Sự tích Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni

(Theo bản hiệu-chính ngày 21/05/2005) 

Soạn giả: Minh-Thiện Trần-Hữu-Danh

Với sự khuyến khích và giúp đỡ của hiền nội: 

Diệu-Xuân Nguyễn-thị Bạch-Mai

---o0o---

 

Phần 19

 

PHỤ  ÐÍNH

 

5- Phật Giáo truyền sang Sri-Lanka (Tích-Lan)[1]

 

Vua Asoka (trị vì -264 / -227) 

Năm 326 trước tây lịch, Hoàng đế Alexander the Great (-356 / -323) của xứ Macedonia, học trò của triết gia Aristotle, xâm chiếm miền bắc Ấn-độ và lập thành một vương quốc với thủ đô Takshasila (người Hy-lạp gọi là Taxila). Nhưng đến năm -323, Alexander băng hà tại Babylon, lúc mới được 32 tuổi.

Cùng năm ấy, Candragupta Maurya, mà người Hy-lạp gọi là Sandrocatus, nổi dậy tại bắc Ấn, chống lại quân xâm lăng của Alexander, và sau đó chiến thắng luôn vua Nanda[2] của xứ Ấn vào năm -316, lập thành đế quốc Mauryan (Moriyan), lấy Pataliputta (Patna) làm thủ đô. Candragupta được các sử gia xem là vị vua đầu tiên của xứ Ấn-độ. Candragupta truyền ngôi cho con là Bindusara. Vua Bindusara truyền ngôi lại cho con là Devanapiyena Piyadasina, tên là Asokavadanaputta, gọi tắt là Asoka, vào năm -264. Trước khi lên ngôi, Asoka đã từng làm Phó Vương cai trị vùng Taxila và Ujjain. Trong thời gian này Asoka đã cưới con gái của nhà trưởng giả Deva tại Vedisa tên là Devi, và sanh được một người con trai tên Mahinda và một người con gái tên Sanghamitta, nhỏ hơn anh hai tuổi.

Vua Asoka lên ngôi năm -264, là một hoàng đế hăng say chiến tranh như ông nội. Vào năm thứ tám sau khi lên ngôi, năm -256, ông đem quân xăm chiếm xứ Kalinga, nam Ấn. Trận chiến thắng tàn khốc này làm cho 100.000 người chết và 150.000 người bị bắt làm tù binh và số dân chúng bị chết oan còn nhiều hơn gấp mấy lần. Sau trận chiến thắng Kalinga, vua Asoka cảm thấy ăn năn hối hận, làm một tờ hịch bất hủ khắc trên đá nói lên sự quyết tâm từ bỏ chiến tranh. Nhân cơ hội này, vị sa-di A-la-hán Nigrodha, cháu gọi Asoka bằng chú, giảng cho vua Asoka một bài pháp ngắn về tình trạng giác ngộ và tỉnh thức. Vua Asoka liền ngộ đạo, trở nên một vị vua rất nhân từ đạo đức, được dân chúng mệnh danh là Dharmasoka. Từ đó vua Asoka từ bỏ những cuộc chinh phục bằng chiến tranh (dig-vijaya), và bắt đầu "những cuộc chinh phục bằng giáo pháp" (dhamma-vijaya). Ông trở thành người ủng hộ Phật pháp rất nhiệt thành, thỉnh Ðạo sư là Moggaliputta Tissa làm thầy hướng dẫn tinh thần, và làm chủ tọa cuộc kiết tập kinh điển lần thứ 3 tại Pataliputta vào năm -244. Vua Asoka lại nhờ Ðạo sư đưa đi chiêm bái tất cả các Phật tích, mỗi nơi vua đều có cho dựng trụ đá kỷ niệm, làm di tích muôn đời cho hậu thế. Vua Asoka truyền gom tất cả xá lợi Phật lại, chia đều thành 84.000 phần, đựng trong 84.000 cái bình bằng đồng giống nhau, lớn độ một lít, trên nắp có tượng một con sư-tử, rồi giao cho các đại sư đi hoằng pháp xây tháp thờ ở rải rác khắp nơi trong xứ Ấn-độ và cả ở xứ ngoài. Vua Asoka lại cho cả hai người con là Mahinda và Sanghamitta mang kinh điển vừa mới kiết tập và chiết một nhánh phía nam cây Bồ-đề sang trồng tại Sri-Lanka (Tích Lan) để hoằng dương Phật pháp.

 

Vua Devanampiya Tissa 

Lịch sử xứ Sri-Lanka bắt đầu từ ngày Vijaya đặt chân lên lãnh thổ này làm vua từ năm 543 trước tây lịch. Vua Vijaya đã cưới con gái vua Pandya xứ Mathura bên Ấn-độ về làm hoàng hậu, và có liên hệ mật thiết với nhiều xứ khác bên Ấn-dộ. Các kinh Mahavamsa, Dipavamsa và Samantapasadika (Chú Giải Tạng Luật) đã mô tả rất sống động ba cuộc viếng thăm đảo này của đức Phật Sakyamuni vào tháng thứ năm, năm thứ năm và năm thứ tám sau ngày thành đạo.

Vua Devanampiya Tissa xứ Sri-Lanka có giao hảo thân thiện với vua Asoka. Mặt dù hai người không bao giờ gặp mặt nhau, nhưng qua các liên hệ ngoại giao mật thiết, có thể cho rằng vua Devanampiya Tissa và vua Asoka (Devanapiyena Piyadasina) là hai người bạn thân. Sử sách ghi rằng sau khi tiếp một đoàn sứ giả với nhiều tặng phẩm quý giá của vua Devanampiya Tissa, vua Asoka gởi trở lại một phái đoàn ngoại giao với bức thông điệp trong đó có câu sau đây:

"Tôi đã quy y Tam Bảo, tức là quy y với đức Phật, với Pháp bảo, và với chư Tăng trong Giáo Hội. Chính tôi đã tuyên bố rằng mình là một thiện tín cư sĩ trong giáo pháp của đức Thích Ca. Giờ đây, Ðại Vương ôi! Ngài là một người tốt nhất trong đám người, hãy lấy niềm tin mà cải hóa tâm mình, hãy quy y với bảo vật quý giá nhất trong các bảo vật ở thế gian."

 

Ðại sư Maha Mahinda 

Khi vị tỳ kheo Maha Mahinda, con trai vua Asoka, được cha và Ðạo sư Moggaliputta Tissa phái sang Sri-Lanka để thành lập cơ bản Phật Giáo (Sasana) tại đó, thì ngài mang theo Tam Tạng Kinh Ðiển vừa kiết tập được lần thứ ba, rời tự viện Asokarama tại Pataliputta (Patna), đi Vedisa thăm mẹ là Devi. Cùng đi với ngài có các vị tỳ-kheo Ittiya, Uttiya, Sambala và Bhaddasala, vị sa-di Sumana, và vị cư sĩ Bhanduka, cháu của Vedisa Devi. Tất cả đều là những người có tu chứng và biệt tài. Mỗi phái đoàn truyền giáo thường có 5 vị tỳ-kheo để tiện việc làm lễ xuất gia truyền cụ-túc-giới (upasampada).

Sau khi ở lại Vedisa một tháng để chuẩn bị cuộc hành trình, phái đoàn lên đường đi Sri-Lanka. Vào ngày trăng tròn tháng 6 năm 244 trước tây lịch, phái đoàn truyền giáo đến đỉnh đồi Missaka, cách thủ đô Anuradhapura 12 km về phía đông. Gặp nhằm ngày quốc lễ, vua Devanampiya Tissa đang săn bắn vui chơi, thình lình thấy năm người mặc cà-sa vàng nghệ đi tới. Nhà vua giật mình, ngài Maha Mahinda liền bước đến xá chào và trấn an:

-         Tâu Ðại Vương, chúng tôi là những nhà sư, đệ tử của vì vua Chân Lý. Vì lòng từ bi đối với Ðại Vương, chúng tôi từ Jambudipa[3] đến đây[4].

Với sự giúp đỡ tận tình của vua, việc hoằng hóa được tiến triển tốt đẹp. Xá lợi đức Phật được tôn thờ trong bảo tháp Thuparama Dagaba tại thủ đô Anuradhapura. Nhà vua dâng cúng công viên Maha Meghavana làm tinh xá cho Giáo Hội Tăng Già vừa được thành lập, và ngôi chùa chánh Maha Vihara được dựng lên nơi đây. Với thời gian, cơ sở học tập này trở thành nổi tiếng và đào tạo được nhiều học giả uyên thâm. Trong số các giảng sư lỗi lạc tại đây có ngài Buddhaghosa (Phật Âm) từ Ấn-độ đến vào năm 423, đã viết nhiều sách chú giải quý giá về giáo lý Phật, trong khi lưu ngụ tại ngôi chùa này. Sri-Lanka (Tích Lan) trở thành trung tâm truyền bá Phật giáo Nam Tông sang Miến-Ðiện, Thái-Lan, Kampuchea, Lào và Indonesia (Nam Dương).

 

Ni sư Sanghamitta 

Chỉ một năm sau ngày phái đoàn truyền giáo do đại đức Maha Mahinda lãnh đạo đến Sri-Lanka, cả triều đình và dân chúng thủ đô rất phấn khởi rủ nhau đến nghe thuyết pháp và xin xuất gia hoặc quy y Tam Bảo. Bà Anula, thứ phi của một vị Phó Vương tên Mahanaga, cùng một số đông thị nữ đến nghe pháp, cũng phát tâm xin đại đức Maha Mahinda cho xuất gia. Nhưng theo giới luật nguyên thủy, một tỳ kheo không có quyền chủ trì lễ xuất gia cho người nữ, ngoại trừ đức Phật hay một tỳ-kheo-ni. Do đó đại đức Maha Mahinda trình với vua Devanampiya Tissa mời em ngài là tỳ-kheo-ni Sanghamitta đến Sri-Lanka để làm lễ xuất gia cho hàng phụ nữ và thành lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni.

Vua Devanampiya Tissa rất hoan hỷ gởi đến Hoàng đế Asoka một phái đoàn do vị đại thần Arittha hướng dẫn, để bày tỏ lòng mong mỏi của đại đức Maha Mahinda và của chính mình. Ðược vua cha chấp thuận, tỳ-kheo-ni Sanghamitta chiết một nhánh nhỏ  hướng về phương nam của cây Ðại Bồ-đề nơi Phật thành đạo để mang theo sang Sri-Lanka. Cùng đi với tỳ-kheo-ni Sanghamitta còn có 11 vị tỳ-kheo ni khác, tất cả đều là những vị có tu chứng và biệt tài. Ngoài ra còn có các quan đại thần, các hoàng thân, các thân hào nhân sĩ rất đông, tháp tùng theo cung nghinh cây Bồ-đề con. Theo sử sách, buổi lễ đã được cử hành rất long trọng để tiễn đưa phái đoàn của ni sư Sanghamitta và cây Bồ-đề ra đi từ hải cảng Tamralipti (Tamluk). Hoàng đế Asoka đưa con ra tận bến tàu, vô cùng xúc động, đứng nhìn đoàn thuyền xa dần cho đến khi khuất dạng[5].

Năm 243 trước tây lịch, sau bảy ngày vượt biển, thuyền đến hải cảng Jambukola, miền bắc xứ Sri-Lanka. Vua Devanampiya Tissa đến tận nơi nhận lãnh cây Bồ-đề con trong một buổi lễ vô cùng long trọng kéo dài 10 ngày. Vào ngày thứ 10, cây Bồ-đề được đặt trên một cổ xe trang nghiêm, cùng với một đoàn xe linh đình cung nghinh đến thủ đô Anuradhapura. Nơi đây lại có một buổi lễ long trọng khác để trồng cây Bồ-đề tại tinh xá Maha Meghavana. Ðến nay cây Bồ-đề này vẫn còn sum sê tươi tốt, tiếp nhận lòng kính mộ của hằng triệu khách hành hương đến chiêm bái.

 

 

6- Bốn động-tâm và các Phật-tích tại Ấn độ

 

Vài tiếng đồng hồ trước khi đức Phật nhập niết-bàn, ngài nói với đại đức Ananda như sau:

-         Này Ananda, có bốn nơi mà người Phật tử nhiệt tâm nên đến chiêm bái với lòng thành kính và tôn sùng. Ðó là những nơi mà người chiêm bái có thể nói: "Chính tại đây đức Như Lai đã đản sanh ", "Chính tại đây đức Như Lai đã thành đạo", "Chính tại đây đức Như Lai đã vận chuyển pháp luân", "Chính tại đây đức Như Lai đã nhập đại-bát-niết-bàn vô sanh bất diệt". Và này Ananda, nhiều chư Tăng Ni nhiệt thành trong Giáo Hội, và nhiều chư thiện nam tín nữ sẽ đến viếng những nơi này. Người nào trút hơi thở cuối cùng trong niềm tin vững chắc, sau khi đi hành hương, sẽ tái sanh về nhàn cảnh[6].

 

Lumbini (Lâm-tỳ-ni)

 

Lumbini là nơi đức Phật đản sanh năm 624 trước tây lịch, vào ngày trăng tròn tháng Vesak (tháng 5 dl), theo Phật giáo Ðại thừa là ngày rằm tháng tư âm lịch năm Bính Thân.

Lumbini hiện nay tên là Rupandehi, thuộc lãnh thổ Nepal, cách thành phố Bhairahawa của Nepal 13 km, cách thành phố biên giới Sonauli 27 km, cách Kapilavastu (của Nepal) 30 km. Ga xe lửa gần nhất ở thành phố Gorakhpur; đường xe từ Gorakhpur đến Lumbini phải qua Sonauli, dài 123 km. Phi trường gần nhất là Bhairahawa (Nepal) cách Lumbini 13 km. Phi trường Varanasi (India) cách Lumbini 413 km.

Theo phong tục thời bấy giờ, gần đến ngày sanh, hoàng hậu Maha Maya lên đường đi từ Kapilavastu về nhà cha mẹ ruột ở thủ đô Devadaha xứ Koliya để sanh. Ðến lâm viên Lumbini, gặp mùa hoa cỏ xinh tươi, bà ghé lại nghỉ ngơi, đến hồ nước Puskarini tắm mát rồi đi dạo xem phong cảnh quanh hồ. Nhìn thấy cây vô-ưu[7] (asoka) đang trổ hoa tươi tốt, bà đưa tay phải lên định hái thì sinh ra thái tử Siddhattha

Vào năm 244 trước tây lịch, vua Asoka có nhờ vị đạo sư của mình là Moggaliputta-Tissa đưa đến đây chiêm bái. Vua có cho dựng một trụ đá kỷ niệm hiện còn lờ mờ 5 hàng chữ Brahmi tiếng Prakrit như sau: 

Devanapiyena Piyadasina lajina-visativasabhistitena,

Atana-agacha mahiyita hida Budhe-jate Sakyamuni ti,

Sila vigadabhi cha kalapita silathabhe-cha usapapite,

Hida Bhagavam jate ti Lumbini-game yubalike kate,

Atha-bhagiye cha.

Có nghĩa là: Vua Devanampiya Piyadassi, được các thiên thần kính mến và ủng hộ, đích thân đến đảnh lễ nơi này, sau khi lên ngôi được 20 năm. Vì đức Phật Sakyamuni đản sanh nơi đây, Vua ra lệnh xây một vách thành bằng đá bao quanh nơi này, và một trụ đá kỷ niệm bên trong. Vua cho phép dân làng Lumbini từ nay chỉ đóng 1/8 thuế mễ cốc.

Theo lời tường thuật của ngài Huyền Trang vào thế kỷ thứ 7 thì trên đầu trụ đá có tượng một con ngựa rất trơn láng và mỹ thuật, nhưng hiện nay không còn.

Hồ nước linh thiêng Puskarini được xây lại theo hình vuông, mỗi cạnh 20m, là nơi hoàng hậu Maya tắm trước khi sanh, và thái tử Siddhattha được tắm lần đầu tiên.

Cây Bồ-đề bên cạnh hồ có từ lúc đức Phật còn tại thế.

Trong đền thờ bà Maha Maya Devi, có hai bức tranh nổi rất xưa điêu khắc cảnh đức Phật đản sanh, một bức bằng cẩm thạch và một bức bằng đá, và có xác định vị-trí chính xác nơi Phật đản sanh.

Theo chương trình chỉnh trang thánh tích này của chính phủ Nepal vào năm 1999, xung quanh có rất nhiều chùa của các quốc gia Phật giáo, trong số đó có chùa Việt-Nam Phật Quốc của xứ Việt-Nam và chùa Linh-Sơn Pháp Quốc của Phật tử Việt-nam tại Pháp.

Lúc đến viếng Lumbini cũng nên đến viếng Kapilavastu[8], hiện nay là làng Tilaurakot, cách Lumbini 30 km về hướng tây-bắc.

 

Bodh-Gaya (Bồ-đề đạo tràng) 

Bodh-Gaya hay Buddha-Gaya là nơi đức Phật thành đạo vào ngày rằm tháng chạp năm Nhâm Thân, tức năm 589 trước tây lịch. Theo Phật giáo Nguyên Thủy là ngày trăng tròn tháng Vesak.

Bodh-Gaya thuộc tiểu bang Bihar của Ấn-độ,  cách thành phố Gaya 16 km, cách Rajgir 70 km, và cách thành phố lớn Patna 115 km về hướng nam. Ga xe lửa gần nhất ở Gaya (16 km). Phi trường gần nhất ở Patna (115 km).

Ðức Phật xuất gia năm 29 tuổi. Ngài đến học với vị đạo sư thứ nhất là Alara-Kalama ở gần Vesali vài tuần, đạt đến bậc thiền Vô Sở Hữu Xứ. Rồi ngài đến Rajagriha học với vị đạo sư thứ nhì là Uddaka-Ramaputta vài tuần nữa, đạt đến bậc thiền Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Sau đó ngài cùng với 5 anh em ông Kondanna đến khổ hạnh lâm (tapovana) thuộc vùng núi đá cằn cỗi Dungsiri, gần làng Uruvela, tu khổ hạnh trong 6 năm. Sau cùng ngài bỏ lối tu khổ hạnh, đến làng Uruvela, bên bờ sông Nairanjana, thực hành lối tu trung đạo. Ðến ngày thứ 49, sau khi độ bát cháo sữa của hai chị em cô Sujata dâng cúng, ngài thành đạo dưới cội cây pippala (cây Ðại Bồ-đề). Ðức Phật tiếp tục ở quanh quẩn bên cây Ðại Bồ-đề thêm 49 ngày nữa trước khi đi đến Vườn Nai tại Isipatana (Sarnath) để vận chuyển pháp luân.

Tại Bodh-Gaya khách hành hương có thể chiêm bái:

1- Tháp Ðại-Giác (Maha-bodhi temple) cao 52m.

2- Cây Maha-Bodhi (Ðại Bồ-đề) và Kim-cang-tòa (khi xưa Phật dùng cỏ sắc (kusha) trải ra làm tọa-cụ và bồ-đoàn): Nơi đức Phật ngồi thiền thành đạo. Ðây là loại cây Pippala (tên quả) còn gọi là cây Assatha (tên hoa), tên khoa học là Ficus religiosa. Sau khi thành đạo đức Phật tiếp tục ngồi yên tại đây thêm một tuần để chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát (Vimutti-sukha). Cây Bồ-đề hiện nay là cây con của cây Bồ-đề tại Anuradhapura tại xứ Sri-Lanka (Tích Lan).

3- Cây Ajapala (Banyan tree, Figuier d'Inde, cây dừng): Nơi hai chị em cô Sujata, con gái ông xã trưởng Senani, dâng cúng bát cháo sữa (kheer) trước khi Phật thành đạo. Tuần lễ thứ 5 sau khi thành đạo, đức Phật trở lại ngồi dưới cội cây này. Và cuối tuần thứ 7, cũng chính dưới cội cây này, đức Phật đã tuyên bố với vị Phạm-thiên Sahampati: Cửa Vô-sanh đã rộng mở để cho ai có tai muốn nghe đặt trọn niềm tin.

4- Tháp Animesalocana Cetiya: Nơi đức Phật đứng nhìn cây Bồ-đề không nháy mắt trong suốt tuần lễ thứ hai, sau khi thành đạo.

5- Ðường kinh hành bằng ngọc (Ratana camkamana): Ðường kinh hành của Phật trong suốt tuần lễ thứ ba, từ cây bồ-đề đến tháp Animasalocana Cetiya. Hiện nay còn di tích bên cạnh phía bắc tháp Ðại Giác.

6- Bảo cung (Ratana Ghara Cetiya): Nơi Phật ngồi suy niệm về Vi-diệu-pháp (Abhidhamma) trong tuần  thứ tư. Hiện nay còn di tích bên cạnh phía bắc tháp Ðại Giác.

7- Hồ sen Mucalinda: Nơi rắn thần Mucalinda che mưa gió cho Phật trong khi ngài ngồi thiền định suốt tuần lễ thứ sáu. Di tích ở hướng đông-nam tháp Ðại Giác.

8- Trụ đá kỷ niệm của vua Asoka. Ở cạnh hồ sen Mucalinda.

9- Cây Rajayatana: Nơi đức Phật ngồi thiền định trong tuần thứ 7 và thu nhận hai thiện tín đầu tiên tên Tapussa và Bhallika, người Miến-điện. Ở cạnh bắc tháp Ðại Giác.

10- Chùa Tích Lan Sinhala Sangharama, còn gọi là Mahabodhi Sangharama, trước thế kỷ thứ 7, vào triều vua Samudragupta tại Ấn và vua Meghavanna tại Sri-Lanka, hiện còn ở ngay bên ngoài cổng phía bắc Bồ-Ðề Ðạo-Tràng.

11- Sông Ni-liên-thiền (Nairanjana, hiện nay là sông Phalgu): Nơi Phật thường xuống tắm trước ngày thành đạo. Ở hướng đông Bồ Ðề Ðạo Tràng.

12- Ðền kỷ niệm và nơi nhà hai chị em Sujata ở khi xưa. Ở bên kia sông Nairanjana.

13- Khổ hạnh lâm (Tapovana) với hang núi Dungsiri: Nơi Phật tu khổ hạnh trong sáu năm. Cách Bồ Ðề Ðạo Tràng khoảng 5 km về hướng đông-bắc.

 

Migadava (Lộc Uyển)  

Migadava là Lộc Uyển (Vườn nai) tại làng Isipatana, là nơi đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên sau khi thành đạo.

Isipatana hiện nay là Sarnath, cách thành phố lớn Varanasi 10 km về hướng bắc. Ga xe lửa và phi trường gần nhất ở Varanasi (10 km).

Hai tháng sau ngày thành đạo tại Bodh-Gaya, đức Phật đã đến đây tìm gặp lại 5 người bạn cùng tu khổ hạnh là Kondanna, Bhaddiya, Vappa, Mahanama-Kulika và Assaji để truyền pháp cho họ. Lần thuyết pháp đầu tiên này đức Phật đã nói kinh Chuyển Pháp Luân và kinh Vô Ngã Tướng. Nơi đây là nơi thành lập Giáo-Hội Phật-Giáo lần đầu tiên với đầy đủ 3 ngôi Tam-Bảo là Phật, Pháp và Tăng, và cũng là nơi Phật nhập hạ thứ nhất với 10 vị đệ tử A-la-hán gồm có 5 anh em ông Kondanna, ông Yasa và 4 người bạn thân của ông Yasa. Trong hạ này có 50 người bạn khác của ông Yasa xin xuất gia, nâng số đệ tử Phật lên 60 vị.

Nơi đây, khách hành hương có thể chiêm bái:

1- Tháp Chaukhandi (có tháp canh bằng gạch trên đỉnh, xây năm 1588): Nơi đức Phật gặp lại năm anh em ông Kondanna (Kiều-Trần-Như).

2- Tháp Dhamek (Dhamma mukha) cao 33m: Nơi Phật thuyết pháp lần đầu tiên với Kinh Chuyển Pháp Luân và Kinh Vô Ngã Tướng.

3- Chùa Mulagandhakuti: Nơi thành lập Giáo Hội Phật Giáo đầu tiên với đầy đủ ba ngôi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), cũng là nơi an cư kiết hạ lần đầu tiên. Bên ngoài chùa có cây Bồ-đề là cây con của cây Bồ-đề tại Anuradhapura ở Sri-Lanka.

4- Trụ đá và tháp Dharmarajatika của vua Asoka. Trên đầu trụ đá kỷ niệm tại đây, đặc biệt có tượng sư tử 4 mặt tuyệt đẹp đang đội bánh xe pháp. Tượng sư tử 4 mặt hiện để trong bảo tàng viện Sarnath, và được chính phủ dùng làm biểu tượng chính thức của xứ Ấn. Trên trụ đá còn lờ mờ hàng chữ "... bất luận ai cũng không thể chia rẻ Tăng Già. Bất luận ai, tăng hay ni, chia rẻ Tăng Già đều phải bị đắp y trắng và ở một nơi khác hơn là chùa chiền."

5- Bảo tàng viện Sarnath có nhiều pho tượng và di-tích đức Phật.

6- Thư viện Mulagandhakuti khá đầy đủ kinh sách Phật giáo.

Vào đêm trăng tròn tháng Vesak[9], lễ Phật Ðản tại Sarnath rất lớn, có diễn hành trên đường phố, khách thập phương đến dự rất đông. Ðến ngày rằm tháng 11 dl có lễ kỷ niệm ngày thành lập chùa Mulagandhakuti.

 

Kusinagar (Câu-thi-na)  

Kusinagar (Kusinara), xưa kia thuộc xứ Malla, là nơi đức Phật nhập Ðại Bát-niết-bàn vào ngày rằm tháng hai âm lịch năm Đinh Tỵ, tức năm 544 trước tây lịch. Theo Phật giáo Nguyên Thủy là ngày trăng tròn tháng Vesak.

Kusinagar hiện nay thuộc làng Kasia, cách thành phố lớn Gorakhpur 51 km về hướng đông. Cách Lumbini 176 km và cách Kapilavastu (bên Ấn-độ) 148 km bằng đường xe. Ga xe lửa gần nhất ở Gorakhpur (51 km). Phi trường gần nhất ở Varanasi (280 km).

Vào hạ thứ 45, năm 545 trước tây lịch, tại làng Beluva gần Vesali, đức Phật bị bệnh nặng. Sau khi hồi phục, Phật thuyết pháp cho chư tăng ni về tánh vô thường của chúng sanh, và nói rằng chính mạng sống của ngài ở thế gian cũng sắp mãn. Ngài khuyên các vị khất sĩ không nên tìm chỗ nương tựa nơi một vị Giáo chủ mà nên nương tựa vào Tự Tính Tam Bảo sẵn có nơi mỗi người.

Sau mùa an cư, đức Phật đến giảng đường Kutagara (Trùng Các) tại tinh xá Mahavana (Ðại Lâm) ở Vesali, tuyên bố sẽ nhập diệt trong 3 tháng.

Sau đó, đức Phật đến thủ đô Pava xứ Malla, nơi đây ông thợ rèn[10] tên Cunda (Thuần Ðà) cúng dường trai phạn. Sau khi ăn ít cháo nấm[11], Phật bảo ông Cunda đem chôn phần còn lại, không nên cho người khác ăn. Phật nhuốm bệnh nặng.

Ðức Phật muốn nhập diệt tại Kusinagar, nơi rừng cây sala (lâm viên Upavattana), bên bờ sông Hiranyavati, vì trong một kiếp trước đức Phật đã từng làm chuyển luân thánh vương Maha-Sudarsana (Ðại Thiện Kiến) tại thủ đô Kusavati rất phồn thịnh nơi đây. Một lý do khác là để tránh chiến tranh do sự tranh giành xá lợi Phật sau khi Phật Nhập diệt.

Trước khi nhập diệt, đức Phật đã thu nhận một đệ tử cuối cùng là du sĩ Subhadda. Ðể trả lời câu hỏi của Subhadda muốn biết trong các vị lãnh đạo các giáo phái đương thời ai là người đã đạt đạo, đức Phật dạy:

-         Này Subhadda, trong đoàn thể nào có sự thực hành Bát Chánh Ðạo là ở đó có thể có người đạt đạo. Ông hãy cố gắng thực tập pháp này đi, rồi chính ông sẽ trở nên người đạt đạo. Không cần phải đặt câu hỏi người này hay người khác có thật là người đạt đạo hay không.

Lời dạy cuối cùng của đức Phật cho ngài Ananda:

-         Này Ananda, thầy không nên bận tâm tới việc phải làm vẻ vang nhục thể của Như Lai. Thầy hãy tận lực tinh tấn để đạt cho được hạnh phúc tối thượng của chính mình.

-         Này Ananda, thầy đừng nghĩ rằng Giáo Huấn Tối Cao không còn thầy giảng dạy, tăng chúng không còn đạo sư. Không nên, Ananda, thầy không nên suy tư như thế. Giáo Pháp và Giới Luật đã được Như Lai truyền dạy đầy đủ và quảng bá rộng rãi. Khi Như Lai nhập diệt rồi thì Giáo Pháp và Giới Luật ấy sẽ là đạo sư của quý thầy.

Rồi đức Phật nhìn các vị khất sĩ, nói tiếp:

-         Vả lại, này các thầy, giáo pháp mà Như Lai giảng dạy từ 45 năm nay chỉ là phương tiện, tùy duyên, khế hợp căn cơ của thính chúng mà giảng nói. Ðối với Chân lý tuyệt đối của chư Phật, Như Lai chưa từng thốt ra một lời. Tại sao vậy? Tại vì Chân lý đó không thể nghĩ bàn, không có lời lẽ để diễn tả. Các thầy nên biết:

"Pháp pháp bổn vô pháp,

"Vô-pháp pháp, diệc pháp.

"Kim phú vô-pháp thời,

"Pháp pháp hà tằng pháp.[12]

Ðức Phật nằm yên, nghỉ mệt một lát, rồi ngài thốt ra lời dạy cuối cùng này:

-         Này các thầy, hãy nghe Như Lai nói đây. Vạn pháp vô thường, có sinh thì có diệt. Các thầy hãy tinh tiến lên để đạt tới giải thoát.

Nói xong Phật nhắm mắt, nhập sơ thiền, xuất sơ thiền, nhập nhị thiền ... lần lên đến diệt thọ tưởng định, rồi xuất diệt thọ tưởng định, nhập phi tưởng phi phi tưởng định ... lần xuống đến sơ thiền, rồi xuất sơ thiền, nhập nhị thiền ... lần lên đến tứ thiền, rồi ngài xuất tứ thiền và nhập Ðại Bát-niết-bàn liền sau đó.

Sau khi nhập diệt, kim thân đức Phật được quàn lại sáu ngày để chờ đại đức Maha-Kassapa. Ðến ngày thứ bảy đại đức Maha-Kassapa về đến mới hỏa táng tại tháp Mukuta-bandhana (hiện nay là tháp Rambhar Stupa). Có bảy đạo binh của bảy xứ đóng xung quanh chờ thỉnh xá lợi Phật về xứ mình.

Tại tháp Rambhar Stupa, xá lợi Phật được chia ra làm 8 phần cho 7 xứ: xứ Magadha lập tháp thờ ở Rajagriha, xứ Vajji lập tháp thờ ở Vesali, xứ Sakya lập tháp thờ ở Mungali (cực tây bắc Ấn-độ), xứ Koliya lập tháp thờ ở Ramagama (Devadaha), xứ Vetha lập tháp thờ ở Vethadipa, xứ Buliya lập tháp thờ ở Allakappa, xứ Malla lập tháp thờ ở Kusinagar và một tháp khác ở thủ đô Pava.

Tại Kusinagar, người hành hương có thể chiêm bái:

1- Ðền thờ Phật Nhập Ðại Bát-niết-bàn (Mahaparinirvana Temple), với pho tượng Phật nằm dài 6m, đầu hướng về phương bắc, mình nghiêng bên phải, gây nhiều xúc cảm cho khách hành hương. Trên tảng đá dưới tượng Phật, có những dòng chữ ghi từ thế kỷ thứ 5, cho biết danh tánh của thí chủ và của điêu khắc gia: "Deyadharmoyam maha-viharaswamino Haribalasya Pratimaceyam ghatita Dine ... Mathurena." Có nghĩa là "Ðây là lễ vật cúng dường của Haribala Swami, chùa Maha Vihara[13]. Pho tượng do Dina ... Mathura thực hiện".

2- Liền kế phía sau đền thờ ấy là tháp kỷ niệm nơi Phật Nhập Ðại Bát-niết-bàn (Mahaparinirvana Stupa). Theo tài liệu khảo cổ xác nhận thì chính nơi đây đức Phật đã thật sự nằm trút hơi thở cuối cùng và nhập Ðại Bát Niết-bàn; bộ tộc Malla đã xây tháp nơi đây để thờ 1/8 xá lợi Phật.

3- Tháp Rambhar Stupa (Mukuta-bandhana)[14] cao 15 m, nơi cử hành lễ trà tỳ, hỏa thiêu nhục thân đức Phật, và chia xá lợi Phật ra làm 8 phần bằng nhau cho 7 xứ. Tháp này cách tháp Mahaparinirvana khoảng 200m về hướng đông.

4- Ðền thờ Mathakuar, nơi đức Phật thuyết pháp lần cuối cùng, cách tháp Mahaparinirvana 366m về hướng nam.

 

Rajagriha (Vương-Xá)  

Xưa kia Rajagriha (Sanscrit) hay Rajagaha (Pali) là thủ đô của xứ Magadha (Ma-kiệt-đà). Hiện nay là thành phố Rajgir của tiểu bang Bihar. Rajagriha cách thành phố lớn Patna 100 km về hướng nam, cách Bodh-Gaya 70 km về hướng đông bắc, và cách Nalanda 11 km về hướng tây nam. Ga xe lửa gần nhất ở Bhakhtiyarpur (54 km). Phi trường gần nhất ở Patna (100 km).

Thành Vương-Xá cũ là một thung lũng rộng lớn giữa 6 ngọn núi: Ratna và Chhatha phía đông, Vipula phía bắc, Vaibhara phía tây, Sona phía nam, và Udaya phía đông nam. Thành Vương-Xá mới ở phía bắc núi Vaibhara và núi Vipula. Chính vua Ajatasattu đã dời thủ đô xứ Magadha đến thành Vương Xá mới, và con của vua Ajatasattu là Udayin (Udayabhadda), về sau, lại dời thủ đô đến Pataliputta, hiện nay là Patna. Hai lần dời thủ đô đều được nghiên cứu kỹ từ đời vua cha.

Tại Rajagriha, khách hành hương có thể chiêm bái những nơi sau đây:

1- Linh-Thứu-Sơn (Griddhakuta) còn gọi là Kỳ-xà-quật hay Kê-Túc-Sơn: a) Nơi Phật cư trú và thuyết pháp (Pháp-Hoa, Bát-Nhã, ...), b) động ngài Ananda, nơi đây có lần ngài bị quỷ Pisuna hóa chim kên đứng dọa, được Phật dùng thần thông đưa tay đến vịn vai ngài Ananda để trấn an, c) động ngài Sariputta, d) con đường Bimbisara đi từ chân núi đến đỉnh Linh-Thứu, e) nơi Devadatta lăn đá làm Phật bị thương nơi chân. Theo điển tích "Niêm hoa vi tiếu", chính đức Phật đã truyền tâm ấn cho Tổ Maha Kassapa trên đỉnh núi này. Sau khi Phật nhập niết-bàn độ 5 năm, Tổ Maha Kassapa cũng vào núi này, ngồi kiết già nhập diệt, để lại nhục thân còn nguyên vẹn (?).

2- Ðền Maddakucci, nơi hoàng hậu Videhi chà xát bụng để phá thai; cũng là nơi đức Phật nằm chờ y sĩ Jivaka băng bó vết thương nơi chân do Devadatta lăn đá định giết Phật. Cách đó không xa là khu vườn xoài của y-sĩ Jivaka thuở xưa (Jivakâmravana), gần cổng thành phía đông.

3- Thành Rajagriha cũ, nơi Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên xin xuất gia; cũng là nơi Sarigupta thuộc ngoại đạo Nigantha (Ni-kiền-đà) đào một hố sâu đầy lửa và dâng đồ ăn có thuốc độc cho Phật. Cổng thành phía bắc là nơi Devadatta thả voi say hại Phật. Ở cổng phía đông có một ngôi chùa kỷ niệm nơi y-sĩ Jivaka cúng dường Phật và 1250 vị tỳ kheo. Gần cổng phía nam thành Rajagriha cũ là nơi giam vua Bimbisara. Ở chính giữa thành Rajagriha cũ có đền Manyar Math của đạo Jaina (Kỳ-na tên cũ là Nigantha) thờ các thần rắn lúc Phật còn tại thế.

4- Tháp Hòa-Bình (Vishwa Shanti Stupa) cao 38m do hội Nipponzan Myohoji thuộc Thiên Thai tông xây vào khoảng năm 1995 trên đỉnh núi Ratnagiri.

5- Trúc Lâm tinh xá (Venuvana vihara) rộng độ 40 mẫu tây, với hồ Karanda, là tinh xá đầu tiên của Phật, do vua Bimbisara dâng cúng, và là nơi Phật nhập hạ thứ 2 và thứ 3. Venuvana là một tinh xá lớn chỉ thua Jetavana. Ngài Maha-Kassapa xin xuất gia tại đây vào hạ thứ 3. Ngài Mục-Kiền-Liên bị ngoại đạo ám sát dưới chân núi Isigili gần tinh xá Venuvana vào hạ thứ 44, được Phật chỉ chỗ xây tháp thờ gần cổng tinh xá.

6- Suối nước nóng Satadhara, dưới chân núi Vaibhara, nơi đức Phật có đến tắm nhiều lần. Từ đây có thể đi bộ theo một con đường mòn đến ngôi nhà đá Pippala, và đến động Saptaparna (động Thất Diệp), nơi kiết tập kinh điển lần thứ nhất.

7- Ngôi nhà đá Pippala, nơi xưa kia ngài Ðại Ca-Diếp (Maha-Kassapa) ở, một hôm bị bệnh nặng, được Phật tới thăm, thuyết pháp Thất Bồ Ðề Phần. Sau khi nghe pháp, ngài Ca-Diếp liền lành bệnh.

8- Ðộng Saptaparna (Thất Diệp, Tất-bát-la) gồm 7 hang động kề nhau, nằm trên núi Vaibhara, nơi 500 vị A-la-hán kiết tập kinh điển lần thứ nhất dưới sự chỉ đạo của Tổ Maha Kassapa.

9- Ngôi nhà đá của Devadatta ở khi xưa để tu luyện thần thông. Bên cạnh có vách đá Makhdum Kund có vết màu đỏ như máu. Theo khẩu truyền, có một vị tăng ngồi thiền định tại đây để luyện thần thông, bị vỡ sọ phun máu lên vách đá, vết máu còn lưu lại đến ngày nay.

10- Tháp thờ xá-lợi của Phật do vua Ajatasattu dựng lên ở phía tây thành Rajagriha mới; bên cạnh có một tháp khác thờ nửa phần xá-lợi của ngài Ananda.

 

Jetavana (Vườn Kỳ-đà, Kỳ-viên tinh xá) 

Ông Sudatta (Tu-Ðạt-Ða), biệt danh là Anathapindika (Cấp-Cô-Ðộc) trải vàng để mua khu vườn của thái tử Jeta (Kỳ-Ðà), con vua Pasenadi, làm tinh xá cho Phật và giáo đoàn vào đầu năm 586 trước tây lịch. Ðại đức Sariputta hướng dẫn công tác chỉnh trang khu vườn này thành tinh xá lớn nhất của Phật có thể làm nơi cư trú cho trên hai ngàn tu sĩ. Phật đã nhập hạ thứ 4 và 25 hạ tại đây, trong suốt 45 năm hành đạo. Nơi đây đức Phật đã thuyết kinh Lăng-Nghiêm, kinh Kim Cang, kinh A-Di-Ðà, kinh Vu Lan, kinh Vị Tằng Hữu, kinh Di Lặc Thượng Sanh ...

Tinh xá Jetavana (hiện nay là Saheth) rộng độ 50 mẫu tây, ở sát phía nam thủ đô Sravasti của xứ Kosala. Thành phố Sravasti (hiện nay là Mahet) nằm trong quận Gonda, thuộc tiểu bang Uttar Pradesh. Sravasti cách thành phố lớn Lucknow 151 km về hướng đông bắc, cách Kapilavastu 147 km, cách Varanasi 401 km. Ga xe lửa gần nhất ở Balrampur (19 km). Phi trường gần nhất ở Lucknow (151 km).

Jetavana là tinh xá lớn và quan trọng nhất của đức Phật, nhờ sự ủng hộ nhiệt thành của 2 đại thí chủ là ông Sudatta Anathapindika và bà Visakha, ngoài ra còn có sự giúp đỡ tận tình của thái tử Jeta và vua Pasenadi. Xưa kia đức Phật đã nhận xét lâm viên này như sau: Khí hậu không quá nóng, không quá lạnh, không có muỗi, yên tĩnh, che chở mưa to gió mạnh và nắng khô, dễ thực hành thiền định.

Chính nơi đây đức Phật đã phô diễn thần thông gần cây xoài Ganda để chinh phục 6 ngoại đạo. Ngài đi tới đi lui trên cầu vòng 5 màu giữa không trung để thuyết pháp cho dân chúng nghe, biến ra nhiều thân, mỗi thân đều phun ra nước và lửa. Hiện nay có tháp Gandhabba Rukkamula (số 24) kỷ niệm nơi này.

Chính nơi đây đức Phật đã đưa thầy Nanda lên cung trời Ðao-lợi (Tavatimsa) để độ ngài được tâm thanh tịnh xuất gia, không còn luyến ái ngườì vợ mới cưới là Janapada Kalyani nữa.

Chính nơi đây Phật đã độ cho người gánh phân tên Sunita và tên sát nhân Angulimala xuất gia.

Vào hạ thứ 14, bà Visakha cũng đã dâng cúng tinh xá Pubbarama (Ðông Viên) với giảng đường Lộc Mẫu. Tinh xá này ở phía đông thành phố Sravasti.

Ðến Jetavana, khách hành hương có thể chiêm bái những nơi sau đây:

- Cây Bồ-đề Ananda (số 1 trên bản đồ): Vào hạ thứ 24 (năm -566), do lời đề nghị của Thượng tọa Ananda, được Phật chấp thuận, Thượng tọa Moggallana lấy một trái chín mùi từ cây Ðại Bồ-đề ở Bodhgaya trao cho Thượng tọa Ananda. Thượng tọa Ananda trao trái ấy cho vua Pasenadi. Vua Pasenadi trao lại cho ông Sudatta và bà Visakha. Ông Sudatta trồng gần cổng Jetavana một cây gọi là cây Bồ-đề Ananda. Bà Visakha cũng trồng một cây tại tinh xá Ðông Viên. Hai cây bồ-đề này, theo dụng ý của ngài Ananda đã được Phật chấp thuận, là để khi khách phương xa đến viếng Phật, rủi gặp lúc Phật đi vắng, thì đảnh lễ cây bồ-đề này cũng như đảnh lễ Phật. Cây Bồ-đề Ananda hiện nay được chiết nhánh từ cây Bồ-đề tại Anuradhapura ở Sri-Lanka (Tích-Lan).

- Chùa số 3 (Kosamba kuti) là thánh tích thiêng liêng nhất tại Jetavana, do ông Sudatta dựng lên làm nơi thường trú cho Phật. Trước mặt chùa có hai bệ gạch xây trên con đường kinh hành của đức Phật (số 22 trên bản đồ).

- Tinh xá số 19 (Rajakarama) là tinh xá lớn nhất tại Jetavana, gồm có một điện Phật, một cái giếng giữa sân, 22 tịnh thất nhỏ vây xung quanh. Hình như tinh xá này được xây đi dựng lại đến 3 lần trên một nền móng hình vuông mỗi cạnh độ 36m. Tinh xá này do ông Sudatta cất với 7 tầng lầu, về sau chỉ còn 2 tầng.

- Tháp số 12 Rahula-kuti (am của Rahula).

- Tháp số 5 Sariputta stupa (tháp thờ xá-lợi của Sariputta).

- Tháp số 6 Angulimala-kuti (am của Angulimala).

- Tháp số 14 Ananda-kuti (am của Ananda).

- Tháp số 2 Gandha-kuti (am của đức Phật).

Gandha-kuti và Ananda-kuti là nơi thường có hào quang linh thiêng về đêm, vì đức Phật thường ở hai nơi này.

- Pakki-kuti (số 20) ở trong thành Sravasti, hiện nay là Maheth, phía bắc Jetavana (Saheth), là tháp kỷ niệm nơi Phật gặp Angulimala, tên sát nhân đã giết 999 người.

- Kachchi-kuti (số 21) ở phía đông Pakki-kuti là tháp kỷ niệm nơi có dinh thự ông Sudatta khi xưa.

- Ao Devadatta (số 23): Theo một huyền thoại thì Devadatta để thuốc độc vào các móng tay, định đến Jetavana giả vờ lễ Phật sám hối rồi nhân tiện cào vào chân Phật, nhưng khi gần đến cổng vào Jetavana thì bị sụp hố chết. Hố này lần hồi thành ao Devadatta.

Vua Asoka cho dựng hai trụ đá cao độ 22m ở cổng phía đông. Một cột có pháp luân (bánh xe pháp) trên đỉnh và một cột có tượng con bò.

 

Vesali (Tỳ-xá-ly)

Vesali là thủ đô của xứ Vajji (Bạt-kỳ) xưa kia, do Tổng thống Tomara Licchavi rồi đến Tổng thống Cedaga Licchavi cai trị theo thể chế Dân Chủ Cộng Hòa; tổng thống và các vị chức sắc đều do dân cử.

Vesali cách thành phố lớn Patna 56 km về hướng bắc; phải qua cầu Mahatma Gandhi dài 5,5 km bắc ngang qua sông Ganga. Ga xe lửa gần nhất ở Hajipur (35 km). Phi trường gần nhất ở Patna (56 km).

Năm 588 trước tây lịch, đức Phật được cung thỉnh đến Vesali trừ bệnh dịch tả, ngài đã thuyết kinh Tri-Ratana (Tam Bảo) và kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bản Nguyện Công Ðức cho đám đông dân chúng và có 84.000 ngàn người được độ.

Vào đầu năm 584 trước tây lịch, đức Phật thành lập Ni bộ tại Vesali với 500 tỳ kheo ni do hoàng hậu Pajapati Gotami hướng dẫn đi bộ từ Kapilavastu đến đây.

Tinh-xá Mahavana (Ðại Lâm) với giảng đường Kutagara (Trùng Các) , cách thành phố Vesali 3 km, hiện nay là tháp kỷ niệm nơi đức Phật thuyết pháp lần cuối cùng và tuyên bố sẽ nhập diệt trong ba tháng, có trụ đá kỷ niệm của vua Asoka. Tháp này còn gọi là Buddha Stupa 2. Nơi đây, xưa kia có một con khỉ cầm bình bát Phật leo lên cây lấy mật ong cho Phật. Ðược Phật nhận món cúng dường đơn sơ đó, con khỉ vui mừng nhảy chuyền từ cây này qua cây khác, rủi té xuống chết, được sanh về cõi trời. Trụ đá Asoka cao 11m, trên chóp có tượng sư tử nhìn về hướng Kusinagar. Bên cạnh có hồ Abhishek Pushkarini với nước linh thiêng thường dùng làm phép thụ phong cho các vị dân cử tại Vesali.

Vườn xoài của bà Ambapali dâng cúng Phật ở trong làng Amvara gần nơi này.

Tháp thờ  1/8 xá lợi Phật do các vương tử Licchavi nhận được. Tháp này được gọi là Relic Stupa hay Buddha Stupa 1.

Ngài Ananda nhập diệt trên một hòn đảo ở giữa sông Hằng, xá lợi ngài được chia ra làm 2 phần đều nhau. Vua Ajatasattu xứ Magadha xây tháp thờ xá lợi ngài Ananda tại Vương Xá, bên cạnh tháp thờ xá lợi Phật. Chính phủ xứ Vajji xây tháp thờ xá lợi ngài Ananda tại Vesali.

100 năm sau khi Phật nhập niết bàn (năm -444), cuộc kiết tập kinh điển lần thứ hai được thực hiện tại Vesali, chia ra Thượng Tọa Bộ hay Nam Tông và Ðại Chúng Bộ hay Bắc Tông.

Vesali cũng là quê hương của ngài cư sĩ Bồ-tát Duy-Ma-Cật (Vimalakirti).

Tại địa điểm Deora, trong làng Kesariya hiện nay, có trụ đá của vua Asoka kỷ niệm nơi đức Phật gây ra ảo giác có con sông lớn chắn ngang, nước đang dâng cao và chảy mạnh, để các Vương tử Licchavi buộc lòng phải quay trở lại, không đi theo Phật đến Kusinagar.

 

Ðại Học Phật Giáo Nalanda

Di tích lịch sử Ðại Học Phật Giáo Nalanda hiện ở tại làng Baragaon, cách thành phố lớn Patna 90 km về hướng đông nam, cách Bodhgaya 80 km về hướng đông bắc, và cách Rajgir 11 km. Ðại Học Phật Giáo Nalanda rộng 14 mẫu tây, có 11 tu viện và 5 đền thờ Phật.

Nalanda do chữ Na-alam-da là một danh hiệu của đức Phật, có nghĩa là "bố thí không dừng nghỉ ". Nalanda là quê hương của ngài Xá-Lợi-Phất (Sariputta) và ngài Mục-Kiền-Liên (Moggallana). Ngài Xá-Lợi-Phất xin phép Phật về quê chôn mẹ rồi nhập diệt tại đây. Tháp thờ ngài Xá-Lợi-Phất là ngôi tháp khổng lồ bằng gạch đỏ hiện nay tại Viện Ðại-học Nalanda; bên cạnh tháp khổng lồ này lại có một tháp khác màu trắng xung quanh có chạm nhiều hình tượng Phật cũng là tháp thờ ngài Xá-Lợi-Phất. Xá lợi và y bát của ngài Xá-Lợi-Phất được vua xứ Kosala thỉnh về lập tháp thờ tại Jetavana. Ðại học Nalanda có lẽ được thành lập vào thế kỷ thứ hai trước tây lịch. Vị viện trưởng đầu tiên của trường là ngài Nagarjuna (Long Thọ), Tổ thứ 14. Ngài là cựu sinh viên của trường. Trường đã đào tạo các thánh tăng nổi tiếng như Nagarjuna (Long Thọ), Arya Deva (Thánh Thiên), Asanga (Vô Trước), Vasubandhu (Thế Thân, Tổ thứ 21), Dinnaga (Trần Na), Dharmapala (Pháp Hộ), Silabhadra (Giới Hiền), Huyền Trang, Dharmakirti (Pháp Xứng), Shantarakshita (nhập diệt tại Tây Tạng năm 762), Padmasambhava (vị Tổ Mật Tông tại Tây Tạng), ... Vào cuối thế kỷ thứ bảy đại học Nalanda có khoảng 1.500 giáo sư và 9.500 sinh viên[15], là trường Ðại học lớn nhất thế giới thời bấy giờ.

Gần Nalanda có làng Kulika (Kolita) là quê của ngài Mục-Kiền-Liên và làng Kalapinaka (Upatissa) là quê của ngài Xá-Lợi-Phất. Cả hai nơi đều có trụ đá kỷ niệm của vua Asoka.

Ðại học Nalanda bắt đầu suy sụp vào thế kỷ thứ tám. Kế đến bị vị vua Hồi giáo tên Bahktiyar Khalji chiếm Magadha và tàn phá vào thế kỷ 11-12.

Viện Ðại-Học Nalanda mới, tọa lạc trên một vùng đất rộng rãi, cách Viện Ðại Học cũ bởi hồ Indra đầy sen nở vào mùa hè, do đại-đức Kassapa đề xướng và theo dõi công trình xây cất. Tổng-thống Ragendra Prasad đặt viên đá đầu tiên vào ngày 19/11/1951. Nhằm mục đích nghiên cứu ngôn ngữ Pali, văn chương và Phật học qua chữ Sanscrit, Tây Tạng, Trung Hoa, Mông Cổ, Nhật Bản và các ngôn ngữ khác ở Á châu. Chương trình giáo dục chỉ dành riêng cho sinh viên cao đẳng và học giả nghiên cứu, gồm bốn ban: 1- Văn chương, 2- Luận lý (Abhidhamma), 3- Lịch sử và bia ký, 4-  Phật học.

Viện Huyền Trang, nơi tập trung tất cả tài liệu, kinh sách của ngài Huyền Trang do Thủ tướng Nehru và Thủ tướng Chu-Ân-Lai thỏa thuận thành lập vào năm 1954.



[1] Xem Phật Giáo Nhìn Toàn Diện, trang 569 - 590.

[2] Theo The Life of Buddha as Legend and History, trang 168-171, thì các triều vua lớn tại Ấn-độ vào thời Phật là: Bimbisara 55 năm (-608/-553), Ajatasattu 22 năm (-553/-531), Udayabhadda 16 năm (-531/-515), Anuruddhaka + Munda 8 năm (-515/-507), Nagadasaka 24 năm (-507/-483);//; Susunaga 18 năm (-483/-465), Kalasoka 28 năm (-465/-437), 10 người em của Kalasoka 22 năm (-437/-415);//; 9 đời Nanda 99 năm (-415/-316);//; Candragupta dòng Moriya 24 năm (-316/-292), Bindusara 28 năm (-292/-264), Asoka 37 năm (-264/-227).

[3] Jambudipa là tên của bán đão Ấn-độ thời bấy giờ.

[4] Xem Majjhima-nikaya 27.

[5] Lễ tiễn đưa và cung nghinh cây Bồ-đề con được mô tả trong hai bức tranh lạ lùng được chạm trổ trên đá tại cổng phía đông đền Sanchi, một di tích Phật giáo quan trọng gần thành phố lớn BHOPAL, thuộc tiểu bang Madhya Pradesh của Ấn-độ.

[6] Nhàn cảnh là các cõi Trời. Tuy còn trong dục giới, nhưng chúng sanh ở các cõi Trời tâm tánh hiền hòa hơn, đời sống an nhàn phúc lạc hơn ở địa cầu.

[7] Có chỗ nói là cây Ba-la-xoa (sâla).

[8] Hiện có 2 di tích Kapilavastu: Kpilavastu ở làng Tilaurakot và Taulihawa ở Nepal, và Kapilavastu ở làng Piprahwa và Ganwaria ở Ấn-độ.

[9] Tháng Vesak tương đương với tháng 5 dương lịch.

[10] Có tài liệu cho rằng ông Cunda là thợ bạc.

[11] Cháo nấu với nấm cây chiên-đàn. Theo Phật giáo nguyên thủy thì có thể là cháo nấu với thịt heo rừng.

[12] Nghĩa là: Các pháp vốn không pháp, "Không pháp" cũng là pháp, Nay truyền cái "không pháp", Tất cả các pháp đều chưa hề là pháp.

[13] Chùa Maha-Vihara là ngôi chùa đầu tiên tại Anuradhapura ở xứ Sri-Lanka (Tích-Lan) do đại sư Mahinda, con vua Asoka, sáng lập năm 244 trước tây lịch, sau khi Kiết tập Kinh Ðiển lần thứ 3 tại Pataliputta.

[14] Theo quyển Ðường Về Xứ Phật của Hòa Thượng Thích Minh-Châu thì tháp này tên Angra Chatya (Angara Cetiya).

[15]Theo tài liệu của Viện Khảo Cổ Ấn-độ: Nalanda University của Dr. Gopal Sharan Singh .

 

 

---o0o---

 

Mục Lục > 01 > 02 > 03 > 04 > 05 > 06 > 07 > 08 > 09  > 10

11 > 12  > 13 > 14 > 15  > 16 > 17 > 18 > 19> 20

 

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 8-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

激安仏壇店 tu 高級 霊園 盂蘭盆会 応慶寺 Nhà dã¹ng Mùa hoa cà phê Nguyên nhân phân phái đầu tiên trong 即刻往生西方 thà Š人形供養 大阪 郵送 phật giáo Chả æˆåšæ 佛经讲 男女欲望 禅心の食事 Cẩn ý nghĩa dâng hương nhac si sy luan vao chua 元音老人全集 ä æ é gap nhân 墓地の販売と購入の注意点 脱离六道 礼佛大忏悔文 phat giao sám hối và thiền quán Chẳng ở nơi đó có hoa dã quỳ suy nghi ve doan hoi thoai cua nguoi am voi con xin hay buoc ra khoi vong tron te nhat cua æåŒ คนธรรพ มาเก ด Phật Vài món chay dễ nấu æˆ å šæ khong du nhien lieu va tuoi tho de di den trai dat chùa ta hay chùa tàu hở ba kheo chiến thắng ác ma ç¾ quang nam truong lao ht thich chon phat vien tich 簡単便利戒名授与水戸 dieu 築地本願寺の年末恒例行事帰敬式 than chu dai bi vien ngoc cua nguoi cung tu Ï 七佛灭罪真言全文念诵 bao tìm niềm vui chân thật tu tập phạm hạnh