|
DẪN
VÀO TÂM KINH BÁT-NHÃ
I.
CÁC TRUYỀN BẢN PHẠN VĂN.
II.
LƯỢC CHÚ VĂN NGHĨA.
1.
Hành thâm Bát-nhã:
2.
Chiếu kiến ngũ uẩn giai không:
3.
Độ nhất thiết khổ ách:
4.
Thị chư pháp không tướng bất sinh bất diệt:
5.
Dĩ vô sở đắc cố:
6.
Viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn.
III.
ẢNH HƯỞNG TÂM KINH VÀ MẬT GIÁO |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
.
Viện
Cao Đẳng Phật Học Hải Đức Nha Trang
THIỀN VÀ BÁT
NHÃ
Daisetz
Teitaro Suzuki - Bản dịch Việt: TUỆ SỸ
Ban
Tu Thư Phật Học 2548 - 2004
|
|
DẪN
VÀO TÂM KINH BÁT-NHÃ
I.
CÁC TRUYỀN BẢN PHẠN VĂN
Mạc-hạ-diên,
mà phương Tây gọi là sa mạc Gobi, sách xưa gọi là Sa hà,
một bãi cát mênh mông, dài trên 800 dặm, nối liền hai nền
văn minh tối cổ của nhân loại; trên không chim bay, dưới
không thú chạy; cỏ không, nước cũng không, Huyền Trang một
mình một bóng, đã vượt qua khỏi đoạn đường đầy kinh
sợ và thường xuyên làm nản lòng những người kiên cường
nhất, duy chỉ bằng vào lời kinh “Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật-đa
tâm kinh”
Trước
đó, khi Pháp sư còn ngụ tại chùa Không huệ, Ích châu, có
gặp một thầy tăng bịnh hoạn, ghẻ chóc; thân mình hôi hám,
y phục rách rưới bẩn thỉu. Huyền Trang động lòng trắc
ẩn, dẫn vào chùa, cho y phục và lương phạn. Thầy tăng bịnh
ấy hình như hổ thẹn, bèn trả ơn bằng cách dạy Pháp sư
học thuộc bài kinh Bát-nhã ngắn gọn này.[1]
Khi
vượt sa mạc đầy kinh sợ, với những hình bóng ma quái chập
chờn, với ác quỷ kỳ hình dị trạng chợt hiện trước
mặt, hoặc đuổi theo sau lưng. Trong những lúc kinh hãi cùng
cực, Pháp sư niệm danh hiệu Bồ-tát Quán thế âm. Nhưng vẫn
không đuổi đi được bọn quỷ ma ám ảnh. Nhớ lại bài
kinh ngắn mà thầy tăng ghẻ chóc đã dạy cho lúc trước,
Pháp sư bèn cất tiếng tụng niệm. Lạ lùng thay, mọi hình
tượng quái dị biến mất. Quả thật đúng như lời kinh,
“… chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ
ách.” Có lẽ, như kinh nói, “… Bồ-tát y Bát-nhã ba-la-mật-đa
cố tâm vô quái ngại. Vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố,
viễn ly điên đảo mộng tưởng…”
Truyền
thuyết còn kể thêm rằng, về sau, trong thời lưu trú tại
Ấn độ, lúc ngụ tại chùa Na-lan-đà, nước Ma-kiệt-đà
(Magadha), bất chợt gặp lại thầy tăng trước kia. Thầy tăng
nói:
“Thầy
đã lặn lội hiểm nguy, cuối cùng đến được nơi này. Đó
là nhờ ở pháp môn tâm yếu của chư Phật ba đời mà tôi
đã truyền dạy cho thầy tại Chi-na. Nhờ kinh mà thầy được
bảo vệ trên suốt cuộc hành trình. Nay đã thỉnh được
kinh, tâm nguyện của thầy đã trọn rồi. Ta là Bồ-tát Quán
thế âm đây.”
Nói
xong, Ngài biến mất vào hư không.[2]
Sau
khi trở về Trung quốc, ngài Huyền Trang thực hiện các công
trình phiên dịch, trước tác và diễn giải. Công trình sự
nghiệp ấy, y chỉ trên diệu nghĩa “tức Sắc tức Không”
của Tâm kinh Bát-nhã, đã lưu lại một di sản đồ sộ, có
thể nói là di sản văn học tư tưởng vĩ đại nhất trong
toàn bộ lịch sử nhân loại từ trước cho đến nay.
Công
trình phiên dịch của Tam tạng khởi sự từ năm Trinh quán
19 (TL.645).[3] Đến năm Trinh quán 23 (TL. 648), tháng năm, ngày
24, Bát-nhã Tâm kinh được phiên dịch tại cung Thúy vi, núi
Chung nam; sa-môn Trí Nhân bút thọ.[4]
Bản
Hán dịch này có chỗ không đồng nhất với bản phiên âm
Phạn-Hán, được nói là do chính Tam tạng Pháp sư Huyền Trang
thọ trì từ đức Bồ-tát Quán Tự tại, sao lục nguyên văn
không nhuận sắc hay sửa đổi.
Truyền
bản Phạn, từ đó là bản Hán âm và dịch của Huyền Trang,
được gọi là Lược bản hay Tiểu bản. Bản Phạn này được
chép trên vách đá chùa Hưng thiện, Tây kinh. Sau đó, nó được
Truyền giáo Đại sư, tức Không Hải, mang về Nhật, lưu truyền
như là tàng bản tại chùa Pháp long.[5]
Tâm
kinh Hán dịch đầu tiên có lẽ được tìm thấy trong Kinh
lục sớm nhất của Tăng Hựu. Đó là, Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật
thần chú, 1 quyển, và Bát-nhã-ba-la-mật thần chú, 1 quyển.[6]
Nhưng cả hai đều được liệt vào các kinh dịch đã thất
truyền, do đó không rõ nội dung như thế nào, không biết
nó là Quảng bản hay Lược bản, hay chỉ là đoạn thần chú.
Trong hai bản đó, một bản được Phí Trường Phòng liệt
vào các kinh dịch đời Hậu Hán nhưng đã thất truyền.[7]
Bản thứ hai được liệt trong số các kinh dịch thời Ngô
Ngụy (Tam quốc), xác định là do Ưu-bà-tắc Chi Khiêm (phiên
dịch, A.D. 223-253), người Nhục-chi, dịch dưới thời Ngụy
Văn đế.[8] Bản này hiện cũng thất truyền.
Hiện
lưu truyền trong Hán dịch, chỉ thấy hai bản thuộc Tâm kinh
Lược bản, mà bản trước Huyền Trang là do Cưu-ma-la-thập.
So với truyền bản của Huyền Trang, bản này cho thấy gần
hơn với một đoạn trong Đại phẩm Bát-nhã,[9] hay Đại bát-nhã,
phần hai, quyển 403.[10]
II.
LƯỢC CHÚ VĂN NGHĨA
Căn
cứ trên bản dịch của Huyền Trang, nhiều bản chú giải
đã xuất hiện, dưới nhiều xu hướng và trường phái khác
nhau. Do đó, ở đây chúng tôi thấy không cần thiết có thêm
một bản chú giải khác nữa.
Tuy
nhiên, do sự ngắt câu khi đọc khác nhau giữa các nhà chú
giải cho nên dẫn đến một số chi tiết bất đồng. Ngay
cả khi so sánh các bản dịch, giữa các bản dịch từ Quảng
bản và Lược bản, chúng ta dễ dàng tìm thấy các dịch giả
ấy cũng đã không thống nhất trong sự ngắt câu khi đọc
nguyên bản Phạn. Phần dưới đây chúng tôi nêu một vài
điểm dị biệt ấy.
1.
Hành thâm Bát-nhã:
Hầu
hết các bản dịch Việt đều hiểu “thâm” như là trạng
từ, do đó nó có nghĩa là “thực hành (một cách) sâu xa”.
Hoặc đơn giản hơn: “đi sâu vào Bát-nhã.” Cách hiểu này
được chấp nhận trong phần lớn các chú giải Trung quốc.
Sớm nhất trong số này có thể kể là Viên Trắc (A.D. 613-696),
người Triều tiên, môn đệ của Huyền Trang được trực
tiếp trao truyền Duy thức học. Trong Tâm kinh tán,[11] khi giải
thích câu “hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời”, Viên Trắc
giải thích từ “thâm” như sau:
“Hành
có hai loại. 1. Hành thâm. Trí vô phân biệt nội chứng hai
Không, lìa các phân biệt, với hành tướng là không năng hành
và sở hành. Đại phẩm nói, ‘Không thấy hành, không thấy
không hành, đó là Bồ-tát hành thâm Bát-nhã.’[12] 2. Cảnh
thâm. Hai lý Không lìa tướng hữu vô, dứt tuyệt các hý luận,
trí vô phân biệt chứng thâm cảnh này.”
Khuy
Cơ có vẻ cũng đồng cách giải như Viên Trắc: “… Y theo
trước đó mà tu học, không thấy có tướng của hành. Pháp
sở hành như vậy vì sao được nói là thâm. Diệu lý huyền
vi thăm thẳm, hàng Nhị thừa không thể tỏ, phàm phu không
thể suy trắc, do đó nói là thâm.”[13]
Nhưng
đoạn tiếp theo sau đó, khi giải thích “chiếu kiến ngũ
uẩn giai không”, Khuy Cơ lại nói, “Do hành thậm thâm Bát-nhã
mà đắc chính huệ nhãn.”[14] “Thậm thâm Bát-nhã” là
cụm từ xuất hiện rất nhiều lần trong bản dịch Đại
Bát-nhã của Huyền Trang, chỉ cho trí của hàng Bồ-tát do
quán chiếu Không, khác với trí của hàng Thanh văn vốn không
được gọi là thậm thâm.
Giải
thích của Pháp Tạng, nói diệu hành của Bát-nhã có hai loại:
cạn, đó là nhân không Bát-nhã; và hai là sâu (thâm) tức
pháp không Bát-nhã.[15] Giải thích như vậy cho thấy, Bát-nhã
quán chiếu pháp không là Bát-nhã sâu. Vậy, “thâm” ở đây
được hiểu như là tính từ phẩm định ý nghĩa Bát-nhã.
Tâm
kinh chú giải của Tông Lặc và Như Kỷ cũng giải thích như
Pháp Tạng, và cũng xác định rõ: “Hành, là tu hành. Thâm
Bát-nhã, chỉ thật tướng Bát-nhã.”[16]
Hầu
hết các chú giải cổ Nhật bản đều đọc theo cách sau.
Trí Quang, Bát-nhã Tâm kinh thuật nghĩa, nói, “Bằng chính
quán mà quán lý, niệm niệm tăng trưởng, gọi là hành. Thâm
Bát-nhã là pháp được tu tập.” Trong các bản dịch Tâm
kinh Quảng bản, hầu hết đều dịch là “hành thâm Bát-nhã…”;
duy bản dịch của Trí Tuệ Luân nói rõ là “hành thậm thâm
Bát-nhã…”
Theo
ngữ pháp chuẩn của Hán văn, người ta cũng phân biệt sự
khác nhau giữa “thâm hành Bát-nhã” và “hành thâm Bát-nhã.”
Trong đó, phẩm định từ thường đi trước từ mà nó phẩm
định. Vậy, trong hiện tại, nên đọc như thế nào, “hành
thâm/ Bát-nhã…” hay “hành/thâm Bát-nhã…?”
Trong
bản phiên âm Phạn Hán được nói là bản chính truyền của
ngài Huyền Trang, câu này được phiên âm như sau: nghiễm-tỉ-ram
bát-ra-nga-nhương bá-ra-nhị-đá tả-rị-diệm tả-ra-ma-nô.[17]
Nếu đọc theo văn Sanskrit với phiên âm La-tin chuẩn, ta có:
gambīrām prajñāpāramitācaryām caramāṇo. Đây là loại mệnh
đề phân từ hiện tại, trong đó phân từ hiện tại caramāṇaḥ
(hành) đồng cách với chủ từ của nó là Avalokiteśvarabodhisattvaḥ
(Bồ-tát Quán Tự Tại). Phân từ này có túc từ trực tiếp
của nó ở biến cách thứ hai là nghiệp cách, caryām (hành).
Danh từ này có tính từ phẩm định của nó là gambīrām (sâu).
Cụm từ pāramitācaryā (ba-la-mật hạnh) chỉ sự nghiệp cứu
cánh vượt bờ bên kia của Bồ-tát. Sự nghiệp ấy được
thể hiện và đạt cứu cánh bằng Bát-nhã và trong Bát-nhã,
do đó nói là prajñāpāramitācaryā, Bát-nhã ba-la-mật hạnh.
Có lẽ do ý nghĩa này mà giải thích của Khuy Cơ như đã thấy
vừa nói rằng sự nghiệp tu hành của Bồ-tát trong Bát-nhã
hay về Bát-nhã, hành ấy là sâu thẳm, tức thâm hành. Nhưng
cũng hàm ý, Bát-nhã ấy vốn sâu thẳm, tức thậm thâm Bát-nhã.
Hiểu theo nghĩa “thâm hành“ thì Bát-nhã không phải là đối
tượng mà là sở y. Bồ-tát thể hiện sự nghiệp Bồ-tát
đạo của mình bằng sự đi sâu vào trong Bát-nhã, y chỉ trên
Bát-nhã. Hiểu như vậy phù hợp với cách đọc từ bản hiệu
đính trong Mahāyāna-saṃgraha-sūtra:[18] gambīrā-yāṃ prajñāpāramitāyāṃ
car-yāṃ caramāṇo, Bồ-tát thể hiện sự nghiệp trong Bát-nhã
ba-la-mật thậm thâm. Đoạn sau của Kinh cho thấy rõ điều
này: bodhisattvasya prajñāpāramitām āśritya viha-rato’ cittāvarāṇaḥ,
do y chỉ trên hay trong Bát-nhã ba-la-mật của Bồ-tát mà (vị
ấy) an trú với tâm không bị trùm kín, hay sống đời sống
mà tâm không chút vướng mắc.
2.
Chiếu kiến ngũ uẩn giai không:
Văn
nghĩa Hán của câu này rất rõ. Đối tượng quán chiếu ở
đây là năm uẩn. Tuy nhiên, trong Phạn bản có điểm cần
lưu ý. Lược bản nói: …caryāṃ caramāṇo vyavalokayati sma/
pañca skandhāḥ tāṃś ca svabhāva-śūnyān paśyati/ “(Bồ-tát)
trong khi thể hiện sự nghiệp (hành Bồ-tát hạnh hay Ba-la-mật
hạnh), vị ấy đã chiêm nghiệm: Đây là năm uẩn; và vị
ấy thấy chúng là Không trong tự tính.” Tố từ sma theo ngay
sau vyalokayati (chiêm nghiệm, chiếu, thì hiện tại, trực thuyết
cách), để chỉ hành động diễn ra liên tục từ quá khứ
suốt đến vị lai. Điều này có nghĩa là hành vi chiêm nghiệm
diễn ra liên tục trong suốt thời gian hành Bồ-tát hạnh,
cho đến khi đạt cứu cánh.
Pañca
skandhāḥ là cụm từ độc lập, chủ cách (nominative), không
thể làm túc từ cho bất cứ động từ nào. Cụm từ này
ở đây có chức năng như một mệnh đề độc lập xác nhận
sự tồn tại của năm uẩn. Do đó, ở đây năm uẩn không
phải là đối tượng của chiếu hay kiến; mà đó là thực
tại đang hiện hữu. Ý nghĩa của điều này có thể được
minh giải bằng một đoạn văn trong Đại Bát-nhã, “Bồ-tát
Ma-ha-tát trong khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, hãy quán như vậy:
thực có Bồ-tát; (nhưng) không thấy có Bồ-tát, không thấy
danh từ Bồ-tát, không thấy Bát-nhã ba-la-mật-đa, không thấy
danh từ Bát-nhã ba-la-mật-đa, không thấy hành, không thấy
không hành…”[19]
Trong
Phạn văn Quảng bản, đoạn này được đọc là: kaścic chāriputra
kulaputro vā kuladuhitā vā [asyāṃ] gambīrāyāṃ prajñāpāramitāyāṃ
caryāṃ cartukāmaḥ, tenaivaṃ vyavalokitavyam – pañca skandhāś
tāṃś ca svabhāvaśūnyān samanupaśyati sma, “Này Śāriputra,
thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào muốn thể hiện sự nghiệp
trong Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm này, người ấy hãy nên
chiêm nghiệm như vậy: đây là năm uẩn, và người ấy luôn
luôn quán sát chân chính chúng như là Không trong tự tính.”
Trên
nhận thức từ cơ cấu ngữ pháp trong các Phạn bản như vậy,
đoạn dịch trong các bản Hán có thể được ngắt câu, tuy
có vẻ gượng ép, như sau: hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa
thời chiếu/ kiến ngũ uẩn/ giai Không.
Điều
cũng nên lưu ý thêm, là trong hai bản dịch từ Lược bản
của Cưu-ma-la-thập và Huyền Trang đều nói “chiếu kiến
ngũ uẩn giai không“; nhưng trong các bản dịch từ Quảng
bản đều nói “chiếu kiến ngũ uẩn tự tính giai Không”[20]
hay “ưng quán ngũ uẩn tính Không”[21]. Bản phiên âm Phạn-Hán
cũng đọc tương tự: bạn-tả tắc-kiến-đà-sa đát-thất-tả
sa-phạ-bà thú-nhĩ-diệm bả-thất-dã-để sa-ma[22] (pañca skandhās
tāṃśca svabhāvaśūnyām paśyati sma).
Svabhāva,
tự tính hay tự thể; đó là thể tính tự hữu của tồn
tại. Nhưng vì, tất cả tồn tại đều tồn tại bởi tương
quan tức quan hệ duyên khởi. Đại trí độ nói, “Thảy đều
do nhân duyên hòa hiệp mà sinh khởi, nên (chúng) không có tự
tính. Vì không tự tính, nên rốt ráo là Không.”[23]
3.
Độ nhất thiết khổ ách:
Câu
này có trong cả hai bản dịch từ Lược bản, nhưng không
thấy có trong các Phạn bản hiện hành, Quảng cũng như Lược,
kể cả bản phiên âm Phạn-Hán. Trong các bản dịch từ Quảng
bản, các bản sớm hơn như của Pháp Nguyệt, Bát-nhã, Trí
Tuệ Luân thì có chứa nó; còn các bản tương đối muộn
hơn của Pháp Thành và Thi Hộ thì không. Chi tiết này là dấu
hiệu ảnh hưởng của Mật giáo trong hệ thống tư tưởng
Bát-nhã. Chúng ta sẽ có dịp trở lại vấn đề này sau.
4.
Thị chư pháp không tướng bất sinh bất diệt:
Một
cách tổng quát, câu này thường được hiểu là “tướng
Không của các pháp ấy bất sinh, bất diệt.” Nghĩa là, tướng
Không là bất sinh, bất diệt. Đây là giải thích của Tâm
kinh tán: “Từ đây trở xuống, y theo sáu ý nghĩa để hiển
thị Không tướng.”[24] Sáu nghĩa, hay sáu tướng hay sáu đặc
tính của Không, như kinh liệt kê. Giải thích của Khuy Cơ
cũng tương tự: “Pháp tính, mà thể của sắc (rūpa) vân
vân chính là Không lý (śūnyatā), nên thảy đều không tồn
tại, như các hàng Nhị thừa kia chấp phần vị sai biệt như
sinh, vân vân, do đó nói Không tướng bất sinh diệt.”[25]
Pháp Tạng hiểu Không tướng là tướng trạng của Không,[26]
và Không tướng chính là Chân Không: “Chân Không ấy tuy tức
thị sắc; nhưng khi sắc theo duyên mà khởi, Chân Không không
sinh; khi sắc theo duyên mà rụng, Chân Không không diệt. Tùy
lưu mà không nhiễm, xuất chướng mà không là tịnh, Lại,
chướng đã sạch mà không giảm; đức đầy mà không tăng.
Tóm lại, đây hiển thị tướng của Chân Không.”[27]
Điểm
thú vị đáng lưu ý ở đây là cách đọc khác của Trí Quang
(Nhật bản, A.D. 752). Bát-nhã Tâm kinh thuật nghĩa nói, “Thị
chư pháp Không tướng… Tướng tức là thể. Vì hết thảy
các pháp lấy lý Như Như tuyệt đối Không làm thể tính.”[28]
Tiếp đó giải thích nghĩa bất sinh bất diệt, “…Các pháp,
sắc vân vân, như vậy là tuyệt đối Không, vì tự tính sinh
diệt của chúng là bất khả đắc.”[29] Giải thích này hiểu
rằng các pháp có đặc tướng là Không, và các pháp ấy,
tức sắc, vân vân, là bất sinh, bất diệt; chứ không nói
cái Không tướng ấy bất sinh bất diệt. Về mặt văn nghĩa,
cách hiểu này phù hợp vơi cấu trúc ngữ pháp Phạn. Cụm
từ sarvadharmāḥ śūnyatā-lakṣaṇāḥ, trong đó śūnyatālakṣaṇāḥ
là một phức hợp từ (samāsa) thành lập theo quy tắc hữu
tài (bahuvrīhi), mà chức năng của nó như là tính từ phẩm
định cho sarvadharmāḥ. Cụm từ này được hiểu là “tất
cả các pháp mà đặc tướng là tính Không, hay có đặc tướng
là tính Không.” Nhận thức từ trên cơ sở ngữ pháp như
vậy, đoạn Tâm kinh này có thể được hiểu rằng, hết thảy
các pháp đều bất sinh, bất dịệt, v.v., vì các pháp ấy
có đặc tướng là tính Không.
5.
Dĩ vô sở đắc cố:
Có
hai cách đọc khác nhau về cụm từ này. Khuy Cơ đọc nó liền
với đoạn văn phủ định trên, trong khi đó Viên Trắc đọc
nó như là mở đầu của đoạn mạch tiếp theo.
Khuy
Cơ giải thích: “Đoạn trên nói trong Không không tồn tại
sắc vân vân, tuy đã kết thành đoạn văn nói sắc không dị
biệt Không, không sinh diệt các thứ, nhưng chưa giải thích
do bởi đâu mà sắc vân vân không tồn tại. Nay nêu rõ lý
do trong Không không có pháp.”[30]
Viên
Trắc giải thích: “Dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề tát-đỏa…”
Từ đây trở xuống là phần thứ ba, nêu rõ quả sở đắc.”[31]
Pháp
Tạng cũng đọc như Viên Trắc: “Dĩ vô sở đắc cố, phần
thứ tư, thuyết minh sở đắc…Do vô sở đắc trước đó
làm nhân, nay đạt được sở đắc. Đại phẩm nói: Do vô
sở đắc mà chứng đắc.”[32]
Trong
bản phiên âm Phạn Hán, đoạn kinh này đọc như sau: Nẵng
nhương-nẫm, nẵng bát-ra-tỉ-để, nẵng-tỉ-sa-ma đá-sa-mỗi
na bát-ra-tỉ-để-đát-phạ.[33] Đoạn văn tương đương trong
Phạn văn Lược bản: na jñānaṃ na prāpti, nābhisamayas tasmād
aprāptitvāt, “không có trí, không có đắc, không có chứng
(hiện quán). Bởi vì vô đắc.”
Đoạn
tương đương trong Phạn văn Quảng bản được đọc như sau:
na jñānaṃ na prāptir aprāptiḥ/ tasmāc chāri-putra aprāptitvena…,
“không trí, không đắc và vô đắc. Vì vậy, này Xá-lợi-phất,
do tính vô đắc…” Theo đó, “dĩ vô sở đắc cố” được
đọc xuống đoạn dưới, như Viên Trắc và Pháp Tạng đã
đọc.
6.
Viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn:
Bản
dịch của Cưu-ma-la-thập: viễn ly nhất thiết điên đảo
mộng tưởng khổ não, cứu cánh Niết-bàn.
Các
bản dịch khác, từ Quảng bản của Pháp Nguyệt, Bát-nhã,
Trí Tuệ Luân, đều như Huyền Trang.
Bản
dịch của Pháp Thành: siêu quá điên đảo, cứu cánh Niết-bàn.
Cả
hai bản Phạn, Lược và Quảng, đều giống nhau: viparyāsātikrānto
niṣṭhanirvāṇaḥ, “vượt qua sự điên đảo, đạt đến
Niết-bàn cứu cánh.”
Khuy
Cơ giải thích, trong giai đoạn tu đạo vị, Bồ-tát do y chỉ
Bát-nhã ba-lật-đa mà dứt trừ mộng tưởng sinh tử. Cho đến,
giai đoạn vô học đạo, Bồ-tát đạt được Niết-bàn cứu
cánh.[34]
Viên
Trắc giải, “cứu cánh Niết-bàn“ là chứng đắc Niết-bàn
quả.[35]
Pháp
Tạng cũng giải thích tương tự: “cứu cánh Niết-bàn”
chỉ sự đắc quả.
Qua
các giải thích như vậy, cụm từ này không có vấn đề.
Nhưng có một lần, có người nêu một giải thích đặc biệt
với tôi rằng, lâu nay chúng ta hiểu câu này theo như các giải
thích dẫn trên là sai. Bởi vì, hai từ viễn ly ở trên phải
đọc xuống luôn cụm từ dưới, nghĩa là, không chỉ viễn
ly điên đảo mộng tưởng, mà viễn ly luôn cả cứu cánh
Niết-bàn. Giải thích này rất hay. Nhưng hình như không thực
tiễn, nếu hiểu theo trình tự tu tập Bát-nhã, như các luận
giải bậc thầy dẫn trên đã cho thấy.
Mặt
khác, Phạn văn của cụm từ, theo Lược bản cũng như Quảng
bản, nói, niṣṭha-nirvāṇaḥ. Cụm từ này là một phức
hợp từ được thành lập theo quy tắc hữu tài (bahuvrīhi).
Luật này có thể nêu bằng thí dụ như: citragur devadattaḥ,
trong đó, phức hợp từ citra-gur được phân tích thành mệnh
đề liên hệ: citrā gāvo yasya, “Davadatta là người có những
con bò đốm.”[36] Nghĩa là, phức hợp từ được thành lập
như vậy là một tính từ có chức năng của mệnh đề liên
hệ (relative clause).
Căn
cứ theo quy tắc về phức hợp ngữ như vậy, hai cụm từ
dẫn trên chính xác được hiểu như sau: “(vị Bồ-tát mà)
… mộng tưởng điên đảo đã viễn ly, Niết-bàn đã được
cứu cánh.”
III.
ẢNH HƯỞNG TÂM KINH VÀ MẬT GIÁO
Có
người đến hỏi Phật về ý nghĩa của sự cầu nguyện,
đức Phật trả lời, như một hòn đá nặng được thả chìm
xuống đáy hồ, cho dù với sức cầu nguyện của số người
đông đảo, hòn đá không thể vì vậy mà nổi lên mặt nước.
Sự thăng trầm hay đọa lạc của một chúng sinh tùy theo hành
vi mà nó đã làm, chứ không phải vì bất cứ lời cầu nguyện
nào.[37]
Tuy
vậy, trong kinh điển cũng cho thấy sự tin tưởng nơi năng
lực chuyển hóa của tâm đối với môi trường chung quanh;
và ảnh hưởng ấy lại được chuyển tải bởi ngôn ngữ.
Khi
có nhiều tỳ kheo sống trong rừng sâu bị rắn độc cắn
chết; Phật nói, nếu các tỳ kheo ấy mà đã rải tâm từ
đến các loài rắn độc, nhất định đã không bị hại bởi
chúng. Rồi Phật dạy bài kệ. Nội dung bài kệ không phải
là những câu thần chú bí hiểm, mà chỉ là những lời ước
nguyện, mong cho tâm từ của hành giả lan đến chúa tể các
loài rắn độc, các sinh vật không chân, hai chân và bốn chân;
ước nguyện các sinh loại đều được an lành, không làm
hại tỳ kheo.[38] Văn ước nguyện này được gọi là “hộ
chú“ (parittam).
Các
paritta hay hộ chú xuất hiện trong kinh điển Pali không phải
ít. Ý nghĩa của nó, do đâu mà ước nguyện chủ quan như
vậy lại tác động được ngoại giới, có thể được giải
thích bằng điển hình của Angulimāla. Tôn giả vốn là một
tướng cướp khét tiếng, mà con người thứ một nghìn Angulimāla
định giết chính là đức Phật. Nhưng Angulimāla được Phật
hoá độ, trở thành tỳ kheo, rồi đắc quả A-la-hán, nổi
bật với tâm từ. Một hôm Tôn giả kể với Phật trường
hợp một sản phụ đau đớn, nguy kịch vì khó sinh. Phật
dạy Angulimāla đến đọc cho sản phụ ấy một paritta, như
là thần chú cứu nguy. Nội dung thần chú là viện dẫn sự
thực rằng, kể từ khi Angulimāla tái sinh trong Thánh đạo
này chưa từng cố ý giết hại một sinh mạng nào, bằng sự
thực ấy, ước nguyện sản phụ sinh sản an toàn. Tất nhiên,
trong quá khứ, Angulimāla la một tướng cướp giết người
không ghê tay; đó là một sự thật. Nhưng từ khi được Phật
hoá độ, Angulimāla sống bằng tâm từ với tất cả mọi
sinh loại, đó cũng là một sự thực. Sự thực trong Thánh
đạo của Angulimāla đã chuyển hoá tai họa của sản phụ,
khiến cho được an lành: tena saccena sotthi te hotu, “Bằng sự
thực này, ước nguyện Chị được an lành.”
Kinh
Ratanasuttaṃ cũng là kinh cầu nguyện với ý nghĩa tương tự:
“Dù trong đời này hay đời khác, hay trên thiên giới, không
có tài bảo vi diệu nào sánh với đức Như Lai. Ở đây, Phật
là tài bảo tối thắng vi diệu. Bằng sự thực này, ước
nguyện tất cả đều được an lành (etena saccena suvatthi hotu).”
Đây
là tính thể của sự cầu nguyện. Chân lý là tính thể của
sức mạnh kỳ diệu; ai biết nương tựa chân lý, sống với
tâm tư hướng về chân lý, người ấy sống cuộc sống an
lành. Trong ý nghĩa như vậy, Bát-nhã ba-la-mật được hiểu
như là đại minh chú, có khả năng trừ diệt mọi tai họa,
do bởi năng lực quán chiếu “ngũ uẩn giai Không”; điều
đó không phải là cái gì mới mẻ, xa lạ với truyền thống
Phật giáo nguyên thủy.
Bát-nhã
ba-la-mật-đa là đại thần chú cũng đã được xác nhận
rất sớm trong văn học Bát-nhã, trong Nhị vạn ngũ thiên tụng.
Đại phẩm Bát-nhã nói về ý nghĩa này như sau: “Bấy giờ
Thích Đề-hoàn Nhân (Śakra Devānām Indra) bạch Phật, ‘Nếu
có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe Bát-nhã ba-la-mật
thậm thâm này mà thọ trì, đọc tụng, thân cận, chính ức
niệm, không rời tâm Tát-bà-nhã (sarvajñā: nhất thiết trí);
khi gặp chiến trận, thiện nam tử hay thiện nữ nhân ấy
do vì đã đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật nên vào giữa quân
trận mà không hề bị mất mạng, không bị trúng thương bởi
đao, tên. … Vì sao vậy? Bát-nhã ba-la-mật này là đại minh
chú, là vô thượng minh chú….’”[39]
|