|
.
Nhất
Hạnh
TINH
YẾU LÂM TẾ LỤC Bình giảng
Lá
Bối 2006
|
|
Trấn
Châu Lâm Tế Tuệ Chiếu
Thiền
Sư Ngữ Lục
Nhất
Hạnh dịch
I
- Dạy Chúng
II
- Ðối Trị Căn Cơ
III
- Du Hành
I
- Dạy Chúng
1.
Thiền Sư khai thị:
Thời
bây giờ, người học Phật cần phải có chánh kiến. Có chánh
kiến rồi thì sinh tử không còn động được tới mình nữa,
lúc ấy ở và đi đều tự do, không cần đi tìm cái siêu
việt mà cái siêu việt tự tìm tới mình. Này các bạn tu
(đạo lưu), các vị cổ đức ngày xưa vị nào cũng đều
có hiến tặng con đường thoát cho người, còn chỗ chỉ dạy
của ông thầy tu núi này chỉ là khuyên các vị đừng có
để cho người ta làm mê hoặc. Sử dụng được lời khuyên
này thì hãy sử dụng liền, đừng có chần chừ, nghi hoặc.
Người tu học thời nay nếu không thành đạt được, đó
là vì sao? Ðó là vì họ không có đức tự tin. Bởi vì quý
vị không đủ đức tự tin cho nên quý vị cứ bận rộn (gấp
gáp) chạy theo hàng vạn thứ hoàn cảnh bên ngoài rồi bị
các hoàn cảnh ấy xoay chuyển làm mất hết tự do. Nếu quý
vị ngừng được những tư tưởng chạy đuổi tìm cầu ấy
lại thì quý vị sẽ thấy giữa quý vị và Tổ Phật không
có gì khác nhau. Quý vị có muốn biết Tổ Phật là ai không?
Tổ Phật chính là quý vị đang đứng trước mặt tôi mà
nghe pháp đấy. Kẻ tu hành mà không có đủ đức tự tin thì
cứ hướng ra ngoài mà rong ruổi tìm cầu. Dù tìm được một
cái gì thì cái ấy cũng chỉ là những hình thái đẹp đẽ
của văn tự mà không phải là cái năng lượng tuệ giác sống
động của Tổ sư. Chư vị thiền đức ơi, đừng có lầm!
Trong giây phút hiện tại này mà quý vị không gặp gỡ được
Tổ Phật thì trong ngàn vạn kiếp sau quý vị sẽ phải luân
hồi trong ba cõi, cứ tiếp tục chạy theo để nắm bắt những
cảnh huống dễ chịu để rồi sẽ liên tiếp sinh vào trong
bụng trâu lừa.
Này
các bạn tu, theo cái thấy của ông thầy tu núi là tôi đây
thì quý vị có khác gì đức Thích Ca đâu? Ngày hôm nay, trong
mọi sinh hoạt thường nhật của chúng ta, quý vị còn cảm
thấy thiếu thốn điều gì? Có lúc nào mà sáu đạo thần
quang của quý vị ngừng chiếu tỏa? Ai mà thấy được như
thế thì sẽ suốt đời là một kẻ vô sự.
Này
các vị đại đức, ba cõi không an, giống như nhà lửa, nơi
đó không phải là chỗ cư trú lâu dài của quý vị. Quỷ
vô thường mỗi phút giây đều ra tay sát hại, không phân
biệt già trẻ, quý tiện. Nếu quý vị muốn không khác với
Tổ Phật thì đừng hướng ngoại tìm cầu. Mỗi tâm niệm
mà phát ra được ánh sáng thanh tịnh, đó là pháp thân Bụt
đang ở ngay trong nhà của quý vị. Ánh sáng vô phân biệt
phát ra từ mỗi tâm niệm của quý vị chính là báo thân Bụt
đang ở ngay trong nhà của quý vị. Ánh sáng vô phân biệt
phát ra từ mỗi tâm niệm của quý vị chính là hóa thân Bụt
đang ở ngay trong nhà của quý vị. Ba thân ấy không là gì
khác ngoài quý vị đang đứng trước mặt tôi nghe pháp. Cái
công dụng (mầu nhiệm) này chỉ có thể có được khi quý
vị không hướng ngoại truy cầu. Nương tựa vào các nhà nghiên
cứu và chú giải kinh luận, người ta đi tìm ba thân như những
tiêu chuẩn tuyệt đối. Theo tôi thì không phải như thế.
Ba thân ấy chỉ là danh ngôn, và cũng chỉ là ba cái nương
tựa vào nhau mà có. Các vị cổ đức đã nói: ‘Thân là
dựa vào ý nghĩa mà thành lập, độ là dựa vào bản thể
mà luận’. Vậy thì thân của pháp tánh và độ của pháp
tánh thật ra (rõ ràng) chỉ là quang ảnh.
Này
các vị đại đức, các vị nên biết rằng cái con người
đang cầm nắm và đùa giỡn được với quang ảnh đó là
nguồn gốc của chư Bụt. Ðối với kẻ ấy, chỗ nào cũng
là nhà để trở về (nơi nào cũng là quê hương trở
về của người tu tập). Sắc thân tứ đại của quý vị
không biết nói pháp, nghe pháp; tỳ vị gan mật không biết
nói pháp, nghe pháp; hư không không biết nói pháp nghe pháp...
Vậy thì cái gì biết nói pháp, nghe pháp? Ðó là cái sáng
rỡ, rõ ràng, không chút mảy may hình tướng trước mặt quý
vị đấy. Chính cái đó biết nói pháp, nghe pháp. Nếu thấy
được như thế thì quý vị sẽ không khác gì với Tổ, với
Bụt. Chỉ có một điều là giữ nó cho miên mật, đừng để
cho nó bị gián đoạn, mắt chạm đến đâu là thấy được
đến đấy.
Chỉ
vì tình thức phát sinh nên trí tuệ ngăn cách, cũng vì tri
giác biến đổi cho nên chân thể bị biến hình, vì thế mới
có luân hồi trong ba cõi, chịu đựng mọi thứ khổ đau. Theo
cái thấy của tôi, thì không có gì là không thâm diệu, không
có gì là không giải thoát.
Này
các bạn tu, tâm pháp không hình tướng, thông suốt mười
phương, nơi mắt gọi là cái thấy, nơi tai gọi là cái nghe,
nơi mũi gọi là cái ngửi, nơi miệng gọi là đàm luận, nơi
tay gọi là cầm nắm, nơi chân gọi là chạy nhảy, tất cả
chỉ từ một cái tinh minh (shining) chia ra thành sáu hòa hợp.
Chỗ nào tâm ý không còn phát sinh thì chỗ ấy cũng là giải
thoát. Tôi nói như thế nghĩa là sao? Chỉ vì mọi thứ tìm
cầu của quý vị chưa chấm dứt cho nên quý vị mới bị
lọt vào những cái bẫy của cổ nhân bày ra.
Này
các bạn tu, hãy thử sử dụng cái thấy của tôi xem. Hãy
chặt đứt hết những cái đầu của mọi báo thân và hóa
thân của Bụt. Hãy thấy rằng các bậc Bồ Tát trong mười
địa chỉ là những người làm công, các vị Ðẳng Giác và
Diệu Giác đều là những tên tù đang mang gông cùm, các vị
La Hán, Bích Chi đều như những cái hố xí, Bồ Đề và Niết
Bàn đều như những cái cọc buộc lừa. Tại sao? Chỉ vì
các vị không thông đạt được cái Không của ba a tăng kỳ
kiếp cho nên quý vị mới gặp phải những chướng ngại (mà
quý vị đang có). Nếu là một người tu chân chính thì quý
vị sẽ không như thế. Chỉ nên tùy duyên giúp làm tiêu nghiệp
cũ, cứ thanh thản mặc áo, cần đi thì đi, cần ngồi thì
ngồi, đừng có một khoảnh khắc nào mong cầu quả vị Bụt.
Tại
sao? Người xưa nói: ‘Nếu muốn tìm Bụt bằng cách lao tác,
thì Bụt sẽ trở thành điềm báo trước của sinh tử’.
Này
các vị đại đức, thì giờ quý báu, quý vị hãy ngừng lại
cái tâm bôn ba chạy sang nhà láng giềng để học thiền học
đạo, tìm câu tìm chữ, cầu Tổ cầu Bụt, cầu thiện tri
thức. Ðừng lầm lạc như thế. Này các bạn tu, các vị chỉ
có một cha một mẹ, vậy thì còn đi tìm gì nữa? Các
vị hãy tự nhìn lại đi. Cổ nhân nói: ‘Diễn Nhã Ðạt
Ða (Yajnadatta) tưởng đã mất đầu, nhưng khi cái tâm đi tìm
cầu ngưng lại là chàng đạt tới vô sự (sans affaires) ngay’.
Các
vị đại đức, các vị hãy sống cuộc đời của chính mình
một cách rất bình thường, đừng làm dáng làm điệu. Có
một bọn đầu hói không phân biệt được thế nào là tốt
xấu, nói rằng mình thấy thần thấy quỷ, chỉ Ðông vẽ
Tây, cầu mưa cầu tạnh, bọn này quyết chắc sẽ phải trả
nợ đã vay, và sẽ có ngày trước mặt Diêm Vương nuốt hòn
sắt nóng. Con cái nhà lành có thể bị bọn dã hồ tinh mị
này mê hoặc, một ngày nào đó bọn ấy cũng sẽ phải trả
nợ tiền cơm tiền gạo, không tránh thoát được đâu.
2.
Thiền Sư khai thị:
Này
các bạn tu, các vị rất cần tìm cầu cho được chánh kiến,
phải biết đi hiên ngang trong thiên hạ để khỏi bị bọn
yêu tinh nói trên mê hoặc. Con người cao quý nhất là con người
vô sự. Chỉ cần đừng nghĩ đến chuyện tạo tác (đến
chuyện sự nghiệp). Chỉ nên làm một con người bình thường.
Nếu quý vị cứ nghĩ tới chuyện hướng ngoại tìm cầu và
tính toán tức là quý vị đã sai lầm rồi vậy.
Hãy
đừng cầu Bụt, Bụt chỉ là danh từ suông. Các vị có biết
kẻ đi tìm cầu là ai không? Các Bụt và Tổ trong ba đời
từ xưa nay cũng chỉ đi tìm Pháp. Ngày hôm nay các vị tham
thiền học đạo cũng chỉ là để cầu Pháp. Ðược Pháp
thì mới giải quyết xong, còn chưa thì vẫn còn luân hồi
trong năm đường. Mà Pháp là gì? Pháp là pháp của tâm.
Tâm không hình, thông suốt mười phương, có diệu dụng ngay
trước mắt. Vì người ta không có đủ tín tâm nên mới nhận
lầm danh từ và câu nói, hướng về phía văn tự để tìm
cầu pháp của Bụt. Cũng vì vậy cho nên mới bị xa cách với
Pháp như trời xa đất.
Này
các bạn tu, nếu tôi nói Pháp thì Pháp ấy là gì? Tôi
nói Pháp của tâm địa, có thể giúp ta vào phàm vào thánh,
vào tịnh vào uế, vào chân vào tục. Nhưng không phải cái
chân tục phàm thánh nơi quý vị có thể được diễn bày
bằng các danh từ và các ý niệm về chân tục phàm thánh.
Với lại cái chân tục phàm thánh ấy không bao giờ tự gọi
mình bằng các danh từ chân tục phàm thánh.
Này
các bạn tu, nếu nắm được cái then chốt này thì nên áp
dụng ngay vào đời sống hàng ngày. Ðừng nên vướng vào
danh tự. Tôi gọi đó là huyền chỉ (nguyên tắc mầu nhiệm).
Pháp
của ông thầy tu núi này nói ra với pháp của người trong
thiên hạ nói ra rất khác. Dù cho Văn Thù, Phổ Hiền
có xuất hiện ra trước mặt, mỗi vị hiện một thân khác
nhau đến hỏi pháp, thì vừa mở miệng ra nói ‘Bạch Hòa
Thượng’ là tôi đã có thể nhận ra được chân tướng
của họ rồi. Tôi cứ ngồi yên đây, hễ có ai tới gặp
tôi là tôi liền nhận ra được chân tướng và tung tích của
người ấy. Tại sao thế? Tại vì cái thấy của tôi khác:
ngoài thì không kẹt vào ý niệm phàm thánh, trong thì không
dựa vào những cái gọi là nguyên tắc căn bản, vì vậy cái
thấy ấy được thông suốt, chẳng còn chỗ nghi ngờ.
3.
Thiền Sư khai thị:
Này
các bạn tu, trong Phật pháp không cần có sự dụng công (mệt
nhọc).
Nguyên
tắc là bình thường vô sự (tenir dans l’ordinaire, sans affaires):
mặc áo, ăn cơm, đi tiêu, đi tiểu, mệt thì đi nghỉ.
Kẻ ngu có thể cười ta nhưng người trí sẽ hiểu ta. Cổ
nhân nói: ‘hướng ngoại để công phu, toàn là bọn ngu xuẩn’.
Các vị nên tùy nơi làm chủ, nơi nào cũng chân, không để
cảnh duyên bên ngoài lôi kéo. Như vậy thì dù có tập khí
ngàn xưa, có gây năm nghiệp vô gián thì tất cả cũng thành
ra biển cả giải thoát. Người học đạo ngày nay, phần lớn
đều không hiểu pháp, giống như con dê gặp gì cũng ăn, không
phân biệt thầy tớ, chủ khách. Những kẻ ấy lấy tâm
tà vào đạo, sẵn sàng đi vào những nơi huyên náo, không
thể gọi họ là người xuất gia chân chính. Họ chỉ là những
người thế tục. Người xuất gia chân chính thì phải có
được những chánh kiến bình thường: phân biệt được Bụt
với Ma, Chân và Ngụy, Phàm và Thánh. Ðược như thế
mới gọi là chân xuất gia. Nếu không phân biệt được Ma
với Bụt, thì chỉ xuất một gia này để vào một gia khác,
gọi là chúng sanh tạo nghiệp, chưa được gọi là xuất gia.
Bây giờ đây lại có một loại hiện tượng nữa gọi là
hiện tượng Bụt Ma, đồng thể không phân biệt, như nước
với sữa hòa lại. Nghe nói Ngỗng Chúa chỉ uống sữa.
Các bạn tu mắt sáng thì theo tôi nên đánh ngã cả Ma lẫn
Bụt, nếu quý vị còn có khuynh hướng yêu thánh ghét phàm
thì quý vị sẽ còn phải chìm đắm trong biển sinh tử dài
dài.’
Hỏi:
Thế nào là Bụt, thế nào là Ma?
Thiền
Sư đáp: Trong tâm của quý vị mà có một tư tưởng nghi
ngờ (vô minh) thì đó là Ma. Nếu quý vị đạt tới tính vô
sinh của vạn pháp, biết rằng tâm là huyễn hóa, thật ra
không có một đối tượng nào, một hiện tượng nào có thật,
đâu đâu cũng là thanh tịnh, thì đó là Bụt. Tuy vậy, người
ta thường nghĩ là Bụt và Ma là hai cảnh giới nhiễm tịnh
khác nhau. Theo cái thấy của tôi thì không có Bụt cũng không
có chúng sinh, không có xưa cũng không có nay, đạt được
thì đạt ngay, không cần phải đi qua thời gian, không cần
tu không cần chứng, không được không mất, trong bất cứ
thời gian nào đều cũng không hề có một pháp nào khác biệt.
Nếu có một pháp nào khác hơn, thì tôi nói pháp đó cũng
chỉ là mộng, là huyễn, đó là tất cả cái gì tôi muốn
nói.
Này
các bạn tu, mỗi vị đang ngồi trước mặt tôi nghe pháp đây,
ngay trong giờ phút hiện tại, đều là bản chất sáng tỏ,
rõ ràng. Người nào cũng không bị ủng trệ, người nào cũng
thông suốt mười phương, tự tại trong ba cõi; người nào
cũng có thể tự do đi vào mọi cảnh giới không bị trở
ngại. Mỗi người trong thời gian một nháy mắt có thể thấu
nhập pháp giới, gặp Bụt thì nói chuyện Bụt, gặp Tổ nói
chuyện Tổ, gặp La Hán nói chuyện La Hán, gặp ngạ quỷ nói
chuyện ngạ quỷ, rong chơi khắp mọi quốc độ để giáo
hóa chúng sinh mà không cảm thấy một giây phút nào xa cách.
Ở đâu cũng thanh tịnh, ánh sáng soi thấu mười phương, thấy
được vạn pháp là nhất như.
Này
các bạn tu, ngày nay muốn làm một kẻ đại trượng phu thì
phải tỏ ngộ được sự thật bản lai vô sự. Chỉ
vì đức tin của quý vị chưa chín cho nên quý vị còn tiếp
tục tìm cầu trong mỗi giây phút, bỏ đầu tìm đầu, không
tự mình dừng lại được.
Các
vị cứ hình dung những vị gọi là bồ tát viên đốn hiện
thân, đi vào pháp giới, hướng về tịnh độ, ghét phàm yêu
thánh mà xem. Nếu có những vị bồ tát như thế thì
họ vẫn còn vướng vào sự nắm bắt và buông bỏ. Trong tâm
họ ý niệm về nhiễm tịnh vẫn còn. Theo kiến giải của
Thiền thì không thể như vậy. Cái mà tôi chủ trương là
tất cả đều phải đang xảy ra ngay trong giờ phút này, không
cần đợi tương lai. Trong giây phút hiện tại, thuốc và bệnh
phải chữa trị lẫn nhau cùng một lúc, bởi vì thuốc và
bệnh là hai cái tương đãi, ngoài ra không có cái gì khác
gọi là có thật. Nếu thấy được như thế thì đó là người
xuất gia chân thật, xứng đáng có thể được tiếp nhận
phẩm vật cúng dường tương đương mười ngàn lạng vàng
mỗi ngày.
Này
các bạn tu, đừng để cho các bậc lão sư (giả mạo) đây
đó ấn chứng bừa bãi để rồi đi rêu rao: ‘Tôi đã hiểu
thế nào là thiền, tôi đã hiểu thế nào là đạo’, để
rồi cứ biện luận thao thao như một dòng thác chảy. Tất
cả những hành động đó chỉ là để tạo thêm nghiệp địa
ngục. Nếu là người học đạo chân chính, thì ta không cần
đi bươi móc những lỗi lầm của thế gian mà chỉ cần lập
tức tìm cầu chánh kiến. Ðạt được kiến giải chân chính
tròn đầy mới gọi là thành công.
Hỏi:
Thế nào là chánh kiến?
Thiền
Sư đáp: Chánh kiến là thấy được tính cách thành, trú,
hoại, không của các pháp khi quý vị đi vào phàm, thánh, nhiễm,
tịnh; đi vào các quốc độ của chư Bụt bất kỳ ở đâu;
đi vào lầu các của Di Lặc; và đi vào pháp giới của Tỳ
Lô Giá Na. Chánh kiến là thấy được các tướng không tới
không đi, không sinh không diệt của các hiện tượng xuất
thế, thành đạo, chuyển pháp luân và nhập niết bàn của
Bụt. Chánh kiến là thấy được tường tận tướng Không
của các pháp, rằng không pháp nào có thật khi quý vị đi
vào pháp giới vô sinh, rong chơi trong các quốc độ, và đi
vào thế giới hoa tạng. Chánh kiến là thấy rằng chính cái
con người không cần chỗ tựa đang nghe pháp kia chính là mẹ
của chư Bụt. Tại sao? Tại vì các Ðức Thế Tôn đều
do chỗ không nương tựa mà phát sinh. Nếu ngộ được vô
y thì thấy rằng bản chất của Bụt cũng là vô đắc.
Thấy được như thế là chánh kiến. Người tu không hiểu,
cứ chấp vào danh và cú, bị những danh từ như thánh, phàm
v.v... làm trở ngại, khiến cho mắt tuệ của họ không mở
ra được, do đó họ không thấy được thực tại một cách
rõ ràng. Mười hai thể tài của giáo lý cũng chỉ là để
làm rõ sự thật này. Người tu chẳng hiểu mới hướng tới
văn cú để vọng tìm kiến giải. Ðó là thái độ đi tìm
chỗ bám víu nương tựa, làm cho mình rơi vào vòng nhân quả,
chưa có thể thoát khỏi vòng sinh tử trong ba cõi.
Nếu
các vị muốn được tự do đi lại trong sinh tử thì hãy nhận
diện cho được con người đang nghe pháp đây, tuy là vô hình,
vô tướng, vô căn, vô bản, không có trú xứ, nhưng linh động
hoạt bát vô cùng, có thể thi thiết ra muôn ngàn diệu dụng,
mà công dụng nào cũng đều có tính cách vô trụ.
Trái
lại, nếu càng có ý niệm tìm cầu thì càng cách xa, càng
sai trái. Tôi gọi điều này là bí quyết (mầu nhiệm).
Các
bạn tu, đừng tự đồng nhất mình với cái anh bạn mộng
huyễn này, tại vì sớm muộn gì chàng ta cũng phải được
trả lại trong tay quỷ vô thường. Trong thế giới này, các
vị cần những gì để tìm giải thoát? Các vị chỉ cần
một bát cơm, một manh áo, ngoài ra phải để hết tâm lực
và thì giờ để tìm thiện tri thức, đừng phí uổng ngày
giờ, đuổi theo sự vui chơi. Thì giờ quý báu, cuộc sống
vô thường, nói chung là bốn đại (địa, thủy, hỏa, phong)
và nói riêng là bốn tướng (sanh, trụ, dị, diệt) đều đang
bức bách ta. Các vị bây giờ đây phải nhận diện bốn cảnh
vô tướng để cho đừng bị hoàn cảnh lôi kéo.
Hỏi:
Bốn cảnh vô tướng là bốn cảnh nào?
Thiền
Sư đáp: Một niệm vô minh (nghi ngờ) nổi lên là quý vị
bị đất làm chướng ngại.
Một
niệm tham ái nổi lên là quý vị bị nước làm chướng ngại.
Một
niệm sân hận nổi lên là quý vị bị lửa làm chướng ngại.
Một
niệm hí hửng nổi lên là quý vị bị gió làm chướng ngại.
Nếu
thấy được như thế thì quý vị không còn bị hoàn cảnh
lôi kéo, ở đâu quý vị cũng sử dụng được hoàn cảnh,
nổi lên ở phương Ðông thì lặn xuống ở phương Tây, nổi
lên ở phương Nam thì lặn xuống ở phương Bắc, nổi lên
ở phía giữa thì lặn xuống ở phía bên, nổi lên ở phía
bên thì lặn xuống ở phía giữa, đi trên nước như đi trên
đất, đi trên đất như đi trên nước. Tại sao làm được
như thế? Ðó là tại vì quý vị đã thấy được bốn đại
như mộng như huyễn.
Này
các bạn tu, cái kẻ đang ngồi nghe pháp đây không phải chỉ
là bốn đại của quý vị, kẻ đó đang sử dụng được
bốn đại mà bốn đại không sử dụng được kẻ đó. Thấy
được như thế thì đi, ở tự do. Theo cái thấy của tôi
là ta không nên chán ghét cái gì hết (hoặc yêu thích cái
gì hết). Quý vị yêu thánh, ghét phàm phải không? Thánh chỉ
là danh từ thánh. Có những hành giả leo lên núi Ngũ Ðài
Sơn để tìm đức Văn Thù. Làm thế là sai rồi. Trên núi
Ngũ Ðài Sơn làm gì có đức Văn Thù! Quý vị có muốn biết
đức Văn Thù không? Văn Thù chính là cái diệu dụng trước
mặt quý vị, xưa nay vẫn thế, ở đâu cũng không hề có
sự nghi ngại. Ðó là đức Văn Thù sống động. Cái ánh sáng
vô phân biệt của mỗi niệm trong tâm của quý vị chiếu
tới đâu thì đức Phổ Hiền chân thật hiện ra tới đó.
Mỗi niệm trong tâm của quý vị mà không bị trói buộc, chỗ
nào cũng tự do thì đó là tam muội của bồ tát Quan Thế
Âm.
Ba
cái ấy thay phiên nhau làm chủ và làm bạn. Khi xuất
hiện thì cả ba đều xuất hiện, một là ba, ba là một. Thấy
được như thế mới có khả năng học kinh, học giáo.
4.
Thiền Sư khai thị:
Người
học đạo thời nay cần có đức tự tin, đừng hướng ra
ngoài mà tìm cầu. Tìm cầu như thế rốt cuộc chỉ vướng
vào trần cảnh, không phân biệt được tà chính. Nói rằng
có Bụt có Tổ thì đó cũng chỉ là những dấu tích trong
kinh giáo. Thói thường thì khi có ai nêu lên một câu, một
lời trong kinh ra, dù nghĩa lý là ẩn hay hiện, thì mình có
khuynh hướng lập tức đặt ra nghi vấn, rồi nhìn trời nhìn
đất, tìm tới kẻ khác mà tham vấn, và càng tham càng thấy
mờ mịt. Kẻ đại trượng phu là người không cần bàn vua
bàn giặc, bàn thị bàn phi, bàn sắc bàn tài, không bỏ hết
thì giờ vào sự đàm luận. Tôi đây, mỗi khi có người tới,
dù người ấy xuất gia hay tại gia, tôi cũng nhìn thấy được
tường tận gốc gác của kẻ ấy, nhận diện được rằng
tất cả những âm thanh, danh từ và văn cú mà kẻ ấy đưa
ra đều là mộng huyễn, và cũng thấy được con người thật
của kẻ ấy, con người thật không bị trần cảnh làm chướng
ngại. Cái cách nhìn này chính là tông chỉ huyền diệu của
Bụt. Cảnh giới của Bụt không bao giờ tự xưng mình là
‘cảnh giới của Bụt’. Chính cái con người học đạo
vô y (không nương tựa bám víu) ấy mới chứng nghiệm được
cảnh giới kia. Nếu có ai tới hỏi tôi về Bụt, tôi sẽ
ứng hiện cảnh giới thanh tịnh; muốn hỏi tôi về Bồ Tát,
tôi sẽ làm ứng hiện cảnh giới từ bi; muốn hỏi tôi về
bồ đề, tôi sẽ làm ứng hiện cảnh giới tịnh diệu; muốn
hỏi tôi về niết bàn, tôi sẽ làm ứng hiện cảnh giới
tịch tĩnh. Cảnh thì muôn ngàn sai khác, nhưng người thì không.
Vì vậy cho nên ta có thể ứng vật hiện hình, như mặt trăng
trong nước.
Này
các bạn tu, nếu quý vị muốn đạt được pháp chân như
thì phải trở nên một bậc đại trượng phu (con người lớn)
mới được, còn nếu cứ yếu đuối và cứ tiếp tục thỏa
hợp thì không bao giờ thành. Cũng như một cái bình rạn nứt
không thể chứa được đề hồ. Nếu muốn làm pháp khí lớn
thì phải cương quyết không để cho kẻ khác lường gạt,
tới đâu cũng tự mình làm chủ (active sovereignty, not as a victim),
đứng đâu mình cũng chân thật là mình (vrai, true). Có ai đến,
mình cũng không bị ảnh hưởng. Có một niệm nghi ngờ là
ma vương đã thâm nhập. Ðối với một vị Bồ Tát, nghi hoặc
tức là cơ hội của Ma sinh tử. Khi cảnh vật hiện tới,
thì phải quán chiếu. Phải tin ở diệu dụng đang có của
tâm, thì sẽ thấy được vô sự. Mỗi niệm của quý
vị có công năng sinh ra ba cõi rồi theo cảnh giới đó mà
có sáu trần. Trong cái ứng dụng hằng ngày của quý vị,
quý vị đang thiếu thốn cái gì? Trong một sát na,
quý vị có thể đi vào nhiễm tịnh, đi vào lầu các Di Lặc,
đi vào các cõi nước ba Mắt, rong chơi mọi nơi và chỉ thấy
tất cả đều là giả danh (không danh).
|