Sự tích Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni

(Theo bản hiệu-chính ngày 21/05/2005) 

Soạn giả: Minh-Thiện Trần-Hữu-Danh

Với sự khuyến khích và giúp đỡ của hiền nội: 

Diệu-Xuân Nguyễn-thị Bạch-Mai

---o0o---

 

Phần 10

 

4- Hạ thứ 24 tại Jetavana (năm -566)

 

Cây Bồ-đề Ananda ở tinh xá Jetavana[1] 

Ðức Phật rời thủ đô Campa của xứ Anga, đi lần về hướng tây bắc, đến làng Lechanankala thuộc xứ Kosala. Rồi từ Lechanankala đến Sravasti vào đầu tháng sáu. Phật cư trú tại tinh xá Pubbarama (Ðông Viên), nơi có giảng đường Lộc-Mẫu. Bà Visakha đến viếng Phật và nói:

- Bạch Thế Tôn, ngài thường du hành hóa độ khắp nơi, chỉ về Sravasti vào trước mùa mưa. Ðệ tử chúng con nhiều khi nhớ Phật, đến tinh xá cũng không được gặp. Buồn quá, chúng con chỉ còn biết đi ba vòng xung quanh tịnh thất của Thế Tôn rồi ra về.

- Này Visakha, lúc không có Như Lai thì cũng có các thầy và các cô để bà học hỏi về giáo lý và thực hành. Ðừng vì sự vắng mặt của Như Lai mà xao lãng việc tu học.

Thượng tọa Ananda hỏi:

- Bạch Thế Tôn, những vật nào có thể dùng để chúng sanh lễ bái, cúng dường, mỗi khi tưởng nhớ đến Phật? Xin Thế Tôn hoan hỷ chỉ dạy.

- Này Ananda, có ba loại. Thứ nhất là những vật có liên quan đến thân thể (Sarira, xá-lợi), thứ hai là những vật liên quan đến đồ dùng riêng (Paribhogika), thứ ba là những vật để tưởng nhớ (Uddesika). Chúng sanh có thể lễ bái, cúng dường những vật đó mỗi khi tưởng nhớ tới Như Lai.

- Bạch Thế Tôn, trong lúc Thế Tôn còn sanh tiền, có nên tạo lập hình tượng hoặc xây tháp thờ ngài không?

- Không nên. Vật để chúng sanh lễ bái cúng dường có liên quan đến thân chỉ nên được kiến tạo sau khi Như Lai nhập diệt. Vật đáng để chúng sanh lễ bái cúng dường và tưởng niệm Phật hoàn toàn thuộc về tinh thần, không có căn bản vật chất. Ba loại đồ vật kỷ niệm kể trên chỉ có tính cách tượng trưng. Nhưng cây Bồ-Ðề to lớn mà xưa kia đã có lần che mưa đỡ nắng cho Như Lai là vật đáng để chúng sanh lễ bái cúng dường, dù Phật còn tại thế hay đã nhập diệt.

- Bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn đi thuyết pháp phương xa, tinh xá Jetavana rộng lớn không còn nơi nương tựa. Thiện tín từ xa đến Jetavana không biết hướng vào đâu để lễ bái, cúng dường. Xin Thế Tôn hoan hỷ cho phép con lấy hột của cây Bồ-Ðề mẹ tại Uruvela để gieo trồng gần cổng tinh xá Jetavana.

- Lành thay, Ananda, thầy hãy trồng đi. Làm thế ấy cũng như luôn luôn có mặt Như Lai ở tại đây[2].

Ðại đức Ananda và bà Visakha vô cùng mừng rỡ. Ðại đức Ananda nhờ Thượng tọa Moggallana mang về Sravasti một trái chín muồi từ cây Bồ-Ðề ở Uruvela. Ðại đức Ananda dâng trái chín này cho vua Pasenadi. Vua trao lại cho cư sĩ Sudatta Anathapindika trồng. Cư sĩ Sudatta trồng một cây gần cổng tinh xá Jetavana. Cây Bồ-Ðề này  mang tên là cây Bồ-Ðề Ananda. Bà Visakha cũng trồng một cây gần cổng tinh xá Pubbarama (Ðông Viên).

 

Mười hai nhân duyên (Paticca-samuppada[3]) 

Một hôm, tại giảng đường ở tinh xá Jetavana, trong giờ thuyết pháp, Phật nói[4]:

- Này các vị khất sĩ, tất cả chúng sanh đều đồng có 12 nhân duyên, cũng có nội, cũng có ngoại. Mười hai nhân duyên đó là: Phiền-não quá khứ gọi là vô-minh; nghiệp quá khứ gọi là hành; trong đời hiện tại, lúc sơ khởi nhập thai gọi là thức; năm phần nhập thai, chưa đủ bốn căn (mắt, tai, mũi, lưỡi) gọi là danh sắc; khi đầy đủ bốn căn gọi là lục nhập; chưa phân biệt khổ vui gọi là xúc; biết phân biệt khổ vui gọi là thọ; thích gần ngũ dục gọi là ái; tham cầu các thứ trong và ngoài gọi là thủ; do ái thủ các thứ trong và ngoài mà khởi nghiệp thân, khẩu, ý, gọi là hữu; thức đời hiện tại gọi là vị lai sanh; hiện tại danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, gọi là vị lai lão, bệnh, tử. Tất cả chúng sanh từ sanh đến lão tử đều có đủ 12 nhân duyên như vậy; chỉ trừ những thai nhi yểu tử thời không có đủ 12. Chúng sanh cõi sắc không có 3 thứ thọ, 3 thứ xúc, 3 thứ ái, không có già, bệnh, nhưng cũng được xem là đầy đủ 12. Chúng sanh cõi vô-sắc tuy không có sắc, không có lục nhập, xúc, thọ, ái, già, bệnh, nhưng cũng được xem là đầy đủ 12, vì quyết định được như vậy. Vì thế nên nói rằng chúng sanh đồng có đầy đủ 12 nhân duyên.

Ngưng một lúc, đức Phật nói tiếp[5]:

- Này các vị khất sĩ, Như Lai nhớ kiếp trước, khi chưa thành Chánh giác, một mình ở chỗ thanh vắng, chuyên tu thiền vắng-lặng (samatha) và thiền minh-sát (vipassana), đã khởi nghĩ như sau: "Vấn đề nan giải của thế gian là sanh, già, bệnh, chết, dời đổi, thọ sanh. Nhưng chúng sanh lại cứ nương tựa, bám víu vào sự sống như không hay biết gì về những khổ nạn đó." Ta liền khởi chánh tư duy để tìm ra nguồn gốc các khổ nạn của chúng sanh. Ta tự  hỏi: "Pháp gì có nên có SANH, pháp gì làm duyên nên có SANH?" Sau khi quán chiếu tường tận, ta biết "Có HỮU[6] nên có SANH, vì duyên H_U nên có SANH". Ta lại tự hỏi "Pháp gì có nên có HỮU, pháp gì làm duyên nên có HỮU?" Sau khi quán chiếu tường tận, ta biết "Vì có THỦ[7] nên có HỮU, duyên THỦ nên có HỮU". Ta lại tự hỏi "Pháp gì có nên có THỦ, pháp gì làm duyên nên có THỦ?" Sau khi quán chiếu tường tận, ta biết "Do chấp giữ các pháp, đắm trước, nghĩ nhớ, vương vấn trong lòng nên ái dục tăng trưởng. Vì có Ái nên có THỦ. Ái duyên THỦ, THỦ duyên HỮU, HỮU duyên SANH, SANH duyên LÃO, BỆNH, TỬ, ưu, bi, khổ, não. Như vậy chính Ái là nguồn gốc của khổ.

Này các vị khất sĩ, các thầy nghĩ sao? Ví như nhờ dầu, tim đèn, mà đèn được đốt sáng. Nếu tăng thêm dầu và tim thì đèn có sáng lâu không?

- Bạch Thế Tôn, đúng thế. Nếu dầu và tim càng nhiều thì đèn cháy càng lâu.

- Này các vị khất sĩ, cũng như thế, nếu đối với sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà càng chấp thủ, đắm trước, nghĩ nhớ, thích thú, vương vấn, thì ái càng tăng. Mà ái càng tăng thì thủ, hữu, sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não cũng đều tăng theo. Do đó phải biết ái là nhân duyên sanh khổ.

Này các vị khất sĩ, ta lại tự hỏi "Pháp gì không nên không có lão, bệnh, tử? Pháp gì diệt nên lão, bệnh, tử diệt?". Sau khi quán chiếu tường tận, ta biết "Nếu không có sanh thì không có lão, bệnh, tử. Nếu diệt được sanh thì lão, bệnh, tử không còn." Ta lại tự hỏi "Pháp gì không nên không có sanh? Pháp gì diệt thì sanh diệt?" Sau khi quán chiếu tường tận, ta biết "Nếu hữu không thì sanh không; nếu hữu diệt thì sanh diệt". Tiếp tục quán chiếu như thế, ta biết "Nếu thủ không thì hữu không, nếu ái không thì thủ không. Do đó nếu ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não đều diệt. Như vậy, muốn dứt sanh, già, bệnh, chết, khổ não, bi ai, thì trước hết phải diệt trừ tham ái.

  Này các vị khất sĩ, các thầy nghĩ sao? Nếu vứt hết tim đèn, đổ bỏ hết dầu thì đèn kia còn cháy được chăng hay sẽ tắt?

- Bạch Thế Tôn, không còn tim và dầu thì ngọn đèn dĩ nhiên phải tắt.

- Ðúng vậy, này các thầy, nếu đối với các pháp các thầy đều không chấp thủ, trái lại các thầy khởi quán vô thường, bất tịnh, khổ, không, lìa dục, xả ly, diệt tận, tâm không ham muốn, không nhớ nghĩ, không đắm trước thì ái không sanh. Ðến khi ái đã dứt thì sanh, già, bệnh, chết, bi ai, khổ não không còn nương vào đâu để có mặt, để hiện hữu.

Phật nói kinh này xong, các vị khất sĩ đều hoan hỷ phụng hành.

Ðến chiều, Thượng tọa Ananda đến ngồi bên cạnh Phật, thưa:

- Bạch Thế Tôn, kinh Paticca-samuppada thật quan trọng, vì kinh này chỉ rõ pháp tu giải thoát. Nhưng con thấy kinh này không khó, rất dễ hiểu và dễ nhớ. Như thầy Svastika mới nghe lần đầu mà cũng thông suốt, không có gì thắc mắc.

- Này Ananda, thầy không nên nghĩ như thế. Kinh này thật thâm sâu khó hiểu. Thầy chỉ mới hiểu theo trình độ hiện nay của thầy mà thôi. Thầy chưa hiểu hết ý nghĩa cao siêu của kinh. Thầy nên tiếp tục quán chiếu để tìm hiểu thêm. Trí huệ như thầy Sariputta cũng còn chưa hiểu hết ý nghĩa cao siêu của mười hai nhân duyên.

Nghe đức Phật nói như thế, Thượng tọa Ananda nhớ lại cuộc đàm thoại giữa Thượng tọa Sariputta và Thượng tọa Maha-Kotthila (Maha-Câu-hy-la) cách đây vài tháng, lúc còn ở Griddhakuta (Linh Thứu). Vào một buổi chiều, sau khi tọa thiền, Thượng tọa Sariputta đến chỗ Thượng tọa Maha-Kotthila, vui vẻ hỏi thăm nhau, rồi cùng ngồi xuống đàm đạo. Thượng tọa Sariputta nói[8]:

- Này sư huynh, tôi có điều muốn hỏi, sư huynh có rảnh để giải đáp cho chăng?

- Sư huynh cứ hỏi, điều gì biết được tôi sẽ đáp.

- Thưa sư huynh, thế nào? Có già không?

- Thưa có.

- Có chết không?

- Có.

- Già chết là tự mình làm ra, hay do người khác làm ra, hay vừa tự mình vừa do người khác làm ra, hay không phải tự mình cũng không do người khác, không do ai làm ra cả?

- Thưa sư huynh, già chết không phải tự mình làm ra, không phải do người khác làm ra, không phải do mình và người khác làm ra, không phải tự mình cũng không do người khác, không do ai làm ra cả. Chỉ vì có sanh nên có già chết.

- Như vậy sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu căn, danh sắc[9] là tự mình làm ra, do người khác làm ra, vừa tự mình vừa do người khác làm ra, hay không phải tự mình cũng không do người khác, không do ai làm ra cả?

- Thưa sư huynh Sariputta, danh sắc không phải tự mình làm ra, không phải do người khác làm ra, không phải vừa tự mình vừa do người khác làm ra, không do ai làm ra cả. Chỉ vì có thức[10] nên có danh sắc.

- Này sư huynh, thức là tự mình làm ra, do người khác làm ra, vừa tự mình vừa do người khác làm ra, hay không phải tự mình cũng không do người khác, không do ai làm ra cả?

- Thưa sư huynh Sariputta, thức không phải tự mình làm ra, không phải do người khác làm ra, không phải vừa tự mình vừa do người khác làm ra, cũng chẳng phải không do mình và người khác làm ra. Chỉ vì có danh sắc (6 căn và 6 trần) nên có thức.

- Thưa sư huynh Maha-Kotthila, trước đây sư huynh nói "vì có thức nên có danh sắc". Bây giờ sư huynh lại nói "vì có danh sắc nên có thức". Sao lại nói trái ngược như thế?

- Này sư huynh Sariputta, tôi xin nói thí dụ, người trí nghe thí dụ liền hiểu. Ví như ba cây lau được dựng chụm vào nhau nơi khoảng đất trống, nhờ nương tựa vào nhau mới có thể đứng vững. Nếu lấy bớt ra một cây thì hai cây còn lại không thể đứng được; nếu lấy bớt đi hai cây thì một cây còn lại cũng không đứng được. Ba cây lau phải nương tựa lẫn nhau mới đứng vững. Thức và danh sắc cũng vậy, chúng phải nương tựa lẫn nhau mới được sanh trưởng[11].

- Lành thay! Lành thay! Sư huynh Kotthila (Câu-hy-la), ở trong hàng đệ tử Thinh-văn của Phật, sư huynh là người trí tuệ thông đạt, khéo điều phục, không sợ hãi, thấy pháp cam lồ. Do pháp cam lồ mà chứng nghiệm đầy đủ. Này sư huynh Maha-Kotthila, với biện tài vô ngại, sư huynh đã giải đáp tất cả những câu hỏi về nghĩa lý sâu xa của mười hai nhân duyên. Như người thế gian đội ngọc quý vô giá trên đầu, tôi xin trân trọng nhận lấy những lời dạy bảo của sư huynh.

- Thưa sư huynh Sariputta, già chết là tai họa đáng chán; muốn hết già chết phải lìa dục, tận diệt tham ái. Khi biết nhàm chán sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu căn, danh sắc, thức thì phải lìa dục, tận diệt tham ái. Lìa dục, tận diệt tham ái chính là vị Pháp-sư của vị tỳ-kheo đã nhàm chán già chết. Tu căn viên thông, tận diệt sáu thức là pháp môn lìa dục, tận diệt tham ái để tự giải thoát khỏi mọi ràng buộc thế gian, ra khỏi sanh tử luân hồi. Ðó là vị Pháp-sư chân chính.

Thưa sư huynh Sariputta, trong các đệ tử Thinh văn của đức Thế Tôn, người có trí tuệ sáng suốt, khéo điều phục, không sợ hãi, thấy pháp cam lồ, do pháp cam lồ chính mình chứng nghiệm đầy đủ, đó chính là sư huynh Sariputta. Nhờ sư huynh khéo hỏi những điều sâu xa của chánh trí, quý báu như hạt châu vô giá được người thế gian trân trọng đội trên đầu, nên tôi mới có dịp trả lời và học hỏi thêm.

Thượng tọa Ananda thầm nghĩ "Hai sư huynh Sariputta và Maha-Kotthila đối đáp với nhau thông suốt như thế mà đức Phật còn bảo là chưa hiểu hết ý nghĩa của 12 nhân duyên. Vậy từ nay mỗi ngày ta nên thiền quán thêm mãi về đề tài này".

Trong 12 nhân duyên, người tu nên chú ý đến 3 nhân duyên quan trọng nhất là Vô Minh, ThứcÁi. Vì ba nhân duyên đó dễ diệt trừ nhất để được giải thoát. Một điểm đáng chú ý khác là cái gì sanh ra vô minh? Phật nói vô minh không có gốc. Trong kinh Lăng-Nghiêm, Phật nói "Tri kiến lập tri tức vô minh bổn". Có nghĩa là: Từ cái thấy biết thanh tịnh, như thật, không phân biệt, không đối đãi của Tánh Giác, mà lập ra cái thấy biết có phân biệt chủ thể và đối tượng, rồi bị vướng mắc vào 6 trần, đó là gốc của vô minh.

Muốn trừ vô minh thì phải học giáo lý để biết rõ (giác ngộ) Bản Tâm Thanh Tịnh của chúng ta, rồi tập sống hằng ngày với Bản Tâm Thanh Tịnh đó bằng cách quán chiếu vô thường, khổ, không, vô ngã.

Muốn trừ thức và ái thì phải tu Căn Viên Thông, tức phải gìn giữ cho sáu căn được thanh tịnh, không đắm nhiễm sáu trần, không sanh ra ái, không sanh ra ý thức phân biệt.

 

Phật cho phép ăn sau giờ ngọ và giữ thức ăn qua đêm trong lúc bệnh 

Vào mùa an cư năm nay tại Jetavana có rất nhiều vị khất sĩ mắc bệnh sốt rét. Nhiều thầy ốm-o xanh-xao, không đủ sức ôm bát đi khất thực. Họ phải nằm tại am chờ các thầy khác đi khất thực về chia xẻ thức ăn cho họ. Nhưng hầu hết thức ăn xin được là cơm hoặc bánh chapati[12] với nước cà-ri, thức ăn này quá cứng và khô đối với người bệnh. Trong trường hợp này, bà Visakha và các cư sĩ mang đến tinh xá cúng dường cháo sữa, mật ong, đề hồ và dầu ăn cho các khất sĩ bệnh nặng.

Một hôm, Phật nghe tiếng quạ kêu ran ngoài sân. Phật bước ra khỏi am thì thấy một số các vị khất sĩ đang cho quạ ăn các thức ăn rất quý đã được cúng dường đặc biệt cho người bệnh. Các vị khất sĩ này được cử ra săn sóc các bệnh nhân. Họ trình với Phật là sở dĩ phải cho quạ ăn các thức ăn quý giá này là vì có nhiều vị khất sĩ bị sốt vào buổi sáng nên không thọ thực được. Quá giờ ngọ thì họ không thể ăn được nữa. Thức ăn lại không được phép để dành qua ngày hôm sau nên phải đem ra cho quạ ăn. Do đó có vài người bệnh phải nhịn ăn luôn mấy ngày liền. Phật dạy:

- Này các thầy, từ nay, trong khi bệnh, các vị khất sĩ có quyền thọ thực sau giờ ngọ, và cũng có quyền giữ thức ăn đến ngày hôm sau, nhưng phải thông báo cho vị chúng trưởng (trưởng nhóm) biết trước.

 

Thượng tọa Sariputta bị vu cáo khinh khi một tu sĩ trẻ[13] 

Mùa an cư thứ 24 hoàn mãn, Thượng tọa Sariputta từ giã Phật để lên đường hoằng pháp. Phật chúc Thượng tọa đi đường bình yên, thân tâm nhẹ nhàng, gặp nhiều thuận duyên trên đường giáo hóa. Thượng tọa Sariputta cảm tạ Phật, từ giả các vị khất sĩ và lên đường ngay sau đó.

Một lúc sau, có một vị khất sĩ trẻ, không được Thượng tọa Sariputta nói lời từ giả, đến gặp Phật và than phiền là thầy bị Thượng tọa Sariputta hất hủi. Phật hỏi hất hủi như thế nào. Vị khất sĩ trẻ đáp:

- Bạch Thế Tôn, hồi nảy con thấy sư huynh Sariputta sắp sửa hành trang lên đường. Con hỏi sư huynh đi đâu. Sư huynh đã không thèm đáp mà còn xô con ngã rồi bỏ đi không thèm xin lỗi.

Phật bảo thầy thị giả Ananda:

- Này Ananda, chắc Sariputta chưa đi xa đâu. Thầy hãy nhờ một chú sa-di đi tìm Thượng tọa Sariputta về đây. Tối hôm nay chúng ta sẽ họp chúng tại giảng đường để giải quyết vụ này.

Thượng tọa Ananda vâng lệnh. Chiều hôm ấy Thượng tọa Sariputta trở về tinh xá với chú sa-di. Thầy lên trình diện với Phật. Phật bảo:

- Này Sariputta, tối nay chúng ta sẽ họp tại giảng đường. Có vị khất sĩ buộc tội thầy đã xô ngã thầy ấy rồi bỏ đi không thèm xin lỗi.

Tối hôm ấy giảng đường không thiếu mặt ai. Mọi người đều muốn biết Thượng tọa Sariputta sẽ phản ứng thế nào đối với những người lâu nay đã có thái độ ganh ghét và hờn giận mình. Ai cũng biết Thượng tọa Sariputta là một đệ tử lớn của Phật, rất được Phật tin yêu, và vì vậy thầy đã là mục tiêu của nhiều sự hiểu lầm và ganh tị.

Cách đây trên tám năm, cũng tại tinh xá Jetavana, có một thầy tên là Kokalika[14] rất thù ghét hai Thượng tọa Sariputta và Moggallana, không ai can ngăn được. Thầy bảo Sariputta và Moggallana đều là những người tu hành giả dối, thường hành động theo ái dục. Có lần Phật gọi thầy tới và bảo:

- Này Kokalika, đừng có nói rằng Sariputta và Moggallana là những người bị ái dục chi phối. Họ là những người có đạo đức chân thật và tính tình rất hòa nhã.

Nhưng thầy Kokalika đã bị sân hận làm mờ tâm trí nên thầy không tin nghe theo lời Phật. Cuối cùng thầy bỏ tu viện ra đi. Sau đó thầy bị một chứng bệnh rất kỳ lạ. Da thầy trở nên sần sùi, rồi tự nhiên đầy mình mọc lên những mụt nhỏ bằng hột cải, lần hồi lớn lên bằng hột đậu, rồi vỡ ra, chảy đầy máu mủ. Thuốc men nào cũng không chữa được. Phật nhắn thầy về tinh xá để chữa trị, nhưng thầy không chịu về. Sau đó thầy mạng chung. Ðức Phật rất thương xót, dạy rằng:

- Này các thầy, sân hận là chất độc làm ung thối tâm hồn, phá hoại cơ thể và có thể gây ra những tai nạn hoặc những chứng bệnh kỳ lạ. Các thầy hãy tinh cần gìn giữ đừng để cho chất độc của sân hận ngấm vào thân tâm các thầy.

Trở lại buổi họp chúng tối hôm ấy. Khi Phật bước vào giảng đường, tất cả các vị khất sĩ đều đứng dậy chấp tay cúi đầu. Ðức Phật mời mọi người an tọa, rồi ngài cũng ngồi xuống pháp tòa, ra hiệu cho Thượng tọa Sariputta đến ngồi trên chiếc ghế thấp bên tay phải ngài. Sau khi mọi người đã ngồi xuống, im lặng, đức Phật xoay lại nói với Thượng tọa Sariputta:

- Này Sariputta, có vị khất sĩ nói thầy xô ngã vị ấy rồi bỏ đi mà không xin lỗi. Vậy, trước đại chúng, thầy hãy trình bày lại rõ ràng việc ấy đã xảy ra như thế nào.

Thượng tọa Sariputta đứng dậy chắp tay xá Phật, xá đại chúng, rồi nói:

- Bạch Thế Tôn, thưa các huynh đệ, một người chưa tu, không biết quán niệm về thân, không biết quán niệm về tâm, không có ý thức về những hành động và lời nói của mình, một người như thế có thể xô ngã một người bạn của mình và bỏ đi mà không thèm xin lỗi.

Bạch Thế Tôn, con còn nhớ bài học ngày xưa Thế Tôn dạy cho Rahula lúc thầy được 16 tuổi, cách đây khoảng 13 năm. Thế Tôn đã dạy Rahula học theo hạnh của tứ đại là đất, nước, gió, lửa để nuôi dưỡng bốn đức tính từ, bi, hỷ, xả. Hôm ấy con cũng có mặt. Con đã học và thực hành bài học ấy trong suốt 13 năm qua.

Con đã tập hành sự như đất. Ðất bao giờ cũng vững chắc, rộng lớn, bao la, có khả năng thu nhận và chuyển hóa. Dù người ta đổ rải lên đất những chất tinh sạch như nước hoa, sữa thơm, hoặc đổ rải lên đất những chất dơ bẩn, hôi hám như phân, nước tiểu, máu, mủ thì đất cũng luôn luôn tiếp nhận những thứ đó một cách thản nhiên, bình đẳng, không khen chê, không thương ghét. Bạch Thế Tôn, con đã thường quán niệm thân tâm con như đất. Con không thể có hành động xô ngã một người bạn rồi bỏ đi mà không xin lỗi.

Con đã tập hành sự như nước. Khi người ta đổ nước hoa thơm vào nước, hoặc khi người ta giặt những thứ dơ bẩn trong nước, nước vẫn luôn luôn thản nhiên, bình đẳng, không khen chê, không thương ghét. Tánh của nước lúc nào cũng bao la, lưu chuyển, có năng lực hóa giải và tự thanh lọc. Bạch Thế Tôn, con đã thường quán niệm thân tâm con như nước. Con không thể có hành động xô ngã một người bạn rồi bỏ đi mà không xin lỗi.

Con đã tập hành sự như gió. Gió thổi đi những mùi thơm hoặc thúi mà không bao giờ có ý khen chê hay thương ghét. Gió có tánh bình đẳng, bao la, lưu chuyển, có năng lực hóa giải và tự thanh lọc. Bạch Thế Tôn, con đã thường quán niệm thân tâm con như gió. Con không thể có hành động xô ngã một người bạn rồi bỏ đi mà không xin lỗi.

Con đã tập hành sự như lửa. Lửa đốt cháy tất cả những cái đẹp, xấu, sạch, dơ, thơm, thúi mà không bao giờ cảm thấy tham đắm, tủi nhục, buồn giận hay chán chường. Lửa có tánh bình đẳng, thiêu đốt, có năng lực hóa giải và tự thanh lọc. Bạch Thế Tôn, con đã thường quán niệm thân tâm con như lửa. Con không thể có hành động xô ngã một người bạn rồi bỏ đi mà không xin lỗi.

Bạch Thế Tôn, con thường tự ví mình như một em bé dòng dõi hạ tiện, áo quần rách rưới, ôm bát vào làng xóm mà xin ăn. Trong lòng con không có một chút tự cao tự phụ, luôn luôn khiêm cung. Con không thể có hành động xô ngã một người bạn rồi bỏ đi mà không xin lỗi.

Thượng tọa Sariputta còn muốn nói nữa, nhưng vị khất sĩ buộc tội Thượng tọa đã đứng dậy, bước đến trước mặt Phật, quỳ xuống đảnh lễ ba lạy, rồi chắp tay thưa:

- Bạch Thế Tôn, con đã phạm giới, con đã buộc tội sư huynh Sariputta một cách oan uổng. Con xin sám hối trước Thế Tôn và đại chúng để được giới thể thanh tịnh, và nguyện từ nay về sau không tái phạm.

Phật bảo:

- Thầy đã nhận lỗi trước đại chúng và sám hối là điều rất tốt. Ðại chúng đã chấp nhận sự sám hối của thầy. Vậy Thượng tọa Sariputta cũng nên hỷ xả để tâm được an ổn, nhẹ nhàng.

- Bạch Thế Tôn, Sariputta nói, con đã hoàn toàn bỏ qua chuyện này.

Rồi Thượng tọa quay sang vị khất sĩ kia, nói tiếp:

- Tôi cũng xin sư huynh hoan hỷ bỏ qua cho những lỗi lầm của tôi trong quá khứ đã làm cho sư huynh buồn phiền.

Vị khất sĩ buộc tội bước đến trước Thượng tọa Sariputta, hai người cùng chắp tay cung kính đảnh lễ nhau ba lạy. Ðại chúng rất hoan hỷ. Không khí rất cởi mở và hòa dịu.

 

Phật dạy pháp Tứ Y (Catvari pratisaranena) 

Sau mùa an cư, Phật đi du hành nhiều nơi trong xứ Kosala. Một hôm ngài đến thị trấn Kesaputta của bộ tộc Kalama. Giới thanh niên tìm tới gặp Phật rất đông. Họ đã từng nghe tiếng sa-môn Gotama nhưng chưa lần nào được gặp. Một thanh niên chắp tay hỏi Phật:

- Thưa sa-môn Gotama, ít lâu nay có rất nhiều vị đạo sư đến viếng Kesaputta để giảng dạy đạo lý. Vị nào cũng nói chỉ có giáo pháp của mình là hay và thường hay chê bay, chỉ trích các giáo pháp khác. Chúng con thật bối rối, không biết ai nói đúng ai nói sai, rốt cuộc chúng con sinh ra nghi ngờ tất cả. Sa-môn là bậc giác ngộ liêm chính, xin thầy cho chúng con biết nên tin theo ai và không nên tin theo ai? Ai là người nói đúng và ai là người đang truyền bá tà thuyết?

- Này các cháu, Phật nói, nếu các cháu có sinh tâm nghi ngờ thì đó cũng chỉ là việc tự nhiên. Các cháu đừng vội tin vào một điều gì dù đó là điều người ta thường nói đến luôn, dù điều đó có trong kinh điển, hay dù điều đó do một nhân vật nổi tiếng nói ra. Các cháu chỉ nên chấp nhận và tin theo những gì hợp với lý trí của các cháu, những gì đã được các bậc thánh hiền xưa nay đồng ý, những gì mà khi đem ra thực hành sẽ mang đến những kết quả tốt đẹp cho mọi người[15].

- Kính xin thầy nói rõ hơn cho chúng con dễ hiểu.

- Này các cháu, ví dụ như có một người để tham vọng, giận tức và si mê chế ngự tâm mình, thì người ấy và những người sống chung quanh người ấy vui hay khổ?

- Bạch thầy, tham vọng, giận tức và si mê thường đưa đến tội ác. Vì vậy người ấy và những người sống chung quanh người ấy thường phải chịu khổ.

- Vậy sống theo tham vọng, giận tức và si mê có phải là lối sống mà các bậc thánh hiền chấp nhận và khuyến khích không? Có phải là lối sống mang đến những kết quả tốt đẹp cho mọi người không?

- Thưa không.

- Ví dụ như có người sống theo các hạnh từ, bi, hỷ, xả, thường mang đến niềm vui cho những người xung quanh, thường cứu giúp những người hoạn nạn, thường vui theo cái vui chung của mọi người, thường bỏ qua không cố chấp ơn mình và lỗi người. Như vậy người ấy và những người xung quanh vui hay khổ?

- Bạch thầy, sống theo các hạnh từ, bi, hỷ, xả chẳng những mang đến niềm vui và hạnh phúc cho những người xung quanh mà chính mình cũng được vui vẻ hạnh phúc.

- Như vậy "sống theo các hạnh từ, bi, hỷ, xả sẽ mang đến niềm vui và hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người" là điều hợp với lý trí, là điều được thánh hiền chấp nhận và khuyến khích, là điều mà khi đem ra thực hành sẽ mang đến kết quả tốt đẹp cho chính mình và cho những người xung quanh. Ðó là điều mà các cháu nên chấp nhận, nên thực hành và nên khuyến khích người khác thực hành.

Này các cháu, ngoài việc dùng lý trí để nhận xét, người học đạo còn cần phải biết nương theo pháp Tứ-y[16] (Catvari pratisaranena) như sau:

1-Y pháp, bất y nhân (Dharma pratisaranena bhavitavyam, na puggala pratisaranena) là nên tìm hiểu và học hỏi giáo pháp, chứ không nên cố chấp vào tên tuổi hay tướng mạo của người nói.

2-Y nghĩa, bất y ngữ (Artha pratisaranena bhavitavyam, na vyanjana pratisaranena) là nên căn cứ vào nghĩa lý, không nên chấp vào ngôn ngữ, văn tự.

3-Y trí, bất y thức (Jnana pratisaranena bhavitavyam, na vijnana pratisaranena) là nên dùng trí tuệ sáng suốt để tìm hiểu giáo pháp và thực hành theo, chứ không nên dựa vào giác quan (6 thức) hay tình cảm (thọ và ái) của mình.

4-Y kinh liễu nghĩa, bất y kinh bất liễu nghĩa (Nitartha sutra pratisaranena bhavitavyam, na neyartha sutra pratisaranena) là nên theo kinh chỉ đúng chân lý, không nên chấp theo khế kinh chưa chỉ đúng chân lý.

Người học đạo như thế chắc chắn sẽ theo đúng Chánh Pháp, không sợ bị lầm lạc.

- Bạch thầy, hôm nay là lần đầu tiên chúng con được nghe một vị đạo sư chỉ dạy những điều hợp với lý trí, không bắt buộc tín đồ phải có lòng tin tưởng mù quáng vào một đấng thiêng liêng hay một giáo điều nào cả. Chúng con rất vui mừng như người đang ở trong nhà tối được ngọn đèn sáng, như người lạc lõng trong rừng tìm được lối ra. Chúng con kính xin thầy cho chúng con được quy y Tam Bảo, làm đệ tử tại gia của thầy.

Ðức Phật hoan hỷ chấp thuận.

 

Người tu sĩ như khúc gỗ trôi trên sông[17] 

Ðức Phật đi về hướng nam đến thành phố Alavi, rồi từ đó đi về hướng tây, dọc theo bờ sông Ganga và Yamuna, hướng về thủ đô Kosambi của xứ Vatsa. Một hôm, đứng trên bờ sông Ganga, Phật nhìn thấy một khúc gỗ lớn đang trôi theo dòng nước chảy về phương đông. Phật gọi các vị khất sĩ đến, chỉ cho họ thấy khúc gỗ đang trôi và nói:

- Này các thầy, khúc gỗ kia nếu không bị vướng mắc vào hai bên bờ, nếu không bị người ta vớt lên hoặc bị mục nát tan rã, thì sẽ cứ trôi như thế cho đến ngày ra tới biển cả. Các thầy cũng thế, trên con đường tu tiến theo chánh pháp, nếu các thầy không bị vướng mắc vào các cạm bẫy của cuộc sống hằng ngày, nếu các thầy không bị người đời lôi kéo ra khỏi con đường tu tiến, nếu các thầy không tự thối chí ngã lòng, thì chắc chắn các thầy cũng sẽ đi đến đại dương của sự giải thoát và giác ngộ hoàn toàn.

- Bạch Thế Tôn, xin ngài nói rõ hơn cho chúng con dễ hiểu.

- Này các thầy, "không bị vướng mắc vào cạm bẫy của cuộc sống hằng ngày" là không bị vướng mắc vào sáu căn và sáu trần, là khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần không sanh ra sáu thức. Khi sáu thức không sanh là sáu căn đã được thanh tịnh, viên thông. Khi ấy các thầy sẽ được tự tại, không còn sợ bị vướng mắc vào cạm bẫy phiền não của cuộc sống nữa.

"Không bị người đời lôi kéo ra khỏi con đường tu tiến" là không còn đắm nhiễm dục lạc ở cõi đời này nữa. Do công phu trì giới thuần thục, tài, sắc, danh, thực, thùy không còn chút gì hấp dẫn đối với các thầy nữa. Trái lại các thầy sẽ thưởng thức được niềm thanh tịnh, an lạc trong thiền định và chánh niệm.

"Không tự thối chí ngã lòng" là khi các thầy đã hiểu rõ giáo pháp và đã thực tập được nhiều kết quả tốt đẹp. Khi ấy các thầy sẽ vững tin nơi Tam Bảo và vững tin nơi khả năng thành Phật của chính mình.

Này các thầy, tìm hiểu Giáo pháp, vững tin nơi Tam Bảo, trì giới thanh tịnh, thực hành thiền định và chánh niệm, tu căn viên thông là những phương tiện cần thiết để đưa các thầy tới giải thoát khỏi cảnh đau khổ, sanh, già, bệnh, chết. Chắc chắn không sai.

Trong lúc Phật đứng bên bờ sông Ganga giảng dạy cho các vị khất sĩ, có một thiếu niên chăn trâu khoảng 16 tuổi đứng gần đó. Thiếu niên này tên Nanda, trùng tên với thầy Nanda, em cùng cha khác mẹ với Phật. Nanda được nghe Phật giảng, thích lắm. Em mon men đến gần Phật xin được theo Phật làm khất sĩ. Em nói:

- Bạch sa-môn, con tên Nanda, con muốn được như các vị khất sĩ có dung mạo trang nghiêm kia. Con muốn được tu học như các vị ấy. Con xin hứa sẽ cố gắng làm những điều của sa-môn chỉ dạy để được như khúc gỗ trôi ra biển cả mà không bị vướng mắc vào hai bên bờ, không bị người ta vớt lên, cũng không bị mục nát tan rã. Con xin sa-môn nhận con theo làm đệ tử của ngài.

- Con năm nay được bao nhiêu tuổi?

- Bạch sa-môn, con 16 tuổi.

- Con còn có cha mẹ ở nhà không?

- Thưa, cha mẹ con đều đã mất. Con không có anh em, bà con nào hết. Con chỉ ở giữ trâu cho ông bà phú hộ trong làng mà thôi.

- Con có thể ăn mỗi ngày một bữa được không?

- Dạ, con đã quen ăn như thế từ lâu rồi. Mỗi buổi sáng con dắt trâu ra đồng, mang cơm nguội theo ăn, đến chiều tối mới dắt trâu trở về.

- Này Nanda, đáng lẽ ra phải đến 20 tuổi con mới được chấp nhận vào giáo đoàn khất sĩ. Nhưng thấy con có chí muốn tu nên Như Lai cho phép con gia nhập giáo đoàn với tư cách sa-di để tập sự xuất gia. Ðến 20 tuổi con mới được thọ giới khất sĩ. Bây giờ con nên lùa trâu về trả cho chủ con đi, rồi con xin phép chủ cho con nghỉ việc. Xong xuôi con trở lại đây gặp ta.

- Bạch sa-môn, con có thể đi theo sa-môn ngay bây giờ. Mấy con trâu này khôn lắm, chúng nó biết đường về chuồng một mình khi trời sụp tối.

- Ðành vậy, nhưng con phải lùa chúng về chuồng. Giao chúng lại cho chủ đàng hoàng. Rồi xin phép nghỉ việc. Sau đó Như Lai mới có thể cho con đi theo giáo đoàn được.

- Bạch sa-môn, con sợ khi trở lại đây sẽ không còn gặp sa-môn và các thầy nữa!

- Con đừng lo. Chúng ta sẽ đứng đây chờ con.

Nanda sung sướng, lật đật lùa trâu về chuồng. Ðức phật quay sang bảo Svastika:

- Này Svastika, Như Lai giao cho thầy hướng dẫn và dạy dỗ em bé chăn trâu này.

Svastika chắp tay vâng dạ. Thầy năm nay đã 33 tuổi. Thầy được làm quen với Phật tại làng Uruvela lúc năm anh em ông Kondanna vừa bỏ đi. Lúc bấy giờ thầy mới được chín tuổi. Cha mẹ mất sớm, thầy phải đi chăn trâu cho một ông chủ giàu lòng từ ái để nuôi ba đứa em: một đứa em trai tên Rupak, bảy tuổi, và hai đứa em gái, Bala năm tuổi và Bhima ba tuổi. Sau khi Phật thành đạo dưới cội Bồ-đề, thầy được quen với hai chị em cô Sujata, con ông xã trưởng trong làng, được hai cô này dạy đọc và viết chữ, và được giúp đỡ về vật chất để nuôi ba đứa em. Mấy năm gần đây, trong một chuyến du hành ngang qua thôn Uruvela, Svastika thấy túp lều của cha mẹ thầy khi xưa nay đã xiêu vẹo và đổ nát. Ba đứa em của thầy đều có gia đình, con cái và nhà cửa riêng. Thằng Rupak, sau khi cưới vợ, đã đi lập nghiệp ở một nơi khác. Hai đứa em gái là Bala và Bhima, sau khi lập gia đình, đều ở lại Uruvela, và mỗi người đều có một đàn con cả trai lẫn gái. Trong số đó có nhiều đứa cũng đi chăn trâu thuê như thầy khi xưa...

Rồi Svastika nhớ đến Rahula năm nay đã 30 tuổi. Thầy nhớ đến những điều Rahula đã chỉ dạy thầy khi thầy mới nhập chúng, cách nay thắm thoát đã 13 năm. Thầy nhớ đến bài kinh Chăn Trâu của Phật giảng sau khi thầy mới xuất gia được vài tháng. Thầy nguyện sẽ đem hết kinh nghiệm đời và đạo của thầy để chỉ dạy lại cho chú sa-di Nanda. Vừa nghĩ tới đây thì chú bé Nanda đã trở lại. Ðại đức Svastika trở về với giây phút hiện tại. Thầy bảo Nanda tới gần thầy, và cho chú biết thầy sẽ là y-chỉ-sư (y-chỉ A-xà-lê, Acariya), là thầy hướng dẫn của chú trong sự tu học. Ngay tối hôm ấy Nanda được xuống tóc làm một sa-di. Chú tiểu mới này được chỉ cách mặc áo, cầm bát và cách đi, đứng, nằm, ngồi theo Chánh Pháp.

 

Phật giảng về Tám Ðiều Giác Ngộ của Bậc Ðại Nhân[18] 

Ðức Phật đến thành phố Kosambi giáo hóa một thời gian, rồi ngài lên đường về Rajagriha. Một hôm, đang ngồi trong vườn Bhesakala ở thành phố Sumsumaragiri, Phật nói với các vị khất sĩ:

- Này các thầy, hôm nay Như Lai muốn nói với các thầy về tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân (bồ-tát). Ðây là đề tài mà Thượng tọa Anuruddha đã chiêm nghiệm và thảo luận với Như Lai tại Vườn Tre xứ Ceti, lúc Thượng tọa đang ẩn cư nơi đó. Theo Thượng tọa Anuruddha thì đây là tám đề tài thực tế mà một bậc Bồ-tát đã giác ngộ nên đem ra giáo hóa những người còn mê lầm:

Ðiều thứ nhất là giác ngộ rằng tất cả các pháp đều là vô thường và vô ngã. Quán sát về tính vô thường và vô ngã của các pháp thì tránh được khổ đau và dần dần đạt tới giải thoát và an lạc.

Ðiều thứ hai là giác ngộ rằng càng nhiều ham muốn thì càng nhiều đau khổ. Giảm bớt ham muốn thì đời sống bớt khổ đau.

Ðiều thứ ba là giác ngộ rằng biết sống đơn giản (thiểu dục tri túc) là nguồn an lạc. Người biết sống đời đơn giản mới có thì giờ và tâm lực để tu tập và giúp đời.

Ðiều thứ tư là giác ngộ rằng phải siêng năng tinh tấn mới có thể đạt được quả vị giác ngộ. Tánh lười biếng và hưởng thụ chỉ đưa đến sự đọa lạc vào thế giới của ma chướng và phiền não.

Ðiều thứ năm là giác ngộ rằng sống trong vô minh và buôn thả sẽ bị giam hãm đời đời kiếp kiếp trong cảnh khổ của vòng sinh tử luân hồi. Chỉ có đời sống sáng suốt trong chánh niệm và tỉnh thức mới đưa tới sự thành tựu trí huệ, giác ngộ và giải thoát.

Ðiều thứ sáu là giác ngộ rằng bố thí là một phương pháp rất hiệu nghiệm để tự giúp mình và giúp người, cả về vật chất lẫn tinh thần. Chính nhờ bố thí mới diệt được ngã chấp và pháp chấp.

Ðiều thứ bảy là giác ngộ rằng người hành đạo vào đời để hóa độ, phải luôn luôn giữ nếp sống đơn giản, thanh bạch, giới hạnh thanh cao, lấy đức từ bi hỷ xả mà đối xử với tất cả mọi người.

Ðiều thứ tám là giác ngộ rằng muôn loài chúng sanh đều đồng chung một Phật tánh. Tất cả chúng sanh đều bình đẳng và xứng đáng được tôn trọng, vì đều có khả năng thành Phật. Do đó mọi hành động, lời nói, ý nghĩ đều nhằm tự lợi lợi tha, tự giác giác tha, để đi đến giác hạnh viên mãn.

Này các thầy, các bậc đại nhân (bồ-tát) đều nhờ quán chiếu và tu tập theo tám điều trên đây mà được giác ngộ. Khi vào đời họ cũng đem Tám Ðiều Giác Ngộ này để khai thị và giáo hóa cho mọi người. Các thầy đã phát tâm Bồ-tát cũng nên tu tập như thế song song với việc thực hành Lục Ðộ.

Ðức Phật nói xong, các vị khất sĩ đều hoan hỷ ghi nhớ và phụng hành.

 

Phật thăm khất sĩ Vakkali đang hấp hối[19] 

Về đến tinh xá Venuvana ở Rajagriha, đức Phật được thông báo là Thượng tọa Vakkali đang bệnh nặng, rất trông mong được thấy mặt Phật trước khi qua đời. Chính vị thị giả của Thượng tọa đã đến đảnh lễ ba lạy dưới chân Phật và nói:

- Bạch Thế Tôn, thầy con đang bệnh nặng, hiện đang nằm tại nhà một cư sĩ làm đồ gốm. Thầy con bảo con thay thầy tới đây, cung kính lạy xuống ba lần, trán chạm chân Phật, cung thỉnh Thế Tôn đến hộ niệm cho thầy con.

- Ðược rồi, này Ananda, chúng ta hãy đến thăm Thượng tọa Vakkali.

Khi đức Phật và Thượng tọa Ananda vừa bước vào cửa, Thượng tọa Vakkali gắng gượng ngồi dậy, nhưng thầy ngồi lên không nổi. Phật đỡ thầy nằm xuống trở lại và nói:

- Này Vakkali, thầy đừng cố gắng ngồi. Cứ nằm xuống cho thoải mái. Tôi và thầy Ananda ngồi trên mấy cái ghế này được rồi.

Phật và thầy Ananda ngồi xuống ghế, rồi Phật hỏi thăm:

- Tình trạng sức khỏe của thầy hiện nay như thế nào? Gần đây có được thuyên giảm chút nào không?

- Bạch Thế Tôn, bệnh con không được thuyên giảm chút nào hết. Sức khỏe của con càng ngày càng tệ. Con cảm thấy khó chịu lắm. Trong thân con chỗ nào cũng đau nhức.

- Tâm thầy có được an không? Thầy có lo lắng ân hận gì không?

- Bạch Thế Tôn, con lo lắng và ân hận vì từ lâu nay con muốn đi thăm Thế Tôn mà con chẳng làm được việc ấy. Rất may là hôm nay con được nhìn mặt Thế Tôn, như thế là con đã mãn nguyện.

- Này Vakkali, cần gì phải thấy mặt nhau mới gọi là được gần nhau. Mỗi lúc thầy tinh tấn tu tập, trì giới thanh tịnh là đã có Như Lai ở bên cạnh. Cái thân ngũ ấm có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp này cũng chỉ là vật giả tạm. Cái tâm thanh tịnh của thầy và cái tâm thanh tịnh của Như Lai thì không có ranh giới, làm gì có sự xa cách.

Im lặng một lát, Phật hỏi tiếp:

- Này Vakkali, thầy có thấy sắc thân là vô thường không? Thầy có luyến tiếc nó không?

- Bạch Thế Tôn, con thấy rất rõ. Sức khỏe của con hiện nay sa sút từng giờ từng phút. Cơ thể của con cũng đang hao mòn và hoại diệt từng giờ từng phút. Cảm thọ và tri giác của con cũng lu mờ dần. Con không luyến tiếc sắc thân này vì nó hiện đang làm con đau đớn, và con cũng không thấy cái gì là thật sự của con, cái gì thật sự là con.

- Lành thay, này Vakkali, vạn vật đều vô thường và không có tự ngã, nhưng "cái biết vạn vật là vô thường, không có tự ngã" là tri kiến của chư Phật, là trí bát-nhã của chư Phật, là Phật tánh, là Chơn Tâm của muôn loài chúng sanh thì không bao giờ hoại diệt. Muốn chứng được cái Chơn Tâm thường, lạc, ngã, tịnh đó thì trước hết phải dứt trừ chấp ngã, chấp pháp.

Vakkali nhếch miệng cười, rồi hai hàng nước mắt ràng rụa chảy xuống, thầy nói:

- Bạch Thế Tôn, trong giờ phút khó khăn này con lại có phước được lãnh thọ lời dạy vô giá của đức Thế Tôn. Từ ngày được Thế Tôn cho xuất gia, con thường quán niệm "vạn vật đều vô thường, không có tự ngã" và "tất cả chúng sanh đều có Chơn Tâm, Phật tánh đầy đủ bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh". Nhưng hôm nay lại được nghe chính kim khẩu của đức Thế Tôn nhắc nhở lời ấy trong giờ phúc này. Con cảm thấy sung sướng quá, hạnh phúc quá, con xin đa tạ Thế Tôn. Bây giờ con cảm thấy tâm con hoàn toàn an ổn, thân con không còn đau nhức nữa. Con xin hẹn gặp lại Thế Tôn trong Chánh Pháp (Dhamma).

Thượng tọa Ananda sụt-sùi thương cảm. Ðức Phật bảo:

- Lành thay, này Vakkali, thầy hãy can đảm lên. Như Lai lúc nào cũng ở bên cạnh thầy.

Sau khi đức Phật và Thượng tọa Ananda bước ra khỏi cửa, Thượng tọa Vakkali bảo thị giả nhờ người khiêng thầy luôn cả cái giường ra sườn núi Isigili, đặt dưới bóng mát của một tàng cây cổ thụ. Thầy nằm nhiếp tâm an tịnh đến xế chiều thì nhập diệt.

Ðược tin này, đức Phật nói với các vị khất sĩ:

- Vakkali đã được giải thoát.

 

Phật dạy cách vượt qua các đau khổ[20] 

Ở lại Venuvana và Griddhakuta độ hai tuần, Phật lại lên đường đi Nalanda, rồi đến Vesali. Tại giảng đường Trùng Các (Kutagara) trong tinh xá Mahavana, một hôm Phật dạy các vị khất sĩ về cách vượt qua các đau khổ. Ngài nói:

- Này các thầy, đời là bể khổ, nào là phải lo sinh sống, già, bệnh, chết, ái ly, oán hội, cầu bất đắc. Thế nên không ai trên đời này mà không bị ít nhiều đau khổ. Nhưng người thường, người biết tu, người có thực chứng thánh quả cảm thọ sự đau khổ khác nhau. Người thường, do tham sân si làm gia tăng sự đau khổ, nên cảm thọ về đau khổ càng lớn. Người biết tu, nhẫn chịu sự đau khổ, không làm tăng sự đau khổ nhưng chưa biết cách làm giảm sự đau khổ. Bậc thánh nhân, do công phu thiền định và quán tưởng, làm cho sáu căn lần hồi thanh tịnh nên cảm thọ về sự đau khổ giảm dần xuống. Ðịnh lực và trí lực càng tăng, sáu căn càng thanh tịnh, thì cảm thọ đau khổ càng giảm lần cho đến khi dứt hẳn.

Rồi đức Phật nói kệ:

Người tu căn viên thông,

Giữ mắt tai mũi lưỡi

Thân ý đều thanh tịnh,

Siêu thoát mọi khổ đau. (Kinh Pháp Cú, bài 360, 361)

Ðức Phật cầm một hòn đá đưa lên, hỏi:

- Này các thầy, hòn đá trong tay Như Lai đây và núi Gayasisa (Tượng-Ðầu) cái nào lớn hơn?

- Bạch Thế Tôn, so với núi Gayasisa thì hòn đá trong tay Thế Tôn rất bé nhỏ, hầu như vô nghĩa.

- Cũng thế, này các thầy, trong cùng một cảnh khổ, người không biết tu có cảm thọ khổ lớn như núi Gayasisa, còn bậc thánh nhân có cảm thọ khổ chỉ bằng hòn đá này.

Này các thầy, ví dụ như có người bị trúng một mũi tên. Người đó cảm thấy đau nhức. Nhưng nếu một mũi tên thứ hai bay tới cắm đúng vào chỗ vết thương đó thì cái đau nhứt ấy chắc chắn càng lớn hơn bội phần. Và nếu một mũi tên thứ ba bay tới đúng ngay vào chỗ vết thương đó nữa thì sự đau nhức lại càng lớn hơn gắp trăm lần. Các thầy nên biết vọng tưởng, ngã kiến, ngã ái, tham, sân, si cũng như mũi tên thứ hai và thứ ba, chúng làm cho cảm thọ đau khổ gia tăng gắp bội.

Này các thầy, khi một bậc thánh nhân nhập đại định thì dù có 500 cỗ xe đi ngang qua trước mặt, hoặc trời giông bão sấm sét cũng không hề bị quấy rầy, mọi cảm thọ đều im bặt. Vị ấy luôn luôn cảm thấy an lạc, không bao giờ cảm thấy bị quấy nhiễu. Ðối với vị ấy không có ngã và ngã-sở, thì căn và trần không còn nương vào đâu để sanh ra thức và cảm thọ nữa.

Này các thầy, tu tập căn viên thông chính là phương pháp diệt trừ các cảm thọ, trong đó có cảm thọ đau khổ[21]. Sáu căn đối với sáu trần không sanh ra sáu thức thì cảm thọ không có nhân duyên gì để phát sanh.

Này các thầy, khi sắp mệnh chung, các thầy nên tập trung tư tưởng vào sự quán chiếu thân thể, cảm thọ[22], tâm ý[23] và đối tượng của tâm ý để thấy rõ rằng thân thể, cảm thọ, tâm ý và đối tượng của tâm ý đều là vô thường, duyên sanh, không có tự ngã. Sự quán chiếu đó làm lắng dịu sự đau khổ và giúp các thầy được an ổn trong tỉnh thức và chánh niệm. Tiếp đến các thầy nên niệm Phật hoặc trì chú để tâm được thanh tịnh hầu sanh về các cõi an lành.

Hôm nay các vị khất sĩ được nghe một thời pháp quý báu chưa từng có nên các thầy đều hoan hỷ, ghi nhớ và phụng hành.

 

Vô minh, hành, thức và danh sắc trong 12 nhân duyên[24] 

Khi trận mưa đầu mùa đổ xuống làm giảm bớt cái nóng mùa hạ, Phật rời Vesali, lên đường đi Sravasti. Năm nay các vị khất sĩ cả nam lẫn nữ đều tựu về an cư tại Sravasti rất đông.

Tại giảng đường Lộc Mẫu (Migara-matas-pasada) trong tinh xá Ðông Viên (Pubbarama), trong lúc Phật giảng dạy thêm về đạo lý duyên sinh, một vị khất sĩ đứng lên bạch:

- Bạch Thế Tôn, trong 12 nhân duyên, Thế Tôn dạy do thức mà có danh sắc. Như vậy có phải toàn thể vũ-trụ này đều phát sinh từ tâm-thức không?

- Ðúng như vậy. Này các thầy, "danh" chỉ chung các sự vật vô hình, có tên mà không có tướng. "Sắc" chỉ chung các vật có tên có tướng như mùi hương, ánh sáng, âm thanh và các vật có thể xúc chạm được. Tất cả danh và sắc sở dĩ hiện hữu là vì có sự nhận thức phân biệt.. Nếu không có sự nhận thức phân biệt thì căn cứ vào đâu để nói một vật có hay không có?

- Bạch Thế Tôn, nếu danh sắc phát sinh từ thức thì quả thật thức là nguồn gốc của vũ-trụ và muôn vật. Vậy ta có thể biết được nguồn gốc của tâm thức hay không? Ta có thể hiểu được do đâu mà có tâm thức hay không? Và tâm thức có từ lúc nào?

- Này các thầy, ý niệm về bắt đầu và ý niệm về chung cuộc cũng đều phát sinh từ tâm thức. Thật ra, không có lúc bắt đầu cũng không có lúc chung cuộc, không có cái hiện-hữu cũng không có cái không hiện-hữu. Không nên nói danh sắc phát sinh từ thức, mà phải nói vì có thức mới thấy có danh sắc. Do vô minh nên chúng sanh mới có ý niệm phân biệt (thức) về thỉ và chung (hành), do vô minh nên chúng sanh mới có ý niệm phân biệt (thức) về cái hiện-hữu và cái không hiện-hữu (danh sắc). Hay nói cách khác, do vô minh nên mới có hành và thức. Hành là sự lưu chuyển, biến đổi. Thức là cái biết do sự phân biệt. Hành và thức nương vào nhau mà có. Do có "sự lưu chuyển, biến đổi" mới có "cái biết do sự phân biệt". Do có "cái biết do sự phân biệt" mới thấy có "cái lưu chuyển, biến đổi". Rồi chính cái ý thức phân biệt đó đưa chúng sanh vào vòng luân hồi sanh tử vô thỉ vô chung. Chỉ khi nào cái ý thức phân biệt đó bị tận diệt thì vòng luân hồi sanh tử mới chấm dứt.

- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn vừa nói "vòng luân hồi sanh tử vô thỉ vô chung", sao lại nói đến "vòng luân hồi sanh tử chấm dứt"?

- Này các thầy, các thầy nên biết, "vòng sanh tử luân hồi" vốn không thật có. Ðó chỉ là vọng tưởng, là ảo ảnh do "ý thức phân biệt" tạo ra. Thế nên khi tận diệt được ý thức phân biệt thì ảo ảnh của "vòng sinh tử luân hồi" không còn. o ảnh là vật không thật có thì làm gì có thỉ có chung?

- Bạch Thế Tôn, thầy Punna Mantaniputta (Phú-Lâu-Na Mãn-Từ-Tử) hỏi, vô minh là yếu tố đầu tiên trong 12 nhân duyên. Vậy do đâu mà có vô minh?

- Này Punna Mantaniputta, vô minh không có gốc, không do nhân duyên sanh. Tánh Giác (Chơn Tâm) lúc nào cũng thanh tịnh sáng suốt, thấy biết tất cả mà không có ý thức phân biệt. Tánh giác không thể sanh vô minh. Trong tánh giác thanh tịnh sáng suốt đó bỗng vọng sanh cái thấy biết có phân biệt năng sở (có chủ thể và đối-tượng)[25]. Cái thấy biết có phân biệt đó là vô-minh. Vô-minh đã vọng sanh nên không thật có, thì làm gì có gốc. Vô minh vốn là vọng nên tất cả những cái thấy biết do vô minh phát sanh đều là vọng tưởng, mê lầm, không thật có. Ví dụ như giảng đường Lộc-Mẫu này, chúng sanh dùng ý thức phân biệt, nương theo nhận thức của sáu căn, mà cho rằng giảng đường này thật có. Bậc thánh nhơn dùng huệ nhãn nhìn giảng đường chỉ thấy đất, nước, gió, lửa hòa hợp dung thông với nhau mà thôi. Nếu dùng Phật nhãn mà nhìn thì chỉ thấy toàn Tánh Giác, vì đất, nước, gió, lửa đều đồng một chơn thể, đồng một chơn tánh. Tất cả đều tịch-tĩnh, sáng suốt.[26]

Ðức Phật đưa mắt nhìn khắp đại chúng, rồi chẫm rãi nói tiếp:

- Này các vị khất sĩ, chúng sanh do vọng chấp nơi ý thức phân biệt, cho đó là thật có, cho đó thật là mình (ngã) hoặc thật là của mình (ngã-sở) cho nên phải bị lưu chuyển sanh tử trong ba cõi (dục, sắc và vô sắc). Nay quý vị muốn tu chứng bồ-đề, niết-bàn, muốn trở về tánh giác nguyên thủy, thì trước hết phải dứt trừ "ý thức phân biệt", chuyển tất cả các thứ hư vọng sanh diệt vào tánh tịch-tĩnh (vắng lặng, viên trạm) của Chơn Như. Quý vị hãy dùng trí bát-nhã quán chiếu thâm sâu vào muôn sự muôn vật để chứng pháp không và ngã không. Ðến chừng đó dòng sanh tử luân hồi sẽ không còn nương vào đâu để hiện hữu nữa.

 

Thế nào là Chánh Kiến? 

Ngưng một lúc, đức Phật nói tiếp:

- Quý vị nên biết con đường tu tập giải thoát mà Như Lai gọi là Bát Chánh Ðạo. Trong đó Chánh Kiến là căn bản của Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh. Vì phải có Chánh Kiến trước mới thực hành được bảy pháp kia. Nhưng Chánh Kiến là gì? - Chánh Kiến là thấy biết tất cả muôn sự muôn vật đúng như thật, không bị các cảm thọ và ý thức phân biệt lừa gạt.

Thượng tọa Ananda vội quỳ xuống chắp tay bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, chúng con ngu muội không biết "thấy đúng như thật" là thấy như thế nào. Xin Thế Tôn hoan hỷ chỉ rõ thêm.

- Này Ananda, thầy thưa hỏi rất đúng lúc, Như Lai sẽ vì thính chúng sơ học mà nói rõ thêm. Các thầy hãy lắng nghe. Nếu trong lúc thấy biết mà sanh ra ý niệm có / không, lớn / nhỏ, tốt / xấu, hay / dở, phải / quấy, đúng / sai ... là thấy biết không đúng như thật, vì đã bị cảm thọ và ý thức phân biệt đánh lừa. Chánh Kiến là thấy biết bằng trí tuệ bát-nhã, trong đó không có ý niệm có / không, tốt / xấu, phải / quấy, ...

- Bạch Thế Tôn, thấy biết bằng trí tuệ bát-nhã là như thế nào?

- Thấy biết bằng trí tuệ bát-nhã là thấy biết muôn sự muôn vật đều vô thường, duyên hợp, không có tự ngã, do đó đều bình đẳng, không có ý niệm phân biệt: Tất cả đều hòa hợp, dung thông trong một tổng thể tạm gọi là Chơn Tâm, Chơn Như, Phật Tánh (Tánh Giác).

Các vị khất sĩ im lặng, chăm chỉ lắng nghe, hiểu rằng 12 nhân duyên chỉ là tục đế, Tánh Giác mới là chơn đế, muốn thấy Tánh Giác phải thực hành Chánh Kiến. Tất cả đều lấy làm vui mừng nhận thấy con đường tu tập của mình đầy tương lai rực rỡ, chắc chắn sẽ đưa đến quả vô sanh.

 

Phật nói kinh Vu Lan Bồn (Ullambana sutta)[27] 

Thượng tọa Moggallana (Mục-Kiền-Liên) là người rất tinh tấn về công phu thiền định. Mỗi lúc rảnh rang thầy thường tìm nơi thanh vắng ngồi thiền định liên tiếp nhiều giờ liền. Cách đây mấy hôm thầy chứng được năm trong sáu phép thần thông. Lục thông (Abhinna) là sáu phép thần thông do công phu thiền định (samadhi) mà được. Lục thông gồm có:

1- Thiên nhãn thông (dibba-cakkhu): Có thể nhìn thấy tất cả mọi vật lớn nhỏ ở cõi Dục và cõi Sắc.

2- Thiên nhĩ thông (dibba-sota): Có thể nghe tất cả những âm thanh lớn nhỏ ở cõi Dục và cõi Sắc.

3- Tha tâm thông (ceto-pariya-nana): Có thể biết tư tưởng  của các chúng sanh hữu tình.

4- Thần túc thông (iddhi-vidha): Trong khoảnh khắc, có thể hiện đến bất cứ nơi nào ở cõi Dục và cõi Sắc.

5- Túc mạng thông (pubbe-nivasanussati): Có thể biết rõ các kiếp trước của một chúng sanh.

6- Lậu tận thông (asavak-khaya): Tâm trí sáng suốt, không còn phiền não và mê lầm, và biết cách chỉ cho người khác tu tập để được như mình.

Sau khi chứng được ngũ thông, trong mấy ngày liền, thầy thử sử dụng những khả năng mới của mình. Rồi thầy bỗng nghĩ đến hình ảnh thân yêu của cha mẹ thầy. Không biết hiện giờ cha mẹ của thầy ở đâu? Thầy nhớ đến lúc thầy cùng đi với Phật qua một bãi tha ma. Có một đống xương người to lớn bên vệ đường. Phật bỗng lặng lẽ bước đến đảnh lễ đống xương. Các vị khất sĩ thấy thế rất ngạc nhiên, không hiểu vì lý do gì Phật lạy đống xương. Thầy Ananda liền hỏi:

- Bạch Thế Tôn, ngài là bậc chánh đẳng chánh giác, là thầy của tất cả các cõi trời và cõi người. Vì cớ sao hôm nay Thế Tôn lại lạy đống xương.

- Này các thầy, đức Phật đáp, chúng sanh trong ba cõi Dục, Sắc và Vô Sắc chìm đắm trong vòng sanh tử luân hồi không dứt, thật rất thảm thương. Trong vô số kiếp sanh sanh tử tử, có thể đều là thân thuộc họ hàng với nhau. Trong đống xương to lớn này chắc chắn có xương của chính thân ta hoặc của chính cha mẹ ta trong nhiều kiếp trước. Như Lai đảnh lễ đống xương để tỏ lòng hiếu kính đối với công ơn cha mẹ trong nhiều kiếp trước.

Thầy Moggallana thầm nghĩ rằng "Ðức Phật khi nhìn thấy đống xương khô còn nhớ đến công ơn cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp. Vậy hôm nay ta thử dùng thiên nhãn tìm xem cha mẹ ta hiện giờ ở đâu." Thầy Moggallana liền dùng thiên nhãn nhìn khắp cõi trời, không thấy cha mẹ đâu. Thầy tìm kiếm trong cõi người thì thấy cha thầy đang sinh sống trong một gia đình bà-la-môn khá giả, nhưng vẫn chưa thấy mẹ thầy ở đâu. Thầy cố tìm kỹ nhưng vẫn không thấy. Thầy rất ngạc nhiên, rồi thầy thử nhìn vào cõi ngạ quỷ, thầy thấy biết bao cảnh thương tâm, lầm than, đói khổ do ác nghiệp ganh ghét, tham lam, bỏn sẻn đời trước tạo nên. Bỗng thầy nhìn thấy bóng dáng ai giống như mẹ thầy, một người đàn bà gầy ốm như bộ xương khô, tóc tai rũ rượi, vẻ mặt đau khổ sợ sệt, mắt nhìn láu liên tìm kiếm thức ăn để tranh giành với những ngạ quỷ khác. Thầy nhìn một lúc nhận ra quả thật mẹ thầy là bà Moggali (Thanh-Ðề) đang ở trong một hoàn cảnh bi đát thảm thương. Thầy Moggallana liền dùng thần túc thông hiện đến trước mặt mẹ, thầy gọi:

- Thưa mẹ! Thưa mẹ! Con là Moggallana đây. Mẹ còn nhớ con không?

Các ngạ quỷ đang tranh ăn, trong đó có mẹ thầy. Bà Thanh-Ðề thấy thầy bỗng nhiên hiện đến, tướng mạo trang nghiêm, hào quang sáng rỡ, thì hoảng sợ, sụp xuống lạy lia lịa. Thầy Moggallana liền ngồi xuống đỡ mẹ vào lòng, rồi âu yếm ôn tồn nói:

- Thưa mẹ, con đây, con là Moggallana đây. Mẹ còn nhớ con không?

- Ờ! Ờ! Moggallana đây hả? Sao con lại đến đây được? Mà con đến đây làm chi!? Ở đây khổ lắm con ơi! ... Mẹ đói lắm, con có gì cho mẹ ăn đỡ không?

- Dạ có. Mẹ hãy ngồi đây chờ con, trong chốc lát con sẽ mang thức ăn đến.

Thầy biến đi trong thời gian co duỗi cánh tay rồi lại hiện trở lại với một bình bát đầy cơm nóng và cà-ri thơm phức. Bà Thanh-Ðề trông thấy, mừng rỡ, vội đưa tay phải ra chụp lấy bình bát, rồi lấy bàn tay trái đậy bình bát lại. Bà nói:

- Coi chừng tụi chết đói này giựt ăn hết của mẹ.

Rồi bà vừa che đậy bình bát, vừa bốc ăn, mắt láu liên trông chừng bọn ngạ quỷ. Nhưng hỡi ôi! Vừa đưa đến miệng thì bà cảm thấy cơm nóng như lửa, vội hất văng ra xa. Sợ chúng giựt, bà vội bốc nắm cơm khác đưa lên miệng, nhưng lại bị nóng, bà lại hất văng ra tứ tung. Trong chốc lát bát cơm đã hết mà bà vẫn chưa ăn được gì cả. Thầy Moggallana, trước cảnh thương tâm ấy, cũng đành bất lực. Năm phép thần thông của thầy không giúp được gì cho mẹ thầy. Thầy Moggallana, bùi ngùi thương cảm, đành từ giã mẹ, trở về tinh xá Jetavana, vào yết kiến Phật. Thầy đảnh lễ dưới chân Phật rồi nói:

- Bạch Thế Tôn, con vừa đến gặp mẹ con trong kiếp ngạ quỷ. Hoàn cảnh đói khổ của mẹ con thật thảm thương. Con mang cơm đến dâng lên cho mẹ con mà bà cũng không thể ăn được. Mỗi lần đưa cơm lên tới miệng thì cơm trở nên nóng như lửa. Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn chỉ dạy cho con phương cách nào có thể cứu mẹ con ra khỏi kiếp ngạ quỷ!?

- Này Moggallana, lòng hiếu thảo của thầy đã cảm ứng đến chư thiên, thật đáng làm gương cho hậu thế. Nhưng dù thầy có đủ năm phép thần thông, một mình thầy cũng không đủ sức cứu mẹ thầy ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Muốn cứu mẹ, thầy phải nhờ thần lực của chư Tăng hiện tiền và mười phương Tam Bảo, mới mong độ thoát.

Này Moggallana, vào ngày tự-tứ mãn hạ (pavarana), chư tăng được đầy đủ giới đức thanh tịnh. Thầy nên nhân cơ hội ấy cúng dường trai tăng với đầy đủ những thức ăn và trái cây ngon quý, hương, dầu, đèn nến, giường chiếu, y phục, thuốc men và vật dụng thường nhật, cầu các vị Thánh Tăng đồng một lòng chứng giám hiếu tâm của thầy mà hết lòng chú nguyện cho cha mẹ bảy đời[28] của thầy được đượm nhuần mưa pháp, thân tâm yên ổn, phát nguyện tu trì, lìa xa ác đạo, chóng thành Phật quả.

Rồi đức Phật quay sang các vị khất sĩ nói tiếp:

- Này các thầy, từ nay về sau, vào ngày tự tứ mãn hạ, nếu có thí chủ hiếu thuận thiết lễ Vu-Lan, cúng dường trai tăng để cầu siêu cho ông bà cha mẹ, thì bổn phận chúng Tăng trước hết là phải ngồi thiền định ý, tận tâm chú nguyện cho cha mẹ bảy đời của thí chủ, rồi phải cúng dâng các thức ăn tại bàn Phật, sau đó mới được tự thọ dụng.

Chẳng bao lâu, đến ngày mãn hạ, Thượng tọa Moggallana theo lời Phật dạy, thiết lễ Vu-Lan (Ullambana) cúng dường trai tăng để cầu siêu cho mẹ. Nhờ thần lực của mười phương Tam Bảo hộ niệm, bà Moggali (Thanh-Ðề), mẹ thầy Moggallana, từ cõi ngạ quỷ bỗng phát tâm lành, sám hối tội lỗi, liền được tái sanh về cõi trời Quảng-Quả[29] (Vehapphala). Thầy Moggallana dùng thiên nhãn thấy được như thế, rất hoan hỷ, liền đến đảnh lễ dưới chân Phật để tạ ơn. Ðức Phật cũng hoan hỷ khen ngợi lòng hiếu thảo của thầy, và bảo các vị khất sĩ nên truyền dạy phép Vu-Lan báo hiếu này cho dân chúng được biết.

 

5- Hạ thứ 25 tại Jetavana (năm -565)

 

Thượng tọa Punna Mantaniputta[30] đi hoằng hóa tại xứ Thâu-lô-na[31] 

Thượng tọa Punna Mantaniputta (Phú-Lâu-Na Mãn-Từ-Tử) còn gọi là Purana Maitrayaniputra (Phú-Lâu-Na Di-Ða-La-Ni-Tử) là con một vị quốc sư tại triều vua Suddhodana (Tịnh-Phạn). Thượng tọa cùng với 29 người bạn đã xuất gia theo Phật sau hạ thứ nhất, gần Lộc-Uyển. Thượng tọa là một trong 10 đệ tử lớn của Phật. Thầy nổi tiếng là vị đệ tử thuyết pháp hay nhất.

Ðến ngày mãn hạ, đức Phật phái Thượng tọa đến xứ Thâu-lô-na để hoằng pháp. Dân chúng xứ đó nổi tiếng hung ác và thô bạo. Ðức Phật nói:

- Này Punna Mantaniputta, người ta đồn rằng dân chúng xứ Thâu-lô-na rất hung dữ và thường hay bạo động. Vậy thầy nhắm có kham nổi việc đến xứ đó hoằng pháp hay không?

- Bạch Thế Tôn, con đến đó để khuyên nhủ và chỉ bảo điều hay, điều phải, có lợi ích cho họ. Con nghĩ rằng không vì thế mà họ lại la ó hay chửi mắng con.

- Này Punna, nếu lúc thầy đang thuyết pháp mà có người la ó và chửi mắng thầy thì thầy nghĩ sao?

- Bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ rằng họ vẫn còn tử tế với con, vì họ chỉ la ó và chửi mắng bằng miệng thôi chứ chưa ném đá và đồ ô-uế vào người con.

- Này Punna, nếu có người ném đá và đồ ô-uế vào người thầy thì thầy nghĩ sao?

- Bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ rằng họ vẫn còn tử tế với con, vì họ chỉ từ xa ném đá và đồ ô-uế vào người con thôi chứ chưa đến bên cạnh dùng gậy đánh đập con.

- Này Punna, nếu có người đến bên thầy, dùng gậy đánh đập thầy thì thầy nghĩ sao?

- Bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ rằng họ vẫn còn tử tế với con, vì họ chỉ dùng gậy đánh đập con thôi chứ chưa dùng dao bén giết con.

- Này Punna, nếu có người mang dao bén đến để giết thầy thì thầy nghĩ sao?

- Bạch Thế Tôn, con nghĩ rằng chết vì đạo pháp thật là vinh hạnh, và như thế họ đã giúp con được toại nguyện, đồng thời họ cũng giúp con thoát khỏi cuộc đời ô-trược dẫy đầy phiền não và đau khổ này.

- Lành thay! Punna, thầy có đầy đủ khả năng để giáo hóa họ. Vậy thầy hãy chuẩn bị lên đường đi Thâu-lô-na đi. Như Lai tin rằng thầy sẽ đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.

Thượng tọa Punna Mantaniputta phụng mệnh, đến xứ Thâu-lô-na hoằng dương chánh pháp. Trong vòng một năm, ngài độ được 500 người làm cư sĩ và làm lễ xuất gia cho 500 người làm khất sĩ. Về sau ngài nhập Vô-dư Niết-bàn tại đây. Trong hội Pháp-Hoa, đức Phật thọ ký cho ngài sẽ thành Phật hiệu là Pháp-Minh Như-Lai (Dhammaprabhasa Tathagata).

 

Phật thuyết kinh "Hải Bát Ðức" [32] 

Mùa xuân năm sau, đức Phật du hành về miền đông. Ngài tới Vesali, Campa rồi theo dòng sông Ganga ra đến tận miền duyên hải, vịnh Bengal, để giáo hóa. Một hôm, đang ngồi trên một tảng đá bên bờ biển, Thượng tọa Ananda nói với Phật:

- Bạch Thế Tôn, ngồi bên bờ biển, theo dõi hơi thở với không khí trong lành, mắt nhìn những lượn sóng nối tiếp nhau nhô lên từ ngoài khơi, nổi lên càng lúc càng cao vừa chạy vào bờ, rồi vỡ tan thành một vùng bọt trắng phau trên bãi cát, hoặc đập vào những tảng đá lớn, bắn tung tóe lên cao, tai nghe điệu nhạc trầm hùng vang lên từng chập, tâm con tự nhiên được an trú trong hiện tại một cách thật thoải mái. Bạch Thế Tôn, con thấy phong cảnh nơi đây quả thật là một trợ duyên tốt cho việc tu tập.

Ðức Phật gật đầu, làm thinh.

Một hôm khác, trong khi đi khất thực, Thượng tọa Ananda có dịp nói chuyện với một ngư dân trên bãi biển, thầy hỏi:

- Này anh, tôi mới đến vùng biển lần đầu nên cảm thấy rất thích thú phong cảnh nơi đây. Còn như anh sanh sống nơi đây từ lâu, anh cảm thấy phong cảnh nơi đây thế nào?

- Thưa thầy, con đã sinh trưởng nơi đây và hiện đang sinh sống với nghề đánh cá. Con rất thích sống nơi đây. Con rất thích biển. Ba con cũng thế. Ba con đã dạy con về tám đức tính của biển như sau:

1)  Biển có những bãi cát thoai thoải đưa ta đi từ từ xuống nước, khiến cho việc thả thuyền và kéo lưới được dễ dàng.

2)  Biển luôn luôn ở một chỗ, khiến cho ai muốn ra biển thì biết ngay phải đi hướng nào.

3)  Biển không chấp nhận thây chết. Khi có thây chết, biển luôn luôn đẩy nó lên bãi.

4)  Biển chấp nhận nước của tất cả các dòng sông, dù đó là sông Ganga, sông Yamuna, sông Aciravati, sông Sarabhu hay sông Mahi. Sông nào ra tới biển thì cũng bỏ tên riêng của mình mà hòa đồng với biển cả.

5)  Tuy ngày đêm, muôn sông liên tiếp đổ nước ra biển, biển cũng không vì vậy mà có khi vơi khi đầy.

6)  Nước biển ở đâu cũng có vị mặn.

7)  Biển chứa rất nhiều san hô, xa cừ và ngọc quý.

8)  Biển là nơi sinh sống thoải mái của vô số sinh vật, có loài lớn hơn voi, có loài nhỏ hơn sợi chỉ.

Thưa thầy, biển đối với con rất quý. Biển là sự sống của con, là niềm vui của con, là thiên đàng của con.

Thượng tọa Ananda hơi ngạc nhiên về sự nói năng lưu loát của anh dân chài trẻ chỉ độ 25-26 tuổi. Anh ta có nước da sạm đen, hai mắt tròn sáng long lanh dưới đôi lông mày rậm và vầng trán cao, nét mặt luôn luôn tươi cười vui vẻ, miệng nói rất có duyên. Chiều hôm ấy thầy kể lại cho Phật nghe câu chuyện gặp gỡ giữa thầy và anh dân chài.

Qua hôm sau, sau giờ ngọ trai bên ven rừng gần bờ biển, trước các vị khất sĩ và một số đông dân chúng địa phương, Phật nói kinh "Hải Bát Ðức" như sau:

- Này các thầy, này quý vị, nếu chúng ta để ý quan sát biển cả chúng ta sẽ thấy biển rộng lớn bao la, dung chứa và nuôi sống vô số chúng sanh. Ðược như vậy là vì biển có nhiều đức tính đáng quý. Giáo pháp giác ngộ và giải thoát của Như Lai cũng có nhiều đức tính cao quý mà quý vị nên biết:

1)  Biển có những bãi cát thoai thoải có thể đưa ta đi từ từ xuống nước, khiến cho việc thả thuyền và kéo lưới được dễ dàng. Chánh Pháp của Như Lai cũng thế. Chánh Pháp có đủ các trình độ từ dễ đến khó, từ cạn đến sâu, từ thế gian pháp đến xuất thế gian pháp, để giúp cho tất cả mọi người thuộc đủ các thành phần, trình độ và căn tánh, từ trẻ đến già, từ kẻ ít học đến giới trí thức, từ người cùng đinh đến bậc vua chúa, ai ai cũng có thể tìm thấy trong Chánh Pháp một vài pháp môn tu học thích hợp với khả năng và sở thích của mình.

2)  Biển luôn luôn ở một chỗ, khiến cho ai muốn ra biển thì biết ngay phải đi hướng nào. Chánh Pháp của Như Lai cũng thế. Tứ Diệu Ðế, Mười Hai Nhân Duyên, Bát Chánh Ðạo, 37 phẩm trợ đạo, vô thường, khổ, không, vô ngã, năm giới, mười giới, cụ túc giới ... đều là những sự thật bất di bất dịch, khiến cho bất cứ ai muốn tu tập đều biết rõ con đường mình phải đi, pháp môn mình phải hành trì, không thể lầm lẫn được.

3)  Biển không chấp nhận thây chết. Khi có thây chết, biển luôn luôn đẩy nó lên bãi. Chánh Pháp của Như Lai cũng thế. Chánh Pháp không bao giờ dung túng vô minh, buông thả theo dục vọng và lười biếng. Người tu nếu còn đeo đuổi theo ba thứ đó thì sớm muộn gì cũng sẽ bị đẩy ra khỏi Chánh Pháp.

4)  Biển chấp nhận nước của tất cả các dòng sông, dù đó là sông Ganga, sông Yamuna, sông Aciravati, sông Sarabhu hay sông Mahi. Sông nào ra tới biển thì cũng bỏ tên riêng của mình mà hòa đồng với biển cả. Chánh Pháp của Như Lai cũng thế. Bất cứ người thuộc giai cấp nào trong xã hội cũng được tiếp đón một cách bình đẳng vào giáo đoàn khất sĩ, bỏ lại phía sau tất cả mọi quá khứ vinh quang hay ô nhục của mình.

5)  Tuy ngày đêm, muôn sông liên tiếp đổ nước ra biển, biển cũng không vì vậy mà có khi vơi khi đầy. Chánh Pháp của Như Lai cũng thế. Dù có đông người theo hay có ít người theo, dù có đông người thuộc giai cấp cao sang trong xã hội theo hay có đông người thuộc giai cấp thấp hèn trong xã hội theo, thì giá trị của Chánh Pháp cũng không vì thế mà tăng hay giảm. Người chân tu theo Chánh Pháp vẫn luôn luôn đạt được thánh quả.

6)  Nước biển ở đâu cũng có vị mặn. Chánh Pháp của Như Lai cũng thế. Bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, Chánh Pháp cũng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát.

7)  Biển chứa rất nhiều san hô, xa cừ và ngọc quý. Chánh Pháp của Như Lai cũng thế. Người tu theo Chánh Pháp sẽ được rất nhiều điều quý báu như tứ vô sở úy[33], lục thông, tam minh, chơn thường, chơn lạc, chơn ngã, chơn tịnh.

8)  Biển là nơi sinh sống thoải mái của vô số sinh vật, có loài lớn hơn voi, có loài nhỏ hơn sợi chỉ. Chánh Pháp của Như Lai cũng thế. Trong Chánh Pháp có rất nhiều thánh chúng, từ các vị Ðại Bồ-Tát, các vị A-la-hán cho đến các vị mới chứng quả Nhập-lưu đều cảm thấy rất thanh nhàn, thoải mái.

Này quý vị, biển là một nguồn cảm hứng, là một kho tàng vô tận. Chánh Pháp của Như Lai cũng thế. Chánh Pháp là một nguồn cảm hứng, là một kho tàng vô tận.

Trong thính chúng hôm nay có anh dân chài đã nói chuyện với thầy Ananda hôm qua và đã được thầy mời đến nghe Phật thuyết pháp. Anh ta rất ngạc nhiên khi nghe Phật lập lại đúng tám đức tính lớn của biển mà anh ta vừa nói với thầy Ananda hôm qua và lồng vào đó tám đức tính lớn của giáo pháp. Anh ta cảm thấy Phật thuyết pháp thật hay, thật dễ hiểu. Trên đường về nhà, anh ta như vẫn còn nghe rõ bên tai từng câu, từng tiếng nói của Phật. Về đến xóm chài, anh ta thuật chuyện lại cho những người chưa được nghe và khuyến khích họ nên đến nghe Phật thuyết pháp kỳ tới.

 

Những mầm móng chia rẽ không đáng ngại[34]

 

Rời miền duyên hải thuộc vịnh Bengal, Phật  trở về thành phố Pataliputta (hiện nay là Patna) trên bờ sông Ganga. Từ Pataliputta, Phật đi về hướng bắc đến Vesali. Rồi từ Vesali, Phật đi về hướng tây-bắc, đến thành phố Samagama thuộc vương quốc Sakya. Ở đây Phật được biết tin vị giáo chủ đương thời của phái Nigantha (Jaina) là Nataputta vừa mới qua đời tại thành phố Pava. Ông hưởng thọ 72 tuổi. Giáo đoàn du sĩ Nigantha hiện đang chia rẽ trầm trọng thành hai cánh chống đối nhau kịch liệt về mặt giáo lý cũng như về mặt tổ chức, khiến cho giới đệ tử tại gia rất đau khổ và phân vân không biết nên theo ai. Trong 11 vị đệ tử lớn của ông có nhiều vị thua buồn, tuyệt thực chết theo thầy.

Chú sa-di Cunda, thị giả của Thượng tọa Sariputta đã tới gặp Thượng tọa Ananda và kể lại những chuyện trên do chú nghe được trong lúc Thượng tọa Sariputta đi hoằng hóa ở thành phố Pava. Sau khi kể lại cho Phật nghe chuyện chia rẽ của giáo phái Nigantha, thầy Ananda rầu rầu nói:

- Bạch Thế Tôn, có cách nào tránh được sự chia rẽ của giáo đoàn sau khi Thế Tôn diệt độ không?

- Này Ananda, có bao giờ thầy thấy các vị khất sĩ tranh chấp và cãi nhau về nội dung của giáo pháp không?

- Bạch Thế Tôn, con chưa thấy có huynh đệ nào tranh chấp và cãi nhau về nội dung của giáo pháp. Nhưng con nghĩ khi Thế Tôn còn tại thế, nhờ oai đức của Thế Tôn nên mọi việc đều được dễ dàng, yên ổn. Nhưng một khi Thế Tôn nhập niết-bàn rồi thì, giáo đoàn thiếu sự lãnh đạo của Thế Tôn có thể xảy ra những vụ bất đồng ý kiến và tranh chấp về giới luật, tổ chức và sinh hoạt. Con còn nhớ cuộc tranh chấp trước đây tại tinh xá Ghosita ở Kosambi vào hạ thứ 9 giữa hai nhóm kinh sư và luật sư đã làm cho các huynh đệ và giới cư sĩ phiền muộn không ít.

- Này Ananda, thầy chớ quá lo ngại. Chừng nào trong giáo đoàn có sự tranh chấp và bất đồng ý kiến với nhau về phần giáo lý căn bản như Tứ Diệu Ðế, 37 phẩm trợ đạo, vô thường, khổ, không, vô ngã ... thì đó mới là điều đáng ngại, vì điều đó chứng tỏ rằng Chánh Pháp không còn được thông hiểu trọn vẹn nữa. Còn những tranh chấp về giới luật, tổ chức và sinh hoạt, thuộc về những chi tiết không đáng ngại lắm, chưa phải đến thời mạt pháp.

Tuy được Phật trấn an, Thượng tọa Ananda vẫn cảm thấy lo lắng. Thầy mới nghe tin tại Vesali, đại đức Sunakkhatta[35], trước kia đã từng làm thị giả cho Phật, tu đến tứ thiền, nay đã rời bỏ giáo đoàn khất sĩ vì những bất mãn riêng tư. Sunakkhatta đã bắt đầu thuyết pháp chống lại Phật và giáo đoàn. Thầy nói sa-môn Gotama cũng chỉ là người thường thôi, không có gì đặt biệt, và giáo pháp của sa-môn Gotama chỉ đem tới giải thoát cho cá nhân, không có ích lợi gì cho xã-hội. Sunakkhatta đã bắt đầu gây hoang mang trong quần chúng. Ðiều này chính Thượng tọa Sariputta cũng đã biết.

Ngoài ra Thượng tọa Ananda còn nghe nói đến mầm chia rẽ đã manh nha trong giáo đoàn ở thủ-đô Rajagriha. Thượng tọa Devadatta đang âm thầm tổ chức một giáo đoàn khất sĩ độc lập, đặt căn cứ tại núi Gayasisa cách Rajagriha chỉ độ 50 km về phía tây-nam. Cộng tác với thầy Devadatta có nhiều thầy cũng thuộc hạng giỏi như các Thượng tọa Kokalika, Kotamoraka Tissa, Khandadeviputta và Samuddadatta. Thầy Devadatta vốn là một trong những đệ tử xuất sắc của Phật. Chính Thượng tọa Sariputta đã nhiều lần ca ngợi Thượng tọa Devadatta trong các buổi họp chúng tại Rajagriha. Thượng tọa Sariputta đối xử với Thượng tọa Devadatta như một người bạn thân. Vậy mà gần đây Thượng tọa Devadatta đã tỏ vẻ ganh tỵ với Thượng tọa Sariputta và ngay cả với Phật.

Thầy Ananda không biết đã có ai trình lên Phật các vụ này chưa. Riêng thầy, thầy thấy rất ngại phải nói với Phật những chuyện đau buồn như thế.

 

Phật dạy Tam Pháp Ấn[36] 

Mùa mưa năm nay Phật nhập hạ tại tinh xá Jetavana ở thủ-đô Sravasti, xứ Kosala. Một hôm, vào đầu mùa an cư, Thượng tọa Ananda, trong lòng không an, lo sợ sau này trong giáo đoàn khất sĩ sẽ có tranh chấp về giáo pháp như đã xảy ra trong gíáo phái Nigantha. Thầy bèn thỉnh Phật nêu rõ những điểm căn bản trong giáo lý của ngài:

- Bạch Thế Tôn, sau này khi Thế Tôn nhập diệt rồi, làm sao biết giáo lý nào là đúng Chánh Pháp, là đích thật do Thế Tôn giảng dạy, giáo lý nào là không đúng Chánh Pháp, không phải do Thế Tôn giảng dạy?

- Lành thay, này Ananda, có Pháp Ấn mầu nhiệm để nhận ra đâu là Chánh Pháp. Như Lai sẽ giảng nói, quý vị hãy giữ tâm thanh tịnh, chăm chỉ lắng nghe. Pháp ấn là con dấu chứng thực tính cách xác thật của Chánh Pháp. Có ba pháp ấn là Vô-thường, Vô-ngã Niết-Bàn[37].

1) Thứ nhất là Hành Vô-Thường Ấn (Anityah-sarva-samskarah), còn gọi là Nhất Thiết Hành Vô-Thường Ấn hay Nhất Thiết Hữu Pháp Vô-Thường Ấn. Này quý vị, Như Lai nói tất cả các pháp hữu vi ở thế gian đều vô-thường, vô thường là nhân của khổ. Chúng sanh mê muội, đối với vô thường mà chấp là thường, là vui, cho nên phải chịu phiền não và luân hồi đau khổ. Nói đúng như thế là Phật nói; nói không đúng như thế là ma nói.

2) Thứ nhì là Pháp Vô Ngã Ấn (Niratmanah-sarva-dharmah), còn gọi là Nhất Thiết Pháp Vô Ngã Ấn. Này quý vị, Như Lai nói tất cả các pháp hữu vi cũng như vô vi ở thế gian đều vô ngã, không thật có. Chúng sanh mê muội, đối với vô ngã mà chấp là có ngã, rồi chính cái ngã vọng lập đó trở thành cái nhà chứa đầy phiền não, và trở thành con thuyền nghiệp lực đưa chúng sanh vào dòng sanh tử. Nói đúng như thế là Phật nói; nói không đúng như thế là ma nói.

3) Thứ ba là Niết-Bàn Tịch-Tĩnh Ấn (Satamnirvanam) còn gọi là Niết-Bàn Tịch-Diệt Ấn. Như Lai nói vắng lặng, thanh tịnh và sáng suốt là hạnh phúc chân thật, là niết-bàn. Chúng sanh mê muội, chạy theo các dục lạc ở thế gian, cho đó là vui, là khoái lạc, là hạnh phúc, không biết đó là nguyên nhân của tham lam, giận tức, si mê, phiền não, đau khổ ... Nói đúng như thế là Phật nói, nói không đúng như thế là ma nói.

Này quý vị, bất cứ một giáo lý nào hay một pháp môn nào không có ba Pháp Ấn đó thì chắc chắn giáo lý đó, pháp môn đó không phải của Như Lai. Ba con dấu đó cũng là ba cánh cửa để đi vào thế giới giải thoát. Vì vậy Tam Pháp Ấn cũng là Tam Giải Thoát Môn, quý vị nên tinh tấn nương theo đó mà tu tập.

Ðức Phật vừa dứt lời, Thượng tọa Ananda, Thượng tọa Sariputta và các vị đại đệ tử đều bước ra đảnh lễ tạ ơn Phật. Thượng tọa Ananda nói:

- Bạch Thế Tôn, Tam Pháp Ấn của Thế Tôn thật là quý báu! Con nguyện sẽ đem hết sức lực và sanh mạng của con để bảo trì Tam Pháp Ấn suốt đời con và truyền lại nguyên vẹn cho hậu thế.

Thượng tọa Sariputta nói:

- Bạch Thế Tôn, Tam Giải Thoát Môn của Thế Tôn thật là huyền diệu! Con nguyện sẽ đem hết khả năng của con để hướng dẫn và giảng giải lại cho các huynh đệ còn sơ cơ để ngọn đuốc Tuệ của Thế Tôn được lưu truyền mãi cho hậu thế.

 

Nên học giáo lý bằng tiếng mẹ đẻ 

Qua ngày hôm sau, hai đại đức Yamelu và Tekula đến tịnh thất Phật xin phép được viết lại các bài pháp của Phật bằng chữ Sanskrit. Hai đại đức này là anh em ruột, thuộc dòng dõi Bà-la-môn, nổi tiếng là lảu thông văn chương, cú pháp cổ ngữ Sanskrit trong kinh Veda. Hai thầy cũng nổi tiếng về việc xướng tụng kinh Veda, giọng của hai thầy rất thanh tao, trong như tiếng chuông đồng, hùng mạnh như tiếng trống. Hai thầy đến đảnh lễ Phật rồi thưa:

- Bạch Thế Tôn, chúng con muốn xin phép Thế Tôn được viết lại những bài pháp thoại của Thế Tôn bằng chữ Sanskrit. Trong khi thuyết pháp Thế Tôn thường dùng ngôn ngữ Pali tại Magadha. Nhưng các thổ ngữ Pali hiện nay rất khác nhau nên việc hoằng pháp nhiều khi gặp trở ngại. Các vị khất sĩ khi dùng thổ ngữ Pali để thuyết giảng cho dân chúng nhiều khi đã vô tình bóp méo ý của Thế Tôn. Chúng con nghĩ cổ ngữ Sanskrit đã được phổ biến đồng nhất ở mọi nơi. Vậy nếu các bài pháp của Thế Tôn được viết bằng Sanskrit thì tất cả các vị khất sĩ và các học giả cư sĩ đều có một tài liệu đồng nhất và chính xác, không sợ bị sai lệch.

Ðức Phật im lặng một lát rồi đáp:

- Các thầy làm như thế e cũng không tiện. Giáo pháp là một thực thể linh động. Ngôn ngữ, văn tự là phương tiện để chuyên chở giáo pháp, phải là những sinh ngữ đang được sử dụng mới có thể được dân chúng tiếp thu dễ dàng. Nếu trình bày giáo pháp bằng một cổ ngữ thì chỉ những học giả hay người trí thức mới hiểu được. Như vậy giáo pháp sẽ trở thành một pho tượng chứ không còn là một con người sống động nữa. Này Yamelu và Tekula, người xuất gia cũng như tại gia đều nên học hỏi giáo pháp bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình. Như vậy giáo pháp mới linh động và dễ hiểu.

Hiểu được ý Phật, hai đại đức Yamelu và Tekula đảnh lễ Phật rồi lui ra.

 

6- Hạ thứ 26 tại Jetavana (năm -564)

 

Nên làm gì khi biết mình sắp chết[38]? 

Một hôm, Phật đang đi thiền hành đến cổng tinh xá Jetavana thì thấy xa giá của vua Pasenadi cũng vừa dừng lại trước cổng. Hai người còn đang đứng trò chuyện thì có bảy vị du sĩ phái Nigantha đi ngang qua. Họ là những người tu khổ hạnh, lõa thể, tóc và râu không cạo, móng tay móng chân để dài. Trong thấy họ, vua Pasenadi xin lỗi Phật, rồi bước đến chào đón các vị du sĩ. Vua Pasenadi lạy xuống rất cung kính trước bảy vị du sĩ, vừa nói:

- Thưa các vị hiền đức, trẫm là Pasenadi, vua nước Kosala, xin đảnh lễ chư vị.

Vua lạy và nói ba lần như thế, rồi mới từ giã họ và trở lại với Phật. Ðợi họ đi khuất, vua hỏi:

- Bạch Thế Tôn, theo Thế Tôn thì trong bảy vị du sĩ đó có vị nào chứng quả A-la-hán chưa? Hoặc có vị nào sắp chứng được quả vị ấy?

- Thưa Ðại vương, Phật đáp, ngài sống cuộc đời vương giả, thân cận với giới chính trị nhiều hơn với giới tu sĩ nên ngài khó biết được ai là người đã tu chứng và được giải thoát. Chỉ khi nào ta sống bên họ lâu ngày, có thì giờ nhận xét họ trong mọi cử chỉ, hành động, lời nói, ta mới biết được họ đã có thực chứng hay chưa. Ðối với người đã quen sống với giới tu sĩ thì việc nhận xét có phần dễ dàng hơn. Nhưng thực ra việc tu chứng là việc riêng của từng người. Mỗi người nên tự cố gắng học hỏi giáo pháp cao thượng rồi mang ra thực hành trong đời sống hằng ngày. Tu chứng tới đâu liền tự biết lấy, đâu cần phải được ai ấn chứng. Việc quan trọng là khi mới được chút ít đừng vội vui mừng tự cho là đủ, là hơn người, vì như thế sẽ bị lạc vào tà đạo. Phải luôn luôn tinh tấn, tự giác, giác tha, cho đến khi giác hạnh được viên mãn, không còn chấp pháp, chấp ngã, mới thật sự được giải thoát.

- Bạch Thế Tôn, trẫm nay đã 60 tuổi. Trẫm nghĩ là trẫm phải để nhiều thì giờ hơn vào việc tu học, quán tưởng, thiền tọa và thiền hành. Nhưng công việc triều chính quá bận rộn. Sau bữa ăn trưa và bữa ăn tối thì trẫm cảm thấy mỏi mệt và buồn ngủ. Do đó việc tu tập không được mấy tiến bộ. Thế Tôn có phương pháp nào hay chỉ cho trẫm không?

- Thưa Ðại vương, việc triều chính Ðại vương nên giao bớt lại cho các quan đại thần trông coi theo đường lối chính trị ích nước lợi dân của Ðại vương và triều thần đã vạch ra. Về các bữa ăn, Ðại vương nên chú trọng về phẩm chất dinh dưỡng và bớt số lượng thức ăn. Vì ăn nhiều làm cho cơ thể mỏi mệt và sanh ra buồn ngủ.[39]

Thưa Ðại vương, Ðại vương nay đã 60 tuổi rồi. Ðại vương thử nghĩ nếu bây giờ có một người hộ vệ thân tín của Ðại vương từ phương đông trở về báo cáo với Ðại vương là có một hòn núi vĩ đại đang tiến dần từ phương đông tới, và trên đường đi trái núi ấy nghiền nát tất cả mọi chướng ngại vật, không có gì ngăn cản được nó. Ðại vương đang lo lắng thì lại có một người thân tín khác về báo cáo là có một hòn núi vĩ đại khác đang từ phương tây tiến tới. Rồi lại có những người thân tín khác báo cáo là có một hòn núi vĩ đại đang từ phương nam tiến tới, và một hòn núi vĩ đại đang từ phương bắc tiến tới. Không có đường nào tránh được bốn ngọn núi oan nghiệt đó. Vậy Ðại vương sẽ làm gì trong tình trạng ấy?

Vua Pasenadi ngẫm nghĩ giây lát rồi nhìn Phật, đáp:

- Bạch Thế Tôn, trẫm nghĩ trong trường hợp ấy thì chỉ còn một việc đáng làm mà thôi. Ðó là sống những ngày còn lại thật xứng đáng, thật trầm tĩnh, đúng theo Chánh Pháp.

- Lành thay! Ðại vương. Bốn ngọn núi oan nghiệt đó là bốn ngọn núi Sanh, Già, Bệnh, Chết. Chúng nó tiến tới từ từ, từng giây, từng phút, một cách chắc chắn. Không có gì ngăn cản chúng được. Không ai ở thế gian này có thể tránh khỏi. Chỉ có Chánh Pháp giác ngộ giải thoát mới có thể giúp ta vượt khỏi bốn hòn núi ấy khi ta đã có đầy đủ nguyện lực, định lực, trí tuệ và giác hạnh.

- Bạch Thế Tôn, trẫm đã hiểu. Ðứng trước vấn đề sinh tử không có gì khác quan trọng và đáng làm hơn là tinh tấn tu tập giác ngộ và giải thoát.

- Ðúng vậy! Ðại vương cứ theo đó mà hành trì.

 

Bốn người mù sờ voi[40] 

Mùa mưa năm nay, các đạo sĩ Bà-la-môn và các giáo phái khác tựu về Sravasti đông lắm. Các buổi thuyết giảng của họ được tổ chức khắp nơi. Thỉnh thoảng dân chúng thủ đô còn được dự thính những cuộc đàm luận giữa những vị đại diện của các giáo phái khác nhau. Những chủ thuyết khác nhau có dịp được trình bày, đưa ra so sánh và tranh luận.

Trong giới khất sĩ và đệ tử tại gia của Phật cũng có nhiều người dự thính những cuộc đàm luận này. Trở về tinh xá, họ kể lại cho Phật và các vị đại đệ tử những điều họ đã nghe và thấy. Họ nói phần lớn các đề tài tranh luận đều thuộc vấn đề siêu hình. Vị đạo sư nào cũng cho thuyết của giáo phái mình là đúng, ai nói khác là sai. Các cuộc tranh luận thường khởi đầu một cách vui vẻ, nhẹ nhàng, nhưng lần hồi đi đến to tiếng và nặng lời với nhau. Rốt cuộc người nghe vẫn không biết đâu là chân lý.

Ðức Phật mỉm cười kể cho các đệ tử nghe câu chuyện ngụ ngôn "Bốn người mù sờ voi" như sau:

- Xưa kia có một ông vua hiền triết, khi nghe các vị đại thần tranh luận với nhau mãi về phương pháp an bang tế thế mà không thể đi đến một kết luận nào thỏa đáng, bèn gọi quân hầu mang ra giữa sân chầu một con voi to lớn và bốn người mù từ khi mới sanh. Nhà vua bảo quân hầu đưa bốn người mù đến sờ voi rồi nói lớn lên cho mọi người nghe con voi như thế nào, ai mô tả đúng trước nhất sẽ được trọng thưởng.

Người mù thứ nhất sờ nhằm bụng voi, liền nói lớn "Tâu Bệ-hạ, con voi giống như cái thúng nhưng to hơn nhiều". Người mù thứ hai sờ nhằm tai voi, vội cãi "Tâu Bệ-hạ, con voi không phải giống cái thúng lớn, nó giống như một cây quạt lớn nhưng rất dịu dàng". Người mù thứ ba sờ nhằm đuôi voi, lại cãi "Tâu Bệ-hạ, con voi không phải giống cái thúng lớn, cũng không giống cây quạt, nó giống như cây chổi cùn hay cây phất trần, nhưng cái cán dịu dàng, cong qua cong lại được". Người mù thứ tư sờ nhằm chân voi, anh ta sờ từ trên xuống dưới một hồi rồi quả quyết nói "Tâu Bệ-hạ, cả ba anh mù kia đều nói sai cả, con đã sờ thật kỹ, con voi không phải giống cái thúng, cũng không giống cây quạt, cũng không giống cây chổi cùn hay cây phất trần, theo con thì con voi giống như cây cột nhà tròn nhưng rất sần sùi, không được trơn láng".

Nhà vua cười nói "Các ngươi đều nói đúng cả, nhưng chỉ đúng một phần thôi. Vậy tiền thưởng được chia ra đồng đều cho cả bốn người". Rồi nhà vua quay sang các vị đại thần, nói "Các khanh đều có lý cả, vì mỗi người đều căn cứ vào kinh nghiệm và hiểu biết của mình mà nói. Có người thì đứng trên bình diện kinh tế mà nói; có người thì đứng trên bình diện xã hội mà nói; có người thì đứng trên bình diện luật pháp và an ninh mà nói; có người đứng trên bình diện quân sự mà nói. Thay vì tranh cãi nhau, các khanh nên học hỏi và rút tỉa kinh nghiệm của nhau để cùng nhau vạch ra một đường lối chính trị chung tốt đẹp trên nhiều bình diện để mang ra áp dụng cho dân chúng".

Này các vị khất sĩ và cư sĩ, quí vị nên bình tỉnh lắng nghe tất cả, rồi dùng trí sáng suốt của mình mà nhận xét xem điều nào đúng với Chánh Pháp, có thể đưa đến hạnh phúc chân thật, giác ngộ và giải thoát, thì quí vị nên học hỏi thêm rồi mang ra áp dụng trong đời sống hằng ngày của quí vị. Người tu học phải có tâm khiêm cung và phóng khoáng. Người bị kiến chấp và kiến thủ ràng buộc thì dù chân lý có đến nhà họ gõ cửa, họ cũng không chịu mở cửa cho vào.

 

7- Hạ thứ 27 tại Jetavana (năm -563)

 

Thầy Vangisa hộ trì sáu căn[41] 

Ðại đức Vangisa nổi tiếng là một vị khất sĩ vừa có biện tài vừa có khiếu về văn chương. Thầy rất có tâm hồn thi sĩ nói riêng và nghệ sĩ nói chung. Hồi mới xuất gia, thầy được theo học với vị y-chỉ-sư của thầy là Thượng tọa Nigrodhakappa. Hai thầy trò cư trú tại một ngôi đền ở ngoại ô thành Sravasti. Sau khi trưởng lão Nigrodhakappa tịch, thầy về nhập chúng tại tinh xá Jetavana. Một hôm, thầy Vangisa tâm sự với thầy Ananda rằng tâm thầy không được an tịnh và khẩn cầu thầy Ananda hóa giải dùm. Hỏi ra, thầy Ananda biết rằng, vốn có tâm hồn nghệ sĩ, thầy Vangisa thường cảm thấy rung động, xao xuyến trước nhan sắc của các tiểu thư đến cúng dường tại tinh xá. Thầy Ananda nói:

- Này huynh đệ Vangisa, có nhiều vị khất sĩ trước kia cũng có tâm trạng như thầy đã được đức Thế Tôn dạy pháp quán bất tịnh. Huynh đệ nên quán chiếu tấm thân kiều diễm của nữ giới như một túi da mong manh chứa đầy dẫy những thứ bất tịnh bên trong như máu mủ, đờm dãi, phân, nước tiểu, chẳng bao lâu sẽ đến lúc già nua, bệnh hoạn, thân thể sẽ thúi nát, tan rã, chẳng còn gì là đẹp đẽ nữa. Trong khi đó Chánh Pháp, Tam Bảo là những gì quý giá, cao thượng, mang đến hạnh phúc chân thật cho mọi người, thì đó mới là cái đẹp xuất trần, thanh tịnh, vĩnh cửu.

Hơn nữa, này huynh đệ, đức Thế Tôn lại thường nhắc nhở các vị khất sĩ phải tinh tấn thực tập hộ trì sáu căn, gìn giữ cho sáu căn được thanh tịnh. Mắt không nên dính sắc, phải biết sắc là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã để sanh nhàm chán. Ðối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng thế. Ðức Thế Tôn từng nói "Này các vị khất sĩ, mắt là một đại dương sâu thẳm, trong đó có đầy dẫy những loài thủy quái, những con nước xoáy và những đợt sóng ngầm rất nguy hiểm. Nếu không đi vững chắc trong chánh niệm, con thuyền nghiệp thức của quý vị sẽ bị những loài thủy quái, những con nước xoáy và những đợt sóng ngầm ấy nhận chìm trong biển sắc. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý của quý vị cũng là những đại dương sâu thẳm, trong đó có đầy những loài thủy quái ..."

Này huynh đệ Vangisa, tôi nghĩ rằng quán bất tịnh và hộ trì nhãn căn là những vị thuốc có thể chữa lành bệnh "nhãn thức" của huynh đệ.

Thầy Vangisa tạ ơn Thượng tọa Ananda, rồi từ đó thầy chuyên cần thực hành phép quán bất tịnh và hộ trì sáu căn. Thầy làm bài thơ tự tỉnh như sau:

 

Ðã khoác áo cà-sa,

Tham dục còn theo đuổi

Như trâu nhớ lúa người,

Quả thật là hổ thẹn!

 

Con của nhà đại tướng

Tài giỏi nghề cung tên

Ngàn quân bắn tứ phía

Vẫn phá được vòng vây.

 

Nhưng nay giai nhân đến

Sao đành chịu bó tay!?

An trú nơi Chánh Pháp

Ta quyết thắng trận này.

 

Ta đã theo Thế Tôn

Dòng họ của mặt trời[42]

Trên đường về thong dong

Tình ta đà trọn gởi.

 

Do hộ trì sáu căn

Ta ung dung tiến bước

Phiền não dù vô lượng

Nào lay chuyển được ta? 

Thầy Vangisa là người thông minh tài giỏi nên dễ vướng vào tâm trạng tự cao. Có lần thầy thầm có ý khinh miệt các thầy khác, nhưng nhờ tu tập chánh niệm, thầy tự nhận ra tánh xấu của mình nên làm bài thơ sám hối như sau:

 

Ðệ tử Gotama,

Hãy đoạn trừ kiêu mạn!

Con đường kiêu mạn này

Chỉ đưa về khổ thú!

 

Kẻ kiêu mạn ngấm ngầm

Cũng đi về địa ngục

Huống chi là những kẻ

Vênh váo nhìn cuộc đời.

 

Học đạo, thấy đường ngay

Tâm hồn được an lạc

Niềm vui đó thật cao

Ta phải mau đạt tới.

 

Hãy tập giữ chánh niệm

Mới mong được tam minh.

Kiêu mạn đoạn trừ xong

Mới thành công thật sự.

 

Sau khi được Thượng tọa Ananda khai thị, thầy Vangisa đã vượt được nhiều chướng ngại. Thầy tiến bộ rất nhanh và đã được trưởng lão Sariputta xác nhận. Ngày tâm thầy bừng sáng, thầy làm bài thơ sau đây:

Ngày xưa say thơ mộng

Ta phiêu bồng khắp nơi

Cảnh chợ rồi cảnh quê

May thay được gặp Phật.

 

Thế Tôn đã thương xót

Dạy cho ta pháp mầu

Nghe xong khởi niềm tin

Khoát áo người khất sĩ.

 

An trú trong chánh pháp

Kiên cố, ta một lòng

Nay chứng được tam minh

Ðền ơn bậc tỉnh thức.

 

Hạt giống của mặt trời

Thế Tôn đà gieo rắc

Vì chúng sanh u tối

Người khai mở lối ra.

 

Bốn sự thật nhiệm mầu

Con đường tám nẻo chánh

An lạc và tự do

Nghĩa lời đều vi diệu.

 

Phạm hạnh đã cao siêu

Ðộ sanh càng khéo léo

Niết-bàn cứu muôn loài

Ơn sâu người chỉ dạy. 

Thầy Sariputta, trong một buổi giảng dạy cho các vị khất sĩ trẻ, có đem trường hợp của thầy Vangisa ra để làm gương. Thầy bảo trong bước đầu tu học, thầy Vangisa cũng đã từng có những tình cảm và những tâm trạng yếu đuối, nhưng sau đó, nhờ tu học tinh chuyên pháp hộ trì sáu căn, thầy đã vượt thắng được mọi phiền não và chứng ngộ được diệu pháp. Hộ trì sáu căn là pháp môn rất mầu nhiệm để vững tiến trên đường đạo.

 

Các luận chấp và những câu hỏi về siêu-hình do đâu mà có[43] 

Ðại đức Isidatta, người xứ Avanti[44], là một khất sĩ trẻ tuổi nhưng có nhiều tài năng và đạo hạnh. Một hôm, thầy và chín Thượng tọa cao niên được mời tới thọ trai tại tư gia của cư sĩ Citta tại thị trấn Macchikasanda. Cư sĩ Citta là người có đạo tâm, tinh thông giáo lý và cũng được dân chúng ái mộ gần như cư sĩ Anathapindika. Ông thường hay thỉnh các vị cao đức tới nhà để cúng dường trai phạn[45] và để học hỏi thêm về giáo lý. Sau khi cúng dường trai phạn xong, cư sĩ Citta đảnh lễ các vị khất sĩ rồi xin phép được ngồi xuống một bên. Ông từ tốn nêu câu hỏi sau đây:

- Bạch chư thượng tọa, con đã được nghe kinh Brahmajala (Phạm Võng), trong đó Phật nói về 62 luận chấp của các giáo phái đương thời. Con cũng từng nghe những câu hỏi về siêu hình như: Thế giới là hữu biên hay vô biên, vĩnh cửu hay phải đoạn diệt; linh hồn và thân xác là một hay là khác; con người sau khi chết thì cái gì còn cái gì mất, ... Bạch chư thượng tọa, do đâu mà có những luận chấp và những câu hỏi siêu hình ấy?

Trước câu hỏi của cư sĩ Citta, tất cả các vị khất sĩ đều nín thinh. Citta lập lại câu hỏi này tới ba lần mà cũng không có vị khất sĩ nào lên tiếng trả lời cả. Vị khất sĩ trẻ Isidatta bỗng hướng về các vị trưởng lão, lên tiếng:

- Bạch chư thượng tọa, con có thể trả lời câu hỏi đó của cư sĩ Citta được không?

- Này huynh đệ, thầy có thể trả lời nếu thầy muốn.

Hướng về cư sĩ Citta, thầy Isidatta nói:

- Này đạo hữu, theo tôi nghĩ, sở dĩ có những luận chấp và những câu hỏi siêu hình ấy vì người ta còn vướng mắc vào ngã kiến. Một khi đã diệt được ngã kiến, người ta sẽ không còn luận chấp và thắc mắc như thế nữa.

Cư sĩ Citta lộ vẻ ngạc nhiên và thán phục. Song ông ta lại nói:

- Xin đại đức vui lòng giảng rõ hơn.

- Này đạo hữu, người không được gần các bậc thiện-tri-thức, không được học hỏi giáo pháp giác ngộ, thường chấp rằng thân thể này là ta, hoặc thân thể này là của ta, hoặc có ta trong thân thể này, hoặc thân thể này ở trong ta. Người ấy lại có thể chấp rằng cảm giác là ta hay là của ta. Người ấy lại có thể chấp rằng tư tưởng là ta hay là của ta[46] ... Ðó là người đang bị vướng vào ngã kiến. Chính vì bị vướng vào ngã kiến, chính vì chấp có cái ta thật sự, nên mới có cái chấp ta là cái này hay ta không phải là cái này, ta ở trong cái này hay cái này ở trong ta ...Do đó sinh ra 62 luận chấp mà đức Thế Tôn đã đề cập đến trong kinh Brahmajala (Phạm Võng). Cũng chính vì chấp ngã nên mới sanh ra các thắc mắc về hữu biên hay vô biên, thường hay đoạn, còn hay mất, đồng hay khác, vân vân ... Này đạo hữu, một khi đã tu tập phá trừ được ngã kiến thì những luận chấp và những câu hỏi về siêu hình kia sẽ trở thành vô nghĩa.

Cư sĩ Citta hoàn toàn bị thầy Isidatta chinh phục. Ông kính cẩn hỏi:

- Bạch đại đức, quê ngài ở đâu?

- Thưa đạo hữu, quê tôi ở Avanti.

- Bạch đại đức, tôi nghe nói ở Avanti có một người trẻ tuổi tên Isidatta đã xuất gia. Ðó là một thanh niên thông minh lỗi lạc. Chẳng hay đại đức có biết người đó không?

- Thưa đạo hữu, tôi có biết.

- Thưa đại đức, vị khất sĩ tài đức ấy hiện đang ở đâu?

Ðại đức Isidatta im lặng. Cư sĩ Citta là người thông minh, ông biết ngay người đang ngồi trước mặt mình là Isidatta. Ông liền hỏi:

- Có phải đại đức chính là đại đức Isidatta đó không?

- Thưa phải.

- Vậy thì thật là quý hóa và hân hạnh cho tôi biết mấy. Bạch đại đức Isidatta, chúng tôi rất mong được đại đức đến viếng chúng tôi thường thường. Chúng tôi xin nguyện cúng dường đại đức tất cả những gì đại đức cần đến như thực phẩm, y phục, thuốc men và chỗ ở.

Thầy Isidatta im lặng. Sau đó các vị khất sĩ từ giã. Thầy Isidatta không có dịp nào trở lại nhà cư sĩ Citta nữa. 



[1] Ðây là cây Bồ-Ðề lịch sử cao niên nhất được sùng bái và còn sống đến ngày nay.

[2] Kinh Kalingabodhi Jataka, số 479; Kinh Jataka, IV. 228.

[3] Paticca là "bởi vì" hay "tùy thuộc". Samuppada là "phát sanh" hay "sanh khởi". Vậy Paticca-samuppada có nghĩa là "Tùy thuộc phát sanh". Thí dụ: Bởi vì có A nên B phát sanh. Bởi vì có B nên C phát sanh. Khi nào A diệt thì B cũng diệt. Paticca-samuppada là phương pháp quán chiếu để tìm nguồn gốc của đau khổ và sanh tử luân hồi của chúng sanh (nhân sinh quan), chứ không phải là phương pháp để tìm nguồn gốc của vũ trụ và vạn vật (vũ trụ quan).

[4] Xem kinh Ðại Bát-niết-bàn, quyển 2, phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát, trang 178.

[5] Xem Tạp-A-hàm 285; Anguttara Nikaya: Gotama.

[6] Có Hữu là có hiện-hữu, có Ngã, có Nghiệp, có Vật-sở-hữu.

[7] Có Thủ là có ý muốn giữ làm vật sở hữu, làm của riêng mình.

[8] Kinh Tạp A-hàm số 288; Kinh Anguttara-nikaya: Nalakalapiya.

[9] "Danh" là các sự vật vô hình. "Sắc" là các sự vật hữu hình. "Danh sắc" là nói chung tất cả các pháp, tất cả các sự vật hữu hình và vô hình.

[10] "Thức" là ý thức phân biệt, là cái biết của người thế tục.

[11] Nếu không có Thức thì lấy gì để biết có Danh Sắc? Nếu không có Danh Sắc thì làm sao có Ý Thức?

[12] Bánh chapati là món ăn rất thông dụng tại Ấn-độ, làm bằng bột mì, tương tợ như bột bánh pizza nhưng mềm, hình tròn và dẹp, lớn bằng bàn tay xòe, chỉ toàn bằng bột nướng. Lúc ăn, chấm với nước cà-ri.

[13] Xem Buddhist Legends, quyển II, trang 203-205; Anguttara-nikaya III, 65: kinh Kalama; Anguttara-nikaya IX, 11: kinh Sariputta-sihanada.

[14] Xem Samyutta-nikaya VI.1.10; Tạp A-Hàm 47; Tăng Nhất A-Hàm 19.

[15] Xem Tăng Chi Bộ (Anguttara-nikaya), tập I: kinh Các vị ở Kesaputta; Trung A-hám: kinh Anh Võ.

[16] Theo : Kinh Ðại Bát-niết-bàn: Phẩm Tứ-Y (8); Ðại Phương Ðẳng Ðại Tập: kinh 29; Luận Ðại Trí Ðộ 9; Luận Du-già-sư-địa 45; Ðại Thừa Nghĩa Chương 11; Thích Môn Quy Kính Nghi: tập thượng.

[17] Samyutta-nikaya.

[18] Xem Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 779.

[19] Xem Samyutta-nikaya.

[20] Xem Samyutta-nikaya; Jataka 96: Takkasila; Buddhist Legends, quyển III, trang 243-244.

[21] Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 243-244.

[22] Cảm thọ: Cảm giác, tình cảm.

[23] Tâm ý : Ý kiến, ý thức, tư tưởng.

[24] Xem Samyutta-nikaya XXXV.84-85; Majjhima-nikaya 121; Tạp A-Hàm 232.

[25] Trong kinh Lăng-Nghiêm, Phật nói "Tri kiến lập tri tức vô minh bổn; tri kiến vô kiến tức thị bồ-đề, niết-bàn vô lậu thanh-tịnh." là nghĩa như thế.

[26] Ý này được khai triển trong Bát-Nhã Tâm Kinh.

[27] Xem Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 684, 685 và 687

[28] Cha mẹ bảy đời = Cha mẹ trong bảy đời sau cùng của chúng ta (theo tư tưởng Phật giáo). Khác với:

  Cửu huyền thất tổ  (theo Nho giáo) = Thất tổ gồm có 1) Ông nội ông ngoại (Tổ phụ), 2) ông Cố (Tằng tổ, Cao tổ), 3) ông Sơ (Huyền tổ), 4) ông Sờ (Lai tổ), 5) ông Sẩm (Côn tổ), 6) ông Cẩm (Nhưng tổ), 7) ông Kỷ (Vân tổ). Cửu huyền là vô số đời tổ trước ông Kỷ (chữ Cửu ở đây có nghĩa là vô-số).

[29] Quảng-quả thiên là tầng trời thứ nhất của Tứ Thiền.

[30] Xem Majjhima-nikaya 145; Samyutta-nikaya XXXV.63-64; Tạp A-Hàm 311.

[31] Theo "Từ Ðiển Phật Học Huệ Quang" thì Thầy Punna Mantaniputta hoằng pháp tại xứ Thâu-lô-na ở phương tây. Theo "Phật Học Từ Ðiển" của Ðoàn-Trung-Còn thì tên xứ là Du-lư-na. Theo "Ðường Xưa Mây Trắng" của Hòa-Thượng Thích-Nhất-Hạnh thì tên xứ là Sunaparanta ở phương đông. Theo "Dictionnaire Encyclopédique du Bouddhisme" của Philippe Cornu thì tên xứ là Soparaka thuộc bờ biển Dekkan.

[32] Xem Anguttara-nikaya VIII.19; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 34-35; Ðại Bát Niết Bàn, tập 2, phẩm Sư Tử Hống Bồ-tát, trang 336.

[33] Tứ vô sở úy gồm có: Chánh đẳng giác vô úy, Lậu vĩnh tận vô úy, Thuyết chướng pháp vô úy, Thyết xuất đạo vô úy. Tứ vô sở úy có nghĩa là ở trong hoàn cảnh nào cũng an nhiên tự tại, không sợ hãi.

[34] Xem Majjhima-nikaya 104: Samagama-sutta.

[35] Sunakkhatta là anh cùng cha khác mẹ với Rahula.

[36] Xem Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 103-104.

[37] Theo kinh Ðại thừa thì Tam Pháp Ấn là "Không, Vô Tướng, Vô Tác". "Không" là không thật tánh, là vô thường, là vô ngã. "Vô tướng" là không ý thức phân biệt; do 6 căn không đắm nhiễu 6 trần nên thấy vô tướng. "Vô tác" hay "vô nguyện" là không ham muốn, không tạo tác gây nghiệp, không theo đuổi.

[38] Xem Samyutta-nikaya III.3.5.

[39] Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 206.

[40] Xem Udana VI.4.

[41] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 465-469; Tạp A-Hàm 1208-1221; Samyutta-nikaya VIII.1.1-12.

[42] Suryavamsa (Nhật-Chủng: dòng họ mặt trời) là một trong năm họ của đức Phật. Bốn họ kia là Gotama (Cồ-Ðàm), Okkaka (Cam-Giá), Sujata (Thiện-Sanh) và Sakya (Thích-Ca).

[43] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 470-472; Samyutta-nikaya XLI.1.2-3; Tạp A-Hàm 570.

[44] Theo Geography of Early Buddhism thì xứ Avanti có thủ đô là Ujjeni. Hiện nay Avanti là Mâlwa Nimâr.

[45] Cúng dường Trai phạn (Trai diên, Trai hội) là cúng dường vật thực cho Tam Bảo, người thí và kẻ thọ đều phải lấy cung kính làm tông chỉ và phải cẩn thận gìn giữ 3 nghiệp thân khẩu ý được thanh tịnh. Cúng dường Trai tăng (Sanghikadana) là ngoài việc cúng dường vật thực lại cúng dường thêm các vật dụng hằng ngày.

[46] Ðây là 62 kiến chấp: 5 uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) X 4 chấp (sắc là ngã, sắc là ngã sở, ngã ở trong sắc, sắc ở trong ngã; thọ là ngã, ...) X 3 đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) + 2 chấp (có ngã, không ngã).

 

---o0o---

 

Mục Lục > 01 > 02 > 03 > 04 > 05 > 06 > 07 > 08 > 09  > 10

11 > 12  > 13 > 14 > 15  > 16 > 17 > 18 > 19> 20

 

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 8-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

เพรงดนต ฟ vÃƒÆ 刘德华的信仰 激安仏壇店 tu 高級 霊園 盂蘭盆会 応慶寺 Nhà dã¹ng Mùa hoa cà phê Nguyên nhân phân phái đầu tiên trong 即刻往生西方 thà Š人形供養 大阪 郵送 phật giáo Chả æˆåšæ 佛经讲 男女欲望 禅心の食事 Cẩn ý nghĩa dâng hương nhac si sy luan vao chua 元音老人全集 ä æ é gap nhân 墓地の販売と購入の注意点 脱离六道 礼佛大忏悔文 phat giao sám hối và thiền quán Chẳng ở nơi đó có hoa dã quỳ suy nghi ve doan hoi thoai cua nguoi am voi con xin hay buoc ra khoi vong tron te nhat cua æåŒ คนธรรพ มาเก ด Phật Vài món chay dễ nấu æˆ å šæ khong du nhien lieu va tuoi tho de di den trai dat chùa ta hay chùa tàu hở ba kheo chiến thắng ác ma ç¾ quang nam truong lao ht thich chon phat vien tich 簡単便利戒名授与水戸 dieu 築地本願寺の年末恒例行事帰敬式 than chu dai bi vien ngoc cua nguoi cung tu Ï 七佛灭罪真言全文念诵