.

 

Phật Học Tinh Hoa
  
Một Tổng Hợp Đạo Lý 

    Hòa Thượng Thích Đức Nhuận
      Vạn Hạnh, Saigon Việt Nam  xuất bản lần đầu năm 1961, 
  Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới, California xuất bản năm 1999

---o0o---

 

 Phần thứ Hai

Triết Học Đại Quan

Các người, hãy tự mình 
thắp đuốc lên mà đi!

Mahaparinibbanasutta

Chương I 

 Đạo Phật Là Tôn Giáo Hay Triết Học? 

Câu hỏi đặt ra tất nhiên là phải tìm hiểu. Trước khi giải đáp ta nên xét qua ý nghĩa của hai danh từ tôn giáo, triết học. 

1. Thế nào là tôn giáo? 
2. Thế nào là triết học? 

1. Tôn Giáo

Chữ tôn giáo hiểu theo Tây phương, gọi là Religion, có nghĩa chú ý hay tôn kính. Nhưng theo định nghĩa thứ hai của Đông phương thì, Tôn: Gốc, sinh ra nghành ngọn; Giáo: Dạy, tu sửa những điều đã có; là cái thước xếp đặt có phương pháp, qui củ... Tôn giáo là sự biểu lộ của tư tưởng quần chúng đối với thần linh, là biểu tượng của văn hóa. 

Theo sự nhận xét chung của các học gia xưa và nay: “Khi nói đến tôn giáo tức là chỉ cho những đoàn thể có ít nhiều tổ chức về hình thức lễ nghi, có tính cách biểu thị sự liên lạc giữa người và thần linh, bao trùm một nghĩa sợ sệt và tôn kính. Ngoài ra lại còn giải thích chữ tôn giáo với những giáo điều…” 

 2. Triết Học  

Là một bộ môn khoa học nghiên cứu về nguyên nhân và nguyên lý của vũ trụ vạn vật. Năng bản của triết học gồm có: Tâm lý học, Thẩm mỹ học, Siêu hình học, Luận lý học, Luân lý học; với phương pháp áp diễn có: Qui nạp, Suy diễn, Tổng hợp. 

Triết học, hiểu theo quan niệm cổ điển Trung hoa, chữ Triết: gốc ở chữ Chiết, có nghĩa là chia chẻ, và chữ Khẩu: miệng nói; chữ Học là bắt chước, làm theo. Triết học là môn học luận lý có tính cách chia chẻ, phân tích làm cho sáng tỏ từng vấn đề, tức là “cách vật trí tri” = nghành học nhằm nghiên cứu những vấn đề về vũ trụ vạn vật; phù hợp với chữ Philosophie, quan điểm của Tây Phương. Ở Ấn Độ, triết học lại có một định nghĩa khác: Minh tri, minh giác. Tất cả tư tưởng triết học đều bắt nguồn từ kinh Védas, sản phẩm của nhóm dân chủng Aryens; Véda có nghĩa là khoa học, thiêng liêng và thánh trí. Mục đích của nó tương tự như ở Phật học là: đưa người ra khỏi cái vô minh (avidyà) để đến cõi giác: giải thoát (apavargah). Đấy là triết học. 

Như trên đã hiểu thế nào là tôn giáo, triết học; bây giờ trở lại vấn đề của nó, khi bạn hỏi: Đạo Phật có phải là tôn giáo hay là triết học? Tôi khẳng định: Đạo Phật là Tất Cả[1]. Vì tất cả đều có trong đạo Phật, bởi đạo Phật không phải hẳn là một tôn giáo, song cũng không chỉ là một triết học, khoa học...; mặc dầu kinh điển đạo Phật hàm tàng những lý giải về cách tu tiến, về siêu hình và về sự chứng ngộ; nhưng cách nói đúng nhất: Đạo Phật là Đạo Phật . 

Đạo Phật Không Hẳn Là Một Tôn Giáo.

Đạo Phật có tính cách tôn giáo, là bắt nguồn từ sau khi đức Thế Tôn tịch diệt rồi, các đệ tử cảm thấy như mất hẳn một nương tựa lớn, và một phần, do sự tôn kính, nhớ tưởng mới tạc hình tượng đức Phật ở các giảng đường, tịnh xá để ngày đêm chiêm ngưỡng, lễ bái gọi là “sự tử như sự sinh”, coi đức Phật như còn hiện sống ở đời[2]. Do đó mà đạo Phật mang một hình thức tôn giáo, dù đạo Phật có những tổ chức Giáo Hội Tăng Già thì đó cũng chỉ là phương tiện giúp con người sớm đạt đến đích: Giác Ngộ Giải Thoát. Thật ra, đạo Phật không phải là một tôn giáo, vì một lẽ rất dễ hiểu là, tất cả chùa chiền, Tăng Ni, những sự tướng hiện có ở trần gian, cho đến hầu hết các kinh điển ghi chép bằng nhiều loại ngôn ngữ khác nhau, đều chỉ như những tia nắng buổi ban mai, so với vầng thái dương lộng lẫy sáng rực là đạo Phật. Những lời dạy của đức Phật chứa đựng trong Ba Đại Tạng Kinh cũng chỉ là “những chiếc lá trong rừng cây lớn”. Sự hiểu biết của đức Phật thì thật to lớn mênh mông! Giáo lý của ngài là tổng hợp hết mọi khuôn nếp sống và quán triệt những gì là tinh hoa cao đẹp nhất của con người và của vạn hữu. Lời dạy của Ngài là sự thật (chân lý), về vũ trụ và về con người, về quan niệm sống, chết, về sự nhân quả, tội phúc... Vì hiểu rõ như thế, nên đối với cõi đời bị đắm chìm trong vòng mê luân khổ ải, đạo Phật, bằng mọi cách, quyết mang lại Ánh Sáng (những tư  tưởng đúng), Niềm tin (phấn khởi mà vui sống) và An Lành (không còn lo âu, phiền não…) cho mọi người mọi giới. 

 Nói tóm, đạo Phật là Lẽ Sống, Cách Sống, Đường Lối Sống vẹn toàn của tất cả chúng sanh. 

 Nhưng, Đạo Phật Cũng Không Chỉ Là Triết Học. 

Đạo Phật là giáo lý do đấng Giác Ngộ dạy cho con người có thêm nghị lực để tự giác ngộ và giải thoát mọi ràng buộc khổ đau mê chấp của cuộc đời. Hay nói cách khác, đạo Phật vì con người và chúng sanh mà xuất hiện. Ta chỉ nên quan niệm đạo Phật như một “Đạo” - Đạo của Ánh Sáng và Tình Thương -, có mục đích “cứu khổ giải mê” là phương thuốc thần diệu (đã được bắt mạch) để chữa những tâm bệnh mê mờ, đau khổ cho chúng sanh mà- đức Phật là vị Vương y - giáo lý của Ngài là những thần dược tùy mỗi bệnh nhân sử dụng nó. 

Đạo Phật không phải chỉ đóng khuôn trong một phạm vi. Nếu ta chỉ nghiên cứu về một mặt nào đó rồi vội kết luận đạo Phật hoàn toàn có tính cách một tôn giáo, một triết học, một khoa học, luân lý thì đó là nhận xét hãy còn phiến diện. 

Để hiểu vấn đề một cách khái quát, trong kinh Thí Dụ, có một giai thoại, tôi xin trích dẫn câu chuyện dưới đây để làm bằng chứng: 

Một hôm, năm người mù rủ nhau đi chơi, gặp một con voi, và khi trở về ai nấy đều kể cho nhau nghe về nhận thức của riêng mình. Câu chuyện được ghi lại: “Người thứ nhất rờ tai, bảo nó giống như quạt lúa. Người thứ hai rờ vòi thì bảo nó như chiếc loa. Người thứ ba rờ lưng, bảo voi như bức tường. Người thứ tư rờ chân lại bảo nó giống cái cột nhà. Người thứ năm rờ đuôi bảo nó như cái chổi. Thật ra, voi không như những cái mà người ta đã hiểu và đặt tên cho nó - dù có đặt cho nó tên gì đi nữa thì “voi vẫn chỉ là voi” - Cũng thế người chủ trương về phương diện tình cảm sẽ nghĩ đạo Phật là tôn giáo, kẻ chuộng tự do tư tưởng lại bảo đạo Phật là Triết Học... Kỳ thực, đạo Phật không chỉ là tôn Giáo, triết học, khoa, luân lý. Mà đạo Phật là tất cả... Những điều ta thấy, biết về đạo Phật “chỉ như giọt nước, so với bể lớn mênh mông trong suốt là đạo Phật” mà thôi. 

Hãy Trả Lại Chân Tinh Thần Đạo Phật. 

Đạo Phật là Con Ðường Sáng hướng dẫn cho nhân loại, chúng sinh trong những đêm tối dầy đặc của cuộc đời. Đạo Phật không riêng của nghành học nào, mà bao trùm tất cả = tôn giáo, đạo học, luân lý, triết học, và khoa học...; không một môn học nào đức Phật lại không nói đến. Điều này đã có ghi trong các kinh điển. 

Ta không nên nhìn đạo Phật với cặp mắt ngỡ ngàng, với sự hiểu biết nông cạn, rồi định giá trị đạo Phật qua những hình tướng, sự kiện có tính cách vô thường, biến ảo; đạo Phật không chỉ nằm gọn trong các kho tàng Kinh Luật, Luận - Đạo phật là chân lý. Nhưng có điều ta nên nhớ: “giáo pháp của đức Phật ví như chiếc bè, đưa người qua sông; Chính Pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp = Tri ngã thuyết pháp, như phiệt dụ giả; pháp thượng ưng xá, hà huống phi pháp” - Kinh Kim Cương. Giáo Pháp của đức Phật là những chiếc bè (thuyền Từ) để chở người thoát ra ngoài bể khổ sinh tử; khi đã tới bến, ta cần phải bỏ bè lại. Kinh Alaggadủpamasuttam XXIII chép: “Chư tỳ khưu, ta sẽ giảng pháp cho các người, ví như chiếc bè để vượt đưa qua không phải để nắm giữ lấy. Hãy nghe ta, khéo suy nghiệm, ta sẽ giảng”. Thưa vâng, bạch Thế Tôn”. Những tỳ khưu ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn thuyết giảng như sau: “Này các Tỳ khưu, ví như có người đang đi trên con đường lớn dài, đến một vũng nước rộng, bờ bên này nguy hiểm và hãi hùng, bờ bên kia an ổn và không kinh hãi, nhưng không có thuyền để vượt qua hay không có cầu bắt qua từ bờ này đến bờ kia. Rồi tự suy nghĩ: “Đây là vũng nước rộng bờ bên này nguy hiểm và hãi hùng, bờ bên kia an ổn và không kinh hãi, nhưng không có thuyền để vượt qua hay không có cầu bắc qua từ bờ này đến bờ kia. Nay hãy thâu góp cỏ, cây, nhành, lá, cột lại thành chiếc bè, và dựa trên chiếc bè này, tinh tiến dùng tay chân, có thể vượt qua bờ bên kia một cách an toàn”. Chư tỳ khưu, rồi người ấy thâu góp cỏ, cây, nhành, lá, cột lại thành chiếc bè, và nhờ chiếc bè này, tinh tiến dùng tay chân vượt qua bên kia một cách an toàn. Khi qua bờ bên kia rồi, lại suy nghĩ: “Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta, nhờ chiếc bè này, ta tinh tiến dùng tay chân đã vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Nay ta hãy đội chiếc bè này trên đầu hay vác nó trên vai, và đi đến chỗ nào ta muốn”. Chư Tỳ Khưu, các người nghĩ thế nào? Chư Tỳ Khưu “Nếu người ấy làm như vậy thì có làm đúng với sở dụng của chiếc bè !”. Ở đây, chư tỳ khưu, người ấy sau khi vượt qua bờ bên kia, có thể suy nghĩ: “Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta. Nhờ chiếc bè này, ta tin tiến dùng tay chân đã đủ vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Nay ta hãy kéo chiếc bè này lên trên bờ đất khô, nhận chìm xuống nước”. Chư tỳ Khưu, làm như vậy, người kia làm đúng sở dụng chiếc bè ấy. “Cũng vậy, này chư Tỳ Khưu, ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy. Chư tỳ Khưu, các người cần biết ví dụ cái bè, Chính pháp còn phải bỏ đi huống nữa là phi pháp”[3]. Người liễu đạo rồi thì cần phải quên hết...[4] để chỉ thấy mình nhập một với tất cả, hay nói khác, tất cả là mình. 

Đức Phật thường đả phá những gì là hình thức. Mà tôn giáo lại hay sinh ra hình thức. Đức Phật cũng không muốn đạo Ngài là một triết học, bởi triết học chỉ quanh quẩn trong những phương diện tìm hiểu, lý giải hơn là thực hành, thực chứng. “Triết lý là cái nghệ thuật đặt vấn đề hơn là trả lời những vấn đề đã được đặt ra[5]. Đạo Phật thì khác hẳn. 

Ta thử tìm hiểu câu chuyện đàm đạo giữa đức Phật và đệ tử dưới đây, để nhìn đạo Phật có là tôn giáo, triết học ...hay chỉ là “Đạo diệt khổ”[6]

 Kinh Tạp A Hàm (Samvuttanikaya) chép: 

Một hôm, đức Phật nhân đi ngang qua rừng simsapa (xứ Kosambi), Ngài dừng lại hái một ít lá “Simsapa” cầm trên tay và nói với chúng đệ tử: “Các người nghĩ sao?” – “Bạch đức Thế Tôn, một thầy đáp, những chiếc lá Ngài cầm trong tay thì ít mà lá ở rừng lại quá nhiều” Cũng như thế đó, các Thầy Tỳ khưu, những gì ta biết như lá trong rừng, nhưng những điều ta đem ra dạy các thầy chỉ như lá trong lòng bàn tay. Tại sao ta không đem tất cả ra dạy các thầy? Bởi vì những cái đó, dù ta biết, nó không giúp ích gì cho sự giải thoát của các thầy. Hỡi các tỳ khưu, các thầy đừng nên để tâm trí vào những tư tưởng sau đây: “Thế giới là hữu hạn, thế giới là vô cùng. Điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là, ta dạy các Thầy về Sự Khổ, Nguồn Gốc Sự Khổ, Ðạo Diệt Khổ, và Con Ðường Ði Ðến Diệt Khổ. Những điều đó có ích, vì (chắc chắc) sẽ đưa các Thầy đến cứu cánh của giác ngộ và giải thoát vậy”. 

Và đức Phật còn dạy: 

“Hỡi các tỳ khưu, các Thầy hãy là ngọn đuốc và nơi nương tựa cho chính mình. Các Thầy đừng phó thác vào một chốn dung thân nào khác". 

Các Thầy hãy cương quyết chủ định vào chân lý. 

Hãy lấy chân lý làm ngọn đuốc và nơi nương tựa cho mình”.

Mahaparinibbanasutta-11-33-

Nệ vào Tôn giáo là cố chấp. Nệ vào triết học cũng là cố chấp. Mà đạo Phật thì chủ trương phá chấp triệt để - dù là chấp Ngã hay chấp Pháp. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trong 45 năm thuyết Pháp, không từng biết một chữ. Ngài chỉ nói, nói để phá bỏ những gì cố chấp do tư tưởng con người bày đặt ra rồi lại ràng buộc chính con người. Vì nệ vào nó mà con người phải mang lấy khổ đau triền miên. Vậy, muốn giải thoát, con người phải rời bỏ vọng chấp. Lời nói của đức Phật phát xuất từ tâm thể từ bi, nhằm mục đích giác ngộ sự mê vọng, khổ đau tội lỗi cho chúng sanh. Như vậy ta không nên chỉ nhìn đạo Phật như một tôn giáo hay một triết học. Đạo Phật là tất cả. 

Đạo Phật là con đường tiến hóa của hết thảy chúng sanh... 

 



[1] Dưới đây xin trình bày sơ lược về Ngũ Minh Học của đạo Phật để chứng minh cho điều quyết đoán kia.

a/ Sabdavidya (Thanh Minh): môn học về sinh ngữ để các dân tộc dễ cảm thông và hiểu nhau.

b/ Haluvidyà (Nhân Minh): môn học cách thức luận lý để tìm hiểu sự thật (chân lý).

c/ Adhyàtmaviduà (Nội Minh): môn học về giáo lý, những vấn đề thuộc về hữu hình, vô hình; tôn giáo, triết học…

d/ Cikitsàvídyà (Y Phương Minh): môn học về y khoa để cứu chữa những người bị đau ốm, tật nguyền.

e/ Silpakarmasthànavidyà (Công Xảo Minh): môn học về các kỹ thuật, khoa học…

Như trên, cho ta thấy, đạo Phật không chỉ hạn cuộc trong phạm vi tôn giáo, triết học, mà bao gồm cả các ngành Nghệ Thuật, Học Thuật, và Kỹ Thuật nữa.

[2] Kinh Tăng Nhất A Hàm (Ànguttaranikàya) tập XXVIII chép:

Người có sáng kiến đầu tiên tạc hình tượng Phật là vua Ưu Ðiền, ngay khi đức Phật còn tại thế.

Nhân đức Phật đương thuyết pháp ở cõi trời Ðao Lị (Traystrmsah), nhà vua cảm thấy vắng bóng Người đức hạnh thì nhớ tưởng mới cho triệu Kỳ Thủ Yết Ma Thiên Vương đến để tạc hình đức Phật, và quả nhiên, ông đã tạc tượng Phật giống như thật, chỉ không có tiếng nói và không cử động mà thôi.

Sau những ngày đi giáo hóa trở về, đức Phật thấy hình tượng Ngài và hiểu sự thành kính của vua, đức Phật liền thụ ký và truyền rằng: “Khi ta tịch diệt rồi, hình tượng ta là tượng trưng hoàn toàn cho đức từ bi, trí tuệ của ta, không khác lúc ta tại thế. Trong đời mai sau, nếu có thiện nam, tín nữ nào chiêm ngưỡng hình tượng ta nên lấy đó làm gương mẫu cho đời sống cao cả, trong sáng của mình. Các đệ tử, hãy tinh tiến để tự giải thoát!”.

[3] Trích kinh dẫn thượng, trang 134A-135, trong bộ Maijhima Nikaya, tập 1, Tỳ khưu Th. Minh Châu dịch, Tu thư Ðại học Vạn Hạnh xuất bản, 1973.

 [4] Tây phương cũng nói câu tương tự: “Văn hóa là cái gì còn lại, khi người ta đã quên hết những điều học tập = La culture est ce qui reste, quand on a oublié”.

[5] Karl Jaspers

[6] Ðạo diệt khổ tức là Chính Ðạo, ngoài  ra không còn đạo nào khác nữa – Kinh Di Giáo.

 

---o0o---

| Mục Lục

---o0o---

| Thư Mục Tác Giả |

---o0o---

Vi tính : Phước Ngọc - Hiếu Ngọc - Diệu Mỹ
Cập nhật : 01-11-2002

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Gene có phải nguyên nhân chính gây ra tiêu nghiệp vãng sinh và đới nghiệp le tuong niem huy nhat lan thu 15 co dai lao ht 士用果 禅の旋 luc mÊ塩谷八幡宮 tim lai chinh minh 大学生申请助学金的申请理由怎么写 æ Æå ç å ä¹ lãå บทถวายสงฆทานสด chua 中国佛教新闻网 å å 同分 hòa thuongj thích tâm hoàn lãi 地藏十轮经 三年级上册数学应用题 观宗寺香港 Phật giáo 护法 cach Lâm Đồng Thành kính tưởng niệm HT 簡単便利戒名授与水戸 Dạy Phật pháp cho trẻ em giï å眼ä½æ Chùa Quán Thế Âm ä ç Œæ æª 我心中最亮的星体育健儿作文 khổ đau là do tự mình làm ra hai loc dau nam coi chung phai toi dừng Thông minh hơn nhờ ngủ trưa trai tim bat diet cua bo tat thich quang duc hien thức biến và chuyển thức 崔红元 tiếng hát sau cánh cửa từ bi dục 一念心性 是 thien su thich nhat hanh duoc trao huan chuong 末法时代 Myanmar Ký sự mùa xuân Phần 3 Bagan tÃÆ 投影备品备件方案