ĐẠO
PHẬT VÀ DÒNG SỬ VIỆT
Hòa Thượng Thích Đức Nhuận
Bìa
của Họa Sĩ Phượng Hồng,
Trình Bày: Duy Nhiên, Phật Học Viện Quốc Tế California Hoa Kỳ
ấn hành 1998
---o0o---
CÔNG
CUỘC DỰNG NƯỚC
ĐỜI
TIỀN VÀ HẬU LÝ NAM ĐẾ
(TL.
542-603)
Dươi sự lãnh đạo của LÝ BÔN
(cũng gọi là Lý Bí), một cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm
vào mùa xuân năm 542 được toàn dân hưởng ứng, tham gia, đứng
chung trên một trận tuyến để đánh đuổi tên thái thú tàn
bạo là Tiêu Tư và bè lũ về Tàu, rồi chiếm giữ lấy thành
Long Biên. Đầu năm 543, triều đình nhà Lương tổ chức
cuộc phản công nhưng bị nhà Lý dẹp tan.
Sau cuộc khởi nghĩa thành công,
mùa xuân tháng giêng năm giáp tý (544), Lý Bôn tuyên cáo
dựng nước, xưng là Nam Đế (vua Nước Nam), đặt
quốc hiệu Vạn Xuân, xây điện Vạn Thọ, tổ chức thành
một triều đình của một quốc gia độc lập.
Nam Đế bỏ niên hiệu của nhà
Lương, đặt niên hiệu mới là Thiên Đức (VNSL) hay Đại Đức
(theo LSVN, T1), và dựng một ngôi chùa mới lấy tên là Khai
Quốc (Mở Nuớc).
Sử thần triều Lê viết:
"Tiền Lý Nam Đế, tính
rất thông minh, phía Bắc đánh đuổi Tiêu Tư, phía Nam dẹp yên
Lâm ấp, lập quốc hiệu, chính ngôi tôn, dặt trăm quan, định
miếu hiệu, có đại lược quyhoạch của Đế Vương".
(Đại
Việt Sử Ký Toàn Thư - Việt Giám Thông Khảo Tổng Luận,
tập 1, trang 101).
Qua năm ất sửu (545), vua Lương
sai Dương Phiêu làm thứ sử Giao Châu, và Trần Bá Tiên làm tư
mã đem đại quân sang đánh Chu Diên. Trận thứ hai đánh ở
Gia Ninh. Vua Nam Đế thấy thế địch mạnh đành rút quân lên
đóng ở động Khuất Liêu (thuộc đất Hưng Hóa), gần
một năm trời chuẩn bị quân cơ, Lý Nam Đế đem ba vạn quân
đánh nhau với Trần Bá Tiên ở hồ Điển Triệt (Vĩnh Yên)
lại bị thất bại, vua bèn giao quyền cho tả tướng quân
Triệu Quang Phục cầm đầu một cánh quân lui về lập căn
cứ ở Dạ Trạch (Hưng Yên). Còn anh ruột Lý Nam Đế là Lý
Thiên Bảo cùng với Lý Phật Tử đem hai vạn quân vào Cửu
Chân (Thanh Hoá), bị quân nhà Lương đuổi đánh phải chạy vào
đất Lạo, đóng binh ở động Dạ Năng (biên giới Việt-Lào).
Cuộc kháng chiến kéo dài
bốn năm thì Lý Nam Đế bị bệnh chết (4-546). Triệu Quang
Phục khi hay tin Lý Nam Đế băng hà, ông tự xưng là Triệu
Việt Vương. Nhân gặp lúc bên Tàu có lọan, vua nhà Lương
phải triệu Trần Bá Tiên về chỉ để một tỳ tướng là Dương
Sàn ở lại nước ta, Triệu Quang Phục đem quân giết chết Dương
Sàn, chiếm lấy thành Long Biên.
Đến năm 555, Lý Thiên Bảo
mất, Lý Phật Tử lên thay. Rồi năm 557, Lý Phật Tử
cất quân đánh Triệu Việt Vương. Về sau, hai bên chia đôi
đất nước, lấy bãi Quân Thần (thuộc làng Thượng Cát,
huyện Từ Liêm, Hà Nội) làm ranh giới.
Năm 571, Lý Phật Tử lấy danh
nghĩa là chính thống nhà lý, đem quân đánh úp Triệu Quang
Phục, thống nhất đất nước.
Nối nghiệp nhà Tiền Lý, cũng
trong năm 571, Lý Phật Tử lên làm vua, đóng đô ở Phong Châu
(thuộc huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên) mà lịch sử
sau này gọi là Hậu Lý Nam Đế.
Lý Phật Tử làm vua 32 năm
(571 - 603). Sách Việt Điện U Linh, tác giả Lý
Tế Xuyên (đời Trần) viết:
". Nam Đế đã chiếm
được nước của Triệu Việt Vương rồi, thiên đô qua xứ
Lộc Loa và Vũ Ninh, phong cho anh là Xương Ngập làm thái bình
hầu, giữ Long Biên, phong đại tướng quân là Lý Tấn Đỉnh
làm an ninh vương giữ thành Ô Diên, ở ngôi ba mươi năm (30),
khởi từ năm tân mão niên hiệu Đại Kiến thứ ba nhà Trần
đến năm nhâm Tuất niên hiệu Nhân Thọ thứ hai vua Văn Đế
nhà Tuỳ thì mất: con là Sư Lợi lên nối ngôi, được vài
năm thì bị tướng nhà Tuỳ là Lưu Phương đánh chiếm mất
nước.
"Sau khi Nam Đế đã băng
hà, người trong nước chỗ nào cũng có lập đền thờ, có
miếu ở tại cửa Tiểu Nha, phường An Khang, rất linh dị. Niên
hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Anh Liệt Uy Hoàng Đế. Năm
thứ bốn mươi, gia thêm hai chữ Nhân Hậu. Năm Hưng Long thứ
hai mươi mốt, gia tặng bốn chữ "Khâm Minh Thánh Vũ"
(bản dịch chữ Hán ra Việt văn của Lê Hữu Mục - Sđd,
trang 55).
Lịch sử Việt Nam, tập
1, ghi: "Năm 589 nhà Tuỳ diệt nhà Trần, thống nhất
Trung Quốc. Nhà Tuỳ âm mưu đặt lại ách đô hộ trên miền
đất nước ta, Lý Phật Tử về danh nghĩa phải chịu thần
phục nhà Tuỳ nhưng thực chất vẫn giữ quyền cai trị nước
ta.
"Năm 602, nhà Tuỳ gọi
Lý Phật Tử về kinh đô chầu hoàng đế. Về chầu có nghĩa
là đầu hàng, mất nước. Lý Phật Tử đã CHỐNG lại lệnh
đó. Phật Tử sai cháu là Lý Đại Quyền đem quân giữ thành
Long Biên (Bắc Ninh), sai tướng Lý Phổ Đỉnh đem quân giữ
thành Ô Diên (Từ Liêm, Hà Nội), còn tự mình tổ chức phòng
ngự tại "thành cũ của Việt Vương" (tức thành Cổ
Loa, Đông Anh, Hà Nội).
"Đầu năm 603, nhà Tuỳ
cử Lưu Phương đem quân theo đường tây bắc xuống xâm lược
nước ta. Lý Phật tử chặn đánh quân Tuỳ ở núi Đô Long,
(vùng Tụ Long, xưa thuộc Tuyên Quang, nay thuộc Quảng Tây,
Trung Quốc). Quân ta bị thua. Giặc tiến vây thành Cổ Loa,
bắt Lý Phật Tử đầu hàng và bắt giải về Tuỳ. Nhiều tướng
lĩnh của Lý Phật Tử tiếp tục cùng nhân dân đánh giặc nhưng
sau cùng bị tàn sát. Đất nước ta rơi vào ách thống trị
của nhà Tuỳ" (Sđđ trg 116).
Chỉ cách sau ba năm, tức năm
571, Lý Phật Tử lên ngôi vua, năm 574 ngài Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi
(Vinitaruci), người nam Thiên Trúc (Ấn Độ) qua Trung Hoa cầu
pháp với Đệ tam tổ Tăng Xán, và sau khiđắc pháp, được
Tổ ấn ký và khuyên nên qua phương Nam truyền đạo. Năm 580,
ngài từ Trung Hoa sang Việt Nam, trụ trì chùa Pháp Vân, thuộc
làng Cổ Châu, Long Biên, dịch bộ kinh Tổng trì và lập ra phái
THIỀN TÔNG THỨ NHẤT Ở NƯỚC TA. Đến năm 594 trước
khi viên tịch, ngài truyền tâm ấn cho đệ tử là tôn giả
PHÁP HIỂN, người Việt Nam đầu tiên được vinh dự lĩnh
pháp ấn để kế truyền Chính Pháp.
Triều đại nhà Lý, vua Lý thái
Tông (1028 - 1054) vì cảm mến đức hóa của ngài, đã làm bài
kệ truy tán:
Sáng tự lai Nam quốc
Văn quân cửu tập Thiền
Ứùng khai chư Phật tích
Viễn hợp nhất tâm nguyên
Hạo hạo lăng già nguyệt
Phân phân bát nhã liên
Hà thời hạnh tương kiến
Tương dữ thoại trùng
huyền
Mở lối qua Nam Việt
Nghe ngài hiểu đạo Thiền
Nguồn tâm thông một mạch
Cõi Phật rộng quanh miền
Lăng già ngời bóng nguyệt
Bát nhã nức mùi sen
Biết được bao giờ gặp
Cùng nhau kể đạo huyền
Bản
dịch Thích Mật Thể
·Hệ
phái Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, truyền được 19 đời (580-1216), gồm
28 vị tổ kế thừa.
Vào khoảng cuối thế kỷ VI
đầu thế kỷ VII, Việt Nam có thêm ba đoàn truyền giáo:
-Đoàn thứ Nhất, ba vị: MINH
VIỄN, TUỆ MỆNH, VÔ HÀNH.
-Đoàn thứ hai, ba vị: ĐÀM
NHUẬN, TRÍ HOẰNG, TĂNG GIÀ BẠT MA.
- Đoàn thứ ba, sáu vị: VẬN
KỲ, MỘC XOA ĐỀ BÀ (Moksadeva), KHUYXUNG, TUỆ DIỆM, TRÍ HÀNH,
ĐẠI THẶNG ĐĂNG.
Trong ba đoàn truyền giáo, hai
đoàn là người Trung Hoa, trong đó duy có ngài Tăng-Già-bạt-Ma
(Samygavarma) là người Trung Á. Đoàn thứ ba, đáng chú ý hơn,
vì toàn người Việt Nam cả (bốn người ở Giao Châu - Hà
Nội, Nam Định - và hai người ở Ái Châu - Thanh Hoá
-) Cả sáu ngài đã qua Trung Hoa, Ấn Độ, và đã cầu pháp,
dịch kinh.
*
Sau thời đại Lý Phật Tử (Hậu
Lý Nam Đế), nước ta bị nhà Tùy (602 - 617) đô hộ, rồi
tiếp đến nhà Đường (617 - 907) cai trị, gồm 305 năm.
Trong thời thuộc Đường, năm
Nhâm Tuất (722) nhà ái quốc Mai Thúc Loan, quê ở Hà Tĩnh,
nổi lên giải phóng ách cai trị nhà Đường đang đè nặng
trên thân phận người dân Giao Châu bị trị, đã chiêu tập
ba mươi ngàn nghĩa quân chống cự với quân nhà Đường,
chiếm giữ lấy đất Hoan Chân (tỉnh Nghệ an), xây thành
đắp lũy chung quanh núi sông Lam dài đến hàng dặm, tự xưng
hoàng đế, đóng đô ở Vạn An, tục gọi là Mai Hắc Đế (Vua
Đen). Nhà Đường phải vận dụng đến mười vạn quân để
chống cự với ba mươi ngàn quân. Cuộc kháng chiến đang
hồi quyết liệt thì ông bị bệnh chết, giữa lúc sự
nghiệp quốc gia cần có người như ông.
Rồi nửa sau thế kỷ VIII (766
- 791), có vị anh hùng tên là Phùng Hưng, quê ở Đường Lâm (tỉnh
Sơn Tây) nổi dậy, đem quân về chiếm giữ phủ thành
được mấy tháng, công việc đang dở dang, không may cho vận
nước: ông mất! Quân sĩ lập con là Phùng An lên nối nghiệp.
Dân ái mộ Phùng Hưng tôn vinh là Bố Cái Đại Vương, bậc
cha mẹ của dân.
Tháng bảy năm Tân Tî (791),
vua Đường sai Triệu Xương sang làm đô hộ sứ, Phùng An
thấy thế chống không nổi, xin hàng.
Đến năm 907 TL, thì nhà Đường
đổ, nước Trung Hoa rất rối loạn, anh hùng hào kiệt nổi
loạn khắp nơi. Ngai vàng là mục tiêu chính mà con cháu các dòng
vua chúa thuở trước có cơ dấy binh. Các cuộc huyết chiến
xảy ra liên miên. Hẳn ta chưa quên thời Đông Hán tan rã,
Trung Hoa liền xảy ra cảnh sứ quân cát cứ tương tranh giữa
ba nhà Ngụy - Thục - Ngô (220 - 280). Nay nhà Đường bị
chấm dứt thì cảnh loạn lạc tranh ngôi cửu ngũ lại xảy
ra. Thời này, sử Trung Hoa gọi là Ngũ Quý, hay là Ngũ Đại,
gồm có Hậu Lương, Hậu đường, Hậu Tấn, Hậu Hán và
Hậu Chu. Trong năm nhà Hậu này, chẳng có "nhà Hậu"
nào có thực lực cả, nên chỉ được một thời gian ngắn
độ dăm năm là bị khai trừ. Toàn lãnh thổ Trung Hoa bị bão
tố, loạn lạc và lụn bại. Lúc này đúng là lúc "trời
không có mắt" nên lãnh thổ của "thiên triều"
như vô cương trên nửa thế kỷ.
Trước bối cảnh đen tối
ấy, các viên chức cai trị Trung Hoa nơi viễn xứ đang phân vân,
bối rối, không biết dòng họ nào sẽ cầm chính quyền điều
khiển quốc gia? Còn người Việt, sau bao nhiêu năm trời đằng
đẳng buộc phải sống bên cạnh người Trung Hoa, đã nhận
ra cái nhược điểm ấy của nước thống trị, nên cũng như
bao lần trước, cuộc biến loạn tại chính quốc (Trung Hoa) là
một dịp tốt cho người dân bị trị Giao Châu vùng đứng
dậy giành lại quyền tự chủ của quốc gia mình. Khúc Thừa
Dụ, quê ở Hải Dương "được nhân dân khâm phục, ông
nhân danh là hào trưởng một xứ mà tự xưng là tiết độ
sứ".
Ngày 7 tháng 2 năm 906, vua Đường
(bất đắc dĩ) phải chấp nhận cho Khúc Thừa Dụ giữ chức
tiết độ sứ, một chức quan của nhà Đường, nhưng ông đã
xây dựng một chính quyền tự trị của người bản địa. Năm
907, Khúc Thừa Dụ mất, con là khúc Hạo, nối nghiệp cha
giữ chức tiết độ sứ, chỉ sau đó mấy tháng, ông đã
cải cách lại tất cả cơ cấu hành chính quốc gia, thay đổi
các viên chức Trung Hoa, định lại thuế khóa cho công bằng và
hợp lý. Tiết độ sứ Khúc Hạo mất năm 917 TL. Con là Khúc
Thừa Mỹ lên thay, vẫn tự xưng là tiết độ sứ.
Năm 923, nhà Hán xua quân sang
đánh nước Việt, bắt được Khúc Thừa Mỹ nhưng sau thả
ra cho phục chức như cũ. Năm 931, Dương Đình nghệ (KĐVSTGCM
viết là Dương Diên Nghệ), một tỳ tướng của tiết độ
sứ Khúc Hạo, đã có công nổi dậy đuổi được bọn Lý
Khắc Chính (LSVN, T1 ghi là Dương Khắc Trinh) của quân
Nam Hán về nước sau 8 năm bị đô hộ. Rồi, sau 6 năm hưng
quốc, Dương Đình Nghệ bị viên nha tướng của mình, là
Kiều Công Tiễn, phản loạn giết và soán đoạt ngôi báu. Ngô
Quyền, một tướng tài và là rể của Dương Đình Nghệ. Sau
khi nghe tin chúa mình bị giết chết, liền cử binh từ Ái Châu
(Thanh Hoá) kéo ra đánh Kiều Công Tiễn, tên tay sai của Hán
chủ, để báo thù cho chúa và trừ hậu họa.
. Tuy không có tài liệu chính
truyền xác định Đạo Phật truyền vào Việt Nam trước
thế kỷ thứ nhất dương lịch, nhưng bằng phương pháp
thuần lý, do sự quy nạp các tài liệu có tính cách phong
tục học và xã hội học thuộc các triều đại xa xưa của
nước ta nhận thấy có nhiều bằng chứng (gián tiếp) cho phép
ta tin tưởng rằng" Đạo Phật du nhập Việt Nam trước
Trung Hoa, và đã hưng thịnh rất xán lạn rồi.
Riêng có điều này là nên chú
ý: Thời Tuỳ - Đường bên Trung Hoa, Phật giáo rất thịnh (mà)
duy chỉ có một ngài Huyền Trang sang Ấn Độ học đạo và
thỉnh kinh; mà ở Việt Nam đã có (cả thảy) sáu vị thiền
sư qua Ấn Độ tu học. Rất tiếc là các vị ấy đều đã
tịch ở xứ người (Sáu vị thiền sư Việt Nam đó là các
ngài: Vân Kỳ, Mộc Xoa Đề Bà, Tuệ Diệm, Trí Hành, Khuy Xung
và Đại Thặng Đăng). Ta cũng không quên được là lúc
bấy giờ nhà Đường không thiếu gì các bậc tài đức,
thế mà các thiền sư, như: Phụng Đình và Duy Giám. của nước
Việt Nam đã đượcc vua nhà Đường thỉnh vào cung thuyết pháp
cho vua nghe. Các nhà trí thức Trung Hoa (đời Đường) rất kính
mộ các thiền sư Việt Nam và đã làm thơ tán dương các ngài.
Trong Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quí Đôn có ghi laị
những bài thơ ấy. Nguyên bản bài thơ chữ Nho của thi sĩ Dương
Cự Nguyên viết để tặng thiền sư Phụng Đình:
"Cố hương Nam Việt
ngoại
Vạn lý bạch vân phong
Kinh luân từ thiên khứ
Hương hoa nhập hải phùng
Lộ đào thanh phạm triệt
Thần các hóa thành tùng
Tâm đáo Trường an mạch
Giao Châu hậu dạ chung."
Quê nhà trong cõi Việt
Mây bạc tít mù xa
Cửa trời vắng kinh kệ
Mặt biển nổi hương hoa
Sóng gợn cò in bóng
Thành xây hến mấy tòa
Trường An lòng quấn quít
Giao Châu chuông đêm tà.
Thích Mật thể dịch
Và dưới đây là bài thơ
của thi hào Giả Đảo
viết để tiễn thiền sư Duy Giám:
"Giảng kinh luân điện
lý
Hoa nhiễu ngự sàng phi
Nam hải kỷ hồi quá
Cựu sơn lâm lão qui
Xúc phong hương tổn ấn
Lộ vũ khánh sinh y
Không thủy ký như bỉ
Vãng lai tiêu tức hy."
Giảng kinh nơi cung điện
Vườn ngự hoa xuân bay
Xa quê từ mấy độ
Núi cũ về từ nay
Mưa sa dầm áo bạc
Gió táp ấn hương phai
Biển vắng như thế đó
Tin tức làm sao hay
Nguyễn
Lang dịch
Cũng như Thẩm Thuyên Kỳ, tự
Vân Khanh, đổ tiến sĩ, làm quan đời Vũ hậu, bị biếm
xuống Hoan Châu, là một thi sĩ nổi tiếng đầu thế kỷ
VIII, có lần đến yết kiến vị thiền sư, trụ trì chùa Sơn
Tĩnh, quận Cửu Chân, đã viết bài thơ truy tặng VÔ NGẠI Thượng
Sĩ tỏ ý tôn xưng ngài (Vô Ngại) là vị hóa Phật và tự
nhận mình là đệ tử may mắn được diện kiến tham tu chính
pháp:
"Đại sĩ sinh Thiên
Trúc
Phân thân hóa Nhật Nam
Nhân trung xuất phiền naõ
Sơn hạ tức già lam
Tiểu giản hương vi sát
Nguy phong thạch tác am
Hầu thiền thanh cốc nhũ
Khuy giảng bạch viên tham
Đằng ái vân gian bích
Hoa thê thạch hạ đàm
Tuyền hành u cung hảo
Lâm quải dục y kham
Đệ tử ai vô thức
Y vương tích vị đàm
Siêu nhiên hổ khê tịch
Chính thụ hạ hư
lam"
(Phật xưa sinh Thiên Trúc
Nay hoá thân Nhật Nam
Vòng não phiền ra khỏi
Dưới núi dựng già lam
Khe suối thơm là cảnh
Đá non cao là am
Chim xanh tập thiền định
Vượn trắng nghe giảng đàm
Vách đá dây mây cuốn
Mặt đầm hoa leo thang
Theo suối vào bóng mát
Giặt áo phơi rừng hương
Đệ tử hận mình dở
Phật pháp chưa am tường
Qua khe Hổ nhìn lại
Dưới cây sương khói lam)
NGUYỄN LANG dịch
Cách hơn 300 năm sau, khoảng
thế kỷ thứ IX, Việt Nam lại xuất hiện một phái Thiền Tông
nữa, do ngài VÔ NGÔN THÔNG từ Trung Hoa truyền vào. Ngài đắc
pháp với Sư tổ Đại Trí Bách Trượng HOÀI HẢI, và năm 820
thì qua Việt Nam, trụ trì chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng,
huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, sau truyền pháp lại cho tôn
giả CẢM THÀNH. Dòng Thiền này truyền được 15 đời, gồm
40 vị Tổ kế thừa (mà) tôn giả Cảm Thành là Sơ tổ
của Việt Nam, thuộc phái THIỀN TÔNG THỨ HAI, DÒNG VÔ NGÔN
THÔNG.
---o0o---
|
Mục lục | 01
| 02 | 03 |
04 | 05 |
---o0o---
| Thư Mục
Tác Giả |
---o0o---
Cập
nhật : 01-02-2002