A. CHÁNH VĂN
a-01-01 Lời Tiểu Dẫn
a-01-02 Tựa
KỆ KIẾN TÁNH
a-03-01 Ðoạn 1 
a-03-02 Ðoạn 2 
a-03-03 Ðoạn 3 
B. GIẢNG GIẢI
b-01 Lời Tiểu Dẫn
TỰA
b-02-1 Ðoạn 1
b-02-2 Ðoạn 2
b-02-3 Ðoạn 3
KỆ KIẾN TÁNH
b-03-1 Ðoạn 1
b-03-2 Ðoạn 2
b-03-3 Ðoạn 3 
b-03-4 Ðoạn 4 
b-03-5 Ðoạn 5 
b-03-6 Ðoạn 6 
b-03-7 Ðoạn 7 
b-03-8 Ðoạn 8 
KẾT THÚC
b-03-9 Kết Thúc
cx
KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT
Biên Soạn: Thiền Sư Chân Nguyên 
Dịch Giải: Hòa Thượng Thích Thanh Từ

III- KỆ KIẾN TÁNH
(Ðoạn 4) 

Gượng nói đến đi, mà thật không có đến đi. Thế nào là thật không có đến đi ? - Chỉ kinh Bát-nhã làm chứng, nói: "Tướng không của các pháp đó, chẳng sanh chẳng diệt". Sanh diệt đã không, thì đến đi đâu có. Ðây là khí âm dương biến hóa, ngưng tụ thành hình mà người sanh ra. Sắc thân bốn đại dụ như hòn bọt nổi, có sanh có diệt. Còn Pháp thân tròn sáng thì rỗng rang, rộng lớn, đích thực là biển tánh Tỳ-lô, không có lay động, vốn không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, tánh đồng với hư không, biết khắp mọi nơi. Vì vậy gọi là xưa nay vô vi, vẫn hằng thường trụ, chân không lồ lộ, thật tướng rành rành, tròn đồng thái hư, không thiếu không dư, sáng thông bát ngát, trong lặng như như, đối diện ngay trước mắt, tại sao chẳng hội ? Kinh nói: "Chân Phật pháp thân giống như hư không". Ðây thật là Pháp thân tức hư không, hư không tức Pháp thân. Hư không cùng với Pháp thân không có tướng khác, chư Phật cùng với chúng sanh không có tánh khác. Chẳng ngộ tự tánh tức gọi chúng sanh, giác biết tự tánh nên gọi chư Phật. Ðó là chân Phật vốn không hình tướng, đầy khắp cả không, thế giới, đâu có đến đi ? Gượng nói đến đi mà thật không có đến đi. Thế nào là thật không có đến đi ? Chỉ kinh Bát-nhã làm chứng, nói: Tướng không của các pháp đó, chẳng sanh chẳng diệt. Ngài dẫn văn kinh Bát-nhã để giải thích lý không đến không đi. Trong kinh Bát-nhã nói "tướng không của các pháp chẳng sanh chẳng diệt", chẳng sanh diệt thì đâu có đến đi. Vì các pháp do duyên hợp không có thật thể cố định, nên nói tướng của nó là không, tướng không đó chẳng sanh diệt nên không đến đi. Ðây là khí âm dương biến hóa, ngưng tụ thành hình mà người sanh ra. Sắc thân bốn đại dụ như hòn bọt nổi, có sanh có diệt. Còn Pháp thân tròn sáng thì rỗng rang, rộng lớn, đích thực là biển tánh Tỳ-lô, không có lay động, vốn không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, tánh đồng với hư không, biết khắp mọi nơi. Ở trên giải thích rằng sanh từ vô vi đến, tử trở về vô vi, vì chữ vô vi là chỉ cho thể tánh bất sanh bất diệt của con người và của muôn pháp. Kế đây Ngài giải thích theo bên Nho thân người có ra là do khí âm dương biến hóa ngưng tụ mà thành hình, còn theo nhà Phật thân người là do tứ đại duyên hợp. Sắc thân do tứ đại hợp, dụ như hòn bọt nổi chợt sanh chợt diệt, thế mà chúng ta cứ cho rằng sống sáu bảy mươi năm là lâu dài, xứng đáng. Nhưng đối với con mắt của nhà Phật thời gian sáu bảy mươi năm không nghĩa lý gì cả, như bóng con ngựa chạy qua cửa sổ thật là mau. Chúng ta nhìn xuống biển thấy những hòn bọt nổi trên mặt biển và mặt biển, vậy cái nào ngắn cái nào dài ? Hòn bọt tụ rồi tan, không có nghĩa lý gì cả đối với mặt biển. Cũng vậy, nơi mỗi chúng ta sẵn có Pháp thân tròn sáng, rộng lớn thênh thang, đây gọi là biển tánh Tỳ-lô, Tỳ-lô-giá-na chỉ cho Pháp thân. Thế mà chúng ta quên cái Pháp thân, lại nhận cái thân tứ đại duyên hợp tạm bợ, chợt còn chợt mất, giống như nhận hòn bọt mà quên mặt biển thênh thang. Tuy nhiên hòn bọt tụ tán không ngoài mặt biển. Tụ ví cho sanh, tán ví cho tử, nên nói sanh từ vô vi đến, tử từ vô vi đi, vô vi chỉ cho Pháp thân bất sanh bất diệt. Như vậy căn cứ trên Pháp thân thì thân này sanh ra từ Pháp thân và thân này hoại đi cũng trở về Pháp thân. Ngài ví dụ sắc thân như hòn bọt, Pháp thân như mặt biển thênh thang, thế mà chúng ta cứ lo lắng bảo vệ sắc thân nên quên mất Pháp thân, giống như người ra biển nâng niu hòn bọt, mà quên mặt biển. Hòn bọt dễ vỡ lại nâng niu, còn mặt biển thênh thang rộng lớn thì quên, người như thế Phật nói là người đáng thương xót. Chúng ta là người quá mê muội, nên lo bảo vệ sắc thân sớm còn tối mất, mà quên Pháp thân chân thật không bao giờ mất. Ví như người ra biển thấy bọt nước nổi chìm cố lấy tay vớt mà quên đi mặt biển thênh thang. Phật Tổ thương hết lòng chỉ dạy cho chúng ta nhận ra, trở về sống với cái chân thật của mình. Như vậy chúng ta mới thấy tầm quan trọng của sự tu. Tu không phải tìm kiếm những cái được mất trên thế gian này mà phải nhận ra và sống trọn vẹn với Pháp thân sẵn ở nơi mình.

Vì vậy gọi là xưa nay vô vi vẫn hằng thường trụ, chân không lồ lộ, thật tướng rành rành, tròn đồng thái hư, không thiếu không dư, sáng thông bát ngát, trong lặng như như đối diện ngay trước mắt, tại sao không hội. Ngài nói pháp thân thường trụ, thật tướng rành rành, thênh thang trùm khắp, lồ lộ, đối diện trước mắt. Vậy đối diện trước mắt là chỗ nào ? - Chúng ta nhìn thấy bình hoa, nhìn thấy đồng hồ ở trước mắt là đối diện trước mắt phải không ? Nếu thế là chúng ta chạy theo cảnh bên ngoài, mà quên rằng đối diện trước mắt là cái hay thấy bình hoa, hay thấy đồng hồ. Bình hoa và đồng hồ là vật tụ tán sanh diệt, còn cái hay thấy bình hoa hay thấy đồng hồ là cái không sanh diệt, không bao giờ mất. Nếu không có bình hoa, không có đồng hồ nó vẫn thấy bầu trời hay mây nước... Cái hay thấy không bao giờ mất, nhưng khởi niệm tìm kiếm thì sai, chỉ thầm nhận mình có cái hay thấy là được rồi. Bởi vì nếu không có cái hay thấy thì làm sao thấy bình hoa, thấy đồng hồ, thấy trời, thấy mây ? Thấy được những sự vật như thế là do chúng ta có cái hay thấy hay biết, nhận rõ ràng không nghi. Nhưng cái hay thấy không có tướng mạo nên nói nó phi sắc, phi không, phi tất cả; phi tất cả nhưng chẳng phải không, chẳng phải không chớ không phải không ngơ. Ðó là chỗ rất khó mà người học Phật phải sáng suốt mới nhận ra chỗ này. Như vậy cái thấy hiện trước mắt, mà chúng ta không biết không nhận ra. Nhưng vừa dấy niệm tìm nó ở đâu, nó liền bị che khuất, tìm mãi không được, tuy nhiên nó cũng tại đó không mất. Còn không tìm nó thì nó hiện tiền sáng rỡ, song phải khéo nhận, nếu không khéo nhận thì không biết mình có nó. Nhớ, đừng nghe nói đối diện trước mắt rồi nghĩ cái ở bên ngoài, mà hướng ra ngoài tìm kiếm là sai lầm. Ðối diện mà không phải đối diện, nó hiện tiền ở trước mắt chúng ta phải khéo nhận.

Kinh nói: Chân Phật pháp thân giống như hư không. Ðây nói chân Phật pháp thân giống như hư không. Xin nói kỹ chỗ này cho quí vị hiểu kẻo lầm: như chúng ta nhìn thấy bình hoa, cái hay thấy bình hoa có giống như hư không không ? - Giống ở chỗ không tướng mạo, nhưng hư không thì không thấy được sự vật, mà cái hay thấy thì thấy biết được sự vật. Như vậy cái hay thấy giống hư không mà không phải là hư không. Ðây thực là Pháp thân tức hư không, hư không tức Pháp thân. Như chúng ta nhìn lên trời thấy có mây, cái khoảng cách từ mây đến mình xa nhau, nhưng nó có bị trở ngại gì không ? Mây và cái thấy khác nhau, mây có hình tướng, cái thấy không có tướngmạo nên hòa trong hư không, không có cái gì làm trở ngại, do không trở ngại nên cái thấy tức là hư không, nên nói Pháp thân tức hư không, hư không tức Pháp thân. Hư không cùng Pháp thân không có tướng khác, chư Phật cùng chúng sanh không có tánh khác. Hư không và Pháp thân của mình không có tướng khác, nếu có tướng khác thì không hòa lẫn trong hư không được, hay nói khác đi cái thấy cái nghe của mình không có tướng khác với hư không, cho nên tiếng động, hình ảnh chúng ta nghe thấy đều không ngăn ngại. Nhưng chúng ta đừng hiểu rằng Pháp thân là hư không, vì nếu nó là hư không thì Pháp thân không thấy, không nghe, Pháp thân có thấy có biết nên không phải hư không, nhưng hai cái Pháp thân và hư không hòa lẫn nhau. Cũng như chúng ta thấy ánh sáng và hư không là một hay khác ? Hư không là sáng hay tối ? Tự nó không sáng tối, mà do mặt trời, mặt trời chiếu thì hư không sáng, mặt trời khuất thì hư không tối. Như vậy sáng tối là từ nơi hư không hay từ nơi mặt trời, mà hư không có sáng tối ? Nhưng tối sáng không khác với hư không, cho nên trong khi sáng chúng ta không thể phân biệt chỗ nào là ánh sáng, chỗ nào là hư không, vì thể nó không hai. Pháp thân của mình hòa lẫn với hư không cũng như vậy, nó lẫn nhau mà không phải một cũng không phải khác. Ðó là chỗ hết sức khó hiểu.

Chẳng ngộ tự tánh tức gọi chúng sanh, giác biết tự tánh nên gọi chư Phật. Con người có tánh giác nhưng vì quên nên gọi là chúng sanh, nếu nhận ra và sống được với tánh giác thì gọi là Phật. Phật thì giải thoát sanh tử, chúng sanh thì bị sanh tử khổ đau trói buộc. Vì chúng sanh luôn luôn chạy theo cái sanh diệt, gìn giữ thương tiếc thân mạng, nên mất thân này tìm thân khác, tụ tán liên miên, cho nên Phật nói chúng sanh luân hồi vô số kiếp, luôn chịu đau khổ trong cái vòng lẩn quẩn này. Bây giờ chúng ta tu chủ yếu là phải giác ngộ nhận ra pháp thân bất sanh bất diệt sẵn có nơi mình, nên ở đây Ngài nói: Ðó là chân Phật vốn không hình tướng, đầy khắp cả hư không, thế giới đâu có đến đi.

Song pháp thân viên dung rỗng thênh, trong lặng vô vi, trọn không một vật, chẳng rơi vào các số. Tuy vô vi, chẳng rơi vào các số, mà cũng hay ứng vật hiện hình, ẩn hiện cùng bày, sắc và không chẳng hai, đầy đủ mọi lý, làm ra muôn việc. Ðó chính là mọi người trong mười hai giờ đi đứng nằm ngồi, thấy nghe hiểu biết, nhướng mày chớp mắt, ứng cơ tiếp vật, giơ tay động chân, một thể tròn sáng, sáu căn vận dụng, ứng với tiếng với âm, hay thấy hay nghe, biết nói biết bàn, biện rõ phải quấy.

Song Pháp thân viên dung rỗng thênh, trong lặng vô vi, trọn không một vật, chẳng rơi vào các số. Ðây nói Pháp thân thênh thang rỗng lặng, không một vật và không rơi vào các số, tức là danh số của thế gian. Ngài nói trọn không một vật, Lục Tổ nói xưa nay không một vật. Ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng thì "nói in tuồng một vật tức chẳng trúng".

Ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng đến tham vấn Lục Tổ, Tổ hỏi: - Ở đâu đến ?

- Ở Tung Sơn đến.

Tổ hỏi:

- Vật gì đến ?

Sư thưa:

- Nói in tuồng một vật tức không trúng.

Khi thấy ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng đến, Lục Tổ hỏi: Vật gì đến là muốn gạn xem Ngài đã nhận ra pháp thân chưa. Ngài phải ở trong chúng tám năm mới nhận ra và trả lời: Nói in tuồng một vật tức không trúng. Nếu bây giờ chúng ta bị hỏi như trên sẽ trả lời: - Dạ con đem một cái túi có đựng ba cái y... Khi bậc thầy hỏi như thế là muốn dò xem chúng ta đã nhận ra Pháp thân bất sanh bất diệt chưa ? Pháp thân bất sanh bất diệt đó không có hình tướng, nên không phải là một vật. Nghe ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng trả lời: Nói một vật tức chẳng trúng. Lục Tổ sợ Ngài rơi vào không, nên hỏi gạn lại: "Có tu chứng không ?". Ngài đáp "Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được". Tu chứng tức chẳng không, tức là có tu, nhiễm ô tức chẳng được, tức là thể thanh tịnh không bị cái gì làm nhiễm nhơ. Nghe thế Tổ biết Ngài đã nhận ra và sống được nên ấn chứng: "Ông như thế ta cũng như thế". Tuy vô vi chẳng rơi vào các số mà cũng hay ứng vật hiện hình, ẩn hiện cùng bày, sắc và không chẳng hai, đầy đủ mọi lý làm ra muôn việc. Pháp thân không phải hình thức mà ẩn trong sự vật hình thức để hiện ra muôn sự muôn việc. Nơi chúng ta cái hay thấy biết được người vật, và nó còn sáng tạo ra sự vật nữa. Ví dụ chúng ta thấy hoa hồng, nếu thấy và chỉ biết hoa hồng, ngang đó thì hết việc không có gì để nói. Nhưng thấy hoa hồng chúng ta bèn phân biệt hoa hồng đẹp, rồi ghi nhớ và cầm bút vẽ được cái hoa hồng. Như vậy cái hay thấy không có hình tướng nhưng nó có thể biến hiện thiên hình vạn tướng, nên nói "Pháp thân vô vi mà hay ứng vật hiện hình, ẩn hiện cùng bày, sắc và không chẳng hai, đầy đủ mọi lý làm ra muôn việc". Ngài dạy tiếp: Ðó chính là mọi người trong mười hai giờ đi đứng nằm ngồi, thấy nghe hiểu biết, nhướng mày chớp mắt, ứng cơ tiếp vật, giơ tay động chân, một thể tròn sáng, sáu căn vận dụng, ứng với tiếng với âm, hay thấy hay nghe, biết nói biết bàn, biện rõ phải quấy. Trong sắc thân bằng xương thịt của chúng ta có ẩn Pháp thân bất sanh bất diệt. Bởi có Pháp thân ẩn ở sắc thân nên khiến chúng ta biết đi đứng nằm ngồi, nhướng mày chớp mắt, thấy nghe hay biết... Như vậy sắc thân do đất nước giólửa hợp thành, nếu không có Pháp thân ẩn trong đó thì không hiện ra những hành động. Từ hành động nếu chúng ta biết phản chiếu, nhận ra Pháp thân và biết đó là dụng của Pháp thân thì tốt. Nếu chúng ta cứ chạy theo hành động, rồi tưởng mọi hành động là thật thì chúng ta sẽ đi sâu trong mê lầm. Chúng ta biết cái dụng của pháp thân thì tuy hành động mà hằng sống với Pháp thân. Nhưng điều này hơi khó nếu không khéo sẽ bị lầm, vì Pháp thân ứng hiện nó có lẫn những vọng tưởng. Ví dụ chúng ta đang ngồi chợt khởi lên ý nghĩ đi ra vườn, chúng ta liền đứng dậy đi, khi khởi niệm đi thì có nghĩ, nhưng khi đi từng bước thì không nghĩ. Hoặc khi chúng ta mở mắt nhìn cảnh vật thấy trời mây cây cối đủ thứ, thấy rõ ràng mà không khởi niệm thì không có lỗi. Nếu thấy mà phân biệt trời bữa nay đẹp trong sáng, hoặc mây đen sắp mưa, nếu có xen vào những kinh nghiệm, những ý tưởng thì đã biến cái thật thành cái giả mất rồi, từ cái bất sanh biến thành cái sanh diệt. Cho nên cũng một cái biết mà gọi là chân, cũng một cái biết mà gọi là vọng. Như chúng ta thấy một đóa hoa biết là đóa hoa thì không có lỗi, nếu khởi niệm đóa hoa này đẹp, đóa hoa kia xấu, khởi niệm phân biệt so sánh đẹp xấu là lệch lạc rồi. Cái biết có so sánh phân biệt là biết trong mê vọng, còn trong sanh diệt; cái biết không so sánh phân biệt đẹp xấu là biết trong tỉnh sáng an nhiên. Thế nên chư Tổ cũng ăn cơm mặc áo, đi lại như chúng ta mà các Ngài thường tự tại. Còn chúng ta thì ăn cơm, mặc áo đi lại mà thường vọng tưởng điên đảo. Như vậy cũng sống cũng hoạt động như nhau mà một bên chân, một bên vọng. Tuy nhiên nếu không hiểu khi ở gần các Ngài ta sẽ xem thường, cho rằng các Ngài khờ khạo không phân biệt lanh lẹ như chúng ta, nhưng cái phân biệt nhạy bén đó sẽ đưa chúng ta đi trong đường sanh tử luân hồi. Hằng ngày các Ngài ăn cơm chỉ biết ăn cơm, mặc áo chỉ biết mặc áo, chúng ta ăn cơm thì thấy cơm ngon cơm dở, mặc thì khen đẹp chê xấu v.v... Bởi biết theo sanh diệt cho nên đi trong sanh diệt. Biết phân biệt nhạy bén dường như khôn, nhưng đó là cái khôn của người dại. Biết sống an nhiên với tâm bất sanh bất diệt thoạt nhìn như ngu ngốc, nhưng đó là cái dại của người khôn, người biết sống nên được an lạc thảnh thơi. Người tu phải xét kỹ chỗ này.

Nói năng đó là gì ? Cái gì biết hỏi đáp ? Ðây chính là Pháp thân của mọi người, là tự tánh chân không, hay ứng ra âm thanh, miệng lưỡi mà hỏi đáp. Ðấy là tánh chân không người người sẵn đủ, kẻ kẻ viên thành, ở Thánh chẳng thêm, ở phàm chẳng bớt, không đổi khác, không cũ mới, không quá khứ hiện tại vị lai, rỗng rang bình đẳng, trong lặng tròn sáng, từ vô lượng kiếp đến nay đặc biệt hiện tiền, gió thổi chẳng động, mưa rưới chẳng ướt, lửa đốt chẳng cháy, mặt trời rọi nóng chẳng khô, chùy nhọn dùi chẳng phủng, đao cắt chẳng đứt, thuốc nhuộm chẳng đen, đá mài chẳng mòn, sương rét chẳng lạnh, nước tưới chẳng thấm, sạch trọi trơn, bày trơ trơ, không một vật, không thể nắm bắt, lồ lộ trước mắt, rõ ràng soi khắp. Ðây là Pháp thân thanh tịnh chân không, không hình không tướng, tròn đồng thái hư, nghiễm nhiên thường trụ. Song hư không rộng lớn, bao trùm cả trời đất, xuyên suốt núi sông, tột cả xưa nay, vững mãi như vậy. Nên biết, núi sông, quả đất trọn là hoa đốm trong hư không, sắc thân bốn đại là âm dương huyễn hóa, "phàm cái gì có tướng đều là hư vọng".

Nói năng đó là gì ? Cái gì biết hỏi đáp ? Ðây đặt câu hỏi cái gì biết nói năng, cái gì biết hỏi đáp. Nếu không có cái biết ẩn nơi thân thì làm sao khiến ngôn ngữ phát ra để thưa hỏi. Nhưng khi phát ra thưa hỏi rồi lập thành câu và phân biệt đúng sai v.v... là đã cách xa cái biết rồi ! Ðây chính là Pháp thân của mọi người, là tự tánh chân không. Pháp thân hay ứng ra âm thanh ở miệng lưỡi mà có hỏi đáp. Như vậy tất cả những hoạt động của chúng ta đều có Pháp thân ngầm trong đó. Trong kinh Lăng Nghiêm gọi là chơn tâm, nhưng không giữ tự tánh chơn tâm nên dấy khởi vọng động, do đó khi hỏi đáp thêm nhiều phân biệt, sanh ra vui buồn bực bội v.v... cách quá xa cái biết không sanh diệt của mình. Ðấy là tánh chân không người người sẵn đủ, kẻ kẻ viên thành, ở Thánh chẳng thêm, ở phàm chẳng bớt, không đổi khác, không cũ mới, không quá khứ hiện tại vị lai, rỗng rang bình đẳng, trong lặng tròn sáng, từ vô lượng kiếp đến nay đặc biệt hiện tiền, gió thổi chẳng động, mưa rưới chẳng ướt, lửa đốt chẳng cháy, mặt trời rọi nóng chẳng khô, chùy nhọn dùi chẳng phủng, đao cắt chẳng đứt, thuốc nhuộm chẳng đen, đá mài chẳng mòn, sương rét chẳng lạnh, nước trời chẳng thấm, sạch trọi trơn, bày trơ trơ, không một vật, không thể nắm bắt, lồ lộ trước mắt, rõ ràng soi khắp. Ngài nói tánh chân không của chúng ta sẵn đủ hiện tiền, không có gì phá hoại nó được, do đó đức Phật thường lấy chất kim cang cứng chắc để dụ cho nó. Vì kim cang là chất kim loại có thể phá vỡ các kim loại khác, mà các kim loại khác không thể phá hoại được chất kim cang. Như tôi và quí vị đều có cái hay thấy, vậy có ai cắt đứt hay nhuộm đen, dùi thủng cái hay thấy của tôi và của quí vị được không ? Nếuphá hoại không được mới là cái thật của mình.

Ví dụ có một buổi chiều chúng ta thấy bầu trời phủ mây đen chuyển mưa. Thấy như vậy thì ngang đó không có lỗi gì cả. Nếu thêm ý nghĩ có mây đen chắc chắn trời sẽ mưa, nhưng một lát sau gió thổi, mây tan dần và trời không mưa. Hoặc nghĩ rằng tuy có mây đen nhưng có lẽ trời không mưa vì một lát gió thổi mây tan hết. Tuy nhiên trời vẫn đổ mưa ầm ầm. Như vậy khi xúc cảnh chúng ta không thêm một ý nghĩ phân biệt phán đoán, cảnh ở trước mắt thế nào thấy như thế ấy, không thêm bớt gì cả thì tâm an nhiên sáng suốt. Nếu thấy cảnh mà chúng ta đem những kinh nghiệm của quá khứ để so sánh với cái thấy hiện tại, rồi quyết định đúng sai; thì đã rơi vào cái đối đãi hai bên. Hễ còn đối đãi là còn sanh diệt, còn sanh diệt là còn khổ đau. Chúng ta thấy mây đen thì biết mây đen, thấy mây trắng thì biết mây trắng, gió thổi qua thì biết gió thổi qua v.v... Như vậy đủ rồi, đừng kèm theo cái kinh nghiệm quá khứ đúng sai chi cả. Qua đoạn này chúng ta thấy ngài Chân Nguyên nói hết tình hết lý cho chúng ta hiểu, nhận ra cái sẵn có của mình không gì phá hoại được, nó hiện tiền trước mắt, rõ ràng soi khắp, thế mà có mấy ai chịu nhận.

Ðây là Pháp thân thanh tịnh chân không, không hình không tướng, tròn đồng thái hư, nghiễm nhiên thường trụ. Vì Pháp thân không hình tướng nên nó trùm khắp hiện tiền, không thiếu vắng lúc nào. Song hư không rộng lớn, bao trùm cả trời đất, xuyên suốt núi sông, tột cả xưa nay, vững mãi như vậy. Nên biết, núi sông, quả đất trọn là hoa đốm trong hư không, sắc thân bốn đại là âm dương huyễn hóa, "phàm cái gì có tướng đều là hư vọng". Ở trước nói sắc thân tứ đại như hòn bọt ở trong biển, Pháp thân như mặt biển. Ðoạn này nói pháp thân trùm khắp không sanh không diệt, núi sông và cả quả địa cầu là cái tướng sanh diệt hư ảo như hoa đốm trong hư không. Pháp thân bất sanh bất diệt vững chắc không có gì phá hoại được, thân tứ đại do âm dương huyễn hóa hợp thành, song chúng ta chỉ nhận cái tạm bợ giả dối mà quên cái chân thật hiện tiền. Kế đến Ngài dẫn một câu trong kinh Kim Cang: "Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng". Có tướng như quả đất tồn tại hàng tỉ năm, nhưng một ngày nào đó nó cũng bể nát. Quả đất sống hàng tỉ năm mà sánh với Pháp thân tuổi thọ nó còn nhỏ, huống là sắc thân của chúng ta. Pháp thân ví như hòn ngọc, sắc thân ví như hạt cát đen thui nhỏ xíu, như vậy đối với hai cái đó người có trí chọn cái nào ? Dĩ nhiên là chọn hòn ngọc. Còn chúng ta thì chọn hạt cát nhỏ xíu mà quên hòn ngọc, cho nên đức Phật nói chúng sanh mê muội đáng thương. Nếu chúng ta sáng suốt thì sẽ nhận ra nơi mình có hòn ngọc vô giá không có gì sánh bằng.

Chân không thì không tướng, muônkiếp còn mãi, đó là thân vô vi, là thân chân Phật. Bởi thật tướng của chân Phật vốn là chân không diệu hữu, thật tướng của chân không là thật tướng vô tướng. Không tướng chẳng tướng, đó gọi là thật tướng. Thật tướng của pháp thân ấy, trong lặng tròn sáng, rỗng rang rộng lớn, bao gồm một thể, tròn đồng thái hư trùm cả mười phương đủ khắp muôn vật.

Chân không thì không tướng, muôn kiếp còn mãi, đó là thân vô vi, là thân chân Phật. Bởi thật tướng của chân Phật vốn là chân không diệu hữu, thật tướng của chân không là thật tướng vô tướng, không tướng chẳng tướng, đó gọi là thật tướng. Ðoạn này có những từ ngữ hơi khó hiểu; không tướng, chẳng tướng, đó gọi là thật tướng. Không tướng tức là không có tướng, chẳng tướng là sao ? Chẳng tướng tức là có tướng. Ðã là không tướng lại còn có tướng làm chi ? Bởi vì ở đây dùng từ ngữ chân không diệu hữu, chân không là không tướng, diệu hữu thì có tướng. Chúng ta sống được với Pháp thân, từ Pháp thân sẽ lưu xuất ra tất cả pháp thế gian đó là diệu hữu. Hữu mà diệu thì hữu đó nằm trong phần tỉnh giác, hữu mà không diệu là hữu của thế gian sanh diệt. Do đó nói chân không diệu hữu là khi ta ngộ được lý chân không rồi thì mọi hành động tạo tác của ta đều phù hợp với tánh giác nên gọi là diệu hữu. Như vậy người tu ngộ được chân không rồi chẳng phải là không ngơ, mà vận dụng diệu hữu làm lợi ích cho chúng sanh, chuyển hóa chúng sanh mê lầm trở thành giác ngộ sáng suốt, tất cả việc làm đó đều là diệu hữu, trở về với chân không thì mọi hành động biến thành diệu hữu, đi trong tất cả loại, làm tất cả việc để lợi ích cho mọi người đó là diệu dụng của chân không. Cho nên đây nói "thật tướng của chân Phật vốn là chân không diệu hữu". Thật tướng của Pháp thân ấy, trong lặng tròn sáng, rỗng rang rộng lớn, bao gồm một thể, tròn đồng thái hư trùm cả mười phương, đủ khắp muôn vật. Ðoạn này Ngài nói thêm để giải thích về chân không diệu hữu.

Song từ thuở ban sơ chưa có trời đất, chưa có cha mẹ, một thể chân không, thái hư bình đẳng, lặng lẽ sáng rỡ như vậy, tự tại viên dung. Trạng thái đó, không hình không tướng, không đầu không đuôi, không trong không ngoài, không nhỏ không lớn, không một không khác, không sáng không tối, không thô không tế, chẳng phải không chẳng phải có, chẳng phải mở chẳng phải đóng, chẳng phải tụ chẳng phải tan, chẳng phải thành chẳng phải hoại, chẳng phải động chẳng phải tịnh, chẳng phải lại chẳng phải qua, chẳng phải sâu chẳng phải cạn, chẳng phải ngu chẳng phải trí, chẳng phải trái chẳng phải thuận, chẳng phải thông chẳng phải bít, chẳng phải giàu chẳng phải nghèo, chẳng phải mới chẳng phải cũ, chẳng phải tốt chẳng phải xấu, chẳng phải cứng chẳng phải mềm, không sanh không diệt, không qua không lại, không đi không đứng, không ngồi không nằm, không già không trẻ, không cao không thấp, không tên không hiệu, không mặt không mày, không nam không nữ, không sắc không thanh, không gan không phổi, không thịt không máu, không xương không tủy, không tóc không da, không xanh không vàng, không đen không trắng, không xuân không hạ,không thu không đông, không thời không tiết, không số không kiếp, không đầu không cuối, không trước không sau, không trên không dưới, không giữa không bên, không trong không ngoài, không kia không đây, không sanh không tử, không động không lay, không dài không ngắn, không vuông khôngtròn, khôngtội không phước, vô lậu vô vi, không tâm không tánh, không lẻ không đôi, không được không mất, bởi lược bày tướng đối đãi mà tạm nói, đâu thể nói tột hết ý nghĩa kia.

Ðoạn này Ngài nêu lên nhiều cái chẳng phải rất là dài, nhưng tóm lại chỉ có một ý chính là pháp thân không tướng mạo nên không có tất cả những tướng đối đãi như ở trên. Tất cả những cái đối đãi như giàu nghèo, ngu trí v.v... không dính dáng gì đến pháp thân, nếu chúng ta còn dính mắc những thứ đó mà đòi chứng Pháp thân thì không bao giờ được, khi nào dứt hẳn tâm đối đãi thì pháp thân hiện tiền. Nhưng chúng ta thì quen sống theo cái hai bên, giả sử nhìn người nào đó thì chúng ta liền phê phán: người đó đẹp xấu, lùn cao, đen trắng v.v... thêm nữa là có duyên với mình hay không có duyên, bận theo những cái đối đãi, cho nên chúng ta quên mất cái thật của mình. Nếu từ sáng tới chiều chúng ta thấy người thấy vật mà không khởi tâm phân biệt đối đãi thì tâm chúng ta không dao động vì hơn thua yêu ghét. Như vậy ở ngay cuộc đời này người tỉnh cũng sinh hoạt bình thường, sinh hoạt trong tỉnh táo sáng suốt thì được an vui, còn người mê cũng sinh hoạt, nhưng sinh hoạt trong mê tối, nên gặp việc bất như ý thì sanh buồn phiền đau khổ. Như thấy tiền của, họ cho rằng tiền của là quí, do đó lòng tham dấy khởi thúc dục làm nhiều, nhưng làm bị thất bại hay gặp chướng ngại thì bị đau khổ. Xét cho cùng cái gốc của khổ đau là do nhìn sự vật theo chiều đối đãi sanh diệt, theo đối đãi là theo cái si mê, do si mê nên lòng tham dấy khởi, tham không được thì nổi sân. Si tham sân luôn luôn xoay vần mãi trong tâm, khiến cho chúng ta sanh tử luân hồi không dứt.

Lìa tất cả tướng rõ một chẳng một, gọilà "một vật" lại chẳng trúng lý. Rõ vô trụ chẳng phải một, nhận pháp môn chẳng hai. Pháp thân chân thật vốn không hình tướng, tròn sáng rộng lớn, trong lặng như thái hư, rộng thì pháp giới chẳng thể chứa, hẹp thì một mảy lông không chỗ lập. Nếu y cứ nơi thật tế thì vốn không có sắc thân, người ngộ được thì hư không chẳng sanh hoa. Người rõ suốt thì hoàn toàn không một điểm che mờ. Vô vị chân nhân rành rành đối trước mắt, chớ chấp vào sắc thân, thân như điện chớp; chớ tham đắm phước báo, phước tợ mây nổi, sanh tử toàn không, đâu có gì đến đi, giả gọi là chúng sanh thôi. Bỏ sự nghiệp đi xuất gia, ẩn náu nơi núi rừng giác ngộ gọi là tu hành. Tự giác, giác tha, và giác hạnh được viên mãn gọi là Phật.

Pháp thân thì lìa tất cả tướng, rõ một chẳng phải một, nên nói một vật cũng chẳng trúng, hay là cái lý một vật cũng chẳng trúng. Rõ vô trụ chẳngphải một thì nhận ra pháp môn không hai. Như vậy là biết pháp môn không hai mà chẳng phải một. Pháp thân chân thật thì không hình tướng, trong lặng sáng suốt rộng lớn như thái hư, rộng thì pháp giới không thể dung chứa, hẹp thì một mảy lông không chỗ dựng lập. Chỗ thật tế là chỗ chân thật tức là chân lý. Nếu căn cứ vào chỗ chân thật mà nói thì sắc thân vốn không thật, mà người ngộ sắc thân không thật thì hư không chẳng sanh ra hoa đốm. Ví dụ trưa nắng chúng ta nhìn ra hư không một hồi lâu chúng ta lấy tay dụi mắt, thấy ở ngoài trời có những tia chớp chớp. Những tia chớp chớp đó gọi là hoa đốm. Những hoa đốm đó do chúng ta dụi mắt mà thấy chớ nó không thực có trong hư không. Pháp thân dụ cho hư không, hoa đốm dụ cho sắc thân tứ đại. Chúng ta mê thấy có thân thật dụ cho dụi mắt thấy hư không có hoa đốm. Nếu chúng ta tỉnh thấy đúng chân lý thì sắc thân vốn không thật, chỉ có Pháp thân thênh thang trùm khắp là thật nên nói: y cứ nơi thật tế thì vốn không có sắc thân, người ngộ thì hư không chẳng sanh hoa. Người nào rõ được lý này thì không có gì che mờ được họ. "Vô vị chân nhân" là con người chân thật không có ngôi vị chỉ cho Phật tánh, nó hiện rành rành trước mắt chúng ta, không ở đâu xa hết, chúng ta đừng mắc kẹt vào sắc thân, vì sắc thân chợt có chợt không, như lằn điện chớp xẹt qua rồi mất, không bền không thật. Ngài nhắc chúng ta tu không nên quá tham đắm phước báo, vì phước báu như mây nổi. Nhưng bây giờ đa số Phật tử ham tu phước hơn, có người quan niệm rằng rán làm việc phước thiện, đời này sung sướng, đời sau sung sướng hơn. Với cái nhìn của Ngài thì phước báo như mây nổi, sanh tử không thật nên nói sanh tử toàn không, đâu có gì đến đi, danh từ chúng sanh cũng giả lập để gọi vậy thôi. Ngài lại nhắc thêm cho người xuất gia: Bỏ sự nghiệp đi xuất gia, ẩn náu nơi núi rừng, giác ngộ gọi là tu hành. Tự giác, giác tha, và giác hạnh được viên mãn gọi là Phật. Người xuất gia phải tu cho giác ngộ mới xứng đáng gọi là tu hành, chúng ta tu lơ mơ thì chưa xứng đáng.

Lạinói: thân ta hiện nay đây, là do bốn đại hòa hợp, dụ như bốn con rắn độc đồng nhốt chung một cái rương; hai con rắn đất và nước tánh nó nặng chìm xuống, hai con rắn gió và lửa thì tánh nhẹ bay lên, đến lúc tan hoại thì mỗi thứ trở về chỗ của nó. Nghĩa là tóc, lông, răng, móng, da thịt, gân xương, tủy não, cấu bẩn... đều trở về đất; nước mắt nước mũi, máu mủ, mồ hôi, nước miếng đàm dãi, tinh khí, đại tiện, tiểu tiện... đều trở về nước; hơi ấm trở về lửa; động chuyển trở về gió, bốn đại mỗi thứ rã tan, thì thân huyễn hiện nay sẽ ở chỗ nào ? Rõ biết sắc thân bốn đại, năm ấm nhóm họp rỗng mà nó hiện có ra; như đá nháng, điện xẹt, khởi diệt chẳng lìa ngay đây mà trở về không. Sóng to nước lặng, vốn tự như, đâu có đến đi. Sắc thân ngoại vật không thật, như mộng huyễn, không hoa; trong cõi chân tịnh thì pháp thân như vậy, lặng sáng chiếu khắp, thường trụ ở trước mắt.

Ngài nói thân tứ đại của chúng ta giống như bốn con rắn độc nhốt chung ở trong rương. Tôi nói nhốt chung trong cái lu cho dễ hiểu, tạm đặt tên cho nó là rắn hổ lửa, rắn nước, rắn hổ mây và rắn hổ đất. Bốn con rắn này ở chung nhưng không hợp nhau. Muốn nó hòa hợp, con này không cắn con kia, chúng ta phải tìm cách can ngăn, luôn luôn cung cấp thức ăn thức uống đầy đủ để nuôi nó sống, thế mà nó cứ cự lộn với nhau hoài. Chúng ta thì rán tìm đủ cách để hòa hợp chúng, song bản chất bốn con rắn nghịch nhau, nên làm cho chúng ta rất gian nan khổ sở. Giả sử chúng ta là người bàng quan nhìn thấy người hàng xóm nhốt bốn con rắn trong một cái lu nuôi nấng tử tế. Bỗng một hôm cái lu bể bốn con rắn chạy mỗi con mỗi nơi. Người nuôi rắn thấy tiếc bèn kiếm bốn con rắn khác đem về nuôi nữa, chúng ta có tức cười không ? Cũng vậy sắc thân tứ đại đất nước gió lửa hợp thành, chúng ta lo nuôi nấng kỹ lưỡng, ngày ba bữa, cung cấp món ngon vật lạ mà nó ưa thích. Khéo léo cách mấy chúng ta cũng không thể làm vừa lòng cả bốn. Giả sử khi thấy trong người nóng, tìm đồ mát ăn vô, nóng hạ xuống, nhưng thủy đại tăng lên. Chúng ta vừa lo tìm bốn đại bên ngoài để bồi bổ cho bốn đại bên trong, vừa lo cung cấp vừa lo điều hòa từ sáng tới chiều, từ ngày này sang năm nọ, suốt đời như thế thật là khổ nhọc. Như chúng ta ở trong chùa, khuya thức dậy lo chuẩn bị thức ăn cho buổi sáng; công tác ít tiếng đồng hồ lại lo chuẩn bị ăn trưa; ngồi Thiền vài tiếng lại lo thức uống cho buổi chiều. Lo cung cấp thức ăn thức uống đầy đủ mà chưa yên, bốn đại không điều hòa sanh ra bệnh hoạn đủ thứ. Bệnh thì phải lo tìm thầy tìm thuốc để điều hòa, cứ lo bồi bổ, điều hòa gìn giữ, nhưng nó đâu có tồn tại lâu dài, một ngày nào đó nó cũng tan rã. Giống như cái lu bể bốn con rắn chạy mỗi con mỗi nơi. Ðó là hình ảnh vô thường Phật nêu lên trong kinh Niết Bàn. Cuộc sống của chúng ta giống như "dã tràng xe cát biển Ðông, vô tình lượn sóng cướp công nhọc nhằn". Cả cuộc đời làm một việc không có kết quả mà cứ làm hoài ! Ngài nói sắc thân như mộng như huyễn như hoa đốm trong hư không, thế mà chúng ta cho là quí và cả đời lo cho nó không biết chán, lo hết đời này lo sang đời khác, cứ chạy đuổi theo nó, rồi khổ kiếp này sang kiếp nọ. Nói bốn cái khổ của sanh già bệnh chết, chỉ xét qua cái khổ về thân bệnh cũng đủ chán chường sợ hãi. Thử hỏi ai có thân mà không có bệnh, mà bệnh là gây chướng ngại cho cuộc sống không phải ít. Nhức đầu, đau bụng, ung thư, đau gan, đau phổi... bệnh nào dù ít dù nhiều đều gây chướng ngại. Những chứng bệnh của thân đều là những hiện tượng nghịch nhau của bốn đại; nó nghịch nhau là chúng ta bất an, bất an thì phải tìm cách điều hòa cho nó được bình an, nhưng bình an tạm thời chớ không phải vĩnh viễn. Ta có cố gắng cách mấy cuối cùng bốn đại cũng rã tan. Do đó người tu không nên làm công việc của người nuôi rắn, mà phải nhận ra pháp thân lặng sáng chiếu khắp, thường trụ ở trước mắt, được như thế chúng ta mới thảnh thơi an nhàn. Còn lo bắt bốn con rắn nuôi hoài là còn đau khổ, rất đáng thương.

Vốn từ vô vi đến, Lại từ vô vi đi.

Nay ngộ thân vô vi,

Thường trụ chỗ vô vi.

Âm :
Bổn tùng vô vi lai, Hoàn tùng vô vi khứ.

Kim ngộ vô vi thân,

Thường trụ vô vi xứ.

Vốn từ vô vi đến, lại từ vô vi đi. Ở trước đã có câu hỏi: Thân này từ đâu đến, chết rồi đi về đâu ? Ðáp: Thân này từ vô vi đến, chết từ vô vi đi. Ở đây Ngài lặp lại câu đáp trong bài kệ: Vốn từ vô vi đến, lại từ vô vi đi. Vô vi là chỉ cho pháp thân bất sanh bất diệt. Như vậy hỏi thân này từ đâu đến ? Ðáp: từ chỗ không sanh diệt đến. Chết trở về đâu, trở về chỗ không sanh diệt. Trả lời như vậy chúng ta đừng lầm rồi bị kẹt. Trở về vô vi là khi nào chúng ta không còn tạo nghiệp. Nếu còn tạo nghiệp thì vẫn phải đi trong sanh tử luân hồi. Nay ngộ thân vô vi, thường trụ chỗ vô vi. Nghĩa là ngộ cái lý không sanh diệt thì thường trụ ở chỗ không sanh diệt tức là hằng sống với pháp thân.
Có vật trước trời đất, Không hình vốn lặng yên.

Hay làm chủ muôn vật,

Chẳng theo bốn mùa dời.

Âm :
Hữu vật tiên thiên địa, Vô hình bổn tịch liêu.

Năng vi vạn vật chủ,

Bất trục tứ thời diêu. 

Phó Ðại Sĩ
Bài kệ này của ngài Phó Ðại Sĩ chớ không phải của ngài Chân Nguyên. Có vật trước trời đất, không hình vốn lặng yên. Khi trời đất chưa sanh là đã có pháp thân. Pháp thân không hình tướng, vốn lặng lẽ yên tịnh. Hay làm chủ muôn vật, chẳng theo bốn mùa dời. Nghĩa là Pháp thân (vô vi) của chúng ta nó có trước trời đất, nó không tướng mạo mà thường yên lặng, nó làm chủ muôn vật và không bị thời tiết bốn mùa chi phối.
Có hình, giả chóng mất, Không tướng, thật lâu bền.

Trời đất mặc tạo hóa,

Pháp thân thường trụ luôn.

Âm :
Hữu hình giả tốc vong, Vô tướng thật cửu trường.

Càn khôn nhậm tạo hóa,

Pháp thân nguyên trụ thường.

Có hình, giả chóng mất, không tướng, thật lâu bền. Cái gì có hình tướng thì hư dối, vì hư dối nên không tồn tại lâu dài, cái gì không có tướng mạo thì tồn tại bất diệt. Vậy chúng ta kiểm lại trong thân chúng ta xem cái nào có hình tướng, cái nào không hình tướng. Sắc thân của chúng ta do bốn đại duyên hợp có hình tướng, cho nên nó hư dối chóng hoại. Nhưng nơi thân chúng ta có cái hay thấy hay nghe, cái đó không có hình tướng, cho nên không có gì phá hoại được, đó là Pháp thân chân thật của mỗi người. Trời đất mặc tạo hóa, Pháp thân thường trụ luôn. Ở trong khoảng trời đất này mặc cho tạo hóa xoay vần, nhưng Pháp thân thì thường trụ không mất. Pháp thân tức là cái hay thấy hay nghe của mỗi người.
Trước trời đất, mẹ cha chưa sanh, Tịch quang tròn lặng ấy nguồn linh.

Rộng lớn vô vi trùm pháp giới,

Có duyên đáng độ ứng theo hình.

Âm :
Thiên địa phụ mẫu vị sanh tiền, Tịch quang viên trạm thị linh nguyên.

Quảng đại vô vi chu pháp giới,

Ứng vật tùy hình độ hữu duyên.

Bài này diễn tả Pháp thân thường trụ. Trước trời đất, mẹ cha chưa sanh, tịch quang tròn lặng ấy nguồn linh. Pháp thân có trước khi có trời đất, trước khi cha mẹ sanh, Pháp thân lặng lẽ sáng suốt nên gọi là nguồn linh. Rộng lớn vô vi trùm pháp giới, có duyên đáng độ ứng theo hình. Pháp thân không tướng mạo nhưng rộng lớn trùm cả pháp giới, tùy theo chúng sanh nào có duyên thì ứng thân hóa độ, tùy theo loại, theo hình tướng mà hiện ra. Tóm lại, Pháp thân chưa từng sanh diệt nên nó có trước trời đất, trước khi cha mẹ sanh thân này, nó lặng lẽ trong sáng trùm khắp tất cả, và tùy duyên ứng hiện thân để hóa độ chúng sanh.
Sáng siêu nhựt nguyệt vững như như, Soi suốt càn khôn rực thái hư.

Phật với chúng sanh đều một tánh,

Tròn đồng không thiếu cũng không dư.

Âm :
Minh siêu nhựt nguyệt trấn như như, Chiếu triệt càn khôn thước thái hư.

Phật dữ chúng sanh giai nhất tánh,

Viên đồng vô khiếm diệc vô dư.

Sáng siêu nhật nguyệt vững như như, soi suốt càn khôn rực thái hư. Pháp thân sáng suốt hơn mặt trời mặt trăng, nó an trụ không có gì làm cho nó dao động, nên nói vững như như. Mặt trời mặt trăng còn bị mây che khuất, còn pháp thân thì sáng soi cả càn khôn vũ trụ không có chỗ nào thiếu vắng. Phật với chúng sanh đều một tánh, tròn đồng không thiếu cũng không dư. Phật và chúng sanh đồng một tánh sáng suốt, không thiếu không dư. Như một trăm ngọn đèn đồng một tánh sáng, ánh sáng giống nhau nhưng hình tướng của ngọn đèn khác nhau. Cũng vậy, Phật và chúng sanh tướng mạo khác nhau, nhưng tánh giác thì đồng nhau.
Sáng ngời một kẻ chủ nhân ông, Lặng yên chẳng động ở Linh cung.

Trong đây nếu được không ngăn ngại,

Bản thể thiên nhiên tự rỗng không.

Âm :
Hoàng hoàng nhất cá chủ nhân ông, Tịch nhiên bất động tại Linh cung.

Ðãn đắc thử trung vô quái ngại,

Thiên nhiên bản thể tự hư không.

Sáng ngời một kẻ chủ nhân ông, lặng yên chẳng động ở Linh cung. Nghĩa là chúng ta đều có tánh sáng suốt rạng ngời, tánh sáng suốt rạng ngời đó là chủ nhân ông của chúng ta. Cho nên Thiền sư Sư Nhan suốt ngày ngồi trên tảng đá thỉnh thoảng tự gọi: "Ông chủ !". Lại ứng thinh: "Dạ!". Bèn bảo: "Tỉnh tỉnh, chớ bị người lừa gạt !", để nhắc nhở mình đừng quên ông chủ sáng suốt của mình. Ông chủ đó sáng suốt, mà lặng yên ở Linh cung. Linh là sáng suốt, tánh giác sáng suốt lặng lẽ nên nói là Linh cung chớ không có cung nào khác cả. Trong đây nếu được không ngăn ngại, bản thể thiên nhiên tự rỗng không. Nếu ở trong chỗ chân thật không ngăn ngại thì bản thể tự rỗng không, rỗng không mà sáng suốt chớ không phải không ngơ. Những bài trênnóivềPháp thân, kế đến Ngài phối hợp tinh thần Tịnh độ.
Di Ðà tự tánh vốn như như, Rỗng lặng sáng tròn rực thái hư.

Cha mẹ chưa sanh, mày mặt thật,

Trở về đâu chẳng gặp y ư ?

Âm :
Di Ðà tự tánh bổn như như, Không tịch viên quang thước thái hư.

Phụ mẫu vị sanh chân diện mục,

Ðông Tây qui khứ tất phùng cừ.

Di Ðà tự tánh vốn như như, rỗng lặng sáng tròn rực thái hư. Tự tánh Di Ðà là chỉ cho tánh giác của chính mình, tự tánh ấy tuổi thọ vô lượng, vì nó vốn như như, ánh sáng vô lượng vì nó vốn tròn sáng. Hơn nữa tự tánh Di Ðà rỗng rang lặng lẽ mà sáng rực cả bầu trời. Cha mẹ chưa sanh, mày mặt thật, trở về đâu chẳng gặp y ư ? Mày mặt thật là chỉ tự tánh, khi cha mẹ chưa sanh đã có mày mặt thật rồi. Khi trở về tức là khi chúng ta quay lại với chính mình thì gặp được mày mặt thật chớ có gì lạ đâu. Bản tánh sáng suốt, Pháp thân, tự tánh Di Ðà, chủ nhân ông v.v... bao nhiêu tên gọi cũng đều chỉ cái ấy. Nếu chúng ta nhận ra tánh giác thì mọi điều mong muốn đều được viên mãn như ý.
Quang minh lặng chiếu khắp hà sa, Phàm Thánh đồng về chung một nhà.

Pháp tánh viên dung trùm sát hải,

Lặng trong thường trụ tát-bà-ha.

Âm :
Quang minh tịch chiếu biến hà sa, Phàm Thánh đồng quy cộng nhất gia.

Pháp tánh viên dung chu sát hải,

Trạm nhiên thường trụ tát-bà-ha.

Bài kệ này nguyên bản chữ hán. Hai câu Quang minh lặng chiếu khắp hà sa, phàm Thánh đồng về chung một nhà là hai câu đầu của bài kệ tám câu của Tú Tài Trương Chuyết trình kiến giải. Ở đây ngài Chân Nguyên mượn hai câu đầu của Tú Tài Trương Chuyết, rồi Ngài thêm hai câu sau. Ngài dẫn cái thấy của người xưa cộng với cái thấy của mình để diễn tả Pháp thân bất diệt. Ngài nói Pháp thân sáng suốt lặng lẽ chiếu soi khắp cả thế gian, ai cũng có Pháp thân nên nói phàm Thánh đồng chung một nhà, pháp tánh viên dung trùm sát hải, lặng trong thường trụ tát-bà-ha. Pháp tánh chỉ cho Pháp thân của mọi người, nó trùm khắp cõi nước nhiều như biển cả, nó lặng lẽ trong sáng mà thường trụ viên mãn. Ý Ngài nói trong bài kệ này là tất cả chúng ta ai cũng có sẵn pháp tánh, pháp tánh ấy sáng suốt trùm khắp nên nói là chung một nhà. Nếu nhận được nó thì mọi điều mong muốn được như ý viên mãn.
Một cái xưa nay, một cái không, Trong không ẩn hiện thể lại đồng.

Không đầu không cuối không bờ mé,

Thường lặng sáng luôn thường biến thông.

Âm :
Nhất cá tùng lai nhất cá không, Không trung ẩn hiện thể hoàn đồng.

Vô đầu vô vĩ vô biên tế,

Thường tịch thường quang thường biến thông.

Một cái xưa nay, một cái không, trong không ẩn hiện thể lại đồng. Nghĩa là cái mà từ xưa nhẫn đến ngày nay nó không có hình tướng, có khi ẩn có khi hiện mà bản thể giống nhau. Không đầu không cuối không bờ mé, thường lặng sáng luôn thường biến thông. Trải qua ba thời quá khứ hiện tại vị lai nó không có giới hạn, nó thường trong lặng thông suốt không ngăn ngại. Ðó là diệu dụng của Pháp thân.
Trong ánh tịch quang viên mãn giác, Trên đảnh Tỳ-lô mặc tung hoành.

Hiện tại Như Lai luôn đối diện,

Tùy cơ cảm đến cứu quần sanh.

Âm :
Thường tịch quang trung viên mãn giác, Tỳ-lô đảnh thượng nhậm tung hoành.

Ðương xứ Như Lai hằng đối diện,

Tùy cơ phó cảm cứu quần sanh.

Trong ánh tịch quang viên mãn giác, trên đảnh Tỳ-lô mặc tung hoành. Ánh tịch quang là ánh sáng trong trẻo sáng suốt chỉ cho tánh giác viên mãn của chúng ta, nên gọi là viên mãn giác. Tỳ-lô là Tỳ-lô-giá-na chỉ cho Pháp thân, nếu sống được với Pháp thân thì ngang dọc tự do không có gì ngăn ngại, tức là sống với ông Phật của chính mình thì được tự do tự tại. Hiện tại Như Lai luôn đối diện, tùy cơ cảm đến cứu quần sanh. Như Lai luôn đối diện tức là Phật hiện nơi tai, nơi mắt... Ở tất cả các cơ quan đều có Phật mà chúng ta không biết. Phật hiện tiền không lúc nào thiếu vắng, đầy đủ diệu dụng tùy theo căn cơ, tùy theo cảm ứng mà cứu độ chúng sanh.
Tịnh độ rành rành ngay trước mắt, Chẳng nhọc khảy tay đến Tây thiên.

Pháp thân trang trọng siêu ba cõi,

Hóa hiện Di Ðà ngồi chín sen.

Âm :
Tịnh độ phân minh tại mục tiền, Bất lao đàn chỉ đáo Tây thiên.

Pháp thân nghiễm hỷ siêu tam giới,

Hóa hiện Di Ðà tọa cửu liên.

Tịnh độ rành rành ngay trước mắt, chẳng nhọc khảy tay đến Tây thiên. Chúng ta tu cứ ngỡ rằng Tịnh độ ở cõi Cực-lạc phương Tây và mong cầu về bên ấy. Ở đây Ngài nói Tịnh độ ở ngay trước mắt. Thế nào là Tịnh độ ở trước mắt ? Tại chúng ta đang sống trong phiền não nên nhìn cái gì cũng thấy phiền não mà không thấy Tịnh độ. Ví dụ ngày nào trời nắng nóng nực, chúng ta than: trời nóng quá, phải đi tưới cây kiểng, phải đổ mồ hôi... khổ cực quá ! Trời đổ mưa chúng ta than: trời mưa đường sá lầy lội, đi lại khó khăn, đi chơi không được... Như vậy nắng không ưa mà mưa cũng không chịu, chúng ta chỉ thấy phiền não chớ đâu có thấy Tịnh độ ! Lại thêm hôm nay nhìn ra vườn thấy cây kia khô cành, cây nọ bị sâu ăn, phải lo săn sóc v.v... khổ quá ! Nhiều lúc nhìn cảnh vật tôi liên tưởng đến những chuyện như trên cũng thấy tức cười. Thiên nhiên rất là vô tư, đâu có vui buồn, sướng khổ, thời tiết cũng vô tư mưa nắng, cây cối đủ duyên thì tươi tốt, thiếu duyên thì sâu bệnh. Tại chúng ta lúc nào cũng muốn tất cả cảnh vật phải theo ý của mình. Do tâm quá tham cầu như ý nên lúc đi chơi thì muốn trời nắng ráo, lúc tưới cây thì muốn trời mưa to để khỏi tưới cho khỏe. Chúng ta muốn nhiều quá, muốn không được thì sanh phiền não rồi trách trời trách đất. Trời đất chẳng có tâm tranh giành hơn thua, thế mà chúng ta còn không bằng lòng, huống là những người phàm sống chung quanh mình, họ có lúc khỏe lúc mệt, khi vui khi buồn, làm sao vừa ý mình được ! Lúc mình vui thấy người khác buồn là bực bội, lúc mình buồn thấy người khác cười cũng tức. Ðối với thiên nhiên chúng ta không vừa ý, đối với người chung quanh chúng ta không bằng lòng, làm sao ta thấy Tịnh độ ở trước mắt. Nếu chúng ta chịu khó tu, gỡ những phiền não bỏ đi thì nhìn cái gì cũng đẹp, trời mưa thì có vẻ đẹp của trời mưa, trời nắng có vẻ đẹp của trời nắng. Người vui có vẻ đẹp của người vui, người buồn có vẻ đẹp của người buồn, thiên nhiên có quyền mưa nắng, người đời có quyền buồn vui. Nếu mình ôm phiền não nhìn trời đất thiên hạ thì thấy cái gì cũng phiền não cả. Ở chung năm bảy chục người, đi ra đi vào đụng vớinhau, cả ngày buồn giận, tu như vậy bao giờ hết phiền não ? Tu không khó, khó là tại chúng ta mang cặp kính màu phiền não, nếu chịu gỡ cặp kính phiền não để xuống thì chúng ta thấy Tịnh độ ở trước mắt. Ví dụ chúng ta muốn yên tĩnh nên tìm chỗ vắng ngồi, chợt có người đến vỗ vai hỏi chuyện. Mình đang muốn yên mà lại vỗ vai hỏi chuyện làm mất sự yên tĩnh, nên nổi giận. Bị vỗ vai đã không yên rồi, mà nổi giận lại càng bất an. Thôi thì người ta vỗ vai hỏi chuyện, mình trả lời câu hỏi của người; từ tâm thanh tịnh lưu xuất nói năng thì đâu có lỗi. Nếu gặp người hỏi chuyện tào lao, hơn thua phải quấy thì ta chỉnh lại đừng theo là tốt. Khéo biết tu thì trên thế gian này mở mắt nhìn người nhìn cảnh đâu đâu cũng là Tịnh độ. Nếu không biết tu cứ đeo mang phiền não thì nhìn đâu cũng thấy khổ: Thấy người vui mình có tâm sự buồn cho nên bực bội là khổ. Mình đang vui thấy người khác mặt mày bí xị, mình không hài lòng cũng khổ. Như vậy người ở ngoài làm cho ta khổ hay chính ta nhìn người qua cặp kính phiền não của mình mà khổ ? Hơn nữa vui buồn là chuyện của mỗi người, tại sao mình vui buồn cũng muốn cho người vui buồn theo mình? Xét kỹ ở thế gian này không ai giống ai, mặt mày không giống, cá tính không giống, người ưa cái này kẻ thích cái kia. Ngồi ăn chung một bàn, người thích đậu hũ, kẻ ưa rau muống luộc chấm tương... Khẩu vị không ai giống ai. Như vậy muốn người giống mình, họ không giống thì phiền não có vô lý không ? Chúng ta phải gỡ cặp kính phiền não thì thấy cõi Tịnh độ ở trước mắt, thấy Tịnh độ trước mắt thì khảy móng tay là thấy cõi Tây phương liền. Pháp thân trang trọng siêu ba cõi, hóa hiện Di Ðà ngồi chín sen. Nếu thấy Phật ngồi chín phẩm tòa sen, đó là thấy Phật hóa thân. Phật pháp thân thì trùm khắp vượt qua ba cõi, không có chia cấp bậc. Hiểu như vậy, chúng ta mới thấy việc tu hành không phải đi tìm ở đâu xa, mà ngay ở trước mắt. Ngày nào không có phiền não thì người vật xung quanh mình đều tốt đẹp. Còn ngày nào phiền não thì người vật xung quanh mình đều xấu xa, thấy người nào cũng dễ ghét, thấy vật gì cũng không bằng lòng. Như vậy là do phiền não làm gốc, khiến cho người vật xung quanh xấu xa đen tối.
c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

chí ï¾ ï¼ 一念心性 是 僧人心態 tho cung cha me hay ong ba qua vang nhieu noi co Buffet Cỏ Nội mùa chay quốc hoa ماتش مصر والراس الاخضر يلا ÍÛ Chí cça cam nhan ve dieu giac ngo thu nhat trong kinh bat å æžœå žå¾ 盂蘭盆会応慶寺 4 tot Ã Æ pháp khí tu tập trong phật giáo Tổ 描写家乡的桥的句子 Thực phẩm ngừa tiểu đà nẵng Thơm ngon các món ăn từ cốm 村上市お墓 护法 bản năng và lý trí theo quan niệm 倓虚法师 長谷寺僧堂安居者募集 อาจารอเกว bàn về vấn đề ăn chay 05 đưa tâm về nhà phần 2 giÕ บทความบรรยายธรรม cần phải tu trong mua bán kinh doanh ï¾ 达赖和班禅有啥区别 chỉ trong một chớp mắt Dăm 摩訶俱絺羅 證嚴上人第一位人文真善美 明月几时有 รบอปก Ai không nên thức khuya xem bóng đá niem tin chon chanh 12 câu hỏi lớn trong đời người bạn tốt đề chua kim cang học cách vui mật tai sao doi tu an do giao sang phat giao lai la