11. Bia ký Kalsi, ban năm 256 TTL.
24. Nhiều bản chấm dứt ngang đây.
25. Bia ký ở Girnar,
Dhauli và Jaugada lại thêm đoạn này.
ĐTPD X
Thiên tử, Vua Piyadasi
không xem vinh quang và danh vọng có giá trị gìù trừ phi thần dân của trẫm
đều nghe đến Chánh Pháp và thực hành Chánh Pháp trong hiện tại vàtương
lai. [26] Chỉ có điều này Thiên tử, Vua Piyadasi mới muốn được vinh quang
và vang danh.
Tất cả mọi nỗ lực của trẫm
chỉ nhắm đến giải thoát cho con người khỏi vòng nô lệ trong đời từ nay về
sau. Bởi ác nghiệp là vòng nô lệ. Thật là nan sự cho kẽ giàu và người
nghèo trừ phi họ tận lực và từ bõ tham vọng. Lại càng khó bội phần cho kẽ
giàu hơn là người nghèo. [27]
Ghi chú:
26. Bia ký Girnar, ban
vào năm 256 TTL.
27. Bản Dhammika dịch
đoạn này như sau: "Tất cả mọi nỗ lực của trẫm chỉ nhắm đến an sinh trong
đời sau cho thần dân, và để họ không vướng ác nghiệp. Vô phước đức là ác
nghiệp. Thật là việc khó làm cho kẽ hèn hạ và người cao sang trừ phi họ
tận lực và từ bõ tham vọng. Lại càng khó bội phần với người cao sang
(hơn là với kẽ hèn hạ)."
ĐTPD XI
Thiên tử, Vua Piyadasi
phán rằng: [28] Không quà nào bằng quà Chánh Pháp (Dharma-dana), [29]
không sự quen biết nào bằng sự quen biết Chánh Pháp (Dharma-samstava),
không sự san xẻ nào bằng sự san xẻ Chánh Pháp (Dharma-samvibhaga), và
không sự thân thuộc nào bằng sự thân thuộc Chánh Pháp (Dharma-sambandha).
Và nó bao gồm những điều này: đối xử tử tế với nô tì và gia nhân, kính
trọng cha mẹ, hào phóng với bạn bè, phối ngẫu, bà con, các bậc tu hành, và
đừng sát sinh. Vì thế một người cha, một người con, một người anh em, một
người chủ, một người phối ngẫu, hay một người hàng xóm nên bảo rằng: "Điều
này có phước đức, nên làm." Bằng cách biếu quà Chánh Pháp, người ta được
lợi lộc ngay trong đời này và vô lượng phước đức trong đờùi sau".
Ghi chú:
28. Bia ký Girnar, ban
vào năm 256 TTL.
29. Dharma-dana: Đàn thí
Chánh Pháp. Tương tự "Pháp Cú" (Dhammapada) câu 354.
ĐTPD XII
Thiên tử, Vua Piyadasi tôn
kính tất cả các bậc tu hành và các cư sĩ của các tôn giáo qua quà cáp ngài
ban và nhiều sự vinh dự. [30] Nhưng Thiên tử, Vua Piyadasi không coi trọng
quà cáp hay vinh dự bằng sự tăng trưởng về đạo hạnh của người có tín
ngưỡng. [31] Sự tăng trưởng về đạo hạnh có thể đạt được bằng nhiều lối,
nhưng cái gốc rễ vẫn là phải kềm chế lời nói, không được đề cao tôn giáo
mình và lại phỉ báng tôn giáo khác một cách vô cớ, hoặc là khi đúng cớ thì
lại quá đà.
Dù bất kỳ lý do nào, tín
ngưỡng của kẽ khác cần phải được tôn vinh. Có như vậy thì tôn giáo của
mình cũng được lợi lộc, và tôn giáo của kẽ khác nữa. Ngược lại thì tôn
giáo của mình bị tổn hại, và tôn giáo của kẽ khác nữa. Kẽ nào huyênh hoang
về tôn giáo của mình vì cuồng tín và phỉ báng tôn giáo kẽ khác với ác ý
"Để ta làm vinh quang đạo của ta", thì chỉ làm tổn hại đến tôn giáo của
mình. Vì thế, sự hòa đồng tôn giáo là điều tốt. [32] Ai cũng phải lắng
nghe và tôn kính giáo lý của đạo khác.
Thiên tử, Vua Piyadasi
muốn rằng mọi người nên tìm hiểu thêm giáo lý chân chính của tôn giáo
khác.
Kẽ nào chỉ biết cố chấp
với tôn giáo của mình thì phải được dạy rằng: Thiên tử, Vua Piyadasi không
coi trọng quà cáp và vinh dự bằng sự tăng trưởng về đạo hạnh của mọi tôn
giáo. Để đạt đến điều này, các Pháp Đại thần, các Đại thần chuyên lo về
hậu cung, những quan lại trông nom những vùng xa xôi và những quan lại
khác phải tận tâm. Và kết quả là tôn giáo của mỗi người đều thăng tiến và
Chánh Pháp cũng được rạng rỡ.
Ghi chú:
30. Bia ký Girnar, ban
vào năm 256 TTL.
31. Nguyên bản:
"saravadi"dịch là "tinh túy tôn giáo" có nghĩa là "phẩm chất đạo hạnh".
32. Theo Bản Dhammika,
vốn dựa vào bản bằng tiếng Pal, dịch theo câu "Ta samavayo eva sadhu";
mà "Samavayo" chiết tự ra thí có "sam + ava + i", có nghĩa là "đến với
nhau".
ĐTPD XIII
Thiên tử, Vua Piyadasi xâm
chiếm Kalinga tám năm sau khi ngài đăng quang. [33] Một trăm năm chục ngàn
người bị bắt và bị đầy, một trăm ngàn người bị giết và rất nhiều người nữa
chết vì những lý do khác. Ngay sau khi Kalinga được chinh phục, Thiên tử,
Vua Piyadasi mạnh mẽ nghiêng về học hỏi Chánh Pháp, yêu thích Chánh Pháp
và muốn phát triển Chánh Pháp.
Nay Thiên tử, Vua Piyadasi
rất xúc động và lấy làm hối hận đã chinh phục Kalinga. Thực vậy Ngài rất
buồn và hối tiếc việc chinh phục một dân tộc bất khuất qua tàn sát, chết
chóc và đầy ải. Điều quan trọng hơn đã làm Thiên Tử hối hận là các bậc tu
hành cũng như giới cư sĩ, tín đồ của các tôn giáo của nước này – tất cả
đều thực hành kính trọng bậc trưỡng thượng, cha mẹ và thầy dạy, đối xử tử
tế và trung thành với bạn bè, người quen, kẽ phối ngẫu, bà con, nô tì, gia
nhân – đã bị thương, bị giết hay bị chia lìa với người thân. Ngay cả những
kẽ không bi hề hấn cũng đau khổ khi thấy bạn bè, người quen, người phối
ngẫu và bà con bị liên lụy. Những việc này làm Thiên tử, vua Piyadasi đau
buồn.
Không có nước nào, trừ xứ
của người Yonas (Hy Lạp) ở đó không có các bậc tu hành (giống như tu-sĩ
Bà-la-môn và đạo sĩ khổ hạnh), và không ở nơi nào mà cư dân lại không
phụng thờ tôn giáo này hay tôn giáo nọ. [33] Bởi thế, dù số tử vong hay số
bị đày ải qua trận Kalinga chỉ bằng một phần trăm hay một phần ngàn của
thực sự, điều này cũng làm Thiên tử, Vua Piyadasi đau buồn. Ngài nghĩ rằng
những ai phạm lỗi nên được tha thứ nếu có thể. [34]
Ngay đối với dân mọi rợ
nay sống dưới quyền cai trị của Thiên tử, Vua Piyadasi, cũng nên theo lối
sống mới mà cư xử đàng hoàng. Chúng nên được khuyến cáo rằng dù Ngài hối
hận nhưng Ngài vẫn còn đũ quyền lực để trừng trị bọn chúng nếu chúng phạm
tội đáng chết. Thực vậy, Thiên tử muốn ai cũng được vô hại, tự chế, và
công bằng, ngay cả những kẽ phạm lỗi.
Nay Thiên tử, Vua Piyadasi
xem Chinh Phục bằng Chánh Pháp (Dharma-vijaya) mới là cuộc chinh phục quan
trọng nhất. [35] Cuộc chinh phục này đã chiến thắng liên tục không những
trong xứ mà còn cả với những dân sống ngoài biên cương xa đến sáu trăm
do-tuầøn, (yojanas) [36] ở đó vua Yona (Hy-Lạp) là Antiyoka cai trị, và xa
hơn nữa nơi của bốn vua khác cai trị, đó là vua Turanmaya, Antikini, Maka,
và Alikasudara,[37] xuống phía nam với dân Cholas, dân Pandyas, và còn xa
hơn nữa là dân Tamraparni. [38]
Ở đây trong lãnh thổ của
Thiên tử, giữa dân Yonas, [39] dân Kambojas, dân Nabhakas, dân
Nabhapamkits, dân Bhojas, dân Pitinikas, dân Andhras và dân Palidas, khắp
nơi dân đều theo lời giáo huấn về Chánh Pháp của Thiên tử, Vua Piyadasi.
Cả đến những xứ mà sứ giả
của Thiên tử, Vua Piyadasi chưa đến, dân ở đấy cũng đã nghe đến Chánh Pháp
và những chiếu chỉ của Thiên tử về Chánh Pháp nên họ đã tuân thủ và tiếp
tục tuân thủ. Cuộc chinh phục bằng Chánh Pháp này diễn ra khắp nơi và đem
lại niềm hân hoan – niềm hân hoan chỉ do chinh phục bằng Chánh Pháp đem
lại mà thôi. Nhưng niềm hân hoan cũng chỉ là kết quả nhỏ. Thiên tử xem quả
gặt được trong đời sau mới thực quan trọng.
Trẫm cho ghi Pháp dụ này
để các con và cháu của trẫm khi kế vị đừng lấy xâm lăng làm thành tích.
Nếu chinh phục thì nên khoan hòa và nhẹ trừng phạt. Nên xem chinh phục
bằng Chánh Pháp là cuộc chinh phục thật sự, bởi nó có kết quả trong đời
này và đời sau. Hãy vui lấy niềm vui trong Chánh Pháp (Dharma-rati), bởi
nó mang lại kết quả tốt rong đời này và đời sau.
Ghi chú:
32. Bia ký Kalsi, ban
năm 256 TTL. Kalinga, bây giờ là bang Orissa.
33. Thời bấy giờAsoka
nghĩ rằng Hy-Lạp là xứ vô tôn giáo.
34. Bản Nikam dịch: "Bây
giờ, vua Priyarsi nghĩ rằng kẽ phạm lỗi với Ngài nên được tha thứ nếu
lỗi ấy có thể tha thứ được."
35. Có thể Asoka nghĩ
đến "Pháp Cú" câu 103-104.
36. Khoảng ba ngàn dặm.
37. Theo thứ tự, là các
vua Antiochos II Theos của Syria (261-246 TTL), Ptolemy II Philadelphos
của Egypt (285-247 TTL), Antigonos Gonatos của Macedonia (278-239 TTL),
Magas của Cyrene (300-258 TTL) và Alexander của Epirus (272-258 TTL).
38. Xem ghi chú 3.
39. Xem ghi chú 13.
ĐTPD XIV
Thiên tử, Vua Piyadasi ra
lệnh cho những Pháp dụ này được ghi. Vài bản được ghi ngắn gọn, vài bản
được ghi vừa đủ hay vài bản được ghi dài hơn. [40] Không phải tất cả đều
được trưng bày khắp nơi bởi lãnh thổ của trẫm rất rộng. Nhiều bản đã được
khắc và trẫm sẽ còn sai làm thêm.
Vài Pháp dụ đã được lập đi
lập lại vì lời hay ý đẹp của lời dạy để thần dân thực hành noi theo. Vài
Pháp dụ không hoàn tất vì không thích hợp với địa phương, hoặc vì cần loại
bõ, hoặc vì lỗi của người ghi khắc.
Ghi chú:
40. Bia ký Girnar, ban
vào năm 256 TTL.
B. Những Thạch Pháp Dụ
Kalinga
TPDKa I
Thiên tử, Vua Piyadasi
phán lệnh này cho các Đại thần ở Tosali cũng là các Phán quan thuộc thành
ấy: [41] Trẫm muốn thấy những gì trẫm xem là chính đáng phải được thi hành
nghiêm chỉnh. Trẫm phải chỉ thị cho các ngươi lối thực hiện điều này vì
trẫm đã đặt các ngươi ở vị trí phải thu phục được nhân tâm của hàng vạn
người.
Mọi người đều là con cái
của trẫm. Những gì trẫm ước muốn cho con cái của trẫm, như phúc lợi và
hạnh phúc cho đời này và đời sau, trẫm đều ước muốn như thế cho thần dân.
Các ngươi không hiểu lòng trẫm muốn như thế nào về những điều này, và dù
một vài người trong các ngươi hiễu đi nữa cũng không thấu đáo hết lòng của
trẫm.
Các ngươi phải quan tâm
đến điều này. Trong khi thi hành luật pháp nhiều người phải bị giam cầm,
tra khảo và ngay cả bị giết vô cớ nên lòng dân ta thán. Vì thế các ngươi
phải hành sự thật vô tư. Phải tránh tị hiềm, tức giận, tàn bạo, thù ghét,
nhẫn tâm, trây lười hoặc mệt nhọc. Luôn phải tự hỏi "Những thói ấy có ở
trong lòng ta không?" Cốt lõi vẫn là không tức giận và nên nhẫn nại. Quan
chức nào chán mệt khi thi hành công lý không nên được thăng chức, kẽ khác
thì càng thăng tiến và nên được đề bạt. Ai trong các ngươi hiểu được điều
này nên nói với đồng sự "Có gắng thi hành nhiệm vụ mà Thiên tử giao phó.
Như vậy, như thế này đúng là lời dạy của Thiên tử, Vua Piyadasi."
Thực hiện nghiêm chỉnh
huấn dụ này thì gặt được nhiều kết quả, còn nếu làm khác đi thì chẳng đạt
đến thiên giới và cũng chẵng làm Thiên tử hài lòng. Nếu các ngươi thất bại
trong nhiệm vụ sẽ làm trẫm kém vui. Nếu thực hiện nghiêm chỉnh thì các
ngươi sẽ đạt thiên giới và đẹp lòng trẫm.
Pháp dụ này phải được
tuyên cáo cho mọi người vào mỗi ngày Tisya. [42] Nó cũng có thể được đọc
cho những cá nhân vào những dịp đặc biệt ở những ngày khác. Nếu làm được
như thế là các ngươi thi hành nhiệm vụ.
Pháp dụ này đã được ghi ở
đây để nhắc nhở các Phán quan trong thành này lúc nào cũng nên cố gắng
tránh giam cầm và tra tấn không chánh đáng. Để đạt được điều này trẫm sẽ
phái các Đại quan nhân ái đi thanh tra mỗi 5 năm xem các Phán quan có theo
đúng lời dạy của trẫm. Hơn nữa, vị hoàng tử cai trị thành Ujjayini sẽ phái
những vị quan thanh tra như thế mỗi 3 năm. Cũng làm như thế từ thành
Taksasila. Những đại quan thanh tra này không được chểnh mảng công tác, và
họ phải bảo đảm là những phán quan theo đúng huấn dụ của Thiên tử.
Ghi Chú:
41. Bia ký Dhauli, ban
năm 256 TTL. Hai Pháp dụ Kalinga chỉ tìm thấy được ở Dhauli và Jaugada.
42. Bản Dhammika: còn
viết là Tisa; là ngày rằm, trăng tròn.
TPDKa II
Thiên tử, Vua Piyadasi
phán lệnh này cho các Đaị thần ở Samapa: [43] Trẫm muốn thấy những gì trẫm
xem là chính đáng phải được thi hành nghiêm chỉnh. Trẫm phải chỉ thị cho
các ngươi lối thực hiện điều này.
Mọi người đều là con cái
của trẫm. Những gì trẫm ước muốn cho con cái của trẫm, như phúc lợi và
hạnh phúc cho đời này và đời sau, trẫm đều ước muốn như thế cho thần dân.
Những dân tộc chưa bị
chinh phục ở ngoài biên cương của lãnh thổ trẫm có thể đang thắc mắc:
"Hoàng thượng đang tính toán gì về chúng ta?" Ý định duy nhất của trẫm là
chúng sống mà không phải sợ hãi gì đến trẫm, và tin tưởng trẫm; là trẫm sẽ
ban cho chúng hạnh phúc chứ không phải khổ đau. Hơn nữa, chúng nên ghi nhớ
rằng trẫm tha thứ cho chúng những lỗi lầm có thể tha thứ được; và rằng
chúng nên noi gương trẫm mà thực hành Chánh Pháp để hưởng phước trong đời
này và đời sau.
Trẫm dạy điều này là để
trả cái nợ mà trẫm đã chịu, và để các ngươi hiểu rõ lòng quyết tâm và lời
cam kết không lay chuyển được của trẫm. Vì thế, để thực hiện được điều này
các ngươi phải thi hành nhiệm vụ và làm bọn chúng an tâm tin tưởng rằng
"Hoàng thượng cũng như là người cha vậy. Ngài thương chúng ta như thương
chính Ngài. Chúng ta đối với Ngài cũng như là con cái của Ngài vậy."
Trẫm dạy các ngươi và cho
các ngươi biết về lòng quyết tâm và lời cam kết không lay chuyển được của
trẫm. Trẫm sẽ bổ nhiệm các quan chức thi hành điều này ở khắp các tỉnh.
[44] Hẳn nhiên, các ngươi còn có thể khích lệ bọn chúng tin tưởng trẫm và
bảo đảm an sinh và hạnh phúc cho chúng trong đời này và đời sau. Làm được
như thế, các ngươi sẽ đạt thiên giới và giúp trẫm trả cái nợ cho chúng
sinh.
Pháp dụ này đã được ghi
khắc ở đây để các Đại thần có thể tận tụy khích lệ các dân ngoài biên
cương luôn tin tưởng vào trẫm và khuyến khích chúng thực hành Chánh Pháp.
Pháp dụ này phải được
tuyên cáo cho mọi người mỗi bốn tháng lúc đầu mùa, [45] vào mỗi ngày
Tisya. Nó cũng có thể được tuyên cáo vào những kỳ giữa những ngày kể trên;
và có thể được đọc cho những cá nhân vào những dịp đặc biệt. Làm được như
thế là các ngươi thi hành nhiệm vụ.
Ghi Chú:
43. Bia ký Jaugada, ban năm 256 TTL.
44. Bản Dhammika dịch
đoạn này như sau: "Bằng vào việc chỉ dạy và cho các ngươi biết về lòng
quyết tâm và lời cam kết của trẫm, trẫm sẽ tự mình quan tâm để đạt đến
mục tiêu này."
45. Ấn có 3 mùa: nóng,
mưa và lạnh. Ngày Tisya: xem ghi chú 42.
C. Tiểu Thạch Pháp Dụ
TTPD I. (Còn gọi là Pháp
Dụ Maski)
Thiên tử, Vua Asoka phán
rằng: [46] Trẫm đã trở thành một cư sĩ Phật tử (Upasaka) hơn hai năm rưỡi,
nhưng không mấy thuần thành. Mãi đến nay sau khi khi thường đến viếng Tăng
già (Shanga hay Shamga) hơn một năm trẫm trở nên rất thuần thành. [47]
Thần dân của trẫm nếu chưa
có tín ngưỡng thì nên noi theo. [48] Đây là kết quả của lòng nhiệt thành
chứ không phải vì người cao cả mới làm được. Cho ngay đến cả người hèn
ha,[49] nếu có lòng nhiệt thành vẫn có thể đạt thiên giới. Và tuyên ngôn
này được ghi lại cho mục đích ấy. Hãy nhiệt thành lên hỡi người cao cả và
kẽ hèn hạ, hãy để cho các dân ở ngoài biên cương biết và hãy để cho lòng
nhiệt thành trường tồn. Và rồi lòng nhiệt thành sẽ tăng trưởng, nó sẽ tăng
trưởng to lớn hơn, nó sẽ tăng truởng gấp một lần rưỡi. [50]
Thông điệp này đã được
Thiên tử tuyên cáo hai trăm năm chục lần trong chuyến du hành. [51]
Ghi Chú:
46. Bia ký Gavimath, ban
năm 257 TTL. Pháp dụ này đã tìm thấy ở 12 nơi khác nhau, với nội dung
không đồng nhất. Đặc biệt là chỉ trong Pháp Dụ Maski nói với Tăng Già
này Đại Đế mới xưng thực danh là Asoka (Asokaraja).
47. Nhiều học giả khi
dịch đoạn Pali "yam me samghe upeti" (đã vào Tăng già), đã hiểu nhầm,
cho là Đai đế Asoka đã trở nên một tỷ-khưu (tăng sĩ).
48. Nhiều bản khác dịch
sát nguyên ngữ là "men unmingled with Gods: người không hòa lẫn với
Trời". Hai bản Nikam và Dhammika dịch " the people who have not
associated with the gods."
49. Bản Nikam dịch là
"kẻ giàu và người nghèo". Nói chung là đều bình đẳng trong Chánh Pháp.
50. Bản Nikam dịch đoạn
này như sau: [Ở cõi Diêm-Phù-Đề (Jambudvipa), trời vốn không hòa lẫn với
người, nay đã hòa lẫn với họ. Nhưng những kết quả trẫm thu đạt chỉ bằng
của (ngay cả) người nghèo nếu họ ngưỡng mộ Chánh Pháp. Thực không đúng
nếu nói rằng điều này chỉ dành cho kẻ giàu. Kẻ giàu và người nghèo đều
phải được bảo rằng: "Nếu các ngươi làm như thế thì những thành tựu đáng
ca tụng này sẽ trường tồn và sẽ gia tăng một lần rưỡi."]
51. Bản Nikam không dịch
đoạn này.
TTPD II. (Còn gọi là Pháp
Dụ Brahmagiri)
Thiên tử, Vua Piyadasi
phán rằng: [51] Phải kính trọng, vâng lời cha mẹ và các bậc trưởng thượng.
Phải tôn trọng sinh mạng. Đừng nói dối. Phải thực hành những giới này của
Chánh Pháp.
Cũng như thế, học trò phải
tôn kính thầy dạy, và trong gia đình phải lịch thiệp với thân nhân. Đây là
lệ luật truyền thống của Chánh Pháp dẫn đến trường sinh. Ai cũng phải hành
động như thế.
Ghi bởi người khắc (tên
là) Chapala.
Ghi Chú:
51. Bia ký Brahmagiri.
TTPD III. (Còn gọi là Pháp
Dụ Bairat hay Bhabra)
Thiên tử, Vua Piyadasi gởi
lời chào Tăng già, và cầu chúc khỏe mạnh và an lạc, đồng thời thưa
rằng:[52] Bạch chư tôn đức, chư vị đã rõ đức tin cao cả của trẫm vào Phật,
Pháp và Tăng như thế nào rồi. Bạch chư tôn đức, những gì Đức Phật thuyết
giảng đều là diệu ngôn. [53] Phải phép mà nói, thưa chư vị, diệu Chánh
Pháp phải trường tồn. [54]
Bạch chư tôn đức, những
bài pháp – trích từ Giới Luật, Lối Sống Cao Thượng, Âu Lo đến, Bài Ca Đạo
Sĩ, Bài Giảng về Cuộc Sống Tinh Khiết, Những câu hỏi của Ưu-Bà-Đề-Xà, và
Bài giảng về vọng ngữ do Đức Phật dạy cho La-Hầu-La - nhửng bài pháp này,
kính thưa chư vị trẫm muốn tất cả Ty-Khưu và Tỷ-Khưu-Ni (tăng và ni) nên
thường tụng niệm. [55] Những Ưu Bà Tắt và Ưu Bà Di (cư sĩ nam và nữ) cũng
nên làm như thế. Trẫm cho ghi Pháp dụ này để chư tôn đức hiểu được ý trẫm.
Ghi Chú:
52. Pháp dụ này được tìm
thấy trên một tảng đá nhỏ gần thành phố Bairat, và nay được bảo tồn
trong Hiệp Hội Á Châu ở Calcutta.
53. Câu này đã dựa vào
một đoạn trong Kinh Tăng Nhất A-Hàm (Anguttara Nikaya, IV:164.) "...
thật là diệu ngôn, những lời do ĐứÙc Thế Tôn thuyết."
54. Bản Nikam dịch: "Cho
phép trẫm liệt kê những bản kinh phản ánh Diệu Chánh Pháp, và làm Chánh
pháp trường tồn."
55. Đã có nhiều thảo
luận về những bản kinh Pali nào tương ứng với trích dẫn của vua Asoka:1)
Vinaya samukose (Skt.: Vinaya samukasa: Xưng Tụng về Trì Giới): có thể
là Atthavasa Vagga, Anguttara Nikaya, 1:98-100. 2) Aliya vasani (Skt.:
Aliya vasani: Mẫu Mực về Đời Đạo Hạnh): có thể là Ariyavasa Sutta,
Anguttara Nikaya, V:29, hoặc Ariyavamsa Sutta, Anguttara Nikaya, II:
27-28. 3) Anagata bhayani (Skt.: Anagata—bhayani: Âu Lo về Tương Lai) :
có thể là Anagata Sutta, Anguttara Nikaya, III:100. 4) Muni gatha (Skt.:
Muni-gatha: Bài Ca Đạo Sĩ): là Muni Sutta, Sutta Nipata 207-221. 5)
Upatisa pasine (Skt.: Upatisya-pasine: Bài Giảng về Cuộc Sống Thánh
Thiện): là Sariputta Sutta, Sutta Nipata 955-975. Và 6) Laghulavade
(Skt.: Rahulavada: Bài giảng về vọng ngữ cho La-Hầu-La): là Rahulavada
Sutta, Majjhima Nikaya, I:421.
D. Bảy Thạch Trụ Pháp Dụ
TTrPD I
Thiên tử, Vua Piyadasi
phán rằng: [56] Pháp dụ này được ghi hai mươi sáu năm khi trẫm đăng quang.
Hạnh phúc đời này và đời sau thực khó mà đạt được nếu không hết lòng yêu
thích Chánh Pháp, hết lòng tự xét, hết lòng kính trọng, vâng lời, hết lòng
kinh sợ (ác nghiệp), và hết lòng hăng hái.
Nếu theo đúng lời dạy của
trẫm về tôn kính Chánh Pháp thì lòng yêu thích Chánh Pháp gia tăng mỗi
ngày, và sẽ tiếp tục gia tăng. Mọi quan lại các cấp của triều đình từ
thượng, trung và hạ cấp đều thực hành theo Chánh Pháp đúng như lời dạy của
trẫm, và có khả năng cảm kích người khác làm như thế. Các đại thần ở biên
cương cũng làm như thế. Và đây là những lời dạy của trẫm: cai trị theo
Chánh Pháp, nâng cao sự an lạc của dân theo Chánh Pháp, và che chở họ theo
Chánh Pháp.
Ghi Chú:
54. Bảy Pháp dụ này dịch
từ bia ký Dehli Topra, sáu bản đầu được ban ra năm 243 TTL và còn thấy
trên năm thạch trụ khác. Bản thứ bảy được ban ra năm 242 TTL.
TTrPD II
Thiên tử, Vua Piyadasi
phán rằng: Chánh Pháp thì diệu hảo, nhưng cái gì tạo nên Chánh Pháp? Nó
gồm làm lành tránh dữ, nhân ái, hào phóng, chân thật và trong sạch. Trẫm
đã ban cho sự sáng bằng nhiều cách. [55] Trẫm đã ban nhiều sắc chỉ nhân từ
bao gồm quà của sự sống cho những sinh vật hai và bốn chân (người và thú),
trên không và dưới nước, [56]. Và còn nhiều việc thiện khác do trẫm làm
nên.
Pháp dụ này được ghi để
thần dân noi theo, và để nó trường tồn. Và ai noi theo đúng sẽ làm nhiều
thiện nghiệp.
Ghi Chú:
55. Theo tiếng Pali:
"Cakhu dane" có nghĩa là "Trẫm ban cho sự thấy". Có thể là vua Asoka ban
cho "con mắt trí tuệ"; nhưng đặt nó vào toàn bộ Pháp dụ thì có vẽ như là
Asoka đã ra lệnh ngưng lối hình phạt làm mù mắt.
56. Có nghĩa là ngưng
sát sinh.
TTrPD III
Thiên tử, Vua Piyadasi
phán rằng: Người ta chỉ thấy việc tốt của mình, bảo rằng: "Ta đã làm việc
thiện này." Nhưng họ lại không nhìn thấy việc xấu họ làm mà bảo rằng "Ta
đã làm ra việc ác này, điều này gọi là ác nghiệp". Nhưng sự tự giác rất
khó thấy. [57] Người ta nên tự bảo thế này:" Những việc này đưa đến điều
ác, đến bạo hành, đến hung hản, đến giận dữ, đến kiêu căng và ganh tị. Ta
đừng mắc vào". Và hơn nữa, người ta nên nghĩ rằng: "Điều này đưa đến an
lạc trong đời này và đời sau."
Ghi Chú:
57. Tương tự như lời
Phật dạy trong "Pháp Cú" (Dhammapada) câu 50 và 252.
TTrPD IV
Thiên tử, Vua Piyadasi
phán rằng: Pháp dụ này đã được ghi hai mươi sáu năm sau khi trẫm đăng
quang. Các quan đầu tỉnh (Rajjukas) đang cai trị dân, hằng trăm ngàn dân.
Họ được giao cho trông coi việc thỉnh cầu của dân và thi hành công lý một
cách vô tư và hiền hậụ, và nhờ thế họ mới chăm lo cho an sinh và phúc lợi
của dân. Nhưng họ nên nhận rõ điều gì gây ra hạnh phúc và khổ đau cho dân,
và bởi họ hằng ngưỡng mộ Chánh Pháp, họ nên khuyến khích dân làm như thế
để có thể được an lạc trong đời này và đời sau. Những quan đầu tỉnh
(Rajjukas) này hết lòng phụng sự trẫm. Họ cũng tuân lệnh những thượng quan
(Purusas) đã hiểu ý trẫm và chỉ thị họ để làm trẫm vui lòng. Cũng như một
người an tâm giao con mình cho vú nuôi ngĩ rằng: "Bà vú này sẽ săn sóc tốt
con mình," nên trẫm đã bổ nhiệm các quan để lo cho an sinh và phúc lợi của
thần dân.
Các quan đầu tỉnh được
giao cho trông coi việc thỉnh cầu của dân và thi hành công lý nên họ đã
thi hành nhiệm vụ một cách quả quyết, hiền hậu và vui vẻ, và nhờ thế họ
mới chăm lo cho an sinh và phúc lợi của dân. Trẫm muốn rằng phải có một sự
công bằng trong luật pháp và trong việc kết tội. Trẫm còn đi xa hơn, trẫm
muốn gia ân triển hạn thêm ba ngày cho những tử tội trước khi hành hình.
Trong thời gian ấy, thân nhân của chúng có thể khiếu nại để khỏi tội chết.
Nếu không còn ai khiếu nại cho chúng, tử tội có thể bố thí hay chay tịnh
để được phước trong đời sau. Trẫm thực lòng muốn rằng, theo lối này, nếu
thời gian của tử tội không còn bao lâu hắn cũng có thể chuẩn bị cho đời
sau, và rằng việc thực hành Chánh Pháp của dân qua tự chế và bố thí sẽ
được gia tăng trong thần dân.
TTrPD V
Thiên tử, Vua Piyadasi
phán rằng: Hai mươi sáu năm sau khi đăng quang, trẫm ra lệnh những thú vật
sau đây được triều đình bảo vệ: két, chim sáo sậu, ngỗng, vịt trời, dơi,
kiến chúa, ba-ba, cá không xương, [58] rùa, nhím, sóc, hươu có gạc già, bò
đực, thú nuôi trong nhà, tê-giác, lừa hoang, aruna, nandimukhas, gelatas,
vedareyaka, gangapuputaka, sankiya, okapinda, bồ câu nuôi hoặc hoang và
tất cả những thú bốn chân có ích hoặc không ăn được. [59]
Những dê cái, trừu cái,
hoặc heo rừng cái đang nuôi con hoặc cho con bú cũng được bảo vệ. Cũng
thế, những thú con dưới sáu tháng. Gà trống không định thiến, võ cây đang
che chở sinh vật không được đốt, và rừng cây không được đốt nếu không có
lý do hoặc chỉ để giết thú. Không được dùng một con thú để nuôi con thú
khác.
Vào ba ngày
Caturmasis,[60] ba ngày trăng tròn Tisya [61] và vào những ngày 14 và 15
của tháng Uposatha, [62] cá không được giết và bán. Vào những ngày này thú
không được giết trong những khu bảo tồn voi và khu bảo tồn cá. Vào ngày
thứ 8 và vào ngày 14 và 15 của tháng , vào ngày Tisya, ngày Punarvasu
[63], ba ngày Caturmasis và những ngày thánh khác, bò đực, dê đực, hươu
đực, heo rừng và những thú khác không được thiến. Vào ngày Tisya,
Punarvasu, Caturmasis và mỗi nữa tháng của tháng Caturmasis, ngựa và bò
con không được đóng dấu nóng trên da.
Hai mươi sáu năm sau khi
trẫm đăng quang, tù nhân được ân xá trong hai mươi lăm dịp.
Ghi Chú:
58. Có thể là tôm, cua.
59. Hai bản Dhammika và
Nikam vẫn để những tên thú theo nguyên ngữ, không dịch được.
60. Ngày đầu mùa. Xem
45.
61. Ngày Tisya: xem 42.
NXR: Ở đây chỉ qui định ngày trăng tròn của tháng đầu mổi mùa.
62. Tháng an cư kiết hạ
63. ngày lễ hội
TTrPD VI
Thiên tử, Vua Piyadasi
phán rằng: Mười hai năm sau khi đăng quang trẫm đã cho ghi nhửng Pháp dụ
về an sinh và hạnh phúc của thần dân, để họ sửa đổi mà phát triển theo
Chánh Pháp.
Trẫm tin rằng chỉ với cách
này an sinh và hạnh phúc của thần dân mới đạt được. Trẫm luôn quan tâm đến
làm cách nào dể bảo đảm an sinh và hạnh phúc cho mọi người, không phải chỉ
riêng bà con của trẫm hoặc dân sống ở kinh đô mà còn cả dân sống ở những
vùng xa xôi hẽo lánh. Trẫm đối xử bình đẳng như thế với tất cả mọi người,
mọi giới.
Hơn nữa, trẫm đã tôn kính
mọi tôn giáo bằng mọi cách cúng dường nhưng cách tốt hơn hết là trực tiếp
thăm viếng họ.
Pháp dụ này được ghi hai
mươi sáu năm sau khi trẫm đăng quang.
TTrPD VII
Thiên tử, Vua Piyadasi
phán rằng: Trong quá khứ các vua đã nghĩ đến nhiều cách để tăng sự ngưỡng
mộ Chánh Pháp của dân. Nhưng dù vậy, sự ngưỡng mộ Chánh Pháp của dân vẫn
không tăng trưởng.
Về việc này, Thiên tử, Vua
Piyadasi phán rằng: "Việc này cũng đã xảy ra với trẫm. Trong quá khứ các
vua đã nghĩ đến nhiều cách để tăng sự ngưỡng mộ Chánh Pháp của dân. Nhưng
dù vậy, sự ngưỡng mộ Chánh Pháp của dân vẫn không tăng trưởng. Nay phải
làm sao để khuyến khích thần dân tuân theo? Làm thế nào để sự ngưỡng mộ
của thần dân gia tăng qua sự truyền bá Chánh Pháp? Làm sao trẫm có thể
nâng cao họ qua sự truyền bá Chánh Pháp?
Về việc này, Thiên tử, Vua
Piyadasi còn phán thêm rằng: "Việc này đã từng xảy ra với trẫm. Trẫm phải
công bố Chánh Pháp và chỉ dạy Chánh Pháp. Khi thần dân nghe đến lời tuyên
cáo và sự chỉ dạy, họ sẽ sống theo Chánh Pháp, tự nâng cao họ và tiến bộ
qua sự truyền bá Chánh Pháp." Vì mục đích này mà trẫm phải công bố Chánh
Pháp và trẫm phải chỉ dạy Chánh Pháp bằng nhiều cách, và những quan lại
được lệnh phải gắng truyền bá và giải thích Chánh Pháp thực rõ ràng. Các
quan đầu tỉnh cai trị hàng trăm ngàn người được lệnh như thế để hướng dẫn
dân ngưỡng mộ Chánh Pháp.
Thiên tử, Vua Piyadasi
phán rằng: " Với mục đích này, trẫm đã cho dựng những Pháp thạch trụ để
công bố Chánh Phápï, và bổ nhiệm các Pháp Đại thần để truyền bá Chánh
Pháp."
Thiên tử, Vua Piyadasi
phán rằng: Dọc đường, trẫm đã cho trồng nhiều cây đa để lấy bóng mát cho
thú và người, và trẫm cũng đã cho trồng vườn xoài. Cứ cách khoảng tám
krosas, [64] trẫm cho đào giếng nước, xây nhà nghỉ chân, và ở nhiều nơi
trẫm cho xây bồn nước cho thú và người dùng. Nhưng đây chỉ là những thành
tựu nhỏ mà thôi. Những việc như thế làm cho dân vui đã được nhiều tiên
vương thực hiện. Trẫm làm những điều này chỉ với mục đích là mọi người có
thể hăng say thực hành Chánh Pháp.
Thiên tử, Vua Piyadasi
phán rằng: Những Pháp Đại thần của trẫm bận rộn với những công tác giúp đở
các bậc tu hành và cư sĩ các tôn giáo. Trẫm ra lệnh cho họ nên chăm lo cho
đời sống Tăng già. Trẫm ra lệnh cho họ nên chăm lo cho đời sống của các
tu-sĩ Bà-la-môn và đạo-sĩ Ajivika. Trẫm ra lệnh cho họ nên chăm lo cho đời
sống của Niganthas. [65] Trẫm ra lệnh cho họ nên chăm lo cho đời sống của
các tông phái khác.
Thiên tử, Vua Piyadasi
phán rằng: Những đại thần này và những quan lại quan trọng khác bận rộn
phân phát quà tặng của trẫm cũng như của các hoàng hậu. Trong hậu cung của
trẫm, họ cũng tổ chức những sinh hoạt cứu tế khác, ngay ở đây (kinh đô) và
ở các châu quận. Trẫm cũng ra lệnh cho các thái tử và hoàng tử nên ban
phát quà để những việc thiện cao cả của Chánh Pháp và việc thực hành Chánh
Pháp được thăng tiến. Những việc thiện cao cả của Chánh Pháp và việc thực
hành Chánh Pháp bao gồm gia tăng lòng nhân từ, hào phóng quảng đại, chân
thật, trong sạch, tử tế và thiện tâm giữa mọi người.
Thiên tử, Vua Piyadasi
phán rằng: Những việc thiện gì trẫm đã làm, đều được thần dân noi theo và
thực hiện. Nhờ vậy mà họ tiến bộ và còn tiếp tục tiến bộ qua sự tôn kính
cha mẹ, tôn kính các bậc trưởng thượng, lễ phép với người già và tử tế với
các bậc tu hành, với người nghèo, kẻ khổ và ngay cả với nô tì và gia nhân.
Thiên tử, Vua Piyadasi
phán rằng: Những tiến bộ này của thần dân qua Chánh Pháp được thực hiện
bằng hai cách, bởi những qui định Chánh Pháp và bởi thuyết phục. Những qui
định Chánh Pháp thì không có hiệu quả mấy, trong khi thuyết phục thì hiệu
quả hơn nhiều. Những qui định Chánh Pháp trẫm ban chẵng hạn như phải bảo
vệ một số thú, và nhiều qui định Chánh Pháp khác. Nhưng chỉ bằng thuyết
phục thì tiến bộ của thần dân qua Chánh Pháp có nhiều hiệu quả hơn liên
quan đến không hành hạ sinh vật và không sát sinh.
Về việc này, Thiên tử, Vua
Piyadasi phán rằng: Ở đâu có thạch trụ hay mặt đá thì ở đấy Pháp dụ được
khắc ghi để nó trường tồn đến đời con cháu trẫm, và còn dài lâu như mặt
trời và mặt trăng còn soi sáng để thần dân thực hành theo lời dạy Chánh
Pháp. Bởi qua thực hành Chánh Pháp thì an lạc mới có trong đời này và đời
sau.
Pháp dụ này được ghi hai
mươi bảy năm sau khi trẫm đăng quang.
Ghi Chú:
64. Khoảng 1 mile.
65. Tu sĩ Kỳ-na giáo
(Jaina hay Jains). Giáo chủ là Makkhali Gosala, cùng thời với Đức Phật
Thích Ca.
E. Tiểu Thạch Trụ Pháp Dụ
TTTrPD I (Còn gọi là Thạch
Trụ Pháp Dụ Rummindei)
Hai mươi năm sau khi đăng
quang, Thiên tử, Vua Piyadasi đã viếng thăm và lễ bái nơi này bởi vì đây
là nơi Đức Phật Thích Ca, Bậc Giác Ngộ đã ra đời. [66] Thiên tử đã cho xây
một tường đá bao bọc xung quanh và dựng một thạch trụ. [67] Và vì Đức Thế
Tôn đãn sinh ở đây, làng Lumbini [68] được miễn thuế và chỉ đóng một phần
tám nông sản.
Ghi Chú:
66. Lời ghi này được
khắc trên một thạch trụ tại Lumbini vào năm 249 TTL.
67. Bản Dhammika: "Thiên
tử đã cho tạc tượng và dựng một thạch trụ."
68. Nay được gọi là
Rummindei.
TTTrPD II (Còn gọi là Pháp
dụ Sanchi, hay Allahabad)
Thiên tử, Vua Piyadasi
lệnh cho Đại thần cai trị ở Kosambi rằng: [69] Kẽ nào đã chia rẽ tăng-
giàkhông được thâu nhận vào tăng-già nữa.
Tăng-già của tỷ-khưu hay
tăng-già của tỷ-khưu ni nay đã được hòa hợp, tiếp tục hòa hợp cho đến đời
con và cháu của trẫm, và còn dài lâu như mặt trời và mặt trăng còn soi
sáng.
Kẽ nào, dù là tỷ-khưu hay
tỷ-khưu-ni, quấy rối trong tăng già bị buộc phải mặc bạch y [70] và không
được sống trong tịnh xá. [71] Ước muốn của trẫm là tăng-già hòa hợp và
trường tồn mãi mãi.
Ghi Chú:
69. Phần đầu của Pháp dụ
này đã bị hư hỏng; chỉ có câu "chia rẽ" còn đọc được mà thôi. Người ta
phải dựa vào những Pháp dụ nơi khác để đọc được toàn bộ nội dung của
Pháp dụ này.
70. Chỉ tăng và ni mới
được mặc y vàng.
71. Anabasasi.
TTTrPD III (Còn gọi là
Pháp dụ Sarnath)
[……] [72] không ai được
gây xáo trộn tăng-già.
Nếu một tỷ-khưu hay một
tỷ-khưu-ni quấy rối trong tăng già, tăng hay ni ấy phải bị buộc phải mặc
bạch y và không được sống trong tịnh xá.
Pháp dụ này phải được công
bố trong tăng-già của tỷ-khưu và trong tăng già của tỷ-khưu-ni.
Thiên tử, Vua Piyadasi
phán rằng: Treo một bản của Pháp dụ này trong hành lang của tịnh xá; trao
một bản cho tất cả tín đồ. Tín đồ phải tụ họp mỗi ngày chay để học tập về
Pháp dụ này. Mỗi quan lại phải thường xuyên đến dự mỗi ngày chay để làm
quen và hiểu rành rẽ Pháp dụ này.
Lại nữa, ngươi (chỉ vị
quan đầu tỉnh) phải ra lệnh xuống khắp nơi thi hành nghiêm chỉnh Pháp dụ
này. Các phó quan thuộc quyền của ngươi cũng phải làm như thế ở khắp các
châu huyện.
Ghi Chú:
72. Ba dòng đầu của Pháp
dụ đã bị hư hỏng. Những mảnh còn sót đọc được cho người ta gợi ý rằng
Vua Piyadasi (Asoka) lệnh cho các quan phải ngăn ngừa những kẻ quấy rối
trong tăng già. Bản Dhammika không có Pháp Dụ này.
F. Pháp Dụ
Hang Động Karna Chaupar
Mười chín năm sau khi đăng
quang, Thiên tử, Vua Piyadasi [73] tặng hang động này, trong dãy đồi thơ
mộng Khalatika, không hề bị ngập nước vào mùa mưa.
Ghi Chú:
73. Bản Dhammika không
cóPháp dụ này. Dãy đồi Barabar (thời Asoka gọi là Khalatika) có 7 động:
4 ở đồi Barabar, 3 ở đồi Nagarjuni. 5 động được tặng cho các đạo sĩ
Ajivika làm nơi cư trú.
Trần Trúc Lâm
Seattle, trọng thu 2001
Tài Liệu Tham Khảo
1. Ven. S. Dhammika,
"The Edicts of King Asoka" Buddhist Publication Society, Kandy, Sri
Lanka, 1993
2. Nayarayanrao Appurao
Nikam và Richard McKeon, "The Edicts of Asoka", The University of
Chicago Press, 1959.
3. Kenoyer, J.M., "Ancient
Cities of the Indus Valley Civilization", Oxford University Press,
Oxford, New York, Delhi, 1998.
4. Possehl, G.L., "Indus
Age; The Beginnings", Oxford and IBH Publishing, New Delhi, 1999.
5. Possehl, G.L., "Harappan
Civilization: a Recent Perspective", Oxford and IBH Publications, New
Delhi, 1993.
6. Possehl, G.L, "Indus
Age – The Writing" Oxford and IBH Publications, New Delhi, 1999.
7. Shaffer, J.G., "The
Indo-Aryan Invasions: Cultural myth and Archaeological Reality" in "The
People of South Asia" edited by J.R. Lukas, Plenum Press, New York,
1984.
8. Chris J.D. Kostman,
M.A., "The Demise of Utopia: Contexts of Civilizational Collapse in the
Bronze Age Indus Valley", JAGNES, the Journal of the Association of
Graduates in Near Eastern Studies, 2001.
9. Romila Thapar, "Languages and Scripts of Asoka's Inscriptions".
Microsoft Encarta DVD, 2001.
10. John Snelling, "The
Buddhist Handbook", B&N, NY. 1991
--- o0o ---
Mục
Lục ] [
01]
[02]
[03]
[04]
[05]
[06]
--- o0o ---
Source:
http://www.buddhanet.net/
Cập nhật ngày: 01-6-2004
Trình bày: Nhị Tường
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục