Kính
thưa đại chúng, hôm nay là ngày 21 tháng 12 năm 2003, chúng
ta đang ở chùa Pháp Vân tại Xóm Thượng trong khóa tu mùa
Thu. Chúng ta học tiếp Lâm Tế Lục, xin đại chúng mở ra
trang 17 bản dịch tiếng Việt.
Này
các bạn tu, đừng lấy Bụt làm tiêu chuẩn tuyệt đối. Theo
tôi thì cái quan niệm ta có về Bụt ấy cũng như một cái
hố xí, và theo nghĩa đó, Bồ Tát và La Hán cũng chỉ là những
kẻ đem tới gông cùm. Vì vậy cho nên mới có hiện tượng
Văn Thù mang gươm tới giết Cồ Đàm và Ương Quật Ma đem
đao tới chém Thích Ca.
Đối
với người Phật tử, Bụt là đối tượng của sự tôn thờ
tuyệt đối, của sự mến mộ tuyệt đối, là hình ảnh tuyệt
hảo để cho ta noi theo. Chúng ta thường nghĩ nếu không có
hình ảnh của Bụt thì làm sao chúng ta có hướng đi trong
cuộc đời. Trong những lúc nguy nan, trong những lúc khổ đau,
chúng ta bám vào hình ảnh của Bụt, một tiêu chuẩn tuyệt
đối để mà sống, cũng như những người bạn Cơ Đốc giáo
bám vào hình ảnh của Thiên Chúa. Nếu không có hình ảnh
của chúa Ki Tô như là chỗ nương tựa để bám víu vào, họ
sẽ không thể nào vượt được những giờ phút nguy nan. Ấy
vậy mà Tổ Lâm Tế đã nói: Đừng mắc kẹt vào hình
ảnh của Bụt và Chúa, tại vì đó chỉ là những hình ảnh
của chúng ta đã có về Bụt và Chúa.
Trước
hết ta cho rằng Bụt và Chúa là những cái thực tại nằm
ở ngoài ta, không phải là ta. Không phải tự mà là tha (the
other, l'autre). Quan điểm sai lầm ở chỗ đó. Quan niệm Bụt
và Chúa là một thực tại bên ngoài để ta bám víu vào, quan
niệm ấy không có khả năng đưa ta đến sự giải thoát.
Có thể quan niệm ấy xoa dịu được một phần nào những
đau khổ trong chốc lát, nhưng không đưa ta được tới giải
thoát. Ta phải vượt thắng quan niệm đó của ta về Bụt
và Chúa. Tại vì nó duy trì tình trạng nô lệ của ta. Vì
vậy Tổ gọi nó là một cái hố xí. Có người tín đồ nào
dám gọi đức giáo chủ của tôn giáo mình là một cái hố
xí không? Có người tín đồ của một tôn giáo nào có ý
muốn sát hại vị giáo chủ của mình hay không? Nhưng trong
thiền tông thì có. Tổ Lâm Tế kêu gọi chúng ta gặp Bụt
thì phải giết Bụt, 'phùng Phật sát Phật', lời
dạy này, người có căn cơ thấp bé không thể nào hiểu tới
được. Chỉ có những người tu tập đã chín muồi, đã sẵn
sàng buông bỏ ý niệm mới có thể tiếp nhận được mà
thôi. Nếu Tổ Lâm Tế sinh ra trong truyền thống Cơ Đốc giáo
mà nói ra một câu như vậy, thì chắc chắn Tổ đã bị nhà
thờ tẩn xuất, và rút phép thông công. Đạo Bụt thì ngộ
lắm, Tổ nói như vậy mà vẫn còn tiếp tục hành đạo được.
Có những nhà nho nghe Tổ Lâm Tế dạy, nói rằng: 'Trời! Nếu
ông này không đi tu thì sẽ trở thành tướng cướp'. Tại
vì họ không hiểu được Tổ. Tiểu sử của Tổ có ghi chép
rằng: khi còn nhỏ Tổ rất hiếu kính với cha mẹ. Vậy mà
Tổ lại tuyên bố là "Gặp cha giết cha, gặp mẹ giết
mẹ." Đây là ngôn ngữ của nhà thiền, ta phải chín
chắn lắm mới nắm vững được. Còn nếu ta chưa chín chắn,
chưa là thiền sư mà đã muốn sử dụng ngôn ngữ này thì
sẽ rất nguy hiểm. Chết ta trước, và chết những người
khác sau.
Bụt
là cái hố xí. Quan niệm của anh về Bụt là một cái hố
xí ràng buộc anh, nó bỏ tù anh, và anh phải thoát ra khỏi
sự ràng buộc đó. Trong cái nghĩa ấy, hình ảnh các vị Bồ
Tát và A la hán mà ta có trong đầu cũng là những cái gông
cùm. Ý niệm về Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền mà
ta niệm hàng ngày đều là những cái gông cùm mà ta phải
thoát ra. Cho nên mới có hiện tượng Văn Thù mang gươm tới
giết Cồ Đàm, tức là giết khái niệm đó của ta về Bụt.
Ngày
lễ Giáng Sinh, trẻ con rất thích ông già Noel. Vấn đề đặt
ra là ông già Noel có thật hay là không có thật? Nhu yếu của
sự sống bắt buộc phải có ông già Noel. Nếu không có ông
già Noel thì chắc chắn sẽ có một ông già khác. Vấn đề
ở đây không phải là tôn giáo, nó là văn hóa. Văn hóa Tây
phương mà không có ông già Noel thì sẽ thiếu vắng. Vì vậy
cho nên có ông già Noel hay không có ông già Noel như một nhân
vật lịch sử không phải là vấn đề then chốt.
Khái
niệm của trẻ em về ông già Noel rất dễ thương, rất ngây
thơ. Ông già Noel thường phải mặc áo đỏ, đội nón đỏ
có cái chuôi dài, đi đôi hài cao (tại vì đi trên tuyết),
và thế nào cũng phải có một bộ râu trắng phơ dài. Phương
tiện chuyển vận của ông không phải là xe taxi, mà là một
chiếc xe trượt tuyết có những con nai kéo. Khi tới nhà mình
ông không vào bằng cửa thường, tại vì cửa thường đã
đóng vào giờ ấy. Ông chui từ trên ống khói đi xuống và
chui rất hay, thành thử ra áo quần của ông không có dính
lọ ngẹ. Ông không bị nóng, dù lúc đó củi vẫn còn cháy.
Ở chỗ bếp lửa đêm hôm ấy, bọn con nít treo những chiếc
vớ của chúng trước khi đi ngủ. Chúng tin tưởng rằng vào
nửa đêm ông già Noel sẽ tới, và sẽ bỏ vào trong những
chiếc vớ của chúng những món quà mà chúng thích. Chúng thật
sự tin như vậy. Nếu chúng ta lấy mất niềm tin đó của
bọn con nít đi, thì tội nghiệp quá. Nếu một đứa bé mới
có bốn tuổi, năm tuổi mà nghe nói Ềông già Noel là không
có thật Ể thì nó sẽ buồn biết mấy. Vì vậy, chắc chắn
phải có ông già Noel cho bọn con nít. Ông già Noel nghe được
ước vọng của bọn con nít. Bọn con nít muốn cái gì ông
cũng biết và ông cho ngay cái đó, rất là hay. Ước vọng
của bọn con nít là một cái gì có thật, mà những người
nghe được, hiểu được cái ước vọng đó cũng là những
người có thật. Đó là những ông già Noel. Ông già Noel đích
thực không cần phải có râu dài màu trắng, không cần phải
mặc áo đỏ, không cần phải đi bộ hia đỏ. Nếu chúng ta
kẹt vào cái tướng của ông già Noel, thì chúng ta không thấy
được ông già Noel. Chúng ta phải nhìn ông già Noel bằng con
mắt vô tướng. Vậy thì có ông già Noel, hay là không có ông
già Noel? Ta phải nhìn bằng con mắt vô tướng. Nếu ta có
một quan niệm về ông già Noel, thì quan niệm đó có thể
là quan niệm ngây thơ của em bé. Em bé đó ngày mai sẽ lớn,
sẽ bừng tỉnh, sẽ mỉm cười và sẽ biết rằng: mình đã
vượt thoát ý niệm ngây thơ về ông già Noel của thời ấu
thơ. Tuy vượt thoát rồi, nhưng mình vẫn duy trì hình ảnh
ông già Noel cho thế hệ tương lai.
Bụt
cũng vậy, Chúa cũng vậy, đức Văn Thù cũng vậy, đức Phổ
Hiền cũng vậy, đều là những ông già Noel cả. Nhưng nếu
chúng ta cho những hình ảnh đó là những sản phẩm hoàn toàn
của tưởng tượng thì cũng không đúng. Tại vì ông già Noel
cần thiết cho cuộc đời. Bụt, Chúa, các vị Bồ Tát cần
thiết cho cuộc đời. Tuy vậy nếu chúng ta muốn lớn lên,
không phải là về mặt tuổi tác mà về đời sống tâm linh,
muốn tiếp xúc được với sự thật thì chúng ta phải có
khả năng buông bỏ những ý niệm, những hình ảnh trẻ thơ
của mình. Chúng ta có quan niệm về Bụt, về Chúa, chúng ta
đã sống với quan niệm về Bụt, về Chúa đó từ thời ấu
thơ. Khi chúng ta học hỏi thực tập, thì từ từ chúng ta
buông bỏ những quan niệm đó về Bụt và về Chúa.
Thầy
Thanh Văn hồi còn nhỏ nghĩ rằng Bụt rất ưa ăn chuối tại
vì thấy ai tới chùa cũng cúng chuối. Bụt đợi cho đến
khi chùa vắng lặng hoàn toàn rồi, mới đưa cánh tay ra bẻ
một trái chuối mà ăn, đó là cái thấy của thầy Thanh Văn
hồi còn 5, 6 tuổi. Đến khi thầy lớn lên thì cái thấy đó
không còn nữa, nó được thay thế bằng những cái thấy khác.
Vì vậy, ta phải buông bỏ những cái tướng để sự thật
có thể hiển bày ra được. Nếu chúng ta không buông bỏ cái
tướng ông già Noel, thì làm sao thấy được ước mơ của
bọn con nít và lòng thương yêu của những bậc cha mẹ? Ông
già Noel có mặt ở trong những em bé đó, và có mặt ở trong
những người cha, những người mẹ. Ông già Noel là một phẩm
vật sáng tạo của tâm thức. Là sáng tạo phẩm thì nó phải
có thật chứ sao không có thật được? Nhưng sáng tạo phẩm
đó được nhận thức qua một hình thái nào đó trong văn
hóa người ta vẽ ra. Người ta vẽ ra hình Bụt, người ta
vẽ ra hình Chúa, người ta vẽ ra hình Bồ Tát, người ta vẽ
ra hình ông già Noel.
Ta
phải lớn lên trong đời sống tâm linh của ta. Ta phải phá
tan những hình ảnh để mà tiếp xúc với sự thật. Không
phải là Bụt không có, Chúa không có, tình yêu không có, bác
ái không có. Đó là những thực tại, nhưng không phải là
đối tượng của sự mong cầu đang có mặt ở ngoài ta. Nó
không phải là cái khác (the other, l'autre), nó không phải là
một thực thể độc lập ngoài tâm thức ta, ngoài con người
ta, ngoài sự sống của ta. Khi thấy được như vậy rồi,
thì ta không còn tìm cầu, không còn theo đuổi nữa. Ta không
đánh mất bản thân của ta, không lâm vào cái mặc cảm ta
là con số không. Lưỡi gươm trí tuệ là lưỡi gươm có thể
chặt đứt được tất cả những khái niệm đó, những ảo
ảnh đó, những tướng trạng đó, những hình thức đó.'Vì
vậy cho nên mới có hiện tượng Văn Thù mang gươm tới giết
Cồ Đàm và Ương Quật Ma đem đao tới chém Thích Ca'. Đây
là hai câu chuyện có thể bổ túc cho nhau, nói lên một cách
rất tuyệt hảo cái giáo lý vô tướng và vô đắc này. Trước
hết ta hãy nói về chuyện Ương Quật Ma (Angulimala).
Trong
thành Xá Vệ, ai cũng biết Angulimala là một kẻ sát nhân.
Khi nghe tin Angulimala xuất hiện trong thành phố, mọi người
đều sợ hãi. Có một lần một toán cảnh sát năm chục người
đi vào rừng để tìm Ương Quật Ma... Nhưng năm mươi người
cảnh sát đó đi vào rừng không thấy trở về. Họ đã bị
Ương Quật Ma giết hết. Điều này càng làm cho mọi người
kinh sợ. Vua Ba Tư Nặc nghĩ rằng đối với Ương Quật Ma,
một toán cảnh sát không đủ, phải huy động cả quân đội
mới có thể bắt được Ương Quật Ma. Dân chúng trong thành
Xá Vệ có hình ảnh về Ương Quật Ma là một kẻ sát nhân.
Họ có hình ảnh về Ương Quật Ma như một ác quỷ không
có khả năng hiểu và thương. Tất cả dân chúng trong thành
người nào cũng đồng ý là gặp Ương Quật Ma thì phải giết,
phải tiêu diệt. Chỉ trừ có một người. Người đó nghĩ
rằng trong Ương Quật Ma vẫn còn có hạt giống tốt còn lại.
Người đó là đức Thế Tôn. Nhưng mà từ trước tới nay
chưa ai có khả năng chạm vào hạt giống đó, cho nên Ương
Quật Ma chưa bao giờ có cơ hội để trở thành con người
tốt. Buổi sáng hôm đó, Thế Tôn cầm bát đi vào thành Xá
Vệ để khất thực. Một Phật tử mời Ngài vào trong nhà
và thưa rằng: 'Bạch Đức Thế Tôn, đi khất thực ngày hôm
nay rất nguy hiểm, tại vì Ương Quật Ma đang có mặt trong
thành phố. Kính xin Đức Thế Tôn ở lại đây, con sẽ cúng
dường cơm cho Ngài. Và xin Ngài nghỉ lại đây. Đợi con nghe
tin tức, khi biết rằng tình trạng có an ninh, thì lúc đó
con thỉnh đức Thế Tôn về lại tu viện Kỳ Viên.' Nhưng
Bụt nói: 'Đạo hữu đừng lo! Không sao đâu! Nếu tôi có
gặp Ương Quật Ma thì tôi cũng có cách để tự vệ. Đôi
khi tôi có thể giúp được Ương Quật Ma nữa.' Người Phật
tử đó không tin lắm, tại vì ông thấy Bụt rất hiền từ,
còn Ương Quật Ma rất hung hãn. Ương Quật Ma có một thanh
đao, còn Bụt thì không có một võ khí nào cả. Nhưng người
Phật tử đó lầm! Bụt cũng có một thanh gươm, đó là thanh
gươm của trí tuệ. Ta sẽ chứng kiến cuộc so gươm của
Bụt với thanh đoản đao của Ương Quật Ma.
Angulimala
đã giết rất nhiều người. Mỗi khi giết một người, anh
cắt một ngón tay, lấy một đốt xương và xoi một cái lỗ,
rồi anh xỏ cái đốt xương đó vào trong cái tràng xương
để đeo vào cổ. Ngày hôm đó nghe nói anh ta đã có cái vòng
của 99 đốt xương rồi. Anh ta muốn giết thêm một người
nữa cho đủ số 100, để có xâu chuổi làm hoàn toàn bằng
xương người. Chữ mala trong danh từ Angulimala có nghĩa là
xâu chuỗi. Đức Thế Tôn đang bưng bát đi từng bước thảnh
thơi thì nghe có tiếng chân chạy rầm rập phía sau lưng. Với
linh khiếu bén nhạy, Ngài biết rằng Angulimala đang đuổi
theo, nhưng Ngài vẫn bình tĩnh đi. Ngày xưa, Sĩ Đạt Ta cũng
giỏi về võ thuật. Nhưng vũ khí của đức Thế Tôn là lòng
thương và trí tuệ của Ngài. Kinh sách hay nói là mỗi khi
gặp trường hợp nguy hiểm thì đức Thế Tôn trổ ra những
phép thần thông. Nhưng đức Thế Tôn đâu cần phải thi thố
những phép thần thông. Đức Thế Tôn có dư từ bi, có dư
trí tuệ để vượt khỏi những tình trạng khó khăn. Đức
Thế Tôn có niềm tin lớn nơi tình thương và trí tuệ của
mình.
Đức
Thế Tôn vẫn bước những bước vững chãi và thảnh thơi,
và đề cao cảnh giác. Angulimala lớn tiếng gọi: 'Ông thầy
tu, đứng lại!' Bụt vẫn tiếp tục đi, không mau hơn, cũng
không chậm hơn. Phong độ của Ngài rất thảnh thơi và ung
dung. Thấy vậy, Angulimala lớn tiếng hơn nữa: 'Đứng lại!
Ông thầy tu đứng lại!' Đức Thế Tôn làm như không nghe,
cứ tiếp tục đi. Angulimala lấy làm lạ. Từ trước đến
nay, hễ mình lên tiếng một cái là ai cũng sợ run không cử
động được nữa, mà tại sao ông thầy tu này lại quá ung
dung, lại có vẻ là hoàn toàn vô úy. Angulimala chạy mau tới
để coi thử ông thầy tu này là ai, mà cả gan như vậy. Chỉ
trong khoảnh khắc là Angulimala đi đã ngang hàng với Bụt.
Angulimala nói: 'Tôi bảo ông dừng lại, tại sao ông không dừng?'
Bụt vẫn đi, và với sự điềm tĩnh và giọng nói dịu dàng,
Bụt nói: 'Angulimala! Ta đã dừng lại từ lâu rồi, chính anh
mới là người chưa dừng lại.' Quý vị có đọc Thần Điêu
Đại Hiệp chưa? Quý vị có thấy một kiếm chiêu nào mầu
nhiệm hơn kiếm chiêu mà Bụt vừa thi thố không? Ngay trong
chiêu thức đầu, ta thấy thanh gươm của đức Thế Tôn đã
huy động tới tám thành công lực. Từ trước đến giờ,
chưa bao giờ Angulimala nghe một câu nói như vậy. 'Ông nói
sao? Ông đang đi rõ ràng mà tại sao ông nói ông đã dừng
lại? Tôi không hiểu, ông cắt nghĩa đi?' Đức Thế Tôn, một
cách rất bình thản, nói: 'Angulimala, trên con đường tạo
tác những ác nghiệp thì ta đã dừng lại từ nhiều kiếp
rồi, nhưng trên con đường tạo tác ác nghiệp anh vẫn còn
tiếp tục, thì anh nên dừng lại''. Câu nói đã làm rung động
Angulimala.
Lúc
đó đức Thế Tôn mới dừng lại. Angulimala cũng dừng lại.
Hai người nhìn nhau. Đức Thế Tôn nhìn thẳng vào Angulimala
mà nói rằng: 'Anh biết không! Ở đời ai cũng sợ đau khổ,
ai cũng muốn sống, ai cũng sợ chết. Mình phải biết thương
người.' Angulimala mới la lên: 'Trên đời này có ai thương
tôi đâu, mà bảo tôi thương họ? Loài người là loài độc
ác nhất ở trên đời, tôi muốn tiêu diệt hết loài người
cho hả dạ tôi.' Đức Thế Tôn nói: 'Angulimala, tôi biết anh
đã đau khổ nhiều. Cuộc đời đã bạc đãi anh, người ta
đã không tử tế với anh, người ta đã làm khổ anh. Nhưng
anh nên biết: hận thù chỉ làm cho mình thêm khổ đau, chỉ
có lòng thương mới đem lại hạnh phúc cho đời mà thôi.'
Angulimala la lớn 'Tình thương hả? Ai là người biết thương?
Ông chỉ cho tôi coi?' Đức Thế Tôn vẫn dịu dàng: 'Anh đã
từng gặp vì tỳ kheo hay tỳ kheo ni nào chưa? Các vị đó
không những biết tôn trọng sinh mạng của những con người
mà họ cũng biết tôn trọng sự sống của cả loài vật.
Họ cũng tôn trọng các loài cỏ cây và đất đá nữa. Nếu
anh gặp được một vị tỳ kheo hoặc tỳ kheo ni, anh sẽ thấy
rằng tình thương là cái gì có thật. Khi có tình thương trong
lòng, ta không còn đau khổ nữa. Hận thù là một khối lửa
đốt cháy ta, đốt cháy thế gian. Anh nên quay đầu lại, từ
khước bạo động, trở về với con đường của hiểu và
của thương.' Những lời nói của Bụt tràn đầy tính chất
từ bi, phát xuất từ trái tim. Angulimala là một con người
thông minh nhưng bị hận thù che lấp. Gặp được một con
người như Bụt khai mở, anh có cơ hội để cho hạt giống
của trí tuệ được tưới tẩm. Anh nói: 'Tôi có nghe tới
một ông thầy tu rất dễ thương, tên là Gotama, có phải ông
là Gotama không?' Bụt nói: 'Đúng! Tôi là Gotama'. Angulimala nói:
'Gotama ơi! Bây giờ trễ rồi. Dù tôi có muốn ăn năn, dù
tôi có muốn từ bỏ con đường hận thù để đi theo con đường
tình thương thì cũng đã muộn. Tôi không có nẻo thoát, tôi
đã gây ra quá nhiều tội lỗi.' Đức Thế Tôn im lặng. Rồi
Ngài nói: 'Angulimala, nếu anh thật sự muốn chuyển hóa, muốn
từ bỏ con đường bạo động, thì tôi sẽ che chở cho anh.
Nếu anh muốn, tôi có thể tiếp nhận anh vào Tăng đoàn làm
người xuất gia. Anh sẽ thực tập Từ, thực tập Bi, anh sẽ
trở thành một con người mới, anh sẽ làm lại cuộc đời
của anh.' Nghe Bụt nói như vậy, Angulimala rút cây đao liệng
xuống đất, rồi quỳ xuống chấp tay lại và xin làm đệ
tử của Đức Thế Tôn. Vào lúc ấy các thầy trong đó có
thầy Xá Lợi Phất đi tới. Thấy Đức Thế Tôn đang đứng
đó, không bị thương tích gì cả mà Angulimala lại đang quỳ
dưới chân Ngài các thầy mừng rỡ. Đức Thế Tôn nói: 'Thầy
Xá Lợi Phất, thầy Anan, các vị có cái y nào không? Bây giờ
chúng ta hãy làm lễ xuất gia cho Angulimala xuống tóc ngay tại
đây.' Thầy trò bao quanh lại làm thành một vòng tròn, và
làm lễ xuống tóc cho Angulimala. Sau khi cạo đầu cho Angulimala,
các thầy mặc cho Angulimala một chiếc y khất sĩ (sanghati).
Bụt dạy thầy Xá Lợi Phất và các thầy khác đưa Angulimala
về tu viện và dạy cho thầy cách nâng bát, cách ngồi, cách
đứng, cách đi, cách thở. Chúng ta thấy câu chuyện Angulimala
gặp Bụt là một cuộc đấu gươm rất ngoạn mục. Angulimala
có thanh gươm của bạo động và hận thù. Đức Thế Tôn
có thanh gươm của trí tuệ và từ bi.
Khi
chúng ta dán được vào người nào đó một cái nhãn hiệu
sát nhân cần phải xử trảm, thì chúng ta có thể chĩa súng
mà bắn người ấy không gớm tay. Nhưng nếu ta còn thấy được
đó vẫn là một con người thì ta không thể nào bóp cò súng
được. Vì vậy muốn giết ai đó, thì chúng ta phải cố nghĩ
rằng: người này chỉ là ác quỷ, không còn một chút thiện
trong tâm. Thanh gươm của đức Thế Tôn, trước hết là để
chém đứt cái khái niệm đó. Tại vì ta muốn giết ai, thì
phải có khái niệm ác quỷ về người đó. Văn hóa của chúng
ta bây giờ là như vậy. Chúng ta đi dán nhãn hiệu cho nhau.
Ngày
xưa có trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội ở Việt Nam, đào
tạo những người xuất gia trẻ và những thanh niên trẻ đi
làm việc xã hội. Đường hướng của trường xã hội là
không theo bất cứ một phe nào trong hai phe chiến tranh, không
theo phe cộng sản, mà cũng không theo phe chống cộng. Đường
lối của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội là chấp nhận
tất cả những người Việt là anh em. Mục tiêu của trường
là làm lớn lòng thương yêu và hiểu biết, chấp nhận và
ôm lấy cả hai phía. Nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh, chúng
ta đã gặp rất nhiều khó khăn. Nếu chúng ta không theo bên
này thì bên này nghi rằng chúng ta đang theo phía bên kia, vì
vậy cho nên trường Xã Hội bị đặt vào một tình trạng
rất khó xử. Phe chống cộng thì nghi mình theo phe cộng sản.
Phe cộng sản thì nghi mình theo phe chống cộng. Trường Thanh
Niên Phụng Sự Xã Hội trở thành đối tượng hiểu lầm
của cả hai bên. Một bên muốn dán cho Trường nhãn hiệu
cộng sản, một bên muốn dán cho Trường nhãn hiệu phản
quốc để có thể giết mình. Đã có những bác, những chú,
những chàng thanh niên, những cô thiếu nữ chết vì cái nhìn
đó. Nếu muốn giết ai thì trước hết phải dán cho kẻ đó
một cái nhãn hiệu. Nếu không dán nhãn hiệu, thì không thể
nào giết được. Đêm hôm đó có một toán người võ trang
vào lúc nửa đêm xông vào một trại công tác của trường
thanh niên Phụng Sự Xã Hội, bắt cóc năm người tác viên
của trường đi ra bờ sông Saigon, trong số đó có một vị
xuất gia trẻ. Người bắt cóc hỏi, tra gạn để biết chắc
rằng năm người có thuộc về cái tổ chức gọi là Thanh
Niên Phụng Sự Xã Hội hay không. Khi năm người đó nói: 'Đúng,
chúng tôi là nhân viên của trường thanh niên Phụng Sự Xã
Hội.' Thì một người trong toán võ trang nói rằng: 'Chúng
tôi rất tiếc, chúng tôi được lệnh phải bắn các anh.'
Nói xong họ bắn năm người ngã gục bên bờ sông. Tại sao
những người thanh niên với trái tim rất là trong trắng, từ
bỏ nếp sống xa hoa vật chất, đi vào chùa để được huấn
luyện và để được đi vào thôn xóm để giúp dân giúp nước
mà lại bị sát hại một cách tàn nhẫn như vậy? Những người
võ trang kia nhận được lệnh là phải tiêu diệt những người
gọi là Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, tại vì những thanh niên
đó không theo họ, và như vậy có thể là cộng sản trá hình,
đang tiếp tay cho cộng sản. Tại vì những thanh niên đó không
theo phe chống cộng. 'Chúng tôi rất tiếc! Chúng tôi được
lệnh phải bắn các anh.' Sở dĩ mình biết câu chuyện là
tại vì một trong năm người đó sống sót kể lại. Không
khí hận thù cao ngất. Năm đó có một toán người võ trang
khác tới trụ sở trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội ở
Phú Thọ Hòa và quăng lựu đạn để tàn sát những tác viên
xã hội. Sau đó an ninh quân đội khám phá ra được những
người đó thuộc về giới Công giáo quá khích. Họ cho rằng
những thanh niên Phật giáo tình nguyện đi vào xã hội phục
vụ dân chúng, là kẻ thù của Thiên Chúa giáo, là những người
cộng sản trá hình. Đêm hôm đó có nhiều người thanh niên
phụng sự xã hội bị thương nặng, có hai người chết. Một
người tên là Liên, một người tên là Vui. Họ cũng liệng
một trái lựu đạn vào phòng tôi, nhưng tấm màn che cửa
phòng hất trái lựu đạn ra ngoài. Trong hận thù, người ta
không thấy được con người, người ta chỉ thấy được
quỷ dữ, mà quỷ dữ đó chỉ là khái niệm. Chỉ thấy quỷ
dữ, người ta mới có khả năng ném lựu đạn, hay là bắn
súng vào mà thôi. Trong khi đó, những thanh niên kia là những
người rất thánh thiện, những người có trái tim thương
yêu và hiểu biết. Chúng ta giết nhau tại vì chúng ta không
biết nhau là ai.
Vì
vậy cho nên chúng ta phải dùng lưỡi gươm trí tuệ để chặt
đứt những hình ảnh, khái niệm và tất cả những nhãn hiệu.
Dù là nhãn hiệu Bụt, Ma, Ki Tô, hay Sa Tăng. Tất cả những
nhãn hiệu đó cần phải chặt đứt hết, nếu không chúng
sẽ trở thành ra những cái còn tệ hơn là hố xí nữa. Nhân
danh Chúa người ta đã tàn phá, nhân danh Bụt người ta cũng
có thể chém giết. Nếu Bụt và Chúa là những ý niệm của
chúng ta, thì có thể còn tai hại hơn những cái hố xí. Cái
hố xí còn có ích lợi, còn ý niệm của chúng ta có thể
đưa tới cuồng tín, có thể tiêu diệt con người, tiêu diệt
tình thương, như vậy còn nguy hiểm hơn là những cái hố
xí. Cho nên lời tuyên bố của Tổ Lâm Tế vẫn còn từ bi
lắm.
Sau
khi bắt được ông Saddam Hussein, Tổng thống Bush có tuyên
bố: ''Thế giới sẽ dễ chịu hơn nếu không có mặt của
ông, ông ơi!'' (Mr. Saddam, the world will be a better place without
you.) Câu nói đó có nghĩa là Tôi muốn loại ông ra khỏi sự
sống. Chúng ta muốn hỏi ông tổng thống Bush: 'Có bao nhiêu
người cần được loại ra khỏi sự sống, thì trái đất
này mới là chỗ đáng sống?' Sau khi nghe ông Saddam Hussein bị
bắt, thì có những cuộc biểu tình được tổ chức tại
nhiều thành phố ở Iraq. Có nhiều người đã không sợ hãi,
đã tham dự vào cuộc biểu tình, không lý tất cả những
người theo và có cảm tình với ông Saddam Hussein đều phải
giết hết sao? Có biết bao nhiêu người đang không có cảm
tình với Hoa Kỳ, không những ở nước Iraq, mà ở những
nước xung quanh. Nếu cần loại trừ hết tất cả những người
đó, thì bao nhiêu người cần bị loại trừ, một triệu,
hai triệu hoặc năm trăm triệu? Cố nhiên là trong cuộc sống,
con người có thể tạo ra nhiều lầm lỡ, Ông Saddam Hussein
đã làm ra những lầm lỡ, ông ta đã từng độc tài, ông
ta đã từng sát hại. Cũng như Ương Quật Ma đã từng lầm
lẫn, đã từng sát hại, nhưng Ương Quật Ma đã có cơ hội
được gặp đức Từ Bi. Ương Quật Ma có một khối hận
thù rất lớn. Những người gọi là quân khủng bố, họ cũng
có hận thù rất lớn, họ đã từng đau khổ, và họ đã
dùng năng lượng hận thù của họ để biến thành hành động.
Nói như thế không có nghĩa là những người tự cho mình không
phải là quân khủng bố (terrorist), là những người đó không
có hận thù. Những người đó cũng có hận thù và tuy họ
gọi những kẻ thù của họ là quân khủng bố. Chính họ
cũng là quân khủng bố. Họ cũng sử dụng súng bom, họ cũng
tàn sát xóm làng, họ cũng giết hại đàn bà và trẻ em, nhưng
mà người ta không gọi họ là quân khủng bố. Những người
mang một trái bom làm nổ một chiếc xe bus thì gọi là quân
khủng bố. Còn những người sử dụng máy bay oanh tạc, tàn
phá một thành phố, giết hại đàn bà trẻ em thì không gọi
là khủng bố. Hận thù bên nào mà không có, hiểu lầm bên
nào mà không có? Ta cho ta là thánh thiện, là đi trên con đường
chánh, là không có tội lỗi, là không có hận thù. Ta cho người
kia là quỷ dữ, là hận thù, là sự đe dọa cho văn minh, cho
an ninh thế giới. Tất cả những khái niệm đó, tất cả
những hình ảnh đó, cần phải được tiêu diệt bằng lưỡi
gươm của trí tuệ. Hơn bất cứ lúc nào hết, chúng ta phải
sử dụng thanh gươm trí tuệ để chặt bỏ tất cả những
ý niệm đó. Chính vì những ý niệm đó, chính vì những nhãn
hiệu dán lên cho những con người khác, chúng ta mới có khả
năng bóp cò súng tiêu diệt họ. Câu chuyện của Angulimala
cho chúng ta thấy rằng nếu chúng ta chuyển hướng, lấy trí
tuệ và tình thương làm tiêu chuẩn, thì thế giới này sẽ
có hy vọng.
Sau
khi xuất gia, Angulimala đã trở thành một vị khất sĩ giỏi,
thầy tu tập chuyển hóa mau chóng còn hơn nhiều vị khất
sĩ khác. Cho đến nỗi các bạn đồng tu đã đặt cho Angulimala
một cái tên mới là Ahimsaka, tức là bất bạo động. Có
một lần Angulimala đi khất thực về khóc với đức Thế
Tôn. Bụt hỏi: 'Tại sao con khóc?' Angulimala nói rằng: 'Bạch
Đức Thế Tôn, trên đường đi khất thực con gặp một người
đàn bà sắp sinh nở, nhưng bà đau quá sinh nở không được.
Bà nhờ con đem tâm từ bi để chú nguyện cho bà, mà con không
biết làm sao để chú nguyện cho được. Con thấy người ta
sắp chết mà mình không cứu được cho nên con khổ quá.'
Đức Thế Tôn dạy: 'Thầy Ahimsaka, thầy hãy trở về với
người đàn bà đó và nói rằng: Từ khi tôi sinh ra cho đến
bây giờ, tôi chưa bao giờ sát hại một người nào, nhờ
công đức đó mà bà có thể sinh con một cách bình an.' Thầy
Ahimsa mới la lên: 'Bạch Đức Thế Tôn, con không thể nói
được như vậy! Từ khi sinh ra, con đã sát hại rất nhiều.'
Đức Thế Tôn nói: 'Không! Ta không muốn nói tới ngày sinh
ra của cái sắc thân này. Thầy hãy đi nói với người phụ
nữ kia rằng: Từ ngày tôi sinh ra trong đạo pháp cho đến
bây giờ, tôi chưa bao giờ sát hại bất cứ một sinh mạng
nào, dù nhỏ như một con sâu con kiến. Nhân danh công đức
đó, tôi muốn cho bà sinh cháu bình an.' Đức Thế Tôn vừa
dứt lời, Angulimala liền chạy vụt đến nơi người đàn
bà đang nằm đau đớn chờ sanh, và nói câu đó với bà. Thật
mầu nhiệm! Bà ta sinh con một cách dễ dàng. Một hôm khác
Angulimala đi khất thực về và lết vào tu viện. Có một người
ngày xưa nhận ra được thầy là Angulimala ngày trước. Ông
ta đã dùng gậy đánh Angulimala tơi bời, Angulimala thực tập
pháp bất bạo động nên không chống trả. Mình mẩy của
thầy sưng lên bầm tím, có chỗ chảy máu. Đức Thế Tôn
đi ra thấy Angulimala như vậy liền bảo các thầy khiêng thầy
ấy vào hậu liêu và chăm sóc. Trong khi các thầy chăm sóc
cho Angulimala, lấy nước muối rửa các vết thương và băng
bó, thì đức Thế Tôn nói: 'Con hãy ráng chịu đựng đi. Đây
là cái quả cuối cùng mà con phải nhận chịu trước khi con
trở thành A la hán.' Sự chuyển hướng của Angulimala là một
thành công lớn. Không phải chỉ của Angulimala mà của cả
một truyền thống và của tất cả chúng ta. Khi ta chuyển
hướng, thì ta được sinh ra trở lại lần thứ hai. Chúng
ta phải để cho Angulimala có một cơ hội sinh ra lần thứ
hai. Chúng ta phải để cho Saddam Hussein sinh ra lần thứ hai.
Người ta sẽ đưa ông ra tòa, nhưng ai là người có quyền
xử trị Saddam Hussein? Phúc Âm nói: 'Ai là người thấy
mình không có tội thì hãy ném viên đá vào người đàn bà
này.' Tất cả chúng ta đều có lầm lỡ trong quá khứ,
đã gây khổ đau cho người khác. Chúng ta phải biếr rằng
trong con người chúng ta cũng có hạt giống của bạo động,
của hận thù, của vô minh. Nhưng chúng ta cũng phải tin rằng
trong con người của chúng ta cũng có hạt giống của hiểu
biết, của thương yêu, của khả năng chuyển hướng.
Nếu
các nhà lãnh đạo như Tony Blair, hay Georges Bush v.v.. có được
những nhà cố vấn có khả năng tưới tẩm hạt giống của
hiểu và của thương trong họ thì các vị đó sẽ có những
chính sách khác hơn, sẽ không mỗi ngày tạo ra thêm nhiều
hận thù, nhiều khổ đau. Từ ngày khởi sự cuộc chiến ở
Iraq, hận thù đã được nuôi dưỡng rất nhiều, và người
Mỹ đã tạo thêm rất nhiều kẻ thù cho nước Mỹ. Nước
Mỹ là một nước rất đẹp, trẻ em Mỹ rất dễ thương,
và chúng ta muốn cho nước Mỹ phồn thịnh, đẹp đẽ để
làm chỗ nương tựa cho nhiều quốc gia khác. Nhưng nước Mỹ
đang đi trên một con đường tạo ra rất nhiều kẻ thù cho
chính nước Mỹ. Vì an ninh mà nước Mỹ đã tạo ra một tình
trạng không an ninh. Hàng ngàn thanh niên Mỹ đang chết tại
Iraq, gần mười ngàn lính Mỹ đã bị thương. Có những người
bị thương rất nặng. Vì vậy cho nên lời dạy của Tổ Lâm
Tế vẫn còn có hiệu lực trong ngày hôm nay.
Chúng
ta phải dùng lưỡi gươm trí tuệ để chặt đứt những tri
giác sai lầm, những cái thấy hẹp hòi của chúng ta về chính
chúng ta và về người. Chúng ta đừng tự dán cho chúng ta
nhãn hiệu của sự thánh thiện, của sự vô tội. Chúng ta
đừng vội dán vào người nhãn hiệu của tội lỗi, của
tàn ác. Tại vì trong tất cả chúng ta, người nào cũng có
hạt giống của tàn ác, của hận thù, của vô minh, nhưng
người nào cũng có hạt giống của tình thương, của sự
hiểu biết. Chúng ta hãy tổ chức cuộc sống hằng ngày như
thế nào và thiết lập liên hệ giữa con người với con người
như thế nào, giữa quốc gia và quốc gia như thế nào, để
cho mọi người đều có cơ hội trở về tưới tẩm hạt
giống tốt ở trong con người của mình. Đó là con đường
tương lai của chúng ta.
Khi
ta niệm Bụt có thể ta không biết Bụt là ai và ta là ai.
Ai là người niệm Bụt? Ai là Bụt? Ta cầu nguyện Chúa, nhưng
có thể ta chưa biết Chúa là ai. Ta không biết ta là ai? Ta
có thể nhân danh ta, ta có thể nhân danh Chúa để sát hại.
Vì vậy cho nên lưỡi gươm thần của trí tuệ rất là quan
trọng. Chúng ta phải là những chiến sĩ, phải sử dụng được
lưỡi gươm thần trí tuệ để chặt đứt tất cả những
ảo giác, những tri giác sai lầm của chúng ta. Hãy phá bỏ
tất cả những nhãn hiệu mà chúng ta thường muốn dán vào
nhau để có thể tiêu diệt lẫn nhau. Đây là vấn đề chính
của xã hội, của thế giới chúng ta trong ngày hôm nay. Chúng
ta tu để làm gì? Chúng ta tu là để lột ra khỏi bản thân
và lột ra khỏi người khác những nhãn hiệu. Bên này dán
nhãn hiệu cho bên kia, bên kia dán nhãn hiệu cho bên này, để
rồi hai bên có thể giết nhau. Lưỡi gươm trí tuệ là để
phá bỏ những nhãn hiệu đó, tại vì những nhãn hiệu đó
đưa tới sự giết chóc, đưa tới sự hận thù, đưa tới
sự tiêu diệt. Dù đó là nhãn hiệu Bụt, nhãn hiệu Chúa,
nhãn hiệu Bồ tát, nhãn hiệu La hán, nhãn hiệu cộng sản,
nhãn hiệu khủng bố, nhãn hiệu dân chủ, nhãn hiệu tự do,
nhãn hiệu văn minh.
http://www.langmai.org/TaiLieu/LaThuLangMai/LaThu28/BacGiacNgo.htm
Bài
đọc thêm:
Tinh
Yếu Lâm Tế Lục Bình Giảng, HT. Thích Nhất Hạnh
Lâm
Tế Ngữ Lục, Thiền Sư Lâm Tế - HT. Duy Lực Việt dịch
Lâm
Tế Ngữ Lục, Thiền Sư Lâm Tế - HT. Thanh Từ Việt dịch
Lâm
Tế Ngữ Lục, HT. Thích Nhất Hạnh (Adobe pdf 283 KB)
Tinh
Yếu Lâm Tế Lục, HT. Thích Nhất Hạnh (Adobe pdf 53 KB)