Sự tích Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni

(Theo bản hiệu-chính ngày 21/05/2005) 

Soạn giả: Minh-Thiện Trần-Hữu-Danh

Với sự khuyến khích và giúp đỡ của hiền nội: 

Diệu-Xuân Nguyễn-thị Bạch-Mai

---o0o---

 

Phần 1

 

A- TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT THÍCH-CA MÂU-NI

 

Trong kinh sách, nhất là trong hai bộ kinh Bổn-sanh (Jataka) và Bổn-sự (Itivuttaka), có rất nhiều câu chuyện về tiền thân đức Phật. Chúng tôi chỉ kể ra đây hai kiếp[1] sau cùng trước khi đức Phật thị hiện đản sanh và thành đạo.

 

1- Bồ-tát Sumedha (Thiện-Huệ)[2]

Ở một đời quá-khứ xa xưa, thuộc kiếp Trang-Nghiêm[3] (Vyuha-kalpa),  có Thái-tử tên là Samantaprabhasa (Phổ-Quang) con vua Arcimat (Ðăng-Chiếu), xin phép vua cha vào núi Himalaya tìm thầy học đạo, lấy hiệu là Sumedha (Thiện-Huệ). Ngài theo học với nhiều vị đại sư, cầu đạo cao thượng, nhưng lòng chưa thỏa mãn. Một hôm Sumedha đấu lý với 500 ngoại-đạo được toàn thắng, được thưởng 500 đồng tiền vàng. Sumedha vui mừng từ-giã thầy, mang tiền lên đường tìm đến cúng Phật Dipankara[4] (Nhiên-Ðăng) đang cư trú tại thủ đô Divapati. Giữa đường gặp một cô gái (tiền thân của công chúa Yasodhara) đang đi, tay cầm bảy hoa sen màu xanh vừa thơm vừa đẹp, chàng liền hỏi mua. Nhưng cô gái đáp: "Tôi mang hoa cúng Phật, đâu có bán mà ông hỏi mua". Sumedha (Thiện-Huệ) đưa ra 500 đồng tiền vàng, năn-nỉ xin mua năm hoa sen để cúng Phật, nhưng cô gái vẫn đứng làm thinh, không đáp. Túng thế, chàng nói:

- Cô cúng dường hai bông cũng được rồi. Tôi từ xa đến đây, mong được hoa sen quý báu này để cúng Phật Dipankara và xin học hỏi giáo lý cao thượng của ngài. Xin cô thông cảm nhường lại cho tôi năm bông đi; rồi cô muốn gì tôi cũng làm theo.

- Anh ơi, cô gái ửng hồng đôi má, đứng nhìn xuống đất, rụt rè nói. Không biết sao vừa trông thấy anh thì em đem lòng thương anh liền hà. Em muốn tặng không cho anh năm bông sen này để anh cúng đức giác ngộ. Nhưng anh phải hứa với em là anh chịu cưới em làm vợ trong kiếp này và mãi mãi về sau.

- Cô ơi, Sumedha đáp. Cô là người rất dễ mến và rất chân thật. Vừa gặp cô tôi cũng có cảm tình với cô ngay. Nhưng tôi đã phát tâm cầu đạo giải thoát. Nếu cưới vợ thì bị ràng buộc, làm sao tôi có thể xuất gia tầm đạo !?

- Anh cứ hứa với em đi. Rồi sau này mỗi khi anh muốn xuất gia thì em cam kết sẽ không ngăn cản mà còn tìm cách giúp anh thực hiện được hoàn toàn chí nguyện.

Nghe cô gái nói như thế, Sumedha (Thiện-Huệ) miễn cưỡng nhận lời.

Rồi hai người tìm tới nơi đức Phật Dipankara (Nhiên-Ðăng) đang ngự. Quần chúng đông đảo đang vây quanh đức Phật. Có cả vua và quần thần đến làm lễ dâng hoa cúng Phật. Sumedha và cô gái cố len lỏi đến gần, nhưng còn khoảng hai mươi bước nữa thì họ không tài nào tiến lên được nữa. Sumedha rất sung sướng được nhìn thấy Phật Dipankara tận mắt. Bỗng nhiên chàng cảm thấy tinh thần sảng khoái lạ thường. Chàng phát nguyện sẽ cố gắng tu học cho đến khi được hoàn toàn giác ngộ như ngài. Chàng chí thành tung năm hoa sen của mình lên không trung để cúng dường Phật theo thông lệ lúc bấy giờ. Năm hoa sen được tung lên không trung bỗng biến thành năm đài sen lớn trang nghiêm rực rỡ, lơ lửng giữa không gian. Cô bạn gái trao cho chàng hai hoa sen của cô, nhờ dâng cúng dùm. Chàng lại chí thành tung lên không trung cúng dường Phật. Hai đóa sen này hiện thành hai đài sen lớn đứng ở hai bên Phật. Trước sự ngạc-nhiên của đại chúng, đức Phật Dipankara hoan-hỷ giải-thích sở dĩ có sự kỳ-diệu như thế là do tâm vô cùng thanh-tịnh và thành kính của người cúng dường. Rồi Phật gọi Sumedha (Thiện-Huệ) và cô gái đến bảo:

- Ông là người có nhiều thiện căn, hãy ráng tinh tấn tu hành sẽ đạt được đạo quả lớn. Còn cô này cũng có thiện duyên với ông, nhưng cô nên tôn trọng lời hứa, nên khuyến khích chứ không nên ngăn cản bạn cô xuất gia tu học.

Từ đó Sumedha theo Phật Dipankara học đạo, về sau thọ bồ-tát giới và tỳ-kheo giới. Sumedha cố gắng tinh-tấn tu hạnh Bồ-tát. Một hôm đức Phật Dipankara đi từ tinh xá Sudassana đến thành phố Ramma, giữa đường gặp chỗ đất lầy, Bồ-tát Sumedha liền cởi áo đương mặc mà trải lên chỗ dơ ướt, nhưng còn hụt một chút không biết làm sao, ông bèn xả tóc lót thêm cho Phật đi qua khỏi lấm chân. Nhận thấy Bồ-tát Sumedha sẽ thực hành đầy đủ 10 thánh hạnh[5] nên đức Phật thọ-ký[6] cho ông sẽ thành Phật hiệu là Sakyamuni (Thích-Ca Mâu-Ni) trong đời Hiền-kiếp (Bhadra-kalpa).

 

2- Bồ-tát Vessantara (Hộ-Minh)[7]

Ðến lúc Phật Kassapa (Ca-Diếp)[8] ra đời, nhằm Hiền-kiếp thứ chín, Bồ-tát Sumedha (Thiện-Huệ) tái sanh làm thái tử Vessantara (Visvantara, Hộ Minh), chuyên thực hành hạnh bố thí từ lúc ấu thơ; khi lớn lên làm vua, rồi xuất gia theo Phật Kassapa và trở thành Bồ-tát Vessantara (còn gọi là Svetaketu). Nhờ công hạnh đầy đủ nên khi lâm chung Bồ-tát Vessantara được sanh về cõi trời Ðâu-Suất (Tusita) làm Bồ-tát bổ-xứ, lãnh đạo chư Thiên cõi này và diễn thuyết pháp mầu cho Thiên chúng nghe. Ngài ở Ðâu-Suất bốn ngàn năm, dùng pháp tướng[9] để giáo-hóa chúng sinh. Một hôm ngài nhìn xuống thế-gian thấy chúng sinh phần nhiều chỉ đua nhau tạo ác, chìm đắm trong tà-kiến, không biết tin nhân quả tội phước, sống đau khổ về thể-xác lẫn tinh-thần, chết bị đọa trong ba đường ác[10]. Ngài phát tâm từ-bi, nguyện giáng thế để giáo-hóa chúng sinh, mang đến ánh sáng chân-lý để cứu chúng sinh thoát khỏi sanh già bệnh chết, chứng được đạo quả niết-bàn, an lạc thanh tịnh. Ngay lúc đó toàn thân ngài  phóng đại-quang-minh, đại địa mười tám tướng động, ma cung ẩn náu, mặt trời mặt trăng hết tinh quang, chấn động tất cả trời rồng tám bộ[11]. Ngài liền quan sát năm việc dưới đây:

1-     Quan sát thời kỳ, ngài thấy tuổi thọ con người lúc bấy giờ khoảng 100 năm, rất thuận lợi; vì với thọ mạng quá dài con người không ý thức được thế nào là già chết, với thọ mạng quá ngắn thì không có đủ thời gian tu tập.

2-     Quan sát lục địa, ngài chọn Jambudipa (bán đảo Ấn-độ) vì lúc bấy giờ ngôn ngử và tư tưởng triết học nơi đây được phát triển hơn hết..

3-     Quan sát  quốc độ, ngài chọn Majjhimadesa (Vùng Trung Ấn, thung lũng sông Hắng); vì nơi đây có nhiều nhà hiền triết và minh quân xuất hiện.

4-     Quan sát chủng tộc, ngài chọn dòng dõi Sakya với vua Suddhodana là người có tâm đạo nhất. Theo kinh Lalitavistara thì dòng họ này có 64 đức tính cần thiết.

5-     Quan sát người có đủ đức tính làm mẹ vị Phật tương lai, ngài chọn hoàng hậu Maha-Maya; biết rằng bà chỉ còn sống thêm 10 tháng 7 ngày nữa. Theo kinh Lalitavistara thì bà Maha-Maya có 32 đức tính cần thiết.

Khi thấy cơ duyên đã đến, Bồ-tát Hộ-Minh bèn phó chúc ngôi vị lãnh đạo chư Thiên lại cho ngài Di-Lặc (Maitreya, Metteyya) làm Bồ-tát bổ xứ, rồi từ cung trời Ðâu-Suất (Tusita) giáng trần, thị hiện nhập thai tại thành Kapilavastu, xứ Sakya[12], gần chân núi Himalaya, thuộc vùng biên giới đông-bắc nước Ấn-độ và Nepal ngày nay, làm con trai của vua Suddhodana (Tịnh-Phạn), và hoàng-hậu Maha-Maya. Hoàng-tộc xứ này đều thuộc dòng-dõi SAKYA (Thích-Ca).

 

B- ÐỨc PhẬt ÐẢn sanh

Một vị Phật ra đời là một nhân duyên lớn rất hiếm có, là một niềm vui vô tận cho tất cả muôn loài chúng sanh. Ðức Phật là bậc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, có trí tuệ và lòng từ bi rộng lớn cùng tột, vì thông cảm nổi khổ triền-miên vô bờ bến của chúng sanh mê lầm nên ngài dùng phương tiện thị hiện đản sanh để chỉ dạy và dìu dắt chúng sanh ra khỏi vòng sanh tử luân hồi, đạt đến niết-bàn an-lạc thanh-tịnh.

Về phương diện lịch sử, chúng tôi xin trình bày trước huyền thoại về 5 họ của đức Phật là Gotama (Cồ-Ðàm), Sujata (Thiện-Sanh), Okkaka (Cam-Giá), Suryavamsa (Nhật-Chủng) và Sakya (Thích-Ca), sau đó mới nói đến lúc Phật đản sanh.

 

1- Lai lịch họ Gotama và bộ-tộc Sakya[13]

Vào thuở xa xưa, ở thủ đô Saketa, hiện nay là Ayodhya[14], thuộc miền Trung Ấn-độ, có giống dân Aryan. Theo kinh Phật Bản Hạnh (Abhinikramana-sutra), kinh Thập Nhị Du, kinh Ambattha (Digha-nikaya 3) và kinh Mahavastu (do ngài Buddhaghosa chú giải vào thế kỷ thứ năm sau tây lịch), thì xưa kia nơi đây có vị vua tên là Maha-Sammata (Ðại-Mao-Thảo) nhường ngôi cho em, xuất gia theo đại tiên Gotama (Cồ-Ðàm)[15] tu trong rừng. Ðể người đời không nhận ra mình là vua, ông lấy họ thầy là Gotama làm họ mình. Từ đó người ta gọi thầy ông là Maha-Gotama (Ðại Cồ-Ðàm) và gọi ông là Culla-Gotama (Tiểu Cồ-Ðàm).

Hai thầy trò tu trong rừng, ở trong một cái am bên cạnh một vườn mía (cam-giá, okkaka) lớn. Một hôm có 500 tên cướp đánh cướp tài sản của quan, trong lúc chạy trốn băng qua vườn mía, đánh rơi những đồ cướp được trong vườn. Quan quân theo dấu tìm đến, cho Culla-Gotama (Tiểu Cồ-Ðàm) là giặc cướp, liền dùng tên bắn chết, máu chảy lênh láng xuống đất. Maha-Gotama đang có việc đi xa, dùng thiên nhãn nhìn thấy, buồn bã rơi lệ. Ông liền bay về đến nơi, gom máu trộn lẫn với bùn trên mặt đất, vo thành hai viên lớn bằng nắm tay, đặt lên bàn thờ giửa trời, rồi chú nguyện rằng:

- Cồ-Ðàm tôi thành tâm cầu nguyện chư thiên biến hai hòn máu này thành người.

Qua 10 tháng, nhờ hấp thụ ánh sáng mặt trời, viên bên trái hóa thành một bé trai, viên bên phải hóa thành một bé gái, đều lấy họ Gotama (Cồ-Ðàm). Các quan đại thần trong triều nghe tin, rước về cung nuôi dưỡng. Bé trai được đặt tên là Sujata (Thiện Sanh)[16], còn gọi là Okkaka (Cam Giá)[17] hay Suryavamsa (Nhật Chủng)[18]. Bé gái được đặt tên là Subhadda (Thiện Hiền).

Về sau các đại thần lập Okkaka (Thiện Sanh) làm vua hiệu là Ikshvaku (Ý-Ma vương), và Subhadda (Thiện Hiền) làm hoàng hậu, sanh được bốn người con trai tên là Okkamukha, Karakanda, Hatthinika, Sinipura, và năm người con gái là Piya, Suppiya, Ananda, Vijita và Vijitasena. Sau đó hoàng hậu Subhadda  qua đời, vua Ikshvaku cưới thêm một công chúa trẻ đẹp phong làm hoàng hậu sanh được một người con trai tên là Jantu.

Vì muốn lập Jantu lên làm vua nên vị hoàng hậu thứ nhì xui giục vua Ikshvaku đày bốn người con trai của hoàng hậu Subhadda ra khỏi nước. Bốn hoàng tử này cùng với năm chị em gái đi về hướng đông bắc, đến gần chân núi Himalaya, gặp nhà hiền triết rất giỏi thiên văn địa lý tên Kapila khuyên nên ở lại đây lập nghiệp. Nơi đây lần hồi trở nên phồn thịnh. Vua Ikshvaku được tin này, thốt lời khen rằng "Sakya vata bho raja-kumara ", có nghĩa là "Các vị hoàng tử này quả thật là những người có khả năng". Từ đó bộ-tộc của các hoàng tử và vương quốc của họ sáng lập mang tên là Sakya (Thích-Ca), có nghĩa là "người có khả năng" hay người anh hùng. Ðể nhớ ơn nhà hiền triết Kapila, các hoàng tử Sakya đặt tên thủ đô xứ Sakya là Kapilavastu. Ít lâu sau, người chị cả là Piya mắc bệnh cùi, vào rừng ở. Trong khi đó vua xứ Kasi ở Benares là Rama cũng mắc bệnh cùi, truyền ngôi cho con trai cả rồi vào sâu trong rừng núi ở, thời may gặp thuốc hết bệnh. Hai người gặp nhau, vua Rama chỉ thuốc cho bà Piya được lành bệnh, hai người ăn ở với nhau, thành lập xứ Koliya, lên làm vua[19].

Ở Kapilavastu, bốn hoàng tử con vua Ikshvaku (Okkaka) không thể lập gia đình với người bản xứ vì không có ai thuộc giai cấp quý tộc (Ksatriya) nên phải sống chung với bốn chị em gái còn lại như vợ chồng[20]. Trong số bốn hoàng tử này có ba người chết, hoàng tử còn lại là Okkamukha (Ni-Câu-La[21]) lên làm vua. Sau truyền ngôi cho con là Câu-Lô[22] (?). Câu-Lô truyền ngôi cho con là Jayasena (Cù-Câu-Lô[23]). Jayasena truyền ngôi cho con là Sihahanu (Sư-Tử-Giáp). Vua Sihahanu (Sư-Tử-Giáp) sinh được bốn người con trai là: Suddhodana (Tịnh-Phạn), Dhotodana (Hộc-Phạn), Sukkodana (Bạch-Phạn) và Amitodana (Cam-Lộ-Phạn); và một người con gái là Amita (Cam-Lộ vương phi) gả cho vua Suppabuddha (Thiện-Giác vương) xứ Koliya. Vua Sihahanu truyền ngôi cho con là Suddhodana. Vua Suddhodana (Tịnh-Phạn vương) và hoàng hậu Maha-Maya sinh ra thái tử Siddhattha (Sĩ-Ðạt-Ta) về sau thành Phật hiệu là Sakyamuni (Thích-Ca Mâu-Ni).

Do đó đức Phật có cả thảy năm họ: Gotama (Cồ-Ðàm), Okkaka (Cam-Giá), Sujata (Thiện Sanh), Suryavamsa (Nhật-Chủng) và Sakya (Thích-Ca). Nhưng người thời bấy giờ thường dùng tiếng Gotama để chỉ họ của đức Phật, tiếng Sakya để chỉ dòng-dõi, bộ tộc hay tên xứ, và tiếng Sakyamuni để chỉ Phật hiệu của ngài.

Phật hiệu Sakyamuni có nghĩa là "năng nhơn tịch mặc ". Sakya là "năng nhơn ", là bậc anh hùng có khả năng hơn người. Muni là "tịch mặc", tịch tĩnh, vắng lặng, cũng có nghĩa là nhơn-từ. Sakyamuni cũng có nghĩa là " bậc anh-hùng hoàn-toàn ".

 

2- Lúc mới sanh (năm -624)

Vua Suddhodana GOTAMA và hoàng-hậu Maha-Maya là người giàu lòng nhân ái, kính trọng thánh hiền. Ðã gần bốn mươi tuổi mà chưa có con. Vua và hoàng hậu thường lập đàn cúng vái, và mở hội bố thí cho người nghèo khổ để cầu sanh được một hoàng nam hầu sau này nối ngôi vua.

Năm 624[24] trước tây lịch, tại khu lâm-viên xinh đẹp Lumbini[25] (Lâm-tỳ-ni, hiện nay thuộc lãnh thổ Nepal), thái-tử Siddhattha GOTAMA, thuộc dòng-dõi bộ tộc Sakya, con vua Suddhodana GOTAMA, 42 tuổi, và hoàng-hậu Maha-Maya, 44 tuổi, sanh  vào ngày trăng tròn tháng Vesak[26] (còn gọi là Visakha hay Vaisakha, tương ứng với tháng tư hay tháng 5 dl).

Trước đó mười tháng, trong khi được vua cho phép giữ tám giới thanh tịnh,  vào đêm trăng tròn tháng Asatha (tháng 6 hay tháng 7 dl), tại thành Kapilavastu[27] (Ca-tỳ-la-vệ), hoàng-hậu Maya nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà[28], trong bụng có một hoa sen lớn màu trắng, từ trên trời bay xuống chun vào hông phải của bà, lúc đó bà cảm thấy thân tâm khoái lạc, nhẹ nhàng, sáng chói như ánh trăng rằm.  Sáng hôm sau, bà thuật lại giấc chiêm bao kỳ diệu ấy cho vua nghe. Nhà vua cho mời 64 nhà tiên tri Bà-la-môn đến giải mộng; các vị nầy đoán là hoàng-hậu đã mang thai và thái-tử sắp được sanh ra sẽ là một đại đế hoặc một thánh nhân tiếng tăm lừng-lẫy. Từ lúc thọ thai thân tâm hoàng hậu luôn luôn được an lạc, thanh tịnh,  trí huệ sáng suốt.

Theo phong tục, gần đến ngày sanh, hoàng-hậu Maha-Maya đi từ thành Kapilavastu về nhà cha mẹ ruột là quốc vương Suppabuddha và hoàng hậu Amita ở thành Devadaha còn gọi là Ramagama thuộc xứ Koliya (Câu-lợi, hiện nay thuộc lãnh thổ Nepal). Giữa đường phái đoàn tạm nghỉ chân trong khu lâm viên Lumbini, cách Kapilavastu khoảng 30 km về hướng đông-nam, đang mùa hoa cỏ xinh tươi. Hoàng-hậu đến một hồ nước tắm rửa, thay đổi y-phục, rồi đi ngắm cảnh đẹp xung quanh hồ. Thấy đóa hoa Vô-ưu[29] (asoka) vô cùng xinh đẹp trên cây, bà vói tay phải định hái thì chuyển bụng. Bà vội đứng vịn cành cây. Các thế nữ vội chạy đến đứng chăng màn bốn phía. Bỗng cõi đất rung động, hào quang chiếu khắp nơi, rồi thái tử xuất hiện ra đời[30], thân ngài thanh tịnh không bị nhơ nhớp, vẽ mặt an lành không khóc la. Chư thiên biết đấng cứu thế ra đời liền hiện đến tung hoa, tấu nhạc, ca hát chúc mừng. Hoàng hậu và các cung nữ hân hoan chào đón thái-tử[31]. Khi mới sanh ra thái-từ Siddhattha cũng được tắm rửa lần đầu tiên[32] tại hồ nước nói trên. Hồ nước Puskarini này hiện nay được xây lại theo hình vuông mỗi cạnh 20m, nổi tiếng là linh-thiêng, có khả năng trị bệnh cho người xuống tắm. Bên cạnh hồ hiện còn một cây bồ-đề to lớn, cành lá sum-sê, đã có từ hồi đức Phật còn tại thế. Bên cạnh hồ hiện nay có ngôi đền thờ nữ thần Maha-Maya, trong đó có chỉ vị trí chính xác nơi đức Phật đản sanh, và có hai bức tranh nổi điêu khắc cảnh đức Phật đản sanh, một bức bằng đá và một bức bằng cẩm-thạch . Ðến năm 244 trước tây lịch, vua Asoka có đến đây chiêm-bái theo sự hướng dẫn của đạo sư Moggaliputta-Tissa (Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu). Vua Asoka có cho dựng gần hồ một trụ đá kỷ niệm. Trên trụ đá có khắc năm hàng gồm 93 chữ bằng tiếng Brahmi như sau:

<< Devanapiyena Piyadasina[33] lajina-visativasabhisitena

Atana-agacha mahiyite. Hida Budhe-jate Sakyamuniti

Silavigadabhi cha kalapita silathabhe cha usapapite.

Hida Bhagavam jateti Lumbini-game ubalike kate.

Atha-bhagiye cha.>>

(Có nghĩa là: Vua Piyadasina, được các vị thiên thần kính mến và ủng hộ, đích thân đến đảnh lễ chỗ này, sau khi lên ngôi được 20 năm. Ðây là nơi đức Phật Sakyamuni đản sanh. Vua hạ lệnh xây dựng một vách thành bằng đá bao quanh nơi nầy và một trụ đá bên trong để đánh dấu chỗ đức Thế Tôn đản sanh. Vua cho phép dân làng Lumbini từ nay chỉ đóng một phần tám thuế mễ cốc.)

Trong ký sự của ngài Huyền Trang vào thế kỷ thứ bảy có nói " Ðầu trụ đá có hình con ngựa rất mỹ thuật và trơn láng". Nhưng hiện nay chưa tìm được di tích tượng con ngựa đặc biệt ấy.

 Kinh sách còn nói đến trong lúc đức Phật đản sanh thì đồng thời bảy nhân vật sau đây cũng chào đời: 1-Cây Ðại Bồ-đề, 2-Yasodhara (Da-Du-Ðà-La), 3-Kaludayin (Ca-Lưu-Ðà-Di), 4-Channa (Xa-nặc), 5-Kanthaka (ngựa Kiền-trắc), 6-Con voi báu, và 7-Bốn bình châu-báu[34].

 

3- Sau khi sanh

Qua ngày hôm sau, tiên ông Asita Kaladevala (A-tư-đà) do thấy điềm lạ trên trời, biết có thánh nhơn vừa giáng sinh, liền cùng với đệ tử là cháu ruột gọi ông bằng cậu, tên Nalaka[35], từ sườn núi Himalaya đến xin phép vua được xem tướng cho thái-tử[36]. Vua Suddhodana rất vui-vẻ cho bồng thái-tử ra đảnh lễ tiên ông. Nhưng, trước sự kinh-ngạc của mọi người, thái-tử bỗng nhiên quay về phía tiên ông và đặt hai chân lên đầu tóc của ông. Ðang ngồi trên ghế, tiên ông Asita vội đứng dậy chắp tay xá chào thái-tử[37] và tiên đoán thái-tử sẽ trở thành bậc vĩ-nhân cao quí nhất của nhân loại. Nhà vua cũng làm theo, xá chào thái-tử. Trong khi xem tướng cho thái-tử, tiên ông Asita tỏ vẻ rất vui mừng, nhưng khi xem xong thì ông oà lên khóc nức-nở. Nhà vua ngạc nhiên hỏi điềm lành dữ thế nào, tại sao ông hết vui mừng lại khóc. Tiên ông Asita sục sùi đáp:

- Tâu Ðại Vương, thái-tử có 32 tướng tốt[38] và 80 vẻ đẹp[39], sau nầy sẽ là vị Chuyển Luân Thánh Vương cai trị bốn châu thiên hạ; nhưng chắc ngài sẽ xuất gia tu hành thành bậc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, là bậc thầy lỗi lạc của khắp các cõi trời và cõi người, giảng dạy pháp mầu để ban vui cứu khổ cho chúng sanh. Rất tiếc nay tôi đã quá già rồi, không còn sống đến lúc đó để được nghe lời ngài chỉ dạy, nên tôi tủi thân tôi khóc.

Lễ quán đảnh được tổ chức vào ngày thứ năm sau khi thái-tử ra đời. Vua Suddhodana triệu-tập sáu vị hiền-triết Bà-la-môn để chọn tên và tiên đoán tương-lai cho con. Tên được chọn là Siddhattha (Siddartha, Sarvarthasiddha) có nghĩa là người thành-đạt nguyện-vọng. Sau khi bàn thảo về tương-lai của thái-tử, năm vị đưa lên hai ngón tay, tuyên bố:

- Muôn tâu Ðại Vương, thái-tử sẽ trở thành bậc Chuyển-Luân-Thánh-Vương (Cakravartin), vị hoàng-đế vĩ-đại nhất thế-gian nếu ngài muốn trị-vì thiên-hạ. Nếu xuất gia tu hành, ngài sẽ thành bậc Chánh-Ðẳng-Chánh-Giác (Samma-sambuddha) cứu nhân-loại ra khỏi cảnh tối-tăm đau-khổ .

Nhưng vị trẻ tuổi nhất tên Kondanna (Kiều-Trần-Như)[40] chỉ đưa lên một ngón tay và nói:

- Tâu Ðại Vương, sau nầy, sau khi nhìn thấy một người già, một người bệnh, một xác chết và một tu sĩ, thái-tử sẽ xuất gia đi tìm chân-lý và sẽ trở thành một vị Phật, Vô-Thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.

Sau khi sanh thái-tử được bảy ngày thì hoàng-hậu Maya từ trần[41], vãng sanh về cung trời Ðao-lợi[42] (Tavatimsa). Thái-tử được giao cho người dì ruột cũng là thứ-hậu trong triều là bà Pajapati Gotami[43] (Ba-Xà-Ba-Ðề Kiều-Ðàm-Di), chăm sóc. Do các lời tiên đoán của các nhà tiên tri nên vua Suddhodana tìm đủ mọi cách cho thái-tử Siddhattha hưởng đầy đủ lạc thú trong hoàng cung, không bao giờ nhìn thấy các cảnh khổ đau, bệnh hoạn, già chết ở đời. Khi thái tử được sáu tuổi, vua Suddhodana cho mời các vị thầy nổi tiếng vào triều dạy học, mong đào tạo thái-tử thành một vị vua tương lai có đầy-đủ khả-năng và đức-hạnh để kế nghiệp ngài. 

 

C- ThỜi gian lÀm thÁi-tỬ

Từ lúc đản sanh (năm -624) đến lúc xuất gia vào năm 29 tuổi (năm -595). 

 

1- Thời thơ ấu  

 

Thái tử Siddhattha dự lễ hạ điền [44] 

Năm lên 7 tuổi, thái-tử Siddhattha được đi dự lễ hạ-điền ngoài cổng thành phía nam với vua cha để khai mạc mùa cày cấy. Ngồi dưới bóng mát của tàng cây ni-câu-đà[45] to lớn, thái-tử chăm-chú nhìn cảnh người dân cày tay lấm chân bùn, mình trần trùng-trục dưới cơn nắng cháy, mồ hôi nhễ-nhại, vừa cố gắng ấn sâu lưỡi cày xuống đất vừa cầm roi đánh và la hét con trâu. Con trâu cố sức kéo cày dưới làn roi, làm bật lên những mảng đất lớn. Những con giun quằn-quại đau đớn. Những con chim bay đến tranh nhau ăn giun. Một con chồn đang lảng-vảng gần đó rình bắt chim. Một anh thợ săn đang tìm cách giăng bẫy bắt chồn. Thái tử than thầm: "Ôi! đời sống là một trường tranh đấu giết hại lẫn nhau dẫy đầy đau khổ". Trong lúc mọi người vui-vẻ theo dõi những trò vui của cuộc lễ thì thái-tử ngồi tréo chân theo lối kiết-già trầm-ngâm suy-nghĩ, định tâm theo lối chỉ quán[46] và đắc sơ thiền (sotapanna[47]). Trong khi thời gian trôi qua mà bóng cây ni-câu-đà ấy không di động, vẫn ở yên một chỗ che mát thái tử. Các cung nữ thấy hiện tượng lạ như vậy thì lấy làm ngạc nhiên đến tâu cho vua hay. Nhà vua đến nơi, đứng yên lặng nhìn thái-tử một lúc rồi xá chào và nói: "Hỡi nầy con yêu quí, đây là lần thứ nhì phụ vương đảnh lễ con". Rồi nhà vua đọc bài kệ khen rằng:

" Như lửa trên đầu núi,

" Như trăng giữa không-gian,

" Át hết thảy ngôi sao.

" Ngồi thiền dưới gốc cây,

" Uy quang chiếu sáng ngời.

" Cũng như lúc sơ sinh,

" Thân đã tọa thiền rồi,

" Thần quang soi khắp cả

" Mười phương chư chúng sinh

" Nhân đây mà được độ.[48]

 

Thái tử Siddhattha học văn 

Từ thuở nhỏ thái-tử đã tỏ ra thông-minh xuất chúng. Trong mọi môn học, từ văn-chương đến võ-thuật ... ngài chỉ cần học một thời-gian ngắn là hết sở học của thầy.

Năm lên 8 tuổi, vua cho mời vị giáo-sư nổi tiếng tên Visavamitra (Tỳ-xa-bà-mật-đa-la) vào cung dạy thái-tử và các vương-tử về Phạn văn (Sanskrit) và kinh Vệ-đà (Veda). Vừa mới gặp thầy bữa đầu thái-tử hỏi:

- Thưa thầy, tôi rất mừng hôm nay được thầy tới đây dạy bảo, tôi muốn học những sách về Phạn-văn và Veda. Những bộ đó có 64 loại (Brahmana, Nighandu, Sokkharappabhedana, Itihasa, Veyyakarana, Rigveda, Atharvaveda, ...)[49], vậy thầy định dạy về loại nào trước?[50]

Giáo-sư Visavamitra vốn là một người thông minh, tài trí, học rộng, nhưng khi nghe thái-tử mới 8 tuổi hỏi như thế thì toát mồ-hôi trán, vì chính ông cũng chưa biết hết 64 loại mà thái tử vừa kể. Ông vội-vàng quỳ xuống đọc bài thơ khen tặng thái-tử như sau:

" Giỏi thay! Hay thay! Chưa từng có!

" Một người sáng suốt được như ngài.

" Trí-tuệ trong sáng vầng nhật nguyệt,

" Thông hiểu các pháp của thế-gian.

" May mắn chúng tôi được gặp ngài

" Qua dời gót ngọc tới học-đường!

" Những sách mà ngài vừa mới nói,

" Quả là chúng tôi chưa từng thấy.

" Dĩ nhiên ngài đã thông hiểu rồi!

" Ðáng làm đạo-sư cho trời, người,

" Chúng tôi đâu dám làm giáo học!

" Cúi xin ngài sẽ chỉ bảo cho.[51] 

Thái tử Siddhattha học võ 

Về võ thuật, khi thái tử được khoảng 12-13 tuổi, triều thần giới-thiệu võ-sư Kshantideva (Sàn-Ðề-Ðề-Bà) là người thông hiểu 29 môn võ-nghệ, để dạy thái-tử. Võ-sư được lệnh về thành, vào yết-kiến vua; vua rất vui-vẻ giao cho dạy thái-tử. Ðầu tiên võ-sư biểu-diễn các môn quyền cho thái-tử xem. Thái-tử nói: "Các môn này tôi đã thông hiểu rồi, không cần phải học". Vậy các môn ấy võ-sư chỉ phải dạy cho các vương-tử khác thôi. Sau đó võ-sư đem hết tài lực biểu-diễn các môn bí-truyền cho thái-tử xem về đô vật, cởi ngựa, cởi voi, lái chiến xa, sử dụng cung, kiếm, trường thương, móc câu ... Nhưng thái-tử cũng nói: "Những môn nầy tôi đã thông hiểu cả rồi". Tới đây võ-sư biết mình không có tài gì hơn để dạy, bèn làm bài kệ khen thái-tử rằng:

" Thái-tử tuổi thơ ấu,

" Học hỏi rất an-nhàn,

" Chẳng mất bao công lực,

" Nháy mắt đã hiểu liền.

" Gấp trăm ngàn kẻ khác,

" Học tập biết bao năm,

" Thành công rất ít ỏi.

" Võ-nghệ với văn-chương,

" Thái-tử vượt hơn người.[52]

 

Thái tử Siddhattha cứu chim thiên nga [53]

Ngoài ra thái-tử còn tỏ ra có lòng từ ái đặc biệt. Một hôm, thái-tử vào khoảng 12 tuổi, đang chơi ngoài sân thì có con chim thiên-nga bị tên bắn trúng cánh xà xuống bên cạnh. Thái-tử dịu-dàng săn-sóc vết thương cho con thiên-nga, được một lúc sau thì có người em cô cậu là Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa), nhỏ hơn thái tử một tuổi, trên tay còn cầm cung tên, đến bảo rằng chính mình bắn được nên đòi bắt chim thiên nga lại. Thái-tử không chịu trả. Cuối cùng việc nầy được đưa ra triều đình phân xử. Giữa triều, Devadatta nói:

- Lúc con chim thiên nga đang bay trên trời thì nó không thuộc về của ai cả. Nhưng chính tôi đã bắn trúng con thiên nga rơi xuống đất thì nó trở thành của tôi.

Thái-tử biện luận rằng:

- Sự sống là điều quí nhứt trên đời, kế đó là sự tự do. Con chim thiên nga đang bay trên trời là biểu tượng của sự sống và sự tự do. Nó không thể trở thành vật sở hữu của người đã bắn nó. Vì vậy chim thiên-nga phải được giao cho người bênh vực sự sống và sự tự do cho nó chứ không nên giao cho người giết hại nó. Giết hại là điều không nên làm. Do đó người có tâm giết hại không có quyền làm chủ sự sống và sự tự do của kẻ khác.

Sau khi thảo luận một hồi lâu, triều thần cho rằng thái-tử Siddhattha có lý.

 

2- Tuổi trưởng-thành

 

Thái tử Siddhattha lập gia đình [54] 

Lúc thái tử Siddhattha được 16 tuổi, vua Suddhodana bàn tính với triều thần tìm người vợ tương lai cho thái tử, mong rằng với sự ràng buộc gia đình thái tử sẽ bỏ ý định xuất gia và sẽ trở thành một đại đế mang lại sự vẻ vang cho cho dòng họ Sakya. Các vị đại thần giới thiệu nhiều cô gái nhan sắc và đức hạnh, nhưng vua Suddhodana bảo:

- Thái tử khó tính lắm ! Chúng ta phải hỏi trước xem thái tử thích có người vợ như thế nào.

Vâng lệnh vua, các vị đại thần liền đến gặp thái tử để hỏi ý kiến ngài về việc chọn lựa người vợ tương lai. Siddhattha đáp:

- Bảy ngày nữa tôi sẽ trả lời quý vị.

Rồi thái tử tự nghĩ:

- Ta đã biết rõ rằng vô số đau khổ đều do ham muốn, tham ái mà ra. Ái dục là nguồn gốc của đau khổ, xích mích, hung dữ, phiền muộn, là ly thuốc độc, là ngọn lửa, là lưỡi gươm hại người. Ta không cảm thấy sung sướng gì khi ở bên cạnh một người nữ.  Tại sao ta lại không chọn lối sống yên tĩnh trong rừng? Ở đó tâm ta sẽ được an nhàn, thảnh thơi trong cái vui thiền định.

Nhưng dưới áp lực gia đình và của mọi người xung quanh, cuối cùng thái tử nghiêng về truyền thống gia đình và gác lại lý tưởng xuất gia. Thái tử nhớ lại các vị Bồ-tát trước kia cũng đều lập gia đình cả. Hoa sen thanh tịnh không thể lấm bùn nhơ. Ðến kỳ hẹn, thái tử nói với các vị đại thần:

- Nếu phải lập gia đình thì tôi thích có người vợ đạo đức hơn là chỉ có sắc đẹp. Người đó phải diệu hiền, từ thiện, chân thật, không gian xảo và ganh tị, không thích se sua, rượu chè, cờ bạc và tiệc tùng. Người đó cũng phải là một cô dâu hiền, một bà chủ tốt với tôi tớ, không nề hà thức khuya dậy sớm. Người đó phải trẻ đẹp nhưng không tự cao.

Sau khi nghe các vị đại thần thuật lại lời thái tử, vua Suddhodana ra lệnh cho vị giáo sĩ Bà-la-môn trong triều:

- Này ông Bà-la-môn, ông hãy đi khắp thủ đô Kapilavastu, vào từng nhà tìm những cô gái có những đặc điểm mà thái tử đã mô tả, dù là con nhà quý tộc, hay Bà-la-môn, hay thương gia, hay nông dân cũng được. Vì thái tử chỉ chú trọng đến đức hạnh chứ không phân biệt giai cấp. Ông báo cho ta biết tất cả những cô gái đó.

Chẳng bao lâu, ông Bà-la-môn về báo cáo với vua về những cô gái ông đã chọn cho thái tử. Trong số đó ông chú ý đặc biệt đến công chúa Gopa-Yasodhara (Da-Du-Ðà-La), cùng tuổi với thái tử Siddhattha, con vua Suppabuddha (Thiện Giác Vương), là người có đầy đủ nhất những đặc điểm mà thái tử Siddhattha đã nêu ra. Nhà vua liền cho tổ chức một đại lễ phát quà cho những cô gái nói trên. Trong buổi lễ, từng cô gái trẻ đẹp bước đến nhận một món nữ trang quý giá do chính tay thái tử Siddhattha trao cho. Nhưng thái tử vẫn thản nhiên, không tỏ ra chú ý đến cô nào cả. Cuối cùng Yasodhara bước đến, đôi mắt tròn sáng, vui vẻ, diệu hiền nhìn thẳng vào mặt thái tử. Thái tử Siddhattha hơi lúng túng vì không còn món nữ trang nào để tặng cho cô. Yasodhara mĩm cười nói:

- Thưa thái tử, hình như tôi có lỗi gì nên ngài không muốn tặng quà cho tôi phải chăng?

- Thưa cô, không phải vậy, chỉ tại cô đến sau cùng đó thôi. Vậy cô hãy nhận món quà này.

Nói xong, thái tử cởi chiếc nhẫn trong tay mình ra, trao cho Yasodhara. Nhưng Yasodhara cười nói:

- Tôi không dám nhận chiếc nhẫn riêng của thái tử đang dùng đâu?

- Cô cứ nhận đi, đây là món quà mọn của tôi tặng cô mà !

- Tôi không dám ! Tôi đến đây không phải để lấy món trang sức của thái tử mà chính là để làm món trang sức cho thái tử.

Nói xong, Yasodhara rút lui. Siddhattha thừ người nhìn theo.

Các vị đại thần đều cho rằng thái tử Siddhattha đã chú ý đặc biệt đến Yasodhara. Vua Suddhodana liền cử sứ thần đến thủ đô Devadaha xứ Koliya xin cầu hôn công chúa Yasodhara cho thái tử Siddhattha. Nhưng vua Suppabuddha gạt ngang, cho rằng chưa ai thấy Siddhattha có tài cán gì về võ thuật. Vua Suddhodana rất phiền muộn vì bị mất thể diện. Ðể an ủi cha, thái tử Siddhattha vén màn bí mật cho cha biết tuy chưa bao giờ biểu diễn võ thuật, chàng có thể tranh tài với bất cứ ai. Yên chí, vua Suddhodana đề nghị với vua Suppabuddha tổ chức một cuộc tranh tài về võ thuật mà người thắng cuộc sẽ thành hôn với Yasodhara.

Cuộc tranh tài gồm ba bộ môn: đãu kiếm, bắn cung và đãu vật. Có cả thảy 500 thanh niên tham dự. Về đãu kiếm, chỉ có Devadatta đở được 5 chiêu của thái tử Siddhattha, Nanda đở được 3 chiêu, còn mấy người khác chỉ đở được 1 - 2 chiêu là cùng.

Về bắn cung thì có 3 tấm bia được dựng lên từ gần đến xa, mỗi người chỉ được bắn một mũi tên vào mỗi tấm bia. Nanda chỉ bắn được một mũi tên trúng vào tâm điểm bia gần nhất, còn hai mũi kia đều ra ngoài tâm điểm. Devadatta bắn được hai  mũi tên trúng vào tâm điểm bia thứ nhất và bia thứ nhì, mọi người hoan hô nhiệt liệt, nhưng đến mũi thứ ba thì ra ngoài tâm điểm. Những người khác thì cả 3 mũi tên đều sai tâm điểm. Ðến phiên thái tử Siddhattha, ba lần dương cung, cung đều bị gãy. Thái tử hỏi cha có cây cung nào khác chắc chắn hơn không. Vua Suddhodana bèn sai quân cận vệ vào đền thờ hoàng thượng Sihahanu mang ra một cây cung thật to và nặng, không ai dùng nổi. Siddhattha dương cung một cách nhẹ nhàng, bắn cả 3 mũi tên đều trúng vào tâm của 3 tấm bia. Toàn thể khán giã vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.

Ðến phần đãu vật, không ai địch nổi Siddhattha. Devadatta 3 lần bị hạ lưng chấm đất. Sau cùng thái tử chấp cả 36 thanh niên vào ôm mình một lược, chàng chuyển thần lực vung tay ra một cái, cả 36 người đều ngã lăn xuống đất. Devadatta tức giận vì ganh tị, bỏ về trước.

Vua Suddhodana rất vui mừng, phấn khởi, và cao hứng sai quân  hầu là Channa (Xa-Nặc) dắt con ngựa chứng hung dữ Kanthaka (Kiền-Trắc) ra cho mọi người cỡi thử. Vài thanh niên cỡi thử đều bị ngựa hất văng xuống đất. Siddhattha ngồi vững trên lưng ngựa cho đến khi con ngựa chịu đứng yên. Thái tử cho ngựa chạy ba vòng sân, rồi trở lại chào vua Suddhodana và vua Suppabuddha.

Ðể tôn vinh thái tử, vua Suddhodana lại sai Channa về triều dắt con voi trắng tốt đẹp nhất của mình ra cho thái tử cỡi về cung. Channa vừa dắt voi ra tới cổng thành thì gặp Devadatta vừa về đến nơi. Devadatta hỏi:

- Ngươi dắt voi đi đâu?

- Thưa ngài, tôi dắt voi ra cho thái tử cỡi về.

Ðang cơn nóng giận, Devadatta, tay trái nắm lấy vòi voi, tay phải đấm mạnh vào đầu voi. Con voi to lớn ngã gục chết liền, nằm chật cả cổng thành khiến người qua lại không được. Nanda tới sau, nắm vòi kéo voi ra khỏi cửa thành. Thái tử Siddhattha đi trên chiến xa[55] lộng lẫy cũng vừa về đến nơi, thấy vậy lên tiếng trách Devadatta và khen ngợi Nanda, rồi bước xuống dùng thần lực nhấc voi lên ném ra xa một câu-lô-xá (trên 500m), khi voi rơi xuống làm lún đất thành một cái hố lớn, đến nay còn lưu truyền là hố voi.

Lúc bấy giờ thái tử Siddhattha được 17 tuổi, lễ thành-hôn với công chúa Yasodhara được tổ chức vô cùng long trọng. Nhưng một thời-gian sau, nhận thấy Yasodhara không đủ sức quyến rũ làm cho Siddhattha bỏ ý định xuất gia, vua Suddhodana lại kén thêm cho thái-tử hai bà thứ phi nữa là Gopika (Cù-Di) và Migaranika (Lộc-Dã), ngoài ra còn các thế-nữ không kể. Nhà vua lại cho xây ba cung điện cho thái-tử ở tùy theo thời-tiết nóng, lạnh hay mưa[56].

Về cuộc đời nhung lụa ấy đức Phật đã kể lại như sau:

"Ðời sống của ta (lúc bấy giờ) thật là tế-nhị, vô cùng tinh-vi. Trong hoàng cung, chỗ ta ở, phụ hoàng có đào ao, xây những đầm sen. Khi sen xanh đua nhau khoe màu ở đây thì sen đỏ vươn mình phô sắc phía bên kia, và trong đầm bên cạnh sen trắng đua nhau khoe vẻ đẹp dưới ánh nắng ban mai. Trầm hương của ta dùng đều là loại thượng hảo hạng từ xứ Kasi[57] đưa về. Khăn và xiêm áo của ta cũng may toàn bằng hàng lụa bậc nhất từ Kasi chở đến.

"Ngày cũng như đêm, mỗi khi ta bước chân ra khỏi cung điện là có tàng lộng che sương đỡ nắng.

"Phụ hoàng cũng kiến tạo riêng cho ta ba tòa cung điện. Một để cho ta ở mùa lạnh, một mùa nóng và một mùa mưa. Trong suốt bốn tháng mưa ta lưu tại một biệt điện có đầy đủ tiện-nghi, giữa những cung tần phi nữ. Cho đến hàng nô-tỳ của phụ hoàng cũng được ăn sung mặc sướng chứ không phải như ở các nhà khác, gia-đình chỉ được ăn cơm xấu và thức ăn cũ".[58]

Vua Suddhodana làm đủ mọi cách để ngăn cản việc xuất gia của thái-tử. Vừa tổ chức các trò chơi, ca, vũ, nhạc, kịch trong cung nội, vừa tổ-chức các cuộc bố-thí, phóng sinh, khuyên dân tu thiện, vừa bố-trí không cho thái-tử ra khỏi thành nhìn thấy cảnh dân đói khổ, già, bệnh, chết. Thái-tử Siddhattha ở trong hoàng cung vui-thú với năm cảnh dục-lạc thế gian ròng-rã mười năm.

 

Thái tử Siddhattha nhớ đại nguyện [59]

Lúc bấy giờ ở cõi trời Tịnh-Cư[60] có một vị Tiên (rishi) tên Suddhavasa (Tác-Bình) thấy thái-tử vui-thú với năm cảnh dục-lạc trong hoàng cung, ròng-rã 10 năm, mặc dù tâm không đam-mê nhưng thời-gian thắm-thoát qua mau không đợi người, vì thế ông đứng trên hư-không lúc canh khuya lớn tiếng nói rằng: "Hỡi ngài Hộ-Minh (Vessantara) Bồ-tát, xin ngài hãy sớm nhàm chán cảnh đời phàm-tục mà xuất gia tu đạo. Xin ngài chớ yên vui với dục-lạc mà quên đại nguyện cứu độ chúng sinh đau khổ khỏi cảnh sinh, già, bệnh, chết". Rồi ông Suddhavasa lại đọc bài kệ sau đây:

"Hay thay nhân-giả tuổi cao rồi,

"Mau chóng xuất gia cho mãn nguyện.

"Sớm ban lợi ích khắp trời người.

"Năm cảnh dục lạc[61] nên nhàm chán,

"Chớ đắm sáu trần[62] ở cõi đời.

"Chỉ có xuất gia hành đại trí,

"Tu thiền, định, huệ, đạt Chơn-như[63],

"Mới mong cứu được khổ luân-hồi.

"Chúng sinh hoạn-nạn nhiều phiền-não!

"Nhân-giả là bậc đại-y-sư

"Thuyết nhiều pháp dược chữa bệnh người,

"Mau chóng đưa lên đài thượng giác.

"Chúng bị vô-minh che tối mịt,

"Cùng bao tà-kiến vây ràng buộc,

"Khai thông trí-tuệ được sáng ngời,

"Làm cho trời, người, mắt hết bệnh.

Thái-tử Siddhattha đã nhiều đời nhiều kiếp trồng căn lành nên khi nghe trên không đọc bài kệ xong, ngài tự biết đã đến lúc xuất gia tầm đạo.

Cũng đêm đó vị Tiên Suddhavasa dùng thần lực làm cho vua Suddhodana chiêm bao thấy bảy cảnh tượng như sau:

1-     Thấy lá phướn của vua Ðế-Thích từ cửa thành phương đông bay ra.

2-     Thấy Thái-tử cỡi con đại bạch tượng đi ra cổng thành phía nam.

3-     Thấy Thái-tử ngồi trên xe tứ mã từ cổng thành phía tây đi ra.

4-     Thấy một cái xe lớn chở rất nhiều châu bảo trang-nghiêm đi ra cửa bắc.

5-     Thấy Thái-tử đứng ở một con đường lớn giữa thành, tay cầm dùi đánh vào một cái trống lớn.

6-     Thấy Thái-tử ngồi trên lầu cao quăng châu báu xuống và có rất nhiều người lại lấy đem đi.

7-     Thấy bên ngoài thành có sáu người cất tiếng khóc lớn, rồi vật mình lăn ra đất trông rất thê thảm.

Nhà vua tỉnh giấc, tâm ý bồi-hồi lo-sợ, sai triệu người đoán mộng vào xem thử lành dữ thế nào. Mộng-sư vào hầu vua, nghe vua kể xong, suy-nghĩ hồi lâu rồi tâu rằng:

- Tâu Bệ-hạ! Khó lắm, hạ thần không hiểu thấu, xin Bệ-hạ tha thứ !

Nhà vua đang buồn lo thì có quan giữ cửa vào thưa:

-  Tâu Bệ-hạ! Ngoài cổng thành có người xin vào đoán mộng hầu Bệ-hạ.

-   Ðược, cho họ vào đây.

Tiên ông Suddhavasa giả làm người đoán mộng, vào đến nơi, nghe vua kể xong liền thưa rằng:

- Tâu Bệ-hạ! Ðiềm thứ nhất là thái-tử sẽ xuất gia; điềm thứ hai là điềm thái-tử sẽ đắc quả; điềm thứ ba là điềm thái-tử được pháp tứ vô úy[64]; thứ tư là điềm thái-tử thành Phật; thứ năm là điềm thái-tử chuyển pháp luân; thứ sáu là điềm thái-tử đắc ba mươi bảy phẩm pháp bảo[65]; thứ bảy là điềm nhóm lục sư ngoại đạo[66] lo buồn kêu khóc. Xin Bệ-hạ cứ hoan-hỉ, không nên lo buồn làm gì, vì đó toàn là những điềm lành.

Nói xong, tiên ông Suddhavasa bái tạ lui ra. Vua Suddhodana nghe xong, trong lòng tuy bớt lo buồn, nhưng lại nghĩ cách bày thêm nhiều thú vui tiêu-khiển trong hoàng cung để thái-tử quên chí xuất gia.

 

Thái tử Siddhattha dạo chơi bốn cửa thành 

Tiên ông Suddhavasa muốn cho thái-tử đi chơi ra ngoài thành để biết những việc xấu tốt của đời, mục-đích khuyến-khích thái-tử chán bỏ năm món dục-lạc[67] chốn hoàng cung. Ông giả một tên quân hầu nói chuyện với thái-tử, khen chốn sơn lâm là nơi lạc thú nhất của con người. Thái-tử nghe rồi đến xin phép vua cha được ra ngoài các cửa thành dạo chơi. Vua ra lệnh sửa sang đường xá, treo cờ dựng phướn trang nghiêm trên các nẻo đường thái-tử sắp đi qua.

Hôm đó thái-tử ngồi trên xe vàng sáng chói cùng với Channa (Xa-Nặc) và đoàn quân hầu hộ-tống ra cửa thành phía đông. Dân chúng được tập họp hai bên đường để rải hoa và hoan-hô thái-tử. Tiên ông Suddhavasa biến hình làm một ông lão nghèo-nàn, lưng còng, răng rụng hết, đi thất-thểu, mặt cúi xuống đất, hơi thở phì-phào, đầu bạc như tuyết, tay chống gậy, run rẩy, khập-khểnh đi qua trước xe thái-tử. Thái-tử nhìn thấy, ngậm-ngùi hỏi Channa:

- Người này làm sao thế?

- Thưa thái-tử, người này là người già.

- Già là gì?

- Thưa thái-tử, người ta sinh ra lúc còn ít tuổi gọi là trẻ. Từ sáu mươi tuổi trở lên cơ-thể suy-tàn, tóc bạc da mồi, lưng còng sườn vạy, tinh-thần mờ tối, thở ra không hẹn hít vào, chỉ còn chờ chết, gọi là già.

- Thân ta rồi đây cũng bị như thế ư?

- Vâng! Thưa thái-tử, sang hèn tuy khác nhau, có trẻ tất có già, nhất định không ai thoát khỏi cảnh già nua như ông lão này. Thái-tử sau này cũng thế.

Thái-tử cảm thấy buồn cho thân-phận con người, liền bảo đoàn tùy-tùng quày xe trở về cung. Suốt mấy hôm liền thái-tử trầm-ngâm suy-nghĩ một mình để tìm cách thoát tướng già khổ cho tương lai mình và tất cả chúng sinh. 

Một hôm khác, thái-tử lại cùng với Channa và đoàn tùy-tùng ra cửa thành phía nam. Suddhavasa biến thành một người bệnh, thân hình tiều-tụy, run rẩy, nằm trên phẩn và nước tiểu của mình bên lề đường, rên rĩ thảm-thiết, hầu như sắp chết. Thái-tử nhìn thấy, hỏi Channa:

- Người này sao lại như vậy?

- Thưa thái-tử, người này đang cơn bệnh nặng sắp chết.

- Thế nào gọi là bệnh?

- Khi thân-thể không được yên-ổn, hoặc bị nóng, hoặc bị lạnh, hoặc bị đau nhức, thương tổn trong ngũ tạng, khí lực bạc nhược, tinh thần yếu đuối, mạng sống bấp-bênh, gọi là bệnh.

- Chỉ riêng một người này hay ai rồi cũng thế?

- Thưa thái-tử, không riêng gì người này đâu, tất cả trời, người, cho đến muôn vật, không ai thoát khỏi bệnh hoạn.

- Như vậy chính thân ta đây rồi cũng thế ư !

Thái-tử buồn-bã ra lệnh quày xe trở về cung. Suốt mấy hôm liền thái-tử trầm-ngâm suy-nghĩ một mình để tìm cách giải-thoát khỏi cảnh già, bệnh cho mình và tất cả chúng sinh.

Một hôm khác, thái-tử lại cùng với Channa và đoàn tùy-tùng ra cửa thành phía tây. Suddhavasa biến thành một xác chết nằm bên vệ đường, bắt đầu sình-ươn, hôi thúi, ruồi nhặng bu quanh, trông rất ghê tởm. Thái-tử kinh-ngạc hỏi Channa:

- Này Channa, người này sao lại như vậy?

- Thưa thái-tử, đây là cái xác chết đang chờ thân nhân hỏa táng!

- Sao lại gọi là xác chết?

- Thưa thái-tử, con người hoặc bị bệnh nặng, hoặc bị thương-tích các nơi hiểm-yếu, hồn lìa khỏi xác, cơ-thể không còn một chút sinh-lực, chẳng khác gì gỗ đá, bỏ lại cha, mẹ, vợ, con, họ-hàng, sau khi hỏa táng thân-thể sẽ chỉ còn lại một đống tro tàn.

- Chính thân ta rồi đây cũng lại như thế sao?

- Thưa thái-tử, tất cả các sinh vật cho đến các bậc vua chúa đều không tránh khỏi cái chết.

Thái-tử buồn-bã ra lệnh quày xe trở về cung. Suốt mấy ngày liền, thái-tử trầm-ngâm suy-nghĩ một mình để tìm cách giải-thoát khỏi các tướng khổ già, bệnh, chết cho mình và tất cả chúng sinh.

Ít lâu sau thái-tử lại cùng với Channa và đoàn tùy-tùng ra cửa thành phía bắc. Suddhavasa lần này hóa thân làm một vị sa-môn[68] mặc áo cà-sa, tóc râu nhẵn-nhụi, trang-nghiêm trầm-tĩnh, vẻ mặt thanh-thoát, chân bước khoan-thai, tay cầm bát đi khất thực bên vệ đường. Thái-tử ngắm nhìn một hồi, chợt nhớ lại kiếp xưa, liền xuống xe, đến trước vị sa-môn đảnh-lễ rồi hỏi:

- Thưa ngài sa-môn, xuất gia như ngài thì được lợi ích gì?

- Thưa thái-tử, tôi nhận thấy con người tại gia luôn-luôn bị đau-khổ về sinh, già, bệnh, chết, tất cả các pháp ở thế-gian đều vô thường, bại-hoại, không an, nên tôi lìa gia-đình, thân-tộc, đến ở chỗ an-nhàn, thanh-vắng, để cầu thoát ách khổ-não ấy. Tôi tu-tập đạo vô-lậu[69] giải-thoát, điều phục năm giác quan[70], không cho sa-ngã vào năm cảnh dục-lạc[71] của thế-gian, phát tâm từ-bi để ban những pháp vô-úy[72] cho đời, và giữ tâm bình-đẳng hộ-niệm[73] chúng sinh không bị ô-nhiễm bởi các pháp thế-gian, được đạo giải-thoát. Ðó là mục-đích xuất-gia của tôi.

Thái-tử nghe xong trong lòng hoan-hỷ, tự nghĩ rằng: " Trong toàn cõi nhân thiên, có lẽ chỉ có lối tu xuất-gia này là hơn hết ". Thái-tử liền giục tả hữu quày xe trở về thành. Chiều hôm đó thái-tử ngồi trầm-ngâm suy-nghĩ: "Chính thân ta phải chịu sanh, gìà, bệnh, chết, phiền-não và ô-nhiễm. Tại sao mọi người vẫn mải-mê chạy theo những cái mà bản chất đều vô-thường như vậy. Vì phải chịu sanh, già, bệnh, chết, phiền-não và ô-nhiễm, ta đã nhận thức được sự tai-hại của những điều ấy. Hay ta thử đi tìm cái chưa ai thành đạt, cái chân-lý tuyệt-đối, cái hạnh-phúc tối thượng của cảnh niết-bàn "[74]. Rồi thái-tử lại nghĩ: "Ðời sống tại gia thật tù-túng chật-hẹp, là chỗ ẩn-náu của bụi trần ô-trược, phiền-não và ràng-buộc. Chỉ có xuất gia mới có thể có được một đời sống an-tịnh, thong-dong, tự-tại "[75]. 

Thái tử Siddhattha xin phép xuất gia 

Sáng hôm sau, công-chúa Yasodhara, đang mang thai sắp đến ngày sanh, vẻ mặt mệt-mỏi, vừa thức giấc vội nói với thái-tử rằng:

- Thưa thái-tử, hồi hôm em trằn-trọc mãi ngủ không được, đến khi vừa chợp mắt thì chiêm bao thấy 20 điềm chẳng lành như sau: Em thấy quả đất lay-động, lá phướn của vua Ðế-Thích văng xuống đất, các ngôi sao trên trời rơi-rụng, một cây lộng lớn trong thành bị Channa lấy đi, và còn cắt tóc em mang đi nốt, những xâu chuỗi anh-lạc trên mình em bị rơi mất cả, thân hình em bỗng trở nên xấu-xí, chân tay tự nhiên rơi-rụng, và thân thể lõa-lồ, ngồi lên ghế thì ghế sập cẳng, nằm lên giường thì giường gãy chân, lại thấy những núi lớn sụp đổ, trong thành những cây cổ-thụ gãy ngã ngổn-ngang, mặt trăng mất ánh sáng, mặt trời mất tinh quang, trong thành những ngọn đuốc cháy sáng đều hướng ra ngoài, thần hộ thành kêu khóc, thành Kapilavastu biến thành nơi hoang-vắng, hoa quả trong vườn đều rơi-rụng, các tráng-sĩ hộ-vệ chạy tán-loạn. Theo em nghĩ thì 20 điềm ác-mộng này có lẽ là điềm em sắp chết, hay là thái-tử sắp dứt tình ân-ái bỏ em mà đi hay sao?

- Ðây chỉ là do công-chúa lo-sợ tôi đi xuất-gia[76] đó thôi. Song giấc mộng này chỉ là những điềm lành, không có gì đáng lo ngại, công-chúa cứ yên tâm, không nên phiền-não làm chi cho mệt tinh-thần.[77]

- Thưa thái tử, em sắp đến ngày sanh nở, con của chúng ta sắp chào đời, có thể là một hoàng nam. Xin thái tử đoái nghĩ đến mẹ con em sẽ phải sống đời hiu quạnh buồn thảm nơi hoàng cung nếu không có thái tử bên cạnh. Xin thái tử hãy ở lại với em và con, đừng đi xuất gia.

- Công chúa ơi[78], có bao giờ nàng nhìn thấy một ông cụ hay một bà lão độ 80, hay 90, hay 100 tuổi không? Lưng họ còng xuống như một mái nhà sắp sụp đổ, tay rung rẫy chống gậy, dáng đi khập-khểnh như sắp ngã xuống bất cứ lúc nào, tuổi trẻ đối với họ chỉ còn là một kỷ niệm xa vời, răng gãy xếu-xáo, lưa thưa vài sợi tóc bạc trên đầu, da nhăn nheo như trái mướp khô ! Có bao giờ nàng nghĩ đến một ngày kia chính nàng cũng sẽ phải chịu cảnh già nua như vậy, không thế nào tránh khỏi không?

Công chúa ơi, có bao giờ nàng nhìn thấy một người đàn ông hay một người đàn bà đau yếu bệnh hoạn, phải chịu oằn-oại trên phẩn và nước tiểu của chính mình không? Có người còn được người khác chăm sóc, có người thì không được ai chăm sóc cả ! Có bao giờ nàng nghĩ đến một ngày kia chính nàng cũng sẽ phải chịu cảnh đau yếu bệnh hoạn như vậy, không thế nào tránh khỏi không?

Công chúa ơi, có bao giờ nàng nhìn thấy xác của một người đàn ông hay một người đàn bà, một hai hay ba ngày sau khi chết, sình trương, nứt nẻ, hôi thúi, rục rã không? Có bao giờ nàng nghĩ đến một ngày kia chính nàng cũng sẽ phải chịu cảnh chết chóc thảm thương như vậy, không thế nào tránh khỏi không? ...

- Thôi thôi, thái tử đừng nói đến những cảnh tượng đáng ghê sợ như thế nữa, sẽ có ảnh hưởng không tốt đến con của chúng ta.

- Này công chúa, ta muốn xuất gia chính là để cố tìm ra phương thức thoát khỏi những cảnh đau khổ trong sinh, già, bệnh, chết, sanh tử luân hồi cho chính ta, cho nàng, cho con chúng ta, và cho tất cả chúng sanh đang mê muội chìm đắm triền miên trong biển khổ sanh sanh tử tử. Ðến khi thành công ta sẽ trở về đây để cứu nàng, cứu con và tất cả mọi người. Nàng nên can đảm ở lại chờ ta, đừng ngăn cản ta.

Công chúa Yasodhara nằm úp mặt xuống giường thút-thít khóc.   

Vài hôm sau thái-tử vào gặp vua cha xin phép đi xuất gia:

- Kính lạy Phụ-vương, lòng con đêm ngày muốn xuất gia tầm đạo giải-thoát, kính xin Phụ-vương hoan-hỷ cho con được toại nguyện.

- Thái-tử con! Cha rất thương yêu con nên cha không đành lòng nào thấy con trở thành kẻ ăn xin không nhà không cửa, bữa đói bữa no, rày đây mai đó. Hơn nữa cha mong con sau nầy sẽ nối ngôi vua cai trị thiên hạ. Con đừng đi đâu hết, cứ ở lại đây với cha, rồi con muốn gì cha cũng chiều ý con.

- Như Phụ-vương muốn cho con ở lại thì xin Phụ-vương ban cho con bốn điều này: Một là làm sao cho con trẻ mãi không già; hai là làm sao cho con mạnh khoẻ hoài không bệnh; ba là làm sao cho con sống hoài không chết; bốn là làm sao cho con học được đạo giải-thoát để cứu chúng sanh khỏi những thống-khổ ở đời.

- Này con yêu quí, cứ theo bốn điều con xin đó thì chính cha đây cũng không có, làm sao cha ban cho con được !

Sau khi thái-tử lạy tạ lui ra, vua Suddhodana buồn rầu họp tất cả những người thân-tín trong hoàng cung lại, nói rằng:

- Thái-tử vừa lại đây xin phép đi xuất gia. Nếu ta đồng ý cho đi thì sau này không có người tài trí kế vị, vậy ai có ý-kiến gì hay để giữ thái-tử ở lại hoàng cung chăng?

- Tâu Ðại-vương, quan Tổng-binh nói, hạ-thần sẽ đặt 500 binh-sĩ hùng-tráng khỏe mạnh thay phiên nhau ngày đêm canh gác tại mỗi cửa thành, và thêm 500 binh-sĩ tinh-nhuệ tuần-hành ngày đêm trên mặt thành, thì chắc-chắn không thế nào thái-tử lén ra khỏi thành được.

- Tâu Hoàng-thượng, Hoàng-hậu Pajapati nói, thần thiếp sẽ tăng-cường thêm các thế-nữ xinh đẹp nhất trong hoàng cung để ngày đêm hầu-hạ thái-tử, vừa giúp vui bằng các trò chơi, tiếng đàn, giọng hát, vừa trông chừng thái-tử.

- Các khanh ráng cẩn-thận, vua nói, ta sẽ trọng thưởng. 

Một hôm, thái tử Siddhattha đang đi dạo chơi trong một công viên ở ngoài thành, gặp lúc trời nắng tốt, thái tử xuống hồ nước trong xanh giữa những hàng cây cao vút để tắm cho mát. Trong lúc đang kỳ cọ, bỗng nghe tiếng vua trời Ðao-Lợi là Sakka Indra văng vẳng bên tai:

- Hởi ngài Hộ-Minh Bồ-tát, thời kỳ xuất gia đã đến, ngài chớ nên chần chờ nữa, chúng sanh đau khổ triền miên đang cần ngài cứu độ.

Nghe xong, thái tử Siddhattha thấy lòng hăng hái phấn khởi. Vừa lúc ấy có quân hầu mang lệnh vua đến báo công chúa Yasodhara vừa sanh hoàng nam. Thái tử vui mừng lên lưng ngựa phóng nhanh về thành. Lúc thái tử hân hoan đi ngang qua, cô Kisa Gotami đứng trên lầu nhìn thấy liền cất tiếng hát:

- Hạnh phúc thay được làm cha,

Hạnh phúc thay được làm mẹ,

Hạnh phúc thay được làm vợ

Của một chàng trai như thế.

Trong lúc đang vui mừng phấn khởi, thái tử Siddhattha liền quành ngựa lại, ném tặng nàng xâu chuổi ngọc đeo cổ của chàng trị giá  một trăm ngàn đồng tiền vàng, rồi tiếp tục về hoàng cung. Thái tử chợt nghĩ: Ai ai cũng mong được hạnh phúc, nhưng hạnh phúc ở thế gian vô thường, sanh, già, bệnh, chết này thật chóng tàn phai; làm thế nào để có được Hạnh-Phúc Chân-Thật Vĩnh-Cửu?

 


[1] Kiếp có 2 nghĩa: 1- Từ lúc sanh ra đến lúc chết (nghĩa thường); 2- Kiếp (kalpa) = 432 triệu năm.

[2] Xem Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 154, 190, 200; Khuddaka-nikaya 10.

[3] Các kiếp hiện tại tên Hiền (Bhadra kalpa), các kiếp quá khứ tên Trang-Ngiêm (Vyuha kalpa), các kiếp vị-lai tên Tinh-Tú (Naksatra kalpa).

[4] Trước đức Phật Sakyamuni có 24 vị Phật sau đây: Dipankara, Kondanna, Mangala, Sumana, Revata, Sobhita, Anomadassi, Paduma, Narada, Padumuttara, Sumedha, Sujata, Piyadassi, Atthadassi, Dhammadassi, Siddhattha, Tissa, Phussa, Vipassin, Sikhin, Vessabhu, Kakucchandha, Konagamana và Kassapa.

[5] Mười thánh hạnh là Hỷ-xả tùy thuận, Từ-bi lợi-ích chúng sanh, Nhẫn-nhục, Tinh-tấn dũng cảm, Chân-thật, ba nghiệp Thanh-tịnh, Thiện-nguyện đầy đủ, tâm Bình-đẳng, Ðịnh-lực đầy đủ, Trí-huệ sáng suốt.

[6] Thọ ký là lời tiên đoán để khuyến khích người tu nên vững tâm bền chí để đạt đến kết quả.

[7] Xem Chánh Tông Ký. Theo Phật Học Từ Ðiển của Ðoàn Trung Còn thì Hộ-Minh là Prabhapala; theo quyển The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 18, thì Hộ-Minh là Svetaketu; trước khi xuất gia là thái tử Visvantara (Vessantara), trang 35. Theo The Life of Buddha as Legend and History của Edward J Thomas, trang 99, thì Hộ-Minh là Vessantara.

[8] Theo kinh Trường-A-Hàm, mục Sơ-Ðại-Bản-Duyên, thì ở cõi Ta-Bà này đã có 6 vị Phật ra đời trước đức Phật Thích-Ca-Mâu-Ni. Thuộc kiếp Trang-Nghiêm có các vị Phật Tỳ-Bà-Thi (Vipassin), Thi-Khí (Sikhin) và Tỳ-Xá-Phù (Visvabhu, Vessabhu). Thuộc kiếp Hiền có các vị Phật Câu-Lưu-Tôn (Kakucchandha), Câu-Na-Hàm (Konagamana) và Ca-Diếp (Kassapa), rồi đến Thích-Ca-Mâu-Ni (Sakyamuni).

[9] Pháp-tướng có ba là Ðịnh tướng (Samatha), Huệ tướng (Vibhasa, Tỳ-bà-xá-na), Xả tướng (Upeksa, Ưu-tất-xoa). Tu tam pháp tướng tức là tu định, tu huệ và tu xả. Bồ-tát tu Tam Pháp Tướng sẽ đắc Vô-tướng Niết-bàn.

[10] Ba đướng ác: địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh.

[11] Thiên Long Bát Bộ : Trời (Deva), Rồng (Naga), Dạ-xoa (Yaksa), A-tu-la (Asura), Ca-lầu-la (Garuda), Càn-thát-bà (Gandharva), Khẩn-na-la (Kimnara), Ma-hầu-la-già (Mahoraga).

[12] Theo trong kinh thì xứ Sakya thuộc châu Nam-Diêm-Phù-Ðề ở giữa cõi Ta-Bà thế-giới.

[13] Xem The Life of Buddha as Legend and History của Edward J. Thomas, trang 1-15; Từ Ðiển Phật Học Huệ Quang, chữ Cam-Giá Vương; Mahavastu; Phật Sở Hành Tán 1; Trường A-Hàm 13; Chúng Hứa Ma-ha-đế; Ðại Lâu Thán; Luật Ngũ Phần 15.

[14] Ayodhya còn gọi là Saketa, hiện nay là tên thành phố nằm giữa đường từ thành phố Lucknow đến thành phố Gorakhpur.

[15] Xem Từ điển Phật Học Huệ Quang; Kinh Ðại Nhật 5; Kinh Ðại Khổng Tước Chú Vương hạ; Thích Ca Phả 1; Thai Tạng Giới Thất Tập hạ.

[16] Thiện sanh : nhờ có căn lành nên sanh ra.

[17] Cam giá : sanh ra trong vườn mía. Cam giá là cây mía.

[18] Nhật chủng : nhờ hấp thụ ánh sáng mặt trời nên sanh ra.

[19] Xem kinh Dasaratha-Jataka; The Life of Buddha as Legend and History, trang 9-11.

[20] Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 8; Mahavastu.

[21] Xem Từ Ðiển Phật Học Huệ Quang, chữ Cam-Giá Vương.

[22] Xem Từ Ðiển Phật Học Huệ Quang, chữ Cam-Giá Vương.

[23] Xem Từ Ðiển Phật Học Huệ Quang, chữ Cam-Giá Vương.

[24] Tổng Hội Phật-giáo Thế-giới (World Fellowship of Buddhists), năm 1950 tại Colombo, xác nhận đức Phật nhập niết-bàn năm 544 trước tây lịch, lúc ngài được 80 tuổi. Từ đó suy ra năm sanh của đức Phật là 624 trước tây lịch. Ðến năm -623 Phật được 1 tuổi. Muốn tính năm Phật lịch thì lấy năm dương lịch cộng thêm 544. Ví dụ: dương lịch năm 2000 tương đương với Phật lịch năm 2544.

[25] Lumbini hiện nay thuộc xứ Nepal, cách thành phố Sonauli ở biên giới 27 km.

[26] Nhằm ngày rằm tháng tư âm-lịch năm Bính Thân. Có tài liệu cho rằng lúc đức Phật đản-sanh, nước Trung-Hoa ở vào thời-đại nhà Chu, vua Chiêu-Vương năm thứ 24, tức năm Giáp-Dần. Quan Thái-sử là Tô-Do tâu rằng:  " Tâu Bệ-Hạ, Tây phương có bậc đại thánh ra đời, sau đây khoảng một ngàn năm, giáo-lý của ngài sẽ truyền-bá đến xứ ta." Nhà vua cho người khắc vào bia đá chôn ở Nam-Giao làm tin. (Xem Sự tích Phật giáng thế, dịch-giả Hòa thượng Thích Trung-Quán, trang 18). Ghi chú: năm Giáp Dần là năm -667, không đúng với nhận định cùa Tổng Hội Phật Giáo Thế Giới.

[27] Theo tài liệu của Trung Tâm Du Lịch xứ Nepal năm 2003 thì Kapilavastu hiện nay là làng Tilaurakot, thuộc xứ Nepal, cách Lumbini 30 km về hướng tây-bắc. Nhưng theo tài liệu của Nha Du-lịch Ấn xuất bản năm 1999 thì Kapilavastu hiện nay là làng Piprahwa, thuộc xứ Ấn, cách thành phố Sonauli 66 km về hướng tây-nam, và cách thành phố Siddharthanaga 18 km về hướng đông. Theo quyển The Buddha And His Teachings của NARADA thì Kapilavastu xưa kia nay là Bhuila hay Bhulya thuộc quận Basti, cách Bengal 5km và nằm vào hướng tây-bắc nhà ga xe lửa Babuan.

[28] Xem Majjhima-nikaya 123; Digha-nikaya 14. Con voi trắng tượng trưng cho một vị Bồ-tát, sáu ngà tượng trưng cho lục độ, hoa sen lớn trong bụng voi tượng trưng cho tâm đại bi thanh tịnh.

[29] Có kinh ghi là hoa Ba-la-xoa hay Song-long-thọ, tiếng Phạn là sâla, tên khoa học là Shorea robusta. Cả 2 loại cây Vô-ưu (asoka) và Ba-la-xoa (sâla) đều mọc rất nhiều tại Ấn-độ và hoa của cả hai đều thường được dùng để cúng kiến.

[30] Hoàng hậu Maya sanh thái tử trong lúc đang đứng vịn cành cây.

[31] Theo kinh Trường A-Hàm, quyển 1, phần 1 (Sơ đại bản duyên) : Khi hoàng-hậu đưa tay phải lên định hái hoa Vô-ưu thì chư thiên nhìn thấy thái-tử từ hông phải xuất hiện bước xuống đất, thân ngài tinh khiết thanh tịnh, tức thì cõi đất rung động, hào quang chiếu khắp nơi. Ðức Phật  hài đồng không cần người đỡ, bước đi bảy bước về hướng đông (có kinh nói là hướng bắc), nhìn khắp mười phương, rồi đưa tay lên trời nói rằng : <<Trên trời dưới thế chỉ có Ta là tôn quý, Ta sẽ cứu độ chúng sanh khỏi vòng sinh già bệnh chết>>. Chư thiên vui mừng biết đấng cứu thế vừa ra đời liền kêu gọi nhau đến chiêm bái, tấu nhạc, rải hoa cúng dường. Ðọc giả nên lưu ý đây là cái thấy của chư thiên, không phải cái thấy của người thế gian: Chúng sanh tùy theo nhãn căn và nghiệp lực mà nhìn thấy cảnh vật khác nhau. Chư thiên có thiên nhãn nên nhìn thấy thần thức đức Phật thị hiện đản sanh từ hông phải bước xuống đất rồi bước đi 7 bước ... Nhưng người thường, với cặp mắt phàm tục, chỉ nhìn thấy báo thân đức Phật thị hiện đản sanh như một em bé thông thường, trong hoàn cảnh hoàn toàn tốt đẹp.

[32] Theo kinh Trường A-Hàm, quyển 1, phần 1 (Sơ đại bản duyên) : Khi sanh do hông bên mặt của mẹ mà ra , tức thì có hai suối nước, một nóng một lạnh, tự nhiên ở dưới đất tuông ra, để cúng dường tắm rửa cho Bồ-tát. Cũng có tục truyền rằng lúc đức Phật vừa mới sanh có hai con rồng phun ra một vòi nước nóng và một vòi nước lạnh để tắm Phật, làm thành hồ nước Puskarini còn đến ngày nay.

[33] Piyadasina là vương hiệu của vua Asoka, trị vì từ năm -264 đến năm -227. Vua đến chiêm bái thánh địa Lumbini vào năm -244, sau cuộc Kiết tập Kinh Ðiển lần thứ 3 tại Pataliputta.

[34] Theo quyển Buddha and the Gospel of Buddhism, trang 5; quyển The Life of Buddha as Legend and History, trang 33.

[35] Nalaka (hay Naradatta) lúc bấy giờ được 10 tuổi, về sau xuất gia theo Phật đắc quả A-la-hán, có tên khác là Maha-Kaccana (Ma-ha Ca-Chiên-Diên).

[36] Xem Sutta-nipata / Maha-vagga / Nalaka-sutta.

[37] Xem quyển Buddhism in Translation của Waren, trang 49, và Chú Giải Túc-Sanh-Truyện.

[38] Ba mươi hai tướng tốt (lakkhana) : 1- Bàn chân bằng phẳng đầy đặn ; 2- Dưới bàn chân có dấu chỉ như bánh xe, rõ ràng tươi thắm ; 3- Có màn lưới mỏng giữa kẻ ngón tay ngón chân, như chân ngỗng chúa ; 4- Tay chân mềm mại như áo trời ; 5- Ngón tay ngón chân thon dài ; 6- Gót chân đầy đặn ; 7- Bụng như bụng nai, trên dưới thẳng thắn ; 8- Các khớp xương móc lấy nhau chắc chắn như hai khoen xích ; 9- Nam căn ẩn kín vào trong túi da ; 10- Ðứng thẳng tay duỗi dài quá gối ; 11- Mỗi lỗ chân lông chỉ có một lông sắc lưu ly xanh biếc xoay về phía hữu ; 12- Lông xoay phía hữu, sắc xanh biếc rất đẹp ; 13- Thân màu vàng ròng ; 14- Da thịt mịn màng không dính bụi nhơ ; 15- Hai vai ngang bằng, đầy đặn, tròn đẹp ; 16- Giữa ngực có chữ vạn ; 17- Thân cao gấp đôi người thường ; 18- Bảy chỗ (thất khiếu) trong người đầy đặn, không sâu hoáy như người thường ; 19- Thân cao rộng như cây ni-câu-đà ; 20- Hai má như sư tử ; 21- Ngực vuông đầy như ngực sư tử ; 22- Có 40 cái răng ; 23- Răng ngang bằng tề chỉnh ; 24- Răng khít nhau không hở ; 25- Răng trắng trong ; 26- Yết hầu thanh sạch, ăn thức gì cũng thấy ngon ; 27- Lưỡi rộng dài có thể liếm tới mép tai ; 28- Tiếng nói trong trẻo vang xa ; 29- Mắt màu xanh biếc ; 30- Mắt như mắt trâu chúa, mí trên mí dưới cùng nháy một lần ; 31- Có lông trắng giữa hai chân mày, mịn thắm, kéo ra dài một tầm, thả ra thì xoắn lại về phía hữu ; 32- Trên đỉnh đầu có bứu thịt nổi cao. (Xem kinh Trường A-hàm, quyển 1, phần 1; kinh Ðại-Bát  Niết-Bàn, phẩm 23 Sư tử hống bồ-tát; Majjhima-nikaya / Brahmana-vagga / Brahmayu-sutta).

[39] Tám mươi vẻ đẹp (anuvyanjana) là các điểm phụ cho 32 tướng tốt. Không kể ra đây vì quá dài.

[40] Ông Kondanna là một trong 5 người theo Phật tu khổ hạnh và được nghe thời pháp đầu tiên của Phật tại Lộc-Uyển, Sarnath.

[41] Theo kinh Trường A-hàm, phẩm Sơ Ðại Bản Duyên, và kinh Lalitavistara thì đó là thông lệ của chư Phật đản sanh.

[42] Theo The Life of Buddha as Legend and History, trang 31, thì hoàng hậu Maya sanh về cung trời Ðâu-suất (Tusita).

[43] Bà Pajapati tự mình chăm sóc Siddhattha như con ruột. Qua năm sau bà sanh hoàng tử Nanda.

[44] Xem Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 187, 190, 192; Lalitavistara, XI.

[45] Cây ni-câu-đà (nigrodha) là một loại cây cao lớn (25m) mà hột nhỏ giống như hột cây dương-liễu. Thái-tử đang ngồi ở mé vườn cây ni-câu-đà gần thành Kapilavastu. Sau khi thành Phật trở về, ngài cũng ngự tại đây thuyết pháp giáo-hóa những người dòng Sakya và dân chúng. Theo kinh Lalitavistara và kinh Majjhima Nikaya thì thái tử ngồi dưới cây Jambu (hồng táo, red apple tree, pommier rouge).

[46] "Chỉ" là dứt trừ phiền não và vọng-tưởng, "Quán" là tìm chân-lý. Ðó là 2 phương-pháp thiền-định.

[47]Sotapanna là quả vị Tu-đà-hoàn, còn gọi là Dự-lưu. (tĩnh từ) là thuộc quả Tu-đà-hoàn.

[48] Xem Sự Tích Phật Giáng Thế của Hòa thượng Thích Trung-Quán, trang 34.

[49] Brahmana (Phạn thư), Nighandu (Từ ngữ), Sokkharappabhedana (Ngữ học), Itihasa (Sử truyện), Veyyakarana (Văn pháp), Rigveda và Atharvaveda là hai kinh thông dụng nhứt trong bộ kinh Veda.

[50] Theo The Life of Buddha as Legend and History, trang 46-47, trích từ kinh Lalitavistara, thì thái tử Siddhartha hỏi thầy Visavamitra muốn dạy viết mẫu tự nào, rồi thái tử cầm bảng viết ra 64 mẫu tự. Mỗi lần viết ra một mẫu tự, thái tử liền đọc một bài kệ giảng về đạo lý khởi đầu bằng mẫu tự ấy.

[51] Ðoạn nầy trích trong Sự Tích Phật Giáng Thế của Hòa-thượng Thích Trung-Quán, trang 27-28.

[52] Xem Sự Tích Phật Giáng Thế của Hòa-thượng Thích Trung-Quán, trang 29-30.

[53] Xem Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 186, 190; Lalitavistara; Buddhacarita.

[54] Xem The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 58 - 66; The Life of Buddha as Legend and History, trang 48-50; kinh Lalitavistara.

[55] Chiến xa: xe do ngựa kéo ra trận thời xưa.

[56] Xem Anguttara-nikaya / Nipata 1.

[57] Xứ Kasi lúc bấy giờ nổi tiếng có nhiều tơ lụa tốt. Thủ-đô của Kasi là Benares, hiện nay tên Varanasi, cách Sarnath độ 10 km về phía nam. Xứ Kasi lúc bấy giờ lệ thuộc vào vương quốc Kosala.

[58] Xem Anguttara-nikaya / Nipata 1; The Buddha and his Teachings, trang 7.

[59] Xem Sự Tích Phật Giáng Thế của Hòa thượng Thích Trung-Quán, trang 43-44.

[60] Ngũ Tịnh-Cư Thiên là 5 cảnh trời thuộc Sắc-giới, gồm có: 1- Vô-Phiền thiên (Aviha). 2- Vô-Nhiệt thiên (Atapa). 3- Thiện-Kiến thiên (Sudassana). 4- Thiện-Hiện thiên (Sudassa). 5- Sắc-Cùu-Cánh thiên (Akanittha). Những vị đắc quả A-na-hàm hoặc Tứ-thiền có thể sanh lên một trong năm cảnh Tịnh-Cư thiên (Suddhavasa).

[61] Năm cảnh dục lạc là tài, sắc, danh, thực, thùy (tài lợi, sắc dục, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ).

[62] Sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (ý).

[63] Chơn như là Phật tánh, chơn-lý tối thượng.

[64] Tứ vô úy (Cattari vesarajjani) là 4 sự tự tin, an ổn, không lo sợ: 1- Nhất thiết trí vô úy, 2- Lậu tận vô úy,    3- Thuyết chướng đạo vô úy, 4- Thuyết chánh đạo vô úy.

[65] 37 phẩm pháp bảo: Tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo.

[66] Lục sư ngoại đạo: 6 giáo phái nổi tiếng vào thời Phật tại thế.

[67] Năm món dục lạc là tiền tài, sắc dục, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ.

[68] Sa-môn: Tiếng Phạn là Sramana, tiếng Pali là Samanna, có nghĩa là người siêng làm điều thiện, dứt bỏ nghiệp ác, cạo râu tóc, mặc áo cà-sa, sống bằng cách xin ăn, chỉ ăn trước hoặc trong giờ ngọ, ngủ dưới gốc cây.

[69] Vô lậu (anasava) là thanh-tịnh, không còn phiền não, không còn tái sanh vào 3 đường ác.

[70] Năm giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.

[71] Năm cảnh dục lạc là sắc, thanh, hương, vị, xúc; hoặc tài, sắc, danh, thực, thùy.

[72] Vô úy (vesarajja, abhaya) là tự tin, không còn sợ phải rơi vào cảnh khổ.

[73] Hộ niệm là hướng dẫn, giúp đỡ người khác suy nghĩ để tìm ra chân lý và hạnh phúc.

[74] Majjhima Nikaya (Trung Bộ), kinh số 26 Ariyapariyesana-sutta.

[75] Majjhima Nikaya (Trung Bộ), kinh số 36 Mahasaccaka-sutta.

[76] Xuất gia (nekkhamma): xa lìa đời sống thế tục để sống đời tu sĩ.

[77] Xem Sự Tích Phật Giáng Thế của Hòa thượng Thích Trung-Quán, trang 55.

[78] Xem Anguttara-Nikaya III. 35.

 

---o0o---

 

Mục Lục > 01 > 02 > 03 > 04 > 05 > 06 > 07 > 08 > 09  > 10

11 > 12  > 13 > 14 > 15  > 16 > 17 > 18 > 19> 20

 

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 8-2007

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

An 生日快乐 mua lu lai tran ve phật tử trên bước đường tìm 积极向上的名言警句 賴志顏 æˆ å šæ nhà hÓng 白骨观 危险性 佛语不杀生 丢失菩提心的因缘 ブッダの教えポスター ç æŒ 河南有专属的佛教 nhà chua hoe nhai duc Nắng Mộng äºçæˆçæˆ 倓虚法师 thanh 护法 thuc เพรงดนต ฟ vÃƒÆ 刘德华的信仰 激安仏壇店 tu 高級 霊園 盂蘭盆会 応慶寺 Nhà dã¹ng Mùa hoa cà phê Nguyên nhân phân phái đầu tiên trong 即刻往生西方 thà Š人形供養 大阪 郵送 phật giáo Chả æˆåšæ 佛经讲 男女欲望 禅心の食事 Cẩn ý nghĩa dâng hương nhac si sy luan vao chua 元音老人全集 ä æ é gap