Kết Luận
Các bạn thân mến!
Qua những trang trên,
bạn đã đọc chúng tôi dưới nhiều hình thức, những tư tưởng chính…
Theo sự phân loại trong cuốn sách, trước hết là Phần Mở Ðầu
(Tìm hiểu đạo Phật), tức
trình bày đại quan về đạo Phật là gì?
PHẬT, theo nghĩa
phổ thông, là chỉ đấng đã hoàn toàn giác ngộ -
GIÁO,
là những “lời dạy tốt lành” do đấng Giác Ngộ thuyết giảng để khai
ngộ sự mê lầm, đau khổ cho chúng sinh. Do đấy bạn có thể thức cảm
giá trị thực của đạo Phật qua những nét chính:
a.
Mở rộng cõi lòng…
b.
Ðưa sinh linh tới ánh sáng chân lý.
c.
Xây dựng một xã hội người văn minh, giác ngộ và giải thoát.
Tiếp theo là Phần Thứ Nhất
(Lịch Sử Khái Luận) gồm ba chương:
1.
Nguyên lý sáng lập đạo Phật.
2.
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni.
3.
Lịch Sử truyền bá.
Nói về phương diện
lịch sử thì, đạo Phật có từ hơn hai thiên niên kỷ, bắt nguồn từ Á
Ðông và hiện nay đang trên đà phát triển tại các quốc gia Âu Mỹ và
khắp toàn thế giới. Có thể nói rằng đạo Phật là “đạo” của mọi người,
của muôn loài, không phân màu da, tiếng nói và chủng tộc, là đạo
chung của nhân loại, chúng sinh. Trong phần này tôi chỉ lược dẫn
tiến trình của đạo Phật từ khai nguyên đến hiện đại, nghĩa là từ khi
Ánh Sáng Chính Pháp bắt đầu truyền đi các ngả… Ðại cương trong đó đề
ra những nét lớn như:
-
Ðức Phật đản sinh xuống cõi Sa bà với mục đích gì (?…)
-
Sự ích lợi của đạo Phật xưa và nay.
-
Ðạo Phật và nền văn hóa, văn minh nhân loại.
Qua Phần Thứ Hai, tức
phần “Triết học đại quan”, chia làm hai chương:
1.
Ðạo Phật là tôn giáo hay triết học?
2.
Vũ trụ quan (quan niệm của các Tôn giáo, Ðạo học, Triết học,
Khoa học và của đạo Phật). Phần Vũ Trụ Quan chia làm ba tiểu mục: a)
Vấn đề nhận thức; b) Vũ trụ luận; c) Nhân sinh quan.
Sau hết là Phần Thứ Ba
(Thực chất đạo Phật) gồm ba chương:
1.
Ðạo Phật, nguồn văn hóa sinh động.
2.
Sức mạnh của đạo Phật thể hiện trong ba đức tính: Ðại bi, Ðại
trí, Ðại hùng, một đạo học có ảnh hưởng lớn đã thấm sâu vào đời sống
dân tộc Việt.
3.
Những đóng góp to lớn của đạo Phật cho dân tộc và nhân loại.
Ðể có một ý niệm đúng,
ở đây tôi chỉ trình bày những dữ kiện, còn phần phê bình xin nhường
quyền bạn đọc tự nhận định. Tuy nhiên, có điều cần thưa trước là,
nội dung cuốn sách không đi sâu vào kinh điển của mỗi Tôn giáo, Học
thuyết mà chỉ tổng luận những nét đại cương, rồi lấy đó làm đối
tượng, tỷ giảo cũng như tìm hiểu những cái Thật (Chân: Levrai), Hay
(Thiện: Le Bien), Ðẹp (Mỹ: Le Beau) của mỗi hệ phái, tư tưởng. Mặc
dù đấy mới chỉ là những nhận định sơ quát, nhưng nó cũng sẽ giúp bạn
có một khái niệm chính xác vấn đề.
Với quan niệm đạo Phật,
khi nhìn vũ trụ, con người và vạn hữu, đã khẳng định: Tất cả hiện
tượng trong vũ trụ chỉ là do các yếu tố Nhân duyên sinh giả hợp tạo
thành. Mà Bản Thể các “Pháp” thì bất biến (không sinh, không diệt,
không thêm, không bớt = “Pháp Nhĩ Như Thị”). Nó vô thủy, vô chung…
Nhưng ta cần phân biệt: Nguyên nhân nào đã cấu tạo nên vũ trụ vạn
hữu? – Tâm ư! - Vật ư! – Thiên nhiên ư! Không. Tất cả “sự sự, vật
vật” hiện hữu trên cõi đời này đều bắt nguồn từ “Nghiệp cảm duyên
khởi”
Nghĩa là:
“Cái Này có thì Cái Kia
có
Cái Này sinh thì Cái Kia
sinh
Cái Này không thì Cái
Kia không
Cái Này diệt thì Cái Kia
diệt”
-
Majjhimanikaya –
Do đó, đạo Phật đã nhìn
sự vật một cách tinh tường, toàn triệt qua lăng kính không - thời
gian với chiều sâu của vấn đề là: “Chư hành vô thường; Chư pháp vô
ngã; Niết bàn tịch tĩnh”.
Và như bạn đã thấy, đạo Phật là Chân Lý, Ðạo của ánh sáng Trí Tuệ và
Tình Thương, một đạo hằng đề cao giá trị Con Người, lấy Con Người
làm mực thước cho tất cả. Ðó là một Nhân Bản thuyết toàn diện, tuyệt
đối. Cho nên, giá trị và địa vị con người trong đạo Phật là bình
đẳng giữa Phật và chúng sinh. Vì mọi con người đều có Phật tính đều
có thể thành Phật.
Hoa Sen là tượng trưng
đạo Phật, ở trong bùn mà không nhiễm bùn. Cũng thế, thấy đời là nơi
đau khổ, tối tăm, nên đạo Phật đã xuất hiện ở đời để giác ngộ và
giải thoát cho
con người; nhưng chỉ hiệu nghiệm khi nào con người biết áp dụng và
thực hành.
Xin cầu chúc bạn lòng
bình yên, trí sáng suốt và thực chứng Sự, Lý giải thoát.
Người viết.
Những ý
kiến của đọc giả và nhà văn trong nước đã có những nhận định về cuốn
PHẬT HỌC TINH HOA, Một Tổng Hợp Ðạo Lý.
Người đọc
THẠCH TRUNG GIẢ
Những sách khảo về Phật
Giáo của ta trong khoảng thời gian nửa thế kỷ trở lại đây có thể
chia làm hai loại.
Một là do những học giả
như Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Phan Văn Hùm.
Hai là do những nhà tu
hành như Mật Thể, Giải Ngạn, Minh Châu, Trí Quang, Nhất Hạnh, Thiện
Hoa, Tuệ Sỹ.
Mấy quyển của học giả
Trần Trọng Kim tuy không sâu xa nhưng cũng có ích phần nào, còn
quyển của Phan Văn Hùm nhan đề Phật Giáo Triết Học đã làm cho những
thức giả bất bình vì ông đã không nghiên cứu thẳng vào kinh điển nên
mô phỏng nặng nề về bộ Ðại Cương Triết Học Phật Giáo của học giả
Trung Hoa Tưởng Duy Kiều. Bộ này cũng được Thích Ðạo Quang dịch ra
tiếng Việt từ hơn mười năm nay nhưng trước khi bản dịch ra đời thì
đã có người, hình như Thượng tọa Mật Thể, vạch ra sự mô phỏng kia
trên một tờ báo Phật học hồi đó.
Ðem đối chiếu, người ta
thấy Phan Văn Hùm đã vay mượn từ đầu đến cuối bộ sách của Tưởng Duy
Kiều nhưng ở họ Tưởng rõ ràng bao nhiêu thì sang họ Phan lại tối
nghĩa bấy nhiêu vì rút bớt nhiều đoạn giải thích khúc chiết.
Nếu không làm đến mức
Phan Văn Hùm thì nhiều người cũng chấp nối đầu ngô mình sở những
công trình nghiên cứu của học giả đông tây về những vấn đề cao siêu
tế nhị mà lại để lòi đuôi dốt nát về Phật học sơ đẳng, chẳng khác
nào những phu nhân chưa có cơ bản toán học đã dám bàn đến lý thuyết
của Einstein trong những cuộc đấu hót ở sa lông, như nhà văn hào
Maurois đã ghi nhận.
Ðạo Phật là vô ngã mà
khảo về đạo Phật với tinh thần thấp kém và tối đen nhất vì dối người
dối mình thì quả là một sự nguy hiểm. Tôi bái phục những vị sư cổ lỗ
già nua cả đời chỉ đọc tụng một quyển kinh, không biết đi phi cơ
phản lực siêu thanh qua rừng tam tạng kinh điển, nhưng tôi ghê sợ
loại học giả kể trên.
Bởi thế cho nên đến bây
giờ, tôi vẫn tín nhiệm nhiều ở công trình những bậc tu hành, hoặc
cao sâu hoặc phổ thông nhưng bao giờ cũng rút ra từ sự nghiên cứu
đứng đắn. Nói thế tôi vẫn hy vọng rằng sẽ có những tác phẩm giá trị
ở giới học giả, nhưng đó là ở thì vị lai.
Bây giờ lại một bộ sách
thuộc loại đáng tin cậy mới ra đời.
Ðó là cuốn Phật Học
Tinh Hoa của Thượng Tọa Ðức Nhuận.
Cách bố cục của bộ sách
thực linh động vì vượt ra khỏi hình thức bình thường mà tuân theo
luật diễn tiến, đưa người đọc dần dần vào chỗ chuyên môn vi tế của
vấn đề, tức là từ dễ đến khó, nên rất hấp dẫn đối với nhiều trình
độ.
Bộ sách gồm có ba phần
chính thêm phần mở đầu và phần phụ lục.
Phần mở đầu trình bày
tổng quan về đạo Phật là định nghĩa Phật Giáo rồi đưa ra những nét
chính: Mở rộng cõi lòng; Ðưa sinh linh tới ánh sáng chân lý; Xây
dựng một Xã hội người văn minh giác ngộ và giải thoát về phương diện
luân lý, về khả năng trí thức, về giá trị thực hành. Tóm lại, tác
giả muốn nêu cao hai yếu tố
thiện, chân
hay bi, trí
của Phật giáo vậy.
Phần thứ nhất, sau phần
mở đầu, là Lịch Sử Khái Luận gồm có ba chương nói về Nguyên lý sáng
lập đạo Phật, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, Lịch sử truyền bá đạo Phật.
Với một sự kiên nhẫn phi thường, tác giả đã sưu tầm những tài liệu
về hình thể địa dư nước Ấn Ðộ, về hoàn cảnh xã hội với mấy mặt nhân
chủng, kinh tế, chính trị, văn hóa và tử tưởng siêu nhiên tức đại
cương về Những tư trào Ấn Ðộ trước khi Ðức Phật ra đời.
Nhưng ta hơi tiếc rằng
những tài liệu về nhân chủng thì công phu mà chưa làm nổi bật được
những yếu tố nảy sinh do sự tương giao giữa hai nền văn minh của dân
tộc Aryen và dân tộc Dravidien. Chính những yếu tố này đã tạo nên
hay đã làm duyên cho đạo Phật. Nhưng ta hy vọng rằng tác phẩm này
còn tái bản và được bồi bổ.
Chương II ngót hai chục
trang gồm cả đời Ðức Phật, Chương III già năm chục trang bao quát cả
Lịch sử truyền bá đạo Phật mấy ngàn năm với những tài liệu chính
xác.
Phần thứ hai được coi
là trọng tâm của tác phẩm vì đi vào chỗ thâm mật của vấn đề với số
trang dồi dào nhất so với mọi phần kia. Chương thứ nhất đặt vấn đề:
Ðạo Phật không hẳn là triết học? Lời giải gồm ba điều: 1/ Ðạo Phật
không hẳn là một tôn giáo. 2/ Nhưng đạo Phật không chỉ là triết học.
3/ Hãy trả lại tinh thần đạo Phật.
Tại sao vậy?
“Ðức Phật thường đả phá
những gì hình thức. Mà tôn giáo lại hay sinh ra hình thức. Ðức Phật
cũng không muốn đạo Ngài là một triết học. Bởi triết học chỉ quanh
quẩn trong những phương tiện tìm hiểu, lý giải hơn thực hành, thực
nghiệm”.
Ðó là Thượng tọa tổng
kết khi đã thuyết minh tường tận.
Ðến đây chúng tôi cũng
muốn bàn thêm đôi điều. Là việc phân biệt tôn giáo với triến học đưa
tới vấn đề đạo nọ đạo kia, là một tôn giáo hay triết học chỉ nảy ra
với người Tây phương và những học giả chịu ảnh hưởng Tây phương. Bên
Tây phương tôn giáo là tín ngưỡng của trái tim, triết học là quan
niệm của lý trí bởi thế cho nên cuộc hôn phối ép uổng giữa tín lý Cơ
đốc với triết học Hy Lạp thành nền thần học Trung Cổ đã tan vỡ với
những chấn động khắp Âu Châu mà chứng tích bi thương nhất là bộ Tư
Tưởng Lục của Pascal gào thét lên như cuồng nộ sự đối tượng của trái
tim đối với lý trí. Nhưng bên Ðông phương không có hiện tượng này.
Ðạo Phật, đạo Lão vừa là tôn giáo vừa là triết học tức là những nền
đạo học mà tín ngưỡng không ngược với triết lý, là tín ngưỡng được
soi sáng bởi trí tuệ và lẽ sống để thực hành. Nhà thần học Cơ đốc
Saint Anselme nói rằng:
“Ta tin để mà hiểu” (Je
crois pour comprendre)
nhưng Ðức Phật lại dạy rằng:
“Ðừng
tin điều gì do ta tưởng tượng ra lại nghĩ rằng một vị tối linh đã
khai thị cho ta. Nhưng, chỉ tin tưởng cái gì mà chính các ngươi đã
từng trải, kinh nghiệm và nhận là đúng…”
(P.H.T.H, trang 51)
Vậy ta có thể diễn lại
lời Ðức Phật bằng các đảo ngược lời Saint Anselme như sau: “Ta
hiểu để mà tin”.
Và Thượng tọa Ðức Nhuận
đã chí lý khi gọi những kẻ xét phiến diện về đạo Phật là những anh
mù rờ voi.
Chương II của phần hai
là Vũ Trụ Quan, đối với các tôn giáo như Cơ - đốc giáo, Bà – la –
môn giáo, các nền Ðạo học như Khổng, Lão, các nền triết học, khoa
học với đạo Phật. Có thể coi chương này đi vào chỗ thâm mật và gồm
mấy chương ở bên trong vì đi từ Nhận Thức Luận đến Vũ Trụ Luận, Nhân
Sinh Quan gồm nhiều mục ở trên trong.
Những vấn đề lởm chởm
gai góc nhất là lẽ Sắc, Không và Duy Tâm đã được bàn đến những luận
cứ tế nhị uyển chuyển mà chúng tôi không dám tóm tắt sẽ làm sai lạc
ý tác giả mà độc giả chúng ta mỗi người nên trực tiếp với cuốn Phật
Học Tinh Hoa để thưởng thức.
Chương III của phần thứ
ba nhan đề: Những đóng góp của đạo Phật cho dân tộc và nhân loại gồm
bốn tiểu đề mục: Ðạo Phật với vấn đề chính trị; đạo Phật với vấn đề
văn hóa; đạo Phật với vấn đề dân tộc; đạo Phật với thực tại thế
giới. Ta được thấy những lời quan trọng
phản ảnh
cho quan niệm của Phật giáo Việt Nam chứ không phải riêng cá nhân
Thượng tọa.
“Một tôn giáo đúng
nghĩa, có giáo chủ, có giáo lý, có giáo hội, đương nhiên đã can
thiệp vào cuộc sống xã hội, thì dù muốn dù không cũng đã trở thành
một thực thể chính trị rồi. Chỉ khác một điều tôn giáo đó đã can
thiệp vào Sinh Hoạt xã hội qua thế chính trị nào? Thế cai trị, thế
cách mạng hay thế văn hóa”.
Những lời nói cách
trang sau giải đáp và chứng minh bằng sự thực hiển nhiên:
“Tuy được lợi thế, được
độc tôn trong các triều đại Asoka (Ấn Ðộ), Ðường (Trung Hoa), Lý -
Trần (Việt Nam) nhưng đạo Phật không lợi dụng ưu thế để nắm quyền
thống trị, cũng như không dựa vào thế lực chính trị để truyền đạo,
và nhất là không để biến thành công cụ cho phe thống trị mở mang đế
quốc.
Ðạo Phật do đó, đối với
các nước Á Ðông là đạo chung của mọi tầng lớp người trong xã hội, là
đạo của mọi dân tộc, không phân biệt đế quốc hay thuộc quốc. Riêng ở
Việt Nam, đạo Phật đã hòa với bản chất dân tộc như một thực thể bất
khả phân. Dân tộc thịnh, đạo Phật thịnh. Dân tộc suy, đạo Phật suy.
Chính vì vậy, mà đạo
Phật đã trở thành một thế lực cách mạng của dân tộc suốt nghìn năm
lệ thuộc Trung Hoa, đã hội tụ được lòng người, mở mùa Tự Chủ và
thống nhất cho xứ sở, vào các đời Ðinh – Lê – Lý - Trần”.
Ngoài ra, tác giả còn
tiên tri
về tương lai Phật
giáo đối với thế giới:
“Trong khi truyền bá,
đạo Phật tuyệt nhiên không dùng phương pháp bạo hành, mua chuộc hay
ỷ thế của chính trị để truyền đạo, mà chỉ dùng phương pháp thấm
nhuần kiên nhẫn của văn hóa mà thôi. Chính điều này đã làm cho đạo
Phật trở thành một tôn giáo chung của nhân loại”.
Chúng tôi xin góp lời
với Thượng tọa, Chúa Giê Su đã dạy rằng:
“Mọi kẻ cầm kiếm ắt
chết vì kiếm” - Vậy thì một tôn giáo sử dụng phương pháp bạo hành sẽ
phải tiêu diệt vì chính phương pháp của mình, và một giáo gieo rắc
trong tình thương mới tồn tại và phát triển lâu dài. Một tôn giáo
dùng phương pháp bạo hành mà chưa tiêu diệt thì sự sống của nó cũng
chỉ là sự sống của con quỷ nhập tràng.
KẾT
LUẬN
Là công trình của một
nhà tu hành? Hay một học giả? Hay một thi nhân?
Bộ Phật Học Tinh Hoa
này quả là của cả ba, vì Thượng tọa Ðức Nhuận đã viết với thâm nhập
của người sống đạo, với óc hệ thống của nhà nghiên cứu và cũng với
niềm rung cảm dạt dào.
Tác giả đã cho ta theo
dõi cuộc sinh thành và phát triển của đạo Phật qua lịch sử, vừa
chiêm ngưỡng những đường nét chính của tòa kiến trúc hùng vĩ, lại
đưa vào mấy chốn thâm cung nghi ngút hương thiêng. Sau đó lại đưa ta
lên tháp cao bao quát viễn đồ bao la của Phật giáo đối với thế giới:
là một tổng hợp
đạo lý, nó
bao dung tất cả, vượt lên trên gào thét của hận thù.
Bộ Phật Học Tinh Hoa đi
vào những vấn đề sâu xa tế nhị mà không khô khan rắc rối, lời văn
vừa chính xác vừa nhẹ nhàng hợp với mọi lứa tuổi, từ những nhà
nghiên cứu khắc khổ đến những bạn trẻ muốn được có trong tay một
cuốn chỉ nam chắc chắn và duyên dáng về Phật học.
Tập san NGÔN NGỮ
Trang 110-117.1973
… Mặc dầu tiếp nhận sự
vật theo vô thường vô ngã, đạo Phật không phải là một đạo bi quan
yếm thế. Cùng lúc với sự đề cao con người, Phật giáo đã đề cao một
giá trị bình đẳng ứng dựng cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Ðó
có lẽ là tinh hoa cao quý của Phật học mà người viết đã có ý muốn
nhấn mạnh và kín đáo dùng làm chủ đề cho tác phẩm này.
… Chúng tôi không ngần ngại
bầu cho Phật Học Tinh Hoa là cuốn sách biên khảo về Phật giáo có giá
trị nhất trong năm 1961 (…) Trong giai đoạn khó khăn hiện tại, chúng
ta rất cần tới sự góp mặt của những tác phẩm cùng loại.
PHONG GIAO
Tin Sách, năm thứ hai, bộ II,
tháng 10 – 11 và 12. 1961.