|
.
HÃY
ĐẾN ĐỂ THẤY
Phật
Giáo, Con Đường Đưa Đến Hạnh Phúc
Tác
Giả: Ni Sư Ayya Khema
Việt Dịch: Chơn Minh Nguyễn Văn Phú, Tịnh Nghiêm Nghiêm Xuân
Cường &
Diệu
Liên Lý Thu Linh
|
|
Come
And See For Yourself The Buddhist Path To Happiness 2006
Nguyên
tác Đức ngữ ‘Komm Und Sieh Selbst’ @ Jhana Verlag 1998
Bản
Anh ngữ ‘Come And See For Yourself’ @ Windhorse Publications
2002 ISBN 1 899579 45
Việt
dịch từ Anh ngữ và ấn tống với sự đồng ý của Buddha
Haus e..V./Jhana Verlag, Germany
Tác
Giả
AYYA
KHEMA sinh năm 1923 trong một gia đình người Do Thái tại Bá
Linh. Bà trốn khỏi Đức sang Tô Cách Lan (Scotland) năm
1938, cùng với 200 trẻ em khác. Sau đó được đoàn tụ
với cha mẹ bà tại Trung Hoa. Khi chiến tranh thứ hai bùng
nổ, bà và gia đình bị đưa vào các trại giam tù binh của
Nhật. Sau chiến tranh, bà di cư sang Mỹ và lập gia đình
tại đó. Vào khoảng đầu những năm 1960, bà chu du nhiều
nơi khắp châu Á, và sau 10 năm hành thiền, bà bắt đầu dạy
thiền và thuyết giảng về Phật giáo ở châu Âu, Bắc Mỹ
và Úc.
Ni Sư Ayya Khema đã góp công lớn vào việc gầy dựng lại
ni đoàn Phật giáo. Ni Sư thọ giới vào năm 1979, theo
truyền thống Nguyên thủy tại Sri Lanka. Tại đó Ni Sư
đã thiết lập Trung Tâm Nữ Phật tử Quốc tế và Đảo
Parappuduwa dành cho Ni chúng và nữ cư sĩ. Vào năm 1987
Ni Sư phối hợp tổ chức một hội thảo về Ni đoàn Phật
giáo Quốc tế lần đầu tiên, mà kết quả là ni đoàn
Sakyadhita, một tổ chức nữ Phật giáo quốc tế được thành
hình.
Ni Sư đã viết hơn 20 đầu sách về thiền và Phật giáo bằng
tiếng Anh và Đức, tác phẩm nổi tiếng nhất của Ni Sư là
Being Nobody, Going Nowhere (Việt dịch: Vô Ngã Vô Ưu, Diệu Liên
Lý Thu Linh), đã được giải thưởng Christmas Humphreys
(Christmas Humphreys Memorial Award). Các tác phẩm của Ni Sư
đều thể hiện được sự nhận thức sâu xa trong thực hành,
sự lợi ích của thiền tập, và lời kêu gọi đơn giản
hóa cuộc sống hàng ngày của chúng ta, cũng như thanh tịnh
hóa thân tâm bằng cách ứng dụng những lời dạy của
Đức Phật vào cuộc sống.
Bên cạnh việc thành lập Wat Buddha Dhamma (Ngôi Nhà Phật Pháp)
ở Úc, một lâm tự viện theo truyền thống Nguyên thủy, Ni
Sư còn là Giám đốc đỡ đầu cho Buddha-Haus (Ngôi Nhà Phật)
ở Đức, nơi Ni Sư viên tịch vào năm 1997.
(ND:
Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về cuộc đời của Ni Sư
Ayya Khema qua bản dịch Quà Tặng Cuộc Đời (I Give You My Life).
Lời Nói Đầu
Ni Sư Ayya Khema sinh ra là người theo Do Thái giáo nhưng lại
là người Phật tử khi từ giã cõi đời. Gần cả cuộc
đời bà du hành khắp nơi trên thế giới cùng với gia đình,
và chỉ trở về Đức vào những năm cuối đời. Một
số chuyến phiêu lưu của bà được kể lại trong quyển hồi
ký thú vị, I Give You My Life (Quà Tặng Cuộc Đời).
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Ni Sư là trên một phóng sự
của đài truyền hình về một cộng đồng Phật giáo ở Uttenbuehl,
dưới chân của rặng núi Alps ở phía nam nước Đức.
Phóng sự đó gây nhiều xúc động cho tôi và vài năm sau đó
tôi rất vui mừng được có thể giúp dịch một trong những
số sách của Bà.
Khoảng thời gian đó tôi đã chuyển qua Anh quốc, và đang
ở một giai đoạn trong cuộc đời khi tôi cảm thấy rất
khó khăn để hành thiền. Đối với tôi, quyển sách này giống
như một khóa Phật học cơ bản, dựa trên những bài giảng
của Ni Sư Ayya Khema trong những buổi thuyết pháp vào
ngày thứ Tư hằng tuần tại Ngôi Nhà Phật (Buddha-Haus) ở
Uttenbuehl, và đã xuất bản lần đầu tiên năm 1994. Tôi
rất thích các bài giảng này vì chúng được dựa trên các
kinh điển truyền thống của Đức Phật. Ni Sư Ayya Khema
đọc vài kệ từ trong kinh Pháp Cú hay một số kinh, luận
ngắn khác, rồi giải thích, giảng rộng ra thêm. Ni Sư
rất hoan hỷ giảng giải kinh cho bất cứ ai thích tu thiền
và tìm hiểu về Phật giáo. Với sự hiểu biết, và
kinh nghiệm trong việc chuyên tu thiền định của bản thân,
Ni Sư Ayya Khema thường giảng về thiền một cách đầy nhiệt
tình. Thật vậy, Ni Sư luôn nhấn mạnh đến việc làm
thế nào để áp dụng việc hành thiền trong đời sống hằng
ngày.
Ni Sư Ayya Khema không hề e dè khi trao đổi với các 'đồng
nghiệp' Thiên Chúa giáo của mình, so sánh các kinh nghiệm thiền
định của Ni Sư với unio mystica (tạm dịch, một huyền bí)
của những người như Eckhart (Meister Eckhart), và Ni Sư cũng
hướng dẫn các khóa tu thiền trong các tu viện Thiên Chúa
giáo.
Chính Dhammaloka, là người đầu tiên đề nghị với nhà xuất
bản Windhorse dịch quyển Komm Und Sieh Slebst (Come And See For Yourself),
xuất bản lần đầu năm 1994, sang tiếng Anh. Jayachitta
bắt đầu công việc dịch thuật, và tôi tiếp tục sau đó.
Jinananda sau đó biên tập lại bản dịch và Punyamati tỉ mỉ
xem lại bản thảo lần cuối. Xin chân thành cảm ơn mọi
sự đóng góp của họ. Portia Howe và những người còn
lại trong nhóm ở nhà xuất bản Windhorse Publications, cũng đóng
góp nhiều công sức. Nhiều người khác cũng đã góp
tay bằng nhiều cách khác nhau, nhất là tăng đoàn (Sanghamitta)
ở Ngôi Nhà Phật (Buddha-Haus), Ulrike Harris, Asanga, Vassika, Ratnaprabha,
Shantiprabha, và người cộng sự của tôi, Martina.
Tôi xin hồi hướng công sức dịch quyển sách này đến tất
cả Phật tử ở Tây phương, và mong rằng tất cả mọi độc
giả đều đón nhận được một thoáng hào quang ấm áp chiếu
soi từ Đức Phật.
Michael
Etzold
Oxford
Tháng
12, 2001
Lời
Người Dịch
Dầu tâm nguyện được có duyên lành để dịch tất cả các
sách tiếng Anh của Ni Sư Ayya Khema, nhưng để đạt được
tâm nguyện đó là bao thử thách đối với tôi.
Trước hết là quỹ thời gian của tôi ngày càng cạn kiệt,
nhưng khó khăn nhất vẫn là sự hiểu biết rất giới hạn
về Phật pháp nói chung, và các kinh nghiệm thiền định nói
riêng. Nhưng tôi cố gắng không bỏ cuộc và tôi đã
cầu nguyện đến sự gia hộ của chư Phật, của Ni Sư Ayya
Khema, cũng như sự rộng lượng của quý độc giả. Suy
cho cùng, tôi là người được nhiều nhất trong việc làm
này: được thấm nhuần thêm những giáo lý cao siêu mà gần
gũi biết bao của Đức Phật. Chỉ mong mọi người tha
thứ cho sự mạo muội này.
Lần nầy khi quyết định chuyển ngữ quyển Come and See for
Yourself, từ bản tiếng Anh, tôi đã may mắn được hai đạo
hữu Chơn Minh Nguyễn Văn Phú và Tịnh Nghiêm Nghiêm Xuân Cường,
hoan hỷ giúp dịch từ chương 1 đến chương 5 của quyển
sách, xem như đã giảm được nửa gánh nặng cho tôi.
Nhờ thế quyển sách dịch Come and See for Yourself (Hãy Đến
Để Thấy) đã sớm được hoàn thành để đến tay bạn đọc,
những độc giả rất rộng lượng của chúng tôi, những người
không kể đến các sơ sót của chúng tôi, luôn khuyến khích
chúng tôi tiếp tục công việc dịch thuật, và cũng đầy
lòng ngưỡng mộ đối với Ni Sư Ayya Khema như chính bản thân
chúng tôi.
Xin có đôi lời giới thiệu về hai đạo hữu đồng dịch
giả:
-Chơn Minh Nguyễn Văn Phú, sinh quán tại Nha Trang, Khánh Hòa,
là cựu học sinh trường Võ Tánh, Nha Trang; cựu sinh viên Khóa
8, Cao Đẳng Thủy Lâm, Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp, Saigon;
đã tốt nghiệp tại Duke University, North Carolina, Hoa Kỳ.
Hiện đang làm việc với Michigan State University, ngành Thủy
Lâm.
-Tịnh Nghiêm Nghiêm Xuân Cường, nguyên quán tại Tây Mỗ,
Hà Đông, hiện sinh sống và hành nghề Dược tại tiểu bang
Michigan, Hoa Kỳ với gia đình. Ông cũng là tác giả của
một tập thơ đạo và thiền với tựa đề Trở Về và một
tuyển tập nhạc thiền Như Mây Trôi Đi.
Quyển Hãy Đến Để Thấy (Come and See for Yourself), gồm có
12 chương. Mỗi chương dựa trên một hay nhiều bản kinh
về nhiều đề tài khác nhau. Có những đề tài quen thuộc,
dễ hiểu, nhưng cũng có những đề tài gây cho chúng tôi nhiều
bối rối. Thí dụ chương 11 nói về các tầng thiền
định, thiền tuệ, và chương 12 bàn về tính Không trong Kinh
Bát Nhã. Chúng tôi đã hết sức cố gắng trong khả năng
giới hạn của mình để phần nào chuyển tải những lời
giáo huấn của Ni Sư Ayya Khema dựa trên Kinh điển của Đức
Phật. Tuy nhiên như chính Ni Sư đã nói, trong chương 11:
'. . . Thật rất khó giải thích. Chỉ có người chứng
nghiệm mới thật sự hiểu được." Thật vậy,
với những điều được nói đến trong các chương này, chúng
tôi, nếu có thể, cũng chỉ dịch được lời chứ không được
ý, hiểu được từ chứ không chuyển được nghĩa câu.
Ngoài ra, cũng xin lưu ý độc giả rằng, vì Ni Sư Ayya Khema
tu theo Nguyên Thủy, nên Ni Sư có cái nhìn riêng đối với
một số kinh điển Đại thừa, thí dụ như Bát Nhã Tâm Kinh.
Chắc chắn là quyển sách dịch này không thể tránh được
nhiều sai sót, mong quý tôn sư, các bậc uyên thâm, thiện trí
thức, chỉ dẫn cho, để lần tái bản sau được hoàn thiện
hơn (xin liên lạc về ltl3107@yahoo.com).
Lần nữa xin chân thành cảm niệm công đức của Ni Sư Ayya
Khema đã để lại cho đời những bài thuyết pháp xúc tích
về giáo lý của Đức Phật mà đối với chúng tôi là những
bài Phật học hữu ích.
Với sự đồng ý của hai đạo hữu đồng dịch giả, tôi
xin được hồi hướng công đức dịch thuật này đến hương
linh của Mẹ tôi là cụ bà Lý Thị Lăng, Pháp danh Diệu Thọ,
tạ thế ngày 27 tháng 3, năm 2006. Xin chân thành cảm ơn
tất cả bạn bè, thân quyến đã đóng góp để ấn tống
quyển sách dịch này.
Ngưỡng cầu Hồng ÂnTam Bảo hỗ trợ cho chúng con luôn được
gặp Phật pháp trong nhiều đời, nhiều kiếp về sau.
Diệu
Liên Lý Thu Linh
Tháng
7, 2006
Chương
1
Hiểu
Biết Về Vô Thường Dẫn Đến Hạnh Phúc
Người
luôn luôn chánh niệm,
Sự
sanh diệt các uẩn,
Được
hoan hỷ, hân hoan,
Chỉ
bậc bất tử biết.
Kinh
Pháp Cú - Câu 374 (1)
Dhammapada
stanza 374
Từ Pali Dhammapada có thể được dịch là ‘Những bước trên
con đường giáo pháp’. Tác phẩm nổi tiếng nầy được
chia làm nhiều phần, mỗi phần có nhiều đoạn kệ: là những
câu kệ được Đức Phật nói ra vào những dịp khác nhau,
nhằm giáo huấn về các đề tài khác nhau. Tuy nhiên, những
lời dạy nầy thật xúc tích, cô đọng nên mỗi đoạn kệ
tự nó là một bài tiểu luận.
Để diễn giải đoạn kinh được trích dẫn ở trên, tôi
(Ni Sư Ayya Khema) muốn trước hết phân tích nghĩa của một
số từ trong câu đó. Đức Phật nói về khả năng đạt
được an vui hạnh phúc của chúng ta và đó là điều mà tất
cả chúng ta đều muốn đạt được. Nhân loại tìm cầu
hạnh phúc bằng nhiều cách, qua nhiều thứ khác nhau, thường
là ở các đối tượng bên ngoài. Chúng ta cố gắng,
bằng đủ mọi cách, để đạt được hạnh phúc, và khi có
rồi thì ta muốn giữ chặt lấy nó. Ta nghĩ rằng mình
sẽ luôn được hạnh phúc nếu có thể giữ chặt một cái
gì đó, một người nào đó hoặc một sự kiện gì mà đã
có lần đem lại cho ta hạnh phúc. Thế nên ta thường
cố tìm hạnh phúc trong của cải vật chất, hay làm một việc
gì đó mà ta nghĩ sẽ làm mình thỏa mãn. Nhưng từ thuở
khai thiên lập địa, chưa ai là người có thể giữ được
hạnh phúc luôn bên mình.
Đức Phật dạy là để tìm được hạnh phúc chúng ta phải
tu tập. Ta có thể nói nghề nghiệp đem lại cho ta hạnh
phúc, nhưng dù cố gắng tự nhủ mình đến mấy là ta cảm
thấy mãn nguyện vì đã làm được nhiều việc ích lợi cho
đời, nhưng khi nhìn kỹ lại ta thấy thứ hạnh phúc nầy
không trường cửu và trong thâm tâm ta vẫn bồn chồn, bất
ổn. Khi mang tâm trạng buồn chán như thế, người ta
lại thường nghĩ rằng có gì đó không ổn ở bên ngoài -
họ không nhận ra được rằng điều mà họ đang cảm nhận
đến từ nội tâm của mình.
(1)
Kinh Pháp Cú (Dhammapada), Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch, NXB.
Tôn Giáo – Hà Nội 2000
Cách suy nghĩ thông thường của ta luôn là muốn được một
cái gì đó. Ngay cả khi cái mà chúng ta muốn là một
điều lành mạnh, tốt đẹp, ta cũng thấy là dù có cố gắng
cách mấy, ta không thể lúc nào cũng an vui, do đó ta lại muốn
một cái gì mới hơn, khác hơn. Đức Phật chỉ cho chúng
ta một phương cách khác hẳn. Ngài muốn dạy ta những
cách suy nghĩ mới, chỉ cho ta bước lên một tầng cao hơn,
dựa trên thực tế chứ không phải ở sự mong cầu.
Thí dụ như nếu ta đã thử đủ mọi cách và nhận ra rằng
của cải vật chất không làm ta hạnh phúc, chính kiến thức
đó cũng mang đến cho ta đôi chút hạnh phúc rồi. Trong
đoạn kinh nầy, Đức Phật dạy:
Người thường suy gẫm trong tâm
Sự sanh diệt của các uẩn, . . .
Uẩn là các thành phần của cái ta. Trước nhất
là thân, cái mà ta tự đồng hóa khi ta nghĩ "Đây là ta".
Sau đó là tâm, cái mà Đức Phật chia làm bốn phần: Trước
tiên, thức – mà chúng ta cảm nhận được qua tiếp xúc với
các giác quan của cái nhìn, nghe, ngửi, nếm, hay xúc; thứ
hai là thọ, hoặc vui hoặc buồn, phát sinh dựa vào sự xúc
chạm của các giác quan, kể cả các tình cảm; thứ ba, tưởng
theo sau các cảm giác; thứ tư, hành là phản ứng đối với
tưởng -cũng được gọi là tâm hành.
Chúng ta có thể phân tích tâm sâu hơn, để bao gồm, thí dụ,
ý chí như là một trong những thành phần của tâm. Tuy
nhiên, chúng ta thường chỉ chú tâm vào bốn phần nầy: thức,
thọ, tưởng và hành.
Chúng ta cần chú ý đến năm uẩn, ít nhất là đến sự phân
chia của tâm và thân, bốn phần kia là những phương tiện
qua đó chúng ta có thể giải đáp câu hỏi tâm thực sự là
gì. Ta có thể kiểm nghiệm việc này ngay tức khắc:
giờ phút này những cái bạn đang cảm nhận được gồm có
thấy, xúc chạm và nghe. Bạn có thể không nếm hay ngửi
cái gì ngay lúc nầy, nhưng ba trong năm giác quan của bạn đang
có sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài và qua đó chúng
để lại một cảm thọ mà ta sẽ không nhận biết được
nếu ta không thực tập chánh niệm. Cái cảm giác ban
sơ rất vi tế, nên thay vào đó chúng ta thường vướng vào
các phản ứng, mạnh mẽ hơn nhiều. Giữa hai cảm
nhận này (thọ và hành) là tưởng, và điều này thì cũng
tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Mặc dầu hai người có thể cùng
nhìn một vật, mỗi người có thể cảm nhận khác nhau và
phản ứng tùy theo đó; khi một người nhìn cái gì đó thấy
đẹp, người khác có thể cảm thấy dửng dưng hoặc cho là
nó xấu xí là đằng khác. Đây là lý do tại sao ít khi
chúng ta để ý đến cảm giác hoặc nhận thức của mình.
Khi nghe ai nói điều gì, ta có thể tự nhủ ‘thật vô lý,’
hoặc ‘thật là hay,’ hoặc ‘tôi không cần biết,’ hay
‘tôi đã biết rồi.’ Ta quá bận rộn với những phản
ứng của mình nên khó mà thấy được giữa sự xúc chạm
và phản ứng còn có những cảm giác và nhận thức.
Do đó, trước hết ta phải kiểm nghiệm thật kỹ các cảm
quan của mình cũng như những phản ứng phát sinh từ đó.
Ta có thể dễ dàng nhận ra các phản ứng nầy và quá trình
nhận thức đó sẽ giúp ta làm quen với sự có mặt của các
uẩn.
Thông thường thì chúng ta hành động theo các phản ứng của
mình và tìm cách hoàn thiện chúng bằng cách chuyển hóa các
cảm quan của mình. Ta tìm cách nghe, nếm, ngửi, hoặc
xúc chạm thứ gì khác hơn những cái thường làm, nhưng ta
luôn bị các thói quen đã huân tập đưa vào đường cũ.
Thật ra ta phải thấy ngay rằng đây là một phương cách không
hiệu quả và chẳng lâu bền. Thế nhưng ta vẫn tiếp
tục tìm đủ mọi cơ hội để thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc
chạm những thứ mới lạ khác. Tuy nhiên, ta có thể đi
theo một con đường mới. Trên con đường nầy, thay vì
đồng hóa với các phản ứng của bản thân thì ta có thể
quán sát chúng.
Điều này nói thì dễ nhưng khó làm. Và chắc chắn là
cần có sự thực tập vì chúng ta thường theo cách suy nghĩ
cho các phản ứng là ta và xem đó là đúng. Vì xét cho cùng,
đó là các phản ứng của ta. Nếu ta xem các tư tưởng
của mình, ngay cả những tư tưởng tiêu cực là chính xác,
chỉ vì chúng là của mình, thì lẽ tự nhiên ta sẽ tiếp
tục chờ đợi hạnh phúc đến từ thế giới bên ngoài.
Và vì thế, ta tránh né những gì có thể đem lại cho ta những
phản ứng khó chịu, rồi tiếp tục đi tìm những gì mà ta
cho rằng sẽ đem lại cho mình lạc thú. Lẽ đương nhiên
là, dù có cố gắng đến đâu, ta cũng không thể có được
một cuộc đời chỉ toàn là lạc thọ, nhưng vì quá mải
mê theo đuổi con đường nầy mà ta chẳng nhận ra được
là ta cũng có thể tìm được hạnh phúc bằng một con đường
hoàn toàn khác. Dù không kiếm tìm chúng ta cũng có lúc
có lạc thọ. Một trong những lợi lạc của kiếp sống
con người là sẽ không thiếu những cơ hội để ta được
hưởng những hạnh phúc đó. Hầu hết chúng ta đều
có đồ ăn và thức uống thích hợp, hưởng thời tiết tốt,
được xem hoa nở và có người để trò chuyện. Những
điều này tự chúng không có gì là xấu, song nếu ta bám theo
các cảm thọ nầy và dốc hết sức lực để đuổi theo các
lạc thọ, ta sẽ đi từ thất vọng này đến thất vọng khác.
Ta sẽ chẳng bao giờ tìm được hạnh phúc cho tâm hồn mình
bằng con đường đó. Chính vì lẽ này mà trong đoạn
kệ nói trên, Đức Phật dạy chúng ta hãy quán sát sự sinh
diệt của các uẩn, xem chúng đến và đi như thế nào.
Điều nầy có thể được thực hiện một cách đơn giản
bằng sự chú ý quan sát bản thân. Vì quá để ý đến
người khác, ta quên mất một điều là trước khi hiểu được
người, ta phải biết rõ chính mình. Cái mà chúng ta nhận
ra được ở người khác chỉ là cái mà chúng ta đã tự khám
phá ra ở ngay nơi mình.
Ta có thể quán sát sự sinh diệt của các ý nghĩ, các cảm
thọ; chúng đến và đi như thế nào thật rõ ràng và rành
mạch; điều này không có gì khó. Thế nhưng vì quá đắm
chìm trong các cảm thọ của mình, mà ta không nhận thấy chúng
biến đi nhanh thế nào. Một ý nghĩ thường biến mất
ngay khi nó vừa khởi sinh, trừ trường hợp một ý tuởng
mới lại phát sinh dựa vào nó trong một chuỗi tư tưởng
– ngay chính như thế ý nghĩ ban đầu cũng đã biến mất.
Hiển nhiên là ta có thể ghi chép lại ý tưởng nầy ngay khi
nó phát khởi, song vì dòng tư tưởng thay đổi không ngừng
nên chưa chắc là nó có ích lợi gì cho ta.
Ít người muốn đối diện với sự thật là các ý nghĩ và
cảm nhận của họ đều vô thường. Tuy nhiên, một khi
đã biết được như thế rồi thì ít ai có thể phủ nhận
sức mạnh của sự thật nầy, vì tất cả chúng ta ai cũng
có thể chứng nghiệm được điều đó ngay bản thân. Tính
phù du nầy là một thách đố cho cái nhìn của ta về bản
ngã, khiến nó trở nên bớt cụ thể, nền tảng của nó bớt
vững chắc, và như thế là ta phải đối mặt với một vấn
đề trọng đại, đó là việc ta tự xem mình như một thực
thể vững chắc, bất biến trong cái ta gọi là con người
với những quan điểm, ý kiến cá nhân tạo thành một ‘bản
ngã’. Cái nhìn của ta về bản thân, và ngã tưởng
bị lung lay khi ta nhận ra rằng các quan điểm, ý tưởng và
cảm nhận của mình, kỳ thật luôn đến và đi trong từng
giây phút.
Càng ít chấp ngã thì ta càng dễ có hạnh phúc. Ta không
nhất thiết phải đồng ý ngay với câu nầy, song cũng không
có một lý do gì để phủ nhận nó ngay, bởi ta có thể tự
kiểm nghiệm nó. Càng muốn chứng tỏ cho mọi người
biết ta là một ‘ai đó’ với một số quan điểm, một
hệ thống niềm tin riêng của mình và một cương vị đặc
biệt thì ta lại càng phải bám chặt vào những thứ khiến
chúng ta trở thành con người đó, cố gắng biến tất cả
trở thành vững bền. Tuy nhiên, vì mọi sự luôn luôn
sinh diệt đổi thay, nên chúng ta phải đối mặt với một
nhiệm vụ gần như không thể thực hiện. Đây là
lý do tại sao con người không có hạnh phúc.
Tất cả chúng ta đều ở trong tình trạng khó xử này.
Một khi ta còn cố gắng để khẳng định mình, và bám víu
vào người hay vật mà ta gắn bó, thì ta không thể có tự
do và hạnh phúc. Bởi lẽ đó - cho dù ta đang bận rộn
hoặc hoàn toàn rảnh rỗi - ta luôn cảm thấy bức xúc,
cái mà ngày nay chúng ta gọi là căng thẳng thần kinh (stress).
Kỳ thực thì nỗi bức xúc mà ta tự tạo cho mình, lúc nào
cũng đã có mặt, vì nó hỗ trợ cho cái cảm nhận về ngã,
và nhu cầu muốn tự khẳng định là lý do khiến nó phát
sinh trước hết. Ta muốn tự nhủ rằng ta là những con
người có thực thể và bền vững với những cá tính riêng
biệt, nên ta thường nói những câu như "Xin lỗi tôi đến
trễ, nhưng tính tôi quen vậy rồi" hoặc "Những phim buồn
làm tôi phải khóc – tôi là vậy đó".
Những câu nói như vậy không có nghĩa gì cả vì không có
một vật thể hay cá tính nào mà không thể thay đổi được.
Từng ý nghĩ, từng cảm giác đến rồi đi. Ta chỉ cần
nghĩ lại xem các ý nghĩ hay cảm giác mình đã có trong ngày
hôm nay có còn ở với ta hay không. Khi nhìn lại, ta thấy
là những ý nghĩ ta vừa có cách đây vài phút đã biến mất
hẳn rồi. Thật ra không có gì - kể cả cuộc đời ta-
mà ta có thể cầm chắc trong tay. Mặc dù ta già đi trong
từng phút giây, nhưng vẫn có nhiều người không thể chấp
nhận được điều nầy. Tệ hơn nữa, họ còn không
biết là họ không thể chấp nhận được sự thực đó.
Ta giữ mãi những ký ức về chính mình đến nỗi ta không
thể để ý thấy là mình đang già đi, và tất cả những
ký ức ta có về mình tạo thành một cái ta ảo tưởng. Bằng
cách này chúng ta đã tạo dựng cho mình một ý niệm càng
vững chắc hơn về bản ngã.
Những bằng chứng phủ nhận cách suy nghĩ của ta về thực
tại cuộc sống có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi.
Giả thử như trời đang mưa: mỗi giọt nước rơi xuống và
thấm vào lòng đất rồi biến mất hẳn. Ta cũng thế.
Ta cũng như những giọt mưa, nhưng ta muốn quên đi định luật
về sinh và diệt nầy.
Ta không bắt buộc phải tin những điều Đức Phật thuyết,
song ít nhất ta cũng không quay lưng với Ngài và đồng ý kiểm
nghiệm sự thật của định luật này. Luôn ghi nhớ đến
nó trong tâm để có thể thấu triệt nó và đạt được an
lạc, hạnh phúc là một nỗ lực lớn. Chúng ta có thể
đạt được niềm an lạc trong thiền định, nhưng cái hạnh
phúc nội tại mà mỗi chúng ta luôn cố gắng kiếm tìm phải
đến từ trí tuệ. Trí tuệ có thể phát khởi qua cuộc
sống thiền và tỉnh thức, nhưng ngay cả thiền định cũng
vô thường: ngay khi ta vừa rời khỏi chiếu thiền thì
trạng thái thiền định dễ chịu cũng đã biến mất.
Trước khi giác ngộ, Đức Phật đã là một thiền giả tinh
tấn. Ngài rất tinh thông tám tầng thiền định và qua
đó chứng nghiệm được cảm giác khinh an, hạnh phúc, thanh
tịnh vô biên. Tuy nhiên, sau khi đạt được những cảm
giác an lạc đó Ngài lại cảm thấy bất như ý vì muốn giữ
lại những lạc thọ đó. Vì thế, Ngài muốn giữ vững tâm
trí của mình như thế nào để cho hoàn cảnh bên ngoài không
thể quấy nhiễu mình nữa. Nói tóm lại, con đường
tâm linh phải là con đường làm phát triển hạnh phúc nội
tâm của ta cho đến khi nó trở thành hoàn toàn độc lập
và không còn bị chi phối bởi những hoàn cảnh bên ngoài.
Con đường còn dài trước mắt. Tuy nhiên cuộc hành trình
dài nhất cũng phải bắt đầu bằng một bước chân.
Còn nhiều bước chân phải đi, nhưng tiên quyết là bước
đầu tiên, mà ở đây là tâm thực tập quán tưởng về vô
thường. Ta không chỉ quan tâm về tính vô thường của
những của cải vật chất. (Ở những xã hội dư thừa,
ít ai bận tâm đến điều này; khi vật dụng bị hư gãy,
họ mua ngay cái khác). Chúng ta cũng phải quán về sự
vô thường của bản thân. Ta có thể thực tập điều
nầy bằng cách quán về các uẩn -sắc, thọ, tưởng, hành,
thức- và nhận diện sự sinh diệt của chúng. Ta phải
nhận rõ sự lệ thuộc của mình vào các cảm nhận bên ngoài
- như nếu nghe thấy điều gì trái tai có thể làm ta bực
dọc cả ngày, hoặc nếu không được như ý thì ta sẽ cảm
thấy thất vọng, bực tức. Chẳng có ai lại không
muốn tránh các cảm giác khó chịu ấy, song nếu chỉ nghe
những điều ta muốn nghe, thấy những gì ta muốn thấy, được
những gì ta muốn được, thì mới có hạnh phúc thì thật
là kỳ quặc, một việc làm hoàn toàn vô vọng. Phương
cách hợp lý duy nhất để nhận diện và đối phó với vấn
đề nầy là quán tưởng về sự vô thường của vạn vật.
Tất cả chúng ta đều có thể nhớ về thời thơ ấu của
mình cùng với một số sự kiện trong giai đoạn đó.
Dường như nó chỉ mới đây. Thế nhưng đã bao nhiêu
nước chảy qua cầu. Và vì sao bây giờ ta phản ứng
thật khác với hồi ấy? Ta muốn nghĩ rằng mình vẫn
như xưa, nhưng không có gì trong ta còn nguyên vẹn. Tất
cả các ý nghĩ, các cảm giác của ta đều đã thay đổi về
bản chất, cùng với những thay đổi rõ ràng về diện mạo.
Cho dù một số dấu vết của thời xa xưa vẫn còn trong ta,
nhưng những gì tạo ra ta của thời đó đã hoàn toàn khác
xa với cái tạo ra ta của ngày hôm nay.
Sự chuyển hóa này thực sự xảy ra từ ngày này qua ngày
khác - nói chính xác hơn thì nó xảy ra trong từng giây phút.
Ta không thể bám víu vào bất cứ cảm nhận nào của ta, và
nếu
ta cố gắng giữ lại một người hay sự việc nào đó chắc
chắn ta sẽ bị thất vọng bởi đây là một việc không thể
nào làm được. Sự thật đơn giản và chắc chắn là
ta không thể níu giữ được đời mình, cũng như ý nghĩ và
cảm nhận của mình; các xúc chạm giác quan của ta cũng thay
đổi từng giây phút một. Ta có thể thành công đôi
chút trong việc giữ lại bản thảo của ý nghĩ hay cảm nhận
của mình qua sách vở hay băng ghi âm - song đó không phải
là những ý nghĩ ban đầu của ta. Bạn có thể quán sát
đời mình ngay bây giờ và thấy nó đang trôi qua như thế
nào. Nếu biết cách nhìn, bạn sẽ dễ dàng làm được
việc nầy. Khi quán sát đời mình trải ra trước mắt,
bạn sẽ thấy nó không ngừng thay đổi.
Bản chất con người không thích nhìn thấy sự thay đổi và
hoại diệt này, vì thế ta tạo ra thói quen: ta chủ tâm làm
cùng một việc vào những giờ nhất định trong ngày. Càng
có nhiều thói quen, chúng ta càng ảo tưởng về một sự cố
định, một cái gì bền chắc, và kèm theo đó là sự đảm
bảo an toàn trong việc thường xuyên lập lại chúng. Tuy nhiên,
đây là một ước đoán hết sức bấp bênh, vì thói quen chỉ
là thói quen, không thể nào thay thế cho một ‘cái tôi’
bền chắc độc lập. Ta tìm kiếm không ngừng các cảm giác
vững chắc để phù hợp với cái khung mà chúng ta đã dựng
lên qua các thói quen của mình. Tuy nhiên, bất cứ thứ
gì mà chúng ta tìm được trong cái khung hạn hẹp đó, cũng
không thể giúp ta tìm được thứ hạnh phúc mà ta hằng mong
mỏi, là hạnh phúc nội tại không phụ thuộc vào hoàn cảnh
bên ngoài.
Các yếu tố bên ngoài thường không ở trong tầm kiểm soát
của ta. Thường thì chúng thình lình ập đến trước
khi ta có thể trở tay. Tuy nhiên, chúng ta không thích chấp
nhận sự thật đắng cay nầy. Chúng ta muốn làm chủ
cuộc đời mình, cũng như hưởng một hạnh phúc nội tâm,
độc lập với các hoàn cảnh bên ngoài, nhưng điều này thật
vô vọng. Ta ở trong cùng một hoàn cảnh như anh chàng
"Hans in Luck" trong câu chuyện cổ tích cùng tên của anh em nhà
Grimm. Anh chàng này, sau nhiều năm phục vụ đắc lực
được chủ thưởng cho một thỏi vàng và trên đường về
thăm mẹ, anh ghé vào một nơi để đổi vàng lấy những thứ
thực dụng hơn, rồi về đến nhà mang theo trong túi một thỏi
khác: một hòn đá vô giá trị. Sau cùng, anh liệng hòn
đá ấy đi và cảm thấy như thoát một gánh nặng lớn.
Đó cũng là những điều xảy ra cho chúng ta trên cuộc hành
trình tâm linh. Trong khi đi tìm kiếm một thứ không có
trên đời nầy, giải pháp duy nhất là phải vứt bỏ đi những
thứ ta vẫn luôn mang theo bên mình. Hòn đá mà chúng ta
hằng mang, gánh nặng trên vai bấy lâu nay là ngã chấp, sự
đồng hóa của ta với những gì mà ta coi là bền vững, bất
biến, là cái mà ta gọi là ‘ngã’ hay ‘cái tôi’, đã
hiển nhiên là sự ăn sâu, bám rễ của hành động và tư
tưởng của ta vào một cái gì bền vững, mạch lạc.
Nhưng các thành quả của ta sẽ kéo dài được bao lâu?
Chúng chỉ hiện hữu trong quá khứ xa vời. Bây giờ ta
chỉ sống với kết quả của các hành động ấy. Mọi việc
chỉ đến rồi đi - không có gì trong sự hiện hữu của ta
là lâu bền.
Thế giới, và ngay cả vũ trụ nầy, cũng chẳng bao giờ làm
thỏa mãn được ước vọng sâu xa nhất của ta. Sự
thỏa mãn không bao giờ đến từ bất cứ thứ gì ở bên
ngoài –nó từ nội tâm ta. Đây là sự khác biệt chính
yếu giữa đời sống tâm linh và cuộc sống đời thường:
sự tự tại ở ngay trong ta. Khi ta ngưng tìm kiếm hạnh
phúc ở thế giới bên ngoài để quay về nhìn sâu trong thiền
định, ta sẽ khám phá ra là mình vốn sẵn có tất cả những
điều kiện hạnh phúc mà xưa nay mình bôn ba kiếm tìm.
Ta chỉ cần học cách chú tâm - một điều không khó như ta
tưởng - và ta có đủ phương tiện để liên hệ với đời
sống nội tâm bất cứ lúc nào. Vấn đề chỉ là ngồi
xuống và thực tập hằng ngày. Giống như mỗi ngày ta
nuôi dưỡng thân thế nào, thì ta cũng cần chăm sóc cho sức
khỏe tinh thần của ta thế ấy. Không ai thắc mắc vì
sao ta cần nuôi thân, tuy thế ta phải nhấn mạnh là mình cũng
cần nuôi dưỡng tâm y hệt như thế. Khi ngồi thiền,
tâm ngưng chú ý đến những gì xảy ra chung quanh. Nhờ
đó, nó trở nên lắng đọng, kết quả là, các khía cạnh
của những kinh nghiệm đã có sẵn trong ta ở một trạng thái
thô sơ nay có cơ hội hiển bày. Thoạt tiên, ta có thể
thấy thoải mái, yếu tố báo hiệu tầng thiền đầu tiên.
Cảm giác dễ chịu nầy ai cũng có thể đạt được, song
nó thường bị tư tưởng của ta che khuất, vì vậy ta cần
phải ngưng dòng tư tưởng bằng cách tập trung tâm trí trong
thiền quán. Nếu tiếp tục hành thiền như thế, sẽ
có lúc ta nhận ra là tâm có thể ngừng suy nghĩ lăng xăng.
Khi ta đã có thể bước vào đời sống tâm linh bằng cách
nầy, khi đã chứng nghiệm được tầng thiền thứ nhất,
ta biết chắc chắn là thế giới nội tâm không thể nào thấy
được ở ngoài ta mà chỉ có thể thấy qua thiền tập.
Ta thấy rõ là có một con đường có thể đưa ta đến điều
mà xưa nay ta vẫn đi tìm, điều mà thế giới bên ngoài không
thể cho ta. Từ nay hạnh phúc của ta sẽ tùy thuộc vào
các phản ứng của ta đối với mọi việc, bởi chúng luôn
đến và đi, nhưng nằm ngay trong cái đến và đi ấy.
Nói một cách tổng quát, con người chúng ta luôn chìm đắm
trong các phản ứng của mình đối với sự việc, và ta đôn
đáo tìm khắp nơi cho một hoàn cảnh lý tưởng trong đó các
phản ứng nầy sẽ được hoàn hảo theo ý mình. Song
một khi đã kinh nghiệm được sự an lạc trong thiền, ta sẽ
không mải mê tìm lạc thú cuộc đời nữa bởi ta biết -không
mảy may nghi ngờ gì nữa - là chỉ cần hướng về nội tâm
là ta sẽ tìm được những thứ mà ta vẫn thường tưởng
chỉ có ở bên ngoài. Lúc đó ta sẽ sẵn sàng chú tâm
hơn đến sự sinh diệt của các sự kiện, thay vì chỉ chú
tâm đến các phản ứng của ta về chúng.
Khi bắt đầu thực tập, ta thường đánh mất chánh niệm
về vô thường; mọi thứ khác dường như quan trọng hơn nhiều
và sự vật không thay đổi gì nhiều. Phải cần nhiều
cố gắng mới có thể hiểu đúng tính vô thường của vạn
vật. Tâm cần được khuyến khích để chấp nhận nguyên
lý nầy không chỉ về mặt tri thức -trên phương diện nầy
chắc ta đủ sức hiểu rõ nó - mà còn về mặt tình cảm.
Lúc ấy đột nhiên ta thấy mình nhìn sự vật như sự vật
đang biến mất dần.
Khi ta thực sự cảm thấy là mọi vật luôn không ngừng thay
đổi, ta sẽ không còn chống lại sự thật đó nữa.
Khi thấy được mọi vật như chúng là, tức là vạn vật
luôn thay đổi, ta không còn mơ ước chúng có thể khác bản
chất của chúng. Ta cũng sẽ mất cái cảm giác bực tức
khi gặp phải những điều bất như ý hay không muốn trải
qua, và cảm giác hối hận hay luyến ái đối với những gì
ta muốn kinh qua. Lúc đó, khi những xung đột nội tâm
dừng lại, ta sẽ ngưng không đi tìm hạnh phúc ở bên ngoài,
và nhận thức rõ ràng là ta đã là chủ của kho báu mà ta
kiếm tìm.
Có rất nhiều những câu chuyện cổ tích từ nhiều truyền
thống văn hóa khác nhau về một người đi tìm vàng, đôn
đáo khắp nơi để tìm đúng chỗ đào vàng. Sau cùng
người ấy được một nhà hiền triết dạy rằng -thể theo
cổ tích Do Thái – ‘Con hãy về nhà, kho tàng ở ngay dưới
bàn trong bếp nhà con.’ Người ấy về nhà và sửa soạn
đào dưới bàn ăn trong bếp song chợt hiểu ra rằng: ‘Báu
vật ấy ở ngay trong tâm ta, có đâu ở dưới cái bàn nầy!
Ta chỉ cần ngồi ung dung để chân dưới bàn là kiếm được
nó ngay’. Ta ruổi rong tìm kiếm khắp nơi, có ngờ đâu
bảo vật ở ngay nơi mình.
|