(Vị
đệ tử xuất gia và chứng quả A la hán đầu tiên của đức Phật, là
thành viên đầu tiên của giáo đoàn, có pháp lạp cao nhất) Tên
của tôn giả, gọi cho đầy đủ là A Nhã Kiều Trần Như (Ajnata Kaundinya -
Anna Kondanna). Tôn giả vốn là một đạo sĩ Bà la môn trẻ tuổi và cực kì
thông minh ở thành Ca Tì La Vệ vào lúc thái tử Tất Tạt Đa (Siddhartha -
Siddhattha) đản sinh. Thuở ấy, vua Tịnh Phạn đã mời sa môn Kiều Trần Như
và đông đảo các vị sa môn học rộng tài cao khác vào triều dự lễ đặt
tên cho thái tử. Trong buổi lễ này, sau khi quan sát tướng mạo đặc
biệt của thái tử, Kiều Trần Như quả quyết rằng, sau này thái tử sẽ hoàn
toàn thoát tục và đắc quả đại chánh giác. Bởi vậy, về sau, khi nghe tin
thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ hoàng cung vào rừng xuất gia học đạo, ông đã
dẫn theo bốn đạo sĩ thân thiết (con của các vị đạo sĩ khác) tên là Bạt
Đề (Bhardrika - Bhaddiya), Bà Sư Ba (Vaspa -Vappa), Ma Ha Nam (Mahanama)
và A Thuyết Thị (Asvajit - Assaji), cùng đi tìm thái tử để tu học. Khi
đức Cồ Đàm (Gautama - Gotama - tức thái tử Tất Đạt Đa) tìm đến đạo tràng
của đạo sư Uất Đầu Lam Phất (Udraka Ramaputra - Uddaka Ramaputta), ở
vùng phụ cận phía Nam kinh thành Vương Xá, của vương quốc Ma Kiệt Đà để
xin học đạo, Ngài đã gặp sa môn Kiều Trần Như nơi đây (1).
Hai vị sa môn đần dần kính mến nhau về thông minh tài trí và đức hạnh
thanh cao, mà trở thành tri kỉ của nhau. Không những sa môn Kiều Trần
Như đã coi sa môn Cồ Đàm là một người bạn tri kỉ, mà còn hơn nữa, là một
bậc thầy; vi sa môn Cồ Đàm đã tỏ ra là bậc có trí tuệ siêu việt, trong
khắp đạo tràng không ai sánh kịp, cả đến thầy của họ là đạo sĩ Uất Đầu
Lam Phất cũng bái phục. Sa
môn Cồ Đàm đã đạt được thành quả cao tột tại đạo tràng này, ngang với
đạo sĩ Uất Đầu Lam Phất, nhưng Ngài vẫn không thấy thỏa mãn, vì vẫn chưa
giải thoát được lưới sinh tử. Cho nên, Ngài đã khéo léo xin từ giã nơi
đây để tự mình nổ lực tìm lấy con đường giải thoát giác ngộ cho chính
mình. Ngài
tìm đến núi Tượng Đầu (Dugsiri), rừng Già Da (Gaya), ở bờ Tây sông Ni
Liên (Nairanjana - Neranjara), thuộc thôn Ưu Lâu Tần Loa (Uruvilva -
Uruvela), và chọn nơi đây làm chỗ tu tập. Một thời gian sau, sa môn Kiều
Trần Như cũng từ giã đạo tràng của đạo sĩ Uất Đầu Lam Phất, dẫn theo bốn
người bạn, cùng đi tìm đức Cồ Đàm. Họ đi lần đến rừng Già Da, và gặp lại
Ngài. Vì vẫn kính mến và tin tưởng vào khả năng giác ngộ của Ngài, họ đã
xin ở lại đây để được tu học dưới sự hướng dẫn của Ngài. Ngài cho biết
là Ngài đang thực tập các phương pháp khổ hạnh để điều phục thân xác, cả
năm người đều vui vẻ quyết tâm tu tập theo. Sau
một thời gian dài tu khổ hạnh một cách triệt để, cả 6 người đều kiệt sức
, mà trí tuệ vẫn không phát triển thêm, trái lại còn mòn mỏi đi. Một hôm
đức Cồ Đàm tuần tự kiểm điểm lại sự tu tập trong thời gian qua, và bỗng
nhiên bừng tỉnh. Ngài thấy rõ, con đường khổ hạnh là con đường sai lầm.
Hưởng thụ dục lạc là một cực đoan, mà hành hạ thể các cũng là một cực
đoan; cả hai đều sai lầm, đều không giúp ích được gì cho sự phát triển
trí tuệ. Ngài bèn quyết định từ bỏ phép tu khổ hạnh triệt để như bấy lâu
nay, trở lại ăn uống bình thường để phục hồi sức khỏe, và bắt đầu theo
đuổi con đường thiền tập - mà Ngài xét thấy, đó mới là con đường chính
đáng nhất cho rằng đưa đến đạo quả giác ngộ. Sa
môn Kiều Trần Như thấy đức Cồ Đàm ăn uống bình thường trở lại, bỏ việc
tu khổ hạnh và chỉ chuyên tu thiền định, thì nói với bốn người bạn của
mình rằng: - Sa
môn Cồ Đàm đã nửa chừng bỏ dở công phu tu hành. Ông ta bây giờ chỉ lo bổ
dưỡng xác thân và sống những ngày nhàn hạ. Ông ta không còn là kẻ đáng
chúng ta trông cậy nữa. Chúng ta hãy bỏ ông ta và tìm đến nơi khác tu
hành theo con đường riêng của chúng ta. Thế
rồi sa môn Kiều Trần Như dẫn bốn người bạn tu, rời bỏ khu rừng núi Già
Da ra đi. Họ đi sang vường Nai (Lộc Uyển, Mrgadava - Migadava), gần
thành Ba La Nại (Varanasi - Baranasi), nước Ca Thi (Kasi), để cùng tu
học với nhau. Nửa năm sau, bỗng một hôm họ trông thấy đức Cồ Đàm tìm đến
với họ. Khi thấy bóng dáng Ngài còn đang thấp thoáng ở ngoài xa, họ đã
bảo nhau là sẽ không ra đón tiếp và cũng không cần phải đứng dậy khi
Ngài vào tới nơi. Họ nói: - Sa
môn Cồ Đàm hồi đó đang tu khổ hạnh với chúng ta thì bỏ cuộc nửa chừng.
Ông ta đã ăn uống và vào ra thôn xóm giao thiệp với người làng, làm cho
chúng ta hết sức thất vọng. Vậy hôm nay ông ấy đến đây, chúng ta cũng
không nên đón tiếp nồng hậu làm gì. Nhưng
kì lạ làm sao, sự tình đã không xảy ra đúng như họ dự tính! Khi đức Cồ
Đàm vừa bước vào tới chỗ của họ thì không ai bảo ai, tất cả năm người
đều mừng vui đứng dậy. Chính sa môn Kiều Trần Như tiến tới trước, đỡ lấy
chiếc bình bát trên tay Ngài; các vị khác, người thì lấy nước rửa chân
cho Ngài, người thì lấy ghế mời Ngài ngồi, người thì lấy quạt để quạt
hầu, người thì cuống quít không biết phải làm gì. Sau
khi rửa mặt, tay, chân, và ngồi xuống ghế, đức Cồ Đàm nhìn khắp lượt năm
người bạn đồng tu một cách thân thiết, rồi nói: - Này
quí vị! Tôi đã tìm ra đạo giải thoát, và tôi sẽ chỉ dạy lại cho quí vị. Nghe
thế, năm người đều nửa tin nửa ngờ. Sa môn Kiều Trần Như lên tiếng: - Sa
môn Cồ Đàm! Trước kia, trong khi đang cùng tu với chúng tôi, hiền hữu đã
bỏ cuộc nửa đường. Hiền hữu đã ăn cơm, uống sữa, vào ra thôn xóm giao
tiếp với người làng, thì làm sao hiền hữu có thể tìm được đạo giải
thoát, và làm sao hiền hữu có thể chỉ dạy cho chúng tôi đạo giải thoát? - Sa
môn Kiều Trần Như! Hiền hữu đã quen biết tôi từ gần sáu năm nay; trong
thời gian ấy tôi đã từng nói dối hiền hữu một lần nào chưa? - Sa
môn Cồ Đàm nói đúng! Trong thời gian qua, tôi chưa một lần nào nghe hiền
hữu nói điều không phù hợp với sự thật. -
Vậy, sa môn Kiều Trần Như, quí vị hãy nghe đây! Tôi đã tìm ra được Đạo
Lớn rồi, và tôi sẽ chỉ dạy cho quí vị. Quí vị là những sa môn đầu tiên
trên thế gian được nghe giáo pháp mầu nhiệm mà tôi đã thực chứng. Quí vị
hãy đem hết trí năng thanh tịnh mà nghiêm túc lắng nghe. Lời
nói của Ngài thật có uy lực lớn, khiến cho cả năm người đều trở nên
thành khẩn. Họ sửa thế ngồi nghiêm chỉnh, và hướng về Ngài chờ đợi. Sa
môn Kiều Trần Như kính cẩn bạch: - Xin
sa môn Cồ Đàm đem lòng xót thương mà chỉ dạy cho chúng tôi. Đức
Thế Tôn từ ái dạy: - Này
quí vị sa môn! Có hai thái cực mà người tu hành nên tránh: một bên là
đắm vào sự hưởng lạc nhục thể, và một bên là hành hạ thân xác quá đáng
cho đến tiều tụy. Cả hai con đường cực đoan đó đều phá hủy thân tâm. Tôi
tránh cả hai thái cực kia, và đã tìm ra con đường trung đạo, có thể đem
đến trí tuệ, an lạc, giải thoát; đó là “con đường của tám sự hành trì
chân chính” (Bát chánh đạo): thấy biết chân chính, suy nghĩ chân
chính, nói năng chân chính, chuyên cần chân chính, niệm tưởng chân chính
và thiền định chân chính. Này quí vị, tôi đã tìm ra và thực hiện con
đường của tám sự hành trì chân chính đó, và đã đạt được trí tuệ, an lạc,
giải thoát ... Đức
Thế Tôn tiếp tục giảng về CON ĐƯỜNG BÁT CHÁNH, rồi khai thị về BỐN SỰ
THẬT mầu nhiệm. Sa môn Kiều Trần Như chăm chú nghe, và bỗng cảm thấy tâm
mình bừng sáng. Ông thấy rõ ngay tức khắc con đường giải thoát thật sự
mà lâu nay ông từng tìm kiếm. Nét mặt ông sáng rỡ chưa từng có, khiến
cho đức Thế Tôn chỉ ngay vào ông, nói trong niềm hoan hỉ: - Sa
môn Kiều Trần Như! Hiền hữu đã thấy rõ! Hiền hữu đã thấy rõ! Lập
tức, sa môn Kiều Trần Như quì xuống thành khẩn bạch: - Sa
môn Cồ Đàm! Xin Thầy nhận cho Kiều Trần Như làm đệ tử của Thầy. Con tin
tưởng rằng, dưới sự chỉ dạy của Thầy, con sẽ đạt thành sở nguyện. Bốn
vị sa môn kia thấy người anh cả của họ làm vậy, cũng lập tức quì xuống
theo, và cùng xin được làm đệ tử của đức Thế Tôn. Bấy
giờ, cả năm vị sa môn nhóm Kiều Trần Như đều tôn đức Cồ Đàm làm Thầy,
gọi Ngài là Phật, và gọi giáo pháp do Ngài chỉ dạy là Đạo Phật. Họ từ bỏ
lối tu khổ hạnh cũ, cùng tinh cần tu tập theo sự hướng dẫn của Phật. Chỉ
trong một thời gian ngắn sau đó, nhờ quyết tâm và tinh chuyên tu học, cả
năm vị, đầu tiên là Kiều Trần Như, rồi tiếp đến là bốn vị kia, lần lượt
đều chứng thánh quả A la hán, Đức Phật rất hoan hỉ, liền dạy: - Này
quí thầy! Từ hôm nay, chúng ta đã có một đoàn thể xứng đáng được gọi là
Tăng già. Rồi đây quí thầy cũng sẽ phải cùng với tôi đem hạt
giống giác ngộ đi gieo rắc khắp mọi nơi. Vậy
là, nơi vườn Lộc Uyển lúc bấy giờ, sa môn Kiều Trần Như cùng vơí bốn bạn
hữu đã trở thành năm vị đệ tử tì kheo đầu tiên của đức Phật. Họ cũng là
năm thành viên đầu tiên của giáo đoàn đức Phật. Riêng tôn giả Kiều Trần
Như lại còn là vị đệ tử đã chứng thánh quả A la hán đầu tiên của Phật,
và trở thành vị đệ tử lớn nhất của Ngài lúc bấy giờ. Từ đây, ngôi Tam
Bảo đã được xuất hiện ở thế gian, với đức Thích Ca Cồ Đàm (Sakya
Gotama) là Phật Bảo, giáo pháp do Ngài vừa giảng dạy là Pháp
Bảo, và năm vị tì kheo nhóm Kiều Trần Như là Tăng Bảo. Vườn
Lộc Uyển lúc đó được coi là đạo tràng hành hóa đầu tiên của đức Phật, và
Ngài đã mặc nhiên giao trách nhiệm trông coi đạo tràng cho tôn giả Kiều
Trần Như.(Cơ sở vật chất của đạo tràng này vào lúc đó chưa có gì,
Phật và chư tăng vẫn trú tại các gốc cây rừng hoặc dưới những túp lều
mái lá như những năm tháng trước đó). Sau
năm vị trên, cũng chính tại đạo tràng này, đức Phật đã thu nhận chàng
thanh niên Da Xá (Yasa) cùng 54 người bạn của chàng được xuất gia làm tì
kheo. Tôn giả Kiều Trần Như lại được Phật giao nhiệm vụ chỉ dạy cho họ
về nếp sống căn bản đầu tiên của đời sống xuất gia, và hướng dẫn họ tu
học theo giáo pháp của Phật. Cũng
tại đạo tràng này, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp độ người
xuất gia, đức Phật đã cho phép, ở những nơi và vào những lúc không có sự
hiện diện của Ngài, các vị tì kheo được đại diện cho Ngài để thọ lễ xuất
gia của những người cư sĩ phát tâm sống đời phạm hạnh. Thừa tôn ý của
Phật, tôn giả Kiều Trần Như đã trình lên Ngài một đề nghị đơn giản về
nghi lễ xuất gia như sau: -
Bạch Thế Tôn! Theo con thì trước tiên cho đương sự cạo sạch râu tóc. Sau
đó họ được mặc áo ca sa bày vai bên phải, rồi quì xuống chắp tay trước
mặt vị tì kheo truyền giới đại diện cho Phật. Kế tiếp, đương sự đọc lời
phát nguyện: “Con về nương tựa Phật; con về nương tựa Pháp; con về
nương tựa Tăng”. Đương sự đọc ba lần như vậy xong là trở thành một
vị tì kheo. Phật
dạy: -
Kiều Trần Như! Nghi thức thầy đề nghị hợp lí lắm. Vậy tôi xác định với
quí thầy: một người quì dưới chân một vị tì kheo, đọc ba lần lời phát
nguyện quay về nương tựa Tam Bảo, thì được trở thành một vì tì kheo. Tôn
giả Kiều Trần Như đã hoàn toàn được đức Phật tin tưởng về mọi mặt: trí
tuệ, đức độ cũng như khả năng lãnh đạo và giáo hoá. Cho nên, sau đó,
không lâu, đức Phật đã một mình rời vườn Lộc Uyển để đi Ma Kiệt Đà, giao
trách nhiệm trông coi đạo tràng Lộc Uyển cho tôn giả gánh vác. Trên
đường đi, Ngài đã thu nhận ba mươi thanh niên làm đệ tử xuất gia, và bảo
họ tìm về ngay vườn Lộc Uyển gặp tôn giả để được xuống tóc và hướng dẫn
tu học. Gần
bốn tháng sau, đức Phật tới thành Vương Xá thủ đô nước Ma Kiệt Đà. Cùng
đi với Ngài có cả ngàn vị tì kheo - vốn là ba anh em đạo sĩ Bà la môn Ưu
Lâu Tần Loa Ca Diếp (Uruvilva Kasyapa - Uruvela Kassapa), thờ thần lửa,
cùng đồ chúng của họ - mà Ngài hóa đã hóa độ trên đường đi. Phật và
chúng tăng tạm trú trong một khu rừng cách kinh thành Vương Xá không xa
lắm về phương Nam. Tăng đoàn bây giờ đã phát triển đến một số lượng đáng
kể, nhất là sau khi hai đạo sĩ Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã dẫn theo
hai trăm năm mươi đệ tử đến xin Phật cho xuất gia; cho nên tôn giả Kiều
Trần Như, từ vườn Lộc Uyển đã về đây phụ tá đức Phật trong việc điều
hành tăng đoàn. Ngoài Kiều Trần Như, bây giờ đức Thế Tôn còn có thêm ba
vị đệ tử lớn khác nữa là Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Xá Lợi Phất, và Mục
Kiền Liên. Tại
Vương Xá, quốc vương của nước Ma Kiệt Đà là Tần Bà Sa La (Bimbisara),
sau khi được nghe pháp, đã phát nguyện qui y làm đệ tử tại gia của Phật.
Để đền đáp công ơn hóa độ này, đức vua đã dâng cúng Phật khu rừng tre ở
ngoại ô kinh thành về hướng Bắc để xây cất tu viện, làm cơ sở tu học và
hành đạo cho Phật và giáo đoàn. Chính tôn giả Kiều Trần Như và các vị đệ
tử lớn khác của Phật đã bàn bạc, hoạch định việc xây cất tu viện, đồng
thời giúp Phật tổ chức, hướng dẫn tu học và điều hành mọi việc trong tu
viện. Tu viện được đặt tên là Trúc Lâm (Venuvana - Veluvana). Đó là cơ
sở đạo tràng rộng lớn và có qui củ đầu tiên của giáo đoàn. Từ
đây, đạo Phật ngày càng phát triển rộng rãi khắp nơi, từ Ma Kiệt Đà đến
các vương quốc Ca Thi, Kiều Tát La (Kosala), Bạt Kì (Vrji - Vajji),
Thích Ca (Sakya) v.v... cho nên, đức Phật đã không ở yên một nơi nhất
định nào, mà Ngài phải đi mọi nơi để hành hóa. Bởi vậy, Ngài đã cử tôn
giả Kiều Trần Như chính thức làm tu viện trưởng và tôn giả Ưu Lâu Tần
Loa Ca Diếp làm giám viện tu viện Trúc Lâm. Hai vị có hoàn toàn trách
nhiệm lãnh đạo và hướng dẫn đại chúng tu học tại tu viện. Đức Phật cũng
ban ý chỉ cho tất cả tăng chúng đang hành đạo trong vương quốc Ma Kiệt
Đà hãy y chỉ vào hai vị tôn giả ấy. Cuộc
đời về sau này của tôn giả Kiều Trần Như, không thấy có tài liệu nào nói
tới; chỉ biết là tôn giả đã nhập niết bàn trước Phật rất lâu. (2)
Tôn
giả đã được Phật công nhận là vị đệ tử lớn có pháp lạp cao nhất của
Ngài.
CHÚ THÍCH:
(1)
Có tài liệu nói rằng, tôn
giả Kiều Trần Như vốn là anh ruột của thân mẫu tôn giả Phú Lâu Na (một
trong mười vị đệ tử lớn của Phật). Sau khi thái tử Tất Đạt Da từ bỏ
hoàng cung đi xuất gia tìm đạo giải thoát, vua Tịnh Phạn đã phái tôn giả
cùng với bốn bạn hữu, tìm đến rừng Khổ Hạnh (Tapovana) để cùng bầu bạn
với thái tử trong lúc tu hành.
(2)
Trong chương nói về tôn giả
A Nan ở trên, hòa thượng Tinh Vân viết rằng, khi đức Phật được 53 tuổi,
các vị đệ tử lớn của Phật đã họp tại tu viện Trúc Lâm (thành Vương Xá)
để thảo luận và chọn một vị tì kheo làm thị giả thường xuyên cho đức
Phật. Trong buổi họp này, tôn giả Kiều Trần Như là người đầu tiên đứng
lên xin nhận lãnh trách nhiệm ấy, nhưng Phật không chấp nhận, vi tôn giả
đã già, sợ không kham nổi cực nhọc, nhưng theo sách
Đường Xưa Mây Trắng
của thiền sư Nhất Hạnh,
cuộc họp của các vị đệ tử lớn của Phật (để chọn vị thị giả thường xuyên
cho đức Phật, lúc đó 55 tuổi) đã diễn ra tại giảng đường Lộc Mẫu
(Mrgaramatr - Migaramata) của tu viện Đông Viên (Puvarama - Pubbarama),
gần tu viện Kì Viên, thành Xá Vệ. Trong buổi họp này đã không có mặt tôn
giả Kiều Trần Như.
Sau
khi hóa độ cho năm vị tì kheo nhóm Kiều Trần Như đều chứng được quả
thánh, đức Phật vẫn cư trú tại vườn Lộc Uyển để tiếp tục hướng dẫn họ
cho thật vững vàng trong việc hành đạo. Một
buổi sáng sớm, khi đang đi thiền hành dọc theo bờ sông, đức Phật bỗng
thấy một chàng thanh niên đang từ xa đi lại. Ngài liền ngồi xuống trên
một tảng đá. Chàng thanh niên có vẻ như đang hốt hoảng, tâm thần bất
định. Chàng đã tới gần tảng đá Phật đang ngồi mà vẫn không thấy Phật,
miệng cứ lẩm bẩm: “Thật là đáng sợ! Thật là ghê tởm!”. Ngài liền lên
tiếng: “Nơi đây không có gì đáng sợ. Nơi đây không có gì đáng ghê tởm.
Hỡi này chàng trai trẻ! Hãy đến đây! Hãy ngồi xuống dây, Như Lai sẽ
giảng giáo pháp cho con. Chàng
thanh niên giật mình đứng lại, định thần nhìn kĩ, thì thấy Phật đang
ngồi trên tảng đá, dáng vẻ thật thảnh thơi, ung dung, trầm tĩnh. Bị
chinh phục hoàn toàn bởi giọng nói và dáng vẻ ấy của Ngài, chàng liền
cởi bỏ giày ra, đến trước Phật, lạy xuống và ngồi lại một bên. Hỏi ra
thì chàng chính là Da Xá, con của một vị trưởng giàu có vào bậc nhất nhì
ở thành Ba La Nại (Varanasi - Baranasi). Da Xá đã sinh ra và lớn lên
trong khung cảnh giàu sang, đầy xa hoa nhung lụa. Cha mẹ cưng chiều, đã
cấp cho chàng các phương tiện cao sang để hưởng một cuộc sống đầy đủ
những thú vui vật chất. Bỗng một hôm, sau một buổi tối vui chơi thỏa
thích cùng bạn bè, có ăn uống, đàn địch, múa hát, gái đẹp, chàng đã thức
dậy thật sớm vào lúc nửa khuya. Nhìn thấy cảnh tượng các vũ nữ, các nàng
hầu thiếp của chàng nằm ngủ ngổn ngang bừa bãi, phơi bày những chân
tướng không đẹp đẽ gì của họ, chàng bỗng thấy lợm giọng. Chàng thấy ghê
tởm cuộc sống trác táng của chàng bấy lâu. Chàng cảm thấy sợ sệt những
cám dỗ của vật chất hèn hạ. Nhà cao cửa rộng, châu báu bạc tiền, gái đẹp
hầu xinh, đối với chàng lúc bấy giờ, chỉ là những hình ảnh xấu xa, những
hang tối buồn thảm, những quỉ ma phá hoại. Chàng nhờm chán, không còn
cảm thấy lạc thú gì để tiếp tục sống trong khung cảnh ấy nữa. Bởi vậy,
tuy trời vẫn còn tối đất, chàng đã khoác áo bỏ nhà trốn đi. Với tâm
trạng ghê tởm, kinh sợ và đau khổ, chàng cứ bước đi mà không định sẽ đi
về đâu. Một cách tình cờ, chàng đã đi về hướng vườn Lộc Uyển, và được
gặp Phật. Biết
rõ tâm ý của Da Xá, Phật đã giảng cho chàng nghe về giới hạnh, về những
tai hại của năm dục, về phước đức cao quí của sự xuất gia ... Dần dần
Ngài đạy đến giáo lí Bốn Sự Thật. Da Xá vốn là một chàng trai thông
minh, tâm ý lại đang có sự thay đổi thuận tiện, nên chàng đã tiếp thu
một cách mau lẹ và trọn vẹn tất cả những lời Phật dạy. Chàng cảm thấy
sung sướng và phấn khởi vô cùng; trái ngược hẳn với tâm trạng sầu khổ,
tuyệt vọng của chàng vừa mới trước đó. Chàng liền quì xuống dưới chân
Phật, và xin làm đệ tử xuất gia của Ngài. Đức Phật chấp thuận, giới
thiệu chàng với năm vị tì kheo đệ tử của Ngài, rồi giao chàng cho tôn
giả Kiều Trần Như để xuống tóc, khóac y và chỉ dạy cho nếp sống căn bản
của đời sống xuất gia. Chiều
hôm đó, khi thân phụ của Da Xá đi tìm con, đến vườn Lộc Uyển gặp Phật,
cũng được Phật hóa độ. Lúc đó Da Xá đứng hầu sau lưng Phật, nghe Phật
giảng pháp cho thân phụ, tức thì, Da Xá chứng quả A la hán; trở thành
vị đệ tử tì kheo thứ sáu chứng quả thánh của Phật từ sau ngày Ngài thành
đạo. Tin
Da Xá xuất gia theo Phật được loan truyền mau chóng đến các bạn hữu. Một
hôm, bốn người bạn thân nhất của tôn giả tìm đến vườn Lộc Uyển thăm hỏi,
và tỏ ý muốn noi gương tôn giả. Tôn giả hướng dẫn các bạn đến yết kiến
Phật. Cả bốn chàng thanh niên đều được Phật thu nhận cho xuất gia. Sau
khi nghe pháp, vả bốn vị đều chứng quả thánh. Vậy là, vào lúc ấy, tăng
đoàn đã có mười vị A la hán. Bạn
bè của tôn giả Da Xá còn có đến hơn trăm người, đều là con cháu của các
gia đình quyền quí, danh vọng ở trong thành phố, đều được mọi người kính
trọng. Khi nghe tin Da Xá và bốn người bạn thân nhất của tôn giả đã theo
Phật xuất gia, họ cũng rủ nhau tiến về vườn Lộc Uyển để thăm hỏi. Tôn
giả Da Xá đã đưa tất cả các bạn vào yết kiến Phật. Sau khi nghe Phật
giảng pháp, năm mươi trong số hơn một trăm chàng thanh niên ấy, tự thấy
không có gì vướng bận, đã xin Phật cho xuất gia. Qua thời gian tu tập
tinh chuyên, cả năm mươi người đều chứng A la hán. Tới
đây, sau hai tháng từ khi Phật thành đạo, tăng đoàn của Phật đã tăng lên
đến sáu mươi vị tì kheo. Sau một thời gian tu tập cần mẫn, các ngài đều
đạt đến trí tuệ siêu việt, vững chải trên khả năng hóa đạo, và tự tại
trên con đường giải thoát. Đức Phật liền phái các ngài, như là những vị
sứ giả đầu tiên của Ngài, bắt đầu lên đường hành hóa, gieo trồng hạt
giống bồ đề ở khắp bốn phương.
Khi
thấy sáu mươi vị đệ tử tì kheo đầu tiên tại vườn Lộc Uyển đã đạt đến chỗ
viên mãn về trí tuệ cũng như đạo hạnh và khả năng hành đạo, đức Phật đã
phái các ngài lên đường hành hóa, hoằng truyền đạo giải thoát cho tất cả
mọi người. Sau đó, Ngài giao trách nhiệm trông coi đạo tràng Lộc Uyển
lại cho tôn giả Kiều Trần Như, rồi một mình ra đi, hướng về thành Vương
Xá, kinh đô của vương quốc Ma Kiệt Đà. Trên đường đi, Ngài đã ghé lại
thôn Ưu Lâu Tần Loa (Uruvilva - Uruvela) để thăm cây bồ đề sông Ni Liên
Thuyền (Nairanjana - Neranjara), nơi đó, gần một năm trước đây, Ngài đã
đạt thành đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Lúc
bấy giờ, tại thôn Ưu Lâu Tần Loa, bên bờ sông Ni Liên, có một đạo sĩ Bà
la môn khổ hạnh đang cư trú hành đạo, tên là Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp. Đó
là một đạo sĩ lỗi lạc, tinh thông kinh điển Phệ Đà, đức hạnh trọn vẹn,
tiếng tăng lừng lẫy, dân chúng khắp các vùng lân cận, cả đến vua quan ở
kinh thành Vương Xá, đều kính nể, tôn sùng. Số đệ tử theo ông tu học có
đến năm trăm người. Vì ông hành đạo ở thôn Ưu Lâu Tần Loa, nên có tên
như trên. Đoàn sa môn này không cạo đầu như các sa môn khác, mà búi tóc
cao trên đầu. Họ thờ Thần Lửa; vì theo họ thì Lửa chính là bản chất uyên
nguyên của vũ trụ. Lửa là ánh sáng, Lửa là sự sống, Lửa là nguồn gốc
sinh ra vạn vật. Lửa chính là Phạm Thiên (Brahma). Theo dân chúng trong
vùng cho biết, vị đạo sĩ này và đồ chúng của ông đã đến đây sau khi đức
Phật rời khỏi bồ đề đạo tràng vài tháng. Vì
muốn hóa độ cho đoàn sa môn này, đức Phật đã đến thăm hỏi và đàm đạo với
sa môn Ca Diếp. Qua buổi đàm đạo đầu tiên, Phật nhận thấy sa môn Ca Diếp
quả là một người thông tuệ, phẩm hạnh hơn người, công phu tu tập thật
vững vàng, có trình độ chứng đắc, dù không cao lắm. Sa môn Ca Diếp khi
mới trông thấy Phật thì có vẻ tự đắc, nghĩ rằng, sa môn Cồ Đàm tuổi còn
quá trẻ thì làm sao có sự hiểu biết, đạo hạnh và chứng đắc bằng mình,
nhưng chỉ qua buổi đàm đạo đầu tiên thì thái độ của ông đối với Phật
khác hẳn. Ông nhận thấy, sa môn Cồ Đàm tuy trẻ tuổi hơn mình rất nhiều,
nhưng đạo phong uy nghiêm, sự hiểu biết uyên bác, từ kinh điển Phệ Đà
đến các môn học trứ danh của các giáo sĩ Bà la môn, Ngài đều thông thạo.
Ông tự thấy mình còn kém xa đức Phật. Ông cảm thấy kính mến Phật thật
sâu xa, bởi vậy, ông đã mời Phật ở lại với ông một thời gian, và tiếp
đãi Phật như một vị thượng khách. Nơi
đạo tràng này có một ngôi điện thờ Thần Lửa. Đêm đầu tiên ở lại đây, đức
Phật đã ngỏ ý muốn được nghỉ đêm trong điện này. Sa môn Ca Diếp tỏ vẻ ái
ngại, vì có một con rắn rất lớn chui vào ẩn núp trong ấy từ mấy ngày
qua, rất nguy hiểm cho Phật, nhưng Ngài đã nhất quyết, nên ông phải để
Ngài tùy tiện. Quả thật, trong đêm, Ngài trông thấy một con rắn to lớn
nằm khoanh tròn giữa phòng. Với lòng từ bi, Ngài đã điều phục được con
rắn bò ra khỏi phòng êm thắm, và bỏ vào rừng mất dạng. Sự việc ấy càng
làm cho ông và đồ chúng của ông nể phục đức Phật. Những
lần đàm đạo kế tiếp giữa sa môn Ca Diếp và đức Phật thật gay go và cũng
thật thú vị. Ông nói lên những lí thuyết vững chắc về bản chất của Lửa
và về lễ nghi cúng tế trong phép thờ Thần Lửa. Đức Phật dùng những lí lẽ
chân thật để bác bỏ quan niệm cho rằng Lửa là bản chất uyên nguyên của
vũ trụ. Sau đó Phật lại giảng giải những giáo pháp duyên sinh, vô ngã,
vô thường, bốn sự thật, để đưa ông thẳng vào con đường giải thoát. Tất
cả những câu chất vấn thẳng thắn nhứng hóc búa của ông đều được Phật trả
lời thỏa đáng, khiến cho tâm ông mỗi lúc mỗi sáng tỏ hơn, bao nhiêu đám
mây nghi hoặc đều tan biến. Qua những buổi pháp đàm ấy, và qua sự quan
sát dung nghi của Phật trong mấy ngày qua ông đã thấy được tầm vóc vĩ
đại của trí tuệ cũng như đạo hạnh của Ngài. Ông cũng thấy rõ, những gì
đức Phật đã nói ra đều phát xuất từ những kinh nghiệm thực chứng chứ
không phải từ những suy tư, lí luận. Cuối
cùng, với quyết tâm giúp ông phá vỡ tà kiến ngoại đạo, đức Phật đã dùng
một câu chuyện thí dụ về một người muốn qua bên kia sông mà không chịu
lội, không chịu bơi, cũng không chịu dùng thuyền; mà chỉ ngồi ở bên này
cúng tế, cầu nguyện, van xin bờ bên kia sang tới bờ bên này để mình bước
lên. Phật hỏi: - Này
hiền giả Ca Diếp! Hiền giả nghĩ thế nào về người ấy? - Tôi
thấy rằng, đó là một người không thực tế. Sa môn Ca Diếp trả lời. -
Cũng như vậy đó, hiền giả Ca Diếp! Nếu không nổ lực quán chiếu và tu tập
để diệt trừ phiền não, vô minh, thì ta không thể nào đạt tới bến bờ giải
thoát; dù ta có bỏ cả cuộc đời để thờ phụng, tế lễ và cầu nguyện.
Bỗng
nhiên ông sụp lạy dưới chân Phật, khóc nức nở và thưa: -
Bạch sa môn Cồ Đàm! Hôm nay con mới biết được là con đã đi theo con
đưòng sai lạc gần cả đời người. Giờ đây xin Thầy chấp nhận cho con được
xuất gia làm đệ tử, để theo Thầy tu học đạo giải thoát. Được
Phật chấp thuận, ông bèn khuyến hóa tất cả năm trăm đệ tử của ông, cùng
xin xuất gia theo Phật. Mọi người đều cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca sa. Họ
liệng xuống sông tất cả những búi tóc của họ và tất cả những tượng thờ
biểu tượng của Thần Lửa, cùng những dụng cụ tế lễ khác. Sa
môn Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp còn có hai người em ruột: kế là sa môn Nan Đề
Ca Diếp (Nandi Kasyapa - Nandi Kassapa) và em út là sa môn Già Da Ca
Diếp (Gaya Kasyapa - Gaya Kassapa), cũng cùng môn phái thờ Thần Lửa. Cả
ba anh em đều rất mực thương mến nhau, nhất là ông anh cả, luôn luôn
được hai ông em một lòng kính trọng, phục tùng. Nan
Đề Ca Diếp đang hướng dẫn ba trăm đệ tử tu học tại đạo tràng ở về phía
Bắc trên bờ sông Ni Liên. Buổi sáng hôm đó, bỗng nhiên ông thấy hàng
trăm búi tóc cùng với nhiều tượng thần và dụng cụ thờ cúng trôi lều bều
trên sông. Ông hoảng sợ và lo âu, vì nghĩ rằng nơi đạo tràng của anh
ông đã gặp tai biến lớn. Ông tức tốc dẫn theo vài đệ tử, đi về Ưu Lâu
Tần Loa để xem sự thể ra sao. Đến nơi, ông mới hay anh ông cùng với tất
cả đệ tử đều đã qui y theo Phật, xuất gia làm tì kheo. Được anh cả
khuyến hóa, ông cũng hân hoan dẫn hết ba trăm đệ tử dưới trướng, cùng
xin xuất gia theo Phật tu học. Sau đó, Già Da Ca Diếp - đang hướng dẫn
đệ tử tu học tại một đạo tràng gần đó, được hai ông anh mời đến khuyến
hóa, cũng hoan hỉ noi gương theo, dẫn hết hai trăm đệ tử của mình đến Ưu
Lâu Tần Loa xin xuất gia làm đệ tử Phật. Thế
là chỉ trong vòng bảy ngày, tất cả ba anh em họ Ca Diếp cùng với một
ngàn đệ tử của họ, đều qui y với đức Phật, trở thành những vị tì kheo
trong giáo đoàn của Phật, Một hôm, tại núi Tượng Đầu, (Dungsira), gần Ưu
Lâu Tần Loa, Phật đã nói cho một ngàn vị tì kheo nghe bài pháp liên quan
tới chủ đề “Lửa”, đại ý rằng, tất cả vạn pháp đều đang bốc
cháy. Tất cả đều cảm thấy tâm tư rúng động khi nghe Phật nói về Lửa.
Càng chú ý nghe, tâm họ càng rỗng sáng, và khi Phật kết thúc buổi pháp
thoại thì tất cả đều chứng quả A la hán. Từ
đó, tôn giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp cùng với hai người em, đã trở thành
những vị phụ tá đắc lực của đức Phật trong việc lãnh đạo giáo đoàn,
hướng dẫn và dạy dỗ tăng chúng tu học. Đức Phật lưu lại núi Tượng Đầu ba
tháng để tiếp tục giáo huấn tăng chúng. Sau đó, Ngài đi về hướng kinh
thành Vương Xá; cả một ngàn vị tì kheo đều đi theo Ngài. Tôn giả Ưu Lâu
Tần Loa Ca Diếp hiểu biết nhiều về địa hình cũng như tình hình dân chúng
trong nước Ma Kiệt Đà. Điều đó làm cho Phật rất yên tâm, vì sự hiện diện
và sinh hoạt, nhất là việc khất hực hàng ngày, của cả ngàn người cùng
một lúc và tại một nơi, không phải là chuyện đơn giản. Thế mà ba anh em
tôn giả đều lo liệu đâu vào đấy mục đích chu đáo. Khi
về tới Vương Xá, tôn giả đã đưa Phật và tăng đoàn đến cư trú trong một
khu rừng sầm uất ở vùng ngoại ô phía Nam của thành phố. Tôn giả tổ chức
tăng đoàn hết sức nghiêm minh, nhờ vậy mà thành quả tu học và đạo phong
của mọi người ngày càng phát triển. Chỉ trong vòng nửa tháng, sự có mặt
của tăng chúng đã gieo được một ấn tượng tốt đẹp trong lòng dân chúng ở
thủ đô Vương Xá cũng như các vùng phụ cận. Vua
Tần Bà Sa La (Bimbisara) nghe tin Phật và giáo đoàn đã có mặt tại kinh
thành, liền dẫn hoàng hậu Vi Đề Hi (Vaidehi - Videhi) và thái tử A Xà
Thế (Ajatasatru - Agatasattu) đến tận khu rừng để yết kiến Phật. Vua
cũng dẫn theo quần thần và hơn trăm vị nhân sĩ trí thức và giáo sĩ lãnh
đạo cao cấp trong đạo Bà la môn, cùng đi đến chỗ Phật ngự. Hầu hết các
vị này đều đã từng nghe danh hoặc gặp mặt sa môn Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp;
nhưng với đức Phật, thì ngoài vua Tần Bà Sa La ra, chưa ai từng gặp Ngài
bao giờ. Nay thấy sa môn Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp có mặt trong giáo đoàn
của Phật thì họ ngạc nhiên vô cùng. Họ thấy sa môn Cồ Đàm nhỏ tuổi hơn
sa môn Ca Diếp rất nhiều, cho nên rất lấy làm thắc mắc, không biết sa
môn Ca Diếp là thầy của sa môn Cồ Đàm hay sa môn Cồ Đàm là thầy của sa
môn Ca Diếp. Thấy rõ được tâm ý của họ, tôn giả muốn trước hết phải đánh
tan mối nghi hoặc ấy, bèn rời chỗ ngồi, đến đứng chắp tay nghiêm chỉnh
trước đức Phật, thưa: -
Bạch đức Cồ Đàm, bậc giác ngộ, bậc đáng tôn quí nhất thế gian! Con là Ưu
Lâu Tần Loa Ca Diếp, đệ tử của Ngài. Ngài là bậc đạo sư của con. Con xin
cung kính đảnh lễ Ngài. Rồi
tôn giả lạy Phật ba lạy với thái độ thập phần thành kính. Đức
Phật cũng đã thấy rõ tâm nghi hoặc của những người khách kia và đồng
thời cũng hiểu được ý tứ tế nhị của người đệ tử mình. Ngài đỡ tôn giả
đứng lên và bảo lại ngồi bên cạnh Ngài. Mọi người bây giờ đã hiểu rõ,
đều tỏ vẻ hoan hỉ, và ngồi thật im lặng, nghiêm chỉnh để nghe Phật nói
pháp. Sau
khi qui y làm đệ tử tại gia của Phật, vua Tần Bà Sa La đã dâng cúng khu
vườn tre ở ngoại ô phía Bắc kinh thành để làm đạo tràng tu học và hành
đạo cho Phật và giáo đoàn. Vâng ý chỉ của Phật, tôn giả Ưu Lâu Tần Loa
Ca Diếp đã cùng với các vị đệ tử lớn của Phật như Kiều Trần Như, Xá Lợi
Phất, Mục Kiền Liên, bàn thảo và hoạch định chương trình xây cất và tổ
chức tu viện Trúc Lâm (Venuvana - Veluvana) thành một tu viện có qui củ
đầu tiên của giáo đoàn. Khi tất cả mọi việc đều hoàn tất, đức Phật đã
chỉ định tôn giả làm giám viện của tu viện, cùng với tu viện trưởng là
tôn giả Kiều Trần Như, đồng gánh vác trách nhiệm lãnh đạo và hướng dẫn
tu học cho tăng chúng thường trú tại tu viện cũng như ở rải rác các địa
phương trong vương quốc Ma Kiệt Đà. Trong khi đó, Phật và các vị đệ tử
lớn khác của Ngài thì đi đó đây để hoằng dương đạo giải thoát. Cuộc
đời sau đó của tôn giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp ra sao, không thấy có tài
liệu nào nói tới. Có lẽ tôn giả đã tiếp tục sứ mạng đức Phật đã giao phó
tại tu viện Trúc Lâm Ca Diếp khi viên tịch.
(Lời người dịch:
Xa Nặc vốn là người hầu cận trung thành của thái tử Tất Đạt Da. Tuy xuất
thân tu giai cấp nô lệ, nhưng ông đã thường được nhắc nhở tới trong kinh
điển, vì cuộc đời của ông đã gắn bó khắn khít với cuộc đời đức Phật, từ
thời gian trai trẻ của Ngài hồi còn ở hoàng cung Ca Tì La Vệ, cũng như
sau ngày Ngài thành đạo. Có thể nói, ông chỉ sống xa đức Phật trong
khoảng 8 năm, từ khi Ngài đi xuất gia Ca Diếp khi Ngài về thăm hoàng
cung lần thứ nhất sau ngày thành đạo. Câu chuyện về đại đức Xa Nặc sau
đây, đã được chúng tôi trích dịch từ sách
Disciples of the Buddha
của Zenno Ishigami [bản dịch Anh ngữ của Richard L. Gage và Paul
McCarthy - Kosei Publishing Co. xuất bản, Tokyo, 1989, trang 131-137]). Mùa
mưa năm ấy, đức Phật đã về an cư tại tu viện Kì Viên (Jetavana). Rất
đông đảo chư tăng đã qui tụ về đây để được tu học dưới sự chỉ dạy của
Ngài, trong đó có đại đức Xa Nặc. Đức Phật nói pháp mỗi ngày, và mọi
người đều chú tâm lắng nghe từng lời dạy của Ngài. Trong tăng đoàn, có
hai vị được đại chúng kính trọng một cách đặc biệt, đó là tôn giả Xá Lợi
Phất, trí tuệ bậc nhất, và tôn giả Mục Kiền Liên, thần thông bậc nhất,
nhưng đại đức Xa Nặc thì lại nhìn hai vị ấy với lòng đầy ắp ganh tị.
Cũng
nghe lời Phật dạy, nhưng mỗi vị đệ tử đã chọn cho mình một pháp môn
riêng để hành đạo. Có vị thì thích ngồi thiền để đưa tâm thức vào cảnh
định sâu thẳm. Có vị chỉ thích học thuộc lòng những bài pháp của Phật.
Có vị thì chú ý vào việc nghiên cứu và bàn luận về phương diện lí thuyết
của giáo pháp. Rất nhiều vị thích gần gũi các vị trưởng lão để được chỉ
dẫn cho những điều khó hiểu trong giáo lí. Đạc
biệt, hai trưởng lão Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, lúc nào cũng được các
vị sư trẻ tuổi bu quanh với lòng thiết tha học hỏi. Điều đó đã làm cho
đại đức Xa Nặc cảm thấy bị chạm tự ái rất nhiều. Xa
Nặc vốn là một người nô lệ, phục vụ trong hoàng cung Ca Tì La Vệ, thủ đô
của vương quốc Thích Ca. Khi đức Phật (nguyên là thái tử đông cung của
vương quốc Thích Ca) trở về Ca Tì La Vệ lần đầu tiên sau ngày thành đạo,
Xa Nặc vừa nhìn thấy Ngài, liền phát sinh lòng kính ngưỡng sâu xa. Ông
ước mong sẽ được làm đệ tử của bậc tôn quí ấy, nhưng làm sao đây? Một kẻ
nô lệ thì đâu có thể được chấp nhận vào tăng đoàn! Dù vậy, khi nhìn thấy
con của các vị hoàng thân đi xuất gia thì ông không thể tự kềm chế nỗi
ao ước của mình được. Ông bèn lấy hết can đảm, đến trước đức Phật, thưa
với giọng ấp úng: - Con
cũng muốn được xuất gia, nhưng con lại là một kẻ thuộc giai cấp nô lệ
... Có lẽ con không có hi vọng gì ... Đức
Phật liền bảo ngay: - Này
Xa Nặc! Hãy đến đây, ông sẽ được xuất gia. Rồi
Ngài dạy cho ông biết rằng, trong giáo pháp của Ngài không có sự phân
biệt giai cấp. Mọi người đều có thể giác ngộ nếu biết tôn kính Tam Bảo
là Phật, Pháp, Tăng, và nghiêm trì giới luật, cố gắng đạt đạo. Ông đã
nhìn chăm chú vào mắt đức Phật khi Ngài dạy những lời ấy. Về sau, mỗi
khi nhớ lại cái nhìn đầy tình thương yêu sâu thẳm của Ngài lúc ấy, Xa
Nặc đều cảm thấy niềm an lạc dâng cao trong tâm hồn. Đúng
như lời Phật dạy, trong giáo đoàn của Ngài có rất nhiều vị từng là Bà la
môn, thương gia hay địa chủ. Nhiều vị từng là những trưởng giả cự phú,
và họ đã từ bỏ tất cả để sống đời xuất gia. Có nhiều vị quí tộc đã từ bỏ
cả những người vợ xinh đẹp của họ. Tất cả đều khóac trên mình chiếc áo
ca sa giống nhau, và đi khất thực đó đây với một chiếc bình bát như
nhau. Từ
khi đại được Xa Nặc trở thành một trong những vị tì kheo gia nhập tăng
đoàn từ buổi sớm, những vị xuất gia sau đó đều tỏ lòng kính trọng đại
đức. Thấy thế, đại đức đã suy nghĩ: “Hồi còn ở hoàng cung, ta đã từng
bị mọi người sai bảo và khinh bỉ, nhưng từ bây giờ trở đi thì mọi chuyện
đều đổi khác”. Thật
vậy, từ khi mọi người từ lớn đến nhỏ trong tăng đoàn đối xử một cách
cung kính, đại đức Xa Nặc càng ngày càng cảm thấy hãnh diện về địa vị
của mình. Bây giờ đại đức thấy, hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền
Liên, chỉ xuất gia suýt soát cùng thời gian với đại đức, mà lại được các
đại đức trẻ tuổi tìm đến nương tựa coi như là hai vị cố vấn đầy kinh
nghiệm của họ; đại đức tự hỏi, “Tại sao người đáng nương tựa không
phải là ta?” Đại đức bắt đầu cảm thấy bị xúc phạm, và cuối cùng thì
công khai nói xấu hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Sự việc đó
đến tai Phật. Ngài liền cho gọi đại đức đến và hỏi tại sao lại có thái
độ như vậy. Đại đức đã nhận lời quở trách của Phật như một liều thuốc bổ
dưỡng, và đã hối hận đến nỗi không dám ngẩng dầu lên. Từ đó
đại đức cố gắng kiểm soát tâm ý mình, và siêng năng tu tập, nhưng chỉ
một thời gian sau, chứng nào lại vẫn tật ấy. Bất cứ lúc nào đại đức nhìn
thấy hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, mối hận cũ lại bùng lên,
mà đôi khi lại còn mãnh liệt hơn trước. Nhiều vị đại đức trẻ, công phu
tu học còn non yếu, lại vô tình nuôi lớn thêm sự ngông cuồng của đại đức
bằng cách dành cho đại đức những lời tâng bốc đẹp đẽ. Bởi vậy, một lần
nữa, đại đức lại gây hấn với hai vị trưởng lão kia. Đức Phật biết tin,
lại khiển trách, và đại đức lại tỏ lòng hối lỗi, nhưng sự ăn năn của đại
đức lúc nào cũng chỉ được một thời gian ngắn thôi. Sau khi đã ba lần
phạm cùng một lỗi ấy, đức Phật mới gọi đại đức đến và trách mắng một
cách nặng nề: - Này
Xa Nặc! Hai thầy Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên thật sự là những người bạn
tu tốt nhất của thầy trong đạo pháp. Thầy không nên để cho chính mình bị
kéo vào những hành vi sai trái bởi sự ngu muội và những người không xứng
đáng. Khi
mùa mưa chấm dứt, và đồi núi cùng những cánh đồng ở Kiều Tát La (Kosala)
phơi mình tươi sáng dưới ánh nắng mặt trời, đức Thích Ca Mâu Ni liền rời
tu viện Kì Viên, lên đường tiếp tục sự nghiệp hoằng hóa. Chư tăng cũng
vậy, đã lần lượt rời tu viện để đi hành đạo ở nhiều địa phương khác
nhau. Đại đức Xa Nặc cũng rời tu viện, và tự mình tìm theo dấu chân
Phật. Từ thành Xá Vệ (Sravasti - Savatthi), đại đức đi về hướng Nam đến
trấn Ta Chỉ Đa (Saketa), rồi sang thành Ba La Nại (Varanasi - Baranasi),
một thành phố thương mại nằm trên bờ sông Hằng, và là thủ đô của vương
quốc Ca Thi. Từ đó đi ngược bờ sông, đại đức đến Kiều Thưởng Di
(Kausambi - Kosambi), một trung tâm mậu dịch phồn thịnh, và là kinh đô
của vương quốc Bạt Sa (Vatsa - Vamsa). Đại đức đến đâu cũng được dân
chúng hoan nghênh; tại vì, người dân ở địa phương nào cũng vậy, đều rất
sung sướng được đón tiếp bất cứ vị đệ tử nào của Phật đi ngang qua khu
vực của họ, và đều đem hết lòng thành hướng về vị ấy để chờ nghe thuyết
pháp. Trong lúc đó thì đại đức lại tin rằng, sở dĩ đại đức được tiếp đón
nồng hậu như thế là bởi vì đại đức đã trở thành một vị tăng xuất chúng,
xứng đáng nhận được sự tôn kính của tín đồ dành riêng cho mình. Sau
một cuộc hành trình dài, đức Phật đến tu viện Cù Sư La (Ghosilarama -
Ghositarama) (1) ở thành phố Kiều Thưởng Di. Đại đức Xa Nặc
cũng đến đây gặp Phật, và ở lại đó vài hôm. Tại đây, một vị thí chủ giàu
có và nhiệt thành, đã tỏ lòng kính trọng và muốn cúng dường cho đại đức,
bèn thỉnh nguyện: -
Bạch đại đức Xa Nặc! Xin đại đức hãy ở lại đây để giảng pháp. Con muốn
xây riêng cho đại đức một ngôi chùa. Xin đại đức vui lòng chọn địa điểm
và chỉ dẫn cho con biết nên xây ngôi chùa ấy như thế nào. Đại
đức vui mừng không xiết, và thầm nghĩ: “Cuối cùng thì ta cũng được
mọi người tôn kính như Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên!” Đại
đức liền đi rảo quanh kinh thành Kiều Thưởng Di, và tìm thấy một cây ni
câu đà (nyagrodha - nigrodha) rất lớn, sống lâu có đến vài trăm năm. Cho
rằng cây đại thọ này chắc chắn sẽ cho gỗ tốt để xây chùa, đại đức bèn
mướn người cưa nó xuống, nhưng thật là không may, cây đại thọ đó được
người địa phương coi là một cây linh thiêng, được dân chúng sùng kính
trải qua nhiều thế hệ. Quá tức giận với hành động khinh suất của đại đức
Xa Nặc, dân chúng trong thành phố liền kéo nhau đến tu viện Cù Sư La để
khiếu nại. Đức Phật liền cho gọi đại đức đến và quở trách nặng nề: - Có
phải thầy nghĩ rằng đó là những hành động chính đáng của một vị tì kheo,
khi thầy khinh thường những gì mà dân chúng sùng bái? Thầy có biết rằng,
nhiệm vụ của một vị tì kheo chỉ là đem giáo pháp phân bố cho mọi người
nhằm giúp họ đạt đến an lạc và hạnh phúc không? Hành động của thầy quả
thật đã làm tổn thưong cho đạo pháp và gây nguy hiểm cho giáo đoàn! Xa
Nặc cũng lại buồn rầu trong một thời gian, và ngôi chùa nguy nga ba tầng
đã sớm hoàn thành, đại đức lại vui mừng vô hạn. Đại đức quyết định lợp
thêm một mái ngói thật đẹp, nhưng mái ngói ấy chưa kịp hoàn tất thì ngôi
chùa đã bị sập vì quá nặng; làm cho rất nhiều công nhân bị thương. Vậy
mà đại đức bất chấp tất cả, ngôi chùa xa xỉ của đại đức cứ phải hoàn
thành! Đại đức đã bảo vị thí chủ mua cho một chiếc giường thật rộng và
đẹp như những chiếc giường của các hoàng tử hay quí tộc nằm, để đại đức
dùng. Đại đức đã từ chối tham dự lễ “bố tát” mỗi nửa tháng, vì
cho rằng mình không phạm lỗi lầm gì để phải tới đó thú nhận. Đại
đức Xa Nặc hoàn toàn không thể khắc phục những khuyết điểm của mình. Đại
đức tiếp tục phạm luật, rồi sám hối, rồi lại phạm luật không giữ đúng
những lời hứa trước đức Phật, lần này lại lần khác, cứ thế cho đến già. Tại
rừng Câu Thi Na (Kusinagara - Kusinara), trước giờ phút nhập niết bàn,
đức Phật đã dặn dò tôn giả A Nan, sau khi Ngài nhập diệt, tất cả mọi
người trong tăng đoàn không được nói chuyện với Xa Nặc, dù ở bất cứ
trường hợp nào. Nếu Xa Nặc muốn gợi chuyện với vị nào, vị đó phải giữ im
lặng, không trả lời. Tôn giả A Nan hỏi tại sao Ngài phải có quyết định
đó, đức Phật dạy: - Xa
Nặc vẫn còn chìm sâu trong vọng tưởng. Ngày nào Như Lai còn sống trên
đời, thì ngày đó thầy ấy còn có người kềm chế, nhưng sau khi Như Lai
diệt độ rồi thì không ai có thể kềm chế thầy ấy được. Muốn giúp cho thầy
ấy tỉnh ngộ, chúng ta phải cô lập thầy ấy một thời gian, để thầy ấy tự
xét lại chính mình. Lúc
bấy giờ đại đức Xa Nặc đang bố giáo ở một vùng gần đó, cho nên tin đức
Phật nhập niết bàn đã đến với đại đức rất nhanh. Đại đức lập tức đến
rừng Câu Thi Na, hỏi thăm tôn giả A Nan chi tiết về giờ phút nhập diệt
của đức Phật. A Nan từng nổi tiếng là người luôn luôn tử tế và thiện
cảm, vậy mà tôn giả đã không trả lời câu hỏi thăm của Xa Nặc, lại quay
mắt đi với vẻ mặt đau buồn. Đại đức tự hỏi: “Có phải vì ông ấy quá
buồn rầu đến nỗi kiệt sức, cho nên không trả lời được câu hỏi của ta?”
Nhưng khi khám phá ra là ai ai cũng đều từ chối nói chuyện với mình,
thì đại đức liền đổi thái độ từ ngạc nhiên ra giận dữ. Đại đức nghĩ,
toàn thể tăng chúng tại đây đã quyết định xa lánh mình sau khi Phật nhập
diệt. Đại đức lại càng tức giận, và bỏ đi. thế rồi trên đường đi, các cị
tăng sĩ bạn tu khác, khi vừa nhìn thấy đại đức từ xa, đã vội lẩn tránh
không muốn gặp mặt. Đại đức rất đổi kinh ngạc về thái độ lạ lùng ấy của
họ. Đại đức liên tiếp bị đẩy vào tình cảnh cô đơn, và sự đau đớn bởi
cách đối xử ấy còn thê thảm hơn nỗi đau đớn về thể xác, nhưng đại đức
hoàn toàn không hiểu được lí do đã dựng nên bức tường băng đá của sự im
lặng này. Một
ngày kia, đại đức Xa Nặc đi thơ thẩn đến vườn Lộc Uyển, gần thành Ba La
Nại, nơi mà trước đây đức Phật đã chuyển bánh xe pháp lần đầu tiên.
Thình lình đại đức nhớ ra rằng, chỉ có thiền tọa mới giải tỏa được mọi
nỗi lo âu một cách hữu hiệu. Thế rồi đại đức ngồi xuống nơi một gốc cây
lớn trong khu vườn, và bắt đầu nhập định. Trải qua nhiều ngày như thế,
đại đức đã chiến đấu mạnh mẽ với cảm giác cô đơn và ý tưởng bị mọi người
bỏ rơi. Rồi một hôm, chỉ trong khoảnh khắc ngắn trước buổi bình mình,
một tia sáng của sự thật bỗng lóe lên trong tâm thức, đại đức chợt nhận
ra: “Suốt trong thời gian qua, ta đã là một tên nô lệ của sự tham
đắm. Đức Phật đã từng dạy về Bốn Sự Thật như là một phương pháp để thoát
khỏi vũng lầy tham đắm này. Ta đã hãnh diện giảng dạy cho tín đồ về
những sự thật đó, nhưng chính ta thì lại không tu tập cho bản thân mình.
Ta chỉ biết sử dụng mọi năng lượng của mình trong việc hủy báng người
khác, mà chưa từng đối diện với chính mình”. Chiếc cùm từng khóa
chặt tâm ý đại đức bấy lâu, giờ đã bị tháo tung. Đại đức vừa thấy rõ mặt
mũi của sự ngu dốt mà từ lâu nay đại đức đã ôm lấy. Đại đức cũng bắt đầu
hiểu được lí do vì sao mà gần đây đại chúng đã công khai xa lánh mình. Đại
đức liền rời vườn Lộc Uyển, và đi thẳng về tu viện Cù Sư La, nơi đó, tôn
giả A Nan đang có mặt. Đại đức gieo mình dưới chân tôn giả, xin tha thứ;
và tôn giả chỉ dạy lại cho phương pháp tu tập để có thể đạt đến an lạc
thực sự. Tôn
giả A Nan nhìn Xa Nặc một cách chăm chú, rồi nghiêm nghị gật dầu. Bấy
giờ tôn giả mới cho cho đại đức biết những gì đức Phật đã dặn dò trước
khi Ngài nhập niết bàn. Đại đức lẩm bẩm: “Đức Thế Tôn thật dã săn sóc
cho mình rất nhiều, nhưng mình lại là đứa đệ tử ngu ngốc nhất của Ngài,
cả đến giờ phút Ngài nhập diệt”. Đó là lần đầu tiên đại đức nhận
thức rõ rệt tình thương yêu bao la của Phật. Thật
chậm rãi và thật nghiêm trang, tôn giả A Nan bắt đầu giảng dạy trở lại
cho đại đức về Ba Ngôi Báu và con đường của tám sự hành trì chân chánh.
Lời dạy của tôn giả hoàn toàn làm tươi mát lại tâm hồn Xa Nặc, như nước
thấm vào khoảnh đất khô. Và cuối cùng, đại đức đã đạt đến cái trạng thái
không còn bị lay chuyển nữa. Từ hôm đó, đại đức dã dùng tất cả thì giờ
và công sức vào việc tu tập. Rốt cuộc, đại đức dã chứng được quả vị A la
hán, mọi người đều sùng kính. Niềm
vui của đại đức Xa Nặc khi vừa giác ngộ đã được ghi lại trong phẩm
“Trưởng Lão Kệ” (2) như sau:
Nhờ vị trưởng lão có trí tuệ siêu việt,
Tôi được nghe giáo pháp vi diệu của bậc Tôn Sư,
Và tu tập để đạt đến quả Vô sinh,
Quả thật người (3) đã theo đuổi tận cùng,
Con đường đưa đến sự an lạc tuyệt đối.
CHÚ THÍCH (của người dịch)
(1) Cù Sư La (Ghosila -
Ghosita) là một vị trưởng lão ở thành phố Kiều Thưởng Di, kinh đô của
vương quốc Bạt Sa. Ông là một trong ba vị đại thần của vua Ưu Điền
(Udayana). Một hôm, nghe nói có Phật và giáo đoàn đang hành hóa tại
thành Xá Vệ, ông liền sang đó để xin yết kiến Phật và nghe pháp. Ông qui
y theo Phật và thỉnh Phật sang Kiều Thưởng Di hoằng hóa. Được Phật chấp
thuận, ông quay về Kiều Thưởng Di xây cất một ngôi tu viện lớn ngay
trong khu rừng cây của ông để cúng dường Phật và giáo đoàn, gọi là tu
viện Cù Sư La.
(2)
“Trưởng Lão Kệ” (Theragatha), trong Tiểu Bộ Kinh [Khuddakanikaya], thuộc
Tạng Pali).
(3)
Ở câu thứ nhì của bài kệ, đại đức Xa Nặc đã dùng chữ
“tôi”
(I
- đại danh từ ngôi thứ nhất)
để nói về mình; nhưng ở câu thứ tư, đại đức lại dùng chữ “người"
(he
- đại danh từ ngôi thứ ba),
cũng để nói về mình. Đó là ý tứ sâu xa của bậc đạt đạo. Khi chưa đạt ngộ
thì còn thấy có TA
là người học đạo, nhưng khi đã đạt ngộ rồi thì không còn thấy có cái
TA
ấy nữa.
Thân
vương Bạch Phạn (Suklodana - Sukkodana) là bào đệ của vua Tịnh Phạn
(Suddhodana), vương quốc Thích Ca. Ông có hai con trai, trưởng là Đề Bà
Đạt Đa và thứ là A Nan Đà (gọi tắt là A Nan) (1). Như vậy, Đề
Bà Đạt Đa là em con chú của Phật. Thuở
còn đi học, Đề Bà Đạt Đa (gọi tắt là Đề Bà) đã học cùng lớp với thái tử
Tất Đạt Đa, và đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, các môn học về văn
cũng như võ đều xuất sắc, hơn tất cả chúng bạn, chỉ chịu đứng dưới mỗi
một mình thái tử mà thôi. Tuy vậy, tính tình hai người rất khác nhau.
Trong khi thái tử Tất Đạt Đa điềm đạm, khiêm cung, thì vương tử Đề Bà
hay tranh giành, tự phụ. Đề Bà
rất thân với thái tử, nhưng cũng thường hay ganh tị với thái tử. Hồi Đề
Bà mới có tám tuổi (nhỏ hơn Tất Đạt Đa một tuổi), đã xảy ra chuyện giành
nhau với thái tử một con ngỗng trời. Sự việc chẳng quan trọng gì, vậy mà
đã phải đem ra trước phiên họp của triều đình phân xử. Kết quả là thái
tử thắng cuộc; và Đề Bà rất uất ức vì thua cuộc. Lúc lớn lên, trong một
cuộc thi võ nghệ do triều đình tổ chức, Đề Bà chỉ đứng hạng nhì; còn
thái tử thì đã thắng tất cả các môn thi (bắn cung, đánh kiếm, cưỡi ngựa
v.v...) đứng hạng nhất, và được trao giải thưởng là một con bạch tượng
quí báu. Ngưòi được cử thay mặt ban tổ chức đem giải thưởng trao cho
thái tử chính là công chúa Da Du Đà La, con vua Thiện Giác (Suprabuddha
- Suppabuddha) và hoàng hậu Cam Lộ (Amita, em gái vua Tịnh Phạn) ở vương
quốc Câu Lị (Koliya). Đề Bà thấy thế thì bực tức lắm, liền tiến tới, đấm
cho con bạch tượng một đấm với tất cả sức mạnh của mình, khiến cho con
bạch tượng phải ngã quị. Ấy thế mà thái tử cũng chỉ trách nhẹ một câu:
“Em làm vậy không tốt”. Trong
chuyến về thăm hoàng cung Ca Tì La Vệ lần đầu tiên của đức Phật sau ngày
thành đạo, Đề Bà đã theo Phật xuất gia (cùng với các vị vương tử, vương
tôn khác, trong đó có A Nan).
Trong mười hai năm đầu của đời sống xuất gia, tuy chưa chứng thánh quả,
nhưng đại đức Đề Bà đã có một nếp tu tập chuyên cần, nghiêm tịnh, gương
mẫu, đến nỗi tôn giả Xá Lợi Phất đã hết lòng ca ngợi trước mọi người,
làm cho dân chúng khắp thành Vương Xá đều biết. Thế rồi về sau, vì bị
danh lợi trần thế làm cho ám muội, đại đức đã hoàn toàn đổi tánh, ác
độc, xấu xa, đồi trụy, lại ganh tị với đức Phật, và trở thành một phản
đồ nguy hiểm của đức Phật. Trước
hết, vì để cầu lợi dưỡng, đại đức đã xin Phật dạy cho luyện thần thông,
nhưng Phật không dạy. Đại đức liền xin học với hai tôn giả Xá Lợi Phất
và Mục Kiền Liên, nhưng hai vị này cũng không dạy. Đại đức lại đến cầu
học với tôn giả Thập Lục Ca Diếp (Dasabalakasyapa - Dasabalakassapa -
tức Bà Sa, Vaspa - Vappa), và chứng được thần thông, bèn lấy làm tự đắc.
Bắt đầu từ đó, đại đức nảy ra tham vọng thay thế Phật để lãnh đạo giáo
đoàn. Đại đức chưa công khai chống đối Phật, nhưng đã dùng trí thông
minh và tài hùng biện để thu hút người. Bởi vậy, số người theo đại đức
rất đông đảo; giới xuất gia có khoảng năm trăm tì kheo, gồm phần lớn là
những vị trẻ tuổi, công phu tu tập còn non yếu; giới tại gia thì gồm rất
nhiều vị cư sĩ giàu có, trong đóm người quan trọng nhất là thái tử A Xà
Thế (Ajatasatru - Ajatasattu), con vua Tần Bà Sa La, nước Ma Kiệt Đà.
Thái tử đã tin kính và ủng hộ đại đức rất nhiệt thành, giống như nhà vua
Tần Bà Sa La tin kính và ủng hộ đức Phật. Thái tử đã xây cất cho đại đức
một ngôi tu viện to lớn, nguy nga trên núi Già Da (Gayasisa, tức núi
Tượng Đầu); cứ ba bốn ngày một lần, thái tử lại cho chở các vật phẩm cần
thiết đến thẳng tu viện để cúng dường đại đức. Bởi vậy, uy tín của đại
đức càng lúc càng cao, và tính kiêu mạn của đại đức cũng ngày càng tăng
trưởng. Đại đức thường nói với mọi người là bây giờ Phật đã lớn tuổi,
không còn đủ sức để lãnh đạo giáo đoàn; vả lại, cách thức tu tập của
Phật đã lỗi thời rồi, không còn phù hợp với thời đại mới. Một
hôm (vào năm Phật bảy mươi hai tuổi), Phật nói pháp tại tu viện Trúc
Lâm, gần thành Vương Xá. Buổi pháp thoại đã có rất đông đảo người dự
thính, kể cả vua Tần Bà Sa La. Khi pháp thoại vừa chấm dứt, Đề Bà Đạt Đa
liền đứng lên, tiến tới trước Phật, đảnh lễ một cách cung kính, rồi
bạch: -
Bạch Thế Tôn! Năm nay Thế Tôn tuổi đã cao, sức khỏe đã kém. Xin Thế Tôn
hãy lui về tịnh xá nghỉ ngơi để đỡ bót mệt nhọc. Con sẽ xin thay Thế Tôn
lãnh đạo giáo đoàn. Khi
đại đức thưa với Phật những lời ấy thì ở dưới thính chúng cũng có hơn ba
trăm vị tì kheo đồng đứng đứng lên, chắp tay tỏ ý ủng hộ đại đức. Đức
Phật nhìn thẳng vào mắt đại đức và trả lời: - Xin
cám ơn thầy đã lo lắng cho Như Lai. Như Lai vẫn còn đủ sức để lãnh đạo
giáo đoàn. Vả lại, trong số các đệ tử lớn của Như Lai, vẫn còn có những
vị xuất sắc và xứng đáng hơn thầy nhiều, mà Như Lai cũng chưa giao cho
họ trách nhiệm lãnh đạo giáo đoàn, huống hồ là thầy. Thầy chưa đủ tư
cách đâu. Nghe
thế, đại đức rất lấy làm xấu hổ, và căm giận đức Phật vô cùng, liền bỏ
đi xuống, không nói thêm gì nữa. Sau đó Phật đã bảo cho tôn giả A Nan
biết, sở dĩ Ngài phải nặng lời với Đề Bà là muốn cho nhà vua cùng mọi
người hiểu rằng, Đề Bà không phải là nhân vật quan trọng trong giáo
đoàn; những hành vi của Đề Bà sẽ do đại đức ấy hoàn toàn chịu trách
nhiệm, không liên quan gì tới giáo đoàn. Trong
một buổi pháp thoại sau đó, cũng tại tu viện Trúc Lâm, đại đức Đề Bà Đạt
Đa đã trình lên Phật pháp chế năm điểm, gọi là “thực hiện các nguyên
tắc thiểu dục và tri túc”, để “chấn chỉnh nếp sống tăng đoàn”: 1) Tì
kheo suốt đời ở trong rừng hoặc vườn cây, không được cư trú trong các
thôn xóm hay thành phố. 2) Tì
kheo suốt đời chỉ ngủ ở gốc cây, không được ngủ trong các phòng ốc. 3) Tì
kheo suốt đời khất thực và chỉ ăn mỗi ngày một bữa, không được tới nhà
thí chủ thọ cúng dường. 4) Tì
kheo chỉ mặc y chằm vá bằng những miếng giẻ rách hay vải vụn lượm ở các
đống rác hay các bãi tha ma, không được nhận y do thí chủ cúng dường. 5) Tì
kheo tuyệt đối ăn chay, không được đụng tới thịt cá. Đức
Phật đã bác bỏ hoàn toàn năm điểm ấy. Ngài tuyên bố rằng, đối với năm
điều do Đề Bà đề nghị kia, các đệ tử của Ngài, ai muốn áp dụng hay không
cũng được. Giáo ppáp của Ngài là giáo pháp trung đạo, không bắt
buộc phải theo một hình thức cực đoan nào cả. Đề Bà cũng biết trước là
đức Phật không khi nào chấp nhận năm điều ấy, nhưng đại đức đã cố tình
đưa ra thỉnh nguyện là để cho đức Phật từ chối, để có cớ mà thực hiện âm
mưa của mình. Âm mưu của đại đức lớn lắm, có liên quan đến cả lĩnh vực
chính trị lẫn tình hình giáo đoàn. Về
lĩnh vực chính trị, đại đức đã xúi giục thái tử A Xà Thế giết vua cha
Tần Bà Sa La để sớm lên ngôi vua. Làm như thế là vừa có lợi cho A Xà
Thế, mà cũng vừa có lợi cho đại đức. Về
phía giáo đoàn thì đại đức đang âm mưu chia rẽ tăng chúng trước. Sau đó,
chờ khi thái tử A Xà Thế giết vua cha xong, lên ngôi vững vàng, đại đức
sẽ nhờ vào thế lực của vua A Xà Thế mà đoạt lấy địa vị lãnh đạo toàn thể
giáo đoàn. Bởi vậy, lấy cớ đức Phật từ chối lời thỉnh cầu của mình, đại
đức đã nói xấu đức Phật để lung lạc số tì kheo kém hiểu biết, và kéo họ
về phe mình. Đại đức kêu gọi: - Này
quí thầy! Năm điểm yêu cầu của tôi và những lời của đức Thế Tôn, cái nào
cao thượng hơn? Ai muốn thoát mọi khổ não và sớm chứng niết bàn, xin hãy
theo tôi! Lúc
ấy một số tì kheo mới xuất gia, giáo pháp còn kém cõi, nghe những đề
nghị của đại đức thì cho là hợp lí, nên đi theo ngay. Đại đức dẫn tất cả
những người theo mình về tu viện riêng ở núi Già Da. Tại đây, đại đức đã
thành lập một giáo đoàn độc lập. tự gọi mình là giáo chủ. Sinh hoạt
riêng biệt, cắt đứt mọi quan hệ với giáo đoàn của Phật. Với
sự cố vấn của đại đức, thái tử A Xà Thế đã soán ngôi, rồi bắt vua cha
giam vào ngục và bỏ đói cho đến chết. Về phần đại đức, theo như kế hoạch
mà hai người đã đồng ý, đại đức sẽ sát hại đức Phật khi thuận tiện. Một
đêm nọ trên núi Linh Thứu (Grdhrakuta - Gijihakuta) (2), đang
ngồi thiền ở ngoài trời trước cửa tịnh thất, đức Phật thấy có một người
đang lấp ló trong bụi cây trước mặt với một thanh gươm sáng loáng. Ngài
lên tiếng gọi người ấy đến, hỏi ra mới biết anh ta là một quân nhân,
được lệnh chủ tướng lên đây giết Ngài, nhưng khi thấy Ngài thì lại không
dám hành động. Ngài liền an ủi và hóa độ cho. Trong khi đó thì hai tôn
giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, thừa ý chỉ của Phật, cùng đi sang núi
Già Da. Hai vị ở với đại đức Đề Bà và giáo đoàn mới, nhưng mục đích là
để giảng nói giáo pháp, giúp cho các vị tì kheo đã vì non yếu mà lầm
đường lạc lối. Một tháng sau, hai vị tôn giả đã về lại tu viện Trúc Lâm,
dẫn theo ngót bốn trăm vị tì kheo đã hồi tâm chuyển ý, nguyện quay về
với đức Phật. Sau đó mấy ngày, một số quí vị khác từ núi Già Da cũng lục
tục kéo về tu viện Trúc Lâm, vì tất cả đều nhận rõ chỉ có Phật mới là
bậc đạo sư chính đáng nhất mà thôi. Sự việc này xảy ra, đã làm cho đại
đức Đề Bà Đạt Đa tức giận điên người, cho nên lại rắp tâm trả thù. Một
buổi chiều, lúc Phật đang đứng bên sườn núi Linh Thứu, nơi có nhiều mô
đá nhấp nhô. Đại đức Đề Bà đã trèo lên trên đỉnh cao, xô một tảng đá
thật lớn cho lăn xuống ngay chỗ Ngài đang đứng. May thay, khi lăn xuống
gần tới chỗ đức Phật thì tảng đá bị chận lại bởi những mô đá khác. Tảng
đá đứng lại, nhưng sức va chạm mạnh tới các mô đá khác làm cho nó bể một
phần, văng ra vài mảnh nhỏ; và một mảnh đã văng trúng vào chân trái của
Phật, làm Ngài bị thương, máu chảy nhiều, phải nhờ y sĩ Kì Bà (Jivaka)
(3) chữa trị. Rồi
một buổi sáng nọ - lúc này, vua Tần Bà Sa La đã băng - khi Phật và chư
tăng đang đi khất thực trong thành Vương Xá, thì một con voi to lớn từ
trong chuồng voi của hoàng cung, điên cuồng chạy về phía đức Phật. Con
voi này có tiếng là hung dữ nhất nước, ai ai cũng biết, được hoàng cung
nuôi và canh giữ cẩn thận. Nó mà xổng ra khỏi chuồng thì nhất định sẽ có
hàng trăm người chết vì nó, nhưng sao tự nhiên hôm nay nó lại xổng ra
một cách quá nguy hiểm như thế? Khi thấy nó, từ tôn giả A Nan, các vị tì
kheo, cho đến dân chúng hai bên đường phố đều hoảng sợ, nhưng đức Phật
đã đứng lại một cách rất trầm tĩnh. Khi con voi chạy tới còn cách Phật
mươi bước thì bị Phật chế ngự. Nó bỗng đứng khựng lại, rồi quì mọp xuống
trước đức Phật, vòi tai, đuôi đều cụp lại hết. Ngài tiến đến sò đầu nó
và bảo nó đứng lên. Rồi Ngài đích thân dắt nó đem trả về lại cho chuồng
voi hoàng cung. Sau
sự việc này, đại đức Đề Bà mất hết uy tín. Dư luận quần chúng đã phân
biệt rõ đâu là chính, đâu là tà. Họ công khai chống đối đại đức. Số tì
kheo sau cùng trong giáo đoàn của đại đức, trừ sáu vị còn ở lại với đại
đức, tất cả những vị khác cũng bỏ tu viện Già Da để quay về Trúc Lâm.
Vua A Xà Thế, sau cái chết đau thương của vua cha do mình chủ tâm sát
hại, cũng bắt đầu hối hận, và qui y theo Phật. Vì nhận rõ đâu là con
đường chính và đâu là con đường tà, nhà vua đã bỏ rơi, không tiếp tục
ủng hộ đại đức Đề Bà nữa. Đại đức đã hoàn toàn bị cô lập. Sau đó đại đức
đã lâm trọng bệnh liên tiếp nhiều năm, chỉ ở yên một chỗ, không đi đâu
được. Những người từng nhiệt thành ủng hộ đại đức trước kia, không một
ai đến thăm đại đức. Vào
năm Phật bảy mươi chín tuổi, sau mùa an cư tại tu viện Kì Viên ở thành
Xá Vệ, Ngài về trở lại núi Linh Thứu ở thành Vương Xá. Một buổi chiều nọ,
có hai vị tì kheo khiêng đại đức Đề Bà Đạt Đa lên núi Linh Thứu. Theo
lời hai vị này thì trong thời gian bị bệnh mấy năm qua, đại đức đã có
nhiều thời giờ chiêm nghiệm về những được thua, thành bại, và suy xét
lại những hành động của mình trong những năm trước đây. Đại đức đã thành
khẩn ăn năn, và muốn được yết kiến Phật trước khi lìa đời. Lúc đó đại
đức đã yếu lắm rồi, thấy Phật đứng trước mặt mà không ngồi dậy được, chỉ
biết nhìn Phật chăm chú với cặp mắt khẩn cầu tha thứ. Cuối cùng, cố gắng
lắm đại đức mới bật nói được vỏn vẹn một câu: “Đệ tử qui y Phật".
Phật để tay lên trán đại đức để an ủi và chấp nhận sự sám hối của đại
đức. Chiều
hôm đó đại đức qua đời.
CHÚ THÍCH
(1)
Có sách nói Đề Bà Đạt Đa và A Nan là con của thân vương Hộc Phạn
(Dronodana), người em thứ hai của vua Tịnh Phạn. Lại có sách nói Đề Bà
là con của vua Thiện Giác và hoàng hậu Cam Lộ, trị vì vương quốc Câu Lị.
Trong trường hợp này, Đề Bà là em của công chúa Da Du Đà La; cho nên ông
vừa là em vợ, cũng vừa là em cô cậu của thái tử Tất Tạt Đa - vì hoàng
hậu Cam Lộ là em gái của vua Tịnh Phạn.
(2)
Núi Linh Thứu tức núi Kì Xà Quật. “Kì Xà Quật” là dịch âm từ tiếng Phạn;
“Linh Thứu” là dịch ý. Núi này nằm ở phía Đông Bắc, và là ngọn núi lớn
nhất trong năm ngọn núi bao quanh thành Vương Xá. Chóp núi trông giống
như đầu chim thứu (tức chim kênh kênh, thích ăn xác chết), nên núi có
tên là Linh Thứu. Lại nữa, trên núi này có rất nhiều chim thứu ở, nên
núi được gọi là Linh Thứu. Cảnh trí trên núi rất đẹp đẽ, có khe suối
chứa nhiều nước trong lành, có nhiều hang động kín đáo rất thuận tiện
cho sự tu tập của tăng chúng. Tu viện Trúc Lâm vẫn là đạo tràng chính ở
thành Vương Xá, nhưng khoảng mười lăm năm sau ngày thành đạo, mỗi khi
trở về đây hoằng hóa, đức Phật thường ngự trên nú Linh Thứu. Từ đó, núi
này trở thành một đạo tràng nổi tiếng của đức Phật. Trên đỉnh núi có đàn
nói pháp, có tịnh thất của Phật và của các vị đệ tử lớn của Ngài. Vua
Tần Bà Sa La đã cho xây mấy trăm bậc cấp bằng đá suốt từ chân lên đến
đỉnh núi. Các thung lũng nhỏ được san bằng. Các khe suối thì vua cho bắc
cầu để đi qua. Đứng trên đỉnh núi có thể nhìn thấy khắp thành Vương Xá.
Các bậc cấp dẫn lên núi ngày nay vẫn còn. Các di tích khác từ thời Phật
nền đá của đàn nói pháp, các thạch thất của Phật và của các vị đệ tử,
nơi Phật bị mảnh đá văng (do Đề Bà Đạt Đa từ trên cao xô xuống để hại
Phật) làm chảy máu chân v.v... hiện nay vẫn còn.
(3)
Kì Bà là một trong những đệ tử tại gia thân cận nhất của Phật. Ông là
một hoàng tử, con của vua Tần Bà Sa La và bà phi tần Am Bà Bà Lị
(Amrapali - Ambapali), tức là cùng cha khác mẹ với thái tử A Xà Thế. Ông
học ngành y từ năm mười bốn tuổi, đến hai mươi ba tuổi thì tốt nghiệp,
và trở thành một vị lương y nổi tiếng, vì đã từng chữa lành cho nhiều
người bị bệnh hiểm nghèo. Ông gặp Phật lần đầu tiên năm ông mười lăm
tuổi. Từ đó ông kính mến Phật, và tự hứa là sau khi học thành tài, sẽ về
ở gần Phật để học tập chánh pháp. Bởi vậy, về sau ông đã mua một khu
vườn xoài rất rộng ở gần núi Linh Thứu, cất một tịnh xá trong đó để ở.
Ông cũng cất sẵn một tịnh thất nhỏ trong vườn để thỉnh thoảng Phật ghé
nghỉ ngơi sau những chuyến du hành vất vả. Những lúc đó, chính ông tự
tay săn sóc mọi việc cho Phật, từ com nước đến thốc thang. Về sau, ông
cũng xây cất một giảng đường thật lớn, có thể chứa cả ngàn người, để
thỉnh thoảng Phật nói pháp. Ông vừa là ngự y của vua Tần Bà Sa La, mà
cũng vừa là y sĩ thường trực của Phật và tăng đoàn. Chính ông cũng đã
tạo ra truyền thống dâng y hàng năm cho Phật và tăng chúng. Khi xảy ra
vụ đại đức Đề Bà Đạt Đa âm mưu với thái tử A Xà Thế, một đằng giết cha,
một bên chia rẽ tăng chúng và giết Phật, ông đã rất lo lắng sự an nguy
của Phật cũng như tiếng tăm của giáo đoàn. Ông đã theo sát mọi hành động
của đại đức Đề Bà cũng như của thái tử để báo cáo lên Phật đề phòng. Vua
A Xà Thế, sau khi giết cha là cua Tần Bà Sa La, đã hết sức hối hận. Nhân
đó, Kì Bà khuyên nhà vua nên đến yết kiến Phật. Sau phút ngần ngừ, nhà
vua chịu đi gặp Phật. Kì Bà đã thỉnh Phật xuống vườn của ông, rồi đích
thân ông đưa nhà vua đến đó. Sau buổi đàm đạo với Phật, nhà vua thấy
lòng cởi mở nhẹ nhàng, liền xin qui y làm đệ tử tại gia của Phật. Sau
đó, Kì Bà đã xin Phật cho xuất gia. Phật hoan hỉ chấp thuận.
Vi tính: Cao
Thân
Nguồn: www.quangduc.com
(Do cư sĩ Hạnh Cơ biên soạn thêm)
(Vị
đệ tử phản nghịch nguy hiểm nhất của Phật)
Trình bày: Nhị Tường