TIN TỨC TỪ BIỂN TÂM
Lâm Thanh Huyền
Minh Chi dịch
---o0o---
Phần
2
LÀM CHO THANH TỊNH THÂN,
MIỆNG, Ý ^
Lại dựa vào mối quan hệ cán dao
và mũi dao để bàn vấn đề làm thanh tịnh thân, miệng, ý.
Điều quan trọng nhất của học
Phật là làm cho thanh tịnh thân, miệng, ý để đạt tới sự thanh tịnh của nội
tâm. Thanh tịnh thân là hành vi thanh tịnh nơi thân. Thanh tịnh miệng là
lời nói thanh tịnh. Thanh tịnh ý là ý thức, ý niệm đều thanh tịnh. Với
thân, miệng, ý thanh tịnh thì con người mới được thanh tịnh. Để thân,
miệng, ý được thanh tịnh thì chỉ có một cách là giữ cho ý niệm được thanh
tịnh. Bởi vì hành vi và lời nói đều xuất phát từ ý niệm. Có ý niệm rồi mới
có hành vi và lời nói thanh tịnh. Ý niệm là cái quan trọng nhất.
Người học Phật phải biết rằng,
khống chế được ý niệm là điều quan trọng nhất, chứ không cần tìm động cơ
và ý thức của hành vi và lời nói. Hành vi và lời nói giống như mũi dao.
Nếu không nắm vững được cán dao ý niệm, thì sẽ rất dễ phạm sai lầm trong
hành vi và lời nói. Vì vậy phải nắm thật vững cán dao ý niệm, phải khống
chế được ý niệm của mình. Trong Phật giáo căn bản, có một phương pháp rất
tốt và rất đơn giản để nắm vững ý niệm. Đó là pháp 10 niệm. Người nào muốn
tiến theo con đường đạo Bồ đề, thì phải canh cánh trong lòng đừng quên 10
niệm này.
* Thứ nhất là niệm Phật:
Phải ngưỡng mộ, tìm cầu, tin tưởng những thành tựu của đức Phật, và nuôi
hy vọng mình cũng sẽ thành Phật.
* Thứ hai là niệm Pháp:
Thường xuyên nhớ nghĩ Phật Pháp do Phật Thích Ca giảng dạy, hy vọng Phật
Pháp đem lại lợi ích cho thân tâm mình.
* Thứ ba là niệm Tăng:
Thường xuyên nhớ nghĩ rằng, ở đời này đã từng có những bậc tu hành vĩ đại
và noi gương theo họ .
* Thứ tư là niệm Giới:
Nghĩ nhớ tới Giới luật. Hành vi và lời nói của mình không được vi phạm
giới luật.
* Thứ năm là niệm Thí:
Thí là bố thí. Bố thí là xả bỏ. Thường nghĩ nhớ rằng phải xả bỏ những cái
của mình, xả bỏ đến mức độ không còn xả bỏ được nữa, thì sẽ đạt tới cảnh
giới “không tánh”.
* Thứ sáu là niệm Thiên:
Niệm Thiên là nghĩ nhớ tới các cõi trời thù thắng. Trong Phật giáo căn
bản, đức Phật giảng về các cõi trời thù thắng, khuyên chúng ta nghĩ nhớ
tới các cõi Trời, sống theo năm giới, 10 thiện, thì có thể tái sanh lên
các cõi trời , vì đời sống ở nhân gian rất thống khổ.
* Thứ bảy là niệm nghỉ ngơi:
Nghỉ ngơi là rất quan trọng không phải là cái gì xấu. Ngồi thiền lâu thấy
mệt, ngủ một giấc thì có quan hệ gì? Ngủ một giấc dậy lại ngồi thiền nữa.
Nhưng nghỉ ngơi còn có một nghĩa khác, tức là nghĩ cách làm cho phiền não
dừng nghỉ, yên nghỉ. Phiền não yên nghỉ tức là Bồ đề.
* Thứ tám là niệm An Ban:
Niệm An Ban là niệm hơi thở, thường niệm hơi thở ra vào. Theo Phật giáo có
ba lớp hô hấp: Lớp 1 là suyễn. Leo núi, mệt quá thở khò khè gọi là suyễn.
Đêm ngủ ngáy ồn cũng gọi là suyễn. Đó là cảnh giới thấp nhất. Lớp hai là
khí. Người bình thường đều thở ra vào theo lớp hai tức lớp khí. Lớp ba là
tức, thở ra vào nhè nhẹ, như có như không. Thở như con rùa, thở rất ổn
định. Lối thở này làm cho con rùa sống rất thọ. Tôi có người bạn tên là
Ngộ Huyền Tam, đi du lịch ở Ba Tây (Brazil), mua được con rùa rất lớn, bỏ
vào hòm, gởi theo đường hàng không về Đài Loan . Vì ông ta còn thăm một số
nước khác, sau đó mới về nước. Ba tháng sau về nước, mở nắp hòm ra vẫn
thấy con rùa còn sống, và ngẩng đầu cười với người chủ mới của mình. Hiện
nay, con rùa vẫn được nuôi ở nhà ông Tam.
Ngài Kha Lộ Nhân Ba Thiết từng
giảng rằng, một người chỉ chú trọng hô hấp mà không lo mở mang trí tuệ,
thì khi tái sanh anh ta có thể thành con rùa, hay một loại động vật ngủ
suốt mùa đông, như con rắn, con báo v.v... Chúng ta niệm hơi thở ra vào,
nên vào lúc đi đường, đi tản bộ, khi đi ngủ, khi ngồi thiền, chúng ta đều
phải chú ý tới hơi thở ra vào cho thật ổn định.
* Thứ chín là niệm thân:
Nghĩ tới thân này là vô thường, không thể là vĩnh hằng, tồn tại mãi được,
có ngày phải chết, rời bỏ thế gian này. Không phải chỉ riêng thân mình như
vậy mà thân các chúng sanh cũng đều như vậy. Nếu biết niệm thân là vô
thường, thì sẽ siêng năng, tinh tấn. Nếu không thì suy nghĩ: Hôm nay,
khoan đã chưa tu hành vội gì tu hành quá khổ. Ngày mai rồi lại ngày mai,
lần lựa mãi, cho đến lúc không còn ngày mai nữa. Khi ấy hối tiếc cũng
không kịp.
* Thứ mười là: Thường
nghĩ nhớ rằng mình rồi đây sẽ chết, người nào cũng phải chết, thấy cái
chết trước mặt, thì mới mở mang trí tuệ được.
Nhớ nghĩ mười niệm như vậy sẽ
không đánh mất bản thân mình. Tu hành đến chỗ không có niệm là chuyện hết
sức khó khăn. Nhưng tu phép 10 niệm thì không khó khăn. Hãy nên bắt đầu
bằng phép tu 10 niệm.
GIỮ TẤM LÒNG
CẢM ÂN VÔ HẠN^
Chúng ta nắm vững được ý niệm,
cũng như nắm vững cán dao vậy. Chỉ cần nắm cán dao cho vững thì khi dùng
dao sẽ không sợ hãi.
Qua ví dụ con dao, cán dao và
mũi dao, chúng ta sẽ có nhiều cách nhìn mới đối với nhân sinh, đối với trí
tuệ. Mỗi người hằng ngày đều có cơ hội cầm dao. Cái dao bản thân không
phải tốt hay xấu, cũng như Bồ đề và phiền não, cũng không phải tốt hay
xấu, vấn đề là ở chỗ, người nắm cán dao dùng dao như thế nào? Không nắm
vững cán dao mà học Phật thì trở lại gây thương tích cho bản thân mình.
Hằng ngày cầm dao mà có cách
nhìn như vậy, trí tuệ như vậy, thì sẽ có ngày được khai ngộ, giống như Hòa
Thượng Thạch Thất vậy. Đến ngày đó sẽ thấy, giữa trời đất này, cây cỏ nào
cũng dùng làm thuốc được, bất cứ gì cũng có thể dùng mở mang trí tuệ được.
Phải biết sống ở đây, sống trong hiện tại biết nhìn dưới chân mình.
Ngày nào, thức dậy cũng giữ một
thái độ rất tốt để tu hành. Khi ăn sáng, hãy biết ăn với tâm rất hoan hỷ.
Ăn trưa, ăn tối và ngủ cũng với tâm trạng như vậy. Đó là tâm trạng cảm ơn,
chân thành cũng như khi lễ Phật, tụng kinh, vái Phật ở Phật đường vậy.
Người học Phật, mỗi bữa ăn, đều
có thái độ cảm ơn như vậy. Tức là cúng dường Phật, cúng dường Pháp, cúng
dường Tăng, cúng dường tất cả chúng sanh, rồi sau đó mới cúng dường bản
thân mình. Tâm trạng thuần thành đó, thái độ trang nghiêm không khác gì
lúc cúng dường Phật tại Phật đường vậy. Chỉ có làm đến trình độ như thế,
thì mới thật sự kết hợp tu hành với cuộc sống, mỗi ngày 24 giờ đều có tu
hành.
Tôi nghĩ rằng, khi chư Phật
thấy chúng ta ăn sáng một cách ngon lành, các Ngài sẽ tán thán chúng ta:
Hãy xem người này với thái độ cảm ân thuần thành biết dường nào, đang ăn
thức ăn cúng dường của chúng sanh.
TÂM HOAN HỶ VÔ LƯỢNG^
Đức Phật Thích Ca, trước khi
giảng kinh, thường mặc áo, cầm bát, đi vào làng hóa duyên. Sau khi về, ăn
xong. Ngài mới bắt đầu giảng kinh. Mỗi lần đọc kinh “Kim Cang”, đọc phần
mở đầu như vậy, tôi đều hết sức cảm động. Điều cảm động là, Phật cũng ăn
no rồi mới có thể giảng kinh. Phật cũng như chúng ta, cũng ăn cơm, cũng
sống giữa nhân gian.
Khi học Phật, phải quyết tâm
không tách rời cuộc sống. Nếu tách rời cuộc sống mà học Phật, thì học Phật
sẽ trở thành vọng niệm, trở thành hư vọng, không thực tế, không nắm vững
được. Nếu gắn liền chặt chẽ cuộc sống với học Phật thì sẽ phát hiện, mỗi
bước đi của chúng ta đều đặt chân trên thực địa, cuộc sống sẽ đầy hỷ lạc,
đầy chuyện tốt lành.
Trong Phật giáo căn bổn cũng
như trong Phật giáo Đại thừa, Phật Thích Ca đều dạy chúng ta tu tập bốn vô
lượng tâm: Từ vô lượng tâm, Bi vô lượng tâm, Hỷ vô lượng tâm, Xả vô lượng
tâm.
Trong bốn Vô lượng tâm nói
trên, thường bị bỏ quên là Hỷ vô lượng tâm. Hãy thấy cái tâm vui vẻ tràn
đầy đó chính là tâm Bồ tát. Đây là lời giáo hóa rất quan trọng trong Phật
Pháp cơ bản.
Nếu anh tự cảm thấy quá nghiêm
túc quá đăm chiêu thì hãy thư giãn một tí, hãy thả lỏng thắt lưng và cởi
bỏ bộ âu phục ra. Làm như vậy, không có can hệ gì, cũng không ảnh hưởng gì
tới tu hành.
Hãy thư giãn một chút ít! Chúng
ta hãy điều chỉnh lại bước đi, với một thái độ tốt đẹp, bình thản, chúng
ta bước tới!
Nên thường xuyên ghi nhớ: Lòng
hoan hỷ phải là vô lượng, vô biên. Cũng như lòng từ bi, cũng như hạnh bố
thí vô biên. Tu hành được như thế thì sẽ không phát sanh vấn đề, và trong
quá trình tu hành, cũng sẽ thực sự thể nghiệm được pháp lạc, thể nghiệm
học Phật Pháp là vui.
Pháp lạc là gì? Cũng gọi là
niềm vui của Thiền, niềm vui của Pháp. “No bụng bằng niềm vui của Pháp”.
Đó là kinh nghiệm rất trọng yếu của sự tu hành.
Tâm hỷ vô lượng! Trước hết hãy
chiếu cố đầy đủ người trong nhà anh, đảm bảo họ ăn uống đầy đủ, và mình
cũng ăn uống đầy đủ. Sau đó mới có tâm tình và sức mạnh để giảng kinh cho
họ nghe. Đức Phật cũng làm như vậy.
BẢY BÁU VÀ BẢY TÌNH^
ĐỪNG ĐỂ CHO PHẬT GIÁO BIẾN THÀNH HÌNH THỨC
Gần đây, tôi có đi thăm Thái
Lan, để quan sát sự khác biệt giữa Phật giáo Tiểu thừa mà nhân dân Thái
Lan tín ngưỡng và Phật giáo Đại thừa.
Pháp luật Thái Lan quy định mọi
người đàn ông đều phải xuất gia, cũng như ở Đài Loan quy định người đàn
ông nào cũng phải phục vụ trong quân đội. Đà n ông Thá i không xuất gia
cũng như đàn ông ở Đài Loan chưa phục vụ trong quân ngũ, và sẽ bị xã hội
coi khinh. Chỉ có điều khác với Đài Loan là, đàn ông Thái có thể phân chia
thời gian để hoàn thành nghĩa vụ xuất gia của mình: Thí dụ, một năm xuất
gia một tháng, sau sáu năm thì hoàn thành nghĩa vụ xuất gia.
Việc nhà nước quy định xuất
gia, tạo thành hậu quả nghiêm trọng, là thái độ của nhân dân đối với Phật
giáo bị phân hóa thành hai cực: Đối với người hoan hỷ xuất gia thì đó là
con đường tiến tới giác ngộ (Bồ đề). Nhưng đối với những người không muốn
xuất gia, thì sinh ra một phản cảm đối với Phật giáo. Đó là vấn đề mà tôi
trực tiếp quan sát được.
Còn có một hiện tượng khác nữa,
là ở Thái Lan cũng như ở các nước khác theo Phật giáo Tiểu thừa, nhân dân
chỉ tin Phật và đệ tử Phật, về căn bản họ không tin Bồ tát.
Vì không tin Bồ tát cho nên cho
rằng,cư sĩ không thể tu hành và nữ cư sĩ còn bị coi khinh nữa. Địa vị nữ
cư sĩ trong xã hội Thái Lan rất thấp kém. Nếu chúng ta cử bà Pháp sư Chứng
Nghiệm ở Đài Loan qua Thái Lan thuyết pháp, thì nhân dân Thái sẽ không
biết đến bà, mặc dù ở Đài Loan bà Chứng Nghiệm được mọi người tôn trọng là
vĩ đại, tuyệt vời. Bởi vì, nhân dân Thái không tin là phụ nữ có thể thành
đạo. Trong quan niệm của người Thái Lan, không có người đàn bà tu hành.
Đàn ông mà không xuất gia cũng không thể tu hành. Nếu so sánh thì nam cư
sĩ cũng như nữ cư sĩ ở Đài Loan thực là rất hạnh phúc.
Ngoài ra, một điều nữa làm tôi
cảm xúc sâu sắc là sự tôn kính của nhân dân Thái đối với Phật giáo và
người xuất gia. Ở Đài Loan không được như thế. Trước cửa các chùa lớn ở
Thái Lan, đều có cắm biển ghi kiến trúc đó là chùa. Mọi người đều biết tôn
trọng chùa. Các loại xe qua lại đều giảm tốc độ. Một cảnh tượng lý thú là
có những chiếc xe hơi đang chạy với tốc độ cao, đến ngang chùa đều hãm
chậm lại, vì không dám xâm phạm phong cảnh yên tĩnh của chùa.
Thị trưởng Băng Cốc sở dĩ đắc
cử là vì có quan hệ tới Phật giáo. Khi ông còn nhỏ và xuất gia ở chùa, ông
đã tỏ ra là người tu hành nghiêm túc và xuất sắc. Nhờ tiếng tăm đó nên sau
này ứng cử thị trưởng, ông được đa số nhân dân bầu. Điều này chứng tỏ ảnh
hưởng lớn của Phật giáo ở xứ Thái. Một người đối với đạo Phật càng tín
ngưỡng thuần thành bao nhiêu thì nhân dân càng tín nhiệm người ấy bấy
nhiêu.
Tuy rằng, ở xứ Thái, mọi người
đều tín ngưỡng Phật giáo, nhưng trên sự thực, lại có rất ít người hiểu
Phật giáo. Cũng tức là nói, trên phương diện: Tín, giải, hành, chứng, đại
đa số dân chúng đều dừng ở giai đoạn tín mà thôi. Đến nỗi, Phật giáo ở
Thái Lan, cuối cùng biến thành một thứ Phật giáo hình thức. Đó thực là
đáng tiếc! Điều này làm tôi cảm nhận rằng, các Tổ sư Trung Hoa ngày xưa
của chúng ta thật vô cùng từ bi, dạy dỗ chúng ta phải đi con đường trung
đạo, không được một chiều, không được cực đoan.
Kinh nghiệm Thái Lan cho tôi
một nhận thức quan trọng: Nếu tôn giáo bị biến thành một quy định có tính
cưỡng bức trong sinh hoạt, thì sẽ có thể khiến cuộc sống có một biến chất
lớn. Tôi cho rằng, nếu tôn giáo không hòa nhập vào sinh hoạt, mà là một
thứ quy định thì nó sẽ là một tai họa đối với sinh hoạt.
Đó là tình hình xảy ra ở xứ
Thái Lan và các nước khác tin theo Phật giáo Tiểu thừa: xã hội phân thành
hai cực. Một bộ phận nhân dân tin tưởng thuần thành ở đạo Phật, và có bản
tính hết sức ôn hòa, lương thiện. Một bộ phận khác thì không có việ c gì
không dám làm. Một người bạn Thái nói với tôi rằng, nước Thái có một số
đặc sản như thế này: một là chùa chiền, hai là Tăng sĩ, ba là gái mãi dâm,
bốn là người yêu quái. Cứ thử tưởng tượng xem: Tăng sĩ đầy đường nhưng gái
mãi dâm cũng đầy đường. Đó là một xã hội cắt làm đôi rõ rệt. Cũng có người
nói với tôi ở Thái Lan, có thể tìm một người giết thuê, chỉ cần 1000 đồng
bạc Thái là xong ngay. Bỏ ra 1000 đồng là có thể giết một mạng người! Mà ớ
Thái Lan, một người cầm 1000 đồng đi giết thuê có thể là một tín đồ Phật
giáo, đã từng là Tăng sĩ. Nghe ra phát sợ và không có đạo vị chút nào? Chỉ
có đau lòng mà thôi.
Vì vậy tôi thể hội một cách sâu
sắc rằng, muốn cho đạo Phật trở thành một bộ phận của cuộc sống thì phải
trên cơ sở một tâm trạng hài hòa, vui vẻ, tình nguyện. Nếu bắt buộc người
nào cũng phải làm Tăng sĩ thì tất nhiên sẽ có một số người không thích làm
Tăng sĩ. Cũng như ở Đài Loan, có quy định người đàn ông nào đến tuổi cũng
phải làm binh dịch, phục vụ trong quân ngũ. Do đó, mà tất nhiên sẽ có
những người không thích phục vụ trong quân ngũ.
Tin đạo Phật, phải chú ý hai
điểm: Một là đả phá bệnh hình thức trong Phật giáo. Hai là không được biến
đạo Phật thành nguyên nhân làm chúng ta đau khổ, làm chúng ta bị ràng
buộc.
ĐỪNG ĐỂ
PHẬT GIÁO THÀNH RÀNG BUỘC
^
ĐỐI VỚI CUỘC SỐNG
Rất nhiều Phật tử trước khi học
Phật, sống rất sung sướng. Nhưng sau khi học Phật rồi, thì người xung
quanh cảm thấy họ sống rất đau khổ. Họ cũng tự cảm thấy mình sống rất đau
khổ, vì rằng có nhiều ràng buộc, có nhiều giới luật.
Có người hỏi tôi nên giải quyết
thế nào? Tôi khuyên anh ta, trước hết, nên ngưng học Phật một thời gian.
Bởi vì học Phật đã tạo thành một áp lực và thống khổ đối với cuộc sống,
nên nếu cứ tiếp tục, không chịu hóa giải thì một ngày kia sẽ tích lũy
thành một phản ứng cực lớn. Người đó sẽ giống như Phật tử Thái Lan, có thể
do phản ứng mà trở thành một người rất xấu, một người yêu quái.
Phật pháp của chúng ta không
được biến thành hình thức. Cái gì có phẩm chất rất tốt cũng không phải là
hình thức chủ nghĩa. Học Phật pháp là để mở mang phẩm chất nội tại của
chúng ta, chứ không phải để ràng buộc cuộc sống, tạo thành thống khổ và áp
lực đối với cuộc sống. Phật pháp là sức mạnh giúp chúng ta được tự do tự
tại. Nếu người học Phật mà ngày càng không được tự do, ngày càng không
được tự tại thì trong việc học Phật, có vấn đề cần được xem xét lại.
HỌC PHẬT LÀ ĐỂ
MONG CẦU
CẢI CÁCH VÀ SÁNG TẠO TÂM LINH
Khi tôi diễn giảng ở Thái Lan,
có rất đông người đến nghe. Họ nghe xong, cảm thấy điều rất bất ngờ, là
sao có một Phật pháp khác biệt thế? Trong số người nghe, có ông Bộ Trưởng
Bộ Giáo Dục Thái. Sau khi nghe tôi diễn giảng, liền cho phiên dịch bài
giảng của tôi bằng tiếng Thái. Bài giảng thứ nhất có tiê u đề “Bài kệ báu
của Bồ tát” được dịch và phổ bỉến bằng tiếng Thái, với hy vọng đem lại
quan điểm mới cho Phật giáo Thái. Phật pháp mà tôi giảng không thể là mãi
mãi không thay đổi, vì trên hiện thực, Phật pháp là một cuộc cách mạng tâm
linh, một sự sáng tạo tâm linh.
Chữ Phật
佛
rất có ý nghĩa. Bên trái là chữ nhân
亻là
người. Bên phải là chữ phất 弗
nghĩa là không phải, Phật không phải là người. Vì Phật là do cải cách con
người mà thành. Điều quan trọng nhất đối với Phật, đối với Bồ tát theo Đại
thừa là gì? Là từ bi. Chữ từ 慈
là tâm như vậy. Tâm vốn có như vậy. Còn bi
悲
là phi tâm, không phải là tâm
非
心
, tức không phải là tâm người.
Cũng tức là nói, một người muốn
tạo ra lòng từ bi chân chánh thì phải bắt đầu từ phi tâm, tức là bắt đầu
từ cải cách và sáng tạo tâm.
Tôi đã từng xem vở kịch về một
con người. Cha anh ta chết trong hầm mỏ. Con anh ta cũng chết trong hầm
mỏ. Về sau cháu anh ta cũng chết trong hầm mỏ. Vở bi kịch diễn đi diễn lại
từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó không phải là số phận mà là do người
trong gia đình ấy không biết cải cách và sáng tạo. Nếu sau khi cha chết mà
con cháu rời bỏ hầm mỏ đi nơi khác thì mạng vận của họ ắt đã thay đổi. Đó
cũng là một sự cải cách và sáng tạo của tâm.
Có người yêu đương gặp thất
bại, yêu đương nữa lại thất bại, cứ một lần yêu là một lần thất bại, và
mỗi một lần như vậy là cả người đầy “thương tích”. Có một cô gái biên thư
cho tôi, kể cô ta liên tục bị ba thanh niên từ bỏ. Lần thứ nhất, bị từ bỏ
cô nghĩ: “Đây là nghiệp chướng của mình”. Lần thứ hai, bị từ bỏ, cô
nghĩ: “Đây có thể không phải là nghiệp, tôi phải báo thù”. Đến lần
thứ ba bị từ bỏ, cô nghĩ: “Tôi phải giết chết anh ta mới được”.
Cách suy nghĩ của cô ta càng
ngày càng hung bạo. Tôi hỏi cô ta: “Sao cô không suy nghĩ thế này: Vì
sao mình bị họ từ bỏ?” Đó là một ý nghĩ sáng tạo, một cách suy nghĩ
mới đối với sinh mạng và cuộc sống.
Trong cuộ c sống có rất nhiều
mô hình hành vi ảnh hưởng đến chúng ta. Thí dụ cô gái đã biên thư cho tôi.
Cô ta thất bại trong tình yêu, vì sao lại oán giậ n? Vì sao phải báo thù?
Vì sao phải giết đối phương? Tôi suy nghĩ về vấn đề này và cho rằng, phản
ứng đó không phải là do tình cảm chân thực của cô ta, mà là do bắt chước
các mô hình ứng xử trong kịch truyền hình, trong các vụ thất tình, có sự
kiện đánh bạt tai hay đổ nước vào đối phương. Tình tiết đó thường xuất
hiện trên quảng cáo, kịch truyền hình, trong tiểu thuyết, thành một loạt
mô hình ứng xử. Gặp sự việc như vậy thì phải phản ứng một cách cứng nhắc
như vậy, tuy rằng sự phản ứng đó không phải là phản ứng chân thực của
mình.
Nếu nói chuyện luyến ái thì
trong 100 người thất tình, không phải người nào cũng sanh lòng oán giận,
có thể là có 50 người không oán hận. Vì sao, anh lại oán hận? Chính là vì
từ nhỏ, anh đã được giáo dục và huân tập theo mô hình ứng xử oán hận như
vậy.
CẢI CÁCH TÂM
BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?^
Ngày xưa, khi tôi gặp phải thất
bại trong tình yêu, tôi suy nghĩ: “Có thể hay không đừng có thù hận? Vì
sao phải thù hận?”.
Người khác ôm hận thù trong
tâm, nhưng chúng ta không nhất định phải hận thù; suy nghĩ như vậy, sẽ cảm
thấy nhân cách của mình được nâng cao lên.
Đó là một bước khai phát mới,
khiến cho tâm linh có cải cách mới, sáng tạo mới.
Trong xã hội ngày nay, mọi
người đều theo đuổi danh lợi, đều thở không khí ô nhiễm, đều chịu đựng
cảnh giao thông hỗn loạn. Tuyệt đại đa số người đều phải chịu đựng, không
biết làm thế nào, không nghĩ ra cách sáng tạo một không gian mới. Con
người vì sao phải tu hành? Đấy là do hy vọng có được cải cách và sáng tạo
trong nội tâm, có được không gian mới trong nội tâm.
TÌM RA CỦA BÁU
TRONG MÌNH VÀ ĐẦU MỐI CỦA BẢY TÌNH^
Bảy tình là hỷ, nộ, ai, lạc,
ái, ố, dục. Tức là bảy phản ứng tình cảm của con người. Theo Phật giáo thì
bản chất của bảy tình là một. Vì bản chất của chúng là một cho nên chúng
ta có thể kết luận: “Chỉ có người khóc rất tốt mới cười được rất tốt”.
Khóc và cười, bản chất là một.
Nếu chúng ta không biết khóc cho tốt thì chúng ta cũng không biết thế nào
là cười cho tốt vì khóc và cười là cùng một đầu mối. Nếu chúng ta tìm được
đầu mối ấy, thì khi chúng ta sướng (hỉ), chúng ta sẽ sướng rất tốt, khi
chúng ta giận (nộ), chúng ta sẽ giận rất tốt; khi chúng ta bi ai (ai),
chúng ta sẽ bi ai rất tốt; khi chúng ta vui (lạc), chúng ta sẽ vui rất
tốt. Chú ng ta có cảm thọ gì cũng đều cảm thọ rất tốt, chứ không phải là
vì học Phật mà chúng ta biến thành người hoàn toàn không có cảm thọ.
Nếu chúng ta học Phật mà biến
thành người hoàn toàn không có cảm thọ, như gốc cây khô thì tức là học
Phật sai rồi. Con người phải có hỉ, nộ, ai, lạc, nhưng cần biết rõ, đầu
mối của chúng là ở đâu? Nếu biết rõ đầu mối ở đâu thì sẽ không còn sợ bóng
tối nữa! Cũng như một người biết rõ cửa khóa của phòng mình ở đâu, thì dù
là đi vào một gian phòng tối om cũng không còn sợ hãi. Dù có nhắm mắt cũng
thắp được đèn sáng lên.
Chúng ta sợ bóng tối vì chúng
ta không biết cánh cửa phòng là ở đâu. Chúng ta suy nghĩ: “Ái chà tối
quá! Làm thế nào đây?” Do đó mà lo lắng sợ hãi.
Bảy vật báu là vàng, bạc, lưu
ly, mã não, xà cừ, hổ phách, thủy tinh. Các kinh Phật nói về bảy báu tuy
không giống nhau, nhưng nói chung, vật báu nào cũng đẹp đẽ, cũng rất tốt.
Vì sao bảy vật báu được nói
trong các kinh lại khác nhau? Vì rằng “báu” là do nhận định chủ
quan. Vật này, tôi cho là báu nhưng người khác lại không cho là báu.
Tôi có một người bạn. Anh ta
thích sưu tập các bô. Trong nhà tích lũy đến 40, 50 cái bô. Mỗi ngày thay
đổi dùng một cái. Anh ta cho là rất quý, còn chúng tôi thì không chịu nổi,
sao ở trong một nhà lại bày ra có nhiều bô như vậy, và vui thích gì mà
tích lũy cái bô chứ!
Thực ra, trong kinh Phật, bảy
báu chỉ có giá trị tượng trưng, tượng trưng cho những cái gì đẹp.
Nếu một người có vật báu ở
trong người thì anh ta sẽ thấy bất cứ vật gì cũng đều rất quý báu. Đó là
một sáng tạo mới, sáng tạo ra một không gian nội tại mới.
QUÉT
TRỪ MÊ CHƯỚNG ĐỂ THẤY TỰ TÁNH
TỰ TÁNH CHÍNH LÀ ĐẦU MỐI^
Vật báu ở trong chúng ta là gì?
Đầu mối của bảy tình ở trong chúng ta là gì?
Theo đạo Phật thì vật báu nội
tại, đầu mối nội tại chính là tự tánh, chính là Phật tánh.
Phật tánh là đầu mối cuối cùng
của tất cả.
Bảy báu và bảy tình cũng giống
như mây trên trời. Một người muốn nhận thức được tự tánh thì đầu tiên phải
nhận thức được ở sau đám mây có khoảng trời, phải quét sạch đám mây đi thì
sẽ thấy được bầu trời rộng lớn.
Bất quá, khi chúng ta chưa nhìn
thấy được bầu trời ở sau đám mây, chúng ta vẫn nhận định: dù có mây đen
bao phủ, dù có mưa lớn sầm sập, nhưng ở đằng sau vẫn là một bầu trời quang
đãng không có thay đổi; bầu trời đó, tự tánh đó cuối cùng là như thế nào?
Có kinh điển nào mô tả rõ nét “tự tánh” hay không?
Có một bộ kinh mô tả “tự tánh”
rất rõ ràng, có lớp lang minh bạch. Bộ kinh đó là Tâm kinh. Tâm kinh được
gọi là Kinh vương, là vua của kinh điển, được quý trọng phi thường. Tuy có
rất nhiều người hàng ngày đọc tụng Tâm kinh rất nhiều lần, thế nhưng hiểu
biết đúng đắn ý nghĩa của “Tâm kinh” thì lại có rất ít người.
Nói một cách đơn giản, nội dung
của “Tâm kinh” là giảng về cải cách và sáng tạo tâm linh.
Quán chiếu thế giới và tự thân,
khai phát ở chỗ sâu nhất. Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã ba la mật
đa thời (Tâm kinh), nghĩa là: Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành sâu sắc trí
tuệ Bát Nhã...
Thường thường nghe người ta
tụng “Tâm kinh”, đoạn cuối có câu “Yết đế yết đế, Ba la yết đế, Ba la
tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha”. Ý tứ đoạn câu này là gì? Tôi hỏi hàng
trăm người, không có người nào trả lời được.
Hằng ngày đọc tụng mà không
hiểu ý tứ câu kinh, phải chăng là uổng công. Thực sự, “Tâm kinh” ngắn và
giản dị, dễ hiểu, ý nghĩa hàm súc tinh vi. Đó là điều người học Phật không
được bỏ qua.
Dưới đây là sự giải thích giản
đơn của tôi đối với Tâm kinh, không dám so sánh với sự giải thích có mạch
lạc của các bậc sư phụ.
Câu thứ nhất của “Tâm kinh” là
Bồ Tát Quán Tự Tại.
Bồ Tát Quán Tự Tại tức là Bồ
Tát Quán Thế Âm.
Nếu ởtrong cửa hàng đồ cổ, anh
thấy tượng một vị Bồ tát, một chân duỗi ra ngoài, một chân xếp bằng trên
hoa sen, thì đó là Bồ Tát Quán Thế Âm.
Vì sao Bồ Tát Quán Tự Tại lại
có tư thế đặc biệt như vậy. Một chân hướng ra ngoài, đó là tư thế của Bồ
Tát sẵn sàng đi cứu giúp chúng sanh.
Vì sao cả hai châ n đều không
duỗi ra ngoài? Nếu cả hai chân duỗi ra ngoài, thì tốc độ đi giải cứu chúng
sanh sẽ nhanh hơn chứ? Nguyên do là, cái chân xếp tròn trên hoa sen là bất
động. Dù là trong tâm Ngài thấy có chúng sanh, Ngài vẫn an trú bất động.
Nhưng thoạt nghe tiếng kêu cứu của chúng sanh, Ngài liền nhanh chóng đứng
dậy đi cứu chúng sanh.
Trong nhà tôi, cũng có thỉnh
một tượng Bồ Tát Quán Thế âm như vậy.
Mỗi người đều biết Bồ Tát Quán
Thế Âm, sở dĩ có danh hiệu “Quán Thế Âm” là vì Ngài quán chiếu âm
thanh trong thế gian, tùy theo âm thanh mà cứu khổ chúng sanh. Một danh
hiệu khác của Ngài là “Quán Tự Tại”, cũng thường bị người ta bỏ quên. “Quán
Tự Tại” là quán chiếu thế giới nội tâm của mình mà được tự tại.
Trong phẩm “Phổ Môn Quán Thế
Âm Bồ Tát”, có sự mô tả rõ ràng sức quán chiếu rộng lớn của Bồ Tát.
Chân quán, thanh tịnh quán
Bi quán cập từ quán.
Quảng đại trí tuệ quán ,
Thường nguyện thường chiêm
ngưỡng.
Dùng văn Bạch Thoại, giải thích
các câu trên như sau:
Quán chiếu thế giới này một
cách chân thực và thanh tịnh. Quán chiếu thế giới này với trí tuệ rộng
lớn.
Quán chiếu thế giới này với
lòng bi, lòng từ.
Thường thường có nguyện vọng
như vậy.
Mỗi người đều có thể tiến vào
cảnh giới của Bồ Tát Quán Thế Âm. Năm phép quán đó gọi là “Bồ Tát Ngũ
Quán”.
Nếu biết quán chiếu một cách
rộng lớn và sâu sắc như vậy, cuối cùng sẽ được tự tại
Câu thứ hai của “Tâm kinh” là:
“Hành thâm Bát Nhã ba la mật đa thời”.
Hành thâm là càng đi, càng tiến
sâu vào thế giới nội tâm.
Trong các truyện của Thiền
Tông, có truyện của Thiền Sư Hy Vận Hoàng Bích làm tôi hết sức cảm động;
trước đây Thiền sư Hoàng Bích Hy Vận và mẹ sống nương tựa vào nhau. Nhưng
sau khi Ngài xuất gia tu hành, Ngài phải rời khỏi mẹ. Sau khi người con
độc nhất của mình ra đi tu hành, bà mẹ ngày đêm nhớ con than khóc, đến nỗi
thành mù lòa. Bà quyết tâm tìm và đoàn tụ lại với con mình, nhưng tìm sao
được vì không biết con mình ở phương xa nào mà mình thì già cả mù lòa. Bà
nghĩ một cách: Dựng một quán trà trên đường trước nhà; có Tăng sĩ đi qua
bà đều bưng nước trà mời, và giúp Tăng sĩ rửa chân. Vì Hoàng Bích chân
trái có một nốt u bà hy vọng có thể bằng cách này tìm lại được người con
của mình chăng? Nhiều năm đã trôi qua như vậy.
Hoàng Bích sau khi xuất gia
cũng rất nhớ mẹ . Có một ngày, ông tự nhiên, khô ng cố ý đi trên đường trở
về nhà. Thấy có quán trà, bèn dừng lại vào quán, ông thấy bà mẹ đã bao năm
xa cách.
Mẹ ông bưng trà cho ông uống,
sau đó lại giúp ông rửa chân. Hoàng Bích do dự hồi lâu mới đưa chân phải
cho mẹ rửa. Khi mẹ ông giúp ông rửa chân, ông nói Phật Thích Ca Mâu Ni rất
là vĩ đại. Phật Thích Ca Mâu Ni từ bỏ gia đình là vì nguyên nhân gì. Bà mẹ
rửa xong chân phải cho Hoàng Bích, muốn rửa chân trái, thì Hoàng Bích nói:
“Chân trái của tôi bị thương, không để cho bà rửa được”. Nói xong bèn đứng
dậy rút lui. Hoàng Bích đi rồi, có người nói với mẹ ông: “Người vừa mới đi
ra chính là vị Thiền sư rất vĩ đại hiện nay là Hoàng Bích Hy Vận”. Bà mẹ
khổ quá vì không đoàn tụ được với con, bèn nhảy xuống sông tự tử.
Hoàng Bích khi biết chuyện này,
chỉ nói một câu: “Chỉ khi được giải thoát mới thật sự đền ơn”.
Ôi! Tôi đọc xong truyện Thiền
sư Hoàng Bích mà toát mồ hôi như tắm. Chỉ khi được giải thoát mới thật sự
là đền ơn. Hoàng Bích đúng là một nhà tu hành vĩ đại phi thường.
Đó mới thực là “hành thâm”.
Thiền sư Hoàng Bích tuy trong nội tâm còn do dự, nhưng vẫn giữ được cảnh
giới bất động.
Nếu một người không có biện
pháp “hành thâm” cũng rất dễ thể nghiệm.
Nhớ lại lúc nhỏ, thường theo
cha lên núi Lục Quy Sơn để hái hoa lan dại. Chúng tôi mỗi người đeo một
cái thúng đi suốt hai ngày một đêm. Cậu bé nhỏ tuổi như tôi không cách nào
hiểu được vì sao cha mình phải leo núi hai ngày một đêm chỉ để hái hoa lan
dại!. Tôi hỏi cha tôi: Ba hái hoa lan dại để làm gì?
Ông trả lời: “Để về nhà thưởng
thức” .
Tôi nói: “Hoa nào mà không
thưởng thức được. Cần gì phải leo núi hai ngày một đêm liền để hái hoa lan
dại?”
Cha tôi đáp: “Đấy là vì có rất
nhiều người trước đây chưa từng biết đến hoa lan dại đẹp tuyệt vời thế
này. Vì vậy, phải hái về cho họ thưởng thức. Chỉ có đi nhiều ngày đêm, đến
những nơi không có vết chân người mới hái được thứ hoa lan dại rất đẹp và
rất quý báu này”.
Kinh nghiệm này làm cho tôi hết
sức động tâm, phải đến tận chỗ không có chân người mới thấy được cái mà
người khác không có.
Thiền Tông gọi đó là “Hướng vạn
lý vô thốn thảo xử hành khứ”. Nghĩa là đến nơi xa hàng vạn dặm không cỏ
mọc. Cũng nói: “Cao sơn đỉnh lập, thâm thâm hải đế hành” . Một mình đi
trên núi cao, và đi dưới đáy biển sâu. Cũng nói: “Độc tọa đại hùng phong
thượng”. Nghĩa là một mình ngồi trên đỉnh núi cao.
Có lầ n tôi đi thăm người bạ n
ở Bỉnh Đông. Bạn tôi dẫn tôi đi xem các cây chè dại. Loại cây chè này cao
bằng tòa nhà một lầu. Ở những nơi khác, các cây chè đều thấp bé. Bởi vì
hàng ngày, chúng bị người ta hái lá, cho nên chúng không có cơ hội để lớn
lên.
Cũng phải đi quãng đường nhiều
ngày mới đến nơi có cây chè dại mọc trên núi cao. Loại cây chè này mọc ở
đây đã hơn 100 năm rồi. Nó cho tôi một nhận thức sâu sắc: đó là “hành
thâm”, đi đến nơi sâu thẳm để có được nhận thức mới. Đương nhiên, đó chỉ
là sự phát hiện ở bên ngoài. Thế giới nội tại cũng là như vậy. Nó cũng là
không cùng tận. Hãy đi sâu hơn nữa vào nội tâm để tìm tòi. Đó chính là
hành thâm.
“Bát Nhã” là trí tuệ . “Ba
la mật” là đến bờ bên kia. “Bát Nhã ba la mật” là trí tuệ đạt
tới bờ bên kia. Còn chữ “thời” là thế nào? Khi anh hết sức chú ý làm một
việc nhất định, chuyên chú tới mức quên mình, thành ra vô tâm thì tức là
anh đã nhập vào trong thời gian. Trong cuộc sống, cũng không khó thể
nghiệm trạng thái “Vô tâm” đó.
Mùa hè nóng bức, làm việc bận
rộn suốt một ngày rồi được về nhà, tắm nước nóng, ngồi trên ghế dài rất
tiện nghi đọc một cuốn sách hay và nghe âm nhạc. Lúc ấy chính là nhập
“thời” tức là một tình trạng hết sức vô tâm, vì cả toàn thân của anh đều
thư giãn. Trên thực tế, anh đã tiến vào một thời gian khác, một không gian
khác, nó chồng lên trên cuộc sống bình thường của anh, nhưng ở một cấp độ
khác.
Tình trạng vô tâm này, dù là
rất cao quý hay rất bình thường, đều có thể xuất hiện. Trong cuộc sống, có
rất nhiều thời điểm như vậy.
Trong “Tâm kinh”, chữ “thời” là
chỉ thời điểm sanh khởi ra trí tuệ đến
bờ bên kia (cũng tức là trí tuệ
thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt, trong mát; phàm là trí tuệ tốt đẹp, đều có
thể gọi là trí tuệ đến bờ bên kia) sanh khởi ra cảnh giới tốt đẹp, thì tức
là anh tiến vào thời điểm ấy.
Nhận thức rõ nhân duyên khởi
diệt đều là tướng không, thì sẽ siêu việt được khổ đau tai nạn (Tâm kinh).
“Quán chiếu ngũ uẩn giai
không, độ nhất thiết khổ ách”. Quán chiếu 5 uẩn đều là không, thoát
khỏi mọi khổ ách.
Năm uẩn là sắc, thọ, tưởng,
hành, thức.
Sắc là hình dáng, màu sắc, hình
tượng.
Thọ là cảm thọ, cảm giác.
Tưởng là do cảm giác mà sanh ra
ý niệm.
Hành là do cảm giác, ý niệm mà
sanh ra động tác, hà nh vi, cũng gọi là mạng sống nối tiếp không dứt.
Thức là trạng thái ý thức, nảy
sinh trên cơ sở bốn uẩn nói trên.
Hãy đưa ra một ví dụ đơn giản:
Trên núi, anh thấy một đóa hoa bách hợp. Nếu anh không biết đó là hoa bách
hợp, thì anh cũng thấy đó là loài hoa màu trắng, hình dáng giống như cái
loa. Anh thấy màu sắc và hình dáng của hoa. Đó chính là sắc.
Rồi anh cảm giác thấy đóa hoa
trong sạch thuần khiết xiết bao? Đó là thọ.
Anh lại suy nghĩ: Đóa hoa thuần
khiết này thật là đẹp, tôi rất là ưa thích. Đó là tưởng.
Đóa hoa đẹp này, hãy hái nó đưa
về nhà, thực là tốt. Rồi anh hái hoa. Đó là hành.
Anh đưa đóa hoa về nhà. Người
nhà nói cho anh biết đấy là hoa bách hợp. Anh bèn đem đóa hoa hòa hợp với
từ “bách hợp”, sanh ra nhận thức đó là hoa bách hợp. Đó là thức.
Năm uẩn che mất tự tánh của
chúng ta, cũng như đám mây che bầu trời. Muốn thấy được tự tánh, phải
chiếu kiến 5 uẩn đều là không. Khi nhìn đóa hoa bách hợp, anh chỉ thấy hoa
bách hợp, không để bị ảnh hướng bởi một cái nhìn thế tục cố định nào. Giả
sử chúng ta đánh giá một đóa hoa bách hợp. Sự đánh giá của chúng ta không
làm cho hoa ấy tăng hay giảm vẻ đẹp của nó một chút nào. Thực tướng của nó
là không thay đổi. Do đó mà năm uẩn của chúng ta, sắc, thọ, tưởng, hành,
thức đối với đóa hoa là không có tác dụng. Như vậy có thể thấy rõ, 5 uẩn
chủ quan của chúng ta, sắc, thọ, tưởng, hành, thức đối với mọi sự vật
khách quan là không có tác dụng. Năm uẩn đó là “tánh không” không thể nắm
bắt. Do đó, chúng ta có nhận thức: Năm uẩn là tướng không, nó khởi và
diệt, nó không có thực thể.
Từ hoa bách hợp, tôi liên tưởng
đến cái cây, tôi trồng ở nhà, gọi là “cây bà cô” (Cô Bà Diệp). Cây này có
lá to bản. Gọi nó là cây bà cô, vì nó giống như các cô các bà, sanh sản
rất nhanh! Bà mẹ tôi lấy làm lạ hỏi: Đó là loại cây không ai cần đến cả.
Con trồng nó để làm gì?
Ngày nay, cây bà cô không có
giá trị, không ai hỏi mua nó. Nhưng, ngày xưa lá của nó có ích. Người làng
dùng lá của nó để bọc thịt lợn. Một lá bà cô có thể tách làm 2, 3 mảnh,
đem bọc các miếng thịt lợn. Dùng xong vứt xuống đất, rồi về nhà một cách
tự nhiên.
Bây giờ, toàn dùng bao ny lông.
Mua 10 gói miến là đem 10 bao nylon về nhà. Đâu đâu cũng tràn ngập bao
nylon, thực là đáng sợ. Về mặt đó mà nói, lá cây bà cô rất có giá trị.
Nhưng nếu nhìn theo góc độ khác, thì nó lại không có giá trị. Thế nhưng,
dù cho anh nhìn nó như thế nào, nó không có thay đổi, nó vẫn là lá cây bà
cô. Cây lá bà cô vẫn sinh sản nhanh, mọc khắp các nơi.
Nếu chú ng ta thấy được nhân
duyên khởi diệt như thế nào, chúng ta sẽ thấy được bầu trời ở đàng sau đám
mây 5 uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, và sẽ tiến được vào cảnh giới,
thấy 5 uẩn đều là không.
***
Độ nhất thiết khổ ách (Tâm
kinh) nghĩa là siêu việt, vượt qua mọi thống khổ và khó khăn.
Con người thấy được 5 uẩn đều
là không thì sẽ vượt qua lên trên mọi thống khổ và khó khăn.
Bởi vì thấy rõ được nhân duyên
khởi diệt như thế nào thì siêu việt thống khổ và khó khăn sẽ rất dễ dàng.
Gần đây, trên một tờ báo, tôi
có đọc một báo cáo của Thị trưởng Đài Bắc là tiên sanh Hoàng Đại Châu. Ô
ng kể chuyện ngày xưa ông thi đại học, năm thứ nhất không may, làm bài
không tốt, hỏng thi. Năm thứ hai lại thi đỗ vào trường Đại Học Nông Nghiệp
Đài Bắc. Ông nói, nhờ thi lại năm sau nên được quen biết giáo sư Lý Đăng
Huy, gây ấn tượng tốt với giáo sư Huy. Cho nên về sau, khi giáo sư Huy
nhậm chức chủ tịch tỉnh, thì mời ông làm bí thư trưởng ở phủ chủ tịch. Và
hiện nay ông chuyển sang làm thị trưởng Đài Bắc.
Từ giác độ rộng lớn của nhân
sanh mà xét, nhân duyên khởi diệt phải chăng là chuyện khó nghĩ bàn. Thành
công và thất bại, tiêu chuẩn là gì đây?
Người ta thường nói: “Thất
bại là mẹ của thành công”. Kỳ thực, thành công cũng là cha của thất
bại. Câu thứ hai này cũng quan trọng, và thường hay bị lãng quên. Nếu
không có thành công, sẽ không có thất bại. Bản chất của hai cái đó là một.
SẮC VÀ KHÔNG ĐỀU
CÓ THỂ GIÚP CHÚNG TA KHAI NGỘ^
“Xá Lợi Tử! Sắc bất dị
không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc”. (Tâm
Kinh)
Mỗi lần đọc Tâm Kinh đến câu
“Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không
tức thị sắc”, tôi cảm thấy lòng bỗng nhiên ấm áp. Tiếng gọi “Xá Lợi Tử”
của đức Phật như là văng vẳng bên tai chúng tôi. Như chính đang nhắn nhủ
và kêu gọi chúng tôi.
Xá Lợi Tử là tên Phật gọi học
trò của mình, cũng như trong kinh Kim Cang, Phật gọi Tu Bồ Đề, này Tu Bồ
Đề. Cũng như Phật gọi chúng ta: Này thiện nam tử, thiện nữ nhân! Nghe rất
là thân thiết, cảm động, không khác nào Phật nói bên tai chúng ta vậy, để
hướng dẫn tâm linh chúng ta đi theo con đường của Ngài.
Xá Lợi Tử là vị đệ tử đứng hàng
đầu về trí tuệ của Phật Thích Ca Mâu Ni. Phật Thích Ca giảng “Tâm Kinh”
cho Xá Lợi Tử nghe, điều này chứng tỏ Tâm Kinh là bộ kinh bao hàm trí tuệ
rất cao siêu phi phàm.
Tên Xá Lợi Tử là do người mẹ,
khi có thai ông, bỗng nhiên trí tuệ bộc phát, trở thành thông minh lạ
thường, lại nói năng biện luận rất hoạt bát. Vì vậy người ta gọi bà là Xá
Lợi. Xá Lợi chữ phạn là mắt con chim linh thứu. Linh thứu là con chim ưng
bay cao trên hư không, có con mắt rất sắc sảo dù bay ở độ cao hàng nghìn
thước vẫn nhìn thấy được con người và chuột chạy trên thảo nguyên. Do đó ,
đem mắt con linh thứu ví với trí tuệ sáng suốt vô cùng. Bà Xá Lợi sanh ra
con trai gọi là Xá Lợi Tử (con trai bà Xá Lợi), cũng là người có trí tuệ
phi thường..
Phật nói với ông Xá Lợi Tử
rằng: Sắc và không là hai mặt của một thể.
Hãy trở lại với ví dụ hoa bách
hợp. Khi chúng ta nhìn đóa hoa bách hợp, thì trên thực tế cũng đã thấy nó
khô héo. Vì sao nói như vậy? Vì đóa hoa ấy do nhân duyên hòa hợp mà sanh
ra, và khi nhân duyên ly tán thì nó cũng mất. Do có đủ nhân duyên trong
một thời điểm nhất định mà có đóa hoa. Đóa hoa ấy trên sự thật là không có
thực thể.
“Sắc tức thị không, không
tức thị sắc” hai cái đó không có phân biệt, không có sự khác biệt về
tầng thứ cao thấp. Tất cả đều xuất phát từ hư không và sẽ trở vào hư không.
Ngộ được đạo lý ấy sẽ nắm được
tâm mình.
Biết được sắc là không, cho nên
sẽ không bị sắc chuyển. Vì biết rằng mọi vật chất và hình tướng, tất cả
đều là không.
Biết được không tức là sắc, thì
sẽ không xem nhẹ vật chất và hình tướng. Đó là điều rất trọng yếu. Nếu chỉ
biết sắc tức là không, thì đó là thấy cây mà không thấy rừng.
Kinh “Hoa Nghiêm”, đem
thế giới chia làm ba thế gian: Thế gian thứ nhất là khí thế gian, là thế
gian vật chất, thế gian của sắc. Thế gian thứ hai là thế gian hữu tình, là
thế giới có cảm tình. Thế gian thứ ba là thế gian chánh giác (sự giác ngộ
chân chánh), là thế gian không tánh.
Kỳ thực, sắc tức là thế gian
vật chất. Không tức là thế gian chánh giác. Còn hữu tình thì nằm ở giữa
sắc và không, nếu hữu tình mà có thể chuyển được khí, thì có thể nhập vào
thế gian chánh giác; nếu mà hữu tình lại bị khí chuyển thì nó nhập vào thế
giới của sắc.
Sắc và không vốn là hai mặt của
cùng một thể. Nhưng, sắc cũng có giá trị của sắc, không thể đoạn trừ nó
toàn bộ được. Tất cả những hình dáng và vật chất của thế gian này đều có
thể được dùng để giúp cho chúng ta khai ngộ.
Tập “Truyện Tỷ Kheo Ni”
có câu chuyện sau đây, có khả năng giúp chúng ta khai ngộ:
Có một thiếu nữ xinh đẹp muốn
tu hành. Nhưng cô đẹp tới mức bản thân cô cũng lo lắng sợ mình không tu
hành được. Do đó, cô lấy than nung đỏ hủy sắc đẹp của mình đi, để có thể
chuyên tâm tu hành.
Đọc câu chuyện trên, tôi rất là
cảm động, nghĩ rằng cô thiếu nữ đã xử sự quá ư cực đoan.
Có bộ mặt đẹp, ai thấy cũng ưa
thích, có phải là rất tốt không? Đáng tiếc là cô ta chỉ thấy một chiều sắc
tức thị không, sợ mình quá đẹp, sợ sắc đẹp của mình gây họa cho thế gian,
cho nên không tiếc mà hủy bộ mặt của mình! Hãy nghĩ xem! Bộ mặt sau khi bị
hủy, trở thành đáng sợ, khiến ai thấy cũng khiếp? Như vậy lại càng gây tai
họa.
CHUYỂN NGU
MUỘI THÀNH TRÍ TUỆ^
Thọ tưởng hành thức diệc
phục như thị. Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất
cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm
(Tâm Kinh)
Thọ, tưởng, hành, thức cũng là
như vậy. Này Xá Lợi Tử, đó là các pháp có tánh không sinh, không diệt,
không bẩn, không sạch, không tăng, không giảm...
Đối với cảm thọ, tưởng niệm,
hành vi, ý thức cũng giống như màu sắc tướng mạo không được bỏ qua mà cũng
không được chấp là có thực.
Trong kinh điển Phật giáo, biến
5 độc thành 5 trí, cho rằng 5 độc và 5 trí không khác gì nhau. Đem 5 độc,
tức tham, sân, si, mạn, nghi của chúng ta chuyển thành trí tuệ. Bởi vì khi
chúng ta nhìn rõ được tham, sân, si, mạn, nghi của chúng ta thì có thể nói
đó là bước tiến bộ lớn về trí tuệ rồi.
Vì vậy đừng có sợ tham, sân,
si, đó là bước tiến bộ lớn về trí tuệ rồi.
Chỉ có điều đáng tiếc là người
ta thường bị vướng mắc vào tướng giả dối của tham, sân, si, mạn, nghi
không có cách nào thoát ra được. Thậm chí, vướng mắc ngày càng nặng, đến
mức đánh mất cả lý trí.
Có câu chuyện hài hước về một
người phụ nữ tính rất hay ghen tuông. Cô ta không bao giờ an tâm khi chồng
đi ra ngoài. Mỗi lần chồng đi đâu thì cô ta hết sức lo lắng, chỉ sợ chồng
có bồ. Mỗi lần chồng về, cô lập tức tra hỏi, kiểm tra trên người có sợi
tóc dài nào của phụ nữ không, có dấu môi son không. Chỉ cần tìm ra được
dấu vết dù là nhỏ xíu, cô ta cũng làm toáng lên.
Về sau, cô ta không tìm thấy
trên quần áo chồng một sợi tóc hay một vết son môi nào nữa nhưng cô vẫn
không chịu, tiếp tục kiểm tra thêm bảy ngày nữa, cùng không có gì. Nhưng
cô vợ đã không vì vậy mà được an ủi, lại còn khóc rống lên. Người chồng
không hiểu lý do và hỏi cô: “Em vì sao mà khóc to dữ vậy, đáng lẽ em phải
vui thích mới đúng chứ. Em thấy độ này anh tốt đấy chứ, có đi ra ngoài tìm
hoa thơm cỏ lạ gì đâu”. Nào ngờ cô vợ càng khóc to hơn và nói: “Nào ngờ
anh đọa lạc đến mức cả đàn bà hói tóc mà anh cũng yêu được”.
Tất nhiên, đây chỉ là một câu
chuyện đùa không xứng đáng để bàn! Chỉ cần nhớ rằng, khi một người đã
vướng mắc vào lòng ghen tuông thì có thể trở thành một người hoàn toàn mất
trí khôn.
Do đó, chúng ta cần luôn giữ
thái độ rất sáng suốt. Đó là thái độ tốt đẹp nhất.
Thọ, tưởng, hành, thức... kỳ
thực đều là không. Điều này gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ mới.
Sáng suốt thấy rõ bản thân
mình.
Trước khi sanh và sau khi chết.
“Thị cố, không trung vô sắc,
vô thọ, tưởng, hành, thức, vô nhãn, nhĩ tỷ, thiệt, thân, ý, vô sắc, thanh,
hương, vị, xúc, pháp, vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới. Vô vô minh
diệc vô vô minh tận. Nải chí vô lão tứ, diệc vô lão tử tận. Vô khổ tập
diệt đạo. Vô trí, diệc vô đắc” (Tâm Kinh).
Dịch: “Vì vậy ở trong không,
không có sắc không có thọ, tuởng hành, thức. Không có mắt, tai, mũi, lưỡi,
thân, ý. Không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không có nhãn giới cho
đến ý thức giới. Không có vô minh, cũng không có sự đoạn tận vô minh. Cho
đến không có già chết, cũng không có sự đoạn tận già chết. Không có khổ,
tập, diệt, đạo. Không có trí, cũng không có gì sở đắc”.
Một người, nếu có thể đột phá
được sắc thọ, tưởng, hành, thức tức là 5 uẩn thì sẽ không bị lay chuyển
bởi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng sẽ không bị lay chuyển bởi sắc,
thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Hoàn toàn không bị lay chuyển,
tức là nhập vào cảnh giới không sinh, không diệt, không sạch, không bẩn,
không tăng, không giảm, cũng không có việc đoạn tận vô minh, không có việc
đoạn tận già chết, cũng không có trí, và không có gì là sở đắc. Không có
một cái gì đặc biệt gọi là trí tuệ, không có một cái gì đặc biệt gọi là sở
đắc. Tất cả đều là không, đều ở trong phạm vi không.
Tiến vào phạm vi vô tâm và tánh
không, quét sạch mọi chướng ngại về tư tưởng, ý thức, hành vi, cảm thọ,
hình dáng, màu sắc và sẽ phát hiện tất cả chỉ là biến chuyển, vô thường và
sinh diệt mà thôi.
Thế nhưng, điều quan trọng nhất
là trong cái sanh diệt biến chuyển vô thường đó, vẫn có một cái gì không
thay đổi, đó là tự tánh.
Người phụ nữ, thức dậy buổi
sáng, thường chải tóc trước gương. Không biết có một người phụ nữ nào cầm
cái gương và tự hỏi: “Con người trong gương có phải là ta không?”
Nếu trả lời khẳng định là phải,
thì người phụ nữ làm sao mà biết được người trong gương chính là cô ta. Sự
thực, từ khi sinh ra cho tới nay, 20 tuổi, 30 tuổi, cô ta đã thay đổi quá
nhiều rồi. Và sự thay đổi ấy nay vẫn tiếp tục.
Theo các nhà khoa học nghiên
cứu, thì cứ qua 7 năm, tất cả tế bào trong thân người đều chết, và đổi mới
hoàn toàn. Nói một cách khác, cứ 7 năm một lần, thân chúng ta có một sự
thay đổi hoàn toàn, không còn có một tế bào nào của cái thân 7 năm trước
tồn tại nữa.
Thân và tâm biến đổi mau lẹ như
vậy, con người dựa vào đâu mà nói rằng “Đây là ta”.
Có lần tôi về làng, mẹ tôi đưa
cho tôi xem một số bức ảnh cũ, bảo tôi tìm xem trong đám trẻ con chụp
chung trong bức ảnh, ai là tôi? Tôi tìm mãi không ra. Đó là 18 anh chị em
rất giống nhau. Tôi tìm hồi lâu mà không biết ai là mình trong đám trẻ
con. Cuối cùng tìm được mừng rỡ, chỉ cho mẹ xem “Đây là con!” Bà mẹ
nói: “Không phải, người đứng bên cạnh mới là con!”.
Thay đổi nhiều như vậy, đến bản
thân mình cũng không nhận ra nữa!
Nếu anh không tin thì hãy làm
thử xem! Anh lấy một bức ảnh của anh lúc còn nhỏ, đưa cho người khác xem
và hỏi họ ai đấy. Chắc chắn, không ai biết người trong ảnh chính là anh,
trừ phi là người biết rõ anh, đã theo dõi anh lớn lên như thế nào.
Bởi vì, khi lớn lên, con người
chúng ta có sự thay đổi rất lớn.
Ở đây chúng ta dựa vào đâu để
nói: “Chúng ta tồn tại?”. Để nói, con người thấy trong gương mỗi
buổi sáng đú ng là ta?
Dựa vào một cái trước không
sanh, không diệt, không tăng, không giảm.
Đáng tiếc là, người ta tuy biết
là cái đó tồn tại, nhưng lại không nhận thức được rõ.
Cái đó là tự tánh. Nó ẩn sâu ở
trong chúng ta: Chúng ta cảm thọ được nó, biết nó, nó chính là cái thật
của chúng ta.
Dù chúng ta có béo lên 10 cân,
chúng ta vẫn biết đó là chúng ta. Trên thế giới, không có một người nào,
sau khi điều trị gầy đi lại không còn nhận ra mình nữa!
Từ 1 tuổi đến 100 tuổi, trong
quá trình lớn lên đó, chúng ta biết có một cái ta. Tự tánh của chúng ta
không có thay đổi và tăng giảm. Nó không những không tăng giảm, không sinh
diệt, mà còn vĩnh viễn duy trì trạng thái vốn có của mình.
Hãy suy nghĩ xa thêm nữa! Trước
khi ta sinh ra, nhất định cái ta đó vẫn thế, và sau khi ta chết đi, thì
cái ta đó vẫn như thế!
Thấy được cái ta trước khi cha
mẹ sinh ra, tức là thấy được “bộ mặt vốn có của mình trước khi cha mẹ
sinh ra”, tức là thấy được cái ta, trước khi chúng ta sinh ra ở thế
giới này.
Thấy rõ được cái ta sau khi
chết, tức là biết được nơi tái sanh tương lai của ta, biết được cái ta vị
lai, nơi chúng ta thừa nguyện mà đến.
Thấy biết được cái ta trước khi
sanh và sau khi chết, tức là giác ngộ cứu kính, tức là không sanh, không
diệt nữa. Ngay khi chúng ta không còn ở thế giới này nữa, tự tánh của
chúng ta vẫn tồn tại.
ĐI TÌM CẢNH GIỚI
VÔ TÂM^
“Dĩ vô sớ đắc cố, Bồ đề tát
đỏa, y bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quá ngại, vô hữu khủng bố, viễn ly
điên đảo mộng tưởng, cứu kính Niết Bàn”.
Dịch: “Vì không có sở đắc,
cho nên vị Bồ Tát, nhờ dựa vào trí tuệ Bát Nhã ba la mật, mà tâm không bị
chướng ngại, không có lo sợ, xa rời mọi điên đảo mộng tưởng, đạt tới cảnh
giới Niết Bàn cứu kính”.
Mỗi lần đọc lại đoạn “Tâm
Kinh” này, tôi đều tán thán, ca ngợi đoạn này thực là hay!
Bồ đề tát đỏa là Bồ tát. Dịch
nghĩa là chúng sanh hữu tình được giác ngộ. Chúng sanh hữu tình, dựa vào
trí tuệ thanh tịnh, hoàn thiện, nên trong tâm không bị chướng ngại gì nữa,
vì không có chướng ngại cho nên tâm cũng không có lo sợ, và do đó không có
vọng tướng điên đảo.
Không bị chướng ngại, không có
lo sợ. Sự thực, đó là điều rất dễ hiểu. Đối với một vật gì không gây trở
ngại đối với chúng ta thì chúng ta không còn sợ hãi đối với vật ấy nữa.
Cũng giống như con gái nhỏ của
tôi, đi công ty Bách hóa, thấy có món hàng rất ưa thích, muốn mua nhưng
tiền trong túi không đủ. Chạy về nhà lấy đủ tiền ra thì có người khác mua
mất rồi. Cứ tiếc mãi, sao lúc ban đầu ra cửa hàng Bách hóa lại không mang
đủ tiền. Tại sao lòng cô bé lại hối tiếc, là vì trong tâm của nó có vướng
mắc (với món hàng nó thích mua). Nếu không có vướng mắc thì sẽ không còn
sợ hãi, hối tiếc nữa.
Tôi thi vào đại học ba năm
liền. Năm đầu thi hỏng, rất khổ tâm. Năm thứ hai thi hỏng nhưng không có
khổ tâm gì, vì trong tâm không còn vướng mắc nữa, không còn lo sợ. Năm thứ
ba, thi đỗ đúng vào bộ môn mình ước mong tức là khoa điện ảnh. Về nhà, tôi
mua bánh pháo dài, treo từ lầu 4 xuống, đốt lên để khao! Anh, chị em tôi
đều đến chúc mừng, vì tôi thi đỗ vào bộ môn mà tôi thích.
Nhưng trên báo chí, có thể đọc
tin học sinh thi vào đại học, không trúng vào môn học ưa thích của mình mà
cũng nhảy xuống sông tự sát! Đó là do trong tâm có vướng mắc. Vì vướng mắc
cho nên sanh ra lo âu, sợ hãi và cuối cùng chọn con đường chết. Thật là sự
kiện đáng tiếc.
Vì vậy đối với sự vật càng
không vướng mắc, thì càng khỏi lo âu sợ hãi nữa.
Làm thế nào để bớt vướng mắc?
Câu trả lời là phải có trí tuệ Ba la mật, tức là tâm thanh tịnh, trí tuệ
thanh tịnh “đến bờ bên kia” (đáo bỉ ngạn). Nếu trí tuệ của anh rất
rộng lớn thì anh sẽ bớt bị vướng mắc vào những chuyện nhỏ. Mất đi một viên
đá kim cương, anh cũng không hối tiếc. Vì thật ra đối với người có trí, đá kim
cương cũng như đá thường có khác biệt gì nhau. Kinh “42 chương” nói
rất hay: “Đối với bậc có trí thì xem vàng và đá như nhau” (Kim
thạch đồng nhất quán). Người có trí tuệ thì xem viên đá thường và đá kim
cương cũng như nhau mà thôi.
Có viên đá kim cương, anh sẽ lo
lắng bị mất, có viên đá thường, anh sẽ không lo lắng gì hết.
Tôi rất thích sưu tập các hòn
đá. Có khi cùng con về làng, tải một bọc đá đem về nhà, cùng nhau rửa ở
sân. Tôi hỏi con tôi: “Hòn đá này đẹp không?”. Con tôi nói không
đẹp. Thế là tôi vứt đi. Nó cũng cầm một hòn đá lên hỏi tôi: “Hòn đá đẹp
không ba?”. Tôi nói không đẹp, nó cũng vứt ra một bên. Nếu cả hai đồng
ý cho là đẹp, thì giữ hòn đá lại. Trong quá trình chọn đá, tôi không bị
vướng mắc vào cái gì hết. Không có chuyện vứt một hòn đá mà không đành,
giữ một hòn mà không muốn.
Các hòn đá được giữ lại rất
nhiều, các bạn bè xem ai cũng ưa.
Tôi lại cùng với bạn bè đi nhặt
các hòn đá, và cùng nhau lựa chọn. Bạn tôi rất ưa thích các hòn đá, cho
nên sưu tầm và chọn lựa rất là cao hứng, nhiệt tình. Còn tôi thì bỏ hòn đá
nào cũng được, tôi không có thắc mắc, vì các hòn đá đối với tôi không có
gì là quan trọng.
Tôi yêu cuộc sống, nhưng cuộc
sống cũng không làm tôi vướng mắc, bởi vì nội tâm tôi thanh tịnh trong
sáng.
Nếu tâm thanh tịnh thì không có
vướng mắc. Không vướng mắc thì không lo sợ xa lìa điên đảo vọng tưởng. Nhờ
đó mà ngủ rất ngon và rất ngon giấc.
Không để tâm nơi ngủ thì ngủ sẽ
rất tốt. Nếu để tâm nơi ngủ thì sẽ mất ngủ. Điên đảo mộng tưởng là do có
để tâm. Có để tâm thì sẽ không thanh tịnh.
NIỆM CHÚ, KHÔNG
BẰNG ĐẦU TIÊN HÃY MỞ MANG TRÍ TUỆ NỘI TẠI CỦA MÌNH^
“Tam thế chư Phật, y Bát nhã
ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề. Cổ tri Bát nhã ba la
mật đa thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng
đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ. Chân thực bất hư, cố thuyết Bát nhã ba
la mật đa chú. Tức thuyết chú viết: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la
tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha”.
Dịch: “Cho nên chư Phật
trong ba đời đều dựa vào trí tuệ Bát Nhã ba la mật mà chứng được đạo Bồ đề
vô thượng. Cho nên biết rằng trí tuệ Ba la mật là đại thần chú, đại minh
chú, vô thượng chú, là câu chú không gì so sánh được; có thể đoạn trừ mọi
đau khổ, chân thực không hư vọng. Vì vậy mà nói câu chú Bát Nhã ba la mật
đa, nói câu rằng: Yết đế, yết đế, ba 1a yết đế ba la tăng yết đế, Bồ đề
tát bà ha”.
Chư Phật ba đời, đại biểu cho
tất cả các chư Phật đã từng tồn tại ở thế gian này, đang tồn tại ở thế
giới này, và cả các chư Phật sẽ thành đạo trong tương lai.
Tất cả các đức Phật trong ba
đời đều dựa vào Trí tuệ Bát Nhã ba la mật đa, trí tuệ thanh tịnh “Đến
bờ bên kia” để chứng đạo Bồ đề vô thượng (Vô thượng chánh đẳng chánh
giác), là sự giác ngộ thanh tịnh, cao nhất, tức là cảnh giới Niết Bàn.
Theo Phật giáo thì quá trình
vãng sanh qua cõi Tịnh Độ rất là nhanh chóng, cõi này mất, cõi kia (Tịnh
Độ) hiện ra trước mắt.
Hoa sen biểu trưng cho tâm, Hoa
sen của một người ớ bờ bên này (bờ sanh tử, bờ khổ đau) diệt thì hoa sen ở
bờ bên kia sinh ra. Thực ra, đó là cùng một đóa hoa sen.
Bờ bên kia cũng là bờ bên này,
không có phân biệt. Hoa sen của chúng ta ở đây mềm mại, thơm tho thì hoa
sen ở Tịnh Độ cũng mềm mại, thơm tho như thế. Đó là do cõi này mất thì cõi
kia hiện, giữa hai bên không có sự khác biệt về thời gian và không gian.
Các đức Phật trong ba đời, vì
đã đoạn trừ sự khác biệt về bờ bên này, bờ bên kia, thời gian, không gian
mà chứng được vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Cho nên, biết được Bát nhã ba
la mật đa là đại thần chú có thể đoạn trừ mọi thống khổ, là chân thực,
không hư vọng. Phật Thích Ca dạy chúng ta rằng Bát nhã ba la mật đa là trí
tuệ đến bờ bên kia, là trí tuệ cao nhất, sáng suốt nhất, không có gì hơn,
không có gì để so sánh đặng, nó có thể giải thoát chúng ta ra khỏi mọi
thống khổ. Dù chúng ta có niệm thần chú gì cũng không quan trọng bằng khai
phát trí tuệ “đến bờ bên kia” tức là trí tuệ hoàn thiện.
Trí tuệ “Đến bờ bên kia”
chính là câu thần chú tốt đẹp nhất. Nếu chúng ta muốn niệm chú, thì không
gì bằng trước hết chúng ta hãy khai phát trí tuệ nội tại của chúng ta.
Chúng ta thường niệm chú “úm
ma ni bát mê hồng”, dịch theo tiếng Bạch Thoại là: Cầu cho hoa sen nở
ra. Ý nghĩa câu chú này thực là tốt đẹp. Không có một câu thần chú nào tốt
hơn việc mong cầu khai mở hoa sen trong nội tâ m chúng ta.
Dù cho hiện nay, anh niệm câu
thần chú gì, lên khóa lễ sớm chiều như thế nào, tụng kinh gì, trước hết là
phải khai phát trí tuệ, trí tuệ thanh tịnh dẫn tới bờ bên kia.
THỂ NGHIỆM, THỂ
NGHIỆM, THỂ NGHIỆM NGÀY CÀNG SÂU SẮC^
“Cố thuyết Bát Nhã ba la mật
đa chú, tức thuyết chú viết: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết
đế, bồ đề tát bà ha” (Tâm Kinh)
Dịch: “Cho nên nói câu chú
Bát Nhã ba la mật đa, tức nói câu chú rằng: yết đế, yết đế... tát bà ha”.
Yết đế, chữ Phạn nghĩa là thể
nghiệm. Ý tứ của câu chú là : “Thể nghiệm, hãy thể nghiệm, thể nghiệm
theo chiều sâu, thể nghiệm sâu sắc hơn nữa”.
Bồ đề là trí tuệ. Tát bà ha là
câu xưng thán.
Câu xưng thán hay nhất là gì?
Đại khái là: “Muôn năm, muôn muôn năm!”
Bồ đề muôn năm! Muôn muôn năm!
Câu chú thật là tốt đẹp!
Thể nghiệm là phương pháp duy
nhất để khai phát trí tuệ Bát Nhã ba la mật đa, không còn có phương pháp
nào khác. Đó là luận điểm rất trọng yếu, kết thúc bài “Tâm Kinh”
không được quên!
Thể nghiệm là gì?
Thể nghiệm cuộc sống của anh!
Thể nghiệm những thất bại mà anh đã gặp phải, thể nghiệm sắc, thọ, tưởng,
hành, thức của anh, thể nghiệm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của anh, thể
nghiệm sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp của anh, thể nghiệm tất cả những
cảnh ngộ anh gặp phải trên thế gian này.
Sau khi thể nghiệm rồi, vẫn
chưa đủ. Phải tiếp tục thể nghiệm nữa. Thể nghiệm sâu hơn nữa tất cả những
sự kiện đó xem có ý nghĩa gì?
Thể nghiệm ý nghĩa của tất cả
những sự kiện đó rồi lại đi sâu phát hiện giá trị của chúng là gì, và dùng
giá trị đó để khai phát trí tuệ.
Sau khi anh thể nghiệm sâu sắc
và thể hội được tánh không của những sự kiện đó, anh sẽ hô to: Bồ đề muôn
năm! Muôn năm, muôn muôn năm!
Bồ đề có rất nhiều ý nghĩa. Nó
nói lên sự giác ngộ, lòng từ bi, trí tuệ quang minh, vô lượng. Tất cả
những trí tuệ đó đều gọi là Bồ đề. Thực là chuyện phi thường, khiến chúng
ta không thể không ca ngợi, và hô: muôn năm, muôn năm, muôn muôn năm! Vì
vậy, chúng ta hãy theo gót chân Phật, tiến tới cảnh giới Bồ đề!
ĐỪNG
NHÌN PHẬT GIÁO QUA HÌNH TƯỚNG^
Giải thích “Tâm Kinh”
một cách đơn giản phi thường như vậy, là hy vọng mọi người, thông qua sự
giải thích đó mà hiểu được “Tâm” là điều hết sức quan trọng.
Trong số kinh điển bàn về “Thực
tướng của Tâm”, hai bộ “Tâm Kinh” và “Kim Cương Kinh”là
tương đối đơn giản nhất.
Về thực tướng của tâm thì trong
kinh Kim Cương có câu: “Phàm sở hữu tướng, giai thuộc hư vọng”.
Nghĩa là cái gì có tướng trạng, đều thuộc hư vọng, cũng phù hợp với nội
dung của “Tâm Kinh”. Nó dạy chúng ta không được chấp thủ “tướng”
của sinh mạng và sinh hoạt. Bởi vì tất cả mọi tướng đều là hư vọng. Thậm
chí, cũng không được chấp tướng của cõi Tịnh Độ, vì rằng tướng của cõi
Tịnh Độ cũng là hư vọng. Bờ này tức là bờ kia, không có khác biệt.
Thiền sư Không Hải có để lại
một số câu gây ấn tượng rất sâu sắc: “Không có bờ này, cũng không có bờ
kia. Trốn bỏ đời sống này, sẽ không có đời sống kế tiêp. Bờ này tức là bờ
kia”.
Cũng giống với câu trong kinh
Kim Cương: “Tất cả các pháp hữu vi đều như mộng huyễn, bóng nước, như
ảnh trong gương, như chớp nên quan sát như vậy”.
Chỉ cần suy nghĩ câu kệ đó theo
chiều sâu thì sẽ thấy Bát nhã ba la mật đa là ở đấy!
Trong kinh Kim Cương, còn có
một câu nữa rất hay: “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị
nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”.
Ý tứ câu kệ là : “Nếu các
người dùng tướng để thấy Ta, dùng âm thanh để cầu Ta, thì tức là các người
muốn đi con đường vòng, không đúng và sẽ không thấy được Như Lai”. Bởi
vì cái Ta thực, tức Như Lai không phải thuộc loại màu sắc, tướng trạng,
không phải là một thứ chủ nghĩa hình thức, không phải là cội nguồn đem lại
cho chúng ta đau khổ. Như Lai chính là Phật tánh, là cái Ta thực vốn có
của chúng ta.
Giả sử có một người học Phật mà
lại bị đau khổ, vì vướng mắc vào chủ nghĩa hình thức, thì người ấy hãy
tụng “Kinh Kim Cương”, tụng “Tâm Kinh” , sẽ hiểu được ý
nghĩa chân thực của những kinh đó, đoạn trừ được sự chấp thủ đối vớí sinh
mạng, thấy được tánh không là cái cơ bản nhất, cũng tức là thấy tự tánh.
Nếu thấy được tự tánh thì trên
thế giới này, sẽ không có cái gì ràng buộc được chúng ta, áp bức được
chúng ta, làm chúng ta mất tự tại. Chúng ta đã tiến vào cảnh giới tự do,
tự tại.
VĨNH VIỄN ĐỂ LẠI CHÚT TÌNH
CẢM Ở NHÂN GIAN^
Đừng có sợ học Phật, đừng có
cho rằng Phật giáo là khó hiểu, giới luật là đáng sợ.
Luật Tông giả ng giới luật nói
câu “A La Hán không ngủ ba đêm liền ở một gốc cây dâu, để khỏi vướng
mắc tình cảm đối với gốc cây dâu”. Nếu sống theo giới luật đó thì phải
chăng mỗi ngày chúng ta phải thay đổi giường nằm để khỏi vướ ng mắc tình cảm
đối với giường ngủ?
Lại nói Bồ tát không được nghe
tiếng vòng đeo của phụ nữ ở cách tường. Vì rằng nghe tiếng vòng đeo lẻng
xẻng thì sẽ nghĩ tới đàn bà, tức là phạm giới.
Những giới luật như thế làm cho
người học Phật có nỗi sợ rất lớn: Liệu chúng ta đi vào thế giới Phật giáo
có phải tuân thủ những giới luật như vậy hay không? Ta và gia đình ta có
bị áp lực như vậy hay không?
Không can hệ gì! Chỉ cần chúng
ta khai phát tự tánh, nhận thức được trí tuệ Bát nhã ba la mật, thì chúng
ta sẽ được tự tại không còn lo sợ gì!
Tiếng vòng đeo của phụ nữ nghe
cũng êm tai, chứ có sao? Giữ lại chút tình cảm đối với gốc dâu cũng
không có gì là không tốt.
Trong Kinh Hoa Nghiêm có câu: “Bồ
tát vĩnh viễn để lại nhân gian một chút tình cảm”.
Vì sao? Vì nếu không lưu lại
nhân gian một chút tình cảm thì sẽ không trở lại nhân gian nữa!
Vì vậy, đừng có e ngại để lại
tình cảm! Đừng có sợ tiếp xúc với mọi sự ở nhân gian. Phải đối đãi mọi sự
vật với thái độ sáng suốt.
Thái độ sáng suốt tức là giác
ngộ, khai phát tự tánh của chúng ta. Quán chiếu, duy trì trí tuệ Bát Nhã
ba la mật, tiến trên con đường dẫn tới “bờ bên kia”.
CUỘC SỐNG HIỆN NAY, THẾ GIỚI
HIỆN NAY^
CHỚ QUÊN CUỘC SỐNG HIỆN NAY
Khi tôi nghĩ tới chủ đề “Cuộc
sống hiện nay, thế giới hiện nay”, nghĩ tới con người luôn luôn bị
thời gian, cuộc sống thúc đẩy, tôi liền nghĩ rằng cuộc sống này, đời sống
này phải chăng cũng như thế ư? Có khi chưa kịp nghĩ ngợi, suy xét một số
vấn đề thì thời gian đã trôi qua rồi. Nói chung, cũng vì lẽ đó mà có rất
nhiều người sắp xếp “kế hoạch đời sống”, “quy hoạch thời gian”.
Điều vô lý là, dù anh có sắp xếp tốt đẹp thế nào, quy hoạch hoàn thiện thế
nào, thời gian vẫn vô tình trôi qua, từng giây, từng phút.
Vì vậy đừng quên phải làm một
cái gì đó, cho cuộc sống hiện tại của mình.
Từ khi tôi học Phật đến nay,
thường xuyên có người đến bày tỏ nỗi khổ với tôi: Vì sao, trước khi học
Phật, tôi rất vui vẻ, sau khi học Phật, tôi lại cảm thấy đau khổ, nguyên nhân
là đâu?
Có một ngày, khi tôi đang đi bộ
theo con đường Đôn Hóa Nam, thì gặp một nữ sĩ, trạc tuổi tôi. Cô ta chạy
theo tôi và hỏi: Ông có phải là Lâm Thanh Huyền không?
Tôi trả lời: “Phải”
Cô ta nói: “Hay thật! Tôi đang
định gọi điện thoại nhờ ông giúp đỡ, nào ngờ được gặp ông ở đây”.
Tôi hỏi: “Cô có chuyện gì thế?”
Cô ta nói: “Tôi cảm thấy, trước
khi học Phật, tôi còn sống rất sung sướng, nhưng nay sau khi học Phật lại
sống rất đau khổ”.
Tôi lại hỏi: “Vì sao cô lại
khổ?”
Cô ta nói: “Tôi mỗi ngày đều
lên khóa lễ sớm và chiều, mỗi buổi một giờ. Chồng tôi không tán thành tôi
lên hai khóa lễ sớm và chiều, cho rằng tôi bỏ mất quá nhiều thời gian vào
một việc vô ích. Con trai tôi thích nghe loại nhạc sôi động ồn ào, nhưng
cả nhà tôi chỉ có một đài nghe mà thôi. Khi tôi lên khóa lễ sớm và chiều
thì con tôi không nghe nhạc được, thường do đó mà sanh ra mâu thuẫn. Ngày
nào, trong khi nấu cơm tôi đều niệm Nam Mô A Di Đà Phật, có lúc không chú
ý, bàn tay bị bỏng...”
Cô ấy cũng thật lạ. Vì sao, sau
khi học Phật, lại cảm thấy cuộc sống đau khổ không tự tại, lại không có
cách gì sống êm đẹp với người trong nhà.
Trước hết, tôi hỏi cô ta một số
vấn đề. Câu hỏi thứ nhất: “Vì sao cô lại niệm danh hiệu Phật A Di Đà”. Cô
nói: “Tôi muốn cầu vãng sanh về cõi Cực Lạc phương Tây”.
Tôi lại hỏi: “Vì sao cô lên hai
khóa lễ sớm và chiều?”
Cô nói: “Vì nghiệp chướng của
tôi rất nặng, cho nên tôi phải làm công phu lên khóa lễ sớm chiều để
sám hối nghiệp chướng ngày xưa của tôi”.
Tôi nói: “Cô có nghĩ rằng nên
làm một việc gì đó cho cuộc sống hiện tại của cô hay không?”
Cô ta đứng ngây người ra. Vì cô
ta chỉ lo sám hối nghiệp chướng quá khứ, và tương lai cầu vãng sanh về thế
giới Cực Lạc phương Tây mà thôi.
Nếu người học Phật chỉ lo quá
khứ và vị lai, vậy thì, trong khoảng thời gian này, cuộc sống hiện nay,
đời anh trong hiện tại, anh làm gì?
Chớ quên cuộc sống đời này! Chớ
có lo vì sám hối quá khứ, mong đợi tương lai mà quên mất cái trọng
yếu nhất là cuộc sống hiện tại, đời sống hiện tại.
SỰ KHÁC NHAU GIỮA TẠI GIA VÀ
XUẤT GIA^
Học Phật có người là tại gia,
có người là xuất gia. Người cư sĩ tại gia khác với người xuất gia về thái
độ tu hành cơ bản và về phương pháp tu hành.
Điểm khác biệt thứ nhất: Người
xuất gia là người tu hành chuyên nghiệp, còn người tại gia tu hành nghiệp
dư.
Hiện nay, tôi là một nhà văn
chuyên nghiệp, ngày nào tôi cũng phải viết văn. Nếu không làm như thế,
tôi sẽ tự thẹn với mình. Nhưng nếu nhà văn nghiệp dư thì khác, nhà văn
nghiệp dư có thể ba năm mới viết một cuốn sách cũng có thể 30 nă m mới
viết một cuốn. Mỗi ngày chỉ cầu viết 100 chữ. Họ thực là thoải mái? Vì họ
là nghiệp dư.
Người xuất gia là chuyên nghiệp
cho nên nhiệm vụ chủ yếu là tu hành, phải để rất nhiều thời gian niệm Phật
tu hành. Người tại gia thì không như vậy vì chúng tôi là nghiệp dư, nếu
chúng tôi mỗi ngày bỏ ra 8 tiếng đồng hồ để tu hà nh thì kết quả cuối cùng
sẽ làm cảm tình vợ chồng bị đổ vỡ, con cái sẽ không còn nhận chúng tôi là
cha, là mẹ nữa, họ hàng bạn bè đều cho chúng tôi làm như vậy là không
phải. Bởi vì chúng tôi đã biến thân phận nghiệp dư thành chuyên nghiệp,
nhưng đừng có cho rằng nghiệp dư thì phải thua chuyên nghiệp. Có một số
nhà văn nghiệp dư trong cả một đời chỉ viết được một cuốn sách, nhưng
quyển đó viết rất hay. Trái lại, nhà văn chuyên nghiệp có thể trong một
năm viết đến hàng chục cuốn sách, nhưng cả đời không viết được một quyển
nào hay cả.
Điểm khác biệt thứ hai: Người
tại gia có nếp sống của người tại gia, không giống với nếp sống của người
xuất gia. Người xuất gia ở trong cảnh chùa rất yên tĩnh. Mỗi ngày, sáng
sớm 3 giờ rưỡi đã thức dậy, lên khóa lễ sớm để lạy Phật. Chúng tôi người
tại gia không có cách nào sống như vậy được, chúng tôi buổi tối có thể còn
phải làm việc mãi tới 11 giờ, 12 giờ khuya mới về. Nếu chúng tôi lại nghĩ
rằng sống như người xuất gia mới là phải, nhưng lại không thể thay đổi nếp
sống hiện tại của mình được, thế là sinh ra mâu thuẫn, xung đột lớn (với
tự thân).
TU HÀNH CHÂN CHÁNH LÀ RẤT
GIẢN ĐƠN^
Tôi cho rằng, người tại gia nên
lấy “cuộc sống” làm cơ sở cho sự tu hành, đem tu hành vào cuộc sống, chứ
không phải lấy ngôi chùa làm giới tuyến, phân biệt rành mạch hai bên: Một
bên ở trong chùa thì niệm Phật, lễ Phật sám hối, đọc kinh, như vậy mới là
tu hành, còn bên kia, ở ngoài chùa thì không phải là tu hành.
Đức Phật Thích Ca dạy rằng: Ba
điều trọng yếu nhất của tu hành là thân, miệng, ý nghĩ mà không nói là
niệm Phật, lễ Phật, đọc kinh. Nếu tu hành là ở nơi thân làm, miệng nói và
đầu óc suy nghĩ, thì có thể kết hợp được sự tu hành của chúng ta với cuộc
sống. Người tu hành cần chú ý làm cho hành vi của mình mỗi người đều trở
nên trong sạch và siêu thoát, làm cho lời nói của mình mỗi ngày đều tốt
đẹp, hiền hòa có ích đối với người khác, làm cho mỗi ý nghĩ của mình đều
thanh tịnh, thiện lành.
Tu hành chân chính thật ra rất
là giản đơn. Chỉ cần khiến cho mỗi hành vi lời nói và ý nghĩ của chúng ta
đều dần dần trở thành chân chánh, biến hành động thô bạo dễ phẫn nộ, thành
hành động hết sức ôn hòa tốt đẹp, biến lời nói khó nghe thành lời nói dịu
hiền dễ nghe, biến ý nghĩ không tốt đẹp thành ý nghĩ từ bi và siêu thoát.
Qua sự chuyển hóa đó, chúng ta
sẽ không ngừng hướng thượng và thăng hoa.
Ngoài việc hướng thượng và
thăng hoa, còn phải làm cho thân, miệng, ý nghĩ không có vướng mắc (chấp
trước) vào một sự việc đặc biệt như là sinh hoạt, sinh mạng, thậm chí cả
đến Phật pháp cũng không được chấp trước.
Trong kinh A Hàm, kể một lần có
một đệ tử hỏi Phật Thích Ca: “Bạch
Thế Tôn, giáo pháp của Thế
Tôn có thể tóm tắt nói lên bằng một câu rất đơn giản hay không?”
Phật trả lời: “Có thể”.
Đệ tử lại hỏi: “Đó là câu
gì?”
Phật nói: “Đối với tất cả,
đều không chấp trước. Đó là lời nói quan trọng nhất trong tất cả giáo pháp
của ta”. Tiếp theo Phật lại nói: “Nếu có người nào đó hiểu được câu ấy thì
sẽ tin theo toàn bộ giáo pháp của Ta, nếu có một người nào đó thực hành
được câu ấy thì tức là thực hành được toàn bộ giáo pháp của Ta”.
Ôi! Đối với tất cả đều không
được chấp trước, đức Phật Thích Ca giảng pháp thực là tuyệt vời!
Không được chấp trước đối với
pháp cũng như đối với sinh hoạt. Pháp vị tất đã tôn quý hơn sinh
hoạt. Ngồi quán tưởng Bồ tát Quán Thế Âm cũng không phải là tôn quý hơn bón
cho trẻ con ăn. Cũng như vậy, bón cho trẻ con ăn, cũng không phải là tôn
quý hơn pháp. Cả hai đều là bình đẳng. Suy nghĩ như vậy mới có thể không
còn chấp trước pháp, mới đoạn trừ được bệnh chấp trước.
TRONG SINH HOẠT TOÀN LÀ PHẬT
PHÁP^
Trên thế giới này, không có một
cái gì cố định gọi là Phật Pháp. Niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế âm,
hay là niệm câu chú Đại Minh sáu chữ cũng không phải là đại biểu cho Phật
Pháp. Vì rằng, Phật dạy: Nếu anh cho rằng, ở ngoài cuộc sống, có Phật
pháp, thì tức là trên đầu anh, anh lại đặt thêm một cái đầu nữa, mình vốn
có đầu rồi, lại đi tìm một cái đầu khác! Nếu anh không chú ý tới cuộc sống
của anh thì không thể có sự canh tân, sáng tạo và siêu việt trong thân
làm, miệng nói và đầu óc suy nghĩ, và mọi tìm tòi, yêu cầu của anh đối với
Phật pháp đều là hư vọng.
Ngài Lục Tổ Huệ Năng cũng nói:
“Phật Pháp là ở trong thế gian, không tách rời thế gian mà giác ngộ
được, tách rời thế gian mà đi tìm sự giác ngộ, cũng như tìm sừng trên đầu
con thỏ vậy”. Nếu chúng ta muốn tách khỏi thế gian này để cầu tìm sự
giác ngộ (Bồ đề) thì sẽ không khác gì đi tìm một con thỏ có sừng. Đây là
chuyện không thể có được. Trên thực tế, Bồ đề chính ở ngay trong cuộc
sống, trong những việc như khi anh cho con nhỏ của anh ăn cơm, như khi anh
nấu canh, canh ngọt mà tay không bị bỏng, ở trong tâm tình của anh, trong
tư thế của anh khi anh đi đường, ở quan điểm của anh khi anh nhìn một vật
gì đó. Thực ra không có một vật gì cố định gọi là Phật pháp, mà trong cuộc
sống toàn là Phật pháp.
Có người nghe nói như vậy, sinh
ra lo sợ: Như vậy thì ông phủ định sự tồn tại của 8 vạn bốn ngàn pháp môn
mà Phật đã từng giảng thuyết hay sao? Không phải, đâu có phủ định sự tồn
tại của 84.000 pháp môn, mà biết rõ 84.000 pháp môn đều là phương pháp
giúp chúng ta cách tân, sáng tạo, đề cao hành vi, lời nói và ý nghĩ của
chúng ta, nhưng chúng không phải là mục tiêu. Cũng như hằng ngày, chúng ta
niệm “Nam mô Quan Thế
Âm Bồ Tát”, Nam Mô
Quan Thế Âm Bồ Tát không phải là mục tiêu, mà là phương pháp giúp cho tâm
của chúng ta được đề cao, siêu việt và sáng tạo. Chúng ta mỗi ngày đều lễ
Phật. Lễ Phật cũng không phải là mục tiêu mà là phương pháp giúp cho tâm
chúng ta được hòa dịu, nhờ đó mà mở mang được trí tuệ và lòng từ bi.
---o0o---
Mục Lục |
Phần 1 |
Phần 2
| Phần 3
|
Phần 4
---o0o---
Vi tính: Mỹ Hồ
Trình bày: Nhị
Tường
Cập nhật: 10-2003