|
X
THAM
THIỀN YẾU CHỈ
Hòa Thượng
Hư Vân
Hòa Thượng
Thích Thanh Từ Việt dịch
V.-
TU CÙNG KHÔNG TU.
Giảng tu hành,
giảng không tu hành đều là câu nói suông. Chúng ta thấu triệt
tâm quang của mình rồi, liền đó không có một việc thì
còn cái gì mà nói tu không tu. Thử xem chỗ hiển bày của
Đức Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni, xuất gia, hỏi đạo, sau sáu
năm khổ hạnh chứng đạo, khi sao mai mọc, Ngài than: “Lạ
thay! Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có đức tướng, trí
tuệ Như Lai, chỉ vì vọng tưởng chấp trước không thể
chứng được. Nếu lìa vọng tưởng là thanh tịnh trí, tự
nhiên trí, vô sư trí tự nhiên hiện tiền”. Về sau nói pháp
bốn mươi chín năm, mà Ngài tuyên bố: “Ta chưa từng nói
đến một chữ ”. Sau này, trải qua chư vị Tổ sư một mạch
truyền nối đều nhận định “Tâm, Phật, chúng sanh ba cái
không khác”, “Chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật”.
Nói ngang, nói dọc, hoặc đánh, hoặc nạt đều vì đoạn
trừ phân biệt vọng tưởng của học giả; cốt cho học giả
thẳng đó “biết được bản tâm, thấy được bản tánh
của mình”. Không nương vào một chút phương tiện nói tu
nói chứng. Ý chỉ của Phật Tổ, chúng ta đã thấy rõ ràng
lắm vậy .
Một niệm
tâm hiện tiền của chúng ta xưa nay vẫn thanh tịnh, vẫn tự
đầy đủ, bủa trùm khắp giáp, diệu dụng hằng sa cùng với
chư Phật ba đời không khác. Chỉ cần không nghĩ thiện, không
nghĩ ác, không nghĩ gì cả, liền đó có thể thành Phật,
ngồi một chỗ mà thiên hạ thái bình. Như thế, còn có hạnh
nào đáng tu, giảng tu hành đâu không phải là câu nói suông.
Nhưng một niệm tâm hiện tiền của chúng ta đang hướng ngoại
tìm cầu, vọng tưởng chấp trước không thể rời được,
từ vô thỉ đến nay lưu chuyển trong sanh tử, vô minh phiền
não nhiễm quá sâu dày, ban đầu không biết tự tâm là Phật,
biết rồi cũng chẳng chịu thừa đương, không thể làm chủ
được, không có cái dũng khí của người tráng sĩ chặt tay,
hằng ngày ở trong vọng tưởng chấp trước. Người bậc
thượng, trọn ngày làm thế này thế nọ, cầu thiền cầu
đạo, mà không thể rời được hữu tâm. Người bậc hạ,
tham sân si ái bền chặt không thể phá, chạy ngược với
đạo. Hai hạng người này trầm luân trong sanh tử không biết
chừng nào dứt; nếu giảng không tu hành đâu không phải lời
nói suông?
Các bậc
đại trượng phu nhận định đã thấu triệt, biết rõ muôn
sự muôn vật xưa nay đều là giấc mơ, huyễn hóa, hòn bọt,
cái bóng không có tự tánh, nhân và pháp liền không, muôn
duyên đều dứt, một niệm là muôn năm, thẳng đến chỗ
vô sanh. Người bàng quan nhìn vào thấy bậc ấy cũng mặc
áo, ăn cơm, đi đứng ngồi nằm như người thường. Đâu
biết bậc ấy đang ngồi yên trong nhà thái bình thanh tịnh
của mình, hưởng thọ kho báu vô tận, không khởi tâm không
tạo tác, tự do tự tại, động tịnh đều là như như, lạnh
hay nóng chỉ vị ấy tự biết mà thôi. Không những người,
trời, quỷ thần trong tam giới lục đạo nhìn vị ấy không
thấu, chính là chư Phật Bồ-tát cũng chẳng làm gì được
người ấy. Đối với bậc này, còn nói cái gì là tu hành
hay không tu hành?
Hạng kế
đó, cần phải phát khởi chí hướng, thống thiết nhớ việc
chết sống, phát tâm hổ thẹn, khởi hạnh tinh tấn, hỏi
đạo và cố gắng tham thiền; thường cầu thỉnh các bậc
thiện tri thức chỉ dạy lối tắt, phân biệt thế nào là
chánh, là tà; tha thiết giũa mài, lấy nước sông Hán mà rửa,
đem ra mặt trời Thu mà phơi, dần dần càng được tinh thuần
trắng sạch. Với hạng người này không thể không nói tu
hành .Đã
nói từ trước đến đây chẳng qua dời trên đổi dưới
đều thuộc phương tiện tạm thời, người mắt sáng xem qua
cốt nhận “vạch bùn lấy nước”. Song Tổ đình đã cuối
thu, cách Phật ngày càng xa thẳm, vì ứng hợp căn cơ chúng
sanh, bất đắc dĩ mới giảng giải thế này. Xét thật, giảng
tu hành, giảng không tu hành đều là lời nói suông. Thẳng
đó là vô sự, vốn không có một vật, đâu phiền mở miệng.
Các Bồ-tát hội chăng?
Xem Thêm:
-
THAM
THIỀN
-
Trong
"Pháp Ngữ Của Thiền Sư Hư Vân" Việt Dịch: Thích Hằng
Đạt
|