PHẨM
QUẢNG CHIẾU KHÔNG HỮU
(thứ
nhất)
"Không"
nếu làm "không" được thì chẳng phải chơn không, "sắc"
nếu làm "sắc" được thì chẳng phải chơn sắc; Chơn sắc
vô tướng, chơn không vô danh, vô danh là cha của danh vô tướng
là mẹ của tướng, ấy là nguồn gốc của muôn loài, thái
tổ của trời đất, trên tỏ rõ đủ thứ hình tượng, dưới
bày ra nhà cửa cây cối, nguyên khí (tự tánh) hàm nơi đại
tượng, đại tượng ẩn nơi vô tướng, ấy là cái linh tánh
hay nhận vật trong linh có thần, trong thần có thân, vô vi
biến hóa, mỗi mỗi theo nơi tự nhiên. Vừa mống lên chút
sự dụng thì dần dần mới có danh tướng, tướng sanh khởi
khi chưa có thật chất, danh lập ra lúc chưa có tên gọi, danh
tướng đã hiện thì du khí (1)[1] làm đục cái trong sạch
của tự tánh, từ tịch liêu trống rỗng sanh ra đủ thứ
phân biệt, trên thì có vua, dưới thì có thần, cha con thân
cận cùng ở, tôn ty ngôi bậc khác nhau, đời sống văn minh
bắt đầu, con người thành lập gia đình, rồi từ đó tụ
nhau hình thành bộ lạc, trong mỗi bộ lạc gồm nhiều hộ,
mỗi người tự giữ lấy bổn phận của mình. Vì an ninh trật
tự mà đặt ra lễ giáo, nên có danh từ để phân chia thiện
ác, người thiện được trọng, kẻ ác bị khinh; người trí
thong thả, kẻ ngu tự trói, từ đó mống khởi đủ thứ thị
phi, trên bày ra sự phiền phức, dưới chẳng có sự an vui,
làm mất cái ý chí tự nhiên của con người, bị bó buộc
vào cái khuôn khổ của ngoại vật, mê lầm cái hữu vi của
vô vi, động thành cái tác dụng của hữu tác. Giáo hóa đã
thi hành, khiến trên dưới đều phải tuân theo, cho nên, thanh
lập ngũ âm, sắc lập ngũ sắc, hạnh lập ngũ hành, đức
lập ngũ đức, có thầy có trò, thầy đã dạy bảo trò phải
tuân theo, mảy may xê dịch, lỗi bằng Tu Di, luật cấm khi
chưa phạm, phòng ngừa lúc chưa làm, có nhiều điều hạn
chế, chẳng tha thứ khoan hồng. Tại sao vậy? Vì con người
tham dục chẳng biết đủ, từ đó sanh ra hỗn loạn.
Trời
đất vắng lặng, vũ trụ trống rỗng, trong niệm vừa dấy
lên chút bụi trần, liền thành lớp màng che phủ con mắt
của tự tánh. Cái bản thể lừng lẫy vốn là trong ngoài
thần linh, vọng tưởng bỗng khởi thì chơn nhất (tự tánh)
ẩn dấu, do vọng sanh ý thức phân biệt nên chơn tánh bị
mê hoặc, chẳng cần cầu mà mong cầu, chẳng cần đắc mà
muốn đắc, nói về lý thì vô cùng, nói về vật thì vô tận,
từ đó sanh ra động loạn, bên trong sanh khởi tam độc, bên
ngoài lãnh thọ ngũ dục, thân tâm bận rộn bối rối, đuổi
theo thấy nghe, tùy cảnh tạo tác, như lửa cháy bừng. Nên
bậc thánh kiến lập chánh giáo, nói ra chơn lý, khiến những
kẻ ngu muội có nơi nương tựa, tu vô vi, ngưng hữu vi, dần
dần đến chỗ như như. Cái lý như như này là bản thể của
chơn tánh, chẳng thể tu chứng, chẳng thể mong cầu, chỉ
là tánh tịch diệt vậy.
Nói
đến chữ Chơn là tổ tiên của vạn vật, chẳng thế giới,
chẳng chúng sanh, chẳng bờ bến, chẳng xứ sở, là căn bản
của tam giới, chẳng cho mắt thấy tai nghe, chẳng có hồn
phách và sắc tướng. Người tu chánh pháp trước tiên phải
lìa tướng, bặt tình ái, chẳng đuổi theo vật, chẳng chấp
sanh tử, mới có thể dung hợp đại đạo, thông đạt thần
minh. Có dụng là thần, có tướng là thân, vô vi là đạo,
vô tướng là chơn, tùy vật lập danh, theo vật tạo tác, thường
trụ thường tồn, chẳng sanh chẳng diệt. Lý hợp muôn đức,
sự tỏ khôn khéo, sự dù vô cùng, lý chỉ có một. Chẳng
có người chứng, chẳng có kẻ đắc, nhưng chẳng chứng chẳng
đắc, nơi tâm vẫn còn mê hoặc, cái tâm chẳng chơn lại
mê hoặc người khác, hoảng hốt như gặp ma, dùng tư tưởng
suy cứu thì cuối cùng chẳng có gì cả. Như gương bỗng có
bụi, như trời bỗng có mây, tất cả duyên khởi với nhau,
vì vọng chấp thật có tồn tại, có vọng là ngu, chẳng vọng
là chơn, như băng chơn tan thành nước, nước vọng đóng thành
băng, băng nước dù hai, bản thể chẳng khác. Mê vọng là
ngu, ngộ chơn là trí, mùa đông thì băng chẳng thể tan, mùa
xuân thì nước chẳng thể đóng, nên ngu chẳng thể sửa ngay,
trí chẳng thể liền được, băng tan dần rồi mới chảy
vào biển cả, ấy là cái đạo của tự nhiên, sự dụng của
nhiệm mầu, chẳng phải tâm niệm có thể suy lường, chỉ
có thể kéo dài mãi mãi, chẳng thể siêng năng tìm cầu.
Cái
nhân duyên vào đạo có muôn ngàn đường lối, như cá bị
kẹt nơi vũng lầy, chim bệnh mắc trong đám sậy, cả hai đều
chẳng biết nơi biển lớn rừng sâu, con người tu theo tiểu
thừa thì cái nghĩa cũng vậy. Ấy là phí công tu lâu, ngưng
nghỉ giữa đường, vì chẳng thông đạt được lý như như,
bỏ lớn cầu nhỏ, được ít cho là đủ, tự an nơi tiểu
an, chẳng bằng sự an ổn của đại an. Nói "đại" là mênh
mông chẳng bờ bến, tất cả hàm linh vạn vật đều đồng,
ứng cơ thì có muôn ngàn phương tiện, biến hóa thì có đủ
thứ tướng hiện, nhưng chẳng xuất chẳng nhập, sự dụng
chẳng có gián đoạn. Có tâm vô tướng, có dụng chẳng người,
thị hiện sanh mà vô sanh, thị hiện thân mà vô thân, thường
suy lường mà chẳng lường, thường biết mà chẳng biết,
vi mà vô vi, đắc mà vô đắc, gương tỏ ngàn tượng, nước
hiện muôn sắc, trong bóng phân ra trần thế tam giới, ứng
dụng vô tận, vô tướng mà thành tướng, vô danh mà lập
danh, loài vật cảm ứng với nhau, hòa hợp mà sanh. Nhưng sanh
cũng chẳng sanh, tình cũng chẳng tình chúng sanh gọi là thánh,
chúng sanh gọi là minh, đủ thứ danh hiệu, tùy mọi vật mà
gán tên, kỳ thực đều lấy vô vi làm tông chỉ, vô tướng
làm dung mạo, trống rỗng đồng như hư không, muốn tìm thì
chẳng có xứ sở, mà sự dụng thường ở trong đó. Kẻ đắc
là nhất, kẻ chứng là mật, đắc thì bất nhất, chứng thì
bất mật, nhưng phi bất nhất, phi bất mật, bản thể âm
ly, sự dụng dương vi (âm ly và dương vi, giải thích nơi
phẩm sau), nói lý thì vô cùng, nói hành thì vô tận, ấy gọi
là thái vi (tự tánh). Cũng như cây cỏ vô cùng, nước suối
vô tận, gió thổi chẳng ngưng, tiếng chuông chẳng ngừng,
loài vật còn như vậy, huống chi là đạo! Sự hữu ắt phải
chóng mất, sự vô ắt được lâu dài, trời đất dù có thay
đổi, hư không luôn luôn trống rỗng.
Người
học đạo thì học theo vô dư, kẻ chẳng học đạo thì học
theo hữu dư. Vô dư thì đạo gần, hữu dư thì đạo xa, tri
hữu thì hữu hoại, tri vô thì vô hoại, sự tri của chơn
tri, hữu vô đều chẳng chấp, nơi hữu mà chẳng hữu, nơi
vô mà chẳng vô, hữu vô đều chẳng chấp thì tánh tướng
như như, bản thể của tự tánh tịch nhiên vô vật, sự dụng
từ đó mà ra. Nếu chẳng như thế thì trở thành nhiều vọng
nhiều sai, trong có mộng tưởng, do đó huân tập thành nhiều
bệnh, chẳng hung mà hung, chẳng kiết mà kiết (lành), những
việc kiết hung, chướng ngại chơn nhất, nên người hành
đạo chẳng nên mê theo mộng tưởng.
Người
học đạo có ba loại: một gọi là chơn, hai gọi là lân (lân
cận), ba gọi là văn (nghe), tập học gọi là văn, tuyệt học
gọi là lân, vượt cả hai này gọi là chơn. Người chẳng
học đạo cũng có ba: bậc thượng gọi là tường, bậc trung
gọi là lương, bậc hạ gọi là ương (tai họa); cực vui gọi
là lương, cực khổ gọi là ương, chẳng khổ chẳng vui gọi
là tường, nhưng ba loại này đều chẳng nhập chơn thường,
tức là chẳng phải đạo vậy.
Tự
tánh nhiệm mầu, sự dụng mênh mông, hễ tâm trần nhiễu
động thì như biển nổi làn sóng, thành sự sanh tử luân
hồi trong lục đạo, chẳng thể dùng đạo tiếp tế, chẳng
thể dùng Chơn cứu giúp, thật đáng buồn thay! Chư Phật thương
xót như mẹ nhớ con, dù muốn độ hết nhưng phải có cơ
duyên, nên có duyên thì hiện, chẳng duyên thì ẩn, đại đạo
như thế, xưa nay đều vậy, chẳng thể thình lình, chẳng
thể làm gấp.
Chơn
tánh tự có trí, trong trí tự có bi (từ bi), bi hay cứu khổ,
khổ cứu chẳng được, Chỉ tự lao nhọc, hễ khi độ được
thì cứ độ tiếp mãi. Nhưng chúng sanh thường ở trong mộng
tưởng, dù học đạo siêng năng tinh tấn, nhưng chẳng tin
tự tâm, mà tìm kiếm bên ngoài, lạc mất đường lối chánh
pháp, như ô uế làm đục nước trong, bởi do tình chấp thật
có thật không, chẳng lìa được phiền não, thật là khổ
thay!
Mặt
trời ẩn trong đám mây, dù sáng mà chẳng chiếu; trí huệ
ẩn trong mê hoặc, dù chơn mà chẳng phải đạo. Tại sao vậy?
Vì tự mình chưa ra khỏi ràng buộc, cho nên xa thì chẳng thể
dung hợp, gần thì chẳng thể lìa bỏ, kẻ chưa đạt đạo
chẳng nên làm càn! Kẻ quyết quay về thì chẳng màng việc
sau, kẻ quyết chiến thì chẳng màng cái đầu, kẻ quyết
học thì chẳng quý cái thân, kẻ quyết học đạo thì chẳng
quý nơi sự, nhập chẳng dấu tích, xuất không chỗ tìm, ngộ
vô sở đắc, phan duyên tự tịch, tịch mà chẳng sanh, tự
thể vô danh, vô danh là thật, lý chẳng ngoài dục, hằng sa
công đức, rõ ràng cụ túc.
Loài
vật sống trong vỏ như cua, ốc thì chẳng biết sự rộng
lớn của vũ trụ; loài vật sống trong ao giếng thì chẳng
biết sự mênh mông của biển cả, trong tối thì chẳng sáng,
trong sáng thì chẳng tối, các pháp mỗi mỗi chẳng biết nhau,
nên vật cách tình lìa, nghịch tình thì khó hiểu, cũng như
trái táo có sâu, bên trong đã hư mà bên ngoài vẫn tốt; như
nước với cát cùng chảy thì trên trong dưới đục; cũng
như quốc gia có gian thần thì đất nước chẳng yên, hễ
trong tâm có ẩn dấu hình tướng thì vạn vật đều loạn.
Tại sao? Vì đã mắc bệnh vậy. Cho nên, hễ vật có linh (giác
tri), linh tất có yểu (tà vọng), yểu tất có dục, dục tất
có tâm (ý thức phân biệt), tâm tất có tình, tình động
thành dục, yểu phát thành tinh (yêu tinh), tinh mê nơi thần,
dục mê nơi chơn. Vậy thì người học đạo chẳng nên lọt
vào loại lân (tuyệt học), cũng như gương cổ chiếu soi yêu
tinh thì yêu tinh tự hiện hình, cổ giáo (giáo pháp của cổ
đức) chiếu soi nơi tâm thì tâm tự minh. Hễ nói về trời
đất thì có trên dưới; nói về nhựt nguyệt thì có đông
tây, nói về thân thể thì có bỉ thử, nói về tâm thức
thì có thị phi, nếu không có bỉ thử thì thị phi chẳng
sanh. Chỉ vì vật theo tình đổi, tình tùy vật dời, trong
ngoài lay động, tâm đuổi theo vật, tự thành lao nhọc, khi
sống thành người, khi chết thành hồn, tương tợ tương tục,
như thân trong chiêm bao, khi chiêm bao thì chấp cái thân trong
chiêm bao là ta, vậy thì cái thân thức tỉnh chẳng phải ta;
khi thức tỉnh thì chấp cái thân thức tỉnh là ta, vậy thì
cái thân trong chiêm bao chẳng phải ta. Kỳ thực, tất cả
đều như chim bay trên trời, chẳng có dấu tích, những hiện
tượng kỳ lạ khó suy khó lường, âm dương tương đối,
võng tưởng âm thầm, mỗi mỗi tự có nhân quả?, sự vật
như huyễn hóa, đủ thứ hiện tượng đều chẳng phải thật,
ấy gọi là bất chơn, chỉ làm mê hoặc con người.
Chơn
lý trống rỗng, vốn là vô thân, sự thần thông biến hóa
như con rồng trên trời, sự che khuất vũ trụ như mây bỗng
tụ, ấy chưa phải là quý, ấy chưa phải là chơn, nếu chấp
đó cho là thật tức là người chưa đạt đạo. Hoặc có
hình tướng đẹp đẻ, hoặc có ngôn ngữ biện tài, hoặc
có trí huệ thông minh, hoặc có ứng dụng khéo léo, nếu chấp
ấy cho là đạo cũng chưa phải là việc lành vậy. Sự hữu
tất bất chơn, tạo tác tất bất thường, trời đất còn
phải hoại, huống là vật chất, đâu thể vững chắc lâu
bền!
Chỉ
có đạo là vô căn (gốc), trạm nhiên thường tồn, chỉ có
đạo là vô thể, vi diệu thường chơn, chỉ có đạo là vô
sự, xưa nay thường quý chỉ có đạo là vô tâm, muôn vật
đầy đủ. Nên đại đạo vô tướng, vô hình, vô sự, vô
ý, vô tâm hay lợi ích chúng sanh vạn vật, làm chủ cho tất
cả người và vật, vạn vật đều có đối đãi, chỉ có
đại đạo độc tồn, bên ngoài chẳng có cái khác, bên trong
chẳng phải trống rỗng, chẳng trong chẳng ngoài, bao hàm thái
nhất (tự tánh), gồm cả vũ trụ, vạn vật đầy đủ. Cái
thực tướng ấy phi nội phi ngoại, phi tiểu phi đại, phi
nhất phi dị, phi minh phi muội, phi sanh phi diệt, phi thô phi
tế, phi không phi hữu, phi khai phi bế, phi thượng phi hạ,
phi hành phi hoại, phi động phi tịnh, phi quy phi thệ (mất),
phi thâm phi thiển, phi ngu phi huệ, phi nghịch phi thuận, phi
thông phi tắc, phi bần phi phú, phi tân phi cố (cũ), phi hảo
(tốt) phi tệ (xấu), phi cương phi nhu, phi độc phi đôi, tại
sao vậy? Nếu nói là nội thì bao hàm pháp giới, nếu nói
là ngoại thì ứng dụng đầy đủ, nếu nói là tiểu thì
phổ khắp xa gần, nếu nói là đại thì nhập vào vi trần,
nếu nói là nhất thì hình tướng đủ thứ, nếu nói là dị
thì bản thể vô vật, nếu nói là minh thì mờ mờ mịt mịt,
nếu nói là muội thì chiếu soi sáng tỏ, nếu nói là sanh
thì vô tướng vô hình, nếu nói là diệt thì xưa nay thường
linh, nếu nói là thô thì rút thành hạt bụi, nếu nói là
tế thì thân bằng tu di, nếu nói là không thì sự dụng mênh
mông, nếu nói là hữu thì chẳng có dung mạo, nếu nói là
khai thì chẳng nhập trần ai, nếu nói là bế thì nghĩa rộng
vô biên, nếu nói là thượng thì bình đẳng vô tướng, nếu
nói là hạ thì chẳng vật nào so bằng, nếu nói là thành
thì duyên hết liền tan, nếu nói là hoại thì luôn luôn tồn
tại, nếu nói là động thì trạm nhiên vắng lặng, nếu nói
là tịnh thì bận rộn lăng xăng, nếu nói là quy thì đi mà
chẳng về, nếu nói là thệ thì ứng cơ trở lại, nếu nói
là thâm thì vạn vật cùng ở, nếu nói là thiền thì gốc
chẳng thể tìm, nếu nói là ngu thì ứng cơ chẳng sai, nếu
nói là huệ thì tịch diệt vô dư, nếu nói là nghịch thì
có tín có tựa, nếu nói là thuận thì vật chẳng thể trói,
nếu nói là thông thì chẳng thấu tông tích, nếu nói là tắc
thì ra vào trống rỗng, nếu nói là bần thì muôn ngàn công
đức, nếu nói là phú thì chẳng có một vật, nếu nói là
tân thì sẵn từ đời xưa, nếu nói là cố thì vật chẳng
ô nhiễm, nếu nói là hảo thì chẳng vật để giữ, nếu
nói là tệ thì từ xưa vẫn vậy, nếu nói là cương thì sanh
diệt bất thường, nếu nói là nhu thì sức mạnh vô cùng,
nếu nói là độc thì hằng sa chủng tộc, nếu nói là đôi
thì chơn nhất chỉ một. Nên đại đạo chẳng thể dùng chữ
nhất để gán tên, chơn lý chẳng thể dùng một nghĩa nào
để diễn tả, nay chỉ thể trình bày đại khái, chẳng thể
tỏ rõ tận cùng, dù cho chặt đầu thiêu xác cũng chẳng thể
làm thương tổn sự sanh, kim đơn cam lồ cũng chẳng thể giữ
mãi sự sanh, nếu chơn sanh thì bất diệt, chơn diệt thì bất
sanh, nên có thể gọi là thường diệt, cũng có thể gọi
là thường sanh. Kẻ ham sanh sợ diệt ấy là chẳng ngộ lý
thường diệt, kẻ muốn diệt chán sanh ấy là chẳng ngộ
lý thường sanh, nhưng kẻ mê người ngộ đều là chẳng thấy
chơn nhất, vì có tâm lấy bỏ, đuổi theo tình chấp hư vọng
vậy.
Thường
không chẳng có, thường có chẳng không, nếu cả hai chẳng
đối đãi thì mỗi mỗi đều là chánh tông. Cho nên bậc thánh
tùy có nói có, tùy không nói không, không chẳng trái có, có
chẳng trái không, hai lời chẳng bệnh, hai nghĩa đồng thông,
cho đến nói "ngã" cũng chẳng trái với "vô ngã", nói "sự"
cũng chẳng trái với "vô sự", nên chẳng bị lời nói xoay
chuyển.
Đúc
vàng thành người, nếu chỉ nhìn người mà chẳng nhìn vàng
thì bị hình tướng mê hoặc, ấy gọi là mê, tại sao? Vì
mất cái chơn vậy. Thế thì tất cả đều huyễn, hư vọng
chẳng thật, biết huyễn là huyễn, trong giữ chơn nhất, ngoài
chẳng nhiễm vật, ấy là sự trống rỗng của thái nhất,
thì chơn đâu có mất! Quên tâm bỏ ý, thể lìa bệnh tật
(bệnh chấp thật), một tướng chẳng sanh, kiết hung tịch
lặng, kiết còn không theo, hung làm gì được! Sự kiết sự
hung đều chẳng nương tựa.
Đường
lối vào đạo như nước trong lặng hiện bóng vạn tượng,
trong ngoài rõ ràng, tâm chẳng nổi, ý chẳng sanh, chẳng xuất
chẳng nhập, trạm tịch như như, trong ngoài chẳng nhiễm,
vật chẳng biết nhau, chẳng nhờ lời nói văn tự, mỗi mỗi
tự có cái bản nhất. Như lửa chẳng nhờ mặt trời mà nóng,
gió chẳng nhờ mặt trăng mà mát, sáng chẳng nhờ tối, khô
chẳng nhờ ướt, vật vật còn chẳng nhờ nhau huống chi là
đạo!
Vạn
vật do con người mới được hiện ra sự dụng, người phụ
thuộc nơi vua, vua nương tựa nơi người, ngộ được tất
cả bất nhị ấy gọi là Phật, tam giới độc tôn, giác ngộ
vô vật, chẳng làm mà làm, việc làm đã xong, hiệu chánh
biến tri. Là đạo sư của trời người, dẫn dắt chúng sanh,
phương tiện tùy nghi, lý tịnh dù hư vô, ánh sáng siêu huệ
nhật, chiếu khắp mười phương, trên dưới cùng được lợi
ích, chẳng muốn khác với con người, chẳng muốn khác với
trần thế, chẳng muốn khác với nghĩa lý, chẳng muốn khác
với nhân quả, tất cả đều bình đẳng bất nhị, nhất
thể viên thông, lý ấy khó thấy, nhờ sự gì, thiết phương
tiện, lập ra pháp số, vấn đáp, ngôn luận, tùy cơ ứng
hiện, gọi là chơn thật của đại tượng.
Kẻ
ham bên ngoài là chấp trần, kẻ ham bên trong là chấp thân,
kẻ ham thấy nghe là chấp tâm, dựa theo lục trần là dục
giới, dựa theo hình tướng là sắc giới, dựa theo tâm so
đo là vô sắc giới, diệt ba loại này gọi là đạo đế,
hễ diệt đế tức là đạo vậy. Nhưng cái đạo này chỉ
là phương tiện tạm thời, chưa phải là chánh, tam giới hư
vọng chẳng thật, lục đạo như mộng huyễn vô vật. Người
đạt đạo chẳng bỏ một pháp, chẳng đắc một pháp, chẳng
tu một pháp, chẳng chứng một pháp, tự tánh thiên chơn trong
sạch, gọi là đại đạo. Do đó quán khắp thiên hạ, tức
người tức chơn, nếu ngộ lý này thì bình đẳng đồng một,
nhưng kẻ học đạo này đã hiếm có, mà kẻ đắc đạo này
lại càng ít hơn, vì việc này thâm sâu, mịt mù khó biết,
người biết được là đạo sư, kẻ thông suốt là yên ổn,
động tác vô tâm thì tác mà vô vi, vô vi mà vi thì vô sở
bất vi, hòa quang tùy vật nên vật chẳng thể trói.
Ở
nơi trời đất, khắp cả vũ trụ, có một bửu vật, ẩn
trong hình tượng, tự tánh linh chiếu, trong ngoài trống rỗng,
tịch lặng khó thấy gọi là huyền diệu, sự dụng khéo léo
ra ngoài tưởng tượng, sức lực ẩn nơi hư vô, tùy cơ giáo
hóa mà chẳng động, độc nhất không hai, hễ lên tiếng thì
phát ra diệu âm, hiện hình thì tỏ ra diệu sắc, muốn thấy
thì chẳng có xứ sở, chỉ có thể tạm gán tên gọi là không
không. Chỉ giữ âm thanh, chẳng thấy hình tướng, chỉ giữ
công đức, chẳng thấy dung mạo, ẩn hiện đều chiếu soi
sáng tỏ, vật và lý dung thông ấy là bửu ấn của sum la,
chơn tông của vạn tượng. Nói về hình tướng thì âm thầm
tịch lặng, bản thể trong sạch mà chẳng phải sáng, pháp
vốn viên mãn, quang minh siêu nhựt nguyệt, đức dụng vượt
vũ trụ, vạn vật vô tác, tất cả vô danh, chuyển biến trời
đất, tự tại tung hoành, hằng sa diệu dụng, hỗn độn mà
thành, ai nghe được chẳng vui mừng, ai thấy được chẳng
ngạc nhiên, chúng sanh tại sao cho cái bửu vật vô giá đem
chôn vùi trong hầm của ngũ ấm lục nhập! Sự đen tối nhiều
kiếp làm sao mà sáng được? Ấy là tự khinh, thật đáng
thương xót!
Cái
bửu vật ấy sáng lạn chói chang, chiếu khắp mười phương,
tịch nhiên chẳng động, sự dụng cảm ứng rõ ràng, tùy
thanh ứng thanh, tùy sắc ứng sắc, tùy âm ứng âm, tùy dương
ứng dương, kỳ lạ chẳng gốc, trạm nhiên thường tồn,
mắt nhìn chẳng thấy, lắng tai chẳng nghe, bản thể nhiệm
mầu, muôn ngàn biến hóa, diệu dụng linh động gọi là tinh
vi của đại đạo. Cái tinh vi ấy rất chơn thật, là nhân
sanh khởi của vạn vật, tịch liêu thường trụ, chẳng gì
so bằng. Nên kinh nói: "tùy nơi tâm tịnh tức Phật độ tịnh",
diệu dụng sum la gọi là Bậc thánh.
[1]
Du khí: Vọng tưởng hóa thành khí trược, phù du lơ lững
trong hư không, gọi là du khí.
Xem
Tiếp:
Phẩm
2 Ly Vi Thể Tịnh