Phần
3
Những
Chướng Ngại Cho Cái Nhìn Sáng Tỏ
Nhà
Phỏng Vấn và Vị Đạo Sư
Có
lẽ đây là một dấu hiệu của thời đại mới, nhưng tôi
cũng đã thu đạt được một vài bài học tâm linh qua các
chương trình đàm thoại trên ti-vi. Tôi còn nhớ một hôm xem
Larry King phỏng vấn một vị đạo sư thuộc truyền thống
Ấn Độ giáo. Tôi không nhớ chính xác những gì vị đạo
sư nói, nhưng tôi nhớ rất rõ cái phong cách thư thái và điềm
tĩnh của ông. Mặc dù những khán giả gọi vào chất vấn
ông thường là để bài bác hoặc, ít nhất, là cũng hoài
nghi, vị đạo sư vẫn giữ một sự có mặt trong sáng và
an lạc, trả lời cho từng câu hỏi một cách rõ ràng, chính
xác và đôi khi còn pha thêm chút khôi hài. Larry King là một
nhà phỏng vấn nổi danh với những câu hỏi thẳng thừng
và soi mói của ông. Có một lúc ông hơi chồm qua bàn viết
và nhìn vào đôi mắt không hề chớp của vị đạo sư. Ông
hỏi, "Làm cách nào ngài lại có thể giữ cho nó được tĩnh
lặng trong ấy đến thế?" Vị đạo sư trả lời, "Trong ấy
bao giờ cũng tĩnh lặng. Nhưng tại vì chúng ta quấy động
chúng lên nhiều quá đó thôi!"
Đây
là một thử nghiệm mà bạn có thể làm ngay bây giờ, trong
không gian riêng tư của nhà bạn, để chứng minh được những
gì vị đạo sư ấy nói là đúng. Chọn một thời gian nào
đó khi bạn được ở một mình và cơ thể được khoẻ khoắn,
hay ít nhất thì cũng không có một sự khó chịu nào trong
thân. Tốt nhất là mình không đang đói và cũng không buồn
ngủ. Tìm một chiếc ghế nào mà bạn ngồi cảm thấy dễ
chịu nhất. Ngồi xuống trong chiếc ghế ấy. Thọ hưởng
cái cảm giác dễ chịu. Bạn có thể nhắm mắt lại nếu
muốn, hoặc mở ra, nhìn chung quanh và thưởng thức cái nhìn
chung quanh ấy. Thọ hưởng cái cảm giác dễ chịu. Đừng
làm một việc gì khác, hãy thưởng thức cái cảm giác dễ
chịu ấy. Giữ ít nhất là mười lăm phút để thọ hưởng
cảm giác dễ chịu trước khi bạn lật sang trang kế tiếp.
Khi nào xong, bạn hãy đọc trang bên.
-----
* -----
* Thế
nào, bạn có cảm thấy dễ chịu trong trọn mười lăm phút
ấy không?
* Bạn
có ngồi và thọ hưởng cái cảm giác thư thái và dễ chịu
ấy không?
* Mất
bao lâu thì có những tư tưởng khác khởi lên làm quấy rối
sự dễ chịu của bạn?
* Những
tư tưởng ấy là gì?
* Bạn
có những tư tưởng ham muốn nào không?
* Bạn
có tự nghĩ rằng, "Phải chi mình đã chọn một chiếc ghế
nào khác thoải mái hơn chiếc ghế này. Chiếc ghế này chưa
phải là cái mà mình ưa nhất. Lần tới nếu có thử nghiệm
lại, mình sẽ chọn một chiếc ghế khác thoải mái hơn"?
* Bạn
có những tư tưởng khó chịu không? Như là, "Chà, ông hàng
xóm của tôi giờ này lại đi chạy máy cắt cỏ. Mình đã
có thể ngồi yên đây thoải mái, an lạc trong mười lăm phút
rồi, nếu không có tiếng máy chạy ồn ào ngoài kia."
* Bạn
có những tư tưởng bồn chồn không? "Ái chà, ngồi yên đây
cũng không dễ chịu như mình nghĩ tưởng. Có lẽ mình nên
thử đi bộ một vòng quanh xóm. Mình lại quên mất gọi điện
thoại trả lời cho chị Quận. Lẽ ra mình phải gọi cho chị
trước khi ngồi xuống, và bây giờ lại lo lắng không biết
chị nghĩ sao về mình. Nếu lỡ chị ta giận vì mình không
gọi lại đúng hẹn thì sao đây?"
* Bạn
có bắt đầu cảm thấy ngủ gục không? Bạn có nghĩ rằng,
"Cái này thì chán chết được. Cái này có lẽ thích hợp
cho mấy ông đạo ở Ấn Độ, chứ nếu ngồi thiền là như
vậy thì chắc chắn không phải là cho tôi rồi. Có lẽ mình
nên ngủ một chút cho hết mười lăm phút."
* Bạn
có nghĩ rằng, "Đây là một bài tập hết sức ngớ ngẩn.
Như vầy thì có mắc mớ gì đến việc giác ngộ chứ? Mình
biết là mình đã dại dột đi mua quyển sách này. Mình thì
lúc nào cũng hay làm những chuyện như vậy - có những quyết
định khờ khạo, nhất thời."
* Bạn
có những ý nghĩ như trên không? Một vài tư tưởng giống
như thế? Hay có hết tất cả?
-----
* -----
Trên
căn bản thì vị đạo sư nói đúng: nó yên lặng bên trong
ta, cho đến khi nào bị khuấy động lên. Nhưng sự khuấy
động ấy không có một chủ đích hoặc một sự cố ý nào.
Chúng ta đâu ai muốn gây thêm phiền phức cho cuộc sống của
mình làm gì. Nó cũng không phải là vì tâm của riêng mình
hư đốn: tâm của người khác cũng không giữ được yên
lặng gì hay hơn ta. Tính chất tự nhiên của tâm là hay bị
quấy động lên bởi những năng lượng lăng xăng, như những
ngọn gió thổi qua lại trên một mặt hồ nước trong, làm
gợn sóng lao xao, chúng che khuất đi sự trong sáng của hồ
nước. Thực hành thiền tập không có nghĩa là ta sẽ làm
ngưng những làn sóng gợn ấy. Có lẽ những bậc thiền sư
giác ngộ, họ có thể lúc nào cũng nhìn xuyên qua được những
làn sóng lăn tăn đó. Nhưng những người học đạo bình thường
như tôi, nếu có thể nhớ được chúng chỉ là những gợn
sóng mà thôi, và mặt, hồ còn một phía bên kia nữa, là hạnh
phúc lắm rồi.
-ooOoo-
Tâm
Thức và Thời Tiết
*
Chúng
ta thường tự kể cho mình nghe những mẩu chuyện, mà ta cứ
lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần. Rồi chúng ta tự
làm cho mình hoang mang và sợ hãi, quên rằng nỗi sợ và lo
âu ấy bao giờ cũng là về một cái gì có thể đã xảy ra
hoặc có thể chưa xảy ra nhưng bây giờ thì không xảy ra.
Chúng ta cũng thường quên là những gì đang xảy ra bây giờ,
chúng cũng sẽ không kéo dài lâu lắm đâu!
Vài
năm trước đây tôi có đến hướng dẫn một khóa thiền
tại thành phố Albuquerque. Trong thiền đường của chúng tôi
có một khung cửa sổ rất lớn, chiếm gần hết trọn một
vách tường. Từ chỗ tôi ngồi, tôi có thể nhìn ra bên ngoài
thấy một cánh đồi rộng lớn chạy dài ra tới tận rặng
núi Sangre de Cristo thật đẹp ở xa xa. Tôi chợt nhận thấy
thời tiết bên ngoài, thổi lồng lộng qua cánh đồi mênh
mông, dường như nó thay đổi rất nhanh chóng từ đầu cho
đến cuối mỗi giờ ngồi thiền của chúng tôi. Khi tôi nhắm
mắt lại, mặt trời có thể còn đang soi sáng, và khi tôi
mở mắt ra bốn mươi lăm phút sau, có thể là một cơn bão
tuyết đang quay cuồng ngoài kia. Khi tôi nhắm mắt lại, bên
ngoài trời đang đổ tuyết, tôi có thể mở mắt ra và thấy
trời đã chuyển sang mưa. Và rồi, dường như chỉ trong chốc
lát, mặt trời lại hiển lộ ra, nhưng bên ngoài có gió lộng
quay cuốn quanh tòa nhà chúng tôi ở. Rồi đột nhiên gió lặng
yên, một ánh nắng hoàng hôn màu hồng phủ lấy núi đồi
đẹp một cách huyền diệu, và từng bông tuyết nhẹ nhàng
rơi trong thinh lặng.
Tôi
tự nghĩ, "Thời tiết ngoài kia cũng giống như tâm ta vậy."
Tôi nhìn nhóm thiền sinh độ hai mươi lăm người ngồi chung
quanh tôi, thân của mọi người ngồi thật yên và gương mặt
của họ tĩnh lặng. Và vì tôi biết chút ít về mỗi thiền
sinh và biết nhiều về tôi, tôi hiểu những gì tôi thấy
chỉ mới là phân nửa của sự thật mà thôi.
Tôi
tưởng tượng đến một tấm tranh khôi hài như sau. Tôi vẽ
ra trong đầu một hình ảnh có năm thiền sinh đang ngồi thiền.
Họ quấn người chặt trong chăn và khăn choàng, mắt nhắm,
vẽ mặt an lạc, chỉ khác biệt nhau về vóc dáng mà thôi.
Gương mặt của mọi người đều y như nhau. Và phía trên
đầu mỗi người là một vòng tròn nhỏ, vẽ những hình ảnh
tiêu biểu cho những gì thật sự đang có mặt trong đầu của
mỗi người. Tôi tưởng tượng trong một vòng tròn có chứa
đầy hình ảnh của những thức ăn như là kem, bánh ngọt,
một tô mì nóng hổi. Một vòng tròn khác là hình của bãi
biển Hạ Uy Di với hàng dừa tha thướt. Một vòng tròn nữa
là hình của đôi tình nhân tình tự với nhau (mặc dù tôi
không biết phải vẽ sao cho tế nhị một chút.) Còn một vòng
tròn là hình ảnh chiến tranh, hoặc con người đánh giết
nhau, hoặc đầy những ký hiệu #&*@#$% biểu thị cho những
từ ngữ không thích hợp mà người ta dùng để mắng nhiếc
nhau. Một vòng tròn khác đầy tối tăm và mù mịt. Một vòng
tròn nữa có vẽ hình sấm sét, hoặc có lẽ thêm vào một
ngọn núi lửa đang phun trong khung cảnh ấy. Một vòng tròn
khác là một người có vẻ mặt hoang mang đang nhún vai, hai
bàn tay mở ra và đưa lên trời, ý diễn tả "Tôi không biết."
Có lẽ vòng tròn "tôi không biết" ấy sẽ được vẽ trên
một nền đầy những dấu hỏi. Và rồi tôi tưởng tượng
thêm hình một thiền sinh thứ sáu, trên đầu anh là một vòng
tròn mà không có gì trong ấy hết.
Điều
mà tôi muốn nói về bức tranh khôi hài ấy không phải là
người có vòng tròn trống không là một người may mắn. Thật
ra, tôi có một ước mơ là sẽ viết một cuốn sách mà trong
đó mỗi trang đều có cùng mỗi một bức tranh ấy. Bức tranh
cũng vẽ có bấy nhiêu đó người quấn mền ngồi thiền trông
thật yên, gương mặt của họ không hề biến đổi. Chỉ
có nội dung của những vòng tròn tượng trưng cho ý nghĩ của
họ là thay đổi mà thôi. Và cũng chỉ có bấy nhiêu đó ý
nghĩ nhưng nó sẽ di chuyển vòng vòng hết người này sang
người kế. Cùng một người nhưng có nhiều tướng trạng
tâm thức khác nhau. Mỗi tướng trạng của tâm thức đến
rồi đi. Dù cho đó có là sự tĩnh lặng cũng vậy.
Mỗi
cá nhân đều sẽ kinh nghiệm hết tất cả mọi năng lượng
khác nhau trong tâm mình, đó là những trận bão có thể đoán
trước được trong tâm thức con người. Chúng phản ảnh những
sự thăng trầm của năng lượng trong ta, cũng như phản ứng
của tâm ta đối với những kinh nghiệm dễ chịu và khó chịu.
Tất cả đều là hoàn toàn tự nhiên. Chúng không có gì để
ta phải sợ hãi hoặc cảm thấy là chướng ngại hết. Nếu
chúng ta sang sống ở một hành tinh nào khác, ta sẽ muốn có
ai báo trước cho biết thời tiết nơi ấy như thế nào, để
ta có thể lo mà chuẩn bị trước. Con người trên hành tinh
này cũng vậy, sự sống của ta sẽ được dễ dàng hơn nếu
ta biết cách đối phó với mọi sự bất ngờ của thời tiết,
chung quanh ta cũng như là trong ta.
-ooOoo-
Những
Tâm Thức Chướng Ngại Chỉ Có Bấy Nhiêu Thôi
*
Trong
kinh điển Phật giáo năm năng lượng của dục lạc, sân hận,
dã dượi, xao động và hoài nghi được gọi là "Ngũ Trần
Cái" tức là năm loại ngăn che của tâm. Chúng được gọi
là những loại ngăn che của tâm vì chúng làm mờ mịt cái
thấy sáng suốt của ta, cũng giống như những trận bão cát
trong sa mạc, hoặc sương mù trên đường đi, có thể làm
cho người lữ hành bị lạc lối. Chúng ngăn trở không cho
ta tiếp xúc được với cái tự tánh thanh tịnh của mình.
Chúng làm ta điên đảo. Ta nhận đó cho là thật, và quên
rằng tự tánh của mình không phải chỉ là một trận bão
đi ngang qua. Trận bão lướt qua thì sẽ chỉ là một trận
bão lướt qua. Còn chân tánh thì bao giờ cũng vẫn là cái
chân tánh trong ta muôn đời sáng tỏ.
Năm
loại năng lượng khác nhau ấy thật ra là chỉ có bấy nhiêu
thôi, nhưng chúng lại được cải trang qua biết bao nhiêu là
bộ mặt khác nhau. Bánh kem thì khác với bánh pizza và khác
với lại tình dục, nhưng trên cơ bản thì tất cả chúng
đều là những đối tượng của ái dục. Cùng một năng lượng
của sân hận đã cung cấp nhiên liệu cho sự bực tức của
ta đối với người hàng xóm vặn nhạc quá lớn, và sự bất
mãn của ta với một vị tổng thống bất tài. Tâm càu nhàu
nào thì cũng chỉ là tâm càu nhàu; tâm buồn ngủ là tâm buồn
ngủ; tâm xao động là tâm xao động; tâm hoài nghi là tâm
hoài nghi.
Sự
kiện là trong tâm ta sẽ có những trận bão tố khởi lên
và qua đi, điều ấy không phải là một vấn đề. Sống ở
một nơi mà thời tiết thay đổi luôn luôn cũng không phải
là vấn đề. Nhưng dù sao đi nữa, ta phải biết mặc đồ
cho thích hợp với các loại thời tiết khác nhau, và có đủ
khôn ngoan để ở trong nhà khi ngoài trời dông tố. Và ta cũng
nên nhớ là thời tiết nào rồi cũng sẽ thay đổi. Những
tâm thức khó khăn của ta chỉ trở thành vấn đề khi nào
ta thật sự tin rằng chúng sẽ tiếp tục mãi mãi. Rồi từ
đó, vì chúng là những năng lượng bất an, ta đâm ra sợ
hãi.
Chúng
ta có hai loại sợ hãi. Một là nỗi sợ rằng những gì đang
xảy ra bây giờ, chúng sẽ tiếp tục mãi mãi. Điều đó hoàn
toàn là không thật - không có gì có thể tiếp diễn mãi mãi
được. Nỗi sợ thứ nhì là mặc dù nó sẽ không tiếp diễn
mãi mãi, nhưng nỗi đau đang có mặt sẽ mãnh liệt đến mức
ta không thể nào chịu đựng được. Và nỗi sợ thứ hai
này có tàng chứa một chân lý rất sâu sắc. Ta không bao giờ
có thể chối bỏ được là trong cuộc đời này, tấm thân
ta có thể bị nhiều đau đớn, những mối tương giao của
ta có thể sẽ mang lại khổ đau, sẽ có những lúc ta cảm
thấy một nỗi đau thật lớn. Nhưng mặc dù vậy, tôi nghĩ
là chúng ta đã tự coi thường mình, chúng ta đã đánh giá
mình hơi thấp. Đôi khi cuộc đời có thể có nhiều đau đớn,
nhưng tôi tin rằng chúng ta có một khả năng chịu đựng rất
to tát.
Vì
chúng ta hay hoảng hốt lên mỗi khi vừa có một ngọn gió
chướng ngại nào nổi lên trong tâm thức, nên ta thường chống
cự lại với nó. Chúng ta hoặc là cố gắng thay đổi nó
hoặc muốn loại trừ nó đi. Tình trạng rối loạn và dằn
co ấy lại càng làm cho tâm trạng ta trở nên khốn khó hơn.
Việc
ấy cũng giống như một cảnh của chú mèo Daffy, một nhân
vật trong phim hoạt họa của trẻ con, đang thong dong đi trên
đường, đột nhiên đạp nhằm một đống kẹo dẻo mạch-nha.
Trong cơn vội vã, vụng về cố gắng tự giải cứu mình,
chú ta té tới, té lui và cuối cùng toàn thân bị dính cứng
trong đống kẹo dẻo ấy, không thoát ra được. Trong hoàn
cảnh ấy, ngay cả trẻ con cũng còn thấy được giải pháp
nào mới là đúng.
Giải
pháp hay nhất là một thái độ nhận diện không hoảng sợ.
"Đây là kẹo dẻo mạch-nha. Tôi không thấy nên dẫm vào,
nhưng bây giờ thì biết là mình đang bị kẹt. Nhưng nó chỉ
là kẹo mach-nha mà thôi. Cả thế giới này đâu phải làm
toàn bằng kẹo mạch-nha. Và bây giờ thì hành động nào là
khôn ngoan nhất?"
-ooOoo-
Ăn
Xúp Bằng Nĩa
*
Chúng
ta tự tạo nên những vấn đề rất to tát vì không thấy
được những năng lượng bất an của tâm, nhất là khi chúng
ẩn núp dưới hình dạng của những câu chuyện. Chúng cũng
giống như những đứa trẻ con nhà láng giềng hóa trang làm
những con ma vào ngày lễ Halloween. Khi chúng ta mở cửa ra và
thấy đứa bé hàng xóm phủ một tấm vải trắng để đi
xin kẹo, mặc dù nó trông giống như một con ma, nhưng ta vẫn
biết đó chỉ là đứa bé nhà láng giềng mà thôi. Và khi
tôi nhớ những biến cố trong đời mình chỉ là những năng
lượng của tâm núp dưới tấm vải trắng của một câu chuyện,
tôi có thể tiếp xử với chúng một cách ưu ái hơn.
Dưới
đây là một bài thực tập để chứng tỏ cho thấy chính
cái trạng thái tâm thức của ta, chứ không phải việc gì
xảy ra, đã quyết định cho kinh nghiệm của mình:
Trường
Hợp Thứ Nhất
Bạn
đang có liên hệ tình cảm với một người nào đó, và mối
tương giao bắt đầu có dấu hiệu đổ vỡ. Bạn và người
kia, cả hai đều thất vọng vì mối tình đã không thành.
Người này cảm thấy bất mãn và tức giận với người kia
vì họ đã không giống như người mình mơ ước. Cả hai quyết
định cùng gặp nhau một lần chót để giải quyết cho dứt
khoát. Hai người bỏ một ngày rủ nhau đi ra biển để lánh
xa hết tất cả. Nhưng khi ngày trôi qua, mỗi người lại chỉ
nhớ đến những đau đớn, thất bại trong mối tương giao
giữa đôi bên. Bạn cảm thấy tức giận và đuối sức. Trên
đường về, vì cả hai cảm thấy đói, bạn dừng lại tại
một quán ăn chiều. Người tình cũ của bạn ăn xúp bằng
nĩa. Bạn tự bảo lòng, "Cái này thì còn thật là tệ hơn
là mình nghĩ! Tên khờ này lại còn đi ăn xúp bằng nĩa!"
Trường
Hợp Thứ Hai
Bạn
cảm thấy yêu tha thiết. Người kia cũng yêu bạn đắm say.
Cả hai bỏ một ngày đi ra biển chơi. Bạn nằm tắm nắng,
đọc truyện tình, đùa giỡn trên sóng, âu yếm với nhau.
Trên đường về, cả hai cảm thấy đói nên bạn dừng lại
tại một nhà hàng. Người thương của bạn ăn xúp bằng nĩa.
Bạn tự bảo lòng, "Trông thật là đáng yêu! Ăn xúp bằng
nĩa!"
Tôi
nghĩ có lẽ đó là ý nghĩa của câu "Chúng ta tự tạo nên
thực tại của chính mình." Tôi thường có khó khăn về ý
nghĩa của câu ấy, lần đầu tiên khi tôi nghe nói vào thập
niên bảy mươi. Vì dầu cho có cố gắng đến đâu, tôi vẫn
không thể nào tạo được một thực tại là ngày mai mặt
trời sẽ mọc ở phương Tây, và tôi cũng không thể nào chữa
lành cho những người tôi thương bị mắc bệnh nan y, như
một phép lạ. Nhưng có một thực tại mà tôi có thể tạo
được - là cái quan điểm của tôi về bất cứ một vấn
đề nào.
-ooOoo-
Ái
Dục
*
Theo
kinh điển nhà Phật thì năng lượng của lòng ái dục đứng
đầu hết trong danh sách của các tâm thức chướng ngại.
Trước hết nó là một loại năng lượng có nhiều thử thách
và khá lý thú, vì danh từ ái dục tự nó có hàm chứa một
ngụ ý dâm ô. Ví dụ khi một người nói là họ đang có ái
dục về một cái gì, chắc chắn là chúng ta không ai lại
nghĩ là họ muốn nói tới bánh kẹo hoặc là một tô phở.
Ái
dục có tính cách hổ thẹn. Có lần, trong một lớp dạy về
các năng lượng khó khăn trong tâm, tôi hỏi các thiền sinh
là năng lượng nào đã gây nhiều khó khăn nhất trong cuộc
sống của mỗi người. Khi chúng tôi đi vòng quanh phòng, phần
đông đều phát biểu rằng lòng thù ghét hoặc sân hận là
một chướng ngại khổ sở nhất đối với họ. Dường như
ai cũng có thể chấp nhận được điều ấy dễ dàng, và
nó cũng không có gì là lạ hoặc gây khó chịu cho người
nghe. Cuối cùng, có một người đàn ông phát biểu, "Thật
ra thì tôi nghĩ lòng ái dục là gây cho tôi nhiều khó khăn
nhất." Mặc dù không ai nhúc nhích, nhưng tôi thấy dường
như có một sự ngượng ngùng rõ rệt. Có những tiếng cười
rụt rè, khúc khích phá lên khắp nơi trong phòng. Đột nhiên,
người đàn ông dễ thương, đáng kính và thành thật ấy,
lại như có một cái gì bất thiện phủ trùm lên ông.
Mặc
dù trong kinh điển có đề cập đến lòng ái dục như là
một năng lượng nhục dục, nhưng theo tôi nghĩ chúng ta nên
hiểu rằng đó là một năng lượng tham muốn về bất cứ
một đối tượng nào cũng vậy. Nó là cái năng lượng của
cảm nghĩ là ta sẽ không thể nào có hạnh phúc trừ khi mình
phải có được một cái gì đó. Nó là một cảm giác thiếu
thốn trong tâm. Bạn có bao giờ có cảm giác ấy không? Bạn
đứng dậy, đi lại mở cửa tủ lạnh rồi đứng đấy nhìn
vào, bạn đứng đó với cánh cửa tủ lạnh mở toang, bạn
không biết là mình thật sự muốn gì nữa, nhưng bạn có
cảm giác là mình muốn một cái gì đó. Nó cũng chính là
cái năng lượng đã xúi dục chúng ta đột nhiên phải vặn
ti-vi lên, và dùng chiếc máy bấm để đổi hết đài này
sang đài kế, may ra có một cái gì đó hay ho đang xảy ra chăng!
Tâm
thiếu thốn thì chỉ là một tâm thiếu thốn, và nhiều khi
nó xuất hiện mà không cần đến một sự đòi hỏi nào của
sinh lý. Mấy năm trước đây khi đứa cháu gái của tôi lên
hai tuổi, em trai của nó chào đời. Bà nội của nó và tôi
đến ở với nó đêm má nó phải vào nhà thương. Chúng tôi
lo cho nó hết sức chu tất. Nó cũng rất thân với chúng tôi,
và cả hai bà ngoại, nội hoàn toàn dành hết tất cả cho
sự an vui của cháu. Mặc dù vậy, trong suốt buổi tối hôm
ấy, rõ ràng là nó đã cảm thấy sự vắng mặt của má nó.
Nó bảo, "Cháu muốn uống nước cam," và chúng tôi đi lấy
nước. Rồi nó đòi, "Cháu muốn ăn một miếng bánh," và chúng
tôi lại cho nó bánh. Một hồi sau nó lại nói, "Bây giờ cháu
muốn đọc sách," và tiếp theo là "Cháu muốn đồ chơi. Cháu
muốn búp bế. Cháu muốn ăn táo." Đến một lúc, tôi và bà
nội nó nhìn nhau và hiểu là đứa cháu gái mình chỉ cảm
thấy cần một cái gì đó thôi. Bà nội của nó nói, "Chắc
là nó nhớ mong một cái gì." Đứa cháu gái tôi cảm nhận
cái năng lượng của sự nhung nhớ về một cái gì mà nó
không biết rõ. Và lẽ dĩ nhiên, nó đâu có khả năng để
nói là "Cháu cảm thấy cái năng lượng của sự cần thiết
và ham muốn, nhưng cháu không biết là mình đang cần cái gì."
Đôi
khi cái tâm nghèo túng ấy khởi lên để đáp ứng lại một
sự thiếu thốn trong lòng, như trong trường hợp của đứa
cháu gái tôi. Nhưng cũng có đôi lúc dường như nó xuất hiện
thật vô cớ. Thật ra cũng không phải hoàn toàn là vô cớ
đâu! Thường thì đó là những phản ứng tự nhiên của ta
khi tiếp xúc với những gì mình ưa thích. Như có bao giờ
bạn đi ngang qua một tiệm bánh và trở nên ý thức đến
một mùi bánh thơm thoang thoảng bay ra không? Trước khi bạn
ngửi thấy mùi bánh ấy, bạn không đói bụng. Bây giờ thì
đột nhiên một cơn đói bụng ghê gớm chợt nổi dậy. Điều
này không phải là một sự kiện gì quái lạ hết, vì đường
lối vận hành bình thường của tâm là như vậy. Mỗi khi
tiếp xúc với những kinh nghiệm dễ chịu, tham muốn sẽ khởi
lên. Mà hành động theo sự ham muốn cũng không nhất thiết
là sai bậy, vì đôi khi những ham muốn ấy cũng rất lành
mạnh, đặc biệt là những ham muốn của cảm thọ. Ta không
thể khờ khạo mà nghĩ rằng mỗi khi cảm thấy đói bụng
chúng ta chỉ cần nói, "Cái này chỉ là lòng ham muốn khởi
lên mà thôi" và rồi không cần phải làm gì hết. Và cũng
vậy, khi ta giả vờ như không biết đến những cảm giác
dục tình, thay vì chọn những biện pháp khéo léo, có ý thức
để đối trị nó, thì kết quả cũng sẽ không tốt đẹp
gì hơn. Sự ham muốn của cảm thọ là những năng lượng
đều đặn và thường xuyên tràn lấn tâm ta và bắt giữ
sự chú ý của ta. Chọn những ham muốn lành mạnh của cảm
thọ là một phần trong cuộc sống được làm bằng những
tương giao của ta với thế giới chung quanh này.
Cũng
có những ham muốn phức tạp hơn là những nhu cầu rõ rệt
của sinh lý như là về thực phẩm hoặc tình dục chẳng hạn.
Đó là lòng ham muốn về những kinh nghiệm thú vị. Tôi hay
thích đọc tạp chí Smithsonian. Mỗi tháng tôi nhận được
một tờ báo mới gởi đến tận nhà, và phía bìa sau là những
hình quảng cáo về những chuyến du lịch không tưởng đến
những nơi thật xa xôi. Có lúc bất ngờ tôi thấy mình thật
sự dự tính cho một cuộc du hành mười bảy ngày đến Bắc
Cực. Năm phút trước khi đọc trang quảng cáo ấy, tôi không
hề nghĩ đến bất cứ một chuyến đi xa nào hết. Mà trong
đời tôi, cho đến giây phút ấy, tôi cũng không hề có một
ý thích gì đến thăm viếng miền Bắc Cực. Vậy mà đùng
một cái, tờ quảng cáo hấp dẫn đã khiến tôi thật sự
xem xét giá tiền của chuyến đi và tự hỏi không biết mình
có sắp đặt được thời giờ để tham gia không.
Những
loại sách liệt kê các món hàng và những tài liệu quảng
cáo gởi qua đường bưu điện cũng có thể khích động được
năng lượng của ái dục trong ta. Mỗi ngày tôi đều nhận
được những tập sách quảng cáo về những món hàng mà tôi
không bao giờ cần đến. Những trang bìa được trình bày
rất hấp dẫn khiến lần nào tôi cũng quyết định là mình
cũng nên xem qua thử một chút. Và khi đọc vào rồi, thế
nào tôi cũng tìm thấy một món đồ đặc biệt nào đó mà
tôi phân vân không biết mình có cần không. Hoặc là nghĩ,
có thể cá nhân mình không cần, nhưng nó sẽ rất thích hợp
cho một người quen nào đó. Mặc dù chưa đến ngày sinh nhật
của họ. Tôi bắt đầu nghĩ đến khi nào là sinh nhật họ,
hay là để dành món quà ấy cho một dịp lễ nào khác. Tất
cả những chuyện ấy thật ra cũng dễ hiểu, vì đường lối
vận hành của tâm là mỗi khi tiếp xúc với một kinh nghiệm
dễ chịu, chúng ta sẽ cảm thấy một sự lôi kéo, một năng
lực ham muốn, và tâm ta sẽ chạy theo hướng của những kinh
nghiệm cảm thọ dễ chịu ấy.
Và
đôi khi dù không có một kinh nghiệm lý thú nào có mặt, tâm
ta cũng vẫn có đầy đủ khả năng để gợi lại những hình
ảnh trong quá khứ, và rồi tham muốn chúng. Tôi rất ngạc
nhiên khi khám phá ra tâm ta lại có thể ham muốn thật nhiều
mặc dù đang sống trong tu viện. Tôi đã bỏ ra rất nhiều
thời gian trong những tu viện để thực tập thiền quán. Thực
phẩm ở đây thì rất đơn sơ, và hoàn cảnh không hề cho
phép ta có những sinh hoạt gì nhiều. Mặc dù vậy, tôi cũng
đã phác thảo ra trong đầu, toàn bộ một nhóm y phục rộng
rãi và thoải mái mà tôi có thể mặc để đi tham dự một
khoá tu trong một tương lai viển vông nào đó. Tôi tưởng
tượng sẽ đan cho mình một tấm mền ấm hơn. Tôi phác họa
trong đầu sẽ mua một chiếc đòn gỗ hoặc một tọa cụ
khác, ngồi thoải mái hơn cái mà tôi đang có. Mặc dù những
nguyên nhân gây nên sự tham muốn ở đây thì rất là ít ỏi,
nhưng tâm tôi vẫn cứ hoạt động tối đa. Tôi tưởng tượng
kinh nghiệm tu tập của mình sẽ có nhiều thành quả hơn,
nếu họ làm đồ ăn sáng ngon hơn hoặc mua một hiệu trà
khác hơn. Tùy ở sự tu tập của tôi ngày hôm ấy tốt đẹp
đến đâu, tôi có thể thấy mình nghĩ đến thực đơn của
buổi ăn chiều, ngay sau khi vừa ăn trưa xong. Nhưng tôi không
hề nghĩ là tâm tôi động loạn gì nhiều hơn bất cứ một
ai khác. Tánh tự nhiên của tâm là luôn luôn nhìn về phía
chân trời, tìm kiếm những kinh nghiệm nào khả dĩ có thể
đem lại sự thú vị cho nó, và rồi bám chặt vào đó. Đó
là tình trạng bị điều kiện của chúng ta.
Và
đôi khi năng lượng của sự ham muốn trong tâm sẽ khiến
cho ta đột nhiên biết yêu. Khi tâm và thân ta tràn ngập năng
lượng của ái dục, người khác đối với ta tự nhiên sẽ
trở nên hấp dẫn hơn. Chúng ta vẽ vời nên những hình ảnh
mơ mộng lãng mạn hoặc gợi tình về người khác, mà không
cần biết họ là người như thế nào, chỉ dựa ở nơi tâm
ta lúc ấy cảm thấy ra sao. Đây là một hiện tượng đặc
biệt rất khó đối trị. Nó xảy ra rất thường trong những
khoá tu khi mọi người tuyệt đối nguyện giữ thinh lặng,
và vì vậy họ không thể nào xét đoán được người khác
xem có hợp với mình không. Họ cảm thấy kích thích trong
tâm và thân, và đột nhiên bị xúc động mạnh, giống như
là họ vừa biết yêu một người mà mình không hề quen biết,
chỉ dựa trên cách cô nàng ta đi vào thiền đường hoặc
nhìn anh chàng ta ăn mà thôi. Chính tôi cũng đã từng cảm
thấy phải lòng yêu những người đâu đâu chỉ vì họ vô
tình bước vào tầm nhìn của tôi, khi tôi đang cảm thấy
vui thú hoặc đang ngập tràn với năng lượng của ái dục.
Tôi cũng đã mơ tưởng ra những hình ảnh bỏ trốn theo những
người xa lạ ấy. Cả sự việc rất là buồn cười và không
thực, vì tôi đã có chồng và hoàn toàn không hề có một
tình ý nào khác với bất cứ ai. Và những người mà tôi
cảm thấy "yêu", tôi cũng có biết chút ít về họ, họ hoặc
đã đính hôn hoặc cũng đã có gia đình. Cả chuỗi sự kiện
ấy hoàn toàn chỉ là những mơ tưởng vô vọng. Nhưng dù
vậy, tâm ta cứ bám vào vấn đề ấy và quyết định rằng
đây là một mối tương giao quan trọng nhất trong đời mình,
đây là người bạn đời tâm linh mà mình hằng tìm kiếm.
Nghĩ cũng đáng sợ khi thấy tâm ta lại có thể dựng lên
cả một tấn tuồng từ một năng lượng rất đơn sơ của
thân và tâm.
Khi
năng lượng của ái dục phát khởi lên, chúng ta nhìn chung
quanh, và đùng một cái cho rằng, "Cái này là cái mà mình
đang cần đây!" Thật ra nó cũng không phải là một vấn đề,
mà là khôi hài thì đúng hơn. Nó chỉ trở thành một vấn
đề khi ta thiếu chánh niệm, khi ta quên đi và cho đó là thật.
Nhưng
không phải là tôi muốn khuyên bạn không nên yêu. Biết yêu
nhiệm mầu lắm chứ! Tôi chỉ muốn nói là khi ta yêu, ta nên
từ tốn một chút để có thể biết chắc người mà ta yêu
không phải đơn giản chỉ là một nhân vật được tạo dựng
nên bởi lòng ham muốn của chính mình.
Giáo
lý của Phật dạy về ái dục có lẽ cũng tương tự với
một huyền thoại của Âu Châu, là nếu bạn nuốt trọn trái
tim của một con gà, bạn sẽ phải lòng yêu và sống trọn
đời với bất cứ một người nào mà bạn sẽ gặp ngay sau
đó. Thật ra tôi nghĩ có lẽ chuyện ấy cũng đã thật sự
xảy ra cho rất nhiều người. Sau khi đã nuốt trọn một trái
tim và đang ở trong một trạng thái gợi tình, bất cứ một
người nào mà họ gặp tiếp đó sẽ thấy hấp dẫn hơn.
Là một thiền sinh có nghĩa là ta tạo cho mình một khoảng
không gian trong tâm, để ta có thể tỉnh táo và thấy được
thế nào một phản ứng lành mạnh và vững vàng.
Một
liều thuốc có khả năng hóa giải được chướng ngại về
ái dục là sự kiềm chế. Thái độ kiềm chế trong thời
đại ngày nay nghe có vẻ lạc hậu quá. Tôi cũng cảm thấy
hơi ngượng một chút khi sử dụng danh từ ấy, vì tôi thấy
bắt đầu giống bà Nội mình rồi đó, đối với cụ thì
chỉ cần nói một số chữ khiếm nhã thôi cũng đủ là hành
động bất luân rồi. Nhưng kiềm chế là một danh từ rất
hay. Nó có nghĩa là ta biết chờ đợi lâu đủ để thấy
được hai việc xảy ra.
Việc
thứ nhất là ta hy vọng sẽ thấy rõ được đối tượng
của sự ham muốn có lành mạnh không, và hành động theo nó
có hợp luân lý, có trách nhiệm và đúng đắn hay không. Và
việc thứ hai sự chờ đợi có thể cho phép ta thấy được
là ham muốn tự nó chỉ là một năng lượng của tâm mà thôi.
Đó là một loại năng lượng đi tô màu cảm giác ta và thúc
đẩy hành động của ta. Nhưng khi đã biết nó chỉ là một
loại năng lượng, ta sẽ hiểu nó không hề có quyền năng
bắt ta phải hành động. Nó không phải là một mệnh lệnh,
chỉ là một lời đề nghị mà thôi. Nếu sự ham muốn là
lành mạnh và đúng lúc, ta có thể quyết định sẽ hành theo.
Và nếu sự ham muốn là bất thiện và không đúng lúc, ta
có thể tự kiềm chế lại, và năng lượng ấy chắc chắn
rồi sẽ qua đi.
-ooOoo-
Liều
Thuốc Giải Trừ Ái Dục
*
Sau
đây là một câu chuyện ngụ ngôn ví dụ cho ta thấy năng
lượng của ái dục có thể bị khắc phục được bằng sự
tu tập định tâm. Cũng như những chuyện cổ tích khác, câu
chuyện ngụ ngôn này đã được khẩu truyền qua nhiều thế
hệ. Tôi không biết nguồn gốc của nó, nhưng tôi nghe lại
từ một người bạn, và chị ta đã được nghe từ vị giáo
sĩ Do Thái Zalman Schachter-Shalomi. Thế nên, bây giờ thì đây
là một câu truyện Phật giáo nhưng có nguồn gốc từ Do Thái
giáo vậy.
Ngày
xưa thật xưa, trước khi chúng ta quá khôn ngoan, ở một vùng
đất nọ, nơi mà vẫn còn những cô công chúa thật đẹp
với trái tim còn đang say ngủ và những chàng trai khờ khạo,
có một anh thanh niên đem lòng yêu thương một cô công chúa
miền xa. Lòng ái dục về nàng công chúa đã ngập tràn tim
anh. Chàng thanh niên ấy tin chắc rồi sẽ có một ngày họ
được gặp và thành hôn với nhau. Anh ta còn tưởng tượng
là mình sẽ trở thành một người cha của một bầy con đông
đảo.
Rồi
một hôm trong một chuyến đi, cô công chúa cùng đoàn tùy
tùng đi ngang qua nơi anh đang sống. Và chàng thanh niên khờ
dại ấy bị lòng ái dục làm mù quáng, nhào ra khỏi đám
đông, quỳ xuống trước chân cô công chúa và kêu lên, "Chừng
nào chúng ta mới sẽ được sống bên nhau?" Cô công chúa với
giọng khinh khi nhìn anh thanh niên nói, "- trong nghĩa địa!"
Ý của cô là "Không bao giờ là trong kiếp này, tên ngốc kia!"
Nhưng anh thanh niên lại tiếp nhận lời ấy như là một mệnh
lệnh, anh ta tìm đến một nghĩa địa và chờ ở đấy.
Anh
chờ và chờ và tiếp tục chờ. Thời gian hoàn toàn là vô
nghĩa đối với anh. Anh chỉ có một mục đích duy nhất và
một con tim không biết lay chuyển.
Và
anh tiếp tục chờ đợi...
Bổng
một ngày nọ, tâm anh trở nên thật bình lặng và tập trung
đến mức toàn thân tâm anh ngập tràn niềm vui và ánh sáng,
nó xua tan hết mọi hận thù và nhỏ nhen. Anh cảm thấy yêu
thương hết tất cả mọi người, mọi loài không phân biệt.
Và người chung quanh cũng cảm nhận được tình thương bao
la ấy của anh, họ rủ nhau tìm đến để được anh ban ơn
phước.
Và
anh vẫn tiếp tục chờ đợi...
Anh
cũng đã nhiều lần được gặp thần Chết. Thật ra thần
Chết là người khách ghé qua thường xuyên nhất, vào đủ
mọi giờ, mọi lúc, dẫn theo đủ hết mọi hạng người trong
xả hội, già trẻ, giàu nghèo, đẹp xấu, được nhiều người
thương hoặc bị mọi người ghét bỏ. Với một cái nhìn
tĩnh lặng, chàng thanh niên chợt nhận thấy cái mong manh, vô
thường của sự sống, cái bước tiến vô tình và lạnh lùng
của thời gian. Anh chợt ý thức được những khổ đau của
ta có là vì ta bám víu vào những bóng ma của các kinh nghiệm
rỗng tênh. Và rồi anh trở nên minh triết hơn. Và người
chung quanh cũng cảm nhận được sự minh triết ấy, họ lại
càng tìm đến đông hơn để được anh ban ơn phước.
Cô
công chúa ngày xưa bây giờ đã lập gia đình, nhưng vẫn chưa
có được một mặt con nào. Nghe tiếng đồn về một vị
thánh sống trong nghĩa địa, có khả năng ban ơn phước cho
mọi người, cô tìm đến để xin được một đứa con. Và
chàng thanh niên si mê khi xưa, ngày nay với một hạnh phúc
vô biên và cuộc sống tự tại, kêu gọi hết tất cả những
thần linh trong toàn cõi vũ trụ về ban phước cho cô. Và cô
công chúa ấy sau cùng đã trở thành mẹ của một bầy con
kháu khỉnh.
-ooOoo-