|
. |
Lá bối 1996
DUY BIỂU HỌC
Giảng luận
Thiền Sư Nhất
Hạnh
---o0o---
8.
KỆ THỨ 36
Nhân duyên đủ hiển hiện
Nhân duyên khuyết ẩn tàng
Không đi cũng không đến
Không có cũng không không.
Khi các yếu tố nhân duyên biểu hiện đầy đủ thì chúng ta có thể
nhận thức được bằng ý thức, bằng năm thức. Nhưng khi các nhân
duyên không đầy đủ thì không thể nhận thức được và nó đang ẩn
tàng. Không phải do nhân duyên đủ mà có cũng chẳng phải nhân
duyên thiếu mà nó không, chỉ là vấn đề hiển hiện và ẩn
tàng mà thôi. Có nghĩa là không có vấn đề chết và sống ở
đây. Nhân duyên đủ thì nó hiển hiện ra chứ không phải nó sanh
ra. Sanh có nghĩa là từ không mà trở thành có. Nhưng cả hai quan
niệm không và có đều là tà kiến. Người tu tập, quán chiếu cần
phải vượt qua những tà kiến đó. Nhân duyên đủ thì nó biểu hiện,
nhân duyên khuyết thì nó ẩn tàng, không phải nhân duyên đủ nó
mới bắt đầu có, nhân duyên thiếu nó mới bắt đầu không. Ví dụ như
cái bông hoa, có đủ các nhân duyên nào mặt trời, đám mây, hột
giống, đất, nước, phân bón, người làm vườn hợp với nhau đầy đủ
thì bông hồng biểu hiện ra cho chúng ta thấy. Bông hoa sẽ nói
rằng: “Bạn đừng bảo tôi mới có, nếu có thì có từ vô thỉ,
tôi không có và cũng không không, đừng lấy nhận thức của bạn mà
bảo tôi có hoặc không, tôi thoát ra ngoài ý niệm có và không của
bạn và hôm nay tôi hiển hiện ra là vì nhân duyên đã đầy đủ”.
Mai kia bông hoa ẩn tàng thì bông hoa đó sẽ nói với bạn rằng
bạn đừng bảo tôi đã chết, tôi chỉ ẩn đi mà thôi. Do vì tôi không
có sanh và tôi không có diệt. Đây là một phép quán chiếu rất sâu
sắc ở trong đạo Bụt. “Nhân duyên đủ hiển hiện, nhân duyên
khuyết ẩn tàng”. Ví dụ nhưng một bài được phát thanh trên
đài được phát đi, nếu có một chiếc máy thâu thanh đang ở trong
tình trạng tốt, mình bật ra thì mình nghe được bài phát thanh
đó, khi mình bắt đúng tần số thì nó hiện ra chứ không phải nó
bắt đầu có từ khi mình mới bật đài. Rồi thì khi cái thâu thanh
của mình bị hư một bộ phận nào đó không thể nghe được nữa thì
mình có cho rằng chương trình phát thanh đó bị chết hay không.
Cũng vậy, ý niệm sống và chết là thuộc nhận thức chủ quan của
mình, còn thực tại của nó vượt ra khỏi ý niệm sanh và diệt.
“Không đi cũng không đến”. Các pháp không từ đâu mà đến
và cũng chẳng đi về đâu. Nếu mình đặt vấn đề bông hoa từ đâu
đến, thì ta sẽ hiểu từ phương hướng này mà đến, trong không gian
và thời gian nào đó, và bông hoa nầy sẽ đi về theo không gian và
thời gian, nó thuộc về ý niệm có đi và có đến, không có có và
không có không. Khi hỏi Bụt từ đâu tới, Ngài sẽ trả lời: “Từ
chân như mà tới” và sẽ đi về đâu, - Trả lời “Sẽ trở về
chân như”. Nhưng chân như là gì? - Chơn như là một thực tại,
không đến cũng không đi. “Như Lai giả. Vô sở tùng lai, diệt
vô sở khứ thị danh Như lai”. Như Lai (Tathagata) nghĩa là
không từ đâu mà đến chẳng đi về đâu gọi là Như Lai. Không chỉ
Bụt mới đi và đến như thế mà bông hoa nầy cũng vậy không đến
cũng không đi, chúng ta cũng vậy không từ đâu đến cũng chẳng đi
về đâu. Có nghĩa nhân duyên đầy đủ chúng ta hiển hiện, nhân
duyên chưa đầy đủ chúng ta ẩn tàng mà thôi. Đây là nội dung của
giáo lý trung đạo: “Không sinh cũng không diệt, Không đến
cũng không đi” mà học thuyết này ngài Xá Lợi Phất đã dạy cho
ông Cấp Cô Độc trong khi ông hấp hối sắp chết. Và sau đó ông
thẩm thấu ý nghĩa “Bất Sanh, Bất Diệt” thì ông ta bật lên
khắp ròng ròng. Ngài A Nan thấy vậy hỏi tại sao ông khóc vậy? Có
lẽ ông thất bại, quán chiếu không được thành công hay sao? Ông
Cấp Cô Độc trả lời: Không phải như thế tôi quán chiếu thành công
chứ Thầy A Nan, tôi khóc vì tôi cảm động quá! Theo hầu Bụt mấy
chục năm nay mà chưa bao giờ tôi nghe được bài giáo lý mầu nhiệm
như thế nầy, cho nên tôi khóc. Thầy A Nan mới nói rằng, tại vì
ông là cư sĩ, còn chúng tôi những người xuất gia hầu như giáo lý
nầy nghe mỗi ngày vậy. Khi ông Cấp Cô Độc nghe như vậy, ông ta
hơi tủi và bạch Thầy A Nan về nói lại với Bụt rằng, chúng con
những người cư sĩ cũng có thể nghe, hiểu, và tu tập hành trì
giáo lý nầy vậy. Xin Thầy từ bi hoan hỷ về thưa lại với Bụt như
vậy, và Thầy A Nan chấp nhận lời đề nghị của ông Cấp Cô Độc. Đó
là nội dung Kinh Giáo Hóa Người Bệnh.
KỆ THỨ 37
Hạt giống sinh hiện hành
Đó gọi là nhân duyên
Chủ thể nương đối tượng
Ta gọi là sở duyên duyên
Qua
bài kệ nầy, chúng ta đi vào giáo lý tứ duyên, bốn loại điều kiện. Vừa rồi
chúng ta đã đề cập đến ý nghĩa: Nhân duyên đủ thì hiện, nhân duyên khuyết
thì ẩn tàng, cho nên bây giờ chúng ta đi vào các vấn đề nhân duyên.
Khi một hạt giống, một chủng tử phát sinh ra một hiện hành, ví
dụ như củ khoai trở thành một dây khoai, hoặc là một hạt giống
của sự giận hờn biến thành sự giận trong ta. Như vậy được gọi là
chủng tử sanh hiện hành. Ở trường hợp nầy thì cái hạt
giống kia được gọi là nhân duyên. Nhân có là cái điều kiện chính
và gần nhất. “Nếu phân tích trong chữ Nho ta thấy cũng hay có
chữ đại là lớn, nhưng nó bị còn nhỏ vì có bộ vi nó
bao bọc ở ngoài nên chưa lớn, nhưng một ngày nào đó nó sẽ lớn,
cũng giống như chữ tù là có con người bị bao vây trong bốn bức
tường. Cái nhân cũng thế, nó cũng nhỏ như hạt đậu chẳng hạn, nếu
chúng ta cho nó những điều kiện, gieo nó vào trong đất ẩm ướt
thì hạt đậu đó bung ra và mọc lên cây đậu lớn. Điều kiện này gọi
là nhân duyên, điều kiện nầy chính là, gần nhất; nhưng
điều kiện này cũng chưa đủ để sinh ra quả.
Sở duyên đuyên là điều kiện thứ hai, nó là đối tượng của
nhận thức. Nếu không có đối tượng thì chủ thể nhận thức không
phát sinh và cũng vậy nếu không có chủ thể nhận thức thì không
có đối tượng nhận thức. Cho nên đối tượng này gọi là sở duyên
duyên.
Từ sở duyên duyên, chữ duyên cuối là điều kiện và chữ
duyên tiếp theo sau chữ sở là đối tượng nhận thức.
Chủ thể nhận thức là năng duyên hay là năng tri
hoặc là kiến phần. Năng duyên là phần chủ thể. Cũng vậy
nếu không có tướng phần của thức thì không có chủ thể của nhận
thức. Vì vậy khi hiển hiện ra thì năng duyên và sở
duyên, sở duyên là điều kiện tất yếu của thức.
KỆ THỨ 38
Điều kiện thuận hay nghịch
Đều là tăng thượng duyên
Vô gián duyên thứ tư
Và liên tục chuyển tiếp
Điều kiện thứ ba là Tăng thượng duyên. Tăng thượng tức là
làm cho nó tăng trưởng thêm lên. Ví dụ như hạt lúa, nếu không có
đất, mưa thì không làm cho nó thành cây. Cho nên đất, mưa, hơi
ấm gọi là tăng thượng duyên. Những điều kiện hỗ trợ cho sự thành
đó cũng gọi là tăng thượng duyên. Nhưng tăng thượng duyên đôi
khi nó nghịch, nó làm cho sự phát triển không được thoải mái, êm
xuôi phát triển gọi là nghịch tăng thượng duyên. Nhưng
nghịch tăng thượng duyên đôi khi cũng hỗ trợ cho mình, có gặp
những nghịch duyên như thế, nó mới mài dũa tính khí tự kiêu, tự
đại của mình đi. Nhờ nó mà trở nên xứng đáng hơn. Ví dụ như
Devadatta, một con người luôn luôn gây trở ngại cho Bụt,
nhưng cũng nhờ gây trở ngại đó mà Bụt thăng tiến một cách vững
vàng hơn. Đó không phải là thuận mà là nghịch tăng thượng duyên.
“Vô gián duyên thứ tư, và liên tục chuyển biến”. Điều
kiện thứ tư là vô gián duyên, nói đúng hơn là “Đẳng vô
gián duyên”. Vô gián nghĩa là sự liên tục không bị gián
đoạn. Ví dụ như những móc xích của một cái dây, nếu mất đi một
móc xích thì nó không thể cài được. Sự liên tục gián đoạn nó rất
cần thiết cho sự kết thành, biểu hiện của một hiện tượng. Đó là
sự liên tục chuyển biến, duyên thứ tư. Trong giáo lý đạo Bụt có
chỗ rất nhiều duyên, mười mấy hoặc hai mươi mấy duyên. Nhưng lý
thuyết về bốn duyên được xem như tạm đủ, được nhiều bộ phái chấp
nhận. Sự liên tục rất quan trọng. Ví dụ như máy điện toán của
chúng ta cần liên tục, nếu đang vào tập tin nào dó mà điện cúp
nữa chừng thì hỏng hết sự liên tục này là Đẳng vô gián duyên.
KỆ THỨ 39
Nhân duyên có hai mặt
Vọng thức và chân tâm
Vọng thức vì biến kế
Chân tâm do viên thành.
Vọng
thức cũng có nhân duyên nó sinh ra cái khổ luân hồi. Và chân tâm cũng là
nhân duyên và nó sinh ra thế giới mầu nhiệm của Hoa Nghiêm. Đây là nét mới
của Duy Biểu học. Chứ không phải nhân duyên chỉ hoạt động trong cái vòng
vọng thức và luân hồi mà thôi mà nhân duyên cũng hoạt động trong vòng trí
tuệ, chân như. Vì khi vô minh diệt, minh sinh, khi minh sinh thì những cái
mầu nhiệm khác cũng sinh, ví dụ như từ bi, trí tuệ và khi nó biểu hiện ra
thì cũng tùy thuộc vào nhân và duyên.
Thế giơi của luân hồi, khổ đau cũng do quy luật nhân duyên điều
động và chi phối thế giới an lạc, giải thoát cũng tùy thuộc vào
quy luật nhân duyên. Vì vậy cho nên ở đây nói “Nhân duyên có
hai mặt, Vọng thức và Chơn tâm”.
“Vọng thức vì biến kế, chơn tâm do viên thành”. Có hai
danh từ biến kế và viên thành. Biến kế là loại
nhận thức rất dỡ, nói đủ là biến kế sở chấp (Vikalpa).
Sống trong thế giới ảo vọng, lầm mê là sống bằng nhận thức biến
kế. Tôi không phải là anh, nước Mỹ không phải là nước Pháp. Một
là tôi sống hai là anh sống những nhận thức như vậy là đi ngược
lại nhận thức tương tức, tương nhập. Có quan niệm rằng tôi giết
anh để cho tôi sống mà không biết rằng tôi giết anh là tôi giết
tôi. Tại vì không thấy tôi với anh là một. Thế giới biến kế thấy
tôi nằm ngoài anh, cái này không liên hệ đến cái kia. Mình chỉ
bảo vệ sự tồn tại và hạnh phúc của chính mình mà không cần tới
ai cả, đó là thế giới của biến kế.
Thấy sợi dây thành con rắn đó là thế giới của biến kế, cũng từ
thế giới đó mà có tự, có tha, có một, chó nhiều, có đi, có đến
và do biến kế sinh ra vọng thức, mê vọng. Do nhận thức mê vọng
cho nên đem đến vô cùng đau khổ cho mình và người khác. Đó là
thế giới của vọng thức nó dẫn đến đau khổ, còn thế giới chơn tâm
trong đó không còn nhận thức biến kế nữa mà do chân như, tự tánh
viên thành biểu hiện.
Viên thành tách nghĩa là tánh ngược lại với biến kế. Biến kế
được chấn ngự bởi nhận thưc hữu ngã, phân biệt, nhị nguyên; còn
viên thành là biểu hiện của chơn lý bất nhị, vô phân biệt,
tương tức, tương nhập. Đó là hai thái cực. Hay nói theo luận
Đại Thừa Khởi Tín, một bên là “Chơn như môn”, một bên
là “Sanh diệt môn”.
KỆ THỨ 40
Biến kế huân vô minh
Kéo theo luân hồi khổ
Viên thành mở tuệ giác
Hiểu lộ cảnh chơn như.
Do
nhận thức biến kế theo những hạt giống vô minh, ngu si, thiếu hiểu biết
trong tàng thức của chúng ta, từ đó nó kéo theo những luân hồi sanh tử.
Đồng thời, viên thành thật tánh mở cửa cho tuệ giác, gieo hạt
giống từ bi, trí tuệ và giải thoát và nó làm hiển lộ thế giới
chân như.
Biến kế nó huân tập cái tâm của chúng ta với những hạt giống vô
minh, do đó nó mang lại những đau khổ của luân hồi (samsara).
Viên thành thật tánh khai mở cánh cửa trí tuệ chơn như.
---o0o---
Mục Lục |
01 |
02 |
03 |
04 |
05 |
06 |
07 |
08 |
09 |
10
---o0o---
-
Vi tính
Nguyên Trang. Trình bày: Linh Thoại
-
Cập nhật: 8-1-2005
|
|