|
.
THIỀN
VIPASSANA
THIỀN SƯ U
BA KHIN
Tâm
Thái
Nói
về Thiền Vipassana thì có rất nhiều vị tăng nổi tiếng
ở Miến Ðiện, Tích Lan, Thái Lan đã giảng dạy, nhưng đặc
biệt là pháp Thiền được phổ biến ở Âu châu, Mỹ châu
lại là pháp Thiền của U Ba Khin, một vị cư sĩ người Miến
điện. Nhiều Trung tâm Thiền quốc tế (International Meditation
Centers) đã được thành lập tại nhiều nước để truyền
bá pháp Thiền của U Ba Khin. Pháp Thiền của U Ba Khin thuộc
môn Thiền Vipassana (tiếng Phạn, có nghĩa là Quán, Insight meditation).
Thiền Vipassana thuộc hệ thống Nam Tông (Tiểu thừa), căn
cứ theo những pháp dạy trong kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthana
Sutta). Kinh này chỉ pháp tu một cách tổng quát với những
nguyên tắc rộng lớn mà không đi sâu vào chi tiết thực hành
như pháp Niệm hơi thở (Anapanasati) cho nên khi thực hành có
nhiều phương pháp khác nhau, tùy theo sự chứng đắc của
mỗi thầy, vì vậy không có được một pháp Thiền Vipassana
thống nhất. Tuy vậy dù phương pháp khác nhau nhưng tất cả
các Thiền Vipassana đều căn cứ vào kinh Tứ Niệm Xứ.
Kinh
Tứ Niệm Xứ
Kinh
này chỉ bốn pháp quán niệm là:
(a)
quán niệm thân trong thân, tức quán niệm hơi thở, vị thế
của thân như đi, đứng, nằm, ngồi; quán về tính cách ô
trược của thân; quán về thành phần vật chất của thân;
quán về sự tan rã của tử thi.
(b)
quán niệm thọ cảm trong thọ cảm, thấy rõ những thọ lạc,
khổ, hoặc vô ký.
(c)
quán niệm tâm trong tâm, thấy rõ từng hoạt động của tâm
như tham, giận, si mê, hôn trầm, định, loạn.
(d)
quán niệm pháp trong pháp. Quán về những pháp như: Ngũ triền
cái (năm chướng ngại tinh thần: tham dục, sân hận, hôn trầm,
lo âu và hoài nghi), Ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức),
Lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) cùng đối tượng
của sáu căn là sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và
pháp), Thất giác chi (bẩy yếu tố ngộ đạo: chánh niệm,
trạch pháp, tinh tấn, hỷ, an, định và xả), Tứ diệu đế
(khổ, tập, diệt và đạo). Như vậy cho thấy không thể nào
áp dụng tất cả chi tiết ghi trong kinh, mà mỗi người tùy
theo căn cơ có thể áp dụng phương pháp nào thích hợp với
mình. Ðiều này không đáng ngạc nhiên vì trong kinh Thủ lăng
nghiêm, khi đức Phật hỏi về kinh nghiệm riêng của mỗi
người về quá trình tu hành thì 25 vị Ðại Bồ tát và A
la hán mỗi người đều trình bày pháp tu khác nhau, nhưng đều
đã đắc đạo.
Sơ
lược tiểu sử U Ba Khin (1899-1971)
Sayagyi
U Ba Khin là một cư sĩ người Miến điện (Burma, hiện nay
gọi là Myanmar). Ông là một viên chức cao cấp trong chánh
phủ Miến điện, đã từng giữ những chức vụ như Chairman
of Burma of State Agricultural Marketing Board, Director of Commercial
Audit, Principal of the Government Institute for Accounts and Audits, Accountant
General, Personal adviser to the Prime Minister. Khoảng năm 40 tuổi,
ông theo học Thiền Vipassana của Saya Thet Gyi, cũng là một
cư sĩ. Tuy là một công chức cao cấp với nhiều chức vụ
hơn ai hết (có lúc giữ tới bốn chức vụ giám đốc), với
một gia đình sáu con, mà ông vẫn hết lòng tu tập và truyền
bá đạo. Năm 1948 ông sáng lập ra Trung tâm Quốc tế Thiền
tại Rangoon. Ðến năm 1953 thì ông nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp
tục phụ giúp chính phủ trong nhiều chức vụ giám đốc.
Vì vừa là một công chức cao cấp vừa là một cư sĩ nên
pháp Thiền của ông có đặc tính nhắm vào thực hành nhiều
hơn là về lý. Ông giảng dạy căn cứ theo kinh nghiệm cụ
thể, cá nhân mà ông thâu thập được, hơn là giảng những
phần lý đạo cao siêu. Ông đã huấn luyện được nhiều
đệ tử ngoại quốc và một số đã được cho phép về lập
Trung tâm tại nhiều nước khác nhau. Phương pháp của ông
nhằm dạy các cư sĩ, vốn là những người phải lo kế sinh
sống, bận việc gia đình, xã hội, mà vẫn có thể tu tập
có kết quả. Chương trình tu tập của ông được truyền
lại rất chi tiết, rõ ràng nên nhờ đó mà các Trung tâm áp
dụng chính xác và đồng đều. Ông mất đi năm 1971.
Pháp
Thiền của U Ba Khin
Pháp
Thiền này có thể tóm tắt như sau: sau khi đã tập chú tâm
bằng phương pháp Niệm hơi thở theo như Anapanasati tới trình
độ khá thì chú niệm vào thân thể để theo dõi những cảm
giác trong đó và tập trung sự quán vào tính cách "vô thường"
(Phạn: anicca) của thân. Theo lời U Ba Khin khi quán kỹ được
tính cách vô thường của thân, thì tiến trình thanh lọc vọng
tâm sẽ xẩy ra trong tâm và thân. Tiến trình này, tuy không
phải là một lý thuyết hay quan niệm, nhưng khó giải thích
được, chỉ khi người nào đã thực hành sẽ tự chứng được.
Ông đã sơ tả trạng thái đó như sau: "Khi hành giả thấy
rõ được chân lý Vô thường thì người đó sẽ thấy được
sự bật sáng của "nibbana dhatu" (giác phần, danh từ của ông
để chỉ yếu tố mới trong tiến trình cải hóa), có năng
lực dẹp sạch được những ô nhiễm, nghiệp xấu mà vốn
là căn nguyên của bệnh tật về thân thể cũng như về tâm
thần." Ông cũng cho biết là khi đạt được trạng thái đó
thì sẽ thấy một sự chấn động mạnh mà hành giả sẽ
phải chịu đựng. Sự chấn động đó làm cho ta nhậy cảm
với những phát xạ, rung động, ma sát của những kalapas (đơn
vị, phần tử nhỏ hơn nguyên tử) trong người cho nên ta sẽ
cảm thấy như thân thể mình toàn là điện, có thể là khổ
sở vì những cảm giác đó.
Ông
chỉ rõ pháp tu Thiền của ông trong cuốn "Những điều cần
thiết về Phật pháp trong việc tu Thiền" : Trước hết hành
giả cần thấu hiểu pháp Tứ Ðế là Khổ, Tập, Diệt, Ðạo.
Ông giải rộng nghĩa "Khổ" không phải chỉ là những cái
đau khổ của cuộc đời, mà chính là tính cách Vô thường
của mọi sự, nhất là sự Vô thường của ngay thân thể
mình. Ông giảng thuyết Vô thường bằng cách quán về sự
sinh trưởng, hủy diệt của những nguyên tố kalapas trong người,
con người về phương diện vất chất chỉ là một hệ thống
năng lượng và chấn động, luôn luôn thay đổi. Ông căn cứ
định nghĩa kalapas là đơn vị vật chất căn bản của mọi
sự vật trên thế gian, nhỏ hơn tất cả những nguyên tử
mà hiện nay khoa học biết được. Nguyên tố kalapas sinh ra
rồi diệt tức thời, cả tỷ lần trong một chớp mắt, tạo
ra một sự đốt cháy và cấp năng lượng cho sự sống. Con
người khó trực nhận được từng kalapas, nhưng có thể nhận
được sự sinh hoạt liên tục thay đổi của dòng năng lượng.
Hiểu được điều đó là hiểu được pháp "Vô thường"
và hiểu được "Khổ". Khi biết rõ Khổ và nguyên nhân của
Khổ, thì pháp tu để đi đến việc thoát Khổ là Bát chánh
đạo, gồm có: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh
nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Ông giảng kỹ về pháp Bát chánh đạo áp dụng cho từng giai
đoạn của việc tu Thiền, tám đạo đó còn được phân chia
theo Giới, Ðịnh và Huệ. Có đạt được Huệ mới đạt
được trạng thái an định nội tâm (inner peace) và đi tới
thấu hiểu chân lý. Pháp Thiền của ông U Ba Khin đi đúng
theo lời dạy của kinh Tứ niệm xứ, ông áp dụng niệm hơi
thở để định tâm trước rồi sau đó quán lý Vô thường
để hiểu rõ Tứ diệu đế và điều cần thiết là thực
sự sống theo Bát chánh đạo.
Ông
biết cách áp dụng Thiền Vipassana một cách thực tế để
cho những người không xuất gia cũng thực hành được và
đạt đạo. Về việc thực tập thì trước hết hành giả
theo pháp niệm hơi thở, chỉ biết và thấy rõ hơi thở ra,
hơi thở vào. Tập như vậy trong vài ngày, sau khi đã thuần
thục, sẽ thực hành pháp Quán. Hành giả cần chú niệm vào
những tiến trình sinh hoạt, cảm giác của thân mình để
thấy rõ toàn thể thân này là một khối luôn biến chuyển,
sẽ thấy rõ tính cách vô thường của nó, như vậy rồi hiểu
Khổ và Vô ngã. Về thực hành, hành giả phải tập trung sự
chú niệm vào từng bộ phận thân thể để ghi rõ những cảm
xúc biến đổi. Sự chú niệm đó sẽ khai thông được dòng
năng lực trong thân thể. Từ đó mà hành giả thấu rõ tính
cách vô thường của thân.
Việc
quán vô thường này không phải chỉ quán về thân, mà cũng
có thể quán về tâm, tức là phải thấy được cả những
Thọ, Tưởng, Hành và Thức cũng đều có tính cách vô thường.
Tuy vậy ông thấy rằng quán về thân dễ thực hành hơn quán
về tâm. Ông đặt trong tâm của pháp Thiền này vào việc
quán Vô thường. Ông cho rằng muốn hiểu Vô thường phải
thực nghiệm rõ trong thân mình để thấy thật rõ như vậy,
chứ không phải chỉ nghiên cứu ý nghĩa trong kinh điển. Sự
thật cho thấy đúng như vậy, chúng ta thường thao thao nói
về lý Vô thường một cách trôi chảy, có thể viết cả
cuốn sách về đề tài đó, nhưng thực sự đã tự chứng
được lý đó bao nhiêu. Việc thực nghiệm đòi hỏi nhiệt
tâm và nhất là sự hướng dẫn chân chính. Ngay như pháp Thiền
này, nếu chúng ta không có dịp gặp được vị thầy thực
tu, hoặc ít ra gặp bạn đã thực theo pháp này thì khó mà
chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng.
Ðể
tìm hiểu kỹ hơn, xin nêu kinh nghiệm của một người đã
từng đi theo con đường đó. John Coleman là một nhân viên
CIA đã có dịp hoạt động tại nhiều nước trên thế giới.
Ông đặc biệt chú ý tìm học pháp tu để kiếm được an
tĩnh nội tâm. Ông đã được gặp nhiều vị nổi tiếng như
D.T. Suzuki, Krishnamurti và các vị tu hành tại Ấn Ðộ, Nhật
Bản, Miến Ðiện, Sikkim, Nepal, Thái Lan, và cả ở Pháp, Anh
và Mỹ. Ông thực tâm đi học đạo chứ không phải đi với
tính cách phóng sự hoặc nghiên cứu. Trong cuốn sách "The quiet
mind", ông kể việc tìm thầy tại các nước, với những đạo
khác nhau, nhưng sau bao lần thất bại nhiều khi muốn bỏ cuộc,
rốt cuộc ông trở lại để thụ huấn với U Ba Khin và thành
công trong pháp Thiền Vipassana. Ông được U Ba Khin chứng là
đã thành công và được phép truyền dạy pháp Thiền này.
Sau
đây là sơ lược đoạn ông mô tả kinh nghiệm khi tu đến
pháp Quán: "Trong giai đoạn này (tu Quán) thầy (U Ba Khin) chỉ
cho tôi phải theo dõi những hoạt động của những tế bào
để thấy lý Vô thường. Tôi dùng sự chú ý để rà từ
đỉnh đầu và từ từ xuống tới đầu ngón chân, tập trung
chú ý vào từng mỗi bộ phận. Dần dần tôi có cảm giác
ngứa ran như kiến bò tại chỗ nào mà tôi chú ý tới. Như
khi tôi chú ý tới bàn tay thì tôi thấy như những hạt điện
tử ở đó quay cuồng tạo ra sức nóng rực ở bàn tay. Tôi
thực nghiệm được sự hoạt động của nguyên tố kalapas
và thấy ảnh hưởng của nó tới cảm xúc như thế nào. Nhờ
đó tôi cảm thấy được cả những rung động của những
âm thanh dưới âm tốc, siêu âm, tần số radio, những tần
số cao, tia X, phát xạ vũ trụ... Nói tóm lại những rung động
dù với tốc độ và tần số nào tôi cũng cảm thấy được
hết. Càng định tâm người tôi càng nóng rực đến độ
có cảm tưởng thân tôi có thể bị thiêu hủy. Theo danh từ
đạo Phật thì đó là tôi đang trả cái nghiệp báo từ trước
đến giờ.
Tới
lúc đó thầy bảo tôi phải ngồi yên trong một tiếng đồng
hồ, không được đụng đậy, dù là chớp mắt. Tôi gắng
sức làm theo, thấy rõ sức nóng càng tăng và đau đớn, khổ
sở vô cùng nhưng tôi vẫn bền chí chịu đựng. Tôi đã thấu
rõ lời Phật dạy về lý Khổ. Khắp người như lửa đốt
bừng bừng. Tôi biết chỉ cần cử động nhẹ là có thể
làm bớt nỗi khổ, nhưng tôi vẫn nhất quyết thực hành như
lời dạy. Sau mấy ngày tập như vậy cơn đau vẫn tồn tại
và ý nghĩ thúc giục tôi thoát khỏi nỗi đau đó cũng lôi
kéo tôi. Nhưng tôi nhận thấy càng có ý muốn thoát khỏi
cơn đau lại càng làm cơn đau gia tăng.
Tôi
cho rằng nếu thấy tất cả là vô thường thì những cơn
đau cũng phải vô thường nên tôi bền bỉ chịu đựng. Có
lẽ đó là điểm then chốt. Bất thần tới một lúc mà tình
trạng thất vọng đã tới cực độ, tâm tôi như ngưng hoạt
động. Việc đó đã xẩy ra như một tiếng sét và tôi thấy
mình không còn dính líu tới cái Ngã, mọi sự tìm kiếm ngưng
lại và tôi thấy hết cơn đau. Sau đó là một trạng thái
yên tịnh, thật là một sự sung sướng khác hẳn với cái
nghĩa thường hiểu. Không có một danh từ nào diễn tả được.
Thật là một kinh nghiệm kỳ lạ, chưa từng thấy trong đời
tôi."
Những
kinh nghiệm như vậy cho thấy pháp Thiền của U Ba Khin không
phải là một lý thuyết xuông. Các đệ tử từ nhiều nước
trên thế giới đã tới theo học và sau khi được phép của
ông, đã về nước và tiếp tục truyền bá. Hiện nay ngoài
Trung tâm chánh tại Rangoon, Miến Ðiện, có năm Trung tâm quốc
tế tại Anh, Ðông Úc, Tây Úc, Mỹ và Áo (Austria), mỗi trung
tâm lại có nhiều chi nhánh khác. Mỗi khóa thường được
tổ chức trong 10 ngày. Việc giảng dạy rất có quy củ và
tổ chức thống nhất.
S.
N. Goenka
Các
đệ tử của ông U Ba Khin thì rất nhiều, nhưng đặc biệt
phải kể đến ông S. N. Goenka. Ông là một kỹ nghệ gia, quốc
tịch Ấn Ðộ nhưng sinh và lớn lên tại Miến Ðiện và đã
thụ huấn ông U Ba Khin trong 14 năm. Ông Goenka về Ấn Ðộ
năm 1969 để truyền bá và cũng tạo được rất nhiều đệ
tử ở các nước. Số đệ tử của ông có thể nhiều hơn
là của ông U Ba Khin, lý do chánh là vì chánh phủ Miến Ðiện
"bế quan, tỏa cảng" nên rất ít người được tới theo học
ông U Ba Khin. Ngoài trung tâm Ấn Ðộ còn có các trung tâm tại
Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Pháp, Anh, Ðức, Nhật, Tích Lan, Thái
Lan, Miến Ðiên, Nepal và các nước khác. Nhiều vị tăng Miến
Ðiện, Ấn Ðộ và Tích Lan cũng tới theo học ông. Tại Mỹ
có 4 trung tâm lớn ở Massachusetts, Texas, California và Washington.
Pháp ông giảng dạy theo đúng pháp của ông U Ba Khin. Các trung
tâm cũng được tổ chức quy mô, hệ thống như vậy.
Tài
liệu trích dẫn :
-
Living Buddhist Masters, của Jack Kornfield
-
The essentials of Buddha Dharma in meditative practice, của U Ba Khin
-
The quiet mind, của John E. Coleman
-
Vipassana Meditation as taught by S. N. Goenka, của William Hart.
|