Thiền Nguyên Thủy - Vipassana - Thiền Minh Sát, Phạm Doãn

 


 
.
VIPASSANA - THIỀN MINH SÁT 
Phạm Doãn
Khi tập ngồi thiền, điều khó khăn trước tiên, là phải làm ngưng cái đầu ồn ào của mình. Nhiều người, dù cố gắng, cũng không thể nào làm yên được những ý nghĩ tạp nham trong đầu mình. Lúc mới đầu tập thiền tôi cũng gặp cái khó khăn như thế. Hình như có quá nhiều sự việc, ý nghĩ, xuất hiện trong đầu ta: chuyện quá khứ, chuyện tương lai, chuyện mới vừa xảy ra, chuyện chưa xảy ra, những hình ảnh, âm thanh, cảm xúc buồn vui, ham hố, sợ hãi…lung tung. Tất cả như xuất hiện liên tục hoặc đồng thời. Kinh khủng! và quả thực không chịu nổi. Ngồi thiền… thất bại! Một đêm quá tuyệt vọng với cái đầu “nhiều chuyện” của mình, tôi giận dữ trừng mắt nhìn chăm chăm vào nó, và nhận ra rằng khi ta chăm chú nhìn vào cái mớ tư tưởng điên đảo lộn xộn đó, dường như nó trở nên bớt kích động hơn, và dần dần dường như nó yên tĩnh lại! Trong tình huống này phải nói là “tức cười”: tôi quan sát sự chuyển động loạn xạ của tâm tôi. Tâm tôi nhìn ngắm tâm tôi. Tôi trở thành chứng nhân (witness) của chính bản tâm tôi. Mới đầu làm chứng nhân hơi khó, nhưng với cố gắng, mọi người đều có thể làm được thôi. Chính nhờ phương pháp này mà nhiều người đã “an” tâm và ngồi thiền được.

Rồi cũng kể từ đó, mỗi lần khi ngồi xuống để thiền, là tự động tôi làm chứng nhân để quan sát tâm mình. Hành động này lâu ngày như ăn sâu vào vô thức. Ngoài việc quan sát tâm mình, để tâm trở nên yên ổn, tôi còn quan sát toàn bộ cơ thể vật lý của mình, từng bắp thịt , từng khớp xương. Vì làm vậy tôi cảm thấy rất “relaxing” và có khi còn giảm được mọi cảm giác đau nhức nữa. Về sau mới biết phương pháp này chính là VIPASSANA (Thiền minh-sát), và Vipassana là phép quán của Phật giáo nguyên thủy.

Nguồn gốc Vipassana

Không thỏa mãn với các loại thiền định của các thày dạy của mình (Alara,Uddaka, năm anh em Kiều Trần Như), ngay cả khi đạt được định chứng cao nhất của bốn vô sắc định là Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Đức Phật đã chọn một phương pháp thực hành khác, để tiếp tục tu hành và chứng đắc, đó là: Vipassana (thiền minh sát).

Vipassana là tên gọi bằng tiếng Pali, thứ ngôn ngữ mà Đức Phật dùng để thuyết pháp. Vipassana trong tiếng Sanskrit gọi là Vipashyana. Cũng nên ghi nhận, Đức Phật dùng tiếng Pali, là thứ tiếng dân giã, để thuyết giảng giáo lý của mình. Vipassana nghĩa đen là nhìn (to look), nghĩa bóng là chứng nhân (to witness).

Nguyên lý của Vipassana là trở thành “chứng nhân” của chính cơ thể, tư tưởng và cảm xúc của mình, đơn giản thế thôi! Đây là một pháp thiền quán.

Thiền của Phật giáo nguyên thủy chia làm hai pháp chính:

- Chỉ (Samatha): Dừng yên tâm, còn gọi là định hoặc định chỉ. Pháp “chỉ” đưa đến sự nhập định (Samadhi). Định của Phật giáo nguyên thủy gọi là jhana. Tiếng Việt gọi là tứ thiền hay bốn định hữu sắc (jhana). Những pháp “định chỉ” không dẫn đến trí huệ, mà chỉ làm trí lực, định lực mạnh mẽ lên. Người ta hay ví sự thực hành “định chỉ” giống như là mài bén lưỡi gươm của đức Văn thù.

- Quán (Vipassana): Theo dõi, quan sát các đối tượng thuộc thân và tâm. Quán dẫn đến Huệ. Huệ mới dẫn đến cứu cánh giải thoát.

Thiền quán Vipassana được thực hành trong Phật giáo nguyên thủy (Theravada). Các tu sĩ của Phật giáo nguyên thủy có khi chỉ thực hành pháp quán vipassana. Có khi vừa thực hành Vipassana, vừa thực hành pháp định chỉ (samatha). Rất nhiều phương pháp thiền khác, trong hoặc ngoài đạo Phật, mà cốt tủy vẫn là Vipassana. Đó là phương pháp chứng nhân (witnessing).

Thực hành Vipassana 

Gồm có ba bước

Bước một:

Trước hết quan sát chính cơ thể của mình. Đây là một pháp nội quán, nghĩa là phải quay ý thức vào trong để cảm nhận toàn bộ thân thể của chính mình. Như vậy, ta quan sát từng hơi thở vật lý của ta, ta quan sát từng động thái của ta, ta quan sát từng tư thế của ta. Ta đứng làm chứng nhân để quán sát và nhận biết toàn thể con người vật lý của ta.

Các pháp quán hơi thở (anapranasati) đều có nguồn gốc là Vipassana giai đoạn một. Hơi thở được nhận biết một cách tự nhiên, không phải thay đổi như trong yoga. Sau khi đi qua các nước châu Á khác như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật bản, Đại Hàn… thì phép quán hơi thở (sổ tức) lại bị sửa đổi hình thức như phải quán ở mũi hay ở rốn, thở nhịp này, thở nhịp kia, hay ngưng thở v.v…

Pháp Thiền hành mà Thày Nhất Hạnh phổ biến hiện nay chính là Vipassana bước một. Ngày xưa, Đức Phật cũng từng có thói quen đi rất chậm, nghe ngóng từng bước chân của mình chạm trên mặt đường sỏi đá. Nói chung, ta có thể quán sát bất cứ bộ phận nào của cơ thể hoặc bất cứ chuyển động nào của thân như một đối tượng để thiền quán.

Quán hơi thở hay theo dõi bước chân là giai đoạn đầu tiên, giai đoạn chuẩn bị của Vipassana chứ không phải là toàn bộ phương pháp. Có lẽ vì không hiểu tường tận, nên có nhiều người thắc mắc rằng làm sao quán hơi thở mà đạt được chân lý !

Bước hai:

Khó hơn một chút, bằng cách quán đến một đối tượng phức tạp và ồn ào hơn nhiều; đó là những ý nghĩ, những tư tưởng, đang ào ạt vụt qua óc ta. Ý nghĩ hay Tư tưởng, mặc dù vô hình, thật ra vẫn có bản chất vật lý, chúng là sóng điện não tức sóng vật lý. Quán sát tư tưởng chính là quán sát cái biểu hiện của sóng vật lý, thế thôi!. Trước cái đầu óc náo động điên loạn, ta chỉ đứng đó làm chứng nhân, lặng lẽ quan sát, tuyệt đối không có một ý kiến nào cả. Chỉ một niệm ý kiến hay phê bình khởi dậy là ta bị lôi ngay vào dòng tư duy náo loạn đó. Phải tách ra, đứng làm chứng nhân, im lặng nhìn dòng chảy của ý nghĩ tuôn qua. Việc tách đôi giữa “ta” và “mình” lúc đầu có thể hơi khó, nhưng chỉ một thời gian ngắn là ta có thể thực hiện được. Sau một thời gian tập luyện, dòng chảy tâm thức ồn ào kia sẽ dịu lắng và dừng lại.

Bước ba:

Người thực hành Vipassana phải tập quan sát những đối tượng vi-tế hơn nữa. Đó là các cảm xúc của chính mình như buồn, vui, giận dữ, ham hố, sợ hãi…. Ta, nhân chứng, phải luôn sẵn sàng mỗi khi cảm xúc trổi lên, phải nhận ra rõ ràng từng cảm xúc đó. Đối trị với biển cảm xúc, ta vẫn phải luôn giữ chặt chẽ nguyên tắc: chỉ im lặng quan sát mà không phê phán. Với thời gian, ta sẽ kiểm soát được tất cả các cảm xúc của mình, ngay cả khi nó mới chỉ là ý đồ muốn bùng dậy.

Sau khi thực hành vững vàng ba bước của thiền quán Vipassana, ta cũng sẽ có một định lực mạnh mẽ giống như tập samatha, làm chủ được mọi ý nghĩ và cảm xúc. Tâm sẽ đạt trạng thái yên ổn thanh tịnh. Trí huệ sẽ bí mật phát triển. Bước thứ tư là một món quà tặng bất ngờ vào một ngày nào đó không định trước: Sự giác ngộ.

Nguyên lý Vipassana 

Trong kinh điển, Vipassana là pháp quán (contemplation) cơ thể vật lý và các hiện tượng tự nhiên đang xảy ra trong cơ thể. Cơ thể vật lý và các hiện tượng tự nhiên đang xảy ra trong cơ thể là biểu hiện của ngũ uẩn (five aggregates): sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Quán “ngủ uẩn” tức là đã quán toàn bộ tất cả sự hiện hữu của ta: Cái đang là (being). Vipassana không chọn đối tượng quán là các vật, các sự vật, các khái niệm ngoài thân, ngoài sự hiện hữu chân thật của ta. Ví dụ nếu chọn đối tượng quán là hình ảnh một vị Phật, thì ta sẽ mắc sai lầm ở chỗ: bất cứ hình ảnh của một vị Phật nào đó, luôn luôn là do khái niệm từ tâm ta dựng nên, mà bản chất của tâm chưa giác ngộ luôn luôn là một ảo tưởng. Nếu ta chọn sự quán tưởng về bất cứ điều tốt đẹp nào, ví dụ quán về lòng từ bi hoặc lòng bác ái, thì lòng từ bi hay bác ái đó cũng chỉ là: Cái đã được đặt tên (named or labelled), cái mà ta không thể nào biết nội dung chân thật của nó. Khoa học khảo sát các vật, sự vật, hiện tượng ở ngoài ta, cho nên cái biết của nhà khoa học là cái biết bên ngoài. Nói cách khác khoa học chỉ biết cái thể hiện bên ngoài của một nội dung bí mật bên trong. Vipassana khảo sát chính nội dung chân thật của bản thể ta bằng chính ý thức tự thức của ta. Như vậy, Vipassana nhận thức được hiện hữu chân thực của ta một cách trực tiếp, mà không phải thông qua một khái niệm hay tên gọi nào.

Vipassana chọn đối tượng quán là ngủ uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Ngũ uẩn là toàn bộ sự hiện hữu của ta. Bình thường ta chỉ nhận biết được cái "thân bên ngoài" của ta. Rất khó để ta nhận ra cái "thân bên trong". Đó là toàn bộ sự vận động phức tạp và vi tế, của ý thức và mọi cảm xúc, bên trong của ta. Vipassana là pháp quay vào trong, quan sát tất cả mọi thực tại mọi diễn biến bên trong tức quan sát cái "thân bên trong" cùa ta. Vì thế Vipassana còn được gọi là pháp quán "thân trong thân".

Pháp quán Vipassana, không hẳn là một cực đối lập với pháp định Samatha. Định là cột chặt ý thức vào một đối tượng. Quán là cột chặt ý thức vào một chuỗi hiện tượng hoặc sự kiện đang xảy ra. Như thế trong quán vẫn có định. Cả hai Samatha và Vipassana đều dẫn đến Jhana. Người ta dùng nội dung của Jhana để phân định các giai đoạn tiến triển của Vipassana. Vipassana-jhana được mô tả như định chứng của Vipassana. Ngài Ajhan Chah có phân tích rất rõ về trải nghiệm Vipassana. Ngài cũng giải thích bằng thực chứng về tính nhất quán giữa jhana và Vipassana.

Kết luận

Vipassana là phương pháp chân truyền của đạo Phật, được Phật giáo nguyên thủy Theravada lưu giữ. Tuy nhiên, Vipassana không phải là một pháp bí truyền hay độc quyền của bất cứ giáo phái nào. Nguyên lý của Vipassana có thể nhìn thấy trong tất cả các phương pháp thiền định khác. Đứng trên nguyên lý của Vipassana, bạn có thể nhìn lại tất cả các phương pháp thiền định của mọi tông phái khác với một nhãn quan sáng tỏ và rõ ràng hơn. 

- Ví dụ bạn đang tập quán niệm hơi thở (anapranapati) thì đây là Vipassana bước một. Bạn đang quán cái chuyển động cụ thể nhất của cơ thể đó là hơi thở.

- Ví dụ khi đi Thiền hành với từng bước chân chăm chú đầy tỉnh thức, bạn sẽ biết rằng đó là bước đầu tiên của Vipassana.

- Ví dụ như được dạy rằng “Thấy vọng liền buông”. Bạn sẽ biết buông bằng cách nào hiệu quả nhất? Không thể bằng ý chí buông bỏ, mà buông bằng Vipassana hiệu quả nhanh hơn. 

- Ngay cả nếu như bạn đang thực hành Mười bức tranh trâu của Thiền tông (tức mười giai đoạn tiến triển của tâm trong quá trình tu tập). Thực hành Vipassana, bạn có thể ung dung chăn trâu qua cả mười giai đoạn này. 

Ở Việt nam, Thiền tông và các tông phái khác, được phổ biến nhiều hơn Thiền nguyên thủy. Nhưng hiểu biết về Vipassana và nguyên lý của nó, dù sao cũng sẽ mang lại một thông tin cần thiết và hữu ích với tất cả mọi người. Sau cùng cũng mong cầu được các bậc Thiện tri thức bỏ chút thời gian chỉnh sửa lại các kiến giải chưa đúng.

Chú thích:

Hình post ở đầu trang là tranh truyền thần của Sakya Muni năm 41 tuổi, do học trò của ngài là tôn giả Phú Lâu Na (Punna Mantàniputta) vẽ, hiện đang lưu trữ tại Viện Bảo tàng Hoàng Gia Anh quốc. Ảnh này tôi lấy từ cuốn sách "Giải thoát trong lòng bàn tay", do sư cô Trí Hải dịch. Không biết nguồn gốc tranh có chính xác hay không nhưng tôi cảm thấy hình ảnh Đức Phật thực hơn so với những hình ảnh truyền thống. Hình đã được chuyển sang gam màu nâu đỏ cho phù hợp với font chữ.

Phật giáo nguyên thủy (Theravada): hình thành và phát triển ở Tích Lan (Sri Lanca), ngay sau thời Phật diệt độ, bởi các vị trưởng lão của đạo Phật lúc đó. Hiện tại Theravada vẫn đang thịnh hành tại Sri Lanca, Miến Điện, Thái Lan, Laos, Cambodia và một số nước khác. Phật giáo nguyên thủy chia tiến trình Thiền từ thấp lên cao bằng bốn mức: Sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Bốn thiền (jhanas) này đưa đến bốn định gọi là Sắc định (rupa jhana)

Phật giáo tiểu thừa (Hinayana): hình thành sau Theravada, tồn tại một thời gian ở Ấn độ, hiện nay đã suy tàn và theo một học giả Tiểu thừa không còn tồn tại nữa. Hội Phật giáo thế giới cũng không dùng đến tên gọi tiểu thừa từ 1950.

Phật giáo đại thừa phát triển ngoài Ấn độ, tại các nước như Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn..Chính cách dùng chữ “Đại-thừa”, bánh xe lớn, mà người ta luôn luôn có ấn tượng đây là Đại tông môn ưu việt hơn những tông phái khác. Bây giờ là thời đại Internet, không có thông tin nào không thể không biết, bạn chỉ cần vài cú click là có thể biết được những điều từ lâu chưa từng biết!
Jhana là âm latin hóa từ tiếng Pali có nghĩa là Thiền. Jhana là định của cõi sắc
Dhyana là âm Latin hóa từ tiếng Sanskrit cũng dịch là Thiền. Nhưng bản chất của Dyhana thì khác hẳn Jhana. Dhyana (Thiền của Đại thừa) đưa đến bốn định gọi là Vô sắc định, mà có người gọi là Tưởng định. Bốn định Vô Sắc là: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Sakya Muni lúc đi tìm đạo, đã từng đạt được định vô sắc cao nhất là Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhưng ngài đã bỏ đi vì thấy nó vô ích. 

Thiền của Thiền tông hoàn toàn khác với Thiền của Phật giáo nguyên thủy và đại thừa, được dịch từ chữ Zen (Nhật bản), chan (Trung quốc), hay son hoặc seon (Hàn quốc). Thiền tông là một tông phái rất đặc thù chủ trương kiến tánh thành Phật, phủ nhận mọi phương-pháp và phủ nhận mọi quả-vị. Thiền tông lại chia ra nhiều tông phái nhỏ hơn. Những tông phái này hoặc tham công án, hoặc khán thoại đầu, hoặc có ngồi thiền, hoặc có khi chẳng cần ngồi thiền. 
Chú ý: Cũng một chữ Thiền trong tiếng Việt, mà ta có rất nhiều cách hiểu, với nội dung hoàn toàn khác nhau.

Phạm Doãn

Một số links tham khảo:
Lịch sử phật giáo (wikipedia tiếng Việt)
Theravada (Wikipedia in English)
Vipassana (Wikipedia tiếng Việt)
Ajahn Chah_Hương vị giải thoát
Nguyên thủy chơn như
Osho_The Rebel, chapter 17
 

Các Bài Viết Liên Quan:
Nghệ Thuật Sống: Thiền Vipassana, S.N. Goenka 
Những Bài Giảng Tóm Tắt của Khóa Thiền Minh Sát Mười Ngày
Những Nguyên Tắc Căn Bản của Thiền Quán, HT. Sayādaw U Janaka
Thực tập Thiền Minh Sát, Hòa thượng Mahasi Sayadaw
Giới Thiệu Về Thiền Vipassana (67KB)
Nghệ Thuật Sống Thiền Vipassana, SN. Goenka (66KB)
Nghệ Thuật Sống: Thiền Vipassana, S.N. Goenka 
 
 

03-12-2008 04:23:14

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

ò văn Tạp bút Tham thực sà c ß 清华间谍 nguồn gốc của khổ đau 课程表鼓励孩子的话 佛观音 新学期新展望内容怎么写 hÓng 即刻往生西方 Tây 成绩不好检讨 أبا درج น ท tái sinh ý nghĩa của sự giác ngộ lặng 净地不是问了问了一看 trạng 印顺法师关于大般涅槃经 4 lời khuyên cho người lười tập thể สโตร ส รา คนธรรพ มาเก ด 簡単便利戒名授与水戸 háºu قصص نسونجي Thoát Nhớ ơi khoai lang ngày cũ á Ÿ phần ii tình thiên thu 履职总结 願力的故事 tịnh xá ngọc trung tịnh nghiệp đạo 一念心性是 S a b Địa tạng i ปฏ จจสม ç¼½ç åœ å æ³ Người Sài Gòn nô nức đi ăn chay Ï æåŒ 村上市お墓 佛家说身后是什么意思