Tình đời, Ý đạo
(Cuộc đời Thánh tăng Ananda)

Hòa thượng Hộ Giác
---o0o---

 

Phần 04


 

Ngôi chùa Kỳ-viên

Ðức Tôn Sư thuyết tứ đế một cách khái lược vừa đủ độ ông bá hộ đắc pháp nhãn, có chánh tín Tam Bảo bất chuyển Ðức Tôn sư nhấn mạnh phần kết luận:

- Này Sú-đát-tá, được thân người là điều khó, được cuộc sống tiện nghi là điều khó, được nghe chánh pháp là điều khó và được gặp Phật ra đời là điều khó. Do đó, sự được nghe chánh pháp và được gặp Phật ra đời là đại phúc.

Ðại đức Ananđa kể tiếp:

- Này hiền đệ, thời pháp hôm ấy kết quả vô cùng lợi lạc. Ðể nói lên sự sung sướng và thấm nhuần ấy, ông Sú-đát-tá cẩn bạch:

- Bạch Ðức Thế Tôn, thật là vi diệu, thật là hi hữu, thật là sáng tỏ như lật ngữa chậu úp, như mở cánh cửa kín, như chỉ lối kẻ lạc đường, như soi sáng đêm tối để cho người có mắt được trông thấy.

Sau khi chứng quả tu đà hườn, ông bá hộ Sú-đát-tá cung thỉnh Ðức Tôn sư quang lâm Sa-văt-thi. Ðức Tôn sư nhận lời. Ông lập tức trở về nhà bất kể ngày đêm. Về đến Sa-văt-thi, việc đầu tiên là ông bỏ công đi tìm địa điểm khang trang, thanh tịnh để thiết lập một ngôi chùa xứng đáng cúng dường Ðức Phật. Nhận thấy miếng vườn của thái tử Kỳ đà hội được những yếu tố thích nghi, nghĩa là không quá xa, quá gần hàng xóm, có đường giao thông dễ dàng, ban ngày không ồn ào, ban đêm yên tĩnh.

Ông xin yết kiến thái tử và ngỏ ý xin thái tử nhường lại miếng vườn để cất chùa. Thoạt tiên thái tử từ chối. Ông bá hộ hết lời năn nỉ. Cuối cùng Thái tử đưa điều kiện gần như thách thức là phải trải vàng lên đất vườn. Thái tử hy vọng điều kiện quá đáng này sẽ khiến ông bá hộ lùi bước. Nhưng Thái tử lầm. Vì ông bá hộ chấp nhận ngay điều kiện này. Ông trải vàng đến đâu là bắt đầu đo đạc và xây cất đến đó. Nhưng miếng vườn còn thừa một chổ vì thiếu vàng. Chính chổ thiếu này theo dự án là cổng chùa. Túng thế, ông bá hộ đành phải chạy mượn nơi những người bạn thân. Nghe chuyện này, thái tử Kỳ đà cảm động, bèn xin hiến cúng phần còn lại.

Trong khi cho xây cổng Tam quan ông bá hộ nghĩ: thái tử Kỳ đà là người uy tín, chính phần đất này cũng do thái tử hiến cúng. Vậy mình nên lấy tên thái tử đặt tên chùa. Do đó, ngôi chùa mang tên Kỳ viên tự. Tuy nhiên, danh từ phổ thông thì quen gọi là "chùa ông Cấp cô độc".

Tại thị trấn Sa-văt-thi, chùa Kỳ viên là môt thắng cảnh, một công trình vĩ đại và nguy nga nhất. Nhìn từ xa tưởng như một ngôi chùa nổi nhờ vị trí ngôi chùa cao hơn các nơi khác. Những ngôi chánh điện, giảng đường, tăng xá, nhà trù, trai đường, hương thất v.v... như ẩn, như hiện trong những tàng cổ thọ. Phía trước là một ao sen to đủ loại: bạch liên, hồng liên, huỳnh liên, tô điểm cho ngôi Kỳ viên một cảnh trí vô cùng thiền vị.

Tóm lại, Kỳ viên tự hội được bốn yếu tố của an lạc pháp:

1- Senàsanasappàya: Tịnh thất an lạc.
2- Puggalasappàya: Pháp lữ an lạc.
3- Ahàrasappàya: Thực phẩm an lạc.
4- Dhammasappàya: Ðạo hạnh an lạc.

Yếu tố thứ tư có nghĩa là ngoại duyên, nội cảnh phù hợp với công trình tích cực thành đạt đạo quả theo phương pháp Tứ chánh cần (1).

Ông bá hộ nổi tiếng mộ đạo và hết dạ quí kính Ðức Tôn sư. Mỗi ngày, ông đến chùa hai lần: sáng và chiều. Và tất nhiên là không bao giờ ông đi tay không. Riêng đối với Ðức Tôn sư thì ông chưa bao giờ dám hỏi dù một câu đạo vì nghĩ rằng: Ðức Tôn sư vốn là bậc đế vương nhàn lạc, nay là bậc pháp vương tịnh lạc. Nếu ta vấn đạo, thì Ðức Tôn sư sẽ vì lòng từ bi giảng đạo cho ta và do đó Ngài sẽ lao nhọc.

Chú thích: (1) Ngăn ngừa và diệt trừ ác pháp, tích lũy và tăng trưởng thiện pháp.

- Này hiền dệ, Ðức Tôn sư biết được ý nghĩ thầm kín ấy, Ngài tự nghĩ: ông bá hộ này quả thật lo ngại những điều quá đáng. Như Lai đã từng hành trì Ba la mật trong vô số lượng kiếp. Từng thí mắt, thí đầu, thí tay chân, thí mạng sống nhằm mục đích cứu vớt chúng sanh ra khỏi biển trầm luân, đưa đến bờ tịnh lạc thì công việc giảng đạo cũng chỉ là hạt cát trong sa mạc công hạnh mà thôi. Do đó, để bồi đắp đức tin, Ðức Tôn sư đều giảng đạo mỗi khi ông vào bái kiến.

Này hiền đệ, ngoài ông Cấp cô độc còn có những nhân vật quan trọng khác đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc hoằng dương chánh pháp. Như Ðức vua Pá-sê-ná-đí, các nữ đạo hữu Ví-sa-kha, Súp-pá-va-sa, Súp-đí-da, chánh hậu Mallika v.v... Các nhân vật này ngoài tư cách Phật tử còn là những cán bộ trung kiên cơ hữu.

Thầy Kâm-bô-chá khẩn khoản:

- Bạch Ðại đức, đệ tử cũng từng được nghe khái quát về những nhân vật này, nhưng chưa biết rõ công đức đặc thù của các vị. Nếu Ðại đức hoan hỉ kể cho nghe, thì đệ sung sướng biết mấy.

 

Năm mỹ tướng

- Này hiền đệ, có nhiều giai thoại liên hệ đến đời sống, gia thế, sự nghiệp của nàng Visakha. Nàng là một nữ hộ pháp đắc lực và cũng là một thiếu nữ đại phước. Nàng đẹp từ thời xuân sắc cho đến tuổi lão thành. Nàng có nhiều mỹ tướng nhưng có 5 quí tướng chính là:

1- Tóc đẹp: Suối tóc đen huyền chảy xuống đôi bờ vai mãnh dẽ, chạy dài đến nửa thân mình và tự động cong lên vô cùng khéo léo như có bàn tay của chuyên viên thẩm mỹ uốn sấy.
2- Răng đẹp: Hàm răng đều đặn, trắng và trong như ngà như ngọc.
3- Miệng đẹp: Làn môi đỏ hồng như son và rất dịu dàng khả ái.
4- Da đẹp: Màu da hồng thắm đẹp như hoa sen và mịn màng như tơ lụa, sức mịn của da cơ hồ bụi không bám được.
5- Tác người đẹp: Bất cứ trong lứa tuổi nào nàng cũng đẹp. Trẻ thì đẹp theo trẻ, già thì đẹp theo già. Nghĩa là ngắm nhìn nàng bất cứ lúc nào cũng đẹp. Ði đứng, nói cười, ẩm thực, ngủ, nghỉ đều đẹp, một nét đẹp hồn nhiên và đài các.

Sinh quán nàng tại thị trấn Sa-kê-tá. Còn Sa-văt-thi chỉ là trú quán. Riêng tổ phụ thì nguyên quán ở Ra-já-gá-há. Thuở đức vua Pa-sê-ná-đi trị vì xứ Kô-sá-lá, nhận thấy trong nước không có một nhân vật nào nổi tiếng Tài hoặc Ðức.

Ðược biết xứ Ra-já-gá-há có nhiềunhân vật tài đức, nhà vua hạ mình yêu cầu vời một người qua xứ Ngài. Vua quan xứ Ra-já-gá-há đồng ý cho vời ông bá hộ Thá-năn-cha-da phụ thân nàng Visakha nổi tiếng thông thiên văn, rành địa lý và đại phú quí.

Trên đường về gần tới Sà-văt-thi, ông bá hộ quan sát địa thế, thấy một chu vi đất vừa rộng vừa đẹp lại thêm màu mở, sông nước hữu tình, ông bèn tâu đức vua ban chỉ cho ông được lập làng dựng nghiệp tại đây. Ðức vua hạ chỉ chấp thuận. Về sau, nơi này trở thành thị trấn Sa-kê-tá. Nàng Visàkhà sanh trưởng tại đây. Càng lớn, nàng càng đẹp. Có thể nói khó tìm được một thiếu nữ nào thùy mị, đoan trang như nàng. Theo thông lệ, cô gái đẹp nào cũng hách dịch, kiêu ngạo, nhưng trường hợp nàng Visàkhà thì ngoại lệ. Nàng nói năng lễ dộ, cử chỉ khiêm cung, đời sống bình dị, đi đứng đài các, phong cách quí phái nhất là rất thương người và có nhiều đạo tâm. Nàng chứng quả tu đà hườn lúc vừa lên 7 tuổi. Ðến tuổi trưởng thành, ông bá hộ Mi-ga-rá xin hỏi cưới nàng cho con trai ông là công tử Pun-ná-văt-tha-ná ( Punnavaddhana).

Hôn lễ được cử hành vô cùng trọng thể. Thân phụ nàng đặt thợ kim hoàn may áo cưới. Chiếc áo này được kết bằng vàng và nạm ngọc. Số lượng phải dùng là 4 cân xoàn, 11 cân mã nảo, 20 cân ngọc pha lê, 33 cân ngọc lưu ly. Những phần còn lại của thân áo là vàng. Chiếc áo dài trùm từ đầu xuống đến gót. Trên đầu là hình con công đang múa. Cái mỏ bằng mã nảo. Mỗi cánh có 500 cái lông bằng vàng. Cặp mắt là hai viên ngọc Ma ni. Cọng lông bằng bạc. Thoạt trông, ai cũng tưởng con công sống đang đứng múa trên đầu nàng. Chiếc áo trị giá 90 triệu nén vàng. Thời gian hoàn tất là 4 tháng, với hàng trăm thợ kim hoàn chuyên nghiệp.

Ðêm cuối cùng hôn lễ, và để trang bị hành trang tinh thần cho cuộc sống lứa đôi và bổn phận của người dâu hiền, thân phụ nàng dặn dò:

- Này con, hôm nay con phải xuất giá theo chồng. Cha muốn dặn dò con những điều cần thiết. Con hãy khắc cốt ghi lòng, xem như có cha hiện diện bên con. Cha cũng tự tin những điều cha sắp nói, sẽ là áo giáp phòng thân, giúp con tránh được những điều tai biến:

1- Không đem lửa trong ra ngoài.
2- Không đem lửa ngoài vào trong.
3- Giúp người đáng giúp.
4- Người không xứng, không giúp.
5- Dù xứng hay bất xứng, cũng phải giúp.
6- Ngồi phải chỗ.
7- Ngủ đúng lúc.
8- Ăn hợp thời.
9- Phụng cúng chư thiên.
10- Tôn thờ thần lửa.

Ngày vu qui của nàng Visàkhà là ngày tưng bừng và hãnh diện nhất trong cuộc đời người con gái. Nhà trai đã tổ chức rước dâu vô cùng long trọng. Ðịnh luật bất toàn vẫn là cổ lệ. Cho nên xui khiến nhà chồng bất đồng tín ngưỡng. Nàng đạo Phật, nhà chồng đạo lõa thể. Giáo chủ đạo này là thầy Ní-găn-thá Na-đá-pút-tá. Cũng gọi là Jain. Nàng khổ sở và xấu hổ mỗi khi các vị lõa thể đến nhà hành lễ, thọ trai. Do đó, giữa nàng và nhà chồng đã có một áng mây đen thành kiến.

Một buổi sáng, có vị tỳ kheo khất thực ngang nhà, trong khi nàng đang đứng hầu cha chồng ăn sáng. Ông bá hộ nhìn thấy Ðại đức nhưng giả bộ tảng lờ quay lưng ngồi ăn vô tích sự.

Thấy vậy, nàng bèn thưa với vị tỳ kheo:

- Bạch Ðại đức, xin Ðại đức quá bước đến phía trước. Ở đây, thân phụ của đệ tử đang dùng thực phẩm củ.

Câu nói có ngụ ý này đã khiến ông bá hộ đùng đùng nổi giận. Ông nói:

- Này Visàkhà, cô ỷ lại cái gì mà dám nhục mạ tôi là người ăn bẩn. Cha con cô đã có nhiều hành động bất xứng. Bắt đầu từ giờ này, tôi không nhìn nhận cô là dâu con nữa. Cô hãy ra khỏi nhà tôi ngay.

Ðể dành phần phải, ông bá hộ cho người mời 8 vị bô lão đỡ đầu của nàng và áp lực họ nhận đem nàng trở về quê ngoại.

Tám vị bô lão đến gặp nàng và hỏi:

- Thưa cô, có chuyện chi quan trọng mà ông bá hộ mời chúng tôi đến và bảo đưa cô về quê ngoại?

- Thưa quí bác - nàng nói thật ôn tồn và tự nhiên- khi cháu đến đây danh dự ra sau, thì lúc ra đi cũng phải như vậy. Tuy nhiên, cháu yêu cầu được xét xử công minh rằng cháu có tội hay vô tội và sau đó, dù có hay không có, cháu cũng xin được ra đi, nhưng đi trong danh dự.

Tám vị bô lão dẫn nàng Visàkhà vào gặp ông bá hộ để xác nhận tội trạng hoặc tư cách vô tội của nàng.

Ông bá hộ sừng sộ:

- Quí vị còn chuyện gì nữa?
- Thưa ông bá hộ, cháu Visàkhà vẫn chưa biết mình đã làm chi nên tội mà bị đưa về nguyên quán.
- Tội của cô ấy thì quả khó dung tình. Tôi đang ăn cơm mà cô ta dám bảo là tôi đang ăn bẩn.

Vẫn với giọng ôn tồn và tự nhiên, nàng giải thích:

- Thưa cha, con nào dám loạn ngôn vô lễ như vậy. Câu nói của con có ngụ ý rằng, cha đang ăn phước cũ. Vì con nghĩ, sở dĩ cha giàu có sang trọng như thế này là nhờ kiếp trước cha khéo bồi đức lập công. Nếu kiếp này cha không vun trồng thêm phước mới, thì một ngày gần đây phước cũ sẽ hết. Con ngụ ý như vậy mới nói cha dùng thực phẩm cũ.

- Thưa ông bá hộ- các vị bô lão đồng loạt nói- như vậy thì cháu nó đâu có lỗi. Xin ông xét lại cho cháu nhờ.

- Thôi thì chuyện này bỏ qua nhưng còn hành động đêm qua của cô ấy thì không thể tha thứ được. Ðó là đêm khuya, cô ta tự động rời tư phòng đi xuống chuồng lừa, điều mà một cô gái đức hạnh không bao giờ làm.

- Thưa cha, đêm qua, một con lừa sanh khó sắp chết. Con hay tin liền lập tức đốt đèn và rủ một số đông gia nhân đến chuồng lừa để giúp nó sinh nở và nhờ đó nó đã thoát chết.

-Thưa ông bá hộ. trong câu chuyện này, chúng tôi tưởng cháu nó vô tội.

- Thôi thì tạm bỏ qua, nhưng còn nhiều vấn đề khác không kém quan trọng. Ðó là, đêm trước khi cô ta về đây, cha con cô ấy đã nhỏ to với nhau nhiều điều thật vô lý. Chẳng hạn, cha cô ấy dặn dò: đừng đem lửa trong ra ngoài, đừng đem lửa ngoài vào trong v.v... Các ông nghĩ xem, một cô dâu trong nhà mà khi xóm giềng tối lửa tắt đèn đến nhờ mình hoặc khi mình hữu sự nhờ họ mà nó không cho lửa ra hoặc đem lửa vào thì liệu có sống nổi hay không?

- Thưa cha- nàng giải thích với nét mặt thật tươi- điều này phụ thân con ngụ ý dạy con rằng: không nên đem chuyện nhà nói ra ngoài và cũng không nên đem chuyện ngoài vào nhà, gây sự phiền lòng trong gia đạo.

- Nhưng còn nhiều chuyện khác nữa - ông bá hộ nói mà không cần ngẩng đầu lên.

Nàng Visàkhà xin phép được tuần tự giải thích.

- Câu nói: "Giúp người đáng giúp" nghĩa là đối với người biết điều, một khi vay mượn biết đem hoàn trả lại, thì mình nên tiếp tục giúp đỡ.

- Câu nói: "Người không xứng đáng không giúp" nghĩa là đối với những người không biết điều, mượn không trả, thì không nên giúp.

- Câu nói: "Dù xứng hay bất xứng cũng phải giúp" nghĩa là đối với thân quyến nhà chồng, dù họ xứng hay bất xứng, bổn phận của mình là phải giúp đỡ.

- Câu nói: "Ngồi phải chỗ" nghĩa là khi cha mẹ chồng hoặc các bậc trưởng thượng ngồi thấp mình không có quyền ngồi cao. Vì cử chỉ ấy vừa thiếu lễ độ vừa thiếu tư cácch.

- Câu nói: "Ngủ đúng lúc" ngụ ý rằng khi cha mẹ chồng còn thức thì không nên đi ngủ trước. Phải tuyệt đối ngủ sau. Trong lúc ngủ phải nằm ngay ngắn, trang nghiêm, không nên bạ đâu nằm đó. Phải thức trước, chẩn bị nước, khăn rửa mặt và lo làm thức ăn sáng.

- Câu nói: "Ăn hợp thời" ngụ ý phải hầu cha mẹ chồng và chồng ăn trước rồi sẽ ăn sau hoặc có thể ăn chung nếu được cha mẹ cho phép. Trong lúc ngồi ăn cũng phải giữ gìn hạnh kiểm, không được vừa ăn vừa chắp hoặc làm đổ tháo thức ăn như vịt, như heo.

- Câu nói: "Phụng cúng chư thiên" ngụ ý phải thờ chồng trọn đạo, một dạ thủy chung, nhất là tuyệt đối kính yêu, hiền thục.

- Câu nói: "Tôn thờ thần lửa" ngụ ý phải kính thờ cha mẹ chồng cho trọn đạo dâu hiền.

 

Ðại tín nữ Vísàkhà

- Này hiền đệ - Ðại đức Ananđa nói tiếp - khi nàng Visàkhà trình bày tất cả sự thật liên quan đến sự hiểu lầm, thì cha chồng không biết phải phản ứng ra sao, chỉ ngồi cúi đầu im lặng. Các vị bô lão lựa lời giải hòa:

- Thưa ông bá hộ, sự thật đã quá rõ ràng và cũng chứng tỏ cháu Visàkhà chẳng những vô tội, mà còn là một dâu hiền, đáng quí.

Ông bá hộ xin lỗi con dâu về sự hiểu lầm của mình. Nàng nói:

- Thưa cha, giờ thì con được chứng minh là vô tội. Do đó, con xin phép được trở về quê cha mẹ của con.

Ông bá hộ năn nỉ:

- Thôi, con đừng buồn phiền nữa. Chẳng qua là sự hiểu lầm. Con chớ để tâm hờn trách.

- Thưa cha - nàng Visàkhà nói - lúc con còn ở nhà, thì có cơ hội làm phước, nghe pháp. Từ ngày con về đây thì mọi thiện sự và truyền thống tín ngưỡng đều bị đình chỉ. Con cảm thấy buồn thấm thía. Nếu cha cho phép con đươc tiếp tục những thiện sự để thể hiện đạo tâm và truyền thống tín ngưỡng thì con xin được ở lại hầu cha mẹ và chồng yêu quí của con, bằng không thì con xin trở về nguyên quán.

- Con của cha, con cứ tiếp tục làm phước, thể hiện đạo tâm và tín ngưỡng của con một cáchh tự do. Cha hứa sẽ không trở ngại, mà chồng của con chắc chắn cũng tán đồng.

Khi được cha chồng cho phép, nàng Visàkhà vô cùng sung sướng, như cỏ héo gặp mưa. Thật vậy, không có gì khiến người thiện hoan hỉ bằng khi được tự do hành thiện. Có lẽ, họ mừng hơn đào được vàng.

Sáng hôm sau, nàng Visàkhà cung thỉnh Ðức Tôn Sư và chư tăng về nhà thọ trai. Sau phần ngọ trai là phần phúc chúc và nói kinh hoan hỉ. Nàng Visàkhà kính mời cha chồng đến diện kiến Ðức Tôn sư để nghe phúc chúc. Nể lời con dâu, ông có mặt. Nhưng trong thâm tâm thì chưa có thiện cảm.

Ðức Tôn sư thấy rõ căn duyên ông bá hộ, nên Ngài đề cập đến vấn đề nhân quả liên quan đến hai phương diện Lý và Sự. Ngài dạy:

- Những gia tài, sự nghiệp, người thương đều giả tạm. Người đời phải bị chia lìa, bỏ lại tất cả và ra đi với hai bàn tay trắng. Chung cuộc là sự tiêu tán, khổ đau. Nhưng những việc làm của thân, khẩu, ý thì theo ta như bóng với hình. Do đó, các bậc trí thức rất quí trọng thiện nghiệp và gia tâm tu đạo để dành hầu làm nơi nương nhờ và thọ dụng trong các kiếp sau. Người keo kiết là người không thức thời, như nông phu làm hư hạt giống. Do đó, giống cũ mất, giống mới thì không có. Gieo một hạt giống, sẽ hái một chùm bông. Cũng vậy, gieo một nhân thiện sẽ gặt một chùm phúc. Tài vật không biết xử dụng cho việc công ích sẽ vô bổ, vô dụng như khỉ được dừa, như ao sen giữa rừng hoang vắng.

Người trí thức, thì trái lại, sử dụng tài vật như một phương tiện, sẵn sàng phục vụ công ích hoặc tối thiểu phụng dưỡng mẹ cha, vợ con, thân quyến, người giúp việc, hoặc cúng dường các bậc chân tu thì sẽ vô cùng lợi lạc như khỉ được xoài chín, như ao sen giữa chốn thị thành. Người lập vườn ăn trái chỉ tưới nước vun phân dưới gốc nhưng cành, ngọn được hưởng, trổ hoa kết trái. Sông nào nước lưu thông thì trong sạch, ích lợi lớn, công dụng nhiều, năng lực rộng. Sông nào nước ứ đọng, thì đục dơ, lợi ích nhỏ, công dụng ít, năng lực kém. Người ngu không dùng tài vật phục vụ công ích sẽ không có hiệu năng như nước đọng ao tù. Người trí dùng tài vật phục vụ công ích sẽ có nhiều hiệu năng như giòng sông nước chảy. Cung cách bố thí có lợi ích lớn, phúc quả rộng phải hội đủ 6 yếu tố:

1- Chuẩn bị chu đáo.
2- Hành động tích cực.
3- Hoàn tất hoan hỉ.
4- Người nhận đã hoặc đang tiêu trừ tham ái.
5- Người nhận đã hoặc đang chế phục sân hận.
6- Người nhận đã hoặc đang tận diệt si mê.

Cung cách bố thí như trên sẽ có phúc quả vô lượng như nước biển.

Này các Phật tử, một hôm đức vua Pa-sê-ná-đí hỏi Như Lai:

- Bạch Thế Tôn, đệ tử nên bố thí cho ai?

Như Lai dạy:

- Nên bố thí đến cá nhân hoặc đoàn thể trong sạch.

- Bố thí đến người có giới đức. Người thọ thí ví như ruộng, người bố thí và vật thí ví như hạt giống. Hạt giống tốt nhưng ruộng không tốt thì vẫn thất mùa.

Ðức Tôn sư kết luận:

- Cho nên, người trí không bao giờ dám khinh thường cho rằng tội, phước chút ít không đáng là bao. Hãy xem những giọt nước rời rạc nhưng cuối cùng đầy tràn miệng chậu. Người tích lũy thiện hoặc ác chung qui rồi cũng phải có quả.

Lời chúc tụng hôm ấy như ánh sáng nhiệm mầu chiếu vào tâm thức ông bá hộ. Ông quỳ lạy dưới chân Ðức Tôn sư, bày tỏ sự hoan hỉ và tán thán:

- Bạch Ðức Thế Tôn, thật là vi diệu, thật là sáng tỏ, như lật ngửa chậu úp, như mở cánh cửa đóng, như chỉ lối kẻ lạc đường, như soi sáng chỗ tối để người có mắt trông thấy. Ðệ tử phát nguyện trọn đời qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng và tình nguyện sống cuộc đời lý tưởng đạo đức.

Ðại đức Ananđa kể tiếp:

- Này hiền đệ, bắt đầu từ hôm ấy, ông bá hộ thương quí nàng Visàkhà trên hai phương diện, vừa là dâu hiền, vừa là mẹ đạo. Ông công khai gọi Visàkhà là "Mẹ Mí-gà-rá" trong hầu hết các cuộc nói chuyện. Do đó, danh từ Migàramàtà (Mẹ Mí-gà-rá) trở nên phổ thông trong quần chúng.

Ðể làm loãng danh từ Mẹ Mí-gà-rá, nàng lấy tên ông nội đặt tên đứa con trai đầu lòng. Nhờ gia đình đồng tín ngưỡng nên nàng Visàkhà rất lấy làm mãn nguyện. Nàng cung thỉnh Ðức Phật và chư tăng hàng trăm vị mỗi ngày đến nhà ngọ trai. Biển không chê nước, bậc hiền trí không chán nghe lời lành, người chánh tín không no công đức.

Suốt thời gian Ðức Tôn sư ngụ tại Sà-văt-thi, nàng đi chùa mỗi sáng và chiều. Nàng rất thông cảm tâm lý các vị thanh niên tăng, nhất là các vị sadi nhỏ tuổi, nên mỗi khi đến chùa đều có mang theo thức ăn sáng hoặc nước uống chiều để cúng dường. Công đức của nàng phổ cập rộng sâu. Hai giới xuất gia và tại gia đều gọi nàng là Ðại tín nữ. Danh từ này thật xứng với đạo tâm và công trình hộ pháp của nàng.

Một lần, sau khi dự lễ trở về, nàng Visàkhà ghé chùa lễ Phật. Nhưng sực nhớ mình đang trang điểm quá lộng lẫy, sang trọng, nàng cởi áo choàng trao cho cô gái giúp việc. Nhưng xui khiến, cô giúp việc bỏ quên áo trong chùa. Ðức Tôn sư dạy tôi đem cất áo ấy, chờ sáng hôm sau sẽ trao trả cho nàng. Nhưng một chập sau, cô giúp việc trở lại, thái độ vô cùng hốt hoảng. Tôi bảo cô ta hãy mang về cho chủ. Nhưng cô ta cứ quỳ trước mặt tôi giọng nói run run như muốn khóc:

- Bạch Ðại đức, cô chủ con có dặn, nếu Ðại đức đã đem cất thì đệ tử không được mang về, vì cô chủ con rất kính trọng Ðại đức. Do đó, cô chủ con không dám mặc món đồ mà Ðại đức đã đụng đến.

Tôi nói, đây là món đồ nữ trang quí giá, tôi cất giữ sao tiện. Cô cứ nhận đem về và nói bần đạo bảo làm như vậy. Chắc cô chủ không nỡ la rầy cô đâu.

- Bạch Ðại đức, cô chủ con dặn cúng dường Ðại đức tùy nghi sử dụng.
- Bần đạo nhận để làm gì?

Cô giúp việc buộc lòng phải nhận lại món đồ vừa đi vừa khóc vì sợ cô chủ bắt tội. Nàng Visàkhà thấy tình cảnh ấy thì đoán được nội vụ:

- Này em, Ðại đức Ananđa cất đồ nữ trang của chị phải không?
- Thưa cô, dạ phải.
- Nhưng tại sao em khóc?
- Con tự thấy không xứng đáng với lòng tin yêu của cô. Con biết món đồ ấy đắt giá hơn sinh mạng của con, cả gia đình và giòng họ nhà con. Cô ta vừa nói vừa khóc nức nở.

- Này Sú-sí-ma, em đừng khóc nữa. Chuyện em quên, chị đâu có bắt lỗi. Thỉnh thoảng chị cũng quên như em vậy. Còn món đồ nữ trang tuy quí giá nhưng nó đâu quí bằng sinh mạng của em. Nó mất, ta có thể làm mới hoặc đôi khi còn tìm lại được. Nhưng sinh mạng của em, một khi đã mất, thì không thể làm mới hoặc tìm lại được. Em tin yêu của chị, điều em dám đem sinh mạng đánh đổi món đồ đã mất làm chị xúc động. Em hãy an lòng. Vã lại, ánh sáng chánh pháp đã cho chị thấy rằng mạng sống con người là vật có giá trị tuyệt đối, không thể lấy ngoại vật so sánh. Hơn nữa, em là người tin yêu của chị, giỏi dắn, đảm đang, thành thật với chị trước mặt cũng như vắng mặt. Tóm lại, em có nhiều đức tánh cao đẹp đáng quí. Sự lầm lỗi nhỏ mọn này, nếu đem so với những đức tánh cao đẹp của em thì quả thật không đáng để em bận lòng.

- Này hiền đệ, nàng Visàkhà vừa dứt lời, cô giúp việc khóc thét lên vì quá cảm động. Hai tay ôm chân nàng Visàkhà vừa úp mặt vừa khóc, để nói lên sự vô vàn biết ơn và sự tuyệt đối thương kính chủ. Nàng Visàkhà đỡ cô ta đứng lên, cô ta ngước nhìn chủ cười trong nước mắt.

Ðêm ấy, nàng Visàkhà suy nghĩ thật nhiều. Cuối cùng nàng quyết định đem bán lấy tiền làm phước. Nhưng không ai đủ tiền mua. Nàng phải xuất tiền mua lại với giá 9 triệu nén vàng. Với số tiền này, chỉ đủ cất chùa. Nàng phải thêm 9 triệu nữa để tổ chức khánh thành.

Vị trí ngôi chùa nằm về hướng đông của Kỳ viên tịnh xá nên được mang tên là Pubbàràma (Ðông phương tự). Ðức Tôn sư đã từng an cư kiết hạ tại đây 6 lần.

Nàng rất kính và thương chư tăng. Tám điều thỉnh nguyện sau đây đủ chứng minh tánh tình quảng đại và đạo tâm kiên cố ấy:

1- Xin dâng y tắm mưa đến chư tăng.
2- Ðể bát những vị mới đến.
3- Ðể bát những vị sắp đi xa.
4- Cúng dường thực phẩm đến những vị sư bệnh.
5- Cúng dường thực phẩm đến những vị nuôi bệnh.
6- Cúng dường thuốc men.
7- Cúng dường lúa mạch.
8- Dâng y tắm mưa đến tỳ khưu ni.

Tám thỉnh nguyện này đều được Ðức Tôn sư chấp thuận.

Do đức độ bao dung, phẩm hạnh trang nghiêm, đạo tâm dõng mãnh, nàng được xem như một công trình đóng góp quan trọng trong các lãnh vực Phật sự, và cũng là một Ðại thí chủ hộ pháp đắc lực của phái nữ thời Ðức Phật. Ðôi khi Ðức Phật dạy nàng đi giảng hòa những mối bất đồng trong ni chúng.

 

Phật lực

Cũng tại ngôi Ðông phương tự này, một buổi chiều, đức vua Pa-sê-na-đí vào bái kiến Ðức Tôn sư. Lúc bấy giờ có một số du sĩ các hệ phái khoảng 30 vị đi ngang qua, lông lá đầy mình, tóc tai dài thượt.

Thấy các vị ấy, nhà vua bạch Phật:

- Bạch Ðức Thế Tôn, các vị ấy có phải là những bậc Alahán?

- Tâu Ðại vương, người phàm còn ham thích khoái lạc vật chất thì khó mà nhận diện được ai đã đắc quả Alahán, ai chưa. Vì rằng, qua đàm thoại ta biết được trí tuệ, qua hành động ta biết được liêm chính, qua nguy biến ta biết được can trường. Ðể bảo đảm cho sự hiểu biết này phải dùng đến yếu tố thời gian và trí tuệ nhận xét.

- Này hiền đệ, Ðức Tôn sư quả thật khiêm tốn khi giải thích như vậy. Câu giải thích này như sen không thấm nước. Vì nếu Ðức Tôn sư nói trắng, các vị ấy không phải Alahán, thì tỏ ra tự tôn, bằng cho là phải thì vừa tự ti vừa không thành thật.

Ðức Tôn sư vừa dứt lời, vua Pa-sê-ná-đí vô cùng hoan hỉ. Ðức vua tán thán:

- Bạch Thế Tôn, thật là phi thường, thật là vi diệu, quả thật Ðức Tôn sư là bậc Toàn tri Diệu giác. Vì những vị ấy là mật thám viên của đệ tử.

Ðức Tôn sư ứng khẩu:

- Người hành đạo không nên có xảo thuật, không nên sống ỷ lại vào kẻ khác, không nên cố gắng bốc đồng, vô ý thức. Hãy sống cuộc sống thật sự nội tâm. Không nên đoán người qua hình thức, không nên quá tin lòng người sơ kiến. Vì gỗ, đất, thau, khi được mạ vàng thì hình thức sẽ bị đồng hóa, khó phân biệt.

Ðức Tôn sư cũng thường hay dạy các tỳ kheo:

- Này các tỳ kheo, mục đích Như Lai hành đạo không phải dối đời, không phải để được tôn sùng, không phải để có lợi lộc, danh vọng, không phải để trở thành giáo chủ. Mà mục đích hành đạo là để thúc liễm (Samvara), để dứt bỏ (Pàhàna), để chán nản (Viràga), để tịch tịnh (Nirodha).

- Này hiền đệ - Ðại đức Ananđa kể tiếp - tôi xin trở lại câu chuyện nàng Visàkhà. Một hôm, mặt mày bơ phờ, tóc tai ướt át, vừa đi vừa khóc. Nàng đến chùa bái kiến Ðức Tôn sư, báo tin buồn về cái chết đột ngột của đứa cháu gái mà nàng vô cùng thương mến vì tư chất thông mimh, ngoan hiền và là một cộng sự viên đắc lực trong các công tác phước thiện. Nàng nghẹn ngào kể lể:

- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử vô cùng đau đớn. Nó chết, kể như đệ tử mất đi một cánh tay. Ðệ tử không làm sao tìm được một đứa cháu hiền, một cộng sự viên giỏi, một người bạn tốt như vậy.

- Này Visàkhà, trong thị trấn này có bao nhiêu dân số?
- Bạch Thế Tôn, có nhiều ức người.
- Nếu họ đều hiền, giỏi và tốt như Sú-đăt-ti cháu gái của ngươi thì ngươi có thương mến họ không?
- Bạch Ðức Thế Tôn, có.
- Có bao nhiêu người chết trong một ngày?
- Bạch Thế Tôn có nhiều người.

- Này Visàkhà, như vậy thì mỗi ngày ngươi phải nhiều lần bơ phờ, ủ dột, khóc lóc tiếc thương, hai hàng lệ chảy vì cái chết của những người ấy. Visàkhà này, thương yêu là nguyên nhân khổ não. Do đó, thương yêu nhiều, khổ não nhiều. Như lửa càng tăng thì nóng càng gắt.

Lãnh hội được Phật ngôn, nàng Visàkhà vơi bớt sầu khổ, tâm trạng trở lại bình thường. Nàng là bậc thánh nhập lưu nên chỉ có giới kiên cố, phần định và huệ thì chưa. Do đó, thỉnh thoảng cũng quên mình.

- Này hiền đệ, nơi nào có thương yêu nơi đó không có an tịnh. Cũng như nơi nào có giông gió nơi đó mặt nước phải chao động. Người đời chỉ thật sự an tịnh khi bình tĩnh đón nhận nghịch cảnh và tự chế trước thuận cảnh hoặc ít ra không phủ nhận nghịch cảnh.

Nàng Visàkhà có hai nữ bằng hữu là Súp-pá-va-sa và Súp-pí-da. Sau mỗi lần nghe pháp, ba người rủ nhau đi quanh chùa vấn an và tìm hiểu nhu cầu tứ sự của chư tăng để chung lo hộ độ.

Một hôm, vấn an một vị tỳ kheo bệnh, biết được nhu cầu cần có một tô nước súp để làm phương trị liệu, nàng Súp-pí-da lật đật về nhà, nhờ người giúp việc mua thịt. Nhưng rủi hôm ấy là ngày 30, chợ không bán thịt. Phần nhớ đến hình dáng vô cùng tiều tụy của vị tỳ kheo, phần nhớ Phật ngôn, rằng phụng sự người bệnh là phụng sự Ðức Phật, nàng quyết định lấy dao bén, tự tay xẻo thịt của mình nấu súp rồi sai người giúp việc đem dâng vị tỳ kheo bịnh. Còn nàng tự tay băng bó vết thương và nằm vùi trong phòng. Chồng nàng về không thấy vợ ra đón như mọi khi bèn vào phòng ân cần thăm hỏi. Khi biết rỏ sự tình, thay vì giận vợ và vị tỳ kheo bịnh, chàng lại vô cùng hoan hỉ, vì thấy vợ có đức tin dõng mảnh, dám lóc thịt nấu súp cúng dường. Chàng lập tức đến Kỳ viên tịnh xá cung thỉnh Ðức Tôn sư và chư tăng thọ trai ngày hôm sau tại tư gia.

Ðến nhà, không thấy nàng Súp-pí-da, Ðức Tôn sư phán hỏi. Ðược chồng nàng cẩn bạch là nàng đang bịnh. Ðức Tôn sư dạy đỡ nàng đến diện kiến. Khi nàng cúi đầu đãnh lễ, Ðức Tôn sư phúc chúc: xin cho nữ đạo hữu được an lành. Ngài phán vừa dứt, thì lạ thay, vết thương lành ngay tức khắc và toàn thân nàng, da thịt lại càng tươi thắm hồng nhuận hơn trước. Quả thật Phật lực phi thường. Nhân câu chuyện này, Ðức Tôn sư chế định giới luật:

- Tỳ kheo dùng thịt không quán tưởng, phạm tác ác. Nếu là thịt người, phạm ưng phát lộ.

 

Phước và Tội

- Này hiền đệ, một sự kiện khác, biểu tượng Phật lực vô cùng mầu nhiệm, đó là tín nữ Súp-pá-va-sa. Nàng mang thai 7 năm, 7 tháng, và chuyển bụng 7 ngày, đau đến tắt thở, từng hồi. Nhưng nhờ có đức tin vững chắc và lòng trong sạch tuyệt đối nơi Ðức Tôn sư, nên trong giờ phút thập tử nhất sanh, mạng sống mỏng manh như sợi chỉ mành treo chuông ấy, nàng ngỏ ý nhờ chồng đãnh lễ đôi chân hạnh phúc Ðức Tôn sư và thay lời bạch hộ rằng:

- Bạch Ðức Thế Tôn, nữ đạo hữu Súp-pá-va-sa mang thai 7 năm, 7 tháng và chuyển bụng 7 ngày. Nàng chịu vô vàn thống khổ đến phải ngất lịm từng hồi, mạng sống không còn bảo đảm, nàng ngưỡng vọng Ðức Thế Tôn và xin cúi đầu đãnh lễ dưới chân Ðức Thế Tôn.

Ðức Thế Tôn phúc chúc:

- Xin cho tín nữ Súp-pá-va-sa được an lành, hết đau đớn.

Liền khi ấy, nàng hết đau đớn và sanh con rất dễ dàng. Cả mẹ con đều được vuông tròn. Chồng về tới thấy vậy vô cùng mừng rỡ. Không hẹn mà vợ chồng cùng ứng khẩu: ân Ðức Phật vô lượng.

Ít lâu sau, nàng nhờ chồng cung thỉnh Ðức Tôn sư và chư tăng quang lâm tư gia thọ trai 7 ngày. Nhưng Ðức Tôn sư đã nhận lời mời của một gia đình có nhiều thiện cảm với Ðại đức Mục kiền liên (Moggallana). Vì có sự trùng hợp, Ðức Tôn sư bèn dạy Ðại đức Mục kiền liên đến tận nhà thí chủ hỏi xem có thể dời đến tuần sau hay không? Nếu có sự trở ngại và không thể dời ngày được thì Ðức Tôn sư không thể nhận lời mời của nàng Súp-pá-va-sa.

Vâng lời Phật dạy, Ðại đức Mục kiền liên đến nhà thí chủ thuật lại tự sự. Thí chủ bạch:

- Bạch Ðại đức, nếu Ðại đức bảo đảm được 3 điều kiện, thì tôi sẽ vui lòng nhường. Ba điều kiện ấy là:

1- Gia tài, sự nghiệp của tôi sẽ không bị tiêu tán.
2- Tôi còn sống đến tuần tới.
3- Ðức tin không bị sứt mẻ.

Ðại đức đệ nhất thần thông im lặng giây phút:

- Này đạo hữu, hai điều kiện trước bần đạo bảo đảm được. Duy điều kiện thứ ba thì xin đạo hữu tự bảo đảm lấy.

Thí chủ bằng lòng dời đến tuần sau.

Ðức Tôn sư và các bậc thánh nhơn vô lậu thọ trai tại nhà nàng Súp-pá-va-sa suốt 7 ngày. Ðến ngày thứ bảy Ðức Tôn sư phán hỏi:

- Này Súp-pá-va-sa, 7 năm, 7 tháng mang thai nặng nhọc và suốt 7 ngày chuyển bụng khai hoa, đau đớn cùng cực, ngất lịm từng hồi vậy nàng còn muốn có con nữa không?

- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử muốn được 7 đứa con như vậy nữa.

Ðức Tôn sư dạy:

- Này Súp-pá-va-sa, định luật là vậy. Vật không vừa lòng thì liên hệ với người mình vừa lòng. Vật không thương thì liên hệ với người mình thương. Sự khổ ẩn trong hình thức vui. Do đó, người đời rất dễ quên mình, thất niệm.

- Này hiền đệ- Ðại đức Ananđa kể tiếp- cũng tại Sa-văt-thi này, có rất nhiều sự kiện liên quan đến Phật hạnh, nhưng tôi chỉ xin kể thêm một chuyện nữa thôi gọi là bồi đắp đức tin và sự ngưỡng vọng của đệ. Câu chuyện như vầy:

- Cuối sơ thời (1) và đầu trung thời, tính theo lịch trình khai đạo của ÐứcThế Tôn. Thuở ấy là thời kỳ vàng son cực thịnh của chánh pháp, như ánh thái dương soi sáng khắp nơi, khiến quần chúng qui ngưỡng chánh pháp như trăm sông đổ về biển cả. Ngay đến đệ tử của các Hệ phái cũng bỏ đạo, qui y Tam bảo, tạo nên một phong trào đổi đạo chưa từng có trong lịch sử Ấn Ðộ. Do đó, giáo chủ các Hệ phái liên kết nhau mưu tìm biện pháp đối phó.

Chú thích: (1) Sơ thời là 15 năm đầu. Trung thời là 15 năm giữa. Hậu thời là 15 năm cuối của 45 năm Ðức Thế Tôn khai đạo.

Giai đoạn đầu, họ phát động chiến dịch tuyên truyền bằng cách chia ra nhiều đoàn tuyên vận, đứng tại ngã ba, ngã tư đường, các trục giao thông quan trọng hoặc tại những địa điểm đông dân cư, đồng loạt kêu gọi với một luận điệu thống nhất:

- Thưa đồng bào, nếu Ðức Sa môn Cồ Ðàm là Phật tổ thì chúng tôi cũng là Phật tổ; nếu Ngài là giáo chủ thì chúng tôi cũng là giáo chủ; sự cúng dường Sa môn Cồ Ðàm được phúc quả nhiều thế nào thì sự cúng dường chúng tôi cũng được phúc quả nhiều thế đó.

Chiến dịch tuyên truyền này hoàn toàn thất bại. Tiếng hô hào của họ bị lạc lõng như tiếng nói giữa sa mạc. Kết quả hoàn toàn trái ngược. Ðệ tử thuộc thành phần trí thức của họ cảm thấy xấu hổ, trơ trẻn nên bỏ đạo. Thành phần chưa có cảm tình với họ thì trở nên chán ghét.

Thất bại trên phương diện tuyên truyền, họ họp mặt để thảo bàn kế hoạch. Một người trong nhóm tương đối sắc bén, giảo hoạt phát biểu:

- Thưa các Ngài, trên đời có trăm mưu ngàn kế. Kế hoạch này thất bại ta áp dụng kế hoạch khác: công khai không được thì âm thầm, cường dũng không được thì nhu hòa. Tôi đề nghị chúng ta nên dùng mỹ nhân kế, vừa nhẹ nhàng vừa hiệu lực, nếu không kết quả trên mặt thực chất thì chúng ta sẽ thành công trên mặt dư luận. Tôi còn nhớ, trong hàng đệ tử chúng ta, có nàng Chin-cha (Cincà) đẹp như tiên nga ngọc nữ. Nếu nàng khứng giúp thì kế hoạch chắc chắn sẽ thành công.

Ðề nghị này được toàn thể tán đồng. Ngay lúc ấy, nàng Chin-cha cũng vừa đi tới. Vì có dụng ý trước, nên các vị Giáo chủ im lặng không nói một lời và cũng không buồn nhìn mặt nàng. Trước thái độ ấy, nàng hết sức kinh ngạc, khó chịu và tủi hổ. Nàng thưa:

- Thưa các Ngài, đệ tử không biết mình có hành động bất xứng thế nào khiến các Ngài xem đệ tử như người xa lạ? Xin các Ngài thương tình chỉ dạy để đệ tử ngăn ngừa về sau.

Chụp được thời cơ, một vị trong nhóm lên tiếng, giọng nói áo não:

- Này tín hữu, tín hữu thật là vô tình! Tín hữu không cần biết đến sự đau khổ của chúng tôi. Chúng tôi đang bị ông Sa môn Cồ Ðàm làm cho thân bại danh liệt, và gây thảm hại toàn bộ cơ sở: vật chất lẫn tinh thần. Thế mà tín hữu có ngó ngàng gì tới.

- Thưa các Ngài, nhà nghèo thì mới hay con thảo, nước loạn thì mới biết tôi trung. Con là đệ tử thì sự đau khổ của các Ngài cũng là sự đau khổ của con. Nhưng con là phận nữ nhi thì biết liệu phương gì để giúp các Ngài đắc lực. Xin các Ngài chỉ dạy. Nếu có thể được, thì con xin tình nguyện làm bất cứ những gì mà khả năng con cho phép.

Thấy kế hoạch có hiệu quả, các vị ấy nhờ nàng tiến hành mỹ nhân kế. Nàng bằng lòng vô điều kiện. Thoạt tiên, nàng tạo sự hoang mang, nghi ngờ trong hàng Phật tử bằng cách mỗi chiều, chờ Phật tử nghe pháp ra về thì nàng đi vào chùa. Có ai hỏi đi đâu thì nàng trả lời lấp lững rằng: các vị tìm hiểu chuyện người khác làm gì. Hoặc sáng sớm, nàng vô chùa trước, chờ đến giờ Phật tử vào chùa, thì nàng ngược chiều đi ra. Và nếu có ai hỏi thì nàng cũng úp mở trả lời rằng: chuyện nàng ăn đâu, ngủ đâu, nào có liên hệ gì đến họ mà lý sự. Hành động này được tiếp diễn đều đặn suốt hai tháng đầu như một Phật tử ngoan đạo, chân chánh.

Giai đoạn thứ hai, nàng dùng đòn phép tinh vi hơn, táo bạo hơn, đó là lời xác nhận bán chính thức của nàng, mỗi khi được hỏi đến. Nàng nói:

- Quí vị cũng như Ðức vua Pa-sê-ná-đí đi chùa sớm hôm, cúng dường, lễ bái đức Sa môn Cồ Ðàm lâu nay, chắc các vị biết người yêu của ông ta chớ.

Một số người non lòng nhẹ dạ, tò mò tìm biết, thì nàng giải thích bằng luận điệu vô cùng nguy hiểm rằng: "Ðức Phật là người đã từng hưởng thủ mọi thứ khoái lạc vật chất, nhất là dục lạc, thì tránh sao khỏi những giây phút yếu lòng. Chính lúc ấy, tôi là người diễm phúc được Ngài để dạ yêu thương. Sự đi đứng bất thường của tôi, cũng chỉ nhằm bảo vệ tình trạng lén lút ấy".

Câu kết luận này là chất bổi đổ vào đống lửa dư luận đang âm ỉ cháy. Nhóm ngoại đạo muốn đốt giai đoạn bằng cách tạo thêm sức gió rỉ tai thổi mạnh ngọn lửa dư luận, nhằm thiêu rụi toàn bộ uy tín và đạo nghiệp của Ðức Phật.

- Này hiền đệ, chính cá nhân tôi cũng nóng lòng và chua xót. Thấy tôi phiền não, Ðức Tôn sư dạy:

- Này Ananđa, người bóc phẩn bôi bẩn mặt trăng sẽ gánh chịu hai hậu quả: một là tay họ dính phẩn, hai là sự thất bại ê chề khi họ bị phẩn đó rớt xuống đầu, cổ thế nào, người ác ý muốn hãm hại Như Lai cũng sẽ mang lấy hậu quả trầm trọng như thế đó.

Bắt đầu tháng thứ tư, nàng lấy vải cũ buộc bụng và cứ độn thêm mỗi tháng, do đó, bụng nàng cứ to dần. Ðến tháng thứ tám, thứ chín, nàng tự dần bàn tay bàn chân cho sưng lên và độn bụng bằng khúc cây tròn như sắp đến ngày khai hoa nở nhụy.

 

Người thiện, người ác

Thế rồi ngày quyết định đã đến. Ðây cũng là quyết định tồn vong của Phật giáo. Nếu nàng Chin-cha thắng thì Phật giáo sẽ bị tận diệt, bằng ngược lại Phật giáo sẽ cực thịnh, huy hoàng.

Hôm ấy, Ðức Tôn sư đang ngự trên pháp tòa giảng đạo. Phong thái uy nghiêm như sư tử hống, hiền mát như ánh trăng rằm. Ngay lúc ấy, nàng Chin-cha xuất hiện, một tay chống nạnh, một tay chỉ Ðức Tôn sư đay nghiến:

- Phải mà, ông thuyết hay quá mà! Giọng nói ông thu hút quần chúng như có thôi miên. Răng ông liền lạc, đều đặn và trong sáng. Mở miệng ra là ông kêu gọi mọi người ly dục, nhưng riêng ông thì đã ly dục chưa? Những câu kinh của ông ngọt ngào, hấp dẫn như khúc hát ân tình, như tiếng nói yêu đương trên giường ngủ.

Ðức Tôn sư im lặng. Phật tử hoang mang. Bầu không khí ngột ngạt. Vũ trụ như ngừng quay. Nàng tiếp tục tấn công:

- Này ông, ông hãy nhìn tôi cho thật kỹ. Cái thai của tôi đã dư chín tháng rồi. Suốt thời gian ấy ông quá vô tình, lang bạc. Thuở mới yêu nhau thì ông hứa hẹn đủ điều, giờ thì ông ngoảnh mặt quay lưng như tuồng vô tích sự. Tuy nhiên, vì thông cảm, tôi đề nghị ông nên nhờ các đệ tử trung kiên, như nàng Visàkhà, ông Cấp cô độc, hoặc đức vua Pa-sê-ná-đí thay ông lo liệu cũng được. Ông nên nhớ, đây không phải là nhiệm vụ của ông đối với tôi mà là nghĩa vụ thiêng liêng của tình phụ tử.

Nói xong, nàng nhìn khắp giảng đưòng như phân trần, như khiêu khích.

Với giọng hiền hòa, trầm lặng, Ðức Tôn sư nói:

- Này Chin-cha, sự kiện này chỉ có ngươi và Như Lai mới rỏ thực, giả mà thôi.

Nói xong Ðức Tôn sư tiếp tục lặng thinh. Không hiểu câu nói thật ngắn này mầu nhiệm thế nào, mà khiến nàng Chin-cha kinh hoàng toát mồ hôi lạnh. Tay, chân và bờ môi run lên như bị tên độc. Cố bình tĩnh, nàng trả đủa:

- Phải rồi, đúng rồi. Trong hương thất, giữa đêm trường thì nào ai biết được, nếu không phải là hai chúng ta. Tôi thật không ngờ ông đủ can đảm nói câu đó tại đây, mà không biết ngượng.

Ðức Tôn sư phán:

- Này Chin-cha, Như Lai xác nhận câu nói của Như Lai không thay đổi.

Không biết đây là sự ngẫu nhiên hay Phật lực, trong khi nàng Chin-cha xỉ xỏ và gân cổ thóa mạ, hạ nhục Ðức Tôn sư thì vải buộc khúc cây bị đứt, hài nhi chào đời không phải bằng xương bằng thịt mà là một khúc gỗ tròn.

Nàng quính quáng như gà mắc đẻ, mặt mày xanh như bị dính chàm và đứng bất động như bị trời trồng. Phật tử thấy chuyện trơ trẽn, chướng tai gai mắt, không ai bảo ai, họ nhất tề đứng lên xô đuổi nàng ra khỏi giảng đường và đẩy luôn ra khỏi cổng Kỳ viên tịnh xá. Khi hình bóng nàng vừa khuất tầm mắt Ðức Tôn sư thì nàng bị đất rút. Nàng chết vô cùng đau khổ chết trong kinh hoàng và nhục nhã.

Ngày hôm sau, chư vị tỳ kheo bàn tán xôn xao câu chuyện này. Ðức Tôn sư dạy:

- Này các tỳ kheo, các thầy không nên kết án ai nếu chưa xét xử phân minh, chưa nắm được tội trạng chắc chắn. Người thích làm ác là người hay nói láo, thiếu thành thật và bất chấp hậu quả.

Biến cố lớn này là bài học cho những ai mưu mô hãm hại Ðức Phật và tiêu diệt Phật giáo.

Mọi sự chống đối, mọi âm mưu phá hoại tự động lắng dịu và bẳng đi một thời gian. Nhưng về mặt chìm, nhóm Lục sư ngoại đạo vẫn rình rập tìm cơ hội quật khởi. Sở dĩ họ mang mặc cảm đố kỵ thù ghét vì từ ngày Ðức Phật ra đời và đạo Phật được phổ cập thì quần chúng đều hướng về chánh pháp. Ðệ tử của các vị cũng lần lượt bỏ đạo. Do đó, uy tín họ bị sứt mẻ, đệ tử giảm lần, lợi lộc không có, danh vọng tiêu tan.

Kế hoạch dùng sắc đẹp mỹ nhân bất thành, họ xoay qua dùng xác chết mỹ nhân để triệt hạ uy tín Ðức Bổn sư. Họ mướn người giết một thiếu nữ trẻ đẹp tên Sun-đà-ri đem chôn dấu dưới đống hoa cũ phía sau hương thất. Thi hành xong thủ đoạn, họ hô hoán là Sun-đà-ri mất tích rồi rầm rộ tìm kiếm. Cuối cùng, đến nơi chôn dấu, họ bới xác nàng lên rồi kết án Ðức Tôn sư lén lút ân ái với Sun-đà-ri và giết nàng để diệt khẩu. Câu chuyện này cũng gây hoang mang trong quần chúng không ít. Những kẻ nhẹ dạ yếu lòng nghe lời đồn đãi, đã chỉ trích Ðức Phật thậm tệ. Nhưng chỉ ít hôm sau, kẻ giết mướn bị bắt và cung khai tất cả.

 

Một nghĩa cử vô cùng cảm động

Một buổi sáng. Gió thoảng hơi sương. Khí trời mát dịu. Chu vi Kỳ viên tự vẫn thiền vị u nhàn. Cái u nhàn của ngoại cảnh cũng ảnh hưởng phần nào đến sự an tịnh nội tâm của các bậc Sa môn hành đạo.

Tiếng đọc kinh của các vị tân thọ tỳ kheo vang nhẹ từng hồi. Một số đang đi kinhh hành, một số đang giặt giũ y phục, trong khi một số khác đang quét dọn tịnh thất. Ngoài tiếng học kinh tất cả đều yên lặng.

Ðức Tôn sư ngự qua, tất cả đều cúi đầu kính cẩn. Vị đang đi thì đứng lại, đang ngồi thì đứng lên, đang làm việc thì tạm ngưng để tỏ lòng tôn kính.

Ðức Tôn sư để lời thăm hỏi một vài vị hoặc nhắc nhở một vài câu kinh rồi Ngài tiếp tục ngự qua. Ðến một tịnh thất, Ngài dừng bước và hỏi Ðại đức Ananđa:

- Vị nào ở trong tịnh thất này?
- Bạch Ðức Thế Tôn, thầy Tí-sá.
- Ông ấy có mặt hay đi vắng.
- Có lẽ thầy đang ở bên trong.

Ðức Thế Tôn ngự vào. Bên trong một cảnh tượng vô cùng thương tâm hiện ra trước mắt Ðức Từ phụ. Ðó là hình ảnh một vị Tỳ kheo trung kiên, nằm trên chiếc đơn nhỏ, mình mẫy lỡ lói, mủ máu và nước vàng chảy ra vô cùng hôi hám. Có nơi máu mủ đã khô cứng; có nơi vẫn còn chảy ướt; có nơi đã có giòi. Thầy nằm bất động như xác chết.

Nghe tiếng động, thầy nhướng mắt lên nhìn Ðức Phật. Thầy mừng quá, định chấp tay đãnh lễ nhưng bất lực.

Ðức Tôn sư yên lặng. Ðại đức Ananđa yên lặng. Thầy Tí-sá cũng yên lặng. Tuy nhiên, qua ánh mắt từ bi của Ðức Tôn sư, thầy Tí-sá vô vàn cảm động. Những giọt nước mắt sung sướng, ngập ngừng, chậm chạp chảy xuống đọng lại ở hai bên má hóp.

- Này Tí-sá, thầy đau lắm không?
- Bạch Ðức Thế Tôn, đau lắm. Ðệ tử cảm tưởng đang nằm trên gai.
- Ngươi không có pháp lữ, đồng đạo hoặc đệ tử chăm sóc sao?
- Bạch Ðức Thế Tôn, lúc trước có, nhưng giờ họ đã bỏ đệ tử đi hết rồi.
- Tại sao vậy?
- Bạch Ðức Thế Tôn, vì họ chán đệ tử đau đã lâu ngày. Hơn nữa, bịnh đệ tử thì nhơ nhớp hôi hám. Do đó, họ bỏ đệ tử một mình.

Nói đến đây thì thầy kiệt sức, không nói được nữa.

Ðức Tôn sư ngự thẳng xuống nhà trù lấy nồi múc nước. Ðại đức Ananđa nhúm lửa. Khi nước sôi, Ðức Tôn sư và Ðại đức Ananđa khiêng thầy Tí-sá luôn chiếc giường ra ngoài và bắt đầu rửa ráy. Một số Tỳ kheo đi ngang qua trông thấy, bèn tiếp tay thay y. Ðức Tôn sư nhẹ tay rửa ghẻ khắp châu thân thầy Tí-sá. Nhận thấy thân hình tương đối sạch sẽ và mạng căn thầy không thể tồn tại được. Ðức Tôn sư phán dạy:

- Tí-sá ơi, thân này chẳng còn bao lâu đâu, khi tâm thức đã lìa bỏ rồi thì nằm bất dộng trên mặt đất như đống tro tàn vô bổ. Tí-sá hãy nhìn xác thân hôi thúi này, nó nhơ nhớp vô cùng, các vật uế trược chảy ra thường trực. Thế mà người không giác ngộ chân lý ấy vẫn ưa thích và mê say.

Lãnh hội được lý đạo, thầy Tí-sá chứng quả Alahán. Nhưng vì bịnh tình quá trầm trọng nên thầy viên tịch. Ðức Tôn sư dạy làm lễ hỏa táng và tạo tháp để tôn thờ xá lợi. Có nhiều trường hợp tương tự, Ðức Tôn sư cũng tự tay rửa ráy, ẳm bồng, hoặc xê dịch bịnh nhân, hoặc tự tay cho uống thuốc. Ðể có điều kiện phục dịch và giúp đỡ bịnh nhân, Ðức Tôn sư họp tăng và chế định giới luật:

- Này các tỳ kheo, các thầy không cha mẹ, anh em. Do đó, các thầy phải giúp đỡ nhau như tình ruột thịt. Sự chăm sóc tỳ kheo bịnh cũng đồng nghĩa với phục dịch Như Lai. Nếu thầy đau, trò chăm sóc. Trò đau, thầy chăm sóc. Vị nào không phụng hành, vị ấy phạm tác ác. Trường hợp không có trò riêng thì trò đồng sư phải được thay vào, bằng không, thì phạm tác ác. Nếu không có trò đồng sư thì tăng phải đứng ra đảm trách.

Ðại đức Ananđa có nhiều đức tánh cao quí, nhất là đối với tăng đồ cũng như tín đồ lúc bịnh hoạn. Ðiển hình như lúc hay tin Ðại đức Phắc-gú-ná, Ðại đức Ghí-ri-ma-nan-đá, ông bá hộ Á-ná-thá-bin-đí-cá, ông bá hộ Ma-ná-đin-ná v.v... bị bịnh, thì Ðại đức lập tức vào bạch Phật để Ðức Tôn sư thăm hỏi, an ủi hoặc nhắc nhở.

Sự giúp đỡ chăm sóc người trong lúc bịnh hoạn là một nghĩa cử, một ân tình khó quên giữa người bịnh và người nuôi bịnh. Bịnh là người thù của mạng sống. Sự chăm sóc bịnh nhân được mau bình phục đồng nghĩa với sự cứu mạng. Ðức Tôn sư và Ðại đức Ananđa là bạn lành, là nơi nương tựa của mọi người.

 

Một tấm lòng

Một buổi bình minh rực nắng. Ðại đức Ananđa vào thành Sà-văt-thi khất thực. Trên đường đi, Ðại đức bắt gặp ông bà-la-môn Săn-ga-rá-vá mỗi ngày tắm ba lần: sáng, trưa, và chiều dưới sông Găn-ga vì tin rằng, nước sông này bắt nguồn từ thiên đường, chảy qua đỉnh đầu thần Siva, nên có thể rửa sạch tất cả tội lỗi.

Ðại đức rất muốn tiếp độ ông ta, nhưng tự thấy khả năng và công hạnh của mình chưa được thù thắng, nên bạch Phật:

- Bạch Ðức Thế Tôn, ông bà-la-môn Săn-ga-ra-vá là người lão thành, nhân cách tốt, có thể đối thoại được. Nhưng vì tin chấp cổ truyền nên chưa có chánh tín. Xin Ðức Thế Tôn từ bi tiếp độ.

Sáng hôm sau, Ðức Phật quang lâm tư gia ông bà-la-môn. Sau những câu chào hỏi xã giao, Ðức Phật gợi chuyện:

- Lúc này, ông còn tắm mỗi ngày ba lần như thường lệ chứ?
- Thưa còn.
- Xin ông vui lòng cho biết lợi ích của sụ tắm và trầm mình trong sông Găn-ga. Những con sông khác có kết quả lợi lạc như sông Găn-ga không?
- Thưa Ngài Cồ Ðàm, tương truyền rằng nước sông Găn-ga rất linh thiêng, có thể rửa sạch những điều tội lỗi, vì nó bắt nguồn từ thiên đàng và chảy qua đỉnh đầu thần Siva. Do đó, tôi tin tưởng và tiếp tục hành trì cho đến ngày nay.
- Như Lai muốn biết rỏ hơn và mong ông thông cảm: cuộc đối thoại này chỉ nhằm mục đích làm sáng tỏ vấn đề và trang điểm cho kiến thức. Vậy, theo ông, thì tội ở trong tâm hay ở ngoài thân?
- Thưa, ở trong tâm.
- Nếu tội ở trong tâm thì khi tắm, nước có chảy qua tâm được không?
- Nước không chảy qua tâm được nhưng Ngài đừng quên rằng đây là chất nước thiêng có khả năng rửa sạch tội lỗi trong tâm.
- Ông nghĩ đức tin có thể hoán chuyển và che dấu sự thật được sao?
- Thưa Ngài Cồ Ðàm, không thể được.
- Này ông, nếu đức tin không thể che dấu và hoán chuyển sự thật thì sự tin rằng nước sông Găn-ga có thể rửa được tội lỗi trong tâm ấy có phải là sự thật hay không? Một người lạc đường, quay mặt đi về hướng tây tin rằng mình đang đi về hướng đông. Vậy sự tin tưởng ấy có thay đổi được phương hướng hay không?
- Thưa không.
- Câu chuyện này thì người tin tưởng nước sông Găn-ga có khả năng rửa sạch tội ác trong tâm cũng thế ấy. Hoặc người nọ có cái nồi bằng vàng nhưng bị dính phân toàn diện. Người ấy chỉ rửa bên ngoài, tin tưởng rằng bên trong cũng sạch. Vậy, theo ông, đức tin ấy có đúng sự thật không?
- Thưa Ngài Cồ Ðàm, đức tin ấy hoàn toàn sai sự thật.
- Này bà-la-môn, Như Lai nói, thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp, ý ác nghiệp là những chất dơ chỉ có thể rửa bằng nước chánh pháp chứ không thể rửa sạch bằng nước thường.

Như Lai gọi thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp, ý thiện nghiệp là chất nước tinh khiết, mầu nhiệm có khả năng rửa sạch tội ác trong tâm. Này bà-la-môn, hãy vào đây, vào tắm nước chánh pháp của Như Lai, vừa sâu thẳm vừa trong sạch, không dơ đục, không cặn bã, có bến lài, phẳng và đẹp, nơi mà bậc trí thức hạnh ngộ, tắm rửa, tắm xong lên bờ an vui, tự tại.

Sau khi Ðức Phật phân tách lý đạo, ông bà-la-môn vô cùng hoan hỉ:

- Bạch Ðức Thế Tôn, thật rõ ràng sáng tỏ như lật ngữa bàn tay, như mở cánh cửa đóng, như chỉ lối kẻ lạc đường, như soi sáng nơi tối tăm để người có mắt được trông thấy. Ðệ tử xin phát nguyện trọn đời quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Xin Ðức Thế Tôn nhận biết cho đệ tử từ nay là cận sự nam đã quy y Tam Bảo.

Ðại đức Ananđa là người quảng đại, là đồng sự lợi lạc của mọi người. Những đức tính cao quí khác có rất nhiều nhưng nổi bật nhất là đức khiêm cung. Ðối với các bậc trưởng lão La hán được Ðức Phật tuyên dương là đệ nhất, như Ðại đức Ma-ha Ca-diếp (Mahà Kassapa) chẳng hạn, thì Ðại đức Anađa tuyệt đối kính trọng, thậm chí không dám xưng hô bằng pháp danh.

Có một lần, Ðại đức Ca-diếp làm thầy tế độ cho giới tử xuất gia. Trong cuộc lễ này, Ðại đức Ananđa được mời làm thầy giáo thọ. Theo truyền thống tăng sự, thì thầy giáo thọ phải đọc tuyên ngôn liên hệ đến pháp danh Thầy Tế Ðộ. Do đó, Ðại đức Ananđa từ khước vì không dám tuyên đọc pháp danh Trưởng lão Ma-ha Ca-diếp. Ðức Bổn sư biết rõ việc này nên Ngài cho phép đọc thế danh thay cho pháp danh cũng được.

Một lần khác, Ðại đức Ananđa cung thỉnh Ðại đức Ca-diếp hoan hỉ cùng sang ni viện dạy đạo, vì rằng Ðại đức Ca-diếp rất nổi tiếng về đạo hạnh, lời dạy của Ngài sẽ vô cùng ích lợi cho ni chúng. Ðại đức Ca-diếp hoan hỉ nhận lời nhưng vì Ngài là vị đệ nhất hạnh Ðầu Ðà và, thường xuyên sống ẩn cư, không lưu tâm đến vấn đề xã giao mà chỉ dạy đạo. Dạy đạo xong là cáo biệt ngay. Một cô ni phê bình rằng: đáng lý Ngài không nên dạy đạo trước một vị pháp sư lỗi lạc như Ðại đức Anađa. Hành động như vậy chẳng khác gì người bán muối lẻ bán cho người lái muối.

Ðại đức Ca-diếp, một hôm gặp Ðại đức Ananđa bèn nói:

- Này hiền đệ, giữa đệ và tôi ai là người bán muối. Ðức Thế Tôn có khen hiền đệ là người có đạo hạnh như Ngài chưa. Riêng tôi thì đã được Ðức Thế Tôn ban khen công khai giữa tăng chúng là người có đạo hạnh như Ngài, cũng như ban khen Ðại đức Xá lợi phất có khả năng thuyết pháp như Ngài.

- Bạch Tôn giả- Ðại đức Ananđ nói với sự tôn kính tuyệt đối- xin Tôn giả đừng để tâm làm gì. Nữ nhi phần đông thiển cận, bồng bột, và nông nổi.

Sở dĩ Ðại đức Ca-diếp nhắc lại câu chuyện người bán muối và lời khen của Ðức Thế Tôn không phải vì chấp nhất câu nói của cô ni thiếu suy nghĩ mà Ngài dụng tâm qua sự quen biết và trách nhiệm dạy đạo ni chúng của Ðại đức Ananđa sẽ có cơ hội giúp cô ta hồi tâm. Ðây là một cách cứu độ gián tiếp. Nếu không cô ta sẽ gánh lấy tội lỗi nặng nề vì thái độ phạm thượng ấy. Vã lại, đạo tình giữa hai vị quả thật vô cùng thắm thiết. Ðại đức Ca-diếp thường gọi Ðại đức Ananđa bằng danh từ "Chú nhỏ", mặc dù tóc Ðại đức Ananđa đã bạc. Và Ðại đức Ananđa cũng lấy làm hoan hỉ với lối xưng hô thân mật này.

 


 

- o0o -

Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06
- o0o -

| Mục lục Tác giả |
 

- o0o -
 

Chân thành cám ơn Cư Sĩ Bình Anson  đã gửi tặng phiên bản vi tính
(Trang nhà Quảng Đức, 01-2001)

---o0o---
Cập nhật ngày: 01-04-2002

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

neu ban that su muon binh yen day la chia khoa 佛曰 nghi ve van hoa tam linh va tin nguong ngay nay æ å å º nhung chiu duoc thong kho moi co the truong thanh nhung cau noi dang suy ngam cua nguoi do thai nhung nguoi nu xuat gia tu phat co chung duoc Cái hanh phuc 100 大一学期改进措施与下学期计划 tac hai cua dien thoai thong minh voi doi song 嘉言录 Tuổi Phật giáo Hạnh phúc trong sân chùa Thư デイスク回入と回出の意味 Khà i lam sao de biet duoc co kiep truoc kiep sau lam the nao de thuyet phuc bo me cho con di tu ç æˆ 投影备品备件方案 luyen tap long tu bi trong doi song hang ngay loi noi doi vo hai nen noi hay khong nen noi bốn ơn lớn mà người phật tử cần Làm thức uống bổ dưỡng từ đậu nành 除了学习外 平时有时间也会多看看书 cÃÆn ÏÇ Ý рикна 淨界法師書籍 ด หน ง 牧牛 Trị البايرن ضد بنفيكا 佛陀会有情绪波动吗 佛教与佛教中国化 教师节的对联 phat phap de hẠnh Và º ดวยอำนาจแหงพระพ 天计算器 ï¾ å cáo 仏壇のお祝いセット tức