MỤC LỤC.
Lời đầu
Giới thiệu
Đại Trí Huệ Siêu Việt
Vấn Đề Trước Mắt
Bản Tánh Của Những Sự Vật
Toàn Thể Bộ Máy
Như Vậy
Một Viên Ngọc Sáng
Hoa Giữa Không Trung
Hải Ấn Đại Định
Hữu Thời
Tám Tỉnh Giác của bậc Đại Nhân
Bốn Phương Pháp Hòa Nhập của những Bồ Tát
Sanh và Tử
.
CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG - Shōbōgenzō
Thiền Sư Đạo Nguyên, Sơ tổ Thiền Tào Động Nhật Bản
Thomas Cleary dịch University of Hawaii Press Bản in năm 1991 -  Nguyễn An Cư Việt dịch
Nhà Xuất Bản: Thiện Tri Thức, 2003

Một Viên Ngọc Sáng
(Ikka Myōju)

Tiểu luận này nhấn mạnh sự nhất thể toàn bộ của hiện hữu, một chủ đề dai dẳng của những tác phẩm và lời nói của Đạo Nguyên. Nó căn cứ vào một lời nói nổi tiếng của một vị thầy danh tiếng thời xưa, rằng toàn thể thế giới, hay tất cả những thế giới, toàn thể vũ trụ, là “một viên ngọc sáng”.

Khi một học trò hỏi vị thầy ấy làm sao để hiểu lời nói này, ngài nói, “Nó có liên hệ gì với chuyện hiểu ?” hay “Tại sao ông lại muốn hiểu ?” hay “Ích gì cái hiểu ?” Mỗi điểm này đáng để suy nghĩ, nhưng một thông điệp tiềm ẩn bên dưới dù chúng ta có đọc sự trả lời này theo cách nào có vẻ là sự nhất thể của hiện thể là như vậy dù người ta có hiểu nó một cách ý thức hay không ; hiện thể hay cái đang là thì không do ai làm ra nhờ cái hiểu. Hơn nữa, cái hiểu ý niệm, với sự phân biệt vốn có của nó, có thể che tối thêm hơn là phát hiện nhất thể này, sẽ khiến người ta “lầm cây cho là rừng”.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chỉ có vô minh là sự thay thế duy nhất : trong câu chuyện, khi học trò hỏi lại thầy cùng câu hỏi đó trong ngày hôm sau, vị thầy nêu một nhận xét gợi ý rằng học trò đang bám chấp vào cái không hiểu, hay chỉ bám vào một khẩu hiệu thay vì cái hiểu chân thật. Suốt tiểu luận này Đạo Nguyên bày tỏ làm sao tránh hiểu lầm cho những phần tử là cái toàn thể trong khi đồng thời vẫn chấp nhận sự sai khác vô cùng của những cái đặc thù như là “những trang hoàng” của cái toàn thể, như “những ánh sáng” của “viên ngọc độc nhất”.

Một Viên Ngọc Sáng

Đại sư Huyền Sa Sư Bị ; tên đời là Sa. Khi chưa xuất gia ngài thích câu cá và thường thả thuyền trên sông Nam Đài, theo cách những người đánh cá. Ngài đã phải có, không chờ mong, con cá vàng tự đến mà không đánh bắt. Vào đầu đời Đường, thình lình ngài muốn từ bỏ thế gian ; ngài bỏ thuyền và vào núi. Lúc ấy ngài ba mươi tuổi. Hiểu ra hiểm họa của cuộc đời phù du, ngài nhận ra giá trị của Phật đạo. Cuối cùng ngài leo lên núi Tuyết Phong, đến đại thiền sư Tuyết Phong và hành đạo ngày đêm.

Một lần, để học Thiền triệt để hơn như đang được dạy trên khắp nước, ngài mang bị và rời núi, nhưng trên đường ngón chân vấp vào đá đau điếng, và ngài thình lình có một cái nhìn thấu suốt mạnh mẽ, và nói, “Thân này không có, cái đau đến từ đâu ?” Thế rồi ngài trở lại Tuyết Phong. Tuyết Phong hỏi, “Ai là đầu đà Sư Bị ?” Huyền Sa nói, “Con không bao giờ thách thức kẻ ngu.” Tuyết Phong đặc biệt thích câu nói này, và nói, “Ai không có lời nói này ? Ai có thể thốt ra lời nói này ?” Tuyết Phong hỏi tiếp, “Đầu đà Sư Bị, tại sao ông không hành cước để học ?” Ngài trả lời, “Bồ Đề Đạt Ma chưa từng đến Trung Hoa, nhị tổ chưa từng đi Ấn Độ.”(1) Tuyết Phong đặc biệt khen ngợi ngài vì lời nói này. Bởi vì ngài lớn lên làm một người đánh cá, ngài chưa hề đọc kinh, luận, tuy nhiên nguyện vọng ngài sâu xa rộng lớn, nên có một tinh thần cương quyết vượt hơn những người khác. Tuyết Phong nghĩ ngài trổi vượt trong chúng và khen ngài như một tiêu chuẩn trong các đệ tử của mình. Ngài mặc áo vải thô, và không hề thay y khác, nó cũ rách. Ngài dùng giấy làm áo lót, và cũng mặc cả lá. Ngài không đến với vị thầy nào khác ngoài Tuyết Phong. Tuy nhiên ngài đã đủ năng lực để thừa hưởng đạo của thầy.

Sau khi đắc đạo, ngài nói với người, “Toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là duy nhất một viên ngọc sáng.” Rồi có một nhà sư hỏi, “Tôi nghe sư có một lời nói rằng toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là một viên ngọc sáng ¬¬– một học trò hiểu cái ấy thế nào ?” Thiền sư nói, “Toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là một viên ngọc sáng – nó có dính dáng gì đến chuyện hiểu ?” Ngày hôm sau thiền sư hỏi nhà sư, “Toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là một viên ngọc sáng – ông hiểu nó thế nào ?” Nhà sư trả lời, “Toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là một viên ngọc sáng – nó có dính dáng gì đến chuyện hiểu ?” Thiền sư nói, “Ta biết ông tìm kế sinh nhai trong một hang quỷ trong núi tối đen.”(2)

Lời nói này, toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là một viên ngọc sáng, bắt đầu với Huyền Sa. Thông điệp căn bản là toàn thể vũ trụ thì không lớn, không nhỏ, không tròn hay vuông, không quân bình và chính đúng, không sống động và linh hoạt, không di dời. Hơn nữa, nó không sanh và tử, đến và đi, nó là sanh và tử, đến và đi. Như thế, đi vào quá khứ từ đây, bây giờ nó đến từ đây. Nghiên cứu triệt để người ta phải thấy suốt qua nó như là không trọng lượng, người ta phải tìm ra nó là nhất tâm.

Tất cả mười phương là sự không ngừng đuổi theo sự vật như là tự ngã, đuổi theo tự ngã như là sự vật. Thành ngữ “khi xúc tình sanh khởi thì trí huệ bị cách ngăn” thì cách ngăn nghĩa là xoay đầu, thay đổi khuôn mặt, đó là biết đến những sự kiện, gặp gỡ hoàn cảnh. Bởi vì đuổi theo tự ngã như là sự vật, đó là tất cả mười phương không dứt. Bởi vì nó là nguyên lý phôi thai, tượng hình, nên có sự dư dả trong việc làm chủ trục cốt của tác dụng.

Là một viên ngọc sáng, dù chưa là một cái tên, là sự diễn đạt. Nó đến để nhận một cái tên. Về phần một viên ngọc sáng, nó thậm chí mười ngàn năm ; vì nó trải qua thời thái cổ, nhưng chưa dứt, nó trải qua thời hiện tại, lại đã đến. Dù có cái hiện tại của thân và hiện tại của tâm, nó là một viên ngọc sáng. Nó không phải là cỏ và cây của ở đây và ngay tại, không phải là núi và sông của trời và đất – nó là một viên ngọc sáng.

Một học trò hiểu cái ấy thế nào ? Về câu nói này, mặc dù có vẻ nhà sư đang nằm trong thức, nó là đại dụng biểu lộ là một đại phép tắc. Tiến tới, người ta cần đề cao một thước nước, một thước sóng.(3) Đây là cái gọi là mười thước ngọc, mười thước sáng. Để diễn đạt điều muốn nói, Huyền Sa nói, “Toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là một viên ngọc sáng – nó có dính dáng gì đến chuyện hiểu ?” Câu nói này là một diễn đạt của chư Phật truyền cho chư Phật, chư Tổ truyền cho chư Tổ, Huyền Sa truyền cho Huyền Sa. Khi cố gắng trốn thoát sự trao truyền này, dù không phải không có chỗ để trốn thoát, thậm chí người ta có rõ ràng trốn thoát được một lúc, bao giờ sự diễn bày này khởi lên, nó bao trùm cả thời gian ấy.

Ngày hôm sau Huyền Sa hỏi nhà sư, “Toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là một viên ngọc sáng – ông hiểu nó thế nào ?” Điều này nói, hôm qua tôi đã nói một nguyên lý xác định ; hôm nay, dùng một lớp thứ hai, ngài lộ năng lực(4) – hôm nay tôi nói nguyên lý bất định – ngài xô ngã hôm qua, gật đầu và cười. Nhà sư nói, “Toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là một viên ngọc sáng – nó có dính dáng gì đến chuyện hiểu ?” Chúng ta có thể gọi điều này là cưỡi con ngựa của tên trộm để rượt theo tên trộm. Trong một giải thích xưa cổ của Phật cho các ông, nó là làm việc giữa các loại hình tướng khác nhau.(5) Các ông nên hồi quang phản chiếu một lúc – có bao nhiêu cấp độ của nó có dính dáng gì đến chuyện hiểu ? Cố gắng nói, dù người ta có thể nói nó là bảy bánh sữa, năm bánh bột, đây vẫn là lời dạy và thực hành của nam Sở, bắc Tần.(6)

Huyền Sa nói, “Ta biết ông tìm kế sinh nhai trong một hang quỷ trong núi tối đen.” Hãy biết rằng khuôn mặt mặt trời, khuôn mặt mặt trăng(7) không hề thay đổi từ sơ thủy. Khuôn mặt mặt trời xuất hiện cùng với khuôn mặt mặt trăng, và khuôn mặt mặt trăng xuất hiện cùng với khuôn mặt mặt trăng. Thế nên nếu tháng sáu ông nói chỉ mới đúng thời, thì ông không thể nói bản tánh của ông hoàn toàn hiển lộ.(8) Bởi thế từ vô thủy viên ngọc sáng này không có điểm quy chiếu – nó là toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là một viên ngọc sáng. Ngài không nói hai hay ba – toàn thân (của viên ngọc) là một con mắt độc nhất của chân lý, toàn thân là hiện thân của thực tại, toàn thân là một câu, toàn thân là ánh sáng, toàn thân là toàn thân. Khi đang là toàn thân, toàn thân không chướng ngại – nó hoàn toàn tròn, nó lăn tròn bằng phẳng. Bởi vì những phẩm tính của viên ngọc sáng biểu lộ như vậy, có Quan Âm và Di Lạc của hiện tại thấy sắc và nghe thanh, có chư Phật cũ và chư Phật mới hiện thân thuyết pháp. Vào chính lúc đó, dù treo trên trời, hay ở trong áo người ta, hay ở dưới hàm, hay trong búi tóc, trường hợp nào nó cũng là toàn thể thế giới trong tất cả mười phương là một viên ngọc sáng.

Mắc nó vào trong áo được xem là đạo (con đường, cách) – chớ nói các ông treo nó ở ngoài. Mắc nó trong búi tóc hay dưới hàm được xem là đạo – chớ cố gắng chưng diện nó ra ngoài búi tóc hay hàm. Có một người bạn thân thiết cho các ông viên ngọc khi các ông say rượu – viên ngọc nên được cho một người bạn thân thiết. Vào lúc viên ngọc được đeo, người ta luôn luôn say rượu. Đang là như vậy là một viên ngọc sáng nó là toàn thể thế giới trong mười phương. Cái đang là này, dù nó có vẻ thay đổi những khuôn mặt, quay hay không quay, nó vẫn là một viên ngọc sáng. Nó biết chính xác rằng viên ngọc vốn xưa nay bản thân là viên ngọc sáng như vậy. Viên ngọc sáng có sắc và thanh nghe ra như vậy. Vốn như vậy, nhưng càng lo rằng mình không phải là viên ngọc sáng, người ta sẽ nghi ngờ rằng nó không phải là viên ngọc. Lo âu và nghi ngờ, lấy và bỏ, làm và không làm, tất cả đều là cái thấy tạm thời của lượng nhỏ hẹp. Thú vị là nó không phải vậy – những vẻ vang và ánh sáng của viên ngọc sáng là vô hạn. Mỗi lóe sáng, mỗi tia sáng, mỗi lộng lẫy, mỗi ánh sáng là một phẩm tính của toàn thể thế giới trong tất cả mười phương. Ai có thể lấy chúng đi được ? Không có ai liệng một tấm ngói ngoài chợ.(9) Chớ phiền hà về không rơi vào hay không mê mờ(10) nhân quả của những hiện hữu thế gian – viên ngọc sáng bổn nguyên không vết mờ hoàn toàn chân thật là khuôn mặt ; viên ngọc sáng là mắt.

Tuy nhiên, với cả tôi và các ông, việc nghĩ đến mọi sự và không nghĩ đến sự nào đều không biết cái gì là viên ngọc sáng và cái gì không phải là viên ngọc sáng. Đó chỉ là việc gom cỏ khô cho thêm một chút ánh sáng. Nhưng nếu chúng ta, nhờ câu nói của Huyền Sa, cũng đã nghe, đã biết, đã hiểu thân và tâm là viên ngọc sáng giống như cái gì, tâm không phải là tự ngã, có ai để chúng ta phải lo toan lấy bỏ thành và hoại là viên ngọc sáng hay không phải là viên ngọc sáng ? Mà dù chúng ta có nghi ngờ và lo toan, điều đó cũng không thể làm cho nó không phải là viên ngọc sáng. Bởi vì có hành động gì, tư tưởng gì gây ra bởi cái gì, thì hành động, tư tưởng đó vẫn là viên ngọc sáng, sự kiện đơn giản là những bước tới và những bước lui trong hang quỷ nơi hang núi tối đen chỉ là một viên ngọc sáng.

Chú thích

1. Ý nghĩa bao hàm trong điều này là thực tại thì toàn khắp.

2. “Hang quỷ trong núi tối đen” thường được dùng trong Thiền để ám chỉ sự chìm đắm trong tĩnh lặng, định không có hình tướng, “không biết”. Nó cũng được gọi là rơi vào trong tánh không một chiều hay tánh không hư vô. Đây là sự thường dùng để ám chỉ thiền định ; nó cũng được dùng để ám chỉ sự bám chấp vào những ý niệm cứng đọng, rập khuôn.

3. “Nước” chỉ cho tinh túy, tánh không, bản thể ; “sóng” chỉ những đặc tính, những hình tướng, những hiện tượng. “Một thước nước, một thước sóng” ám chỉ sự hòa nhập hoàn hảo trong chứng ngộ của tánh không và hiện hữu.

4. “Lộ năng lực” hay “biểu lộ sự sống” thường ám chỉ tác dụng sinh động hay tính mềm dẻo, không kẹt trong một vị trí hay sự sáo rỗng.

5. “Làm việc giữa các loại hình tướng khác nhau” (dị loại trung hành) là một từ kỹ thuật trong phái Tào Động gốc Trung Hoa và thường có nghĩa hành động trong thế giới trong bất kỳ hình tướng thích hợp nào. Tào Sơn, vị khai tổ của Tào Động, viết, “Sự đồng hóa của Bồ tát với những loại hình khác nhau nghĩa là trước hết hiểu chính mình, rồi sau đó đi vào những loại khác nhau trong sanh tử để cứu giúp những người khác ; đã chứng ngộ niết bàn, họ không bỏ sanh linh trong sanh tử – tự giúp mình và những người khác, họ phát nguyện rằng tất cả sanh linh sẽ đạt đến Phật quả.” Tào Sơn bàn luận nhiều loại hay khía cạnh của “làm việc giữa các loại hình tướng khác nhau”, nhưng tổng quát “các loại khác nhau” nghĩa là thế giới của sai biệt, mọi loại hình tướng và trạng thái khác nhau.

6. “Bảy bánh sữa, năm bánh bột” nghĩa là “mọi sự”, và “nam Sở, bắc Tần”, nghĩa là “khắp nơi” (Bích Nham Lục, tắc 18). Mọi sự là “viên ngọc sáng”, mọi sự khắp nơi là như vậy – những sự hiểu hay diễn tả có chỗ dùng của chúng, nhưng bản chất là manh mún và không nắm được cái toàn thể. Tuy nhiên bởi vì nguyên lý này trải rộng cho tất cả mọi đặc thù, như triết lý Hoa Nghiêm nhấn mạnh, một là tất cả và tất cả là một. Trong nhãn quan của Thiền, bất kỳ sự vật đặc thù nào cũng có thể dùng để tiêu biểu cho tất cả cái đang là.

7. Bích Nham Lục, tắc 3.

8. Một vị thầy thời xưa nói, “Mỗi ngày đều là ngày tốt.” Bích Nham Lục, tắc 6.

9. “Liệng một tấm ngói” để lấy về một mảnh ngọc bích có nghĩa là cho cái ít lấy cái nhiều. Có lần một người viết hai dòng thơ trong một ngôi chùa nơi một thi sĩ lừng danh thường đến, cho thi sĩ phải làm cho trọn bài. Những dòng thơ thi sĩ thêm vào là tuyệt hảo, và người viết hai câu đầu được nói là liệng một tấm ngói để lấy một mảnh ngọc.

10. Trong một chuyện Thiền nổi tiếng, một cụ già nói với thiền sư Bách Trượng rằng ông xưa kia là một vị thầy, nhưng khi một học trò hỏi người tu hành thiền định cao thì có rơi vào lãnh vực nhân quả không, ông bác bỏ nó – nghĩa là nói, không rơi vào nhân quả – và trở thành một con “chồn hoang”. Rồi ông lão đặt cùng câu hỏi với Bách Trượng ngài trả lời người tu hành cao “không mê mờ nhân quả”.


Hoa Giữa Không Trung
(Kuge, Không hoa)

Tiểu luận này đậm màu giáo thuyết Hoa Nghiêm về sự tương dung tương nhập của thực tại và như huyễn. Thực tại, trong thuật ngữ Hoa Nghiêm, có nghĩa sự tương thuộc của tất cả mọi sự vật, nó cũng là “tánh không” của bản thân những sự vật. Trong tiểu luận này nhấn mạnh đặc biệt vào sự chống lại những khuynh hướng hư vô đoạn diệt trong sự giải thích về tánh không và như huyễn : đây là một chủ đề thường được lập lại của Đạo Nguyên.

Điểm nhấn mạnh này được tổng kết trong sự lật ngược của Đạo Nguyên tiêu điểm của một thành ngữ truyền thống, “những hoa đốm giữa không trung”. Từ này ám chỉ đến cái như huyễn hay không thực ; nhưng thay vì nó có một nghĩa tiêu cực theo quy ước, Đạo Nguyên dùng nó ở đây theo một cách tích cực. Nghĩa là, thay vì xem như huyễn như là cái gì cần tiêu diệt, thì Đạo Nguyên chỉ ra rằng tất cả là huyễn, và ‘không có tự tánh’ trong nghĩa này thì đồng nhất với thực tại tuyệt đối.

Điều này giống như nói rằng tất cả hiện hữu là tương đối và bởi thế không có những cái tuyệt đối, thế nên để chứng ngộ tánh không thì không cần phải tiêu diệt hiện hữu. Thật ra, chính ý tưởng tiêu diệt đã xem hiện hữu như cái gì tự nó là thật, do đó nó là ảo tưởng trong ảo tưởng. Đạo Nguyên chỉ ra rằng không chỉ những sự vật thế gian là “hoa đốm giữa hư không”, mà chính những giáo lý Phật giáo cũng như vậy. Điều này có thể nói là một điểm đột phá của Phật giáo Đại thừa, như nhà đại biện chứng Long Thọ đã nêu rõ một ngàn năm trước.

Tiểu luận được bắt đầu với một câu nổi tiếng được cho là của Bồ Đề Đạt Ma, người sáng lập Thiền ở Trung Hoa : “Một hoa nở năm cánh, kết quả tự nhiên thành.” “Năm cánh” là năm nhà (phái) của Thiền Trung Hoa. Đạo Nguyên chỉ ra những nhà này là những phương diện nhiều mặt của một “đóa hoa”, trong khi “một hoa” là sự bộc lộ của những phương diện khác nhau ấy. Ở chỗ khác trong Chánh Pháp Nhãn Tạng, Đạo Nguyên nhấn mạnh rằng năm phái Thiền không nên được nghĩ là tiêu biểu cho những phân chia hay những dị biệt căn bản, và Phật giáo cần được xem không phải theo một lối chia chẻ, bộ phái, mà như một toàn thể bao gồm nhiều mặt khác biệt. Quan niệm về Phật giáo như một toàn thể thống nhất mà khác biệt, khác biệt mà thống nhất cũng là đặc trưng của ý niệm “một thừa” trong những giáo lý Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Cũng như Hoa Nghiêm, ở đây Đạo Nguyên trong phần mở đầu của mình nhấn mạnh vào thực hành, tượng trưng bởi cái hoa, tự nhiên mang “quả” của sự chứng ngộ. Ẩn dụ hoa và những cánh cũng có thể mở rộng để ám chỉ cái nhất thể và đa thù của tất cả hiện tượng.

Tiếp theo Đạo Nguyên đưa ra biểu tượng cổ điển về hoa udumbara (ưu đàm). Đây là một bông hoa nở một lần trong ba ngàn năm, một biểu tượng dành cho đức Phật. Đạo Nguyên trích một câu nói cổ rằng hoa ưu đàm nở trong “lửa”, gợi ý Phật tánh được chứng ngộ trong thế gian. Sự nhấn mạnh này về bất nhị, về sự tu hành và chứng ngộ Phật tánh không ở đâu ngoài cuộc sống này, cũng là đặc trưng của Đạo Nguyên ; ngài đẩy sự lý luận này đi xa để làm rõ sự tương thuộc của tánh giác và hiện hữu, và sự đồng nhất của Phật và bản thân hiện hữu (sanh tử).

Sau đó tiểu luận tiến đến chủ đề chính của nó, sự hợp nhất của hiện hữu và tánh không. Từ “không trung”, “hư không” trong thành ngữ “hoa giữa không trung” trong tiếng Hoa-Nhật cùng nghĩa với từ Phật giáo “tánh không”, thế nên thành ngữ này có thể được đọc theo tiếng Hoa là “những hoa trống không”, hay “những hoa của tánh không”, “hoa đốm”. Đạo Nguyên nhấn mạnh rằng mọi sự không trừ cái gì đều là “hoa đốm giữa hư không”. Hoa đốm giữa hư không, câu nói theo truyền thống, là do bệnh cườm hay những che chướng trong mắt ở đây được trình bày một cách tích cực, với “đục thủy tinh thể” được sử dụng để ám chỉ lòng bi, hay không tịch diệt, sự chấp nhận và công nhận đời sống như nó là. Sự giải thích tích cực này về “bệnh” cũng là đặc trưng của kinh Duy Ma Cật, trong đó “bệnh” tiêu biểu lòng bi của bậc trí và con người thích ứng trong thế gian. Như cuốn kinh ấy, tiểu luận này của Đạo Nguyên nhằm cắt đứt quan niệm niết bàn là cái gì đối lập với đời sống thường tục.
 

Hoa Đốm Giữa Hư Không

Vị sáng lập Thiền nói, “Một hoa nở năm cánh, kết quả tự nhiên thành.”

Người ta cần nghiên cứu thời gian nở hoa này, cũng như ánh sáng và màu sắc của nó. Sự đa thù của một bông hoa là năm cánh, sự nở ra năm cánh là một bông hoa. Một hoa này đến từ Ta vốn đến đất này, truyền pháp cứu mê tình. Ánh sáng và màu sắc phải tìm trong sự tham cứu bằng thiền định này. Kết quả là cho đến khi các ông thành quả – đây gọi là tự nhiên thành. Tự nhiên thành nghĩa là trau dồi nhân và kinh nghiệm quả. Có nguyên nhân trong lãnh vực kinh nghiệm thông thường, có kết quả trong lãnh vực thông thường. Tu hành nguyên nhân và kết quả này trong lãnh vực kinh nghiệm thông thường, người ta kinh nghiệm nguyên nhân và kết quả trong lãnh vực thông thường. Tự là cái ngã, cái ngã chính là ông – nghĩa là bốn đại và năm uẩn. Bởi vì có thể dùng con người chân thật không có vị trí (vô vị chân nhân), nó không phải là tôi, nó không phải là ai ; bởi thế không cưỡng bách gọi là tự nhiên. Nhiên là cho phép. Tự nhiên thành là thời gian nở hoa và thành quả, đó là thời gian truyền pháp cứu mê tình.

Chẳng hạn, giống như thời gian và nơi chốn của hoa ưu đàm là nở hoa trong lửa, trải qua trong lửa. Xuyên vào lửa và ở trong lửa là nơi chốn và thời gian của sự nở hoa ưu đàm. Nếu không phải thời gian và nơi chốn của hoa ưu đàm, một tia lửa cũng không có, không có dù chỉ một tia lửa của đời sống. Hãy biết rằng trong một tia lửa là trăm ngàn hoa ưu đàm, nở trong không trung, nở trên đất, nở trong quá khứ, nở trong hiện tại. Thấy biết thời gian và nơi chốn xuất hiện của lửa là thấy biết hoa ưu đàm. Chúng ta chớ bỏ qua không thấy biết thời và nơi của hoa ưu đàm.

Cổ nhân nói, Hoa ưu đàm nở trong lửa. Thế thì hoa ưu đàm luôn luôn nở trong lửa. Nếu các ông muốn biết lửa, thì đó là nơi hoa ưu đàm nở. Các ông chớ nên, do bám chấp vào những quan kiến của trời, người, mà không học về “trong lửa”. Nếu các ông nghi ngờ nó, các ông cũng sẽ nghi ngờ hoa sen lớn lên trong nước ; các ông sẽ nghi ngờ có hoa nở trên cành. Nếu các ông phải nghi ngờ, thì nên nghi ngờ cơ cấu của thế giới vật chất. Dù thế, các ông chớ nghi ngờ.

Nếu người ta không là Phật, Tổ, người ta không biết khi một bông hoa nở thế giới hiện thành. Một bông hoa nở là trước ba ba, sau ba ba.(1) Để hoàn thành con số thành viên này, tất cả được tập hợp lại và làm cho vĩ đại. Nhờ nguyên lý này, người ta có thể biết lượng của mùa xuân và mùa thu.

Nhưng không phải có hoa và quả trong mùa xuân và mùa thu ; hữu thời(2) luôn luôn có hoa và quả. Hoa và quả cùng giữ gìn thời gian và mùa, thời gian và mùa cùng giữ gìn hoa và quả. Vì lý do này trăm cây(3) đều có hoa và quả, tất cả cây đều có hoa và quả. Cây vàng, bạc, đồng, sắt, san hô và ngọc đều có hoa và quả ; cây đất, nước, lửa, gió và không gian đều có hoa và quả. Những cây người có hoa, những hoa người có hoa, cây khô(4) có hoa.

Trong những thứ ấy, có hoa đốm giữa hư không mà đức Phật đã nói. Tuy nhiên, người ít học và ít quán chiếu thì không biết màu sắc, sự lộng lẫy, lá và hoa của những hoa giữa hư không giống như gì – họ chỉ nghe về chúng như là những hoa không hề có. Hãy biết rằng trong Phật đạo có nói về hoa giữa hư không – người ngoài cuộc còn không biết có việc nói về hoa giữa hư không, huống gì là hiểu sự việc đó. Chỉ có chư Phật, chư Tổ mới biết sự nở hoa và rơi rụng của hoa trời và hoa đất, và vân vân, và biết hoa trời, hoa đất, hoa thế gian và vân vân là những kinh điển. Đây là lời khuyên nhủ để học Phật. Bởi vì cái mà chư Phật, chư Tổ cưỡi lên là hoa giữa hư không, những thế giới của chư Phật cũng như những lời dạy của chư Phật thật ra là hoa giữa hư không.

Tuy nhiên, người bình thường kém trí nghĩ rằng Phật nói những con mắt bệnh cườm thì thấy hoa giữa không trung nghĩa là những con mắt bệnh cườm ám chỉ những con mắt méo mó của chúng sanh ; họ lý giải rằng bởi vì mắt bệnh bị méo mó, chúng thấy hoa đốm giữa không trung trong trẻo. Do bám chấp vào lý luận này, họ nghĩ sai rằng nó nghĩa là thấy là thật có ba cõi, sáu đường, và chư Phật, tất cả vốn đều không có. Họ chấp vào ý tưởng điều này nói rằng nếu bệnh cườm gây ra mê lầm mà mất đi, những hoa đốm giữa hư không này sẽ không còn thấy nữa, và như vậy vốn không có hoa trong hư không. Tội nghiệp cho những người như vậy, họ không biết thời gian và mùa và tiến trình của những hoa giữa hư không đức Phật đã nói. Nguyên lý đục thủy tinh thể, hoa giữa hư không chư Phật đã nói còn chưa rõ ràng với người bình thường và người ngoại cuộc. Chư Phật, những bậc giác ngộ, trau dồi, nuôi dưỡng những hoa giữa hư không này, do đó mà có y, tòa ngồi và phòng,(5) đạt giác ngộ, chứng quả. Cầm một bông hoa đưa lên và nháy mắt(6) là trường hợp công khai nơi đó bệnh cườm trong mắt, hoa giữa hư không biểu lộ. Kho tàng của con mắt của chánh pháp (Chánh Pháp Nhãn Tạng), tâm bất khả thuyết của niết bàn, được truyền không sai mảy ly cho đến hôm nay không cách hở, được gọi là bệnh cườm trong mắt, hoa giữa hư không. Giác ngộ, niết bàn, pháp thân, bản tánh và v.v… là một vài cánh hoa của sự mở ra năm cánh của những hoa giữa không trung.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói, “Như người mắt cườm thấy những hoa trong hư không : khi phiền não của bệnh cườm hết, những hoa tan biến trong hư không.”

Tuy nhiên còn chưa có một học giả nào đã hiểu lời tuyên bố này. Bởi vì họ không biết hư không, họ không biết hoa giữa hư không. Bởi vì họ không biết hoa giữa hư không, họ không biết người có bệnh cườm ; họ không thấy người có bệnh cườm, không gặp người có bệnh cườm, không là người có bệnh cườm. Người ta cần phải gặp người có bệnh cườm, biết hư không và cũng thấy hoa giữa hư không. Sau khi thấy hoa giữa hư không, người ta cũng cần thấy hoa tàn giữa hư không. Nghĩ rằng một khi hoa giữa hư không dừng dứt chúng sẽ không còn hiện hữu là cái thấy của một người tiểu thừa. Nếu hoa giữa hư không không được thấy nữa, chúng sẽ là cái gì ? (Những người với cái thấy của tiểu thừa) chỉ biết hoa trong hư không như là cái gì phải từ bỏ, và không biết chuyện vĩ đại sau hoa giữa hư không – họ không biết sự trồng, sự chín và sự rơi rụng của hoa giữa hư không.

Những học giả bình thường ngày nay nghĩ rằng nơi năng lượng mặt trời trú ngụ là bầu trời, là hư không, rằng mặt trời, mặt trăng, các hành tinh và sao được treo giữa hư không, và do đó họ nghĩ rằng nói hoa giữa hư không có nghĩa là sự xuất hiện của những hình sắc giống như những đám mây trôi nổi trong bầu trời trong sáng này, những hoa bay đây đó trong gió. Họ không hiểu rằng bốn đại tạo ra và được tạo ra, tất cả những hiện tượng của thế giới vật chất, cũng như giác ngộ nền tảng, bản tánh nền tảng v.v… được gọi là hoa giữa hư không. Họ cũng không biết rằng bốn đại tạo tác và v.v… hiện hữu nhờ những hiện tượng ; họ không biết rằng thế giới vật chất vẫn ở trong trạng thái bình thường của nó là nhờ những hiện tượng. Họ chỉ thấy những hiện tượng như là hiện hữu nhờ vào thế giới vật chất. Họ chỉ thấu hiểu rằng có những hoa trong hư không là do mắt cườm ; họ không thấu hiểu nguyên lý rằng mắt cườm được hiện hữu là do những hoa trong hư không. Hãy biết rằng người với bệnh cườm mà Phật đã nói là người vốn giác ngộ, người giác ngộ bất khả thuyết, người của chư Phật, người của ba cõi, người vượt khỏi Phật. Chớ mê mờ mà cho rằng bệnh cườm là những yếu tố mê lầm và như vậy mà học như thể có cái gì khác là thật – đấy sẽ là một cái thấy nhỏ. Nếu những hoa bệnh cườm (hoa đốm) là huyễn, thì tác nhân và hành động bám chấp vào chúng một cách sai lầm như là huyễn cũng phải là huyễn. Nếu tất cả chúng đều là huyễn, thì không thể có lý luận. Nếu không có lý luận được thiết lập, sự kiện những hoa bệnh cườm (hoa đốm) là huyễn không thể chỉ là như vậy.

Tới mức mà giác ngộ là một bệnh cườm, vô vàn yếu tố của giác ngộ là tất cả những yếu tố của một phô bày huy hoàng của bệnh cườm, vô vàn yếu tố của mê lầm là tất cả những yếu tố của một phô bày hùng vĩ của bệnh cườm. Bấy giờ chúng ta nói rằng bởi vì mắt bệnh cườm là bình đẳng, hoa giữa hư không là bình đẳng ; bởi vì mắt bệnh cườm là vô sanh(7) hoa giữa hư không là vô sanh. Bởi vì mọi sự vật là những tướng (đặc tính) của thực tại, những hoa bệnh cườm là những tướng của thực tại. Nó không phải là một vấn đề của quá khứ, hiện tại và vị lai, không phải là một vấn đề của bắt đầu, chặng giữa và chấm dứt – bởi vì chúng không bị ngăn chặn bởi sanh và diệt, chúng có thể làm cho sanh và diệt được sanh và được diệt. Chúng phát sanh trong hư không và tan mất trong hư không, phát sanh trong bệnh cườm và tan mất trong bệnh cườm, phát sanh trong những hoa và tan mất trong những hoa. Tất cả những thời gian khác và chỗ khác cũng như vậy.

Học về hoa trong hư không chắc chắn có nhiều cấp bậc. Có cái được thấy bởi đôi mắt bệnh cườm, có cái được thấy bởi đôi mắt trong sáng, có cái được thấy bởi đôi mắt của chư Phật, có cái được thấy bởi đôi mắt của chư Tổ, có cái được thấy bởi con mắt đạo, có cái được thấy bởi đôi mắt mù. Có cái được thấy cho ba ngàn năm, có cái được thấy cho tám trăm năm.(8) Có cái được thấy cho một trăm kiếp, có cái được thấy cho vô lượng kiếp. Tuy những cái này đều đang thấy hoa giữa hư không, nhưng bởi vì hư không có nhiều loại, hoa cũng là nhiều thứ.

Các ông cần biết rằng hư không là một cái cây. Hư không này không khỏi nở hoa, như tất cả cây đều nở hoa. Như một diễn đạt nguyên lý này, Phật nói vốn không có hoa trong hư không. Dù vốn không có hoa, vậy mà sự kiện bây giờ có hoa, những trái đào và mận là như vậy, và những trái mơ và liễu cũng là như vậy – đó giống như nói những cây đào hôm qua đã không có hoa – những cây đào mùa xuân đang có hoa. Khi mùa đến, hoa nở – nó phải là thời của hoa, nó phải là sự đến của hoa. Thời điểm chính xác của sự đến của hoa này không hề tùy tiện. Hoa mơ hoa liễu luôn luôn nở trên cây mơ cây liễu – khi các ông thấy hoa các ông biết chúng là cây mơ hay cây liễu ; thấy cây mơ và cây liễu các ông có thể nói hoa gì. Hoa đào hoa mận không hề nở trên cây mơ cây liễu – hoa mơ hoa liễu nở trên cây mơ cây liễu, hoa đào hoa mận nở trên cây đào cây mận.

Sự nở của những hoa trong hư không cũng giống như thế – chúng không nở trên những cây khác. Nhìn màu sắc của hoa trong hư không, người ta ước định sự không tận của trái trong hư không. Thấy sự nở và rụng của hoa trong hư không, người ta cần học mùa xuân và mùa thu của hoa giữa hư không. Mùa xuân của những hoa giữa hư không và mùa xuân của những hoa khác phải bình đẳng. Như những hoa giữa hư không là khác nhau, thời gian của mùa xuân cũng phải như vậy. Vì lý do này có mùa xuân và mùa thu của mọi thời. Học rằng những hoa trong hư không thì không thực nhưng những hoa khác thì thực, đó là không hiểu gì lời Phật dạy. Nghe nói vốn không có hoa trong hư không, nếu người ta cho vậy có nghĩa là hoa trong hư không vốn xưa kia không hiện hữu mà bây giờ hiện hữu, đó là suy nghĩ nông cạn và quan kiến nhỏ hẹp – người ta phải tiếp tục suy nghĩ theo một cách mở rộng hơn. Một vị Tổ đã nói, “Hoa chưa từng sanh.” Sự bày tỏ của thông điệp này là, chẳng hạn, nguyên lý : những hoa chưa từng sanh và chưa từng diệt ; những hoa chưa từng là hoa, hư không chưa từng là hư không. Không nên có sự tối nghĩa về hiện hữu hay không hiện hữu làm mờ rối bối cảnh của thời gian của những hoa. Như hoa luôn luôn có những màu sắc : những màu sắc không nhất thiết giới hạn nơi hoa, và những thời gian cũng có những màu sắc như lục, vàng, đỏ và trắng. Xuân làm hoa nở, hoa làm nở xuân.

Một học giả nào đó (tú tài Trương Chuyết) là một đệ tử cư sĩ của thiền sư Thạch Sương. Ông làm một bài kệ về sự ngộ đạo như thế này :

Quang minh lặng chiếu khắp vô biên

Ánh sáng này làm biểu lộ một cách mới mẻ phòng tăng, chánh điện, nhà ăn và cổng tam quan. Khắp vô biên là sự biểu lộ của ánh sáng, nó là ánh sáng của biểu lộ.

Tất cả sinh linh, người thường người trí, là gia đình tôi

Không phải là không có người dân thường và người trí – nhưng chớ vu khống người dân thường và người trí vì họ là người như vậy.

Duy chỉ một tư tưởng không sanh, toàn thể hiện bày

Mỗi tư tưởng là một cá thể ; nó chắc chắn là vô sanh.(9) Đây là toàn thể cái đang là, biểu lộ toàn thể. Bởi thế ông diễn đạt cái này là một tư tưởng duy nhất vô sanh.

Ngay khi sáu căn vừa động, chúng bị mây che mờ

Dù sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, chúng không nhất thiết phải là hai lần ba – chúng phải là ba ba, trước và sau đều ba ba. Động thì như núi Tu Di, nó giống đất, nó giống như sáu căn, nó giống như chúng vừa động. Bởi vì động giống như núi Tu Di, không động cũng giống như núi Tu Di. Chẳng hạn, nó làm mây làm mưa.

Đoạn trừ phiền não càng thêm bệnh

Không phải trước kia không có bệnh. Có bệnh của Phật, bệnh của chư Tổ. Không biết bệnh là gì mà muốn trừ bệnh là cái bệnh tăng gấp đôi. Ngay lúc đoạn trừ, hẳn đó là phiền não, là bệnh. Biết phiền não và trừ phiền não là đồng thời, là không đồng thời. Sự kiện là những phiền não luôn luôn chứa đựng cách thức đoạn trừ chúng.

Nhắm đến cái như vậy (tánh như) cũng là lầm

Lìa khỏi cái như vậy là sai lầm, nhắm đến cái như vậy cũng sai lầm. Như vậy là sự nhắm đến và lìa khỏi. Trong mỗi sự nhắm đến và lìa khỏi, chính là cái như vậy. Ai có biết sự sai lầm này cũng là cái như vậy !

Đi theo với những điều kiện của thế giới, không chướng ngại

Những điều kiện của thế giới đi theo với những điều kiện của thế giới, đi theo là một điều kiện của thế giới khi đi theo – đây gọi là không chướng ngại. Về phần chướng ngại và không chướng ngại, người ta phải học khi bị chướng ngại bởi con mắt.(10)

Niết bàn và sanh tử là những hoa giữa hư không 

Niết bàn là giác ngộ hoàn hảo vô thượng ; chỗ an trụ nghỉ ngơi của chư Phật, chư Tổ cũng như của những đệ tử chư Phật, chư Tổ là đây. Sanh tử là phần chủ yếu đích thực của con người. Dù niết bàn sanh tử là những là những cái ấy, chúng là hoa giữa hư không. Những rễ và mầm, cành và lá, hoa và trái, vẻ đẹp và sắc màu của hoa trong hư không đều là sự nở hoa của hoa trong hư không. Hoa hư không cũng sanh ra trái hư không và cho ra hạt giống hư không. Bởi vì thế giới ba cõi chúng ta đang tri giác đây là năm cánh nở của hoa giữa hư không, nó không tốt đẹp bằng thế giới ba cõi đang thấy thế giới ba cõi. Đây là thật tướng của tất cả mọi sự. Đây là tướng hoa của tất cả mọi sự. Mọi sự, rốt ráo không thể dò, là những hoa và quả giữa hư không. Các ông cần học chúng như là bình đẳng với những đào, mận, mơ, liễu.

Thiền sư Reikun, ban đầu đến thiền sư Kisō, hỏi rằng, “Cái gì là Phật ?“ Kisō nói, “Nếu ta nói cho ông, ông có tin không ?” Reikun nói, “Sao con dám không tin những lời chân thật của vị thầy ?” Kisō nói, “Ông là nó.” Reikun nói, “Làm sao con có thể giữ gìn nó ?” Kisō nói, “Khi có chỉ chút cườm trong mắt, hoa trong hư không rơi loạn xạ.”

Lời nói này của Kisō, “khi có chỉ chút cườm trong mắt, hoa trong hư không rơi loạn xạ”, là một giải bày giữ gìn, hộ trì Phật như thế nào. Bởi thế, hãy biết rằng rơi loạn xạ của hoa đốm là sự biểu lộ của Phật. Những hoa và trái trong hư không-con mắt là sự giữ gìn của chư Phật. Do bệnh cườm con mắt được biểu lộ ; khi biểu lộ hoa giữa hư không trong con mắt, nó biểu lộ con mắt trong hoa đốm giữa hư không. Theo đó, khi có những hoa hư không trong mắt, một bệnh cườm rơi loạn xạ, và khi một con mắt ở trong hư không, vô số bệnh cườm rơi loạn xạ. Vì thế, những bệnh cườm cũng là sự biểu lộ của toàn cơ, con mắt cũng là sự biểu lộ của toàn cơ, hư không cũng là sự biểu lộ của toàn cơ, những hoa cũng là sự biểu lộ của toàn cơ. Rơi loạn xạ là một ngàn con mắt, nó là những con mắt khắp cả thân.(11) Trong bất cứ thời gian nào và chỗ nào có một con mắt, thì không tránh khỏi có những hoa giữa hư không, có những hoa trong con mắt. Những hoa trong con mắt được gọi là những hoa trong hư không – sự biểu hiện của những hoa trong con mắt phải rỗng rang và trong sáng.

Thiền sư Kōshō nói, “Thật kỳ diệu ! Chư Phật mười phương vốn là những hoa trong mắt. Nếu bạn muốn biết những hoa trong mắt, chúng vốn là chư Phật mười phương. Nếu bạn muốn biết chư Phật mười phương, các ngài không phải là những hoa trong mắt ; nếu bạn muốn biết những hoa trong mắt, chúng không phải là chư Phật mười phương. Nếu bạn hiểu điều này, lỗi lầm là nơi chư Phật mười phương. Nếu bạn không hiểu, một đệ tử lại nhảy múa, một người tự-thức tỉnh lại giả vờ trang điểm.”

Các ông cần biết rằng không phải chư Phật mười phương là không thật – các ngài vốn là những hoa trong mắt. Chỗ trú của chư Phật mười phương là ở trong con mắt. Nếu không phải ở trong con mắt thì không phải là chỗ trú của chư Phật. Những hoa trong con mắt là không phải không hiện hữu, không phải hiện hữu, không phải không, không phải có – bản thân chúng là chư Phật mười phương.

Bây giờ nếu các ông chỉ muốn biết chư Phật mười phương, nó không phải là những hoa trong con mắt, và nếu các ông chỉ muốn biết những hoa trong con mắt, nó không phải là chư Phật mười phương – nó là như vậy đấy. Bởi vì nó là như vậy, hiểu và không hiểu cả hai đều là những hoa trong con mắt, đều là chư Phật mười phương. Muốn biết và không phải là là sự kỳ diệu của biểu lộ, là một kỳ diệu vĩ đại. Giáo lý hoa hư không (hoa trời) và hoa đất được chư Phật và chư Tổ nói như vậy là một chớp lóe đặc sắc. Thậm chí dù những vị thầy của kinh và luận có nghe đến tên hoa trong hư không, thì khi trở lại nhịp đập đời sống của những hoa đất vẫn không ai có cách gì, trừ chư Phật và chư Tổ đã thấy hay nghe chúng. Hiểu biết nhịp đập đời sống của những hoa đất được giữ trong những lời nói của chư Phật, chư Tổ.

Thiền sư Huệ Triệt khi có nhà sư hỏi, “Cái gì là viên ngọc trong núi ?” Cốt lõi của câu hỏi này là như khi hỏi, chẳng hạn, Phật là gì, Đạo là gì. Vị thầy trả lời, “Hoa hư không khởi lên từ đất ; toàn cả nước không có cách gì mua.” Câu nói này hoàn toàn không nên xem ngang với những câu khác. Thường khi các thiền sư nói về hoa giữa hư không, các vị chỉ nói chúng phát sanh trong hư không và rồi tan biến trong hư không. Còn không có ai biết từ hư không là sao, huống chi từ đất – chỉ có Huệ Triệt biết. “Từ đất” ‘là bắt đầu, chặng giữa và chấm dứt’ rốt ráo là từ đất. Khởi lên nghĩa là nở hoa. Chính ngay lúc này, chúng khởi lên từ toàn thể đất, chúng nở hoa từ toàn thể đất. Toàn cả nước không có cách gì mua không có nghĩa toàn cả nước không mua, nhưng mà không có cách để mua. Có những hoa không khởi lên từ đất, có toàn thể đất nở hoa từ những hoa. Bởi thế hãy biết rằng hoa giữa hư không có nghĩa khiến cho cả đất và trời nở hoa.

Chú thích

1. “Trước ba ba, sau ba ba” – xem Bích Nham Lục tắc 35. Thiền sư Bạch Ẩn nói, “Nếu ông muốn biết cái này là bao nhiêu, ông phải biết số sao của đêm qua, số giọt của cơn mưa sáng nay.” Có thể được xem như ám chỉ toàn thể tính của kinh nghiệm, khác biệt theo hình sắc, đặc tính, nhưng bình đẳng trong tinh túy.

2. Hữu Thời : xem chương Hữu Thời ở sau.

3. “Trăm cây” nghĩa là mọi vật.

4. “Cây khô” ám chỉ sự hết đam mê, hết vọng tưởng. Vị tổ của Đạo Nguyên nói đến Thiền như “những hoa nở trên một cây khô”, hay ở trong thế giới nhưng không thuộc về thế giới.

5. “Y, tòa ngồi và phòng”, một thành ngữ từ kinh Pháp Hoa : “y” của chư Phật là sự hòa giải và khoan dung ; “tòa ngồi” của chư Phật là tánh không của tất cả sự vật ; “phòng” của chư Phật là lòng bi cho tất cả chúng sanh.

6. Truyền thuyết Thiền về sự bắt đầu trao truyền là một lần giữa chúng hội, Phật Thích Ca Mâu Ni không nói gì mà chỉ cầm một bông sen đưa lên và nháy mắt – không ai hiểu ngoại trừ đại đệ tử là Ma Ha Ca Diếp, ngài mỉm cười. Phật nói, “Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, nay trao cho Ma Ha Ca Diếp.”

7. “Vô sanh” thường có nghĩa là “không” theo nghĩa không có tự tánh ; theo đó, nó cũng ám chỉ ý niệm vô thủy, vô chung, tương quan lẫn nhau không thể tách rời của tất cả hiện tượng.

8. “Tám trăm” và “ba ngàn” là một cặp số thường dùng trong nói chuyện để ám chỉ vô số không xác định.

9. Nghĩa “vô sanh” ở đây có nghĩa mỗi khoảnh khắc là độc nhất ; từ quan điểm khoảnh khắc, xem xét tự thân khoảnh khắc, thì không có trước hay sau trong bản thân khoảnh khắc hiện tại.

10. “Chướng ngại” ở đây là hiện hữu ; bị chướng ngại bởi con mắt nghĩa là kinh nghiệm qua con mắt.

11. Xem Hải Ấn Đại Định, chú thích 9.


Hải Ấn Đại Định
(Kai-in zammai)

“Hải ấn đại định”, hay như đôi khi được dịch, “định phản chiếu trong đại dương”, là định từ đó kinh Hoa Nghiêm khởi lên, phát hiện một cách thình lình quang cảnh bao la của sự giác ngộ của Phật. Luận Tham Thiền Trở Về Nguồn, một tác phẩm tông Hoa Nghiêm được thông dụng trong các phái Thiền Trung Hoa, nói, “Hải Ấn là tánh giác nền tảng của Chân Như. Khi vọng tưởng chấm dứt, tâm trong sáng và vô số hình tướng đồng thời xuất hiện. Nó giống như đại dương : do gió mà có sóng khởi ; nếu gió dừng nước đại dương lặng sáng, và mọi hình ảnh phản chiếu trong đó.” Như thế, nói theo phương diện tâm, hải ấn đại định ám chỉ tánh giác bình đẳng và khắp cả.

Cuốn thứ hai mươi lăm của kinh Ratnakūta nói, “Như mọi dòng suối chảy vào đại dương, tất cả mọi hiện tượng đi vào ấn của những hiện tượng, như vậy có tên ấn đại dương.” “Ấn của những hiện tượng”, hay “pháp ấn”, ám chỉ ba pháp ấn của Phật giáo. Cuốn thứ hai mươi hai của Luận Đại Trí Độ nói, “Pháp ấn của Phật giáo có ba : thứ nhất, tất cả mọi sự vật hợp tạo sanh ra và diệt mất trong từng khoảnh khắc, tất cả đều vô thường ; thứ hai, mọi sự vật đều vô ngã ; thứ ba là niết bàn vắng lặng.” Cuốn thứ hai mươi của luận ấy nói, “Nếu người ta nghĩ theo một cách phân biệt, đây là mạng lưới của ác ma ; không chuyển động và không trụ trong cách ấy là ấn của pháp.”

Trong tiểu luận này Đạo Nguyên giới thiệu vào hải ấn đại định bằng một đoạn trong kinh Duy Ma Cật và ngữ lục của đại thiền sư Mã Tổ. Theo Mã Tổ, Đạo Nguyên trích kinh theo cách này : “Chỉ bởi sự hợp tạo của nhiều yếu tố hiện tượng mà thân này được tạo thành. Vào lúc nó sanh khởi, chỉ có những yếu tố sanh khởi ; vào lúc nó tan biến, chỉ có những yếu tố tan biến.” Chiến lược phân tích thành những yếu tố là một sách lược Phật giáo để giải tan ý niệm cá thể nội tại của thân (và tâm) như là một cái ngã hay nhân vật ; nó cũng chống lại ý niệm cá thể nội tại của bất kỳ sắc tướng hợp tạo nào. Cùng lúc, trong sự áp dụng rộng lớn của nó, đoạn này ám chỉ đến “thân” của vũ trụ như là một hợp thể độc nhất hay một liên kết những yếu tố, một quan điểm đặc trưng của Hoa Nghiêm. Như Đạo Nguyên làm cho rõ ở sau, cái thấy này về toàn thể liên kết chính là hải ấn đại định.

Kinh mà Đạo Nguyên đã trích còn tiếp tục nói rằng những yếu tố không loan báo sự sanh khởi và biến mất của chúng. Điều này giống như nói rằng chúng không có tự tánh. Ý niệm những hiện tượng sanh và diệt dựa trên tư tưởng phân biệt. Theo Luận Đại Thừa Khởi Tín, phổ thông trong cả Thiền tông và Hoa Nghiêm tông, tỉnh giác có hai mặt : tỉnh giác của Chân Như và tỉnh giác của sanh tử. Mê lầm là bị giam nhốt trong cái sau, trong tư tưởng phân biệt, nó tách biệt những sự vật thành những thực thể biệt lập và như thế nó là một cách tri giác theo đường thẳng, liên tiếp, làm ra những bắt đầu và kết thúc. Nó là mê lầm khi nó được tin – ngấm ngầm hay công khai – rằng nó là tất cả hiện hữu, là cách độc nhất của sự thấy, là diễn tả chân thật của thực tại. Loại tỉnh giác này có bản chất hạn hẹp và loại trừ, tạo ra phân rẽ và xung đột. Để đặt nó vào một viễn cảnh rộng lớn hơn, tỉnh giác về Chân Như (cái như vậy, không có sự hào nhoáng của ý niệm) được trau dồi trong Phật giáo. Rốt ráo, giác ngộ bao gồm cả hai mặt, khiến người ta không bị bắt buộc lầm cho rằng tư tưởng và phân biệt phát hiện toàn thể thực tại, cũng không trở nên bất lực không thể có tri giác có trật tự và lý luận suy diễn.

Phần cuối của đoạn kinh này gợi ý phương pháp đạt đến tổng hợp này : “Khoảnh khắc trước, khoảnh khắc tiếp theo – mỗi khoảnh khắc tiếp nối không chờ đợi cái kế tiếp : yếu tố trước, yếu tố tiếp theo, những yếu tố không chờ đợi nhau. Đây gọi là hải ấn đại định.” Từ “khoảnh khắc” cũng có thể dịch là “tư tưởng” (chữ “niệm” trong tiếng Trung Hoa), và trong những bản văn Sanskrit từ “khoảnh khắc-tư tưởng” hay “khoảnh khắc tâm thức” thường được tìm thấy. Điểm chánh yếu là, như nó được áp dụng trong thiền định của Thiền, có vẻ là cái tỉnh giác về dòng những khoảnh khắc mà không bám níu, không dừng lại để trói buộc, đóng khung chúng thành những cơ cấu hay hình ảnh chấp chặt. Khi chú ý không bị vướng mắc hay trụ vào bất kỳ vật gì đặc trưng hóa một cách ý niệm, tỉnh giác toàn khắp vẫn nguyên là tự do và không bị chướng ngại, như thế dòng những sự kiện phản chiếu rõ ràng và thanh thản trong đó. Trong phần sau của tiểu luận Đạo Nguyên tiếp tục nêu ra thêm những trích dẫn và ám chỉ từ những kinh điển và ngữ lục để khai triển những minh giải về tánh giác và những cách thức củng cố thiền định để đạt đến cái thức về toàn thể tức thời.
 

Hải Ấn Đại Định

Để là chư Phật chư Tổ, cần thiết phải là hải ấn đại định. Bơi lội trong đại định này, có một thời để thuyết pháp, có một thời để kinh nghiệm, một thời để hành động. Công đức dạo chơi trên đại dương bao hàm việc dạo chơi cho đến đáy ; sự dạo chơi trên đại dương này là dạo chơi đến đáy sâu nhất của đại dương. Hy vọng chuyển sự trôi nổi trên những sóng của sanh tử trở lại về nguồn không phải là “cái này là hành động gì của tâm thức ?”(1) Tuy vậy vượt qua những hàng rào chắn và phá tan những chia cắt từ trước đến giờ vốn là việc của chư Phật, chư Tổ, đây là hải ấn đại định trở lại nguồn cội.

Đức Phật nói rằng thân này được tạo chỉ bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố. Vào lúc nó khởi, chỉ là các yếu tố sanh khởi ; khi nó diệt, chỉ những yếu tố diệt. Vào lúc những yếu tố này sanh khởi, chúng không nói “tôi sanh khởi”, vào lúc những yếu tố này diệt, chúng không nói “tôi diệt mất”. Khoảnh khắc trước, khoảnh khắc tiếp theo – mỗi khoảnh khắc tiếp nối không chờ đợi cái kế tiếp : yếu tố trước, yếu tố tiếp theo, những yếu tố không chờ đợi nhau. Đây gọi là hải ấn đại định.

Người ta cần khảo sát và thiền định về lời dạy này của Phật trong chi tiết. Đạt đạo và đi vào chứng ngộ không nhất thiết dựa vào học nhiều hay nói nhiều. Học rộng vẫn còn kẹt trong bốn câu,(2) thì nghiên cứu triệt để vô số giáo lý chỉ để sau cùng đi vào chứng ngộ trong chỉ một dòng hay một câu kệ. Câu nói này còn hơn thế biết bao nhiêu – nó không phải là tìm kiếm bản giác trong tương lai, nó cũng không nuôi dưỡng thủy giác trong chứng ngộ.(3)

Thời của cái gọi là định phản chiếu trong đại dương chính xác là thời của chỉ bởi nhiều yếu tố. Nó là sự diễn đạt của chỉ bởi nhiều yếu tố. Thời này được gọi là kết hợp thành thân này. Cái hình sắc đơn lẻ được kết hợp bởi nhiều yếu tố là cái thân này. Đấy không phải là xem thân là một hình sắc được kết hợp – nó là một kết hợp của nhiều yếu tố ; nó được diễn đạt là sự kết hợp để làm thân này thành thân này.

Khi nó sanh khởi, chỉ có những yếu tố sanh khởi – cái những yếu tố sanh khởi này không bao giờ để lại sự sanh khởi : bởi thế sanh khởi không phải là tỉnh giác nhận thức, không phải là hiểu biết hay tri giác – đây gọi là “chúng không nói tôi sanh khởi”.(4) Trong “không nói tôi sanh khởi”, đó không phải là những cái khác tri giác hay nhận thức, suy nghĩ hay nhận rõ rằng những yếu tố ấy sanh khởi. Thật vậy, khi gặp gỡ một cách siêu xuất, không có việc mất thời cơ trong gặp gỡ. Sanh khởi chắc hẳn là sự xảy đến của thời gian, bởi vì thời gian là sanh khởi. Cái gì đang sanh khởi ? Nó phải là “đã sanh khởi”. Cái đã sanh khởi này nó là thời gian, khiến da, thịt, xương và tủy đều được phát lộ riêng một mình. Bởi vì sanh khởi là sự sanh khởi của tạo thành bởi kết hợp, chính chỉ bởi nhiều yếu tố này nó là cái thân này của sự sanh khởi, nó là “tôi sanh khởi” của sự sanh khởi. Đó không phải chỉ là thấy và nghe nó như âm thanh và hình sắc ; nó là nhiều yếu tố của “tôi sanh khởi”, nó là cái “tôi sanh khởi” không được nói ra. Không nói ra không phải là không diễn đạt, bởi vì diễn đạt thì không phải là việc nói. Thời gian của sanh khởi là những yếu tố này, nó không phải là hai mươi bốn giờ. Những yếu tố này là thời gian của sanh khởi, không phải sự sanh khởi đồng thời của ba cõi.

Thời xưa đức Phật nói, “Đột nhiên lửa sanh khởi.” Sự độc lập của sanh khởi này được diễn đạt là lửa sanh khởi. Một bậc giác ngộ thời cổ nói, “Như thế nào khi sanh khởi và diệt mất không dừng lại.”(5) Thế nên sự khởi diệt này không ngừng, như chúng ta khởi, chúng ta diệt. Nhận xét về không dừng này cần được hiểu một cách tích cực bằng cách để cho nó trở lại với chính nó. Nó khiến cho cái thời gian khi khởi và diệt không dừng này diệt dứt và tiếp tục như là nhịp đập đời sống của các bậc giác ngộ. Khi khởi và diệt không ngừng là khởi và diệt của ai ? Khởi và diệt của ai là dành cho những người có thể được giải thoát bằng thân này…, nó là bấy giờ biểu lộ thân này…, nó là… và chỉ dạy họ,(6) nó là tâm quá khứ bất khả đắc,(7) nó là người đã đạt đến tủy ta, nó là người đã đạt đến xương ta(8) – bởi vì nó là khởi và diệt của ai.

“Khi những yếu tố này diệt mất, chúng không nói ‘tôi diệt mất’ ” – thật vậy, thời gian của việc chúng không nói tôi diệt mất là khi những yếu tố này diệt mất. Diệt mất là sự diệt mất của những yếu tố ; dù nó đang diệt, nó phải là những yếu tố. Bởi vì chúng là những yếu tố, chúng không phải là những phiền não nhiễm ô ngẫu phát ; bởi vì chúng không phải là những phiền não nhiễm ô ngẫu phát, chúng không nhiễm ô. Chính cái không nhiễm ô này là chư Phật và chư Tổ. Các ông cũng là như vậy, một vị Tổ nói – kẻ nào không phải là các ông ? Điều này bởi vì khoảnh khắc trước và khoảnh khắc tiếp theo đều là Tôi. Trong sự diệt mất này phô bày nhiều tay nhiều mắt(9) – được ám chỉ như là “đại niết bàn vô thượng”, “đây gọi là chết”, “tịch diệt”, “là chỗ an trụ”. Thế nghĩa là, nhiều tay mắt như vậy là những phẩm tính của diệt mất.(10) Không nói ‘tôi’ vào lúc diệt, không nói ‘tôi’ vào lúc khởi, đó là không sanh không diệt.

Nó là sự diệt của những yếu tố trước, nó là sự diệt của những yếu tố tiếp theo, nó là khoảnh khắc trước của những yếu tố, nó là khoảnh khắc tiếp theo của những yếu tố. Chúng là những yếu tố trước và tiếp theo những yếu tố khoảnh khắc, chúng là những khoảnh khắc trước và tiếp theo của những yếu tố. Không chờ đợi nhau là những yếu tố khoảnh khắc, không liên hệ lẫn nhau là những yếu tố. Chúng không liên hệ lẫn nhau và không chờ đợi lẫn nhau chỉ là sự diễn đạt tám mươi hay chín mươi phần trăm. Có sự buông bỏ và có sự nắm lấy làm cho bốn đại và năm uẩn của sự tịch diệt biến thành những tay và mắt. Có sự tiến bộ và có sự gặp gỡ làm cho bốn đại và năm uẩn thành con đường. Vào lúc này khắp suốt thân là những tay và mắt, nhưng còn chưa đủ(11) ; toàn thân là những tay và mắt, nhưng còn chưa đủ.(11)

Nói chung, tịch diệt là một phẩm tính của chư Phật và chư Tổ. Về phần bây giờ có nhận xét về sự không liên hệ và không chờ đợi, hãy biết rằng sanh khởi là sanh khởi trong bắt đầu, chặng giữa và chấm dứt ; đó là trường hợp chính thức công khai thì thậm chí một cây kim cũng không được nhận vào ; mà riêng tư kín đáo thì thậm chí một con ngựa và cỗ xe cũng có thể trót lọt.(12) Thế không phải là làm cho tịch diệt chờ đợi hay liên hệ với bắt đầu, chặng giữa và chấm dứt. Cho dù những yếu tố đột nhiên sanh khởi ở nơi tịch diệt, đó không phải là sự sanh khởi của cái tịch diệt, đó là sự sanh khởi của những yếu tố. Bởi vì nó là sự sanh khởi của những yếu tố, chúng không chờ đợi lẫn nhau. Nó cũng không liên hệ tịch diệt với tịch diệt. Tịch diệt cũng là tịch diệt của bắt đầu, chặng giữa và chấm dứt. Đó là trường hợp không sanh nó ra khi gặp gỡ, không phân biệt khi nó có mặt. Cho dù đột nhiên có tịch diệt nơi đã sanh khởi, đó không phải là sự tịch diệt của sanh khởi, đó là sự tịch diệt của những yếu tố. Dù nó có thể là cái đây là của tịch diệt, dù nó có thể là cái đây là của sanh khởi, nó chỉ là hải ấn đại định được gọi là trùng trùng vô tận yếu tố. Sự tu và chứng cái đây là không phải là không có, nó chỉ là cái không nhiễm ô này được gọi là hải ấn đại định. Đại định là sự hiện thực, nó là ban đêm khi người ta quày tay ra sau lưng đụng phải cái gối. Đụng phải cái gối vào ban đêm khi người ta đưa tay ra sau lưng không chỉ là hàng tỷ kiếp – đó là trường hợp trong đại dương tôi duy nhất khai diễn vĩnh cửu kinh Hoa Sen của Diệu Pháp.

Bởi vì nó không nói ‘tôi sanh khởi,’ nó là Tôi, trong đại dương. Mặt trước đang khai diễn một cách vĩnh cửu, nó là một làn sóng vừa động, vô số làn sóng theo ; mặt tiếp theo là kinh Hoa Sen của Diệu Pháp của vô số làn sóng vừa động, một làn sóng động theo.(13) Những “mặt trước và tiếp theo” là Tôi, trên một đại dương – đó giống như nói điểm trước và điểm tiếp theo. “Điểm trước và điểm tiếp theo” là đặt một cái đầu lên trên đầu. Trong đại dương thì không có người ; Tôi, trong đại dương thì không phải là chỗ ở của người trong thế giới, nó không phải là cái mà người trí ưa. Tôi một mình duy nhất trong đại dương – đây là sự diễn bày của duy nhất, vĩnh cửu. Đây là trong đại dương không phải là địa phận của ở giữa, ở trong hay ở ngoài : nó là vĩnh cửu khai diễn kinh Hoa Sen của Diệu Pháp. Dù nó không trụ ở đông, tây, nam hay bắc, nó là thuyền đầy trống không chở trăng về. Sự trở về chân thật này là trở về trực tiếp(14) – ai nói đây là hành động còn lần lữa trong nước ? Nó chỉ là biểu lộ cái thực trong Phật đạo, thế thôi. Cái này được xem là cái ấn đóng lên nước. Hơn nữa, chúng ta nói nó là cái ấn đóng lên bùn. Cái ấn đóng lên nước không hẳn là cái ấn đóng lên đại dương ; nó phải là cái ấn đóng lên đại dương một cách siêu việt. Đây gọi là ấn của đại dương, ấn của nước, ấn của bùn, ấn của tâm. Truyền đạt tâm ấn một cách thanh tịnh, nó đóng lên nước, đóng lên bùn, đóng lên hư không.(15)

Một nhà sư hỏi Tổ Tào Sơn, “Con biết trong kinh có nói đại dương không lưu giữ xác chết – cái gì là đại dương ?” Tào Sơn nói, “Nó chứa mọi cái hiện hữu.” Nhà sư nói, “Tại sao nó không lưu giữ xác chết ?” Tào Sơn nói, “Người không có hơi thở thì không dính mắc.” Nhà sư nói, “Bởi vì nó chứa mọi cái hiện hữu, tại sao người không có hơi thở thì không dính mắc ?” Tào Sơn nói, “Thực ra không phải vô số cái hiện hữu là không có hơi thở.”(16)

Tào Sơn này là huynh đệ của Vân Cư ; ở đây thông điệp cốt lõi của Tào Sơn thật là chính xác. Cái con biết trong kinh có nói ám chỉ lời dạy chân thật của Phật và chư Tổ ; đó không phải là những lời dạy của người phàm, người thánh, đó không phải là lời dạy nhỏ giáo truyền. Đại dương không chứa một xác chết – cái gọi là đại dương này thì không phải là một đại dương bên trong hay một đại dương bên ngoài, và không thể giống như tám biển. Nhưng cái ấy không phải là cái học trò hỏi. Người này chỉ nhận biết cái gì không phải là đại dương, nó không nhận biết cái gì là đại dương. Dù người ta cứ nói chúng là biển, nhưng chúng không được gọi là đại dương. Đại dương không nhất thiết là một vực sâu với nước mặn hay cái gì đó. Nhiều yếu tố phải kết hợp để tạo thành. Làm sao đại dương chỉ là nước sâu ? Vì lý do đó, hỏi đại dương là gì là nói đến đại dương bởi vì đại dương thì cả trời và người chưa biết đến. Về phần không chứa một xác chết, không chứa phải là khi ánh sáng đến, đánh ánh sáng ; khi bóng tối đến, đánh bóng tối.(17) Xác chết là tro hỏa táng ; nó là biết bao lần gặp gỡ mùa xuân mà không đổi tâm. Xác chết là cái gì chưa có ai từng thấy – đó là lý do không biết.

Câu nói của Tào Sơn nó chứa mọi cái hiện hữu nói đến đại dương. Sự diễn tả của thông điệp cốt lõi này không nói rằng một vật gì nó là người chứa mọi cái hiện hữu ; nó đang chứa mọi cái hiện hữu. Nó không nói rằng đại dương chứa mọi cái hiện hữu ; nói ‘nó chứa tất cả những cái hiện hữu’ chỉ đơn giản là đại dương. Dù không được biết như là một vật, trong lúc này nó là mọi cái hiện hữu. Khi chứa đựng, dù là một trái núi, nó không chỉ là đứng trên đỉnh cao nhất ; dù là nước, nó không chỉ là đi dưới đáy biển sâu nhất. Nắm lấy là phải giống cái này, buông bỏ là phải giống cái này. Đại dương của Phật tánh, đại dương của kho tàng Tỳ Lô Giá Na, chỉ là mọi cái hiện hữu.

Dù bề mặt của đại dương không thấy được, không có nghi ngờ gì về hành động bơi lội cùng với nó. Chẳng hạn trong sự phát biểu của Tafuku về một lùm tre, dù nếu đó là một nhánh thẳng, hai nhánh cong, ba nhánh bốn nhánh là đà,(18) dù nếu đó là hành động khiến mọi cái hiện hữu bị bỏ lỡ, tại sao ngài không nói nó là ngàn nhánh cong, vạn nhánh cong, tại sao ngài không nói ngàn lùm, vạn lùm ? Chúng ta chớ quên nguyên lý rằng chỉ duy nhất một lùm tre hiện hữu theo cách đó. Câu nói của Tào Sơn, nó chứa mọi cái hiện hữu thì vẫn là mọi cái hiện hữu.(19)

Về phần câu nói của nhà sư, Tại sao người không có hơi thở thì không dính mắc ? – khi nó là khuôn mặt của sự nghi ngờ sai lầm, nó phải là cái này là hành động gì của tâm thức ? Khi cho đến giờ tôi vẫn nghi ngờ người bạn này, thì chỉ gặp cho đến giờ tôi vẫn nghi ngờ người bạn này. Trong chỗ nào là tại sao người không có hơi thở thì không dính mắc, là tại sao nó không lưu giữ một xác chết. Ở đây chính xác là bởi vì nó chứa mọi cái hiện hữu, tại sao nó không lưu giữ một xác chết ? Chúng ta cần biết rằng chứa không phải là sự dính mắc ; chứa không phải là sự lưu giữ. Dù cho mọi cái hiện hữu là một xác chết, phải là vô số năm không lưu giữ. Nó phải là sự diễn đạt duy nhất của ông sư già này về không dính mắc. Điều Tào Sơn cố gắng nói với câu thực ra không phải vô số cái hiện hữu là không có hơi thở là dù mọi cái hiện hữu không có hơi thở hay không, người ta phải không dính mắc. Cho dù một xác chết là một xác chết, bao giờ có sự thực hành tương tự với học hỏi từ vô số cái hiện hữu, nó phải chứa, nó phải đang chứa. Tiến trình trước và tiến trình tiếp theo, chúng là mọi cái hiện hữu, có hiệu quả của chúng – điều này thì không phải không có hơi thở. Nó là cái được gọi là một người mù dẫn một nhóm người mù. Nguyên lý một người mù dẫn một nhóm người mù là, đúng ra, một người mù dẫn một người mù, một nhóm người mù dẫn một nhóm người mù. Khi một nhóm người mù dẫn một nhóm người mù, đó là cái chứa mọi cái hiện hữu thì được chứa bởi cái chứa mọi cái hiện hữu. Trong Đạo Lớn người ta tiếp tục du hành, nếu nó không là mọi cái hiện hữu, sự thực hành không thành hiện thực. Đây là hải ấn đại định.
 

Chú thích

1. “Cái này là hành động gì của tâm thức ?” là một thiền ngữ thường được dùng để hỏi tư tưởng hay hành động có vẻ hay thực sự tùy tiện ; hoặc nó được dùng để hỏi một ý định hay diễn đạt của tư tưởng hay hành động mà không có giả định trước.

2. “Bốn câu”, tứ cú là có, không, cả hai và không phải cả hai.

3. “Bản giác” là Phật tánh vốn có sẵn trong tất cả chúng sanh ; “thủy giác” là sự chứng ngộ bản tánh này. Trên sự chứng ngộ thủy giác này, sự phân biệt giữa bản giác và thủy giác biến mất.

4. “Những yếu tố sanh khởi không bao giờ để lại sự sanh khởi” – nghĩa là, mỗi khoảnh khắc là mới mẻ, sự trở nên là liên tục : “bởi thế sanh khởi không phải là tỉnh giác nhận thức, không phải là hiểu biết hay tri giác” – kinh nghiệm trực tiếp có tính chất “không để lại sự sanh khởi”, hay sự làm mới lại liên tục, không thể nói là tỉnh giác nhận thức, hiểu biết hay tri giác bởi vì những cái này là những cơ cấu dữ liệu sau sự kiện được nhớ lại từ khoảnh khắc trước của dòng đang chảy. Chúng cũng là sự chỉ bảo của nhị nguyên chủ thể-đối tượng, nó không có trong kinh nghiệm trực tiếp. Như thế sự không đồng hóa với những yếu tố sanh khởi ám chỉ kinh nghiệm tức thời không có sự ý niệm hóa hay đặt tên.

5. Một nhà sư hỏi Razan, “Như thế nào khi khởi và diệt không dừng ?” Razan nói, “Chậc ! Nó là sự khởi diệt của ai ?” (hay “Ai khởi và diệt ?”) (Thong Dong Lục, tắc 43).

6. Kinh Pháp Hoa về “Bậc Đầy Đủ Tất Cả Các Mặt” (Phổ Môn) nói sự hiện thân của lòng bi vũ trụ biểu lộ những thân như vậy cho người có thể giải thoát bởi những thân như vậy để giáo hóa họ. Trong một nghĩa tổng quát, “thực tại” xuất hiện sai khác tùy theo người tri giác. Thế nên Đạo Nguyên nói, “nó là khởi và diệt của ai” trong một nghĩa ám chỉ đến sự tương đối của người tri giác và cái được tri giác.

7. Kinh Kim Cương nói : “Tâm quá khứ bất khả đắc (không thể tìm thấy, không thể nắm lấy) ; tâm hiện tại bất khả đắc ; tâm vị lai bất khả đắc.” Câu hỏi “ai ?” thường được dùng trong thiền định của Thiền để tập trung sự chú ý theo một cách để dẫn đến kinh nghiệm thực tế “tâm không thể tìm thấy”. Sự chọn riêng “tâm quá khứ” ở đây hình như để hướng dẫn sự chú ý vào tánh giác tức thời.

8. “Ngươi đã đạt đến tủy ta, ngươi đã đạt đến xương ta” : theo truyền thuyết Thiền, khi sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma sắp từ giã Trung Hoa, ngài gọi bốn đệ tử đã ngộ và bảo họ phát biểu chỗ hiểu của họ theo từng người một. Khi bốn đệ tử đã phát biểu xong, để trả lời cho họ, Bồ Đề Đạt Ma nói với người thứ nhất, “Ngươi đã đạt đến da ta”, với người thứ hai, “Ngươi đã đạt đến thịt ta”, với người thứ ba, “Ngươi đã đạt đến xương ta”, và với người sau cùng, “Ngươi đã đạt đến tủy ta”. Từ da-thịt-xương-tủy thường được Đạo Nguyên dùng, với nghĩa toàn thể cái đang là, toàn thể kinh nghiệm hay chứng ngộ. Đạo Nguyên không xem chúng là bốn cấp độ hiểu.

9. Nhiều tay nhiều mắt, bồ tát của lòng bi, đức Quán Thế Âm có ngàn tay ngàn mắt để thấy và cứu chúng sanh. Tắc 89 của Bích Nham Lục, mà Đạo Nguyên nhắc lại trong tiểu luận này, cũng được cho là nói đến cái toàn thể : Vân Nham hỏi Đạo Ngô, “Bồ tát Đại Bi làm gì với nhiều tay nhiều mắt như thế ?” Đạo Ngô nói, “Giống như người ban đêm quày tay ra sau lưng đụng phải cái gối.” Vân Nham nói, “Con hiểu.” Đạo Ngô nói, “Thế nào ?” Vân Nham nói, “Tất cả thân là những tay và mắt.” Đạo Ngô nói, “Ngươi nói được một ít, nhưng chỉ tám mươi phần trăm.” Vân Nham nói, “Thầy nói sao ?” Đạo Ngô nói, “Khắp suốt thân là những tay và mắt.”

10. “Diệt mất” là một lời dùng để chỉ “tịch diệt” và niết bàn. Trong phần sau “tịch diệt” được dùng thay cho “diệt mất” để thích hợp hơn.

11. Thay vì “chưa đủ”, có một cách đọc khác là “không phải nó”. Những giải thích xúc cảm, hay bám chấp vào mặt hiện hữu, là không đúng. Xem bài kệ và bình giảng tắc 89 của Bích Nham Lục.

12. Điều này nghĩa là mọi sự hiện hữu một cách có điều kiện (“riêng tư”) trong khi không có gì hiện hữu một cách tuyệt đối (“chính thức”). Nó cũng có nghĩa trí huệ, thấy suốt qua mọi sự, không bám chấp cái gì, nhưng lòng bi có thể sử dụng bất kỳ phương tiện nào thích hợp cho giác ngộ.

13. Đoạn này có thể được giải thích theo cả hai giáo lý Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Theo triết học Hoa Nghiêm, sự tương quan và tương thuộc của mọi sự có nghĩa rằng cái một bao hàm cái nhiều và cái nhiều bao hàm cái một – thế nên, “khi một làn sóng động, vô số động theo ; khi vô số làn sóng động, một động theo”. Một giải thích khác là xem “một” trong nghĩa toàn thể : toàn thể cái một chứa đựng nhiều yếu tố, nhiều yếu tố làm thành cái một. Theo khuôn khổ này, phần đầu (vô số theo một) tiêu biểu giáo lý Hoa Nghiêm trong khi cái thứ hai (một theo vô số) tiêu biểu Pháp Hoa. Nghĩa là Hoa Nghiêm nhấn mạnh nhiều giáo lý khởi lên từ sự giác ngộ toàn khắp của Phật ; Pháp Hoa nhấn mạnh nhiều giáo lý dẫn vào sự giác ngộ toàn bộ của Phật.

14. Biên Niên của Hội Trường Trống Không, một tác phẩm Thiền của Tào Động Trung Hoa, nói trong tắc 17 : “Xoay ánh sáng của tỉnh giác để soi sáng bên trong, bạn trực tiếp trở về : rõ ràng đến nguồn tâm, không lấy hay bỏ”.

15. “Đóng dấu bùn, nước, hư không” : theo vị thầy Tào Động Tenkei Denson, “Dù chúng ta chia nó làm ba ấn theo tiềm năng con người lớn, vừa, nhỏ, thực sự Đạo Lớn có một ấn, không có cái nào khác cả. Nếu bạn đóng lên hư không, không có manh mối hay dấu vết ; nếu bạn đóng lên nước, có vẻ có manh mối ; nếu bạn đóng lên bùn, khuôn dấu hiện ra rõ ràng”. (Hekiganroku Kōgi)

16. Đoạn dịch này căn cứ trên một trích dẫn đã cắt bớt như nó xuất hiện trong một số bản văn của Chánh Pháp Nhãn Tạng. Đạo Nguyên dùng đoạn cắt bớt này là hình thức để gởi đến quan niệm không dính mắc không có nghĩa là hoại diệt. Cắt một trích dẫn để tạo ra một cái gì hoàn toàn khác với bản gốc là điều Đạo Nguyên thỉnh thoảng làm khi nó phù hợp với ý định của ngài.

17. Đoạn này ám chỉ xóa bỏ dính mắc vào sự sai khác và không sai khác, hiện hữu và không hiện hữu.

18. Một nhà sư hỏi Tafuku, “Cái gì là một lùm tre của Tafuku ?” Tafuku nói, “Một nhánh, hai nhánh là đà.” Nhà sư nói, “Tôi không hiểu.” Tafuku nói, “Ba nhánh, bốn nhánh cong cong.” (Truyền Đăng Lục, quyển 11.)

19. Đọc cách khác : thì vẫn là đại dương.


Hữu Thời
(Uji)

Tiểu luận này đã gây sự quan tâm cho hầu hết tác giả viết về Đạo Nguyên, trình bày điều có vẻ là ý tưởng độc đáo nhất của ngài : sự đồng nhất của hiện hữu (cái đang là) và thời gian. Điều này có thể biểu hiện bằng câu nói rằng thời gian là một tác nhân cần thiết cho mọi biểu lộ của hiện hữu. Nhưng Đạo Nguyên thì ít trừu tượng. Thật vậy, ở đây thời gian được thấy là cụ thể, hiện hữu đang là được thấy là cụ thể, và cả hai được thấy như không tách lìa trong cái cụ thể này.

Những định nghĩa bình thường về thời gian, được hiểu theo sự kéo dài của những đối vật hay những biến cố, hay như những khác biệt về tốc độ hay khoảng cách, đòi hỏi một bối cảnh cụ thể, thế nên ý niệm tính không tách lìa của hiện hữu và thời gian, có vẻ khá lạ khi được diễn tả như hiện hữu-thời gian, hữu-thời, thì vẫn không đặc biệt khó khăn với độc giả hiện đại. Hơn nữa, ý tưởng hữu thời của Đạo Nguyên có một mức độ giống nhau với quan niệm không gian-thời gian trong lý thuyết tương đối của vật lý học hiện đại. Trong không gian-thời gian, thời gian là chiều thứ tư, hay yếu tố hợp tác thứ tư, nhờ nó cùng với ba yếu tố hợp tác khác thuộc về không gian mà những biến cố được diễn tả.

Một khía cạnh của không gian-thời gian là chiều kích thời gian thì liên hệ với người quan sát. Trong tiểu luận này Đạo Nguyên cũng bày tỏ như thế nào thời gian có thể được thấy theo những cách khác nhau – chẳng hạn, “nó đi từ hôm nay đến ngày mai, và đi từ hôm nay đến hôm qua” như thế nào. Nghĩa là, từ quan điểm nhìn về trước hay nhìn lui, thời gian tiến bộ từ hiện tại vào tương lai, để cho cái hiện tại đang đi này lùi thành quá khứ. Đây là quan điểm thông thường về thời gian. Nhưng Đạo Nguyên tiếp tục nói, “Nó đi từ hôm qua đến hôm nay, nó đi từ hôm nay đến hôm nay, nó đi từ ngày mai đến ngày mai.” Sự đi của thời gian “từ hôm qua đến hôm nay” thì giống như sự đi của nó “từ hôm nay đến ngày mai” chỉ trừ nó nhắm đến tương lai của quá khứ thay vì tương lai của hiện tại. “Từ hôm nay đến hôm nay” ám chỉ hiện tại của hiện tại, mỗi ngày đi qua là “hôm nay” từ điểm quy chiếu của chính ngày hôm nay. “Từ ngày mai đến ngày mai” ám chỉ tương lai của tương lai, “ngày mai” như là “ngày kế tiếp” không bao giờ trở thành hôm nay, nhưng tiếp tục trở thành “ngày mai”.

Cái nhìn về tính tương đối của thời gian này, ¬một trong mười cái huyền diệu của Phật giáo Hoa Nghiêm, bao hàm ý niệm mọi sự trong mọi thời gian luôn luôn hiện hữu, theo những thời gian tương ứng của chúng – nghĩa là, bởi vì tính tương đối liên hệ lẫn nhau của chúng bao hàm tính tương đối của “thời gian” của chúng, chúng đều hiện hữu một lần mà không mất trật tự của những thời gian tương ứng của chúng. Quan điểm này về sự không ngăn ngại của thời gian đường thẳng và thời gian “toàn thể” được Đạo Nguyên trình bày khéo léo, và tiểu luận chứng tỏ như thế nào những biểu lộ đặc thù của hiện hữu không chỉ là những thời gian cá thể mà còn tham dự vào mạng toàn thể của sự biểu lộ toàn bộ của hiện hữu-thời gian (hữu thời). Như thế những sự vật và những chúng sanh có hữu thời tương ứng của chúng nhưng vẫn đồng thời chia xẻ với nhau trong hữu thời của tất cả hiện hữu.

Khi “hữu thời” là một trong những trình bày nổi bật và độc đáo nhất, nếu không nói là cái nổi bật độc đáo nhất, của tư tưởng Đạo Nguyên, một cái nhìn tổng quát toàn bộ công trình của ngài tỏ ra rằng ngài không lập ra khẩu hiệu này hay cố gắng kiến tạo một triết học về điểm này. Đúng ra, tiểu luận này về hữu thời là một diễn đạt khác linh hoạt và sáng suốt của Đạo Nguyên về chủ đề bao quát hơn : nhất thể của cái đang là, và sự trệch hướng của việc tìm kiếm hay suy nghĩ về giác ngộ ngoài cái ở đây và bây giờ.
 

Hữu Thời

Một vị cổ Phật đã nói, Vào một thời của hiện hữu, đứng trên chót đỉnh núi cao nhất ; vào một thời của hiện hữu, ba đầu và tám tay(1) ; vào một thời của hiện hữu, mười sáu tấc và tám tấc(2) ; vào một thời của hiện hữu, gậy và phất trần ; vào một thời của hiện hữu, trụ và đèn(3) ; vào một thời của hiện hữu, con người ở giữa ; vào một thời của hiện hữu, đất và trời.

Cái gọi là thời của hiện hữu nghĩa là thời gian vốn là cái đang hiện hữu ; tất cả cái đang hiện hữu là thời gian. Thân vàng cao mười sáu tấc là thời gian ; bởi vì nó là thời gian, nó có những trang hoàng và sự rạng rỡ của thời gian. Các ông cần tham cứu nó trong hai mươi bốn giờ của hiện tại. Ba đầu tám tay là thời gian ; bởi vì nó là thời gian, nó phải là một chân như trong hai mươi bốn tiếng của hiện tại. Bởi vì hướng và hành trình đến và đi của hai mươi bốn giờ là hiển nhiên, người ta không nghi ngờ về chúng – nhưng dù họ không nghi ngờ chúng, không phải là người ta biết chúng. Bởi vì sự nghi ngờ nhưng sự vật mà họ không biết thì không cố định, hành trình tương lai của sự nghi ngờ của họ không nhất thiết tương hợp với những nghi ngờ của họ trong hiện tại. Chính sự nghi ngờ tạm thời trong lúc này là thời gian.

‘Chính mình’ thì phô bày ra như toàn thể thế giới. Các ông cần nhận thức rằng mỗi điểm, mỗi vật của toàn thể thế giới này là một thời gian cá thể. Sự không ngăn ngại lẫn nhau của những sự vật thì giống như sự không ngăn ngại lẫn nhau của những thời gian. Vì lý do này có sự khởi lên của những tâm trong cùng một thời gian, có sự khởi lên của những thời gian trong cùng một tâm. Thực hành và giác ngộ thì cũng giống như vậy. Cái chính mình đang hiện bày, cái chính mình thấy điều này – nguyên lý cái chính mình là thời gian là như vậy.

Bởi vì nó là nguyên lý của cái đang là như vậy, có vô số sắc tướng, một trăm ngọn cỏ(4) trên toàn thể trái đất. Các ông cần học rằng mỗi ngọn cỏ đơn lẻ, mỗi sắc tướng đơn lẻ, là trên toàn thể trái đất. Đi và đến như vậy là điểm bắt đầu của tu hành. Khi người ta đến trạng thái chân như, nó là một ngọn cỏ, một sắc tướng ; nó là hiểu những sắc tướng tức không hiểu những sắc tướng, nó là hiểu những ngọn cỏ tức không hiểu những ngọn cỏ.(5) Bởi vì nó chỉ là ngay một thời gian như vậy, bởi thế hữu thời là tất cả toàn thể thời. Là lá cỏ và là sắc tướng cả hai đều là thời. Trong lúc thời của thời có toàn thể hiện hữu, toàn thể thế giới. Vừa khởi lên quán tưởng có toàn thể hiện hữu hay không, toàn thể thế giới tách lìa khỏi thời hiện tại.

Mặc dù vậy, khi người thường không học Phật pháp, những quan kiến họ có khiến cho khi họ nghe câu nói một thời của hiện hữu, họ nghĩ vào lúc nào đó người ta trở thành ba đầu tám tay, vào lúc nào đó người ta trở thành mười sáu tấc cao, tám tấc ngồi, như đã vượt qua những núi và những sông. Họ nghĩ, “Dù những núi và những sông này vẫn còn hiện hữu, tôi đã vượt qua chúng và bây giờ tôi đang ở trong tháp màu đỏ son của lâu đài bằng ngọc – những núi sông và tôi đang cách xa nhau như trời với đất.” Tuy nhiên sự thật không chỉ là lý luận một chiều mà thôi. Trong thời gian người ta leo những núi và vượt những sông, có chính mình. Phải có thời gian trong chính mình. Bởi vì cái chính mình hiện hữu, thời gian không thể rời bỏ. Nếu thời gian không phải là những hình tướng của đi và đến, thời gian của việc leo một ngọn núi là cái hiện tại tức thời của hữu thời. Nếu thời gian bảo tồn những hình tướng của đi và đến, bèn có trong chính mình cái hiện tại tức thời của hữu thời – đây là hữu thời. Có phải thời gian của sự leo những núi và vượt những sông nuốt trọn thời gian này của tháp màu đỏ son của lâu đài bằng ngọc ? Nó không phun ra chăng ?

Ba đầu tám tay là thời gian của hôm qua ; mười sáu tấc, tám tấc là thời gian của hôm nay. Tuy nhiên nguyên lý của hôm qua và hôm nay chính là thời gian khi đi thẳng vào những ngọn núi và nhìn lên qua khỏi nghìn đỉnh, vô số đỉnh – nó không phải là một cái gì qua đi. Ba đầu, tám tay cũng xuất lộ như hữu thời của chính mình ; mười sáu tấc, tám tấc cũng xuất lộ như hữu thời của chính mình. Dù nó có vẻ ở đâu khác, nó chính ngay bây giờ. Thế nên những cây thông cũng là thời gian ; tre cũng là thời gian.

Người ta chớ hiểu thời gian chỉ như bay xa ; người ta chớ có ý tưởng rằng bay xa là chức năng của thời gian. Nếu thời gian chỉ là bay đi, bấy giờ sẽ có những thiếu sót. Không nghe về đạo của hữu thời là vì chỉ học rằng nó đi qua. Nói ra điểm chính của việc này, mọi cái hiện hữu trong toàn thể thế giới, khi xếp thành hàng, đều là những thời gian cá thể. Bởi vì nó là hữu thời, nó là hữu thời của tôi.

Trong hữu thời có phẩm tính đi qua. Nghĩa là nó đi từ hôm nay đến ngày mai, nó đi từ hôm nay đến hôm qua, nó đi từ hôm qua đến hôm nay, nó đi từ hôm nay đến hôm nay, nó đi từ ngày mai đến ngày mai.

Bởi vì đi qua là một phẩm tính của thời gian, thời gian quá khứ và hiện tại không chất đống, không tập hợp theo một dãy – tuy nhiên Thanh Nguyên là thời gian, Bách Trượng cũng là thời gian, Mã Tổ và Thạch Đầu cũng là thời gian.(6) Bởi vì mình và người khác là thời gian, tu hành và chứng ngộ là thời gian. Đi vào trong bùn, đi vào trong nước(7) cũng là thời gian.

Dù những quan kiến hiện tại và những hoàn cảnh của những quan kiến của người bình thường là cái mà người bình thường biết, chúng không phải là địa vị thực sự của người bình thường. Chính địa vị thực sự mới nuôi dưỡng tạm thời người bình thường. Bởi vì cho là thời gian này, cái hiện hữu này, không phải là địa vị thực sự, họ xem thân vàng mười sáu tấc cao không phải là chính họ. Cố gắng trốn tránh bằng cách cho chính mình không phải là thân vàng mười sáu tấc cao cũng là chút mảnh của hữu thời ; đó là cái nhìn của những người còn chưa xác tín nó.(8)

Mọi vật trong thế giới, lên xuống, thăng trầm, xuất hiện và biến mất vẫn là tánh như an trụ trong địa vị thực sự chuẩn mực.(9) Tý là thời gian, dần cũng là thời gian.(10) Chúng sanh là thời gian. Chư Phật cũng là thời gian. Thời gian này làm chứng cho toàn thể thế giới với ba đầu và tám tay, nó làm chứng cho toàn thể thế giới với thân vàng mười sáu tấc cao.

Bây giờ làm tiêu hết những giới hạn của toàn thể thế giới nhờ bởi toàn thể thế giới thì được gọi là tham cứu triệt để. Hiện thực thân vàng mười sáu tấc nhờ bởi thân vàng mười sáu tấc như quyết định, tu hành, giác ngộ và niết bàn, là hiện hữu, là thời gian. Chỉ tham cứu triệt để tất cả thời gian là tất cả hiện hữu, thì không có gì còn sót lại. Bởi vì những cái còn lại là những cái còn lại, thậm chí hữu thời của tham cứu một nửa triệt để là tham cứu triệt để một nửa hữu thời.(11)

Những sắc tướng có vẻ lướt qua là đang hiện hữu. Hơn nữa, nếu các ông để cho như vậy, thì ngay trong thời kỳ biểu lộ của sự lướt qua, nó là sự an trụ trong địa vị của hữu thời. Chớ khuấy động nó như là không hiện hữu, chớ bám chấp nó như là hiện hữu. Chỉ quan niệm thời gian như là đi qua theo một mặt, người ta không hiểu nó như là còn chưa đến. Chỉ nhận biết nó như là đến và đi, không có cái túi da nào(12) thấy được nó triệt để như là hữu thời an trụ trong địa vị – huống gì làm sao có một thời gian đi qua rào cản ? Dù nhận biết an trụ trong địa vị, ai có thể nói ra sự bảo tồn của cái vốn là như vậy ? Họ có diễn nói dài dòng nó là như vậy, mọi người vẫn mò mẫm tìm kiếm hình tướng của khuôn mặt nó. Nếu chúng ta để cho cái đang là của người bình thường được là hữu thời như vậy, bấy giờ giác ngộ và niết bàn chỉ là hữu thời, trong đó chỉ là những hình tướng của đi và đến.

Tóm lại, nó không thể bị đánh bẫy hay giữ lại – nó là sự biểu lộ của hữu thời. Những vua trời và chúng sanh cõi trời biểu lộ trong những vùng bên phải bên trái là hữu thời, hiện đang sử dụng toàn thể sức mạnh của họ. Vô số hữu thời khác của nước và đất hiện đang biểu lộ toàn thể sức mạnh của chúngï. Những loài và sự vật khác nhau là hữu thời trong bóng tối và trong ánh sáng đều là sự biểu lộ toàn thể sức mạnh của chúng. Nếu chúng không là sự đi qua hiện thời của toàn thể sức mạnh, không có một sự vật nào trở nên biểu lộ, sẽ không có sự đi qua – các ông cần nghiên cứu nó theo cách này. Các ông không nên học về sự đi qua như gió và mưa đi đông đi tây. Toàn thể thế giới không phải là không hoạt động, nó không phải tiến bộ hay thụt lùi : nó là sự đi qua.

Đi qua thì giống như mùa xuân chẳng hạn : trong mùa xuân có nhiều xuất hiện hình tướng – đây gọi là đi qua. Các ông cần học rằng nó không phải đi qua bất cứ sự vật bên ngoài nào. Chẳng hạn sự đi qua của mùa xuân nhất thiết đi qua mùa xuân. Dù sự đi qua không phải là mùa xuân, bởi vì nó là sự đi qua của mùa xuân, sự đi qua đã hoàn thành Đạo trong thời gian này của mùa xuân. Các ông cần khảo sát triệt để bất cứ cái gì mà các ông đang làm. Nói đến sự đi qua, nếu các ông nghĩ rằng lãnh vực các đối tượng là ở bên ngoài và hiện tượng đi qua thì đi một triệu thế giới phương đông qua một tỷ kiếp, nghĩ như thế là các ông không hoàn toàn tập trung vào việc học Phật đạo.

Dược Sơn, theo lệnh của thiền sư Thạch Đầu, đến học với Mã Tổ. Ngài nói, “Về kinh điển Phật giáo, con hiểu khá nhiều thông điệp của nó – nhưng cái gì là nghĩa sống thực của Thiền ?” Mã Tổ trả lời, “Đôi khi ta có nó nhướng mày và chớp mắt. Đôi khi ta không có nó nhướng mày và chớp mắt. Đôi khi có nó nhướng mày và chớp mắt là cái đó. Đôi khi có nó nhướng mày và chớp mắt không phải là cái đó.” Nghe thế, Dược Sơn đại ngộ. Ngài nói với Mã Tổ, “Khi con ở với Thạch Đầu, con như con muỗi leo trên một con bò sắt.”

Điều Mã Tổ nói không giống như những người khác. Mày và mắt phải là những núi và những biển, bởi vì những núi và những biển là những mày và những mắt. Cái có nó nhướng phải thấy những núi, cái có nó chớp phải có nguồn gốc của nó trong biển. Cái đó bị quy định bởi nó, nó bị tác động bởi nhân quả.(13) Không phải là cái đó không phải là không có nó, không có nó không phải là không phải là cái đó. Những cái này đều là hữu thời. Những núi là thời gian, những biển cũng là thời gian. Nếu chúng không phải là thời gian, những núi và biển không thể có. Các ông chớ nghĩ không có thời gian trong hiện tại tức thời của những núi và những biển. Nếu thời gian tiêu tan những núi và biển cũng tiêu tan ; nếu thời gian là không thể hủy hoại, những núi và biển cũng không thể hủy hoại. Trên nguyên lý này sao mai xuất hiện, Phật xuất hiện, con mắt xuất hiện, sự đưa bông hoa lên xuất hiện. Đây là thời gian. Nếu nó không là thời gian, nó đã không như vậy.

Thiền sư Quy Tĩnh là hậu duệ của Lâm Tế và là người nối pháp của Thủ Sơn. Một lần ngài nói với đại chúng, “Đôi khi ý định đến nhưng sự bày tỏ không đến, đôi khi sự bày tỏ đến nhưng ý định không đến. Đôi khi ý định và sự bày tỏ cùng đến, đôi khi ý định và sự bày tỏ đều không đến.” Ý định và bày tỏ cả hai đều là hữu thời ; đến và không đến cả hai đều là hữu thời. Dù thời gian của đến là chưa trọn vẹn, nhưng thời gian của không đến đã tới. Đến thì không phải là đang tới ; không đến thì không phải là chưa tới. Đây là cách hữu thời hiện hữu. Đến bị ngăn ngại bởi đến, không bị ngăn ngại bởi không đến. Không đến bị ngăn ngại bởi không đến, không bị ngăn ngại bởi đến. Ý định ngăn ngại ý định và thấy ý định ; bày tỏ ngăn ngại bày tỏ và thấy bày tỏ. Ngăn ngại làm ngăn ngại sự ngăn ngại và thấy sự ngăn ngại. Ngăn ngại làm ngăn ngại sự ngăn ngại – đây là thời gian.(14) Dù ngăn ngại được dùng bởi những sự vật khác, không bao giờ có ngăn ngại nào ngăn ngại những sự vật khác.(15) Đó là mình gặp người khác, đó là người khác gặp người khác, đó là mình gặp mình, đó là đi ra gặp đi ra. Nếu những cái này không có thời gian chúng không là như vậy.

Cũng thế, ý định là thời gian của vấn đề trước mắt ; bày tỏ là thời gian của chìa khóa của siêu vượt. Đến là thời gian của toàn thân ; không đến là thời gian của làm một với cái này, tách lìa khỏi cái này. Theo cách này các ông cần hiểu đúng và hãy là hữu thời.

Dù những vị Tổ đã nhắc đến ở trước đều đã nói, không có gì để nói nữa ư ? Chúng ta có thể nói ý định và bày tỏ đến một nửa cũng là hữu thời ; ý định và bày tỏ không đến một nửa cũng là hữu thời. Cần học như thế này. Có nó nhướng mày và chớp mắt là một nửa của hữu thời ; có nó nhướng mày và chớp mắt là sai hữu thời. Không có nó nhướng mày và chớp mắt là một nửa hữu thời ; không có nó nhướng mày và chớp mắt là sai hữu thời.(16) Tham cứu như vậy, đến và đi, tham cứu đến và tham cứu không đến, là thời của hữu thời.
 

Chú thích

1. “Ba đầu và tám tay” là hình dạng của một a tu la. Tiêu biểu sự hung nộ.

2. Thân được lý tưởng hóa hay tôn vinh của Phật, tượng trưng sự phát triển cao hơn của nhân loại, được xem là mười sáu tấc khi đứng và tám tấc khi ngồi. (Để cho dễ nghe, bản tiếng Việt dùng chữ “tấc”, thật ra là foot, tức là 30,48 cm.)

3. “Gậy và phất trần”, “trụ và đèn”, thường được dùng trong Thiền ngữ để chỉ cho những đối tượng hay hiện tượng nói chung.

4. “Trăm ngọn cỏ” hay trăm cây, là một từ quy ước để chỉ tất cả sự vật hay tất cả sắc tướng.

5. “Hiểu” và “không hiểu” ám chỉ theo thứ tự lãnh vực của những hiện tượng và lãnh vực của bản thể hay tánh không. Làm rõ, làm sắc nét cái hiểu tương đối đồng thời tỉnh giác tính không thể nghĩ bàn tối hậu của hiện hữu là một nghệ thuật của Thiền.

6. Thanh Nguyên, Bách Trượng, Mã Tổ và Thạch Đầu là những thiền sư nổi tiếng của thế kỷ thứ tám và thứ chín.

7. “Đi vào trong bùn và nước” là một thành ngữ tiêu chuẩn để chỉ sự đi vào thế giới, thường dùng nói đến người đã siêu vượt thế gian, rồi sẵn sàng hành động trong thế gian vì một mục tiêu giáo hóa.

8. Lâm tế nói, “Trong đống thịt trần trụi này là con người chân thật không vị trí hay thứ bậc, luôn luôn vào ra qua các giác quan. Người nào chưa xác tín nó, hãy nhìn !”

9. “An trụ trong địa vị thực sự chuẩn mực”, hay an trụ trong trạng thái thường, là một câu từ kinh Pháp Hoa mà Đạo Nguyên thường dùng : “thị pháp trụ pháp vị”. Thực ra nó có nghĩa tánh không tối hậu hay hiện hữu không điều kiện không phủ định hiện hữu tương đối.

10. Tý, dần, hai giờ theo lịch pháp Hoa-Nhật.

11. “Những cái còn lại là những cái còn lại” ý ám chỉ bản thể và hiện tượng theo cá thể riêng biệt của chúng như hai phương diện khác nhau của toàn thể duyên sanh tương thuộc. Tham cứu một nửa triệt để là tham cứu hoặc bản thể hay hiện tượng, tham cứu triệt để một trong hai cái là tham cứu một nửa hữu thời, vì hữu thời là toàn thể bản thể và hiện tượng.

12. “Túi da” là con người thể xác.

13. Nghĩa sống động của Thiền (“nó”) như là hữu thời thì bị điều kiện hóa trong khi biểu lộ bởi con người : con người được biểu lộ theo nghiệp. Như vậy đoạn này có thể xem có nghĩa là dù tinh túy của Thiền ở trong mỗi người, sự thể hiện hay chứng ngộ nó, tùy thuộc vào sự tu hành của con người.

14. Ở đây “ngăn ngại” có nghĩa là ở trong một hữu thời đặc thù ; do đó nói rằng những trạng thái hay sự vật “ngăn ngại” chính chúng, theo nghĩa sự hiện hữu bên trong của chúng, những hữu thời riêng từng cái.

15. Cái hiện hữu trong hữu thời riêng biệt cũng được định nghĩa (“được dùng bởi”) những sự vật khác theo tính tương đối liên hệ : tuy nhiên trong một hữu thời cá thể không ngăn cản hữu thời của cái nào khác.

16. Tánh không và hiện hữu tương đối là mỗi “một nửa” – nếu có sự bám chấp một mặt vào tánh không (“không nhướng mày”) hay hiện hữu (“nhướng mày”), đây là sai.


Tám Tỉnh Giác của bậc Đại Nhân
(Hachidaininkaku)

Rốt ráo, Phật giáo được cho là thực tiễn, và sự dè dặt truyền thống của nó về triết học là do bởi trong sự kích thích tập luyện trí thức có khuynh hướng quên đi rằng những giáo lý là để áp dụng. Một vị thầy vĩ đại của Phật giáo Trung Hoa đã nêu điều đó trong những lời này : trước hết là hiểu, không có nó hành động sẽ mù lòa ; rồi đến hành động, không có nó hiểu sẽ không có hiệu lực ; cuối cùng hiểu và hành động thành một.

“Chớ làm điều xấu, hãy làm điều tốt, hãy làm trong sạch tâm – đây là lời dạy của chư Phật”. Công thức cổ này của Phật giáo tóm tắt thông điệp của ba chương cuối của Chánh Pháp Nhãn Tạng như được trình bày trong cuốn sách này. Chúng cùng làm rõ ba giai đoạn hay ba yếu tố căn bản của Thiền được tìm thấy khắp toàn bộ giáo lý Phật giáo : xa lìa, hòa nhập và sự hòa hợp giữa xa lìa và hòa nhập.

Tám Tỉnh Giác của bậc Đại Nhân (Bát Đại Nhân Giác) có vẻ được viết cho những vị khất thực nhưng cũng áp dụng cho cư sĩ, có thể được xem là một phác họa tổng quát của những yếu tố chính của thực hành Phật giáo về xa lìa, không bám luyến. Kết quả, niết bàn, đôi khi được nói đến như là sự mát lạnh, không phiền não, không bất hòa. Sự bình an và tâm và sáng tỏ đã thành tựu như vậy là một mặt của giải thoát.
 

Tám Tỉnh Giác của bậc Đại Nhân

Chư Phật là những bậc đại nhân. Bởi vì những cái này được bậc đại nhân thành tựu, chúng được gọi là những tỉnh giác của bậc đại nhân. Thành tựu những nguyên lý này là nền tảng của niết bàn. Đây là lời dạy cuối cùng của bổn sư chúng ta, Phật Thích Ca Mâu Ni, trong đêm ngài nhập diệt.

1. Có ít ham muốn

Không tìm kiếm những đối tượng của ham muốn chưa đạt được gọi là ít ham muốn.

Đức Phật nói, “Chư Tăng cần biết rằng người nhiều ham muốn tìm cách đạt được nhiều thứ, do đó những phiền não của họ nhiều. Những người ít ham muốn không tìm kiếm và không khao khát, nên họ không có vấn nạn này. Các ông cần trau dồi ít ham muốn vì chỉ lý do này mà thôi, chưa nói đến sự kiện ít ham muốn thoát khỏi sự tâng bốc và không ngay thẳng vì muốn lấy lòng người khác, và họ cũng không bị những giác quan thôi thúc. Người hành động với ít ham muốn thì bình an, không lo không sợ. Bất cứ hoàn cảnh nào cũng biết đủ thì không bao giờ thiếu. Những người ít ham muốn thì có niết bàn.”

2. Bằng lòng

Dùng những cái người ta có trong giới hạn mình gọi là bằng lòng.

Đức Phật nói, “Hỡi các vị tăng, nếu các ông muốn rơi rụng những phiền não, các ông cần tuân thủ sự bằng lòng. Trạng thái của bằng lòng là chỗ ở của thịnh vượng và hạnh phúc, bình an và thanh tĩnh. Người bằng lòng có thể ngủ trên đất và còn xem nó là tiện nghi ; người không bằng lòng luôn luôn bị giam giữ trong tham muốn dục lạc ; họ đáng cho những người bằng lòng thương xót.”

3. Hưởng thụ sự yên tĩnh

Bỏ sự ồn ào và ở một mình nơi vắng vẻ gọi là hưởng thụ sự yên tĩnh.

Đức Phật nói, “Hỡi các vị tăng, nếu các ông muốn tìm kiếm bình an và hạnh phúc của yên tĩnh và không đấu tranh, các ông cần bỏ sự ồn ào và sống không bừa bãi ở một nơi vắng người. Người yên tĩnh được chư thiên tôn vinh. Bởi thế các ông cần bỏ nhóm của các ông cũng như các nhóm khác, ở một mình một nơi vắng vẻ, và nghĩ đến sự nhổ bật gốc khổ. Những người thích đám đông chịu đựng sự lo phiền của đám đông, như một cái cây lớn phải chịu thiệt hại khi những đàn chim tụ hội. Những ràng buộc và bám giữ thế gian làm chìm đắm các ông trong vô số khổ sở, như một con voi già bị chìm trong bùn, tự mình không thể thoát ra.”

4. Chuyên cần

Siêng năng trau dồi những đức hạnh không ngừng nghỉ gọi là chuyên cần, trong sạch và thuần khiết, tiến tới không thụt lùi.

Đức Phật nói, “Hỡi các vị tăng, nếu các ông nỗ lực chuyên cần, thì không có gì là khó. Bởi thế các ông cần chuyên cần. Như một con suối nhỏ vẫn có thể xuyên thủng đá nếu nó liên tục chảy. Nếu tâm của hành giả chán nản và bỏ dở, đấy cũng giống như cọ xát cây để lấy lửa mà dừng trước khi hơi nóng sanh ra – dù các ông muốn có lửa, lửa không thể có được theo cách ấy.”

5. Chánh niệm bền bỉ

Cái này cũng gọi là giữ sự tỉnh giác chân chánh ; giữ những lời dạy không mất gọi là tỉnh giác chân chánh, cũng gọi là chánh niệm bền bỉ.

Đức Phật nói, “Hỡi các vị tăng, nếu các ông tìm kiếm một người bạn đồng hành tốt và một người bảo vệ và giúp đỡ tốt, thì không gì so sánh được với chánh niệm bền bỉ. Những người có chánh niệm bền bỉ không thể bị những phiền não trộm cướp xâm nhập. Bởi thế các ông cần tập trung những tư tưởng và giữ cho tỉnh giác. Người mất tỉnh giác thì mất công đức. Nếu thần lực của tỉnh giác của người ta mạnh mẽ, dù người ta có đi vào giữa những ham muốn là bọn trộm cướp thì người ta sẽ không bị chúng hại. Việc này giống như ra chiến tuyến mà mặc áo giáp – bấy giờ người ta không sợ gì cả.”

6. Trau dồi tập trung thiền định

Ở trong lời dạy mà không xao lãng gọi là tập trung thiền định.

Đức Phật nói, “Hỡi các vị tăng, nếu các ông tập trung tâm thức, nó sẽ ở trong một trạng thái vững chắc an định và các ông sẽ có thể biết những đặc tính khởi sanh và diệt mất của những hiện tượng trong thế giới. Thế nên các ông cần cương quyết trau dồi và học tập những tập trung (những định). Nếu các ông đạt được tập trung, tâm thức các ông sẽ không phóng dật. Như một người chủ gia đình đắp một cái đập để nước, người thực hành cũng vậy, vì nước của trí huệ, nên trau dồi tốt đẹp tập trung thiền định để ngăn cho khỏi rò rỉ.”

7. Trau dồi trí huệ

Phát triển học hỏi, suy nghĩ và áp dụng, sự chứng ngộ là trí huệ.

Đức Phật nói, “Hỡi các vị tăng, nếu các ông có trí huệ, các ông sẽ không có tham luyến. Hãy luôn luôn khảo sát chính mình và chớ để có bất kỳ lơ đễnh nào. Bấy giờ các ông có khả năng đạt đến giải thoát khỏi chấp ngã và chấp pháp. Nếu không như vậy, các ông không phải là người của Đạo cũng chẳng phải là người thường – không có con đường nào cả cho các ông. Trí huệ chân thật là một con tàu an toàn để vượt qua biển cả già, bệnh, chết. Nó cũng là một ngọn đèn sáng trong bóng tối của vô minh, thuốc tốt cho mọi bệnh, một cái rìu bén để đốn ngã những cây phiền não. Bởi thế các ông cần sử dụng trí huệ của học hỏi, suy nghĩ và áp dụng (văn, tư, tu), và tự làm nó tăng trưởng. Nếu có người bừng sáng với trí huệ, đây là một người mắt sáng, dù đó là con mắt xác thịt.”

8. Không dấn thân vào sự nói chuyện vô ích

Thành tựu sự xa lìa khỏi phân biệt tùy tiện gọi là không dấn thân vào nói chuyện vô ích. Khi người ta hiểu đầy đủ tính chất của thực tại, người ta sẽ không đi vào sự nói chuyện phù phiếm.

Đức Phật nói, “Hỡi các vị tăng, nếu các ông buông thả vào những loại nói chuyện vô ích, tâm các ông sẽ bị quấy nhiễu. Dù nếu các ông bỏ xã hội các ông vẫn không đạt giải thoát. Bởi thế các ông cần bỏ ngay sự nói chuyện vô ích chỉ quấy nhiễu tâm các ông. Nếu các ông muốn đạt đến an lạc, các ông nên dập tắt phiền não do nói chuyện vô ích.”

Đấy là tám tỉnh giác của bậc đại nhân. Mỗi cái chứa đựng tám cái, thế nên có sáu mươi bốn. Nếu các ông mở rộng chúng ra, chúng phải vô tận ; nếu các ông gom chúng lại, thì có sáu mươi bốn. Sau lời nói cuối cùng của đại đạo sư Thích Ca Mâu Ni, để giáo huấn Đại thừa, bài thuyết pháp sau cùng lúc nửa đêm ngày rằm của tháng thứ hai, ngài không nói gì nữa và nhập diệt.

Đức Phật nói, “Chư tăng cần luôn luôn nhất tâm tìm ra con đường giải thoát. Mọi sự trong thế giới, động và bất động, là những sắc tướng không bền đang tan rã. Hãy dừng lại bây giờ và chớ nói gì nữa. Thời đã đến, ta sắp nhập diệt. Đây là giáo huấn cuối cùng của ta.”

Thế nên những học trò của Phật nhất định phải học những nguyên tắc này. Những người không học chúng, không biết chúng thì không phải là học trò của Phật. Những tỉnh giác này là kho tàng con mắt chánh pháp của Phật, trái tim thiêng liêng của niết bàn. Sự kiện ngày nay nhiều người không biết chúng và ít được đọc hay nghe về chúng là do ảnh hưởng của ma. Cũng vậy những người đã trau dồi ít đức hạnh trong quá khứ đã không nghe thấy chúng.

Trong quá khứ, trong thời chánh pháp và tượng pháp, tất cả Phật tử đều biết chúng, và đã nghiên cứu thực hành chúng. Giờ đây khó có một hay hai người trong một ngàn nhà sư biết tám điều tỉnh giác của một bậc đại nhân. Đáng thương thay – sự suy tàn của thời đại suy thoái thì vượt ngoài so sánh. Khi chánh pháp của Phật còn lưu hành trong thế giới và cái tốt chưa chết, người ta cần học chúng gấp gấp. Chớ có biếng lười. Khó mà gặp gỡ Phật pháp dù vô số kiếp. Cũng khó mà có được thân người. Và thậm chí đã có thân người, còn tốt hơn nữa là sống ở một nơi có thể thấy Phật nghe Pháp, bỏ thế gian và đạt giác ngộ. Những người chết trước khi Phật nhập diệt đã không nghe được tám điều tỉnh giác của bậc đại nhân này, và không được học chúng. Giờ đây chúng ta đã nghe và học chúng – đây là nhờ thần lực công đức đã trau dồi trong quá khứ. Bây giờ, học và thực hành chúng, khai triển chúng đời này sang đời khác, chúng ta chắc chắn sẽ đạt đến giác ngộ vô thượng. Hãy giải thích cho người như Phật Thích Ca Mâu Ni đã làm.

(Đọc thêm Kinh liên hệ: 
Kinh Bát Đại Nhân Giác, HT. Thích Nhất Hạnh Việt dịch
Kinh Bát Ðại Nhân Giác Giảng Giải, HT. Thanh Từ
Kinh Bát Đại Nhân Giác, TT. Thích Thiện Huệ )
 



Bốn Phương Pháp Hòa Nhập của những Bồ tát
(Bodaisatta shishōhō)

Những Bồ tát là con người cam kết hoạt động cho hạnh phúc, giải thoát và giác ngộ của tất cả chúng sanh ; trụ trong xa lìa và niết bàn làm trở ngại cho sự cam kết này, thế nên các vị mang sự siêu thoát đến một bước nữa. Bốn Phương Pháp Hòa Nhập của những Bồ tát thiết lập lại một diễn đạt truyền thống của Phật giáo tiêu biểu những cách sống trong thế giới. Đối với những bồ tát, nhập vào sự cam kết, thệ nguyện của tất cả chư bồ tát, trở nên ý thức rõ ràng mối liên kết với tất cả chúng sanh và công việc vĩnh cửu làm cho giác ngộ, chính nó là một cánh cửa của giải thoát khỏi những quan tâm ích kỷ chật hẹp.
 

Bốn Phương Pháp Hòa Nhập của những Bồ tát

Bốn phương pháp hòa nhập của những bồ tát (bốn nhiếp pháp) là cho, lời nói êm dịu tử tế, hành động lợi lạc và hợp tác.

Việc cho (bố thí) này nghĩa là không ham muốn chiếm hữu. Không ham muốn chiếm hữu là không tham lam. Trong ngôn ngữ thế gian có nói rằng không tham lam nghĩa là không nịnh hót. Dù nếu người ta cai quản bốn châu lục, cung cấp cho giáo dục và văn minh theo đường lối đúng đắn thì đúng là một việc không ham muốn chiếm hữu. Chẳng hạn, giống như những kho tàng người ta từ bỏ để cho những người lạ. Dâng cúng hoa từ những núi xa xôi cho một vị Phật, bố thí những kho tàng (công đức) từ đời quá khứ cho chúng sanh – theo giáo lý cũng như theo thực tế cụ thể, trong mỗi cái đều bao hàm công đức nằm trong việc cho.

Có một nguyên lý là dù nếu đó không phải là vật của riêng mình, điều đó cũng không ngăn cản sự cho. Bất kể sự vật tầm thường thế nào – nguyên lý là nỗ lực phải thành thật. Khi người ta giao phó Đạo cho Đạo, người ta đạt Đạo. Khi đạt Đạo, Đạo hẳn là được giao phó cho Đạo. Khi tài sản được giao phó cho tài sản, tài sản chắc hẳn trở thành sự cho. Cái tự mình cho cái tự mình, cái khác cho cái khác. Thần lực khởi nhân của sự cho này đi xa, suốt những cõi trời và cõi người, thậm chí đến hàng hiền thánh chứng ngộ. Lý do để nói như vậy là, đã thành người nhận sự bố thí và đã tạo ra một quan hệ, đức Phật nói rằng, “Khi một người bố thí đi vào một đám đông, người ta trước tiên nhìn người đó. Hãy biết rằng tấm lòng âm thầm gây ấn tượng.”

Thế nên người ta cần bố thí dù chỉ một câu hay một câu kệ của giáo pháp. Nó trở thành một hạt giống tốt trong đời này và những đời khác. Người ta cần cho thậm chí một đồng xu lẻ hoặc một cọng cỏ của tài sản họ – nó tạo ra những thiện căn trong đời này và những đời sau. Giáo pháp cũng là kho tàng, tài sản vật chất cũng là giáo pháp. Nó phải tùy theo ý chí và nguyện vọng.

Thật vậy, có những trường hợp một người tạo ra phúc lợi cho người khác bằng cách cho bộ râu của mình, và có người được ngôi vua sau khi đã trao tặng cát cho một vị Phật. Họ không khao khát sự cám ơn của những người khác, họ chỉ làm điều gì họ có thể. Làm ra một chiếc phà hay xây một cái cầu cũng là sự rộng lượng bố thí siêu việt (ba la mật).

Khi người ta học tốt sự cho, sinh ra và chết đều là bố thí. Mọi lao động sản xuất vốn là bố thí. Gởi gắm hoa cho gió, chim chóc cho mùa, cũng phải là những hành động bố thí đầy công đức. Nguyên lý chứng nhận cho việc dâng cúng nửa trái xoài của vua Ashoka (A Dục) cho một nhóm một trăm nhà sư là sự bố thí vĩ đại cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Đó không chỉ là một vấn đề nỗ lực trong hành động thân xác ; người ta không nên mất cơ hội đúng.

Thật ra chính vì những công đức của bố thí là vốn sẵn trong chính mình mà bây giờ người ta chính mình đạt được. Đức Phật nói, “Thậm chí nó được để cho mình dùng – người ta có thể đem nó cho cha mẹ, vợ con người ta nhiều hơn biết bao nhiêu.” Thế nên chúng ta biết rằng thậm chí cái gì để cho mình dùng là một phần của bố thí ; bố thí cho cha mẹ, vợ con mình cũng phải là sự bố thí. Nếu người ta có thể cho đi dù chỉ một hạt bụi lòng từ thiện, dù đó là việc riêng của người ta, họ sẽ lặng lẽ thích thú hưởng nó, bởi vì người ta đã bước đúng đắn vào một trong những công đức của chư Phật, bởi vì người ta đã bắt đầu thực hành một trong những nguyên lý của bồ tát.

Cái khó chuyển hóa là tâm của chúng sanh : sự bố thí này, từ việc cho đi chỉ một vật dụng và như thế bắt đầu chuyển hóa tâm của chúng sanh, là để chuyển hóa nó thậm chí cho tận đến sự chứng đắc giác ngộ. Trong lúc bắt đầu, nó phải được làm bằng bố thí. Vì lý do này bố thí ba la mật là sự bắt đầu của sáu ba la mật. Người ta không nên tính toán sự lớn hay nhỏ của tâm, cũng không sự lớn hay nhỏ của vật. Tuy nhiên, có một thời tâm chuyển hóa những sự vật, và có sự bố thí trong đó những sự vật chuyển hóa tâm.

Lời nói tử tế nghĩa là khi nhìn chúng sanh người ta trước tiên phải khởi lên lòng tốt và tình thương và phải thốt lên lời chăm sóc, êm dịu. Đó là sự vắng mặt lời nói thô cứng. Trong quy ước xã hội bình thường có phép xã giao hỏi ai đó có khỏe hay không ; trong Phật giáo có thành ngữ “chăm sóc” và cách cư xử đạo đức hỏi tình trạng người khác thế nào. Nói với tấm lòng tử tế chăm sóc chúng sanh như người ta là một em bé thì gọi là lời nói tử tế.

Người có đức hạnh người ta cần ca ngợi ; người không có đức hạnh người ta cần thương xót. Một khi người ta đã yêu thích lời tử tế, người ta sẽ dần dần tăng trưởng lời tử tế và chúng sẽ thành tự nhiên không cần ý thức. Bao giờ người ta còn sống, người ta cần nói tử tế và vui vẻ ; rồi người ta không thối lui nữa từ đời này qua đời khác. Sự thu phục những kẻ thù và sự làm hòa hợp của những người cầm quyền được đặt nền trên lời nói tử tế êm dịu. Nghe lời nói tử tế làm nét mặt vui vẻ và vừa lòng ; nghe lời nói tử tế tạo ra một cách gián tiếp một ấn tượng trong tâm. Các bạn cần biết rằng lời nói tử tế đến từ một tấm lòng tử tế, và một tấm lòng tử tế có hạt giống là thiện ý. Người ta cần biết rằng lời nói tử tế có thần lực chuyển hóa những cõi trời.

Hành động lợi lạc nghĩa là dùng những phương tiện làm lợi lạc cho chúng sanh, cao cũng như thấp. Chẳng hạn người ta trông nom đường đi, tìm phương cách làm ra lợi lạc cho những người khác. Người ta nhân từ thậm chí với một con rùa kiệt sức hay chăm sóc một con chim sẻ đau ốm. Khi người ta thấy một con rùa kiệt sức hay một con chim sẻ đau ốm, người ta không muốn chúng cám ơn – người ta chỉ làm việc giúp đỡ.

Người kém trí nghĩ rằng khi sự làm lợi lạc cho những người khác được đặt lên trước hết, thì lợi lạc của mình sẽ giảm sút. Không phải như vậy. Hành động lợi lạc là một nguyên lý ; nó làm lợi lạc một cách phổ quát cho chính mình và những người khác. Một nhà vua ngày xưa ra khỏi buồng tắm ba lần và nhổ thức ăn ra ba lần để giúp đỡ những người khác. Ông tích cực giáo dục dân chúng của nước khác. Thế nên người ta nên giúp đỡ bình đẳng những người không thân cũng như người thân quen. Đó là làm lợi lạc cho mình và những người khác như nhau. Nếu người ta có lòng như vậy, thì dù trong thực vật và cây cối, gió và nước, nguyên lý hành động lợi lạc bẩm sinh không thối chuyển sẽ được hiện hành. Người ta cần nỗ lực toàn tâm để cứu giúp người mê muội.

Hợp tác nghĩa là không chống đối. Nó không chống đối chính mình và không chống đối những cái khác. Nó giống như một vị Phật con người thì như nhau với một con người. Bởi vì sự hòa đồng hợp nhất với thế giới con người, chúng ta biết một vị Phật phải hòa đồng hợp nhất với những thế giới khác. Khi người ta biết hợp tác, mình và những người khác là một tánh Như. Nhạc, bài hát và rượu của họ đi cùng với con người, đi cùng với chư thiên, đi cùng với những hồn linh. Người ta kết giao với nhạc, bài hát, và rượu, và nhạc, bài hát và rượu kết giao với nhạc, bài hát và rượu. Con người kết giao với con người, chư thiên kết giao với chư thiên, hồn linh kết giao với hồn linh – có sự hợp luận lý như vậy. Đó là sự học hợp tác.

Chẳng hạn, một công việc hợp tác là một lối cư xử, một tiêu chuẩn, một thái độ. Sau khi nhìn những người khác như bản thân mình, phải có một nguyên lý hòa đồng hợp nhất chính mình với những người khác. Mình và những người khác là không cùng tận với thời gian.

Một triết gia xưa đã nói, “Đại dương không từ chối nước – thế nên nó đã có thể trở thành bao la như thế. Núi non không từ chối đất – do vậy vì sao chúng cao như thế. Một người lãnh đạo có trí huệ không từ chối người – thế nên cộng đồng của họ đông đúc.” Hãy biết rằng việc đại dương không từ chối nước là hợp tác. Hãy biết hơn nữa rằng đức tính của nước là trọn vẹn, toàn hảo vì nó cũng không từ chối đại dương. Vì lý do này nước hợp lại thành đại dương, đất tích tập thành núi. Chúng ta ngầm hiểu rằng bởi vì đại dương không từ chối đại dương mà nó tạo thành một đại dương và sự bao la của nó. Bởi vì núi không từ chối núi, nó tạo thành một ngọn núi và chiều cao của nó. Bởi vì một người cầm quyền có trí huệ không từ bỏ dân, ông tạo thành một cộng đồng dân chúng. Một nhà vua thì không chối bỏ dân. Dù một nhà vua thì không khước từ dân, điều đó không có nghĩa là không có thưởng, phạt. Nhưng bởi vì có thưởng, phạt, mà không có sự từ bỏ dân chúng.

Thuở xa xưa khi còn thật thà nguyên sơ, những quốc gia không có thưởng phạt. Đó là vì thưởng và phạt của thời đó không quan trọng bằng thời bây giờ. Ngay cả thời bây giờ phải có người tìm kiếm con đường đúng mà không chờ tưởng thưởng. Điều này vượt khỏi quan niệm của người mê mờ. Bởi vì một người cầm quyền có trí huệ, ông không khước từ dân. Dân chúng luôn luôn tạo thành một quốc gia. Dù họ có lòng tìm kiếm một người cầm quyền có trí huệ, nhưng có ít người biết rõ lý do làm cho một người cầm quyền là một người cầm quyền có trí huệ, họ chỉ hưởng việc không bị một người cầm quyền có trí huệ từ chối mà không biết làm sao tự mình không từ chối một người cầm quyền có trí huệ. Bởi thế, vì việc hợp tác của cả hai bên, những người cầm quyền có trí huệ và dân chúng kém trí, là hợp luận lý, nên việc hợp tác là sự thực hành của bồ tát. Người ta cần đối mặt với mọi người bằng một nét mặt từ hòa.


Sanh và Tử
(Shōji)

Sanh và Tử, không ghi năm trong Chánh Pháp Nhãn Tạng, hòa nhập sự siêu việt với việc sống trong thế giới. Chủ đề là một suy nghĩ về nguyên lý nền tảng rằng hiện hữu là Không và Không là hiện hữu, nó được đưa vào thực hành bằng không lấy không bỏ, tự do với cả hai thương và ghét.

Trong một câu chuyện Thiền nổi tiếng, một nhà sư đến một thiền sư, ngài hỏi ông đến từ đâu. “Phương Nam”, nhà sư trả lời. Vị thầy hỏi nhà sư về Phật giáo ở phương Nam, một vùng nhiều trung tâm Thiền ; nhà sư trả lời, “Có nhiều bàn luận tiến hành ở đó.” Vị thầy nói, “Việc ấy làm sao có thể so sánh với trồng lúa và vò gạo thành viên để ăn ở đây ?” Nhà sư, rõ ràng là không thấy cái gì là ngộ hay giải thoát về điều này, nói rằng, “Thầy có thể làm gì đối với thế gian ?” Vị thầy nói, “Ông gọi cái gì là thế gian ?”

Phân tích tận cùng, theo những giáo lý Thiền, không phải thế gian trói buộc con người, mà chính con người tự trói buộc mình vào thế gian. Vướng mắc và mê lầm không đến từ bản thân thế giới, mà từ những ý tưởng và thái độ về thế giới, từ tương quan của người ta với thế giới. Bởi thế câu hỏi điều gì có thể được làm đối với thế giới trở thành câu hỏi người ta nghĩ và cảm nhận thế giới là gì.

Sanh và Tử

“Bởi vì có Phật trong sanh tử, nên không có sanh tử”. Cũng vậy, “bởi vì không có Phật trong sanh tử, người ta không bị mê lầm bởi sanh tử”. Đây là hai lời nói của hai thiền sư tên là Giáp Sơn và Sơ Sơn. Là những lời của bậc chứng ngộ, hẳn chúng không được thốt lên mà không có lý do. Người muốn ra khỏi sanh tử cần hiểu chúng nghĩa gì.

Nếu người ta tìm kiếm Phật ở ngoài sanh tử, điều này giống như hướng về bắc để đi xuống nam, như quay mặt về hướng nam để cố gắng tìm ra sao Bắc : tích tập thêm nữa những nguyên nhân của sanh tử, họ lạc mất đường đến giải thoát. Chỉ hiểu rằng sanh tử chính nó là niết bàn, thì không có gì để chối bỏ như là sanh tử, không có gì để tìm kiếm như là niết bàn. Chỉ bấy giờ người ta mới có biện pháp nào để xa lìa khỏi sanh tử.

Là một sai lầm khi cho rằng người ta chuyển động từ sanh đến tử. Sanh, là một điểm trong thời gian, có một cái trước và sau ; bởi thế trong Phật giáo sanh được gọi là không sanh (vô sanh). Diệt cũng vậy, là một điểm trong thời gian, cũng có trước và sau, nên nói rằng diệt là không diệt. Khi chúng ta nói “sanh” thì không có cái gì ngoài sanh, và khi chúng ta nói “diệt” thì không có cái gì ngoài diệt. Thế nên khi sanh đến, đó chỉ là sanh, và khi diệt đến, đó chỉ là diệt. Đối mặt với sanh và diệt, chớ chối bỏ, chớ ước mong.

Cái sanh và tử này là đời sống của Phật. Nếu chúng ta cố gắng khước từ hay tống khứ nó đi, chúng ta sẽ mất đời sống của Phật. Nếu chúng ta lần lữa trong ấy và bám níu vào sanh và tử, đây cũng là mất đời sống của Phật ; đó là ngừng dứt cách hiện hữu của Phật. Khi chúng ta không có ghét bỏ hay ước mong, chỉ bấy giờ chúng ta đạt đến tấm lòng của Phật.

Tuy nhiên, chớ hình dung chuyện đó trong tâm thức bạn, chớ nói bằng lời nói. Chỉ buông xả và quên mất thân tâm, ném chúng vào trong nhà Phật, được hoạt hóa bởi Phật – khi chúng ta tiếp tục tương hợp với điều này, bấy giờ không nỗ lực hay mở rộng tâm, chúng ta lìa khỏi sanh tử và thành Phật. Ai muốn lần lữa trong tâm ?

Có một cách rất dễ để thành Phật : không làm điều xấu nào, không bám luyến vào sanh tử, đồng cảm sâu xa với tất cả chúng sanh, kính trọng những người trên, thương cảm những người dưới, không cảm thấy ghét thương với bất cứ cái gì, không suy nghĩ hay lo tính – đây gọi là Phật. Chớ tìm nó ở đâu khác.

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

村上市お墓 佛家说身后是什么意思 những hạt ngọc thầy trao æ ˆå ƒ 簡単便利戒名授与水戸 士用果 阿彌陀經教材 Ï Phật Nhập từ Tam muội phóng sinh Việc của năm cũ qua đi 大安法师讲五戒 Sóng 河南有专属的佛教 慧 佛學 Ngôi 南无阿弥陀佛 佛号 藏版 Phần 1 èˆ æ æ ƒ tien thu Do the van Co xuan ä½ å æ Žç ˆ åŽ ä tin túm niem Gio ngu nghi ve dieu giac ngo thu nhat trong kinh bat dai 教师节的对联 สโตร ส รา Uống trà giúp giảm cân Danh hiệu Avalokiteśvara trong Tịnh Độ Thầy 礼佛大忏悔文 华藏宗门 เพรงดนต ฟ tÃÆ 激安仏壇店 ý nghĩa lễ hằng thuận chí ï¾ ï¼ 一念心性 是 僧人心態 tho cung cha me hay ong ba qua vang nhieu noi co