|
.
BA THIỀN SƯ
Ikkyu Sojun -
Hakuin Ekaku - Ryokan Taigu
Nguyên
tác Anh ngữ:Three Zen Masters: Ikkyu, Hakuin, and Ryukan
Tác
giả John Stevens - NXB Kodansha International in năm 1993 tại Nhật
Việt
dịch: Cư Sĩ Nguyên Giác, 2003
HAKUIN
EKAKU
(1686
– 1768)
Không
như trường hợp Ikkyu, nhiều chi tiết tự truyện đã được
tìm thấy trong chính các tác phẩm của Hakuin, vì sư là một
trong vài Thiền sư tự kể lại thời tuổi trẻ và con đường
tìm đạo khá chi tiết. Gia đình của Hakuin điều hành một
lữ quán, và còn làm bưu tín viên của Hara, một ngôi làng
nằm dưới chân Núi Fuji (Phú Sĩ) và một trạm bên đường
trên Tokaido, xa lộ chạy từ Edo (Tokyo) tới Kyoto.
Ngay
từ khi ra đời năm 1686, mẹ sư cảm thấy đứa con thứ năm
của bà và là đứa con trai thứ ba của bà rất là đặc biệt.
Bà kể lại cho sư, “Con sinh vào năm sửu, tháng sửu, ngày
sửu, giờ sửu.” Sửu tức là trâu, là con vật linh thiêng
của Tenjin (vị thần được sắc phong từ nhân vật Sugawara
no Michizane, 845—903, vị bảo hộ cho văn chương và học thuật),
và Hakuin trở thành kẻ suốt đời sùng mộ vị thần điềm
lành này. Vì lý do nào đó, Hakuin không đi được cho tới
năm hai tuổi, nhưng khi ba tuổi, cậu bé đã thuộc lòng tất
cả các chữ trong tất cả các bài ru con và bài dân ca mà
cậu đã nghe. Năm bốn tuổi, khi thăm bờ biển và thấy sóng
xô đi vô tận, và mây trôi dạt đã làm cậu bé đột nhiên
khóc – cậu trực giác được tánh vô thường của thế giới.
Cậu
bé đã để phần nhiều thời thơ ấu nhiệt tình theo mẹ
khi bà tới các ngôi chùa địa phương để nghe giảng pháp,
và làm gia đình cậu ngạc nhiên khi lặp lại chính xác những
gì cậu đã nghe. Một tu sĩ một lần tới thăm gia đình cậu,
tiên tri những điều lớn lao cho cậu bé dị thường, và rồi
để lại lời khuyên cho Hakuin:
(1)
Đừng hoang phí thực phẩm; trộn một chút nước nóng với
bất cứ gì còn [trong chén của cậu] và ăn hết;
(2)
Luôn luôn tiểu tiện khi ngồi xổm;
(3)
Hướng bắc là linh thiêng, nên đừng mạo phạm nó bằng việc
tiểu tiện, đại tiện, hay ngồi mà lưng hay là duỗi chân
về hướng đó. Và đừng bao giờ quên sáu năm Phật đã nhịn
đói trong Hy Mã Lạp Sơn và chín năm Bồ Đề Đạt Ma ngồi
trong hang tọa thiền. Hãy giữ gìn ba giới này, hãy học định
tâm như Phật và Bồ Đề Đạt Ma, và ngươi sẽ được hưởng
phước sống trường thọ.
Sau
lần gặp vị tu sĩ dị nhân đó, Hakuin đã trung thành giữ
các lời dạy đó suốt đời.
Khi
mười tuổi, Hakuin và bà mẹ sùng đạo dự buổi thuyết pháp
sinh động của một vị sư thuộc tông phái Nichiren (Nhật
Liên Tông, lấy Kinh Pháp Hoa làm trọng tâm. LND) về các đau
đớn ở địa ngục. Ngay cả nhiều năm về sau, Hakuin cũng
kể lại rằng những lời kinh khiếp đó đã làm đóng băng
lá gan cậu bé với nỗi sợ hãi, và làm cậu run rẫy kinh
hoàng nhiều ngày. Cậu lập tức ngưng đánh nhau với bạn
hữu, và ngập tràn ân hận vì đã sát hại các côn trùng
và vì đã nghịch phá những con thú nhỏ tới chết. Không
lâu sau bài thuyết pháp rực lửa địa ngục đó, Hakuin tắm
vơí mẹ cậu, người thích tắm hơi nước nóng. Các tấm
ván rạn nứt, những tia lửa bắn ra, và tiếng nước sôi
trào trên kim loại làm gợi nhớ tới địa ngục một cách
mãnh liệt, tới nỗi cậu hét lên kinh sợ. Sau khi bình lặng
lại, cậu thú nhận với mẹ rằng cậu sợ rớt vào lửa
địa ngục. Bà khuyến khích cậu bé cầu nguyện Tenjin, vị
thần hộ pháp của cậu, để xin bảo vệ. Sau đó trở đi,
Hakuin đều thức dậy mỗi đêm vào giờ sửu (2 giờ sáng)
để cầu nguyện thần Tenjin với nhang, hoa và kinh cầu.
Bất
kể chuyên cần cầu nguyện như thế, Hakuin vẫn lo ngại là
Tenjin có thể không bảo vệ được nếu thấy cậu trong một
hoàn cảnh khó khăn nào đó. Một lần, một trong các mũi tên
chơi nghịch của cậu bay lạc hướng bia, và ghim vào một
bức tranh giá trị đang treo trong phòng giưã nhà. Sau khi bị
phạt về việc này, Hakuin lo ngại, “Nếu Tenjin không thể
giúp mình trong chuyện nhỏ như thế, thì làm sao ngài bảo
vệ mình khỏi bị tra tấn trong địa ngục?” Đêm đó, cậu
nhắm mắt và nói, “Tenjin! Nếu ngài thực sự có năng lực
đưa con ra khỏi địa ngục, xin làm cho khói cây nhang đi lên
một đường thẳng. Nếu không, xin hãy làm khói bay xoay vòng.”
Cậu mở mắt và thấy khói bay lên thẳng một đường. Nhắm
mắt lại và tụng một bài kinh tạ ơn, rồi cậu mở mắt
lần nữa thì thấy khói tản ra mọi hướng. Hoang mang, cậu
mới quyết định thờ chung Tenjin với Quan âm, vị bồ tát
của lòng đại từ đại bi nổi tiếng về công năng cứu
độ.
Tuy
nhiên, dù thờ chung cả Tenjin và Quan âm, Hakuin vẫn còn sợ
bị đọa địa ngục đời đời. Trong một lễ hội nhà chùa,
Hakuin xem một vở kịch búp-bê về các phép lạ của một
nhà sư tông phái Nichiren, sư Nisshin (1407—88), người bước
đi trong lửa hồng mà không bị phỏng và bị nhấn xuống
nước mà không chết chìm. Hakuin mới suy nghĩ, “Đó là chìa
khóa. Nếu ta rời bỏ thế gian và đi tu, mình chắc chắn sẽ
được cứu.” Trong khi mẹ cậu chấp thuận, thì cha cậu
cho là cậu còn quá non nớt để quyết định xuất gia, nên
cậu bé tự tìm tòi học hỏi, trong vòng ba năm đã học thuộc
lòng các bộ sách lớn Kinh Kim Cương, Collection of Zen Words and
Phrases (Nhật: Kuzoshi; Việt: không rõ cuốn gì, nhưng đây là
tuyển tập các thiền ngữ) và cả kinh điển Nho giáo.
Hakuin
cũng ẩn mình vào núi, tách rời khỏi ồn ào và hỗn loạn
của đời thường. Hakuin tạc tượng Quan âm từ một thân
cây và để nhiều giờ đồng hồ tụng kinh và tọa thiền
trước ảnh tượng này. Một lần, một trận lụt cắt lìa
Hakuin khỏi ngôi làng. Khi mực nước không hạ xuống sau hai
ngày, chàng Hakuin mất kiên nhẫn mới cởi bỏ áo quần, cột
thành bó và mang trên vai, rồi nhảy vào dòng nước đang cuồn
cuộn, tay múa thanh kiếm nhỏ để xua đuổi bất kỳ ma quỷ
nào có thể hiện ra. Sau khi về nhà an toàn, chàng mới nói
với bố mẹ đang lo sợ, “Con không thể chờ lâu hơn –
thời giờ rất quý giá, và con không thể mất một phút nào
trong cuộc tìm đạo.”
Năm
1699, khi cậu 13 tuổi, bố mẹ cuối cùng đồng ý, và Hakuin
thọ giới thành một tu sĩ Thiền môn bởi Tanrei (viên tịch
1701), trụ trì của chùa Shoin-ji, một ngôi chùa địa phương
từng được hồi phục bởi một ông bác của Hakuin. Hakuin
phát nguyện sẽ tu học cho tới khi đạt khả năng không bị
tổn hại bởi lửa và không bị nhận chìm bởi nước.
Ngay
lập tức sau khi thọ giới, Hakuin được gửi đi học với
vị sư học giả Sokudo (viên tịch 1712) ở ngôi chùa gần đó,
Daisho-ji. Nơi đây, Hakuin học Kinh Pháp Hoa, kinh mà chàng xem
không hơn gì một tuyển tập truyện thần tiên và các ẩn
dụ đơn giản. Không chịu thụ động chấp nhận bất kỳ
học thuyết nào, Hakuin đưa câu hỏi lên Sokudo: “Con xa lìa
phụ mẫu để học Phật. Kinh Pháp Hoa được xem là ‘Vua
của các kinh Phật,’ nhưng ngoài giáo lý ‘Nhất Thừa’
[trong đó, tất cả pháp Phật đều được hòa hợp] kinh hầu
hết chứa đựng những gì có thể gặp trong cổ điển Trung
Hoa, sách nhạc, và ngay cả các bài ca kỹ nữ geisha. Vậy thì
giá trị Phật Giáo chỗ nào?” Sokudo không có câu trả lời
sẵn sàng, nhưng ngài ca ngợi khát vọng của cậu học trò
muốn khám phá ra sự thực cho chính mình.
Năm
1703, chàng trai 17 tuổi quyết định đi hành hương như một
unsui, “một nhà sư dạt theo mây và trôi với nước, trong
cuộc lữ hành tìm Đạo.” Trước tiên, sư tới tu viện Zenso-ji,
nơi sư nghe vị trụ trì một hôm kể về Yen-t’ou (Nhật:
Ganto; Việt: Nham Đầu; các năm 828-87), một Thiền sư Trung
Hoa nổi tiếng. Một lần, Nham Đầu và nhóm tăng sĩ của sư
bị bọn cướp phục kích. Trong khi các sư khác kinh hoàng bỏ
chạy, sư Nham Đầu lặng lẽ ngồi xuống theo tư thế thiền
tọa. Khi ngài bị bọn cướp giết chết, tiếng thét của
ngài vang nhiều dặm xa. Hakuin nói, “Nếu một nhà sư đạo
hạnh tôn kính như thế lại chịu khổ đau như thế, thì cái
phận nào để cho những kẻ như mình? Chắc chắn là không
có gì vô dụng hơn là một nhà sư!” Nghi vấn đã ném Hakuin
vào sự dao động dữ dội, và sư không thể ăn hay ngủ trong
nhiều ngày. Cuối cùng, sư kết luận trong tuyệt vọng rằng
sư trước sau gì cũng rớt vô địa ngục và không còn gì
để lo ngại về số phận mình nữa. Từ đó, sư quá xấu
hổ để trở về nhà trong thảm bại đáng khinh, sư quyết
định ít nhất phải thành danh về mặt văn chương.
Trong
khi Hakuin tu học ở Zenso-ji, một thiếu nữ địa phương đã
say mê chàng ngay sau khi tình cờ gặp sư trong làng. Bố mẹ
cô mới đề nghị nhận chàng vào gia đình, và thúc giục
sư xả giới thầy chùa để cưới con gái của họ. Hakuin
thực sự bị lôi cuốn bởi cô này, nhưng sư chống lại cám
dỗ đó, tự nhắc nở bằng các lời nguyện mà sư đã tuyên
thệ rằng không bao giờ dao động trên đường tìm đạo.
(Thiếu nữ này từ trần vài năm sau, và sau khi Hakuin xây ngôi
chùa Ryutaku-ji, một tấm bia tưởng niệm cô được dựng trong
chùa này.)
Năm
1704, Hakuin nghe về một nhà sư tên Bao (1629-1711), người nổi
tiếng là không ai ngang hàng về mặt thi ca. Sư Bao là trụ
trì chùa Zuiun-ji, một ngôi chùa nhỏ tại Mino, miền Trung Honshu,
và Hakuin tới đó với một nhóm 12 vị sư. Trong vòng
vài tháng, tình hình nghèo nàn của chùa và kỷ luật gay gắt
của sư Bao đã đánh bại mọi người, chỉ trừ Hakuin. Khi
các vị sư sửa soạn bỏ đi, sư Bao tới nói với Hakuin, “Tốt
lắm, họ đang bay ra khỏi nhà tù. Còn ngươi thì sao?” Hakuin
nói với sư Bao rằng chàng sẽ không bao giờ chịu thua.
Một
khi đơn độc với vị thầy nghiêm khắc này, Hakuin đạt tiến
bộ mau chóng với thơ của chàng làm, nhưng lần nữa chàng
lại bị tấn công bởi lòng tự nghi vấn: “Ngay cả nếu
thơ của mình vượt qua thi hào Lý Bạch (701-62) hay Đỗ Phủ
(712-70), thì cũng không giúp mình tí xíu nào khi mình gặp Diêm
Vương!” Hakuin bước ra hàng hiên chùa, nơi sách trong chùa
đang được phơi và cầu nguyện, “Chư Phật và chư thiên
ơi! Hãy giúp con trong nỗ lực tìm đạo và chỉ ra đường
nào con nên theo!” Chàng nhắm mắt và bốc đại lên một
cuốn sách. Đó là cuốn Smashing Through the Zen Barrier (Zenkan
Sakushin, nghĩa của nhan đề Anh Văn là “Phá Xuyên Cổng Nhà
Thiền”). Sư mở sách thấy ngay truyện của nhà sư Trung Hoa
Tz’u-ming (Jimyo, 987-1040). Khi sư Tz’u-ming cảm thấy buồn
ngủ trong các thời tọa thiền suốt đêm của mình, sư mới
lấy mũi khoan ghim vào đùi để tỉnh thức. Khi được hỏi
vì sao tự xử nghiêm khắc như thế, sư mới nói, “Với rất
mực tinh tấn, chư tổ mới giác ngộ. Nếu không thành tựu
gì trong đời, mà chết đi vô ích thì thiệt là uổng phí.
Đó là lý do vì sao ta tự đâm vào đùi.” Được sách tấn
bởi câu chuyện này, Hakuin quyết tâm trì chí hơn bao
giờ hết.
Trong
khi Hakuin tu học ở chùa sư Bao, bà mẹ của Hakuin chết, nhưng
chàng không thể về dự tang lễ mẹ. Năm 1705, tu sĩ 19 tuổi
này rời chùa Zuiun-ji để nhập chúng của Nanzen (1662-1710)
trong khóa an cư kiết hạ. Nơi đó Hakuin trở thành quen thuộc
với và ngay lập tức thấy không ưa loại Thiền “Bình Thường”
(tức là “Vô Sanh”), một loại Phật Giáo sơ sài, đi-theo-dòng;
loại này tránh xa sự nương tựa vào bất kỳ hình thức tu
tập theo quy luật hay kỷ luật nghiêm khắc nào.
Năm
kế tiếp, Hakuin khám phá ra cuốn Hư Đường Ngữ Lục, ghi
lời dạy của Thiền Sư Trung Hoa từng gợi hứng cho Ikkyu.
Hakuin mới đi tới chùa Joko-ji để dự một loạt các bài
giảng về cuốn này, giảng bởi sư trụ trì Banri (1650-1713).
Xuyên qua các buổi thuyết pháp, chàng biết là có những vị
sư khác từng đau đớn vì tu hoài không thấy tiến và như
là điên dại, nhưng vẫn kiên trì để cuối cùng “niềm
vui lớn theo sau nỗi đau lớn.”
Trong
mùa hè 1706, Hakuin về hướng Nam để tu học tại chùa Shoshu-ji
ở Shikoku, và sau đó được mời thăm lâu đài của vị lãnh
chúa điạ phương. Nơi đây chàng được cho xem một bộ sưu
tập các bức thư pháp, và chấn động bởi một kho tàng đặc
biệt. Đó là tấm thư pháp của một Thiền Sư (hoặc là Daigu
[Đại Ngu, 1584—1669] hoặc là Ungo [Vân Cư, 1582—1659], tùy
theo các lời kể khác nhau) – mạnh mẽ, rực sáng, và lôi
cuốn, nhưng hoàn toàn tự nhiên và không tự ý thức tí nào.
Suy nghĩ rằng, “Nét bút này là kết quả của chứng ngộ
chân thật; nó không có gì dính dáng tới kỹ thuật cả,”
Hakuin mới trở về chùa và, hoàn toàn bất mãn với cái nỗ
lực đỏm dáng của chính mình, đốt tất cả bút và
các mẫu thư pháp của mình. Sư sẽ không cầm bút lên một
cách nghiêm túc lại cho tới khi gần 60 tuổi.
Thay
vào đó, Hakuin lao mình vào tu tập với nhiệt tâm được làm
mới lại: “Ta sẽ như một khúc gỗ trôi toàn lực xuống
một dòng sông, không để bị kẹt dọc ven bờ và mục nát
mà cũng không dựa vào sự giúp đỡ nào của người hay chư
thiên, nhưng là luôn luôn thẳng tiến cho tới khi vào đại
dương!”
Hakuin
mới miệt mài lo vượt rào cản lớn đầu tiên của Thiền,
công án “Vô.” Trong khi sư tham công án này, Hakuin cảm thấy
như dường mình đã rớt vào hang động đen ngòm. Vào năm
1707, khi nhà sư 21 tuổi này đang đi bộ trong một nơi thắng
cảnh bên biển Inland Sea, những người đi cùng thúc giục
chàng hân thưởng cảnh đẹp. Nhưng Hakuin không bận tâm gì,
“Ta vẫn chưa đạt Đạo. Làm sao ta có thì giờ nào ngắm
cảnh?” Nhưng khi họ tới chùa Kaisei-ji ở Nishinomiya, Hakuin
sáng tác bài thơ lạc quan sau:
Dưới
núi, một dòng sông trôi
Miên
viễn không ngưng.
Nếu
tâm Thiền được như thế
Thấy
tự tánh mình không còn xa đâu.
Khi
Hakuin nghe tin sư Bao ngã bệnh, chàng trở về chùa Zuiun-ji để
chăm sóc thầy. Suốt ngày, Hakuin tu thiền trong hành động—lau
chùi, làm vườn, nấu bếp, và chăm sóc vị thầy bệnh—và
vào đêm, sư tu thiền trong vắng lặng, ngồi giờ này sang
giờ kia tọa thiền. Trong các thời khóa thiền, chàng bị gây
rối bởi các thị kiến: một số là các ma quỷ hung dữ,
và các cảnh khác thì đưa chàng bay lên mây và bay khắp bốn
biển. Trong vài tháng, sư Bao hồi phục và, sau khi vắng mặt
bốn năm rưỡi, Hakuin mới về lại quận nhà Hara. Mặc dù
chàng bị vây bủa bằng các câu hỏi từ thân nhân và bạn
hữu về chuyến hành hương dài, chàng chỉ đáp ậm ừ thôi.
Mọi người đồng ý rằng chàng đã thay đổi.
Gần
cuối năm 1707, Núi Phú Sĩ phun lửa. Nham thạch phun lên trời,
mặt đất lay động dữ dội, và tro núi lửa bay phủ khắp
làng. Hakuin đang ở tại chùa Shoin-ji, và nhiều thân nhân tới
để cứu chàng, chỉ để thấy là sư đang ngồi tọa thiền.
Hakuin không chịu dao động: “Nếu ta chứng ngộ, ta sẽ được
bảo vệ; nếu ta không, thì không mất mát gì nếu ta ra tro
– ta phó thác mình cho đất trời vậy.” Hakuin thoát được
thiên tai này bình an.
Năm
1708, Hakuin đi tới Echigo, một tỉnh dọc theo Biển Nhật Bản,
để dự một chuỗi thuyết pháp về sách Dharma Eye of Men and
Gods (Ninten Ganmoku, Pháp Nhãn Của Trời Người). Không hài lòng
với sự hiểu biết cạn cợt của giảng sư về bản văn,
và bất mãn với những gian nan thiền định của chính mình,
Hakuin tự nhốt mình trong một điện thờ gần ngôi chùa, và
bắt đầu nhập thất bảy ngày với nhịn đói và thiền tọa.
Sư ghi lại rằng sư thấy mình đóng băng cứng trong một tảng
băng dài vạn dặm. Giữa khóa thất, vào nửa đêm, sư nghe
tiếng chuông ở nơi xa và cảm thấy “thân và tâm đều buông
mất.” Sư thét lớn hết sức, “Nham Đầu [nhà sư bị bọn
cướp giết] ở ngay đây, sống động bình an!” Lo sợ có
ai trong khu xóm đang bị nạn như ngài Nham Đầu, các vị sư
giựt mình chạy tới thì chỉ thấy Hakuin tràn đầy niềm
vui.
Mặc
dù Hakuin xem nhẹ các bài thuyết pháp, thường vẫn có hơn
năm trăm người tới nghe Hakuin giảng. Một hôm, một vị sư
trông có vẻ man dã cao hơn 6 feet tới và mang cây thiền trượng
dài. Ai cũng sợ vị này, nhưng Hakuin đồng ý làm người hướng
dẫn cho sư này. Tuy nhiên, khi các bài thuyết pháp bắt đầu,
nhà sư khổng lồ tỏ lộ có sự hiểu biết sâu về các vấn
đề đang thuyết. Đối với Hakuin, nhà sư này là hình ảnh
của “một trận mưa tươi mát sau cơn nắng hạn dài,” và
hai người để ra nhiều giờ nói chuyện thiền với nhau. Nhà
sư này có tên là Kaku (1679—1730), đề nghị giới thiệu Hakuin
với thầy sư là Shoju, một vị ẩn tu già, tính cộc lốc,
đang sống trong vùng núi Ìyama (bây giờ là quận Nagano). Hakuin
và Kaku rời bỏ các buổi thuyết pháp và tìm tới căn lều
xiêu vẹo của Shoju.
Shoju
(1642—1721) là môn đồ và là truyền nhân duy nhất của Bunan
(1603—76), một thiền sư nghiêm khắc đã sống hầu hết cuộc
đời của ngài trong cương vị cư sĩ. Bunan không cho các học
trò thì giờ nghỉ ngơi nào, liên tục thúc giục họ:
Hãy
chết trong khi sống,
Hãy
hoàn toàn chết!
Rồi
làm
Những
gì ngươi muốn
Và
tất cả sẽ tốt lành.
Tới
phiên Shoju cũng khét tiếng là tự nghiêm khắc – một lần
sư để suốt cả tuần lễ ngồi thiền hàng đêm trong một
nghĩa địa vây phủ bởi một đàn chó sói đói.
Shoju
được biết nhiều nhất về chuyện “Đánh Bại Kiếm Sư.”
Các kiếm sĩ vẫn thường tìm lời khuyên từ các thiền sư
với hy vọng khám phá phương pháp hòa hài kỹ thuật và tinh
thần. Một lần, một kiếm sĩ như thế tìm tới Shoju, và
sư này lắng nghe lịch sự tới các lý thuyết của kiếm sĩ
này và đôi khi lạc đề, trước khi đột ngột nhảy lên
và đấm liên hồi vào người này không thương tiếc. Kinh
nghiệm Thiền trong cung cách mãnh liệt và trực tiếp nhất,
kiếm sĩ đó trực ngộ về nguyên lý tối hậu của nghệ
thuật [kiếm đạo] của y.
Tin
về pháp môn Thiền “không gì ngăn ngại” của Shoju đã
gây xôn xao, và ngài được mời tới xem một buổi huấn luyện
cho các kiếm sư. Các vị kiếm sư bày tỏ ngưỡng mộ về
sự hiểu biết thâm sâu về Thiền của Shoju, nhưng nêu ngờ
vực là, có thể nào, không ngạc nhiên gì, có ai đó đánh
bại một kiếm sĩ giỏi bằng cách chỉ dựa vào tinh thần.
Shoju
mới thách thức, “Hãy thử tấn công ta xem.” Đó là lời
mời mà các kiếm sĩ chờ đợi, và họ nhảy xô vào Shoju.
Tuy nhiên, không ai có thể đánh trúng sư, nhưng tất cả họ
đều bị chiếc quạt của sư đập ít nhất là một phát
vào đầu. Rất là khiêm tốn, họ mới hỏi sư về bí mật
chiêu pháp.
“Nếu
mắt ngươi thấy được chân tướng, và tâm ngươi không bị
ngăn trở, thì không có gì mà ngươi không thắng được, kể
cả một trận đấu kiếm,” theo lời Shoju giải thích cho
họ. (Hakuin sẽ học nhiều từ Shoju, vì chàng đã biểu tỏ
một tâm thức tương tự khi chạm trán bởi một võ sĩ đa
nghi sau đó trong đời.)
Trong
buổi phỏng vấn đầu với Shoju, Hakuin trình lên vị sư già
một bài trau chuốt “thơ của chứng ngộ.” Không liếc mắt
vào chút nào, Shoju dùng tay trái vò mảnh giấy bài thơ, thò
tay phải đe dọa Hakuin, và đòi biết, “Ngoài chuyện lõm
bõm học theo sách, ngươi đã thành tựu gì?”
“Nếu
con có gì trình thầy, con đã đưa ra rồi!” Hakuin đáp.
Vị
thầy mới hỏi sắc bén, “Vậy còn chữ Vô thì sao?”
“Không
tay hay chân có thể chạm nó,” Hakuin đáp một cách tự tin.
Shoju
đột ngột thò tay, véo lỗ mũi của Hakuin thật mạnh, và
hét, “Đây là nơi để đặt tay và chân của ta!”
Lúng
túng, Hakuin mới thấy rằng cái ngộ trước kia của mình chưa
đầy đủ. Shoju mới trao cho Hakuin công án khác để tham cứu:
“Thiền sư Nam Tuyền [748-834] chết rồi về đâu?”
Hakuin
sau đó tới trình Shoku bài kệ trả lời, nhưng vị thầy hét
lên, “Vọng tưởng, nằm mơ!” và đấm nhiều cú vào Hakuin
tới nỗi chàng ngã gục ngoài hàng hiên.
Chàng
Hakuin tuyệt vọng không giải nổi công án này hay bất kỳ
công án khác mà Shoju trao cho. Hoàng toàn tuyệt vọng, Hakuin
mới dùng chiến pháp quen thuộc khi bế tắc: chàng phát nguyện.
“Nếu tôi không hiểu tận tường một trong các công án này
trong vòng 7 ngày, tôi sẽ tự sát.”
Tuy
nhiên, Shoju không bị ấn tượng tí nào, và cứ tiếp tục
hành hạ người học trò hoang mang, người mà ngài gọi là
“nhà sư khờ khạo rớt trong hang quỷ đen ngòm.”
Kinh
hoảng, Hakuin mới hỏi, “Tại sao mình cứ nghe lão nhà quê
này trong mái am xiêu vẹo này? Đất nước này đầy các vị
thầy xuất sắc – hẳn là phải có ai tốt hơn cho mình chứ.”
“Tới
luôn đi, và lùng sục thế giới cho ra một ông thầy tốt
hơn,” Shoju giễu. “Ngươi sẽ cầm chắc là thấy sao mọc
giữa trưa.”
Hoàn
toàn hoang mang, khi Hakuin bước đi khất thực vào sáng hôm
sau, lòng tràn ngập các vấn đề sinh tử. Khi đứng xuất
thần trước cổng của một căn nhà, sư không để ý tới
tiếng la “Đi chỗ khác đi! Chúng tôi không có gì để cúng!”
từ bên trong. Sau đó, một bà lão sống nơi đây quá giận
vì sư cứ đứng một chỗ nên bước ra và lấy chổi tre đánh
vào đầu sư. Hakuin bị ngã xỉu, nhưng khi ngẩng dậy,
các lời đáp cho tất cả công án sư đau đớn lâu nay đã
trở thành sáng tỏ. Hakuin nhảy chồm dậy và la hét vui mừng,
làm ngạc nhiên các dân làng tới xem nhà sư đang quỳ lạy.
“Bà già chắc là đã đánh cho thầy này mất trí rồi,”
họ đồng ý. “Tốt hơn là hãy tránh xa nhà sư điên khùng
này.” Nhiều năm sau, Hakuin kỷ niệm giây phút này trong một
tấm tranh vẽ cây chổi tre với phụ đề, “Đây là cây chổi
đã quét sạch các thứ giác ngộ rẻ tiền!”
Mặc
dù nhà sư bình thường nghiêm khắc Shoju mỉm cười khi Hakuin
kể lại các chuyển biến lớn trong ngày, Shoju không xác nhận
chính thức gì về sự chứng ngộ của Hakuin, có lẽ bởi
vì sư biết rằng Hakuin sẽ còn đạt tới những mức cao hơn.
Đêm đó, mẹ của Hakuin xuất hiện nói với Hakuin trong mơ
với tin vui rằng bà không còn lang thang trong cõi đọa lạc
nữa. Công đức lớn từ nỗ lực và từ sự chứng ngộ của
con bà đã chuyển tới bà, và bà bây giờ đang yên ổn trên
cõi trời. (Việc “hồi hướng công đức” như thế là một
yếu tố quan trọng của Phật Giáo Nhật Bản, và nhiều người
trở thành sư hay ni cô là để mong cứu độ người thân quá
cố.)
Mặc
dù Hakuin đã ở với Shoju mới 8 tháng, sư bây giờ biết chắc
là mình đã đúng đường. Chàng Hakuin 22 tuổi trở về chùa
Shoin-ji vào cuối năm 1708 và không bao giờ gặp lại Shoju (thầy
này viên tịch năm 1721), mặc dù Hakuin luôn luôn xem Shoju như
vị “bổn sư” của mình. Bài kệ thị tịch của sư Shoju
là:
Lời
cuối của ta:
Chết
mau thì khó nói.
Hãy
nói lời không lời,
Nhưng
đừng nói, đừng nói!
Sau
khi ở chút xíu tại chùa Shoin-ji, Hakuin lại ra đi vào đầu
năm 1709. Cứ mỗi lần sư nắm được cốt tủy của một
trong cả ngàn công án mà sư đã học thuộc, sư lại nhảy
múa và cười như điên dại, một thái độ làm người ta
gọi sư là một “Thiền sư khùng.” Sau khi trải qua một
loạt các chứng ngộ lớn và nhỏ, sự hào hứng thường trực
đã làm Hakuin mất thăng bằng và sư ngả bệnh trầm trọng
với điều mà sư gọi là “Thiền bệnh.” Các triệu chứng
báo nguy này là:
Lên
cơn sốt nóng bỏng và đầu như chẻ ra; phía dưới lưng cảm
thấy như quấn trong băng; mắt chảy nước; tai nghe có tiếng
o o u u; hoảng sợ khi thấy ánh nắng; ưu trầm lớn khi
về đêm; niệm khởi lung tung vào ban ngày; ác mộng về đêm;
lơ đãng; kiệt sức; ăn khó tiêu; và các cơn lạnh giá dữ
dội.
May
mắn, trong hai năm kế tiếp, Hakuin đã có thể tự chữa chứng
bệnh đáng sợ này và tiếp tục tu tập.
Vào
cuối năm 1711, Hakuin trở về chùa Daisho-ji để chăm sóc Sokudo,
một trong những vị thầy cũ bấy giờ ngả bệnh. Cũng như
trước, Hakuin để cả ngày chăm sóc thầy và ban đêm để
toạ thiền. Năm kế tiếp, Hakuin được 26 tuổi, bắt đầu
thuyết pháp trước công chúng tại chùa Shoin-ji. Khi Sokudo viên
tịch vào mùa thu đó, Hakuin một lần nữa lại đi du phương.
Trong một sự kiện điển hình của những ngày sư trên đường,
Hakuin đột nhiên ngộ được ý nghĩa của công án, “Lá sen
tròn hơn tấm gương tròn nhất; gai hạt dẻ nước nhọn hơn
mũi khoan bén nhất.” Lúc đó trời đang mưa ào ạt, và nhà
sư vui sướng ngả ra và lăn vào đám bùn mà cười khoái trá.
Một
lần khác, Hakuin đang ngồi thiền ban đêm, thì tiếng động
của tuyết rơi nhẹ đột nhiên làm sư hiểu công án, “Định
lực của một bé gái vượt hơn định lực của vị sư trí
tuệ nhất của Phật.” Sư làm bài thơ sau để ghi nhận lần
chứng ngộ đó:
|