|
.
Nhất
Hạnh
TINH
YẾU LÂM TẾ LỤC Bình giảng
Lá
Bối 2006
 |
 |
Tinh
Yếu Lâm Tế Lục bình giảng
Tinh
yếu tức là phần cốt lõi. Tinh yếu ở đây có nghĩa là
trái tim.
Trong
Lâm Tế Lục, Tổ có nói rằng mục đích của Tổ là đánh
phá, trị bệnh và cởi trói. Như vậy thì mục đích của
Tổ không phải là đưa ra những tư tưởng uyên áo để chúng
ta học hỏi, đàm luận và mắc kẹt vào đấy. Vì vậy nếu
ta học Lâm Tế Lục với mục đích tìm cầu những tư tưởng
uyên áo để đàm luận và để mắc kẹt vào chúng là ta đã
đi ngược với ý của Tổ. Những giáo lý và những phương
tiện thi thiết của người xưa (người xưa ở đây là Bụt
và Tổ) sẽ trở thành những cái bẫy sập giam hãm ta, vì
vậy ta hãy cẩn thận, hãy nhớ tất cả những thi thiết ấy,
dù là tam thân, thập địa, thế giới hoa tạng hay Tịnh Độ...,
trước hết đều là những giả danh (Tổ gọi là danh từ
suông, văn cú, chữ nghĩa). Nếu ta mắc kẹt vào những thi
thiết ấy, cho chúng là những thực tại khách quan có mặt
ngoài ta, là ta đã bị sa vào bẫy sập.
Ðoạn
văn trên có nghĩa là những điều dạy trong Lâm Tế Lục không
phải là một sự tập hợp của những giáo điều. Giáo điều,
tiếng Anh là dogma. Ðiều này rất quan trọng. Những điều
Tổ nói không được coi như là khuôn vàng thước ngọc để
thờ phụng mà chỉ là những dụng cụ, những biện pháp để
đánh phá, trị bệnh và cởi trói. Ðiều này rất đúng với
tinh thần đạo Bụt. ‘Không được xem những điều Bụt
dạy là chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ,
nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động để
gây ra thánh chiến’. Ðó là nội dung giới thứ nhất của
mười bốn giới Tiếp Hiện. Giáo lý về vô thường, vô ngã
và tương tức không phải là những chân lý để thờ phụng
và bảo vệ mà đó là những dụng cụ để chúng ta tự cởi
trói cho mình. Khi học giáo lý vô thường, vô ngã và tương
tức, chúng ta chỉ mới học qua ý niệm về vô thường, vô
ngã và tương tức mà chưa phải là có tuệ giác. Chúng ta
đừng lầm cái hiểu và cái ý niệm của chúng ta về vô thường,
vô ngã và tương tức là những tuệ giác về vô thường,
vô ngã và tương tức. Hai cái rất khác nhau. Những cái mà
chúng ta học được và đem đi nói tùm lum đó, không phải
là tuệ giác. Ðó chỉ là những dụng cụ Bụt đưa ra để
chúng ta sử dụng trong thiền quán và thực tập. Ví dụ, Bụt
đưa cho chúng ta một cây cuốc để cuốc đất trồng khoai,
để có khoai ăn. Mục đích là có khoai, chứ không phải là
lấy cái cuốc đem để trên bàn thờ để thờ. Cái cuốc
không bao giờ làm cho mình no được hết, mà ta phải biết
dùng cái cuốc để cuốc đất trồng khoai. Cho nên quan trọng
nhất là khoai mình trồng ra để ăn, chứ không phải là cái
cuốc. Cái cuốc chỉ là một dụng cụ thôi. Giáo lý đạo
Bụt cũng vậy, là những dụng cụ cho chúng ta sử dụng để
khơi mở tuệ giác. Mục đích của giáo lý là những phương
tiện mà những phương tiện đó là để đánh phá, khơi mở
và chỉ bày. Ví dụ như ngón tay chỉ mặt trăng. Ta thấy rõ
ràng ngón tay không phải là mặt trăng, nhưng nếu không có
ngón tay thì ta không biết phương hướng để nhìn về mặt
trăng. Nhờ ngón tay mà ta nhìn thấy được mặt trăng. Vì
vậy những điều Bụt dạy phải coi như là những phương
tiện, những chiếc bè để đưa ta qua bờ bên kia. Nhưng chiếc
bè không phải là bờ bên kia, có được chiếc bè trong tay
rồi không có nghĩa là ta đã qua được bờ bên kia.
Ngay
câu đầu tiên này đã nói lên được tinh thần của Tổ Lâm
Tế rồi. Ngài dặn rằng, những điều Bụt dạy đó là để
đánh phá: đánh phá thành trì của sự cố chấp, đánh phá
các chứng bệnh gọi là bệnh không tiêu, bệnh không có đức
tin, bệnh đi tìm kiếm ở ngoài. Ðánh phá để cởi trói cho
ta từ những kiến thức, những thành kiến, những nhận thức
sai lạc làm ta không cựa quậy được. Những điều Tổ nói
có công dụng như vậy. Bất cứ một điều nào, một câu
nói nào, hay một biện pháp nào có thể giúp ta đánh phá được
thành trì của sự ngu dốt, của sự cố chấp, trị được
bệnh và giúp cho ta thảnh thơi, đều là Phật Pháp, cho dù
đó là của Tổ nói hay của bất cứ một người nào nói.
Tuy vậy, chúng ta cũng không nên coi đó là khuôn vàng thước
ngọc, không được coi là đối tượng của sự thờ phụng,
không được coi là chân lý tuyệt đối. Có chiến tranh, có
hận thù, phần lớn là do cuồng tín và cố chấp vào một
cái thấy, một cái hiểu của mình, và cho đó là chân lý
tuyệt đối. Vì vậy ta cho rằng người nào không theo ta là
người đó đi theo con đường tà và đáng để cho ta tiêu
diệt. Nếu ta là người Tiếp Hiện xuất gia hay tại gia thì
ta phải thấy rằng giới đầu tiên của mười bốn giới
Tiếp Hiện đã nói lên thái độ tự do, phá chấp của đạo
Bụt rồi.
Như
vậy, mục đích của Tổ không phải là đưa ra những tư tưởng
uyên áo để chúng ta học hỏi, đàm luận và bị mắc kẹt
vào. Tư tưởng uyên áo tức là những tư tưởng rất sâu
xa, rất mầu nhiệm, rất khó hiểu. Chữ mystical thought không
dịch được mấy chữ tư tưởng uyên áo. Mystical là thần
bí. Tư tưởng uyên áo không phải chỉ có thần bí mà thôi.
Trong khi học một kinh hay đọc một bài triết học, ta có
khuynh hướng cho rằng trong kinh đó hay trong bài triết học
đó có những tư tưởng rất sâu, rất khó hiểu, nó
đại diện cho chân lý tuyệt đối, và mục đích của ta là
phải nắm cho được những tư tưởng đó, hiểu những tư
tưởng đó, vì vậy ta đã để hết tâm trí vào việc đào
bới và nắm cho được những tư tưởng đó.
Thái
độ đi tìm kiếm những tư tưởng uyên áo để chất chứa
làm kho tàng gia bảo của mình, làm kiến thức của mình là
thái độ không nên có trong khi đọc Lâm Tế Lục. Nhưng phần
lớn chúng ta đều học hỏi với tinh thần đó. Chúng ta đi
kiếm chác chân lý, kiếm chác những tư tưởng uyên áo trong
kinh điển để chất chứa mà chúng ta không đi tìm thuốc
để trị bệnh. Thành ra trong chữ uyên áo này có cái ý profound,
mysterious, complicated, precious, absolute. Nếu đọc Lâm Tế Lục
với ý niệm đi tìm những tư tưởng uyên áo để chất chứa
vào kho kiến thức của mình là sai. Mục đích của Tổ không
phải là đưa ra những tư tưởng uyên áo để chúng ta học
hỏi, đàm luận và mắc kẹt vào đó.
Hiện
nay bên Tàu, bên Nhật, bên Việt Nam và bên Ðại Hàn người
ta đang học Lâm Tế Lục như đang nghiên cứu một văn bản
rất bí hiểm: phân tích từng chữ, từng câu và đàm luận
rất nhiều. Ðó chính là chuyện Tổ kỵ nhất, ghét nhất.
Rất tội nghiệp cho Tổ cũng như rất tội nghiệp cho Bụt.
Những điều Bụt dạy trong các kinh điển rất đơn giản,
rất thực tế, nhưng đến khi tập hợp lại những điều
đó thì ta lại viết ra thành những bộ sách rất khó hiểu.
Khi đọc kinh, ta thấy quá dễ dàng, quá đơn giản, nhưng đến
khi đọc luận (abhidharma) thì ta thấy ‘trời ơi là nhức
cái đầu’, rất khó chịu. Giống như một sợi tóc chẻ
ra làm tám, rồi lấy một phần tám chẻ ra làm tám nữa, rất
chi chít và rất mệt. Văn học abhidharma đã rất khô khan.
Ðáng lý nền văn học abhidharma là để hệ thống hóa và
làm cho nền văn học của khế kinh (sutra) dễ hiểu hơn. Nhưng
ngược lại, nền văn học abhidharma đã làm cho nền văn học
sutra bí hiểm hơn, rắc rối hơn và khó hiểu hơn. Thành ra
phận sự của ta là phải đánh phá, phải cởi trói và phải
trả lại cho đạo Bụt tính đơn giản (simplicity), tính tự
nhiên, tính thực dụng của nó. Ðã có rất nhiều người
Phật tử đi sâu vào trong công trình nghiên cứu và suy tư,
và đã làm cho giáo lý đạo Bụt trở thành một cái gì rất
rắc rối. Họ gọi đó là uyên áo, cho đó là mầu nhiệm,
mà họ không biết là họ đã làm mất thì giờ của rất
nhiều thế hệ học giả và hành giả sau này. Vì vậy, nếu
ta học Lâm Tế Lục với mục đích tìm cầu những tư tưởng
uyên áo để đàm luận và để mắc kẹt vào là chúng ta đã
đi ngược với ý của Tổ.
Ðây
là một tiếng chuông chánh niệm. Nếu trong khi đọc Lâm Tế
Lục mà ta thấy rã ra những khối u mê, ta thấy được chứng
bệnh gọi là mắc kẹt, gọi là tiêu hóa không thông bắt
đầu được giải tỏa, thì chúng ta biết rằng chúng ta đang
học Lâm Tế Lục đúng. Còn nếu càng đọc càng thấy khó,
càng đọc càng thấy nhức đầu, đó là ta đang học sai.
Những
giáo lý và những phương tiện thi thiết của người xưa (người
xưa ở đây là Bụt và Tổ) sẽ trở thành những cái bẫy
sập giam hãm ta, vì vậy ta hãy cẩn thận, hãy nhớ tất cả
những thi thiết ấy, dù là tam thân, thập địa, thế giới
hoa tạng hay Tịnh Độ..., trước hết đều là những giả
danh (Tổ gọi là danh từ suông, văn cú, chữ nghĩa). Nếu ta
mắc kẹt vào những thi thiết ấy, cho chúng là những thực
tại khách quan có mặt ngoài ta, là ta đã bị sa vào bẫy sập.
Thi
thiết là đặt bày ra. Ðặt bày ra với mục đích là giúp
người ta hiểu. Ví dụ như khi giảng về tái sinh và luân
hồi, ta lấy ra một cây đèn cầy và một tờ giấy rồi đốt
tờ giấy đó, và nói là tờ giấy vô sinh bất diệt v.v...,
thì tất cả những điều đó đều là thi thiết. Thi thiết
tức là những phương tiện quyền xảo (skillful means). Tổ
dạy ta là đừng bị kẹt vào những phương tiện quyền xảo
đó. Tất cả những danh từ, những ngôn ngữ, những hình
ảnh ta đưa ra là muốn giúp cho người kia thấy được sự
thật (nhưng người kia có thể bị kẹt vào những ngôn ngữ,
hình ảnh, hay tư tưởng đó), cho nên ta phải khéo léo và
người nghe cũng phải khéo léo thì mới không sinh ra tình trạng
hiểu lầm rồi bị mắc kẹt.
Những
giáo lý và những phương tiện thi thiết của người xưa (người
xưa ở đây là Bụt và Tổ) sẽ trở thành những cái bẫy
sập giam hãm ta, vì vậy ta hãy cẩn thận, hãy nhớ tất cả
những thi thiết ấy, dù là tam thân, thập địa, thế giới
hoa tạng hay Tịnh Độ..., trước hết đều là những giả
danh (Tổ gọi là danh từ suông, văn cú, chữ nghĩa). Ðó chỉ
là chữ nghĩa, chỉ là những ý niệm. Khi đưa một ngón tay
để chỉ mặt trăng, người đưa ra ngón tay có thiện ý giúp
cho người kia thấy được mặt trăng, nhưng nếu người kia
nhận lầm ngón tay là mặt trăng, thì có sự thất bại. Sự
thất bại của người đưa ngón tay và sự thất bại của
người nhìn ngón tay. Lúc đó ngón tay trở thành ngục tù giam
hãm người kia. Nếu người kia nắm lấy ngón tay và nghĩ rằng
đây là mặt trăng, thì người kia bị rơi vào bẫy sập. Vì
vậy tất cả những lời Bụt dạy, tất cả những lời Tổ
dạy, dù hay cách mấy, dù khéo cách mấy cũng có thể trở
thành những ngục tù, những bẫy sập.
Ý
niệm này được diễn tả rất khéo léo trong kinh Xà Dụ,
tức là kinh Người Bắt Rắn. Ðức Thế Tôn nói: ‘Giáo lý
của ta quý vị phải học hỏi thông minh, áp dụng một cách
khéo léo thì mới đưa lại lợi lạc cho quý vị. Còn nếu
quý vị không khéo léo, không thông minh thì những giáo lý
ấy có thể hại quý vị, có thể trở thành những bẫy sập,
những ngục tù cho quý vị. Cũng như một người bắt rắn
biết dùng nạng đè lên cổ nó, rồi lấy tay nắm vào cổ
nó thì nó không làm được gì người đó; còn nếu nắm lấy
đuôi của nó thì thế nào nó cũng quay lại mổ người đó
chết’. Chưa có một vị giáo chủ nào, một bậc thầy nào
dám ví giáo lý của mình như một con rắn, có thể nguy hiểm.
Dù đó là Tứ Ðế, Bát Chánh Ðạo, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất
Bồ Ðề Phần, Bát Thánh Ðạo Phần, cũng có thể nguy hiểm
nếu không học hỏi một cách thông minh, nếu biến những
giáo lý thành những giáo điều để thờ phụng. Ðó là thông
điệp của kinh Người Bắt Rắn, và đó cũng là thông điệp
của kinh Kim Cương. Kinh Kim Cương là sự tiếp nối của kinh
Người Bắt Rắn. Kinh Kim Cương là kinh Ðại Thừa, còn kinh
Người Bắt Rắn là kinh Nguyên Thỉ. Câu nói nổi tiếng của
kinh Kim Cương là: ‘Giáo lý của ta cũng như chiếc bè để
đi qua sông, mình phải có khả năng buông bỏ chiếc bè và
đừng có cho chiếc bè là bờ bên kia. Cái gọi là Pháp mà
còn phải buông bỏ huống hồ những cái không phải là Pháp’.
Pháp thượng vị xả hà huống phi pháp (Pháp đích thật mà
còn phải buông bỏ, huống hồ không phải là Pháp đích thật).
Câu nói đó là một câu rất nổi tiếng của kinh Kim Cương.
Tư tưởng đó nằm ngay ở trong kinh Người Bắt Rắn, một
kinh Nguyên Thỉ. Một kinh được coi là kinh Tiểu thừa nhưng
lại là mẹ của kinh Ðại thừa bởi vì trong đó có tất
cả những tư tưởng uyên áo của kinh Ðại thừa. Ðó là
kinh nói về sự phá chấp, nói về phương pháp học hỏi và
thực tập sao cho thông minh để đừng bị kẹt vào những
cái bẫy sập của các bậc thầy. Các bậc thầy nói ra điều
gì, ta đừng có mù quáng tin theo và cho đó là khuôn vàng thước
ngọc. Ta phải dùng trí tuệ của mình để hiểu một cách
thông minh và đem áp dụng một cách thông minh thì lúc đó
ta mới là học trò giỏi.
Nếu
ta mắc kẹt vào những thi thiết ấy, cho chúng là những thực
tại khách quan có mặt ngoài ta, là ta đã bị sa vào bẫy sập.
Ðiều này rất rõ. Bụt, Pháp và Tăng là ba danh từ. Khi nghe
nói Bụt, Pháp và Tăng, ta cúi đầu, chắp tay lại, quỳ xuống,
và nghĩ ngay đến Bụt, Pháp và Tăng là ở trên mây hay ở
mười phương thế giới, còn ở trong ta chẳng có gì hết.
Lúc đó là ta đã rơi vào bẫy sập rồi. Nghe nói Tịnh Ðộ
ở Phương Tây, ta hướng về phương đó nói: ‘Thôi, mình
phải phát tâm nhàm chán cõi Ta Bà này để sau khi chết qua
bên đó cho khỏe’. Nói như vậy là rơi vào bẫy sập rồi.
Mà bẫy sập giăng ra khắp nơi mà bước một bước là ta
có thể rơi vào bẫy sập liền lập tức.
Hiện
bây giờ có rất nhiều siêu thị: siêu thị tâm linh, siêu
thị tôn giáo v.v..., mà ở đó bày ra biết bao nhiêu món hàng,
biết bao nhiêu bẫy sập, ta chỉ cần động chân một cái
là rớt vào một cái bẫy, và có thể rơi vào cái bẫy đó
suốt đời. Rất nguy hiểm. Cho nên tinh thần của Tổ là tinh
thần phá chấp, tinh thần bảo tồn tự do để đừng bị
rơi vào những bẫy sập. Tổ Huệ Năng nói: ‘Tự quy y Phật’
- con về nương Bụt trong con. Ðó là một cách chữa lại để
giúp ta thoát ra khỏi bẫy sập. Cho rằng Bụt ở ngoài ta,
ta cần sự nương tựa và ta phải đi kiếm sự nương tựa
đó ở bên ngoài, còn trong ta thì không có gì để nương tựa
hết. Ðó là rơi vào bẫy sập rồi. Cho nên ‘về nương Bụt
trong con’ là để thấy được trong ta có tự tánh Bụt và
ta có thể Quy Y được nơi tuệ giác đó, nơi sự vững chãi
đó, nơi hải đảo tự thân đó. Đó là một cách cứu chúng
ta thoát khỏi một trong những cái bẫy sập. Vậy thì ta nên
hỏi là ta có đang ở trong những cái bẫy sập hay không? Ta
có phải là con người tự do hay không?
Các
vị đã thọ giới Tiếp Hiện, đã tụng giới Tiếp Hiện
năm này sang năm khác, quý vị có thấy tinh thần này ở trong
những giới đầu của mười bốn giới Tiếp Hiện hay không?
Chúng ta đọc mỗi tháng hai lần, nhưng có thể chúng ta không
thấy được chiều sâu của những điều này. Chúng ta đọc
như những con vẹt mà không thấy được tinh thần phá chấp,
không thấy được bầu trời bao la của tự do ở trong đạo
Bụt. Không được vướng vào bất cứ một chủ nghĩa nào,
một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào dù là những giáo
nghĩa Bụt dạy. Có tôn giáo nào, có truyền thống nào dám
nói rằng ‘đừng có tin mù quáng vào kinh điển của tôi,
tin mù quáng vào kinh điển của tôi có thể là nguy hiểm’
không? Nhưng trong đạo Bụt các thầy đã nói như vậy đó.
Nói rằng kinh điển có thể là con rắn, không khéo là nó
có thể trở lại cắn mình.
Tinh
thần phá chấp trong đạo Bụt là nét rất đặc thù của
truyền thống Phật Giáo. Tự do này không phải là thứ tự
do chính trị, tự do này lớn hơn nhiều. Ðó là tự do nhận
thức, tự do đối với những ý niệm, những lý thuyết, những
chủ nghĩa. Những lý thuyết, những chủ nghĩa là những nhà
tù rất lớn, nó giam hãm không phải một người, hai người
mà là hàng trăm triệu người. Nó làm cho hàng trăm triệu
người ngất ngư trong vòng hai chục năm, ba chục năm, bảy
chục năm, mà chưa có cơ hội giải tỏa. Rất dễ sợ. Liên
bang Xô Viết là một ví dụ. Liên bang Xô Viết bị giam hãm
trong ngục tù của ý thức hệ Mác Xít bảy mươi năm, đã
tạo ra rất nhiều bi kịch cho chính người dân ở trong nước.
Người nào không tin vào chủ nghĩa thì bị đày, bị phạt,
bị đưa vào nhà thương điên và cho rằng bị điên mà thực
tế họ không hề điên gì hết. Ðảng không thể chấp nhận
được những người nói ngược lại đường lối, chủ thuyết
của Ðảng. Ðể tiêu diệt người đó, Ðảng nói người
đó bị bệnh tâm thần và yêu cầu bác sĩ ký một tờ giấy
xác nhận là ông này bị tâm thần, cần phải đưa vào bệnh
viện tâm thần để điều trị. Biết bao nhiêu người đã
bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Ðó là hậu quả của thái
độ cuồng tín và cố chấp. Vì vậy mục đích đầu tiên
của giáo lý và sự thực tập của đạo Bụt là để công
phá thành trì của cuồng tín và cố chấp. Cho nên mục đích
của Tổ là đánh phá, mà đánh phá bằng những phương tiện
quyền xảo, và Lâm Tế Lục là thứ vũ khí rất lợi hại.
Khi
nghe một điều gì hay học một cái gì, ta có khuynh hướng
muốn nắm lấy điều đó, giữ lấy cái đó, chứa chấp nó
và coi như của gia bảo. Ðến khi nghe người khác nói khác
cái ta vừa mới học thì ta chịu không nổi, vì ta đã đồng
nhất ta với ý niệm đó, giáo lý đó. Ta đã bị rơi vào
trong bẫy sập. Nhưng nếu có người đến tìm cách tháo bẫy
sập cho ta, ta lại giận người đó, trách người đó: ‘Tại
sao tôi đang yên lành trong bẫy sập của tôi mà ông lại tới
móc tôi ra khỏi làm gì?’ Sự thật là sau khi ta thoát ra khỏi
cái bẫy sập này, ta có thể lại rơi vào một cái bẫy sập
khác. Vì vậy con đường tâm linh có rất nhiều chướng ngại
và nguy hiểm mà nếu không có minh sư, không có bạn lành thì
ta có thể bị kẹt rất nhiều lần. Do đó ta phải có thái
độ phóng khoáng, sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng buông bỏ.
Và thiện tri thức là để giúp ta vào những lúc đó.
Liên
bang Xô Viết đã ôm lấy lý thuyết chủ nghĩa Mác xít trong
vòng bảy mươi năm, đã tạo ra biết bao nhiêu khổ đau, bế
tắc, và cho đến một ngày mới thấy rõ ràng là họ đã
bỏ ra bảy mươi năm một cách rất oan uổng. Trong bảy mươi
năm đó họ vẫn tin tưởng rằng con đường này là con đường
duy nhất để đưa tới sự phồn vinh của dân tộc và của
đất nước, ngoài ra không còn con đường nào khác. Người
học đạo cũng vậy. Người học đạo cũng có thể giam mình
bảy mươi năm trong một cái bẫy sập. Xin quý vị nghĩ lại
và đặt câu hỏi rằng: Mình có đang ở trong một cái bẫy
sập hay không? Mình có đang mắc vào những tiện nghi trong
cái bẫy sập đó của mình hay không?
Ta
không nên đi tìm cầu Bụt, Tổ, Bồ Tát, tam thân, thập địa,
thế giới hoa tạng, lầu các của Di Lặc ngoài ta. Ta phải
chấm dứt mọi tìm cầu. Phải ngưng sự tìm cầu ngay và hãy
trở về bản thân trong giây phút hiện tại. Bản thân trong
giây phút hiện tại chứa đựng tất cả những gì ta muốn
tìm cầu: pháp thân, bát nhã, giải thoát, Bụt, Tổ và các
cõi nước trang nghiêm. Bản thân ở đây không hẳn là năm
uẩn, vì năm uẩn vô thường có đó không đó. Nhưng bản
thân cũng không phải là một cái gì có thể nhận thức ngoài
năm uẩn, bởi vì nhờ có năm uẩn nương nhau mà ta nhận diện
được bản thân ấy vốn là con người thật của chính ta.
Con người thật ấy là chân tâm sáng chói có diệu dụng nhận
diện và tiếp xúc với mọi mầu nhiệm của sự sống: Tổ
gọi đó là cái tinh minh sáng rỡ biểu hiện thành sáu đạo
thần quang: khả năng thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và
tư duy. Năm uẩn là vô thường nhưng bản tâm biểu hiện nhờ
năm uẩn là con người thật của ta thì không sinh, không diệt,
không có, không không, vượt thoát mọi khái niệm. Ðó là
con người thật không có vị trí (nghĩa là không thể được
đồng nhất với một uẩn trong năm uẩn hoặc cả năm uẩn).
Con người thật đó là Bụt. Bụt không phải là một thực
thể có ngoài con người thật đó. Bụt và chúng sinh không
phải là hai thực thể riêng biệt (Phật sinh vô nhị). Nếu
không thấy được điều này, nếu không có đức tin vững
chãi nơi sự thật này, thì không bao giờ chấm dứt được
sự tìm cầu, phóng thể, vẫn không dừng lại được để
làm một con người vô sự, vẫn còn có khuynh hướng chán
phàm yêu thánh, vẫn chưa có được hạnh phúc và an vui thật
sự.
Ta
không nên đi tìm cầu Bụt, Tổ, Bồ Tát, tam thân, thập địa,
thế giới hoa tạng, lầu các của Di Lặc ngoài ta. Ðây là
lời của Tổ nói. Là người học đạo, ta luôn luôn đi tìm
cầu: ta đi tìm cầu Thượng Ðế, ta đi tìm cầu Chúa Ki Tô,
ta đi tìm cầu Allah, ta đi tìm cầu Thiên Quốc, ta đi tìm cầu
Bụt và Bồ Tát v.v..., ở ngoài ta. Ðó là tâm trạng của
số đông. Ở các giáo lý, ta được học rằng tất cả đều
nằm ở trong trái tim của ta: Thượng Ðế nằm ở trong trái
tim của anh, Thiên Quốc nằm ở trong trái tim của chị, Tịnh
Ðộ là duy tâm, Phật ở trong tâm. Chúng ta nghe những điều
đó nhưng chúng ta đâu có tin. Những giáo nghĩa đó đâu phải
là không có? Có đó, nhưng vì chúng ta không chịu tin, chúng
ta chỉ muốn tin rằng chúng ta là con số không, nghèo đói
xác xơ, cho nên muốn đi tìm kiếm một chút tình thương, một
chút trí tuệ ở bên ngoài. Ðó là thái độ của đa số và
đó là thái độ mà Tổ Lâm Tế muốn công phá trước tiên.
Thành ra đi tìm cầu Bụt, Tổ, Bồ Tát, tam thân, thập địa
ở trong tương lai và ở địa phương khác hay ở một thế
giới khác, là lỗi lầm đầu tiên mà chúng ta mắc phải.
Nếu chúng ta biết trở về trong giây phút hiện tại, sống
cho sâu sắc với giây phút hiện tại, tiếp xúc với những
mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại, thì tất
cả những gì chúng ta tìm cầu sẽ biểu hiện ra ngay trong
giây phút hiện tại đó. Thiên Quốc hay Tịnh Ðộ, Thượng
Ðế hay Chúa Ki Tô, Bụt Thích Ca hay Bụt Di Lặc trong tương
lai đều có mặt trong giây phút hiện tại.
Ta
phải chấm dứt mọi tìm cầu. Ðây đích thực là giáo lý
của Bụt. Ðó là giáo lý Vô Tác (apranihita), một trong Ba Cánh
Cửa Giải Thoát. Ba Cánh Cửa Giải Thoát là Không, Vô tướng
và Vô tác. Vô tác tức là không đặt trước mình một đối
tượng để tìm cầu và chạy theo. Chấm dứt sự tìm cầu,
vì cái mà ta tìm cầu đã có sẵn trong ta, ngay trong giây phút
hiện tại. Cũng như một đợt sóng: nó bất an, nó khổ đau,
nó lo sợ, nó đi tìm cầu giải thoát và một nền tảng vững
chãi, nó vươn tới để tìm cầu, nhưng kỳ thực cái nó đi
tìm cầu lại chính là bản thân nó. Nếu nó biết nó chính
là nước rồi thì nó giải thoát, nó không còn bị những
ý niệm sinh, diệt, có, không, còn, mất làm cho thất điên
bát đảo nữa. Vả lại, sóng mà đi tìm nước thì thật là
buồn cười. Sóng đâu có cần phải vươn tới một phương
trời nào khác để đi tìm nước, bởi vì sóng đã là nước
ngay trong giây phút hiện tại rồi. Những cái mà chúng ta đi
tìm cầu đã đang có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Anh
đang là cái mà anh muốn trở thành đó. You are already what you
want to become. Niết Bàn hay Tịnh Ðộ đã đang nằm sờ sờ
ngay trong bản thân ta và chung quanh ta trong giây phút hiện tại.
Cái đó gọi là vô tác, cánh cửa giải thoát thứ ba và cũng
là nền tảng của giáo lý Vô Ðắc: không có đắc cũng không
có sở đắc, không có tìm cầu cũng không có đối tượng
của sự tìm cầu.
Ta
phải chấm dứt mọi sự tìm cầu, phải ngưng sự tìm cầu
ngay và hãy trở về bản thân ngay trong giây phút hiện tại.
Bản thân trong giây phút hiện tại chứa đựng tất cả những
gì ta muốn tìm cầu: pháp thân, bát nhã, giải thoát, Bụt,
Tổ và các cõi nước trang nghiêm. Bản thân ở đây không
hẳn là năm uẩn, vì năm uẩn vô thường có đó không đó,
nhưng bản thân cũng không phải là một cái gì có thể nhận
thức ngoài năm uẩn, bởi vì nhờ có năm uẩn nương nhau mà
ta nhận diện được bản thân ấy vốn là con người thật
của chính ta.
Ðây
là một đề tài muôn thuở trong đạo Bụt, bởi vì giáo lý
đạo Bụt dựa trên tuệ giác gọi là vô ngã. Trong khi đó,
ta nói tới bản thân như là một cái ngã. Chúng ta biết có
nhiều quan niệm về ngã:
-
Thứ nhất, cho rằng năm uẩn này là ta, là ngã. Ðó là tà
kiến thứ nhất.
-
Thứ hai, cho rằng thân này không phải là ngã mà là của ngã
(ngã sở) - thân này không phải là ta nhưng là của ta. Năm
uẩn không phải là ta, nhưng năm uẩn là vật sở hữu của
ta. Ðó là tà kiến thứ hai.
-
Thứ ba, cho rằng thân này không phải là ta, nhưng ta có trong
thân này và thân này có trong ta. Cái đó gọi là tương tại.
Ðó là tà kiến thứ ba.
Tương
tại nghĩa là có trong nhau. Ba quan niệm đó được lặp lại
nhiều lần trong kinh Bụt dạy cho thầy La Hầu La. Bụt nói
rằng: Thân này không phải là ta, không phải là của ta, cũng
không phải ở trong ta, mà ta cũng không phải đang ở trong
thân này. Ðó là ba kiến chấp:
1-
Ta là uẩn (ngã)
2-
Ta không phải là uẩn nhưng uẩn thuộc về ta (ngã sở).
3-
Ta ở trong uẩn, uẩn ở trong ta (tương tại).
Trong
tiếng phạn có chữ Atma là ngã, và có chữ Pudgala là người
(có khi dùng chữ Purusa). Có khi ta thấy hai cái là một: Atma
tức là Pudgala. Pudgala dịch âm là Bổ đặc già la. Trong hai
mươi mấy tông phái Phật giáo, có một phái gọi là Pudgalavada,
chủ trương có con người và gần như là chủ trương có ngã.
Nói như vậy là vì tông phái này tự xưng là căn cứ trên
kinh điển và ưa trích dẫn một câu trong kinh Tăng Nhất A
Hàm: ‘Có một con người trên thế gian mà sự xuất hiện
của con người đó đem lại không biết bao nhiêu lợi lạc
cho thế gian và cho muôn loài. Người ấy là ai? Người ấy
là Bụt’. Câu đó rất nổi tiếng. Họ chỉ cần trích dẫn
câu đó, đủ để chứng minh là có con người, tức là có
cái ngã của Đức Thế Tôn, trong khi giáo lý của đạo Bụt
là vô ngã. Tất cả các kinh sư, cũng như các giảng sư, các
pháp sư đều diễn thuyết và đều dùng tất cả mọi lý
luận có thể có được, để chứng minh là không có ngã,
không có con người, thì phái Pudgalavada chủ trương là có
con người, có ngã. Phái Pudgalavada gần như được coi là phái
không chính thống, vì đã công nhận là có con người và có
ngã. Nhưng phái này lại có rất nhiều người theo. Sử ghi
chép lại là khi ngài Huyền Trang qua Ấn Ðộ thỉnh kinh, phái
này rất mạnh, có ít nhất là năm mươi ngàn thầy đi theo.
Ý
hướng chấp ngã là một ý hướng rất sâu dày, vì vậy tuy
Bụt nói vô ngã, nhưng đệ tử của Người cũng cố tìm ra
một cái ngã để bám vào. Rất khó suy tư nếu nói là không
có ngã, cho nên đã sinh ra một quan niệm rất vi tế về ngã
đó là: phi tức phi ly uẩn, gồm hai phần là phi tức uẩn
(không phải là uẩn) và phi ly uẩn (không phải ngoài uẩn
mà có). Quan niệm này rất tế nhị, nó cố gắng chứng minh
là có một cái ngã và đồng thời tìm cách để thoát ra khỏi
ba kiến chấp mà Bụt đã dạy trong kinh La Hầu La. Nghĩa là:
cái ngã đó có, nhưng nó không phải là uẩn, và cũng không
phải lìa uẩn mà có.
Phải
ngưng sự tìm cầu ngay và hãy trở về bản thân ngay trong
giây phút hiện tại. Mỗi khi nghe nói tới bản thân, chúng
ta có thể nghĩ là năm uẩn. Bản thân ở đây không hẳn là
năm uẩn, vì năm uẩn vô thường có đó không đó. Chữ hẳn
này rất khéo, nó không phải là năm uẩn, nhưng cũng không
phải tìm cầu ngoài năm uẩn. Ta không đồng nhất ta với
năm uẩn, nhưng ta biết rằng ngoài năm uẩn thì cũng không
có bản thân. Phi tức phi ly nghĩa là không phải cái đó,
nhưng cũng không phải lìa cái đó mà có được.
Vì
năm uẩn vô thường có đó không đó, nhưng bản thân cũng
không phải là một cái gì có thể nhận thức ngoài năm uẩn,
bởi vì nhờ có năm uẩn nương nhau mà ta nhận diện được
bản thân ấy vốn là con người thật của chính ta. Con người
thật ấy là chân tâm sáng chói có diệu dụng nhận diện
và tiếp xúc với mọi mầu nhiệm của sự sống: Tổ gọi
đó là cái tinh minh sáng rỡ biểu hiện thành sáu đạo thần
quang: khả năng thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và tư duy.
Năm uẩn là vô thường nhưng bản tâm biểu hiện nhờ năm
uẩn là con người thật của ta thì không sinh, không diệt,
không có, không không, vượt thoát mọi khái niệm. Ðó là
con người thật không có vị trí.
Người
thật ở đây là dịch từ chữ chân nhân. Vô vị chân nhân,
con người thật không có vị trí. Vô vị nghĩa là không xác
định được vị trí trong không gian và thời gian. Các nhà
khoa học vật lý, khi nghiên cứu về những vật thể li ti,
những chất điểm (elementary particals), những hạt điện tử
(electrons), hay những giới tử (mesons), cũng đã nói như vậy:
không thể nào xác định được vị trí của một điện tử
trong không gian và trong thời gian. Nhưng không thể nói là điện
tử không có. Con người thật của chúng ta cũng vậy. Không
thể nói là không có con người thật, nhưng xác định nó
trong vị trí không gian và thời gian như Lộc Uyển ở Escondido
thì không được. Lộc Uyển thì ta có thể nói là ở South
California hay Escondido, nhưng đi sâu vào bản thân thực tại
của một điện tử, một trung hòa tử, một giới tử thì
không thể xác định được vị trí của chúng ở trong không
gian và thời gian như vậy. Vị ở đây không phải là một
chức vị như chức vị tổng thống, bộ trưởng, tri khố,
tri xa, giáo thọ, hay thức xoa ma na. Vị ở đây không phải
là
một vị trí hay một chức vị. Vô vị chân nhân nghĩa là
con người thật không có vị trí, không thể được đồng
nhất với một uẩn trong năm uẩn hoặc cả năm uẩn.
Bởi
vì nhờ có năm uẩn nương nhau mà ta nhận diện được bản
thân ấy vốn là con người thật của chính ta. Con người
thật ấy là chân tâm sáng chói, có diệu dụng và có thể
tiếp xúc được với mọi mầu nhiệm của sự sống. Ta có
chân tâm sáng chói đó, nhưng ta không sử dụng, ta cứ lo sử
dụng tâm lo sợ, tâm tìm cầu, tâm tham muốn. Chân tâm sáng
chói nghĩa là có công dụng mầu nhiệm, có khả năng tiếp
xúc được với tất cả mầu nhiệm của sự sống. Tổ gọi
đó là cái tinh minh sáng rỡ, biểu hiện thành sáu đạo thần
quang (cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái xúc chạm
và cái tư duy). Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì biểu
hiện ra sáu thức. Với sáu thức đó, ta có thể làm ra tất
cả các phép lạ mà chư Bụt và chư Bồ tát đã làm. Ví dụ,
ta ngồi đây nhìn núi. Nếu ta biết sử dụng cái thấy của
mình thì cái thấy đó có thể trở thành một đạo hào quang,
có khả năng chiếu sáng, cho ta nhìn thấy núi là một sự
mầu nhiệm. Ngày hôm qua, ngồi với thị giả bên cửa sổ,
tôi chỉ cho thị giả thấy ngọn núi ở phương Tây. Tôi nói:
-
Con nhìn kìa, con có thấy tòa núi đó không? Nó là một cái
chung cư vĩ đại, có biết bao nhiêu loài đang sống trong chung
cư đó một cách rất tiện nghi. Có hàng triệu sinh vật đang
sống ở đó, mỗi loài có chỗ cư trú riêng, có thực phẩm
và có quyến thuộc riêng của nó. Nhìn đi con!
Lúc
đó, ta thấy được loài người của mình chỉ có mặt chừng
năm trăm người trên núi mà thôi, một phần rất nhỏ của
núi rừng Lộc Uyển. Ta cũng có một vài cư xá, có kho thức
ăn, và cũng đi lên đi xuống. Trong khi đó, trên ngọn núi
kia hàng trăm vạn chúng sanh cũng đang làm như vậy một cách
rất im lặng. Họ có nền văn minh của họ, và họ có chỗ
cư trú riêng. Khi nhìn như vậy, ta thấy rất mầu nhiệm. Ta
thấy được liên hệ giữa ta và các loài sinh vật. Ta kính
trọng họ, họ kính trọng ta. Vậy thì, cái thấy đó do đâu
mà có? Ðó là do sử dụng đạo thần quang thứ nhất: cái
thấy của ta. Bụt và chư vị Bồ Tát nhìn cuộc đời như
vậy. Nhìn bầu trời, nhìn ngân hà, nhìn mặt trăng, nhìn đám
mây, nhìn dòng suối, nhìn ngọn núi v.v..., ta thấy được
tất cả những nhiệm mầu trong thế giới Hoa Tạng đang có
mặt trong giờ phút hiện tại. Cái một nằm trong cái tất
cả. Sự sống của con người không thể có mặt nếu thiếu
sự có mặt của các loài khác. Không khí chúng ta đang hít
thở trong mỗi giây mỗi phút này là do các loài khác cung cấp.
Hít vào một hơi thở, chúng ta cảm thấy rất biết ơn: nếu
không có những loài cây đứng xung quanh đây và chúng cũng
đang thở thì ta không có được dưỡng khí đó để thở.
Ðó là một phép lạ. Phép lạ đó giúp ta tiếp xúc được
với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện
tại.
Hoàn cảnh đó là Tịnh Độ hay là địa ngục thì cũng do
ta có biết sử dụng sáu đạo thần quang của mình hay không
mà thôi. Sáu đạo thần quang luôn có đó, ta không thể nói
là không có. Nếu ta để tâm lo buồn, giận hờn, tìm kiếm,
tuyệt vọng v.v... phát khởi và trấn ngự, đó là ta đang
không biết sử dụng sáu đạo thần quang mà chịu chết trong
hoàn cảnh của mình. Vấn đề là phải trở về để sử
dụng một cách khéo léo sáu đạo thần quang đó, tức là
sáu thức. Khi sáu thức bị những phiền não che lấp thì ta
sử dụng rất khó khăn. Nhưng nếu được thầy, được bạn
chỉ dẫn và nhắc nhở, thì ta bắt đầu biết sử dụng được
sáu đạo thần quang đó để có thể nuôi dưỡng và làm biểu
hiện thế giới của Hoa Tạng. Những lâu đài của đức Di
Lặc, những hàng châu báu trang nghiêm của cõi Tịnh Ðộ có
mặt ngay bây giờ và ngay tại đây.
Chính
bản thân năm uẩn của chúng ta cũng rất mầu nhiệm. Những
phép thần thông mà chư Bụt và chư Bồ Tát làm được thì
ta cũng có thể làm được, và làm được ngay bây giờ và
ngay ở đây. Sở dĩ ta làm được là do ta biết sử dụng
sáu đạo thần quang. Khi nó bị mê mờ, bị phiền não thì
ta gọi nó là thức. Nhưng khi nó tự do thì ta gọi nó là trí.
Cũng là nó mà thôi. Cũng như ly nước đục, nếu để cho
lắng lại thì thành ly nước trong, nhưng nếu đổ ly nước
đục đi thì không còn ly nước nữa, mà cũng không có nước
trong. Vì vậy Tổ mới nói rằng: Các vị đang ngồi nghe pháp
đây - chính các vị là Phật, là Tổ. Chính các vị có thể
sử dụng sáu đạo thần quang để làm cho lâu đài, đền
các của đức Di Lặc có mặt trong giờ phút hiện tại. Quý
vị có thì giờ ngắm núi hay không? Sử dụng đạo thần quang
thứ nhất để ngắm núi đi, rồi các vị sẽ thấy rằng
cái mà mình đi tìm cầu nó đang nằm ngay ở tại chỗ. Và
nếu ta không có hạnh phúc là tại vì ta chứ không phải tại
vì người kia.
Con
người thật đó là Bụt. Bụt không phải là một thực thể
có ngoài con người thật đó. Bụt và chúng sinh không phải
là hai thực thể riêng biệt (Phật sinh vô nhị). Phật tức
là Bụt. Sinh là chúng sinh. Thường thường, chúng ta phân biệt
hai cái khác nhau: chúng sinh thì không phải là Bụt, mà Bụt
không phải là chúng sinh. Trong giáo lý này, Bụt và chúng sinh
không phải là hai cái tách rời nhau: ngoài cái này thì không
có cái kia, ngoài cái kia thì không có cái này; ngoài Bụt thì
không có chúng sinh, ngoài chúng sinh thì không có Bụt. Vì vậy
cái mà ta gọi là người, là ta, là chúng sinh đó, nếu nhìn
cho kỹ thì sẽ thấy Bụt ở trong đó.
Nếu
không thấy được điều này, nếu không có đức tin vững
chãi nơi sự thật này, thì không bao giờ chấm dứt được
sự tìm cầu, phóng thể, vẫn không dừng lại được để
làm một con người vô sự, vẫn còn có khuynh hướng chán
phàm yêu thánh, vẫn chưa có được hạnh phúc và an vui thật
sự.
Ðoạn
văn này có thể rất hiện đại. Hiện bây giờ khoa học cũng
đang đi tìm nguồn gốc của tâm thức. Có một môn khoa học
tên là Neuroscience, khoa học về thần kinh não bộ, đang tìm
mọi cách để nghiên cứu và tìm hiểu là thức được phát
hiện từ những căn bản nào:
1-
Thức có phải là não bộ hay không?
2-
Thức và não bộ có phải là hai thực tại khác nhau
không?
3-
Não bộ nằm trong thức, hay thức nằm trong não bộ?
Khoa
học não bộ đang khám phá ra nhiều điều rất hay. Trước
hết, họ khám phá ra rằng trong não bộ không có một trung
tâm nắm chủ quyền và ra lệnh. Khoa học đã không tìm thấy
một trung tâm như vậy ở trong não bộ. Trong quân đội thì
có tổng tư lệnh, nơi đưa lệnh xuống cho các đơn vị nhỏ.
Ở các đơn vị cũng vậy. Nhưng trong não bộ của chúng ta,
không có một trung tâm điều khiển, không có một đại bản
doanh, không có một đơn vị đưa lệnh ra. Người ta chỉ thấy
có nhiều phần khác nhau của não bộ, mỗi phần có một lĩnh
vực hoạt động riêng, và nếu các phần đó không hợp tác
với nhau, không có truyền thông với nhau, thì không làm phát
sinh được ý thức. Vì vậy khoa học bây giờ, kể cả khoa
sinh lý học và khoa học về não bộ, đã cho thấy rõ sự
thật về vô ngã.
Ngày
xưa, các triết gia có khuynh hướng nghĩ rằng trong đầu mình
có một chủ thể, một cái ngã nằm đâu đó trong óc. Cái
chủ thể đó nhìn ra bằng cửa con mắt, lắng nghe bằng cửa
lỗ tai, và tiếp nhận những dữ kiện của thế giới bên
ngoài rồi tự tạo ra hình ảnh của thế giới bên ngoài đó.
Thế giới bên ngoài đúng hay sai thì chưa biết, nhưng nhờ
sáu cái cửa đó mà cái ngã nhỏ xíu ở bên trong nhận thức
được thế giới bên ngoài. Bây giờ khoa học đã chứng minh
rõ ràng rằng không có cái anh chàng nhỏ xíu nằm ở trong
nhìn ra ngoài cửa sổ để tiếp nhận dữ kiện. Bây giờ
khoa học não bộ thường dùng hình ảnh của một dàn nhạc
hòa tấu gồm có những nhạc công khác nhau, sử dụng những
nhạc khí khác nhau và có sự truyền thông với nhau. Nhìn vào,
ta có thể thấy bản nhạc, ta có thể thấy dụng cụ, ta có
thể thấy nhạc công, ta thấy đủ tất cả. Nhưng tất cả
những cái đó không phải là nhạc. Chỉ khi nào bản nhạc
được đánh lên thì chúng ta mới nghe được nhạc. Trước
đó, ta không thể nào nhận thức được bản nhạc dù đã
có những nốt nhạc, đã có những nhạc khí, đã có những
nhạc công ở đó. Chỉ khi nào có sự phối hợp, chỉ khi
nào nhạc khí được tấu lên, thì bản nhạc mới hình thành,
lúc đó chúng ta mới nghe được bản nhạc. Ý thức (consciousness)
cũng vậy. Nó không phải là một cái gì có sẵn ở bên trong,
nó không trốn ở trong những tế bào hay trong bộ óc của
mình, mà nó là sự truyền thông giữa những tế bào óc với
nhau. Mỗi bộ phận, mỗi vùng khác nhau của bộ óc, đi về
phía chuyên môn. Một vùng không làm gì được hết, nhưng
khi tất cả các vùng hợp tác với nhau và phối hợp
với nhau thì tự nhiên phát sinh ra thức. Vì vậy Ðức Thế
Tôn dạy là thức (cũng như sắc, thọ, tưởng và hành) chỉ
là một trong năm uẩn thôi. Nghĩa là thức muốn được biểu
hiện thì phải dựa trên sắc, thọ, tưởng, và hành;
hành muốn biểu hiện thì phải dựa trên sắc, thọ, tưởng,
và thức. Sắc là cơ thể của ta, nếu muốn biểu hiện cũng
phải dựa trên thọ, tưởng, hành, và thức. Cho nên không
có một uẩn nào trong năm uẩn mà tự mình có mặt, hay độc
lập với bốn uẩn kia được. Tất cả các uẩn đều phải
dựa trên các uẩn khác mà biểu hiện. Ðó là lời dạy của
Đức Thế Tôn trong rất nhiều kinh điển. Thông thường ta
nghĩ rằng khi chết rồi, thì sắc, thọ, tưởng và hành không
còn nữa, chỉ còn lại thức và thức sẽ đi đây đó để
chờ dịp nhập vào một thân xác mới. Ðiều đó không đúng!
Như vậy là trái với khoa học và Phật pháp. Theo khoa học
và Phật pháp thì một uẩn dựa trên năm uẩn kia mà biểu
hiện. Thức cũng vậy. Ðiều đó đã được chứng minh rất
rõ ràng trong khoa học về thần kinh não bộ.
Khi
chúng ta tư duy theo tinh thần của đạo Bụt, chúng ta sẽ không
thấy rằng thức sinh khởi mà chỉ thấy thức biểu hiện.
Cũng như sắc, thọ, tưởng và hành, chúng ta không nhìn chúng
như có sinh khởi mà là có biểu hiện. Sinh khởi nghĩa là
từ không mà trở thành có, còn biểu hiện thì có nghĩa khác.
Biểu hiện nghĩa là đang ẩn tàng trong những nhân và
những duyên của nó, khi nhân duyên phối hợp với nhau đầy
đủ, thì có sự biểu hiện. Biểu hiện như vậy không phải
là sinh. Em không phải tạo sinh mà chỉ là biểu hiện. Khi
tư duy theo tinh thần đạo Bụt, chúng ta thấy chỉ có sự
biểu hiện. Những biểu hiện đó, bản chất của chúng là
không sinh, không diệt, không tới, không đi. Thức không từ
đâu tới, và sau khi biểu hiện rồi, cũng không đi đâu cả.
Vì vậy bản chất của năm uẩn cũng là bất sinh bất diệt.
Không những Bụt là bất sinh bất diệt mà năm uẩn cũng bất
sinh bất diệt (Phật sinh vô nhị).
Tổ
nói tới sáu đạo thần quang, tức là sáu thức: nhãn thức,
nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Khi
sáu thức bị che lấp, mê mờ, trĩu nặng thì chúng không phải
là thần thông; khi sáu thức được giải phóng thì chúng là
thần thông. Khi sáu thức bị mê mờ thì được gọi là chúng
sinh; khi sáu thức được giải phóng thì được gọi là Bụt.
Ðiều này giúp chúng ta hiểu được ý của Tổ, tức là Bụt
cũng từ sáu thức đó mà chúng sinh cũng từ sáu thức đó.
Vì vậy đi tìm giải thoát, đi tìm Bụt, đi tìm Tịnh Độ,
đi tìm thập địa, đi tìm tam thân v.v... ở ngoài năm uẩn,
ở ngoài sáu đạo thần quang là một điều không tưởng.
Chúng ta phải trở về với năm uẩn, trở về với sáu đạo
thần quang để nhận diện rằng những gì mình đi tìm đã
đang ở ngay trong tự thân của năm uẩn và sáu đạo
thần quang.
Khi
đọc đoạn văn trên, chúng ta thấy rằng năm uẩn không phải
là ta, sáu đạo thần quang cũng không phải là ta, nhưng Tịnh
Ðộ có mặt trong đó. Ngày xưa có một triết gia người Pháp
tên là Descartes, muốn chứng minh rằng có một cái ta, và ông
đã chứng minh một cách rất toán học. Công thức toán học
của ông là: ‘Je pense donc je suis’ (tôi đang tư duy, vì vậy
cái tôi của tôi đang có mặt). Ông cho rằng ‘Tôi tư duy’
(je pense) là một sự thật. Ðiêu khắc gia Auguste Rodin có tạc
một bức tượng một người đang tư duy, gọi là ‘Le penseur’
(kẻ tư duy). ‘Tôi tư duy’ - tức là ‘tôi là một con người
và tôi đang suy tư’. Ðó là sự thật. Rõ ràng mình thấy
ông đó (Le penseur) đang trầm ngâm, đang tính toán, đang suy
nghĩ, thì cái chuyện ‘tôi tư duy’ là chuyện thật chứ
không phải là một chuyện bày đặt ra. Căn cứ trên nhận
xét đó, Descartes đi đến kết luận: ‘donc je suis’. Nói
rằng ‘tôi đang tư duy’ chứng tỏ rằng ‘tôi đang có mặt’,
tức là phải có cái ngã, phải có cái tôi. Nói rằng ‘có
tôi đây’ nghĩa là có cái ngã đây. Ông là nhà triết học,
nhưng ông muốn làm theo kiểu nhà toán học: nếu anh công nhận
là anh đang tư duy, thì anh cũng công nhận là anh đang có mặt
như một cái ngã. Lý luận sắc bén giống như là không thể
nào đập phá được: nếu không có tôi thì ai tư duy?
Trong
Duy Biểu học, chúng ta biết rõ là có 51 tâm sở, trong đó
có những tâm sở biến hành (xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư),
những tâm sở biệt cảnh (dục, thắng giải, niệm, định,
tuệ). Năm tâm sở phổ biến nhất và có mặt luôn luôn trong
mọi lúc là xúc, tác ý, thọ, tưởng và tư. Xúc tức là sự
xúc chạm; tác ý tức là để ý tới; thọ tức là cảm thọ
(feeling); tưởng tức là tri giác; tư tức là quyết định.
Và những tâm sở khác như là tâm sở thiện (tín, tàm, quý),
tâm sở bất thiện (tham, sân, si), tâm sở bất định (hối,
miên, tầm, từ). Hối tức là hối hận. Miên tức là buồn
ngủ. Hai tâm sở tầm và từ là hai tâm sở thuộc về tư
duy. Tầm từ tức là tư duy. Nghĩ tới là tầm (initial thinking),
đi sâu vào sự suy nghĩ là từ (applied thinking). Cái tư duy
mà Descartes nói đến thuộc về tầm và từ. Trong Duy Biểu
học, chúng ta thấy năm mươi mốt tâm sở này đều nằm ở
trong tàng thức dưới dạng những hạt giống (chủng tử).
Mỗi khi có một hạt giống được tưới tẩm, nó sẽ phát
hiện trên ý thức và được gọi là tâm hành (khi nó chưa
phát hiện thì gọi là chủng tử). Ví dụ ta có một cái đĩa
DVD, trong đó có những dữ kiện đã được cất giữ như
hình ảnh và âm thanh. Cầm cái đĩa trong tay, ta không thấy
tiếng và hình gì trong đó. Nhưng nếu bỏ cái đĩa vào máy
vi tính và mở ra, thì hình ảnh và âm thanh sẽ phát hiện.
Khi chưa phát hiện thì chúng được gọi là chủng tử. Ở
dạng chủng tử thì chúng ta không thấy được, nhưng không
có nghĩa là nó không có mặt đó. Nó đang ở trong thế tiềm
tại (hạt giống). Bỏ vào trong máy vi tính, bấm nút hiệu
lệnh một cái thì nó biểu hiện ra (hiện hành). Ý thức được
ví như là màn ảnh của máy vi tính và tàng thức được ví
như là cái đĩa DVD. Chúng ta có năm mươi mốt loại chủng
tử mà chúng ta không nhận diện được, không thấy được
là tại vì chúng chưa biểu hiện. Ví dụ như cái giận. Khi
chủng tử giận biểu hiện thành tâm hành giận thì ta mới
thấy được cái giận. Giận là một tâm hành. Khi chủng tử
tầm (suy tư) biểu hiện, nó biểu hiện như một tâm hành.
Trong Duy Biểu học, chúng ta thấy trong một tâm hành gồm có
hai phần: kiến phần (chủ thể) và tướng phần (đối tượng).
Kiến phần gọi là darsanabhaga. Tướng phần là nimittabhaga.
Vậy thì tâm hành giận có chủ thể giận và đối tượng
giận. Chánh niệm cũng vậy. Chánh niệm cũng có kiến phần
và tướng phần. Kiến và tướng nương vào nhau và cùng biểu
hiện một lượt. Bất cứ tâm sở nào trong năm mươi mốt
tâm sở cũng đều như vậy. Khi biểu hiện trên màn ảnh của
ý thức nó chỉ là một tâm hành. Nhưng nhìn kỹ vào trong
mỗi tâm hành, thì chúng ta thấy có kiến phần và tướng
phần, và không cần có một cái ngã nào hết. Vì vậy khi
nói về tư duy thì chỉ có tư duy mà không cần có chủ thể
của tư duy (there is a thought, but there is no thinker). Cái giận,
khi nhìn một cách khoa học thì mình thấy chỉ có tâm hành
giận biểu hiện mà không có một cái ngã nằm sẵn đó để
nó giận. Cho nên, khi Descartes nói: ‘tôi tư duy vì vậy cho
nên có tôi’, Bụt nói: ‘Không phải đâu! chỉ có tầm thôi,
không có cái ngã nằm sau tầm; chỉ có từ thôi, không có
cái ngã nằm sau từ’ (there is only the thought). Ðiều này rất
quan trọng và quý vị có thể thực tập được. Mỗi khi cái
giận nổi lên, quý vị nói: ‘A! đây là tâm hành giận. Không
có ai đứng phía sau cái giận đó hết’. Ví dụ sự chứng
đắc quả ‘Ðã Về - Ðã Tới’ thì chỉ có hiện tượng
‘Ðã Về - Ðã Tới’ chứ không có người chứng đắc.
Có quả vị chứng đắc mà không cần có người chứng đắc;
có Niết Bàn mà không cần có người đi vào Niết Bàn; có
Tịnh Ðộ mà không cần có người đi vào Tịnh Ðộ. Không
cần có cái ngã. Sự thật là như vậy. Và sự thật này rất
khoa học. Khoa học càng ngày càng đi tới gần nhận thức
đó. Vậy thì ‘je pense donc je suis’ là một lý luận sai lầm.
Nó sai lầm vì không có cái tôi (je), mà chỉ có cái tư duy
(pense). No thinker, only thought. Ðạo Bụt dạy rằng chỉ có
năm mươi mốt tâm hành thôi, mà không cần có một cái ta
núp sau đó. Có hành động mà không có người hành động
(there is an action, there is no actor).
Ðức
Thế Tôn xuất hiện như một hiện tượng mầu nhiệm:
có trí tuệ lớn, có tình thương lớn. Những tâm hành tốt
đẹp ấy của Ðức Thế Tôn liên tiếp phát hiện như một
dòng chảy mầu nhiệm, cái đó gọi là Bụt. Ðức Thế Tôn
không cần có ngã, nhưng ta không thể nói là Ðức Thế Tôn
không có mặt. Ðức Thế Tôn có mặt rất rõ ràng, tại vì
tâm từ ấy có thật, tâm bi ấy có thật, sự mầu nhiệm
ấy có thật. Vì vậy Ðức Thế Tôn vô ngã, và chúng ta cũng
vậy. Chúng ta có năm mươi mốt tâm hành, chúng ta phải làm
thế nào để những tâm hành tốt luôn luôn có dịp biểu
hiện. Làm được như vậy thì chúng ta sẽ rất đẹp và chúng
ta sẽ không khác gì Ðức Thế Tôn. Khi dùng tuệ giác của
đạo Bụt để quán chiếu câu ‘je pense donc je suis’, chúng
ta thấy câu đó sai ngay từ lúc khởi sự. Ta giả định có
cái tôi (je), và giả định có hành động tư duy (pense), và
cho là hai cái đó khác nhau. Nhưng nhìn cho kỹ, ngoài tư duy
không thể nào có cái tôi được và ngoài cái tôi không thể
có cái tư duy được. Tác giả làm như có cái tôi (je) riêng
và cái tư duy (pense) riêng. Sai lầm là ngay chỗ đó. Cho nên
kinh nói rằng có sự chứng ngộ mà không cần có cái ngã
để chứng ngộ (có người chứng ngộ). Có thể có niềm
vui nhưng không hẳn phải có người có niềm vui đó. Sự thật
là chỉ có những tâm hành phát hiện, mà những tâm hành đã
phát hiện thì cái này nối tiếp cái kia, trong đó có tâm
hành tuệ (hiểu biết). Tâm hành tuệ có thể hướng dẫn,
đóng góp phần của nó để có thêm niệm, thêm định, và
thêm những cái đẹp, cái hay. Vì vậy chúng ta có thể hy vọng
rằng trong những năm kế tiếp, các nhà khoa học thần kinh
não bộ có dịp làm việc chung với các nhà tu thiền, các
nhà tâm lý học Phật giáo, để đi tới một cái thấy chính
xác về tâm thức. Khoa học rất mong mỏi, hiếu kỳ, muốn
biết và muốn trả lời được câu hỏi: Tâm thức phát hiện
như thế nào? Có ngã hay không? Có ý chí tự do hay không? Nếu
tất cả đều là cơ giới (mechanic) thì làm sao có ý chí tự
do (free will)? Những nhà tâm lý học Phật giáo làm việc với
những nhà khoa học thần kinh não bộ sẽ có thể đưa tới
những kết quả rất bất ngờ, rất đẹp.
Người
nào có khả năng vận dụng được cái tâm sáng chói và sáu
đạo thần quang kia thì có thể ngay tại đây, trong giờ phút
này tiếp xúc được với thế giới hoa tạng, với tam thân,
với hằng sa Bụt và Bồ tát, có thể ứng thân hiện vật,
độ đời, giúp người, và thấy rằng tất cả những cảnh
giới này cũng đều là những hình ảnh phản chiếu (quang
ảnh) của cái tâm sáng chói và mầu nhiệm kia.
Mỗi
ngày của cuộc sống là một cơ hội lớn. Hiện thời, năm
uẩn đang phát hiện và sáu đạo thần quang đang có mặt.
Nếu ta là một nhà nghệ sĩ đích thực, ta có thể làm biểu
hiện ra thế giới Tịnh Độ và tam thân. Ta sống một cách
rất mầu nhiệm và hướng dẫn một cách rất mầu nhiệm
cho người khác cũng được sống như vậy. Ta có thể làm
Bụt, làm Bồ Tát ngay trong cuộc sống hiện tại của mình
thay vì ngụp lặn trong biển khổ đau vì ta có đầy đủ điều
kiện để làm như vậy. Bụt và Bồ Tát không phải là những
ý niệm mơ hồ, trừu tượng, không phải là những thực tại
nằm ngoài ta. Bụt và Bồ Tát là có thật, ngay trong giây phút
hiện tại, ngay trong năm uẩn và sáu đạo thần quang.
Ðọc
đoạn này, chúng ta nên ghi nhớ hai điều:
1.
Chúng ta có thể sống mầu nhiệm ngay trong giây phút hiện
tại. Không cần phải đi tìm những mầu nhiệm đó ở một
thời gian khác và ở một không gian khác.
2.
Chúng ta có thể sống với tuệ giác vô ngã trong từng giây
phút của đời sống hàng ngày.
Tuệ
giác vô ngã thiết yếu vô cùng cho sự sống của mình và
cho sự sống của xã hội. Bởi vì tất cả những sợ hãi,
những lo lắng, những buồn khổ, những hờn giận và những
bạo động của con người đều có nguồn gốc từ ý niệm
về ngã. Sở dĩ con giận cha cũng vì chưa thấy được tính
vô ngã của mình và của cha mình. Mình tưởng mình và cha
mình là hai thực tại tách biệt, ai ngờ mình chính là cha
mình, là sự nối tiếp của cha mình. Nền văn minh của chúng
ta hiện nay đang dựa trên ý niệm về ngã. Chủ nghĩa cá nhân
đang trấn ngự, và chúng ta đi tìm hạnh phúc cho một cái
ngã. Chúng ta không thấy được rằng hạnh phúc chỉ có được
trong cái thấy vô ngã mà thôi. Ngay trong lĩnh vực của sự
chữa trị tâm lý, người ta cũng sử dụng ý niệm về ngã
để chữa trị. Phần lớn những triệu chứng bệnh tâm lý
- người ta nói - là do mặc cảm thua kém, mặc cảm tự ti
của mình mà ra (low self-esteem). Vì vậy muốn chữa trị mặc
cảm tự ti, người ta dùng phương thuốc tự tôn (high self-esteem).
Trong khi đó, dưới ánh sáng tuệ giác của đạo Bụt, mặc
cảm tự ti cũng như mặc cảm tự tôn đều là những chứng
bệnh, tại vì tất cả đều dựa trên ý niệm về ngã. Không
những mặc cảm tự ti (liệt mạn) và mặc cảm tự tôn (thắng
mạn) đều là bệnh mà mặc cảm mình bằng người khác (đẳng
mạn) cũng là bệnh. Ba mặc cảm đó đều dựa trên ý niệm
về ngã. Vì vậy chúng ta phải sống đời sống hàng ngày
như thế nào để thấy được tính vô ngã của mình và của
vạn hữu. Ðây là nẻo thoát cho ta và cho nhân loại.
Tại
Làng Mai, chúng ta đã có những phương pháp thực tập để
có thể tiếp xúc được với tính vô ngã, để sống được
với tuệ giác vô ngã trong đời sống hàng ngày. Khi nhìn thầy
ta, chị ta, em ta, cha ta, mẹ ta, ta có cơ hội để thấy rằng
mình không phải là một cái ta riêng biệt. Mỗi khi có tâm
hành như tâm hành giận, tâm hành ganh, tâm hành buồn nổi
lên, ta có cơ hội để thấy rằng đó chỉ là một tâm hành,
không có một cái ngã nằm phía sau. Công phu của chúng ta là
ở chỗ đó. Công phu của chúng ta không phải là lao tác mệt
nhọc, như là lạy 1080 lạy mỗi ngày cho toát mồ hôi. Công
phu của chúng ta là trong mỗi giây phút hàng ngày phải thấy
được tính vô ngã. Thấy được tính vô ngã rồi thì giải
thoát. Công phu hàng ngày là thấy được rằng hạnh phúc có
thể có được ngay trong giờ phút hiện tại. Bụt, Thánh Chúng,
Bồ Tát cũng như cõi Tịnh Ðộ có thể có mặt ngay trong giờ
phút hiện tại. Công phu hàng ngày ở đây đưa lại những
chuyển hóa, những nuôi dưỡng và hạnh phúc. Công phu hàng
ngày ở đây không phải là lao tác mệt nhọc, để rồi mong
mỏi có một sự chứng đạo hoặc một kết quả nào đó
ở trong tương lai.
Mẫu
người lý tưởng trong đạo Bụt nguyên thỉ là vị La Hán,
mẫu người lý tưởng trong đạo Bụt đại thừa là vị Bồ
Tát, còn mẫu người lý tưởng trong thiền Lâm Tế là con
người vô sự. Con người vô sự là con người không chạy
theo nắm bắt bất cứ một cái gì nữa cả, dù đó là Bụt,
là Tổ, là Niết Bàn, là Tam Thân, là Tịnh Độ. Con người
vô sự là người đã dừng lại, không còn dính mắc vào một
lý thuyết, một giáo pháp, một đường lối nào nữa hết.
Con người vô sự có tự do, có khả năng sống hạnh phúc
ngay trong giờ phút hiện tại, không bị bất cứ một cái
gì có thể kéo đi, kể cả lý tưởng độ sinh, cứu đời.
Bởi vì lý tưởng độ sinh cứu đời cũng có thể bắt ta
chạy đi tìm cầu, bỏ mất giây phút hiện tại, bỏ mất
cái tâm sáng chói và sáu đạo thần quang đang có mặt, vốn
là nguồn gốc của tất cả chư Bụt và các Phật độ.
Trong
thời Bụt còn tại thế chưa có sự phân chia thành Ðại thừa
và Tiểu thừa. Những danh từ Ðại thừa và Tiểu thừa mới
có sau này, và do phái Ðại thừa đặt ra. Thường thường,
những người thuộc phái Ðại thừa nói rằng người thuộc
phái Tiểu thừa chỉ biết lo cho mình mà không biết lo cho
người khác. Làm như là tất cả những người trong truyền
thống Tiểu thừa đều là ích kỷ và những người trong truyền
thống Ðại thừa đều là Bồ Tát, đều là những người
biết lo cho người khác. Sự thật thì dù là Tiểu thừa hay
Ðại thừa, cái đó tùy thuộc ở thái độ hơn là ở giáo
lý. Chúng ta biết rằng trong giáo lý của đạo Bụt, sự thực
tập vô ngã là căn bản. Nếu thực tập thành công, chúng
ta trở thành vị A La Hán, chúng ta đã bỏ được ý niệm
về ngã. Bỏ được ý niệm về ngã rồi thì không còn có
sự phân biệt giữa ta và người nữa. Vì vậy không thể
nói vị A La Hán chỉ lo cho mình mà không lo cho người. Ðại
thừa cũng vậy, nếu bỏ được cái ngã rồi thì không còn
phân biệt ta và người nữa. Cho nên nói rằng Tiểu thừa
chỉ lo cho mình mà không lo cho người là không đúng. Nếu
những người Tiểu thừa thực tập thành công và buông bỏ
được ý niệm về ngã thì họ không khác gì những người
Ðại thừa đã thực tập thành công. Trong phái Ðại thừa
cũng có người thực tập thành công và có người không thành
công. Thời Ðạo Bụt nguyên thỉ cũng có người thành công
và có người không thành công. Do đó sự phân biệt vị Bồ
Tát và vị La Hán, hai mẫu người lý tưởng của hai truyền
thống, là không đúng lắm. Làm như một vị Bồ Tát lớn
hơn vị La Hán, trong khi Ðức Thế Tôn cũng được gọi là
một vị La Hán. La Hán có nghĩa là ứng cúng và ứng cúng
có nghĩa là xứng đáng được cúng dường. Trong mười danh
hiệu của Bụt thì có danh hiệu La Hán, mà Ðức Thế Tôn
đâu phải là kẻ chỉ biết lo cho mình chứ không lo cho người?
Thiền
sư Tăng Hội là Tổ sư của dòng thiền Việt Nam. Trong những
trước tác của Ngài, Ngài nói rằng: A La Hán chính là vị
Bồ Tát. Trong lịch sử văn học Phật giáo thế giới, chỉ
mới thấy có thiền sư Tăng Hội nói câu đó, chưa thấy ai
nói câu đó cả. Còn mẫu người lý tưởng trong thiền Lâm
Tế là con người vô sự. Nếu vị A La Hán chưa phải là con
người vô sự, thì chưa phải là con người lý tưởng. Nếu
vị Bồ Tát chưa phải là con người vô sự thì cũng chưa
phải là con người lý tưởng. Vì vậy nếu những người
theo phái thiền Lâm Tế cảm thấy mình thảnh thơi, không còn
lo lắng gì nữa, mình là con người vô sự, mình sống an lạc
hạnh phúc trong giây phút hiện tại, thì những người ấy
đã thành công. Gọi mình là A La Hán cũng được, gọi mình
là Bồ Tát cũng được, nhưng gọi mình là người vô sự
thì mình thích hơn.
Con
người vô sự là con người không chạy theo nắm bắt bất
cứ một cái gì nữa cả, dù đó là Bụt, là Tổ, là Niết
Bàn, là Tam Thân, là Tịnh Độ. Con người vô sự là con người
Ðã Về Ðã Tới, không còn thấy thiếu thốn một cái gì
nữa mà phải đi tìm cầu, dù đối tượng tìm cầu đó là
Bụt, là Tổ, là Niết Bàn, là Tam Thân, là Tịnh Độ. Con
người vô sự là con người đã tiếp xúc được với tất
cả những cái đó ngay trong giây phút hiện tại và ngay trong
bản thân. Con người vô sự là con người đã dừng lại,
không còn dính mắc vào một giáo pháp, một lý thuyết, một
đường lối nào nữa. Con người vô sự không còn đi tìm
tòi học hỏi nữa. Con người vô sự là con người vô học.
Vô học ở đây có nghĩa là không cần học hỏi nữa, chứ
không phải là không có học vấn. Nói như vậy không có nghĩa
là con người vô sự không cần đọc sách, không cần đọc
kinh, bởi vì đọc sách, đọc kinh không phải là để tìm
cầu mà là để tưới tẩm những hạt giống tốt của mình
đã có sẵn. Khi học hỏi với tâm niệm là ta không có tuệ
giác đó cho nên ta phải đi tìm tuệ giác đó trong sách vở,
trong văn chương, trong kinh điển - nghĩ rằng trong kinh điển
có những tuệ giác mà ta không có - thì khi đó là ta đang
tìm cầu chân lý và tuệ giác qua kinh điển. Nếu ta biết
rằng kinh điển hay giáo lý là những phương tiện để giúp
cho ta tiếp xúc được với chân lý và tuệ giác có sẵn trong
ta, thì kinh điển và giáo lý trở thành có ích lợi. Còn khi
ta cho rằng kinh điển và giáo lý chứa đựng chân lý mà ở
ta không có, thì khi đó kinh điển và giáo lý trở thành có
hại. Ví dụ như ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay có ích lợi
nếu ta biết lợi dụng ngón tay để nhìn thấy mặt trăng
nhưng nếu không khéo thì ta sẽ bị kẹt vào ngón tay và ta
cho ngón tay là mặt trăng. Kinh điển cũng vậy. Kinh điển
và giáo lý là ngón tay. Nếu ta nghĩ rằng trong kinh điển có
chân lý, có tuệ giác thì ta bị kẹt. Vì vậy khi ta đọc
kinh và học hỏi để có cơ hội đánh động được tuệ
giác ở trong bản thân mình, để tuệ giác bừng mở, thì
kinh điển sẽ có ích lợi. Ta phải học theo phương pháp đó,
nếu không ta sẽ còn chạy theo, sẽ chưa dừng lại được.
|