DUY THỨC HỌC
Tuệ Quang
Huyền-Cơ Phật-Học-Viện
---o0o---
PHẦN THỨ SÁU
NÓI CHUNG.
ĐOẠN I
GIẢ-THUYẾT: NĂNG-BIẾN, SỞ-BIẾN
Hỏi : - « Nếu chỉ có thức, sao thế-gian và thánh-giáo
nói có ngã và pháp ? »
Đáp : (Bài tụng).
- « Bởi giả-thuyết ngã và pháp, nên có
các tướng chuyển-hiện. »
Đều là do thức biến-hiện ra.
-
Các
thức năng-biến có ba loại :
1) Dị-thức (thức thứ tám)
2) Tư-lương (thức thứ bảy)
3) Liểu-biệt cảnh (6 thức trước).
BÌNH LUẬN
Muốn nghiên-cứu sự vật trong thế-giới bao la, ta hãy
giả-lập ra ngã và pháp.
Đối với chúng-sinh, chấp có « mình », có « ta » tức là có «
ngã ». Rồi yêu-mến cái « ta » đó. Ai khen thì vui, ai mắng thì buồn. Cái
gì liên-quan đến cái « ta » thì quí-báu, giữ-dìn, thương nhớ, yêu mến. Cái
gì trái với cái « ta » thì ghét bỏ, thù-hận, tìm cách làm hại.
Đó là chấp ngã.
Chúng-sinh lại cho sự-vật là có thực. Giầu sang thì mừng, rồi
sinh kiêu-hãnh. Thất bại thì khổ, rồi sinh chán-nản. Mọi sự-vật ảnh-hưởng
đến mình, lôi cuốn mình.
Đó là chấp pháp.
Thế-gian cho là ngã và pháp thực có. Thánh-giáo, tức là lời
Phật dạy, cũng chia ra ngã và pháp để dạy chúng sinh thoát khỏi vòng nô-lệ
của ngã và pháp. Vậy Phật giả-lập ra ngã và pháp để chỉ dạy chúng-sinh.
Mỗi chúng-sinh, mỗi loại chúng-sinh đều thây’ có thân, có
cảnh. Mỗi loài đều thấy một cảnh-giới, do trí-biết rộng, hẹp, cao, thấy
khác nhau, họ thấy cảnh vật khác nhau.
Trí biết đó là thức.
Trong toàn phần vọng-thức của chúng-sinh, người ta chia làm ba
loại:
1) Dị-thục (thức thứ tám).
2) Tư-lương (thức thứ bảy).
3) Liễu-biệt cảnh, tức là biết rõ cảnh chung quanh (6
thức trước).
Thức là năng-biến. Cảnh là sở-biến.
*
* *
ĐOẠN II
GIẢI-THÍCH NGÃ VÀ PHÁP.
Thế-gian và thánh-giáo nói có ngã và pháp, chỉ vì giả-lập,
chẳng phải thực có tính.
Ngã gọi là chủ-tể.
Pháp gọi là quỹ-trì.
*
* *
Bình Luận
1) Chủ tể : chủ là tự-tại. Tể là sai sử
phán-đoán. Người đời chấp có ngã, như chấp có thân, mạng sống. Người
tu-chứng chấp đã chứng các quả Dự-lưu, Nhất lai v.v…
Mình thấy mình được tự-chủ, tự-tại, và tự quyền sai khiến,
phán-đoán.
2) Quỹ-trì : quỹ là có cái khuôn-mẫu nhất-định,
để khiến người hiểu-biết. Trì là giữ luôn tính-cách của nó, chưa
bị hư, mất.
Ví dụ cái bàn, cái ghết, cái cây, mỗi thứ là một pháp. Không
cái nào lẫn với cái nào.
Mỗi pháp đều có ba điểm :
a) Thật : có sự thật, thật có.
b) Đức : tính-chất, mỗi pháp đều có tính
chất riêng.
c) Nghiệp : dùng làm gì.
Phật-pháp nói : uẩn, xứ, giới v.v… mỗi thứ cũng có tính-chất
riêng.
Mỗi thứ đều theo duyên sắp-đặt, đều khác nhau.
Ở đây, nói là giả-lập, để người học phân-biệt cho rõ tâm-lý
mình, tâm-lý chúng-sinh, và hiểu rõ sự-thực.
Rồi sẽ giải-thoát người học khỏi vòng nô-lệ của ngã và pháp.
Khi đó, sẽ thấy ngã và pháp là giả, là không thực có.
Nên mới đầu, đã nói chặn ngay là giả-lập. Và nói luôn
là : chẳng phải thực có tính. Tức là khi đã vào sâu đạo, sẽ thấy là không
có.
*
* *
ĐOẠN III
CÁC TƯỚNG ĐỀU NƯƠNG NƠI THỨC
Hỏi
: - « Như vậy các tướng, nếu là giả-thuyết, thì nương đâu thành lập ? ».
Đáp
: -
« Các tướng kia đều nương noi thức chuyển biến mà giả thi-thiết ».
Giải-thích :
- Thức là liễu-biệt.
Đây nói thức cũng gồm cả tâm-sở, vì quyết-định thuận-ứng với
nhau.
- Biến : nghĩa là thức thể chuyển in tuồng 2 phần (kiến
phần và tướng phần), đều nương nơi tự-chứng phần mà khởi. Nương hai phần
ấy thi-thiết là ngã và pháp. Bởi hai phần kia xa-lìa nơi đây, thì không có
chỗ nương.
*
* *
Bình-Luận
1) Chuyển : xoay-đổi.
2) Biến : thành khác.
3) Sắp đặt.
4) Tuy thuộc về tâm-vương mà nhiếp cả tâm-sở. Gồm chung, vì
quyết-định thuận-
ứng với nhau. Nói « vua » là có «
tôi ».
5) Ví dụ con ốc sên đầu loe 2 cái sừng. Không có ốc, không có
sừng.
Nếu không có « tự-chứng phần », sẽ không có « kiến phần » (ngã
chấp), và « tướng phần » (pháp chấp).
*
* *
Chúng-sinh thấy có mình, có cảnh. Mình là chủ, nhìn ra cảnh.
Mình là kiến-phần, tức là năng. Cảnh là tướng-phần, tức là sở.
Ví dụ : tôi nhìn cái hoa.
Tôi là năng. Cái hoa là sở, vì bị nhìn.
Cái hoa thuộc về cảnh.
Tôi là ngã. Hoa là pháp.
*
* *
Duy-thức hay nói « tướng ».
« Tướng » là một sự-vật có hình-ảnh, ta có thể nhìn, sờ-mó hay
tưởng tượng ra.
Ý-tưởng trong óc, ta có thể có ý niệm, cũng là tướng.
Nhờ có thức, chúng-sinh mới phân biệt được cảnh-vật, và mọi
pháp, dù hữu-vi hay vô-vi.
Hữu-vi là có hình-tướng.
Vô-vi là thuộc về siêu-hình, trong ý-tưởng, trong cảnh giới
tu-chứng.
*
* *
Sao gọi là thức chuyển-biến.
Ví dụ một tiếng còi tầu xe lửa. Tiếng còi chỉ là tiếng còi.
Nhưng người thiếu-phụ có chồng ở mặt trận phương xa, nghe tiếng còi bỗng
nhớ tới hôm chia ly, tiễn chông lên đàng. Bao kỷ-niệm dồn-dập tới. Rồi suy
nghĩ miên-man tới cảnh khổ của chiến-tranh, của kiếp người, đến hoàn-cảnh
nước Việt-Nam, đến tình-hình thế-giới.
Tiếng còi có thể gợi cho bao người nhiều ý-nghĩ khác nhau.
Thức đã chuyển-biến tiếng còi, tùy nghiệp và hoàn-cảnh từng
người.
*
* *
ĐOẠN IV
VÌ PHÂN-BIỆT
Nội-thức chuyển, in tuồng ngoại-cảnh. Sức huân-tập phân-biệt
ngã và pháp.
Trong khi các thức sinh khởi, biến in tuồng ngã và pháp. Các
tướng ngã và pháp, dù ở nội thức, mà bởi phân-biệt in tuồng ngoại-cảnh
hiện. Các loài hữu-tình, từ vô-thủy nhẫn lại, nương theo đó chấp làm thật
ngã và thật pháp.
Ví như người bị chiêm bao, lúc chiêm bao trong tâm in tuồng có
các tướng ngoại cảnh hiện.
Nương nơi đó chấp làm thực có ngoại-cảnh.
Bình-Luận
1) Đối vói ngọai-cảnh, tức là cảnh bên ngoài mình, nói :
nội-thức, tức là thức ở bên trong mình.
2) Huân-tập : huân là ướp. Như chè khô ướp hoa,
hoa để cạnh chè, trong một hộp đậy kín, chè đượm mùi thơm của hoa. Tực-ngữ
ta có câu : gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
Nói rộng ra, ảnh-hưởng của hoàn-cảnh, hoàn-cảnh đã chi-phối
rất nhiều đến con người, đến chúng-sinh.
Tập là luyện thành thói-quen. Ví-dụ như tập viết, tập
nói, mới đầu bỡ ngỡ, sau rất thành-thạo.
Từ lúc mới sinh, chúng-sinh đã lập đủ thứ.
Con người lại càng tập nhiều, từ ăn, nói, đi, đứng, tranh-đấy,
giao-thiệp, đến học thành giỏi, tu luyện thành đạo-đức.
Nhờ sức huân-tập, càng quen phân-biệt ngã và pháp, tức là
phân-biệt mình, người, thân sơ, hay dở, tốt xấu, và các hoàn-cảnh trong đó
mình sinh-hoạt.
Đến đây, ta cần phân-biệt căn và thức. Ví-dụ con mắt nhìn sự
vật. Con mắt sống, con mắt hoat-động, gọi là căn. Trong sát-na đầu,
hình-ảnh của sự-vật bị thu vào con mắt. Lúc đó căn chỉ thu hình, chưa
phân-biệt.
Hình-ảnh của sự-vật lúc đó gần sự-thực của sự-vật nhất.
Cũng gọi là hiện-lượng.
Đến sát-na thứ hai, ý-thức xen vào, phân-biệt theo thói quen
của mình, của gia-đình, của xã-hội, của chủ nghĩa, của trào-lưu, của
quan-niệm đương thời, của cả nhân-loại. Hình ảnh của sự-vật bị méo mó, bọ
xuyên-tạc nhiều từng lớp, theo nghiệp riêng của cá-nhân, theo nghiệp chung
của gia-đình, xã-hội v.v...
Đó là tỷ-lượng
Ví dụ, cũng một cảnh-vật, mà người nông phu, người thợ, ông
thi sĩ, ông họa sĩ, nhà bác-học, anh học-sinh, nhà đạo-học, mỗi người thấy
khác. Vậy ta chỉ biết cảnh bên ngoài qua thức của ta. Hình-ảnh mà
ta có về cảnh-vật là do thức ta biến-hiện.
Ví-dụ người nằm chiêm-bao. Ta vui-buồn, sung-sướng, đau-khổ
với cảnh chiêm-bao. Ta say sưa trong đó, tin là có thực.
Chợt tỉnh dậy, nước mắt mà ta khóc lúc chiêm-bao, còn chưa
khô. Ta thấy buồn cười cho giấc mơ kỳ lạ.
Với Phật, chúng-sinh dương trong chiêm-bao, Phật là người
tỉnh.
Khi tỉnh, mới biết cảnh mà ta thấy trong chiêm bao là không
thực có. Đó là do thức biến-hiện ra.
Chúng sinh bị nô-lệ cho nghiệp chúng-sinh, thấy có mình, có
cảnh, là do thức biến-hiện.
*
Người tu nương theo căn và hiện-lượng
Tức là càng ít phân-biệt, ít phiền-phức, tinh-xảo bao nhiêu,
cành ngây-thơ, trong-sạch bao nhiêu, càng ít khôn-ngoan, xảo-trá bao
nhiêu, càng gần chân-lý.
*
ĐOẠN V
GIẢ VÀ THỰC
Kẻ ngu-phu chấp ngã, thật pháp, đều
không phải có, chỉ theo vọng tình mà thi
thiết, nên nói là giả.
Nội-thức sở biến in tuồng ngã và pháp, dù là có, mà chẳng phải
là thực có tính-cách ngã và pháp, nhưng in tuồng kia hiện ra, nên nói là
giả.
Ngoại-cảnh theo vọng-tình mà thi-thiết, nên chẳng phải có như
thức.
Nội-thức quyết nương nhân-duyên mà sinh nên chẳng phải không
cảnh.
Bởi vậy mới ngăn-đón hai cái chấp là tăng và giảm.
Cảnh nương nội-thức mà giả-lập, chỉ thuộc về thế-tục có.
Thức là sự của gia-cảnh nương, cũng thuộc về thắng-nghĩa có.
*
* *
Bình-Luận
1) Ngu-phu : Tiểu-thừa trở xuống phàm-phu.
2) Vọng-Tình :Tính chấp tức là óc phân-biệt. Óc đó hư-vọng bày
đặt ra. Hư vọng là đứng về mặt chân, tức là lấy trí-tuệ Phật mà nhìn.
3) Giả : Nói giả đúng hơn vô, vì chưa chứng.
Chúng-sinh tưởng là có thực, Phật biết là giả. Cũng như đối với ta, cái
thấy biết của con kiến là đúng với nó, nhừng la giả với ta.
4) Sở-Biến : chuyển, biến ra.
5) kia : ngã, pháp.
6) Thi-thiết : Ngoại-cảnh không có, nên nói là giả.
7) Thức : Thức thật có.
8) Nhân : huân-tập cái gì. Quả : sau dùng đến.
9) Tăng : chấp ngoại-cảnh là có. Không có mà cho là có, vậy là
tăng thêm.
10) Giảm : chấp nội-thức là không. Có mà cho là không có, vậy
là giảm đi.
11) Đối với thế tục.
12) Thắng-nghĩa : Xuất thế-gian, đã chứng.
*
* *
Với chúng-sinh, ngã và pháp, tức là thân và cảnh là thực có.
Với Phật, đó là giả.
Với người chiêm-bao, cảnh trong chiêm-bao là thực có. Với
người tỉnh, cảnh đó là giả.
Tác-giả nói : cảnh không thực có. Tức là sự-vật và thân mình,
hay là ngã và pháp, đối với chúng-sinh trong vòng nghiệp của mình, tưởng
là có. Thực ra không có, đó là giả.
Trái lại, thức có thực. Thức là trí-biết. Đứng về mặt chân-lý, tức là ở
cảnh-giới Phật. Trí-biết đó bao trùm pháp-giới, hoàn-toàn, sáng-suốt.
---o0o---
[
Mục Lục ] [
01 ]
[02
] [03
] [04
] [05
] [06 ]
[07]
[08
] [09]
[10]
[11
] [12
] [13
] [14
]
---o0o---
-
Vi tính: Viên Trí
-
Trình bày: Nhị Tường
-
Cập nhật: 01-03-2004