Ðại Tạng No. 1451
CĂN BẢN THUYẾT
NHẤT THIẾT HỮU BỘ
- Mùla-Sarvàstivàda -
TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ
-
Mùla-Sarvàstivàda Vinaya Ksudraka Vastu -
(Cuộc đời đức Phật và các đệ tử)
Hán dịch:
Tam Tạng Nghĩa Tịnh, đời Ðường, Trung Quốc
Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh, PL 2542 - TL 1998
--- o0o ---
Lời người
dịch
Mùa hạ năm 1970 tại Phật Học Viện
Hải Ðức Nha Trang, chúng tôi được Thầy Ðức Chơn và Thầy Phước Châu giao việc dán
lại trang Bát-Kính-Pháp bị nhầm trong sách "Phật và Thánh Chúng" của Thầy Cao
Hữu-Ðính do Phật Học Viện Trung Phần ấn hành và in tại Nhà in Hoa Sen, NhaTrang.
Sau khi công việc hoàn tất, chúng tôi được Quý Thầy cho mỗi người một quyển sách
này, tuy rằng lúc ấy chưa phát hành. Lần đầu tiên trong đời, tôi bị tác động rất
lớn, qua hình ảnh các Phật-tích ở Ấn Ðộ và những câu chuyện về Ðức Phật và các
đệ tử trong quyển sách. Ở đây, Ðức Phật và các vị Thánh đệ tử rất gần và rất
thực với đời sống và suy nghĩ của tôi, khác với hình ảnh Ðức Phật cùng Chư Bồ
Tát, Thanh văn với những thần biến không thể nghĩ bàn mà tôi đã được biết qua
các Kinh Pháp Hoa, Di Ðà ... Sau đó, vào một buổi trưa, đang ngồi trông chừng
nhà tổ, tôi lại được gặp tác giả quyển sách -- Thầy Cao Hữu Ðính, với chiếc áo
dài đen -- trong lúc đến dạy cho quý chú học Tăng ở Phật Học Viện. Hôm ấy, có lẽ
còn sớm nên Thầy ngồi nghỉ ở trước nhà tổ trên đầu dốc, trước khi lên một đoạn
dốc nữa đến lớp học. Tôi rón rén đến chào Thầy và hỏi: "Thưa Thầy, quyển 'Phật
và Thánh chúng' Thầy viết hay dịch?". Và tôi được Thầy cho biết Thầy viết từ
những tài liệu khác nhau nhưng nhiều nhất là lấy từ Luật-Bộ. Thấy tôi rất thích
thú về những sự việc trong quyển sách, Thầy có cho biết qua về tầm quan trọng
của A-Hàm và Luật-Bộ đối với sự học hỏi về Ðức Phật và giáo pháp của Ngài. Sau
này, trong những năm học ở Phật Học Viện Liễu-Quán, Phan-Rang, nhân tra cứu tài
liệu trong tạng Ðại-Chính của Phật Học Viện Hải-Ðức cho Phật Học Viện Liễu-Quán
mượn, tôi thấy có chữ ghi và những tờ giấy làm dấu của Thầy Ðính trong Bộ Tạp Sự
của Hữu Bộ. Sau khi đối chiếu, tôi mới biết phần lớn tài liệu viết cuốn "Phật và
Thánh Chúng" rút từ Bộ Luật này.
Ðáp ứng tâm nguyện và sự hỗ trợ cho
việc phiên dịch Ðại-Tạng Kinh Việt-Nam của Thầy Tịnh Hạnh -- Ðài-Loan, tôi tra
cứu và dịch Bộ Tạp Sự bốn mươi quyển này để góp phần vào công tác phiên dịch do
Thầy đề ra. Và sau khi dịch, tôi được Luật sư Thích Ðỗng Minh hoan hỷ chứng
nghĩa cho từng quyển.
Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ
Nại Da Tạp Sự - Mùla sarvàstivàda vinaya ksudraka vastu - là Bộ Luật
trong hệ thống Luật-Tạng do Bộ Phái Nhất Thiết Hữu thuộc hệ Thượng Tọa Bộ Ấn Ðộ
kiết tập, được Luật sư Nghĩa-Tịnh -- một trong bốn vị đại dịch giả về Phật điển
của Trung Quốc -- đem về từ Ấn Ðộ và dịch ra Hán văn thành bốn mươi quyển tại
Trung Quốc vào năm Cảnh Long thứ tư (Dương Lịch 710) thuộc Triều đại nhà Ðường.
Nội dung Bộ Luật này ghi lại những việc quá khứ của Ðức Phật và các đệ tử liên
hệ đến sự việc Ðức Phật chế định các giới luật trong hiện tại. Qua các sự kiện
được bộ này ghi lại, chúng ta có thể biết rất chi tiết về cuộc đời Ðức Phật từ
cung trời Ðâu Suất, giáng thần, đản sinh, xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân,
và cho đến nhập Niết bàn và cuộc đời các vị đệ tử. Ðồng thời, chúng ta có thể
biết những biến cố lịch sử của Tăng đoàn xảy ra trong thời Phật và sau Niết bàn,
những hành trạng của các Thánh chúng đệ tử Phật và sinh hoạt của dân chúng Ấn Ðộ
thời bấy giờ, các câu chuyện ngụ ngôn dân gian của Ấn Ðộ được các nhà kiết tập
đưa vào để người đọc được học hỏi biết bao điều hay, ý đẹp trong cuộc sống đời
thường này.
Thông qua những câu chuyện trên,
chúng ta có thể thấy được Ðức Phật lịch sử của chúng ta vừa là Bậc Ðạo sư, vừa
là người Cha lành, vừa như một bà Mẹ hiền luôn luôn gần gũi, dạy bảo, chăm sóc
cho đàn con là các đệ tử xuất gia và tại gia vây quanh mà không phải vị nào cũng
dễ thương, dễ dạy. Tuy Ngài là một Bậc Giác ngộ giải thoát hoàn toàn nhưng ở đây
chúng ta có thể thấy được tính cách rất nhân bản của Ngài qua sự việc cho đại
thần Hành Vũ nghe về bảy pháp bất thối để ngăn chiến tranh giữa hai nước Ma Kiệt
Ðà và Phật Lật Thị (Quyển 35) hay ngăn cản Thái tử Ác Sinh (Virùdhaka)
tàn phá thành Ca Tỳ La Vệ và câu nói đầy tình người "Không có bóng mát nào bằng
bóng mát của cây thân tộc". (Quyển 8). Trong sinh hoạt với các đệ tử, Ðức Phật
luôn có thái độ như một người bạn tốt (thiện tri thức) sẵn sàng lắng nghe ý kiến
của người khác và chấp nhận tùy theo hoàn cảnh, đối tượng, thời gian, miễn sao
giúp cho họ tu tập được kết quả. Các vị Thánh chúng được kể lại trong sách, có
những vị rất Thánh về mặt giải thoát giác ngộ mà đời sống lại rất giản dị, khiêm
tốn, dễ thương, có những tình bạn cao thượng, chân thành đến trọn đời như Xá lợi
Phất và Mục Kiền Liên, cũng có những vị nghịch ngợm, thậm chí còn phạm phải
những lỗi lầm rất phàm tục như tất cả chúng ta nhưng có khác là các vị ấy không
che dấu mà luôn luôn tinh tấn vượt lên, đó là điều mà chúng ta cần phải lưu tâm
và học tập. Chúng ta cũng có thể thấy những tấm gương sáng chói của các vị nam
nữ cư sĩ hiểu pháp, tận tín Tam bảo, chứng đắc quả Thánh hay những vị có những
hành động đầy từ bi và hùng lực như cư sĩ Ðại Danh (Maha Nàma) chủ thành
Ca tỳ La Vệ đã hy sinh mạng sống của mình để cứu dân chúng trong thành trước sự
xâm lăng của quân địch.
Những mẫu chuyện trong Bộ Luật này
dạy cho chúng ta thấy được hành động và đời sống dù tốt hay xấu của từng nhân
vật trong các câu chuyện đều có quan hệ duyên khởi từ hiện tại dến quá khứ và
tương lai giữa bản thân vị ấy với hoàn cảnh chung quanh và ngược lại. Nhờ đó,
chúng ta có sự hiểu biết bằng trí tuệ để tự sách tấn mình phải làm việc lành,
tránh việc ác và có lòng từ bi thông cảm với những điều lầm lỗi của tha nhân,
cùng nhau xây dựng đời sống bằng Giới, Ðịnh, Tuệ diệt trừ đau khổ và sợ hãi, đem
lại an lạc, hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.
Ðây là một Bộ Luật nên trong quá
trình dịch chúng tôi phải sử dụng những thuật ngữ và văn của Luật tạng. Do đó,
trong bản dịch có những đoạn khó hiểu với những vị chưa quen tiếp cận với văn
Luật và đó là điều chúng tôi không thể làm khác đi được.
Những bài nhiếp tụng trong Bộ Luật
này có hình thức như một bảng ký hiệu, vì ý nghĩa các câu (có khi là trong một
câu) không liên hệ nhau, mỗi từ ngữ là một vấn đề được trình bày ở sau. Do đó,
chúng tôi chỉ phiên âm Hán Việt chứ không dịch.
Khi dịch, chúng tôi cố gắng sử dụng
trực tiếp bằng vi tính với ý định sẽ cho biệt hành khi có điều kiện.
Bản Hán dịch rất hay và rõ ràng với
văn của Ngài Nghĩa-Tịnh, nhưng bằng khả năng hạn chế của dịch giả thì bản Việt
dịch này không sao đạt được như vậy và tránh khỏi sai sót, kính mong được các vị
thiện tri thức chỉ dạy cho.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
Phật
Nha Trang, Long Sơn Vihàra,
Mùa hạ PL 2542 (TL 1998)
Bhikkhu Caràna-Citto Tâm-Hạnh.
-ooOoo-
Lời tri ân
Con xin thành kính cúng dường Pháp
bảo này đến:
- Tam Bảo, cha mẹ và chư thiên
mật thùy gia hộ.
- Các vị Ân sư, Giáo thọ sư ở các
Phật Học Viện Hải Ðức Nha Trang; Bửu Tịnh -- Tuy Hòa; Liễu Quán -- Phan Rang;
Phổ Ðà -- Ðà Nẵng; Huyền Không và Thiền Lâm -- Huế; Kỳ Viên và Phật Bảo -- Sài
Gòn, đã nuôi dưỡng và dạy bảo cho con được biết đến chánh pháp của Ðức Phật,
với lòng thành kính và tri ân vô biên.
- Luật sư Thích Ðỗng Minh đã hoan
hỷ và tận tình chứng nghĩa từng quyển.
- Hương linh Thầy Cao Hữu Ðính,
người đã gây ý thức ban đầu về việc dịch Bộ Luật này.
Thân tặng các bạn pháp Bồ đề trong
các Phật Học Viện trên cùng những trú xứ mà tôi đã có thời gian được may mắn
chung sống và cùng nhau tu học chánh pháp.
Hồi hướng công đức này đến các vị
Phật tử hỗ trợ tịnh tài photocopy và tất cả hữu tình.
Nguyện nhờ uy lực của Pháp bảo này,
con luôn được sinh đến những nơi Phật Pháp đang thịnh hành, gặp thiện tri thức
Bồ đề cùng tu học theo chánh pháp; trong tương lai, được gặp Thế Tôn Di Lặc và
tu học theo giáo pháp của Ngài.
Bhikkhu Caràna-Citto Tâm-Hạnh.
--- o0o ---
Mục
Lục | 1 | 2 |
3 | 4 |
5 | 6 |
7 | 8 |
9 | 10 | 11 |
12 |13 |14 | 15
16 |17 |18 |19 |20
| 21 | 22 |
23 | 24 |
25 | 26 |27
| 28 | 29 |
30
31 |
32| 33 |
34 | 35 |
36 | 37 |
38 | 39 |
40
--- o0o ---
Source:
BuddhaSasana website (
By Binh Anson)
--- o0o ---
Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật ngày 01-11-2002