Phần Thứ Ba
Thực Chất
Ðạo Phật
Hết thảy thế gian pháp
đều là Phật pháp.
Vimalakirti sùtra
Chương Ba
Những Ðóng Góp To Lớn Của Ðạo Phật Cho Dân Tộc Và Nhân Loại
Không thể chối được rằng
một tôn giáo có trên hai nghìn năm trăm năm mà lại không đóng góp gì
trong cuộc sống cho con người. Cũng không thể từ chối được rằng một
tôn giáo đã vào với dân tộc Việt từ hai nghìn năm, đã thăng trầm
cùng với vận nước lâu đời như vậy mà không đóng góp gì trong cuộc
sống dân tộc.
Phải nhận rằng đạo Phật, là một biện chứng giải quyết những vấn đề
suy tư của tâm thức con người và là một biện chứng cách mạng toàn
triệt về mặt xã hội đối với nhân loại. Ðạo Phật đã xuất hiện trong
một thực tại suy tư đa diện phồn tạp của nền văn minh Ấn Ðộ, xuất
hiện để dung hòa toàn bộ các trào lưu tư tưởng đối nghịch đương
thời, xuất hiện để san bằng những ngăn cách xã hội giữa các đẳng cấp
Tăng lữ, Cai trị, Thương nhân và Tiện
dân.
Rồi, từ những căn bản đó, đạo Phật đã duỗi dài nguyên lý vào cuộc
sống của con người khắp các nơi cho tới ngày nay và mãi mãi… Trong
dòng vận động lịch sử dân tộc Việt, đạo Phật đã là chất liệu thiết
yếu để kết thành nền văn minh tiêu biểu cho toàn bộ tinh hoa văn hóa
của vùng Á Châu thảo mộc. Ðạo Phật lại còn là một trong những nhân
duyên chính cho cuộc Cách Mạng Tự Chủ của Việt Nam vào thế kỷ thứ 9
thứ 10. Và cụ thể hơn hết, trong năm 1963, đạo Phật đã thắp lên
những ánh lửa thiêng liêng soi sáng cho thời đại chúng ta.
Ðạo Phật Với Vấn
Ðề Chính Trị
Sinh hoạt của đạo Phật trong những năm qua, đã đặt cho đồng bào cũng
như chính Phật tử mối băn khoăn lớn là:
Ðạo Phật có phải là một thực thể chính trị hay không?
Chưa có trả lời thỏa đáng được câu hỏi ấy thì không những đồng bào
nghi ngại, mà chính Phật tử cũng không thoải mái và tin tưởng vào
những đóng góp của mình trong đại cuộc dân tộc.
Một tôn giáo đúng nghĩa, có giáo chủ, có giáo lý, có giáo hội, đương
nhiên đã can thiệp vào cuộc sống xã hội thì, dù muốn dù không, cũng
đã trở thành một thực thể chính trị rồi. Chỉ khác một điều tôn giáo
đó đã can thiệp vào sinh hoạt xã hội qua thế chính trị nào? Thế cai
trị, thế cách mạng hay thế văn hóa?
Với đạo Phật, vị giáo chủ đã được xưng tụng là “Thiên,
nhân sư”, tức là thầy của chư thiên và loài người.
Ðức Phật là bậc thầy, là người chỉ đạo,
là nhà văn hóa hướng dẫn, chứ không phải là nhà thống trị, dù là cai
trị thiên quốc hay nhân gian, dù thống trị tinh thần hay tổ chức.
Vì giáo lý có ghi rõ: đạo Phật chỉ giúp cho con người tự giác ngộ
chứ không buộc tín đồ phải tin theo bất cứ một giáo điều nào. Với
bản chất đó, đạo Phật đã trở thành vô cùng phóng thoáng, tự tại. Tuy
có tăng sĩ vượt hình thái sinh hoạt thường nhân, có vị truyền thừa,
nhưng giáo quyền không đặt thành vấn đề, và hành đạo không đặt ở
trung ương mà đặt ở đại chúng. Giáo luật tuy rất khắt khe, nhưng thi
hành giáo luật là ở đại chúng và từng môn phái, có những bản sắc
riêng - đại chúng đây được hiểu là đa số tăng sĩ ở chung một tu viện
hoặc một sơn môn – Nói rộng ra, đối với toàn thể Phật tử, thì ý lực
của toàn thể Phật tử có tính quyết định vận mệnh giáo hội và thể
cách sinh hoạt của đạo Phật.
Chính vì đặc tính ấy, đạo Phật đã tùy thời, tùy thế, tùy cảnh, trải
ra hòa nhập với nếp sống quần chúng, hoặc tụ lại thành các thế lực
quyết định vận mệnh từng thời đại. Tuy tán tụ, nhưng vẫn không mất
tính cách trường tồn vì các tu sĩ vẫn còn đó, vẫn là một thực thể
đại biểu cho truyền thống của đức Phật, vẫn duy trì địa vị của “ông
thầy” đối với các vua chúa cũng như quần chúng. Tuy được lợi thế,
được độc tôn trong các triều đại Asoka (Ấn Ðộ), Tùy - Ðường (Trung
Hoa), Lý - Trần (Việt Nam); nhưng đạo Phật không lợi dụng ưu thế để
nắm quyền thống trị, cũng như không dựa vào thế lực thống trị để
truyền đạo; và nhất là không để biến thành công cụ cho phe thống trị
mở mang đế quốc.
Ðạo Phật do đó, đối với
các nước Á Ðông là đạo chung của mọi tầng lớp người trong xã hội, là
đạo của mọi dân tộc, không phân biệt đế quốc, hay thuộc quốc. Riêng
ở Việt Nam, đạo Phật đã hòa nhập với bản chất dân tộc như một thực
thể bất khả phân. Dân tộc thịnh, đạo Phật thịnh. Dân tộc suy, đạo
Phật suy. Chính vì vậy, (mà) đạo Phật đã trở thành một thế lực cách
mạng của dân tộc suốt nghìn năm lệ thuộc Trung Hoa, đã hội tụ được
lòng người mở mùa Tự Chủ và Thống Nhất cho xứ sở, vào các đời Ngô –
Ðinh - Tiền Lê và nhất là hai triều đại Lý – Trần.
Sau ngót một trăm năm lệ thuộc Pháp, đạo Phật đã chìm đi cùng với
chủ quyền dân tộc. Cho tới ngày gần đây, sau khi bị các thế lực quốc
tế chèn nén, đạo Phật đã trỗi dậy cùng với dân tộc, hủy bỏ chế độc
tài, và quyết tâm theo đuổi công cuộc phục hồi Chủ Quyền Quốc Gia.
Những thành công, thất bại đều mang một ý nghĩa:
Ðạo Phật tại Việt Nam đang là một thực
thể cách mạng của dân tộc. Ðã là thực thể cách mạng tất
nhiên phải vận động cách mạng; mà các cuộc vận động như vậy đương
nhiên là những sinh hoạt chính trị rồi. Không riêng gì ở Việt Nam,
mà ở trên toàn thế giới, đạo Phật vẫn đang ứng hợp với thời đại, vẫn
củng cố tổ chức, thống nhất hành động, để góp phần kiến tạo an bình
cho thế giới.
Nhưng, bản chất của đạo Phật và quá trình lịch sử đã bảo chứng rằng:
đạo Phật, dù có xây dựng được một thế lực ưu thắng, cũng không bao
giờ trở thành lớp người thống trị, mà luôn luôn giữ vai trò
hướng dẫn của nhà văn hóa, tức
là làm chính trị theo phương pháp của một thực thể văn hóa. Ðó cũng
là vai trò của các tôn giáo thời xưa và của những nhà văn hóa thời
nay vậy.
Ðạo Phật Với Vấn Ðề Văn Hóa
Nếu tôn giáo là văn hóa,
và được hiểu theo nghĩa làm sáng - mới - đẹp cho chính bản thân và
cuộc đời, thì đó là tùy ở bản chất của mỗi tôn giáo. Nếu một tôn
giáo nào đó có khả năng cung ứng cho con người về nhu cầu thăng hóa
những giá trị sáng - mới - đẹp thì tôn giáo đó, không còn đủ khả
năng hướng dẫn nhận thức con người, bị con người vượt bỏ, thì tôn
giáo đó không còn mang nổi sứ mệnh văn hóa trường cửu nữa. Tuy
nhiên, tôn giáo đó vẫn được nhìn nhận là một thế lực văn hóa của một
gian đoạn lịch sử nào đó.
Như vậy, tôn giáo đã là một thế lực văn hóa trong lịch sử, nhưng còn
việc tôn giáo có thể là một thực thể văn hóa miên viễn hay không thì
đó lại là vấn đề khác.
Vì tôn giáo là một thế
lực văn hóa, để hạn chế thế quyền thống trị, để thỏa đáp nhu cầu
siêu linh của tâm thức con người, nên các tôn giáo đã xuất hiện.
Xuất hiện dưới thời bộ lạc bằng tính cách đa thần, mà đại diện là
lớp phù thủy. Xuất hiện dưới thời quốc gia, bằng cách độc thần mà
đại diện là các tôn giáo duy thần và siêu thần ngày nay.
Trong thời kỳ xã hội chuyển từ bộ lạc sang quốc gia, tư tưởng con
người tư đa thần tiến lên độc thần thì quả thực các tôn giáo đã là
một thế lực thăng hoa: là văn hóa đúng nghĩa. Suốt thời tư tưởng độc
thần trùm lên nhận thức của con người, thì mọi sinh hoạt từ tâm linh
xã hội tới nghệ thuật, học thuật, và kỷ thuật nữa, đều do các tôn
giáo duy thần hướng dẫn. Trong khi các tôn giáo duy thần sắm trò thế
lực văn hóa, vừa kiểm soát thế quyền thống trị, vừa hướng dẫn sinh
họat văn hóa của nhân loại, thì cũng là lúc các tôn giáo đó bị biến
thành đối tượng của các tư tưởng văn hóa có khuynh hướng vượt bỏ mọi
ràng buộc của thần quyền. Do đó các tôn giáo vừa phải bảo thủ tính
chất văn hóa của mình để ứng phó với các thế lực văn hóa mới. Sự
kiện này đã làm cho nguồn sinh động của văn hóa nhân loại cuồn cuộn
dâng lên không ngừng.
Hiện nay nguồn tư tưởng của nhân loại giác ngộ đang cố gắng vươn lên
và thể chứng cho bằng được giá trị Nhân Chủ đích thực của mình. Nhận
thức nhân chủ này hiện là mối nguy cơ cho các tôn giáo duy thần. Vì,
trên bản chất duy thần, không còn phù hợp với bản chất nhân chủ nữa.
Con người hiện tại đang tích cực để thể chứng giá trị nhân chủ trên
khắp mặt sinh hoạt: tâm tư, xã hội và
vụ trụ.
Như vậy có nghĩa là các tôn giáo độc thần đã sắp hoàn toàn mất vai
trò hướng dẫn văn hóa nhân loại rồi?
Câu hỏi này cũng được đặt ra với đạo Phật, liệu rồi đây đạo Phật có
cùng chung số phận như các tôn giáo duy thần hay không?
Xét về bản chất thì, đạo Phật là đạo của
Con Người Giác Ngộ. Vì con
người có đủ điều kiện và khả năng để thành Phật, còn các sinh chủng
khác cho tới thần linh, chư thiên, đều chưa thể thành Phật được. Với
bản chất này, đạo Phật đã mang giá trị Nhân Bản đúng nghĩa rồi vậy.
Nhận thức nhân bản không phải là một nhận thức chủ quan duy tâm,
cũng không phải là nhận thức khách quan duy vật, mà là nhận một thức
toàn diện, đi từ tâm tư tự giác, ứng dụng vào thực tế xã hội có tổ
chức, để vượt lên siêu việt giải thoát. Ðạo Phật là một tôn giáo,
giác ngộ và
giải thoát, nên có thể trở
thành một thực thể văn hóa của thời đại ngày nay.
Một trở ngại khác đã được đặt ra cho đạo Phật, là vì đạo Phật đã
xuất hiện trên hai nghìn năm trăm năm, và suốt thời kỳ truyền đạo ở
khắp nơi, đạo Phật đã vì phải
dung hợp với các hình thái sinh hoạt đa thần, độc thần của quan niệm
đại chúng, nên phần nào đã mang một hình thái tôn giáo với những lớp
vỏ do các quan niệm từng thời đại bồi bọc. Tuy bản chất giác ngộ và
giải thoát con người vẫn còn đó, vẫn là nội dung linh động, đích
thực của đạo Phật, vẫn là một thực tại văn hóa tiềm ẩn, nhưng để
khơi lòng văn hóa đó, những Phật tử suy nghĩ hiện tại, cần phải cố
gắng, can đảm, uyển chuyển, phá bỏ những hình thái của lớp vỏ nặng
nề để đạo Phật giữ vững căn cơ nhân bản sinh động hiển hiện trong
dòng văn hóa nhân loại.
Ðạo Phật đang đi lên
trong sự đi lên của dòng vận động văn hóa nhân loại.
Ðạo Phật Với Vấn Ðề
Dân Tộc
Ðạo Phật đã thể nhập vào Việt Nam hai mươi thế kỷ - thể nhập bằng ý
niệm hiếu sinh,
hiếu hòa và
giải thoát. Ðạo Phật không
những chỉ có khả năng dung hợp các thuyết lý và nếp sống khác biệt
để chuyển các thuyết lý và nếp sống đó vào một nền văn minh Nhân Bản
Toàn Diện, mà chính còn là nền tảng nhận thức tạo dựng cho nền văn
minh Ðại Việt thêm phong phú, sáng, đẹp. Do đó, cuộc sống của dân
tộc mặc nhiên hay ý thức đã sống theo chiều hướng
giác ngộ và
giải thoát của tinh thần đạo
Phật.
Nếu có một sức mạnh tinh thần nào đó làm cho dân tộc Việt bền vững
đến ngày nay, thì sức mạnh ấy chính là sức mạnh của ánh sáng
Từ bi và
Trí tuệ của đạo Phật vậy.
Trong quá khứ cũng như trong hiện tại, những trang sử vàng son của
đạo Phật, qua các triều đại Việt Nam, lúc thịnh đạt cũng như buổi
suy vi, người Phật tử nhất định không bao giờ có thể đi ngược lại
sức mạnh tinh thần truyền thống ấy.
Xét về lượng số, thì đạo
Phật Việt Nam là sự phối kết của tám mươi lăm phần trăm dân số toàn
quốc.
Xét về thời gian, đạo
Phật đã gắn liền với dân tộc Việt từ hai thiên niên kỷ, tạo cho dân
tộc một tinh thần tự chủ bền vững.
Nếu cùng nhìn dân tộc qua sự hiện diện về lượng số và thời gian, thì
đạo Phật và
dân tộc tuy hai mà một. Dân
tộc và đạo Phật đã gắn kết với nhau đến nỗi chỉ còn là hai danh từ
thể hiện của một thực thể duy nhất. Sự tồn vong của dân tộc chính là
sự tồn vong của đạo Phật và, ngược lại, sự tồn vong của đạo Phật
cũng chính là sự tồn vong của dân tộc.
Từ nhận thức ấy, nếu ai trong chúng ta, hoặc vô tình hay cố ý, làm
suy nhược tinh thần dân tộc tức là làm suy nhược đạo Phật, và làm
suy nhược đạo Phật cũng chính là làm suy nhược dân tộc. Nên mọi hành
vi làm suy nhược đạo Phật và dân tộc nhất định kẻ đó có tội với lịch
sử dân tộc và đạo Pháp.
Sự thật đạo Phật hôm qua
chính là sự thật của dân tộc. Những mưu đồ và hành động đàn áp đạo
Phật mới đây đã phát xuất từ những ý thức ý hệ bạo hành, do những
hình thái sinh hoạt ngoại nhập hoàn toàn đi ngược lại tinh thần dân
tộc. Chính những độc tố này đã phá hoại cơ thể, tinh thần dân tộc.
Quê hương thân yêu của chúng ta nhất định không thể là nơi để cho
các thế lực phi nhân bản, phi dân tộc giày xéo, khuynh loát. Ðất
nước Việt Nam không thể là địa bàn thí nghiệm của bất cứ một thế lực
nào – vì dân tộc ta đã quá đau khổ, đất nước ta đã quá điêu tàn.
Niềm đau khổ quằn quại của đại đa số người Việt hôm nay, chính là
niềm đau khổ của Phật giáo đồ Việt Nam. Và nếu có một ý niệm
giải phóng cuộc đời, giải thoát tâm tư,
thì ý niệm ấy chính là ý niệm của dân tộc Việt Nam. Không chấp nhận
ý niệm ấy cũng chính là phản bội dân tộc rồi, chứ đừng nói gì tới
những hình thái của những dị thuyết đang lẩn chìm trong dân tộc.
Phật giáo đồ Việt Nam không bao giời khép kín, nhưng chỉ dung hòa và
điều hợp với những ý thức hệ nào không
phản bội con người, không phản bội dân tộc, không phản bội thăng
hóa, không phản bội đất nước. Cũng chính là ý nghĩa ấy,
những dị thuyết có thâm ý phá vỡ nhân
tính và tinh thần dân tộc sẽ không được dân tộc chấp
nhận. Mọi ý niệm về đất nước này, Dân tộc này, phải tùy thuộc vào
Văn Hóa Dân Tộc – vì văn hóa dân tộc qua thời gian tựu thành, đã
dung hợp các nguồn văn hóa dị biệt, để xây dựng một nền Văn hóa tổng
hợp “Tam Giáo Ðồng Nguyên”
ở thế kỷ thứ XI – XIV. Ðó là công cuộc
HÓA GIẢI của dân tộc ta đã
hoàn thành một cách vẻ vang!
Dân tộc Việt Nam nhất
định tồn tại cùng với giải đất thân yêu này. Và sức mạnh của văn hóa
dân tộc vẫn mãi mãi hiện diện trong mọi sinh hoạt quốc gia và trong
mọi giai đoạn lịch sử.
Chúng tôi thắp hương cầu nguyện cho
tình tự dân tộc mãi được nở hoa.
Ðạo Phật Với Thực
Tại Thế Giới
Ðạo Phật được coi như một tôn giáo siêu tổ chức. Từ nguyên thủy, căn
bản của đạo đã rộng rãi, không nhằm buộc ai phải tin theo bất cứ một
giáo điều nào, mà chỉ cốt hướng dẫn con người trên con đường giác
ngộ. Với bản chất đó, đạo Phật đã không tách biệt ra thành một đoàn
thể cùng lý tưởng biệt lập, mà lại luôn luôn dung hợp với các luồng
tư tưởng khác, rồi lấy đức Từ Bi
và Trí Tuệ để hướng dẫn con
người, cùng hoặc
khác lý tưởng, đến chỗ giác
ngộ thực tại và chân lý nghĩa cuộc đời. Trong khi truyền bá, đạo
Phật (tuyệt nhiên) không dùng phương pháp bạo hành, mua chuộc, hay ỷ
thế của chính trị để truyền đạo, mà chỉ dùng phương pháp thấm nhuần
kiên nhẫn của văn hóa mà thôi. Chính điểm này đã làm cho đạo Phật
trở thành một tôn giáo chung của nhân loại.
Mọi nỗ lực của nhân loại tiến bộ từ xưa đến nay, đều cố gắng tiêu
diệt ngu tối, tiêu hủy những chướng ngại mê muội đã ngăn cản sự thể
hiện giá trị nhân văn đích thực của con người. Ðạo Phật quả là nơi
chung tụ mọi nỗ lực rốt ráo đó của nhân loại. Như lịch sử đã chứng
minh: tại các nước Á Ðông, mọi nền đạo học, thần học thật hết sức
phong phú, nhưng cho đến nay dần dần tan biến đi để còn lại một đạo
Phật tồn tại và đại diện cho Ðông Phương trong thực tại sinh hoạt
thế giới hiện đại.
Ðạo Phật đã ứng thân
trong khắp các thời đại, dùng ngay những hình thức và phương pháp
của các thời đại để khai quang những ngu tối của từng thời đại đó.
Ðạo Phật là một đạo giác ngộ giữa những suy tư mê muội ở thời đại mà
tà giáo, ngoại đạo chiếm địa vị độc tôn. Bao nhiêu tôn giáo khác
đang đi lần đến độ hóa thân để cùng thể nhập chân lý, thể nhập vào
nguồn đạo lớn: GIÁC NGỘ.
Ðạo Phật còn đó, còn vững bền trong tâm khảm của mỗi người và mỗi
thời đại.
Thời đại chúng ta đang đứng trong đấu trường ý thức hệ. Ðạo Phật
đang là hiện thân của giác ngộ để
chuyển hóa những ý thức hệ mê tối. Tất nhiên trong khi
đứng trước các ý thức hệ hiện thời, đạo Phật đã kinh qua nhiều thử
thách, nhiều gạn lọc để giúp cho người
tỉnh cũng như người mê
cùng tìm cho mình một lối ứng thân thích hợp với thời đại mới.
Chính vì vậy mà những thử thách trước mắt chẳng đáng kể gì so với
dòng tiềm lực vô biên của đạo Phật cả.
Ðạo Phật sẽ giải quyết những tranh chấp tư tưởng và tranh chấp quyền
lợi của thời đại chúng ta.
Trên mặt tư tưởng, con người đã và đang vượt bỏ các quan niệm
thần hóa siêu nhiêu và vật hóa nhân loại,
để mong đưa nhau tới Ðịa Vị Nhân Chủ
đích thực của mình. Ðạo Phật, trên bản chất, vốn chủ trì tất cả qui
về Con Người Giác Ngộ, nên
có thể thỏa đáp được đòi hỏi chung cho nhân loại hiện tại và vị lai.
Ðạo Phật sẽ từ chỗ làm giảm sự căng thẳng giữa các lý tưởng duy
thần, duy vật, tiến đến chỗ cùng với mọi con người giác ngộ chuyển
đổi thân phận toàn thể nhân loại đi vào cõi An Lạc chung.
Ðó là công cuộc hiện đại hóa
Phật Pháp của thời đại chúng ta.