Pháp
Yếu Truyền Tâm
Thiền Sư
Đoạn Tế Ở Núi Hoàng Bá
CHÁNH
VĂN:
Sư
bảo Hưu rằng:
Chư
Phật cùng tất cả chúng sanh chỉ là một tâm, không có pháp
riêng. Tâm này từ vô thủy tới nay không từng sanh không từng
diệt, không xanh không vàng, không hình không tướng, không
thuộc có không, không kể mới cũ, chẳng dài chẳng ngắn,
chẳng lớn chẳng nhỏ, vượt qua tất cả hạn lượng danh
ngôn dấu vết đối đãi, chính thẳng đó là phải, động
niệm liền trái.
GIẢNG:
Chư
Phật cùng tất cả chúng sanh chỉ là một tâm, phải hiểu
chữ một tâm này cho rõ, đừng bị lầm. Phật với chúng
sanh chỉ có một tâm, nếu Phật giác ngộ lẽ ra chúng sanh
cũng giác ngộ, nhưng tại sao Phật giác ngộ mà chúng ta lại
không giác ngộ? Nếu một tâm thì tất cả chư Phật không
hai, tại sao lại có Phật Di-đà, Phật Ca-diếp, Phật Thích-ca,
vô số Phật như vậy? Chỗ này người ta dễ lầm, như Bà-la-môn
giáo cho rằng chỉ có một Phạm thiên, khi tu đại ngã của
họ thể nhập vào đại ngã Phạm thiên, thế là xong. Như
vậy chỉ có một đại ngã, bao nhiêu người tu đều nhập
về đó hết. Nếu Phật nói một tánh giác chung thì Ngài thành
Phật chúng ta cũng được ảnh hưởng, sao Phật thành Phật
lâu quá mà mình còn ngồi đây? Đó là một lý.
Lý
thứ hai, nếu là một thì chỉ có một vị Phật, như Bà-la-môn
giáo chỉ có một Đại Phạm thiên gọi là đại ngã, sao chúng
ta lại có vô số Phật, vậy vị Phật nào là chủ? Chỗ này
kinh Viên Giác dùng thí dụ thật hay. Nói rằng trong một ngôi
nhà tối có đốt một trăm ngọn đèn riêng khác, nhưng ánh
sáng của một trăm ngọn đèn đó hòa nhập vào nhau chỉ có
một, không sai khác. Như vậy ngọn đèn tuy khác nhưng ánh
sáng thì đồng. Cho nên chữ một là nói về ánh sáng chớ
không phải nói về ngọn đèn. Một mà không phải một, mới
có vô số chư Phật. Mỗi vị giáo hóa mỗi nơi, giống như
các ngọn đèn để ở những vị trí khác nhau, nhưng tánh
chất của ánh sáng vẫn đồng.
Bây
giờ chúng ta có thể hiểu hằng hà sa số chúng sanh là hằng
hà sa số chư Phật. Quí vị có dám nhận mình là Phật không?
Nếu bây giờ nhận mình là Phật thì bị tội tăng thượng
mạn, nhưng nghĩ mình không có Phật tánh thì tu tiến không?
Không. Chúng ta ai cũng có tánh Phật nhưng chưa phải Phật
quả. Phật tánh không rời mình, nhưng ta còn mê, còn quên
nên làm chúng sanh. Như người có hòn ngọc quí mà quên, cất
đâu không biết thì người đó giàu hay nghèo? Có ngọc quí
nhưng không biết để đâu thì giàu cũng thành nghèo. Chừng
nào lấy được hòn ngọc quí ra dùng mới giàu. Chúng ta cũng
vậy, có tánh giác là có Phật nhưng bây giờ quên, không biết
Phật ở đâu, cứ thấy toàn là chúng sanh. Chừng nào chúng
ta thấy ông Phật của mình một cách cụ thể, rõ ràng chừng
đó mới biết mình vốn là Phật mà xưa nay quên. Như vậy
tâm thể chúng ta có tánh Phật đồng với tánh Phật của
chư Phật, nên nói là một.
Tâm
này từ vô thủy tới nay không từng sanh, không từng diệt,
không xanh không vàng, không hình không tướng v.v… Tâm
thể này từ thuở nào tới giờ, không sanh không diệt, không
màu sắc không hình tướng. Chỗ này nói suông thì quí vị
rất khó hiểu, vì sao tâm lạ vậy? Ở đây có hai trường
hợp để chúng ta nhận biết được tâm.
Trường
hợp thứ nhất rất bình thường giản dị, chỉ ai khéo tinh
mắt một chút sẽ nhận ra ngay. Như chúng ta ngồi bình tĩnh
trước sân chùa nhìn tất cả cảnh vật, mà không có niệm
số một số hai nào dấy động hết, lúc đó có tâm không?
Nếu không tâm thì ai biết nhìn, ai biết thấy, có tiếng động
biết nghe. Cái thấy nghe không dấy niệm đó là tâm chưa từng
sanh chưa từng diệt. Vừa khởi khen chê hay ưa ghét liền qua
tướng sanh diệt. Cho nên ở đây nói cái đó không có danh
ngôn mà động niệm liền trái. Chỉ khi không dấy niệm tâm
đó hiện tiền. Tâm không nghĩ gì hết diễn tả làm sao? Hình
tướng làm sao? Dáng dấp làm sao? Vì nó không hình tướng
nên không xanh vàng đỏ trắng mà vẫn thấy vẫn nghe. Vừa
khởi một niệm như cây tùng này đẹp thì tâm ẩn khuất
liền. Cho nên dùng chữ “động niệm liền trái”, động
niệm là mất tâm chân thật liền.
Chúng
ta nhìn là nhìn, thấy là thấy, không khởi niệm thì tâm hiện
tiền. Có khi nào quí vị cảm nhận điều đó không? Ai cũng
cảm nhận được hết, như vậy đâu có người nào vô phần.
Đã có phần nhưng không biết giữ của báu nên rồi xao lãng
quên mất, cứ chạy theo cái nghĩ đông nghĩ tây cả ngày.
Nhiều người rất tội nghiệp, ngồi một lát chợt vui lên
muốn cười, sau đó lại quạu. Dáng vui dáng quạu của họ
hiện ra tại cái gì? Tại ôn lại quá khứ, quá khứ đẹp
thì vui, quá khứ thù địch thì quạu. Như vậy họ ngồi đó
mà không có ngồi đó, vì ngồi đó mà sống với quá khứ.
Chúng ta sống với cái đã qua là sống với cái mất. Hoặc
không sống với cái đã qua thì sống với cái chưa tới, chưa
tới cũng là ảo tưởng. Cái thực hiện tại chúng ta không
sống, thành ra sống cả ngày mà thật ra không sống gì hết.
Vì
vậy nhà Thiền bắt chúng ta phải sống với hiện tại, quá
khứ đã qua, vị lai chưa đến, chỉ hiện tại là chủ yếu.
Như vậy mới thấy sống với hiện tại quá khó. Tại sao
khó? Vì chúng ta quen nuôi dưỡng quá khứ, vị lai. Lấy quá
khứ làm kinh nghiệm, lấy vị lai làm mơ ước. Mơ ước cái
sẽ tới đẹp hơn bây giờ, nên thấy nó hấp dẫn, còn hiện
tại thì coi thường.
CHÁNH
VĂN:
Ví
như hư không không có giới hạn, không thể đo lường.
GIẢNG:
Tâm
lặng lẽ, tự sáng suốt biết rõ mà không suy nghĩ, tâm đó
có tướng mạo không? Không. Bởi không tướng mạo nên giống
như hư không, giống như hư không nên không giới hạn, vì
vậy nói nó lớn không thể đo lường.
CHÁNH
VĂN:
Duy
một tâm này tức là Phật. Phật cùng chúng sanh không riêng
khác.
GIẢNG:
Chỉ
cái tâm lặng lẽ không động niệm đó là Phật. Phật cùng
chúng sanh không khác.
CHÁNH
VĂN:
Chỉ
vì chúng sanh chấp tướng cầu bên ngoài, càng cầu càng mất,
khiến Phật đi tìm Phật, đem tâm bắt tâm, mãn đời cùng
kiếp trọn không thể được.
GIẢNG:
Chỉ
vì chúng sanh chấp tướng cầu bên ngoài, chạy theo hình thức
nên càng cầu càng mất. Nghe chùa nào thờ Phật đẹp muốn
tới chiêm bái. Nghe chùa nào Phật linh cầu gì cũng được,
muốn chạy lại cầu. Chỉ cầu cái bên ngoài, mà càng cầu
càng mất. Khiến Phật đi tìm Phật tức sai ông Phật thật
đi tìm ông Phật giả. Ông Phật thật là ông Phật tâm tỉnh
giác của mình, ông Phật giả là ông Phật xi măng ngồi trên
bàn. Có đau không? Nói vậy có người bảo tôi không lạy
Phật nữa, sợ tội vì đem Phật thật lạy Phật giả. Hiểu
như vậy càng lầm. Tuy biết mình có Phật thật nhưng chưa
sống được với Phật thật mà sống với chúng sanh, thì
thôi đem chúng sanh lạy Phật giả, để tỉnh nhớ ông Phật
của mình. Lạy Phật giả để nhớ đến Phật thật nơi mình,
chớ không phải lạy Phật để cầu xin. Đó là ý nghĩa người
biết tu Phật.
Đem
tâm bắt tâm, mãn đời cùng kiếp trọn không thể được.
Tức đem tâm này tìm tâm khác, cứ đuổi bắt nhau không có
ngày cùng. Thí dụ chúng ta vừa dấy niệm xấu, liền dùng
niệm tốt đuổi niệm xấu đi. Niệm xấu đi rồi chỉ còn
niệm tốt, như vậy cũng là tu kha khá. Nhưng vẫn còn cái
này đuổi cái kia, chỉ khi nào niệm tốt niệm xấu đều
lặng thì cái thật nó hiện tiền.
CHÁNH
VĂN:
Họ
chẳng biết, dứt nghĩ quên tính, Phật tự hiện tiền.
GIẢNG:
Câu
này nói trắng ra, không giấu giếm gì hết. Họ chẳng biết,
dứt nghĩ quên tính, Phật tự hiện tiền, tức mình dứt hết
suy nghĩ, dứt hết tính toán thì Phật tự hiện tiền. Quí
vị một ngày Phật hiện được mấy giờ? Hay mấy phút? Sáu
tiếng ngồi thiền, tôi cho mất hết năm tiếng, ít ra cũng
còn một tiếng Phật hiện, chớ chẳng lẽ không có chút nào.
Tu là để chúng ta trở về Phật của mình, mà muốn trở
về tâm Phật thì phải dứt nghĩ, quên hết tính toán, Phật
mới hiện tiền.
CHÁNH
VĂN:
Tâm
này tức là Phật, Phật tức là chúng sanh.
GIẢNG:
Tâm
hiện tiền đó là Phật, tâm này đâu có rời thân người.
Cho nên Phật tức là chúng sanh.
CHÁNH
VĂN:
Khi
làm chúng sanh tâm này không giảm, khi làm chư Phật tâm này
không thêm, cho đến lục độ vạn hạnh công đức như hà
sa tự sẵn đầy đủ, chẳng nhờ tu mà thêm, gặp duyên liền
thi thố, duyên dứt liền vắng lặng.
GIẢNG:
Khi
làm chúng sanh tâm này không giảm, khi làm Phật tâm này không
thêm. Tâm hằng tri hằng giác của mình lúc đang làm chúng
sanh, nó vẫn hiện tiền, khi ta thành Phật nó vẫn hiện tiền,
đâu có thêm bớt. Cũng chính tâm này khi gặp duyên, nó ứng
hiện nào là lục độ vạn hạnh công đức như hà sa, tự
đầy đủ, không nhờ tu mà thêm, gặp duyên liền thi thố,
duyên dứt liền vắng lặng. Cho nên nói chân không mà diệu
hữu. Tâm này không một tướng, một bóng dáng nên gọi là
chân không. Từ chân không đó tùy duyên, ứng cơ, lợi vật
không thiếu nên gọi là diệu hữu.
CHÁNH
VĂN:
Nếu
người không quyết định tin tâm này là Phật, chấp tướng
tu hành để cầu được công dụng đều vọng tưởng, cùng
đạo trái nhau.
GIẢNG:
Nếu
người không quyết định tin tâm này là Phật, cứ chấp tướng
bên ngoài tu hành để cầu được công dụng, thì những công
dụng đó đều là vọng tưởng, cùng đạo trái nhau.
CHÁNH
VĂN:
Tâm
này tức là Phật lại không có Phật khác, cũng không có tâm
khác.
GIẢNG:
Tâm
không dấy niệm, không suy tính, không so đo v.v… tâm đó là
Phật, không có tâm nào khác nữa. Chúng ta thấy một đoạn
này Tổ Hoàng Bá dạy Bùi Hưu rất rõ ràng, không giấu giếm
tí nào hết. Cũng ngài Hoàng Bá mà khi Lâm Tế tới hỏi thì
đánh, không nói gì hết, còn Bùi Hưu tới hỏi Ngài lại dạy.
Tại sao? Chỗ này phải nắm cho vững, nếu không chúng ta hiểu
lầm chắc gặp quan, Ngài nể nên chỉ dạy, còn gặp Tăng
Ngài đánh.
Nếu
đi sâu chúng ta sẽ thấy thâm ý người xưa. Vì Bùi Hưu là
quan, không có thời giờ, nếu hiểu được đạo ông sẽ ủng
hộ đạo. Còn Lâm Tế, Tổ biết là một người có tương
lai, nếu nói rõ cho nghe thì nhận một cách quá nhẹ nên dễ
quên. Như mấy chú nghe tôi giảng có thể ngay lúc đó hiểu,
nhưng một lát quên mất, cuối cùng chỉ nhớ hơn thua tốt
xấu phải quấy lăng xăng, mà quên cái thật. Muốn cho con
người kỳ đặc kia được chỗ thâm nhập mãi mãi không quên,
cho nên dồn ép bằng cách đánh.
Hỏi
“thế nào là đại ý Phật pháp”, Tổ liền đánh. Hỏi
ba lần, đánh ba lần, đánh cho khóc mò vì không biết lỗi
tại chỗ nào mà ăn đòn. Nhưng tới chừng gặp ngài Đại
Ngu chỉ nói một cách hết sức nhẹ: “Hoàng Bá thật là
tâm lão bà, chỉ tột cùng cho ông rồi, mà ông còn nghĩ có
lỗi không lỗi”, ngay đó ngài Lâm Tế nhận ra, thấy rõ
ràng. Cho nên nói “từ khi nhận được rồi tới sau không
bao giờ quên, không bao giờ mất”. Vì vậy tông Lâm Tế kéo
dài mãi hơn một ngàn năm. Như vậy không phải vì vị nể
Bùi Hưu mà Tổ xử sự nhẹ nhàng, không vì ác cảm với Lâm
Tế mà đánh đập. Hành động đánh là gây một ảnh hưởng
sâu đậm lâu dài cho ngài Lâm Tế. Còn vị cư sĩ kia hiểu
bao nhiêu tốt bấy nhiêu, không sao hết. Nếu đánh Bùi Hưu,
ông sẽ oán chùa, có lợi gì. Cho nên hai trường hợp khác
nhau.
Biết
như vậy nhưng sao bây giờ tôi không đánh mấy chú? Bây giờ
người ta đồn tu thiền điên, mà tôi lại đánh hét nữa
thì người ta nói tôi điên mất rồi, ai dám tu thiền. Do đó
tôi phải giảng nói để mấy chú lãnh hội được phần nào
hay phần ấy, cộng thêm sách vở nghiên cứu. Từ đó quí
vị mới tin Phật pháp hay mà ráng tu, chớ làm như người
xưa không thể được. Tùy thời cơ, tùy hoàn cảnh mà linh
động, chúng ta không thể chấp một bề. Có nhiều người
nói Đức Sơn đánh, Lâm Tế hét đó là Thiền tông Trung Hoa.
Mình bây giờ cũng tu thiền, tại sao không biết đánh biết
hét gì hết, như vậy là hiểu lầm. Mỗi trường hợp có
cái khác nhau, chúng ta phải linh động, không thể chấp cứng
một bên.
CHÁNH
VĂN:
Tâm
này sáng sạch ví như hư không, không có một điểm tướng
mạo, khởi tâm động niệm liền trái pháp thể, tức là chấp
tướng. Từ vô thủy tới nay không có Phật chấp tướng.
Tu lục độ vạn hạnh muốn cầu thành Phật, tức là thứ
lớp. Từ vô thủy đến nay không có Phật thứ lớp.
GIẢNG:
Ở
đây cho chúng ta thấy lối tu đốn ngộ không có thứ bậc,
không từ Bồ-tát thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập
hồi hướng, thập địa v.v… mà đi thẳng. Mê là chúng sanh,
ngộ là Phật. Đốn là đốn chỗ đó, chỉ có một bước
mê và ngộ thôi. Nhưng trong cái ngộ, có người ngộ cạn,
có người ngộ được sâu, hoặc người ngộ nhưng giữ không
được và người ngộ mà giữ được, khác nhau như vậy.
Ở đây không đặt thứ bậc thấp cao, chỉ thẳng cái tâm
thể chân thật, chúng ta nhận được gọi là thấy đạo.
Thấy đạo rồi cứ thế mà tu.
Lúc
lặng lẽ mà rõ ràng thường biết, tâm đó không có một
chút tướng mạo, nên ví như hư không. Song hư không thì vô
tri, còn tâm thể hằng tri, hằng giác, khác nhau chỗ đó. Vừa
khởi tâm động niệm liền trái pháp thể. Vì khi dấy niệm,
chúng ta chạy theo niệm nên ông chủ ẩn mất. Bởi vậy cả
ngày nói tu mà tu với tướng bên ngoài. Nhớ chuyện này, nhớ
chuyện kia, rồi phê phán người này hay người kia dở. Sự
tu nằm trên tướng sanh diệt thì không đi tới chỗ chân thật.
Nếu được điều gì chẳng qua do chấp tướng mà được.
Nên ở đây nói “không có Phật chấp tướng”. Phật thật
thì không chấp tướng, đã chấp tướng thì không phải Phật
thật. Chúng ta tu khó vì lâu nay quen huân tập nhiều thứ,
nên buông không được.
Tu
lục độ vạn hạnh muốn cầu thành Phật, tức là Phật thứ
lớp, nghĩa là từ Phật thập tín, Phật thập trụ, Phật
thập hạnh cho tới Phật thập địa v.v… đó là Phật thứ
lớp. Từ vô thủy tới nay Phật là Phật, chớ không có Phật
thứ lớp.
CHÁNH
VĂN:
Chỉ
ngộ một tâm lại không có một chút pháp có thể được,
đây tức là chân Phật. Phật cùng chúng sanh một tâm không
khác.
GIẢNG:
Ngộ
được tâm không dấy niệm đó thì không một chút pháp có
thể được, vì tâm ấy không phải pháp gì hết. Đây tức
là chân Phật, Phật cùng chúng sanh một tâm không khác. Phật
đó với Phật của tất cả chúng sanh chỉ một Phật tâm,
không có hai.
CHÁNH
VĂN:
Ví
như hư không, không xen lẫn, không hư hoại. Như vầng mặt
trời soi bốn phương thiên hạ. Khi mặt trời lên ánh sáng
chiếu khắp cả thiên hạ, hư không không từng sáng; khi mặt
trời lặn, bóng tối che trùm thiên hạ, hư không không từng
tối. Cảnh tối sáng tự đuổi cướp nhau, tánh hư không rỗng
lặng chẳng đổi.
GIẢNG:
Thí
dụ này xét kỹ thật hay. Ví như hư không, không có xen lẫn,
không bị thứ gì làm hư hoại. Như vầng mặt trời soi bốn
phương thiên hạ, lúc mặt trời lên nhìn trong hư không thấy
sáng. Khi mặt trời lặn nhìn trong hư không thấy tối. Như
vậy hư không có tối sáng không? Nếu nó sáng thì khi tối
lẽ ra cái sáng hòa lẫn trong cái tối, nhưng thực tế không
phải như vậy, nên biết hư không không tối, không sáng.
Cảnh
tối sáng tự đuổi cướp nhau, tánh hư không rỗng lặng chẳng
đổi. Tối đến thì sáng ẩn, tối ẩn thì sáng đến, hai
thứ cứ đuổi cướp nhau, chớ hư không không đổi. Thực
tế một chút, chúng ta thấy khi trong tâm mình nghĩ điều thiện
thì cái thiện hiện ra, nghĩ điều ác thì cái ác hiện ra.
Khi nghĩ thiện thì không có ác, khi nghĩ ác thì không có thiện.
Tâm chân thật giống như hư không, thiện ác giống như tối
sáng. Tối tới thì sáng ẩn, sáng đến thì tối ẩn, không
cái nào dính với hư không hết. Tâm thể cũng vậy, không
có thiện ác. Khi hai thứ thiện ác lặng thì tâm thể hiện
tiền.
Bây
giờ dù sáng dù tối cũng không liên hệ gì với hư không,
nếu không sáng không tối thì cũng là hư không. Tâm nghĩ thiện,
nghĩ ác là tâm sanh diệt, khi tâm sanh diệt ấy dừng lặng
thì tâm thể nguyên vẹn hiện tiền, không tìm kiếm ở đâu.
Cho nên gọi nó là “Bản lai diện mục”. Diện là mặt,
mục là mắt, mặt mắt thật của chúng ta sẵn có từ thuở
nào.
CHÁNH
VĂN:
Phật
và chúng sanh tâm cũng như thế. Nếu xem Phật thấy tướng
giải thoát thanh tịnh, sáng suốt, xem chúng sanh thấy tướng
nhơ bẩn tối tăm, người thấy biết như vậy trải qua số
kiếp hà sa trọn không được Bồ-đề, vì chấp tướng vậy.
GIẢNG:
Người
thấy Phật là giải thoát thanh tịnh, còn chúng sanh nhơ bẩn
tối tăm, như vậy tu trải qua số kiếp hà sa trọn không được
Bồ-đề, vì chấp tướng vậy. Nếu nghĩ nhớ thân Phật là
thanh tịnh sáng suốt, thân chúng ta nhơ bẩn tối tăm thì được,
chớ tâm Phật và tâm chúng ta, tâm thể đó không có bên sáng
bên tối. Chỉ vì chúng ta quên, chạy theo vọng tưởng nên
thấy có nhơ bẩn, tối tăm, chớ thể thanh tịnh của Phật
và thể thanh tịnh của chúng sanh vốn không hai. Người nào
thấy hai là chấp tướng.
CHÁNH
VĂN:
Chỉ
một tâm này, trọn không có pháp bằng hạt bụi nhỏ có thể
được, tức tâm là Phật.
GIẢNG:
Chỉ
một tâm này, tâm này là tâm nào? Tâm từ bi phải không? Tâm
Bát-nhã phải không? Tất cả tâm có danh có tướng đều không
phải. Chỉ là tâm thể thanh tịnh sẵn có của mình, không
có pháp bằng hạt bụi có thể được. Tâm đó là tâm Phật.
CHÁNH
VĂN:
Như
nay người học đạo không ngộ tâm thể này, bèn ở trên
tâm sanh tâm, hướng ra ngoài cầu Phật, chấp tướng tu hành
đều là pháp ác, chẳng phải đạo Bồ-đề.
GIẢNG:
Như
nay người học đạo không ngộ tâm thể này, bèn ở trên
tâm sanh tâm, nghĩa là chúng ta không ngộ, không nhận được
tâm chân thật, rồi sanh khởi tưởng Phật thế này, Phật
thế nọ. Đó là ở trên tâm sanh tâm. Hướng ra bên ngoài
cầu Phật, chạy nơi này nơi kia tìm Phật. Chấp tướng tu
hành đều là pháp ác, tại sao? Vì pháp đó không phải là
pháp chân thật, cho nên nói là ác. Chẳng phải đạo Bồ-đề
vì đạo Bồ-đề là đạo giác ngộ. Giác ngộ cái gì? Giác
ngộ tâm Phật của chính mình. Phật tử thường có những
sai lầm như nghe ai có gì huyền bí, lạ lùng thì ngỡ người
đó đã đạt đạo. Sự thật đạo là tâm chân thật sẵn
có nơi mình. Nhận được tâm đó là ngộ đạo, không nhận
được là mê.