Nói
đến Thiền tông thì trước hết phải nói đến Tổ Bồ Ðề
Ðạt Ma vì Tổ là người đã tạo cho Thiền tông thành một
tông phái quan trọng của Phật giáo, mặc dầu Thiền tông
đã được truyền từ đức Phật Thích Ca cho Tổ Ca Diếp
tại hội Linh Sơn. Từ Tổ Ca Diếp, tức Sơ Tổ, Thiền tông
được nối tiếp truyền tại Ấn Ðộ cho đến Tổ thứ 28
là Bồ Ðề Ðạt Ma. Ðiểm đặc biệt là Tổ Bồ Ðề Ðạt
Ma lại rời Ấn Ðộ mà qua Trung Hoa rồi tạo lập ra một
tông phái mà sau này trở nên riêng biệt trong 10 tông của
Phật giáo. Từ đó mà Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma thường được
gọi là Sơ Tổ Thiền tông tại Trung Hoa. Nghi thức truyền
pháp là trao y và bát cho đệ tử nối pháp, chỉ tiếp tục
cho tới Lục Tổ Huệ Năng (638-713) thì ngưng, theo lời sấm
của Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma, nhưng lý do chính là tới lúc đó,
số người đắc đạo đã nhiều nên việc lựa chọn một
người đệ tử để trao y bát sẽ gây chia rẽ và va chạm
nên tốt hơn hết là không chỉ định một đệ tử chánh
thức nối pháp.
Cuộc
đời Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma (?-529)
Tổ
Bồ Ðề Ðạt Ma (Tiếng Phạn: Bodhidharma, Nhật: Bodai Daruma)
sanh tại Kanchi, Nam Ấn Ðộ con vua Hương Chí (Simhavarman ?).
Ngài là đệ tử của tổ Bát Nhã Ða La (Phạn: Prajnatara) và
được sư phụ dặn dò sau này sang Trung Hoa truyền pháp. Ngài
rời Ấn Ðộ bằng thuyền và sau gần ba năm mới tới Quảng
Châu khoảng năm 520. Vua Lương Võ Ðế có mời ngài tới gặp,
sau câu chuyện trao đổi, tuy thấy nhà vua là người có lòng
với đạo Phật nhưng ngài thấy không hợp căn cơ nên rời
tới chùa Thiếu Lâm ở Trung Sơn. Ngài dừng nơi đó, suốt
9 năm ngồi xây mặt vào tường nên được gọi là "Bích quán
Bà la môn" (thầy Bà la môn ngồi nhìn tường). Sau đó có vị
tăng Thần Quang (487-593) được ngài thâu nhận làm đệ tử
truyền pháp. Ngài Thần Quang được đổi tên là Huệ Khả
và trở nên vị tổ thứ hai tại Trung Hoa. Ở Trung Hoa được
chín năm, tổ Bồ Ðề Ðạt Ma trao áo ca sa và bát báu cùng
bốn quyển của bộ kinh Lăng Già cho tổ Huệ Khả. Sau đó
Tổ viên tịch vào năm 529, (có tài liệu ghi là năm 532), nhục
thân của ngài được nhập tháp tại chùa Ðịnh Lâm, núi
Hùng Nhĩ, Trung Hoa. (trích: Tổ Thiền tông) Có tài liệu ghi
Tổ sống lâu trên 150 tuổi. (trích: Zen Buddhism, tr. 66).
Nền
móng Thiền tông
Mấy
trăm năm trước khi Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma tới Trung Hoa thì
Phật giáo đã du nhập ở đó rồi. Trong khoảng thời gian
384-413, vị tăng Ấn Ðộ Cưu Ma La Thập (Phạn: Kumarajiva) đã
dịch nhiều kinh điển ra tiếng Trung Hoa và giúp ích nhiều
cho việc hoằng dương Phật pháp. Việc tu hành lúc đó là
thường tụng các kinh điển Ðại thừa và áp dụng đời
sống tăng đoàn theo lề lối Ấn Ðộ. Nhưng ở xã hội Trung
Hoa lúc đó thì ảnh hưởng của đạo Lão và đạo Khổng
rất thịnh hành, họ có tinh thần thực tế, cụ thể, thực
dụng nên họ muốn tìm trong đạo Phật những gì cụ thể
hợp với nếp sống trong xã hội. Cho nên khi Tổ đem Thiền
tông đến Trung Hoa, với một tông chỉ mới mẻ, thì ảnh
hưởng của Phật giáo trở nên rất mạnh và thịnh hành trong
dân chúng. Từ tổ Bồ Ðề Ðạt Ma cho đến thời Lục tổ
Huệ Năng, tức khoảng gần 200 năm, Thiền tông từ hạt giống
do Tổ gieo trồng đã thực sự nảy mầm và trổ thành cây
tốt tươi. Kể từ sau Lục tổ thì Thiền tông đã đem lại
những ảnh hưởng lớn lao, sâu rộng cho xã hội Trung Hoa,
và sau đó là Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam. Như vậy công
lao của tổ Bồ Ðề Ðạt Ma, người đã thực sự khởi đầu
đặt nền móng cho Thiền tông, có thể nói là vĩ đại và
đáng kính phục.
Ðường
lối tu hành
Ý
chỉ của Tổ về pháp tu của Thiền tông được thâu gọn
trong bốn câu kệ :
"Bất
lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật." (Chẳng lập văn tự, Truyền ngoài
giáo lý, Chỉ thẳng tâm người, Thấy tánh thành Phật). Bốn
câu đó trình bầy đường lối tu hành của Thiền tông khác
hẳn với các pháp tu khác trong đạo Phật.
Hai
câu đầu: "Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền"
là hai câu mà đức Phật truyền cho tổ Ca Diếp trong hội
Linh Sơn. Mới đọc qua hai câu đó chúng ta có cảm tưởng
như đức Phật mật truyền cho tổ Ca Diếp một pháp nào mà
không dùng tới văn tự và ở ngoài các kinh điển. Nếu đọc
bài kệ của đức Phật khi truyền pháp cho tổ Ca Diếp thì
chúng ta hiểu rõ hơn, hai câu đầu bài kệ là: "Pháp bổn
pháp vô pháp, Vô pháp pháp diệc pháp." Câu khó hiểu
đó được John Blofeld lược dịch trong cuốn "Hoàng Bá ngữ
lục" là: "Giáo lý căn bản của Phật pháp là không có
pháp nào hết, nên cái pháp 'không có pháp nào hết' chính
là Phật pháp". (tr. 64) Như vậy tới chỗ cứu cánh là
chỉ có pháp "không có pháp nào hết", vậy thì văn tự nào
có thể diễn tả được pháp đó, như vậy pháp đó cũng
phải nằm ngoài giáo lý vì giáo lý cũng là văn tự.
Hai
câu "Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền" đã
chỉ tới chỗ cứu cánh của đạo Phật. Như trong kinh Duy
Ma Cật, khi Bồ tát Văn Thù Sư Lợi hỏi ông Duy Ma Cật thế
nào là Bồ tát vào pháp môn Không hai (Bất Nhị). "Ông Duy
Ma Cật im lặng không nói. Ngài Văn Thù Sư Lợi khen rằng:
Hay thay! Hay thay! Cho đến không có văn tự, ngữ ngôn đó mới
thật là vào pháp môn không hai." Tổ cũng đã nhận ra là
tới chỗ cứu cánh thì không còn văn tự, ngôn ngữ nào, tức
là kể cả kinh điển, có thể dùng để tỏ bầy được.
Còn
hai câu "Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật" nói
lên đường lối tu độc đáo của Thiền tông. Thiền tông
"chỉ thẳng", tức là chỉ ngay cái ở trước mắt người
tu, và ngay hiện tại, chứ không dùng những lời giảng, phương
tiện huyền bí, tượng trưng, bóng bẩy, xa vời. Chỉ thẳng
cái gì? đó là chỉ thẳng ngay cái tâm của người tu hành.
Hiểu được cái tâm đó cũng là hiểu được bản tánh của
tâm mình cùng vạn vật. Người nào "thấy tánh" thì sẽ thành
Phật, tức người giác ngộ. Tổ nói rất giản dị :"Nếu
thấy tánh tức là Phật, không thấy tánh tức là chúng sanh".
(tr. 90). Giữa Phật và chúng sinh, hoặc nói rõ hơn là giữa
người giác ngộ và người si mê, chỉ khác nhau có điểm
căn bản đó thôi.
Mục
đích tu hành của Thiền tông thật là giản dị, nhưng không
dễ dàng. Nhiều người nghe như vậy liền vội vã giở kinh,
luận, ngữ lục, sách vở ra tìm kiếm định nghĩa thế nào
là "tánh" để thao thao giảng nghĩa. Công việc đó sẽ chẳng
mang lại kết quả gì, vì còn trụ, chấp vào văn tự, lời
nói, lý luận mà hy vọng tìm thấy "tánh" thì chẳng bao giờ
được. Vậy muốn tu theo Thiền tông thì phương pháp tu như
thế nào. Tập "Sáu cửa vào động Thiếu Thất" (Thiếu Thất
Lục Môn) của Tổ để lại đã chỉ ra pháp tu hành của Thiền
tông.
Sáu
cửa vào động Thiếu Thất
Sáu
cửa vào động, tức là sáu pháp môn tu hành để đạt được
đạo quả. Sáu pháp môn đó là: (1) Tâm kinh tụng, (2) Phá
tướng luận, (3) Nhị chủng nhập, (4) An tâm pháp, (5) Ngộ
tánh luận và (6) Huyết mạch luận. Muốn vào được động
Thiếu Thất thì có thể vào bằng cửa nào cũng được, không
nhất thiết phải qua cả sáu cửa. Tu theo bất cứ một pháp
môn nào cũng đạt Ðạo, không nhất thiết phải tu cả sáu
pháp môn.
(1)
Tâm
kinh tụng. Tổ nhắc lại từng câu trong Bát Nhã Tâm Kinh,
sau mỗi câu đều có những câu giảng. Ðại ý cũng là phát
triển về tâm của tông Bát Nhã. Tổ chỉ rõ tướng "không"
của muôn pháp để chúng ta hiểu được cái thể "Như lai
không tướng", vốn thanh tịnh, chẳng phải có/không, chẳng
sạch/nhơ, chẳng tăng/giảm, một khi giác được điều đó
thì "chợt rõ bỏ ý tu, thênh thang vượt pháp giới, tự
tại hết lo âu". Tổ còn căn dặn "chấp có đâu thực
có, theo không lại lạc không", vì Tổ biết rõ chúng ta
thường chấp chặt vào hoặc "có" hoặc "không".
(2)
Phá
tướng luận. Phần này gồm những câu hỏi và đáp.
"Hỏi:
Nếu có người chí cầu Phật đạo thì phải tu pháp gì thật
là tỉnh yếu (đơn giản và thiết yếu).
Ðáp:
Chỉ 'quán tâm'. Ðó là một pháp tổng nhiếp hết các
pháp cho nên rất là tỉnh yếu.
Hỏi:
Sao nói một pháp hay nhiếp tất cả các pháp ?
Ðáp:
Tâm là cội nguồn của muôn pháp. Tất cả các pháp chỉ do
tâm mà sinh ra."
Người
hỏi vẫn thắc mắc là tại sao chỉ 'quán tâm' là đủ, nên
sau đó nêu ra những câu hỏi như: "Sáu đường, ba cõi rộng
lớn bao la, nếu chỉ quán tâm thì sao thoát được những khổ
đau không cùng tận?" - "Như lời Phật dạy: 'Ta đã trải qua
ba đại a tăng kỳ kiếp, chịu vô số khổ nhọc mới thành
được Phật đạo', sao nay nói chỉ quán tâm thì chế được
ba độc là giải thoát?" - "Các đại Bồ tát nhờ giữ ba giới
tu tịnh, thực hành lục độ, mới thành Phật đạo. Sao nay
nói người học chỉ cần quán tâm, chẳng tu giới hạnh thì
thành Phật thế nào được? " - "Như lời kinh nói, 'dốc lòng
niệm Phật chắc được vãng sanh qua cõi Tịnh độ Phương
tây, chỉ cần theo một cửa ấy tức được thành Phật',
sao còn nói quán tâm để cầu giải thoát là gì? ". Ðó
cũng là những thắc mắc mà những người không hiểu Thiền
tông thường đặt ra vì thấy pháp tu này khác với những
pháp tu của các tông khác trong đạo Phật.
Mỗi
câu hỏi đều được Tổ giải đáp rõ ràng nên cũng giúp
cho những người tu Thiền hiểu hơn. Tổ nói rõ , nếu muốn
đạt tới cứu cánh thì phải thấy được tâm là Phật, và
muốn thấy được tâm thì cần phải bỏ những chấp về
tướng. Tất cả những câu hỏi trên cho thấy đều vì chấp
tướng, hướng ngoại, quên tâm nên không thể thấy được
tâm. Tổ không nói những pháp tu theo chấp tướng là sai, nhưng
Tổ thấy rõ những pháp tu đó chỉ là phương tiện thôi.
(3)
Nhị
chủng nhập. Phần này chỉ pháp tu hành một cách cụ thể:
"Phàm
vào đạo có nhiều đường, nhưng nói cho cùng thì không ngoài
hai đường là: lý nhập hay hạnh nhập."
"Lý
nhập là mượn 'giáo' để ngộ 'tông', tin sâu rằng tất cả
sinh linh đều chung đồng một chân tánh, chỉ vì khách trần
bên ngoài và vọng tưởng bên trong che lấp nên chân tánh không
hiển lộ được."
"Hạnh
nhập là nói về bốn hạnh, ngoài ra các hạnh khác đều bao
gồm trong ấy.
Bốn
hạnh là: (a) báo oán hạnh, (b) tùy duyên hạnh, (c) vô sở
cầu hạnh và (d) xứng pháp hạnh". Báo oán hạnh
là khi gặp cảnh khổ thì hiểu là vì trước có gây ra nghiệp
dữ nên nay nhẫn nhục chịu. Tùy duyên hạnh là hiểu
nay được quả báo tốt cũng là do nhân lành thủa trước,
mọi khổ vui đều do nhân duyên sanh, nhưng tâm người không
vì vậy mà được thêm hoặc bớt mất gì. Vô sở cầu
hạnh là hiểu muôn vật đều là không, nên không cầu
mong gì mới thực là đạo hạnh. Xứng pháp hạnh là
bậc trí tin hiểu "pháp" chính là cái lý thanh tịnh của tự
tánh, tức cái thể tánh thanh tịnh của mình, nên vẫn tùy
xứng theo pháp mà hành nhưng không có chấp.
(4)
An
tâm pháp. Sau đây là vài đoạn trích:
"Khi
mê, người đuổi theo pháp. Lúc tỉnh, pháp đuổi theo người."
"Tự
trên 'sự' vươn lên mà tỏ suốt, đó là hàng khí lực mạnh.
Theo chữ nghĩa mà thông rõ , đó là người khí lực kém."
"Hỏi:
Các pháp đã là không thì dựa vào gì mà tu đạo? - Ðáp:
Nếu có dựa vào gì thì cần tu đạo. Nếu không có gì để
dựa, tức chẳng cần tu đạo."
"Chẳng
thấy gì hết, gọi là thấy đạo. Chẳng làm gì hết, gọi
là hành đạo."
(5)
Ngộ
tánh luận.
Phần
này chỉ về điểm quan trọng trong khi tu hành là phân biệt
được giữa mê và ngộ, và tu hành sao để ngộ. Cũng nên
lưu ý là có ý kiến cho rằng phần này nói về làm sao ngộ
được bản tánh của chính mình.
"Phàm
đem tâm cầu pháp, ấy là mê. Chẳng đem tâm cầu pháp, ấy
là ngộ."
"Khi
mê thì có bờ bên này, khi ngộ thì không bờ bên này.
Tại
sao vậy? Vì kẻ phàm phu mỗi mỗi đều có xu hướng trụ
ở bên này. Vì giác được phép tối thượng thừa thì tâm
chẳng trụ bên này cũng chẳng trụ bên kia, nên lìa được
cả hai bờ bên này và bên kia vậy."
"Phàm
mê là mê ở ngộ. Còn ngộ là ngộ nơi mê. Không có mê ngộ
mới gọi là chánh giác, chánh kiến."
"Khi
mê thì sáu thức, năm ấm đều là pháp phiền não, sanh tử.
Khi ngộ thì sáu thức, năm ấm đều là pháp niết bàn, không
sanh tử."
"Khi
mê thì có Phật, có pháp. Khi ngộ rồi thì không Phật, không
pháp. Tại sao vậy? Vì ngộ tức là Phật pháp."
(6)
Huyết
mạch luận.
Phần
này chỉ rõ nếu không thấy tánh thì việc tu hành sẽ không
thể đưa đến chỗ đạt đạo được.
"Nếu
muốn tìm Phật hãy cần thấy tánh. Tánh tức là Phật. Nếu
chẳng thấy tánh thì chay lạt, giữ giới đều vô ích cả."
"
Nếu không thấy tánh thì dầu giỏi nói mười hai bộ kinh,
vẫn là ma nói."
"Chúng
sanh điên đảo không biết tự tâm là Phật, cứ hướng ngoài
mà gìn giữ, cầu cạnh, suốt ngày lăng xăng niệm Phật, lạy
Phật."
(Trích:
"Sáu cửa vào động Thiếu Thất")
Tóm
lược
Tổ
đã đến Trung Hoa trong lúc mà đạo Phật đã được truyền
bá từ lâu nhưng không thể phát triển mạnh vì Trung Hoa vốn
có một nền văn hóa cao và khác biệt với tinh thần tu hành
theo Ấn Ðộ. Các nhà trí thức thời đó vốn thấm nhuần
tinh thần Lão- Khổng nên không thích hợp với tinh thần có
tính cách huyền bí, thần bí, biểu trưng, nhiều nghĩa bóng
của kinh điển. Họ thành tâm theo đạo Phật nhưng muốn tìm
hiểu thẳng ý chỉ của kinh điển. Vì vậy như khi Tổ giảng
câu "Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền" thì
họ có thể hiểu được liền vì đạo Lão cũng có nói "Ðạo
mà nói ra được thì không phải là đạo". Từ khi Thiền tông
du nhập Trung Hoa thì gặp điều kiện thuận lợi nên ngày
càng phát triển mạnh.
Câu
chuyện Tổ gặp vua Lương Võ Ðế ngay khi mới tới Trung Hoa
đã điển hình chứng tỏ sự khác biệt giữa Thiền tông
và cách tu hành thời đó:
"Vua
Võ Ðế hỏi: 'Trẫm từ lên ngôi đến nay thường cất chùa,
chép kinh, độ Tăng Ni không biết bao nhiêu, vậy có công đức
gì chăng?' -Ngài đáp: 'Ðều không có công đức', -'Tại sao
không có công đức?', -'Bởi vì những việc ấy là nhân hữu
lậu, chỉ có quả báo nhỏ ở cõi người, cõi trời, như
bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật.', -'Thế nào là
công đức chân thật?', - 'Trí thanh tịnh tròn mầu, thể tự
không-lặng, công đức như thế chẳng thể do thế gian mà
cầu.' (Trích: Tổ Thiền Tông)
Pháp
tu của số đông theo đạo Phật thời đó còn nặng về hình
thức, chấp tướng nên Tổ đã chỉ thẳng chỗ thiếu sót
đó cùng cho thấy phải cần thấy tâm thì mới là công đức
chân thật.
Tổ
đã chỉ ra một phương pháp tu khác hẳn các tông phái khác
trong đạo Phật, nhưng mục đích của Thiền tông vẫn theo
đúng mục đích của đạo, chỉ đặc biệt là nhằm thẳng
vào yếu chỉ của đạo. Thiền tông đòi hỏi người tu phải
tự lực, biết lìa mọi hình tướng, trong đó có ngôn ngữ,
văn tự, kể cả kinh điển, để "thấy" được "tánh". Tổ
xác định: "Dầu có giỏi nói được ngàn kinh, muôn luận
mà không thấy tánh thì vẫn là phàm phu, chẳng phải là pháp
Phật."- "Thấy tánh tức là Phật." Những người
có ý kiến quá khích lại cho rằng như vậy là dẹp bỏ các
kinh luận, nhưng không hiểu là khi tu hành thì phải nương
theo kinh, luận để thấy được nghĩa của những lời Phật,
Tổ dạy. Cho đến khi đã tu hành tới mức khá cao rồi mà
vẫn còn bám lấy kinh, luật mà không biết y theo nghĩa thì
cũng là sai lầm, giống như người dùng bè qua sông mà khi
tới bến rồi mà vẫn ôm bè không chịu buông. Còn những
người mới rời bờ được một chút mà đã tính buông bè
thì chìm lẹ, cũng như những người chưa tu hành tới đâu
mà đã buông kinh, luật thì rồi chỉ ngơ ngơ ngáo ngáo bị
dẫn theo đạo tà, chẳng phải con đường Phật dạy.
Nhờ
công lao tạo lập của Tổ mà Thiền tông sau gần 1500 năm
vẫn còn tồn tại mạnh mẽ tại nhiều nước Á châu, và
đang được Tây phương say mê học hỏi.
Tài
liệu trích dẫn :
-
Sáu Cửa Vào Ðộng Thiếu Thất do Trúc Thiên dịch.
-
Tổ Thiền Tông, Thiền Sư Thích Thanh Từ.
-
The Zen teaching of Bodhidharma, Red Pine
-
The Zen teaching of Huang Po, John Blofeld
-
Zen Buddhism, D.T. Suzuki
-
Essays in Zen Buddhism, First Series, D.T. Suzuki