NHỮNG
TRUYỆN DUYÊN KHỞI
TRONG LUẬT
BÍ-SÔ-NI
Lược thuật: Giác
Tuệ
Hiệu đính:
Thích Đỗng Minh
Chú thích: Tâm Nhãn
--- o0o ---
Phần
5
KHÔNG TỰ MÌNH DỌN CẤT, KHÔNG BẢO
NGƯỜI DỌN CẤT PHU CỤ
VÀ GIƯỜNG NGỒI CỦA TĂNG...
Khi đức Thế Tôn ở tại thành Thất-la-phạt, bấy giờ
có ông trưởng giả thỉnh Phật và Tăng về nhà thọ trai. Buổi sáng, các Bí-sô đắp y
mang bát đến nhà ông trưởng giả. Hôm ấy, đức Thế Tôn ở tại trú xứ, khiến người
mang thức ăn về. Ðức Phật có năm duyên, khiến Ngài thọ trai tại trú xứ. Năm
duyên ấy là:
1- Chính Ngài cần sự yên tịnh.
2- Vì chư thiên nói pháp.
3- Vì quan sát người bệnh.
4- Vì quan sát ngọa cụ của Tăng.
5- Vì các Bí-sô chế học xứ.
Hôm ấy, Ngài muốn xem xét ngọa cụ của Tăng và chế
học xứ. Vì vậy mà Ngài ở tại chùa, sai người lấy thức ăn mang về.
Sau khi chúng Tăng đi phó trai, đức Thế Tôn cầm
chìa khóa đi xem xét khắp trong trú xứ. Tất cả các phòng xá, từ bên trong đến
bên ngoài chùa, vườn rừng xung quanh, Ngài đều quan sát. Theo thứ tự, Ngài đến
phòng của một vị Tăng, nơi đây có nhiều phu cụ bỏ dưới đất trống. Thình lình có
một cơn mưa không đúng lúc, bất chợt sắp đổ xuống, đức Phật liền có ý nghĩ:
“Những phu cụ này đều do lòng tin của các Bà-la-môn, cư sĩ.v.v... tự khổ cực bớt
phần ăn của mình, và giảm bớt phần ăn của gia đình, đem dâng cúng cho Tăng để
cầu thắng phước. Khi các Bí-sô và Bí-sô ni thọ dụng, lại không biết lượng mức,
không khéo giữ gìn, bỏ bừa bãi, gió mưa sắp đến...”.
Ðức Thế Tôn thấy như vậy, liền dùng sức thần
thông, tạm thời chận đứng cơn mưa gió, sấm chớp, mây đen đang bao phủ khắp nơi,
để cho Ngài đủ thời gian thu dọn số phu ngọa cụ đó. Ðức Thế Tôn tự tay thu dọn,
đem vào an trí trong nhà xong, lấy áo tắm mưa choàng vào, ra ngoài phòng để tắm
rửa. Ngài thu nhiếp thần thông, thì trên bầu trời u ám, trút xuống một cơn mưa
như hồng vũ. Như Lai tắm rửa xong, trở lại phòng mình an trụ.
Bấy giờ, Bí-sô lấy thức ăn về, dọn ra qua một
bên, rồi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Ngài. Như thường lệ, đức Thế Tôn
cùng với vị lấy thức ăn, hỏi chuyện vui vẻ:
- Bí-sô Tăng thọ thức ăn có được đầy đủ không?
Vị mang thức ăn về thưa:
- Kính bạch đức Thế Tôn, chư Tăng thọ nhận đầy
đủ.
Thưa xong, vị ấy liền dâng thức ăn lên đức Thế
Tôn. Ngài thọ trai xong, an trụ im lặng. Vào buổi chiều, Ngài đến an tọa nơi chỗ
ngồi đã định, vào bảo các Bí-sô:
- Sau khi Tăng đi phó trai, tôi lấy chìa khóa
phòng, đi xem xét khắp các phòng xá, thấy hầu hết các phu cụ bị bỏ nơi đất bừa
bãi, trong khi cơn mưa sắp đến. Tôi dùng thần lực, tạm chận cơn mưa để tự tay
thu dọn... Bao nhiêu thí chủ tự chịu khổ đối với mình, đem dâng cúng chư Tăng để
cầu phước, các thầy đã không như pháp thọ dụng, làm hư tổn của tín thí...
Ðức Phật nói kệ:
- Ðối vật người tín
cúng Biết lượng mà thọ dụng
Tự thân được an
ổn Khiến người phước nghiệp tăng.
Kế tiếp, đức Thế Tôn khen ngợi người tri túc, y
theo pháp thọ dụng vật của tín thí, rồi vì hai bộ đệ tử chế học xứ này:
Bí-sô ni nào,
ở chỗ đất trống, để phu cụ và các giường ngồi của Tăng, khi bỏ đi, không tự mình
dọn cất, không bảo người dọn cất, Ba-dật-để-ca.
TRỪ TRƯỜNG HỢP ÐẶC BIỆT, KHÔNG TỰ MÌNH DỌN CẤT, KHÔNG BẢO NGƯỜI DỌN CẤT PHU CỤ
VÀ GIƯỜNG NẰM, GHẾ NGỒI CỦA TĂNG...
Sau khi đức Thế Tôn vì hai bộ đệ tử chế học xứ:
“Bí-sô ni nào ở chỗ đất trống, để phu cụ và các giường ngồi của Tăng, khi bỏ
đi, không tự mình dọn cất, không bảo người dọn cất, Ba-dật-để-ca”, tại thành
Thất-la-phạt, có hai ông trưởng giả, nhiều đời cừu địch với nhau. Một ông có tín
tâm, một ông không có tín tâm. Ông có tín tâm có ý nghĩ: “Nay ta vì lý do gì
tăng trưởng oán đối, ta nên xả bỏ mọi oán đối, mà làm người xuất gia”. Ông không
có tín tâm nghe như vậy, ôm lòng oán hận, nói: “Dầu địch thủ có chạy vào trong
sừng trâu, cuối cùng ta cũng không tha”. Bí-sô (trưởng giả có tín tâm) nghe
những lời này, liền khởi ý nghĩ: “Vì sợ người đó mà ta xuất gia. Nếu ta ở đây
thì cũng sẽ bị người ấy khủng bố. Nay ta nên đi lánh xa nơi khác”. Nghĩ như vậy
rồi, đương sự liền thưa với Ô Ba Ðà Da:
- Con nên đến chỗ
nào để tránh nạn được
Vị thân giáo sư nói:
- Nếu con có sự sợ sệt như vậy, thì nên du hành
trong nhơn gian.
Người đệ tử liền ra đi.
Người thù địch kia nghe được, cũng liền mang
lương thực đuổi theo. Bí-sô ngày đi đêm nghỉ, còn người thế tục thì dù là ngày
hay đêm cũng đều đi, không nghỉ. Ðến giữa đường gặp một chùa Tăng, ông trưởng
giả thù địch kia đuổi kịp Bí-sô ở tại đây. Từ xa thấy, Bí-sô liền vào trong
chùa. Kẻ thù địch kia lại nghĩ: “Ðể sáng mai, giữa đường ta sẽ giải quyết”. Nghĩ
như vậy rồi, ông ta tìm nơi nghỉ đêm.
Khi trời sáng, Bí-sô kia bận lo dọn dẹp ngọa cụ,
giường chiếu.v.v... rồi thưa với các Bí-sô:
- Xin xem xét ngọa cụ, tôi muốn tiếp tục lên
đường.
Các Bí-sô hỏi:
- Ngài muốn đi đâu
Vị Bí-sô thưa:
- Tôi muốn đến thành Vương-xá.
Các Bí-sô nói:
- Nên đi đường này, đừng đi đường khác.
Vị Bí-sô kia chúc:
- Quý ngài ở lại mạnh khỏe.
Chúc xong, vị Bí-sô lên đường.
Sáng hôm sau, ông trưởng giả cừu địch kia vào
chùa, hỏi các Bí-sô:
- Vị Bí-sô kia đi
đường nào
Các Bí-sô nói:
- Vị ấy đi đường này.
Ông trưởng giả theo đường ấy, đuổi kịp Bí-sô kia,
và bảo:
- Ê ! Sa-môn trọc đầu, ông muốn đi đâu?
Bí-sô kia trả lời:
- Thưa hiền thủ, tôi đã xuất gia là muốn trừ oán
tránh.
Ông trưởng giả hằn học nói:
- Ngay bây giờ, tôi muốn trừ oán tránh.
Nói xong, liền dùng gậy đánh Bí-sô kia đến gần
chết, bát bị bể, y bị rách, chỉ còn chút hơi thở thoi thóp. Bí-sô kia gắng sức
vào lại trong chùa, trình bày đầy đủ sự việc. Các Bí-sô trong chùa nói:
- Nếu ngài đừng dọn dẹp phu cụ..., đi sớm, và
chúng tôi không bảo ngài đi đường đó, thì chắc ngài không bị khổ não như thế này
!
Các Bí-sô đem nhân duyên này bạch lên Phật. Ðức
Phật lại tùy khai học xứ này:
Bí-sô ni nào,
mang giường nằm, ghế ngồi, hoặc phu cụ của Tăng bày ra chỗ đất trống, khi bỏ đi,
không tự dọn cất, không bảo người dọn cất. Nếu có Bí-sô ni, mà không dặn dò, trừ
trường hợp đặc biệt, Ba-dật-để-ca.
THỌ THỨC ĂN QUÁ BA BÁT
Tại thành Thất-la-phạt, khi đức Thế Tôn đã
chứng Vô thượng tri giác, tiếng đồn khắp nơi. Lúc ấy, ở phương Bắc, có các
thương chủ đến nghỉ tạm bên ngoài thành. Lục chúng biết tin này cùng nhau đến
đó, vì họ nói pháp. Thương chủ mời họ thọ trai. Thọ trai xong, Lục chúng lại vì
họ nói pháp. Thương chủ ân cần mời họ thọ trai nữa. Lục chúng lại nói:
- Chúng tôi không dùng
cơm, mà mong cầu được y.
Thương chủ bỏ đi, Lục
chúng đi theo sau nói kệ:
- Ðường hiểm ven biên không nên qua
Dù phải đi
chớ nên dừng lại
Không những
nơi đó không nên đi
Có người chớ
nên làm bè bạn
Người ở núi
ban đầu thấy tốt
Như vàng lau
đá mới sáng tươi
Người ở trung phương không như vậy
Ðầu đuôi bất
động như núi nhạc.
Khi ấy, các thương nhân nghe kệ như vậy rồi, liền
hỏi:
- Thưa thánh giả,
tại sao các ngài hận khổ chê trách như thế
Lục chúng nói:
- Này hiền thủ, chúng tôi đã cùng với quý vị gây
cảm tình ân nghĩa với nhau, mà quý vị lại bỏ phẩm thiện của chúng tôi. Chúng tôi
thường vì quý vị nói pháp để biểu hiện ý cầu mong được y, mà quý vị không lưu ý.
Thương nhân vì lòng kính mộ, đã dâng cúng tất cả,
cho nên lương thực đi đường đều cạn hết, lại bị giặc cướp. Các thương nhân khác
nghe nói, cùng nhau cơ hiềm... Ðây là duyên khởi, nhưng Phật chưa chế giới.
Lúc ấy, trong thành này lại có ông trưởng giả
cưới vợ chưa bao lâu, vợ qua đời... Cứ như vậy, cho đến đời vợ thứ bảy cũng mạng
vong. Người bấy giờ đều gọi ông là “sát phụ”. Do đó, ông muốn cưới vợ nữa, mà
không một người đàn bà nào dám ưng. Cho đến chỉ tìm được một người nữ mù con mắt
bên phải, đến nỗi người bạn tri thức phải nói kệ:
- Ba-la-xá sửa răng trong sạch
Nếu đầu người xây ngủ
hướng Tây
Cưới người làm vợ mù mắt
phải
Ðây là những tướng không lành mạnh
Hai ác tương phùng ắt
tổn thương
Thí như đao đá cùng ném
nhau
Cả chồng vợ là người
phòng hại
Nếu cưới nhau ắt sẽ đám
ma.
Với tình tri hữu,
tuy nghe nói kệ, mà ông ta vẫn không chịu hủy bỏ cuộc hôn nhân. Cha mẹ của người
nữ một mắt, chuẩn bị phẩm vật để gả con gái lấy chồng. Mười hai chúng lại đến
xin thọ nhận hết cơm, bánh, nên hôn lễ không thành, khiến cho mọi người đều cơ
hiềm...
Biết được việc này, đức Thế Tôn quở trách, rồi
chế học xứ này:
Số đông Bí-sô
ni nào, đến nhà thế tục, tịnh tín, Bà-la-môn, cư sĩ, ân cần xin cúng bánh, bún,
cơm. Bí-sô ni nào cần, thì nên nhận hai, ba bát. Nhận rồi về đến trú xứ, nên
chia cho các Bí-sô ni khác dùng. Ðó gọi là hợp cách. Nếu nhận quá, Ba-dật-để-ca.
KHUYÊN NGƯỜI ĂN ÐỦ
Lúc bấy giờ, tại thành Thất-la-phạt, có vợ của một người bạch y đến chỗ
Bí-sô ni thưa:
- Thưa thánh giả, tôi muốn xuất gia.
Cô ni dẫn người nữ này đến chỗ vị thân giáo sư để
cho xuất gia. Xuất gia xong, vị thân giáo sư bảo cô ni đệ tử rằng:
- Cô phải giáo thọ người nữ mới xuất gia này.
Bấy giờ, có ông trưởng giả thỉnh Phật và Tăng đến
nhà thọ trai. Thọ thực theo ý muốn rồi, họ còn nhận được thức ăn đem đến bên ao.
Vị thầy hỏi cô đệ tử già rằng:
- Cô có muốn được
thức ăn không
Cô đệ tử già thưa:
- Muốn được...
Vị thầy nói:
- Cô lọc nước hay làm pháp dư thực1
Cô đệ tử già thưa:
-
Con làm pháp dư thực, thầy đi lọc nước.
Vị thầy đi lọc nước, người đệ tử già liền đem
phần ăn của mình làm pháp dư thực, còn phần ăn của thầy không làm. Vị thầy lọc
nước xong, liền lấy thức ăn để ăn. Khi thầy ăn xong, cô đệ tử già thưa:
-
Nay thầy có tội, nên như pháp sám hối.
Vị thầy nói:
- Ta không thấy tội.
Cô đệ tử già thưa:
- Thầy không làm pháp dư thực mà ăn.
Vị thầy nói:
- Thật sự ta không có tội, nếu căn cứ theo đạo lý
thì cô phải là người có tội, mới đúng.
Vị thầy đem sự việc này báo lại các Bí-sô ni. Các
Bí-sô ni bạch lại Bí-sô. Bí-sô bạch lên Phật. Ðức Phật dùng nhân duyên này tập
hợp Tăng, hỏi để xác định sự thật, rồi quở trách... và chế học xứ như vầy:
Bí-sô ni nào,
biết Bí-sô ni khác ăn đủ rồi, không làm pháp dư thực mà khuyên bảo họ ăn, và nói
rằng: “Cụ thọ, ngài nên ăn thức ăn này”. Dùng nhân duyên này, muốn khiến cho
người kia phạm tội, để sanh phiền não, Ba-dật-để-ca.
KHÔNG NHẬN MÀ ĂN
Khi đức
Thế Tôn ở tại thành Vương-xá, có Bí-sô Ðại Ca La thường nằm ngủ nơi bỏ thây
chết, và lấy bình bát, y phục, ngọa cụ... của người chết để dùng, lấy thức ăn
cúng người chết để ăn. Vì thế, khi người chết nhiều, thì Ðại Ca La thân thể béo
mập đầy đủ, khỏi phải vào thành khất thực. Nếu gặp lúc ít người chết, thì thân
thể gầy ốm, thường vào thành tuần tự đến các cửa ngõ khất thực.
Bấy giờ ngươi giữ thành với ý niệm kỳ lạ, tung
tin là: “Ðại Ca la ăn thịt người chết!”. Cũng vào lúc ấy, trong thành có người
Bà-la-môn qua đời, gia đình đưa tử thi vào rừng, người vợ và đứa con gái đứng
một bên khóc lóc. Lúc ấy, Ðại Ca La chăm chú nhìn xem lửa đốt tử thi.
Người con gái thấy vậy, liền nói với mẹ:
- Nay, thánh giả này giống như con chim mù lòa,
đứng giữ thây chết.
Lúc đó, có người nghe
được, đến nói với các Bí-sô, các Bí-sô bạch lên Phật. Ðức Phật dạy:
- Người con gái
Bà-la-môn kia tự làm việc tổn hại. Hàng đệ tử Thanh văn của ta, đức như núi Diệu
Cao, mà lại bị lời thô ác khinh hủy như thế. Do ác nghiệp này, trong năm trăm
đời, cô gái kia sẽ thường làm con chim mù lòa.
Thời bấy giờ, kẻ xa
người gần đều nghe lời huyền ký của đức Thế Tôn như thế.
Sau đó, Ðại Ca La lại
tiếp tục sống trong bãi tha ma, thường xua đuổi dã-can để lấy đồ cúng người chết
mà ăn. Vì thế nên có tiếng đồn khắp thành là: “Ông ăn thịt người chết”. Các
Bí-sô đem việc này bạch lên Phật. Ðức Phật khởi ý niệm: “Ðệ tử Thanh văn của ta,
do không thọ nhận mà ăn, nên có những lỗi như vậy phát sinh. Nay ta phải khuyên
bảo các đệ tử chỉ nên nhận lấy thức ăn có người mời mà ăn”.
Ðức Phật dạy:
- Nên nhận rồi ăn.
Có năm cách nhận:
1- Thân cùng thân nhận.
2- Thân cùng vật nhận.
3- Vật cùng thân nhận.
4- Vật cùng vật nhận.
5- Ðể dưới đất nhận.
Có 5 cách không thành nhận:
1- Ở ngoài giới.
2- Ở chỗ xa, cách trở.
3- Ở một bên.
4- Ðứng sau lưng.
5- Khi chắp tay.
Mặc dù Phật đã dạy “nên nhận rồi ăn”, nhưng mười
hai chúng Bí-sô ni- dù có nhận hay không nhận- cũng tự lấy mà ăn. Ni thiểu dục
thấy vậy sanh tâm cơ hiềm, đem việc này bạch lại các Bí-sô, Bí-sô bạch lên Phật.
Ðức Phật dùng nhân duyên này tập hợp ni chúng, hỏi để xác định sự thật, rồi quở
trách..., và chế học xứ như vầy:
- Bí-sô ni
nào, thức ăn không nhận, đưa vào miệng ăn, Ba-dật-để-ca.
CHO THỨC ĂN CHO NAM NỮ NGOẠI ÐẠO KHÔNG MẶC Y
Lúc bấy
giờ, trong thành Vương-xá, có các thương chủ đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát hai
chân, rồi ngồi qua một bên.
Khi ấy, đức Thế Tôn vì các thương nhân nói pháp
vi diệu, dạy dỗ chỉ bảo những điều an vui lợi ích, rồi im lặng mà ngồi. Họ nghe
pháp rồi, với thâm tâm hoan hỷ, đảnh lễ đức Phật, cáo lui.
Sau đó, các thương nhân lại đến chỗ tôn giả A Nan
Ðà, kính lễ rồi ngồi xuống. Tôn giả vì họ nói pháp yếu, khiến được an vui lợi
ích.
Một thương nhân thưa:
- Kính bạch Ðại
đức, đức Thế Tôn muốn đi du hành nơi nào trong nhân gian
Tôn giả A Nan Ðà trả lời:
- Quý vị nên tự đến thưa hỏi đức Thế Tôn.
Thương nhân thưa:
- Thế Tôn Ðại sư oai đức quá nghiêm trang, chúng
tôi đâu dám trực tiếp đến thưa hỏi.
A Nan Ðà nói:
- Tôi quán tướng mạo, thì không bao lâu nữa đức
Thế Tôn sẽ đến thành Thất-la-phạt.
An cư xong, đức Thế Tôn cùng đại chúng tuần tự
lên đường. Lúc ấy, trong đoàn thương nhân cũng có ngoại đạo lộ hình cùng đi. Họ
tìm thức ăn không có, hiện tướng đói khát. Thức ăn còn thừa nơi bát, các Bí-sô
ni đều đem đến cho họ...
Giữa đường, thương nhân hỏi một kẻ lộ hình:
- Lương thực dọc
đường của quý vị do ai giúp đỡ
Kẻ lộ hình trả lời:
- Do Thích nữ đầu không có tóc giúp đỡ.
Khi ấy, một kẻ lộ hình khác nghe như vậy, lòng
sanh bất nhẫn, nói kệ:
- Làm sao thân người không bị đọa?!
Làm sao lưỡi ngươi không bị xé!
Làm sao chư thần biết việc này,
Không
dùng sấm sét đánh thân ngươi?!
Dã-can ăn đồ dư sư tử
Thường có ý nghĩ hại sư tử
Thập lực thánh chúng cứu tế ngươi
Nay ngươi mạ nhục không biết ơn
Thánh chúng chứng được Nhất thế trí
Bạn hay không bạn đều bình đẳng
Ngoại đạo các ngươi người khả ố
Cũng vẫn giúp đỡ cấp thức ăn
Nếu người không biết ân cùng nghĩa
Nên biết kẻ ấy không bằng chó
Chó đối với người rõ biết ân
Ngươi như rắn độc thường phun nọc.
Ðây là duyên khởi, nhưng đức Phật chưa chế giới.
Khi đức Phật du hành đến thành Thất-la-phạt, có
người trong năm trăm ấp thỉnh Phật và chư Tăng về cúng dường... Ðức Phật thuyết
diệu pháp, khiến họ được kiến đế. Lúc ấy, có hai người nữ ngoại đạo- một già,
một trẻ- đến tìm cầu thức ăn. A Nan Ðà không khéo quan sát, nên cho bánh có hai
cái dính lại. Người già nhận được một cái, người trẻ nhận được một cái đôi.
Người nữ già nói:
- Bí-sô vương tử cho tôi một cái bánh, còn cho cô
hai cái, thì chắc là đối với cô có lòng yêu mến. Vậy cô nên tự trang sức !
Người nữ trẻ nói:
- Không nên nói như vậy. Vương tử này bỏ cung
điện nguy nga, xuất gia, nhàm chán thế tục, cởi bỏ trần lao như nhổ đàm dãi.
Các Bí-sô đem việc này bạch lên Phật. Ðức Phật
bảo các Bí-sô:
- Ta nhận thấy mười điều lợi, mà vì hai bộ đệ tử
chế học xứ này:
Bí-sô ni nào,
tự tay trao thức ăn cho ngoại đạo không có y, và nam nữ ngoại đạo khác,
Ba-dật-để-ca.
CHE DẤU TỘI NGƯỜI KHÁC
Lúc bấy
giờ, tại thành Vương-xá, Bí-sô Nan Ðà có đệ tử thân giáo tên là Ðạt Ma, tâm hồn
tàm quý nhiều, ưa trì giới hạnh, thường tự hối lỗi. Vì thế, Ðạt Ma thưa với
thầy:
- Nay con muốn đến chỗ yên tịnh, để tu tập theo ý
mình.
Nan Ðà bảo:
- Cần phải cẩn thận !
Khi ấy, Ô Ba Nan Ðà nghe như vậy, liền bảo Ðạt
Ma:
- Ông mang thêm tọa cụ
của tôi, để tôi cùng đi với !
Ðạt Ma thưa:
- Ngài cũng đến nơi
rừng vắng để tịnh lự à
Ô Ba Nan Ðà tự ái nói:
- Ông là người ngu
si, ông nói tâm tôi bị tán loạn, không có sở tri, phải chăng
Thế rồi, Ðạt Ma mang tọa
cụ đến nơi rừng vắng, cùng tu tịnh lự với Ô Ba Nan Ðà...
Sau đó ít lâu, một hôm,
có một người nữ đến, Ô Ba Nan Ðà nhiễm tâm khởi lên, nắm tay, ôm choàng thân
người nữ, hôn lên miệng, rồi bỏ đi, dặn Ðạt Ma rằng:
- Cụ thọ, tuy ông biết,
nhưng chớ nên nói với ai.
Ðạt Ma nói:
- Ðại sư, cho đến khi
nào, chưa thấy thiện Bí-sô đến, thì tôi trọn không nói với ai.
Ô Ba Nan Ðà không bằng
lòng, nói:
- Thân giáo sư của
ông có những việc ác bỉ ổi, mà tôi thường che dấu. Nay ông thấy lỗi của tôi,
không che dấu được sao
Ðạt Ma nói:
- Ðại sư, biết người
khác có tội thô, mà cùng nhau che dấu, đó là việc xấu, tôi sẽ nói trước.
Ðạt Ma liền đến báo với
các Bí-sô, Bí-sô bạch lên Phật, đức Phật tập
hợp các Bí-sô, bảo:
- Ta vì hai bộ đệ tử, chế
học xứ này:
Bí-sô ni nào, biết Bí-sô ni khác có tội thô ác, mà che dấu, Ba-dật-để-ca.
XÚC HỎA
Lúc bấy
giờ, tại thành Vương-xá, các trưởng giả Bà-la-môn trong thành này có ý nghĩ:
“Kiết hạ xong, đức Thế Tôn muốn du hành nơi nào trong nhân gian, ta nên chở
nhiều phẩm vật đi theo đức Phật, sẽ được nhiều phước lợi”. Họ liền đến hỏi tôn
giả A Nan Ðà, được tôn giả cho biết:
- Tôi xem triệu chứng, biết trước là đức Thế Tôn
muốn đến thành Vương-xá.
Thương chủ lại hỏi tiếp về thời gian đi bao lâu,
để chuẩn bị phẩm vật cần dùng mang theo cúng dường.
Bấy giờ, hằng ngày A Nan Ðà thường đi trước
thương chủ, gặp một con đường nguy hiểm, có nhiều sư tử, hổ, báo khủng bố, khó
đi mà lại ngắn; và một con đường khác quanh co, nhưng lại an ổn, không có gì trở
ngại. Thương chủ hoang mang, không biết đi theo đường nào. Họ bèn hỏi A Nan Ðà,
và được A Nan Ðà trả lời:
- Ðức Ðại sư Như Lai đã xa lìa sự khủng bố lâu
rồi, sư tử, hổ, báo đâu có thể làm gì được. Cùng đi theo Phật mà gặp điều sợ sệt
là không bao giờ có.
Ðức Thế Tôn tuần tự du hành, đi đến một tụ lạc.
Nơi đây, có hai đồng tử đang chơi ngoài đầu thôn, một đứa cầm trống, một đứa cầm
cung. Hai đồng tử này đến trước đức Phật, đánh trống và bắn cung. Ðức Thế Tôn
mỉm cười. Ngài hiện ra các loại ánh sáng có sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng. Ánh
sáng này hoặc đi xuống, hoặc đi lên.
Ánh sáng đi xuống, chiếu đến địa ngục Tốc-hoạt,
Hoắc-thằng, Chúng-hiệp, Tiểu-kiếu, Ðại-kiếu, Tiểu-nhiệt, Ðại-nhiệt, A-tỳ và tám
địa ngục lạnh. Khi ánh sáng đến đâu, các loài hữu tình đang chịu sự nung nấu,
đều được mát mẻ; nếu là nơi lạnh lẽo thì được ấm áp. Các loài hữu tình kia đều
lìa khổ, an lạc. Họ nói: “Chúng ta cùng với những người đang ở trong địa ngục,
đã thoát sanh đến chỗ khác hay sao?!”.
Lúc ấy, đức Thế Tôn vì muốn cho các loài hữu tình
kia sanh tâm tín hỷ, nên Ngài liền hóa thân vào trong địa ngục. Các loài hữu
tình thấy hóa thân của Ngài, đều nói: “Không phải chúng ta đang từ địa ngục
thoát sanh đến các chỗ khác, mà là do sức oai đức của đại nhân hy hữu này, khiến
thân tâm chúng ta trừ khổ đặng vui”. Khi họ đã sanh lòng tin rồi, liền có khả
năng tiêu diệt các khổ địa ngục, trong đường nhân thiên, thọ thân thắng diệu,
thường làm pháp khí, hay thấy đế lý.
Ánh sáng chiếu lên đến cõi trời Tứ đại vương
chúng, trời Tam thập tam, trời Dạ Ma, trời Ðổ Sử Ða, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa
Tự Tại, trời Sắc Cứu Cánh. Ánh sáng chiếu đến đâu, thì nơi đó có diễn nói pháp
khổ, không, vô thường, vô ngã.v.v... Lại nói hai bài kệ:
- Người nên cầu
xuất ly Ðối Phật giáo siêng năng
Hàng phục quân
sanh tử Như voi phá nhà cỏ.
Ở trong pháp luật
nàyThường tu, không buông lung
Nên khô biển phiền não Sẽ hết bờ bến khổ.
Khi ánh sáng kia chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế
giới rồi, trở về chỗ đức Phật. Nếu đức Thế Tôn nói việc quá khứ, thì ánh sáng
kia từ sau lưng nhập vào. Nếu nói việc vị lai, thì ánh sáng kia từ trước ngực
nhập vào. Nếu nói việc địa ngục, thì ánh sáng kia từ dưới chân nhập vào. Nếu nói
việc bàng sanh, thì ánh sáng từ ngón chân nhập vào. Nếu nói chuyện về loài
người, thì ánh sáng từ đầu gối nhập vào. Nếu nói chuyện về Lực luân vương, thì
ánh sáng từ bàn tay bên tả nhập vào. Nếu nói chuyện về Chuyển luân vương, thì
ánh sáng từ bàn tay bên hữu nhập vào. Nếu nói chuyện về loài trời, thì ánh sáng
từ rốn nhập vào. Nếu nói chuyện về Thanh văn, thì ánh sáng từ miệng nhập vào.
Nếu nói chuyện về Ðộc giác, thì ánh sáng từ giữa lông mi nhập vào. Nói chuyện về
A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ-đề, thì ánh sáng từ đảnh nhập vào.
Lúc bấy giờ, ánh sáng xoay quanh đức Phật ba
vòng, rồi từ đảnh nhập vào. Lúc ấy, cụ thọ A Nan Ðà chắp tay cung kính bạch
Phật:
- Kính bạch đức Thế Tôn Như Lai Ứng Chánh Ðẳng
Giác, chẳng phải không có nhân duyên mà Ngài hiện nụ cười vui vẻ sáng rực.
Tôn giả liền nói kệ:
- Thế Tôn xa lìa trạo, kiêu mạn
Trong các hữu tình lớn bậc nhất
Hàng phục phiền não và các ác
Nếu không nhân duyên, không mỉm cười
Như lai tự chứng chân diệu giác
Tất cả thính giả đều thích nghe
Mâu-Ni tối thắng nguyện tuyên dương
Giải quyết lòng nghi của đại
chúng.
Ðức Phật bảo tôn giả A Nan Ðà:
- Ðúng như vậy,
đúng như vậy ! Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác, chẳng phải không có nhân duyên mà
hiện nụ cười. Ông có thấy hai đồng tử dẫn đường cho ta hay chăng
Thưa:
- Bạch đức Thế Tôn, con có thấy.
Ðức Phật bảo A Nan Ðà:
- Do thiện căn này, ở đời tương lai, trong mười
hai kiếp, họ không đọa ác thú, sanh vào trời người, và nhận thân sau cùng, đạt
được Vô thượng chánh đẳng Bồ-đề. Một vị tên là Pháp Cổ Âm Như Lai, một vị tên là
Thi Vô Úy Như Lai.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nói lời thọ ký rồi,
thuận theo con đường mà đi, đến một thôn, nghỉ đêm trong ven rừng. Như đức Phật
thường dạy, Bí-sô cư trú chỗ nào, cho đến dưới gốc cây, cũng nên theo thứ tự mà
phân phối nơi ăn nghỉ.
Lúc ấy, Lục chúng Bí-sô được phân phối dưới một
gốc cây khô, ban đêm bị lạnh bức thúc, phải dùng lửa đốt gốc cây cho ấm. Trong
bọng cây này có con rắn đang ở. Rắn bị khói xông, nên leo lên nhánh cây, buông
mình thòng xuống. Lục chúng thấy rắn, lớn tiếng kêu:
- Muốn rớt ! Muốn rớt !
Khi ấy, thương nhân nghe la như vậy, đều nghĩ là:
“Có sư tử vào trong doanh trại, nên mọi người đang chống cự”. Vì vậy, họ hoảng
sợ chạy tứ tản. Ðức Thế Tôn hỏi A Nan Ðà:
- Vì lý do gì mà
thương tộc chạy tứ tản một cách hoảng hốt như vậy
Tôn giả A Nan Ðà bạch Phật:
- Kính bạch Ðại đức Thế Tôn, như lời Phật dạy,
phàm các Bí-sô ở bất cứ nơi nào, cũng phải tùy theo lớn nhỏ mà phân phối nơi ăn
chốn ở. Nay Lục chúng Bí-sô được phân phối dưới một gốc cây khô, đêm ngủ bị
lạnh, phải lấy lửa đốt gốc cây cho ấm. Trong cây này có rắn đang ở, rắn bị khói
xông, leo lên cây thòng mình xuống. Lục chúng thấy rắn, nên lớn tiếng kêu la:
“Rắn ! Rắn ! Nó muốn rớt !”. Các thương nhân nghe vậy, nên có ý nghĩ là có sư tử
vào doanh trại, và mọi người đang chống cự, nên họ hoảng hồn chạy tứ tản.
Ðức Thế Tôn bảo:
- Ông phải mau đến nói cho thương nhân biết là
chỗ có Như lai ở, thì không có sự sợ hãi bởi sư tử, để họ khỏi phải kinh hoàng.
Tôn giả A Nan Ðà phụng hành lời Phật, đến bảo cho
họ biết. Mọi người đều yên tâm ở. Bấy giờ, các Bí-sô thấy việc như vậy, nên có
sự nghi ngờ, thưa hỏi đức Thế Tôn:
- Kính bạch Ðại đức
Thế Tôn, tại sao Lục chúng tạo nên sự kinh hoàng đối với thương nhân; đức Thế
Tôn nhân việc này lại an ủi, khiến cho họ xa lìa sự sợ hãi
Ðức Phật bảo A Nan Ðà:
- Không phải chỉ có ngày nay họ mới gây sự sợ hãi
cho thương tộc, mà xưa kia họ cũng đã từng gây sự hoảng sợ cho người khác, phải
chạy trốn thoát bốn phương. Ta cũng đã an ủi, khiến cho họ xa lìa ưu não.
Ðức Phật kể tiếp:
- Các ông nên lắng nghe: Thuở đời quá khứ, ở bên
bờ một dòng nước, có rừng cây trái Tần-loa, trong rừng này có sáu con thỏ, cùng
làm bạn quen nhau chung sống. Bấy giờ trái Tần-loa chín, rơi xuống nước tạo
thành tiếng động. Sáu con thỏ nghe tiếng trái rớt, vì thân hình của nó nhỏ bé, ý
chí khiếp nhược, nên hoảng sợ chạy trốn tứ tản. Khi ấy, có con dã-can thấy thỏ
chạy, đến hỏi: “Tại sao chạy”. Thỏ nói: “Tôi nghe trong nước có tiếng phi
thường, há không phải mãnh thú muốn đến hại tôi sao Vì lý do ấy cho nên tôi
chạy”. Nghe rồi, dã-can cũng chạy. Như vậy, cho đến heo, nai, trâu, voi, cọp,
hổ, lang và sư tử nhỏ... đều đến gạn hỏi. Nghe sự việc như vậy rồi, thảy đều
trốn chạy.
Cách đó không xa, trong hang núi, có một con mãnh
sư vương đang sống ở đó. Lúc ấy, con sư tử vương kia thấy các loài thú hoảng hốt
chạy tứ tản, nên hỏi: “Tại sao các ngươi sợ”. Các loài thú kể lại mọi việc, sư
tử hỏi: “Các ngươi nghe tiếng dữ ấy ở phía nào?”. Các thú nói: “Tôi không biết
rõ”. Sư tử nói: “Nếu chưa biết rõ gốc ngọn, thì các ngươi đừng chạy chứ ! Tôi sẽ
tìm hiểu tiếng dữ đó là tiếng gì”. Theo thứ tự, sư tử hỏi cho đến con thỏ, con
thỏ nói: “Tiếng đáng sợ đó chính tai tôi nghe, chứ chẳng phải do ai truyền nói”.
Chúng cùng nhau quan sát chỗ tiếng động.
Trong khi các loài thú có mặt nơi đó, lại nghe
tiếng trái Tần-loa rơi xuống nước, tạo thành âm thanh. Sư tử nói: “Ðây là loại
trái cây có thể ăn được, không liên quan gì đến sự hoảng sợ”. Lúc ấy, trên không
có loài trời mục kích sự việc, liền nói kệ:
- Không nên nghe người nói tin liền
Cần phải đích thân quan sát kỹ
Ðừng như trái cây rớt trong ao
Các thú trong rừng đều chạy hoảng.
Này các Bí-sô, các ông chớ sanh ý niệm nào khác,
con sư tử trước kia chính là thân ta, còn sáu con thỏ lúc ấy chính là Lục chúng
vậy.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn tuần tự du hành đến
thành Vương-xá. Lục chúng Bí-sô tụ tập ở chỗ đốt lửa, dùng củi đang cháy cùng
nhau đùa giỡn, ngoại đạo thấy, sanh lòng khinh chê, nói:
- Các người biết chăng, Sa-môn Thích tử dùng củi
đang cháy giỡn nhau, cùng với trẻ nít nào có khác gì! Tại sao lại bớt phần của
vợ con, để cung cấp thức ăn đầy cả bát cho hạng người không tóc này!
Các Bí-sô nghe nói, đem những lời này trình bày
đầy đủ lên đức Thế Tôn. Ðức Phật dùng duyên này tập hợp các Bí-sô, hỏi để xác
định sự thật, rồi quở trách và bảo rằng:
- Nay ta vì hai bộ đệ tử, chế học xứ này:
Bí-sô ni nào,
hoặc tự mình nhen lửa, hoặc bảo người khác nhen lửa, Ba-dật-để-ca.
CÙNG VỚI NGƯỜI CHƯA THỌ CẬN VIÊN ÐỒNG NGỦ MỘT PHÒNG QUÁ HAI ÐÊM
Tại
thành Vương-xá, lúc bấy giờ đại chúng vây quanh, đức Thế Tôn vì chúng nói pháp,
lời lẽ tuyệt diệu, khiến cho chúng, ai cũng ưa nghe, người nghe quên cả mỏi mệt,
như ong hút mật. Lúc ấy, trong giới người làm thuê, nghe nói đến Phật pháp rồi,
họ bảo nhau:
- Ðức Thế Tôn xuất hiện chỉ vì người giàu. Nếu
đức Phật Thế Tôn nói pháp ban đêm, thì chúng ta mới có thì giờ nghe được.
Ðức Phật dạy:
- Nếu tụng kinh hay nói pháp ban đêm, thì phải
thắp đèn đuốc cho sáng, đừng để tối tăm.
Bấy giờ, có Bí-sô Ma Ha La không nhiếp tâm lúc
ngủ, mớ nói việc phi pháp, người đời nghe, nên cơ hiềm, không nghe pháp. Vấn đề
này được bạch lên Phật, Phật dạy:
- Do cùng với người chưa thọ Viên cụ cùng ngủ một
phòng, và đốt đèn sáng, nên mới có lỗi này phát sanh. Nay ta không cho phép
Bí-sô, Bí-sô ni cùng với người chưa thọ Viên cụ cùng ngủ một phòng, và đốt đèn
đuốc.
Ðây là duyên khởi, nhưng Phật chưa chế giới.
Bấy giờ, tôn giả Xá Lợi Tử có hai đệ tử, một tên
là Chuẩn Ðà, người thứ hai tên là La Hổ La (La Hầu La) muốn hạ an cư. Khi đại
chúng tập hội, cùng nhau phân phòng xá, thì hai vị này không nhận được phần, ôm
lòng ưu não... Chuẩn Ðà hỏi La Hổ La:
- Tại sao đứng buồn
như vậy
La Hổ La nói:
- Ông đủ phước đức, có đại oai thần, hóa am bằng
cỏ, để có thể nghỉ qua đêm; còn tôi không có oai lực, muốn thế nào được!
Chuẩn Ðà nói:
- Có việc muốn thưa hỏi, nhưng đến nơi đức Phật
lúc phi thời, không được. Vừa rồi có tịnh thí chủ dùng bùn diệu hương thoa trét
nhà vệ sinh, khả dĩ có thể tạm ngủ nơi đó qua một đêm.
La Hổ La liền vào nhà vệ sinh tạm thời nằm ngủ.
Trong đêm ấy, có trận mưa lớn, cách đó không xa, có con rắn độc lớn, đang ở
trong hang dưới mặt đất, nước mưa đầy hang, rắn bò vào nhà vệ sinh. Ðức Ðại sư
Như Lai đạt được tâm không quên, liền có ý nghĩ: “Nếu bị rắn cắn, thì chắc chắn
La Hổ La sẽ chết, chỉ để lại cái danh. Trong lúc ấy, những người dòng họ Thích
Ca tự ngã mạn cống cao, lại còn sanh bất tín, nói như vầy: Nếu La Hổ La không
xuất gia, thì đã được kế truyền ngôi vị Luân vương rồi. Nay đã xuất gia, lại
không nơi nương tựa, phải ngủ nơi nhà vệ sinh, bị rắn độc cắn chết một cách oan
uổng”. Ðức Như lai nghĩ như vậy rồi, liền duỗi cánh tay bên hữu, như cái vòi con
tượng vương, nắm lấy thân hình của La Hổ La đem để trên giường.
Suốt đêm ấy, đức Phật khi thì đi, khi thì ngồi,
cho đến sáng. Các Bí-sô khác đến chỗ đức Thế Tôn, muốn đích thân kính lễ. Theo
pháp thường lệ của đức Thế Tôn, nếu muốn vì các Thanh văn mà chế học xứ, thì vị
nào chưa đến đợi đến, vị nào đã đến không cho đi. Bấy giờ, khi La Hổ La thức
dậy, biết mình đang nằm trên giường đức Phật, nên hoảng sợ kinh hoàng, đứng dậy
liền. Lúc ấy, Thế Tôn bảo các Bí-sô:
- Phàm các cầu tịch, cầu tịch nữ không cha, không
mẹ, chỉ có các ông là người đồng phạm hạnh, cùng thương mến nhau. Các ông không
thương yêu nhau, giúp đỡ nhau, thì ai lo liệu cho ! Vì vậy, nay ta cho phép các
Bí-sô, Bí-sô ni cùng người chưa thọ Cận viên được cùng ngủ chung phòng hai đêm,
thì không phạm
Bấy giờ, Lục chúng Bí-sô ngủ quá hai đêm. Bí-sô
thiểu dục nghe nói, sanh cơ hiềm: “Tại sao Bí-sô không vâng lời Phật dạy”, và
đem nhân duyên này bạch lên Phật. Ðức Phật hỏi, rồi quở trách và bảo rằng:
- Ta nhận biết mười điều lợi, mà vì hai bộ đệ tử
chế học xứ này:
Bí-sô ni nào,
cùng người chưa thọ Cận viên, ngủ chung một phòng, quá hai đêm, Ba-dật-để-ca.
MẶC Y KHÔNG HOẠI SẮC
Tại
thành Vương-xá, lúc bấy giờ trong thành này có hai con long vương, một con tên
là Kỳ Lợi, một con tên là Bạt Lũ.
Lúc ấy, vua Ảnh Thắng tạo hai thần đường ở bên
ngoài thành, nơi lâm tuyền. Mỗi năm hai lần, đến ngày lễ tiết, khắp sáu đại
thành, tất cả nhân dân thảy đều vân tập.
Một lần, đến ngày tiết hội, đoàn ca nhạc phương
Nam đến thành Vương-xá, họ cùng nhau bàn tính: “Nếu trình diễn công hạnh của một
đại nhân thù thắng, thì khiến cho mọi người lòng sanh hỷ ái, sẽ thu hoạch được
nhiều tài lợi”. Do vậy, họ đến chỗ Lục chúng, kính lễ sát chân, thưa:
- Kính thưa thánh giả, chúng tôi muốn tuyên
thuyết quá trình xưa kia của đức Phật, khi còn làm Bồ-tát, những thắng hạnh của
Người... Xin thánh giả hướng dẫn.
Lục chúng hỏi:
- Các ông muốn
chúng tôi nói việc ấy để làm gì
Ðoàn nhạc trình bày:
- Chúng tôi muốn cho vào ống sáo, dây đàn, tạo
thành khúc nhạc.
Lục chúng không chấp thuận, nói:
- Các ông là kẻ ngu si, muốn đem thắng sự Phật
pháp của chúng tôi, dùng vào việc trình tấu nhạc khúc à Các ông đi mau, tôi
không nói đâu !
Ðoàn nhạc bèn đến chỗ Bí-sô ni Thổ La Nan Ðà. Cô
ni tuyên thuyết đầy đủ từ khi sanh cho đến chứng quả Bồ-đề, đời sống và công
hạnh của đức Phật. Ðoàn nhạc nghe rồi, cho vào ống sáo, dây đàn, tạo thành khúc
nhạc. Họ tập hợp các tay nghề cao để trình tấu.
Người có tín kính đều sanh lòng hy hữu, khen:
“Ðoàn nhạc xuất sắc, trình tấu khúc ca tài tình”. Họ nhận được nhiều của tặng.
Trong đoàn nhạc, có một sáng kiến khác thường là làm thế nào cho người không tin
kính cũng được hấp dẫn. Họ bèn dựa vào việc làm của Lục chúng để trình diễn.
Giới người không tín kính đều vui cười nhiều. Do vậy, đoàn nhạc thu hoạch được
nhiều của cải.
Lục chúng nghe nói, bèn đến chỗ hai thần đường,
tự mặc y phục của người thế tục để trình diễn vũ nhạc. Quần chúng đều tập trung
đến đó xem, hý trường của đoàn nhạc kia bị bỏ trống. Lục chúng thu được nhiều y
vật. Ðoàn nhạc hiềm tiện: “Tại sao Bí-sô lại mặc đồ của người bạch y, trình diễn
vũ nhạc?...”
Vì nhân duyên này, đức Thế Tôn tập hợp chúng quở
trách, rồi bảo:
- Ta nhận thấy mười điều lợi, vì hai bộ đệ tử,
chế học xứ này:
Bí-sô ni nào,
nhận được y mới, thì nên dùng ba loại để nhuộm thành hoại sắc, hoặc xanh, hoặc
lam, hoặc đỏ, tùy theo một loại để làm hoại sắc. Nếu không dùng ba loại để làm
hoại sắc, mà thọ dụng, Ba-dật-để-ca.
TẮM RỬA PHI THỜI
Tại
thành Vương-xá, lúc bấy giờ, bên thành này có ba con suối nước ấm: suối thứ nhất
dành cho vua tắm rửa, suối thứ hai dành cho người trong vương cung, suối thứ ba
chung cho mọi người.
Bí-sô cùng tắm một chỗ với nhà vua. Bí-sô ni cùng
tắm một chỗ với người trong vương cung. Vào lúc ấy, Lục chúng và mười hai chúng
Bí-sô ni đến tắm, với ý niệm: “Thử xem tín tâm nhà vua dày mỏng thế nào !”. Lục
chúng ý muốn gây phiền não, nên ngâm mình lâu trong nước, không chịu lên. Nhà
vua bèn sai người lấy nước đến chỗ riêng để tắm, chứ không vào trong suối ấm.
Tắm xong, nhà vua đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, nghe diệu pháp xong, cáo
từ ra về. Bấy giờ, A Nan Ðà đem sự việc này bạch lên Phật, đức Phật dạy:
- Do các Bí-sô tắm rửa, sanh ra lỗi này. Vậy
không được tắm.
Vì không tắm, thân thể mồ hôi nhơ nhớp, nên khi
đi khất thực, nhiều người thế tục nhận biết, hỏi: “Ðem mồ hôi nhơ nhớp này cho
là thanh tịnh sao”. Ðức Phật biết, nên dạy: “Nửa tháng phải tắm”.
Ðối với khí hậu nóng bức, không thường tắm nên bị
hôi hám, đức Phật dạy: “Khi nào nóng bức thì tắm”.
Có Bí-sô bệnh, thầy thuốc bảo tắm rửa, bệnh nhân
trả lời: “Ðức Thế Tôn không cho phép”. Ðức Phật dạy: “Khi bệnh thì được tắm”.
Hoặc khi làm việc cho chúng, thân thể nhơ nhớp,
người thấy cơ hiềm, Phật dạy: “Làm việc được tắm”.
Khi đi đường, tới lui mệt mỏi, sải thân ra nằm,
mọi người quở trách, đức Phật dạy: “Khi đi đường được tắm”. Cho đến khi bị gió
thổi, thân nhiều bụi đất, Phật dạy: “Khi bị gió thổi thì được tắm”.
Gặp lúc trời mưa, hay gặp cả mưa lẫn gió, nhơ
nhớp thân thể, đức Phật dạy: “Nếu khi gặp mưa, hay gió mưa, cũng được tắm”.
Bấy giờ, đức Thế Tôn khen ngợi sự trì giới, rồi
bảo:
- Ta nhận thấy mười điều lợi, vì hai bộ đệ tử,
chế học xứ này:
Bí-sô ni mỗi
nửa tháng phải tắm, nếu cố ý trái phạm, Ba-dật-để-ca. Trừ các trường hợp đặc
biệt là: khi nóng, khi bệnh, khi làm việc, khi đi đường, khi gió, khi mưa, hoặc
bị cả mưa lẫn gió. Ðó là trường hợp đặc biệt.
ÐÙA GIỠN TRONG NƯỚC
Lúc bấy
giờ, tại thành Thất-la-phạt, trong mười bảy chúng, có Bí-sô lớn nhất là Ô Ba Ly,
đoạn các phiền não, chứng quả A-la-hán rồi, liền khởi ý niệm: “Ta bắt đầu quan
sát trong số đồng phạm hạnh, trong chúng này ai có thiện căn, quan sát xem họ lệ
thuộc với ai. Quan sát biết họ lệ thuộc ta, ta đóng vai dẫn đường với phương
tiện tùy thuộc sau đó”.
Tất cả đến nơi sông A-thị-la-bạt-để,
lọc nước thêm vào bình. Quan sát nước rồi, chánh niệm dụng tâm rồi, mới tắm rửa;
tắm rửa xong, đứng qua một bên.
Bấy giờ, mười sáu người kia cũng tắm gội. Họ lao
mình vào trong nước, thoạt nổi thoạt chìm, hoặc đến bờ bên kia, hoặc về lại bờ
bên này, khi trôi theo dòng nước, lúc ngược với dòng sông, đánh nước, đập
nước... tạo thành âm nhạc, mà nhạc cụ là nước, cả thân lẫn tay chuyển động, cùng
nhau chơi giỡn vui đùa...
Khi ấy, đại vương Thắng Quang ở trên lầu cao, từ
xa nhìn thấy họ đùa giỡn, nói với Thắng Man phu nhơn rằng:
- Người thử xem, những hạng người có phước điền
mà người kính trọng đó !
Phu nhân tâu với đại vương:
- Ðó là các vị thiếu niên, thân thể tráng kiện,
chưa có thể tu phạm hạnh được. Ðại vương chớ xem việc đó là kỳ lạ. Chính đại
vương, tuy tuổi đã già, còn chưa đứng yên khi vào trong nước. Vậy, các vị đó
giỡn chơi trong nước, có gì đáng trách !
Lúc ấy, Ô Ba Ly quán biết tâm nhà vua rồi, báo
với đồng bạn rằng:
- Quý vị sửa soạn y phục, mang nước về lại trú
xứ.
Thế rồi, Ô Ba Ly dùng sức thần thông, đưa đồng
phạm hạnh bay lên hư không, vượt qua trên lầu nhà vua. Thắng Man phu nhân nhìn
thấy bóng, ngửa mặt lên xem, mục kích sự việc hy hữu kỳ diệu, bèn tâu với nhà
vua:
- Ðại vương có thể xem kìa, bậc thắng diệu phước
điền đang bay qua trên không kìa!
Nhà vua nói với phu nhân:
- Ðâu có chuyện đã chứng quả A-la-hán mà còn giỡn
chơi trong nước như thế!
Phu nhân trả lời:
-
Ðó là việc chính nhà vua mục kích, chứ đâu phải chuyện xa lạ, tại sao nhà vua còn
hỏi!
Phu nhân giải thích:
- Tâm như chớp sáng, như làn điện, trong chớp
nhoáng biến đổi, dùng sức định kiên cố như kim cương, trong sát-na phá hoặc vô
minh... Nhà vua không nên lấy làm lạ trong việc ấy.
Vua Thắng Quang nghe rồi, im lặng không trả lời.
Thắng Man phu nhân sai sứ bạch lên Phật hết mọi việc đã xảy ra... Cúi xin đức
Thế Tôn lưu ý cho !
Ðức Thế Tôn biết rồi, tập hợp chúng, hỏi để xác
định sự thật, rồi quở trách và bảo:
- Ta nhận thấy mười điều lợi, vì hai bộ đệ tử,
chế học xứ này:
Bí-sô
ni nào, đùa giỡn trong nước, Ba-dật-để-ca.
CÙNG NAM TỬ NGỦ CHUNG NHÀ
Tại
thành Thất-la-phạt, lúc bấy giờ, A Ni Lô Ðà đã đoạn trừ các kiết hoặc, chứng
A-la-hán, đắp y mang bát du hành trong nhân gian, đến một tụ lạc. Trong tụ lạc
này, có một trưởng giả sanh hai trai và một gái. Người con gái khi trưởng thành
đã làm việc không trinh cẩn. Khi người anh được người khác cho biết là người em
gái chưa chồng của họ đã cùng người khác tư thông. Hai người anh nghe rồi, hỏi
người em để biết thật hư thế nào, được người em trả lời:
- Thật sự đời em thanh cẩn, người đời nói bịp đó
!
Thời gian sau, sự hiện diện của thai nghén đã rõ
ràng, hai người anh hỏi:
- Em nói thanh cẩn,
tại sao bụng dạ như thế này
Người em gái nói:
- Một người không có tóc cưỡng bức em, nên sự
việc đến như thế này.
Khi “no ngày, thẳm tháng”, sanh ra một đứa con
trai. Người thời bấy giờ gọi bà ta là “ngốc tử mẫu” (bà mẹ của đứa con người
không tóc). Bấy giờ, cụ thọ A Ni Lộ Ðà đến thôn này, trời sẩm tối, tìm nơi nghỉ
lại đêm. Các đồng tử bảo:
- Này thánh giả, nơi nhà của bà mẹ ngốc tử, chắc
thánh giả ở lại đêm được.
Theo sự giới thiệu của các đồng tử, A Ni Lộ Ðà
đến đó, xin nghỉ lại đêm. Ngốc tử mẫu thuận cho A Ni Lộ Ðà ở lại đêm, với tà
niệm, nên nửa đêm đến ôm choàng tôn giả. Tôn giả biết rõ ác kiến của bà ta, nên
dùng sức thần thông bay thoát lên hư không. Bà ta thấy vậy, sanh tâm hy hữu, cần
cầu sám hối tạ lỗi. Tôn giả thấy điều tội lỗi như vậy, sau đó không bao giờ nghỉ
đêm lại nơi nhà thế tục nữa, và đem vấn đề bạch lại Phật, đức Phật dùng nhân
duyên này tập hợp chúng, khen ngợi người trì giới, và bảo:
- Ta nhận thấy mười điều lợi, vì hai bộ đệ tử,
chế học xứ này:
Bí-sô ni nào,
cùng nam tử ngủ chung một nhà, Ba-dật-để-ca.
UỐNG RƯỢU
Lúc bấy
giờ, tại thành Thất-la-phạt, có một trưởng giả tên là Phù Ðề, giàu có nhiều của,
y thực dư dật. Cưới vợ chưa bao lâu, sanh được một đứa con gái, nhan sắc đoan
chánh, ai cũng muốn nhìn.
Khi tuổi lớn khôn, cô sánh duyên cùng con trai
của ông trưởng giả Cấp-cô-độc, sanh được một đứa con trai. Ông trưởng giả vừa
trông thấy, sanh lòng hoan hỷ, vội hô lên: “Thiện lai, thiện lai !”. Các thân
tộc nhân cơ hội này, đặt tên cho nó là “Thiện Lai”. Nhưng hài nhi này phước
mỏng, nên kể từ ngày chào đời, gia sản ngày càng tiêu vong, cha mẹ phải chia ly
để tìm sự sống.
Mọi người thời bấy giờ thấy hiện tình như vậy,
nên gọi đứa hài nhi đó là “Ác Lai”, thay cho tên “Thiện Lai” mà trước đây thân
tộc đã đặt. Ác Lai cùng với bọn người ăn xin làm bạn, để sống qua ngày. Ác Lai
có căn lành nên thường chuyên lo tu tập: Tu quán thanh xứ ảnh tượng trước mắt.
Ðức Thế Tôn lại vì ông ta nói pháp yếu, chỉ bày mọi sự lợi ích an vui, khiến
chứng được kiến đế, xuất gia lìa tục, tu trì phạm hạnh, phát đại dũng mãnh, giữ
tâm kiên cố; đầu đêm, cuối đêm tư duy quên mệt mỏi, đoạn trừ kiết hoặc, chứng
A-la-hán quả, và nói kệ:
- Xưa ở chỗ chư
Phật
Chỉ giữ thân gạch
sắt
Nay nghe Thế Tôn
dạy
Chuyển thành thân vàng ròng
Tôi ở trong sanh
tử
Lại không thọ
thân sau
Phụng trì pháp vô
lậu
Thẳng tiến đến Niết-bàn
Nếu người ưa trân bảo
Và sanh thiên
giải thoát
Phải gần thiện tri
thức
Thì sở nguyện theo ý.
Bấy giờ, có kẻ không tín kính liền sanh cơ hiềm,
bàn tán: “Sa-môn Kiều Ðáp Ma đã độ cho những người bần tiện, ngu si xuất gia, để
dùng làm kẻ sai vặt”. Ðức Thế Tôn vì muốn giới thiệu cái đức của Thiện Lai, nên
sai Thiện Lai điều phục con độc long..., khiến cho con rồng độc thọ tam quy y và
năm học xứ. Ðức Phật bảo các Bí-sô:
- Trong hàng đệ tử Thanh văn của ta, điều phục
độc long, Thiện Lai là bậc nhất.
Bấy giờ, tất cả mọi người, Bà-la-môn xa gần nơi
núi Thâu Ma La chứng kiến việc Thiện Lai điều phục độc long, khiến cho họ thoát
khỏi sự lo hại. Trong số đó, có Bà-la-môn cung thỉnh Thiện Lai, dùng những thứ
đồ ăn thức uống ngon bổ nhất, và chí thành cúng dường một cách no đủ. Thí chủ
muốn Thiện Lai ăn cho mau tiêu hóa, nên dùng một ít rượu trộn vào trong nước
uống. Thiện Lai không biết, uống xong liền say, ngã nằm xuống đất. Các đức Phật
Thế Tôn đã đạt ý niệm không quên, luôn luôn hiện tiền, nên đã hóa làm cái am
tranh, nơi chỗ Thiện Lai nằm, che phủ thân hình, không cho người thấy, và bảo
các Bí-sô:
- Các ông nên quan sát việc làm của Thiện Lai nơi
núi Giang Trư, hàng phục con rồng độc Yêm Bà, mà hiện nay không thể điều phục
được một con lươn con. Các ông Bí-sô, uống rượu có những mất mát lớn lao như vậy
!
Ðức Thế Tôn liền hiện vô lượng trăm ngàn tướng
vòng tròn bằng lưới da, với tay phước đức thù thắng trang nghiêm vương, rờ đầu
Thiện Lai, và bảo:
- Này Thiện Lai ! Tại sao không quan sát kỹ trước
khi dùng, để rồi phải chịu sự khốn đốn thế này !
Khi ấy, Thiện Lai được tỉnh ngộ một ít, liền đi
theo sau đức Phật đến rừng Thệ-đa. Ðức Phật rửa chân, rồi đến chỗ ngồi thường lệ
an tọa, bảo các Bí-sô:
- Các ông nên quan sát những người uống rượu, có
các sự mất mát như vậy.
Ðức Phật khen ngợi những người trì giới, rồi
bảo:
- Ta nhận thấy mười điều lợi, vì hai bộ đệ tử chế
học xứ này:
Bí-sô ni nào,
uống các loại rượu, Ba-dật-để-ca.
VÀO XÓM LÀNG LÚC PHI THỜI
Lúc bấy
giờ, tại thành Thất-la-phạt, có một Bà-la-môn từ nơi khác đến thành này, cưới vợ
rồi ở luôn, chẳng bao lâu sanh được một đứa con gái. Theo thời gian, người con
gái lớn khôn, cùng với các đồng nữ đến trước cửa chùa, tại rừng Thệ-đa.
Lúc ấy, Ô Ðà Di thấy nhan sắc của người con gái
này thùy mị, liền khởi nhiễm tâm, đụng chạm thân cô ta, hôn nơi miệng cô ta. Khi
ấy, đồng nữ cũng muốn làm điều phi pháp, Ô Ðà Di từ chối, cô ta ôm lòng sân hận,
liền lấy móng tay tự cào vào thân hình của mình, rồi trở về nhà, báo cáo với cha
của cô rằng: Ô Ðà Di đã làm tổn hại đời đồng nữ của mình. Người cha liền thông
báo với năm trăm Bà-la-môn, họ đều phẫn nộ, rồi tập trung lại một chỗ, muốn đánh
Ô Ðà Di. Năm trăm người đến chen lấn, lôi kéo nhau, không thể di chuyển được.
Ðức Thế Tôn biết việc
này, liền nghĩ rằng: “Ðây là bài học tối hậu đối với Ô Ðà Di”. Ðức Phật dùng
thần lực làm suy yếu sức của ông ta, khiến Ô Ðà Di không thể làm gì được. Các
người Bà-la-môn thấy sức của ông suy yếu, liền cùng nhau đánh, đến độ gần chết,
rồi kéo đến cửa nhà vua. Lúc ấy nhà vua đang ngủ ngày, trên lầu thượng, đức Phật
dùng thần lực khiến cho nhà vua tỉnh giấc, để cùng với phu nhân phán xử mọi
việc. Thắng Man phu nhân yêu cầu Ô Ðà Di cải hối. Ô Ðà Di nghe lời phiền trách,
liền phát tâm dũng mãnh, thời gian chưa bao lâu, đoạn hết các lậu hoặc, chứng
quả A-la-hán, rộng độ nhân dân. Ðức Thế Tôn thọ ký: trong số người giáo hóa, ông
là người đệ nhất hơn hết.
Sau đó, vì có việc đến
nhà người khác, vào lúc ban đêm, một cách phi lý nên bị giết chết, và bị vất xác
vào trong đống phân. Lúc ấy, đức Thế Tôn đến chỗ xảy ra sự việc, bảo các Bí-sô:
- Ðây là việc do đi lúc
phi thời, nên chiêu lấy lỗi lớn... Ta nhận thấy mười điều lợi, vì hai bộ đệ tử
chế học xứ này:
Bí-sô ni nào, vào làng xóm không đúng lúc, Ba-dật-để-ca.
NHẬN SỰ MỜI TRƯỚC HAY SAU BỮA ĂN
Lúc bấy giờ, tại thành
Thất-la-phạt, lúc ấy có một trưởng giả giàu có, lắm của cải, thọ dụng dư dật. Ô
Ðà Di nhân đi khất thực, đến nhà ấy, nói pháp yếu: “Người thí thực đặng năm công
đức là: sống lâu, sắc đẹp, sức khỏe, an lạc và tự biện”. Ông trưởng giả nghe
rồi, mang thức ăn dâng cúng, thâm tâm hoan hỷ, đảnh lễ sát chân, quy y Tam bảo,
thọ năm học xứ.
Một ngày khác, Ô Ðà Di lại đến nhà trưởng giả,
ông trưởng giả thưa:
- Ngày mai, con thỉnh Phật và Tăng đến nhà thọ
trai, ngài có thể đến sớm.
Sáng sớm hôm sau, Ô Ðà Di đến nhà ông trưởng giả,
bảo:
- Tôi có duyên sự, tạm đến nhà khác. Nếu tôi chưa lại, thì không nên hành thực
trước.
Ðức Phật hướng dẫn đại chúng đến nhà ông trưởng
giả. Các Bí-sô bảo ông trưởng giả:
- Nên xướng tùy ý (mời thọ trai).
Ông trưởng giả thưa:
- Kính thưa thánh giả, hôm nay, con vì Phật và
đại chúng, thiết lập lễ cúng dường này, cúi xin Phật và đại chúng tùy hỷ, nhưng
Ô Ðà Di chưa đến.
Ðức Phật dạy:
- Như vậy là xướng tùy ý rồi, nên cứ đến chỗ ngồi
mà ngồi.
Nhưng mãi đến gần quá ngọ, Ô Ðà Di mới đến chỗ thọ thực. Vì đợi chờ quá lâu, nên
các Bí-sô có vị ăn được một ít, có vị không ăn được.
Ðức Phật vì ông trưởng giả nói bài kệ về cúng
dường, rồi từ chỗ ngồi ra về. Ô Ðà Di ở lại, không về chùa. Hôm ấy, gặp ngày 15
(rằm), chúng Tăng làm pháp trưởng tịnh, Ô Ðà Di không đến tập hợp, lại không có
người mang dục đến. Chúng phải ngồi chờ lâu, bê trễ pháp sự. Tìm kiếm không có,
khiến chúng mỏi mệt... Ðức Phật quở trách, rồi bảo:
- Ta nhận thấy mười điều lợi, vì hai bộ đệ tử chế
học xứ này:
Bí-sô ni nào,
đã nhận thọ trai nơi nhà người, mà trước hay sau bữa ăn, đến nhà người khác,
Ba-dật-để-ca.
TỰ TAY NẤU THỨC ĂN SỐNG
Lúc bấy
giờ, tại thành Thất-la-phạt, có một người tánh ưa cảnh vườn cây, bảo người nấu
ăn rằng:
- Tôi muốn đi du ngoạn, sáng sớm đến để nấu thức
ăn cho tôi mang theo.
Trước khi đến chỗ phương viên, người này đã ra
lệnh cho người nhà chuẩn bị hết mọi thứ, kể cả người giúp việc nấu nướng cũng
phải sẵn sàng... Nhưng cuối cùng người thợ nấu không đến, mà thì giờ lại đã quá
muộn. Bà vợ ưu sầu.
Khi ấy, Thổ La Nan Ðà Bí-sô ni nhân đi khất thực,
vào nhà này, nói:
- Hiền thủ, vô bệnh, có thể cho tôi thức ăn với.
Người vợ bảo:
- Thưa thánh giả, hiện tại tôi đang ưu sầu, làm
sao có thể bỏ bát được!
Cô ni hỏi:
- Hiền thủ ưu sầu
việc gì
Người ấy trình bày rõ sự việc. Cô ni nói:
- Này bà chị, chẳng
lẽ bà chỉ biết có kim chỉ, ngoài ra không biết gì nữa hay sao
Người đàn bà ấy nói:
- Thánh giả có biết
nấu thức ăn phải không
Cô ni nói:
- Công xảo gì tôi cũng rành cả.
Người đàn bà nói:
- Thánh giả thương xót, nấu dùm thức ăn cho tôi.
Cô ni nói:
- Tôi nấu, có cho
tôi ăn không
Thưa:
- Cho chứ !
Hỏi:
- Có cho người coi
phòng của tôi ăn không
Thưa:
- Cũng cho ăn luôn !
Cô ni hỏi:
- Cần nấu thức ăn
gì
Thưa:
- Có thể nấu các thứ chả ram, tô, quả và các loại
bánh.
Người đàn bà ấy cần chi, thì cô ni đều làm được
hết. Làm xong, cô ni lấy thức ăn về chùa. Sau đó, người nấu ăn mới đến. Người
nhà nói:
- Các thức ăn đã nấu xong một cách khéo léo,
người nấu là cô ni Thổ La.
Người nấu ăn nghe qua, dùng mọi cách cơ hiềm,
tuôn ra những lời thô ác:
- Tại sao Sa-môn Thích nữ lại cướp đoạt nghề nuôi
sống của người ta ! Như vậy chẳng phải là nữ Sa-môn, chẳng phải là nữ tịnh hạnh
!
Các Bí-sô ni đem việc này bạch lại Bí-sô, Bí-sô
bạch lên Phật, đức Phật hỏi rồi quở trách... và chế học xứ này:
Bí-sô ni nào,
tự tay nấu thức ăn sống, Ba-dật-để-ca.
VẪY NƯỚC LÊN KẺ BỀ TRÊN (chúng trên)
Tại
thành Thất-la-phạt, lúc bấy giờ có ông trưởng giả, cưới vợ lâu mà không có con,
thân tộc đều phân tán, của cải khánh tận, bần cùng, cô đơn, già nua, không nơi
nghỉ ngơi, lấy tay chống cằm, có ý nghĩ: “Nay ta đã già yếu, lấy gì để nuôi sống! Có thể xuất gia để cầu sự an lạc”. Ông ta nói với vợ:
- Này hiền thủ, tôi
nguyện xuất gia, bà tính thế nào
Người vợ nói:
- Tôi cũng xuất gia.
Ông chồng liền dẫn người vợ đến chỗ Ðại thế chúa,
thưa:
- Kính thưa thánh giả, người này là vợ của tôi, ý
muốn xuất gia, nên đến đây cầu xin.
Ðại thế chúa liền độ cho xuất gia. Chồng của bà
ấy cũng đến chỗ chư Tăng xin xuất gia. Xuất gia xong, ông ta có ý nghĩ: “Trước
đây, ta cùng với vợ ta có sự hứa hẹn, thường thăm hỏi nhau, nay ta nên đến
thăm”. Nghĩ như vậy rồi, liền đến chỗ ni. Cô ni kia từ xa thấy, đích thân ra đón
chào, mời ngồi. Theo lời mời, Bí-sô ngồi, cô ni đứng một bên, Bí-sô nói diệu
pháp rồi ra về.
Giới nữ tánh ưa cất chứa những vật có được nơi
phòng, nên mời Bí-sô lưu lại để thọ nhận. Cô ni đem thức ăn dâng cho Bí-sô,
Bí-sô liền cười. Cô ni hỏi:
- Tại sao cười
Bí-sô trả lời:
- Khi còn ở nhà, phục vụ tôi, nay lại cũng như
vậy, cho nên tôi cười !
Cô ni liền nổi giận, bảo:
- Tôi dâng cúng với
tấm lòng thành, vì phước điền, tại sao nghĩ ngược lại để cười
Cô ni liền lấy tay vốc nước vẫy lên Bí-sô, lại
dùng bình đánh Bí-sô.
Chư ni đem việc này bạch lại Bí-sô, Bí-sô bạch
lên Phật, đức Phật hỏi, quở trách... rồi chế học xứ này:
Bí-sô ni nào,
dùng nước vẫy lên kẻ bề trên (chúng trên), Ba-dật-để-ca.
ÐEM ÐỒ BẤT TỊNH ÐỔ RA NGOÀI VÁCH
Lúc bấy
giờ, tại thành Thất-la-phạt, ni Thổ La Nan Ðà lo việc của chúng, hoặc là giáo
thọ, hoặc là dạy phúng tụng. Vì vậy, suốt đêm phần nhiều không ngủ, ăn uống
không tiêu, bị khổ vì cái bụng, những đồ bất tịnh bài tiết ra, đem đổ ngoài vách
tường.
Vua Thắng Quang có một vị đại thần tên là Cát
Tường, tự tiện cỡi voi của vua, vua giận đuổi ra, đi ngang qua vách tường gần
chùa. Khi ấy, ni Thổ La Nan Ðà đang đổ đồ bất tịnh ra, nên nhằm đầu vị đại thần,
khiến bị nhơ nhớp. Các Bí-sô biết việc này, cùng nhau bàn tán: “Hiện nay vị đại
thần này có thế lực lớn, chúng ta ắt phải gặp tai họa”. Vị đại thần kia giận
ngầm, ôm lòng xấu hổ, đến nơi sông tắm rửa. Lúc ấy, vị đại thần Lộc Tử can thiệp
cho đại thần Cát Tường, tâu với nhà vua:
- Muôn tâu đại vương, vị đại thần Cát Tường trung
cẩn, đối với nước có công. Cúi xin đại vương bỏ qua cái lỗi tự tiện cỡi voi vua,
của vị này.
Nhà vua chấp thuận lời tấu xin, liền kêu sứ thần
đến, bảo:
- Hãy báo cho đại thần Cát Tường biết, đại vương
ra lệnh cho ông phải trình diện gấp.
Cát Tường hoảng sợ, vội vã, không biết việc chi
mà nhà vua gọi gấp, liền mặc áo ướt đến chỗ nhà vua. Nhà vua thấy, tỏ lòng hoan
hỷ, hoàn lại quan vị cho Cát Tường, và nói:
- Con voi Bạch Liên Hoa của ta, cho khanh tùy ý
sử dụng.
Ðại thần Cát Tường hoan hỷ, nhảy nhót, lại sanh ý
nghĩ: “Nhờ đâu mà ta được phục hồi chức vị vinh quang này Phải chăng do vị
phạm hạnh đã đổ đồ bất tịnh, thấm nhớp thân ta, nên được quả báo này”. Từ cung
vua đi ra, ông đến ngay nơi trú xứ của ni, và hỏi các ni rằng:
- Thưa thánh giả,
hôm nay vị ni nào đã đem đồ bất tịnh đổ trên đầu tôi
Lúc ấy, ni Thổ La Nan Ðà thấy vị đại thần tìm hỏi
như thế, lòng rất sợ hãi, vào phòng đóng cửa, và nói ra nơi kẻ hở rằng:
- Có một ni già chẳng
biết tốt xấu, đem đổ đồ bất tịnh, không ngờ thấm nhớp đại nhân. May mắn thay,
xin đừng nổi giận !
Vị đại thần nói:
- Ðối với vị ni ấy, thật
sự tôi không có lòng sân nhuế. Tôi muốn dâng cúng y phục, nên đến đây tìm hỏi.
Tôi nhờ thấm nhớp đồ bất tịnh ấy, mà được phục hồi chức vị quang vinh.
Thổ La Nan Ðà nghe câu
nói ấy, từ trong cửa bước ra, lấy tay đấm ngực, nói:
- Do thô tâm của tôi
nên tạo ra tội lỗi ấy.
Vị đại thần thấy cô ni
bước ra, liền tự cởi các y phục, hai tay dâng cúng. Vị quan cười thầm, với ý nghĩ: “Ta nhờ oai lực bất tịnh của thánh giả, mà được phục hồi
lại địa vị thắng tôn, nhận lãnh lại ân huệ của nhà vua”.
Sau đó một thời gian, Thổ
La Nan Ðà cùng các ni chúng có việc đấu tranh, cô ta mắng vị ni kia rằng:
- Tôi xem cô
không bằng phẫn nhơ của tôi!...
Chư ni đem việc này bạch
lại Bí-sô, Bí-sô bạch lên Phật. Ðức Phật hỏi, rồi quở trách... và chế học xứ
này:
Bí-sô ni nào không khéo xem xét, mà vội đem đồ bất tịnh đổ ra ngoài tường,
Ba-dật-để-ca.
ÐỘ NGƯỜI NỮ ÁC TÁNH
Lúc bấy
giờ, Bí-sô ni Thổ La Nan Ðà vào thành Thất-la-phạt khất thực, gặp một người nữ
tánh tình nhiều nóng giận, hung bạo, ưa tranh cãi với những người nữ khác. Ðầu
của người nữ này tóc dựng ngược lên, tiếng thét giống như tiếng con dã-can,
nhiều người nghe tiếng thét của cô ta đều hoảng hồn. Thổ La Nan Ðà thấy vậy, bèn
nghĩ: “Ta có thể hướng dẫn người này xuất gia, để giúp ta đấu tranh, khi cần đến
bạo lực”. Nghĩ như vậy rồi, Thổ La liền tìm phương tiện độ người nữ này xuất
gia.
Sau một thời gian, ni Thổ La cùng với một cô ni
khác có việc tranh cãi, người nữ vừa được Thổ La độ xuất gia làm thinh đứng xem.
Ni Thổ La giận, nói:
- Cô không thể cùng sống với tôi nữa. Tôi cho cô
xuất gia, tại sao nay cô làm thinh đứng coi, không trợ giúp tôi trong việc cạnh
tranh này!
Cô ni vừa được cho xuất gia nói:
- Thưa thánh giả, hiện tại tôi không biết tung
tích của đối phương, làm sao trợ giúp được.
Ni Thổ La nói:
- Nếu tôi cùng với Ðại thế chúa cạnh tranh, thì
cô có thể mắng rằng: “Ðồ cái quân tự ý mình cạo đầu”. Nếu tôi cùng với ni Liên
Hoa Sắc cạnh tranh, thì cô có thể mạ nhục rằng: “Cô là người đàn bà tự khoe sắc
đẹp của mình trong sáu thành lớn để nuôi sống”. Nếu tôi cùng với ni Pháp Dữ cạnh
tranh, thì cô cứ nói: “Cô là kẻ nhờ vào sứ giả mà được thọ Cận viên”. Nếu tôi
cùng với Sấu Kiều-đáp-di cạnh tranh, thì cô nhắc lại rằng: “Cô là người bị kẻ
khác đè xuống bảo ăn thịt con mình”. Cô nên dùng những từ này để giúp tôi trong
khi cần mắng chửi họ.
Từ đó, khi thấy ni Thổ La cùng người khác đấu
tranh, thì ni ác tánh thường trêu chọc các ni, để cùng nhau tranh đấu. Số đông
ni chúng thường nói: “Ai lại độ một người ác tánh - ưa đấu tranh như vậy - xuất
gia”. Trong chúng có người trả lời: “Ngoài ni Thổ La ra, thì ai lại độ người
như vậy !”. Các ni bạch lại Bí-sô, Bí-sô bạch lên Phật. Ðức Phật hỏi, quở
trách... rồi chế học xứ này:
Bí-sô ni nào,
biết người nữ có tánh ác, ưa tạo ra việc đấu tranh, mà cho xuất gia và thọ Cận
viên, Ba-dật-để-ca.
CHỒNG CHƯA CHO PHÉP, MÀ ÐỘ XUẤT GIA
Tại
thành Thất-la-phạt, lúc ấy, ni Thổ La Nan Ðà nhân đi khất thực, vào một nhà,
thấy người đàn bà bị chồng đánh, đang an trí nơi góc nhà, người chồng đã đi ra
ngoài. Thổ La Nan Ðà hỏi:
- Này hiền thủ, nguyện cho người không bệnh, có
thể cho tôi thức ăn không!
Người đàn bà kia nói:
- Thưa thánh giả, hiện tại tôi đang lo phiền,
không thể nào bỏ bát cho thánh giả được.
Ni Thổ La hỏi:
- Tại sao lại lo
phiền
Người đàn bà kia trình bày rõ hết câu chuyện.
Thổ La bảo:
- Như vậy, tại sao
không xuất gia
Người đàn bà ấy vui mừng thưa:
- Ðó là sở nguyện của tôi !
Thổ La liền dẫn đi và cho xuất gia. Sau đó, người
chồng trở về tìm, nhưng không thấy vợ. Người nhà báo cáo:
- Vợ ông đã đi xuất gia rồi.
Người chồng hỏi:
- Ai cho xuất gia
Ðáp:
- Ni Thổ La Nan Ðà.
Người chồng bất mãn nói:
- Vợ tôi xuất gia, ai coi ngó việc nhà này?
Sau đó một thời gian, ni Thổ La Nan Ðà đi khất
thực, người chồng gặp, liền hỏi:
- Thánh giả cho vợ
tôi xuất gia, ai coi ngó gia nghiệp của tôi đây
Người chồng phẫn nộ, nắm chặt y của Thổ La kéo,
và nói:
- Cô cho vợ tôi
xuất gia, vậy cô có thể đến đây coi sóc gia nghiệp cho tôi chăng
Các ni đem việc này bạch lại Bí-sô, Bí-sô bạch
lên Phật. Ðức Phật hỏi, quở trách... rồi chế học xứ này:
Bí-sô ni nào,
biết vợ của người chưa được chồng cho phép, mà độ cho xuất gia, Ba-dật-để-ca.
KHIẾN
NGƯỜI NỮ KHÁC THU XẾP GIA
NGHIỆP
Lúc bấy giờ, ni Kiều-đáp-di tuần tự đi khất thực trong thành Thất-la-phạt,
đến nhà một trưởng giả. Ông trưởng giả đã qua đời, người vợ làm gia chủ, nhà
giàu nhiều của, lắm tôi tớ, trong cuộc sống có kẻ hầu người hạ, mà lòng vẫn ưu
sầu. Gia chủ thấy Kiều-đáp-di, mà không đích thân cung kính, cũng không cúng
thức ăn. Cô ni nói:
- Này bà chị, việc
gì mà sầu não thế
Người đàn bà bảo:
- Này thánh giả, chồng
tôi chết, thân tộc đều không còn, nay tôi biết làm thế nào đây, mũi tên độc bắn
vào tôi, trong tâm tôi thường ôm sầu thảm. Tuy có của tiền, tôi tớ, sản nghiệp,
mà chồng vắng bóng, bà con xa lìa, thì của cải này cũng chẳng có nghĩa gì !
Cô ni nói:
- Như vậy, tại sao
không xuất gia
Người đàn bà thưa:
Kính thưa thánh giả, may
mắn thay, nếu cho tôi xuất gia !
Cô ni nói:
- Nếu có thể thu xếp việc
nhà, vất bỏ hết cái lưới của thế tục, thì đối với việc xuất gia cũng chẳng phải
là khó.
Người đàn bà kia liền
tuôn hết của cải trong kho, dâng cúng Sa-môn, Bà-la-môn và người bần cùng cô
quả. Buông xả hết rồi, đến trú xứ của ni, nơi Kiều-đáp-di cư trú, bà ta cầu xin
xuất gia. Cô ni nói:
- Nay tôi không thể
cho bà xuất gia được. Bà có thể đến chỗ các cô ni khác để cầu xin.
Người đàn bà kia nghĩ
rằng: “Gia sản của mình đã khánh tận, đến cầu xin xuất gia không được, bây giờ
biết tính sao đây”. Lúc ấy, có số đông ni chúng thấy vậy, hỏi:
- Này hiền thủ, việc
gì mà ưu sầu thế
Người đàn bà kia kể lại
đầy đủ mọi việc vừa qua. Các ni đem việc này bạch lại Bí-sô, Bí-sô bạch lên
Phật. Ðức Phật hỏi, quở trách... rồi chế học xứ này:
Bí-sô ni nào,
bảo người đàn bà thế tục rằng: “Bà nên thu xếp gia nghiệp, tôi sẽ cho bà xuất
gia”. Theo lời hướng dẫn, họ thu xếp xong, không cho xuất gia, Ba-dật-để-ca.
NUÔI HÀI NHI CỦA NGƯỜI KHÁC
Lúc bấy
giờ, ni Thổ La Nan Ðà đi khất thực trong thành Thất-la-phạt, ghé lại một nhà,
thấy người đàn bà sinh con chưa bao lâu, Thổ La Nan Ðà nói:
- Này hiền thủ, nguyện cho người vô bệnh, có thể
cho tôi thức ăn !
Người đàn bà hỏi:
- Thưa thánh giả,
trẻ nhỏ khóc nhiều, làm thế nào cho nó hết khóc
Ni Thổ La nói:
- Ðã biết sanh con,
mà không biết cách nuôi con hay sao
Người đàn bà thưa:
- Thánh giả, ngài
có biết phương pháp làm cho trẻ nhỏ hết khóc không
Ni Thổ La nói:
- Các thắng pháp của đời, tôi đều hiểu cả, huống
là cách nuôi hài nhi, tôi lại không rành sao Nếu tôi dạy cách nuôi con cho bà
thì bà có cho tôi ăn không
Người đàn bà trả lời:
- Cho !
Cô ni nói:
- Có cho người theo
hầu tôi ăn không
Trả lời:
- Cũng cho !
Hỏi:
- Người coi phòng
của tôi, cũng cho ăn chứ
Trả lời:
- Cũng cho ăn luôn !
Cô Thổ La bèn bồng hài nhi để lên trên đùi, lấy
dầu nóng thoa lên thân nó, dùng bột gạo xoa, lấy nước ấm lau, lấy vải trùm lại.
Hài nhi ngủ được. Những gì người đàn bà đã hứa, đều cung phụng đầy đủ.
Sau đó một thời gian, ni Ðại Thế Chúa cũng nhân
đi khất thực, ghé lại nhà này, vợ ông trưởng giả nói:
- Thánh giả có thể
làm cho tiểu nhi này được an lành chăng
Cô ni nói:
- Ðó không phải là
việc làm của người xuất gia. Vậy, có người xuất gia nào đã từng làm việc này sao
Bà vợ ông trưởng giả trả lời:
- Trước đây, ni Thổ La Nan Ðà đã từng giúp tôi
điều đó.
Các ni đem việc này bạch lại Bí-sô, Bí-sô bạch
lên Phật. Ðức Phật hỏi, quở trách... rồi chế học xứ này:
Bí-sô ni nào,
nuôi dưỡng hài nhi của người khác, Ba-dật-để-ca.
LÀM VIỆC NHÀ NGƯỜI THẾ TỤC
Tại
thành Thất-la-phạt, lúc bấy giờ, ni Thổ La Nan Ðà đi khất thực, ghé vào một nhà,
nói với người vợ ông chủ rằng:
- Cầu cho bà không
bệnh, bà có thể cho tôi thức ăn
Người đàn bà kia trả lời:
- Hiện nay tôi chưa rành những công việc trong
gia đình của người đời, không biết làm sao đây?!
Ni Thổ La nói:
- Bà chị chỉ biết
việc kim chỉ, ngoài ra không biết việc gì của gia đình hay sao
Người đàn bà thưa:
- Thưa thánh giả,
phải chăng ngài rành công việc của một gia đình
Thổ La nói:
- Bao nhiêu công việc trong gia đình, tôi đều
biết cả.
Người đàn bà nói:
- Nếu như vậy thì xin thánh giả giúp cho tôi với.
Thổ La nói:
- Tôi giúp cho bà, bà có cho tôi ăn không?
Thưa:
- Cho chứ !
Thổ La lại hỏi:
- Người hầu và
người coi phòng của tôi, bà cũng cho ăn chứ
Thưa:
- Tôi cũng cho luôn !
Thổ La liền để y bát xuống, xách nước để xem có
trùng hay không, lau quét khắp nơi, rửa các bồn chậu, nấu luôn thức ăn như cơm,
canh, đồ kho, rau sống..., mọi việc đâu đó xong xuôi, liền rửa tay chân, thắp
hương cúng gia thần, linh kỳ, rồi lấy luôn phần ăn của mình mang về chùa.
Sau đó một thời gian, ni Ðại thế chúa cũng đi
khất thực, ghé vào nhà này, vợ ông trưởng giả thấy, nói:
- Thánh giả giúp
tôi sắp đặt mọi việc trong gia đình, được chăng
Ðại thế chúa nói:
- Làm gì có chuyện,
ni giúp cho người thế tục sắp đặt mọi việc trong gia đình
Bà vợ ông trưởng giả nói:
- Thánh giả Thổ La Nan Ðà đã từng giúp tôi những
công việc như vậy, và cô ta cũng làm giỏi hơn ai hết !
Ðại thế chúa nói:
- Ni lại đến làm
giúp những công việc nhà cho người đời hay sao
Các ni đem việc này bạch lại Bí-sô, Bí-sô bạch
lên Phật. Ðức Phật hỏi để xác định sự thật, rồi quở trách..., và chế học xứ này:
Bí-sô ni nào,
sắp đặt mọi công việc gia đình cho người đời, Ba-dật-để-ca.
SẮM ÐẦU TÓC GIẢ TRANG ÐIỂM
Lúc bấy
giờ, tại thành Thất-la-phạt, ni Thổ La Nan Ðà khởi ý nghĩ như vầy: “Hiện nay ta
còn có cái trò vui nào mà ta chưa thưởng thức”. Vừa nghĩ xong, Thổ La thấy dâm
nữ sắm đầu tóc giả để làm đẹp, bao nhiêu nam tử đam mê sắc đẹp, đều đến vây
quanh. Thổ La đến hỏi nhỏ dâm nữ:
- Người nhờ đâu mà
có cuộc sống đầy đủ như vậy
Dâm nữ đem sự thật nói với Thổ La:
- Chỉ nhờ cái đầu tóc giả mà nhiều người ái mộ,
nên sự sống được như thế.
Thổ La liền nghĩ: “Ðây là một kế hoạch tốt, ta
cần thực hiện, để có trò vui”. Thổ La liền làm đầu tóc giả đội lên đầu, để trang
sức thân mình, rồi sống bên cạnh dâm nữ kia. Nam tử đam mê nữ sắc, đến tìm những
cuộc truy hoan. Thổ La đòi giá cao, để khiến người ta đừng gần mình. Nhưng có
một người đồng ý với giá của Thổ La đã nêu. Người nam tử ấy muốn ôm choàng Thổ
La. Dâm nữ nghĩ: “Nếu ta nói cho người này biết, thì sợ Bí-sô ni bị phá giới”.
Dâm nữ liền bảo:
- Buông ra, buông ra, có em đây !
Nam tử vừa buông ra, Thổ La cầm tiền chạy, nam tử
đuổi theo. Nam tử đuổi theo kịp, lấy tay túm đầu Thổ La. Thì ra, chỉ có cái đầu
tóc giả dính nơi tay nam tử. Cô ni bỏ chạy luôn. Nam tử kêu la lớn tiếng:
- Nữ Sa-môn trọc đầu làm việc bỉ ổi, ác pháp,
cuống hoặc thế gian, lấy tiền của ta bỏ chạy !
Các ni đem việc này bạch lại Bí-sô, Bí-sô bạch
lên Phật. Ðức Phật hỏi để xác định sự thật, rồi quở trách..., và chế học xứ này:
Bí-sô ni nào,
sắm đầu tóc giả để trang sức, Ba-dật-để-ca.
Làm pháp dư thực:
Khi mình đã ăn đủ, hoặc đã rời oai nghi mà lại có người mang thức ăn đến,
Tỳ-kheo vì nể tình người mang đến, hay vì các duyên sự khác, muốn ăn thêm
thì phải làm pháp dư thực(tàn thực).Tỳ-kheo đem vật thực mình cần ăn đến
trước một Tỳ-kheo chưa ăn, hay đang ăn mà chưa tỏ sự ăn đã đủ, tác bạch rằng:“Bạch Ðại đức, tôi đã ăn đủ. Ðại đức
nên biết cái này, nên nhìn cái này”(Theo văn Tứ phần q.14).Tỳ-kheo
kia ăn tượng trưng hai, ba miếng rồi nói:“ Ðại đức, hãy mang đi. Ðây là vật
thực của ngài, hãy tuỳ ý thọ dụng”.
--- o0o ---
Mục
Lục |
Phần 1|
Phần
2
|
Phần
3
|
Phần
4|
Phần 5
--- o0o ---
Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật ngày 01-04 -2003