QUAN ĐIỂM CHUNG ĐƯƠNG THỜI VỀ
A-DỤC VƯƠNG
Trước đây không lâu tôi có đọc một quyển sách của một học giả Phật giáo
lỗi lạc và tôi chú ý đến nhận định sau đây:
"Khái niệm thành lập nên Sàsana hay Phật giáo ở một quốc gia riêng
biệt hoặc ở một nơi nào đó, lần đầu tiên do chính A-Dục Vương thai nghén
nên. Ông ta là vị vua đầu tiên chấp nhận Phật giáo như là một quốc giáo,
và khởi đầu cho một cuộc chinh phục tâm linh vĩ đại gọi là
Dhamma-vinaya… Như một nhà chinh phục và cai trị mà thường thiết lập
chính quyền ở những quốc gia bị chinh phục do chính mình bằng chính trị,
cũng vậy A-Dục Vương có lẽ đã nghĩ đến việc thành lập nên cái gọi là
sàsana ở những quốc gia bị ông ta chinh phục".
Trong một vài tác phẩm khác tôi cũng bắt gặp cùng một lập luận như vậy:
"A-Dục Vương là vị vua Phật giáo đầu tiên", "A-Dục Vương được gắn liền với
Phật giáo đại chúng, và với việc tiến hành rất nhiệt tâm những hoạt động
tôn giáo như hành hương và chiêm bái các Xá-lợi qua vấn đề ông ta quan tâm
đến việc xây dựng ngôi bảo tháp và điện thờ", rồi thì "A-Dục Vương là nhân
vật chính trị và tâm linh vĩ đại nhất của Ấn Độ cổ xưa".
Những lời bình luận như vậy là theo kiểu mà như A-Dục Vương đã được miêu
tả trong các tác phẩm viết về Nguyên thủy Phật giáo. Tôi đã cũng bỏ ra một
quãng thời gian rất dài của đời mình để nghiên cứu về các bia ký của A-Dục
Vương, song từ các bia ký ấy không khi nào tôi có thể tìm thấy được chân
dung một con người hoàn toàn trùng khớp với những gì mà chúng ta đã viết
về ông ta cả. Chính vì lẽ đó, hôm nay tôi muốn khảo chứng lại vai trò mà
A-Dục Vương đã đóng trong lịch sử Phật giáo, và tôi cũng xin chia xẻ những
gì chúng tôi biết về ông ta qua các văn bản Phật giáo với nguồn thông tin
mà chúng tôi có thể lấy được từ các bia ký của ông.
DỊCH PHẨM BIÊN NIÊN SỬ PÀLI
Chắc hẳn là mọi người ai ai cũng biết về A-Dục Vương thông qua nguồn thông
tin về vị vua nầy trong Biên Niên Sử tiếng Pàli, là đặc biệt là trong bộ
Mahàvamsa, mặc dầu rất nhiều cùng câu chuyện được kể với chi tiết rõ ràng
hơn trong các nguồn tư liệu bằng tiếng Sanskrit và Trung Quốc.
Trong bộ Mahàvamsa có ghi rằng sau khi phụ thân ông, Bindusàra, băng hà
thì A-Dục Vương đã giết 99 trong số 100 người anh em của mình, chỉ còn để
sót lại một mình Tissa mà thôi và ông nghiễm nhiên trở thành người trị vì
độc tôn cõi Diêm-phù-đề (Jambudvìpa). Thế rồi sau khi nghe vị Sa-di
Ni-câu-thuật (Nigrodha) thuyết giảng, ông thắm nhuần Tam quy và Ngũ
giới…và trở thành một vị Ưu-bà-tắc (Upàsaka). Chúng ta cũng được biết rằng
A-Dục Vương là người hộ trì vững chắc cho Phật giáo, ngăn chặn không cho
bất kỳ tôn giáo nào bành trướng cả. Ông đã ngưng không bố thí thức ăn hằng
ngày cho 60.000 vị Bà-la-môn mà trước đây cha ông đã từng bố thí, và thay
vào đó cúng dường thực phẩm cho 60.000 vị Tỳ-kheo. Ông còn ra lệnh cho xây
dựng 84.000 ngôi tịnh xá (vihàra) ở 84.000 thị trấn, trong số đó ngôi tịnh
xá nổi tiếng nhất là ngôi tịnh xá do chính bản thân ông lập nên ở
Pàtaliputra – tịnh xá Asokàràma; và ông còn dựng các ngôi bảo tháp (stùpa)
ở những nơi mà Đức Phật đã đến viếng thăm. Tư tưởng muốn trở thành người
kế Pháp đã thuyết phục đư?c ông cho phép người con trai Mahinda và cô con
gái Sanghamittà gia nhập tăng đoàn vào năm thứ 6 khi ông tại vị, và chính
sau nầy Mahinda đã được phái sang Srilanka (Tích Lan) với tư cách là một
nhà truyền giáo. Vào thời điểm phân chia bộ phái Phật giáo trong Tăng đoàn
thì chính đích thân ông lắng nghe các vị Tỳ-kheo tỏ bày những quan điểm
của họ và có thể quyết định ai là thuộc phái chính thống và ai là ngoại
đạo. Sau khi cuộc phân phái đã được giải quyết ổn thỏa, cuộc kết tập
(sangìti) lần thứ III được tổ chức dưới sự bảo trợ của ông.
Bộ
Mahàvamsa cho hay rằng vì những việc làm ác của ông nên mới đầu người ta
gọi ông là Candàsoka (A-Dục Vương hung bạo), nhưng sao nầy nhờ những việc
làm lương thiện của ông mà ông được gọi là Dhammàsoka (A-Dục Vương mộ
đạo). Dĩ nhiên, sự thay đổi tên gọi cũng muốn nhấn mạnh đến sự khác nhau
giữa một A-Dục Vương không biết gì về Phật giáo và A-Dục Vương với tư cách
là một Phật tử vậy.
VỀ
CHÍNH BẢN THÂN A-DỤC VƯƠNG
Chúng ta có thêm một số thông tin về A-Dục Vương khi đọc các trụ đá của
ông ta.
Tỷ
dụ như, câu chuyện ông quay về với Phật giáo được ghi lại trong Biên Niên
Sử hình như có chút gì đó hơi khác với thông điệp ông ghi trên trụ đá.
Lịch sử đầu tiên A-Dục Vương để tâm đến Phật giáo được kể lại trong bức
Đạo dụ khắc trên đá (Minor Rock Edict) đầu tiên. Nhưng trái lại, tôi như
vừa mới nhấn mạnh ở trên, theo nguồn tư liệu Pàli, thì A-Dục Vương đã hồi
tâm về với Phật giáo, đã cho xây dựng 84.000 tịnh xá, rồi thì cho phép
người con trai và người con gái mình gia nhập vào Tăng đoàn trong suốt 6
năm tại vị của ông; tuy nhiên, chúng ta có thể cân nhắc từ những lời lẽ
của A-Dục Vương rằng ông hồi tâm về với Phật giáo chỉ sự thật xảy ra đúng
ngay sau cuộc chiến tranh ở Kalinga. Hơn nữa trong bức Đạo dụ thứ 13, ông
còn nhấn mạnh rằng việc ấy chỉ xảy ra khi ông được tôn phong 8 năm. Việc
ông hồi tâm có thể cho là đúng vì ông hối hận, cũng không phải vì ông giết
anh chị em mình; việc này hình như bị phản bác lời xác chứng mà ông đã
viết cho anh chị em mình trong Đạo dụ thứ 5. Thật ra lý do ông hồi tâm là
vì việc ông đã đưa đi đày ải 150.000 người, việc ông giết 100.000 người và
cái chết của rất nhiều người ở thành Kalinga. Bộ Biên Niên Sử quả là không
biết tí gì về vụ tàn sát đẫm máu này. Vào thời điểm mà ông ban hành Đạo dụ
thì ông đã là một cư sĩ Phật tử trong hơn hai năm rưỡi rồi, bao gồm cả một
năm khi ông chưa thực sự thuận thành cho lắm - Điều này có nghĩa rằng sau
khi ông đã hồi tâm về với Phật giáo thì ông vẫn chưa phải là một Phật tử
nhiệt tâm - và rồi hơn một năm sau khi ông đã thuận thành, hộ trì Tăng
đoàn với nhữngh kết quả tốt đẹp. Ông nói rằng: "tôi đã có tiến bộ tốt".
Khi ông ban hành Đạo dụ đầu tiên thì cũng đúng vào thời điểm ông tại vị
năm thứ 11. Ông ban hành Đạo vị thứ 3 vào năm thứ 12, vậy thì Đạo dụ đầu
tiên và thứ 2, mặc dù không ghi niên đại, ắt là được ban hành trong cùng
một năm này hay là vào năm thứ 11 vậy.
Tuy nhiên, như câu chuyện có liên quan trong Đạo dụ đầu tiên thì chẳng có
bằng chứng trực tiếp nào chứng tỏ đó là Giáo đoàn Phật giáo mà ông tham
gia. Mặc dù trong một đoạn văn của Đạo dụ (Đạo dụ ở Maski) mà ông diễn tả
như là một Budhasake. Hultzsch đã dịch từ này là "(Tôi là) Buddha-Sakya"
(Phật Thích Ca). Dường như có lẽ sự ghép chữ Budh được thực hiện bởi một
người viết ở địa phương để "chỉnh lại" từ upàsake (Ưu-bà-tắc) mà A-Dục
Vương đã thảo ra. Điều đáng chú ý là từ Budhasake hay tiếng tương của nó
không hề xuất hiện trong bất cứ đoạn văn khác của Đạo dụ đầu tiên. Tất cả
của những đoạn văn khác đều có chữ upàsaka.
Chắc hẳn là người khắc Đạo dụ biết được rằng chẳng có một dấu hiệu nào
nhắc đến bộ phái mà A-Dục Vương tham gia để trở thành một Ưu-bà-tắc, mà
ông ta cũng muốn cho được sự tình rõ ràng đối với các đọc giả sau này, nên
đã ghép chữ "Buddha" vào trước chữ upàsáka, rồi khắc lên trụ đá.
Tuy nhiên, sự xác chứng về A-Dục Vương trở thành một Phật tử được công
nhận qua việc ông đến viếng thăm cây Bồ-đề, việc này được diễn tả trong
Đạo dụ thứ 8 ban hành lúc ông được tôn phong 10 năm. Đây chắc hẳn là một
trong những kết quả đầu tiên sau khi ông hồi tâm trở về với Phật giáo, và
điều này có lẽ cũng trùng khớp với cuộc viếng thăm Tăng-già mà nhờ đó đã
cải thiện đời sống tôn giáo của ông.
Thật vậy, chúng ta có thể đoan chắc rằng đối với A-Dục Vương, thì Tăng-già
có nghĩa là Tăng-già Phật giáo, bởi vì ngay trong Đạo dụ thứ 11, khi ông
tổng kết hết những thành tựu của mình, ông tuyên bố rằng ông đã thiết lập
những vị "Đại quan" (Mahamatra) có đức độ để trông coi về vụ việc của Tăng
chúng, của các vị Bà-là-môn, các vị Ajìvika (Tà mạng ngoại đạo), Kỳ-na
giáo đồ và các giáo phái khác thì có ghi rõ tên, nhưng Tăng-giàđây phải là
Tăng-già Phật giáo.
Thế thì chẳng còn nghi ngờ gì rằng A-Dục Vương là một cư sĩ Phật tử, nhưng
cũng không có lý do gì mà tin rằng tâm trí ông lại gắn liền với tôn giáo
khác, và chúng ta có thể thấy trong Đạo dụ thứ 6 là ông tôn kính tất cả
các bộ phái bằng nhiều hình thức khác nhau; và theo ông thì hình thức hay
nhất là đích thân đến viếng thăm họ. Như chúng ta thấy, pháp hành của ông
là đạo đức trái với tâm linh, cho nên nếu nói cho công bằng thì ông ta
cũng có thể là tín đồ Kỳ-na giáo vậy.
PHÁP HÀNH CỦA A-DỤC VƯƠNG
Các Đạo dụ cung cấp khá nhiều thông tin về cách mà A-Dục Vương truyền bá
Pháp (dhamma) của mình. Đó là dhammathambhas "những cột trụ pháp",
dhammalipi "văn thư pháp", dhammamgala "tế lễ pháp", dhammadàna "bố thí
pháp", dhammanuggaha "nhiếp thọ pháp", dhammayàtras "những cuộc lữ hành
pháp", dhammasavana "nghe pháp", dhammamahàmàtras "những vị đại thần
pháp", dhammavijaya "chinh phục pháp".
Vấn đề là phải biết xem thử pháp của A-Dục Vương có giống với pháp của Đức
Phật hay không. Ông ta thể hiện rõ sự khác nhau giữa sự thực hành và thành
lập thông thường, và lối giải thích về pháp của chúng. Một cột trụ là một
thamdha. Nó trở thành một cột trụ pháp nếu pháp của A-Dục Vương được khắc
lên đó. Cũng đã có những vị đại quan trước thời A-Dục Vương, nhưng chính
ông là người đầu tiên thành lập nên những vị đại quan pháp để truyền bá
pháp của mình. Trước thời ông, các vị vua cũng đã từng thực hành những
chuyến lữ hành. Riêng ông thì thành lập các cuộc lữ hành để ông có thể
thực hành pháp của mình trong suốt những chuyến lữ hành ấy. Người ta đã
từng tiến hành tất cả những loại tế lễ trong trường hợp bị đau ốm, tại
những cuộc đám cưới, để cầu xin con, hay cầu xin an toàn trước khi lên
đường v.v… Tuy nhiên, tế lễ pháp lại là phương thuốc trị bệnh thích hợp
cho những người dân nô lệ và đầy tớ, kính trọng các bậc tôn sư, là sự tự
chế ngự đối với các xin vật sống, sự rộng lượng đối với những vị Sa-môn và
Bà-la-môn v.v…
Pháp của A-Dục Vương còn được giải thích rõ ràng trong nhiều bia ký, tỷ dụ
như dưới một hình thức vắn tắt trong bản Đạo dụ thứ hai như sau: "Hãy vâng
lời cha mẹ mình; vâng lời người lớn tuổi; có từ tâm với sinh vật sống; nói
sự thật". Người ta bảo rằng tất cả những điều này phù hợp với sự tự nhiên
của cổ nhân (porana pakati), một diễn dịch của thế kỷ thứ 3 sau Công
Nguyên là "trở về với nguyên sơ". Ở một nơi khác, trong bản Đạo dụ thứ 3,
có xuất hiện một lối giải thích hơi rộng về vấn đề trên như sau "Vâng lời
cha mẹ là tốt; hào phóng với bạn bè, người thân quen và bà con họ hàng,
với các vị Sa-môn và Bà-la-môn là tốt; có tiết độ trong tiêu dùng, trong
tài sản là tốt".
Một loạt Đạo dụ trên các trụ đá mà chúng ta thường gọi là Đạo dụ Trụ đá
(Pillar Edicts), nhằm giải thích về pháp A-Dục Vương, với một bản tường
thuật chính bản thân ông đã tuân theo pháp ấy như thế nào; đó là bằng cách
ông đã trồng nhiều cây để tạo bóng râm hai bên đường đi, rồi đào giếng và
tạo những nơi cấp nước cho người và súc vật. Đạo dụ một nói về sự cai trị
bằng pháp; Đạo dụ 2 nhấn mạnh rằng pháp gồm có ít tạo tội, làm nhiều điều
thiện, thể hiện lòng từ bi, bố thí nói thật và trong sạch tâm linh. A-Dục
Vương đã làm nhiều việc thiện bằng cách không sát sanh. Đạo dụ 3 nói về
thiện và ác và minh chứng rằng ác là hung bạo, tàn nhẫn, phẫn no, kiêu
căng và thèm khát. Đạo dụ 4 nhấn mạnh đến nhu cầu và bình đẳng công lý và
việc cải tạo các tù nhân. Đạo dụ 5 thì ngăn cấm việc giết hại một số sinh
vật mà có nêu rõ tên. Đạo dụ 6 nhấn mạnh rằng mục đích chính là đem lại
hạnh phúc cho tất cả. Mọi giáo phái đều được tôn kính, đặc biệt là những
giáo phái đích thân ông đến viếng thăm. Đạo dụ 7 như là một bản tổn kết
những việc mà A-Dục Vương đã làm. Ông giải thích lý do vì sao các vị vua
ngày xưa đã tìm cách tăng cường pháp. Riêng A-Dục Vương quyết định thực
hiện pháp ấy bằng cách thuyết giảng và dạy dỗ, rồi ông thành lập nên các
cột trụ pháp (dhammathambaha) và đại quan pháp (dhammamahàmàtras) để đưa
quyết định của ông thành thực tiễn. Các vị đại quan pháp gắn liền với tất
cả giáp phái. Pháp một lần nữa được định nghĩa như là: vâng lời cha mẹ,
vâng lời sư trưởng, kính trọng người già, cư xử thích hợp với các vị
Sa-môn và Bà-la-môn, với người nghèo, nô lệ và đầy tớ. Pháp ấy càng ngày
càng gia tăng là nhờ vào hiến pháp của A-Dục Vương, tỷ dụ như nói về việc
không giết hại thứ vật, đó cũng là vì thái độ tâm linh… vì lương tâm cá
nhân (nijhati).
Ở
một nơi khác như trong Đạo dụ khắc trên đá lớn cho ta biết rằng người ta
phải vâng lời và tuân theo pháp ấy. Món quà mà pháp ấy đem lại được xem
như là phương thuốc chữa bệnh thích hợp cho những người nô lệ, vâng lời
cha mẹ, v.v…, rộng lượng với các vị Sa-môn và Bà-la-môn, bất sát sanh.
Chính pháp ấy đem lại công đức vô lượng.
A-Dục Vương gọi các Đạo dụ của ông là những văn thư pháp (dhammalipi) và
chúng ta có thể đọc rồi thấy rõ ràng trong mỗi văn thư ấy chứa đựng pháp
gì. Pháp đó dành riêng cho vấn đề đạo đức, đó cũng là lý do vì sao chúng
ta thường dịch từ dhammalipi là "huấn dụ về đạo đức". A-Dục Vương đã cho
phổ biến pháp của mình thật rộng rãi, rồi thiết lập nên những vị đại quan
pháp để giám thị pháp ấy, cho dựng những cột trụ pháp để khắc pháp ấy lên,
và phái các vị sứ giả (duta) để đem pháp ấy đi tuyên truyền khắp Ấn Độ và
thậm chí đến tận miền Tây Hy Lạp. Trong một chừng mực nào đó thì có thể
nói rằng những tư tưởng đạo đức này hoàn toàn phù hợp với những lời dạy về
đạo đức của Phật giáo, ngoài ra chẳng có cái gì thuần túy Phật giáo trong
tư tưởng ấy cả. Đối với sự nhấn mạnh về bất sát sanh (ahimsà) thì tư tưởng
ông giống hệt Kỳ-na giáo. Quả thật vậy, người ta đã lập nên một bản so
sánh tương đương về danh sách tên các sinh vật không được giết hại ghi
trên Đạo dụ thứ 5 và danh sách các sinh vật trong Thánh thư Kỳ-na giáo.
Chúng ta thấy rằng, trong Đạo dụ ở Bairàt, dưới tên riêng của mình là
Priyadasi, A-Dục Vương chào mừng Tăng-già và cầu chúc Tăng-già hưng long.
Ông ta nói rằng đức tin của ông vào Phật, Pháp và Tăng thật vĩ đại biết
bao. Rõ ràng là trong bản văn này, từ Dhamma (Pháp) có nghĩa thường dùng
như là một trong ba yếu tố của Tam Bảo (Triratna), nhưng thật ra pháp mà
A-Dục Vương ám chỉ đến không giống pháp của Đức Phật. Vì lẽ đó, đoạn trích
dẫn mà tôi có đưa ra ở phần đầu bài diễn thuyết này về việc thiết lập nên
cái gọi là sànana ở những quốc gia mà ông ta đã chinh phục bằng tâm linh,
hình như dựa trên sự hiểu lầm về bản chất pháp của A-Dục Vương.
SỰ
CHINH PHỤC VÀ CÁC SỨ GIẢ CỦA A DỤC VƯƠNG
Cũng một đoạn trích dẫn ấy hình như là sai lầm khi đề cập đến các quốc gia
đã bị A-Dục Vương chinh phục bằng tâm linh, nếu như pháp của ông ta là
pháp chinh phục (dhammavijaya). Theo như tôi biết thì A-Dục Vương đã bành
trướng đế quốc mình bằng sức mạnh, nhưng sau đó lại nghĩ ra được nguyên
tắc chiến thắng bằng đạo đức, và rồi truyền thừa nguyên tắc ấy cho hậu duệ
của ông ta.
Theo tôi thì nguyên tắc chủ đạo của A-Dục Vương là bất sát sanh (ahimsa),
hay nói cho đúng ra thì đó là kết quả sự hối hận của ông sau cuộc tàn sát
đẫm máu ở Kalinga. Đạo dụ đầu tiên của ông ban ra hầu hết toàn bộ liên
quan đến việc nghiêm cấm sát sanh trong đời thường, gồm cả việc giết súc
vật để tế lễ và ăn thịt.
Trong Đao dụ thứ 13 ông kể đến câu chuyện sau chiến thắng ở Kalinga thì
chết chóc và khổ đau xảy ra như thế nào, chính điều đó đã cắn rứt lương
tâm ông và ông thiết tha mong mỏi có đạo đức (dhamma-pháp). Song điều làm
A-Dục Vương đau lòng là chính những người tuân thủ theo pháp của ông ta,
trong đó bao gồm cả các vị Sa-môn, Bà-la-môn, thì chính họ lại chịu khổ
đau. Lúc bấy giờ, điều ông muốn là một cuộc chinh phục bằng pháp, bao gồm
cả sự an ninh cho mọi loài, sự tự chế ngự, tính trầm tĩnh và hòa nhã. Các
sứ giả được phái đi khắp nơi để thuyết giảng pháp này, gồm cả những vương
quốc miền Tây Hy Lạp. Cuộc chinh phục bằng đạo đức (dhamma) của ông được
công bố với hy vọng rằng hậu duệ của ông sẽ không nghĩ rằng đó là chiến
thắng bằng quân sự, bằng vũ trang mà thường dẫn đến thảm sát giống như ở
Kalinga. Chiến thắng như vậy sẽ mang tính nhẫn nại (khantil) và trừng phạt
nhẹ (lahudandatà). A-Dục Vương cầu mong sao cho những người dân trụ ngụ
trong rừng núi (giống như ông ta) có thể ăn năn (những việc làm sát sanh
xưa kia?) và chấm dứt sát hại (trong tương lai).
Và
theo tôi thì chắc chắn những vị sứ giả được phái đến các Vương quốc Hy Lạp
kia không phải là được giao cho sứ mạng truyền bá Phật giáo. Dường như họ
được phái đến để nhằm tận lực thuyết phục các nhà cai trị ở các nước lân
bang rằng họ cũng nên từ bỏ đi tham vọng chinh phục bằng chiến tranh, mà
nên thiết lập một vương quyền hòa bình và an định, trên cơ sở nguyên tắc
pháp của A-Dục Vương. Theo tôi việc A-Dục Vương cho tăng cường các phái
đoàn sứ giả đến Hy Lạp, quả là một sai lầm vậy. Cố nhiên chúng ta cũng
chẳng có bằng chứng nào về phía Hy Lạp cho biết rằng có bao nhiêu phái
đoàn sứ thần đã đến nước này vào khoảng năm 250 trước Công Nguyên.
PHẬT GIÁO CỦA A DỤC VƯƠNG
Thật quá rõ ràng từ những điều tôi vừa mới nói về pháp của A-Dục Vương mà
những ai cho rằng ông ta đã làm cho Phật giáo trở thành quốc giáo, thì quả
thật quá rộng về nhận định. Trong các Đạo dụ của mình, A-Dục Vương đề cập
rất ít hay thậm chí là chẳng nói gì về Phật giáo cả. Ông chẳng hề đề cập
đến giáo lý căn bản của Phật giáo như là Luân hồi (samsàra), giải thoát
(mokkha), Niết-bàn (nibbàna), Vô ngã (anatta), Bát Chánh Đạo, hay Tứ Diệu
Đế. Một trong những Đạo dụ riêng khác có nhấn mạnh rằng mục tiêu mà ông
nhắm đến là vì hạnh phúc của tất cả; và nhiều bia ký khác cũng có ghi lời
tuyên bố rằng mục đích chính của ông là muốn cho dân chúng ông được sống
trong hạnh phúc trên cõi thế, trên trời và ở các thế giới khác nữa. Ông ta
khoe khoang rằng ông đã hòa lẫn con người với chư thiên. Tôi đưa ra điều
này là để muốn nói rằng ông đã thành công trong việc đưa con người lên
Thiên giới, mà nơi đó dĩ nhiên rồi một lúc nào đó họ cũng được tái sanh
làm chư thiên. Theo tôi thì điều này lại hoàn toàn khác với giáo lý tái
sanh luân hồi vô tận của Phật giáo.
Sự
thất bại chung của ông là lý giải Phật giáo khác đi rất nhiều. Chắc có lẽ
vì vô minh hay chăng, mặc dù ông đã nghiễm nhiên là một vị cư sĩ Phật
giáo, song ông chẳng có một chút hiểu biết gì về giáo lý Phật giáo cả. Có
lẽ ông cũng hiểu biết về Phật giáo, nhưng ông lại nghĩ rằng Phật giáo
thường biệt đãi một giáo phái nào đó quá mức, và như thế nó sẽ phá hủy
tính không thiên vị mà ông nhắm đến để bày tỏ một nơi nào đó. Cũng có thể
là ông cho rằng Phật giáo không thích hợp cho việc ông ban hành Đạo dụ,
hay nói trắng ra, là không phù hợp cho việc ông muốn lưu bố cái gọi là
pháp hành cá nhân của ông, mà pháp này mục đích đem lại hòa bình cho đế
quốc ông và có thể làm cho thần dân ông được sống trong tinh thần hài hòa
bình đẳng với nhau.
Một trong những giải thích hơi kỳ lạ mà tôi đã có đề cập qua là quan điểm
cho rằng những gì A-Dục Vương truyền đạt trong các Đạo dụ của mình chính
là giai đoạn mà trong đó Phật giáo chính là thời kỳ của ông ta. Hultzsch
cho rằng: "Pháp của A-Dục Vương được đồng ý khắp nơi dưới hình thức đạo
đức Phật giáo mà đạo đức ấy là bảo tồn trong… Kinh Pháp Cú. Ở đây, chúng
ta thấy rằng Phật giáo đang còn tuổi ấu thơ vậy…". Ông ta còn nói thêm
rằng: "Trong một quan điểm trọng chính mà các bia ký của A-Dục Vương khác
với Kinh Pháp Cú là không phản ánh giai đoạn khởi nguyên hình thành nên
thần học và siêu hình học Phật giáo như đã diễn đạt trong kinh này. Ông
chẳng biết tý gì về giáo lý Niết-bàn, thế mà giả định trước đức tin Ấn Độ
giáo cho rằng phần thưởng của việc tu tập theo pháp của ông là sẽ được
hạnh phúc trong đời này và phước báo cho đời sau ". Ông Hultzsch đã nêu
lên một vấn đề rất lý thú về bản chất của siêu hình học Phật giáo. Có thể
rằng giáo lý Niết-bàn là thuộc vào giai đoạn phát triển sau này của Phật
giáo chăng? Tôi chẳng tin vấn đề lại như vậy, và vì lẽ đó tôi nghĩ rằng lý
do mà ông Hultzsch đưa ra sự thất bại của A-Dục Vương khi đề cập đến
Niết-bàn là không đúng.
Ở
một khía cạnh khác, vấn đề có vẻ giống hệt với những gì đã được tìm thấy ở
Srilanka và được Richard Gombrich miêu tả nên. Richard tường thuật rằng:
"Nhưng hầu hết người dân Tích Lan không muốn Niết-bàn… họ chỉ bảo rằng họ
chỉ muốn sanh lên Thiên giới mà thôi". Vâng ít nhất là mấy người này cũng
hiểu rõ về Niết-bành. Còn A-Dục Vương thì chưa từng bao giờ nghe đến điều
ấy cả. Mặc dù lời tuyên bố của những người dân làng kia nghe có vẻ lạ
thật, nhưng thật ra nó lại hoàn toàn trùng khớp với lời tuyên bố mà chúng
ta có thể tìm thấy ở cuối Kinh Xà Dụ (Alagaddùpamasutta) của Kinh Trung Bộ
(Majjhima-nikàya), ở đó đức Phậ tuyên bố rằng những vị Tỳ-kheo nào tu tập
đúng pháp với pháp có tín tâm, thì sẽ được chánh giác (sambdhi); còn những
ai chỉ có tín tâm vào Phật và kính quý Ngài thì người ấy sẽ được sanh lên
Thiên giới. Như vậy những người dân làng này biết rất rõ về Niết-bàn,
nhưng họ thích sanh lên Thiên giới hơn vì họ kính quýĐức Thế Tôn. Còn
A-Dục Vương thì chẳng thể hiện sự kính quý nào đối với Đức Thế Tôn cả. Đối
với ông ta, sanh lên Thiên giới làn nhờ làm những điều như đã quy định
trong pháp của ông. Như ông đã từng đặt câu hỏi trong Đạo dụ thứ 9 rằng:
"Còn có điều gì hơn là được sanh lên Thiên giới chăng?"
VỀ
ĐẠO DỤ Ở BAIRÀT
Sự
thể hiện mạnh nhất về mối liên hệ của ông với Phật giáo là ở trong Đạo dụ
ở Bairàt mà tôi đã đưa ra trước đây, và chúng ta cũng nên lưu ý rằng điểm
duy nhất mà ông có đề cập đến giáo lý Phật giáo là ở trong Đạo dụ viết cho
Tăng-già này. Trong Đạo dụ này ông nói rằng tất cả những gì do Đức Phật
thuyết giảng đều là đúng, và ông có giới thiệu 6 tên bản kinh cho
Tăng-già. Ông cho giáo lý của Đức Phật là diệu pháp (saddhamma), mà có lẽ
đó cũng là một việc làm cố ý muốn phân biệt pháp của Đức Phật với pháp của
ông. Chúng ta cũng hy vọng rằng A-Dục Vương có thuyết giáo cho những người
hồi tâm cải giáo. Có một vấn đề mà chúng ta vẫn chưa thể biết chắc chắn về
tính đồng nhất của một số văn bản, song vì đôi khi chúng ta cũng thấy được
rằng các luận sớ, tỷ dụ như về bộ Kinh Tập (Sutta-nipàta), thì có nhiều
văn bản dưới nhiều tên khác nhau. Nên có lẽ chúng ta cũng không lấy làm
ngạc nhiên gì khi chúng ta không tài nào nhận biết được tất cả những bản
mà A-Dục Vương đã chọn. Câu hỏi đặt ra là liệu A-Dục Vương có khả năng kể
rõ đích danh những bản ấy hay không? Câu hỏi này ám chỉ muốn nói rằng có
một số Thánh điển đã thật sự hiện hữu trong thời ông ta, song Thánh điển
ấy thật quá phức tạp đến nỗi ngày nay chúng ta chẳng tài nào giải quyết
nổi.
--- o0o ---
Mục
Lục ] [
01]
[02]
[03]
[04]
[05]
[06]
--- o0o ---
Source:
http://www.buddhanet.net/
Cập nhật ngày: 01-6-2004
Trình bày: Nhị Tường
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục