MỤC LỤC.
LỜI ĐẦU.
Từ Tắc 01 đến Tắc 11.
Từ Tắc 12 đến Tắc 24.
Từ Tắc 25 đến Tắc 36.
Từ Tắc 37 đến Tắc 48.
LỜI CUỐI.
.
VÔ MÔN HUỆ KHAI
CỬA KHÔNG CỬA (VÔ MÔN QUAN)
Dịch giả:  DƯƠNG  ĐÌNH  HỶ
Tắc   Một
CON  CHÓ  CỦA  TRIỆU  CHÂU

Cử :
Một ông tăng hỏi Triệu Châu :
-Con chó có Phật tánh không ?
-Không !

Bình :
Tham thiền phải qua cửa tổ, diệu ngộ phải tuyệt đường tâm. Cửa tổ không qua, đường tâm chẳng dứt thì như tinh linh nương vào cây cỏ. Thử hỏi thế nào là cửa tổ ? Chính là một chữ Không, gọi là Cửa không cửa của thiền vậy. Người qua cửa không những thân thấy Triệu Châu mà còn cùng lịch đại chư tổ nắm tay cùng đi, ngang hàng với họ, nhìn cùng một mắt, nghe cùng một tai há chẳng vui sao ? Các ông chẳng muốn qua cửa này ư ? Hãy đem 360 đốt xương, tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông toàn thân khởi nghi đoàn, tham chữ Không ngày đêm. Các ông chớ hiểu Không là Hư Vô, cũng đừng hiểu trong nghĩa Có, Không. Giống như các ông nuốt một hòn sắt nóng, muốn khạc mà khạc chẳng ra. Các ông hãy bỏ hết những vọng tri, vọng giác từ trước, lâu dần thuần thục, tự nhiên trong ngoài đánh thành một phiến, như người câm nằm mộng chỉ mình tự biết. Rồi bỗng nhiên như trời long đất lở, như đoạt được Thanh Long Đao của Quan tướng quân, gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ. Bên bờ tử sinh mà được tự tại, hướng lục đạo tứ sinh mà du hí tam muội. Tôi muốn hỏi các ông phải làm sao ? Hãy đem hết sức mà nêu chữ Không ấy. Nếu các ông giữ cho không gián đoạn thì giống như vừa mới mồi lửa ngọn đuốc Pháp đã bùng cháy.

Tụng :
 

狗 子 佛 性
Cẩu tử Phật tánh
全 提 正 令
Toàn đề chính lệnh
才 涉 有 無
Tài thiệp hữu vô
喪 身 失 命
Táng thân thất mạng.

Con  chó  Phật  tánh
Chánh  lệnh  nêu  lên
Vừa  nói  không,  có
Mất  mạng  chôn  thân.

Chú Thích :
 -Triệu Châu (778-897) : pháp danh Tòng Thẩm, học trò Nam Tuyền Phổ Nguyện, đạo hạnh cao thâm, được xưng tụng là Triệu Châu Cổ Phật. Sinh vào đời Đường, người Tào Châu, họ Hác. 18 tuổi giác ngộ, 60 tuổi mới bắt đầu đi hành cước, 80 tuổi trụ trì ở Quán Âm Viện, 120 tuổi qua đời.
-Vô Môn (1183-1260) pháp danh Huệ Khai, sinh vào đời Tống, họ Lương, người Tiền Đường, Hàng Châu. Tác giả Vô Môn Quan (Cửa Không Cửa).
-Tăng : viết tắt của tăng già, có nghĩa là hòa hợp chúng, chỉ người cắt tóc đi tu.
-Cửa Tổ : có 3 cửa là Sơ quan, Trùng quan và Lao quan. Chính là các ông chứ không phải ai khác đã tạo nên cửa này làm trở ngại sự giác ngộ, mặc dầu có vẻ như người khác tạo nên.
-Đường tâm : tham thiền phải trực quán, trực ngộ không thể dùng suy luận.
-Như tinh linh nương vào cây cỏ : dẫn từ kinh Trường A Hàm chỉ tự mình không có kiến thức, lấy lời nói của người khác mà giải thích.
-Lục đạo : 6 con đường mà con người phải luân hồi : người, trời, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la.
-Tứ sinh : thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh.
-Quan tướng quân : tức Quan Vân-Trường, danh tướng đời Tam Quốc (Trung Hoa).
-Phật tánh : cũng gọi là giác tánh, Như Lai tánh, tự tánh v. v .  nguyên là chỉ bản tánh của Phật, sau trở thành khả năng có thể thành Phật.
-Vô : Trong các sách Tổ Đường tập (đời Ngũ Đại), Truyền Đăng Lục (đời Bắc Tống), Triệu Châu Bản Truyện đều không ghi công án này. Cuốn sách đầu tiên ghi công án này là Hoàng Bá Đoạn Tế Thiền sư Uyển Lăng Lục; vì vậy có học giả cho rằng công án này là do người đời sau thêm vào. Công án này được phổ biến rộng rãi và được các thiền giả coi trọng từ sau đời Bắc Tống trở đi, nhất là sau khi Đại Huệ Tông Cảo (1089-1163) đề xướng khán thoại đầu.
-Du hí tam muội : đây là định của bậc Bồ Tát có thể ra vào tự tại không sợ hãi, thí dụ bách thú đang du hí thấy sư tử đến liền sợ hãi, còn sư tử khi du hí dù thấy bất cứ một dã thú nào vẫn tự do, tự tại không sợ hãi. Ở đây là nói khi tham cứu thoại đầu được chứng ngộ, đối với sinh tử luân hồi tự do, tự tại, không bị câu thúc. 
-Con chó, Phật tánh, không là một : Khi trả lời “Không “, Triệu Châu đã vượt lên khỏi thế giới nhị nguyên của khái niệm.
(Yamaha)

-Chữ Không như chầy sắt phá cửa thiền cứng, là búa sắc chặt đứt phiền não của ngôn ngữ, văn tự.
(Nhật Chủng Nhượng Sơn)

-Tự tánh có ở mọi sự, vật, trong tiếng cười, tiếng khóc, tiếng hét, tiếng Có, tiếng Không, ngay cả ở trong câu hỏi “Con chó có Phật tánh không ?” Triệu Châu cho chúng ta một tên khác để gọi tự tánh, đó là Không.
(Eido Shimano)

-Câu đáp của Triệu Châu chú ý không ở con chó mà là ở chữ Không. Chữ Không này siêu việt hai bên, không phải Có hoặc Không. Nếu trụ lại ở một bên nào là mất mạng ngay dưới kiếm giết người của Triệu Châu. Tham chữ Không này cũng là một loại pháp môn, mục đích là chỉ cho người học thấy tánh. Do chuyên chú lâu ngày ở chữ Không này, các niệm đầu đều dứt bặt, đạt tới trạng thái vô tâm, lúc đó có thể tự tánh sẽ hiển hiện. Trong một lần khác thay vì đáp Không, Triệu Châu lại đáp Có. Rõ ràng là với một câu hỏi Triệu Châu không dùng câu đáp hai lần. Con chó có Phật tánh không, đối với ông không thành vấn đề, ông chỉ đối bệnh mà cho thuốc. Ông tăng không quan tâm mình thấy tánh hay không mà lại để tâm đến “con chó có Phật tánh không ?” Câu trả lời Không của Triệu Châu là mắng ông giống như con chó có Phật tánh cũng như không.
-Giải thích bài kệ :
  Câu 1 và 2 :  Công án con chó có Phật tánh hay không là để truyền đạt mạng lịnh của Thiền tông.
  Câu 3 và 4 : nếu nghiêng vào có hoặc không là đánh mất đi huệ mạng pháp thân của chính mình.
-Ý nghĩa bài kệ : Chữ Không này của Triệu Châu là đề khởi toàn bộ chính lệnh của Thiền tông. Nên biết tham chữ Không này là để kiến tánh, không thể từ hư vô hay hữu vô mà thể hội, tham đến khi phàm, thánh là một thì mới gọi là qua được cửa Tổ.
-Ngũ tổ Diễn nói : Lời chẳng hợp cơ, không thể ngay lời mà ngộ, người học bèn hỏi tiếp, nói chưa dứt lời đã bị Triệu Châu mắng, như dùng dao chặt tay thành hai mảnh, chết tươi.
-Thùy Am Diễn thì nói : Câu đáp Không của Triệu Châu giống như trong không bỗng xuất hiện một gương cổ (chỉ tự tánh). Gương cổ này không dính bụi, chiếu khắp vũ trụ.
   (Dương Tân Anh)

-Thực ra câu chuyện trên, có chép một đoạn nữa như sau :
-Những loài xuẩn động hàm linh đều có Phật tánh, tại sao con chó lại không 
có ?
-Vì có nghiệp thức.
Lại có một ông tăng khác hỏi :
-Con chó có Phật tánh không ?
-Có.
-Tại sao phải làm thú ?
-Biết mà cứ làm.
Với cùng một câu hỏi, cách trả lời của Triệu Châu lúc nói Không, lúc nói Có theo lẽ đương nhiên là đầy mâu thuẫn. Nhưng tại sao lại có sự mâu thuẫn, khó hiểu ấy ? Đứng trên lập trường của Triệu Châu thì lại chẳng có gì là mâu thuẫn cả. Vì đây là tùy cơ mà đáp, không cốt trả lời mà làm sao cho khởi nghi tình, rồi do giải được nghi tình mà ngộ. Nếu lấy chữ Không của Triệu Châu mà giải là không tứ đức (thường, lạc, ngã, tịnh). Và có là tất cả đều có Phật tánh thì cũng được, vì con chó có nghiệp thức thành ra tứ đức không hiện. Tuy chó có Phật tánh nhưng biết mà cứ làm tạo ra những ác nghiệp cho nên phải làm kiếp chó. Chữ Không này của Triệu Châu quả là độc sáng, nó chính là sinh mạng là tông chỉ của thiền sư vậy. 
(Tiêu Vũ Đồng)

-Trong tất cả các công án, công án chữ Không của Triệu Châu là nổi danh nhất. Nó rất phổ thông nên các thiền sư đều trao công án này cho các ông tăng mới. Nếu thiền sinh làm tốt công việc của mình, chữ Không sẽ giống như một hòn sắt nóng tọng vào cổ họng, nuốt không trôi, khạc chẳng ra. Điểm quan trọng là “Không vạch ra cho chúng ta thấy Phật đạo. 無 Vô trong tiếng Trung Hoa có nghĩa phủ định là Không, không có gì (no-thing). Không cũng là một khái niệm cơ bản trong Triết Đông. Có Không tương đối và Không tuyệt đối. Không tương đối là đối nghịch của 有 Hữu. Không tuyệt đối vượt lên thị phi. Để hiểu công án này phải hiểu rõ sự sai biệt này. Khi ông tăng hỏi : “Con chó có Phật tánh không ?” Ông không những đứng trên quan điểm của tâm phiền não của ông mà còn trên quan điểm của giáo lý Phật giáo là mọi chúng sanh đều có Phật tánh. Triệu Châu dĩ nhiên là biết chuyện này. Chữ Không của ông giúp cho ông tăng chặt đứt cái chấp về giáo lý. Giáo lý cơ bản của Phật là vô chấp. Mọi đau khổ, phiền não của con người đều do chấp, ngay cả chấp vào ý tưởng vô chấp cũng là chấp rồi. Triệu Châu muốn ông vượt lên thế giới tương đối, vượt lên Phật lý, vượt lên Không và Có, được giác ngộ tự do, tự tại. Ngộ chính là kích thước mới này của cuộc sống. Bình thường cuộc đời của con người luôn luôn chấp vào tương đối : Thị phi, tốt xấu, đúng sai, nhưng cuộc đời luôn thay đổi. Đúng và Sai thay đổi theo thời gian và nơi chốn. Khái niệm tĩnh không thích hợp với cuộc đời, do đó Không là quyết định, nó không không để một khoảng trống nào cho trí thức có thể bám víu vào. Không phải được thực chứng.
(Kubose)

Tắc  Hai
CON   CHỒN    HOANG    CỦA    BÁCH    TRƯỢNG.

Cử :
Mỗi lần Bách Trượng giảng pháp, đều có một cụ già theo đại chúng vào nghe. Khi đại chúng tan hàng, ông cụ cũng lui. Một hôm bỗng không lui.
Sư hỏi :
-Người đứng trước mặt tôi là ai ?
-Dạ, tôi vốn chẳng phải là người. Hồi Đức Phật Ca Diếp, tôi từng trụ trì tại núi này. Có học nhân hỏi :
-Bậc đại tu hành còn rơi vào nhân quả không ?
Tôi đáp :
-Không !
Nên 500 kiếp qua tôi bị đọa làm thân chồn hoang. Nay thỉnh Hòa thượng ban cho một chuyển ngữ để thoát kiếp chồn hoang.
Ông cụ già bèn hỏi :
-Bậc đại tu hành còn rơi vào nhân quả không ?
Sư đáp :
-Chẳng lầm nhân quả.
Ông cụ ngay lời đó đại ngộ, lạy tạ :
-Tôi đã thoát thân chồn, xác còn ở sau núi. Xin Hòa thượng ma chay theo tăng lễ.
Sư ra lệnh Duy na bạch chùy báo cho đại chúng ăn xong sẽ làm lễ táng tăng. Đại chúng bàn tán :
-Mọi người đều khỏe mạnh, Nát Bàn đường cũng không có bệnh nhân, sao lại có chuyện như vậy ?
Ăn xong, sư dẫn chúng ra sau núi, lấy gậy khều ra một xác chồn hoang dưới tảng đá, đem hỏa táng.
Trong buổi giảng chiều, sư kể lại câu chuyện trên.
Hoàng Bá bèn hỏi :
-Người xưa vì đáp sai một chuyển ngữ, thân bị đọa làm chồn hoang 500 kiếp, nếu câu nào cũng đáp trúng thì sao ?
-Ông lại gần đây tôi bảo cho.
Hoàng Bá lại gần tát sư một cái. Sư vỗ tay cười :
-Tưởng râu tên Hồ đỏ, hóa ra là tên Hồ đỏ râu.

Bình :
Chẳng rơi vào nhân quả, sao lại bị đọa làm chồn hoang ? Chẳng lầm nhân quả sao lại thoát kiếp làm chồn ? Nếu các ông hiểu lý này thì thấy Bách Trượng đã lời 500 kiếp làm chồn.

Tụng :

不 落 不 昧
Bất lạc bất muội
兩 釆 一 賽
Lưỡng thái nhất tái
不 昧 不 落
Bất muội bất lạc
千 錯 萬 錯
Thiên thác vạn thác

Chẳng  lạc  chẳng  muội
Hai  vẻ  thi  đua
Chẳng   muội  chẳng  lạc
Ngàn  vạn  lần  thua.

Chú Thích :
-Bách Trượng (720-814) : pháp danh Hoài Hải, học trò Mã Tổ Đạo Nhất, sư phụ của Hoàng Bá.
-Hoàng Bá (?-850) : pháp danh Hi Vận, người tỉnh Phúc Kiến, Hồng Châu, học trò Bách Trượng.
-Phật Ca Diếp : một trong 7 Đức Phật trước Phật Thích Ca.
-Chuyển ngữ : khi thiền sinh ở tình trạng tiến thối lưỡng nan, xin thiền sư cho một chuyển ngữ làm chuyển hướng tư tưởng ông khiến từ mê dẫn đến ngộ.
-Duy na : dịch từ Phạn ngữ Karmadana, ông tăng lo việc trong chùa.
-Bạch chùy : gõ chùy báo cho đại chúng.
-Nát Bàn đường : bệnh xá của thiền viện.
-Gã Hồ : xưa người Trung Hoa gọi người ngoại quốc là người Hồ, ông sư người ngoại quốc gọi là Hồ tăng, ở đây là chỉ ông tăng Ấn Độ.
-Giải thích bài kệ :
Câu 1 và 2 : thái tái là một loại trò chơi thời cổ, 2 thái bằng điểm 1 tái, cũng tương tự  một bên nửa cân, một bên tám lạng. Khi nói bất lạc hay bất muội thì cũng chẳng có sai biệt gì.
Câu 3 và 4 : đừng phân tích, suy lý, chấp trước bất lạc hoặc bất muội, trừ bỏ mọi thủ xả của tâm phân biệt không bị bó buộc cứ tự nhiên sinh hoạt.
-Câu trả lời của ông cụ già là chấp vào tự do tuyệt đối. Câu trả lời của Bách Trượng là người giác ngộ và luật nhân quả là một. Người giác ngộ nếu chấp vào chân lý tuyệt đối là cũng bị trói buộc. Chấp vào thiện pháp thì thiện pháp sẽ trở thành ác pháp.
(Kubose)

-Để trả lời câu hỏi của học tăng, ông cụ đáp “Chẳng rơi vào nhân quả”, vì sao phải đọa làm chồn hoang 500 kiếp ? Bách Trượng đưa ra chuyển ngữ “Chẳng lầm nhân quả”, vì sao khiến ông cụ thoát được cái khổ 500 kiếp làm chồn ? Khi nói “Không rơi vào nhân quả” là chỉ người tu hành không thọ nhân quả báo ứng. Loại chỉ điểm tùy tiện này là sai lầm bởi vì chẳng ai có thể đào thoát khỏi nhân quả báo ứng. Câu trả lời của Bách Trượng là một câu danh ngôn chí lý vì người ngộ đạo nào cũng không lầm nhân quả.
(Tinh Vân)

-Câu chuyện này chủ yếu để thuyết minh luật nhân quả. Chịu chi phối bởi luật nhân quả là khẳng định, không chịu chi phối bởi luật nhân quả là phủ định, do đó đều sai. Chẳng lầm nhân quả vượt cả khẳng định và phủ định nên thấy được tự tánh chân chánh. Người đắc đạo thấy được hiện tượng giới biến ảo, siêu việt giới vĩnh hằng và Đạo là vượt lên cả hai giới đó, tương tự Tâm Kinh nói Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc.  Sắc tức là Không, Không tức là Sắc.
(Tiêu Vũ Đồng)

Tắc   Ba
NGÓN    TAY    CỦA    CÂU    CHI

Cử :
Hễ có người nào hỏi, hòa thượng Câu Chi chỉ giơ lên một ngón tay. Về sau có người nào hỏi tiểu đồng hòa thượng nói Pháp gì, tiểu đồng cũng giơ ngón tay lên. Câu Chi nghe được bèn chặt đứt ngón tay của tiểu đồng. Tiểu đồng bị đau, khóc, bỏ chạy. Câu Chi gọi, tiểu đồng ngoảnh đầu lại, Câu Chi bèn giơ ngón tay lên, tiểu đồng bỗng nhiên lãnh ngộ.
Câu Chi khi sắp mất bảo đại chúng :
-Tôi nhận được của Thiên Long một ngón tay thiền, dùng cả đời không hết.
Nói xong thì mất.

Bình :

Chỗ ngộ của Câu Chi và tiểu đồng không phải ở trên đầu ngón tay. Nếu thấy được chỗ đó thì xuyên suốt được Thiên Long, Câu Chi, tiểu đồng và chính mình vào thành một mối.

Tụng :

俱 胝 鈍 置 老 天 龍
Câu Chi độn trí lão Thiên Long
利 刃 單 提 勘 小 童
Lợi nhẫn đơn đề khám tiểu đồng
巨 靈 抬 手 無 多 子
Cự Linh đài thủ vô đa tử
分 破 花 山 千 萬 重
Phân phá Hoa Sơn thiên vạn trùng
 
 

Câu  Chi  dỡn  mặt  lão  Thiên  Long
Dao  sắc  giơ  lên  thử  tiểu  đồng
Cự  linh  vung  tay  không  phí  sức
Đập  nát  Hoa  Sơn  ngàn  vạn  trùng.

Chú Thích :
-Câu Chi : Vụ Châu Kim Hoa Sơn hòa thượng, trụ trì Kim Hoa sơn tự, thường tụng “Câu Chi Phật Mẫu Đà La Ni” cho nên người ta gọi là Câu Chi hòa thượng.
-Thiên Long : Hàng Châu Thiên Long hòa thượng học trò Đại Mai Pháp Thường.
-Cự Linh : thần sông, vung tay phân Hoa Sơn thành hai đế sông Hoàng Hà chẩy qua (truyền thuyết).
-Giải thích bài kệ :
Câu 1 và 2 : Câu Chi dùng dao trí tuệ để chặt đứt những quan niệm sai lầm của tiểu đồng.
Câu 3 và 4 : giơ một ngón tay lên là một phương pháp đơn giản, dễ dàng không phí sức mà lại có tác dụng rất lớn là làm cho tiểu đồng được chứng ngộ.
-Dù bắt chước giỏi đến đâu thì bắt chước vẫn chỉ là bắt chước. Giơ một ngón tay lên không phải là Thiền. Cái mà ngón tay tượng trưng mới là quan trọng. Cũng như tiểu đồng, chúng ta thường chỉ nhìn thấy hình thức bề mặt mà không thấy chân lý. Tiểu đồng phụ thuộc vào ngón tay. Khi ngón tay bị chặt, tiểu đồng không còn gì để diễn tả Thiền. Khi một người còn chấp vào một cái gì thì ông ta không đạt được tự do, tự tại. Giác ngộ là thoát khỏi mọi chấp trước, ràng buộc và đạt được một kích thước mới, một nếp sống mới.
(Kubose)

-Câu Chi lúc đầu sống trong am. Có một vị tỳ khưu ni tên là Thật Tế đến thăm. Ni cô đến am, không thông báo cũng không bỏ nón, chống trượng đi quanh thiền sàng của Câu Chi ba vòng, nói :
-Nếu thầy nói có đạo lý tôi sẽ dở nón.
Ni cô nói liền 3 lần, Câu Chi không đáp được một câu. Thật Tế giận, phất áo định đi. Câu Chi nói :
-Trời gần tối rồi, xin hãy lưu lại một đêm.
-Nếu thầy nói có đạo lý, tôi sẽ lưu lại một đêm.
Câu Chi lại không đáp được. Khi ni cô đi rồi Câu Chi than rằng :
-Ta là nam tử mà không có khí khái trượng phu !
Về sau Thiên Long đến đó, Câu Chi mời vào thuật lại chuyện ni cô đến thăm. Thiên Long giơ một ngón tay lên khai thị. Câu Chi tức khắc khai ngộ.
Khi Câu Chi mới gặp ni cô, theo lời than của ông, chúng ta thấy ông còn chấp tướng nam nữ, do đó ông không trả lời ni cô được. Thiên Long giơ một ngón tay lên biểu thị tự tánh bình đẳng không có tướng nam nữ. Một ngón tay chỉ sự tuyệt đối. Do đó Câu Chi liễu ngộ. Về sau, ông dùng một ngón tay để tiếp dẫn người học. Tiểu đồng không hiểu ý nghĩa chân chính của một ngón tay, chỉ chấp vào hình tướng giơ tay, nghĩ rằng giơ tay là Phật pháp. Cho đến khi bị Câu Chi chặt đứt, không có ngón tay để giơ lên, mới hiểu rằng Phật pháp không tồn tại ở hình tướng.
(Tiêu Vũ Đồng)

-Câu Chi muốn nói ra một Thiền ngữ cho Thật Tế nghe nhưng không nói được. Ý nghĩ muốn nói ra như thế bản thân đã là mê hoặc, là dục vọng. Câu Chi hiểu ra điều này khi được Thiên Long chỉ điểm. Khi dục vọng xuất hiện thì tất cả đều tiến vào đường hủy diệt.
(Minh Tuệ)

-Nếu thầy nói có đạo lý, tôi liền dở nón.
Kỳ thật chân lý thật không thể nói. Nếu có lời nói đều không phải là chân lý. Câu Chi không lời, không phải là không nói chỉ là định nói mà không biết nói như thế nào. Có tư tưởng phân biệt thì càng lìa xa Thiền. Đương nhiên có thể đối cơ nói hoặc giảng thông bỉ thử. Thiên Long giơ một ngón tay lên, Câu Chi mới biết chân lý là một, do đó dùng một ngón tay để chỉ người học. Tiểu đồng bắt chước vọng giơ một ngón tay khiến Thiền rơi vào hình tướng. Câu Chi chặt đi hình tướng, từ hữu hình đến vô hình, từ hữu tướng đến vô tướng, quy về Thiền tâm do đó tiểu đồng khế ngộ.
(Tinh Vân)

Tắc   Bốn
RỢ   HỒ   KHÔNG   RÂU

Cử :
Hoặc Am nói :
-Tên rợ Hồ Tây phương sao lại không râu ?

Bình :
Tham phải thật tham, ngộ phải thật ngộ. Tên Hồ đó phải tự mình thấy một lần mới được, nói tự thấy thì sớm muộn đã thành 2 gã rồi !

Tụng :

痴 人 面 前
Si nhân diện tiền
不 可 說 夢
Bất khả thuyết mộng
胡 子 無 鬚
Hồ tử vô tu
惺 惺 添 夢
Tinh tinh thiêm mộng.

Kẻ  điên  trước  mặt
Không  thể  nói  mơ
Không  râu  Hồ  tử
Là  tỉnh  thành  mơ.

Chú Thích :
-Hoặc Am (1108-1179) : học trò của Am Nguyên hòa thượng.
-Hồ tử : chỉ người Hồ, ở đây là chỉ Bồ Đề Đạt Ma.
-Ngộ phải thực ngộ : Thiền tông nói nhiều về ngộ, đại thể có thể phân làm 4 phương diện :
1.Do nhận thức và lý giải mà ngộ gọi là giải ngộ.
2.Do minh tâm kiến tánh trực quán thể nghiệm mà ngộ gọi là chứng ngộ.
3.Ngộ là mục đích của tham thiền, nhưng trong quá trình tham thiền không được có ý thức mong cầu khai ngộ vì bản thân ý niệm mong cầu đã trở ngại sự khai ngộ.
4.Quá trình ngộ và ngộ cảnh không thể dùng ngôn ngữ diễn tả được, nhưng người đã khai ngộ thì nhất cử nhất động đều biểu thị mình đã giác ngộ.
-Tự thấy : thấy ở đây là trực kiến không khởi ý thức phân biệt, nếu khởi một niệm muốn thấy thì đã có người thấy và cái muốn thấy, tức là phân 2 rồi không phải là tự thấy nữa.
-Giải thích bài kệ :
Câu 1 và 2 : giấc mơ là hư vọng, nếu nói cho người điên biết chẳng là đã hư vọng, lại thêm hư vọng sao ?
Câu 3 và 4: Hồ tử ở đây chỉ khuôn mặt xưa nay (tự tánh), nếu tâm còn ám muội dùng trí phân biệt để biện biệt có râu, không râu thì là từ sáng suốt trở thành hồ đồ vậy.
-Lời nói và khái niệm đều do tâm tạo, chỉ làm che lấp chân lý. Phải nắm bắt chân lý, chứ đừng khư khư chấp vào cái bóng của nó.
(Sekida)

-Bồ Đề Đạt Ma, vị tăng Ấn Độ đã mang Thiền sang trung Hoa vào thế kỷ thứ 6, thường được mô tả là rậm râu. Khi chúng ta nói Bồ Đề Đạt Ma, Phật, chúng ta đã khái niệm hóa họ. Chúng ta đã tự mình trở thành nạn nhân của khái niệm. Bằng cách chối bỏ bề ngoài (tướng) Hoặc Am đã mời chúng ta vượt lên cặp đối đãi rậm râu và trụi râu và nhìn thấy Bồ Đề Đạt Ma thực sự.
(Kubose)

Tắc  Năm
HƯƠNG    NGHIÊM    TRÊN     CÂY

Cử :
Hòa thượng Hương Nghiêm nói :
-Như người trên cây, mồm cắn vào cành cây, tay không vin vào cành, chân không đạp vào cây. Dưới cây có người hỏi ý tổ sư từ Tây sang. Không đáp thì phụ người hỏi. Nếu trả lời thì chôn thân mất mạng. Chính lúc đó phải làm sao ?

Bình :
Dù có biện luận như nước chẩy cũng không dùng làm gì, giảng được bộ đại tạng kinh cũng vô dụng. Nếu chỗ này đáp được thì làm sống con đường đã chết, làm chết đi con đường đã sống. Nếu chưa đáp được thì chờ sau này hỏi Di Lặc.

Tụng :

香 嚴 眞 杜 撰
Hương Nghiêm chân Đỗ Soạn
惡 毒 無 盡 限
Ác độc vô tận hạn
啞 卻 衲 僧 口
Á khước nạp tăng khẩu
通 身 迸 鬼 眼
Thông thân bính quỷ nhãn.

Hương  Nghiêm  thật  bày  đặt
Ác  độc  không  thể  lường
Khiến  nạp  tăng  câm  miệng
Toàn  thân  mắt  quỷ  giương.

Chú Thích :
-Hương Nghiêm (?-898) : Hương Nghiêm Trí Nhàn học trò Quy Sơn.
-Giải thích bài kệ :
Câu 1 và 2 : Hương Nghiêm hư cấu ra tình cảnh trên cây để khai thị cho người tham thiền.
Câu 3 và 4 : đây là 1 nan đề khiến chư tăng khó ứng đáp, cũng không thể mở mồm ra được.
-Làm sống lại con đường đã chết : lúc trước con đường chưa thông nay thì đi được.
-Làm chết đi con đường đã sống : diệt được lối sống trong ảo vọng. Theo lý mà nói một người chỉ dùng răng cắn vào cành cây, toàn thân lơ lửng trong không, không sớm thì muộn cũng phải rơi xuống đất. Trả lời hay không trả lời câu hỏi không phải là vấn đề khẩn cấp của ông ta. Cái ông ta cần không phải là triết lý mà là một người có thiện tâm và dõng cảm, cứu ông ta xuống đất.
(Yoel Hoffmann)

-Giác ngộ là vấn đề sinh tử, nó đòi hỏi sự cố gắng toàn diện, không chỉ dùng trí thức. Vài thiền sinh cố hiểu các công án một cách trí thức và khi đạt được nội dung trí thức này họ tưởng rằng họ đã hiểu. Thực ra sự hiểu biết này không ăn nhằm gì với cuộc đời. Sống Thiền là sống trọn vẹn.
(Kubose)

-Cảnh giới thiền không dùng lời nói, phủ định tất cả mọi hiện tượng rồi thì thấy được khuôn mặt xưa nay. Sự truyền tâm giữa thầy và trò có khi là trợn mắt, nhăn mày, có khi là đánh mắng, la hét. Có khi là im lặng chẳng quan tâm, có khi làm lộn tùng phèo. Nói tóm lại thiền sư làm khởi nghi tình nơi người học, bức người học không có lối đi cho tới khi “Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn” thì mới thôi. Truyền đăng là tham cứu không thể lý giải, chỉ có thể dùng ý hiểu không thể dùng lời để truyền, giống như công án này của Hương Nghiêm không có cách nào đáp được. Tốt nhất là như Hổ Đầu Chiêu thượng tọa không hỏi kết quả, chỉ luận tiền nhân, bắt giặc tìm tang vật mới có thể giải quyết được vấn đề, Hương Nghiêm cười ha hả đó là dùng tiếng nhưng không dùng lời để khẳng định.
(Tinh Vân)

-Hương Nghiêm đưa ra một nan đề chỉ rằng Thiền không thể nói. Nếu có người hỏi, hễ mở miệng ra là mất mạng. Nhưng nếu ông không nói thì người ta làm sao biết Thiền là cái gì ? Có người đáp :
-Miệng cha mẹ sinh ra là để hưởng thụ sơn hào hải vị, nếu không có chuyện thì lắm mồm làm gì ?
Có người đáp :
-Nếu đã không thể nói, tôi đánh rắm để ông ngửi vậy.
Có người đáp :
-Nguyện vì chúng sanh thoát khổ, dù tan xương nát thịt cũng không tiếc.
Do đó, các thiền sư dõng cảm mở miệng nói pháp.
Chiêu thượng tọa nói :
-Lúc chưa lên cây thì thế nào ?
Câu đáp thật cao minh, hà tất lọt vào bẫy tiến thối lưỡng nan, phải suy nghĩ đối sách. Nhưng chưa lên cây là cảnh giới đã giác ngộ rồi. Chúng sanh hiện đang lơ lửng trong không, các ông nói phải làm sao ? Hãy học Hương Nghiêm chỉ cười cười, đừng mở miệng lắm lời mà mất mạng. Nguyên lai làm gì có cây, chỉ là chúng sanh nằm mộng thấy mình lơ lửng trong không. Tỉnh mộng rồi các ông lại an nhiên nằm trên giường.
(Liệu Duyệt Bằng)

Tắc   Sáu
THẾ    TÔN     GIƠ    HOA

Cử :
Xưa, Thế Tôn ở pháp hội Linh Sơn, giơ cành hoa lên chỉ cho đại chúng. Lúc đó đại chúng đều im lặng chỉ có tôn giả Ca Diếp là mỉm cười. Thế Tôn  bảo :
-Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, vi diệu pháp môn, chẳng lập văn tự, ngoài giáo truyền riêng, nay giao cho Ca Diếp.

Bình :
Cồ Đàm mặt vàng chẳng coi ai vào đâu, ép tốt thành xấu, treo đầu dê bán thịt chó, coi bộ cũng có chút tài mọn. Nếu lúc đó đại chúng đều cười, chánh pháp nhãn tạng làm sao truyền ? Giả sử Ca Diếp không cười, chánh pháp nhãn tạng lại truyền làm sao ? Nếu nói chánh pháp nhãn tạng có truyền thọ thì lão mặt vàng đã dối trá xóm làng; nếu nói không truyền sao lại nói truyền riêng cho Ca Diếp ?

Tụng :

拈 起 花 來
Niêm khởi hoa lai
尾 巴 已 露
Vĩ ba dĩ lộ
迦 葉 破 顏
Ca Diếp phá nhan
人 天 罔 措
Nhân thiên võng thố.

Vừa  giơ  cành  hoa
Cái  đuôi  đã  lộ
Ca  Diếp  cười  xòa
Trời  người  thất  thố.

Chú Thích :
-Cồ Đàm mặt vàng : chỉ Đức Phật, vì Ngài có thân sắc vàng.
-Cồ Đàm : là một trong 5 tiếng gọi họ Đức Phật, 4 tiếng kia là Cam Giá, Nhật Chủng, Xá Di, Thích Ca.
-Giải thích bài kệ :
Câu 1 và 2 : Thế Tôn vừa giơ cành hoa lên, chủ ý  đã lộ ra rồi, Ca Diếp mỉm cười vì hiểu rõ chuyện ấy. Chỉ có trời và người là lúng túng không biết đã xảy ra chuyện gì.
Câu 3 và 4 : khi Thế Tôn giơ cành hoa lên, chỉ có Ca Diếp là mỉm cười. Ông đã hiểu tâm Phật. Hoa là hoa không là gì cả. Nó không tự phụ, mắc cỡ, giả đò. Tinh túy của vạn pháp là lời không lời, tướng không tướng. Chân lý không phải là lời nói. Lời và giáo pháp chỉ để trỏ đường. Thiền là truyền tâm mà không dùng lời.
(Kubose)

-Niết Bàn là trạng thái của tâm khi đã diệt trừ hết phiền não, trở thành thanh tịnh. Trạng thái đó là sự khai ngộ; vì không dùng lời nói để tả ra được nên gọi là diệu tâm. Niết Bàn diệu tâm không phải là Niết Bàn và diệu tâm mà là Niết Bàn là diệu tâm, cũng là thiền tâm. Đức Phật giao phó tâm này cho Ca Diếp. Cái tâm khai ngộ này có sẵn trong tâm Ca Diếp, do tâm Ca Diếp bạo phát mà giác tỉnh thành nội tâm ấn chứng. Thiền sư Đạo Nguyên đã hình dung Niết Bàn diệu tâm bằng hai câu sau :
Cố  hương  hoa  bốn  mùa
Xuân  đi  hoa  vẫn  thơm.
Bốn mùa là chỉ thời gian, cố hương là chỉ căn nguyên của tâm không vì làm thiện, làm ác mà nhiễm thiện ác. Cái tâm này không vì hoàn cảnh mà biến đổi vì vậy mới nói :”Xuân đi hoa vẫn thơm”.
(Minh Tuệ)

-Hoa ở đây là chỉ tự tánh. Vì tự tánh không thể dùng lời mà diễn tả được. Chư Phật đều do ngộ tự tánh mà thành Phật. Thế Tôn giơ cành hoa lên hướng đại chúng mà nói pháp không lời. Ca Diếp hiểu ý này, tự tánh chỉ có thể tự chứng, có nói cũng vô ích nên không nói một câu nào chỉ mỉm cười biểu thị ông đã hiểu. Hai thầy trò là hai kỳ thủ ngang sức, còn đại chúng như câm điếc, đã không nhận được Phật tâm. Mượn đồ vật hay động tác để nói về tự tánh là do Thế Tôn sáng tạo đã được chư Tổ Trung Hoa tập đại thành đã trở nên một phong cách độc đáo của Thiền.
Thế Tôn nói :”Ta có chánh pháp . . . nay trao cho Ca Diếp” cho thấy sự phó pháp của Thiền là ấn chứng trên quả chứ không trên nhân. Chỉ cần học nhân chứng ngộ Niết Bàn diệu tâm là có thể gọi là đắc pháp. Sự thực Niết Bàn diệu tâm không thể thọ hoặc truyền cho người khác mà là tự mình dập tắt được ngọn lửa dục vọng.
-Ý nghĩa bài kệ : Tự tánh không thể dùng lời mà nói được, miễn cưỡng giơ cành hoa lên để tỷ dụ tự tánh, là có năng (chủ thể), sở (đối tượng) là đã lộ ra sơ hở. Lại còn vẽ rắn thêm chân nói cái gì là trao chánh pháp nhãn tạng cho Ca Diếp, khiến người sau tưởng có phó pháp thật. Ca Diếp mỉm cười là khác với đại chúng. Đúng là thầy lắm chuyện gập trò lắm chuyện.
Có ông tăng hỏi ý chỉ giơ hoa, Vân Phong Duyệt nói :
-Một lời nói ra, tứ mã khó đuổi.
-Ca Diếp mỉm cười là ý gì ?
-Mở miệng là họa.
Nói ra bất cứ lời nói gì cũng không thâu hồi lại được. Giơ cành hoa lên để biểu thị không thể nói được vì nói là lạc vào hình nhi hạ, ngược lại bản thể. Giơ cành hoa lên và mỉm cười là ngôn ngữ chân thật.
Phật Huệ Tuyền nói :
-Mùa đông dài, sương tuyết che phủ đại địa, ai biết được xuân đã về chưa ? Chỉ có một cành mai núi, nở hoa trong trời tuyết là tiết lộ xuân đã về. Cành mai núi chỉ Ca Diếp, chỉ có ông mỉm cười được Thế Tôn truyền pháp làm người truyền đăng tiên khởi.
(Dương Tân Anh)

Tắc   Bẩy
TRIỆU    CHÂU    RỬA    BÁT

Cử :
Một ông tăng hỏi Triệu Châu :
-Con vừa vào Tùng Lâm, xin thầy chỉ dạy.
-Ông ăn cháo rồi, chưa ?
-Đã ăn rồi.
-Đi rửa bát đi !
Ông tăng có chỗ tỉnh.

Bình :
Khi Triệu Châu mở miệng liền chỉ cho chúng ta một túi mật. Ông đã phơi ra cả tim gan. Ông tăng chẳng hiểu tưởng chuông là hũ.

Tụng :

只 為 分 明 極
Chỉ vi phân minh cực
翻 令 所 得 遲
Phiên lệnh sở đắc trì
早 知 橙 是 火
Tảo tri đăng thị hỏa
飯 熟 已 多 時
Phạn thục dĩ đa thời.

Đã  rõ  ràng  như  vậy
Làm  lại  chậm  như  rùa
Sớm  biết  đèn  là  lửa
Cơm  đã  chín  từ  khuya.

Chú Thích :
-Giải thích bài kệ :
Câu 1 và 2 : vì phân tích và giảng giải quá rõ ràng nên lại khiến cho người ta khó lãnh hội, nhận thức, thể hội.
Câu 3 và 4 : nếu biết đèn là lửa, dùng lửa để thổi cơm thì cơm chín từ bao giờ.
-Cái gọi là Phật pháp, là Thiền tâm đều không thể rời sinh hoạt. Ăn cho ra ăn, ngủ cho ra ngủ đó là thiền vậy. Nếu lìa sinh hoạt ra, thì Phật pháp còn có công dụng gì ?
(Tinh Vân)
-Thiền là đời sống hàng ngày : tự nhiên, thứ tự. Sự việc được làm từng việc một. Rắc rối đến từ sự khái niệm hóa và giả định.
(Kubose)

-Câu hỏi của Triệu Châu “Ăn cháo rồi chưa?”, rồi và chưa đều là biên kiến, phải trừ bỏ biên kiến, đối đãi thì mới chứng được tự tánh. Tự tánh không để vật nào dính vào vì vậy Triệu Châu mới khuyên đi rửa bát.
Triệu Châu dạy chúng ta không nên lìa hiện thực, đã ăn cháo rồi thì phải đi rửa bát. Con người ta khi làm một việc gì, không chịu chú ý làm, chỉ lo hướng ngoại. Những người bên cạnh Triệu Châu như vậy, chúng ta cũng vậy. Thí dụ đi đường là đi đường. Triệu Châu không lấy sự kiện đi đường là một sự kiện đặc biệt trừu tượng để suy tưởng, chỉ y theo tâm chân thật mà đi đường. Nếu là người đi đường chân chánh thì đường là cái gì ? Không dùng lời cũng biết, không cần thí dụ cũng hiểu. Nếu đi hỏi người thì là thừa vậy. Đạo là phải tự mình đi, đi đến khi đủ để vô tâm là được.
(Tiêu Vũ Đồng)

-Thiền không lìa sinh hoạt. Mặc áo ăn cơm là Thiền, bổ củi xách nước là Thiền. Một người không lo sinh hoạt cho tốt : bát không rửa, nhà không quét thì làm sao giải quyết được vấn đề sinh tử giải thoát .
(Tinh Vân)

-Công án này rất nổi danh gọi là “Cháo Triệu Châu”. Lúc đó có lẽ đã quá bữa sáng và ông tăng có lẽ là từ nơi khác đến tham học. Triệu Châu chỉ hỏi một câu trong sinh hoạt hàng ngày. Chẳng lẽ ăn cháo và rửa bát lại có thể khai ngộ ? Lúc ăn cháo thì ăn cháo, ăn cháo xong thì rửa bát. Đó là sinh hoạt hiện thực. Ngộ cảnh cũng không thể lìa hiện thực. Nhiều người cho rằng khai ngộ là một cái gì sâu xa không thể đo lường được. Kỳ thật trong sinh hoạt hàng ngày mỗi cử mỗi động đều là chân lý hiển lộ. Ông tăng tưởng là phải bị đánh một gậy, bị hét một tiếng, phải trải qua nhiều giai đoạn ly kỳ, thâm ảo, huyền diệu mới tới được ngộ cảnh, nào ngờ Triệu Châu chỉ dùng một câu nói giản dị, bình thường mà phiền não biến mất, ngộ cảnh hiện tiền. Thiền là ngay trong hiện tại, hiện tại không có được mất. Được, mất thuộc về quá khứ, vị lai, tuyệt đối không ở trong hiện tại. nếu chỉ sống trong hiện tại không tính toán, không bẻ cong nhận thức thì thấy mọi người chung quanh đều đáng yêu, đều đồng cảm, đó chẳng phải là tự tại, giải thoát ư ?
(Thánh Nghiêm)

Tắc   Tám
HỀ    TRỌNG    LÀM    XE

Cử :
Nguyệt Am hòa thượng hỏi một ông tăng :
-Hề Trọng làm bánh xe 100 nan, nếu bỏ cả 2 đầu xe và trục đi thì sẽ còn gì ?

Bình :
Nếu hiểu ngay, mắt như lưu tinh, cơ như điện chớp.

Tụng :

機 輪 轉 處
Cơ luân chuyển xứ
達 者 猶 迷
Đạt giả do mê
四 維 上 下
Tứ duy thượng hạ
南 北 東 西
Nam bắc đông tây.

Chỗ  bánh  xe  lăn
Do  mê  mà  đạt
Trên  dưới  bốn  bên
Đông  Tây  Nam  Bắc

Chú Thích :
-Nguyệt Am : (1089-1152)
-Hề Trọng là người làm xe nổi tiếng thời cổ. Lúc trước bánh xe chỉ có 30 nan. Hề Trọng làm bánh xe có 100 nan.
Xe (chỉ Phật pháp) chỉ do bánh, trục kết hợp mà thành. Nếu tháo bỏ bánh, trục đi thì xe không còn là xe nữa.
Con người ta cũng vậy, xương, thịt (địa), máu (thủy), hô hấp (phong), thân nhiệt (hỏa), kết hợp mà thành người, tan ra thì trở về tứ đại. Đây là thuyết minh lý vô ngã. 
(Thánh Tham)

-Bỏ cả 2 đầu xe : đây là 1 song quan ngữ, bề ngoài là chỉ 2 đầu xe, nhưng thật ra là chỉ : thị phi, thiện ác, trước sau, trên đưới.
-Nếu hiểu ngay : chỉ không trải qua tư duy, phân tích, suy lý, phân biệt mà trực quán.
-Giải thích bài kệ :
Câu 1 và 2 : khi cơ ngữ vừa thoát ra khỏi miệng thì hành giả sẽ bị rơi vào cái bẫy mê hoặc.
Câu 3 và 4 : đừng chấp vào thiền ngữ mà nên để ý đến các phương diện khác.
-Bánh xe chỉ là bánh xe. Nếu ông tháo bỏ nan xe, vành xe thì không còn bánh xe. Một cái xe là dụng cụ để chuyên chở. Tháo bỏ bánh xe, trục, thân xe sẽ không còn là xe. Một cái nhà gồm mái, tường, cửa sổ, cửa ra vào. Một phần sẽ không có giá trị gì khi tách ra khỏi toàn thể. Nếu phân ra rồi phân tích, phán đoán là đánh mất toàn thể. Đời sống không phải chỉ là sự ráp lại của các phần tử.
(Kubose)

Tắc   Chín
PHẬT    ĐẠI   THÔNG   TRÍ   THẮNG

Cử :
Một ông tăng hỏi Hưng Dương Nhượng hòa thượng :
-Phật Đại Thông Trí Thắng mười kiếp tọa đạo tràng, Phật pháp chẳng hiện tiền, cũng không thành Phật đạo là sao ?
-Hỏi đúng lắm.
-Nếu đã tọa Đạo tràng, tại sao lại không thành Phật đạo ?
-Vì không thành Phật.

Bình :
Chỉ để lão Hồ biết, không để lão Hồ hiểu. Nếu người phàm biết thì là bậc Thánh, nếu bậc Thánh biết thì là người phàm.

Tụng :

了 身 何 似 了 心 休
Liễu thân hà tự liễu tâm hưu
了 得 心 兮 身 不 愁
Liễu đắc tâm hề thân bất sầu
偌 也 心 身 俱 了 了
Nhược dã tâm thân câu liễu liễu
神 仙 何 必 更 封 侯
Thần tiên hà tất cánh phong hầu.

Thân  biết  chẳng  bằng tâm  được  biết
Biết  được  tâm  rồi,  thân  chẳng  sầu
Nếu  cả  thân  tâm  đều  biết  rõ
Là  tiên  há  phải  đợi  phong  hầu.

Chú Thích :
-Giải thích bài kệ :
Câu 1 và 2 : rõ được thân đâu bằng rõ được tâm. Thành Phật là thấy rõ được bản tâm, lấy tâm làm chủ, thân chỉ là thứ yếu, do đó rõ tâm rồi thì đâu còn vì thân mà sầu khổ.
Câu 3 và 4 : nếu thân tâm đều rõ, thì tiêu dao tự tại như thần tiên đâu cần phải làm vương hầu nữa.
-Hưng Dương Nhượng là pháp tử của Ba Tiêu. Ba Tiêu là đồ tôn của Ngưỡng Sơn. Công án này xưng tán thiền phong của tông Quy Ngưỡng. Phật Đại Thông Trí Thắng dẫn từ phẩm Hóa Thành Dụ trong kinh Pháp Hoa. Câu trả lời của Hưng Dương Nhượng có nghĩa là “Vốn là Phật thì cần gì thành Phật”. 
 (Thánh Tham)

-Thiền định không làm một người trở thành một vị Phật, một người giải thoát. Con người đã được giải thoát ngay từ đầu. Trong thiền định, thiền sinh tìm ra ông vẫn luôn luôn là một vị Phật. Phật không trở thành Phật. Ông đã là Phật rồi. Cây, đá, hoa, cỏ, mặt trời, mặt trăng đều là Phật, tại sao nhân loại lại không phải ?
(Kubose)

-Đại Thông là chỉ tự mình ở mọi nơi đều thấy vạn pháp không tánh, không tướng. Trí Thắng là chỉ ở mọi nơi, mọi thời không nghi ngại, không có một pháp nào để được. Phật là thanh tịnh chiếu sáng suốt pháp giới. Mười kiếp tọa đạo tràng chỉ 10 pháp tu Ba La Mật. Phật vốn không sanh, pháp vốn không diệt, nói gì đến hiện tiền ? Phật chẳng phải làm gì để thành Phật. Cổ nhân có nói :
-Phật thường ở thế gian, nhưng không nhiễm pháp thế gian.
Đạo lưu ! nếu muốn thành Phật đừng chạy theo vạn vật. Tâm sanh thì muôn pháp sanh, tâm diệt thì muôn pháp diệt. Một tâm chẳng sanh, vạn pháp chẳng lỗi. Thế và xuất thế, chẳng có Phật, có pháp cũng chẳng hiện tiền, cũng chẳng có gì mất mát cả. Nếu có một vật thì chỉ là danh ngôn, chướng cú để dụ con nít uống thuốc trị bệnh, chỉ là bề ngoài. Nhưng những danh cú này không tự mình kêu là danh cú. Chính là các ông, trước mắt tôi, phân biệt, ghi nhớ, thấy, nghe, lý giải, đốt sáng đuốc tuệ điều khiển mọi danh cú.
(Lâm Tế)

Tắc   Mười
THANH   THOÁT   LẺ   LOI  VÀ   NGHÈO   KHÓ

Cử :
Một ông tăng hỏi Tào Sơn :
-Thanh Thoát lẻ loi và nghèo khó, xin thầy giúp đỡ.
-Thoát xà lê.
-Dạ !
-Ông đã uống 3 chén rượu Thanh Nguyên rồi, sao còn bảo chưa ướt môi.

Bình :
Thanh Thoát trình cơ vậy là có ý gì ? Tào Sơn nhanh mắt biết ngay cơ ý. Tuy là vậy, nhưng căn cứ vào đâu mà bảo Thoát xà lê uống rượu.

Tụng :

貧 似 笵 丹
Bần tự phạm đan
氣 如 項 羽
Khí như Hạng Võ
活 計 雖 無
Hoạt kế tuy vô
敢 與 鬥 富
Cảm dữ đấu phú.

Nghèo  tựa  Phạm  Đơn
Khái  như  Hạng  Võ
Kiếm  sống  nghề  không
Dám  sánh  phú  hộ.

Chú Thích :
-Thanh Thoát : tên ông tăng, lai lịch không rõ.
-Thanh Nguyên Bạch Gia tửu : Thanh Nguyên là địa danh, có thể chỉ tên một loại rượu nổi danh đương thời, cũng có thể là chỉ viễn tổ Tào Động tông là Thanh Nguyên Hành Tư.
-Nghèo chỉ phiền não, nếu được trợ giúp thì hết nghèo, hết phiền não. Lời nói của Thanh Thoát là diễn tả cảnh giới giác ngộ vượt lên vô hữu là lời trình cơ. Câu đáp của Tào Sơn là đã rõ cơ ý.
(Thánh Tham)
 

-Chữ nghèo ở đây chỉ cảnh giới chân không. Như trong bài kệ của Hương Nghiêm Trí Nhàn :

去 年 貧 未 是 貧 
Khứ niên bần vị thị bần 
今 年 貧 始 是 貧 
Kim niên bần thủy thị bần 
去 年 貧 猶 有 桌 錐 之 地
Khứ niên bần do hữu trác chùy chi địa
今 年 貧 錐 也 無 
Kim niên bần chùy dã vô. 

Năm  ngoái  nghèo  chưa  là  nghèo
Năm  nay  nghèo  mới  là  nghèo
Năm  ngoái  nghèo  còn đất  để  cắm
Năm  nay  nghèo,  không  cả  dùi  cắm.

Đã biết mình nghèo tức là đã đạt chân không, mà chân không thì đầy đủ chẳng thiếu gì cả. Khi Động Sơn lên tiếng gọi, Thanh Thoát dạ. Có thể dạ là dụng của tự tánh. Từ dụng có thể vào Thể.
-Giải thích bài kệ :
Câu 1 và 2 : Thiền giả như một người nghèo khó tương tự như Phạm Đan không có một xu. 
Câu 3 và 4 : Nhưng nếu kiến tánh thì như tìm ra bảo tàng có khí thế của bậc vương giả. Thanh Thoát biết vậy nên dám đấu pháp với Tào Sơn.
-Nam Hoa nói : Có tự tánh như trong nhà có đầy vàng nhưng không thừa nhận thì như người nghèo than khổ. Thanh Thoát bị Tào Sơn gọi bèn lên tiếng thưa, không đánh mà khai, như uống 3 chén rượu say lảo đảo mà bảo còn chưa say, thật nực cười.
-Khẳng Đường Sung : Thanh Thoát như người lái buôn Ba Tư có bảo tàng đem dấu đi đến Đại Đường buôn bán, ngửa tay xin tiền, bị Tào Sơn vạch ra chỗ dấu tiền.
(Dương Tân Anh)

-Nghèo khó là lý tưởng của Thiền tăng. Khi không có gì thì không phải lệ thuộc vào gì cả, không cả chỗ để ở. Ông hoàn toàn tự do, tự tại. Cả thế giới thuộc về ông. Khi Thanh Thoát nói ông là lẻ loi và nghèo khó, ông muốn nói ông đang sống Thiền. Tào Sơn biết rõ Thanh Thoát đã ngộ và còn chấp vào cái bóng của sự giác ngộ đó. Do đó, Tào Sơn giúp ông ta tháo gỡ cái mặt nạ giả đò và sự chấp trước của ông.
(Kubose)

Tắc   Mười   Một
TRIỆU   CHÂU   KHÁM    PHÁ   AM    CHỦ

Cử :
Triệu Châu tới gặp một am chủ hỏi :
-Có không ? Có không ?
Am chủ giơ nắm đấm lên.
-Nước cạn không phải là chỗ neo thuyền !
Bèn đi.
Lại tới nơi một am chủ khác hỏi :
-Có không ? Có không ?
Am chủ này cũng giơ nắm đấm lên.
-Có thể buông, có thể bắt, có thể giết, có thể tha.
Bèn lạy tạ.

Bình :
Một nắm đấm giơ lên, vì sao một lần khẳng định, một lần không ? Thử hỏi lừa bịp ở chỗ nào ? Nếu hướng vào chỗ ấy nói được một chuyển ngữ liền thấy Triệu Châu lưỡi không xương có thể tung hứng, được đại tự tại. Tuy rằng thế, chẳng dè Triệu Châu lại bị 2 am chủ khám phá. Nếu bảo 2 am chủ có hoặc không hơn kém là không có mắt của người tham học.

Tụng :

眼 流 星
Nhãn lưu tinh
機 掣 電
Cơ xế điện
殺 人 刀
Sát nhân đao
活 人 劍
Hoạt nhân kiếm.

Mắt  sao  rơi
Cơ  xẹt  lửa
Đao  giết  người
Kiếm  cứu  người.

Chú Thích :
-Giải thích bài kệ :
Câu 1 và 2 : người giác ngộ ánh mắt như lưu tinh, cơ phong nhanh như tia điện.
Câu 3 và 4 : đã có dao nhọn chém sai lầm, lại có kiếm sắc phát sinh trí tuệ.
-Có thể giết : trừ tất cả những vọng tưởng, chấp trước, khiến thiền giả đang từ trầm không trở thành tỉnh thức.
-Mắt của người tham học : tức chánh nhãn.
-Câu hỏi của Triệu Châu có nghĩa là có thường tỉnh thức không ? Hai am chủ đều nhận mình luôn tỉnh thức. Câu nói của Triệu Châu với am chủ 1, nhận mình thô thiển (nước cạn) là căn bản của sự tiến bộ trong tọa thiền. Câu nói của Triệu Châu với am chủ 2 : diễn tả sự tự do hoàn toàn vì luôn luôn tỉnh thức.
(Sekida)

-Cả 2 am chủ đều phản ứng giống nhau nhưng Triệu Châu thấy một ông giác ngộ một ông không. Công án này tương tự công án “Cây gậy của Ba Tiêu”. Chỉ khi nào vượt lên được hình tướng, cái này, cái kia, là và không là, yêu mà không chiếm hữu, đói ăn, mệt nghỉ thì mới hiểu được cái một.
(Kubose)

-Hai am chủ đều hiểu chuyện này, cho nên khi Triệu Châu đến hỏi, đều giơ nắm đấm lên. Chỉ là Triệu Châu thích đùa cợt phủ định chân không của am chủ thứ nhất (nước cạn không phải là chỗ neo thuyền). Lần sau không thể tái phủ định bèn xác định cảnh giới chân không của am chủ 2 (bèn lạy). Hai am chủ không thọ ảnh hưởng của Triệu Châu vì họ đã biết chuyện này (thấy tánh). Triệu Châu náo loạn một hồi, rút cục bị 2 am chủ khám phá. Trong công án này đừng tìm đạo lý gì trong sự ứng phó của 2 am chủ với Triệu Châu mà phải quay lại tự hỏi chính mình “Có không ? Có không?” Đó chính là nghi trận Triệu Châu cố ý bầy ra để khảo nghiệm chúng sanh.
-Đại ý bài kệ này : người kiến tánh không chấp vào một bên nào, có thể phê bình người thiên hạ cao thấp. Lúc đó mắt hắn như lưu tinh, cơ như xẹt lửa có thể giết người (phủ định tha nhân), có thể cứu sống người (ấn khả tha nhân).
-Phật Tích nói : 2 am chủ đáp câu hỏi của Triệu Châu cùng một dạng. Khi khảo sát công án này không thể ứng phó mơ hồ, nếu tự mình không vượt được cảnh giới lưỡng biên thì không được ấn khả, phí công tham công án này.
-Pháp Âm Lâm nói : 2 am chủ cùng giơ nắm đấm lên, Triệu Châu ứng phó khác nhau thật là miệng lừa chẳng tương can mồm ngựa khiến người ta chẳng biết đường nào mà mò. Công án này như buông dây câu ngàn thước tại 4 biển, 5 hồ (lấy công án này làm mồi để tiếp dẫn vô số chúng sanh).
(Dương Tân Anh)
 
 

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Ï Phật Nhập từ Tam muội phóng sinh Việc của năm cũ qua đi 大安法师讲五戒 Sóng 河南有专属的佛教 慧 佛學 Ngôi 南无阿弥陀佛 佛号 藏版 Phần 1 èˆ æ æ ƒ tien thu Do the van Co xuan ä½ å æ Žç ˆ åŽ ä tin túm niem Gio ngu nghi ve dieu giac ngo thu nhat trong kinh bat dai 教师节的对联 สโตร ส รา Uống trà giúp giảm cân Danh hiệu Avalokiteśvara trong Tịnh Độ Thầy 礼佛大忏悔文 华藏宗门 เพรงดนต ฟ tÃÆ 激安仏壇店 ý nghĩa lễ hằng thuận chí ï¾ ï¼ 一念心性 是 僧人心態 tho cung cha me hay ong ba qua vang nhieu noi co Buffet Cỏ Nội mùa chay quốc hoa ماتش مصر والراس الاخضر يلا ÍÛ Chí cça cam nhan ve dieu giac ngo thu nhat trong kinh bat å æžœå žå¾