Mười Vị Đệ Tử Lớn của Phật
Nguyên tác Hán Văn: Tinh Vân Pháp Sư
Việt dịch: Cư Sĩ Hạnh Cơ
và biên soạn phần Phụ Lục
Hiệu đính: Nữ Cư Sĩ Tịnh Kiên
---o0o---

 

PHỤ LỤC
(Do cư sĩ Hạnh Cơ biên soạn thêm)

Ni trưởng MA HA BA XÀ BA ĐỀ
(Mahaprajapati - Mahapajapati)
(Di mẫu của Phật, người phụ nữ đầu tiên xuất gia và thành lập ni đoàn)

 

Ma Ha Ba Xà Ba Đề, vì là di mẫu của Phật, nên thường được gọi một tên đặc biệt là Kiều Đàm Di (Gautami - Gotami), có nghĩa là con gái của dòng họ Cồ Đàm. Bởi vậy, có lúc tên bà đã được gọi một cách đầy đủ là Ma Ha Ba Xà Ba Đề Kiều Đàm Di.

Bà là em ruột của hoàng hậu Ma Ha Ma Da (Mahamaya). Cả hai bà đều là em của của vua Thiện Giác (Suprabuddha - Suppabuddha) trị vì vương quốc Câu Lị. Sau khi sinh thái tử Tất Đạt Đa được bảy ngày thì hoàng hậu Ma Da băng, bà liền được vua Tịnh Phạn tuyển vào cung và đưa lên ngôi hoàng hậu, có trách nhiệm nuôi dạy thái tử (1). Bà đã thương yêu thái tử như chính con ruột của mình. Năm thái tử được mười bốn tuổi, bà sinh hoàng tử Nan Đà (Nanda) (1), và năm sau thì bà sinh công chúa Tôn Đà Lị Nan Đà (Sundari Nanda).

Năm thứ năm sau ngày Phật thành đạo, vua Tịnh Phạn băng. Đức Phật đã về kịp để thuyết pháp cho đức vua nghe trước giờ lâm chung. Sau đó, đích thân Ngài chủ lễ trà tì của đức vua. Tang lễ xong, Ngài còn lưu lại Ca Tì La Vệ ba tháng để hóa độ dân chúng quanh vùng. Trong thời gian đó, Ngài ngự tại công viên Ni Câu Đà (Nyagrodha - Nigrodha), cách kinh thành khoảng hai dặm về hướng Nam.

Một hôm, thái hậu Kiều Đàm Di đến vườn Ni Câu Đà cầu xin Phật cho bà và phái nữ được xuất gia, vì thấy chưa đến lúc thuận tiện, đức Phật không chấp thuận. Bà khẩn cầu đến ba lần, Ngài vẫn từ chối. Bà buồn bã trở về cung. Sau đó đức Phật rời Ca Tì La Vệ và đi đến hành hóa tại thành Tì Xá Li (Vaisali - Vesali) (2) ngự tại tu viện Trùng Các (Kutagarasala) trong rừng Đại Lâm (Mahavana).

Trước đây, các phụ nữ ở thành Vương Xá cũng đã từng xin Phật cho xuất gia như nam giới, và Phật đã không chấp thuận. Khi Ca Diếp đi xuất gia, ông cũng đã xin Phật cho vợ ông được xuất gia, nhưng Phật bảo là chưa đúng lúc. Bây giờ, tại Ca Tì La Vệ, ngoài thái hậu Kiều Đàm Di, còn có rất đông các mệnh phụ trong dòng Thích Ca cũng muốn xuất gia. Dù đã bị Phật từ chối, nhưng ý chí xuất gia của họ không suy suyển. Bởi vậy, sau khi từ vườn Ni Câu Đà trở về cung, thái hậu đã nảy ra một ý kiến táo bạo. Bà đề nghị vói tất cả những mệnh phụ còn có ý muốn xuất gia, hãy tự mình xuống tóc, cởi bỏ tất cả quần áo xa hoa và đồ trang sức, khoác y vàng, chân không giày dép, cùng nhau đi bộ đến thành Tì Xá Li để xin Phật cho xuất gia. Tất cả mọi người đều vui vẻ thi hành đề nghị của thái hậu. Họ mặc nhiên coi bà là vị lãnh đạo của họ. Chuẩn bị xong đâu đấy bà dẫn mọi người rời Ca Tì La Vệ, lên đường tiến về Tì Xá Li, cách đó khoảng bốn trăm cây số về hướng Đông Nam. Bà Da Du Đà La cũng muốn xuất gia, nhưng thái hậu không cho bà đi theo trong chuyến này; bảo ở lại hoàng cung để chờ xem tin tức thế nào rồi sẽ đi sau.

Sáng sớm hôm ấy, khi vừa bước ra ngoài, tôn giả A Nan liền trông thấy thái hậu và đoàn người của bà đang đứng bên ngoài cổng tu viện. Tất cả đều cạo sạch tóc, khoác y vàng lấm đầy bụi đất, chân không giày dép, lại sưng vù, rướm máu. Tôn giả lấy làm kinh ngạc, liền đến hỏi thăm sự tình. Thái hậu nói:

- Thưa đại đức A Nan! Chúng tôi đã xuống tóc, đã bỏ hết đồ trang sức và mọi tiện nghi vật chất của đời sống thế tục, đi bộ đến đây. Trong thời gian gần hai mươi ngày qua, chúng tôi đã xin ăn dọc đường, ban đêm ngủ dưới gốc cây. Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng, giới phụ nữ chúng tôi cũng có quyết tâm và có khả năng sống đời sống xuất gia. Xin đại được tìm lời khéo léo bạch giùm với đức Thế Tôn, xin chấp thuận cho phái nữ chúng tôi được xuất gia.

Tôn giả rất cảm động, hứa sẽ tận lực giúp thái hậu. Tôn giả vào tịnh thất của Phật trong khi thái hậu vẫn đứng bên ngoài chờ đợi.

Tôn giả trình lên Phật những gì vừa được thấy và được nghe, và xin Phật cho thái hậu và các bà mệnh phụ được xuất gia. Phật im lặng. Tôn giả lại bạch:

- Bạch Thế Tôn! Người phụ nữ, nếu đã từ bỏ đời sống gia đình để sống đời sống không nhà cửa, tinh cần tu tập theo giáo pháp và giới luật, có khả năng chứng ngộ được các thánh quả Tu đà hoàn, Từ đà hàm, A na hàm, hay A la hán không?

Đức Phật dạy:

- Này A Nan! Người nữ xuất gia cũng có khả năng chứng ngộ các thánh quả.

Được khích lệ bởi lời dạy ấy, tôn giả đã đem hết lí lẽ, trọn tình, trọn lí, khẩn thiết trình bày lên Phật, cố xin giùm cho thái hậu và phái nữ được xuất gia. Nhận thấy đã đến lúc thích hợp, đức Phật bảo cho tôn giả A Nan biết, nếu thái hậu và đoàn người theo bà chấp nhận thi hành trọn vẹn pháp chế tám điểm (3) họ sẽ được phép xuất gia làm tì kheo ni.

Tôn giả rất hoan hỉ, liền ra ngoài thông báo lời dạy của Phật cho thái hậu và các bà được biết. Thái hậu và tất cả mọi người đều vui mừng chấp nhận tuân hành pháp chế tám điểm. Thế là ngay sau đó, thái hậu Kiều Đàm Di và đoàn người của bà được thọ đại giới, trở thành các vị tì kheo ni đầu tiên của giáo đoàn Phật. Với sự kiện này, đức Phật được coi là vị giáo chủ đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã thành lập một đoàn thể xuất gia cho nữ giới với đầy đủ giới luật.

Kể từ đó, đệ tử của Phật gồm có bốn chúng: tì kheo, tì kheo ni, cư sĩ nam và cư sĩ nữ. Ni sư Kiều Đàm Di đã được Phật chỉ định làm ni trưởng để lãnh đạo mọi việc thuộc ni đoàn. Tôn giả Xá Lợi Phất được Phật ủy thác cho trách nhiệm hướng dẫn ni đoàn về những sinh hoạt căn bản buổi đầu của đời sống xuất gia.

Ni sư đã được đức Phật trực tiếp giảng dạy cho phep tắc tu học, và sau đó không lâu, ni sư đã đắc quả A la hán. Tiếp đó, các ni sư cùng xuất gia một lần với bà cũng đều chứng quả A la hán.

Với trách nhiệm ni trưởng, ni sư Kiều Đàm Di đã hoạc định về cách phục sức cho ni chúng, và vận động các vị thí chủ giúp đỡ để xây cất các trung tâm tu học cho ni đoàn. Uy tín của ni sư rất lớn, cho nên chẳng bao lâu, các ni viện đã lần lượt được tạo lập tại các nơi như Tì Xá Li, Ca Tì La Vệ, Xá Vệ v.v… Ni sư đã dìu dắt hàng ngàn ni chúng vào nếp sống nghiêm túc, tinh cần, và rất đông trong số họ đã thành công trong sự tu học, đức Phật rất hoan hỉ và nhiều lần khen ngợi.

Ni sư Kiều Đàm Di viên tịch trước Phật khoảng 18 năm (4).

CHÚ THÍCH

(1) Có sách nói, vua Tịnh Phạn đã cưới hai chị em bà Ma Ha Ma Da cùng một lúc; bà Ma Da được tấn phong ngôi hoàng hậu, còn bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề thì làm thứ hậu. Khi bà Ma Da sinh thái tử Tất Đạt Đa thì bà Ba Xà Ba Đề cũng sinh hoàng tử Nan Đà. Sau khi bà Ma Da băng thì bà Ba Xà Ba Đề được đưa lên ngôi hoàng hậu. Bà lãnh trách nhiệm nuôi dạy thái tử Tất Đạt Đa thay cho chị; còn hoàng tử Nan Đà thì bà giao cho một bà vú chăm sóc.

(2) Thành Tì Xá Li tức là thành Quảng Nghiêm, là nơi cư trú của bộ tộc Lê Xa (Licchavi), và là thủ đô của vương quốc Bạt Kì (Vrji - Vajji). Bạt Kì là một chủng tộc lớn, do tám tiểu quốc họp lại làm thành, lấy bộ tộc Lê Xa làm chủ. Đó là một nước đã áp dụng chế độ cộng hòa sớm nhất trên thế giới. Vào thời Phật tại thế, Bạt Kì là một trong những nước lớn và hùng mạnh nhất ở Ấn Độ. Kinh đô Tì Xá Li là một thành phố thương mại phồn thịnh. Tơ lụa và trầm hương ở đây rất nổi tiếng, được tất cả các vương quốc đương thời yêu chuộng. Tì Xá Li cũng là nơi hành đạo quan trọng của Phật và giáo đoàn, ngang với các thành Vương Xá và Xá Vệ. Đó cũng là nơi kết tập kinh điển lần thứ hai của bảy trăm vị A la hán sau khi Phật diệt độ một trăm năm.

(3) Pháp chế tám điểm, danh từ Phật học Hán Việt gọi là “Bát Kính Pháp” (hoặc “Bát Kính Giới”), gồm có:

1.- Một vị tì kheo ni luôn luôn phải cung kính đứng dậy và chào hỏi một vị tì kheo, dù vị tì kheo ni ấy có lớn hơn vị tì kheo rất nhiều về tuổi đời lẫn tuổi đạo.

2.- Đến mùa an cư hàng năm chúng tì kheo ni phải tìm đến an cư tại nơi nào có chúng tì kheo an cư để nương tựa và học hỏi.

3.- Đến kì bố tát (lễ tụng giới và phát lồ sám hối của chư tăng ni) mỗi nửa tháng, chúng tì kheo ni phải cử người đến xin chúng tì kheo chỉ định ngày giờ bố tát và cử người sang giáo huấn và khích lệ việc tu học của ni chúng.

4.- Vào ngày kết thúc mùa an cư, mỗi tì kheo ni phải thọ lễ tự tứ (người khác nói ra lỗi của mình, mình nhận lỗi và sám hối) trước chúng tì kheo lẫn chúng tì kheo ni.

5.- Khi phạm giới luật, vi tì kheo ni phải sám hối trước tăng chúng lẫn ni chúng.

6.- Những sa di ni đã thọ đại giới “thức xoa ma na” (sáu giới tập sự để chuẩn bị thọ đại giới) hai năm, phải cầu xin thọ đại giới trước cả hai chúng tăng và ni.

7.- Dù trong bất cứ trường hợp nào, tì kheo ni cũng không được quyền khiển trách hay nói nặng lời đối với tì kheo.

8.- Tì kheo ni không được vạch lỗi tì kheo; ngược lại, tì kheo được nói lỗi của vị tì kheo ni.

Những giới điều trên đây chỉ hoàn toàn dành cho người xuất gia, cho nên có một vài điều người tại gia không thể hiểu được. Lại nữa, những giới điều trên xem ra như có tính cách kì thị đối với nữ giới, nhưng sự thực thì không phải như vậy. Vào thời kì đó của xã hội Ấn Độ, việc đưa nữ giới vào đoàn thể xuất gia rất là khó khăn, hầu như không thể nào xảy ra được. Đã có một tuyết tâm cách mạng xã hội, nhưng cũng phải đợi thời cơ, phải một thời gian chuẩn bị tâm lí quần chúng. Khi thời cơ đã đến, đức Phật đã đưa “bát kính pháp” ra như là một cánh cửa phương tiện hoàn hảo để vừa có thể cho nữ giới gia nhập giáo đoàn, vừa có thể tránh được những trở ngại từ bên trong nội bộ cũng như từ bên ngoài xã hội. Tôn giả Xá Lợi Phất đã nói: “Tám điều này đưa ra với mục đích là mở được cửa cho giới phụ nữ đi vào giáo đoàn. Mục đích của nó không phải là kì thị, mà chính là để chấm dứt kì thị. Điều cốt yếu là phụ nữ được xuất gia”. Chính ni trưởng Kiều Đàm Di cũng nhận rõ: “Pháp chế tám điểm đó không phải là những trở ngại cho sự tu học của chúng tôi, mà chính là cửa ngõ cho chúng tôi được đi vào … Đó không phải là những điều kì thị nữ giới mà lại là những phương tiện bảo vệ và che chở cho giáo đoàn, trong đó có nữ giới". Bởi vậy, sau khi việc xuất gia của nữ giới đã trở thành sự thật, và khi nếp sống ni chúng đã trở nên nề nếp qui củ, thuần thục rồi, thì “bát kính pháp” sẽ không còn cần thiết nữa; vì ni chúng cũng đã có giới luật một cách đầy đủ và rõ ràng. Sự việc cả ngàn vị tì kheo ni thời Phật tại thế, sau một thời gian tu học tinh cần, đã đắc quả A la hán, đã nói lên đầy đủ ý nghĩa đó.

(4) có sách nói ni trưởng Kiều Đàm Di viên tịch trước đức Phật ba tháng.

 

Ni sư DA DU ĐÀ LA

(Yasodhara)(Người vợ hiền đức và can đảm,
đã giúp chồng thành công trong sự nghiệp cao cả)

 

Công chúa Da Du Đà La cùng tuổi với thái tử Tất Đạt Đa. Nàng là con của vua Thiện Giác và hoàng hậu Cam Lộ (Amita), trị vì vưong quốc Câu Lị, nước láng giềng ở phía Đông của vương Thích Ca. Vua là hoàng hậu của cả hai nước đối xử với nhau thật là thân thiết, vì hai vương quốc này vốn đã là thông gia của nhau từ lâu đời. Hiện tại, hoàng hậu Ma Ha Ma Da của vua Tịnh Phạn là em của vua Thiện Giác cũng là em của vua Tịnh Phạn.

Năm thái tử Tất Đạt Đa được hai mươi bốn tuổi, cua Tịnh Phạn và vua Thiện Giác đã cho tổ chức một cuộc thi võ nghệ. Thái tử đã chiếm giải nhất trong cuộc thi này, và được giải thưởng là con con voi trắng quí báu của triều đình. Da Du Đà La đã được ban tổ chức chỉ định đem phần thưởng voi trắng đến trao cho thái tử. Hai người cảm thấy gần gũi nhau từ lúc ấy.

Một tháng sau, hoàng hậu Ma Ha Ba Xà Ba Đề lại cho tổ chức một cuộc thi sắc đẹp và trình diễn quốc phục phụ nữ. Thaí tử là người được ban tổ chức đề cử đứng ra phát thưởng cho các cô. Số thiếu nữ trong vương quốc tham dự đêm hôm đó rất đông, nên khi đến người cuối cùng là công chúa Da Du Đà La thì phần thưởng đã hết. Sau phút luống cuống, thái tử đã cởi chính xâu chuỗi ngọc đang đeo trên cổ mình để đeo vào cổ công chúa.

Sau buổi dạ hội này, triều đính hai nước Thích Ca và Câu Lị đã quyết định tổ chức đám cưới cho thái tử Tất Đạt Đa và công chúa Da Du Đà La.

Đến năm hai mươi chín tuổi, công chúa sinh con đầu lòng, đó là hoàng tôn La Hầu La. Từ lúc còn niên thiếu, thái tử đã nhận thức được, và đã có những suy tư sâu sắc về những bất công của xã hội, về những khổ đau thường trực của cuộc sống nhân sinh, Chàng không tha thiết với đời sống vương giả đầy phú quí, quyền uy, mà chỉ muốn thoát khỏi cái ngục tù đó để sống đời tu sĩ, mong tìm đạo giải thoát để cứu thoát nỗi đau khổ cho mọi người. Công chúa là một người đằm thắm, dịu dàng, đức hạnh, lại rất thông minh; cho nên, trải mấy năm chung sống với thái tử, bà đã thấu hiểu tâm trạng đó của chồng. Bà biết thế nào thái tử cũng sẽ ra đi tìm kiếm con đường giải thoát. Điều đó làm cho bà cảm thấy đau buồn, nhưng bà đã không làm điều gì để ngăn cản, lại còn ngấm ngầm tán trợ cho quyết tâm của chồng. Bà còn tin tưởng chắc chắn vào sự thành công của chồng.

Sau khi bà sinh La Hầu La được bảy ngày thì thái tử âm thầm từ giã hoàng cung, dấn thân vào con đường tìm đạo giải thoát. Đêm đó trăng sáng lắm. Nằm bên đứa con thơ, bà đoán biết thái tử sẽ ra đi trong đêm đó, và bà đã cố gắng nằm im như say ngủ, tạo cơ hội dễ dàng cho chồng trong giờ phút ra đi. Bà buồn đau vô hạn, nhưng vẫn quyết tâm chịu đựng, mong chồng thành công trở về.

Từ đó, bà trọn vẹn gánh lấy trọng trách nuôi dưỡng và giáo dục con thơ, và cũng từ đó, tuy ở trong cung vàng điện ngọc, nhưng bà đã sống một đời sống giản dị, không vui theo những dục lạc trần thế; chỉ có cha mẹ và con thơ là niềm an ủi thường xuyên của bà. Bà rất mực trung thành với chồng. Có nhiều người quí tộc nhờ mai mối đến hỏi, bà đều làm ngơ. Biết tin chồng sống đời tu sĩ, khổ cực, bà cũng bỏ hết vàng ngọc châu báu, chỉ khoác tấm áo vàng đơn sơ, ăn uống đạm bạc, không nằm giường cao sang. Trong lúc sa môn Cồ Đàm, cố gắng phấn đấu để đạt đạo thì bà cũng cố gắng phấn đấu với những yếu đuối của mình như vậy.

Khi Phật trở về thăm hoàng cung lần đầu tiên sau ngày thành đạo, bà đã cho sửa soạn phòng ốc, ra lệnh cho các thị nữ đều mặc áo vàng để tiếp đón Ngài. Khi Phật vào phòng và ngồi vào chỗ đã dọn sẵn, bà nhẹ nhàng đến trước Ngài, quì xuống và đảnh lễ trên bàn chân của Ngài. Lúc ấy vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Kiều Đàm Di mới tán dương với Phật về lòng trung thành cùng đức hạnh thanh cao của bà. Đức Phật liền kể một câu chuyện tiền thân có liên quan đến duyên kiếp của hai người, vừa để an ủi bà, vừa để cám ơn bà đã giúp Ngài trong ý chí tìm đạo giải thoát.

Trong thời gian Phật ở Ca Tì La Vệ, bà đã nhiều lần được nghe giáo pháp, và đã thấm nhuần rất mau chóng. Ngay trong lần đó, tuy vẫn thương con thơ đứt ruột, nhưng chính bà đã cho La Hầu La xuất gia theo Phật.

Sáu tháng sau khi thái hậu Kiều Đàm Di xuất gia và thành lập ni đoàn, công chúa Da Du Đà La cũng xin được xuất gia, trở thành một vị tì kheo ni. Trong những năm đầu, ni sư tu học tại một ni viện ở vùng ngoại ô phía Bắc thành Ca Tì La Vệ do ni trưởng Kiều Đàm Di tạo lập. Dưới sự chăm sóc của ni trưởng, ni sư Da Du Đà La đã tu học rất tinh tấn, chẳng bao lâu thì đắc quả A la hán, và trở thành một trong những ni sư xuất sắc, có tài lãnh đạo trong ni đoàn. Về sau, khi đức Phật được thỉnh về an cư hàng năm tại tu viện Kì Viên, ni sư Da Du Đà La cũng thường về an cư tại các ni viện ở thành Xá Vệ để thừa hưởng sự giáo huấn của Phật.

Ni sư viên tịch năm bảy mươi tám tuổi, tức trước đức Phật hai năm.

 

Vua TẦN BÀ SA LA

(Bimbisara)      
(Vị đệ tử tại gia đầu tiên của Phật trong hàng vua chúa)

 

Vua Tần Bà Sa La (cũng gọi là Bình Sa) trị vì vương quốc Ma Kiệt Đà, đóng đô tại thành Vương Xá. Kinh đô này trước kia đã bị một cơn hỏa hoạn lớn tàn phá, và chính nhà vua đã xây dựng lại hoàn toàn mới mẻ.

Vua có hoàng hậu là Vi Đề Hi (Vaidehi - Videhi), sinh được một con trai là thái tử A Xà Thế. Cả vua và hoàng hậu đều sùng kính và tin Phật một cách sâu sắc, và là những đệ tử tại gia đầu tiên của Phật trong hàng vua chúa.

Khi còn là là thái tử, nhà vua đã từng có người yêu là Am Bà Bà Lị (Amrapali - Ambapali), một ca nữ nhan sắc, tiếngười tăm lừng lẫy ở thành Tì Xá Li (Vaisali - Vesali). Bà sinh một con trai với nhà vua, đó là y sĩ Kì Bà (Jivaka). Dù là một ca nhi, nhưng bà đã không chịu trình diễn ở những nơi chốn tạp nhạp, mà chỉ trình diễn ở những nhạc hội trong cung đình, ở dinh thự của các hàng thân quốc thích, hoặc trưởng giả quí tộc. Tuy vậy, khi nhà vua lên ngôi, triều đình không muốn nhà vua có một bà phi là ca nhi, nên bà và hoàng tử Kì Bà đã không được công nhận, và cũng không được nhập cung. Nhà vua phải xây cất phủ riêng ở Tì Xá Li cho hai mẹ con ở, và chu cấp đầy đủ mọi thứ để hai mẹ con có được một cuộc sống sung túc của một nhà quí tộc. Cả hai mẹ con về sau đều qui y Phật, trở thành những đệ tử thuần thành của Ngài.  Bà đã cúng dường khu vườn xoài to lớn của bà ở thành phố Tí Xá Li cho Phật và giáo đoàn để làm nơi hành đạo. Khi ni sư Kiều Đàm Di vừa thành lập ni đoàn, bà đã để cho ni chúng tạm trú trong khu vườn xoài này trong khi chờ đợi xây dựng ni viện, còn Kì Bà thì vừa là ngự y của vua, vừa là y sĩ thường trực chăm lo sức khỏe cho Phật và tăng chúng ở Trúc Lâm và Linh Thứu. Ông cư trú trong một khu vườn xoài ở gần núi Linh Thứu để tiện hầu Phật và chư tăng. Về sau cả hai mẹ con đều được Phật chấp thuận cho xuất gia.

Vua cũng có một bà quí phi là Sấm Ma (Khema), vừa nhan sắc lại vừa thông minh, nên tính tình rất tự cao. Từ khi được nghe giáo pháp và qui y làm đệ tử tại gia của Phật thì bà dần tỉnh ngộ, tâm tính chuyển hóa, trở thành một người khiêm cung, hiền thục. Sau khi ni đoàn được thành lập, bà xin xuất gia, tu học tinh chuyên, chứng quả A la hán, trở nên một nhân vật quan trọng trong hàng lãnh đạo ni chúng. Sau khi ni trưởng Kiều Đàm Di viên tịch, bà đã được Phật cử làm ni trưởng để hướng dẫn ni chúng.

Nhà vua lên ngôi năm mười lăm tuổi, và được gặp Phật lần đầu tiên năm hai mươi lăm tuổi. Hồi đó đức Phật đang là một vị sa môn trên đường tìm thầy học đạo - và thường được gọi là sa môn Cồ Đàm. Sau khi tìm đến vùng ngoại ô phía Bắc thành Tì Xá Li để theo học với đạo sĩ A La Lam (Arada Kalama - Alara Kalama), và không thấy thỏa mãn, sa môn Cồ Đàm đã xin từ tạ thầy ra đi, quyết tìm cho được một vị chân sư có thể chỉ dạy cho con đường giải thoát sinh tử. Ngài đi vào nội địa nước Ma Kiệt Đà, tìm đến nhiều đạo tràng khác nhau, nhưng không nơi nào giúp được ước nguyện của Ngài. Ngài đi lần đến một ngọn đồi ở gần thành Vương Xá, và ẩn cư tại đó. Một hôm, Ngài ôm bát đi vào thành khất thực. Tình cờ xa giá vua Tần Bà Sa La đi ngang qua. Thấy tướng mạo đoan nghiêm và dáng vẻ khoan thai khác thường của vị sa môn, ông cho dừng xe lại để quan sát. Sau đó, ông lại cho người lén theo Ngài về đến nơi ẩn cư cho biết chỗ. Hôm sau, ông đích thân lên tới nơi để thăm hỏi Ngài. Vừa gặp Ngài là ông sinh lòng kính phục và cảm mến ngay. Ông tự giới thiệu mình là quốc vương nước Ma Kiệt Đà.

Qua mấy lời chào hỏi, nhà vua đã thỉnh Ngài về hoàng cung ở để dạy dỗ, nhưng Ngài đã khéo léo từ chối, và nói cho ông biết chí hướng thật sự của Ngài. Ngài cũng nói rõ về gia thế của Ngài. Sau khi hiểu rõ thân thế và lí tưởng cao cả của Ngài, ông lại khâm phục và mến mộ; tự coi mình như đã là đệ tử của Ngài. Ông cầu khẩn, nếu sau này thành tựu được đạo giải thoát, xin Ngài nhớ trở lại chỉ dạy cho ông. Ngài hứa khả.

Sau buổi gặp gỡ hữu duyên đó, sa môn Cồ Đàm đã rời chỗ ẩn cư để tiếp tục con đường tìm đạo, và vua Tần Bà Sa La đã gặp Phật trở lại vào năm ông được ba mươi mốt tuổi; lúc đó Ngài đã thành tựu đạo quả giác ngộ.

Sau khi thành đạo, đức Phật đã đi đến vườn Nai (Mrgadava - Migadava) ở gần thành Ba La Nại (Varanasi - Baranasi), nước Ca Thi (Kasi), chuyển bánh xe pháp lần đầu tiên, hóa độ nhóm năm vị sa môn Kiều Trần Như, và ngự ở đó gần một năm. Sau đó Ngài đi lần hồi về kinh thành Vương Xá để thực hiện lời hứa năm xưa với vua Tần Bà Sa La.

Khi vừa biết tin đức Phật đã về đến kinh thành, và đang cùng chúng tăng cư trú tạm trong một khu rừng ở phía Nam thành phố, vua Tần Bà Sa La liền dẫn hoàng hậu, thái tử, cùng các quan văn võ và hàng trăm đạo sĩ Bà la môn, đến tận khu rừng để yết kiến Phật. Sau khi được nghe Phật thuyết pháp, tâm tư nhà vua bừng sáng, bao nhiêu nghi nan chất chứa trong lòng bấy lâu, nay đều được giải tỏa. Vua sụp lạy Phật và thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Thuở nhỏ trẫm có năm điều ước nguyện. Thứ nhất là được lên ngôi vua; thứ hai là được gặp một thầy giác ngộ; thứ ba là có duyên may được kính ngưỡng vị giác ngộ ấy, thứ tư là được vị giác ngộ ấy dạy cho con đường chân chính; thứ năm là mình có đủ khả năng lãnh hội được giáo pháp do vị giác ngộ ấy chỉ dạy. Bạch Thế Tôn! Đến hôm nay thì cả năm điều ước nguyện ấy đều được thành tựu. Trẫm đã lãnh hội được giáo lí mà Ngài vừa dạy. Xin Thế Tôn thương xót nhận cho trẫm được làm đệ tử tại gia của Ngài!

Đức Phật hoan hỉ chấp thuận. Nhà vua thỉnh Phật và hàng ngàn tăng chúng tháp tùng Ngài, sau đó vào hoàng cung để thọ lễ trai tăng do đích thân vua và hoàng hậu cúng dường. Có cả sáu ngàn tân khách đã được nhà vua mời đến cùng tham dự lễ. Sau lễ trai tăng, Phật thuyết pháp trước tất cả mọi người trong hoàng cung và tân khách.

Để cảm tạ ân sâu của Phật, nhà vua đã cúng dường khu rừng trúc ở ngoại ô phía Bắc kinh thành để Phật và giáo đoàn làm cơ sở đạo tràng cố định. Một ngôi tu viện bề thế, qui củ, rộng rãi đầu tiên của giáo đoàn đã được xây dựng tại đây, và được đặt tên là Trúc Lâm. Tu viện xây xong thì vừa đến mùa mưa; nhân đó, chính tại tu viện này, đức Phật đã chính thức thiết lập truyền thống an cư hàng năm cho giáo đoàn. Đó là năm thứ hai sau ngày thành đạo; và cũng là mùa an cư thứ nhì của đức Phật. Nhà vua rất siêng đến Trúc Lâm thăm Phật và nghe pháp, và đã xây tại tu viện một giảng đường có thể chứa hơn hai ngàn người ngồi nghe pháp.

Gần khu rừng trúc này có một ngọn núi tên là Linh Thứu, nằm về hướng Đông Bắc của kinh thành, sau đó cũng trở thành một đạo tràng rất quan trọng của Phật. Trên đỉnh núi có pháp đàn, có tịnh thất của Phật, có thạch động của quí vị đệ tử của Phật. Mỗi khi có Phật về ngự trên núi, vua Tần Bà Sa La đều lên núi thăm Phật và nghe pháp. Nhà vua đã cho xây mấy trăm bậc cấp bằng đá, làm thành một con đường kéo dài từ chân núi lên đến tịnh thất của Phật.

Đức Phật thường vân du khắp mọi nơi để bố giáo, không cư trú lâu dài tại một địa phương nào. Bởi vậy để tỏ lòng biết ơn giáo hóa của Phật, và để được thường xuyên nhìn thấy Phật, vua Tần Bà Sa La đã xây một ngôi tháp đựng tóc và móng tay của Phật ngay trong vườn ngự uyển, hằng ngày chiêm bái. Vua cắt cử riêng một người chỉ lo việc chăm sóc, quét tước va tưới bón hoa cỏ quanh tháp. Mỗi ngày đều xông trầm, thắp đèn trước tháp để cúng dường.

Khi nhà vua được sáu mươi bảy tuổi thì tai biến xảy ra. Thái tử A Xà Thế nghe lời đại đúc Đề Bà Đạt Đa xúi giục, âm mưu giết vua để chiếm ngôi. Một hôm đang lúc đêm khuya, thái tủ đột nhập vào tẩm điện của vua. Thấy dáng vẻ khả nghi, ngự lâm quân đã chận thái tử lại để xét, thì tìm thấy một thanh gươm được giấu trong chéo áo của thái tử. Họ đưa thái tử vào trình diện vua, kể lại tự sự, và trình lên vua thanh gươm. Vua vặn hỏi thì thái tử nói rằng, vì muốn lên làm vua nên định giết cha. Thái tử cũng thú nhận là mình đã được đại đức Đề Bà Đạt Đa bày vẽ và sắp đặt mưu kế.

Vốn được thấm nhuần đức từ bi của Phật, nhà vua đã không giận con mình, mà cũng không giận đại đức Đề Bà Đạt Đa. Đã vậy, vua còn quyết định hạ chiếu thoái vị, nhường ngôi cho thái tử A Xà Thế. Lễ đăng quang của thái tử sẽ được tổ chức mười ngày sau đó. Làm như vậy, nhà vua hi vọng A Xà Thế và Đề Bà Đạt Đa sẽ cảm được đức độ của mình mà hồi tâm hướng thiện.

Nhưng thay vì hồi tâm hướng thiện, hai ngày sau khi tờ chiếu thoái vị được ban hành, thái tử đã bắt nhà vua giam vào ngục thất. Sau lễ đăng quang, A Xà Thế vẫn không chịu trả tự do cho nhà vua, lại còn quyết tâm bỏ đói cho chết dần. Chỉ có một mình hoàng hậu được phép vào thăm nom vua. Mỗi lần vào thăm, bà giấu thức ăn trong túi áo đem vào cho chồng. A Xà Thế biết được, quở trách bà. Những lần sau, bà lại giấu cơm trong búi tóc, nhưng cũng bị phát giác. Cuối cùng, bà tắm rửa sạch sẽ, rồi thoa vào mình một thứ đồ ăn làm bằng bột, mật ong và sữa. Vua gợt lấy thức ăn này tạm nuôi sống, nhưng A Xà Thế cũng biết được, và cấm hẳn bà không được phép vào thăm nữa.

Bấy giờ, nhà vua cam chịu đói, nhưng lòng vẫn không oán trách con. Nhớ lời Phật dạy, nhà vua vẫn sống an lạc và bình thản, vẫn thiền hành theo hành lang nhà ngục, và thiền tọa nơi cửa sổ có chấn song sắt. Cửa sổ này ngó thẳng lên núi Linh Thứu, vì vậy, mỗi ngày nhà vua đều ngồi rất lâu chỗ đó để nhìn lên núi.

Sau lần bị đại đức Đề Bà lăn đá hãm hại ở núi Linh Thứu, thì vua Tần Bà Sa La cũng bị giết trong ngục thất. Cái chết của nhà vua thật vô cùng thê thảm! Nguyên vì, A Xà Thế thấy vua cha vẫn vui tươi, không có vẻ gì buồn đau sợ sệt, thì bực bội lắm, quyết giết đi cho khuất mắt, bèn ra lệnh cho người thợ cạo vào ngục, lấy dao bén gọt gót chân nhà vua, xát dầu và muối vào, rồi hơ trên lửa cho đến chết.

Vua Tần Bà Sa La nhỏ hơn Phật năm tuổi, mất năm sáu mươi bảy tuổi, ở ngôi được năm mươi hai năm.

Ngày thượng hoàng Tần Bà Sa La băng cũng là ngày chánh hậu vua A Xà Thế hạ sinh hoàng nam. Trong nỗi vui mừng được làm cha, vua A Xà Thế bỗng cảm thấy tình thương của một người cha lần đầu tiên chớm nở trong lòng. Tình thương ấy sao là đậm đà, trong sạch và sâu sắc. Vua bèn chạy đi tìm thái hậu để hỏi về tình thương của thượng hoàng ngày xưa đối với mình. Nhân cơ hội đó, thái hậu Vi Đề Hi liền kể cho con nghe về tình thương vô biên mà thượng hoàng Tần Bà Sa La đã dành cho nhà vua hồi còn  là một thái tử ngây thơ. Nghe xong, vua A Xà Thế liền cảm thấy trong lòng dâng cao một niềm hối hận tột cùng. Từ đó, cái chết của vua cứ ám ảnh nhà vua, làm cho tinh thần căng thẳng, mất ngủ trầm trọng. Các đạo sĩ Bà la môn đã bó tay, mà y sĩ Kì Bà cũng chữa mãi không khỏi. Thế rồi, Kì Bà khuyên nhà vua nên đến xin yết kiến đức Phật. Nhà vua nghe lời, Được gặp Phật và được nghe những lời dạy dỗ cùng khuyên giải của Ngài, nhà vua tỉnh ngộ và lành bệnh. Cuối cùng, vua bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã soi sáng cho con. Thế Tôn đã rọi ánh sáng vào nơi tăm tối, giúp con thấy được giá trị chân thật của chánh pháp. Xin Thế Tôn nhận cho con được làm đệ tử của Thế Tôn, cũng như xưa kia Thế Tôn đã nhận cho phụ hoàng và mẫu hậu của con làm đệ tử của Ngài.

Đức Phật hoan hỉ chấp thuận. Từ đó, vua xa lánh hẳn đại đức Đề Bà Đạt Đa, và trở thành một vị đệ tử tại gia rất thuần thành của Phật. Cũng như vua Tần Bà Sa La thuở trước, gặp bất cứ một vấn đề khó khăn nào, vua xa cũng thỉnh thị tôn ý của Phật trước khi hành động. Sau khi Phật nhập niết bàn, chính nhà vua đã đứng ra bảo trợ cho đại hội kết tập kinh điển lần đầu tiên của năm trăm vị A la hán, dưới sự chủ tọa của tôn giả Đại Ca Diếp.

 

Cư sĩ CẤP CÔ ĐỘC

(Anathapindada - Anathapindika)
(Vị thí chủ quan trọng nhất của giáo đoàn thời đức Phật)

 

Cấp Cô Độc là một vị trưởng giả triệu phú ở kinh đô Xá Vệ của vương quốc Kiều Tát La, miền Bắc Ấn Độ. Ông trên thật là Tu Đạt (Sudatta), vì thường hay chu cấp giúp đỡ cho những kẻ khốn khó, cô đơn, danh tiếng vang lừng cả vương quốc, cho nên mọi người đã kính mến và tặng cho ông biệt hiệu là Cấp Cô Độc, có nghĩa là “người cứu giúp kẻ nghèo khó và cô độc”. Ông có vợ và bốn con, ba gái đầu và một trai út.

Tu Đạt có người anh vợ là một thương gia giàu có ở tại thành Vương Xá. Mỗi khi có việc sang đây, ông đều trú tại nhà người anh vợ này. Một hôm đến đây, Tu Đạt thấy ông anh vợ đang bận rộn tíu tít sửa soạn một bữa tiệc lớn cho ngày mai. Ông hỏi thăm thì người anh vợ nói:

- Ngày mai anh cung thỉnh Phật và chư vị tì kheo đệ tử của Ngài đến thọ trai tại nhà.

Mới nghe tiếng “Phật" từ chính miệng ông anh vợ nói ra. Tu Đạt bỗng thấy lòng nảy sinh niềm hứng thú lạ thường. Ông yêu cầu người anh vợ nói thêm rõ ràng về bậc giác ngộ cho ông nghe. Nhân cơ hội đó, người anh vợ đã nói cho Tu Đạt biết về tư cách, đức độ và trí tuệ siêu việt của đức Phật. Chính ông đã được nghe Phật nói pháp và được làm đệ tử tại gia của Ngài. Ông cũng đã được Ngài cho phép dựng lên sáu mươi am thất nhỏ rải rác trong tu viện Trúc Lâm để cúng dường chư tăng.

Thật là một cơ duyên mầu nhiệm! Khi nghe được những điều đó Tu Đạt cảm thấy sung sướng vô cùng, tỏ lòng kính ngưỡng ngay đối với đức Phật. Nghĩ rằng, chỉ qua một đêm nay thôi, ngày mai là mình sẽ có cơ hội quí báu được gặp Phật ngay tại căn nhà này, ông rất vui và yên chí đi ngủ. Tưởng rằng sẽ được ngủ ngon giấc, nhưng không, suốt đêm đó ông đã không ngủ được, lòng cứ nôn nao, mong cho trời mau sáng để được gặp Phật. Ông vùng dậy đến ba lần vì tưởng trời đã sáng, nhưng mà màn đêm vẫn cứ còn dầy đặc. Cuối cùng, không thể chờ đợi được, ông thức dậy hẳn. Dù trời chưa sáng, ông vẫn nhất quyết đến Trúc Lâm để tìm gặp Phật. Khi ông vào đến khuôn viên tu viện thì trời tờ mờ sáng. Dù lòng đang nôn nóng, nhưng ông cũng đang cảm thấy e ngại. Bỗng nhiên ông nghe có tiếng người gọi đích danh ông: “Tu Đạt!” Nhìn thẳng trước mặt, ông thấy một người, và linh tính báo cho ông biết, người đó chính là đức Phật. Đúng vậy, đó chính là đức Phật, lúc đó Ngài đang đi thiền hành ngoài trời. Khi thoáng thấy có người đi tới, Ngài đã biết ngay đó là Tu Đạt! Ông tỉnh người, tiến tới một bước. Một cách nghiêm trang và thành kính, ông chắp tay đảnh lễ Ngài. Ông tự giới thiệu mình và kể cho Phật nghe tâm trạng của ông từ hôm qua đến giờ, rồi xin Phật dạy cho ông về đạo lí. Đó là một buổi sáng tại tu viện Trúc Lâm, sau khi mùa an cư lần thứ ba của Phật chấm dứt.

Sau khi nghe bài pháp đầu tiên, tâm ông bừng sáng. Ông vui sướng đảnh lễ và xin Phật nhận cho ông được làm đệ tử tại gia của Ngài. Phật hoan hỉ chấp nhận. Khi đức Phật hướng dẫn chư tăng đến thọ lễ cúng dường tại nhà người anh vợ của ông, ông cũng thỉnh Phật và chư tăng ngay ngày hôm sau đến đây để thọ lễ trai tăng do chính ông cúng dường. Trong lễ trai tăng này, Tu Đạt  đã thành khẩn thỉnh cầu Phật và chư tăng sang Xá Vệ, quê hương ông, để truyền bá chánhh pháp. Ông phát nguyện sẽ kiến lập một ngôi tu viện lớn tại kinh thành Xá Vệ để cúng dường Phật và giáo đoàn làm cơ sở tu học và hành đạo tại vương quốc Kiều Tát La.

Lời thỉnh cầu trên đã được Phật hứa khả. Ông liền trở về Xá Vệ để tìm địa điểm xây cất tu viện. Ông đã đi quan sát nhiều nơi chung quanh kinh thành, nhưng đều không ưng ý. Bấy giờ, thái tử Kì Đà (Jeta) của nước Kiều Tát La, có một khu vườn cây nằm sát kinh thành, do vua cha là Ba Tư Nặc (Prasenajit - Pasenadi) (1) ban cho. Nơi đó rộng rãi, thanh tịnh, phong cảnh tươi đẹp, u nhã, thật là một địa điểm thích hợp để lập tu viện. Cư sĩ Tu Đạt vừa ý lắm, bèn vào hoàng cung xin gặp thái tử để thương lượng mua lại. Gặp thái tử, ông trình bày ước muốn của mình là được mua khu vườn cây của thái tử để xây cất tu viện cúng dường đức Phật và giáo đoàn của Ngài, làm cơ sở tu học và hoằng pháp. Thái tử nói đùa:

- Khu vườn ấy là của phụ hoàng cho tôi. Tôi quí nó như vàng. Nếu ông có thể đem vàng ròng trải kín đầy mặt đất khắp khu vườn thì tôi mới chịu bán nó cho ông.

Nhưng Tu Đạt thì cho đó là lời nói nghiêm túc, bèn trả lời:

- Thưa vâng. Sáng mai tôi sẽ chở vàng tới và làm đúng theo điều kiện của thái tử vừa đưa ra.

Thật là bất ngờ! Thái tử giật mình kinh ngạc:

- Tôi chỉ nói đùa thôi mà, chứ khu vườn đó tôi không muốn bán đâu. Ông đừng chở vàng tới!

Nhưng trưởng giả vẫn nghiêm trang:

- Thưa thái tử! Ngài là bậc vương giả. Ngài đã nói điều gì thì điều ấy không thể chối bỏ được.

Thái tử đành nhượng bộ, nhưng trong lòng vẫn mong cho Tu Đạt không có đủ vàng để ông khỏi mất khu vườn. Không để cho thái tử có thì giờ nói thêm lời gì, Tu Đạt vội vã cáo từ.

Sáng hôm sau, khi thái tử ra đến khu vườn thì đã thấy vàng của Tu Đạt đã chở tới rồi, và gia nhân của ông đang lót vàng trên mặt đất vườn. Thái tử chứng kiến cảnh tượng lót vàng mà càng lúc càng cảm thấy kì lạ. Thái tử linh cảm đây không phải là chuyện bình thường. Ông trưởng giả chịu bỏ ra từng đống vàng một cách không tiếc rẻ để chỉ mua một khu vườn cây chỉ giá trị giải trí chứ không có lợi tức gì thiết thực cả như thế này, thực ra là vì chuyện gì? Như vậy, con người mà ông trưởng giả gọi là “Phật" đó, chắc chắn phải là một nhân vật ghê gớm lắm! Lúc ấy vàng đã được trải gần kín hết khu vườn, và Tu Đạt thì đang đứng nhìn những gốc cây có vẻ tư lự. Thái tử đến vỗ vai Tu Đạt, hỏi:

- Ông đang suy nghĩ gì mà không tiếp tục lót cho hết vàng? Ông muốn thay đổi ý kiến chăng?

Tu Đạt giật mình, vội trả lời:

- Không phải vậy, tôi đang suy nghĩ xem làm sao mà trải vàng lấp được những gốc cây. Khó quá!

Rồi thái tử xin ông nói cho nghe về đức Phật và giáo đoàn của Ngài, xem có gì đặc biệt. Mắt Tu Đạt bỗng sáng lên vì hãnh diện. Ông bắt đầu nói về tư cách, đạo đức và trí tuệ vượt bậc của Phật, về giáo pháp mà Phật đã dạy cho ông, và về đời sống thanh cao, phạm hạnh của giáo đoàn. Thaí tử nghe những điều ông nói, cũng cảm thấy hứng khởi trong lòng, liền đề nghị:

- Thôi, lót vàng như thế cũng đủ rồi, đừng suy nghĩ nữa. Thẻo đất trống còn lại, và tất cả cây trong vườn, tôi xin cúng dường Phật, gọi là xin đóng góp chút ít vào công trình cao đẹp của ông. Cứ coi như là ông cúng đất và tôi cúng cây để xây tu viện. Được một người như thái tử thấu hiểu và thật tâm ủng hộ mình, Tu Đạt hân hoan không xiết kể. Từ đó, khu vườn được gọi tên là “Vườn Cấp Cô Độc với cây của Kì Đà”.

Thế là địa điểm đã có, cư sĩ Tu Đạt lập tức trở lại thành Vương Xá để trình lên Phật biết, và xin Phật ban cho ý kiến về việc xây cất tu viện. Đức Phật đã phái tôn giả Xá Lợi Phất cùng đi Xá Vệ với Tu Đạt để trông nom công việc xây cất.

Đến Xá Vệ, tôn giả Xá Lợi Phất trú ngay tại khu vườn cho tiện việc điều động công tác. Buổi tối tôn giả thường nói pháp ngay tại khu vườn. Số người nghe pháp ngày càng đông, Phật chưa đến mà Phật pháp đã được dân chúng hâm mộ.

Bốn tháng sau thì công tác kiến thiết hoàn tất. Tu viện có tịnh thất của Phật, có tăng, xá, thiền đường, giảng đường, nhà dưỡng bệnh, nhà tắm, hồ nước, đường thiền hành v.v... coi như là đầy đủ tiện nghi, và có vẻ bề thế hơn cả tu viện Trúc Lâm. Tu viện được gọi bằng nhiều tên: Kì Viên, Kì Hoàn, Cấp Cô Độc, hay Kì Thọ Cấp Cô Độc.

Tôn giả Xá Lợi Phất trở về Vương Xá thỉnh Phật  và tăng chúng sang Xá Vệ. Trong khi đó, cư sĩ Cấp Cô Độc và thái tử Kì Đà thì lo chuẩn bị mọi thứ hoàn hảo để nghênh đón Phật và giáo đoàn.

Trong thời gian cư trú tại Xá Vệ vừa qua, tôn giả Xá Lợi Phất đã bị hàng trăm vị luận sư trứ danh của ngoại đạo thách thức tranh luận. Với trí tuệ và tài hùng biện, tôn giả đã khuất phục tất cả và đưa họ vào con đường chánh pháp. Những ngày trước đây, câu chuyện về “trưởng giả Tu Đạt không tiếc vàng bạc, đã mua vườn cây của thái tử Kì Đà xây tu viện cúng dường cho bậc giác ngộ và giáo đoàn của Ngài sẽ tới từ vương quốc Ma Kiệt Đà”, đã được lan rộng trong dân chúng thủ đô Xá Vệ; bây giờ lại thêm câu chuyện “một vị đệ tử của bậc giác ngộ đã tranh luận chiến thắng cả trăm vị luận sư trứ danh Bà la môn”, lại càng làm cho dân chúng hân hoan đón nhận một tôn giáo mới; và cư sĩ Tu Đạt, nhờ đó mà tín tâm đối với Phật pháp càng thêm sâu đậm, sắt đá, khó có gì lay chuyển nổi. Bởi vậy, ngày mà đức Phật dẫn giáo đoàn tiến vào thủ đô Xá Vệ, dân chúng trong thành đã tự động cùng đi theo cư sĩ Tu Đạt và thái tử Kì Đà, đón rước Phật thật linh đình, như là ngày hội lớn của kinh đô.

Cư sĩ và thái tử hướng dẫn Phật và giáo đoàn về thẳng tu viện Kì Viên. Thấy cơ sở được kiến thiết một cách chu đáo, Phật ngỏ lời khen ngợi công đức cúng dường của Tu Đạt.

Kì Viên là trung tâm tu học và hành đạo to lớn được xây cất sau tu viện Trúc Lâm. Đức Phật đã trải qua mùa an cư thứ tư tại đây. Từ mùa an cư thứ hai mươi, do được chư tăng cung thỉnh, mỗi năm cứ tới mùa mưa, Ngài lại về an cư tại Xá Vệ. Tổng cộng, tại tu viện này, đức Phật đã an cư cả thảy mười chín lần. Phần lớn các kinh điển cũng đã được Phật thuyết tại đây. Trưởng giả Cấp Cô Độc thường là đối tượng để Phật nói các bài pháp dành cho hàng cư sĩ.

Có thể nói, Cấp Cô Độc đã đến tu viện hàng ngày để thăm Phật và học hỏi. Đạo tâm của ông thực là kiên cố. Cả gia đình ông đều là những Phật tử thuần thành. Vợ ông là một người nội trợ hiền lương đạo đức. Ba cô con gái đều có tâm đạo nhiệt thành. Cậu con trai út ban đầu không thích đi chùa nghe pháp, hạnh kiểm không được tốt lắm, nhưng nhờ sự dạy dỗ khéo léo của cha mẹ, cậu cũng chịu nghe lời Phật dạy, và trở nên một người mẫu mực. Khi cậu con trai này lập gia đình, lại gặp phải một người vợ ngỗ nghịch, ỷ con nhà giàu, không nghe lời cha mẹ chồng, không nể nang sự khuyên bảo của chồng, mà cũng không tín phụng Phật pháp. Một hôm, đức Phật đến nhà thăm cư sĩ Tu Đạt thì vừa gặp đúng lúc cô con dâu của ông đang quát tháo ồn ào ở nhà sau. Ngài liền cho gọi cô ấy lên và giảng cho cô nghe một bài pháp về “bảy hạng người vợ trên thế gian” (2). Sau khi nghe bài pháp này, cô lấy làm hổ thẹn và xin hứa với Phật sẽ quyết tâm đổi tính nết để trở thành một người vợ hiền, một con dâu hiếu thảo. Từ đó, gia đình của cư sĩ Tu Đạt trở thành một gia đình toàn vẹn gương mẫu.

Hạnh bố thí của cư sĩ Tu Đạt thật rộng lớn. Đối với xã hội, ông luôn luôn để ra một phần gia sản để chu cấp cho tất cả những kẻ nghèo khó, cô đơn, không nhà cửa, không có họ hàng thân thích để nương tựa. Ông giúp đỡ, bênh vực và che chở họ. Bởi vậy mà ông được mọi người kính mến, nể vì, từ quốc vương, các đại thần trong triều đình, cho đến những kẻ cùng đinh trong dân gian. Đối với đức Phật và giáo đoàn, ngoài việc cúng dường tu viện Kì Viên, ông còn phát tâm (cùng với nữ cư sĩ Tì Xá Khư - xin xem chương kế tiếp) cung cấp chỗ cư trú, y áo, thực phẩm và thuốc men cho chư tăng ni bất cứ từ đâu đến thành Xá Vệ.

Mùa an cư thứ ba mươi bảy, đức Phật ngự tại tu viện Kì Viên. Một hôm sau buổi pháp thoại, bà vợ của của sĩ Tu Đạt đã bạch Phật rằng, chồng bà đang bệnh nặng, có thể không còn sống được bao lâu nữa. Hôm sau, đức Phật cùng với hai tôn giả Xá Lợi Phất và A Nan đi thăm Tu Đạt. Thấy Phật và hai tôn giả đến, ông vui mừng lắm. Để an ủi ông, Phật dạy:

- Tu Đạt! Suốt đời ông đã sống một cuộc sống có ý nghĩa. Ông đã làm vơi nỗi khổ đau của biết bao nhiêu người. Ông cũng đã đóng góp thật nhiều tâm lực vào sự hoằng truyền đạo giác ngộ được lan rộng khắp nơi hcốn. Ông sống đúng theo chánh pháp, đã tạo được hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình, và cho cho rất nhiều người trong xã hội. Bây giờ thì ông nên tịnh dưỡng. Thầy Xá Lợi Phất sẽ thỉnh thoảng đến thăm ông và hướng dẫn sự tu học cho ông.

Gần một tháng sau, người nhà của cư sĩ Tu Đạt lên tu viện báo cho tôn giả Xá Lợi Phất biết là bệnh tình của cư sĩ vừa trở nặng. Tôn giả liền mới tôn giả A Nan cùng đi thăm Tu Đạt. Ông không ngồi dậy được, chỉ nằm trên giường mà tiếp hai vị tôn giả. Biết đây là thời khắc cuối cùng của cuộc đời ông, tôn giả Xá Lợi Phất liền thuyết cho ông nghe một bài pháp cao siêu; vừa thuyết vừa dạy ông quán tưởng theo. Khi nghe và quán tưởng theo bài pháp ấy xong, nước mắt ông bỗng chảy ràn rụa trên hai gò má. Tôn giả A Nan thấy thế, hỏi:

- Cư sĩ Tu Đạt! Sao? Có phải ông lo sọ mà quán chiếu không thành công, và tinh thần trở nên suy nhược không?

- Bạch tôn giả A Nan! Con không có lo sợ, tinh thần con không hề suy nhược. Con quán chiếu rất thành công, con khóc là vì con quá xúc động. Con đã phụng sự Phật và chúng tăng hơn ba mươi năm nay, đã từng được nghe nhiều bài pháp do đức Thế Tôn giảng dạy, vậy mà chưa bao giờ con được nghe bài pháp nào sâu xa và nhiệm mầu như bài pháp hôm nay.

Tôn giả Xá Lợi Phất giải thích:

- Cư sĩ Tu Đạt! Những giáo pháp sâu xa nhiệm mầu như vầy thường chỉ được giảng dạy cho chư vị tăng ni mà thôi.

- Bạch hai vị tôn giả! Hàng đệ tử cư sĩ chúng cón cũng có người có thể nghe, hiểu và hành trì được giáo pháp sâu xa nhiệm mầu này. Xin hai vị tôn giả bạch với đức Thế Tôn, xin Ngài cho phép giới cư sĩ chúng con được nghe và hành trì giáo pháp xâu xa mầu nhiệm đó.

Cư sĩ Tu Đạt đã an nhiên từ trần ngay chiều hôm đó. Hai vị tôn giả đã ở lại hộ niệm rất lâu cho ông.

CHÚ THÍCH

(1) Vua Ba Tư Nặc trị vì vương quốc Kiều Tát La, đóng đô tại thành Xá Vệ. Nhà vua cùng tuổi với đức Phật. Chánh hậu của vua là bà Mạt Lị (Mallika), sinh ra thái tử Kì Đà. Em gái của nhà vua là bà Vi Đề Hi, được gả về làm chánh hậu của vua Tần Bà Sa La (nước Ma Kiệt Đà), sinh thái tử A Xà Thế. Vua Ba Tư Nặc tính tình cao ngạo, nhưng từ sau khi được Phật giáo hóa thì trở nên một người khiêm cung, lại là một đệ tử tại gia trung kiên của đức Phật. Phải nói rằng, thái tử Kì Đà đã đến với Phật trước nhất, sau đó thái tử đã dẫn mẹ đi nghe pháp. Nhờ lòng trung hậu và trí thông minh sáng suốt, hoàng hậu Mạt Lị đã thấm nhuần giáo pháp rất mau chóng, và bà đã khôn khéo, chân thành dẫn dắt nhà vua về với Tam Bảo. Nhà vua đã được cơ duyên nghe pháp rất nhiều, hơn cả vua Tần Bà Sa La. Có rất nhiều kinh Phật nói mà đối tượng là vua Ba Tư Nặc. nhà vua tôn kính đức Phật đến nỗi đã có lần đảnh lễ và ôm hôn chân Phật, rồi chí thành tán thán đức Phật và giáo đoàn của Ngài. Năm nhà vua bảy mươi chín tuổi, trong khi đang đi du hành ở vùng biên giới, thì ở thủ đô, hoàng tử Tì Lưu Li (Vidudabha, con một bà thứ hậu) làm cuộc đảo chánh, giết thái tử Kì Đà, rồi lên ngôi vua; khiến cho vua Ba Tư Nặc phải chết thảm ở một công viên bên ngoài thành Vương Xá. Vua A Xà Thế (cháu của nhà vua) hay tin, rước long thể nhà vua vào thành làm lễ quốc táng.

(2) Bảy hạng người vợ trên thế gian: 1) Hạng vợ không có lòng trắc ẩn, không nhã nhặn ôn hòa, hay gây rối chồng và có khuynh hướng sát nhân; 2) Hạng vợ hay trộm cắp tài sản của chồng tạo nên do mồ hôi nước mắt; 3) Hạng vợ suốt ngày lười biếng, tham ăn, ưa ngồi lê đôi mách, la lối gắt gỏng om sòm như một bà chủ; 4) Hạng vợ biết thương yêu chồng và chăm sóc chồng như người mẹ yêu thương đứa con duy nhất, biết gìn giữ của cải, thận trọng, và để ý từng tí một; 5) Hạng vợ biết kính nể chồng như em gái kính anh, tâm tính ôn nhu, hết lòng phục vụ mọi ý muốn chính đáng của chồng; 6) Hạng vợ vui vẻ, hân hoan mỗi khi thấy mặt chồng, như được gặp lại người bạn thân thiết xa cách đã lâu ngày, vừa duyên dáng dịu hiền, vừa là một cộng sự dễ mến; 7) Hạng vợ biết chịu đựng im lặng và giữ tâm tinh khiết, luôn luôn vâng lời chồng và không bao giờ sân hận.

 

Nữ cư sĩ TÌ XÁ KHƯ

(Visakha)
(Vị nữ thí chủ lớn nhất của giáo đoàn thời Phật tại thế)

 

Thời Phật tại thế, bà Tì Xá Khư được coi là vị nữ thí chủ quan trọng nhất của giáo đoàn. Uy tín của bà không kém gì trưởng giả Cấp Cô Độc.

Bà là con gái của nhà triệu phú Đạt Nan Xà Dạ (Dhananjaya) ở vương quốc Ương Già (Anga) (1). Ông ngoại của bà cũng là một nhà triệu phú ở Ương Già, mà bà hết sức thương mến và quí trọng. Gia đình hai bên nội ngoại của bà đều tin Phật thuần thành. Sau khi sinh bà được vài năm, thể theo lời mời của vua Ba Tư Nặc, cha mẹ bà đã dời lên vương quốc Kiều Tát La, và cư trú tại thành phố Ta Chỉ Đa (Saketa), phía Nam thủ đô Xá Vệ, để bà ở lại quê nhà cho ông ngoại nuôi dưỡng.

Hồi bà mới được bảy tuổi, có lần đức Phật đi hoằng hóa đến thành phố Ta Chỉ Đa. Thân phụ bà tức tốc cho người về quê, bảo bà lên ngay Ta Chỉ Đa để hầu Phật. Ông ngoại cô bé vui mừng lắm, liền bảo bảo cả năm trăm tì nữ của cháu ông, vầy đàn trên năm trăm cỗ xe ngựa, cùng hộ tống cháu lên Ta Chỉ Đa. Tới nơi, cô bé tới trước Phật, cung kính đảnh lễ, rồi ngồi sang một bên nghe pháp, và cô đã hiểu rõ trọn vẹn những gì Phật dạy hôm đó!

Kinh điển diễn tả rằng, Tì Xá Khư có sức mạnh như đàn ông, nhưng lại duyên dáng mĩ miều từ thuở còn thơ. Tóc bà láng mượt như đuôi công; môi đỏ hồng tự nhiên như trái chín; răng trắng như ngà, khít khao đều đặn và sáng ngời như hai hàng ngọc; da mịn màng như cánh sen, cho tới tuổi già mà vóc dáng vẫn xinh đẹp như thời son trẻ. Đã có vẻ đẹp toàn bích của người phụ nữ, bà còn có trí tuệ hơn người, vừa sáng suốt trong việc đời, vừa thông minh trong việc đạo.

Hồi Tì Xá Khư được mười sáu tuổi, một hôm cô cùng với nhiều tì nữ ra sông tắm. Thình lình một trận mưa to đổ xuống mọi người đều hối hả chạy vào núp mưa trong một căn nhà bỏ trống, riêng cô thì không chạy, cứ đi vào nhà một cách khoan thai. Lúc bấy giờ ở kinh đô Xá Vệ có ông trưởng giả triệu phú Di Già La (Mrgara - Migara) đang nôn nóng kiếm cho con trai ông một cô vợ thật môn đăng hộ đối. Cậu này hoàn toàn không thích lấy vợ, nhưng bị cha ép buộc quá, đành nói đại:

- Chỉ khi nào ba tìm được một cô gái mà tóc láng mướt như đuôi công, môi đỏ hồng tự nhiên như trái chín, răng trắng khít khao đẹp như ngọc, da mịn như cánh sen, thì con mới chịu cưới cô ấy làm vợ!

Chàng ta tưởng rằng cứ thách khó như thế để cha khỏi bắt mình lấy vợ; chứ trên đời làm gì có cô gái nào như vậy, nhưng ông trưởng giả thì cho là thật, bèn sai rất nhiều gia nhân, chia nhau đi khắp nẻo để tìm cho được cô gái có đầy đủ những điểm đúng như ý muốn của con trai ông. Hôm đó, mấy gia nhân của ông trưởng giả đi tìm vợ cho cậu công tử, tình cờ cũng ghé vào căn nhà trống kia để trú mưa. Thấy Tì Xá Khư đi vào nhà một cách chậm rãi chứ không hấp tấp chạy như mọi người, thì lấy làm lạ, bèn hỏi lí do. Cô bình thản trả lời:

- Tôi còn có thể chạy nhanh hơn mọi người nữa kia, nhưng tôi đã không làm vậy. Nếu có vị vua kia đang mặc triều phục, bỗng nhiên xăn áo quần lên hối hả chạy vào điện thì ắt là không thích đáng. Một thớt voi ngự oai nghiêm đường bệ, mình mang đầy đồ trang sức đẹp đẽ, mà không bước đi dõng dạc, lại đâm sầm chạy tuốt ra đường thì thật là chướng mắt. Một tu sĩ thanh nhã khả kính mà không bước đi khoan thai, lại chạy nhảy làm xốc xếch y bát, thì không thể không bị chỉ trích. Cũng như thế, người phụ nữ mà chạy ngoài đường như đàn ông thì sẽ mất hết nết hạnh đoan trang thùy mị.

Trong khi Tì Xá Khư nói, những người kia vừa chú ý nghe, vừa để mắt quan sát hình vóc của cô. Cả bọn họ đều vui mừng, vì quả thật, cô gái này giống y hệt mẫu người mà họ đang phải tìm cho ra. Họ tức tốc chạy về trình báo. Trưởng giả Di Già La mừng quá, lập tức đi Ta Chỉ Đa, đến nhà trưởng giả Đạt Nan Xà Dạ xin cưới Tì Xá Khư cho con trai mình.

Đám cưới được tổ chức thật linh đình, dưới sự đỡ đầu của vua Ba Tư Nặc. Đám rước dâu tiến vào thủ đô một cách uy nghi, trang trọng. Trưởng giả Di Già La đích thân đi rước con dâu về. Cô dâu ngồi trong một chiếc song mã lộng lẫy, dẫn đầu, tiếp theo là hàng trăm chiếc xe ngựa khác chở các tì nữ của bà; rồi đến hàng trăm chiếc xe chở của hồi môn, gồm năm trăm chín mươi triệu đồng tiền vàng, và vô số các vật phẩm bằng vàng, bạc, đồng, rồi còn quần áo, dầu thơm, gạo nước, nông cụ v.v... Ở đầu và cuối đoàn rước dâu có ngự lâm quân của hoàng gia đi hộ tống, do đích thân vua Ba Tư Nặc chỉ huy. Lễ cưới huy hoàng đã được tổ chức tại lâu đài của gia đình chú rể. Rất nhiều quà mừng quí giá của vua, các quan đại thần, bạn bè và dân chúng thủ đô được gởi tới. Tì Xá Khư nhận xong lại đem chia cho tất cả những kẻ nghèo khó. Bởi vậy, ngay từ lúc đó, bà đã được dân chúng ca ngợi về sắc đẹp lẫn đức hạnh. Bà cũng được những người bên nhà chồng tỏ lòng quí trọng, bởi vậy, bà đã sống những ngày đầu của cuộc sống mới vô cùng êm ả, hạnh phúc.

Nhưng có một điều, cả cha chồng và chồng bà đều là đệ tử trung kiên của giáo phái Ni Kiền Tử (Nigrantha Jnataputra - Nigantha Nataputa) (2). Một ngày kia, cha chồng bà thỉnh về nhà rất đông các đạo sĩ lõa thể của giáo phái này. Ông bảo bà ra đảnh lễ những vị mà ông gọi là A la hán. Thoạt nghe danh từ “A la hán", bà rất vui mừng, tưởng là các vị đệ tử Phật, bà vội vã thay quần áo đẹp, trang điểm lại đầu tóc, rồi bước ra phòng khách, nhưng vừa trông thấy các vị đạo sĩ kia, bà quày quả quay gót trở về phòng. Bà nói: “Trong thời đại này, những vị thánh thật sự chỉ có đức Phật và các vị đệ tử của Ngài. Những đạo sĩ lõa thể đang ngồi trong phòng khách không phải là những vị thánh; vì nếu đúng là thánh thì họ đã không xuất hiện trước mặt mọi người trong phong cách xấu hổ như vậy ma không biết ngượng”. Các vị đạo sĩ rất tức giận, hạch tội ông trưởng giả tại sao đem về nhà mình một tín đồ của đức Phật. Họ yêu cầu ông đuổi bà ra khỏi nhà tức khắc. Ông cũng giận nhưng không dám đuổi bà, bởi vì làm như vậy, không những sẽ chọc giận ông sui gia triệu phú, mà còn xúc phạm tới đức vua Ba Tư Nặc nữa. Cho nên ông đã phải hết lời xin lỗi cho các vị đạo sĩ nguôi giận.

Một buổi sáng sau đó mấy ngày, khi ông trưởng giả ngồi vào bàn ăn sáng thì có một vị tì kheo vào nhà khất thực. Tì Xá Khư đang sửa soạn thức ăn cho cha chồng, liền đứng tránh sang một bên, chủ ý để ông trông thấy rõ nhà sư. Dù đã thấy nhà sư, nhưng ông cứ lơ đi, tiếp tục ăn. Thấy thế, bà ra bạch với nhà sư:

- Bạch đại đức! Xin thỉnh đại đức hoan hỉ bước sang nhà khác. Cha chồng con đang dùng những món ăn thiu.

Ông trưởng giả nghe bà nói thế thì đùng đùng nổi giận, quát tháo ầm ĩ, rồi đuổi bà ra khỏi nhà. Bà vốn là người thuần hậu, biết tôn trọng mọi người cũng như phép tắc gia đình, nhưng không thể chấp nhận lối đối xử hung bạo như thế được. Bà thưa lại một cách từ tốn:

- Thưa cha! Không phải cha đem con về đây như mua một người nô lệ. Một cô gái có chồng, khi bị nhà chồng trả về cho cha mẹ thì phải có lí do chính đáng. Trước khi con về đây, cha mẹ con có lập một hội đồng gia tộc để xét xử con mỗi khi con làm lỗi. Vậy xin cha hãy mời các vị ấy đến để xét xử xem con có lỗi hay không.

Ông trưởng giả chấp nhận lời cầu xin hữu lí đó, liền mời các vị trong hội đồng gia tộc của bà đến. Ông phân trần:

- Hôm ấy tôi đang ăn sáng thì con dâu tôi nói rằng tôi ăn đồ ăn dơ. Xin quí vị hãy vạch ra cho nó thấy lỗi và đuổi nó ra khỏi nhà tôi.

Bà giải thích:

- Thật ra, con đã không nói đúng hẳn như vậy. Lúc cha chồng con đang ăn sáng thì có một nhà sư vào nhà khất thực. Cha chồng con thấy mà vẫn làm ngơ, nên con đã bạch với vị sư rằng: “Xin thỉnh đại đức hoan hỉ bước sang nhà khác. Cha chồng con đang dùng những món ăn thiu”. Lời nói của con có nghĩa rằng, cha chồng con chỉ hưởng thọ phước báo còn lại của quá khứ, mà không làm được điều thiện nào trong hiện tại để tiếp tục gieo nhân lành cho tương lai.

Quí vị thân tộc đều công nhận là bà nói như thế đã không có lỗi với cha chồng, mà còn có tâm ý tốt với ông nữa; chỉ tại ông chưa kịp hiểu ra mà thôi. Ông trưởng giả cũng đồng ý như vậy, nhưng chưa hết tức giận, ông lại vạch ra chuyện khác để buộc tội bà. Ông hỏi bà giữa đêm khuya mà thắp đuốc đi với nô tì ra sau vườn để làm gì. Bà lại phải giải thích, vì hôm ấy nghe con ngựa cái ở sau nhà sắp đẻ, bà tức khắc cùng với mấy nô tì đốt đuốc ra chuồng ngựa để chăm sóc, giúp cho con ngựa đẻ xong xuôi mới vào nhà đi ngủ. Quí vị thân tộc kia nghe được chuyện đó, đều công nhận rằng, bà đã có một tình thương rộng lớn, ba trùm đến cả thú vật. Bà đã làm một công việc cực nhọc để giúp con ngựa đang đau đớn mà chưa chắc các nô tì đã làm được. Đó là hành động đáng tán dương chứ không có lỗi.

Ông trưởng giả vẫn chưa nguôi giận, bèn tiếp tục moi chuyện khác, ví dụ, trước khi về nhà chồng, bà đã được dạy nhiều điều, chẳng hạn như: “Không đem lửa trong nhà ra ngoài ngõ, hay không đem lửa ở ngoài ngõ vào trong nhà v.v...” Vậy là sao? Không cho hàng xóm lửa thì họ sống được ư? Hoặc không cần lửa của hàng xóm thì mình sống được ư? Bà lại giải thích rành rẽ: “Không đem lửa trong nhà ra ngoài ngõ” có nghĩa là con dâu thì không được nói xấu chồng hay cha mẹ chồng với người ngoài, cũng không được đem chuyện xấu của nhà chồng nói ra ngoài. “Không đem lửa ở ngoài ngõ vào trong nhà” có nghĩa là không nên nghe hoặc để tâm theo dõi, rồi đem vào nhà chồng những chuyện không hay, phiền phức ở ngoài đường.

Đến đây, ông cha chồng không còn moi được điều gì để buộc tội bà nữa, ngồi lặng thinh, nhưng bà là người biết tự trọng, sau khi đã giải thích mọi điều để chứng minh rằng mình không phạm lỗi gì với cha chồng, bà tỏ ý muốn rời khỏi nhà theo lời xua đuổi của ông.

Bỗng nhiên ông trưởng giả thay đổi hẳn thái độ. Ông xin lỗi bà vì đã hiểu lầm mà gây nên cớ sự. Vốn sẵn có tính khoan dung, ôn hòa của một người Phật tử, bà không oán trách cha chồng, nhưng xin một điều là từ nay ông cho phép bà được sinh hoạt trong truyền thống tôn giáo của gia đình bà. Ông trưởng giả hoan hỉ đồng ý.

Mấy ngày sau, bà thỉnh Phật về nhà thọ trai. Sau khi thọ thực, đức Phật thuyết pháp. Ông trưởng giả tò mò, ngồi sau bức mành nghe lén. Nghe Phật nói pháp xong, ông bừng tỉnh ngộ, thấy rõ được con đường giải thoát thật sự. Ông tỏ lòng biết ơn vô bờ bến đối với con dâu của ông, hoặc vô tình, hoặc cố ý, đã dẫn dắt ông vào chánh đạo. Ông đã tuyên bố một cách cảm động trước mặt bà: “Tì Xá Khư! Từ nay con không phải là con dâu của cha nữa, mà cha sẽ coi con là một bà mẹ, mẹ của cha trong đạo pháp!” Và nhân đó, bà đã được mọi người gọi bà vớì biệt hiệu là “Lộc Mẫu” (Migara, tên ông trưởng giả, có nghĩa là “lộc”, tức là con nai).

Nhờ thông minh, khôn khéo và nhẫn nại, dần dần bà cảm hóa được tất cả mọi người trong gia đình nhà chồng, kể cả chồng của bà, cởi bỏ tà kiến, qui y Tam Bảo, trở thành một gia đình Phật tử, sống trong hạnh phúc và an vui.

Mỗi buổi sáng bà túc trực ở nhà để cúng dường cho chư tăng vào nhà khất thực. Xế chiều bà thường đến tu viện để nghe pháp và xem chư tăng có cần dùng thứ gì không. Bà phát tâm thường xuyên hộ trì chư tăng ni tám việc: 1- cúng dường áo tắm mưa; 2- dâng thức ăn cho chư tăng ni từ các nơi đến thành Xá Vệ; 3- dâng thức ăn và các vật dụng cần thiết cho chư tăng ni rời thành Xá Vệ đi du hóa phương khác; 4- dâng thức ăn thích hợp cho chư tăng ni bị bệnh; 5- dâng thức thức ăn cho quí vị phải săn sóc bệnh nhân, không đi khất thực được; 6- dâng thuốc men cho chư tăng ni bị bệnh; 7- dâng cháo buổi sáng cho chư tăng ni; 8- dâng khăn và áo tắm cho chư ni. Cả tám điều đó đều được Phật chấp thuận.

Một ngày nọ, tu viện Kì Viên có lễ lớn, bà Tì Xá Khư đã phục sức thật đẹp để đi chùa. Tới nơi, trước khi vào lễ Phật, bà cởi chiếc áo choàng quí giá gói lạì và giao cho người tì nữ cầm. Sau khi nghe pháp, bà ra về, và người tì nữ đã bỏ quên gói áo choàng lại tu viện. Hôm đó là ngày trực của tôn giả A Nan. Tôn giả thấy gói áo mà không biết là của ai. Theo lời Phật dạy, tôn giả tạm cất vào một chỗ, chờ chủ nó đến hỏi thì trao lại. Bà Tì Xá Khư về đến nhà thì mới hay người hầu đã bỏ quên gói áo ở tu viện. Bà bảo người hầu hãy trở lại tất cả lấy chiếc áo, nhưng dặn kĩ rằng, nếu chưa có ai đụng đến chiếc áo thì lấy đem về, nếu đã có vị sư nào đụng đến thì chiếc áo ấy đã thuộc về tu viện, hãy để lại đó, không lấy về. Người tì nữ lên tu viện và biết là tôn giả A Nan đã cầm chiếc đem cất, trở về thuật lại cho bà biết. Bà liền đến hầu Phật và tỏ ý muốn cúng dường giáo đoàn chiếc áo ấy bằng cách bán lấy tiền để dùng vào một việc gì, nhưng chiếc áo ấy không ai mua nổi, vì trị giá của nó đến chín mươi triệu đồng tiền vàng! Cuối cùng, chính bà mua lại nó, rồi bà thỉnh ý Phật muốn làm gì với số tiền đó. Phật dạy nên cất thêm một tu viện nữa, vì số tăng chúng độ này đã tăng quá đông. Bà vâng lời, bèn bỏ thêm vào đó chín mươi triệu đồng tiền vàng nữa để xây ngôi tu viện mới ngay trên khu đất của bà ở cổng phía Đông thủ đô. Khu đất ấy nhỏ hơn khu vườn của thái tử Kì Đà, nhưng xinh đẹp không kém; và bà cũng cúng dường luôn cho tu viện. Công trình xây cất này do tôn giả Mục Kiền Liên làm giám đốc. Thời gian xây cất kéo dài chín tháng. Khu tăng xá được xây hai tầng, mỗi tầng có năm trăm phòng. Tu viện được đặt tên là Đông Viên (Purvarama - Pubbarama). Một ngôi giảng đường lớn được dựng ngay ở trung tâm khu đất, được đặt tên là Lộc Mẫu (Mrgaramatr - Migaramata). Tu viện xây cất xong, bà lại cúng dường thêm chín mươi triệu đồng tiền vàng để trang bị mọi thứ cần thiết phía bên trong. Mùa mưa năm đó, bà thỉnh Phật an cư tại tu viện mới này, và chính tại đây, đức Phật đã an cư cả thảy sáu lần.

- Nếu kể luôn mười chín lần ở tu viện Kì Viên, đức Phật đã an cư tại thành Xá Vệ cả thảy hai mươi lăm lần.

Ngoài tu viện Đông Viên, bà Tì Xá Khư còn nhiệt tâm ủng hộ ni trưởng Kiều Dàm Di trong việc kiến thiết và trang bị một trung tâm tu học lớn dành cho ni chúng ở ngoại ô thành Xá Vệ. Nhờ có trung tâm này mà ni chúng đã thu đạt được nhiều thành quả tốt đẹp trong công phu tu học, vì được thân cận nhiều với Phật và chư tăng.

Bà Tì Xá Khư đã đóng góp phần quan trọng trong nhiều lãnh vực khác nhau có liên quan đến Phật sự. Đôi khi bà được đức Phật nhờ đi hóa giải những vụ bất hòa xảy ra giữa ni chúng. Có lần tu viện Kì Viên bị một giáo phái ngoại đạo vu khống là đã hãm hiếp rồi giết bịt miệng một nữ tín đồ của họ. Cảnh sát thành phố đã vào khám xét tu viện và tìm được xác của cô gái bị chôn trong khuôn viên tu viện. Chuyện này đã gây hoang mang trong dân chúng, và làm khổ tâm tất cả chư tăng ni và Phật tử ở Xá Vệ. Vua Ba Tư Nặc cũng bàng hoàng. Bà Tì Xá Khư quá đau buồn vì chuyện này. Bà biết là Phật và chư tăng đã bị vu khống. Bà liền bàn bạc với cư sĩ Cấp Cô Độc, phải tìm cách đem vụ này ra ánh sáng. Hai người liền thuê thám tử riêng (với sự giúp sức của thái tử Kì Đà), trà trộn vào nội bộ giáo pháp ấy để thám thính. Kết quả, các thám tử đã tìm ra hai thủ phạm đã giết cô gái kia. Cảnh sát đến bắt, họ khai rằng, các vị lãnh đạo của giáo phái đã thuê họ giết cô gái rồi đem chôn ở gần tịnh thất của Phật trong tu viện. Thế là câu chuyện vu khống đã được sáng tỏ, tất cả được thoát một ách nạn.

Do các đóng góp với lòng nhiệt thành, bà Tì Xá Khư được coi là người tín nữ có công đức nhiều nhất trong các Phật sự, và cũng là vị nữ thí chủ lớn nhất của giáo đoàn thời Phật tại thế. Bà có tất cả mười người con trai và mười người con gái, tất cả đều hiếu thảo và tin Phật.

Bà sống được một trăm hai mươi tuổi thọ.

CHÚ THÍCH

(1) Ương Già là một trong mưới sáu nước lớn ở Ấn Độ thời Phật tại thế, nằm ở phía Đông nước Ma Kiệt Đà.

(2) Trong thời Phật tại thế, có sáu giáo phái ngoại đạo (kinh sách thường gọi là “lục sư ngoại đạo”) được thịnh hành và có thế lực nhất trong lưu vực sông Hằng, so với các ngoại đạo khác. Họ cũng được coi thuộc Bà la môn giáo, nhưng thực sự thì họ là những Đoàn Sa Môn cấp tiến, có khuynh hướng tự do tư tưởng, chống lại tư tưởng cố chấp của Bà la môn giáo truyền thống. Sáu giáo pháo đó là (tên của giáo phái tức là tên của vị lãnh đạo): 1) Giáo phái Phú Lan Na Ca Diếp (Purana Kassapa), chủ trương thuyết hoài nghi về luân lí, cho rằng thiện ác chỉ là những nhận thức do thói quen mà có, không có nghiệp báo của thiện và ác. 2) Giáo phái Mạt Già Lê Câu Xá Lê (Makkhali Gosala), chủ trương thuyết tự nhiên, cho rằng những khổ vui của con người chỉ là sự vận hành tự nhiên, bản thân con người không can thiệp gì được. Dù ngàn năm sau có được giải thoát thì cũng là do sự vận hành của những qui luật tự nhiên, chứ không phải do nổ lực tu hành. 3) Giáo phái A Kì Đa Si Xá Khâm Bà La (Ajita Kesakambala), chủ trương thuyết duy vật, cho rằng con người do đất, nước, lửa và không khí tạo thành, và sau khi chết thì không còn gì cả; cho nên con người trong khi đang sống thì phải hưởng lạc cho thỏa thích. 4) Giáo phái Ca La Cưu Đà Ca Chiên Diên (Pakudha Kaccayana), chủ trương thuyết bất diệt, cho rằng thân và tâm con người không bao giờ bị hủy diệt; con người do bảy yếu tố đất, nước, lửa, không khí, khổ, vui và sinh mạng hợp thành, sống chết chỉ là hiện tượng bề ngoài do sự kết hợp hay tan rã của bảy yếu tố ấy, còn tự thân bảy yếu tố ấy là trường cửu, bất diệt. 5) Giáo phái San Xà Da Tì La Chi Tử (Sanjaya Belatthiputta), chủ trương thuyết thích ứng, cho rằng, chân lí luôn luôn tùy thuộc vào trường hợp, không gian và thời gian; bởi vậy, không có một điều gì gọi là chân lí phổ quát, mà chính nhận thức của con người là thước đo của mọi sự vật. (Hai vị đệ tử lớn của Phật là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Trước khi qui y theo Phật, đã từng là những cao đồ của giáo phái này). 6) Giáo phái Ni Kiền Đà Nhã Đề Tử (Nigantha Nataputta), gọi tắt là Ni Kiền Tử (cũng tức là Kì Na giáo - Jaina), chủ trương thuyết vận mệnh, cho rằng mạng và phi mạng là nền tảng của vũ trụ và sự sống. Các đạo sĩ trong giáo phái này không mặc quần áo (cho nên cũng gọi là phái Lõa Thể, hay Lõa Hình), giữ giới bất sát một cách tuyệt đối. Thế lực của họ trong xã hội rất lớn, cho nên thường hay chống đối và cạnh tranh với giáo đoàn Phật. Tôn giả Mục Kiền Liên luôn luôn là cái gai nhọn của họ, bởi vậy, tôn giả đã bị họ vây đánh cho đến chết ngay trước cổng tu viện Trúc Lâm (vào năm đức Phật tám mươi tuổi).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(Để viết phần “PHỤ LỤC” và những chú thích,

người viết đã tham khảo các tài liệu sau đây:)

- Disciples of the Buddha, Zenno Ishigami (Richard L. Gage và Paul McCarthy dịch ra Anh ngữ). Kosei Publishing Co, xuất bản, Tokyo, 1989.           

- Đức Phật và Phật pháp, Narada Maha Thera (Phạm Kim Khánh dịch). Chùa Khánh An ấn hành, Paris.

- Đường Xưa Mây Trắng, Thích Nhất Hạnh. Lá Bối in lần thứ hai, San Jose, 1992.

- Phật Quang Đại Từ Điển, Tinh Vân đại sư chủ trương biên tập. Phật Quang Văn Hóa Sự Nghiệp hữu hạn công ti xuất bản, Đài Bắc, bản in tháng 5 năm 1997 (năm Dân quốc 86).

- Tăng Già Thời Đức Phật, Thích Chơn Thiện. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, Saigon, 1991.

 

---o0o---

Mục Lục >> 01>>02>>03>>04>>05

>>06>>07>>08>>09>>10>>11>>12
---o0o---

 

 

Vi tính: Cao Thân
Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 01-12-2005

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

อาจารอเกว s ¹ Thương dáng chợ quê 栃木県 寺院数 ba loai gioi hanh giai thoat chung sinh khoi dau êm bên đời mưa nắng ကဆ န လပ ည န dạy con niệm phật húy 證嚴上人第一位人文真善美 chứ ในรายาใ8คมนา duc phat co dam nha tam ly tri lieu vo song 禅の旋 diem dac sac co ban cua tam ly hoc phat giao Phát chùa khải tường phóng sinh yêu mến tự do cơm sôi nhỏ lửa 阿彌陀經教材 cuoc doi do co bao lau ma khong chiu tu hanh 印顺法师关于大般涅槃经 新学期新展望内容怎么写 Vì sao các ông bố trẻ thường dễ bị neu ban that su muon binh yen day la chia khoa 佛曰 nghi ve van hoa tam linh va tin nguong ngay nay æ å å º nhung chiu duoc thong kho moi co the truong thanh nhung cau noi dang suy ngam cua nguoi do thai nhung nguoi nu xuat gia tu phat co chung duoc Cái hanh phuc 100 大一学期改进措施与下学期计划 tac hai cua dien thoai thong minh voi doi song 嘉言录 Tuổi Phật giáo Hạnh phúc trong sân chùa Thư デイスク回入と回出の意味 Khà i lam sao de biet duoc co kiep truoc kiep sau lam the nao de thuyet phuc bo me cho con di tu ç æˆ 投影备品备件方案 luyen tap long tu bi trong doi song hang ngay loi noi doi vo hai nen noi hay khong nen noi bốn ơn lớn mà người phật tử cần