|
. |
Ðại Tạng No. 1451
CĂN BẢN THUYẾT
NHẤT THIẾT HỮU BỘ
- Mùla-Sarvàstivàda -
TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ
-
Mùla-Sarvàstivàda Vinaya Ksudraka Vastu -
(Cuộc đời đức Phật và các đệ tử)
Hán dịch:
Tam Tạng Nghĩa Tịnh, đời Ðường, Trung Quốc
Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh, PL 2542 - TL 1998
--- o0o ---
Thành kính đảnh lễ đức Thế
Tôn, Ngài là bậc Ứng Cúng, Ðấng Chánh Biến Tri.
Quyển thứ nhất
--- ooOoo ---
Bốn mươi quyển Tạp sự này có tám
môn. Một tụng đại môn bao trùm cương lĩnh cả bộ. Có tám tụng tổng nhiếp cho tám
môn, trong mỗi môn lại có biệt môn. Mỗi biệt môn có mười tụng. Tổng cộng là tám
mươi chín tụng. Trong mỗi nhiếp tụng có ngàn hàng. Người nào thọ trì thông
thuộc, có thể nắm được toàn bộ ý nghĩa cả bộ.
Tụng đại môn tổng nhiếp:
Chuyên thạch cập ngưu mao,
Tam y tinh thượng tòa,
Xá lợi mãnh thú cân,
Cấp đa ny trừ tháp.
Tụng tổng nhiếp biệt môn thứ nhất:
Chuyên khai tiễn trảo bát,
Cảnh sanh chi đạp y,
Thủy la sinh đậu châu,
Tẩy túc quần ưng kết.
Tụng nhiếp một trong biệt môn thứ
nhất:
Chuyên khai thạch tự thổ,
Ngưu hoàng hương ích,
Nhãn Ðã trụ đẳng chư tuyến,
Anh lạc ấn ưng tri.
* Một thời, đức Thế Tôn ở giảng
đường Cao Các, bên bờ hồ Di Hầu, thành Quảng Nghiêm.
Vào sáng sớm, Lục chúng Bí-sô mặc y
mang bát sắp vào thành Quảng Nghiêm để khất thực. Cách thành không xa, có vườn
của Lật Cô Tỳ Tử, phong cảnh thanh nhàn, hoa trái xum xuê, suối mát chảy quanh,
chim đẹp đua hót như trong vườn Hoan Hỷ của trời Ðế Thích. Trong vườn lại có các
dụng cụ giải lao, những nhạc khí với âm thanh tuyệt hảo, cùng các vật để tắm
rửa, hương thơm để thoa.
Lục chúng bàn nhau:
- Này Nan Ðà, Ô Ba Nan Ðà, từng
nghe vườn này rất khả ái. Thế Tôn cũng thường tán thán như cõi trời Ba mươi ba.
Chúng ta thử vào xem có những gì đặc biệt không.
Sau khi bàn bạc, Lục chúng vào
vườn, thấy các loại chày gỗ dài ngắn, các vồ to nhỏ và các cục đá lớn bé. Những
vật này phục vụ cho việc vui đùa, làm cho thân thể được vận động, máu huyết lưu
thông, trừ bệnh, làm tiêu hoá ăn uống. Họ lại thấy các loại nhạc cụ đặc biệt như
sáo, đàn, trống ...
Lại có các loại bột tắm thơm, các
loại gạch nổi nhẹ, tháo đậu, cỏ thơm, dư cam (hạt dư cam có ở Quảng Châu dùng để
gội tóc, phương Tây gọi là trái Am-ma-lạc-ca) dùng kỳ cọ thân thể và xức tóc, có
thể làm cho tóc trắng trở thành đen.
Lục chúng thấy vậy, bàn với nhau:
- Các nhạc cụ này diễn tả được đủ
các tình cảm, chúng ta cố gắng xử dụng cho hết; vậy nên ca múa hay tắm rửa
trước?
Một người bảo:
- Ðã lâu chúng ta chưa tắm, vậy nên
tắm trước.
Sau khi bàn luận, họ cùng nhau
xuống ao, cầm gạch nổi để kỳ cọ thân thể. Lục chúng có nhiều kỹ xảo, biết hết
các kỹ thuật, khi tắm rửa dùng gạch nổi kỳ cọ thân thể làm vang ra âm thanh của
năm loại nhạc, như người có kỹ thuật thổi kèn gẩy đàn vỗ tay. Những người đi qua
nơi này, ngờ nơi đây có tấu nhạc nên cùng lắng tai nghe. Họ nói với nhau:
- Vườn Lật Cô Tỳ có biểu diễn ca
vũ, chúng ta hãy dừng lại xem.
Mọi người hưởng ứng đồng ý và chen
nhau vào vườn.
Khi mọi người vào vườn thì Lục
chúng lại đi ra. Họ hỏi Lục chúng:
- Thánh giả, người tấu âm nhạc ở đâu?
Ðáp:
- Các người là kẻ ngu, có tai nghe
tiếng mà tâm không biết hay dở. Làm gì có nhạc sĩ nào tấu được những âm thanh kỳ
diệu như vậy.
Hỏi:
- Thánh giả, vậy âm thanh vừa rồi
là của ai tấu?
Ðáp:
- Hiền thủ, âm thanh các người nghe
là khi chúng ta tắm rửa, dùng gạch kỳ cọ thân thể phát ra âm điệu ấy.
Những người kia nói:
- Sa-môn quý ngài còn có năm dục
não loạn thân tâm hay sao?
Ðáp:
- Này kẻ ngu si, chúng ta không não
loạn người khác, tự hưởng thụ dục lạc nhưng không bỏ phế việc tu tập thì có lỗi
gì? Ngươi có phải là thầy ta đâu mà nói ra những lời chê bai này, hãy im lặng đi
chớ rước lấy tai họa.
Những người kia nghe nói, sợ hãi,
im lặng bỏ đi. Họ vào thành Quảng Nghiêm, đến ngã tư đường bàn luận chê bai. Các
Bí-sô nghe vậy, bạch Phật:
Phật suy nghĩ: "Bí-sô tắm rửa dùng
gạch kỳ cọ thân thể, có những lỗi như vậy". Vì vậy, Ngài dạy:
- Khi tắm rửa, các Bí-sô không nên
dùng gạch kỳ cọ thân thể , ai dùng gạch kỳ cọ thân thể, bị tội vượt pháp.
Sau khi Phật không cho phép dùng
gạch kỳ cọ thân thể, chân các Bí-sô có cấu bẩn nên bị nứt. Khi họ đi khất thực,
mọi người trông thấy, hỏi:
- Thánh giả! Chân ngài bị nứt có
nhiều cấu bẩn, tại sao không kỳ cọ sạch sẽ mà để bẩn thỉu như vậy?
Ðáp:
- Thế Tôn không cho phép.
Họ nói:
- Thân quý ngài nhơ bẩn, sao gọi là
thanh tịnh?
Bí-sô im lặng, sau khi nhận thực phẩm, trở về trú xứ, đem sự
việc bạch Phật. Phật bảo các Bí-sô:
- Trước đây chế định, nay tùy khai.
Ta cho phép các Bí-sô dùng gạch kỳ cọ chân, nhưng không kỳ cọ nơi khác trên
thân. Ai kỳ cọ chỗ khác bị tội vượt pháp.
Khi ấy, Lục chúng thấy Phật không
cho dùng gạch, nên dùng đá nổi.
Phật dạy:
- Cũng bị tội vượt pháp.
* Duyên xứ như trước. Vào sáng sớm,
các Bí-sô mặc y mang bát vào thành khất thực. Họ thấy các vị Bàlamôn dùng tay
vạch ba vạch bằng đất trắng hay tro trắng lên trán, nên cầu xin gì cũng được tốt
đẹp. Thấy vậy, Lục chúng nói với nhau:
- Ðây là phương pháp tốt, chúng ta
nên làm theo.
Hôm khác, họ vạch ba vạch trên trán
rồi vào thành khất thực. Những người không tin, cười nói:
- Ta xin bái lạy.
Lục chúng bảo:
- Này kẻ ngu không hiểu biết lễ
nghi, ai hợp với quỳ lạy, ai đáng được kính lễ?
Họ đáp:
- Chúng tôi chỉ biết thấy bà la môn
già thì nói quỳ lạy, thấy Bí-sô nên thưa lễ kính.
Lục chúng nói:
- Như vậy, tại sao các ngươi thấy
ta là Bí-sô lại không lễ kính mà nói quỳ lạy?
Ðáp:
- Thánh giả! Tôi thấy mặt quý ngài
có ba vạch, vậy là Bàlamôn nào phải Bí-sô. Chúng tôi không biết là Bí-sô, xin
thứ lỗi.
Lục chúng đành im lặng. Các Bí-sô
nghe sự việc, bạch Phật. Phật suy nghĩ: "Nếu Bí-sô vẽ ba vạch trên mặt sẽ có
những lỗi lầm như vậy". Do đó, Ngài quy định:
- Bí-sô nào vẽ ba vạch như vậy, bị
tội vượt pháp.
Phật dạy:
- Bí-sô không được dùng đất trắng
vẽ ba vạch trên mặt như vậy.
Có Bí-sô bệnh, y sĩ cho đơn thuốc
dùng đất trắng bôi lên thân. Bí-sô không dám, đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Trước là chế định, nay là tùy
khai. Nếu y sĩ bảo bôi đất trên thân, được làm theo, không phạm.
Phật ở thành Thất La Phiệt. Vào
sáng sớm, Lục chúng mặc y mang bát vào thành khất thực, thấy các vị Bàlamôn bôi
ngưu hoàng trên trán nên mong cầu những thức ăn ngon; đều đạt được. Thấy vậy,
Lục chúng nói với nhau:
- Ðây là phương pháp tốt, chúng ta
nên làm theo.
Hôm khác, họ bôi ngưu hoàng trên
trán, đi khất thực. Những người không tin, thấy dấu trên trán, khinh thường cười
nói:
- Ta xin quỳ bái ... như đoạn
trên ... Tôi thấy quý vị trang sức trên mặt bằng ngưu hoàng, đó là Bàlamôn
chứ nào phải Bí-sô. Chúng tôi không biết, xin thứ lỗi.
Lục chúng đành im lặng. Các Bí-sô
đem sự việc bạch Phật. Phật nghĩ: "Nếu Bí-sô trang sức trên trán bằng ngưu
hoàng, nên sẽ gây ra lỗi như vậy". Do đó, Ngài quy định:
- Bí-sô không được bôi ngưu hoàng
trên trán. Ai vi phạm bị tội vượt pháp.
Sau khi Phật chế không được bôi
ngưu hoàng trên trán, có Bí-sô bị mụt dữ trên trán, đến hỏi y sĩ:
- Hiền thủ, hãy trị bệnh cho tôi.
Y sĩ nói:
- Thánh giả hãy dùng ngưu hoàng bôi
quanh mụt ghẻ thì sẽ hết bệnh.
Bí-sô nói:
- Thế Tôn chế giới không được dùng
ngưu hoàng bôi trên trán.
Y sĩ nói:
- Thánh giả! Thầy ngài đại từ bi,
nếu có bệnh tất cho phép.
Họ đem việc này bạch Phật. Phật bảo
các Bí-sô:
- Trước đây chế định, nay tùy khai,
trừ trường hợp bệnh và y sĩ bảo làm được phép dùng ngưu hoàng. Không bệnh, cố ý
dùng, bị tội vượt pháp.
* Duyên xứ như trước. Lục chúng
Bí-sô thoa chất thơm, đi vào trong nhóm thanh thiếu niên, bảo với họ:
- Các ngươi hãy ngửi mùi thơm của
ta xem thế nào?
Những người kia đáp:
- Lẽ nào Thượng tọa thoa chất thơm?
Ðáp:
- Ðúng vậy.
Họ nói:
- Thoa mùi thơm là trang sức thế
tục, nào hợp với Thượng tọa.
Ðáp:
- Hợp hay không, ta cũng đã làm.
Họ cùng nhau bất mãn khinh khi. Các
Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật nghĩ: "Bí-sô thoa mùi thơm, có lỗi lầm như
vậy". Do đó, Ngài chế:
- Bí-sô không được thoa mùi thơm.
Ai vi phạm bị tội vượt pháp.
Như Phật đã chế không được thoa
chất thơm, có Bí-sô bị bệnh, đến gặp y sĩ, hỏi:
- Xin khám bệnh cho tôi và điều
trị.
- Thánh giả, hãy thoa chất thơm thì
hết bệnh ngay.
Ðáp:
- Hiền thủ, lẽ nào bảo tôi ưa thích
dục lạc hay sao?
- Thánh giả! Ðấy là thuốc trị bệnh,
dùng loại khác không hết được.
Bí-sô bạch Phật .
Phật dạy:
- Nay Ta cho phép nếu y sĩ cho toa
như vậy, thoa chất thơm không phạm.
Khi Bí-sô thoa chất thơm vào ngồi
trong chúng, thuyết pháp cho các Bàlamôn cư sĩ, hoặc vào nhà thế tục, mọi người
biết vậy nên chê bai. Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Ta sẽ quy định những pháp cho
Bí-sô thoa mùi thơm. Những Bí-sô nào thoa mùi thơm không được vào ngồi giữa mọi
người, cũng không được thuyết pháp cho Bà-la-môn cư sĩ, không được đi đến nhà
thế tục. Sau khi hết bệnh, Bí-sô phải tắm sạch hết mùi, mới được tùy ý vào giữa
mọi người và được thuyết pháp cho mọi người. Ai không làm theo pháp này, bị tội
vượt pháp.
Khi ấy, có tín tâm Bà-la-môn cư sĩ
đem hương thoa đến cúng dường các Bí-sô.
Bí-sô không nhận, các cư sĩ nói:
- Thánh giả! Khi Phật chưa ra đời,
chúng con nhờ vào ngoại đạo để làm phước. Nay, Phật ra đời, chúng con lấy các
Ngài làm phước điền lớn. Vì sao không nhận vật cúng dường của các con mang đến?
Lẽ nào làm cho chúng con không có hành trang tốt đẹp để đi qua đời sau? Xin từ
bi nhận của cúng dường nhỏ mọn của chúng con.
Bí-sô đáp:
- Hãy chờ tôi thưa hỏi Phật .
Các Bí-sô đem sự việc bạch
Phật.Phật dạy:
- Nên nhận.
Sau khi nhận, Bí-sô vứt ngay xuống đất trước người cho.
Thí chủ nói:
- Thánh giả! Chúng con mua vật quý
giá đem đến, vì sao vứt bỏ đi.
Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật.Phật dạy:
- Nhận xong, không nên xem thường
vứt bỏ trước thí chủ, nên đem thoa trên đất trước tháp Phật đề cúng dường.
Như lời Phật dạy:
- Nên thoa hương trên đất trước
tháp Phật để cúng dường.
Các Bí-sô sau khi nhận hương ấy,
dùng tay bôi trước tháp tóc móng tay của Phật để cúng dường. Thấy vậy, thí chủ
nói:
- Thánh giả! Con không biết có tháp
để cúng dường hay sao? Ý chúng con là cúng cho các ngài. Trước tháp Phật, chúng
con đã cúng dường rồi.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Nhận được chất thơm nên thoa
trong phòng.
Bí-sô được hương thơm, bôi lên cánh
cửa phòng. Những người khác cho là điện Phật nên lễ bái.
Phật dạy:
- Không nên làm vậy, nên bôi lên
cửa ngoài ... họ lại bị lỗi như trước.
Phật dạy:
- Nên thoa trên đầu, bờ của tường
vách, mũi luôn được ngửi. Khi ngửi vật thơm, làm cho mắt sáng, chớ nghi ngại.
* Một thời, Thế Tôn ở vườn Thi-Lộc,
rừng Khủng Úy, núi Thất Thu Ma La. Vương tử Bồ Ðề xây cất lầu Ðiểu Minh vừa xong
nên tổ chức khánh thành, thỉnh Phật và Tăng đến để cúng dường. Thế Tôn đến nơi,
cùng chúng Tăng an tọa dưới lầu thọ trai. Trong khi thọ trai, Ô Ba Nan Ðà lấy
tay đánh vào trụ lầu, làm cho lầu bị chấn động. Người cúng dường báo:
- Thánh giả! Vương tử Bồ Ðề mới tạo
lầu này, dùng cả trăm màu sắc để tô vẽ điêu khắc, ý gì mà ngài muốn phá hoại?
Ô Ba Nan Ðà đáp:
- Kẻ bần hàn Bồ Ðề có tâm tham ái
nơi này, sau khi chết sẽ đọa vào nơi nào? Ngươi cũng có tâm tham ái nơi này, sau
khi chết sẽ đọa vào loài quỷ bứu to.
Người kia nghe xong, rất bất mãn
chê trách. Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật .Phật suy nghĩ: "Bí-sô đánh vào cột,
có những lỗi như vậy".
Ngài chế:
- Bí-sô không được lấy tay đánh vào
cột, ai vi phạm bị tội vượt pháp.
Sau khi Phật chế không được dùng
tay đánh vào cột, Lục chúng Bí-sô dùng đấm tay, vai, lưng, gối và gạch đá đánh
làm lay động ... lại gây bất mãn chê trách bị lỗi như trước.
Phật dạy:
- Không được đánh bằng bất kỳ vật
gì?
Khi ấy, Lục chúng đánh vào tường,
vào đất. Phật dạy:
- Không được đánh vật khác, ai vi phạm bị tội vượt pháp.
* Duyên xứ như trước... Vào sáng
sớm, Lục chúng Bí-sô mặc y mang bát vào thành khất thực, thấy các Bàlamôn mang
dây phạm tuyến nên khất thực được nhiều thức ăn ngon. Họ bàn nhau:
- Nan Ðà, Ô Ba Nan Ðà! Ta có phương
pháp tốt là mang dây phạm tuyến.
Vào ngày khác, họ mang dây này vào
thành khất thực. Có những người không tin thấy dây phạm tuyến, nên khinh khi
nói:
- Ta xin quỳ bái ... hỏi đáp như
trước ... cho đến các Bí-sô đem sự việc bạch Phật.
Phật suy nghĩ: "Bí-sô mang dây phạm
tuyến có những lỗi như vậy". Do đó, Ngài chế:
- Bí-sô không được mang dây, ai vi phạm bị tội vượt pháp.
* Duyên xứ như trước... Lục chúng
khất thực thấy các Bàlamôn dùng hoa thơm đẹp trang sức thân thể, tay đeo dây ngũ
sắc, được nhiều thức ăn no đủ, sau khi ăn no thân hình sung mãn đi ra khỏi nhà.
Lục chúng bảo nhau:
- Nan Ðà, Ô Ba Nan Ðà! Ðây là
phương pháp tốt, chúng ta nên làm theo.
Vào ngày khác, họ cột dây ngũ sắc
trên tay, đi vào thành khất thực. Các Bà-la-môn thấy vậy nên khinh thường, nói:-
Ta xin quỳ bái. Lục chúng nổi lên bất mãn.. nói rộng như trước ... cho đến các
Bí-sô bạch Phật. Phật suy nghĩ: "Bí-sô mang dây ngũ sắc có những lỗi lầm như
vậy". Do đó, Ngài chế:
- Bí-sô không được mang dây ngũ sắc nơi tay, ai vi phạm bị tội
vượt pháp.
Sau khi Phật không cho mang dây ngũ sắc nơi tay, có Bí-sô bị
bệnh, đến gặp y sĩ hỏi:
- Hiền thủ! Tôi bị bệnh xin ngài
điều trị.
Ðáp:
- Thánh giả! Ngài dùng dây ngũ sắc,
chú nguyện mang nơi tay thì hết bệnh.
- Thế Tôn không cho phép làm.
Y sĩ nói:
- Ðại sư của ngài lấy từ bi làm
gốc, bị bệnh tất cho phép không ngờ gì cả.
Các Bí-sô bạch Phật .Phật dạy:
- Nay Ta cho phép các Bí-sô vì
bệnh, y sĩ bảo làm, mang dây không phạm.
Sau khi Phật cho cột dây nơi tay,
Bí-sô lại mang dây trước khuỷu tay phải, lại bị chê có lỗi. Phật dạy:
- Không được.
Họ lại mang sau khuỷu. Phật dạy:
- Không được.
Họ lại mang trước khuỷu tay
trái.Phật dạy:
- Không được.
Họ lại mang sau khuỷu tay trái.
Bí-sô nhờ mang dây được hết bệnh,
sau đó vứt bỏ dây ấy bừa bãi. Phi nhân thấy vậy nên hiềm khích, nói:
- Thánh giả! Dây này do có kết tên
họ của tôi, nhờ chú ấy nên làm cho hết bệnh, nay ngài lại khinh thường.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Không được vứt bỏ bừa bãi. Ai
chưa hết bệnh thì cột nơi góc y, khi bình phục rồi nên an trí nơi hốc tường cột.
* Duyên xứ như trước... Lục chúng
khất thực, thấy những người thế tục trang sức bằng các loại chuỗi anh lạc, nên
dùng vòng anh lạc đeo tay chân trang sức nơi thân, rồi nói với nhau rằng trang
sức đẹp không. Những người thế tục nói đùa:
- Thánh giả, trên đầu tóc cạo sạch
, dưới nách lông dài, có chỗ nào trang sức cho đẹp đâu, chẳng phải là các vị bị
dục nhiễm trói buộc hay sao?
Lục chúng đành im lặng. Bí-sô bạch
Phật.Phật suy nghĩ: "Bí-sô mang anh lạc có những lỗi như vậy". Do đó, Ngài chế:
- Bí-sô không được dùng chuỗi anh
lạc trang sức nơi tay chân, ai cố ý mang bị tội vượt pháp.
* Duyên xứ như trước... Có giặc
đến, trộm kho tàng của Tăng và các vật riêng tư. Vì không ghi chép chính xác nên
Bí-sô không biết mất vật vào lúc nào. Phật dạy:
- Bí-sô nên làm con dấu.
Lục chúng Bí-sô dùng vàng bạc lưu
ly thủy tinh ngọc thạch mà làm con dấu, trang sức bằng vật quý trên nhẫn (con
dấu) đeo tay . Khi gặp mgười thế tục, họ xòe tay ra khoe nhẫn quý và chú nguyện:
"Mong quý vị không bệnh sống lâu".
Người thế tục hỏi:
- Trên nhẫn có gì vậy?
Ðáp:
- Hiền thủ, đây là nhẫn con dấu,
Phật cho phép dùng.
Người đời chê bai cười nói:
- Sa-môn Thích tử còn làm việc kiêu
mạn, dùng các vật báu trang sức để làm nhẫn con dấu, chẳng phải thật Sa-môn,
cũng chẳng phải Bà-la-môn.
Các Bí-sô nghe vậy, bạch Phật .
Phật dạy:
- Bí-sô không nên mang nhẫn và vật
trang sức quý báu, nên dùng năm loại là thâu thạch, đồng đỏ, đồng trắng, ngà và
sừng để làm con dấu.
Trên con dấu của Lục chúng lại khắc
hình tượng nam nữ làm việc phi pháp. Những người thế tục thấy vậy chê:
- Quý vị là Sa-môn còn có tâm ô
nhiễm hay sao?
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Con dấu có hai loại, một cho đại
chúng, một cho cá nhân. Nếu con dấu của đại chúng, nên khắc tượng chuyển pháp
luân, hai bên bố trí hình nai quỳ chầu vào , bên dưới ghi căn nguyên làm chùa,
tên họ thí chủ. Nếu là con dấu cá nhân, nên khắc tượng bộ xương, hoặc hình đầu
lâu, để khi nhìn thấy sinh tâm nhàm chán.
Nhiếp tụng thứ hai trong biệt môn
thứ nhất
Tiễn qua phát khai quang,
Xuân thời thực tiểu quả,
Khát thính ngũ chủng dược,
Quảng thuyết Hỏa Sinh duyên.
* Duyên xứ như trước... Trưởng giả
Cấp Cô Ðộc xây dựng trú xứ Thệ Ða Lâm cúng dường cho Phật và Tăng.
Một hôm, trưởng giả bảo người thợ
cạo:
- Người hãy đến rừng Thệ Ða, cạo
râu tóc cho Thánh chúng.
Người kia vâng lệnh, đi đến chùa.
Khi ấy, Lục chúng Bí-sô tụ tập trước cửa chùa nhìn ngắm không ngừng. Ô Ba Nan Ðà
đang kinh hành qua lại trước chùa, thấy người thợ cạo đến, bảo:
- Xin chào, hiền thủ đến đây! Cũng
như trăng đầu tháng thật khó gặp được.
Người thợ nói:
- Trưởng giả sai tôi đến cạo tóc cho chúng Tăng.
Hỏi:
- Người biết cắt móng tay không?
Ðáp:
- Thánh giả! Ðấy là nghề của tôi.
- Người hãy đến đây, thử trổ nghề
giỏi xem!
Người thợ ra trước, Tôn giả xoè tay
ra.
Người thợ nói:
- Thánh giả muốn cắt như thế nào?
- Hiền thủ! Hãy cắt như hình hạt
lúa.
Thợ cạo làm đúng theo yêu cầu. Sau
đó, Ô Ba Nan Ðà lại bảo cắt hình đầu người, rồi hình dao cạo, hình lưỡi búa,
hình bán nguyệt ... người kia vẫn làm đúng theo. Cuối cùng, Tôn giả bảo:
- Người là kẻ ngu si, nói dối có
nghề giỏi, mà chẳng biết gì cả, hãy cắt bằng hết, mau bỏ hình cũ đi.
Mãi đến chiều , Tôn giả mới cho
người thợ về.
Chiều tối, người thợ mới về chỗ
Trưởng giả. Trưởng giả hỏi:
- Người đã cạo râu tóc cho bao
nhiêu vị?
Ðáp:
- Tôi nào có rảnh để cạo tóc cho
đại chúng, quan trưởng Bí-sô Ô Ba Nan Ðà sai tôi cắt móng tay với các loại hình
dạng ... nói đủ như trước ... cho đến chiều mới cho về, còn muốn làm gì
nữa!
Trưởng giả nghe nói, có ý chê
trách:
- Tuy đã xuất gia trong pháp luật
thiện thuyết mà tâm không tịch tịnh.
Bí-sô nghe nói, bạch Phật. Phật suy
nghĩ: "Bí-sô cắt móng tay có những lỗi như vậy". Do đó, Ngài chế:
- Bí-sô không nên cắt móng tay, ai
vi phạm bị tội vượt pháp.
Sau khi Phật không cho cắt móng
tay, các Bí-sô để móng tay dài.
Người thế tục thấy vậy hỏi:
- Tại sao móng tay dài vậy?
Ðáp:
- Thế Tôn không cho cắt.
- Ðể móng tay chân dài vậy là sạch
hay sao?
Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Trước là quy định, nay tùy khai.
Ðể móng tay có hai cách: một như hình dao cạo, hai như lưỡi búa.
* Duyên xứ như trước... Trưởng giả
Cấp cô độc sai thợ cạo vào chùa cạo râu tóc cho chúng Tăng ... như trước
... cho đến hỏi:
- Ngươi hiểu cách đánh móng tay chân không?
Ðáp:
- Thánh giả, đấy là nghề của tôi.
- Ngươi hãy đến đây làm thử xem .
Bí-sô sai họ làm màu vàng trước,
rồi đến màu đỏ, màu trắng, màu vàng kim ... Họ đều làm theo lời sai bảo. Bí-sô
lại bảo họ:
- Ngươi là kẻ ngu si, dối nói có
nghề giỏi nhưng không biết gì cả, hãy chùi cho bình thường bỏ hết cái cũ đi. Khi
người kia về gặp Trưởng giả ... cho đến ... còn muốn làm gì nữa. Trưởng
giả nghe nói nên có ý hiềm trách nói như trước. Bí-sô nghe vậy, bạch Phật.
Phật nghĩ: "Bí-sô đánh móng tay có
những lỗi như vậy ". Do đó, Ngài chế:
- Bí-sô không được chùi móng tay,
ai vi phạm, bị tội vượt pháp.
Sau khi Phật không cho Bí-sô chùi
móng tay, Bí-sô nhuộm y hay đốt bát, móng tay bị cấu bẩn màu sắc nhớp nhúa. Khi
họ mang bát khất thực, người thế tục hỏi:
- Thánh giả, vì sao móng tay ngài
bẩn vậy?
Bí-sô trình bày sự việc.
- Tại sao thánh giả không chùi
sạch?
Ðáp:
- Thế Tôn không cho phép.
- Vậy mang đất trên móng tay là
thanh tịnh hay sao?
Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Khi chùi cấu bẩn, có thể lau móng
tay, không nên vì đẹp mà chùi cho sáng bóng.
* Phật ở thành Vương Xá. Vua Ảnh
Thắng suy nghĩ: "Khi thời tiết thay đổi đến Xuân Thu, có lúa mới và trái đầu mùa
nên đem dâng lên Phật và các Thánh chúng, sau đó mới dùng riêng". Khi ấy, có đại
thần dâng trái Am-một-la mới chín lên vua (trái này lớn như trái đào, sống chín
khó biết, có bốn loại khác nhau không đồng. Am-ma-lạc-ca lớn như trái táo chua,
chỉ dùng làm thuốc). Nhà vua bảo:
- Hãy mang quả này dâng lên Phật và
Tăng.
Vị đại thần cười mỉm. Vua nói:
- Vì sao khanh cười?
Ðáp:
- Ðại vương cho rằng thần chưa dâng
lên Phật và Tăng, nhưng thần đã dâng lên trước rồi.
Vua nói:
- Sợ khanh không biết việc này, vì
vậy, ta dâng lên Thánh chúng vườn cây ăn trái có ngàn gốc.
Ðại thần tâu:
- Ðây thật là việc tốt, thần rất
tùy hỷ.
Nhà vua liền đem vườn cây ăn trái
có ngàn gốc dâng lên tứ phương Thánh tăng, và tổ chức đại hội khánh tạ phước
điền. Trước đây, rừng cây này kết trái rất nhiều, giả sử nhân dân nước Ma yết đà
tụ họp lại hết cũng đủ trái để ăn. Sau khi nhà vua dâng khu rừng này cho Tăng
già, các Bí-sô thấy trái còn nhỏ nhưng đã thơm ngon nên cùng hái ăn cho đến hết
sạch. Có vua nước khác cần loại trái này, sai sứ giả đến gặp vua Ảnh Thắng xin
trái Am-một-la.
Nhà vua nói:
- Rừng trái cây này, ta đã cúng
Tăng chúng rồi. Người hãy đến đó xin với chúng Tăng. Sứ giả đến vườn Trúc lâm.
Khi ấy, Lục chúng đang tụ tập trước
chùa trông ngóng chẳng sót việc gì. Ô Ba Nan Ðà đang kinh hành trước chùa. Sứ
giả đến nơi lạy sát chân Tôn giả, bạch:
- Thánh giả! Con là sứ giả của quốc
vương ... ngài sai con đến đây cầu xin trái Am-một-la. Nếu quý ngài có, xin chia
cho. Ô Ba Nan Ðà bảo sứ giả:
- Người hãy đến rừng trái, tùy ý
muốn, lấy nhiều ít đem đi.
Sứ giả đến vườn, quan sát khắp nơi,
chỉ thấy cành không chẳng có trái nào cả, nên trở về thưa lại là rừng trống
không có trái. Ô Ba Nan Ðà cùng sứ giả đi vào vườn, sau khi quan sát, bảo:
- Người hãy leo lên cây cao này. Sứ
giả liền leo lên nhưng vẫn không thấy trái. Ô Ba Nan Ðà lại bảo:
- Hãy leo lên cành phía Ðông.
Cho đến bảo leo lên cánh phía Nam,
Tây, Bắc. Người kia leo khắp nhưng chẳng được gì nên tụt xuống khỏi cây, hỏi:
- Thánh giả, hay là năm nay rừng
cây này chẳng có trái?
Ðáp:
- Hiền thủ, năm nay cũng kết trái như năm trước.
- Như vậy, hay là năm nay bị gió
mưa nên trái rụng phải không?
Ðáp:
- Không phải.
- Vì sao không có trái nào?
Ðáp:
- Chúng tôi đã ăn hết khi trái còn
nhỏ.
Sứ giả trở lại tâu sự việc lên vua.
Vua phán:
- Lành thay! Tâm nguyện của ta là
muốn cho Thánh chúng được ăn.
Sứ giả buồn bã trở về nước mình.
Khi ấy, nước Ma-yết-đà có đại hội, mọi người đều tụ tập. Họ hỏi Bí-sô:
- Thánh giả! Vì sao năm nay cả rừng
cây không kết trái?
Ðáp:
- Hiền thủ! Chẳng phải không kết
trái chỉ vì chúng tôi đã ăn hết.
- Thánh giả! Tính ra, khi rừng trái
cây này chín, nhân dân cả nước Ma-yết-đà ăn cũng đủ, chỉ vì các vị ăn hết khi
chúng còn nhỏ, nên không còn trái nào cả, đây thật không tốt.
Bí-sô đáp:
- Rừng trái này, nhà vua không cho
những người trong nước, chỉ cúng Tăng chúng.Vậy chúng ta cùng ăn, có lỗi gì?
Khi mọi người nghe nói vậy, cùng
nhau không vừa lòng chê trách:
- Sa-môn Thích tử còn không biết
tri túc, huống chi bọn thế tục chúng ta.
Bí-sô bạch Phật. Phật suy nghĩ: "Do
ăn trái ấy còn nhỏ nên có lỗi như vậy". Do đó, Ngài chế:
- Các Bí-sô không được ăn trái ấy
còn nhỏ, ai ăn bị tội vượt pháp.
Như Phật chế, không được ăn trái
ấy, có Trưởng giả với tín tâm đem trái Am-một-la nhỏ nhưng thơm ngon dâng lên
Bí-sô. Bí-sô nói:
- Phật không cho ăn. Các Trưởng giả nói:
- Khi Phật chưa ra đời, những người
chúng con đều lấy ngoại đạo làm phước điền ... như trên ... cho đến từ bi
nhận vật cúng dường nhỏ mọn của con.
Các Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Khi chúng có hạt ăn không phạm.
Lại có Trưởng giả với tín tâm đem
trái Am-một-la-chín dâng lên Bí-sô ... như trước ... cho đến nhận vật
cúng nhỏ mọn của con. Các Bí-sô không dám nhận, đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:
- Sau khi có hạt cho đến khi chín
đều được ăn, chớ nghi ngại.
* Duyên khởi ở thành Thất la phiệt.
Có Bí-sô bị bệnh, đến y sĩ nói:
- Tôi có bệnh như vậy, xin điều trị. Y sĩ nói:
- Nên dùng bơ cho thân thể nhuận
tốt, tôi sẽ cho thuốc xổ.
Vị ấy dùng bơ, lại sinh bệnh tiêu
khát. Y sĩ đến hỏi:
- Thánh giả khoẻ không?
Ðáp:
- Hiền thủ, tôi lại sinh bệnh khát.
Y sĩ nói:
- Hãy cầm lấy dư cam tử.
Bí-sô giữ mãi dư cam tử nơi tay, y
sĩ thấy hỏi:
- Ngài đã hết khát chưa?
Ðáp:
- Chưa hết.
Y sĩ nói:
- Thánh giả, hay là ngài không cầm
đến dư cam tử?
Ðáp:
- Ðang cầm trong tay.
Y sĩ:
- Nên cho vào miệng.
Bí-sô ngậm vào miệng. Ngày khác, y
sĩ đến hỏi:
- Ngài hết khát chưa?
Ðáp:
- Vẫn chưa hết khát.
Y sĩ:
- Hay là ngài không ngậm dư cam tử
trong miệng?
Ðáp:
- Ðang ngậm trong miệng.
- Hãy nhai đi.
Ðáp:
- Thế Tôn không cho.
Y sĩ nói:
- Thế Tôn đại từ bi chắc chắn cho phép.
Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:
- Nên nhai.
Sau khi nhai, lại nhả ra ngoài,
không dám nuốt xuống, nên không hết bệnh khát.Y sĩ nói:
- Tại sao không nuốt?
Ðáp:
- Thế Tôn không cho ăn phi thời.
Bí-sô đem sự việc bạch Phật . Phật dạy:
- Nay Ta cho phép, có năm loại trái, bệnh hay không bệnh, thời
hay phi thời đều được ăn, không phạm.
Như Phật dạy có năm loại trái cây,
bệnh hay không bệnh, thời hay phi thời đều được ăn, không phạm, Bí-sô không biết
năm loại nào. Phật dạy:
- Ðó là dư cam tử (Phạn ngữ
Am-ma-lạc-ca, dịch là Dư cam tử cùng với Am-một-la ở trên khác nhau, chỉ giống
về tiếng gọi, mọi người nhầm lẫn nên chú ra; đây đã trực tiếp xem rõ)
Ha-lê-lặc, Tỳ-ê-lặc, Tất-bát-lê, Hồ-tiêu. Năm loại thuốc này, có bệnh không
bệnh, thời hay phi thời, tùy ý ăn, chớ ngại.
CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
TỲ NẠI DA TẠP SỰ.
Quyển thứ nhất hết.
--- o0o ---
Mục
Lục | 1 | 2 |
3 | 4 |
5 | 6 |
7 | 8 |
9 | 10 | 11 |
12 |13 |14 | 15
16 |17 |18 |19 |20
| 21 | 22 |
23 | 24 |
25 | 26 |27
| 28 | 29 |
30
31 |
32| 33 |
34 | 35 |
36 | 37 |
38 | 39 |
40
--- o0o ---
Source:
BuddhaSasana website (
By Binh Anson)
--- o0o ---
Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật ngày 01-11-2002
|
|