Thích Hằng Ðạt
Trí Nghiêm vốn là người Lương Châu. Lương Châu là cửa ngõ giao lưu giữa
nền văn hóa Trung Thổ và Thiên Trúc, Tây Vực, Trung Á. Do đó, Phật giáo
được du nhập vào nơi ấy rất sớm. Các dịch gia như ngài Cưu Ma La Thập và
Ðàm Vô Sấm đã từng trú nơi đó.
Thuở nhỏ Trí Nghiêm đã được thấm nhuần sự giáo hóa của Phật pháp. Năm hai
mươi tuổi xuất gia, tinh cần tu tập thiền định, lại lập chí nguyện tầm cầu
kinh điển. Do đó, Trí Nghiêm đăng lộ trình, sang Tây Vực cầu pháp. Ðến
nước Kế Tân, gặp được thiền sư Phật Ðại Tiên mà thọ thiền pháp. Kế đến,
Trí Nghiêm gặp được ngài Phật Ðà Bạt Ðà La, rồi cầu thỉnh sang Trung Thổ
truyền pháp. Trí Nghiêm cùng với ngài Phật Ðà Bạt Ðà La đến Trường An, cư
trú tại Trường An Ðại Tự. Vì bị giáo đoàn của ngài Cưu Ma La Thập đuổi
xua, nên ngài Phật Ðà Bạt Ðà La phải rời Trường An mà đến Lô Sơn. Trí
Nghiêm cũng vì đó mà qua trú tại một tịnh xá ở Sơn Ðông để tu tập thiền
quán, cùng tụng kinh.
Năm 417, công phá Trường An xong, Lưu Tống Võ Ðế trở lại Kiến Khang mà đi
ngang qua vùng Sơn Ðông. Bấy giờ Thủy Hưng Vương, Vương Khôi theo Tống Võ
Ðế du ngoạn sơn thủy, chợt đến tịnh xá của Trí Nghiêm. Ông ta thấy trong
chùa có ba vị tăng đang ngồi tham thiền trên giường thiền an nhiên tịch
tĩnh. Vương Khôi đến gần mà ba vị tăng cũng không hay biết. Qua ba giờ
sau, ba vị tăng mới mở mắt mà chẳng nói năng lời nào. Có một người trong
vùng bảo Vương Khôi:
- Ba vị cao tăng này, đã bao năm dài xả tục, không rời khỏi rừng núi mà tu
hành. Thật là những vị pháp sư đạo hạnh thanh cao.
Vương Khôi bèn đem lời này bẩm tấu cho Tống Võ Ðế nghe. Tống Võ Ðế bèn
thỉnh cầu họ xuống núi để về kinh đô, nhưng bị họ từ chối. Sau ba lần được
khẩn thỉnh, hai vị tăng kia thúc Trí Nghiêm xuống núi. Vì sùng tín Phật
pháp thâm sâu, nên Vuơng Khôi bèn thỉnh Trí Nghiêm sang trú tại chùa Thủy
Hưng. Lại nữa, tại nơi vắng lặng, Vương Khôi cho xây một tịnh xá, tên là
Chỉ Viên. Trí Nghiêm bèn đến đó mà tịnh trụ tu hành thiền. Trí Nghiêm
không thọ sự cúng dường mà thường cầm bình bát đi khất thực. Nhờ tu tập
thiền định, nên Trí Nghiêm có năng lực thần dị, khống chế đươc yêu ma quỷ
quái cùng trị bịnh cho dân chúng, nên được người người trong vùng tôn
sùng. Mỗi khi được dường vật chi, Trí Nghiêm đều đem bố thí lại cho người
khác. Trí Nghiêm tự tinh trì giới luật cẩn mật.
Trước khi xuất gia, Trí Nghiêm đã từng thọ năm giới, nhưng không giữ được
trọn vẹn. Sau khi xuất gia thọ giới cụ túc, sợ giới hạnh không đủ, nên Trí
Nghiêm thật hành thiền quán lâu dài, nhưng vẫn không mãn ý nguyện. Sau này
Trí Nghiêm quyết tâm vượt biển đến Thiên Trúc. Nơi đó, gặp được một vị A
La Hán, Trí Nghiêm bèn hỏi rằng mình có đủ giới hạnh không. Vị A La Hán
kia không dám trả lời, mà nhập định, thăng lên cung trời Ðâu Suất để thỉnh
vấn Bồ Tát Di Lặc phán đoán. Bồ Tát Di Lặc tán thán Trí Nghiêm tinh trì
giới đức. Nghe vị A La Hán thuật lại lời này, Trí Nghiêm vui mừng vô hạn.
Chẳg bao lâu Trí Nghiêm trở về đất Tàu, rồi vì già bịnh mà thị tịch, thọ
bảy mươi tám tuổi. Chúng tăng y cứ theo lễ nghi của Thiên Trúc mà an táng
một vị cao tăng. Mới đầu, tuy biết Trí Nghiêm khổ hạnh cần tu, nhưng chúng
tăng không biết Thầy đã đắc đạo hay chưa, nên định xây phần mộ tại vùng
đất thường an táng các phàm tăng. Song, tuy có nhiều người đồng khiêng
linh cữu, nhưng di thể của Trí Nghiêm nặng vô cùng, nên không thể nâng lên
nổi. Do đó, chúng tăng bèn cho đặt linh cữu tại vùng thường an táng các vị
cao tăng đắc đạo. Lúc ấy, chỉ có bốn người mà khiêng được linh cữu. Di Thể
của Trí Nghiêm chợt nhẹ nhàng như bong bóng. Việc này hiển thị công đức tu
hành và nghiêm trì giới luật cẩn mật của Trí Nghiêm.
Theo ngài Phật Ðà Bạt Ðà La từ nước Kế Tân trở về bổn quốc, tuy đem theo
rất nhiều kinh điển, nhưng Trí Nghiêm chưa phiên dịch bộ kinh nào. Ðến lúc
trú tại chùa Chỉ Viên tại Kiến Khang vào năm 427, Trí Nghiêm mới cùng với
Bảo Vân phiên dịch kinh: Phổ DIệu (6 quyển), Tứ Ðại Thiên Vương (1 quyển),
Quảng Bác Nghiêm Tịnh (4 quyển), Pháp Hoa Tam Muội, Vô Tận Ý Bồ Tát.
Theo gót chân của ngài Pháp Hiển và Trí Nghiêm, Bảo Vân sang Thiên Trúc
cầu pháp.
Xuất sanh tại Hà Bắc vào năm 376, và trưởng thành tại Lương Châu, Bảo Vân
đi tu từ thuở niên thiếu, chuyên cần tận tụy hành trì Phật pháp, chẳng
chạy theo phong tục tập quán của thế tục.
Năm mười tám tuổi (388), đến Lô Sơn, tham gia vào công tác xây Bác Nhã
Ðài. Ðương thời, Bảo Vân mang một tảng đá lớn, đập vào tảng đá khác, khiến
một hòn đá vụt bay ra, văng trúng vào đầu của một con nghé, nên con ghé đó
liền chết ngay lập tức. Do đó, Bảo Vân hối hận vô ngần.
Năm 397, lúc ngài Pháp Hiển từ Trường An xuất phát, thì năm vị Bảo Vân,
Trí Nghiêm, Huệ Giản, Tăng Thiệu, Tăng Cảnh đang lưu trú tại Trương Dịch
cũng đồng chí hướng sang Thiên Trúc cầu pháp. Sau này, Bảo Vân đi qua
những bãi sa mạc, vượt ngọn Tuyết Lãnh, rồi trải qua bao gian nan khổ cực,
mà đến được Thiên Trúc, chu du các quốc vương lân cận, để lễ bái Phật
tích, Phật tượng và bình bát của Phật. Lúc Bảo Vân đang trú tại nước Phất
Lầu Sa (Peshawar) thì Huệ Ðạt cùng Tăng Cảnh đã trở về bổn quốc. Ðến Thiên
Trúc, Bảo Vân tận tâm học tiếng Phạn, nên thông đạt các ngôn ngữ ở Thiên
Trúc. Vì thỉnh được một số kinh điển bằng tiếng Phạn, Bảo Vân quyết định
trở về bổn quốc. Từ Thiên Trúc, sang Tây Vực, rồi trở về Trường An, Bảo
Vân gặp được ngài Phật Ðà Bạt Ðà la bèn đi theo mà tu hành thiền pháp cùng
đọc tụng kinh điển. Bị giáo đoàn của ngài Cưu Ma La Thập bài xích, nên
ngài Phật Ðà Bạt Ðà La phải qua Lô Sơn. Bảo Vân cùng Trí Nghiêm cũng đi
theo đến Lô Sơn. Lúc ngài Phật Ðà Bạt Ðà La đến trú tại chùa Ðạo Tràng ở
Kiến Khang, Bảo Vân cũng đi theo và khởi công phiên dịch kinh điển.
Bảo Vân vốn thích những cảnh yên tịnh an nhàn u tịch. Lần nọ, đi ngang qua
Sơn Tự ở núi Lục Hòa, Bảo Vân dịch được quyển 'Phật Sở Hạnh Tán'. Trên núi
có rất nhiều bọn côn đồ du đãng tụ hội, thường làm những việc ti tiện bất
lương. Nhờ sự giáo hóa của Bảo Vân, chúng đều bỏ tà quy chánh.Trong mười
gia đình trên núi, có tám gia đình luôn qua lại cúng dường Bảo Vân.
Trước lúc lâm chung, Huệ Quán có để lại di chúc là cầu thỉnh Bảo Vân trở
về chùa Ðạo Tràng để lo việc Phật sự. Bất đắc dĩ, Bảo Vân phải trở lại
chùa Ðạo Tràng ở Kiến Khang. Hơn một năm sau, Bảo Vân bèn trở lại núi Lục
Hòa. Năm 449, Bảo Vân thị tịch, thọ bảy mươi bốn tuổi.
Khả năng phiên dịch kinh điển của Bảo Vân có thể sánh ngang hàng với Trúc
Phật Niệm. Quyển 'Cao Tăng Truyện' viết:" Vùng Giang Tả, phiên dịch kinh
điển tiếng Phạn, không ai vượt nổi Bảo Vân."
Do đó, thấy rõ Bảo Vân vốn là một nhà dịch giả cự phách. Bảo Vân dịch được
kinh Phật Sở Hạnh Tán, kinh Tân Vô Lượng Thọ, Kinh Phật Bổn Hạnh.
Khoảng năm năm sau khi ngài Pháp Hiển từ Trường An khởi hành sang Thiên
Trúc cầu pháp, Trí Mãnh cũng theo gót chân mà khởi đăng trình vào năm 404
từ Trường An. Ðầu tiên, ngài Pháp Hiển có bốn pháp lữ đồng hành, còn Trí
Mãnh lại có mười lăm pháp lữ đồng hành. Ngài Pháp Hiển đi du hành cầu pháp
mười lăm năm. Trong nhóm mười sáu người, chỉ có Trí Mãnh và Ðàm Soạn là
trở về Lương Châu sau hai mươi hai năm du hành.
Trí Mãnh vốn là người huyện Tân Phong, quận Kinh Triệu, ở Ung Châu, xuất
gia từ thuở nhỏ, chí chuyên tâm tu hành. Mỗi lần nghe đạo nhân ngoại quốc
kể về các thánh tích của Phật Thích Ca tại Thiên Trúc, cùng kinh điển đại
thừa tại Tây Vực, Trí Mãnh đều nôn nóng sang những nơi đó.
Năm 404, cùng với mười lăm vị pháp lữ, Trí Mãnh xuất phát từ Trường An,
hướng về phía Thiên Trúc. Lúc đó, ngài Cưu Ma La Thập đã vào Trường An
được ba năm, và danh tiếng đã vang lừng khắp nơi. Ðấy là thời điểm mà sự
nghiệp phiên dịch kinh điển của ngài Cưu Ma La Thập được tổ chức đại quy
mô, do vua Dao Hưng bảo trợ với hơn ba ngàn tăng chúng hỗ trợ. Song, ngài
Cưu Ma La Thập xuất thân từ nước Quy Từ. Vì muốn hiểu rõ hiện tình Phật
giáo ở Thiên Trúc vào thời đó, và lễ bái các thánh tích của đức Thế Tôn,
nên Trí Mãnh mới quyết tâm sang Thiên Trúc.
Trí Mãnh không theo tuyến đường mà ngài Pháp Hiển đã đi. Xuất phát từ
Lương Châu, ra khỏi Dương Quan, vượt qua các bãi sa mạc. Trạng huống của
đường lộ vào đương thời, được miêu tả như sau: "Ðất không có nước hay cây
cỏ, đường đi tuyệt dấu chân người, mùa đông lạnh rét, mùa hè nóng oi ả,
xuơng của người chết, làm dấu trên đường đi, lạc đà chở lương thực, lộ
trình thật gian nan."
Từ đường lộ ở Thiện Thiện, Trí Mãnh đi thẳng đến núi Thủ Thiên, phía nam
nước Quy Từ, rồi trở lại phía tây nam vượt bãi sa mạc. Vượt đường lộ phía
nam của nước Vu Ðiền ở Tây Vực. Ðây là con đường mà năm năm trước ngài
Pháp Hiển đã vượt qua, và cũng là con lộ chủ yếu của xứ Tây Vực vào đầu
thế kỷ thứ năm. Tu nước Vu Ðiền, Trí Mãnh đi thẳng đến nước Kiệt Xoa
(Tashkurgan), và tới nơi tảng đá thờ ống nhổ của Phật, rồi lại tham bái
bình bát của Phật. Trí Mãnh thành tâm dâng hương khấn nguyện:
- Chí hướng của con nếu cảm ứng được bình bát, thì xin nguyện bình bát hãy
có lúc nặng có lúc nhẹ.
Nói xong, Trí Mãnh bèn bưng bình bát lên, nhưng cảm giác thật là nặng nề.
Song, lúc sắp bỏ xuống thì Trí Mãnh cảm giác bình bát thật nhẹ nhàng. Ðây
chính là bình bát mà ngài Cưu Ma La Thập cũng đã từng thử nghiệm qua.
Ðến nước Kiệt Xoa chẳng bao lâu, Trí Mãnh bèn vượt qua ngọn núi Thông
Lĩnh. Trong đoàn mười sáu người, đã có chín người bỏ ý định sang Thiên
Trúc, mà xoay trở về bổn quốc vì khiếp sợ trước hình thế cao chót vót của
ngọn núi Thông Lĩnh. Bảy người còn lại tiếp tục đến được nước Ba Lộ. Trên
đường đi ngang qua nước Ba Lộ, Trúc Ðạo Sung thị tịch. Lúc định làm lễ trà
tỳ, thì đột nhiên họ không thấy thi thể của Trúc Ðạo sung. Trí Mãnh rơi lệ
xót xa, rồi lại cố gắng cùng đồng bạn tiếp tục vượt núi Tuyết Sơn. Núi cao
sừng sửng, trên không thấy trời, dưới không thấy đất, gió hàn lạnh rét. Họ
phải lần theo những sườn núi mà đi. Vào đời Hán, sứ giả Trương Khiên (140
tr.TL-87 tr.TL) và Cam Anh (89-105) chưa từng vượt qua vùng núi cao chót
vót này. Chẳng bao lâu, Trí Mãnh vượt qua sông Tân Ðầu (Indus), rồi phải
leo qua những núi non hiểm trở, cùng đi ngang qua những vùng danh lam
chướng khí, rồi đến nước Kế Tân. Trong nước đó tại A Nậu Bạt Trì
(Anavatapta), tức mạch nguồn của dòng sông Tân Ðầu, có năm trăm vị A la
Hán thường qua lại. Chư đại đức A La Hán thường thuyết pháp bằng tiếng
Phạn. Nhờ lưu trú lại nước Kế Tân lâu ngày, nên Trí Mãnh từ từ hiểu rõ
những lời dạy của các vị A La Hán. Từ nước Kế Tân, Trí Mãnh đi thẳng đến
nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu), được thấy tóc, răng, đảnh nhục kế của
Phật. Trí Mãnh lại qua trung Thiên Trúc, lễ bái các thánh tích, cùng triều
bái rừng Sa La Song Thọ, (nơi Phật nhập niết bàn), cội Bồ Ðề, v.v... Trí
Mãnh lại đến Hoa Thị Thành, tức cố đô của vua A Dục. Nơi đó, có đại trí bà
la môn La Duyệt Gia, toàn gia tộc đều hoằng dương Phật pháp. Tại đó lại có
tháp Phật bằng bạc, cao ba mươi thước. Ngài Pháp Hiển đã từng thỉnh được
sáu quyển kinh Niết Bàn tại nơi này. Gia tộc La Duyệt thấy Trí Mãnh đến
bèn hỏi:
- Ðất Tàu có người học Phật giáo đại thừa chăng?
Trí Mãnh đáp:
- Tất cả đều theo học đại thừa giáo.
- Thật là điều bất khả tư nghì. Sao lại không có Bồ Tát sang bên đó giáo
hóa!
Tại nhà gia tộc La Duyệt, Trí Mãnh thỉnh được một bản kinh Niết Bàn và Ma
Ha Tăng Kỳ Luật bằng tiếng Phạn, rồi thệ nguyện rằng sẽ lưu hành kinh luật
khắp miền Trung Thổ.
Chẳng bao lâu, vào năm 424, từ Thiên Trúc xuất phát, Trí Mãnh cùng Ðàm
Soạn trở về Lương Châu. Bốn vị pháp lữ lần lượt thị tịch trên đường đi.
Mục đích của ngài Pháp Hiển sang Thiên Trúc là muốn tìm cầu kinh luật cho
tăng đoàn ở đất Tàu. Mục đích của Trí Mãnh sang Thiên Trúc là đi lễ bái
các thánh tích của Phật Thích Ca. Do đó, sau khi mãn nguyện đi khắp bắc
Thiên Trúc và trung Thiên Trúc, Trí Mãnh trở về cố quốc, xuyên qua tuyến
đường của Tây Vực.
Năm 421, ngài Ðàm Vô Sấm đã dịch kinh Niết Bàn tại Lương Châu, nhưng vẫn
còn thiếu phần cuối. Thế nên, ngài Ðàm Vô Sấm định trở qua Tây Vực để
thỉnh phần cuối của kinh Niết Bàn, nhưng lại bị Mông Tốn sát hại. Sau này,
nghe Trí Mãnh mang toàn bộ kinh Niết Bàn về đến Cao Xương (Turfan), Mông
Tốn bèn phái sứ giả sang đó rước về Lương Châu. Nơi đó, Trí Mãnh dịch được
hai mươi quyển kinh Niết Bàn, cùng một bộ Ma Ha Tăng Kỳ Luật.
Từ Luơng Châu, Trí Mãnh sang đất Thục vào năm 437. Mồng bảy tháng bảy năm
439 tại chùa Ðịnh Lâm ở núi Chung Sơn, Trí Mãnh soạn viết quyển truyện ký
về Thiên Trúc tức quyển 'Du Hành Ngoại Quốc Truyện'. Năm 453, Trí Mãnh thị
tịch.
Pháp Dũng tục danh Quý, là người nước Hoàng Long ở U Châu, xuất sanh tại
Bắc Yên, xuất gia từ thuở nhỏ, chuyên cần nghiêm trì giới luật cùng đọc
tụng kinh điển. Nghe ngài Pháp Hiển, Bảo Vân, Trí Mãnh,v.v... đã từng qua
Thiên Trúc, nên Pháp Dũng cũng thệ nguyện xả thân sang Thiên Trúc cầu
pháp. Năm 420, Pháp Dũng cùng với hai mươi lăm pháp lữ như Tăng Mãnh, Ðàm
Lãng, v.v... xuất phát từ U Châu, đi về hướng nam, qua quận Hà Nam, đén
quận Hải Tây, theo sông Trường Giang, đến Thành Ðô ở Tứ Xuyên, tới Cam
Túc, sang Yên Tuyền, tới Thiên Sơn ở nam lộ, qua Cao Xương, đến nước Quy
Từ, tới nước Sa Lặc, vượt ngọn Thông Lĩnh, leo núi Tuyết Sơn. Trải qua bao
hiểm nguy gian khổ, vượt qua núi Tuyết Sơn xong, trong số hai mươi sáu
người, chỉ còn lại mười hai người tiếp tục cuộc hành trình. Chẳng bao lâu,
Pháp Dũng đến nước Kế Tân, rồi trú ở đó hơn một năm để học tiếng Phạn. Nơi
đó, Pháp Dũng thỉnh được quyển kinh 'Quán Thế Âm Thọ Ký' bằng tiếng Phạn,
cùng lễ bái bình bát của Phật. Tiếp tục đi về hướng tây, Pháp Dũng vượt
qua sông Tân Ðầu Na Ðề (Sindha-nadi), rồi vào biên cảnh nước Ðại Nhục Chi,
lễ bái đảnh nhục kế cùng Phật đảnh cốt. Từ từ, Pháp Mãnh đến chùa Thạch
Lưu, phía nam núi Ðàn Ðặc (Dandakaparvata). Trong chùa có hơn ba trăm vị
tăng, đều học theo giáo pháp ba thừa. Tại đó, Pháp Mãnh phát tâm thọ giới
cụ túc. Lúc đang hành lễ truyền giới, sa môn người Thiên Trúc là Phật Ðà
Ða La (Buddhatara) bảo chúng tăng:
- Pháp Mãnh đã chứng thánh quả.
Song, Pháp Mãnh vẫn thỉnh cầu chư tăng truyền giới cụ túc. Thọ giới xong,
Pháp Mãnh trú tại chùa Thạch Lưu để an cư kiết hạ trong ba tháng. Từ đó,
Pháp Mãnh sang trung Thiên Trúc. Trên đường, dùng thạch mật mà làm thức
ăn. Trong mười ba người đồng hành, có tám người đã chết trên dọc đường.
Tiếp tục đi, cuối cùng chỉ còn năm người. Mỗi lần gặp những tai nạn nguy
hiểm, Pháp Mãnh đều thành tâm tụng kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ Ký. Lúc qua
nước Xá Vệ (Sravasti), trên đường gặp một đàn voi rừng, Pháp Mãnh khẩn
thành niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát mà được thoát nạn. Từ trung Thiên
Trúc, Pháp Mãnh đi về nam Thiên Trúc, rồi theo thuyền trở về Quảng Châu,
rồi từ đó, không ai biết Pháp Mãnh thị tịch tại nơi đâu.
Pháp Mãnh có dịch quyển kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ Ký, cùng soạn viết năm
quyển 'Ngoại quốc truyện'.
Mông Tốn (vua nước Bắc Lương) có một người em, tên là An Dương Hầu. Ông ta
tụng đọc rất nhiều kinh điển, và thường giữ năm giới cẩn mật. Vì có chí
cầu pháp, nên Ông sang nước Vu Ðiền, đến chùa Cù Ma Ðế Ðại Tự, theo học
với sa môn Phật Ðà Tư Na (Buddhasena) người Thiên Trúc. Sau này, Ông đến
nước Cao Xương, thỉnh được kinh Quán Thế Âm và Quán Di Lặc, rồi phiên dịch
hai quyển kinh này. Sau này, Ông trở về Lương Châu. Năm 439, lúc Bắc Ngụy
công phá Lương Châu, Ông lánh nạn sang miền Giang Nam, và không giao tiếp
với ai, chỉ thường đi tham quan các cảnh chùa chiền tự tháp. Thể theo lời
cầu thỉnh của sư cô Huệ Tuấn ở chùa Trúc Viên, Ông dịch kinh Thiền Yếu Bí
Mật Trị Bệnh, vào năm 455. Vì thông thạo tiếng Phạn và tiếng Tàu, nên Ông
dịch rất nhiều kinh như: Phật Thuyết Bát Trai Giới, Phật Thuyết Quán Di
Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Ðâu Suất Thiên, Phật Thuyết Tịnh Phạn Vương Bát
Niết Bàn, Phật Thuyết Mạt La Vương, Phật Thuyết Chiên Ðà Việt Quốc Vương,
Phật Thuyết Ma Ðạt Quốc Vương, Phật Thuyết Phật Ðại Tăng Ðại Kinh, Phật
Thuyết Da Kỳ, Phật Thuyết Ngũ Vô Phản Phục, Phật Thuyết Tấn Học, Ðệ Tử Tử
Phục Sanh, Phật Thuyết Ca Diếp Cấm Giới, Phật Thuyết Ngũ Khủng Bố Thế,
Thiền Yếu Bí Mật Trị Bịnh.
Thầy vốn là người ở Trung Sơn, xuất gia từ thuở nhỏ, giới tiết tinh
nghiêm. Lần nọ, xem kinh, thấy cảnh rừng Ta La Song Thọ và vườn Lộc Uyển,
Thầy than:
- Ta sanh ra không gặp được thánh nhân, sao lại chẳng sang chiêm bái thánh
tích?
Do đó, Thầy thệ nguyện sang Thiên Trúc để chiêm bái các thánh tích. Kế
đến, Thầy đồng hành với bốn pháp lữ, xuất phát từ Trường Dịch, đi về phía
tây, tới các bãi sa mạc. Ði cả ba ngày mà trên đường lộ, họ chẳng thấy một
dấu chân người. Giữa đường, họ thấy một ngôi chùa, xây cất bên dưới một ốc
đảo, xung quanh chẳng có cỏ cây. Trong chùa có hai gian phòng. Gian phòng
thứ nhất có một thầy đang tụng kinh. Gian phòng thứ hai có một vị tăng
đang bị bịnh, thân hình hôi thúi, lở loét. Thấy vậy Thầy tự nhủ thầm:
- Xuất gia đồng đạo, thân nhau vì pháp. Thà không thấy, mà đã thấy rồi sao
nhẫn tâm không giúp đỡ!
Suy nghĩ như thế, nên Thầy tự ở lại chăm sóc, tắm rửa, thay quần áo nấu
cơm nước, lo lắng tươm tất cho vị tăng bị bịnh trong sáu ngày. Qua ngày
thứ bảy thì trong phòng chợt có mùi hương lạ tỏa khắp. Thầy mới biết đó là
thần tăng hóa thân bị bịnh lở loét để thử tâm từ bi nhẫn nại của mình. Vị
thần tăng đó bảo:
- Vị tăng đang tụng kinh bên phòng kia chính là thầy bổn sư của ta. Ngài
đã chứng quả vị vô học (tức quả vị A La Hán). Thầy nên sang bên đó mà
thỉnh vấn hỏi đạo.
Nghe lời này, Thầy bèn đi sang bên đó để cầu thỉnh đạo. Vị tăng thường
tụng kinh kia bảo:
- Người có tâm chân thành thì dễ dàng nhập vào đạo, mà không cần phải đi
sang tạn các nước khác để cầu đạo.
Vì công nghiệp chưa thành và chưa toại ý nguyện, nên Thầy quyết chí tiếp
tục lên đường sang Thiên Trúc cầu pháp. Bốn người pháp lữ đồng hành thối
tâm, không dám đi xa, mà chỉ lưu lại nơi đó để chuyên tu tịnh nghiệp.
Sau bao năm lặn lội qua Thiên Trúc cầu thỉnh kinh điển, Thầy trở về lại
Trung Sơn, giáo hóa hằng trăm môn đồ. Không ai biết Thầy thị tịch vào lúc
nào.
Tăng Duệ người Trường Lạc ở Ngụy Quận, xuất gia từ thuở nhỏ. Năm mười tám
tuổi làm đệ tử của pháp sư Tăng Hiền.Năm hai mươi hai tuổi bác thông kinh
luận. Lúc Tăng Lãng giảng kinh Phóng Quang, Tăng Duệ thường đề cử những
câu hỏi để chất vấn và phê bình. Do lý do này mà Tăng Lãng và Tăng Hiền
kết tình pháp hữu. Tăng Lãng bảo Tăng Hiền:
- Tăng Duệ, đồ đệ của sư huynh, thật là thông minh!
Năm hai mươi bốn tuổi, xuất ngoại du phương cầu đạo. Khi đến vùng biên
giới Tây Thục thì bị người bắt, và cưỡng ép đi chăn dê. Thương nhân thấy
dáng dấp, nghi là sa môn, nên hỏi vấn ý nghĩa kinh điển. Từ Tây Thục, Tăng
Duệ đến Vân Nam, qua Giao Chỉ (Việt Nam), rồi tiếp xúc với thương nhân mà
theo họ đến nam Thiên Trúc. Nhờ vậy mà khả năng tri thức về tiếng Phạn rất
kiệt xuất. Ðến năm hai mươi bảy tuổi thì kết thúc cuộc sống du phương.
Năm hai mươi tám tuổi, Tăng Duệ đã từng đến dưới tòa của Ðạo An tại Trường
An, và giúp Ðạo An nhuận bút bản dịch kinh Tứ A Hàm. Năm ba mươi ba tuổi,
lúc nhà Tiền Tần bị diệt vong, cùng với sự nhập tịch của Ðạo An, Tăng Duệ
lánh nạn vào núi Lô Sơn, học phương pháp niệm Phật dưới tòa của Huệ Viễn.
Vào Lô Sơn chẳng bao lâu, nghe ngài Cưu Ma La Thập đã đến Trường An, nên
Tăng Duệ tức tốc tìm đến cầu đạo. Tại Trường An, do Tăng Duệ cầu thỉnh,
ngài Cưu Ma La Thập dịch quyển 'Thiền Pháp Yếu'. Nhân cách Tăng Duệ cao
tột, và kiến thức thâm sâu, khiến vua Dao Hưng cùng Dao Sùng phải tôn
kính. Dao Sùng khen Tăng Duệ là bậc tùng bá của Nghiệp Vệ (vùng đất Ngụy
Huyện, nơi Tăng Duệ xuất thân), còn vua Dao Hưng tôn xưng Tăng Duệ là vị
thủ lãnh, và là ngọn cờ tiêu biểu của bốn bể. Lúc ngài Cưu Ma La Thập
phiên dịch kinh Pháp Hoa, Tăng Duệ nhuận sắc, trau chuốt lời văn hoa mỹ.
Sau khi phiên dịch xong quyển 'Thành Thật Luận, ngài Cưu Ma La Thập bảo
Tăng Duệ:
- Luận này có bảy chỗ để bẻ gãy lời văn Tỳ Ðàm, mà chỉ tại nơi văn luận
phân biệt không rõ ràng. Nếu không cần hỏi Ta, mà có khả năng phân biện
bảy chỗ đó, thì mới gọi là anh tài!
Tăng Duệ không chút nghi ngờ, đề xuất ra bảy chỗ đó rất dễ dàng, khiến
ngài Cưu Ma La Thập khen ngợi:
- Ta chuyên dịch kinh điển, được ngươi lãnh hội hiểu rõ. Thật không hối
hận!
Tăng Duệ viết rất nhiều kinh tự của các bộ kinh luận do ngài Cưu Ma La
Thập phiên dịch, như: Tiểu Phẩm Kinh Tự (thứ tư), Pháp Hoa Kinh Hậu Tự
(thứ chín), Tư-ích Kinh Tự (thứ mười một), Tỳ Ma La Cật Ðề Kinh Nghĩa Sơ
Tự (thứ mười bốn), Tự tại Vương Kinh Hậu Tự (thứ mười lăm), Quan Trung
Xuất Thiền Kinh Tự (thứ mười ba).
Sau khi ngài Cưu Ma La Thập nhập tịch, Tăng Duệ từ từ hướng về pháp môn
cầu vãng sanh qua cõi tây phương. Ðến cuối đời Hậu Tần, do thế đạo loạn
ly, Tăng Duệ sang Giang Nam lánh nạn, lại theo học dưới tòa của Huệ Viễn
tại Lô Sơn. Năm 416, Huệ Viễn nhập tịch, Tăng Duệ không nhắm mục tiêu trú
lại Lô Sơn, mà lại qua kinh đô Kiến Nghiệp ở Giang Nam, trụ trì chùa Ðiểu
Y. Vào năm 420, lúc gần bảy mươi tuổi, Tăng Duệ thường giảng kinh thuyết
pháp. Vua Nghị Khang ở Bành Thành ba lần khẩn thỉnh, Tăng Duệ mới nhận làm
đồ đệ. Ðáp lời cầu thỉnh của Tạ Linh Vận, Tăng Duệ viết quyển 'Thập Tứ Âm
Huấn' để minh hiển sự đồng dị giữa tiếng Phạn và tiếng Tàu. Lúc ấy, Tăng
Duệ cũng trước tác quyển 'Dụ Nghi'.
Từ khi qua Lô Sơn, Tăng Duệ đã từng ước vọng vãng sanh qua cõi Tây Phương.
Khi tự biết tánh mạng sắp tận, bèn vân tập đồ chúng, bảo:
- Bình sanh Ta thường thệ nguyện vãng sanh Tây Phương. Tự nghĩ ba nghiệp
thân khẩu ý, chẳng bao giờ trái ngược với giới luật, nên nhất định sẽ được
vãng sanh, chẳng có chút nghi ngờ. Nguyện đức đại từ (Phật A Di Ðà), rũ
lòng thương xót, khiến muôn kiếp vì pháp, mà vãng sanh qua cõi Tây Phương!
Nói xong, bèn vào tăng phòng, đi tắm gội, rồi dâng hương lễ bái, chắp tay
hướng về tây phương mà thị tịch. Ngày đó, trong tăng phòng của Tăng Duệ,
có mây hương năm màu đột nhiên bay lên. Bấy giờ là năm 433; hưởng thọ tám
mươi lăm tuổi.
Tư tưởng của Tăng Duệ được biểu hiện rõ ràng nhất qua quyển 'Dụ Nghi'. Lúc
làm môn hạ của ngài Cưu Ma La Thập tại Trường An, Tăng Duệ đã từng học tập
nghĩa lý tinh túy của kinh Bát Nhã và Pháp Hoa. Ở tại Giang Nam, gặp quyển
kinh Ðại Bát Nê Hoàn do ngài Pháp Hiển từ Tây Vực mang về, Tăng Duệ bèn
nghiên cứu, so sánh sự quan hệ của ba bộ kinh Bát Nhã, Pháp Hoa và Nê
Hoàn, rồi viết thành bộ luận 'Dụ Nghi' để đối đáp với những nghi vấn của
các nhân sĩ. Ngoài ra, Trúc Pháp Ðộ do tín phụng giáo nghĩa tiểu thừa, nên
thường bài bác những kinh điển đại thừa do ngài Cưu Ma La Thập phiên dịch.
Huệ Ðạo và Ðàm Lạc chất vấn và phỉ báng kinh điển đại thừa như kinh Ðại
Phẩm Bát Nhã, kinh Pháp Hoa, v.v..., nên tại Trường An, phạm vô số tội,
khiến bị đại chúng chỉ trích. Do phỉ báng kinh Niết Bàn tại Trường An và
Bành Thành, nên lưỡi của Tăng Uyên bị cháy tiêu, mà nhận ra đó là quả báo
của sự phỉ báng kinh điển. Tăng Uyên vốn theo Tăng Sùng học Thành Thật
Luận và Tỳ Ðàm, mà trở thành học giả của luận Thành Thật.
Thấy những sự bài báng kinh điển đại thừa, Tăng Duệ đau xót vô ngần. Hầu
mong phò chánh dẹp tà, nên Tăng Duệ mới viết ra quyển luận 'Dụ Nghi' để
xiển minh nghĩa lý của kinh Bát Nhã, Pháp Hoa và Nê Hoàn (tức Niết Bàn),
mà đặc biệt chú trọng nhắm về kinh Nê Hoàn.
Vào thời ngài Cưu Ma La Thập, kinh Nê Hoàn chưa được phiên dịch, mà chỉ có
kinh Pháp Thân, thuyết rõ bao loại pháp thân của chư Phật. Ngài Cưu Ma La
Thập bảo rằng chúng sanh nghe Phật thuyết là có chân ngã, và tất cả đều có
Phật tánh, thì là đã đầy đủ lắm rồi!
Kinh Pháp Hoa chủ trương là thấy Phật tri kiến thì đều thành Phật, mà chưa
chưa hiển thị lý tất cả chúng sanh sẽ thành Phật.
Kinh Ðại Bát Nê Hoàn do ngài Pháp Hiển mang từ Thiên Trúc về đến Dương Ðô,
rồi vân tập hơn một trăm chư sa môn đại đức nghĩa học mà phiên dịch. Kinh
Nê Hoàn mang giáo nghĩa mới đến cho Phật giáo Trung Quốc: Phật tánh của
tất cả chúng sanh đều tồn tại, hay tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.
Ðiều này, kinh Pháp Hoa chưa từng thuyết rõ ràng. Tăng Duệ chủ trương pháp
thân trong kinh Pháp Thân tương đương với Phật tánh của kinh Nê Hoàn, mà
viết ra quyển 'Dụ Nghi'. Ðối với sự phán xét trạch quyết về giáo tướng, bộ
luận này có địa vị quan trọng trong sử Phật giáo Trung Quốc.
Ðạo Thái vốn là sa môn người Tây Lương. Lúc trẻ đã từng vượt ngọn thông
Lĩnh, đi chu du khắp các nước, và thỉnh được bộ Tỳ Bà Sa, có một trăm ngàn
câu kệ, rồi quày trở về Cô Tạng. Khi sa môn Phù Ðà Bạt Ma đến Lương Châu
vào năm 437, Ðạo Thái bèn cung thỉnh vị tăng đó phiên dịch quyển luận này.
Quyển Tỳ Bà Sa được du nhập vào đất Tàu, thật do công của Ðạo Thái.
Hai thầy vốn là người Hà Tây, sang Thiên Trúc cầu thỉnh kinh điển vào cuối
đời Ðông Tấn. Lúc đến nước Vu Ðiền, hai thầy chợt gặp đại hội Bàn Giá Vượt
Xa (tức Ðại pháp hội Vô Giá trong năm năm-Pancha-parisad) mà các vị du
tăng thường nhắc đến (xin xem ở phần trên, truyện du hành của ngài Pháp
Hiển). Sau này, hai thầy trở lại Cao Xương, sao chép kinh Hiền Ngu, rồi
cùng nhau phiên dịch.
Thầy vốn là người nước Cao Xương. Thầy thường đi chu du khắp các nước ở
Tây Vức và Thiên Trúc, cúng dường chiêm bái đảnh lễ Phật Ảnh Quật (hang có
bóng hình của đức Phật), bình bát của Phật, bốn đại tháp thờ xá lợi Phật,
cây Bồ Ðề, cùng tất cả thánh tích khác. Thầy giởi về tiếng Phạn và thông
thạo ngôn ngữ của các nước tại Tây Vức. Năm 433, ngài Ðàm Vô Sấm vừa bị
Mông Tốn giết hại (xin xem truyện Thần Tăng Thiên Trúc). Thầy mang kinh
điển về đến Kiến Nghiệp. Tại chùa Ðạo Tràng, Huệ Quán vì muốn tầm cầu phần
sau của kinh Niết Bàn, nên dâng sớ xin vua Tống Văn Ðế cấp lương thực cho
thầy Ðạo Phổ sang Tây Vực cầu kinh điển. Ðược nhà vua chấp thuận, Ðạo Phổ
dẫn đoàn sứ giả hơn mười người lên đường sang Thiên Trúc bằng đường biển.
Thuyền vừa đến Trường Quận ở Thanh Châu thì bị sóng đánh tan vỡ. Ðạo Phổ
cũng bị thương nơi bàn chân, rồi từ từ cảm bịnh mà thị tịch. Thật là một
vị hy sinh thân mạng của mình cho đạo pháp. Trước khi nhập tịch, Ðạo Phổ
nói:
- Ðất Tống thật chưa có duyên với phần sau của kinh Niết Bàn.
Thầy Huệ Lãm, tên tục là Thành, người Tửu Tuyền, chu du sang Tây Vực, đảnh
lễ bình bát của Phật. Tại nước Kế Tân, Thầy gặp sa môn Ðạt Ma truyền trao
cho giới pháp và thiền pháp bí yếu. Sa môn Ðạt Ma cũng sang truyền giới
pháp cho chư tăng ở nước Vu Ðiền. Sau này, thầy Huệ Lãm trở về cố quốc, và
thị tịch vào đời Tống Ðại Minh (457-465).
Họ tương kết đồng hành sang Tây Vực tìm cầu kinh điển. Trong bảy năm, họ
thỉnh được 260 quyển kinh. Khi về đến nước Ðột Quyết thì nhà Tề đã bị diệt
vong. Lúc ấy, gặp được sa môn bắc Thiên Trúc là Xà Na Quật Ða, họ bèn cầu
thỉnh giảng kinh cùng phiên dịch danh đề của các bộ kinh. Sau này, họ đem
kinh về Kinh Ấp. Nhà vua ra sắc lịnh cho các vị tăng khác phiên dịch.
Nguồn: www.quangduc.com