- TRẦN NHÂN TÔNG
CON NGƯỜI & TÁC PHẨM
Tiến sĩ Lê Mạnh
Thát
Nhà
Xuất Bản TP.HC1999
--o0o--
PHẦN
I
NGHIÊN
CỨU
VỀ
TRẦN
NHÂN
TÔNG
--o0o--
CHƯƠNG
II
TUỔI
TRẺ VUA TRẦN NHÂN TÔNG
Nguồn
tư liệu cho việc nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của
vua Trần Nhân Tông cơ bản như đã trình bày trên. Từ các
nguồn tư liệu này, ta biết vua Trần Nhân Tông sinh vào ngày
11 tháng 11 năm Nguyên Phong thứ 8 (1258). Khi mới sinh, ĐVSKTT
5 tờ 38a8-b1 đã mô tả như “được tinh anh của thánh nhân,
đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn,
thần khí tươi sáng, hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên
đồng tử, vai bên tả có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng
đáng được việc lớn”.
Thánh đăng
ngữ lục tờ 14b1-7, đối với thời gian trước khi sinh vua
Trần Nhân Tông, còn nói tới giấc mộng mà Nguyên Thánh Hoàng
thái hậu mơ thấy: “Xưa hoàng thái hậu Nguyên Thánh thường
mơ thấy người
thần trao cho hai cây gươm bảo: ‘Thượng
đế có lệnh, cho ngươi tự chọn’. Thái hậu bất chợt
rất vui, bỗng lấy được cây gươm ngắn,do thế mà có mang”.1
Những tình tiết này sau đó Chân Nguyên đã viết lại thành
thơ trong Thiền tông bản hạnh: 1
Thánh
mẫu là mẹ lòng hòa có nhân,
Giấc hòe
thoắt nhập đêm xuân,
Chiêm bao
xẩy thấy thần nhân một người.
Cao cả tượng
sứ nhà trời,
Trao cho lưỡng
kiếm có lời bảo vây.
Hoàng hậu
sực thức đêm chầy,
Thấy điềm
sự lạ tâu bày Thánh Tông.
Lòng vua
thấy vậy cực mừng,
Bàn mộng
thốt rằng ấy trời tộ ta
Sau khi có thai,
Thánh đăng ngữ lục lại chép tiếp cuộc sống của Hoàng
thái hậu Nguyên Thánh vẫn diễn ra bình thường, không có
những quan tâm gì đặc biệt đến việc nuôi dưỡng và bảo
vệ thai, mà vào thời bấy giờ tại nước ta, đặc biệt
trong giới thượng lưu, đã trở thành một tập quán quen thuộc
và phổ biến: “Trong những tháng dưỡng thai, bà không lựa
chọn các món kỡ thai. Nhà bếp dâng gì liền ăn, mà thai vẫn
không bị hư tổn. Thái hậu biết là mình có nơi giúp đỡ”.
Tình tiết này Thiền tông bản hạnh không diễn tả lại,
chỉ viết:Từ ngày chiêm bao đã qua Hoàng hậu thọ thai càng
hòa tốt tươi.
Rồi sau đó
khi vua Trần Nhân Tông sinh ra, Thánh đăng ngữ lục, giống
như ĐVSKTT đã ghi nhận một hiện tượng là cậu bé Trần
Nhân Tông đã có màu vàng lúc mới sinh, và trên vai phải có
nốt ruồi đen: “Đến khi vua ra đời, màu da như vàng ròng.
Thánh Tông đặt tên là Kim Phật. Bên vai phải vua còn nốt
ruồi đen như hạt đậu lớn.
Kẻ thức giả bảo: ‘Ngày
khác chắc chắn có thể gánh vác việc lớn’ ”. Chi tiết
này Thiền tông bản hạnh đã mô tả lại khá dài dòng qua
những câu thơ:
Mãn
nguyệt no tháng thoát thai
Mình vàng
kim sắc tướng ngài lạ thay
Vua cha thốt
bảo rằng bay
Hai ta có
đức sinh nay Bụt vàng.
Hữu kiên
nốt ruồi bên nương
Thuật sĩ
xem tướng đoán lường rằng bây:
Thái tử
trí cả bằng nay
Gánh việc
đại khí làm thầy mười phương.
Khi lớn, vua
Trần Nhân Tông được vua cha đặt tên là Khâm và chăm lo
giáo dục kỹ càng, để chuẩn bị cho việc kế tục sự nghiệp
lãnh đạo quốc gia sau này. Các tư liệu Việt Nam không cho
biết rõ. Thánh đăng ngữ lục tờ 15b8 chỉ bằng lòng viết:
“Điều Ngự tính vua thông minh, đa năng hiếu học, xem trải
mọi sách, thông nội ngoại điển”.
Còn Thiền tông
bản hạnh thì viết hai câu:
Cha
mẹ dưỡng dục yêu thương
Đặt hiệu
cho chàng là Điều Ngự Vương
Nhưng Trần
Quang Chỉ, khi đề từ cho bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất
sơn đồ, đã cho ta biết khá rõ những gì mà Trần Nhân Tông
đã được nuôi dạy, lúc còn trẻ: “Khi lớn, ngài học thông
tam giáo và hiểu sâu Phật điển. Ngay cả thiên văn, lịch
số, binh pháp, y thuật, âm luật, không thứ gì là không mau
chóng nắm được sâu sắc”. Như thế, vua Trần Nhân Tông
đã thừa hưởng một nền giáo dục hết sức rộng rãi, với
một tinh thần cởi mở, kết hợp kiến thức khoa học với
văn chương, quân sự với âm nhạc. Đây là truyền thống
giáo dục Việt Nam và Phật giáo Việt Nam, mà ta đã thấy
xuất hiện từ thời Mâu Tử và Khương Tăng Hội.
Đến năm
16 tuổi, tức năm Giáp Tuất (1274), ĐVSKTT 5 tờ 34a4-5 cho biết:
“Tháng 12 sắc phong hoàng trưởng tử Khâm làm Hoàng thái
tử, lấy con gái trưởng của Hưng Đạo Vương làm phi cho
Thái tử”. Về sự kiện này, theo Thánh đăng ngữ lục tờ
16b7 - 18a1 thì vua cha tính chuyện truyền ngôi cho, song vua Trần
Nhân Tông từ chối, muốn nhường lại cho em mình là Đức
Việp. Sau khi không được phép nhường ngôi Hoàng thái tử
cho em, Thánh đăng ngữ lục còn cho ta biết việc vua Trần
Nhân Tông lấy vợ và những cảm nghĩ của ông: “Năm vừa
16, được lập làm Hoàng thái tử, Điều Ngự cố từ ba lần,
xin cho em thay mình, nhưng đều không được. Đem trưởng nữ
của Nguyên Từ quốc mẫu cho làm vợ, tức là Thái hậu Khâm
Từ. Duyên cầm sắc tuy hài hòa, nhưng lòng vua thì rất nhạt
nhẽo”.
Chi tiết
này Thiền tông bản hạnh chỉ ghi lại sơ sài qua mấy câu,
mà không đề cập đến việc lấy vợ:
Tuổi
mới mười sáu niên phương
Vua cha định
liệu cho thăng trị vì
Điều Ngự
hai phen tâu quì
Khiến nhường
cho em trị vì thay anh.
Thái tử
lòng muốn tu hành
Nhìn xem
phú quí tâm tình nhưng nhưng
Tuy ở điện
bệ Đông cung
Lòng hằng
giữ nhớ tôn phong nhà thiền
Vì đối với
người vợ mới, vua Trần Nhân Tông “tâm tình nhưng nhưng”,
nên Thánh đăng ngữ lục còn đưa thêm chi tiết về việc
vua Trần Nhân Tông bỏ nhà đi lên núi Yên Tử: “Một đêm
vào giờ Tý, vua bèn vượt thành mà đi, tìm vào núi Yên Tử.
Đến chùa Tháp núi Đông Cứu thì trời đã sáng mà mình lại
rất mệt, bèn vào nghỉ ở trong tháp. Vị sư chùa thấy diện
mạo vua khác thường, bèn đem thức ăn dâng vua”. Thiền tông
bản hạnh đã diễn đạt đoạn này như sau:
Đêm
ấy thái tử thoát ra du hành
Tìm lên
Yên Tử một mình
Đến non
Đông Cứu thiên minh sáng ngày
Giả tướng
lệ người thế hay
Vào nằm
trong tháp một giây đỗ dừng
Tăng tự
thấy tướng lạ lùng
Làm bữa
cơm thết cúng dường cho ăn.
Tất nhiên,
Thái tử bỏ nhà ra đi thì hoàng gia, mà đặc biệt là Hoàng
hậu, phải tìm kiếm. Thánh đăng ngữ lục viết về sự việc
ấy thế này: “Hoàng hậu đem tâu hết cho Thánh Tông nghe.
Vua ra lệnh cho quần thần tung ra bốn phương tìm kiếm. Thái
tử bất đắc dĩ tự trở về và lên ngôi. Tuy ở nơi cửu
trùng sang trọng mà vẫn tự mình giữ thanh tịnh”.
Thiền
tông bản hạnh đã diễn tả lại:
Hoàng hậu
lên tấu minh quân
Rao bảo
thiên hạ quần thần đông tây
Tìm đòi
thái tử chớ chầy
Bắt em thay
trị liền tay tức thì
Thuở ấy
thái tử lại về
Vua cha nhường
vì cho trị vạn dân
Chi tiết này
không thấy ĐVSKTT ghi lại. Dẫu sao đi nữa, sau khi trở về
hoàng cung, trong khi ở chơi tại ngôi chùa Tư Phúc của hoàng
gia, Thánh đăng ngữ lục còn ghi thêm một chi tiết: “Thường
ở chùa Tư Phúc trong đại nội, ban ngày Thái tử ngủ, nằm
mơ thấy lỗ rốn mình mọc lên một hoa sen vàng, lớn như
bánh xe. Trên hoa có đức Phật vàng. Bên cạnh có người chỉ
Điều Ngự nói: ‘Biết đức Phật này không? Ấy là đức
Biến Chiếu Tôn’. Bèn giật mình thức dậy, đem giấc mơ
kể lại cho vua Thánh Tông. Thánh Tông càng thêm lấy làm lạ”.
Tình tiết này Thiền tông bản hạnh diễn tả lại:
Tuy
ở điện bề đông cung
Lòng hằng
giữ nhớ tôn phong nhà thiền
Đêm khuya
bóng nguyệt kề hiên
Chiêm bao
xảy thấy hoa sen mọc bầy.
Có người
chỉ bảo rằng bây
Ngẫm thấy
phen này Thái tử có duyên.
Ấy là Phật
bảo hoa sen.
Sau giấc mơ
này, theo Thánh đăng ngữ lục, vua Trần Nhân Tông đã ăn chay
đến nỗi gầy guộc, vua cha phải yêu cầu thay đổi: “Từ
đó thường chịu ăn chay, không dùng đồ mặn, mặt rồng
gầy guộc. Thánh Tông thấy lạ mới hỏi: Điều Ngự nói
hết lý do. Thánh Tông khóc bảo: ‘Cha nay già rồi, trông nhờ
một người ở con. Con mà như thế, thì thành nghiệp của
tổ tông sẽ thế nào’. Điều Ngự cũng khóc”. Thiền tông
bản hạnh viết về sự việc này:
Thái
tử từ ấy những nguyền ăn chay
Mặt mũi
mình vóc đã gầy
Vua cha xem
thấy ngày rày hỏi con.
Thái tử
quì lạy tâu van
Thánh Tông
nước mắt hòa chan ròng ròng.
Ai hầu nối
nghiệp tổ tông
Tuổi cha
già cả trong lòng khá thương.
Thái tử
nước mắt đượm nương
Phụ tử
tình thâm cảm thương thay là.
Dù giấc mơ
xảy ra, trước khi lên ngôi hay sau khi được phong làm Hoàng
thái tử, sự thật rõ ràng là Thái tử Trần Khâm đã chấp
nhận lên ngôi vua vào ngày 22 tháng 10 năm Mậu Dần, Bảo Phù
thứ 6 (1278). Vừa lên ngôi, vua Trần Nhân Tông đã đứng trước
một tình thế hết sức hiểm nghèo, mà đất nước đang lâm
vào. Đó là việc Hốt Tất Liệt ráo riết chuẩn bị xâm
lược nước ta trong khi đang thanh toán nốt những cứ điểm
cuối cùng của nhà Tống tại nam Trung Quốc, kết thúc với
việc thừa tướng Lục Tú Phu cõng vua Tống nhảy xuống biển
chết vào mùa xuân năm sau (1279).
Tháng 10,
vua Trần Nhân Tông lên ngôi, thì tháng 11 nhuận, sứ bộ của
Hốt Tất Liệt là Sài Thung đã đến Ung Châu thông qua con
đường Giang Lăng, nhằm vào nước ta mà đi tới. Về sự
kiện này, ĐVSKTT 5 tờ 38a3-7 chỉ viết: “Vua Nguyên nghe Thái
Tông mất, có ý mưu tính nước ta, sai thượng thư bộ Lễ
là Sài Thung (tức Sài Trang Khanh) đến.
Bấy giờ,
sứ nước ta Lê Khắc Phục đang trở về gặp quân Nguyên
đánh nhà Tống, bèn theo đường Hồ Quảng về nước.
Thung cùng
đi theo tới, mượn cớ vua không xin mệnh mà tự lập, dựng
lời bảo vua khiến vào chầu. Vua không nghe, sai Trịnh Đình
Toản, Đỗ Quốc Kế đến Nguyên. Nhà Nguyên giữ Đình Toản
không cho về”.
Các sử liệu
Trung Quốc, đặc biệt là Bản kỷ và An Nam truyện của Nguyên
sử 10, tờ 5a3-4 và 209 tờ 4a1-b13 ghi rất rõ về hoạt động
của phái bộ này tại nước ta cùng những đối phó mà vua
Trần Nhân Tông thực hiện.
Thứ nhất, tuy được cử
đi từ tháng 8 và được Hốt Tất Liệt chỉ đạo sử dụng
con đường Giang Lăng, Quảng Tây thay vì con đường Vân Nam,
Sài Thung đã tới Ung Châu vào tháng 11 nhuận. Khi nghe tin này,
vua Trần Nhân Tông đã gửi thư phản đối, yêu cầu Sài Thung
phải trở về con đường Thiện Xiển, Vân Nam mà chúng thường
sử dụng trước đó. Đây có thể là bức thư ngoại
giao đầu tiên hiện được bảo tồn một phần trong An Nam
truyện của Nguyên sử 209 tờ 4a4-5: “Nay nghe Quốc công khó
nhọc đến tệ quốc, dân biên giới không ai là không kinh
hãi, không biết sứ người nước nào mà đến ở đây. Xin
đem quân về đường cũ để mà đến”.
Sài Thung
đã không đáp ứng yêu cầu, mà còn gửi thư đòi phải đón
hắn: “Thượng thư bộ Lễ và các quan vâng lệnh trên cùng
bọn Lê Khắc Phục của bản quốc do Giang Lăng đến Ung Châu
để vào An Nam. Nếu có quân binh dẫn đường hộ tống thì
nên theo ngựa trạm đến đầu biên giới xa đón”.
Cũng theo
An Nam truyện của Nguyên sử 209 tờ 4a6 -10, vua Trần Nhân Tông
đã sai Ngự sử trung tán kiêm tri thẩm hình viện sự Đỗ
Quốc Kế đến trước. Rồi sau đó sai thái úy, tức thượng
tướng Trần Quang Khải đem trăm quan đón chúng từ bờ sông
Hồng đưa vào sứ quán. Ngày mùng 2 tháng 12 năm Mậu Dần
(1278), vua Trần Nhân Tông đã đến sứ quán để thăm bọn
này. Ngày mùng 4, vua nhận chiếu và Sài Thung đã đọc lời
của Hốt Tất Liệt:
“Nước
ngươi nội phụ đã hơn 20 năm. Sáu việc vừa rồi còn chưa
thấy theo. Ngươi nếu không chầu thì hãy sửa thành trì của
ngươi, chỉnh đốn quân đội ngươi để đợi quân ta (...)
Cha ngươi đã nhận lệnh ta làm vua. Ngươi không xin lệnh mà
tự lập, nay lại không chầu. Ngày sau triều đình gia tội
thì lấy gì mà trốn ?”
Trước những
lời xấc xược đó, mà sau này, trong lời hịch động viên
chiến sỹ của mình, Trần Hưng Đạo đã mô tả “thấy sứ
giả qua lại dọc ngang ngoài đường, khua tấc lưỡi cú vọ
mà khinh rẻ triều đình, đem cái thân dê chó mà ngạo mạn
tể phụ”, vua Trần Nhân Tông đâu có dễ dàng khuất phục.
Và để thử nắn gân, vua đã theo lệ cũ đãi yến Sài Thung
ở dưới hành lang. Thung không chịu ngồi vào yến, mà trở
về sứ quán. Vua sai Phạm Minh Tự đem thư mời dự yến tại
điện Tập Hiền thì hắn mới đến.
Tại yến
tiệc này, An Nam truyện của Nguyên sử 209 tờ 4a12 -b3 đã
ghi lại khá kỹ cuộc nói chuyện đã diễn ra giữa vua ta và
Sài Thung. Trước hết, vua Trần Nhân tông có lời phát biểu
như thế này: “Tiên quân vừa rời bỏ cuộc đời, tôi vừa
nối ngôi, mà thiên sứ đến đem chiếu thư, mở lời dỗ
dành, khiến tôi vừa vui lẫn sợ trong lòng.
Trộm nghe,
ấu chúa nhà Tống nhỏ dại, thiên tử còn thương xót mà
phong cho tước công thì chắc tiểu quốc đây cũng được
gia ân thương xót. Trước đây đã được tha miễn 6 việc.
Còn lễ tự thân vào chầu, thì tôi sinh trưởng ở thâm cung,
không tập cưỡi ngựa, không quen thủy thổ, sợ chết dọc
đường. Em tôi là Thái úy trở xuống cũng đều như vậy.
Khi thiên sứ trở về chầu vua, xin dâng biểu tâu rõ lòng
thành, cùng cho biếu của lạ”.
Khi nghe lời
này, Thung liền nói ngay: “Chúa Tống chưa tới 10 tuổi, cũng
sinh trưởng ở thâm cung.
Như thế mà sao vẫn đến được
kinh sư. (Ta đây) ngoài việc chiếu chỉ ra, không dám nghe một
lệnh nào khác. Vả lại b ốn người ta đây thật đến để
mời ngươi, chứ không phải để lấy của ngươi”.
Thế rõ ràng,
chưa đầy hai tháng từ khi mới lên ngôi, vua Trần Nhân Tông
đã phải tiếp ngay Sài Thung cùng phái bộ của hắn, đem lời
đe dọa tiến công nước ta. Trước những hành động và dã
tâm đó, vua Trần Nhân Tông vẫn khôn khéo thực hiện một
chính sách ngoại giao mềm dẻo nhằm tạo cơ hội cho quân
dân Đại Việt có thời gian phát huy và củng cố tiềm lực
của mình. Khi Sài Thung trở về, theo An Nam truyện của Nguyên
sử 209 tờ 4b3 -6, vua Trần Nhân Tông đã sai Phạm Minh Tự,
Trịnh Quốc Toản và Đỗ Quốc Kế đem biểu gửi cho vua Nguyên,
từ chối việc vào chầu:
“Cô thần
bẩm khí yếu đuối. Vả lại đường xá khó khăn, chỉ luống
phơi xương trắng làm cho Bệ hạ phải xót thương mà không
ích lợi gì cho triều đình trong muôn một. Cúi mong bệ hạ
xót thương tiểu quốc xa xôi, khiến cho thần cùng những quan
kẻ quan quả cô độc giữ được tính mạng, để suốt đời
phụng sự bệ ha. Đó là điều may lớn cho cô thần và cũng
là phước lớn cho sinh linh”.
Tháng 3 năm
sau (1279), khi bọn Sài Thung về đến Đại Đô trước và báo
cáo việc vua Trần Nhân Tông từ chối vào chầu mà chỉ gửi
sứ, thì khu mật viện nhà Nguyên đã đề nghị với Hốt
Tất Liệt cho tiến quân đánh nước ta. Hốt Tất Liệt chưa
nghe và cho sứ ta vào chầu. Tháng 11, giữ sứ ta là Trịnh
Quốc Toản ở lại Đại Đô, rồi sai bọn Sài Thung 4 người
đi cùng Đỗ Quốc Kế trở lại nước ta, đưa điều kiện
và đe dọa, như An Nam truyện của Nguyên sử 209 tờ 4b9 -12
đã ghi: “Nếu quả không thể đến chầu được thì hãy
dồn vàng thay cho thân mình, dùng hai ngọc trai thay cho mắt
mình cùng với hiền sĩ, phương kỷ tử đệ hai người và
hai loại thợ mỗi thứ 2 người để thay cho thổ dân.
Nếu không
thế, thì hãy sửa sang thành trì của ngươi, để đợi sự
phán xét”.
Đứng trước
những lời đe dọa và nguy cơ chiến tranh ngày càng tiến đến
gần, vua Trần Nhân Tông khẩn trương tiến hành một loạt
biện pháp, nhằm nâng cao tiềm lực chính trị, kinh tế, quân
sự, ngoại giao của dân tộc, chuẩn bị đối phó với cuộc
chiến tranh xâm lược sắp tới, mà bản thân vua và triều
đình thấy không thể nào tránh được.
Đầu tiên,
về chính trị, vua thực hiện một chính sách an dân và ổn
định xã hội bằng việc “đại xá cho thiên hạ” nhân
dịp tết Nguyên đán sau khi vua mới lên ngôi, tức vào Tết
năm Kỷ Mão Thiệu Bảo thứ nhất (1279), như ĐVSKTT 5 tờ 38b4-5
đã ghi. Tiếp đến, vua cho giải quyết những oan ức, bất
công tồn tại trong quần chúng. ĐVSKTT 5 tờ 39b4-8 kể
chuyện, 20 tháng sau khi lên ngôi, dân đã đón xe vua, để khiếu
nại về kết qủa một vụ án. Vua “ngay trên đường, sai
chánh trưởng nội thư hỏa là Trần Hùng Thao” giải quyết.
Cũng trong giai đoạn đó, Trịnh Giác Mật ở đạo Đà Giang
làm phản. Vua sai Trần Nhật Duật đi dụ hàng. Trần Nhật
Duật đã thành công và “đem Mật cùng vợ con vào ra mắt
vua”, mà “không mất một mũi tên”.
Về kinh tế,
do khuyến khích và huy động lực lượng nông dân, một năm
sau khi lên ngôi, vào tháng 10 thì “được mùa to, lúa ruộng
ở hương Trà Kiều thuộc Khoái Lộ một giò hai bông”, như
ĐVSKTT 5 tờ 39b3-4 đã ghi.
Và để tạo điều kiện cho
sự phát triển một nền thương mại quốc dân, ĐVSKTT 5 tờ
39b2 cho biết tháng giêng năm Thiệu Bảo thứ hai (1280) vua Trần
Nhân Tông đã “ban thước đo gỗ, đo lụa cùng một kiểu”,
nhằm thống nhất hệ thống đo lường trong cả nước cho
tiện việc buôn bán. Tháng 2 cùng năm, “xét duyệt sổ đinh
và các sắc dịch trong nước”, để nắm dân số, tạo thuận
lợi cho công ăn việc làm của dân, đồng thời không gây
trở ngại đến thời gian làm nghề, tác động không tốt
đến sản xuất và đời sống.
Về ngoại
giao, ngoài việc đối phó với nhà Nguyên, chỉ mấy tháng
sau khi lên ngôi, vua Trần Nhân Tông còn giải quyết vấn đề
Chiêm Thành, nỗ lực xây dựng một quan hệ hữu nghị thân
thiết với quốc gia láng giềng nằm ở biên giới phía nam
của tổ quốc. Ngay trong tháng giêng năm Thiệu Bảo thứ nhất
(1279), bọn Chế Năng và Chế Diệp, khi được vua Chiêm cử
cầm đầu phái bộ đến nước ta, đã xin ở lại và làm
bề tôi. Vua đã khéo léo từ chối, thuyết phục bọn họ
trở về. Không những thế, khi Chiêm Thành bị quân Nguyên
xâm lược vào tháng 12 năm Chí Nguyên thứ 16 (1279), vua Trần
Nhân Tông đã ra lệnh gửi 2 vạn quân và 500 chiến thuyền
chi viện cho Chiêm Thành. Sự kiện này, sử ta không nói tới,
nhưng An Nam truyện của Nguyên sử 209 tờ 5b3-8 nói rất rõ,
và trở thành một trong những nguyên cớ khiến quân Nguyên
tiến công xâm lược nước ta.
An Nam truyện
viết: “An phủ sứ Quỳnh Châu Trần Trọng Đạt nghe Trịnh
Thiên Hựu nói Giao Chỉ thông mưu với Chiêm Thành, sai quân
2 vạn và thuyền 500 chiếc để làm ứng viện”. Vua Trần
Nhân Tông phải viết thư trả lời:
“Chiêm Thành
là một nội thuộc của tiểu quốc, thì khi đại quân đến
đánh, đúng ra đại quốc phải tỏ thương xót, nhưng chưa
từng dám nói ra một lời, bởi vì tiểu quốc biết thời
trời việc người vậy. Nay, Chiêm Thành lại làm phản nghịch,
chấp mê không chịu quay lại thì đúng là đứa không biết
trời biết người. Người biết trời biết người mà trở
lại cùng mưu với đứa không biết trời biết người thì
dù là trẻ con bé tí cũng biết là việc không thể xảy ra.
Huống nữa là tiểu quốc ư ? Xin quí hành tỉnh biết cho”.
Dù có lời
biện bạch này, nhưng rõ ràng việc vua Nhân Tông gửi viện
binh cho Chiêm Thành để chống lại quân Nguyên chắc chắn
đã xảy ra. Đây có thể là lần thứ 2 dân tộc ta gửi viện
binh ra nước ngoài sau gần 14 thế kỷ khi vua Hùng đã gửi
viện binh giúp cho Đông Việt và Mân Việt chống lại quân
Hán của Vũ Đế. Chiêm Thành có một vị trí sống chết đối
với an ninh của Đại Việt. Khi cử bọn Toa Đô xuống xâm
lược Chiêm Thành, Hốt Tất Liệt không chỉ nghĩ tới chiếm
Chiêm Thành như một đầu cầu để tiến xuống các nước
Đông Nam Á khác, như một số người đã đề xuất, mà trước
mắt là dùng Chiêm Thành như một bàn đạp để tiến công
Đại Việt từ phía nam. Thực tế, sự việc diễn ra sau đó
đã chứng minh điều này.
Quả vậy,
rút kinh nghiệm của cuộc chiến tranh năm1258, Hốt Tất Liệt
chú ý tới vị trí của Chiêm Thành trong chiến lược bao vây
và tiêu diệt nước ta. Cho nên, theo Chiêm Thành truyện của
Nguyên sử 210 tờ 4a3-6a7 ngay trong tháng 12 năm Chí Nguyên thứ
16 (1279), Hốt Tất Liệt đã cử Toa Đô cùng binh bộ thị
lang Giáo Hóa Đích, tổng quản Mạnh Khánh Nguyên và vạn hộ
Tôn Thắng Phu đến Chiêm Thành, dụ vua Chiêm vào chầu. Năm
sau lại gửi tiếp hai phái đoàn nữa, một vào tháng 6 và
một vào tháng 11 năm Chí Nguyên thứ 17 (1280). Qua năm 1281,
Hốt Tất Liệt chính thức thành lập cơ quan đầu não tiến
hành xâm lược nước Chiêm, biết dưới tên Chiêm Thành hành
trung thư tỉnh, do chính Toa Đô đứng đầu. Đến tháng 11
năm Chí Nguyên thứ 19 (1282) Toa Đô cầm quân từ Quảng Châu
tiến xuống Chiêm Thành. Đó là cơ bản viết theo Chiêm Thành
truyện của Nguyên sử 210 tờ 4a3-13.
Do thế, Chiêm
Thành có một vị thế hết sức xung yếu trong chiến lược
phòng thủ quốc gia Đại Việt. Và vua Trần Nhân Tông kiên
quyết bằng mọi giá phải giữ cho được một biên giới
phía nam hòa bình và ổn định, không để cho kẻ địch có
cơ hội khoét sâu, gây chia rẽ tình đoàn kết Việt - Chiêm
trong việc đối phó với kẻ thù chung.
Thực tế, trước
khi gửi 2 vạn quân và 500 chiến thuyền chi viện, có thể
vào cuối năm 1282, tức năm Toa Đô xuất quân từ Quảng Châu,
thì đầu năm 1282 này, tức tháng 2 năm Nhâm Ngọ Thiệu Bảo
thứ 4, ĐVSKTT 5 tờ 41b1-2 đã ghi việc Chiêm Thành gửi một
phái bộ hơn 100 người do Bố Bà Ma dẫn đầu đến Đại
Việt dâng voi trắng. Phải nói đây là một phái bộ ngoại
giao hùng hậu và chắc chắn vấn đề chi viện đã được
đặt ra. Gần 30 năm sau, khi vua Chiêm vui vẻ dâng hai châu Ô,
Lý để sáp nhập vào bản đồ Đại Việt, cội nguồn của
việc này đã bắt đầu từ đây.
Về quân
sự, ngay vào năm Chí Nguyên thứ 16 (1279), khi quân Nguyên đã
tiêu diệt nhà Tống, chiếm cứ toàn bộ Trung Quốc, thì tháng
7 năm ấy, Hốt Tất Liệt tức khắc ra lệnh đóng chiến thuyền
để đánh Đại Việt, như Bản kỷ của Nguyên sử 10 tờ
11b14 đã ghi. Tháng 11 cùng năm, tuy ra lệnh giữ phái bộ Trịnh
Đình Toản của ta ở lại Đại Đô và sai lễ bộ thượng
thư Sài Thung và binh bộ thượng thư Lương Tăng đi cùng với
Đỗ Quốc Kế sang Thăng Long, đe dọa vua Trần Nhân Tông: “Hãy
sửa sang thành trì mà đợi xét xử”. Tháng 10 năm sau (1280)
Lương Tăng và Sài Thung lại được sai đến nước ta một
lần nữa. Cho nên, tháng giêng năm Thiệu Bảo thứ 3 (1281)
vua Nhân Tông đã sai chú họ mình là Trần Di Ái cùng Lê Tuân
và Lê Mục đi sứ sang Nguyên.
Chớp lấy
thời cơ này, Hốt Tất Liệt thực hiện dã tâm xâm lược
của hắn bằng cách thiết lập một chính phủ bù nhìn lưu
vong với Trần Di Ái đứng đầu với tư cách là An Nam quốc
vương, Lê Mục làm hàn lâm học sĩ và Lê Tuân làm thượng
thư, như Bản kỷ của Nguyên sử tờ 9a4-5 đã ghi. Theo tờ
chiếu năm Chí Nguyên 18 (1281) chép trong An Nam chí lược 2 tờ
35, y nại lý do “cho sứ sang vời thì ngươi (tức vua Trần
Nhân Tông, LMT) kiếm cớ không đi, nay lại cố ý trái mệnh,
chỉ sai chú là Di Ái vào chầu (...). Ngươi đã cáo bệnh không
vào chầu thì nay cho ngươi được nghỉ mà thuốc thang điều
dưỡng, ta đã lập chú ngươi là Di Ái thay ngươi làm vua nước
An Nam”.
Sau khi thiết
lập xong chính quyền bù nhìn Trần Di Ái, cùng tháng đó Hốt
Tất Liệt cho thành lập An Nam tuyên uý ty, đặt Bột Nhan Thiết
Mộc Nhi (Buyan Tamur) làm An Nam tuyên úy sứ đô nguyên soái
cùng Sài Thung và Hốt Kha Nhi (Qugar) làm phó, như Bản kỷ và
An Nam truyện của Nguyên sử 11 tờ 9a8-9 và 209 tờ 4b12-5a1
đãý chép. Rồi y cho một ngàn quân, ra lệnh Sài Thung đưa
Di Ái và đồng bọn về nước. Theo An Nam chí lược 3 tờ
44 thì “về đến địa giới Vĩnh Bình, người nước không
nhận. Di Ái sợ, đang đêm trốn về trước. Thế tử sai bồi
thần đón Sài công vào nước tuyên chỉ dụ”. ĐVSKTT 5 tờ
40b8-41a2, sau khi viết “Sài Thung đem 5000 quân hộ tống về
nước”, đã viết tiếp:
“Thung kiêu
ngạo vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Quân
Thiên trường chặn lại. Thung lấy roi ngựa đánh bị thương
vào đầu. Khi đến viện Tập Hiền thấy bày màn trướng,
Thung mới xuống ngựa”. Và không cho ta biết Trần Di Ái đi
đâu. Chỉ đến tháng 4 năm sau (1282) ta mới thấy ĐVSKTT 5
tờ 41b2 ghi: “Bọn Trần Di Ái đi sứ về nước”. Hai tháng
sau, tức tháng 6, sách viết tiếp: “Trị tội bọn phản thủ
Trần Di Ái. Ái phải đày làm binh khao giáp ở Thiên trường
và Tuân làm tổng binh”.
Thế là,
ý đồ thành lập chính phủ bù nhìn Trần Di Ái ở nước
ta hoàn toàn thất bại do việc vua Trần Nhân Tông đã cương
quyết đánh tan đội quân hộ tống do Sài Thung cầm đầu.
Mười năm sau, trong tờ chiếu năm 1291, Hốt Tất Liệt còn
nhớ việc này và đã trách vua ta là “giết chú đuổi sứ”.
Và trong lá thư gửi cho Hốt Tất Liệt, vua Trần Nhân Tông
còn bác bỏ: “Trước đây, quốc thúc Di Ái rõ ràng là trốn
đi ở cõi ngoài, mà bị vu là đã giết càn”.
Do thất
bại này, Sài Thung rất hậm hực. Cho nên, như ĐVSKTT 5 tờ
41a2-9 đã ghi lại, khi vua Trần Nhân Tông sai thái sư Trần
Quang Khải sang sứ quán tiếp hắn, hắn đã nằm khểnh không
chịu ra tiếp. Trần Quang Khải đi thẳng vào trong phòng, hắn
cũng không dậy chào hỏi. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
nghe thế, xin đến sứ quán. Thấy Trần Quốc Tuấn tới, hắn
đứng dậy chào hỏi mời ngồi. Mọi người lấy làm lạ.
Nhưng đấy là do vì Trần Hưng Đạo
cạo đầu và ăn
mặc như một vị hoà thượng phương Bắc.
Từ thất
bại ấy, việc tiến quân xâm lược nước ta, do đó, chỉ
là vấn đề thời gian. Và trên thực tế, triều đình nhà
Nguyên đã ráo riết chuẩn bị phương lược, nhân sự và
khí tài, để tiến đánh Đại Việt. Tất cả hoạt động
này của quân Nguyên, triều đình Đại Việt, dưới sự lãnh
đạo của vua Trần Nhân Tông, đã bám sát chặt chẽ.
Tháng 8, ĐVSKTT 5 tờ 41b4-5 ghi sự kiện các nhà hữu trách
Việt Nam đã được vị tướng biên phòng châu
Lạng
là Lương Uất báo cáo về việc “Hữu thừa tướng nước
Nguyên là Toa Đô đem 50 vạn quân tinh nhuệ, nói phao là
mượn đường đi đánh Chiêm Thành, nhưng thực ra là để
xâm lấn nước ta”.
Hai tháng
sau, vua Trần Nhân Tông cho tổ chức hội nghị quân sự Bình
Than để bàn kế hoạch chống quân xâm lược. Bên lề hội
nghị quân sự này, có hai sự việc đáng chú ý, mà ĐVSKTT
5 tờ 41b8-43a6 đã ghi lại.
Thứ nhất,ử việc phục chức
phó tướng quân cho Trần Khánh Dư. Và thứ hai là việc Hoài
Văn Hầu Trần Quốc Toản bóp nát quả cam vì không được
dự hội nghị. Điều này chứng tỏ ngay trước khi quân xâm
lược tiến vào biên giới nước ta, vua Trần Nhân Tông đã
phát động phong trào cương quyết diệt giặc trong giới chỉ
huy quân sự. Cùng tháng 10 năm đó, vua đã phong thái uý Trần
Quang Khải làm thượng tướng thái sư.
Tháng 7 mùa
thu năm sau, vua gửi phái bộ Hoàng Tư Lịnh và Nguyễn Chương
đi sứ qua nhà Nguyên.
Phái bộ trở về, báo cáo đã
gặp thái tử A Thai và bình chương A Lạt đương họp 50 vạn
binh của các xứ Hồ Quảng, có ý định xâm lược nước
ta. Khi nghe tin này, theo An Nam truyện của Nguyên sử 209 tờ
5a1-b3, vua Trần Nhân Tông đã gửi thư cho A Lý Hải Nha đòi
trả lại các sứ đã bị giữ. A Lý Hải Nha đã được vua
Nguyên cho phép trực tiếp viết thư trả lời. Từ Kinh Hồ
Chiêm Thành hành tỉnh ở Ngạc Châu, A Lý Hải Nha sai tên đạt
lỗ hoa xích của châu này là Triệu Chử cầm thư đến nước
ta. Tháng 11 năm đó Triệu Chử tới. Vua Nhân Tông đã sai trung
lượng đại phu Đinh Khắc Thiệu, trung đại phu Nguyễn Đạo
Học, v.vỢ đem phương vật theo Triệu Chử sang Nguyên gặp
Hốt Tất Liệt. Đồng thời, vua tiếp tục cuộc đấu
tranh ngoại giao bằng cách sai trung phụng đại phu Phạm Chí
Thanh cùng triều thỉnh lang Đỗ Bào Trực đem thư đến gặp
A Lý Hải Nha trả lời về việc tại sao không thể giúp quân
và giúp lương trong việc đánh Chiêm Thành cũng như việc mình
không thể vào chầu vua Nguyên.
Trong khi cho
phép A Lý Hải Nha cử Triệu Chử vào tháng 7 thì tháng 10 năm
đó, Hốt Tất Liệt sai Đào Bỉnh Trực đem chính thư của
hắn qua cho vua Trần Nhân Tông. Lá thư tuy không còn, nhưng
nội dung chắc chắn là những lời đe dọa. Để đối phó,
trong tháng ấy, theo ĐVSKTT 5 tờ 43b6-8, vua Trần Nhân Tông điều
động các vương hầu đem toàn bộ quân đội thủy bộ tập
trận, phong cho Trần Hưng Đạo làm Quốc công tiết chế thống
lĩnh thiên hạ chư quân sự và giao quân cho những tướng tài,
chuẩn bị đối phó với cuộc xâm lược sắp tới.
Tháng 5 năm
Chí Nguyên thứ 21 (1284), ngày Canh Ngọ, Hốt Tất Liệt, khi
nghe “Kinh Hồ Chiêm Thành hành tỉnh đem quân tiến chiếm
vùng đất Ô Mã gần An Nam và xin thêm quân, bèn sai đạt lỗ
hoa xích của Ngạc Châu là bọn Triệu Chử đem thư vua đến
bảo An Nam”, như Bản kỷ của Nguyên sử 13 tờ 3a5-6 đã
ghi. Để đáp lại, ngày Giáp Thìn cuối tháng 5 nhuận vua Trần
Nhân Tông cử phái bộ Trần Khiêm Phủ đem cống chén ngọc,
bình vàng, chuỗi châu, lĩnh vàng, vượn trắng, chim cưu xanh
và vải vóc. Theo An Nam chí lược 14 tờ 139 thì phái bộ này
qua Kinh Hồ Chiêm Thành hành tỉnh để xin hoãn binh.
ĐVSKTT 5 tờ
44a4-5 cũng chép vậy, nhưng lại ghi vào tháng 11. Đây chắc
là chép sai, vì sau đó lại chép tiếp:
“Tháng 12
Trần Phủ từ nước Nguyên về nói vua Nguyên sai thái tử
là Trấn Nam Vương Thoát Hoan, Bình chương A Lạt và bọn A
Lý Hải Nha đem quân, thác cớ mượn đường đi đánh Chiêm
Thành, chia đường xâm lấ n”. Trong vòng hai tháng, Trần Khiêm
Phủ không đủ thời gian để đi về. Hơn nữa, tiếp theo
Trần Khiêm Phủ còn có phái bộ Đoàn Án và Lê Quý. Rồi
đến tháng 7 còn có phái bộ Nguyễn Đạo Học như Bản kỷ
của Nguyên sử 13 tờ 4a8-9 đã ghi. Một mặt trận ngoại giao
được dàn ra, để vận động và tranh thủ lấy thời cơ,
nhằm củng cố và phát triển lực lượng vật chất cũng
như tinh thần với mục đích nâng cao sức chiến đấu và
sẵn sàng chiến đấu của quân và dân Đại Việt.
Quả thật,
tháng 8 năm đó (1284), sau khi được phong Quốc công tiết chế,
Trần Hưng Đạo đề nghị tập hợp toàn bộ quân đội ở
Đông bộ đầu tại thủ đô Thăng Long, để làm một cuộc
duyệt binh lớn. Sau đó, quân đội được bố trí đến đóng
các nơi xung yếu như Vĩnh Bình, Động Bàng, Nội Bàng, Vạn
Kiếp, Bình Than, Vân Đồn để đối phó với cánh quân Đông
- Bắc của địch. Chỉ huy mặt trận Đông Bắc này là Quốc
công tiết chế Trần Hưng Đạo.
Còn để đối phó với
cánh quân Vân Nam ở phía Tây Bắc thì giao cho Chiêu Văn Vương
Trần Nhật Duật chỉ huy. Còn về phía nam kinh thành, ta xây
dựng một số cứ điểm phòng ngự như Đà Mạc, A Lỗ và
Đại Hoàng, giao cho các tướng như Bảo Nghĩa Hầu Trần Bình
Trọng điều khiển. Cuộc chiến tranh Mông - Việt sắp bắt
đầu.
Trong khi tiến
hành khẩn trương các hoạt động quân sự, thì công tác vận
động toàn dân tham gia kháng chiến đã được thực hiện
song song. Tháng 12, Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu
tập các bô lão trong cả nước về đãi tiệc tại thềm điện
Diên Hồng, hỏi kế đánh giặc. Để trả lời câu hỏi của
vua về việc có nên đánh hay không, các vị bô lão đã “muôn
người như cùng một lời”, đáp lại “nên đánh”. Nhà
sử học Ngô Sỹ Liên bình luận về hành động này, đã nói:
“Thánh Tông muốn làm thế để xem sự ái hộ thành thật
của hạ dân và muốn cho họ nghe dụ hỏi mà cảm kích hăng
hái lên”. Đúng thế, hội nghị Diên Hồng là một cuộc
vận động tư tưởng lớn, nhằm phổ biến rộng rãi chủ
trương nhất định kháng chiến của vua Trần Nhân Tông và
triều đình cùng quân đội tới toàn dân.
Như vậy,
quân dân Đại Việt, dưới sự lãnh đạo của vua Trần Nhân
Tông, đã chuẩn bị mọi mặt tinh thần và vật chất, để
chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, chống lại một cuộc
chiến tranh do kẻ thù áp đặt, và cương quyết chiến đấu
thắng lợi khi cuộc chiến tranh xảy ra.
--o0o--
Mục
lục Phần
I:
Chương
I|
Chương
II |
Chương
III
|Chương
IV
|Chương
V
|Chương
VI
|Chương
VII
|Chương
VIII
|Chương
IX
Phần
II:
|Lời
dẫn |Thơ
|Phú
|Bài
giảng
|Ngữ
lục|Văn
xuôi
|Văn
thư
---o0o---
| Thư Mục
Tác Giả |
---o0o---
Chân thành Đạo hữu Tâm Diệu đã gởi
tặng phiên bản điện tử tập sách này
(Trang nhà Quảng Đức, 02/2002)
Trình bày : Nhị Tường