Tình đời, Ý đạo
(Cuộc
đời Thánh tăng Ananda)
Hòa thượng Hộ Giác
---o0o---
Yêu là khổ
Ngoài bản chất từ bi hay thương người và sẵn sàng cảm thông giúp đỡ, Ðại đức Ananđa rất khiêm nhã, phong cách uy nghi, lại thêm sắc diện sáng tươi khả ái đã vô tình khiến cho một thiếu nữ say mê cuồng nhiệt. Câu chuyện như vầy:
Có một hôm mùa hè nóng bức, Ðại đức hữu sự đi đường xa, lúc trở về Kỳ viên tịnh xá ánh nắng gay gắt như đốt cháy thịt da, khiến Ðại đức khát nước khô cổ, mồ hôi nhễ nhại. Vừa lúc ấy, một thiếu nữ đang xách nước xuất hiện như một cứu tinh. Quá vui mừng, Ðại đức đến gần và lên tiếng:
- Này tín nữ, bần đạo đi đường xa nên khát nước, nếu không thấy phiền xin tín nữ vui lòng cho bần đạo ít nước giải khát.
Nghe lời nói vô cùng lịch sự tao nhã, thiếu nữ ngước lên nhìn, nàng giựt mình mất bình tĩnh, vừa bước lui vừa nói:
- Thưa Ðại đức, tôi không
dám dâng nước cho Ðại đức đâu. Ðại đức cũng không nên uống nước này vì Ðại
đức là dòng dõi quí tộc, còn tôi là dòng nô lệ thấp hèn.
- Tín nữ không nên nghĩ như vậy. Bần đạo là người vô giai cấp. Bần đạo là
Thích tử Sa môn chứ không phải vua chúa, bà la môn, thương gia hay lao
động, mà chỉ là một con người như tín nữ vậy.
- Tôi chỉ sợ làm hoen ố đến Ðại đức vì Ðại đức nhận nước từ tay người khác
giai cấp, mà kẻ ấy lại là tôi, một giai cấp hèn hạ, nô tỳ và chính cá nhân
tôi cũng bị đắc tội. Chớ thực ra tôi đâu tiếc rẻ gì với Ðại đức - Nàng trả
lời với giọng nhẹ nhàng và xúc động.
- Tín nữ này, sự hoen ố và tội lỗi không bao giờ có nơi người nặng lòng từ
bi và nhiều nhân ái. Sự hoen ố và tội lỗi chỉ có trong hành vi bất thiện.
Như vấn đề này, bần đạo là người xin nước, tín nữ là người thí nước, tất
cả đều là hành động đạo lý, mà hành động đạo lý thì không thể bị hoen ố và
có tội, trái lại nó là chất nước trong sạch để tẩy rửa những vật dơ bẩn.
Truyền thống giai cấp mà Bà la môn giáo chủ xướng không tạo được sự bình
đẳng mà chỉ tạo thêm sự ngăn cách, làm tổn thương nhân phẩm. Ðức Tôn Sư
của bần đạo có dạy rằng: không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, không
có sự bất bình đẳng trong giọt nước mắt cùng mặn. Tất cả sự thật, bần đạo
đã giải bày, nếu tín nữ có thể cho được thì xin đổ nước vào cái bát này.
Nàng cảm thấy thấm thía, ngọt ngào qua lời nói vừa thành thật vừa hữu lý của Ðại đức. Ðấy là lần đầu tiên trong đời bất hạnh của nàng mới được nghe, nhất là lời nói đó phát xuất từ con người, mà đời cho là thượng lưu quí tộc. Dư âm lời nói dường như cứ ngân nhẹ trong tai nàng. Bàn tay dịu dàng, trịnh trọng đổ nước vào bát Ðại đức trong tư thế quì một chân, còn Ðại đức Ananđa thì đứng cúi xuống nhận nước và uống một cách ngon lành. Nàng ngước nhìn Ðại đức uống nước mà niềm vui tràn ngập cả tâm hồn.
Uống xong Ðại đức phúc chúc:
- Cầu cho tín nữ được nhiều hạnh phúc.
Nàng nghiêng thùng nước và mời:
- Bạch Ðại đức, xin Ðại
đức uống thêm cho thật hết khát.
- Vừa đủ rồi tín nữ ạ!
- Bạch Ðại đức, làm sao tôi có hân hạnh được biết quí danh Ðại đức?
- Tín nữ có từng nghe Ananđa, thị giả của Ðức Phật bao giờ chưa?
- Dạ có.
- Có từng thấy mặt không?
- Dạ không.
- Chính tín nữ đang tiếp chuyện với Ananđa đó.
Nàng bàng hoàng vì sung sướng ngập lòng. Quả thật, nàng chưa bao giờ dám mơ ước được thấy mặt con người bằng xương bằng thịt huống chi được hầu chuyện cùng Ðại đức Thị giả của Ðức Thế Tôn. Hào quang của sự sung sướng tỏa chiếu ra ngoài sắc mặt và ánh mắt. Nàng nói thật nhẹ, giọng nói hơi run:
- Bạch Ðại đức, thật là một diễm phúc lớn cho tôi được gặp Ðại đức, người có giới hạnh, có danh vị mà tôi cứ tưởng là mình nằm mộng.
Ðại đức Ananđa từ giã nàng và về Kỳ Viên tịnh xá. Ðược một đổi đường, Ðại đức nghe tiếng chân người phía sau, bèn quay lại nhìn thì thấy thiếu nữ ban nãy. Ðinh ninh nhà cô ta ở cùng đường, nên Ðại đức cứ tiếp tục đi, không nghi ngờ chi cả. Nhưng khi đến gần cổng chùa không còn ngã rẻ, Ðại đức quay nhìn lại, vẫn thấy nàng lẽo đẽo theo sau, cặp mắt đắm đuối nhìn mình, bèn dừng bước, chờ nàng đến gần, và hỏi:
- Tín nữ đi về đâu?
- Dạ, tôi đi về chùa Kỳ viên.
- Tín nữ vào đó để làm gì?
- Ðể được gặp Ðại đức và trò chuyện với Ðại đức.
- Tín nữ không nên vào đây nếu không có lý do chính đáng, vì đây là chỗ ở
của chư tăng. Tốt hơn, tín nữ nên về nhà.
- Tôi không về nhà nữa. Tôi thương Ðại đức. Ðời tôi chưa bao giờ gặp ai
khả kính, khả ái như Ðại đức.
- Này tín nữ, Ðức Tôn Sư dạy rằng: muốn biết người tốt xấu phải ở chung
lâu ngày, nhận xét vô tư và phải phán quyết sáng suốt. Ở đây, tín nữ mới
gặp bần đạo một lần thì làm sao dám quả quyết là bần đạo khả kính, khả ái.
Nếu bần đạo đã mượn danh Ðại đức Ananđa, thì tín nữ nghĩ sao? Thôi tín nữ
hãy về nhà, đừng vào chùa bất tiện lắm.
- Dù Ðại đức là ai, tôi vẫn thương Ðại đức.
- Tín nữ, Ðức Tôn Sư dạy rằng: yêu là khổ. Yêu sanh ra lo sợ. Yêu là nguồn
gốc của mọi tội lỗi. Tín nữ không sợ khổ sao?
- Thưa Ðại đức, tôi sợ khổ và không muốn bị khổ. Mọi người trên thế gian
cũng như tôi. Tuy nhiên, tôi muốn được thương yêu đặc biệt là yêu thương
Ðại đức.
- Làm sao được hở tín nữ? Vì nhân quả lúc nào cũng liên quan mật thiết.
Cái nhân thương đã gieo, thì cái quả khổ phải gặt.
- Ðại đức nói vậy, chớ tôi nào thấy khổ. Tôi chỉ thấy vui sướng và hạnh
phúc khi được gặp gỡ, chuyện trò với Ðại đức, người mà tôi yêu thương, quí
kính nhất đời.
- Nếu sau này không gặp bần đạo nữa thì tín nữ có khổ không?
- Chắc chắn là phải khổ nhiều lắm.
- Như vậy chứng tỏ yêu là khổ.
- Không phải vậy. Ðó là do sự xa cách người thương, chớ không phải do bản
chất sự thương yêu.
- Nếu xa cách người không thương thì có khổ không ?
- Dạ không.
- Này tín nữ, như vậy tín nữ đã tự thú nhận rằng chính sự thương yêu là
nguyên nhân của đau khổ.
- Bạch Ðại đức, sự đau khổ mà Ðại đức vừa nói đó là sự đau khổ của người
không được thương yêu, nếu được thương yêu thì đâu có khổ.
- Tín nữ đã từng được yêu thương lần nào chưa?
- Từ trước thì chưa.
- Nếu chưa từng được yêu thương thì tín nữ làm sao biết chắc là không đau
khổ. Người bốc lửa dù cố ý hay vô tình cùng bị nóng phải không tín nữ?
- Dạ phải.
- Vậy thì cái khôn ngoan nhất là đừng bốc lửa thì không nóng, cũng như
không yêu là không khổ.
- Bạch Ðại đức, dù Ðại đức có giải thích cách nào tôi cũng yêu Ðại đức.
Nếu Ðại đức không chấp nhận tình yêu đơn phương của tôi, thì Ðại đức cứ
nhận tôi như một người giúp việc trung thành để tôi được phục dịch Ðại đức
và riêng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện.
- Thật tội cho tín nữ quá! Tại sao tín nữ lại thương một người như bần đạo,
trong khi tình thương yêu của bần đạo đã hiến dâng trọn vẹn cho Ðức Tôn Sư
rồi. Thú thật với tín nữ, trái tim bần đạo không còn khoảng trống. Bần đạo
cũng không thể chấp nhận tín nữ như người giúp việc, vì điều này Ðức Tôn
Sư đã cấm chỉ. Bần đạo thông cảm nỗi lòng tín nữ, song bần đạo không thể
vượt ra ngoài khuôn khổ luật định. Tín nữ hãy về đi. Không khéo chư vị tỳ
kheo, sa-di thấy được thì họ sẽ chê trách bần đạo. Vả lại, nơi đây rất gần
hương thất Ðức Bổn Sư. Tín nữ hãy nên tự trọng.
Ðức Bổn Sư nghe rõ câu chuyện đối đáp giữa hai người, bèn lên tiếng hỏi:
- Chuyện gì đó Anan?
- Bạch Thế Tôn, một thiếu nữ đòi theo đệ tử vào chùa.
- Hãy cho cô ta vào, và dẫn đến đây gặp Như Lai.
Ðại đức Ananđa hướng dẫn thiếu nữ vào bái kiến Ðức Phật. Ðức Tôn sư hỏi:
- Ananđa, câu chuyện xảy ra thế nào mà cô đây đòi theo ngươi vào chùa?
Sau khi nghe Ðại đức Ananđa tường thuật, Ðức Tôn Sư hỏi thiếu nữ:
- Này tín nữ, tín nữ
thương Ananđa phải không?
- Bạch Ðức Thế Tôn phải.
- Tín nữ thương chổ nào?
- Ðệ tử thương cặp mắt.
- Tín nữ này, mắt là nơi qui tụ một số thần kinh hệ và hai cục thịt mềm,
chứa đựng nhiều trược chất: nước mắt, cức ghèn, nước nhờn và mủ máu. Vậy
tín nữ còn thương cặp mắt của Ananđa nữa không?
- Bạch Ðức Thế Tôn, nếu vậy thì đệ tử thương cái mũi của Ananđa.
- Này tín nữ, cái mũi cũng là nơi liên kết một số thần kinh hệ, bên trong
chứa nhiều trược chất: nước mũi, cức mũi, nước nhờn... và rất hôi hám. Vậy
tín nữ còn thương cái mũi của Ananđa nữa không?
Nàng mắc cở, đâm liều, cứ nói thương cái này đến thương cái khác. Nàng nói thương bộ phận nào thì Ðức Tôn Sư đều giải thích cái uế trược của nó. Cuối cùng nàng cúi đầu yên lặng. Ðức Phật dạy:
- Tín nữ ơi, xác thân này chỉ là cái bị da, được tạo dựng lên bằng xương thịt và máu mủ, các vật uế trược thường trực chảy theo cửu khiếu, là nhà trọ, là nghĩa trang của các loại sinh trùng, là ổ bịnh tật, là nhà vệ sinh cố định, nếu không chịu khó rửa ráy thường xuyên thì mùi hôi thúi sẽ xông ra tức khắc. Tín nữ ơi, xác thân này sở dĩ đẹp đẽ là nhờ da thịt bên ngoài che đậy các vật uế trược bên trong, cũng như quan tài được sơn phết màu mè, được trau chuốt trơn láng mà bên trong là tử thi hôi thúi. Không ai ưa thích quan tài có tử thi sình thúi. Vậy tại sao tín nữ lại ưa thích xác thân có nhiều trược chất và sinh trùng?
Lẽ ra, giọt nước cành dương đã rủ sạch lòng trần. Nhưng tội nghiệp nàng, vì nàng quá thương yêu Ðại đức Ananđa, thương đắm đuối, cuồng nhiệt, quên thân phận hiện tại, quên cuộc sống cách ngăn, quên cả sự hiện diện tôn quí và pháp âm mầu nhiệm của Ðức Bổn Sư. Tâm trạng nàng chỉ nghĩ đến Ðại đức Ananđa. Trái tim nàng chỉ có hình ảnh độc nhất của người nàng yêu. Quả thật tình yêu của nàng là tình yêu đơn phương, song nàng bất chấp, vì trong cái cay đắng ấy nàng vẫn cảm thấy thú vị ngọt ngào.
Thỉnh thoảng, ánh sáng chánh pháp lóe lên trong tâm hồn nàng, rồi vụt tắt thật nhanh như điện trời. Nàng như chiếc xe tuột dốc mà bộ phận thắng đã hư. Lửa ái dục đang bốc cháy rực trời mà nước cam lồ chưa dập tắt được. Nàng suy nghĩ lung lắm, tìm phương cách nào để được gần gủi Ðại đức Ananđa nhưng vấn đề hoàn toàn bế tắt. Thất vọng nàng bái biệt Ðức Phật ra về. Nàng cũng không quên liếc nhìn Ðại đức Ananđa như trao gởi hẹn hò.
Thời gian nàng gặp gỡ Ðại đức Ananđa rồi theo Ðại đức về chùa bái kiến Ðức Phật đã hết nữa ngày. Trời chiều bãng lãng. Nàng phập phòng lo sợ sự vắng mặt quá lâu của mình sẽ trở nên đại tội nếu chủ nhà cần gọi. Vì đã có lần nàng bị hành hạ tàn nhẫn chỉ vì cái lỗi này. Thật tội nghiệp cho thân phận và kiếp sống tôi đòi.
Nhưng may mắn làm sao! Suốt thời gian ấy chủ nhà tuyệt nhiên không gọi đến nàng. Một sự kiện ngoại lệ. Có lẽ đây là Phật lực.
Ðêm ấy nàng Cô-ki-la trằn trọc, thao thức suốt canh trường. Mở mắt thì nóng rát, mệt mỏi; nhắm mắt thì hình ảnh Ðại đức Ananđa hiện lên như thiên thần bất tử. Giác quan thứ sáu của nàng gần như không còn đối tượng, ngoại trừ hình ảnh của Ðại đức Ananđa. Nàng tâm niệm tên Ðại đức liên tục không gián đoạn, như tín đồ ngoan đạo niệm hồng danh Ðức Bổn Sư. Thỉnh thoảng hình ảnh từ bi thanh tịnh của Ðức Bổn Sư hiện lên trong tiềm thức và nàng cũng cảm thấy yên tịnh đôi phần. Nàng cũng có cảm giác của khách lữ hành giữa trưa hè nắng gắt được núp bóng tàn cây. Nhưng cuối cùng hình ảnh từ bi, thanh tịnh của Ðức Phật mờ dần, nhường cho hình ảnh khả ái của Ðại đức Ananđa ngự trị. Tội nghiệp, nàng hoàn toàn bất lực trước trận giặc tình, nên đã tự mâu thuẩn với nổi niềm riêng.
Tiếng gà đã gáy sang canh. Tiếng gáy thúc dục, liên hồi báo hiệu bình minh mới. Gió mai thổi hơi sương luồn qua cửa sổ khiến nàng cảm thấy phấn khởi và tỉnh táo. Nàng đứng lên cởi bỏ áo choàng, chuẩn bị thức ăn sáng cho chủ. Mặc dù bận rộn, nàng vẫn không quên được hình bóng của Ðại đức Ananđa. Nàng thầm van vái thần linh xui khiến cho Ðại đức sáng nay đi khất thực ngang qua nhà nàng đang ở.
Nắng mai khiến nàng dễ chịu. Làm xong bổn phận, nàng ra đứng trước cửa, cặp mắt mơ màng, nhìn xa xăm. Bỗng nàng trông thấy một vị tỳ kheo ni, tay ôm bình bát, mình mặc áo cà-sa đang đi khất thực và tiến tới nhà nàng. Một ý nghĩ khác thường thoáng hiện qua tâm thức, khiến nàng sung sướng như bắt được vàng.
- Tỳ kheo ni! Ta sẽ xuất gia làm tỳ kheo ni, sẽ được ở gần Kỳ viên tịnh xá, sẽ có cơ hội gặp gỡ chuyện trò với người thương.
Quyết định xong, nàng xin nghỉ việc, đến chùa bái kiến Ðức Thế Tôn và xin xuất gia. Ðức Thế Tôn thấy rõ thiện duyên thánh quả của nàng nên Ngài hoan hỉ chấp thuận và cho ở chung với ni chúng gần Kỳ viên tịnh xá. Sau khi xuất gia, tân ni cô tích cực học tập, làu thông kinh luật, hạnh kiểm trang nghiêm, thu thúc lục căn, sống hòa mình, có kỷ cương và rất đẹp lòng ni chúng. Yếu tố giúp nàng thành công trong nếp sống phạm hạnh là đức tính trầm lặng.
Mặc dù tinh tiến vượt bực nhưng nàng cũng không tránh khỏi xao xuyến khi Ðại đức Ananđa đến dạy đạo tại ni viện mỗi buổi chiều. Có một lần, nàng được nghe Ðức Bổn Sư thuyết pháp về phiền não là tham ái, sân hận và si mê. Ngài dạy:
- Cả ba thứ phiền não đều thiêu đốt chúng sanh thường trực, nhất là hạng chúng sanh chịu dưới quyền sai sử của nó. Nhưng tính chất khinh trọng khác nhau: tham ái tội nhẹ, khó diệt. Sân hận tội nặng dễ trừ. Si mê vừa nặng tội vừa khó dứt. Người xuất gia, mặc dù cuộc sống xa cách tham ái nhưng nếu tâm hồn còn bị sai sử thì con đường giải thoát vẫn còn ngưng trệ. Ví như khúc gỗ tươi, dù để nơi khô ráo cũng không phải là nhiên liệu phát hỏa.
Nghe xong bài pháp, nàng lãnh hội trọn vẹn và cảm nhận sâu xa. Nàng tự thẹn, vì thấy mục đích xuất gia của mình không phải để tẩy trừ phiền não hoặc để liễu ngộ Niết bàn mà chỉ vì muốn được gần gủi người yêu. Quả thật mình đã hành động liều lĩnh, thiếu sáng suốt, vì như thế có khác nào để dầu gần lửa, tránh sao cho khỏi bốc cháy một sớm một chiều.
Càng suy nghĩ càng xao xuyến, hoang mang. Vả lại, nàng cũng chưa thấy Ðại đức Ananđa có một cử chỉ đặc biệt nào đối với nàng. Ðành rằng sự gặp gở người yêu là hạnh phúc, song hạnh phúc ấy quá nhỏ nhoi nếu đem so sánh với nỗi buồn cô đơn dầy xéo, và nỗi khổ đọa đầy của kiếp sống cách ngăn. Chiếc áo cà-sa là bức tường ngăn cách giữa nàng và Ðại đức. Một sự ngăn cách hữu hình, nhưng không thể san bằng vượt thoát. Nàng cảm tưởng như bất thần bị tạt nước đá vào mặt. Tâm trạng nàng chán chường tuyệt vọng.
Nàng cố quên Ðại đức Ananđa bằng cách tích cực trau dồi kinh luật. Nàng rất sợ sự gián đoạn của thời gian và khoảng trống của không gian. Tuy đã cố gắng và phấn đấu nhưng hình ảnh Ðại đức Ananđa cứ hiện lên như thiên thần đối diện. Nàng hoàn toàn bất lực trong ý niệm chạy trốn tình yêu. Vì tình yêu là nam châm mà trái tim nàng là một loại kim khí.
Một hôm, nàng đưa một cô ni bạn đến gặp Ðại đức. Vốn bẩm tánh nhã nhặn lịch sự, Ðại đức tiếp nàng rất niềm nở, đạo tình. Nàng sung sướng và vui mừng chi xiết. Nàng cảm thấy cuộc đời sáng tươi, đáng yêu, đáng sống. Tâm trạng nàng như hoa xuân đang nở rộ, như lúa háp gặp mưa. Nhưng trước khi nàng ra về, Ðại đức nhắc khéo:
- Này cô, từ nay, nếu không có lý do chính đáng thì cô đừng nên đến đây. Còn nếu có điều chi thắc mắc liên quan đến giáo lý, thì nên hỏi, khi tôi đến dạy đạo tại quí viện.
Ðêm ấy nàng đã khóc rất nhiều. Có lẽ, nước mắt đã chảy ra suốt đêm trường. Nàng cảm thấy vừa buồn khổ, vừa tủi hờn, vừa đau đớn. Sự đau khổ trào dâng, nàng uất nghẹn nói một mình đứt quảng:
- Phải mà, ông ta có bao giờ nghĩ đến mình đâu. Lòng dạ gì mà như sắt đá!
Một ni cô ngủ gần nghe tiếng nấc giữa đêm khuya, bèn lật đật đến hỏi:
- Kokilà, có sao không?
- À, không có sao, Sumitra. Tôi vừa trải qua cơn ác mộng khủng khiếp quá.
Thành thật cám ơn Sumitrà đã thương tình lo lắng cho tôi.
- Ðức Phật dạy, người rãi lòng từ bi sẽ không nằm thấy ác mộng. Kokilà có
nhập từ bi quán trước khi ngủ không?
- À, vậy là trước khi ngủ phải rãi lòng từ bi thì sẽ không nằm mơ thấy ác
mộng phải không?
- Phải.
- Ðêm nay, trước khi ngủ tôi đã quên, không nhập từ bi quán. Tôi thành
thật xin lỗi vì đã vô tình làm kinh động giấc ngủ Sumitrà.
Sau khi Sumitrà đi rồi, Kokilà nghĩ đến thân phận bèo bọt của mình. Quả thật đời nàng là một chuổi dài bất hạnh. Lúc chưa xuất gia thì nàng là một kẻ nô tỳ bằng thể xác, đến khi được xuất gia thì nô lệ bằng tâm hồn. Thật vậy, người bị mắc bẫy tình thì tha nhân không gỡ được mà phải tự lực giải thoát. Nàng chợp mắt trong tình trạng uể oải, mỏi mòn khi trời gần sáng.
Chạy trốn tình yêu
Cuối cùng, nàng không đủ can đảm chịu đựng nhiều hơn vì sức người có hạn. Nàng dứt khoát xin phép Ðức Bổn Sư và Ðại đức Ananđa, từ giã ni chúng đồng đạo, ra đi sang xứ Cô-sâm-bi ( Kosambi) và tạm ngụ tại chùa Khô-si-ta-ra-má (Ghosìtàrama) với ý niệm, sự xa cách là phương thuốc nhiệm mầu để xoa dịu niềm đau tình ái. Trước phút ra đi, nàng cảm thấy xao xuyến bồi hồi.
Nàng an cư kiết hạ tại một ni viện gần chùa Khô-si-tà-rà-ma do ông Bá hộ Khô-si-ta cúng dường Ðức Bổn Sư. Suốt ba tháng sống xa Ðại đức Ananđa, tâm hồn nàng tương đối yên tịnh. Ðạo hạnh tăng tiến khả quan. Nàng tin tưởng rồi đây sự nhớ thương sẽ có cơ giảm thiểu.
Tuy nhiên, tình yêu lúc nào cũng có cái lẩn quẩn của nó, trừ phi, tự nó tan biến hay bị thời gian đào thải. Ðời sống lắm rắc rối, đầy cạm bẫy và nhiều mâu thuẩn. Chẳng hạn như, ta chạy theo vật sở thích thì nó lánh xa; ta không cần thì nó đến.
Cũng như bóng với hình; hình tìm bóng thì bóng lẫn trốn; hình lẫn trốn thì bóng không rời.
Chính cái thông lệ ấy đã đến với Cô-ki-là khi hay tin Ðức Bổn Sư sẽ quang lâm Cô-sâm-bi và Ðại đức Ananđa sẽ là thị giả.
Tin này được loan truyền vô cùng nhanh chóng. Từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu cũng nghe bàn tán và ai ai cũng sốt ruột mong cho mau đến ngày hội ngộ cùng Ðức Bổn Sư. Ðức vua U-đê-na mặc dù chưa được diện kiến Ðức Bổn Sư, cũng vui mừng ra mặt.
Nhóm Lục sư ngoại đạo thì chuẩn bị vấn nạn. Có vị quyết ăn thua, có vị muốn tìm hiểu để so sánh, có vị muốn phô trương, có vị chỉ muốn tiêu khiển. Chư vị phàm tăng thì hy vọng được gội nhuần mưa pháp.
Trong lúc đó, nào ai biết được tâm trạng Cô-ki-là khi một cô ni bạn đến báo tin mừng:
- Cô-ki-là, cô có hay tin
Ðức Bổn Sư sẽ quang lâm đến đây không?
- Thật vậy hả cô, chắc Ðức Bổn Sư quang lâm một mình?
- Ðức Bổn Sư đâu có quang lâm một mình. Ai ai cũng biết Ðức Bổn Sư quang
lâm đến đâu thì cũng có số đông tỳ kheo tháp tùng đến đó và vị thị giả là
Ðại đức Ananđa.
- Ðại đức Ananđa! - Nàng la lớn và lấy tay đè ngực.
- Có chuyện gì hở Cô-ki-là. Tại sao cô hoảng hốt?
- Không. Ðâu có chuyện gì. Tại tôi quá vui mừng, quá xúc động nên mất bình
tĩnh.
- Mọi người đều vui mừng như vậy. Chúng ta chắc chắn sẽ được lãnh hội giáo
lý cao siêu mầu nhiệm từ kim khẩu Ðức Bổn Sư hoặc do chư Ðại đức Xá Lợi
Phất, Ðại đức Ca Diếp hoặc Ðại đức Ananđa phụ tráchg thuyết giảng.
Ngày chờ đợi đã đến. Ðức Tôn Sư và số chư vị thánh tăng tháp tùng đã đến Cô- sâm- bi. Ðức vua, văn quan, võ tướng, thân hào, nhân sĩ, Sa-môn, Bà la môn, đón rước Ðức Bổn Sư vô cùng trọng thể. Riêng dân chúng thì tự động đứng làm hàng rào danh dự, tay cầm hoa thơm và các thứ hương liệu cúng dường Ðức Bổn Sư trên khoảng đường dài nhiều dặm. Hoa tươi đầy đường. Hương thơm ngào ngạt. Ðức Bổn Sư và chư tháng tăng gần như đi trên lớp hoa mềm.
Từ ngoài cổng chùa, tỳ kheo, tỳ kheo ni đã vân tập quì đãnh lễ Ðức Bổn Sư vô cùng trang trọng. Nỗi vui mừng gần như phỉ lạc. Toàn thể đều hướng nhìn về phía Ðức Bổn Sư và Ðại đức Ananđa để chiêm ngưỡng. Trong số ấy, người chiêm ngưỡng Ðại đức nhiều nhất là Cô-ki-là.
Vừa gặp lại Ðại đức Ananđa, sự yêu thương tự nhiên bừng sống dậy như cỏ héo gặp mưa. Vì đã ba tháng rồi, ba tháng dài vắng bóng người thương - Giờ thì người thương bằng xương bằng thịt đang ở trước mắt. Và trong khung cảnh tưng bừng, khấp khởi ấy, mọi người đều chiêm ngưỡng người thương, thì bảo sao nàng không vừa hãnh diện vừa ghen tức cho được.
Nàng tách khỏi đám đông về tư phòng, tim nàng đau nhói như bị kim châm, muối xát. Nàng thầm nghĩ: "Trên thế gian này, không lửa nào nóng bằng lửa dục ái! "
Thật vậy, tiếng gọi của tình yêu lúc nào cũng thúc dục liên hồi như tiếng kèn xung trận. Sức mạnh của tình yêu là vô địch. Không có sự chinh phục nào tốc chiến, tốc thắng bằng cuộc chinh phục của tình yêu. Ðạo binh tình yêu chỉ có thể bại trận trước đạo binh Thánh đạo. Ngoài đạo binh thiện chiến này ra, không một đạo binh nào đủ sức chiến đấu, chớ đừng nói đến vấn đề thủ thắng. Trận giặc tình yêu không có chiến tuyến. Ðúng hơn là một cuộc nổi loạn, một cuộc đột kích bất thần, một trận bão lòng thần tốc.
Có hai yếu tố thúc đẩy hành động: một là trách nhiệm, hai là tiếng lòng. Yếu tố trước nếu bất thành, người ta đau khổ, nhưng tương đối nhẹ nhàng. Còn yếu tố thứ hai, nếu bất thành thì hậu quả của nó là thất vọng, tuyệt tình, quyên sinh, tự ải.
Tội nghiệp Cô-ki-là! Nàng phải chiến đấu một lúc trong hai trận tuyến. Trách nhiệm của nàng hiện tại là học đạo, hành đạo và thành tựu cứu cánh của đạo. Nàng không còn là một thiếu nữ tầm thường, mà là một ni cô xuất gia đầu Phật. Nếp sống thiền môn cũng đã giúp nàng quen mùi thiền vị. Sự luyến ái nam nữ sẽ phá hủy toàn bộ yếu tố trách nhiệm. Nhưng tội cho nàng! Tiếng gọi tình yêu lại thúc dục liên hồi như nhịp khúc hành quân, và cũng thiết tha mê hồn như khúc nhạc tình liêu trai thần thoại. Nàng không còn đủ sáng suốt để phân tích lợi hại. Quả thật trong thâm tâm nàng không muốn có sự thắng bại giữa trách nhiệm và tiếng lòng. Vì nếu trách nhiệm thắng thì nàng sẽ tuyệt tình, còn tiếng lòng thắng thì nàng sẽ mất đạo.
Tâm lý nữ giới thường hay hướng ngoại. Một khi đã yêu thì không phân biệt địa vị, hoàn cảnh. Mặc dù biết rằng tình yêu đơn phương của mình là tuyệt vọng nhưng nàng không lùi bước.
Ngày Ðức Phật quang lâm đến, chính đêm ấy nàng xót xa và hờn tủi nhiều. Vì nàng thấy vua, quan, thân hào, nhân sĩ, bá hộ, thương gia, đủ thành phần giai cấp xã hội kéo nhau đến bái kiến Ðức Phật như giòng suối chảy, trong số ấy nhiều nhất là nữ giới, mà nàng biết chắc rằng họ sẽ chuyện trò với Ðại đức Ananđa trước khi vào bái kiến Ðức Phật. Và Ðại đức có bao giờ nghĩ đến nàng đâu.
Suối lệ tuôn rơi lúc nào nàng cũng không hay biết. Ðến khi nước mắt chảy thật nhiều nàng mới cảm thấy dễ chịu, ngực bớt nặng và tim bớt nhói. Có lẽ, nước mắt là người bạn trung thành nhất của nữ giới. Gần như ngoài nước mắt, không còn người bạn nào thân thiết, chung tình và cảm thông hơn.
Sở dĩ có hiện tượng này là vì nữ giới quan niệm tình yêu là cốt tủy của cuộc sống trong khi nam giới chỉ xem tình yêu như là một trong những yếu tố của cuộc sống. Do đó khi đã yêu thì nữ giới sẵn sàng hy sinh thể xác, linh hồn và sẵn sàng nô lệ cho tình yêu không cần cân nhắc.
Chiều hôm sau, nàng bách bộ quanh chùa ngắm cảnh, để tâm hồn được phần nào nhẹ nhàng. Ðứng nhìn cảnh muôn hoa đua nở, lòng nàng đắm đuối, say mê. Ðây hoa thảo đường khoe nhụy đưa hương cợt đùa lũ ong, kia nàng dạ lý lẳng lơ đưa tình với bướm; nọ là đóa sen trắng ấp ủ hương trinh, biểu tượng một vẻ đẹp thanh kỳ, quý phái. Mỗi loài có một vẻ đẹp khác nhau; một đàng thì phóng đảng kiêu sa; một đàng lại dịu dàng thanh nhã. Chung quanh ao sen có băng đá dài để ngồi hóng mát, ngắm cảnh. Nàng thường ra đây ngồi, nhìn những con bướm lượn. Gió chiều thổi nhẹ, đưa hương sen vào bờ, một mùi thơm nhẹ nhàng tinh khiết. Trước cảnh hữu tình ấy nàng cảm thấy phấn khởi. Cảnh vật thiên nhiên lúc nào cũng có giá trị đối với cuộc sống. Nó là người bạn trung thành trong những giây phút vui, buồn. Nếu được sống gần gủi thiên nhiên chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Càng sống xa thiên nhiên càng bị phủ phàng, nghiệt ngã.
Trong lúc nàng mãi thả hồn theo ngoại cảnh, bỗng có tiếng chân người phía sau đi tới. Vội quay đầu nhìn lại, nàng bắt gặp Ðại đức Ananđa và ông chủ chùa. Hình ảnh ấy làm tan biến không khí yên tịnh thần tiên của nàng. Trong giây phút bàng hoàng, nữa mơ, nữa tỉnh, không biết nàng mừng hay lo mà bàn tay và vành môi run lên nhè nhẹ. Khi Ðại đức Ananđa đến gần thì nàng bước lùi, nàng không còn nhớ được rằng phía sau lưng là ao nước. Nàng cứ tiếp tục lùi và vô tình vấp phải cục đất cứng, mất thăng bằng, nàng ngã xuống.
Cả Ðại đức Ananđa và ông bá hộ đều không ai dám đỡ nàng vì nàng là một tỳ kheo ni. Nàng tự gượng đứng lên, quì gối, đầu cúi xuống.
- Này cô, - giọng nói của Ðại đức Ananđa vừa lo lắng vừa thương hại - tôi thành thật xin lỗi vì đã làm kinh động, khiến cô phải khổ sở. Cô có đau lắm không?
Những lời hỏi han đầy lo lắng và nhiệt tình của Ðại đức Ananđa như món thần dược giúp nàng hết cơn đau nhức. Thật vậy, không có gì khiến cho người nữ vui mừng bằng, khi biết người yêu lo lắng và tưởng nhớ đến mình. Họ quên tất cả lỗi lầm quá khứ của người yêu, và rất dễ tha thứ, như trẻ thơ quên khóc, quên la khi được bú sữa mẹ.
Nàng rất cảm động muốn thốt lời cảm tạ, nhưng nghẹn ngào vì quá xúc động. Cuối cùng nàng đành yên lặng.
Ðại đức Ananđa hỏi tiếp:
- Cô có đau lắm không?
Tôi cảm thấy ái ngại quá!
- Bạch Ðại đức, không sao.
- Cô đến ở đây có an vui không?
- Bạch Ðại đức, tạm an.
Ông bá hộ xen lời:
- Thưa sư cô, nếu sư cô cần chi trong tứ sự, tôi xin tình nguyện cúng dường.
Nói xong, Ðại đức và ông bá hộ lại tiếp tục đi. Nàng nhìn theo Ðại đức Ananđa mà tâm hồn như chết lặng. Nhưng sực nhớ cử chỉ lo lắng vừa rồi của Ðại đức, nàng cảm thấy vô cùng sung sướng và ước gì được té năm mười lần trong một ngày. Mất tự chủ, nàng tự động bước theo Ðại đức. Ði được một khoảng đường nàng dừng bước. Ðộng tác nàng lúc ấy trông thật đáng thương. Cuối cùng, nàng quay về tư phòng với tâm hồn u ẩn. Nàng thèm gặp gỡ, chuyện trò với Ðại đức Ananđa, như người chết khát thèm nước. Khi muốn gặp nhau, thì người ta dùng đủ phương cách, kể cả thủ đoạn bất chánh để đạt sở nguyện, vì yêu là mù quáng.
Nàng đóng cửa nằm như người bịnh nặng. Sú-nan-đà, một cô ni ở gần, gỏ cửa hỏi:
- Có sao không Cô-ki-là?
- Cám ơn Sú-nan-đà, tôi chỉ hơi nhức đầu và cảm thấy khó chịu trong người.
- Có uống thuốc chưa?
- Dạ có.
- Có cần tôi giúp chi cứ nói, đừng ngại nhé!
- Vâng. Cám ơn Sú-nan-đà. Cô có quen biết Ðại đức Ananđa không?
- Biết chớ, ai mà không biết Ðại đức, họa chăng người ấy không biết Ðức
Phật. Bộ cô có chuyện gì liên hệ với Ðại đức phải không?
- Vâng, tôi muốn nhờ cô hoan hỉ thỉnh cầu Ðại đức quang lâm đến đây để tôi
được nghe lời chỉ giáo sau cùng. Vì tôi cảm thấy mạng sống không bảo đảm.
Ðức phật có dạy: sanh, bệnh, thời giờ, địa điểm và cảnh giới là những diều
bất định. Do đó, xin cô thương tình đến thỉnh cầu Ðại đức theo lời khẩn
thiết của tôi như vầy: Cô-ki-là tỳ kheo ni, xin đê đầu đãnh lễ Ðại đức,
giờ đây nàng đau rất nặng, không ngồi dậy được, xin Ðại đức mở lòng từ bi
đến thăm bệnh nhân lần cuối. Sự quang lâm của Ðại đức sẽ là một điều rất
hạnh phúc cho nàng.
Trời đã về chiều. Bóng chùa và những bóng cổ thụ nghiêng mình ngã dài khiến vị trí quanh chùa trở nên mát mẻ u nhàn. Trên cành, chim hót líu lo. Có cặp thì đứng sát gần nhau, vừa rỉa lông vừa chuyện trò ríu rít. Loài phi cầm tuy không đủ khôn ngoan như loài người, nhưng đời sống vô cùng hạnh phúc, trong khi loài người mệnh danh là thông minh, tài trí, nhưng đã có mấy ai hạnh phúc, thanh nhàn. Sự thật, hạnh phúc là do sự an phận, mà loài người vì quá thông minh nên quá nhiều dục vọng. Hậu quả dục vọng là khổ sở, lo phiền. Tìm hạnh phúc trong ái nhiễm chẳng khác gì tìm dầu trong đá sỏi. Hãy ra khỏi nhà lửa tham dục thì lập tức có sự mát mẻ, an lạc. Ði tìm hạnh phúc ngoại giới cũng như người khát tìm nước ở sa mạc. Cái triết lý tìm hạnh phúc là tìm ở nội tâm. Trước hết phải nhìn thẳng sự thật khổ đau và truy tìm nguyên lý khổ đau là hạnh phúc. Ví như bệnh nhân muốn được sống an vui, lạc thú thì trước hết phải truy tầm bịnh căn phục dược. Sự hoàn toàn bình phục là điều hạnh phúc.
Lời khẩn cầu của Cô-ki-là được chuyển đến Ðại đức Ananđa khiến Ngài lấy làm bâng khuâng, thầm nghĩ:
- Có lẽ nàng bị té ban chiều mà sanh ra bệnh? Thật là tội! Nàng yêu mình trong khi mình không thể yêu nàng. Tình yêu của nàng ví như trẻ thơ thấy mẹ nằm chết, cứ kêu réo bảo trả lời. Bản tánh nữ nhi vốn yếu mềm hơn nam giới, nhưng có một điều là nam nhi phải đầu hàng vô điều kiện đó là sự chịu đựng đau khổ.
Ðại đức Ananđa nhờ một vị tỳ kheo đi với mình đến chổ ở Cô-ki-là để thăm bệnh. Nhưng khi trông thấy bệnh tình Cô-ki-là thì Ðại đức bớt lo lắng một phần lớn. Trí tuệ bén nhạy của Ðại đức đã soi thấu được bệnh căn của nàng. Nhưng Ðại đức tự nhủ: đây là cơ hội tốt nhất để mình giác ngộ nàng.
Ðoạn lìa phiền não
Chủ đích đã có, Ðại đức Ananđa an ủi và khích lệ:
- Này Cô-ki-là, đời sống bắt đầu từ những yếu tố đáng nhờm gớm và hổ thẹn. Hiện hữu của nó là sự tập hợp của tứ đại. Chung cuộc của nó là tiêu tán khổ đau. Mở mắt chào đời ta khóc. Nhắm mắt lìa đời ta cũng khóc. Nếu lúc chào đời trẻ thơ nắm chặt đôi tay biểu hiện cho khả năng chiếm hữu thì khi nhắm mắt lìa đời người ta xòe tay cảnh tỉnh thế nhân hãy hồi quang tu tỉnh. Này cô, tôi xin phép kể cô nghe cuộc đời của tôi. Tôi là em họ Ðức Tôn Sư, được sinh trưởng trong dòng Thích Ca quí tộc và xuất gia lúc 36 tuổi. Một công tử tuổi đời như vậy thì tránh sao khỏi vướng dây tình ái. Chính nhờ sự từng trải, lịch kinh nên tôi khẳng định được rằng: Yêu là khổ. Tình yêu hành hạ thể xác, đày đọa linh hồn. Mọi người đều muốn được như ý nguyện trong địa hạt tình yêu, nhưng chính tình yêu thì chưa cho ai được toại nguyện. Nó là độc chất phá hoại toàn bộ cơ cấu nội tâm. Hạnh phúc của tình yêu cũng giống như bệnh nhân muốn mau bình phục rồi uống mã tiền. Cô không nên chạy theo tiếng gọi của tình yêu vì khi tình yêu ngự trị, sai sử thì tâm hồn đâm ra loạn động, càng loạn động càng khổ sở. Tình yêu trông xa đẹp như núi tuyết, nhưng đến gần chỉ có lạnh lẽo, hoang liêu. Cô hãy nhìn thẳng vào cuộc sống, đừng nuối tiếc những gì đã qua, đừng mong cầu những gì chưa đến. Cuộc sống tuy có hiện thành nhưng mau tiêu tán, như lượn hải triều trườn mình lên bãi cát. Cô-ki-là ơi, tình yêu sẽ làm mờ tối lương tri như áng mây trôi che vầng trăng sáng. Bẩm tánh nữ giới hay mắc cở, xấu hổ nhưng khi đã yêu thì không còn biết xấu hổ nữa. Do đó, rất dễ đi sâu vào con đường tối tăm, tội lỗi, như trẻ thơ bị lạc ở trong rừng. Lúc bấy giờ cái cô đơn nguy hiểm của rừng sâu, không còn là vấn đề, mà chính sự cô đơn, hoang mang, lo sợ của đứa trẻ mới đáng ngại. Có những người, trông hình thức bên ngoài thật là ấm êm, hạnh phúc, nhưng nội tâm là trận cuồng phong bão tố. Cái cô đơn của người đâu phải vì thiếu bạn, thiếu tình mà vì thiếu lý tưởng để tôn thờ, thiếu hải đảo chánh pháp để nương tựa. Còn riêng cô thì đã có tất cả. Vậy cô hãy tiếp tục tôn thờ và nương tựa. Hãy chấp nhận dấn thân cho mục đích cao đẹp đó. Còn tình yêu thì như chiếc thuyền lủng đáy, bám vào nó là tự trầm mình.
Chánh pháp là thuyền từ cứu độ, là đuốc tuệ soi đường. Khách trầm luân hãy bám vào thuyền Từ, còn kẻ lạc lối, hãy cầm lấy đuốc Tuệ. Bất cứ hành động nào đưa đến hậu quả đắng cay, ân hận, Ðức Tôn Sư khuyên chúng ta tuyệt đối không nên làm. Do đó, dù thể xác héo hon, dù cuộc đời cay đắng, cô không nên bỏ quên chánh pháp. Nếu phải chết thà chết vì chánh pháp chớ không nên chết vì tình yêu. Làm người ai cũng có lúc quên mình, lầm lỗi, nhưng một khi đã hồi quang phản tỉnh thì đài sen giác ngộ cũng gần. Biển cả bao la nhưng quay đầu sẽ thấy bến. Hơn nữa cô là bậc xuất gia, một phẩm hạnh thanh cao, một tâm hồn ly tục, một ý chí kiên cường, thì cô hãy tích cực và xứng đáng.
Các loài trầm, kỳ dù khô vẫn giữ được mùi vị; tượng chiến lâm trận dù chết không lùi, mía dù bị ép, bị nấu vẫn ngọt; bậc trí tuệ dù gặp khổ đau thà chết vẫn không bỏ đạo. Cô đã từ bỏ cuộc sống của một thiếu nữ tầm thường, đã từ bỏ hình thức thế nhân, đã đem thân nương nhờ cửa Phật thì cô hãy cố gắng từ bỏ những liên hệ về tư tưởng khác phái, vì nó là kẻ thù nguy hiểm của phạm hạnh. Chắc cô cũng biết: trong năm người mới có một người anh dũng, ngàn người mới có một người nói thật, nhưng trong loài người khó tìm được một kẻ thoát ly.
Ðức Tôn Sư có dạy, nhờ ái dục để dứt ái dục, nhờ kiêu mạng để lìa kiêu mạng, nhờ vật thực để ngăn vật thực, nhưng vấn đề tình dục thì không thể như vậy được.
Câu nói: "Nhờ ái dục để dứt ái dục" , nghĩa là khi ta được nghe có vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, u-bà-tắc, u-bà-di đắc đạo chứng quả, rồi ta cố gắng tu hành để được thành đạt như những người đó, gọi là nhờ ái dục để dứt ái dục.
Câu nói: "Nhờ kiêu mạng để lìa kiêu mạng ", nghĩa là khi nghe có người đắc đạo chứng quả thì tự ái nổi lên, nghĩ rằng người ta làm được tại sao mình không làm được rồi cố gắng tu hành để thành đạt đạo quả. Ấy gọi là nhờ kiêu mạng để lìa kiêu mạng.
Câu nói: "Nhờ vật thực để ngăn vật thực ", nghĩa là các bậc chân tu thường quán tưởng: vật thực chỉ để nuôi mạng sống như người lạc giữa sa mạc bắt buộc phải ăn xác chết để tự cứu. Nhờ đó các Ngài không bị dính trong vị ngon và cố gắng công phu hành đạo. Gọi là nhờ vật thực để ngăn vật thực.
Này Cô-ki-là, riêng tình dục thì không thể nhờ chính nó để dứt được, trừ phi tích cực hành đạo để đoạn lìa. Ðức Phật dạy: ngũ dục là vô thường, vui ít khổ nhiều, dẫy đầy tội lỗi, cực nhọc là nhân, khổ sở là quả. Tình dục là mẹ đẻ của luân hồi.
Giảng xong, Ðại đức chờ xem phản ứng. Quả thật, thời giảng có kết quả. Nàng ngồi dậy, đắp y chỉnh tề, quì đãnh lễ gần chân Ðại đức, tức tửi, nói chẳng nên lời.
Trên thế gian này, nếu sự đau khổ và sự nhục nhã không tác động song hành thì hậu quả không đáng kể. Nhưng nếu cả hai cùng lúc phát khởi thì tác hại của nó sẽ vô cùng khủng khiếp nhất là đối với phái nữ.
Nàng tủi thẹn và hờn tức vì tình yêu không được đáp ứng. Lời nói của Ðại đức Ananđa như mũi lao nhọn đâm vào tim nàng. Càng xấu hổ hơn nữa, khi nàng nhận thấy Ðại đức không tin thái độ và tư cách của mình. Nàng cảm thấy như bị tạt nước vào mặt. Nàng quì im lặng, nghẹn ngào. Giây phút trôi qua, Ðại đức Ananđa lên tiếng:
- Cô-ki-là hãy nín đi, đừng khóc nữa. Vì khóc lóc không giải quyết được gì và cũng không làm vơi cạn sự khổ đau ngập lòng. Tội nghiệp cho nàng, vì Ðại đức Ananđa chỉ nói toàn những lời của bậc thánh nhân thoát tục.
Vị tỳ kheo phải quay mặt nơi khác vì không đủ can đảm nhìn cảnh đoạn trường của người khác phái.
- Bạch Ðại đức - nàng nói qua tiếng nấc - tôi sẽ quyết tâm phụng hành lời dạy của Ðại đức dù phải đắng cay cùng cực. Tôi không tự trọng nên phải khổ lụy đến mức này. Thân phận tôi chỉ là một kẻ nô tỳ hèn hạ. Tình yêu đã làm tôi mù quáng, quên giai cấp, dòng dõi, đi yêu một người thượng lưu quí tộc. Bạch Ðại đức, thân nghiệp và khẩu nghiệp của tôi hoàn toàn vô tội, nhưng ý nghiệp chắc chắn là đã bợn nhơ. Tôi yêu Ðại đức, một tình yêu chân thành tuyệt đối, nếu hành động ấy có lỗi, xin Ðại đức từ bi hỉ xả.
Nói xong nàng cúi xuống, nước mắt dầm dề làm ướt một phần chiếc áo cà-sa.
Nhìn gương mặt bơ phờ ủ dột của nàng, Ðại đức an ủi:
- Này Cô-ki-là, cô không nên đề cập đến vấn đề giai cấp, vì tôi đã quên nghĩ đến lâu rồi. Sở dĩ tôi không yêu cô không phải vì sự dị biệt giai cấp, mà vì tôi nhận chân được cái tội lỗi và hậu quả đắng cay của tình yêu. Hiện tại, tôi có bổn phận phục dịch Ðức Bổn Sư và cố gắng thành đạt đạo quả để đoạn trừ phiền não. Bao giờ phiền não còn, là bấy giờ luân hồi còn. Ðức Bổn Sư dạy rằng: hiện hữu là nguyên nhân của thống khổ. Nếu dễ duôi để bị đọa vào khổ cảnh thì con đường giải thoát sẽ bị trì trệ lâu dài. Cô đừng bận tâm về việc bất đồng giai cấp. Mọi người sinh ra để rồi chịu chung định luật già, đau, chết. Tất cả đều bất lực và cô đơn. Vả lại, con người máu đều đỏ, nước mắt đều mặn, biết tham sống, sợ chết, ghét khổ ưa vui cũng như các loài cây khi bị đốt cháy thì màu than vẫn đen, màu tro vẫn xám và màu lửa vẫn hồng. Hòa mình chung lo hạnh phúc an bình cho chúng sanh là một hành động thức thời, hữu ích. Còn giai cấp cao thấp không thành vấn đề. Vì bất cứ giai cấp nào một khi đã hành động bất thiện thì tội ác như nhau, còn nếu hành động thánh thiện thì phước đức cũng như nhau.
Tôi ước mong cô đừng nghĩ tới vấn đề giai cấp làm chi cho thêm tủi phiền, mà hãy cố gắng, tích cực hành đạo cho mau giải thoát.
Cô-ki-là ơi! Bản chất tình yêu vốn đau khổ, lại càng đau khổ hơn nếu yêu không đúng chổ. Chẳng hạn như cô yêu tôi, hay tôi yêu cô, gọi là yêu không đúng chổ. Vậy xin cô hãy tự dứt khoát, đừng vương vấn mà chuốc lấy lụy phiền. Nếu làm được như vậy, là cô sẽ đạt đến một hạnh phúc tuyệt vời, vừa an lạc, vừa thanh tịnh.
Trên đường về Ðại đức Ananđa đi thẳng đến ao sen và ngồi nghỉ trên một băng đá. Ðại đức thở dài, nặng nhọc như muốn trút bỏ những nổi u hoài. Ðại đức bảo vị tỳ kheo đi chung về trước và dặn:
- Khi nào Ðức Bổn Sư gọi, hãy ra đây tìm tôi.
Hồi tưởng những chuyện đã qua, Ðại đức cảm nhận có một thứ tình cảm nhẹ nhàng đối với Cô-ki-là. Nhưng nhờ đại duyên, đại hạnh trong tiền kiếp yểm trợ, nên Ðại đức tự ngăn được sóng lòng. Ðại đức tự giáo hóa: này Ananđa, ngươi mới đắc Tu đà hườn, tham ái, sân hận, si mê vẫn còn. Ngươi không nên dễ duôi, gần gủi và gặp gỡ Cô-ki-là, vì ý căn rất khó uốn nắn, chế ngự như voi nổi cơn tà dục.
Ananđa, ngươi hãy huy động chánh niệm để án ngự ý căn, không nên để nó tự do phóng túng mà phải nắm thế chủ động. Người mà Ðức Tôn Sư ban khen là chiến sĩ là người có khả năng chế ngự và tự thắng.
Sau khi tự giáo hóa, Ðại đức vào bái kiến Ðức Phật và tường thuật đầy đủ diễn tiến của sự việc vì Ðại đức không bao giờ dấu diếm Ðức Phật bất cứ điều gì. Ðức Tôn Sư dạy:
- Này Ananđa, ngươi quên rằng bậc tu đà hườn không bao giờ đọa vào hạ cảnh và chắc chắn sẽ đắc Alahán trong một hoàn cảnh thuận duyên. Ngươi chớ khá nghĩ suy, phiền não. Lời dạy vừa chí tình, vừa khích lệ ấy khiến Ðại đức Ananđa vô cùng hoan hỉ.
Chiều hôm sau, tại giảng đường chùa Khô-si-ta, khi Phật tử tập trung đông đảo, Ðức Tôn Sư đăng lâm pháp tòa, uy nghiêm như Ðức Thiên Vương Ðế Thích nơi thiên điện. Ngài phóng hào quang rực rỡ như ánh thái dương. Hội trường im lặng. Ngài nhìn tứ chúng với đôi mắt từ bi. Ðức Tôn Sư nghĩ: đại chúng quả thật nghiêm trang, xứng đáng, chân tay không cử động, không một tiếng ho hen đằng hắng, chứng tỏ một sự tôn kính tuyệt đối. Nếu Như Lai không lên tiếng trước chắc chắn họ sẽ tiếp tục thinh lặng.
Qua huệ nhãn, Ngài thấy rõ thiện duyên thánh quả của tỳ kheo ni Cô-ki-là đã đến thời kỳ liễu chứng. Ðể chuyển hóa và tiếp độ, Ngài đề cập đến bài pháp Chuyển Pháp Luân:
- Này tứ chúng, có hai cực đoan mà các người không nên hành trì. Một là lợi dưỡng hưởng lạc. Hai là khổ hạnh ép xác. Cả hai đều không phải thánh đạo, là con đường hèn hạ, tầm thường, phàm tục, bất thiện và vô bổ. Trái lại, này tứ chúng, có một con đường trung dung cao thượng, thánh thiện, hữu ích, giác ngộ, đó là con đường thánh đạo có tám chi: thấy đúng, nghĩ đúng, nói đúng, nghề nghiệp đúng, nuôi mạng đúng, tinh tiến đúng, niệm tưởng đúng, và định tâm đúng.
- Này tứ chúng, khổ là sự thật. Hiện hữu là sự tập thành của ngũ uẩn và tứ đại. Do đó, hiện hữu khai nguồn cho thống khổ: sanh khổ, già khổ, đau khổ, chết khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ... Tóm lại, những gì liên hệ đến ngũ uẩn là khổ, khổ thường trực, khổ lớn lao.
- Này tứ chúng, khổ là sự thật. Nguyên nhân khổ cũng là sự thật. Nguyên nhân ấy là ái dục, tức sự khao khát, mắc dính trong cảnh giới vừa lòng, trong sự hiện hữu và trong những vật sở hữu. Những sự mắc dính khao khát vừa kể là nguyên nhân của mọi thống khổ.
- Này tứ chúng, cảnh giới an lạc tuyệt đối không còn bị chi phối bởi phiền não và các sự thống khổ, chính là sự đoạn diệt, ly tham, không còn dư tàn khát ái, là sự khai trừ, quăng bỏ, giải thoát, không còn chấp trước là một sự thật.
- Này tứ chúng, con đường hành trình đến cảnh giới Niết bàn cũng là một sự thật. Con đường có 8 chi này Như Lai đã đề cập nơi phần Trung đạo.
- Các ngươi hãy nương nhờ chánh pháp. Như Lai chỉ là người hướng đạo. Phần tinh tiến thiêu hũy phiền não là nhiệm vụ của các ngươi. Con đường giải thoát Như Lai đã chỉ dạy, vậy các ngươi hãy tự hành trình.
Thời pháp hôm ấy, kết quả vô cùng khích lệ. Riêng tỳ kheo ni Cô-ki-là thì như người chết đuối vớ được phao, như lữ hành sa mạc gặp nước. Nổi vui mừng biến thành phỉ lạc. Năng lực định tâm chuyển thành minh sát. Những vi tế phiền não đã bị đoạn lìa. Tâm trạng Cô-ki-là vô ưu, vô nhiễm, và chứng ngộ Thánh đạo Alahán. Từ đây tỳ kheo ni Cô-ki-là được dự phần trong đại gia đình Thánh nhơn vô lậu.
(Trang nhà Quảng Đức, 01-2001)
---o0o---
Cập nhật ngày:
01-04-2002
Nguồn: www.quangduc.com