TIỂU SỬ
THIỀN SƯ HOÀNG
BÁ
CHÁNH
VĂN:
Ngài
hiệu Hy Vận, người tỉnh Mân (tỉnh Phước Kiến), Hồng
Châu, thuở nhỏ xuất gia tại bổn châu trên núi Hoàng Bá.
Trên trán Ngài có cục thịt nổi vun lên như hạt châu, âm
thanh trong trẻo, ý chí đạm bạc.
GIẢNG:
Các
tỉnh của Trung Hoa rất lớn nên trong tỉnh có chia ra Châu,
Huyện. Châu là chỗ thị tứ, thành phố của tỉnh, dưới
Châu là Huyện. Ngài người tỉnh Phước Kiến, tướng tốt
to lớn, trên trán có nổi cục thịt đỏ. Đây là những phước
tướng đặc biệt. Âm thanh trong trẻo, ý chí đạm bạc, thích
sống đơn giản.
CHÁNH
VĂN:
Đi
dạo núi Thiên Thai, Ngài gặp một vị Tăng nói chuyện với
nhau như đã quen biết từ xưa, nhìn kỹ là người Mục quang
xạ. Hai người cùng đi gặp khe suối, nước đầy chảy mạnh,
Ngài lột mũ chống gậy dừng lại, vị Tăng kia thúc Ngài
đồng qua.
Ngài
bảo:
-
Huynh cần qua thì tự qua.
Vị
Tăng kia liền vén y bước đi trên sóng như đi trên đất
bằng. Qua đến bờ vị Tăng kia xoay lại hối:
-
Qua đây! Qua đây!
Ngài
bảo:
-
Dốt! Ấy tự rõ. Tôi sớm biết sẽ chặt bắp đùi anh.
Vị
Tăng kia khen:
-
Thật là pháp khí Đại thừa, tôi không bì kịp.
Nói
xong không thấy vị Tăng ấy nữa.
GIẢNG:
Đây
là điểm đặc biệt của nhà Thiền. Mục quang xạ tức là
người đã chết. Mục là con mắt, quang là áng sáng, xạ là
rơi, là rớt. Đôi mắt mất ánh sáng là chỉ người chết.
Ngài gặp vị Tăng thấy quen nhưng nhìn kỹ thì biết đã chết
rồi, bây giờ do duyên cũ nên cùng đi với Ngài. Hai người
tới bờ suối lớn, nước suối chảy mạnh, vị Tăng muốn
trổ tài, bảo Ngài qua. Ngài là Thiền sư không có phép mầu
gì hết, nên nói huynh qua được cứ qua. Vị Tăng nọ vén
áo bước đi trên sóng như đi trên đất bằng. Qua bờ kia,
vị Tăng xoay lại thúc “Qua đây, qua đây”.
Nếu
là chúng ta, thấy bạn đi trên nước như vậy chắc sẽ khiếp
vía, muốn đảnh lễ ngay. Nhưng ngược lại, Ngài nghe thúc
liền nói “Dốt! Ấy tự rõ”. Tự rõ là sao? Người
tu nếu có thần thông, có phép lạ thì tự biết chớ đừng
khoe, khoe là không tốt. Cho nên Ngài quở dốt, do dốt mới
nói như thế. Mình có thần thông thì tự biết, khoe với người
ta làm chi. “Nếu tôi sớm biết sẽ chặt bắp đùi anh”,
nếu hồi nảy tôi biết anh dùng thần thông sẽ chặt đùi
anh cho coi. Bị chê vậy mà vị Tăng ấy lại khen thiền sư
“thật là pháp khí đại thừa, tôi không bì kịp”. Sao lạ
vậy? Pháp khí đại thừa có đặc biệt gì? Đây là những
điều quan trọng người tu thiền không nên lầm lẫn.
Hầu
hết người tu ai cũng thích có thần thông. Nếu hôm nào mình
ngồi thiền, bỗng phát quang rồi bay lên không trung, chắc
là thích lắm. Bao nhiêu đó đủ cho huynh đệ phục lăn rồi.
Đây là điều nhà Thiền cấm kỵ nhất. Tại sao vậy? Bởi
vì người tu Thiền cốt nhìn cho ra, thấy cho được thể tánh
bất sanh bất diệt hay Phật tánh của mình. Đó là gốc của
sự tu, chớ không cầu, không luyện thần thông phép lạ. Nếu
cầu luyện thần thông phép lạ là lệ thuộc ở bên ngoài,
không phải sống trở về tánh giác, mà chỉ có trở về tánh
giác mới thành Phật. Thâm ý của nhà Thiền không phải tập
luyện thần thông, mà tu thế nào để sống trở lại với
tâm chân thật của chính mình.
Ở
chỗ khác có kể về một Thiền sư sống trên núi. Lúc Ngài
xuống núi, gặp một đạo sĩ tu tiên, mới kết bạn đồng
hành. Hôm nọ cùng đi với nhau tới con sông nước chảy mạnh,
mà đò đã qua bên kia không có ở bến bên này. Vị Thiền
sư dừng lại chờ, vị đạo sĩ kia thấy vậy xúi đi qua.
Thiền sư nói “huynh đi được thì cứ đi, tôi chờ đò qua
mới đi”. Vị đạo sĩ vén áo bước trên mặt nước đi
qua bên kia. Đứng bên kia đạo sĩ nhìn thấy Thiền sư còn
chờ đò, ông cười ngạo nghễ rồi đứng chờ. Lát sau Thiền
sư xuống đò qua sông. Tới nơi Thiền sư hỏi đạo sĩ “huynh
tập luyện đi được trên nước, thời gian bao lâu?” Đạo
sĩ đáp “tôi tập tới ba mươi năm mới đi được”. Thiền
sư cười bảo “công phu ba mươi năm của huynh giá đáng có
hai xu”.
Chúng
ta nghe câu nói này thấy thế nào? Rõ ràng các Thiền sư không
chú trọng đến sự luyện tập thần thông. Tại sao nhà Thiền
lại coi thường thần thông như vậy? Thường thường nhà
Phật nói “thần thông diệu dụng”, tức thần thông là
dụng mầu nhiệm chớ không phải là giá trị chân lý, mà
người tu Phật phải đạt được chân lý chớ không phải
tìm sự mầu nhiệm tạm thời.
Như
Ngài Mục Kiền Liên là thần thông đệ nhất trong đệ tử
Phật, nhưng tới khi mẹ Ngài chết sanh cõi dữ, Ngài dùng
thiên nhãn tìm gặp mẹ rồi, thấy mẹ đói quá, Ngài xin được
bát cơm, vận thần thông đến dâng cho mẹ. Khi bà vừa bưng
bát cơm, liền lấy tay áo che lại sợ người ta giựt, sau
đó bà bốc cơm bỏ vô miệng, cơm hóa thành than ăn không
được. Tại sao lúc đó Ngài không dùng thần thông thổi tắt
lửa cho mẹ ăn, mà lại đứng khóc. Rõ ràng thần thông thua
cái nghiệp. Nghiệp tham của bà quá nặng. Khi nghiệp tham quá
nặng thì cơm hóa ra lửa, thần thông của ngài Mục Kiền
Liên không thể cứu được nghiệp tham của bà, nên Tôn giả
đành phải khóc trở về. Đó là bất lực thứ nhất.
Bất
lực thứ hai, đến khi Ngài sắp từ giã cõi đời bị bọn
cướp vây đánh. Sao lúc đó Ngài không bay đi, mà phải chịu
đòn nhừ tử. Vì Ngài biết mình không còn trở lại cõi đời
nữa nên phải trả nghiệp cũ cho xong mới có thể xả báo
thân được. Sau khi bọn cướp bỏ đi, Ngài mới vận thần
thông về đảnh lễ Phật, ít hôm sau thì mất. Khi đó các
thầy tỳ kheo hỏi Phật vì sao Ngài Mục Kiền Liên có thần
thông mà không bay đi để thoát nạn? Phật trả lời nghiệp
cũ của Mục Kiền Liên thuở xưa còn lại. Đây là thân chót
cho nên tất cả nợ cũ trả hết mới được vô sanh, Niết-bàn.
Nếu thần thông không cứu được nghiệp, thì nó quí hay không
quí? Thần thông chỉ dùng tạm thôi, có gì quan trọng. Nhưng
người phàm tục rất trọng thần thông, nghe ai có thần thông
thì lạy lên, lạy xuống không ngán chút nào hết, vì quá
quí trọng thần thông. Đó là điểm khác nhau giữa người
đời và người tu theo Phật.
Trong
kinh A Hàm kể, vua Ba Tư Nặc thưa với Phật trong nước ông
có một vùng người dân rất thích thần thông huyền bí, không
thèm nghe đạo lý, vì vậy xin đức Phật dùng thần thông
giáo hóa họ. Đức Phật trả lời “Ta không dùng thần thông
giáo hóa, mà chỉ dùng đạo thông thôi”. Như vậy từ Đức
Phật cho tới đệ tử Ngài, những vị tu hành chân chánh đều
dùng đạo thông làm gốc, còn thần thông chỉ là phương tiện
phụ thôi.
Người
thời nay vì không biết, cho cái gì kỳ quặc, lạ lùng là
quí, không biết gốc quí báu ở chỗ thấu suốt đạo lý,
thấy được lẽ thật. Người học đạo Phật là học chân
lý, tìm nhận cho ra chân lý. Còn người ham huyền bí, những
thứ lạ lùng thì chưa phải là người chân chánh học Phật.
Hiểu như vậy chúng ta mới hiểu ý của đoạn này, nếu không
chúng ta sẽ lấy làm lạ, người có thần thông tại sao bị
xem thường, người không có thần thông lại được khen.
Thêm
một chuyện nữa về thần thông. Có một ngoại đạo tu chứng
được ngũ thông, tức là có thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm,
thần túc, túc mạng. Ông giảng kinh người ta khen rất hay,
tới vua trời Đế Thích cũng mê nữa. Hôm đó, nghe giảng
kinh xong vua trời Đế Thích ngồi khóc. Ông thấy lạ quá,
liền hỏi “tại sao hôm nay nghe tôi giảng Ngài lại khóc?”
Trời Đế Thích đáp “Ngài giảng thật hay nhưng tôi biết
mạng sống Ngài sắp hết, tôi thương tiếc nên khóc”. Nghe
vậy vị ấy hoảng, hỏi Đế Thích làm sao để khỏi chết?
Trời Đế Thích giới thiệu “nếu ông muốn khỏi chết phải
tìm đến chỗ Phật Thích Ca, Ngài sẽ chỉ cho phương pháp
khỏi chết”. Nghe vậy vị ấy mừng quá hỏi “bây giờ
Phật Thích Ca ở đâu?” Trời Đế Thích giới thiệu đang
ở tại Tinh xá Trúc Lâm. Vị ấy vận thần thông đi đến
chỗ Phật. Ông đi trên mây được một đổi thì nghĩ, mình
tới Phật mà không có gì cúng dường khó coi quá. Khi ấy
nhìn xuống thấy hai cây ngô đồng trổ hoa thật đẹp, ông
vận thần thông nhổ hai cây để trên hai tay rồi bay đến
chỗ Phật.
Tới
Trúc Lâm hạ xuống, ông cầm hai cây ngô đồng dâng cúng Phật.
Khi dâng cúng ông hỏi “Bạch Thế Tôn, làm thế nào để
khỏi chết?” Phật bảo “buông”. Ông buông một tay, rớt
cây ngô đồng xuống. Phật bảo “buông”, ông buông một
tay nữa, rớt cây ngô đồng thứ hai xuống. Phật lại bảo
“buông”, ông ngẩn ngơ không biết buông cái gì nữa, nên
hỏi Phật “con buông hết hai tay, rớt hết hai cây ngô đồng
xuống, bây giờ còn gì nữa mà Phật bảo buông”. Phật nói
“không phải Ta bảo ngươi buông cây ngô đồng, mà buông
thứ nhất là buông sáu trần, đừng cho nó dính. Buông thứ
hai là buông sáu căn, đừng chạy theo sáu trần. Buông thứ
ba là buông sáu thức, đừng cho nó dấy động. Buông ba cái
đó thì ông khỏi chết”. Ngay đó vị kia liền ngộ ra, trở
về tu và chứng quả A La Hán, không còn sanh tử nữa.
Như
vậy mới thấy thần thông không cứu được mình. Đi trên
mây xanh, nhổ ngô đồng cầm trên tay, vận dụng đủ thứ
hết, mà không chống được ma sanh tử. Gốc của đạo Phật
là tu giải thoát sanh tử. Muốn giải thoát sanh tử trước
phải giác ngộ cái không sanh tử, để sống với nó. Đó
là chúng ta tu, chớ không phải luyện tập thần thông, luyện
tập bùa chú, đó không phải là phương pháp cứu mình.
CHÁNH
VĂN:
Sau
Ngài đến Kinh đô, nhờ người mách đến tham với Tổ Bá
Trượng.
Ngài
hỏi Bá Trượng:
-
Từ trước Tông thừa chỉ dạy thế nào?
Bá
Trượng lặng thinh. Ngài thưa:
-
Không thể dạy người sau dứt hẳn mất.
Bá
Trượng bảo:
-
Sẽ nói riêng với ông.
Bá
Trượng đứng dậy đi vào phương trượng.
Ngài
cũng đi theo sau thưa:
-
Con đến riêng một mình.
Bá
Trượng bảo:
-
Nếu vậy ông sau sẽ không cô phụ ta.
GIẢNG:
Ngài
đi tới Tổ Bá Trượng hỏi “Từ trước Tông thừa chỉ
dạy thế nào?” Tông thừa hay Thiền tông cũng tương tự
như nhau. Hỏi Thiền tông chỉ dạy thế nào? Tổ Bá Trượng
lặng thinh không nói. Như vậy có tàn nhẫn không? Người ta
tha thiết hỏi đạo lý mà không nói gì hết.
Ngài
Hoàng Bá thưa “không thể dạy người sau dứt hẳn mất”,
nếu không dạy người thì sau này còn ai nối tiếp. Bá Trượng
bảo sẽ nói riêng với ông. Vậy trọng tâm chỗ chỉ dạy
Tông thừa thế nào? Bá Trượng làm thinh là dạy chưa, có
nói chỗ yếu lý của Tông thừa không? Chỗ yếu lý của Tông
thừa vượt ngoài đối đãi, mà ngôn ngữ là đối đãi, nên
mở miệng nói thì sai, vì vậy Tổ làm thinh. Ngài Hoàng Bá
sợ như vậy người sau không thể học hiểu? Tổ Bá Trượng
bảo sẽ nói riêng với ông. Cho nên Tổ đi vào phương trượng,
Hoàng Bá đi theo.
Ở
đây chúng ta không thấy Tổ Bá Trượng dạy cái gì, cũng
không thấy ngài Hoàng Bá nói ngộ chi, mà thầy trò lại có
chỗ kế thừa. Đó là chỗ đặc biệt của nhà thiền. Vì
chỗ lặng thinh đó, không thể nào hiểu nổi, mà không hiểu
nổi là đúng hay không đúng? Vừa khởi hiểu là đã xa muôn
dặm, cho nên ngay chỗ lặng thinh mà nhận thì được. Ngài
Bá Trượng lặng thinh, thiền sư Hoàng Bá có hội ý không?
Ngài bảo “không thể dạy người sau sẽ dứt hẳn mất”,
Bá Trượng bảo sẽ nói riêng với ông. Tổ Bá Trượng đi
vào phương trượng Ngài cùng đi theo sau, nói “con đến riêng
một mình đây”. Bá Trượng bảo “nếu vậy ông sau sẽ
không cô phụ ta”. Tổ dạy cái gì mà nói không cô phụ ta?
Thầy trò đối xử rất bình thường thì chỗ nào mà thâm
nhập được, lại nói sẽ không cô phụ ta?
Chỗ
còn nói năng là còn hai, bặt nói năng thì hai hay một? Vì
vậy, Hoàng Bá nói con tới một mình thôi, Tổ bảo sau ông
sẽ không cô phụ ta. Nói một tí thôi mà thật là nhẹ nhàng
nhanh chóng, nghe liền hiểu nhau, coi như thầy trò đã thông
cảm. Thế là ngài Hoàng Bá được Tổ Bá Trượng ấn chứng.
CHÁNH
VĂN:
Một
hôm, Bá Trượng bảo:
-
Ở đâu đến đây?
Ngài
đáp:
-
Nhổ nấm dưới Đại Hùng đến.
GIẢNG:
Núi
Bá Trượng tên là núi Đại Hùng, vì nó cao tới một trăm
trượng nên người ta gọi là Bá Trượng.
Tổ
hỏi ngươi đi đâu? Đáp con nhổ nấm dưới Đại Hùng đến.
CHÁNH
VĂN:
Bá
Trượng lại bảo:
-
Lại thấy đại trùng chăng?
Ngài
bèn làm tiếng cọp rống. Bá Trượng cầm búa thủ thế.
Ngài
bèn vỗ vào chân Bá Trượng một cái. Bá Trượng cười to
bỏ đi.
GIẢNG:
Đại
trùng là con cọp. Tổ hỏi thấy cọp không thì Ngài làm tiếng
cọp rống lên. Nghe rống, Tổ Bá Trượng cầm búa thủ thế.
Như vậy là đấu võ hay làm gì? Coi như trường đấu võ vậy,
không nói qua bàn lại gì hết, chỉ có những hiện tượng
lạ lùng. Khi Bá Trượng cầm búa thủ thế, Ngài bèn vỗ vào
chân Bá Trượng một cái. Bá Trượng cười to bỏ đi. Đã
thủ thế mà vẫn bị vỗ một cái vào bắp đùi.
CHÁNH
VĂN:
Bá
Trượng thượng đường bảo đại chúng:
Dưới
núi Đại Hùng có một đại trùng, các ông nên xem. Lão Bá
Trượng này hôm nay đích thân bỗng gặp và bị cắn một
cái.
GIẢNG:
Gặp
đại trùng tức gặp cọp, bị cọp cắn một cái. Ngài gặp
cọp ở đâu, cắn lúc nào? Đó là chỗ ý nghĩa thầm lặng,
không phải chỗ suy gẫm, lý luận thế này thế nọ. Chỉ
thầm lặng nhận và trình một cách hết sức giản đơn. Hỏi
ông ở đâu tới, nói con nhổ nấm dưới chân núi Đại Hùng
lên. Hỏi có thấy cọp không, nói dạ thấy. Cọp đây là
cọp nào? Phải hiểu được con cọp này mới hiểu chặn sau.
Nghe nói thấy cọp, Ngài thủ thế. Thủ thế thì cọp chụp
cho một cái. Như vậy là sao? Thấy đây là thấy tận nơi,
không phải thấy bằng lý giải, bằng tưởng tượng cho nên
không có lời. Cái Ngài thấy là cái Ngài đã sống được,
không phải cái lý giải để phân biệt đúng sai, hay dở.
Bị thiền sư Hoàng Bá chụp mà Ngài Bá Trượng mừng vì đây
là cọp thật, nên Tổ khoe với chúng các ông nên biết dưới
núi Đại Hùng có con cọp, ta mới bị nó cắn một cái. Ý
nói trong hội chúng có một người đã lãnh hội được yếu
chỉ và trình cho ta thấy rồi. Đó là cách ấn chứng khéo
léo, song người đời nghe qua không hiểu gì hết. Đây là
điểm đặc biệt trong nhà Thiền.
Khi
được Tổ Bá Trượng ấn chứng rồi, từ đây ngài Hoàng
Bá bắt đầu đi tham vấn các nơi.
CHÁNH
VĂN:
Lúc
Ngài ở chỗ Tổ Nam Tuyền, một hôm toàn chúng đi hái trà.
Nam Tuyền hỏi:
-
Đi đâu?
Ngài
thưa:
-
Đi hái trà.
Nam
Tuyền hỏi:
-
Đem cái gì hái?
Ngài
đưa con dao lên. Nam Tuyền bảo:
-
Đại gia hái trà đi.
Một
hôm Nam Tuyền bảo Ngài:
-
Lão tăng ngẫu hứng làm bài ca “chăn trâu”, mời Trưởng
lão hòa.
Ngài
thưa:
-
Tôi tự có thầy rồi.
Ngài
từ giã đi nơi khác. Nam Tuyền tiễn đến cổng, cầm chiếc
mũ của Ngài đưa lên hỏi:
-
Trưởng lão thân to lớn mà chiếc mũ rất nhỏ vậy?
Ngài
thưa:
-
Tuy nhiên như thế, đại thiên thế giới đều ở trong ấy.
Nam
Tuyền bảo:
-
Vương lão sư vậy.
Ngài
bèn đội mũ ra đi.
GIẢNG:
Nam
Tuyền và Bá Trượng đều là đồ đệ của Mã Tổ. Khi đi
hái trà, Ngài Nam Tuyền hỏi đem cái gì hái. Ngài đưa con
dao lên, Nam Tuyền bảo cả nhà đi hái trà đi. Hỏi đem cái
gì hái, thường thường mình có cái gì đưa cái ấy, chuyện
hết sức bình thường. Hoàng Bá đưa con dao lên, Nam Tuyền
bảo đại gia hái trà đi, không nói thêm câu nào. Như vậy
chấp nhận hay không chấp nhận? Nhà thiền không dùng ngôn
ngữ, chỉ dùng hình ảnh để nói lên chỗ đó không có ngôn
ngữ, cho nên ngài Nam Tuyền đã chấp nhận.
Một
hôm Nam Tuyền bảo lão tăng ngẫu hứng làm bài ca chăn trâu,
mời trưởng lão hòa. Ngài thưa tôi tự có thầy rồi. Tại
sao mời hòa bài ca chăn trâu lại đáp tôi có thầy rồi. Nói
tôi có bài ca chăn trâu mời trưởng lão hòa, tức là mời
ngài vào dòng phái của tôi, cùng truyền bá Phật pháp. Ngài
thưa tôi có thầy rồi, nghĩa là từ chối.
Bây
giờ Ngài sửa soạn từ giã Nam Tuyền đi. Đến cổng, Nam
Tuyền cầm chiếc mũ nói trưởng lão thân to lớn mà chiếc
mũ rất nhỏ vậy. Câu này là câu dọ dẫm lần chót. Ngài
đáp rất khéo, tuy nhiên như thế, cả đại thiên thế giới
đều ở trong ấy. Tuy tướng mạo nó nhỏ vậy, mà trùm cả
đại thiên sa giới. Do đó ngài Nam Tuyền cũng phải nể. Đó
là những câu chuyện đối đáp khi tham vấn những bậc thiện
tri thức. Rất là khéo, rất là đặc biệt.
CHÁNH
VĂN:
Sau,
Ngài ở Hồng Châu chùa Đại An, đồ chúng tìm đến rất
đông.
Tướng
quốc Bùi Hưu trấn Uyển Lăng lập đại thiền uyển thỉnh
Ngài đến thuyết pháp. Vì Ngài quá mến núi cũ nên để hiệu
Hoàng Bá.
GIẢNG:
Lúc
Ngài ở tại Uyển Lăng, đã có những pháp thoại này.
CHÁNH
VĂN:
Một
hôm, thượng đường đại chúng vân tập, Ngài bảo:
Toàn
là bọn ăn hèm, thế mà xưng hành khước để cho người chê
cười. Chỉ cam thấy một ngàn tám trăm người đi chớ không
chịu sự ồn náo. Tôi khi đi hành khước hoặc gặp dưới
rễ cỏ có một cái ấy là đem hết tâm tư mà xem nó. Nếu
biết ngứa ngáy khả dĩ lấy đãy đựng gạo cúng dường.
Trong lúc đó, nếu dễ dàng như các ông hiện giờ thì làm
gì có việc ngày nay. Trong nước Đại Đường chẳng có Thiền
sư sao?
Có
một vị Tăng ra hỏi:
Bậc
tôn túc ở các nơi họp chúng chỉ dạy, tại sao nói không
Thiền sư?
Ngài
bảo:
Chẳng
nói không Thiền, chỉ nói không Sư. Xà lê chẳng thấy sao,
dưới Mã Tổ Đại Sư có tám mươi bốn người ngồi đạo
tràng, song được chánh nhãn của Mã Tổ chỉ có hai ba người,
Hòa thượng Lô Sơn là một trong số ấy.
GIẢNG:
Tại
sao người xưa lại có những lời nói hơi thô lỗ, cả chúng
mà nói toàn là bọn ăn hèm. Cái gì ăn hèm? Ở Việt Nam hồi
xưa hay nấu rượu, bả rượu gọi là hèm, dùng cho heo ăn.
Ngài nói toàn là bọn ăn hèm, tức bọn con lợn. Câu nói này
nhiều người trách, tại sao Ngài nói những lời khinh bạc
chúng quá vậy. Nhưng chúng ta phải hiểu Ngài muốn khích lệ,
nhắc nhở mọi người cố gắng tu. Nhắc nhở mạnh mẽ như
vậy, người ta mới có tâm vươn lên, nếu nói nhè nhẹ người
ta coi thường. Vì vậy Ngài nói đã là bọn ăn hèm mà xưng
hành khước cho người chê cười.
Ngài
nói “Chỉ cam thấy một ngàn tám trăm người đi chớ không
chịu sự ồn náo”. Thà là các ông bỏ đi, chớ còn ở đông
ồn náo, ta không thích.
Ngài
nhắc lại chuyện đi hành khước của Ngài. “Tôi khi đi hành
khước, hoặc gặp dưới rễ cỏ có một cái ấy là đem hết
tâm tư mà xem nó. Nếu biết ngứa ngáy khả dĩ lấy đãy đựng
gạo cúng dường”. Ngài đi hành khước tức là đi tìm học
nơi này nơi kia, gặp dưới rễ cỏ có một cái ấy, dưới
rễ cỏ tức là một vật nhỏ nhất, tầm thường nhất, nếu
thấy hơi lạ là đem hết tâm tư xem nó, tức là đem hết
tâm tư nghiền ngẫm để thấu đạt nó.
“Nếu
biết ngứa ngáy khả dĩ lấy đãy đựng gạo cúng dường”.
Nếu nghiền gẫm thấy có gì hay, thì mới có thể nhận người
cúng dường. Ngài đi hành khước, gặp Thiền sư có lời đạo
lý, liền đem hết tâm tư xem xét nghiền ngẫm, chớ không
lôi thôi. Như vậy mới thấy đạo. Còn chúng ta ngày nay thì
sao? Tới chỗ nào thấy vui thích thì ở, chớ không chịu nghiền
ngẫm những cái hay, những điều sâu sắc. Người xưa dù
gặp chuyện rất thường, cũng cố gắng tìm cho ra thâm ý.
Nếu hiểu và thấy nó hay thực thì phải thành tâm cung kính
tuân học chớ không thể lôi thôi được. Đó là ý nghĩa
thâm trầm, diễn tả lại thời Ngài tìm học nơi các thiện
tri thức. Cho nên Ngài nói:
“Trong
lúc đó, nếu dễ dàng như các ông hiện giờ thì làm gì có
việc ngày nay”. Nếu lơ mơ như các ông bây giờ thì làm
gì có việc ngày nay. Cho nên người học đạo phải đem hết
tâm tư của mình, khi được thấy, được nghe thiện tri thức
chỉ dạy, tìm cho ra, hiểu cho thấu, như vậy mới gọi là
học đạo. Chớ nghe rồi bỏ đó, không quan tâm, không tìm
kiếm thì không biết chừng nào mới đến nơi đến chốn,
tu chừng nào cho có kết quả. Nói xong Ngài hỏi:
“Trong
nước Đại Đường chẳng có Thiền sư sao?” Hỏi cả nước
Đại Đường này chẳng có Thiền sư nào sao? Bởi vì nếu
học hiểu nghiên cứu không được gì hết, tức là không
có thầy nào xứng đáng để học.
Có
một vị Tăng ra hỏi:
Bậc
tôn túc ở các nơi họp chúng chỉ dạy, tại sao nói không
Thiền sư?
Ngài
bảo:
Chẳng
nói không Thiền, chỉ nói không Sư.
Thiền
có sẵn, từ Phật chí Tổ, cho đến chúng ta ngày nay ai cũng
có sẵn hết, nên đâu phải không Thiền, mà chỉ không Sư
thôi.
“Xà
lê chẳng thấy sao, dưới Mã Tổ Đại Sư có tám mươi bốn
người ngồi đạo tràng, song được chánh nhãn của Mã Tổ
chỉ có hai ba người, Hòa thượng Lô Sơn là một trong số
ấy”. Hòa thượng Lô Sơn là Ngài Qui Tông. Chúng ta thường
nghe nói Ngài Qui Tông ỉa chảy đầy đất. Có nhiều người
tu học, nhưng đến nơi đến chốn không được mấy người,
trong đó ngài Qui Tông được khen nhất, bằng câu nói Qui Tông
ỉa chảy đầy đất. Đọc sách Thiền, người không có tí
mùi vị Thiền không làm sao nếm, hiểu được. Đó là điểm
khó của người mới tu học Thiền.
Ngài
nói dưới Mã Tổ có tám mươi bốn người được nhận là
thiện tri thức. Nhưng rốt cuộc dưới con mắt của Ngài,
chỉ có hai ba vị tuyệt vời thôi, còn lại bao nhiêu cũng
thường.
CHÁNH
VĂN:
Phàm
người xuất gia phải biết có sự phần từ trước lại.
Vả như, dưới Tứ Tổ, Đại sư Ngưu Đầu Pháp Dung nói ngang
nói dọc vẫn chưa biết then chốt hướng thượng, có con mắt
trí này mới biện được tông đảng tà chánh. Người hiện
giờ không hay thể hội, chỉ biết học ngôn ngữ, nghĩ đến
những việc trong đãy da xưng là ta hội Thiền. Nó có thể
thay ông việc sanh tử chăng?
GIẢNG:
Ngài
Pháp Dung ở núi Ngưu Đầu cũng ngộ được nơi Tứ Tổ, nhưng
Ngài thấy chưa phải tột, chưa phải người thấu đáo đến
chỗ rốt ráo của lý thiền. Cho nên Ngài bảo người học
thiền phải có con mắt trí tuệ, phân biệt rõ ràng đâu là
tà, đâu là chánh, đâu là tột cùng, đâu là chưa tột cùng
v.v… Ngài nói người thời nay tức thời Đường học ngôn
ngữ, nghĩ đến những việc trong đãy da xưng là ta hội Thiền,
chỉ biết lẩn quẩn trong thân này cho là hội thiền. Như
vậy ai thay cho ông việc sanh tử?
CHÁNH
VĂN:
Khinh
thường bậc lão túc vào địa ngục nhanh như tên bắn. Tôi
vừa thấy người vào đến cửa liền biết được ông rồi.
Lại biết chăng? Cần kíp cố gắng, chớ có dung dị. Mặc
y ăn uống mà để một đời luống qua, người trí chê cười.
GIẢNG:
Lời
này rất tha thiết. Ngài khuyên chúng ta đừng coi thường bậc
lão túc, những bậc thầy trước kia có đạo đức, đã nhận
được chánh pháp. Nếu mình có tâm khinh thường thì đọa
địa ngục nhanh như tên bắn. Ngài tự nói: “Tôi vừa thấy
người vào đến cửa liền biết được ông rồi”. Tôi thấy
người tới cửa là biết rồi, khỏi cần bàn luận gì hết.
Đây là điểm kỳ đặc của Ngài. Cho nên tổ Lâm Tế tới
có thảo luận gì với Ngài đâu, hỏi liền đánh, không cần
nói chi. Đó là thấy tới cửa liền biết.
“Lại
biết chăng? Cần kíp cố gắng, chớ có dung dị”. Các ông
phải nhanh chóng cố gắng, chớ có xem thường. “Mặc y ăn
uống mà để một đời luống qua, người trí chê cười”.
Chúng ta đắp y Phật, ăn chay, sống trong đạo mà tu không
tiến được, để cho người trí chê cười, thật uổng một
đời. Câu nhắc nhở này thắm thiết làm sao! Một đời bỏ
cha, bỏ mẹ, bỏ thân bằng quyến thuộc, bỏ tất cả việc
nước, việc nhà để đi tu. Tâm cao thượng ấy quí báu vô
cùng. Gan dạ bỏ hết những thứ thường tình, để tìm con
đường siêu thoát, thế mà vào đạo rồi cũng lẩn quẩn
trở lại như người tầm thường, có khi còn tệ hơn nữa,
thì có đau không, có uổng một đời không?
Chúng
ta đi tu để làm gì mà bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ hết tất cả
để rồi không làm ra trò trống chi? Nếu tu không ra gì thì
thôi về nuôi cha nuôi mẹ còn có ý nghĩa hơn, có giá trị
hơn. Nếu can đảm dứt hết, vào chùa tu thì phải đạt tới
cái gì, chớ không thể thả lỏng uổng đi một đời. Nhìn
lại thấy rất thương nhiều người tu riết không biết mình
tu ra sao nữa. Cứ khuya công phu, chiều Tịnh độ rồi chơi
bình thường, chừng ấy việc và chờ tới già tới chết,
thật uổng một đời.
Cho
nên chúng ta không tu thì thôi, tu thì phải đến nơi đến
chốn, cho xứng danh nghĩa người tu. Nên lời Ngài nhắc nhở
rất là chí lý: Cần kíp cố gắng, chớ có dung dị. Mặc
y ăn uống mà để một đời luống qua, người trí chê cười.
Cho nên chúng ta phải tu làm sao cho có hiệu quả, xứng đáng
một đời hy sinh của mình. Phải nhớ, phải biết rõ ràng
như vậy, chớ đừng xem thường. Chúng ta xét lại lời người
xưa tha thiết nhắc nhở mà ý thức được việc làm của
mình, sao cho xứng đáng một ngày ở chùa là một ngày cao
quí, một năm mặc y nhà Phật là một năm xứng đáng người
tu, chớ đừng lôi thôi.
CHÁNH
VĂN:
Ông
thời gian sau hẳn sẽ bị người tục lôi đi, phải tự xem
xa gần cái gì là việc trên mặt. Nếu hội tức là hội,
nếu không hội thì giải tán đi.
GIẢNG:
Ngài
nói cương quyết, hiểu được thì ở, nếu không hiểu thì
rút lui, đừng ở đây nữa. Chúng ta thấy lối dạy của Ngài
Hoàng Bá thật là mạnh mẽ.
CHÁNH
VĂN:
Sư
Lâm Tế Nghĩa Huyền đến hỏi:
-
Thế nào là ý Tổ từ Ấn Độ sang?
Ngài
liền đập một gậy. Đến ba phen hỏi đều bị đập một
gậy. Sau cùng Sư Lâm Tế từ giã Ngài đi nơi khác. Ngài dạy
qua tham vấn Đại Ngu. Sau này Sư Lâm Tế đắc ngộ ý chỉ
của Ngài. Chỗ chỉ dạy của Ngài đều nhắm vào bậc thượng
căn, người trung căn và hạ căn khó thấy được yếu chỉ.
GIẢNG:
Chúng
ta thấy lối dạy của Ngài quá kỳ đặc. Hỏi thế nào là
ý Tổ sư từ Ấn Độ sang, liền đập cho một gậy rồi đuổi
xuống, không nói gì hết. Lần thứ hai hỏi lại đập cho
một gậy nữa, đuổi xuống. Lần thứ ba hỏi cũng đập một
gậy đuổi xuống. Như thế ai còn gan dạ nào ở đó mà tu.
Chúng ta chỉ cần đập một gậy lần thứ nhất là xách gói
đi tuốt, chớ đâu tới lần thứ hai thứ ba. Ngài Lâm Tế
ráng ẩn nhẫn đến lần thứ ba bị đập một gậy nữa,
ngài chỉ biết khóc, không còn cách gì khác. Ngài vừa khóc
vừa dọn hành lý ra đi. Bấy giờ ngài Trần Tôn Túc làm Quản
chúng bảo trước khi đi huynh lên từ giã Hòa thượng rồi
hãy đi. Khi từ giã, Hòa thượng hỏi ông đi đâu. Ngài thưa
“con không biết đi đâu nữa, thấy không có duyên ở đây
thì con đi vậy thôi”. Tổ Hoàng Bá bảo ông qua Đại Ngu
dạy cho. Ngài liền đi tới Thiền sư Đại Ngu.
Như
vậy ngài Hoàng Bá có công hay có tội với Lâm Tế? Ba lần
hỏi thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang, ba lần đánh
rồi đuổi đi, chớ không dạy một câu. Sau cùng chỉ qua ngài
Đại Ngu học. Qua tới Đại Ngu, ngài Đại Ngu hỏi:
- Ông
từ đâu đến?
- Dạ
con từ Hoàng Bá đến.
Đại
Ngu hỏi:
- Hoàng
Bá đã dạy ông lời gì?
- Ba
lần con hỏi thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang đều
bị ăn gậy, con không biết có lỗi hay không lỗi?
Đại
Ngu bảo:
- Hoàng
Bá đã đem tâm lão bà chỉ cho ông đến chỗ tột cùng, ông
còn thấy có lỗi, không lỗi.
Ngay
đó, Ngài Lâm Tế lãnh hội được chỉ ý của Tổ Hoàng Bá
dạy, liền nói “Phật pháp Hoàng Bá rất ít”. Chỉ đánh
thôi, không nói chi nên rất ít. Ngài Đại Ngu biết Lâm Tế
đã thấm, nên gạn lại:
- Con
quỉ đái dưới sàng, hồi nãy nói có lỗi, không lỗi. Bây
giờ thấy cái gì mà nói Phật pháp Hoàng Bá rất ít?
Ngài
thoi cho Đại Ngu một thoi vô hông. Đại Ngu xô ra nói:
- Thầy
của ông là Hoàng Bá, chẳng can hệ gì đến ta.
Ngài
liền trở về Hoàng Bá.
Tổ
Hoàng Bá đánh Lâm Tế ba gậy mà được làm thầy. Quí vị
thấy hay ở chỗ nào? Nhờ ăn ba gậy của Hoàng Bá mà dòng
Lâm Tế truyền tới ngày nay, hơn một ngàn năm chưa dứt.
Kỳ đặc ở chỗ nào? Thời nay chúng ta không thể sử dụng
thủ thuật của Ngài Hoàng Bá được. Bởi vì thời nay là
thời khoa học, thời tôn trọng nhân quyền… đủ thứ hết.
Đập người ta, người ta sẽ kiện mình. Cho nên thời này
chỉ có cách ráng mà nói, nói tới khô cổ để cho người
ta hiểu. Hiểu thì tốt, không hiểu thì thôi, chớ không dám
đánh, sợ mang tội.
Như
vậy thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang? Chủ đích của
Tổ Đạt Ma sang đây, mình làm sao giải thích được? Mở
miệng nói là đã mất ý của Tổ sư rồi. Tổ sư muốn chỉ
mình cái chân thật, không có ngôn ngữ đối đãi. Nếu còn
thấy có ngôn ngữ đối đãi, còn phải quấy, đúng sai thì
không thấy được ý Tổ sư. Phải qua hết đối đãi mới
thấy được ý Tổ sư. Vì vậy Ngài Đại Ngu phương tiện
nói Hoàng Bá vì ông chỉ thẳng mà ông còn nói có lỗi không
lỗi, tức là còn kẹt trong đối đãi. Đánh đó là chỉ thẳng
rằng Tổ sư đem Thiền tông sang Trung Quốc, chỉ dạy chỗ
không còn ngôn ngữ, không còn đối đãi. Bây giờ ông lại
hỏi việc đối đãi, làm sao nhận ra được ý Tổ sư. Nghe
đến đây ngài Lâm Tế hiểu ngay, liền nói Tổ sư dạy đơn
giản quá. Ngài Đại Ngu nắm lại hỏi “hồi nãy ông nói
có lỗi không lỗi, bây giờ lại nói Phật pháp Hoàng Bá rất
ít là sao?” Đến đây Lâm Tế thấy Phật pháp rất đơn
giản mà còn nói là trật, nên chỉ thoi một thoi trả lời.
Bị đánh ba gậy để chỉ, bây giờ muốn trình chỗ thấy
của mình cũng dùng cái thoi để trình. Như vậy mới thấy
rõ chỗ người đệ tử đã thấu triệt được ý của thầy.