III
TỔNG YẾU
Bây
giờ đến lúc chúng ta tóm tắt lại những gì đã được
coi như là yếu tố thiết lập những giáo nghĩa cốt yếu
của Bát-nhã:
1.
Chủ đích của các pháp thoại Bát-nhã là tán dương sự thực
hành Bát-nhã.
2.
Bát-nhã là một trong sáu Ba-la-mật (pāramitā). Với tư cách
là bộ phận mẹ, từ đó phát sinh hết thảy chư Phật và
Bồ-tát, nó là tinh thần sống động của các Ba-la-mật khác.
Không có Bát-nhã, các Ba-la-mật đó vẫn thiếu sinh khí, thiếu
hẳn khả năng bồi dưỡng các hành vi công đức.
3.
Bát-nhã đưa đến thành tựu Nhất thiết trí (sarvajñatā),
dựng lên lý tính của Phật đạo. Nhất thiết trí được
dùng đồng nghĩa với Bát-nhã. Bởi vì chính từ Bát-nhã mà
chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai xuất hiện,
và chính từ Nhất thiết trí mà Bát-nhã phát sinh.
4.
Nương vào Bát-nhã, Bồ-tát nhìn vào tự tính Không của hết
thảy vạn hữu.
5.
Tính Không không chỉ trạng thái trống không. Nó có một ý
nghĩa tích cực, và đích thực nó là một từ ngữ tích cực
chỉ cho Như tính (tathatā) của vạn hữu. Tùy lúc, Chân như
và tính Không là những khái niệm có thể dùng lẫn lộn.
6.
Thực tế (bhūtakoṭi) là một thuật ngữ được dùng trong
các kinh điển Đại thừa. Ở đây có thể nói là “Biên
tế của Thực tại.” Bhūta: thực (hiện thực), và koṭi:
tế (biên tế). Vì thường được dùng dồng nghĩa với tính
Không, nó chỉ cho cùng đích biên tế của hết thảy thực
tại. Nếu tính Không được đồng nhất với Tuyệt đối,
nó có một âm hưởng lạnh lùng của trí năng. Các hàng Thanh
văn và Độc giác, theo các nhà Đại thừa, cứ bị đắm sâu
trong đó với đôi mắt hoàn toàn khép kín trước những thống
khổ của quần sinh. Họ thủ chứng Thực tế, bởi vì đồng
nhất như thế là chận đứng những rung động của con tim
đang rung cảm trước thế giới sai biệt và bất ổn. Nói
cách khác, với con mắt của thanh tịnh tuyệt đối, Bồ-tát
trực nhận Như tính (tathatā) của vạn hữu, và đó là tính
Không, nhưng con mắt kia vẫn mở, nhìn vào thiên sai vạn biệt,
nghĩa là nhìn vào thế giới của vô minh và khổ lụy. Nói
theo chuyên môn, cái đó gọi là “quán không”: na bhūtakoṭiṁ
sāksātkaroti, không thủ chứng Thực tế ở đó.
7.
Tại sao, và bằng cách nào, Bồ-tát lại có thể thành tựu
được công trình kỳ diệu này: ở trong nhưng không là ở
trong? Mâu thuẫn này nằm ngay trong tự thể của Bát-nhã, vì
Bát-nhã không chỉ là cái nhìn trí năng soi vào tính Không
của vạn hữu; nó là một cái phóng mình của xúc cảm phóng
vào những thực tại đang mở rộng cho tâm nguyện. Bát-nhã
như thế đích thực là thống nhất trong đó cái thấy biết
và cái cảm thấy. Khía cạnh tình cảm được gọi là “Phương
tiện Thiện xảo” (upāyakauśalya). Bát-nhã ngay trong tự
thể nó tác động Phương tiện thực hiện một kế hoạch
cứu độ toàn diện cho hết thảy chúng sinh. Cái luận lý
mâu thuẫn này có thể coi như là biện chứng pháp của Bát-nhã.
8.
Biện chứng Bát-nhã chi phối toàn thể hệ thống tư tưởng
Đại thừa. Bồ-tát là một tinh thần sống động đang sống
thực biện chứng này trong cái gọi là Hạnh Bát-nhã ba-la-mật
(prajñāpāramitācaryā). Đấy là đời sống là hạnh (caryā)
của Bồ-tát, không chỉ là thái độ tuân theo quy ước luận
lý của triết gia. Hai nguyên lý mâu thuẫn Trí (prajñā) và
Bi (karuṇā), cùng sinh hoạt nhịp nhàng trong nhân cách Bồ-tát.
Đây là giáo thuyết chính yếu của Bát-nhã ba-la-mật.
9.
Độc giả có thể coi trọng khía cạnh triết lý của tính
Không hay Chân như hơn là khía cạnh đạo đức thực tiễn
của nó. Sự thực, đó là trường hợp của một vài học
giả Phật giáo. Nhưng chúng ta đừng bao giờ nhắm mắt trước
ý nghĩa praṇidhāna, Nguyện, thệ nguyện của Bồ-tát, mong
giác ngộ và làm lợi ích cho hết thảy quần sinh. Nguyện
thường bị xao lãng vì chất xúc tác quá mạnh của tính Không.
Tuy nhiên, tính Không là yếu điểm của Tiểu thừa, và theo
như tất cả các kinh điển Đại thừa nói, chính trong yếu
điểm đó mà Tiểu thừa đứng chọi thẳng với lý tưởng
Bồ-tát.
10.
Khi Nhất thiết pháp (sarvadharma), hay hết thảy mọi hiện hữu,
thường được coi như là Không và vô sở đắc, tất cả
phương tiện và nguyện của Bồ-tát thực sự có vẻ “giống
như phấn đấu với hư không (ākāśa)“. Đấy là ý tưởng
khá kinh sợ, hay khá tuyệt vọng. Kinh sợ, bởi vì tất cả
những phấn đấu tinh thần của chúng ta hình như là con số
không; tuyệt vọng, bởi vì, bất kể là nguyện hay phương
tiện, tất cả vô minh và khổ lụy trong thế gian đều là
những hiện tượng như huyễn và không thể thỏa mãn một
cách thiết thực phương tiện thiện xảo của Bồ-tát. Đấy
là chỗ mầu nhiệm của đời sống tôn giáo, nghĩa là, sinh
hoạt của Bát-nhã.
11.
Bồ-tát sống cái mầu nhiệm đó; kinh Bát-nhã gọi là cái
hi hữu (āścarya). Mắt Bồ-tát xoay vào hai chiều đối nghịch
nội tại và ngoại tại; cũng vậy, đời sống của Bồ-tát
tiến bước trong hai chiều đối nghịch: chiều tính Không
và chiều Nhất thiết hữu tình (sarvasattva). Bồ-tát không
trầm mình trong biển thường tịch; vì sự kiện đó trái
với bản tính của Bồ-tát; một cách nào đó, Bồ-tát vẫn
chịu bồng bềnh trên mặt sóng của đại dương, cùng chịu
đựng số phận của một cánh bèo trên nước nhấp nhô. Sẵn
sàng lệ thuộc vào bạo lực của sinh tử (saṁsāra), vì biết
rằng như thế mới có thể là một người bạn tốt cho hết
thảy mọi loài cũng đang bị giày vò, bức bách đến cùng
độ như mình.
12.
Hạnh Bát-nhã ba-la-mật (prajñāpāramitācaryā) của Bồ-tát
ở đây cũng giống như Vô công dụng hành (anābhoga-caryā)
trong kinh Lăng-già (Laṅkāvatāra). Cả hai, không hề có tâm
niệm tích tụ các công đức cho riêng mình; mọi lẽ thiện
mà Bồ-tát thực thi đều được xoay hướng về (pariṇāmana:
hồi hướng) thành tựu tối thượng của tất cả các bậc
Nhất thiết trí hay Vô thượng Chính đẳng Chính giác (anuttara-samyak-sambodhi);
dù vậy, Bồ-tát vẫn không đắc ý dương dương, không mang
tâm niệm thành tựu công trình đáng tán thưởng nào cả.
Đây cũng gọi là đời sống của những đóa hoa bách hợp
giữa cánh đồng.
13.
Để hiểu Bát-nhã, chúng ta phải vứt bỏ hoàn toàn những
cái nhìn đáng mệnh danh là “bên này”, và phải đi qua bờ
“bên kia” (param). Bên này, cố nhiên là thế giới của chúng
ta, nơi hoành hành của những sai biệt. Thay đổi vị trí,
đi sang bờ bên kia, bờ của tính Không, Chân như, Viễn ly,
và Nhất thiết trí; đó là một cuộc cách mạng, nói theo
nghĩa trầm trọng nhất. Cách mạng nhưng cũng là hiển thị.
Bát-nhã nhìn vạn hữu từ vị trí mới mẻ đó. Nên chẳng
lạ gì, những diễn tả cũng như những thuyết minh của nó
đầy cả nghịch lý ngược đời. Chẳng thể mong gì khác
hơn.
14.
Khi cuộc cách mạng đó hoàn thành, vị trí của chúng ta gây
nên nhiều sự phức tạp khó mà thoát ra khỏi. Bởi vì chúng
ta đang tưởng tượng đến một lần quay lui hẳn, thì đôi
chân chúng ta vẫn càng vướng bụi lâu đời; cứ mỗi lần
chúng ta nỗ lực bước đi, thì con đường của thanh tịnh
tuyệt đối (atyantaviśuddhi) đã bị vấy bẩn mất rồi. Nói
thế có nghĩa là, suy luận và nói năng mà chúng ta vay mượn
luôn luôn chỉ lưu tâm đến cái nhìn “bên này” mà thôi.
Chúng ta bị cuộn vào trong tấm lưới do chính mình bủa ra.
Do đó; Bát-nhã tận dụng khả năng xảo diệu để bảo vệ
chúng ta tránh khỏi mê cung tự mình tạo ra đó. Bát-nhã bát
thiên tụng (Aṣṭasāhasrikā) vì vậy, đã triển khai thành
Bách thiên tụng (Śatasāhasrikā).
15.
Một trong những lý do tại sao các kinh này thường lặp lại
quá nhiều, trùng tuyên quá nhiều, làm mệt óc các độc giả
tân tiến như chúng ta, đấy là do sự kiện rằng tất cả
các kinh điển Đại thừa, nhất là Bát-nhã ba-la-mật, không
cốt ý gợi lên những sự dễ dãi của suy luận, của sự
lãnh hội bằng trí óc; nó gợi lên một lối lãnh hội khác,
mà chúng ta có thể gọi là bằng trực giác. Khi Bát-nhã ba-la-mật
được đọc bằng tiếng Sanskrit, tiếng Trung hoa hay tiếng
Tây tạng, không cố gắng lượm nhặt ý nghĩa luận lý của
nó, chỉ một mực thành tâm và quyết định đi ngang qua những
khối trùng lặp, con mắt Bát-nhã – Tuệ nhãn – dần dần
mở rộng và càng lúc càng nhìn thấu suốt hơn. Cuối cùng,
rồi sẽ thấy, bất kể những mâu thuẫn, những tối tăm,
những trừu tượng, huyễn hoặc, sẽ thấy sự thể trong suốt
lạ lùng vén mở “bên kia” cùng với “bên này”. Đây
là sự phát khởi của Bát-nhã và sự học tập Bát-nhã ba-la-mật
sâu xa. Nơi đó là chỗ bí mật của sự tụng đọc kinh Bát-nhã.
16.
Bấy giờ, cái bí ẩn của “quán Không bất chứng“ trở
thành dễ hiểu hơn. Chừng nào chúng ta còn ở “bên này”,
thì chưa dễ gì chấp nhận nỗi hai ý tưởng đối chọi thẳng
nhau và chối bỏ lẫn nhau. Có, không thể chối là không-có;
làm, không thể bảo là không-làm; có và không có, làm và
không làm, thị và bất thị là những thứ chống đối nhau.
Giữa hai nhóm tư tưởng, có một cái hố khó vượt qua. Tuy
nhiên, Bồ-tát đã vượt qua cái hố đó và ngồi ở “bên
kia”, bên đó là cảnh giới của Chân như. Ở đây, Bồ-tát
thấy rằng trước kia những gì khó thành tựu thì nay đã
thành tựu tưởng chừng chẳng có gì phi thường.
Cái
cày nằm trong đôi tay, nhưng cày đất lại bằng tay không.
Ngồi trên lưng ngựa, nhưng trên yên không kỵ sĩ, dưới yên
không kỵ mã. Bước qua cầu, nước không chảy mà cầu trôi.
Thanh văn vẫn còn “bên này”, dù đã chứng đạo, cho nên
sự chứng đạo đó lại khác hẳn với kinh nghiệm của mình.
Ý niệm đích thực về tính Không đang cản trở sự sống
thực của mình. Với Bồ-tát thì tính Không không còn là tính
Không, Bồ-tát sống thực đời sống mình không bị phân vân
giữa cái Không hay Bất Không, giữa Niết-bàn và Sinh tử,
giữa Giác ngộ và Vô minh. Cái đó Bát-nhã nói là “ở trong
Không tam-ma-địa mà không thủ chứng Thực tế“. Và đấy
là một trong những thái độ đặc sắc nhất của Bồ-tát
đối với cõi đời.
17.
Nói rằng do Phương tiện nội tại trong Bát-nhã mà Bồ-tát
chịu đựng những khốn khổ của sinh tử để sống chung
với đám quần sinh, đấy là mô tả đời sống hiện thực
của Bồ-tát. Chính vì Bồ-tát chịu đựng cái đau khổ hiện
thực đó nên mới có thể nhận biết đâu là ý nghĩa của
đời sống và đâu là ý nghĩa của khổ đau. Nếu không vì
cái sống thực đó, tất cả “phương tiện thiện xảo“
của Bồ-tát chẳng gì hơn là một thứ trừu tượng và là
sản phẩm không hiệu năng gì ráo. Rồi ra, những thệ nguyện
của Bồ-tát cũng không thể vượt ngoài ước vọng sôi bỏng
suông. Ở đây có thể nhắc tới những “bản nguyện” của
Bồ-tát Pháp Tạng (Bodhisattva Dharmakāra), làm nền tảng cho
pháp môn Tịnh độ Ý tưởng cốt yếu được trình bày trong
những bản nguyện này là nói Bồ-tát sẽ không chứng đạo
giác ngộ tối thượng cho tới lúc hết thảy chúng sinh thảy
đều qua hẳn đến “bên kia“. Bởi vì Ngài đã tu tập tất
cả Phật pháp trải qua vô số kiếp, nên đã đủ yếu tố
để giác ngộ rốt ráo. Nhưng Ngài không thể quyết tâm bỏ
lại những chúng sinh đang đau khổ. Cho nên Ngài không khứng
nhận thọ hưởng kết quả của công hạnh mình trong một
thời gian. Đấy đích thực là lập trường của Bồ-tát trong
Bát-nhã, và thực sự cũng là của tất cả các Bồ-tát, khác
hẳn với Thanh văn và Độc giác.
18.Tính
cách đặc dị của Bồ-tát đạo tỏ ra rằng đạo Phật đã
từ bỏ chế độ Tăng lữ ẩn tu của nó. Một tôn giáo sắp
đến chỗ nguy hiểm vì chỉ dành riêng cho phần tử ưu tú
bấy giờ đã được chữa trị tinh thần trưởng giả cực
đoan này, nó hoàn toàn không phù hợp với tinh thần của người
sáng lập.
19.
Bát-nhã chỉ điểm đời sống khước từ, đời sống viễn
ly (viviktavihāra) của Bồ-tát thực sự có nghĩa là gì? Với
Thanh văn, khước từ hay viễn ly có nghĩa là bỏ thế gian
mà đi, bỏ đời sống thành thị, bỏ đời sống chung đụng
với đồng loại trong xã hội; cho nên họ chuồn khỏi đám
đông, sống nơi hoang dã tưởng rằng đó là nơi an toàn xa
lánh những nhiễu nhương thế sự.[188] Nhưng đời sống viễn
ly của những người thực hành Bát-nhã, thực hành tâm nguyện
đại bi và từ ái đối với đồng loại bằng cách sống
với chúng, sống giữa chúng, và sống vì chúng. Viễn ly bằng
cái thân này không, chẳng có nghĩa lý gì. Bồ-tát viễn ly,
khi nhìn thấy bản tính Không của vạn hữu. Tinh thần đại
chúng, đại đồng, tạo nên tinh thể cho đời sống của Bồ-tát.
Với
tinh thần đó, được các hành giả của Bát-nhã ba-la-mật
gieo rải một cách hăng say và cả quyết, Phật giáo Đại
thừa đã lan rộng trên khắp Á châu. Người ta nghi ngờ rằng
hình như Phật giáo trong hình thức gọi là nguyên thủy của
nó cũng đã từng có khả năng được sự kiện này. Sáu Ba-la-mật
đích thực là những phạm trù sinh hoạt của Đại thừa,
và những môn đệ của Bát-nhã đã tách riêng phạm trù Bát-nhã
ra để cho sáu Ba-la-mật có một nguyên lý chỉ đạo thống
nhất. Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, và thiền
định bấy giờ mới có một ý nghĩa quyết định được
gắn chặt vào sự thực thi của chúng.
Các
ngành Mật giáo cố nhiên được khích lệ bởi sự bành trướng
của giáo nghĩa Bát-nhã ba-la-mật, nhất là tại Trung hoa. Những
tinh hoa trong tôn giáo, là đời sống chứ không phải là triết
lý. Và đời sống đó, mà Đại thừa gọi là Bồ-tát hạnh
(bodhisattvacaryā hay prajñā-pāramitācaryā), là một điều
ẩn mật huyền bí vĩ đại. Khi một người đối diện với
cái ẩn mật đó, một ngày nào đó trong cuộc đời của mình,
thì đời y ngập tràn ý nghĩa ẩn mật hoàn toàn vượt ngoài
khả năng trí thức. Không thể diễn tả bằng lý luận, nên
cuối cùng rồi cách tường thuật thể tài được trao tay
cho Thiền sư.
Còn
nhiều chủ điểm nữa, mà tôi muốn khai triển từ Bát-nhã,
nhưng vì tôi nghĩ rằng những gì được nói trên đây đã
cho độc giả một cái nhìn đại cương về chủ ý của Kinh,
vậy xin kết thúc phần này, một lần nữa, bằng những trích
dẫn từ các Thiền sư, mong rằng chúng cũng sẽ minh thị tinh
thần Mật giáo trong tông chỉ của Bát-nhã ba-la-mật:
Một
hôm, một giảng sư đến kiếm Mục Châu.[189] Châu hỏi:
“Nghe
nói thầy có thể giảng bảy bộ kinh luận, phải vậy không?”
Giảng
sư: “Bẩm, đúng vậy.”
Mục
Châu không nói gì hết, đưa gậy lên đánh giảng sư.
Giảng
sư: “Nếu không vì Ngài, bẩm Hòa thượng, tôi đã hoang phí
đời mình rồi.”
Mục
Châu: “Ông nói gì thế?”
Giảng
sư sắp mở miệng nói thì bị Sư giáng cho một gậy nữa.
Giảng
sư: “Xin tạ ân huệ tái diễn của Hòa thượng.”
Mục
Châu: “Ông nói khôn ngoan, nhưng việc Tăng thì chưa làm xong
đâu nhá!”
Một
thầy tăng học giả hỏi Nam Dương Trung Quốc sư:[190] “Tông
chỉ của Ngài truyền những gì?”
Sư
hỏi vặn lại: “Tông của thầy truyền những gì?”
Thầy
tăng học giả: “Tôi truyền ba Kinh và năm Luận.”
Sư:
“Quả nhiên! Thầy là sư tử con.”
Thầy
tăng học giả cung kính làm lễ, vừa sắp sửa bước ra thì
sư gọi giật lui lại, bảo: “Học tăng!”
Thầy
tăng học giả: “Dạ, bẩm Hòa thượng”.
Sư:
“Cái gì đó?.
Thầy
tăng học giả không đáp.
Quảng
Huệ Liên[191] hỏi một giảng sư: “Nghe nói thầy giỏi về
ba Kinh và năm Luận. Đúng vậy không?”
Giảng
sư: “Không dám.”
Sư
dựng cây gậy lên và hỏi: “Cái này giảng như thế nào?”
Giảng
sư lưỡng lự, tức thì Quảng Huệ giáng một gậy.
Giảng
sư: “Sao nóng nảy dữ vậy?”
Sư:
“Cái thứ giảng sư lường gạt như ông sống trên những
chuyện lắm lời của người ta! Ông đã nói gì?”
Giảng
sư không đáp.
Sư
bảo ông lại gần một chút. Ông lại gần. Quảng Huệ vẽ
một đường trên đất và nói: “Cái này có trong Kinh hay
Luận nào không?”
Giảng
sư: “Không có trong Kinh Luận nào cả.”
Sư:
“Một bức tường sắt không kẽ hở! Lui về Giảng đường
đi!”
Một
thời gian, giảng sư đó trở lại tham Quảng Huệ, vừa chào
hỏi.
Quảng
Huệ: “Ông ở đâu tới?”
Giảng
sư: “Vừa chào hỏi đó.”
Sư:
““Ông nghĩ chỗ này là cái gì? Gã kia.”
Nói
xong, Sư xô ông ta ngã xuống. Vừa trỗi dậy, ông nói ngay:
“Hiểu rồi! Hiểu rồi!”
Sư
nắm lấy ông và hỏi: “Đồ quỷ, ông nói gì? Nói ngay không
chần chờ!”
Giảng
sư tát cho Sư một cái.
Sư
vẫn hỏi: “Lão gà mờ, ông làm thế để làm gì? Nói tức
khắc!”
Giảng
sư cung kính làm lễ.
Sư
kết luận: “Nếu con không hơn cha, dòng họ nhà nay tuyệt
diệt trong một đời.”