TRỰC CHỈ
Đi con đường Đạo, thường
phải qua ba giai đoạn. "Học đạo", Hành đạo" và
"Chứng đạo". Đến giai đoạn CHỨNG ĐẠO, được gọi là
con người "nhàn đạo". Người "nhàn đạo" là người
đã vượt qua giai đoạn "học đạo" và "hành đạo".
Vì vậy, người "chứng đạo" còn được gọi là người
TUYỆT HỌC, là người đạt đến VÔ VI, cho nên bậc TUYỆT HỌC,
VÔ VI, NHÀN ĐẠO tức là con người CHỨNG ĐẠO.
Cái thấy của người chứng đạo,
không thấy qua cái thấy của nhục nhãn bình thường mà thấy
bằng "Tuệ nhãn". Về "cái thấy", giáo lý đạo
Phật dạy có năm cách nhìn thấy khác nhau. Dựa trên thành quả tu
chứng mà cái thấy của người học đạo, hành đạo và chứng đạo
đối với hiện tượng vạn hữu chia thành năm cách thấy: Cái
thấy qua "nhục nhãn". Cái thấy qua "thiên nhãn". Cái
thấy qua "pháp nhãn". Cái thấy qua "tuệ nhãn". Cái
thấy qua "Phật nhãn". Cái thấy qua "nhục nhãn" là
cái thấy "tầm thường". Cái thấy qua "thiên nhãn"
là cái thấy "bình thường". Cái thấy qua "pháp nhãn"
là cái thấy của người "đạt đạo", của hàng Tiểu
thừa THANH VĂN, DUYÊN GIÁC. Cái thấy qua "Tuệ nhãn" là cái
thấy của người CHỨNG ĐẠO, cái thấy của căn cơ Đại thừa,
của Bồ tát trên đoạn đường gần đến VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG
CHÁNH GIÁC của "Phật nhãn".
Người CHỨNG ĐẠO, nhìn thấy
thấu triệt bản chất căn nguyên của vạn pháp. Nói cách khác, người
chứng đạo nhìn hiện tượng vạn pháp họ thấy được cái
"thực tướng" của vạn pháp. Họ biết rất kỹ rằng cái
tướng thực của vạn pháp là "không có gì". Tất cả
chỉ là duyên sanh, mà duyên sanh thì như huyễn, không thật có.
Qua cái thấy của con người
chứng đạo, "vọng tưởng" đã là vọng thì còn quan tâm,
còn mơ tưởng, còn kết giao, gá nghĩa với nó được sao? Biết nó
vọng thì mình đã "không vọng". Không vọng là đã tự
"chơn" rồi. Do vậy, "vọng" không phải
"trừ", "chơn" không cầu, không cần "mơ ước"
mà tự có.
Nước trong, trăng hiện, mây
tan, trời hiện, phiền não vô minh hết, Phật tánh hiện. Trăng
vốn sẵn có trong lúc nước ao hồ vẩn đục. Phật tánh thanh
tịnh vốn có trong lúc con người biểu lộ đầy những phiền não
vô minh đau khổ. Giác là Phật, mê là tục tử phàm phu.
"Không
trừ vọng tưởng, chẳng cầu chân".
"Thật
tánh của vô minh là Phật tánh".
Kinh điển Phật thường để
cập "Tam thân" của con người chứng đạo. Pháp thân là cái
bản thể châu biến. Về thời gian xuyên suốt quá khứ, hiện
tại và vị lai. Về không gian khắp cùng đông, tây, nam, bắc, tứ
duy, thượng hạ. Từ Pháp thân đó, duyên sanh ra các hiện tượng
vạn hữu. Ảo hóa thân là một hiện tượng trong vô vàn hiện tượng
"duyên sanh". Vì thế cho nên ảo hóa thân không ngoài Pháp
thân. Từ nơi Pháp thân duyên khởi sanh ra ảo hóa thân. Ảo hóa thân
và Pháp thân, không phải LÀ mà không phải KHÔNG LÀ. Đó là chân
lý "Bất tức, bất ly", trung đạo. Bảo rằng: lu, hũ,
chum, ché, không phải đất. Đúng, nhưng không đúng trọn vẹn.
Bảo rằng: lu, hũ, chum, ché là đất. Đúng, nhưng cũng không đúng
trọn vẹn. Mà phải hiểu rằng: lu, hũ, chum, ché không "là"
đất nhưng chúng không ngoài đất. Đất không phải là lu, hũ,
chum, ché, nhưng ngoài đất không làm sao có lu, hũ, chum, ché.
Người biết học đạo, hành
đạo theo chánh pháp, không xem khinh thân ảo hóa, vì biết rằng thân
ảo hóa là diệu dụng duyên khởi của Pháp thân. Thân ảo hóa và
Pháp thân "bất tức mà bất ly" như đồ gốm và đất sét
của đại địa mênh mông kia vậy.
"Ảo
hóa không thân tức Pháp thân"
Nhận rõ và thực chứng được
bản thể thanh tịnh châu biến, chuyên sanh mầu nhiệm của Pháp thân,
bấy giờ chợt tỉnh và thấy rằng tất cả hiện tượng vạn
hữu có cùng một bản thể chung cùng, chỉ do nhân duyên không đồng
mà có sự sai khác. Dù hiện tượng vạn hữu có ngàn sai muôn khác
nhưng cái thấy của người chứng đạo: Tất cả cùng một thể
thanh tịnh không hề có sự vật nầy là nguyên nhân, gây đau khổ
cho sự vật nọ.
"Pháp
thân giác liễu vô nhất vật".
"Vô nhất vật" là
do "người chứng đạo" sử dụng tuệ nhãn, nhìn
vạn pháp bên mặt Tổng. Thấy có nhiều "vạn vật" tại
vì dùng nhục nhãn nhìn vạn pháp bên mặt Dị Biệt duyên sanh
của nó.
Từ nhận thức đó, người
chứng đạo thấy rằng: "duyên sanh" vạn pháp "vô tình"
cũng như "duyên sanh" vạn loại "hữu tình", cùng có
chung một "bản nguyên", một cội nguồn thanh tịnh là
"Thiên chân Phật".
"Ngũ
uẩn phù hư không khứ lai
Tam
độc thủy bào hư xuất một".
Dưới con mắt của người
chứng đạo, thân con người kết hợp bởi ngũ uẩn, duyên sanh. Vì
duyên sanh cho nên thân của phàm nhân hay thân của thánh đức đều
chung một dạng "phù hư". Vì là "phù hư" cho nên nó
sanh diệt, khứ lai, tụ tán. Cái điểm ưu việt khác hơn người
của con người chứng đạo là họ thấy rõ và biết kỹ rằng phù
vân dù có sanh diệt, khứ lai, tụ tán nhưng nó không bao giờ mất
mà nó vĩnh cửu khứ lai, sanh diệt, tụ tán trong bầu hư không
vốn dĩ bất sanh bất diệt. Dưới cái nhìn của người chứng đạo,
vấn đề sanh tử chỉ là chuyện tầm thường như vô vàn sự
vật diệt sanh tan hợp khứ lai bình thường khác.
Tham, sân, si, nhà Phật gọi chúng
là "Tam độc". Vì tánh tác hại của chúng gây cho loài người
không sao kể hết những biến chứng khổ đau cùng cực do chúng gây
ra. Nhưng bình tâm mà nói. Vận dụng tuệ nhãn mà nhìn thì
"tam độc" không có thực tánh. Tam độc cũng có thể
xuất hiện khiến cho con người khổ đau cùng cực. Tam độc cũng
có thể biến mất không để lại một bóng dáng, một dấu vết
xấu xa nào. Tam độc có hay không có tùy thuộc ở con người MÊ
hay GIÁC. Thực chất của tam độc là không có chất. Chúng như
những bong bóng nổi chìm sanh diệt của những cơn sóng vỗ mặt
ghềnh! Hiểu rõ chân lý đó, đối với sự tử sanh, sanh diệt
của tự thân cũng như của hiện tượng vạn pháp, người chứng
đạo thấy bằng cái thấy bình tĩnh, an nhiên, không có gì phải
lo âu, phải sợ hãi. Chẳng những thế, người chứng đạo còn
thấy biết rõ: Khi mình sanh ra từ đâu và đến và lúc chết sẽ
đi về đâu!
---o0o---
|
Mục
lục
|
Thi
ca 2 |
---o0o---
|
Thư Mục Tác Giả |
---o0o---
Vi tính : Hoa Giác - Quảng Thức
Trình bày: Nhị Tường
Cập
nhật :
11-05-2002