|
X
THAM
THIỀN YẾU CHỈ
Hòa Thượng
Hư Vân
Hòa Thượng
Thích Thanh Từ Việt dịch
II.
THIỀN ĐƯỜNG CHỈ DẠY
A.
DẪN LỜI DẠY
Chư
vị hằng ngày đến thỉnh tôi chỉ dạy khiến tôi rất hổ
thẹn. Chư vị ngày ngày nhọc nhằn cuốc đất, bửa củi,
gánh gạch làm việc quên cả sớm chiều, mà vẫn không quên
tâm niệm cầu giải thoát. Hạt giống thiết tha vì đạo ấy
khiến mọi người đều cảm động. Hư Vân này hổ thẹn
không đạo không đức, nói không đến đâu lấy gì chỉ dạy,
chỉ lượm lặt những lời dạy của cổ nhân để đáp lại
lời khẩn cầu của chư vị mà thôi.
B.
PHƯƠNG PHÁP NHẬP MÔN DỤNG CÔNG.Phương pháp dụng công
tu hành rất nhiều, hiện tại chỉ tóm lược chỉ bày:
1.
ĐIỀU
KIỆN QUYẾT ĐỊNH TRƯỚC KHI TU TẬP:
a)
Tin sâu nhân quả. – Không luận người nào, nếu muốn
dụng công tu tập trước cần phải tin sâu nhân quả. Nếu
không tin nhân quả, thực hành càn bướng, không những tu hành
chẳng thành công mà tam đồ cũng khó tránh. Cổ đức nói:
“Muốn biết nhân đời trước hãy xem sự lãnh thọ của
đời này, muốn biết quả đời sau hãy nhìn sự gây tạo
hiện tại”. Lại nói: “Giả sử đã tạo nghiệp trăm ngàn
kiếp vẫn không mất, khi nhân duyên hội ngộ quả báo trở
lại tự chịu”. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nhân địa không ngay,
quả báo cong vạy”. Cho nên gieo nhân lành kết quả lành,
gieo nhân ác gặt quả ác, trồng dưa được dưa, trồng đậu
được đậu là đạo lý tất nhiên vậy.Nói đến nhân quả
tôi xin thuật hai câu chuyện xưa để chứng minh:
-
Chuyện
vua Lưu Ly giết dòng họ Thích.
Trước đức
Phật Thích-ca ra đời, trong thành Ca-tỳ-la-vệ có một làng
chài lưới, trong làng có cái hồ to. Khi ấy, trời hạn nước
cạn, bao nhiêu cá trong ao bị người làng bắt ăn hết, sau
cùng còn lại một con cá thật to cũng bị người làm thịt
luôn. Trong làng chỉ có một đứa bé lâu nay không ăn thịt
cá, hôm ấy đến thấy con cá to lấy cây gõ trên đầu nó
ba cái rồi đi. Sau này khi đức Thích-ca ra đời, vua Ba-tư-nặc
rất kính tin Phật pháp, cưới con gái dòng họ Thích làm vợ,
sanh được một Thái tử đặt tên Lưu Ly. Lúc thơ ấu, Lưu
Ly ở bên ngoại tại thành Ca-tỳ-la-vệ học, một hôm nhân
giỡn chơi trèo lên tòa của Phật ngồi, bị người họ Thích
rầy mắng kéo lôi xuống, nên ôm lòng uất hận. Đến khi
Lưu Ly lên làm vua, xuất đại binh đánh thành Ca-tỳ-la-vệ,
bắt hết dân cư trong thành giết sạch, chính khi ấy đức
Thích-ca nhức đầu ba ngày. Các vị đệ tử lớn của Phật
cầu xin Phật tìm cách giải cứu dòng họ Thích. Phật nói:
“Định nghiệp khó chuyển”. Tôn giả Mục Liên dùng sức
thần thông lấy bình bát đến thâu năm trăm người dòng Thích-ca
đem để trên không trung; khi giặc qua, Ngài đem xuống thả
ra, không ngờ khi trút bát thấy tất cả đều biến thành
máu. Các đệ tử lớn đến thưa hỏi Phật, Phật đem việc
xưa dân trong làng ăn cá thuật lại: Con cá lớn ngày xưa là
vua Lưu Ly hiện nay, quân đội của vua Lưu Ly đều là những
con cá nhỏ trong hồ. Dân cư trong thành Ca-tỳ-la-vệ bị giết
đều là người ăn cá ngày xưa. Thân Phật chính là đứa
bé gõ đầu cá ba cái ngày xưa, nên hiện tại bị quả báo
nhức đầu ba ngày. Vì định nghiệp khó tránh nên năm trăm
người dòng họ Thích tuy được Tôn giả Mục Liên cứu thoát,
cũng không bảo tồn được tánh mạng. Sau này vua Lưu Ly bị
đọa địa ngục. Oan oan tương báo không biết bao giờ hết
được. Nhân quả thật đáng sợ vậy.
-
Chuyện
ngài Bá Trượng độ Hồ Ly.
Bá Trượng
Lão nhân một hôm vào nhà giảng, giảng xong các thính giả
ra hết, chỉ còn lại một ông già không lui đi. Ngài Bá Trượng
hỏi: “Ông còn muốn hỏi gì?”. Ông ấy thưa: “Con là Dã
hồ tinh không phải là người, đời trước con vốn làm Đường
đầu (Trụ trì) ở đây, nhân có người học, hỏi con: ‘Bậc
đại tu hành lại rơi vào luật nhân quả chăng?’. Con đáp:
‘Không rơi nhân quả’. Do đó con bị đọa lạc làm Dã hồ
tinh đã năm trăm năm, không có cách nào thoát thân, mong Hòa
thượng từ bi chỉ dạy cho!”. Ngài Bá Trượng bảo: “Ngươi
hỏi lại ta”. Ông ấy bèn hỏi: “Bạch Hòa thượng! Bậc
đại tu hành lại rơi vào nhân quả chăng?”. Tổ Bá Trượng
đáp: “Không lầm nhân quả”. Ông già nghe câu này liền
đại ngộ. Ông lễ tạ thưa: “Nay nương lời đáp thay của
Hòa thượng khiến con siêu thoát thân Dã hồ, con ở hang sau
núi, mong Hòa thượng lấy lễ tống táng theo nhà sư cho con”.
Hôm sau, Tổ Bá Trượng lại hang sau núi, lấy gậy bới ra
có xác con hồ tinh, bèn dùng lễ theo nhà sư mà an táng. Chúng
ta nghe hai câu chuyện xưa này càng biết rõ nhân quả đáng
sợ, tuy thành Phật vẫn khó khỏi quả báo nhức đầu. Sự
báo ứng một mảy may không sai lạc, định nghiệp thật khó
trốn tránh. Chúng ta gắng cẩn thận, gắng dè dặt chớ có
gây nhân.
b)
Nghiêm trì giới luật. – Dụng công tu hành trước
nhất phải trì giới. Giới là cội gốc quả vô thượng Bồ-đề,
nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ, nếu không trì
giới mà tu hành thì không thể được. Trong kinh Lăng Nghiêm
dạy rõ bốn món thanh tịnh, dạy chúng ta rằng: “Không trì
giới mà tu chánh định không thể thoát khỏi trần lao, dù
hiện tiền có nhiều trí tuệ, nhiều thiền định cũng rơi
vào tà ma ngoại đạo”. Đó nên biết, trì giới là trọng
yếu, người trì giới Long Thiên ủng hộ, ma ngoại kính sợ.
Người phá giới, bọn quỉ gọi là giặc lớn, nó quét dấu
chân của người ấy. Ngày xưa tại nước Kế Tân, gần bên
đất già lam có một con độc long thường khi ra nhiễu hại
dân chúng địa phương. Có năm trăm vị A-la-hán nhóm họp
một chỗ dùng sức thiền định đuổi nó đi, rốt cuộc không
hiệu quả gì cả. Sau có một vị Tăng, không cần nhập thiền
định chỉ đến gần con độc long nói một câu: “Hiền thiện
! Hãy tránh xa chỗ này đi”. Con độc long liền đi mất. Các
vị A-la-hán hỏi vị Tăng ấy: “Ông dùng thần thông gì đuổi
được con độc long?”. Vị Tăng đáp: “Tôi không dùng sức
thiền định, chỉ do cẩn thận đối với giới, gìn giữ
giới khinh cũng như giới trọng”. Chúng ta tưởng tượng
sức thiền định của năm trăm vị La-hán mà không bằng một
vị Tăng nghiêm trì giới luật.Hoặc có người bảo: “Lục
Tổ nói tâm bình đâu cần trì giới, hạnh thẳng nào dụng
tham thiền”. Tôi xin hỏi ông: Tâm ông đã bình, hạnh ông
đã thẳng chưa? Giả sử có người con gái đẹp lõa thể
đến ôm ông, ông có thể không động tâm chăng? Có người
vô lý mạ nhục đánh đập ông, ông có thể không sanh tâm
sân hận chăng? Ông đã đạt được chỗ không phân biệt
oán thân, thương ghét, nhân ngã, phải quấy chưa? Cẩn thận
khi làm được mới nói những lời to ấy, nếu làm không được
mà nói chỉ là nói suông.
c)
Tín tâm kiên cố. – Có ý dụng công tu tập trước
cần phải có lòng tin bền chặt. Lòng tin là đầu của Đạo,
là mẹ các công đức. Bất luận làm việc gì không có lòng
tin thì làm không xong. Chúng ta cốt liễu thoát sanh tử, điều
cần thiết phải có lòng tin bền chặt. Phật nói: “Tất
cả chúng sanh đều có đức tướng trí tuệ Như Lai, chỉ
do vọng tưởng chấp trước không thể chứng được”. Phật
lại dạy các thứ pháp môn để đối trị tâm bệnh của
chúng sanh. Chúng ta nên tin lời Phật nói không hư dối, tin
chúng sanh đều có khả năng thành Phật. Sở dĩ chúng ta chưa
được thành Phật, đều do chưa triệt để dụng công đúng
như pháp mà thôi. Ví như chúng ta tin đậu nành làm đậu hũ
được, nếu ta không ra công nấu đậu hũ thì đậu nành tự
nó không thể biến thành đậu hũ. Nếu chúng ta đi nấu đậu
hũ mà để thạch cao không đúng lượng, đậu hũ cũng không
thể thành. Nếu ta nấu đúng pháp, để thạch cao đúng lượng
quyết định sẽ thành đậu hũ. Người tu hành cũng như thế,
không dụng công tu tập cố nhiên không thành Phật, dụng công
không đúng pháp Phật cũng không thể thành. Nếu người tu
tập đúng pháp, không lui không hối, quyết định người này
sẽ thành Phật. Cho nên, chúng ta phải tin sâu chính mình xưa
nay là Phật; lại tin sâu y giáo pháp Phật dạy tu hành quyết
định thành Phật. Vĩnh Gia Thiền sư nói: “Chứng thật tướng
không nhân pháp, sát-na diệt hết nghiệp A-tỳ, nếu dùng lời
vọng dối chúng sanh, tự chuốc địa ngục (Bạt Thiệt) trần
sa kiếp”. Ngài Vĩnh Gia vì lòng từ bi, cốt định chắc lòng
tin cho người đời sau, nên phát lời thệ rộng lớn như vậy.
d)
Quyết định pháp môn tu hành.- Lòng tin đã đủ, lại nên
chọn một pháp môn để tu trì, cần phải không được sớm
Tần chiều Sở. Bất luận niệm Phật cũng tốt, trì chú cũng
tốt, tham thiền cũng tốt, điều cần thiết là nhận định
một pháp môn thẳng đó tiến tu hằng không lui sụt. Ngày
nay chưa thành công, ngày mai vẫn tiến hành như thế; năm nay
chưa thành công, năm tới vẫn tiến hành như thế; đời này
chưa thành công, đời sau vẫn tiến hành như thế. Qui Sơn
Lão nhân nói: “Đời đời nếu không lui sụt, quả Phật
quyết định có ngày”. Có một số người làm mà không chú
ý quyết định, ngày nay nghe vị thiện tri thức này nói niệm
Phật hay, liền niệm Phật được vài ngày; ngày mai nghe vị
thiện tri thức kia nói tham thiền hay, lại tham thiền vài ngày,
sang đông tìm tây, một đời kiếm tìm đến chết mà không
được một chút kết quả, rất uổng thay!
2. PHƯƠNG
PHÁP THAM THIỀN:
Pháp
môn dụng công tuy nhiều mà chư Phật, Tổ sư đều cho tham
thiền là vô thượng diệu môn. Trên hội Lăng Nghiêm Phật
dạy Bồ-tát Văn Thù chọn môn viên thông, ngài Văn Thù chọn
môn nhĩ căn viên thông của Bồ-tát Quán Thế Âm là bậc nhất
hơn cả. Chúng ta cần “Phản văn văn tự tánh” (xoay cái
nghe nghe tự tánh) chính là tham thiền. Trong thiền đường
này cũng nên giảng một pháp tham thiền.
a)
Tọa thiền nên biết. – Bình thường nhật dụng đều
là hành đạo, như vậy chỗ nào không phải là đạo tràng,
cần gì thiết lập thiền đường, cũng không phải tọa thiền
mới là thiền. Nói thiền đường, nói tọa thiền chẳng qua
vì chúng ta là chúng sanh trong thời mạt pháp chướng sâu,
tuệ cạn mà tạm thiết lập.Tọa thiền cần hiểu rõ cách
điều dưỡng thân tâm. Nếu không khéo điều, hại nhỏ là
sanh bệnh, hại to là bị ma, thật đáng tiếc vậy. Trong thiền
đường đi kinh hành, hoặc tọa thiền chỗ dụng ý chính là
điều thân tâm. Phương pháp điều thân tâm rất nhiều, nay
chọn lọc những điều cần yếu lược nói:Khi ngồi kiết
già phải theo thứ tự, giữ tự nhiên và ngồi ngay thẳng.
Không được để ý ễnh lưng thẳng lên, nếu ễnh thẳng
lưng hơi nóng xông lên tụ lại lâu ngày, con mắt sanh nhiều
ghèn, miệng hôi, đầu nóng, không muốn ăn uống, quá lắm
đến thổ huyết. Lại không được để lưng cong đầu cúi
nhiều, nếu vậy dễ sanh hôn trầm. Như biết khi hôn trầm
tới, mở mắt to ra, ễnh lưng một cái và động nhẹ nhẹ
hai bên hông, hôn trầm tự nhiên tiêu diệt. Nếu dụng công
cấp bách quá, khi nghe trong lòng bứt rứt nên bỏ hết mọi
việc và xả luôn cả dụng công, dừng nghỉ độ năm mười
phút, dần dần thư thái, nhiên hậu đề khởi dụng công.
Nếu không như vậy, dồn chứa lâu ngày biến thành tánh nóng
nảy dễ sân, thậm chí phát cuồng bị ma.Tọa thiền khi có
chút thọ dụng (thấy cảnh giới lạ) cảnh giới phát hiện
rất nhiều nói không thể hết, chỉ ta không chấp trước
cảnh giới ấy thì nó không làm ngại ta được. Lời tục
nói: “Thấy quái ta không quái, quái tự mất”. Trông thấy
yêu ma quỉ quái đến nhiễu hại ta, ta không cần quan tâm
đến nó, cũng không sợ nó hại. Chính thấy đức Phật Thích-ca
đến rờ đầu thọ ký, ta cũng không quan tâm đến, chẳng
nên sanh vui mừng. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Không khởi tâm cho
mình chứng Thánh, là cảnh giới lành, khởi tâm cho mình chứng
Thánh, tức lạc quần tà”.
b)
Hạ thủ công phu - biết chủ khách.-
Hạ thủ công phu thế nào ư? Trên hội Lăng Nghiêm ngài
Kiều Trần Như nói hai chữ Khách Trần, chính là chỗ sơ tâm
chúng ta hạ thủ công phu vậy. Ngài nói: “Ví như người
hành khách dừng nghỉ nơi quán trọ, hoặc ngủ hoặc ăn, ăn
ngủ xong gói hành lý ra đi, đi không trở về nghỉ lại. Nếu
thật người chủ thì không đi đâu. Như thế suy xét, không
ở lại gọi là khách, ở lại gọi là chủ. Bởi không ở
lại nên nghĩa là khách. Lại như buổi sáng trời tạnh, mặt
trời vượt lên, ánh sáng soi qua các kẽ hở, soi rõ các vi
trần trong hư không, vi trần diêu động, hư không yên lặng.
Yên lặng là Không, diêu động là nghĩa Trần”. Khách và
trần dụ vọng tưởng, chủ và hư không dụ tự tánh. Người
chủ thì thường ở, không phải như khách hoặc đi hoặc đến,
đó là dụ tự tánh thường trụ vốn không theo vọng tưởng
chợt sanh chợt diệt. Nên nói: “Chỉ tự vô tâm với vạn
vật, ngại gì vạn vật thường nhiễu loạn”. Tính chất
vi trần tự diêu động vẫn không làm ngại được cái yên
lặng của hư không. Dụ vọng tưởng tánh nó sanh diệt vẫn
không làm ngại được tự tánh như như bất động. Nên nói:
“Một tâm không sanh, muôn pháp chẳng lỗi lầm”.Trong đây
chữ Khách so phần thô, chữ Trần so phần tế. Người mới
phát tâm trước nhận rõ Chủ và Khách, tự không bị nó kéo
lôi; tiến lên nhận rõ ràng Không và Trần, vọng tưởng không
thể làm chướng ngại. Nên nói: “Biết được, không phải
oán”. Người hay xét kỹ lãnh hội được chỗ này, sự dụng
công tu hành rất chóng tiến.
c)
Thoại đầu cùng nghi tình. - Thời xưa Tổ sư chỉ
thẳng tâm người thấy tánh thành Phật. Như cách an tâm của
Tổ Đạt-ma, lối bàn kiến tánh của Lục Tổ, chỉ cần thẳng
đó thừa nhận là xong, không có khán thoại đầu. Đến các
Tổ sư sau này thấy tâm người không bằng cổ nhân, không
thể tử tâm như khối đất, mà luôn tráo trở lăng xăng,
mọi người chỉ đếm của báu cho kẻ khác mà lầm nhận
là của mình. Bởi thế nên các Ngài riêng lập môn đình (cảnh
riêng) và mỗi vị chỉ ra một phương pháp, do đó mới dạy
người học khán thoại đầu.Thoại đầu rất nhiều, như:
“Muôn pháp về một, một về chỗ nào?” hay “Trước khi
cha mẹ chưa sanh, thế nào là mặt thật của ta?” v.v... nhưng
phổ thông hơn cả là câu “Niệm Phật là gì?”.Thế nào
là thoại đầu? Thoại là lời nói, trước lời nói là đầu.
Như niệm A Di Đà Phật là thoại, trước khi chưa niệm là
thoại đầu. Nên nói thoại đầu là cái mé chưa sanh một
niệm. Một niệm vừa sanh đã thành thoại vĩ (đuôi lời nói).
Cái mé chưa sanh một niệm đó gọi là “không sanh”; không
loạn động, không mê muội, không đắm nơi tịnh, không rơi
vào không, gọi là “không diệt”. Luôn luôn chăm chú trở
lại chiếu soi cái “không sanh không diệt” ấy, gọi là
“khán thoại đầu” hoặc “chiếu cố thoại đầu”.Khán
thoại đầu trước cần phải khởi nghi tình, đó là chỗ
nương nhờ của pháp khán thoại đầu. Sao gọi là nghi tình?
Như hỏi niệm Phật là gì? Người người đều biết chính
mình niệm. Nhưng là miệng niệm hay tâm niệm? Nếu thật miệng
niệm, khi ngủ mê vẫn có miệng sao không niệm? Nếu thật
tâm niệm, tâm hình dáng thế nào, lại không có chỗ nơi sờ
mó? Nhân chỗ không rõ này, trên chữ gì phát khởi niệm
nghi nhẹ nhàng tế nhị, không cho thô, càng tế càng tốt.
Tùy thời tùy chỗ chăm chú chiếu cố quyết chí nơi niệm
nghi này, giống như dòng nước không có chỗ đoạn, không
sanh hai niệm. Nếu niệm nghi còn thì không cần để ý đến
nó, niệm nghi nếu mất lại nhẹ nhàng đề khởi lên. Khi
mới dụng tâm thì trong tịnh, trong động so sánh rất đắc
lực. Nhưng cốt không sanh tâm phân biệt, không quan tâm đến
đắc lực hay không đắc lực, không chú ý trong động hay
trong tịnh, ta chỉ nhất tâm, nhất ý dụng công là tốt.
Bốn
chữ Niệm Phật là gì, rất quan trọng tại chữgì,
ngoài ra ba chữ kia chẳng qua là để nói cho to mà
thôi. Như “mặc áo, ăn cơm là gì?”, “đại
tiểu tiện là gì?”, “phá vô minh là
gì?”,
“hay hiểu biết là gì?”, bất luận đi đứng
ngồi nằm một khi đề chữ gì lên là dễ phát
niệm nghi, không cần suy nghĩ xét nét để ý mới có. Cho nên
chữ gì trong câu thoại đầu thật tại là một
diệu pháp của tham thiền. Nhưng không phải đem một chữ
gì, hoặc bốn chữ niệm Phật là gì
coi như danh hiệu Phật mà niệm; cũng không phải suy nghĩ xét
nét câu niệm Phật là gì mà cho là nghi tình. Có
một số người đem bốn chữ niệm Phật là gì
ra niệm suốt ngày không dừng miệng, như thế chi bằng niệm
A Di Đà Phật công đức còn hơn. Có một số người
nghĩ quanh tính quẩn, tìm đông kiếm tây cho đó là nghi tình,
đâu biết rằng càng nghĩ càng tính vọng tưởng càng nhiều,
giống như người muốn lên lại bị rơi xuống, cần phải
biết vậy.
Người
sơ tâm phát niệm nghi rất thô, chợt dứt chợt nối, chợt
chín chợt sống, đều không được nghi tình, chỉ gọi là
Tưởng. Lần lần thu nhiếp được tâm cuồng loạn, niệm
đầu cũng kềm giữ được chút ít, mới gọi là Tham. Lại
tiến dần dần công phu thuần thục không nghi mà tự nghi,
không biết mình đang ngồi ở chỗ nào, cũng không biết có
thân tâm thế giới, chỉ riêng niệm nghi hiện tiền không
gián đoạn, đó gọi là nghi tình. Thật tế mà nói, lúc đầu
chưa kể là dụng công chỉ đả phá vọng tưởng, đến khi
chân nghi hiện tiền mới là giai đoạn chân chánh dụng công.
Giai đoạn này như qua cửa ải lớn rất dễ vào đường tẽ.Giai
đoạn này rất thanh tịnh và vô hạn khinh an, nếu mất một
ít giác chiếu bèn rơi vào trạng thái mê muội nhẹ nhàng.
Nếu khi ấy có bậc sáng suốt ở bên, một phen nhìn qua liền
biết người ấy đang mắc tại cảnh giới này, lấy một
hương bản đập xuống, lập tức đầy trời mây mù tan hết,
rất nhiều người nhân đây được ngộ đạo.
Chính
khi rất thanh tịnh rỗng rang ấy, nếu nghi tình không còn bèn
rơi vào vô ký, ngồi như cây như đá, hoặc gọi hòn đá ngâm
nước lạnh. Đến khi đó cần phải đề khởi, đề khởi
tức là giác chiếu (giác là không mê, tức là tuệ; chiếu
là không loạn, tức là định) chăm chú một niệm ấy, lặng
lẽ chiếu soi, như như không động, sáng sủa không mê, rành
rõ thường biết, như lạnh nóng rút hơi, một mạch liên tục
không dứt.
Dụng
công đến chỗ này cần có con mắt Kim cang không đề khởi
thêm, nếu đề khởi thì đã đầu lại thêm đầu. Xưa có
vị tăng hỏi Triệu Châu Lão nhân rằng: “Một vật khi không
đem đến làm thế nào?”. Châu đáp: “Buông hết đi!”.
Tăng thưa: “Một vật không đem đến, buông hết cái gì?”.
Châu bảo: “Buông không xuống thì gánh lên!”. Chính là nói
giai đoạn này vậy. Trong cảnh sáng sủa mát mẻ này như người
uống nước lạnh nóng tự biết, không phải nói năng có thể
đến được. Người đến chỗ này tự nhiên sáng suốt, người
chưa đến được có nói cũng vô ích. Nên nói: “Trên đường
gặp kiếm khách nên trình kiếm, không phải nhà thơ chớ tặng
thơ”.
d)
Chiếu cố thoại đầu cùng phản văn văn tự tánh.- Hoặc
có người hỏi: “Câu phản văn văn tự tánh của Bồ-tát
Quán Thế Âm sao được gọi là tham thiền?” - Tôi mới nói
chiếu cố thoại đầu chính là dạy ông luôn luôn chăm chú
một niệm hồi quang phản chiếu cái “không sanh không diệt”
(thoại đầu). Phản văn văn tự tánh cũng là dạy ông luôn
luôn chăm chú một niệm phản văn văn tự tánh. Hồi chính
là Phản, không sanh không diệt là Tự tánh. Văn và chiếu,
tuy lúc xuôi dòng theo thinh theo sắc, nghe không ra ngoài tiếng,
thấy không vượt khỏi sắc, phân biệt rõ ràng; nhưng khi
ngược dòng trở lại quán tự tánh không chạy theo thinh sắc,
chính là một cái tinh minh, Văn và Chiếu đâu phải hai thứ.
Chúng ta cần biết, nói rằng “Chiếu cố thoại đầu”,
“Phản văn tự tánh” tuyệt đối không phải dùng mắt xem,
dùng tai nghe. Nếu dùng mắt xem, hoặc dùng tai nghe, ấy là
đã chạy theo thinh sắc, bị vật chuyển gọi là xuôi dòng.
Nếu chăm chú trong một niệm “không sanh không diệt”, không
đuổi theo thinh sắc, gọi là ngược dòng. Ấy là “Chiếu
cố thoại đầu”, cũng là “Phản văn tự tánh”.
e)
Tâm thiết tha vì sanh tử cùng phát tâm lâu dài. - Tham
thiền rất cần tâm thiết tha vì sanh tử và phát tâm lâu
dài. Nếu đối với sự sanh tử không thiết tha thì nghi tình
không phát, công phu khó đạt. Nếu không phát tâm lâu dài,
một nóng mười lạnh thì công phu cũng không thành phiến.
Chỉ cần có tâm thiết tha lâu dài thì chân nghi mới phát.
Khi chân nghi phát thì trần lao phiền não không dứt cũng tự
dứt. Khi thời tiết nhân duyên đến tự nhiên nước tụ thành
ngòi.
Tôi
xin thuật lại một việc cũ chính mắt tôi thấy cho các ông
nghe. Lúc trước, đời Thanh khoảng năm Canh Tý, Liên quân tám
nước vào kinh đô, tôi theo chân vua Quang Tự và Từ Hy Thái
hậu chạy giặc. Giữa đường gặp một đoạn phải chạy
bộ về Thiểm Tây, mỗi ngày chạy mấy mươi cây số, luôn
mấy ngày không có cơm. Trên đường gặp một ông già đem
dâng vua Quang Tự một miếng khoai rừng, ăn xong vua hỏi người
ấy: “Thứ gì ăn ngon lắm vậy?” Các ông thử tưởng, Hoàng
đế ngày thường rất kiểu cách, rất oai phong, đâu từng
đi bộ hơn mấy bước, chưa từng đói quá nửa bụng, chưa
từng ăn hết một miếng khoai rừng. Đến lúc này, kiểu cách
chẳng có, oai phong không còn, lội bộ cũng được, bụng đói
cũng chịu, ăn rễ rau cũng ngon. Vì sao mà ông bỏ hết được?
– Vì Liên quân đuổi bắt ông, ông nhất tâm chạy chết.
Đến sau được nghị hòa, ông ngự giá về kinh, kiểu cách
lại khởi, oai phong lại hiện, đi bộ không nổi, bụng đói
không được, cái gì không ngon thì nuốt không trôi. Sở dĩ
thế, tại khi này ông buông không hết, vì Liên quân không
còn đuổi bắt ông, ông không có tâm chạy chết. Giả sử
ông thường đem cái tâm chạy chết ấy mà tu hành thì thế
nào không thành công; đáng tiếc ông không có tâm lâu dài,
gặp thuận cảnh thái độ cũ lại bộc khởi.
Các
vị đồng tham thiền! Bọn quỉ vô thường luôn luôn theo đuổi
sanh mạng chúng ta, không bao giờ chúng chịu “nghị hòa”.
Chúng ta cần phải phát tâm thiết tha lâu dài để giải thoát
vòng sanh tử. Tổ Cao Phong Diệu nói: “Người tham thiền cần
yếu khắc định ngày thành công, giống như người rơi xuống
giếng sâu ngàn trượng từ sáng đến chiều, từ chiều đến
sáng muôn ngàn tư tưởng chỉ chăm chăm một việc mong ra khỏi
giếng, trọn không có niệm thứ hai. Người thực hành được
như vậy, hoặc ba ngày, năm ngày, bảy ngày, nếu không triệt
ngộ, Cao Phong ngày nay phạm tội đại vọng ngữ hằng đọa
trong địa ngục Bạt Thiệt”. Cao Phong Lão nhân vì lòng đại
bi thiết tha sợ e chúng ta không phát tâm tha thiết lâu dài,
nên phát lời thề nặng này để bảo chứng cho chúng ta.
g)
Dụng công có hai thứ khó và dễ. - Người dụng công có
hai thứ khó và dễ:1.- Sơ dụng tâm khó dễ2.- Lão dụng tâm
khó dễ
1.-
Sơ dụng tâm khó dễ.
-
Sơ dụng
tâm khó - Tâm trộm không chết.
Cái thông bệnh
của người sơ dụng tâm là vọng tưởng, tập khí buông không
hết, vô minh, cao mạn, tật đố, chướng ngại, tham, sân,
si, ái, lười biếng, ăn ngon, phải quấy, nhân ngã đầy dẫy
trong bụng, làm sao tương ưng với đạo? Hoặc có người là
công tử hay ca sĩ xuất gia tập khí không quên, một chút khổ
nhọc chịu không nổi, một miếng không ngon nuốt chẳng vô,
làm sao dụng công tu hành? Người này không chịu tưởng nhớ
đức Bổn Sư Thích Ca là hạng nào đi xuất gia mà chịu khó
khổ được như vậy? Hoặc có người biết chút ít văn tự
bèn tầm chương trích cú đem những lời nói của cổ nhân
ra phân tích, rồi cho mình là hiểu hoàn toàn sanh đại ngã
mạn; nhưng đến khi bệnh nặng thì rên xiết suốt ngày, hoặc
đến lúc sắp lâm chung thì tay co chân rút, bình sanh chỗ hiểu
biết không thực hành được một điểm, đến khi hấp hối
ăn năn sao kịp?
Hoặc
người có chút đạo tâm lại không hiểu rõ chỗ hạ thủ
công phu. Có người sợ vọng tưởng cố trừ mà trừ không
được, trọn ngày buồn rầu bực tức tự hận nghiệp chướng
nặng nề, nhân đó thối thất đạo tâm. Hoặc có người
quyết cùng vọng tưởng chiến đấu, chăm bẳm chống tay xông
hơi, ưỡn ngực trừng mắt giống vẻ mặt hầm hầm của
tên giám sát, quyết cùng vọng tưởng một còn một mất,
họ đâu biết như vậy, vọng tưởng đã đuổi không được,
trở lại mang bệnh thổ huyết, phát cuồng. Hoặc có người
sợ rơi vào không, đâu ngờ trước đã sanh ra quỉ; không
vẫn là không chẳng động, ngộ lại ngộ chẳng đến. Hoặc
có người khởi tâm cầu ngộ, ngờ đâu cầu ngộ đạo mong
thành Phật đều là đại vọng tưởng; cát không phải là
cơm, cầu đến bao nhiêu năm quyết định cũng không ngộ.
Hoặc có người chợt được yên tịnh một vài cây hương
bèn sanh vui mừng, ấy chỉ là con rùa đen mù tìm bọng cây,
ngẫu nhiên đụng nhằm chẳng phải là công phu thật, ma vui
mừng sớm đã nhập vào tâm vậy. Hoặc có người trong chỗ
yên tịnh biết được thanh tịnh rất thích, trong chỗ động
thì mất thanh tịnh, nhân đó tránh chỗ ồn náo tìm chỗ yên
tịnh, ấy là đã sớm làm quyến thuộc của hai thứ ma vương
động tịnh. Các người như vậy thật rất là nhiều. Kẻ
sơ dụng tâm không thấu rõ đường lối tu tập thật là khó.
Có giác mà không chiếu thì tán loạn không thể “đến nhà”.
Có chiếu mà không giác lại “ngồi chết chìm trong nước
chết”.
b-
Sơ dụng tâm dễ - Buông xuống chỉ để một niệm. Dụng
công tuy nói khó, nhưng hiểu rõ đường lối lại rất dễ.
Tại sao sơ dụng tâm là dễ? – Không có gì khéo, buông hết
liền được. Buông hết cái gì? – Buông hết tất cả vô
minh phiền não. Làm sao buông hết được? – Chúng ta coi thân
này như chết vậy. Ông thử chửi thây chết bao nhiêu câu,
nó cũng không phát giận, đánh mấy gậy nó cũng không chống
cự, lúc sống ưa phá vô minh bây giờ cũng không phá, lúc
sống ưa danh lợi khi này cũng không màng, lúc sống nhiều
thứ tập nhiễm khi này không có, cái gì cũng không phân biệt,
cái gì cũng bỏ hết. Chư vị đồng tham thiền! Chúng ta mang
xác thân này một phen hơi thở ra không trở lại bèn thành
thây chết. Chúng ta sở dĩ buông không hết, chỉ do xem thân
này là trọng, sanh nhân ngã phải quấy thương ghét thủ xả.
Nếu nhận định thân này như thây chết, không quý trọng
nó, không chấp nó là ngã thì có cái gì buông không hết?
Chỉ cần buông được hết, trong hai mươi bốn giờ đi đứng
ngồi nằm, động tịnh rảnh rang bận rộn, toàn thân trong
ngoài chỉ là một niệm nghi, bình thản không dứt niệm nghi,
không chen niệm nào khác. Một câu thoại đầu như nương Ỹ
Thiên trường kiếm, ma đến ma chết, Phật đến Phật chết,
không sợ vọng tưởng thì có cái gì phá hại ta được? Có
cái gì phân động phân tịnh, có cái gì chấp hữu chấp không?
Như quả thật sợ vọng tưởng, ấy là chồng thêm một lớp
vọng tưởng. Biết mình thanh tịnh, thế là đã không thanh
tịnh. Sợ rơi vào không, chính đã rớt trong có. Tưởng thành
Phật, đã vào đường ma. Nên nói: “Bửa củi gánh nước
đâu không phải diệu đạo, cày ruộng cuốc đất đều là
thiền cơ”. Không phải trong khi ngồi kiết già mới gọi
là dụng công tu hành.
2.-
Lão dụng tâm khó dễ.
-
Lão dụng
tâm khó – Đầu sào trăm thước không thể tiến bước.
Thế nào là
lão dụng tâm khó? Lão dụng tâm đến giai đoạn chân nghi
hiện tiền, có giác có chiếu vẫn thuộc sanh tử, không giác
không chiếu lại rơi vào không vong, đến cảnh giới này thật
là khó. Đa số người đến chỗ này vượt qua không khỏi,
đứng trên đầu sào trăm thước không có cách nào tiến bước.
Có một số người nhân đến cảnh giới này, trong định
phát chút ít tuệ hiểu sơ lược một ít công án của cổ
nhân, liền bỏ hết nghi tình, tự cho là đại triệt đại
ngộ, ngâm thi vịnh phú, nhướng mày chớp mắt, xưng là thiện
tri thức, thật không biết mình đã rơi vào bè đảng của
ma. Lại có người hiểu lầm ý nghĩa câu của Đạt-ma Lão
nhân nói: “Ngoài dứt các duyên, trong tâm không xao động,
tâm như vách tường có thể vào đạo” và câu của Lục
Tổ nói: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác chính khi ấy cái
gì là bản lai diện mục của Thượng tọa”, bèn cho ngồi
như cây như đá là hay tuyệt. Hạng người này cho Hóa thành
là Bảo sở, nhận xứ người cho là quê hương, thật là chỗ
Bà tử đốt am và mắng “Các ngươi là người chết”.
-
Lão dụng
tâm dễ - Cứ miên mật đi !
Thế nào là
lão dụng tâm dễ? – Đến lúc này chỉ cần không tự mãn,
không bỏ nửa chừng, thầm thầm kín kín dụng công, trong
thầm kín lại thầm kín, trong vi tế lại vi tế, khi thời
tiết đến đáy thùng tự bể (đại ngộ). Nếu không tự
bể, nhờ thiện hữu tri thức nhổ đinh rút chốt cho.Đại
sĩ Hàn Sơn có bài tụng:
Chót vót
trên đảnh núi,
Bốn phía
không mé bờ.
Ngồi
tịnh chả ai biết,
Suối
lạnh vầng trăng soi.
Trong suối
vốn không trăng,
Trời
xanh trăng xa thẳm.
Ngâm một
bài ca này,Trong ca thiền chẳng có. Hai
câu đầu nói cái chân thường bày hiện, không thuộc một
cái gì, sáng chiếu khắp đại địa không một mảy chướng
ngại. Bốn câu kế nói chân như diệu thể phàm phu hẳn không
thể biết, ba đời chư Phật cũng tìm không được chỗ nơi
của ta, nên nói: “chả ai biết”. Ba câu “Suối lạnh vầng
trăng soi v.v...” là Lão nhân dùng phương tiện thí dụ cảnh
giới ấy. Hai câu rốt sau, sợ người nhận lầm ngón tay là
mặt trăng, nên đặc biệt cảnh giác chúng ta “phàm có nói
năng không phải là thiền”.
3.-
KẾT LUẬN:
Chính
tôi mới nói ở trên cũng là gỡ rối chỉ đường mà thôi.
Phàm có nói năng đều không phải thật nghĩa. Cổ đức tiếp
độ người, nếu không đánh thì nạt, đâu có vẽ bày lăng
xăng vầy. Chẳng qua người nay không thể sánh với người
xưa, miễn cưỡng dùng tay chỉ mặt trăng. Chư vị đồng tham
thiền! Cứu cánh ngón tay là gì? Mặt trăng là gì? Hãy tham
đi!
Xem Thêm:
-
THAM
THIỀN
-
Trong
"Pháp Ngữ Của Thiền Sư Hư Vân" Việt Dịch: Thích Hằng
Đạt
|