chỉ có tâm chớ không có cảnh giới bên ngoài. Lại
tâm này cũng không có tự tướng, niệm niệm không thật có.
Nếu từ ngồi, đứng, đi lại, tới lui, tất cả động tác
thi vi, trong tất cả thời thường nhớ phương tiện tùy thuộc
mà quán sát, tập lâu ngày được thuần thục thì tâm ấy
được an trụ. Do tâm an trụ nên lần lần bén nhạy. Thuận
theo đó mà được nhập vào “chơn như tam muội”. Dẹp sạch
phiền nảo, lòng tin tăng trưởng, mau thành quả bất thối.
Chỉ trừ hạng người nghi hoặc chẳng tin, bài báng, tội
nặng, nghiệp chướng, ngã mạn, giải đãi. Những hạng người
nầy chẳng đặng vào”.
Theo đây
mà xét thì thông cả bốn oai nghi.
Kinh Viên
Giác nói: “Trước nương theo hạnh Xa-ma-tha (Chỉ) của Như
Lai, kiên trì cấm giới, yên ở trong đồ chúng, yên ngồi
trong tịnh thất”. Ðấy là mới tập.
Vĩnh Gia
nói: “Ði cũng thiền, ngồi cũng thiền. Nói nín động tịnh
thể an nhiên”. Ðây là thông cả bốn oai nghi.
Tóm lại,
dùng sức ngồi còn chẳng thể dứt được tâm, huống là
đi đứng v.v... há hay vào đạo ư? Nếu là người dụng tâm
thuần thục, thì ngàn thánh đi đến còn chẳng đứng dậy,
muôn loài ma kéo lại còn chẳng thèm nhìn. Huống là trong đi
đứng... chẳng hay hành công phu sao? Như người oán thù kẻ
khác, nhẫn đến đi đứng, ngồi nằm, ăn uống... trong tất
cả thời còn không thể quên được. Sự thương, mến kẻ
khác cũng lại như thế. Vả lại, việc yêu ghét là việc
hữu tâm, còn ở trong hữu tâm hiện tiền được. Nay hành
việc công phu là việc vô tâm, lại nghi gì ở trong bốn oai
nghi chẳng thường hiện tiền ư? Chỉ sợ chẳng tin chẳng
làm, nếu làm nếu tin, thì trong các oai nghi đạo ắt hiện
tiền.
9.
Chỗ ở của chơn tâm.
Hỏi: Dứt
vọng tâm thì chơn tâm hiện. Nói thế thì thể dụng của
chơn tâm nay ở chỗ nào?
Ðáp: Diệu
thể của chơn tâm khắp cả chỗ. Vĩnh Gia nói: “Chẳng rời
hiện tại thường lặng lẽ. Còn tìm tức biết anh chưa thấy”.
Kinh nói: “Tánh như hư không thường chẳng động, trong
Như Lai Tạng chẳng khởi, chẳng diệt”. Ðại Pháp Nhãn nói:
“Nơi nơi đường bồ đề, chốn chốn rừng công đức”.
Ðấy là chỗ ở của thể.
Diệu dụng
của chơn tâm tùy cảm tùy hiện, như vang theo tiếng. Pháp
Ðăng nói: “Xưa nay theo chẳng rời, rõ ràng nơi trước mặt.
Cụm mây sanh hang tối. Cô hạt đáp trời xa”.
Trong Hoa Nghiêm
Sớ của Ngụy Phủ Nguyên nói: “Phật pháp ở chỗ việc
hằng ngày, chỗ đi đứng ngồi nằm, chỗ ăn cơm uống trà,
chỗ nói năng hỏi đáp. Các hành động ấy mà khởi tâm động
niệrn thì không phải”.
Cho nên, thể
thì biến khắp mọi nơi, trọn hay khởi dụng. Chỉ vì nhân
duyên có, không chẳng nhứt định, cho nên diệu dụng cũng
chẳng định, chớ chẳng phải không diệu dụng. Người tu
tâm muốn vào biển vô vi độ các sanh tử, chớ mê lầm chỗ
ở của thể dụng chơn tâm.
10.
Chơn tâm và việc sanh tử.
Hỏi: Thường
nghe người kiến tánh ra khỏi sanh tử, nhưng tù xưa chư Tổ
là người kiến tánh sao đều có sanh tử? Nay hiện thấy người
tu trong đời đều có chết sống. Thế sao nói rằng ra khỏi
sanh tử?
Ðáp: Sanh
tử vốn không, do vọng nên thấy có. Như người đau mắt
thấy trong hư không có hoa đốm.Người không đau nói trong
hư không chẳng có hoa. Người đau mắt không tin. Nếu mắt
hết đau thì cái thấy hoa trong hư không cũng tự hết. Lúc
ấy mới tin rằng hoa vốn không. Lúc hoa chưa diệt, hoa kia
cũng không. Chỉ người bịnh vọng chấp là hoa, chớ chẳng
phải thể nó thật có.
Như người
vọng nhận sanh tử là có thật. Nếu người không sanh tứ
bảo rằng “vốn không sanh tử”. Một mai người ấy vọng
dứt, sanh tử tự trừ, mới biết việc sanh tử xưa nay vốn
là không. Ngay lúc sanh tử chưa dứt cũng chẳng phải thật
có. Do vọng nên nhận có sanh tử thôi.
Kinh nói :
“Thiện nam tử, tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay
điên đảo nhiều lớp. Như người mê bốn hướng, đổi chỗ.
Vọng nhận tứ đại làm tướng của tự thân, sáu trần duyên
bóng làm tướng của tự tâm. Ví như người đau mắt thấy
hoa giữa hư không. Cho đến các hoa đốm ấy diệt trong hư
không. Không thể nói quyết rằng có chỗ diệt. Vì sao? Vì
không chỗ sanh vậy. Tất cả chúng sanh nơi vô sanh vọng thấy
có sanh diệt. Cho nên gọi là luân chuyển sanh tử”.
Cứ theo Kinh
này tin biết rằng đạt ngộ chơn tâm vốn không sanh tử.
Nay biết không sanh tử mà không thể thoát sanh tử, vì công
phu không đến vậy. Cho nên trong Kinh nói: “Am bà nữ hỏi
Văn Thù rằng: Rõ biết sanh là pháp chẳng sanh, vì sao lại
bị sanh tử trôi đi? – Văn Thù đáp: Vì sức kia chưa đầy
đủ”.
Sau này Tiến
Sơn chủ hỏi Tu Sơn chủ rằng: “Rõ biết sanh là pháp chẳng
sanh, vì sao lại bị sanh tủ trôi đi? Tu đáp: Măng trọn thành
tre. Như nay khiến làm phên được”. Thế nên “Biết” không
sanh tử, chẳng như “Thể” không sanh tử. Thể không sanh
tử chẳng như “Khế” không sanh tử. Khế không sanh tử
chẳng như “Dụng” không sanh tử. Người nay còn chẳng biết
không sanh tử, huống là thể không sanh tử, khế không sanh
tử, dụng không sanh tử? Người nhận sanh tử, không tin pháp
không sanh tử cũng vậy.
11.
Chơn tâm và chánh trợ.
Hỏi: Như
truớc đã nói dứt vọng thì chơn tâm hiện tiền. Khi vọng
chưa dứt, thì chỉ hành công phu vô tâm để hết vọng. Lại
còn có pháp nào khác có thể đối trị các vọng không?
Ðáp: Có
chánh tu và trợ tu sai khác nhau. Lấy vô tâm dứt vọng làm
chánh, lấy các hành động lành làm trợ. Thí như gương sáng
bị bụi che lấp, lấy sức tay lau chùi, nhưng cũng cần thêm
thuốc để chùi thì ánh sáng mới dễ hiện. Bụi nhỏ là
phiền não. Sức tay là vô tâm. Thuốc là các việc lành. Ánh
sáng của gương là chơn tâm.