--- o0o ---
B. NỘI DUNG
Nói đến “năm đức
của người hảo tâm xuất gia” tức là nói đến những nét cao đẹp trong đời sống phạm
hạnh. Trước khi bàn về những nét cao đẹp này, chúng ta cũng nên sơ lược tìm
hiểu những điểm đặc trưng cho đời sống phạm hạnh.
I.- VÀI NÉT VỀ ĐỜI SỐNG XUẤT GIA:
1)- NHỮNG ĐIỂM
ĐẠC TRƯNG CHO ĐỜI SỐNG XUẤT GIA:
Ca ngợi về công hạnh
của người xuất gia, đức Điều Ngự Giác Hoàng có lời kệ:
“Phù thế gian tối quý giả
Bất như xả tục xuất gia
Nhược đắc vi tăng,
Tiện thọ nhân thiên cúng dường
Tác Như Lai chi sứ giả
Dữ Hiền Thánh chi tôn thân”
(Tạm dịch:
Thế gian, cao quý hơn người
Sao bằng xả tục, sống đời xuất gia
Làm Tăng, sứ giả Phật Đà
Trời người cung dưỡng, Thánh là Tôn thân)
Vì sao người
“xả tục xuất gia” lại được xem là bậc “thế gian tối quý”? Để xứng đáng là sứ giả
của Như Lai, là tôn thân của các bậc Hiền thánh, không hổ thẹn khi lãnh thọ của
cúng dường, hàng xuất gia phải có một nếp sống phạm hạnh “bạt tục siêu quần” như
thế nào? Vấn đề sẽ sáng tỏ khi chúng ta tìm hiểu về “những điểm đặc trưng cho
đời sống xuất gia”.
a/- Ý nghĩa của việc xuất gia:
Xuất gia (Nekkhamma)
có nghĩa là khước từ những điều mơ ước của thế gian để chọn lấy đời sống tu sĩ,
cũng có nghĩa là tạm thời vượt qua khỏi các pháp che lấp Niết Bàn bằng cách thực
nghiệm con đường Giới-Định-Tuệ. Kinh tạng Nikàya thường mô tả: Xuất gia là cạo
bỏ tóc râu, đắp áo cà sa, từ bỏ gia đình sống không gia đình, sống trong pháp và
luật của đức Thế Tôn. Đời sống xuất gia còn được gọi là đời sống phạm hạnh.
PHẠM HẠNH ở đây chỉ cho sự cố gắng liên tục để hướng đến sự thanh tịnh tối
thượng, sự đoạn tận mọi thứ bất tịnh nhiễm ô, sự chế phục đối với nhũng nhu cầu
khát vọng của cuộc sống thế tục…
Theo kinh điển Đại
thừa, danh từ XUẤT GIA có 3 ý nghĩa:
1 - Xuất thế
tục gia: là ra khỏi ngôi nhà thế tục, từ giã lục thân quyến thuộc, xả bỏ
tài sản ở đời, cạo tóc nhuộm áo theo thầy học đạo.
2 - Xuất phiền
não gia: là ra khỏi căn nhà phiền não: tham, sân, si, mạn… khép mình vào
nếp sống hòa hợp thanh tịnh của đoàn thể tăng già.
3 - Xuất tam
giới gia: là dứt trừ những hệ phược chốn trần lao, ra khỏi nhà lửa tam
giới: dục giới và vô sắc giới.
Trên đay là sơ lược
về ý nghĩa 2 chữ XUẤT GIA. Cũng cần nói thêm: có một số danh từ người ta thường
dung để gọi người xuất gia như là: Thích tử, Nạp tử (Nột tử), Sa môn, Tu sĩ. Ở
đây, xin lược nêu ý nghĩa của các từ này nhằm làm rõ thêm ý nghĩa của việc xuất
gia.
● THÍCH TỬ:
Là con Phật (Phật
tử), đệ tử của đức Phật Thích Ca, noi theo sự giáo hóa của bậc Thầy là Phật
Thích Ca mà tu hành. Đặc biệt, chữ PHẬT TỬ ở đây nên hiểu theo nghĩa sau:
“Tùng Phật khẩu sanh - Tùng pháp hóa sanh
Đắc Phật pháp phần - Cố danh Phật tử”
(Từ miệng Phật sanh ra - Từ Pháp mà hóa sanh
Đặng pháp phần của Phật - Nên gọi là Phật tử)
Thích tử tức là:
người con họ Thích, người họ Thích.
Kinh A Hàm chép:
“Trăm sông chảy vào một biển, nước biển đồng một vị mặn. Bốn họ xuất gia đồng
xưng Thích tử”. Điều này cho thấy” giáo đoàn của Phật không phân chia cao thấp
sang hèn, đã vào “nhà Phật” thì đều được mang họ Phật.
● NẠP TỬ:
Cũng gọi là: nạp
tăng, nột tử; là người mặc áo nạp
Áo nạp (Nạp y) còn
gọi là phấn tảo y, là áo vải thô sơ được chắp vá bằng nhiều mảnh.
Thuở xưa, Sa môn đệ
tử Phật thường tu theo hạnh đầu đà, mặc áo chằm vá và khất thực độ nhật, đơn
giản hóa các nhu cầu hằng ngày, dành hết thời giờ và tâm trí và việc trau giồi
đời sống phạm hạnh. Danh xưng này hiện nay ít được dùng, thỉnh thoảng chỉ thấy
được chép trong Thiền Lâm Bảo Huấn.
● SA MÔN:
Trong các kinh
Nikàya, danh từ SA MÔN thường được dùng để chỉ cho người xuất gia.
Sa môn: dịch
âm từ tiếng Phạn, nói đủ là Sa-môn-na (samana) gồm có 2 nghĩa chính:
1 -
Cần tức giả: “cần tức” lại có 2 ý:
+ Cần
hành chúng thiện, tức diệt chư ác.
(Siêng
làm các việc lành, dứt bỏ các việc ác)
+ Cần tu
giới định tuệ, tức diệt tham sân si.
(Siêng
tu giới định tuệ, diệt trừ tham sân si)
2 - Bần
giả, bần đạo:
Người
chịu nghèo, chẳng giữ của cải (an bần thủ đạo)
● TU SĨ:
Là từ dùng để chỉ
chung cho người tu hành ( kể cả người tu theo đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành. Đạo
Hồi …). Riêng đạo Phật, TU SĨ là từ dành cho người học Phật xuất gia khác với
cư sĩ cũng là người học Phật nhưng ở tại gia. Thật ra, dù là người tại gia, nếu
đã dốc hết thân tâm học Phật tu theo Phật thì nào có khác gì tu sĩ (người tu
hành). Tuy nhiên, vì đời sống tại gia ít nhiều cũng có những ràng buộc, chướng
ngại, khó lòng sống trọn vẹn cho đạo nên ở một bình diện tương đối, người ta
phân biẹt như vậy. Định nghĩa về 2 chữ TU HÀNH trong Sơ đẳng Phật học giáo khoa
thư có chép:
“Tu hành
giả, tu cải hành vi, xả ác thủ thiện, ly tục tùng đạo dã”
(Tu hành là sửa
đổi hành vi, bỏ ác làm lành, lìa tục theo đạo)
Nghĩa chữ TU còn
được giải thích cặn kẽ như sau:
TU là một tiếng
nguồn gốc từ chữ Hán, dịch nghĩa thong thường là “SỬA”. Đã gọi là SỬA thì bất
luận những cái gì xấu xa hư dở đều phải sửa. Mà ở đời có cái gì là hoàn toàn
không hư không dở? Nhất là đối với bản thân mỗi người chúng ta có biết bao
nhiêu điều xấu xa hèn dở cần phải sửa:
• Sửa dở thành hay.
• Sửa xấu thành tốt.
• Sửa tà thànhchánh
• Sửa vọng thành chơn
• Sửa phiền não thành Bồ Đề
• Sửa sanh tử thành Niết Bàn
• Sửa phàm thành Thánh
• Sửa chúng sanh thành Phật.
Tóm lại: tu là sửa
cái hư vọng dối trá trở lại CHƠN, sửa cái xấu xa tồi tệ mục nát trở lại MỸ, sửa
cái tội ác tàn bạo trở thành THIỆN. Thế thì, người tu là người thực hiện một
công cuộc cải cách “thánh thiện hóa thân tâm”, hướng mình đến một cõi
sống hoàng kim “toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ”.
b/- Sinh hoạt của người xuất gia:
Nói đến sinh hoạt
của người xuất gia, đầu tiên chúng ta phải liên tưởng ngay đến giới luật. Bởi
vì: “Giới luật là thọ mạng của Phật Pháp; giới luật còn, Phật Pháp còn”. Thiếu
giới luật, tăng đoàn khó mong được hòa hợp thanh tịnh. Xưa kia, khi đức Thế Tôn
còn tại thế, sau 13 năm thành đạo, nhận thấy tăng chúng bắt đầu sanh hữu lậu
pháp, ngài bèn chế định ra giới luật để làm tiêu chuẩn cho sự tu hành và nếp
sinh hoạt cho chúng đệ tử. Sau Phật diệt độ, các bậc kỳ túc trưởng lão lần lượt
góp nhat, biên soạn lại để làm kỷ cương tu hành. Đoàn thể xuất gia đều phải
tuân thủ theo giới luật, tôn trọng giới luật như bậc Đại Đạo Sư ( theo lời Phật
Di giáo). Tuy nhiên, vì trong khi hành trì có sự bất đồng ý kiến, các tông
phái lần lượt hình thành: lại tuỳ theo phong tục quốc độ nên các văn bản về giới
luật có phần sai khác hoặc chênh lệch về số lượng. Điển hình như : theo luật Tứ
phần của Bắc tông thì Tỳ kheo có 227 giới. Tỳ kheo ni có 321 giới. Các giới
điều tuy có sai khác nhưng chỉ khác về tiểu tiết còn đại cương thì vẫn giống
nhau. Năm chúng xuất gia tuỳ theo khả năng mà lãnh thọ nhiều ít. Đã thọ giới
rồi thì phải nương theo các giới diều trong giới bổn mà hành trì, lấy đó làm mực
thước trong sinh hoạt hằng ngày, dè dặt chẳng để trái phạm. Bên cạnh đó, chư Tổ
còn chế thêm thanh quy (như Bách Trượng thanh quy) để nghiêm chúng, lấy đó làm
qui ước cho chốn Tòng lâm. Do vậy, người xuất gia cử chỉ động tĩnh đều phải noi
theo phép tắc. Riêng đối với “Lục hòa kỉnh pháp”, người nào trái phạm bị xem
như phá hòa hợp tăng, nếu nặng có thể bị tẩn xuất.
Trên đây là nói về
thiền môn qui củ, tức tiêu chuẩn chung cho mọi sinh hoạt của người xuất gia. Về
sinh hoạt cá nhân, mỗi người tự tạo cho mình một nếp sống thiểu dục tri túc,
không mong cầu, không chất chứa, không chú trọng vào vật chất, chỉ lấy sự thanh
đạm làm mãn nguyện “an bần thủ đạo”. Còn về thời khóa tu tập cũng như công tác
hằng ngày thì tuỳ theo cách tổ chức, qui định riêng của mỗi tòng lâm mà có phần
sai khác. Như: Thiền tông chú trọng về tọa thiền, Mật tông chuyên về chú quyết,
Tịnh độ tông thiên về tụng kinh niệm Phật… Chú trọng phần nào thì phần ấy được
dành thời giờ nhiều hơn. Trong khi hành trì, hành giả phải lấy đức tinh tấn làm
đầu, chớ để một niệm buông lung giải đãi. Ngoài những thời khóa và công tác đã
ấn định, thời giờ còn lại, người có lo hạ thủ công phu “ôn tầm bối diệp” v.v…Có
thể nói: về sinh hoạt tinh thần cũng như vật chất, người xuất gia đều phải noi
theo lời Phật dạy, lấy đó làm căn bản để tién tu; luôn luôn và lúc nào cũng ghi
nhớ “vai trò trách nhiệm” của mình đẻ có lối hành xử phù hợp và thích đáng.
● ĐỊA VỊ (VAI
TRÒ) CỦA NGƯỜI XUẤT GIA:
+ Địa vị
Trưởng tử: Người xuất gia là người đại diện Phật tuyên dương chánh
pháp, đại biểu và chủ trì Phật Giáo. Cho nên trong Phật Giáo, địa vị của người
xuất gia là địa vị “Trưởng tử”
+ Địa vị Chúng
trung tôn: Chánh pháp của Phật là phương pháp làm cho con người xứng
đáng với danh nghĩa con người (kiện toàn và hoàn thiện hóa thân cách), cải tạo
con người độc ác, ngu muội, hèn nhát thành con người bi, trí dũng. Chánh pháp
ấy do nơi người xuất gia truyền bá. Do vậy, trong xã hội, người xuất gia giữ
địa vị “Chúng trung tôn”.
● NHIỆM VỤ CỦA
NGƯỜI XUẤT GIA: có 2 điều trọng yếu.
+ Trụ trì
chánh pháp: trong việc duy trì và làm hưng thạnh mạng mạch Phật Pháp,
người xuất gia không những có trách nhiệm phải hoằng pháp, hộ pháp mà đặc biệt
phải “như pháp mà tu hành”.
Người tu mà phá
giới phá kiến thì mạng mạch Phật Pháp sớm bị băng hoại. Đó là hiện tượng “Sư
tử trùng thực sư tử nhục”.
+ Giáo hóa xã
hội:
Muốn xã hội không
đau khổ, được an lạc, người xuất gia phải giáo hóa mọi người bằng cả thân giáo,
khẩu giáo, ý giáo.
Vai trò và trách
nhiệm của người xuất gia lớn lao như vậy nên trong sinh họạt hằng ngày, người
xuất gia phải nỗ lực tăng tấn hạnh giải.
c/- Con đường tu tập của người xuất gia:
Quanh quẩn trong rừng giáo điển kinh-luật-luận, đôi lúc chúng
ta cảm thấy phân vân, bất quyết không biết nên thú hướng về đâu vì ngôn giáo hầu
như “muôn màu muôn vẻ”. Nhưng, điều làm cho chúng ta cảm thấy an tâm là: “Rừng
thiền thăm thẳm, bể luật mênh mông, chung quy không ngoài TAM VÔ LẬU HỌC”. Thật
vậy, rải rác trong các kinh là vô lượng pháp môn tu tập nhưng tựu trung đều nhàm
hiển bày ba môn học: Giới-Định-Tuệ. Như chiếc lưới dầu nhiều mắt vẫn có giềng
mối để dễ tóm thâu, y cứ vài then chốt “Giới-Định-Tuệ” ta sẽ dễ dàng thăng tiến
trên lộ trình giác ngộ giải thoát. Cổ đức đã từng hướng dẫn chúng ta:
“Buộc tâm lấy GIỚI làm dây
Vững tâm lấy ĐỊNH dựng xây đạo tràng
Rõ tâm đuốc TUỆ soi đàng
Tâm không cảnh tịnh, Niết Bàn an vui”
Tại đây, vì không
thuộc phạm vi khảo sát chủ yếu nên chúng ta tạm giới thiệu tiến trình tu tập ba
pháp học này dựa theo Đại kinh xóm ngựa.
Trước khi tuyên
thuyết ba pháp học này, đức Phật đã khuyến cáo chúng Tỳ Kheo: Này các Tỳ kheo,
các ông đã được ưng là Sa môn, đã tự nhận là Sa môn thì phải tu tập như thế nào
để xưng được chân chánh và sự tự nhận được như thật. Có thế thì đối với những
đồ cúng dường mà các ông thụ hưởng mới có được lợi ích lớn, được kết quả lớn và
sự xuất gia của các ông mới không thành vô dụng, có kết quả, có thành tích.
Lần lượt sau đó, đức
Phật đã giới thiệu: Pháp tác thành Sa môn có 3. Đó là: Giới học-Định học-Tuệ
học.
● Pháp tác
thành Sa môn thuôc GIỚI HỌC: gồm 7
1) Tàm quý
2) Thân khẩu ý
hành thanh tịnh.
3) Mạng sống
thanh tịnh.
4) Hộ trì các
căn.
5) Tiết độ
trong ăn uống.
6) Chú tâm cảnh
giác
7) Chánh niệm
tỉnh giác.
● Pháp
tác thành Sa môn thuộc ĐỊNH HỌC: gồm 3
1) Tọa thiền
(ngồi xếp bằng, lưng thẳng, an trú niệm trước mặt)
2) Thay thế 5
triền cá bằng 5 thiền chi
• Tầm
≠ hôn trầm thuỳ mien
•
Tứ ≠ nghi
•
Hỷ ≠ sân
•
Lạc ≠ trạo hối
• Nhất
tâm ≠ tham dục.
3) Chứng và trú
4 tầng thiền
● Pháp
tác thành Samôn thuộc TUỆ HỌC:
Với tâm định
tĩnh, thuần tịnh, trong sắng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu
nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc,
bình tĩnh, vị ấy dẫn tâm hướng đến:
• Túc mạng minh
• Thiên nhãn minh.
• Lậu tận trí
Từ đây, vị ấy
hướng tâm đến thắng trí, chứng được tâm giải thoát và tuệ giải
thoát; đoạn trừ và thoát ly toàn
bộ các lậu hoặc, giải thoát các sanh y. Đây chính là lúc vị ấy nhận biết:
“Sanh đã tận
Phạm hạnh đã thành
Những việc đáng làm đã làm
Không còn thọ thân sau”
Trên đây đã
trình bày qua 3 pháp tác thành Sa môn. Có thể nói: Cuộc sống tinh
thần của vị Sa môn sở dĩ được
cao thượng là do thành tựu Giới cụ túc. Pháp hành của Sa môn sở dĩ được tiến
triển là do thành tựu Định cụ túc. Nội tâm của Sa môn sỡ dĩ được minh triết,
thánh thiện là do thành tựu Tuệ cụ túc. Vị Sa môn sẽ không còn dính mắc trong
vòng sanh tử, sẽ đi đến mục đích giải thoát Niết Bàn khi đã cụ túc hoàn hảo về
tam vô lậu học.
Các kinh thường ví
tam vô lậu học như cái đãnh ba chân luôn luôn và lúc nào cũng hỗ trợ cho nhau:
nhân nơi giới mà phá sinh định, nhân nơi định mà trí tuệ hiển bày. Ngược lại,
nhờ có trí tuệ mà đình chỉ được vọng niệm (thành tựu định), nhờ đình chỉ vọng
niệm mà trong ngoài khỏi lỗi ( thành tựu giới). Vậy nên với người cầu đạo Giải
thoát không thể bỏ sót phần nào trong tam vô lậu học. Nói cách khác: con đường
tu tập tất yếu của người xuất gia chính là con đường tăng tiến và kiện toàn ba
môn học: Giới-Định-Tuệ
Xuyên qua 3 bước
khảo sát về:
• Ý nghĩa của việc xuất gia.
• Sinh hoạt của người xuất gia.
• Con đường tu tập của người xuất
gia.
Chúng ta thấy rằng:
Người xuất gia chân chính là người cắt đứt mọi sợi dây trói buộc của phàm tình
để sống đời phạm hạnh, một nếp sống độc thân, viễn ly, thiểu dục, tri túc nương
theo giáo pháp của Phật ( chủ yếu là Giới-Định-Tuệ) để chuyển hóa và cải tạo
những pháp hạ liệt, uế nhiễm ở đời (tiêu biểu là tham-sân-si). Bên trong, vị ấy
tự làm cho mình được thanh tịnh, được giải thoát. Bên ngoài, vị ấy giúp cho
người khác cũng như mọi loài chúng sanh đều được thanh tịnh giải thoát như
mình. Giữa dòng đời xuôi ngược, chằng chịt những buộc rang, người xuất gia là
hiện thân của sự thanh thoát:
“Nhứt bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Chỉ vi sanh tử lộ
Giáo hóa độ Xuân thu”
(Một bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Chỉ vì đường sanh tử
Giáo hóa suốt đời ta)
2.- CÁC CÁCH HỌC
ĐẠO CỦA NGƯỜI XUẤT GIA:
Cùng là một hành động nghĩa
hiệp “cứu người khỏi chết đuối” nhưng nhà tâm lý học dựa vào mức độ tốt xấu của
động cơ mà có sự đánh giá sai khác về phẩm chất của người cứu (mức độ xấu tốt
được sắp xếp theo trình tự trước sau):
• Vì biết nạn nhân con nhà
giàu có, cứu để được thưởng.
• Vì biết nạn nhân là cô gái
đẹp, cứu để “gieo duyên”
• Vì danh dự mình là vận động
viên bơi lội cừ khôi
• Vì động cơ trách nhiệm mình
là người bảo vệ hồ bơi
• Vì lòng nhân đạo, thương hại
người bị nạn.
Trong thực tế, vì khó biết được
động cơ của chủ thể (bản thân người làm mới biết rõ) nên người ta phần nhiều
chỉ chú trọng đến kết quả, xem kết quả là chính. Dầu vậy, cũng có thể dựa vào
một số biểu hiện mà suy đoán được phần nào mức độ tốt hay xấu của động cơ. Tâm
lý học đã khẳng định rằng: Một hành vi thực sự có giá trị đạo đức phải là hành
vi hoàn hảo cả hai khâu: động cơ và kết quả (cả hai đều tốt). Làm việc hào
hiệp nhưng với động cơ vụ lợi hèn mọn vẫn bị đánh giá là kẻ thấp hèn. Hết lòng
vì đại cuộc nhưng năng lực kém cỏi, “đắc thất bất minh”, chuyên làm những chuyện
“dã tràng xe cát” thì dẫu khổ công nhọc sức vẫn chẳng được người tôn vinh.
Sự đời đã như vậy, lẽ đạo có
khác gì chăng? Thật ra, với Phật Giáo, chân lý tuyệt đối xưa nay vốn bặt ngôn
ngữ, tuyệt suy lường, không còn các tướng đối đãi: hơn-thua, cao-thấp. Khen–chê,
được-mất cũng chỉ như những áng phù vân trôi nổi trên bầu trời chân tánh. Tuy
nhiên, khi còn ở cửa phương tiện chúng ta cũng nên biết qua những loại hành
tướng tốt-xấu, hay-dở để chọn chỗ thú hướng cho tâm của mình. Qua phần khảo sát
trên (mục 1), chúng ta ai cũng biết: người xuất gia là người sống đời cao thượng
vì ôm ấp một hoài bão cao thượng và cố gắng thực thi một hành động cao thượng
là: “cứu chúng sanh khỏi chết đuối trong biển sanh tử luân hồi”. Song, hành
động ấy có thực sự cao thượng hay không còn tuỳ thuôc vào động cơ phát tâm và
thái độ tu hành của mỗi người. “Như nhân ẩm thuỷ, lãnh noãn tự tri”, phi Thánh
nhân và bậc tu chứng mấy ai thấu rõ tâm nguyện của ta hơn là “mình tự biết
mình”. Ở đây, chỉ xin nêu một số cách phân loại của người xưa (qua kinh điển)
để mỗi hành giả tự soi rọi, đánh giá cho động cơ phát tâm cũng như thái độ tu
hành của chính mình
● TÁM LOẠI TÂM NGUYỆN
(theo Khuyến phát Bồ Đề tâm văn)
Chúng sanh sa giới chủng loại
ngàn sai nên việc phát tâm lập nguyện đương nhiên cũng có nhiều tướng dị biệt.
Tâm nguyện đã có nhiều tướng dị biệt: thắng-liệt, ưu-khuyết…khác nhau, nếu không
am tường thật khó tránh khỏi sự lầm đường lạc lối. Bởi vậy, muốn đi đúng vào
nẻo chánh, không trái với chí nguyện xuất gia ban đầu cần phải khảo sát các ngõ
ngách thông bít của việc phát tâm:
Theo Tỉnh Am đại sư, tướng
trạng của tâm nguyện có 8. đó là: tà, chánh, chân, nguỵ, đại, tiểu, thiên,
viên.
1) Thế
nào là TÀ? - Người xuất gia chỉ một bề tu hành không chịu cứu xét tâm
tánh, chuyên lo ngoại vụ, hoặc chạy theo
danh văn lợi dưỡng, hoặc ham lạc thú hiện tại, hoặc cầu quả vui vị lai.
2) Thế
nào là CHÁNH ? - Người xuất gia không cầu lợi dưỡng danh văn, lại
không ham quả báo dục lạc, chỉ vì mục đích
thoát ly sanh tử, chứng đắc Bồ Đề.
3) Thế
nào là CHƠN ? - Người xuất gia niệm niệm liên tục trên mong cầu Phật
đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Nghe Phật đạo
dài xa không lùi bước khiếp sợ, thấy chúng sanh khó độ không chán nản mệt mỏi.
Như người trèo núi cao muôn trượng quyết lên thấu đỉnh, như lên tháp chín tầng
cố lên tận nóc.
4) Thế
nào là NGUỴ ? - Có tội không sám hối, có lỗi không dứt trừ, ngoài sạch
trong nhơ, trước siêng sau nhác, tuy có tâm
tốt nhưng phần nhiều bị danh lợi xen lẫn, tuy có pháp lành lại bị vọng nghiệp
làm nhuốm bẩn.
5) Thế
nào là ĐẠI ? - Người phát tâm nguyện rộng lớn: “Cõi chúng sanh hết
nguyện của ta mới hết, đạo Bồ Đề thành
nguyện của ta mới thành”.
6) Thế
nào là TIỂU ? - Người tu với tâm yếm xả: xe ba cõi như lao ngục, thấy
sanh tử như oan gia, chỉ mong tự độ, không
muốn độ người.
7) Thế
nào là THIỆN ? - Người xuất gia ngoài tâm thấy có chúng sanh để độ, có
Phật đạo để thành, công phu không xả, thấy
biết không tan.
8) Thế
nào là VIÊN ? - Biết tự tánh là chúng sanh nên nguyện độ thoát, tự tánh
là Phật đạo nên nguyện thành tựu. Không
thấy một pháp nào ngoài tâm riêng có. Đem tâm vô tướng, phát nguyện vô tướng,
hành hạnh vô tướng, chứng quả vô tướng. Sau cùng, cái tướng “vô tướng” cũng xem
là “bất khả đắc”.
Đối với 8 loại tâm nguyện kể
trên, hành giả nào phát tâm lập nguyện ứng với 4 loại : chánh, chân, đại, viên
thì được xem là người chân chánh xuất gia, chân chánh phát tâm Bồ Đề.
Có thể nói: tâm nguyện xuất gia
là động cơ chính, giữ vai trò chủ đạo chi phối và ảnh hưởng đến thái độ tu hành
của người xuất gia xuyên suốt quá trình học đạo và hành đạo. Được xem là bậc
“Thiên nhơn mô phạm” hay bị xếp vào hạng “lạm xí tăng luân” là tuỳ thuộc vào mức
độ tốt hay xấu của động cơ này. Thế nên, dưới đây hình thức tuy phân nhiều loại
khác nhau; kỳ thực, bản chất của việc phân chia đều y cứ vào cácloại tâm
nguyện.
● BỐN LOẠI XUẤT GIA
(theo Pháp Uẩn túc luận) :
1) Thân
xuất gia, tâm tại gia: thân vào chùa học đạo làm đạo nhưng tâm vẫn còn
lưu luyến thế tục.
2) Thân
tại gia, tâm xuất gia: tuy vẫn có gia đình nhưng tinh tấn tu học, không
bị vọng tình thế gian làm đam mê nhiễm
trước.
3) Thân
tâm đều xuất gia: tâm không còn lưu luyến đối với các dục cảnh, kính
mộ Tam Bảo, giữ giới thanh tịnh, quyết dứt
bỏ các phiền não, quyết tâm đác quả Bồ Đề.
4) Thân
tâm đều chẳng xuất gia: thọ dụng ái dục, đam nhiễm rất sâu. Hình
thức là người xuất gia nhưng thực chất thì
không khác gì người thế tục. (Thân trụ không môn, tâm hành trần tục). Sa di
luật giải gọi đây là Húc cư sĩ (cư sĩ trọc)
Trong 4 loại
trên, được như loại thứ 3 là quý nhất.
● BỐN LOẠI
SA MÔN (theo Du Già luận và Câu Xá luận) :
1) Thắng
đạo Sa Môn: bẩm sinh mến mộ Phật mà xuất gia, có khả năng diệt trừ
phiền não và chứng thắng đạo
2) Thuyết
đạo Sa Môn (Thị đạo Sa môn): chuyên dứt trừ mê hoặc, chứng ngộ
chân lý, có khả năng tuyên giảng chánh
pháp, khiến cho chúng sanh vào với Phật Giáo.
3) Hoại
đạo Sa môn (Ô Đạo Sa môn): phạm giới cấm, làm điều ác, làm hoen ố
cửa Thiền, hư hoại mạng mạch Phật Pháp. (Sư
tử trùng thực sư tử nhục).
4) Hoạt
đạo Sa môn (Mệnh đạo Sa môn): có khả năng chế phục phiền não, siêng
năng tu hành thiện pháp khiến cho mệnh căn
trí tuệ ngày càng phát triển.
Trong 4 loại này,
loại thứ 3 là loại nên tránh
● BỐN CÁCH
THỌ DỤNG (theo Thanh tịnh đạo luận):
Riêng xét về mặt
giới hạnh, ngài Buddhaghosa chia hàng xuất gia ra làm 4 loại:
1) Một người
không đủ giới đức, sử dụng 4 vật dụng được cúng dường, ngay
cả sự có mặt trong tăng chúng cũng gọi là
dùng NHƯ KẺ TRỘM
2) Một người có
giới mà không chân chánh giác sát trong khi dùng 4 vật thực
cúng dường gọi là dùng NHƯ MẮC NỢ
3) Một người sử
dụng 4 vật cúng dường để đạt được Bảy bậc Hữu học (4 đạo, 3
quả) thì gọi là dùng NHƯ HƯỞNG GIA TÀI CỦA
TỔ TIÊN. (Vì họ là những người con của Như Lai, họ dùng những vật dụng như thừa
hưởng gia tài của cha để lại)
4) Một vị đã
đoạn trừ hết phiền não, không còn bị các dục sai sử, vị này dùng các
vật cúng dường NHƯ NGƯỜI CHỦ.
Đối với 4 loại
này, cách dùng tốt nhất là dùng như người chủ.
● BỐN LOẠI
THỪA GIỚI (Theo Hoa Nghiêm tuỳ sớ):
1) Thừa
cấp giới hưỡn : người tu học trong chánh pháp của Phật vì ham chuộng
danh xưng dưỡng, hoặc vì muốn mau thành tài
để phụng sự Phật Pháp nên chuyên tâm để ý đến việc trau giồi tài năng học lực.
Ngoài thời giò học hỏi này, không còn tha thiết gì đến sự trau giồi giới hạnh.
2) Giới
cấp thừa hưỡn: người xuất gia chuyên lo trau giồi giới hạnh, không một
phút nào lơ đãng. Tuy nhiên, lòng vị này
không ưa thích nghe pháp cũng không ưa học hỏi.
3) Thừa
giới câu cấp: ngưới xuất gia học đạo lúc nào cũng cố gắng vừa học hỏi
vừa thi hành đúng như lời Phật dạy. Suốt
đời chuyên tâm trau giồi nghiên cứu giáo lý sâu nhiệm để phát minh tâm địa, hạnh
giải tương ưng.
4) Thừa
giới câu hưỡn: người xuất gia kém thiếu năng lực học tập, cũng kém
thiếu tâm chí hướng thượng nên trọn năm mãn
tháng lếu láo qua ngày. Cuộc đời người này thức như kẻ say, ngủ như người
chết, không có gì đáng lưu lại cho người sau, cũng không có phước duyên để tạo
thành quả giải thoát.
Người xuất gia
học đạo nên thú hướng vào loại thừa giới thứ 3.
● NĂM LOẠI
TĂNG (Theo Hiển Tông luận):
1) Vô sĩ
tăng: những người huỷ phạm cấm giới, chẳng giữ chơn phong giải thoát
của đạo quả vô thượng. Hình dạng tuy dự
vào Tăng lưu mà hành vi chẳng khác kẻ thế tục. Đó là hạng không biết sĩ nhục.
2) Á
dương Tăng: trong ba tạng Thánh giáo, không một mảy may hiểu biết,
giống như con dê câm, không biết những
phương tiện ứng dụng trong Phật Pháp.
3) Bằng
đảng Tăng: những người chỉ ưa dạo chơi, phí bỏ thời giờ quý báu. Cả
đời ưa tranh đua phải quấy, hơn thua, toan
tính âm mưu, kết phe lập đảng.
4) Thế
tục Tăng: những người này tuy mang danh xuất gia nhưng thật là mờ mịt
bổn phận xuất gia, luống sống qua ngày,
nhởn nhơ hết buổi, lòng chỉ ham ưa sung sướng, thân hay gây tạo duyên đời.
5) Thắng
nghĩa Tăng: những bực này thuộc về hàng hữu chí hữ tâm, trí tuệ có
dư, giới hạnh khẳm đủ, tài biện thuyết rành
rẽ không bị ngăn ngại, tuỳ cơ diễn nói, tiếp vật lợi sanh. Cuộc đời của bậc
này thật là lòng gấm miệng hoa, xứng đáng là bậc long tượng trong chốn thiền
môn, là quy cảnh (khuôn phếp) cho hàng hậu học.
Để không cô phụ
chí xuất gia thì nên phấn đấu theo loại thứ 5
● NĂM LOẠI
PHẠM HẠNH (Theo Tiểu Kinh thí dụ lõi cây):
Có năm loại nguời
tu phạm hạnh ứng với năm hạng người đi tìm lõi cây:
1) Phạm
hạnh cành lá: được tôn kính cúng dường sinh tự mãn khen mình chê
người không chịu tu tập thêm nữa, ví như
người vào rừng chặt cành lá đem về cho là lõi cây.
2) Phạm
hạnh vỏ ngoài: tự mãn không cố gắng tu tập thêm nữa sau khi đã thành
tựu giới đức, ví như người vào rừng chặt vỏ
ngoài đem về cho lá lõi cây.
3) Phạm hạnh vỏ trong:
tự mãn không cố gắng tu tập thêm nữa sau khi chứng định học, ví như người vào
rừng cây chặt vỏ trong đem về cho là lõi cây.
4) Phạm
hạnh giác cây: tự mãn không cố gắng tu tập thêm nữa sau khi chứng
được tuệ học (thành tựu tri kiến), ví như
người vào rừng chặt giác cây đem về cho là lõi cây.
5) Phạm
hạnh lõi cây: không tự mãn đối với những gì đã thành tựu (về sự tôn
kính cúng dường, về giới học-định học-tuệ
học), cố gắng tu tập thêm, đoạn trừ các lậu hoặc, chứng được Thánh quả. Ví như
người vào rừng chặt bỏ tất cả chỉ lấy lõi cây:
Trong 5 loại phạm
hạnh này, chỉ có loại sau cùng (phạm hạnh lõi cây) là loại mà
Đức Phật tán than, cho đó là mục tiêu cuối
cùng của phạm hạnh, là cái đích mà Sa môn học đạo phải gắng đạt đến.
Trên đây đã trình bày qua các
cách phân loại dựa theo động cơ phát tâm và thái độ tu hành của người xuất gia.
Trong đó, cách thức phân chia tuy nhiều nhưng nhìn chung có thể gom lại thành 3
loại chính:
• Xứng pháp phục
: hợp với đạo
• Vị xứng pháp phục
: chưa mấy hợp với đạo.
• Bất xứng pháp phục
: không hợp với đạo, trái với đạo
Riêng loại “Bất xứng pháp
phục”, trong kinh còn gọi là hạng “uổng phi pháp phục” hoặc “lạm xí tăng luân”
tức là những kẻ lẫn lộn vào hàng ngũ xuất gia, tăng chẳng ra tăng, tục chẳng ra
tục, ví như con lừa lẫn vào trong bầy trâu, da lông tuy giống nhưng đầu sừng
không đồng và tiếng kêu cũng khác.
Lời ký trong Sa di luật giải có
chép:
“Chữ LẠM có nghĩa là trà trộn.
Chữ XÍ là lộn lạo. Có thân năm thước mà không trí tuệ, Phật gọi là “Si Tăng”
(ông thầy ngây ngây dại dại). Có lưỡi ba tấc mà không thuyết pháp được Phật gọi
là “Á dương Tăng” (ông thầy như dê câm). Tục không phải tục, tăng chẳng phải
tăng, Phật gọi là “điều thử Tăng” (ông thầy như chim, chuột) cũng gọi là “Húc cư
sĩ” (cư sĩ trọc đầu). Phật nói: Thế nào là đứa giặc? Mượn y phục của ta, lén
bán chánh pháp Như Lai, tạo đủ thứ tội. Đây chính là đứa giặc xen lôn trong cửa
Thiến vậy”
Ngạn ngữ phưong Tây cũng có
câu: “Không phải cái gai bên đường làm chân anh đau mà chính hạt sạn trong
giày anh mang”.
Người có lòng hiếu kính Phật,
thiết tha với chánh pháp suy gẫm những lời này há chẳng đau lòng sao?
Là một trong những người hảo
tâm xuất gia, có thể chúng ta không đến đỗi như những kẻ mượn đạo tạo đời, thân
trụ không môn tâm hành trần tục. Tuy nhiên, nếp sống an tịnh thanh thoát chốn
thiền môn dễ thường làm cho ta có cảm giác mình là người đã thực sự ly triền
thoát phược, xứng đáng dự hàng “Chúng trung tôn”. Như một dũng sĩ mải mê đem
kính chiếu yêu và bảo kiếm giúp đời trừ tà diệt bạo, chợt một ngày nọ rọi mạo ma
quái của chính mình”. Với danh nghĩa “Như Lai sứ giả”, là chỗ quy ngưỡng của
chúng sanh, ta hăng hái khuyến hóa thế nhân (nhất là Phật tử tại gia) dứt ác làm
lành, viễn ly trần cấu, loại bỏ ái thủ…Nhưng, khi rà soát lại công huân tu tập
của chính mình (dựa vào các cách phân loại trên), ta sẽ giải thích ra sao nếu
như mình rơi vào loại “uổng phi pháp phục”? Than ôi:
“Vọng tình dị tập
Chí đạo nan văn
Bạt tục siêu quần
Vạn trung vô nhất”
[6]
(Vọng tình dễ tập nhiễm
Chỗ chí đạo khó nghe
Vượt tục hơn phàm tình
Muôn người không được một)
Bậc
cổ đức là người đạo cao đức trọng mà hãy còn thốt lời than như vậy. Chúng ta là
hạng người nào mà không lấy đó làm điều răn dè, lo “hồi quan phản tỉnh” để kịp
thời chỉnh đốn lại những thói hư dở còn tồn tại nơi chính mình?! Phạm hạnh chưa
tròn, vọng tình chưa dứt thì chớ vội tự hào là trang Thích tử!
--- o0o ---
Mục
Lục | Phần
I |
Phần
II
--- o0o ---
Vi tính: Đồng Thanh
Phước Liên
Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật ngày 01-05-2004