|
.
SỰ CỐNG
HIẾN CỦA ĐẠO PHẬT
CHO CUỘC ĐỜI
Truyền
Đan
|
|
Phần
Một
Xã
hội con người từ buổi sơ khai đến nay đã tiến hoá rất
nhiều. Riêng trong khoảng 200 năm gần đây, nền văn minh khoa
học kỹ thuật tại tây phương đã đi những bước dài trong
nhiều lãnh vực, cung cấp cho con người nhiều tiện nghi trong
đời sống, chống lại bệnh tật, mở rộng tầm hiểu biết
về môi trường xung quanh và vũ trụ. Hầu hết dân chúng tại
những nước đã phát triển và một số người giàu có tại
những nước đang phát triển đã hưởng thụ được những
ích lợi kể trên, còn lại đến hai phần ba dân chúng thế
giới vẫn sống trong những điều kiện khó khăn, có khi là
tồi tệ. Nhưng ngoài những vui sướng giác quan do văn minh
vật chất và tiền bạc đem lại cho những người may mắn
đó, đời sống nội tâm của mọi người bất luận giàu
nghèo từ cổ lai đến giờ hình như vẫn vậy, đã không khá
mà còn có thể phức tạp hơn. Ta có đọc bộ Lịch-Sử Văn-Minh
Thế-Giới của Ông Bà Will Durant, nhất là phần kết luận
được cụ Nguyễn-hiến-Lê dịch ra tiếng Việt dưới tựa
đề Bài Học Của Lịch-Sử thì sẽ nhận thấy, so với
hồi xưa, tâm tánh con người bây giờ còn kém đi và tự thân
vẫn gây ra nhiều đau khổ cho chính mình.
Bắt
đầu từ các vị cao niên, ngày nay, ta thấy đa số người
lớn tuổi sống tại bất cứ quốc gia, chủng tộc nào, thuộc
bất cứ giai cấp, địa vị nào, đều mang một tâm trạng
ít nhiều ưu phiền. Người giàu có, mạnh khỏe thì hoặc
cô đơn, trống trải, hoặc ưu tư việc đã qua hay hiện có
mà không vui; người nghèo khó, bệnh tật, gia đình bất hòa,
thì càng bất mãn với số phận, có khi còn đem lòng oán hận.
Cũng có một số ít cụ may mắn được hoàn cảnh tốt đẹp,
gia đình con cháu hiếu thảo và sung túc, có sức khỏe khá
tốt, được nhiều người quí trọng, quí vị này nhiều lúc
cũng thấy mãn nguyện. Thế nhưng cảm giác này không được
hoàn toàn và liên tục vì các cụ đôi khi còn thấy một lo
lắng, một mơ ước xa xôi, vì hàng ngày nghe những tin về
những tai ương, bất trắc, những tan vỡ, tổn thất xảy
đến cho những người khác, các cụ không khỏi nhủ thầm
trong tâm rằng chẳng có hạnh phúc nào vững chắc lâu dài.
Cũng có vị thấy đời sống hàng ngày thật nhàm chán, không
có gì thật sự vui lâu, chẳng có gì thật sự có ý nghĩa,
mà tuổi mỗi năm một nhiều, sức một kém.
Tình
trạng dao động tâm lý thật ra không riêng của người lớn
tuổi mà ngay cả những người trẻ, còn rất trẻ nữa, trong
tuổi thiếu niên, cũng đã là nạn nhân. Thật tội nghiệp
cho một số thanh thiếu niên đã tìm lối thoát trong bạo hành,
rượu, ma túy, và cả tự vận. Người trung niên hình như
sống vững hơn, không hẳn là họ không có những ưu phiền,
lo lắng, mà do vì họ đang phấn đấu để xây dựng tương
lai sự nghiệp nên vẫn cố gắng lướt qua hoặc quên đi.
Ngoài ra, còn một số người đang độ thanh xuân hoặc đang
làm ăn phát đạt, họ thật sự đang có những thời gian sung
sướng do hưởng thụ tài sản và tình yêu. Nhưng niềm vui
chẳng bao giờ được hoàn toàn vì trong tâm luôn luôn còn
có điều bất ổn từ một đe dọa gần xa, một tham vọng
lớn hơn chưa thoả mãn, mà rồi vận may, hạnh phúc nào sớm
muộn cũng chấm dứt và hoa mộng nào cũng tàn phai, cuộc kinh
doanh nào cũng hết thịnh đến suy, đến lúc đó thì những
người yêu đời biến thành triết nhân cả. Còn những người
sanh ra trong cảnh khó khăn, lớn lên trong sự thiếu thốn,
ngu dốt, nghèo đói, chịu thiệt thòi vì những bất công xã
hội, không có một cơ hội nào để thăng tiến, thì họ hoặc
phải âm thầm tủi nhục chấp nhận một đời sống cực
khổ, đen tối, hầu như vô tận, hoặc bị đẩy vào những
tội ác để sớm muộn phải tiêu ma cuộc đời.
Còn
có một bất hạnh lớn, đó là sự điên rồ của con người.
Bệnh này từ nhẹ đến nặng, rất nặng, hình như không có
một ai tránh khỏi, từ người ngu si dốt nát đến người
thông minh trí tuệ, học giỏi tài cao, từ nghèo hèn đến
sang giàu, từ hạ tiện đến quyền thế, mà hình như
càng sức mạnh, tiền tài, khôn ngoan, danh vọng, quyền thế
càng cao thì bệnh càng dễ nặng. Xét cho cùng thì người tốt,
người hiền chỉ là người điên ít mà thôi, còn người
bệnh nặng thì đều đã biến thành quái vật. Chúng giết
từ một người cho đến cả muôn, triệu người, tất cả
đều thản nhiên hành động vì kiêu căng, hận thù, vì tham
vọng quyền thế, tiền tài ... họ nhân danh con người, nhân
danh quốc gia chủng tộc, nhân danh hoà bình hạnh phúc ... và
có khi nhân danh cả Thượng-Đế để cướp đoạt, để sát
hại, để làm chiến tranh. Mỗi khi có một quái vật như vậy
thì cũng có cả trăm, ngàn kẻ hùa ăn theo, gieo rắc đau thương
chết chóc cho cả trăm ngàn, cả triệu người vô tội, bất
kể người già, phụ nữ, trẻ em. Con người thật là loài
sinh vật thông minh tài giỏi nhất, nhưng khốn thay, cũng là
loài ngu xuẩn điên khùng nhất, độc ác bạo tàn nhất đối
với nhau. Nhớ lại hình ảnh của một số cuộc chiến gần
đây, từ Hitler, đến Staline rồi Polpot, từ Afghanistan đến
Bosnia, từ Sudan đến Somalia và Rwanda, nhà tan cửa nát, thịt
đổ xương rơi, sự đau đớn và cái chết, máu và nước
mắt của hàng nhiều ngàn, nhiều trăm ngàn, hàng triệu nạn
nhân vô tội, không liên can gì đến mà bị thảm sát tàn
nhẫn hoặc bị bỏ chết đói hàng loạt, có khi trước sự
làm ngơ cho phép của quốc tế ( gần đây là Liên Hiệp Quốc
tại Rwanda, Khối Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương tại Sebrenitza)
cũng chỉ thức tỉnh được lương tâm một số người nhưng
phải bó tay vì bất lực, vì yếu hèn trước ý muốn của
những thế lực lớn. Nhân loại vẫn tự gây đau khổ cho
mình và chẳng bao giờ tự cứu được mình. Bi kịch này vẫn
có tự ngàn xưa và chẳng bao giờ chấm dứt, phải chăng số
phận của loài người cố định là vậy?
Chúng
ta có muốn tránh né bao lâu rồi cũng đến lúc bắt buộc
phải đối đầu với thực chất của cuộc đời. Những người
nhạy cảm hơn như các văn nghệ sĩ và những người bản
chất ưu tư thì sớm nhận ra nó. Nhận ra mà không giải quyết
được gì, dùng văn chương nghệ thuật để nói lên lòng
khao khát tự do hạnh phúc, hoặc cảm giác từ ngậm ngùi đau
sót đến bất mãn nổi loạn, phát sinh từ tan vỡ, từ tuyệt
vọng, do đó mà số lớn tác phẩm văn chương nghệ thuật
danh tiếng cổ kim đều nồng đượm hương vị cay đắng của
đời. Cái đau, cái khổ bỗng nhiên lại được dồi phấn
thoa son, trở thành vẻ đẹp của thế gian, "tình chỉ đẹp
khi còn dang dở" là một thí dụ, con người trở lại ca tụng
cái đau thương đang hành hạ mình, vùng vẫy không thể thoát
ra.
Tôi
nói dông dài có thể cũng đã bị cho là điên, hẳn có người
trách: Thế gian này hơn sáu tỷ người rồi, dù khổ bao nhiêu
mọi người vẫn cứ phải tiếp tục sống. Cuộc đời là
vậy, có vui có buồn, có sướng có khổ, làm gì có tuyệt
đối mà tìm? Tại sao không tìm cái vui ngay trong cái buồn,
cái sướng bên cái khổ, con người phải dùng ý chí mà vươn
lên, mà lướt qua, nói như tôi là bi quan yếm thế, chỉ nhìn
một mặt của cuộc đời, là bày đặt ra một vấn đề không
thể giải quyết, chỉ làm cuộc đời đen tối thêm.
Nói
vậy thì cũng tương tự như lý luận của mấy ông đại lãnh
tụ hay những ông tướng cầm quân, là cứ phải "tỉnh đi
để lo việc lớn", cho là nếu cần hy sinh cả chục, trăm
ngàn quân hoặc cả triệu thường dân để đạt một thắng
lợi chiến lược thì vẫn cứ phải thản nhiên mà làm, vì
"cứu cánh biện minh phương tiện". Nhưng giả thử chính các
ông đó nằm trong đám người bị hy sinh nói trên, hoặc chính
họ là những người phải nhận sự đau đớn, tổn thất,
chết chóc cho mình hay gia đình mình, thì họ có sẵn lòng
vui chịu không? Khi còn có địa vị quyền thế, khi đang
sống trong giàu sang sức khỏe, thật ít người muốn nghe muốn
biết nỗi khổ của kẻ nghèo hèn, bệnh tật, chỉ khi chính
bản thân mình, gia đình mình lâm vào hoàn cảnh thiệt thòi,
đau thương thì mình mới đặt ra vấn đề để đòi hỏi
được giải quyết. Cũng may, nhân loại vẫn có nhiều con
tim biết rung cảm trước cái khổ của đồng loại, họ vẫn
hy sinh làm việc không mệt mỏi, có khi liều mình để cứu
giúp những người bất hạnh, nhất là tại Phi-Châu, Á-Châu,
Trung-Nam-Mỹ. Nhưng khả năng có hạn nên đứng trước một
Phi-Châu bị tàn hại bởi nội chiến, hạn hán, bệnh nan y,
và nhất là sự ngu dốt, kéo dài bất tận và cứ gia trọng
thêm, mọi người đều thấy bất lực. Vết thương chung này
của nhân loại mãi mãi là mối trăn trở cho những tấm lòng
vị tha.
Người
nghèo buồn khổ, còn tâm trạng của người giàu sang phú quí
ra sao, họ có sung sướng không ? Có lúc có và cũng có lúc
không. Ngoài những lúc đang say sưa hưởng thụ vui chơi, nếu
như những người đó biết nhìn xuống để tự mãn và an
phận, biết rằng ta còn may mắn hơn người khác, thì cũng
khá bình an. Nhưng những giây phút ấy, nếu có, nó cũng không
kéo dài được bao lâu mà liên tiếp bị tràn lấp bởi những
ham muốn, những lo sợ, những suy tư, rồi tự ta ta lại đặt
ra những vấn đề, gây ra những mâu thuẫn nơi nội tâm và
xung đột với người khác. Người nhàn rỗi còn có những
cảm giác buồn chán vu vơ tự nhiên nảy sanh, kéo theo là một
tâm trạng cô đơn, trống trải, lạc lõng vô cớ.
Ở
quê nhà, trong cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80, ai
cũng thấy người Việt-Nam mình khổ quá và trước đây ai
cũng cho là nếu được qua sống tại Âu Mỹ thì sẽ hết
khổ. Năm 1982 tôi có một người em qua định cư tại Hòa-Lan,
tôi viết thơ nhờ cậu cho biết: Con người bên đây sống
sung sướng, họ đầy đủ về vật chất, chế độ dân chủ
có tự do và công bằng, xã hội bình đẳng và nhân đạo,
vậy ở đó có cần đến Đạo Phật không? hay Đạo Phật
chỉ ích lợi cho những dân tộc nghèo khó khổ sở, sống
trong bất công, bóc lột, đàn áp từ nhiều phía, tại những
quốc gia lạc hậu, đất cát khô cằn, khí hậu thiêu nóng?
Thơ gởi đi ít ngày sau tôi được đọc cuốn Le Zen, Sagesse
d'Extrême Orient, un Nouvel Art de Vivre của Robert Linsen, trong đó
tác giả cho biết nền văn minh khoa học kỹ thuật tại tây
phương đã đi quá mau mà con người tại đó không chuẩn bị
tâm lý để theo kịp nên đã phát sanh trong tâm tư nhiều khó
khăn không giải quyết được, họ sống trong bế tắc, bất
mãn, chán nản, không lối thoát. Sau này, tôi cũng được nghe
kể lại trong một buổi phát thanh của đài BBC về mấy phụ
nữ Anh đã bỏ tất cả, gia đình và tài sản, qua Ấn-Độ
tìm theo mấy ông Guru học pháp giải thoát. Tôi liền viết
tiếp cho cậu em bảo rằng khỏi cần trả lời câu hỏi trước
kia.
Lúc
này, 1994, tôi đã sống tại Canada được bốn năm, đủ
thời gian để nhận thấy những vết thương lớn trong tâm
tư con người và xã hội Bắc Mỹ. Tôi đã thấy những buổi
họp của Hội Đòi Quyền Chết (The Right to Die Society), diễn
giả là những người trí thức, có địa vị, thính giả rất
đông, từ thiếu niên đến người già, nam nữ, nhiều người
vừa nghe vừa chấm nước mắt. Tôi đã đến trụ sở của
cộng đồng những người bệnh aids tại Toronto để nghe tâm
sự họ và coi một cuộc triển lãm của họ, đọc những
tài liệu, coi những hình, những tượng, nghe những lời thâu
băng nói lên tâm tư vừa đau khổ, lo sợ, tuyệt vọng, vừa
căm phẫn, thù ghét, trước sự xa lánh của mọi người và
trước cái chết đang đến, không tránh được. Lại còn có
hiện tượng nhiều giáo phái hoạt động theo những niềm
tin hoang đường, huyền hoặc rất trái ngược với một xã
hội văn minh khoa học. Họ thu hút được khá đông tín đồ,
gồm cả thành phần trí thức (bác sĩ), nghệ sĩ (nhạc trưởng
đại hoà tấu), nhà báo, doanh gia, công chức cao cấp (thị
trưởng), gom góp được rất nhiều tiền (OTS có ngân khoản
trên trăm triệu đôla), tích trữ súng đạn và thực phẩm
dự bị cho ngày tận thế sắp đến, rồi kết thúc bằng
một cuộc vừa là tự vận, vừa là thảm sát tập thể. Ông
đạo Koresh cho tín đồ uống thuốc mê rồi sát hại và đốt
hết căn cứ tại Waco (Mỹ), chết trên 90 người, trong đó
có những người từ Canada tới. Tổ chức Ordre du Temple Solaire
đốt hai biệt thự tại Thụy-sĩ giết chết 53 người và
sát hại hai vợ chồng với một con nhỏ mấy tháng trốn OTS
đến trú tại Quebec, cho rằng họ là giống ma quỷ phản đạo.
Hiện tượng này vẫn còn tiếp diễn. Còn nhiều giáo phái
kỳ lạ khác nữa đang hoạt động, hình như những tín đồ
này vốn là những người bị khủng hoảng niềm tin, với
một tâm trạng bế tắc đang vật vờ giữa không gian, nay
sẵn sàng ngả theo bất cứ một lý thuyết mới lạ nào để
có chỗ bám víu, có khi còn là những con mồi ngon cho mấy
ông đạo thủ lợi.
Những
nhà đạo đức, những người có tâm huyết, một số người
trong giới y khoa còn lo lắng khi thấy nếp sống vật chất
hiện nay được mọi người tôn sùng, được xã hội và luật
pháp bảo vệ, căn cứ trên quyền tự do cá nhân và khuynh
hướng hưởng thụ vô giới hạn về tất cả các mặt, nhất
là tính dục, nếu cứ tiến xa mãi, không có một hy vọng
giới hạn hoặc sửa đổi, thì những đổ vỡ trong con người,
gia đình và xã hội Âu Mỹ sẽ còn trầm trọng đến mức
nào? Giới y khoa đã lên tiếng cảnh cáo rằng sau bệnh aids
có thể sẽ phát sanh ra những tai họa ghê gớm hơn nữa, nếu
thói quen tính dục hiện nay không được sửa đổi. Nhưng
người nào lo thì cứ lo, từ sau "cuộc cách mạng tính dục"
nổ ra hồi giữa thập niên 70 tại Mỹ, tiếp theo là sự xuất
hiện và hoành hành của bệnh aids làm rung động các xã hội
trên thế giới với số người nhiễm bệnh hàng năm gia tăng
quá mức dự trù bi quan của các nhà y học và xã hội học,
đến nay những cuộc diễn hành to lớn và ồn ào, phơi bày
da thịt của những người đồng tính luyến ái vẫn diễn
ra liên tiếp tại những thành phố lớn để đòi quyền lợi,
và nhiều thiếu niên mới lớn, có khi chỉ 13 tuổi đã mê
mải trong những thú vui thuần xác, tỷ số bỏ học tại các
đô thị lớn lên tới 30%. Chúng đã sớm được học rằng
cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi có nhiều tiền và khoái lạc,
tuổi trẻ ngày nay có số em mất nhân tính, hung bạo và phạm
trọng tội nhiều hơn xưa. Các tiện nghi của đời sống không
ngừng được cải tiến và phát minh thêm cũng có cái mặt
trái của chúng là hối thúc con người phải cố gắng thủ
đắc để hưởng thụ bằng được, phải có nhiều tiền
bằng bất cứ cách nào, và con người càng được văn minh
vật chất nuông chiều thì càng sống yếu đuối và hư hỏng
cả thể xác lẫn tinh thần, rồi càng đòi hỏi sung sướng
hơn nữa. Người ta nói rằng chính cái đòi hỏi này là động
cơ kích thích khoa học và xã hội tiến lên. Đúng đấy, nhưng
nhiều phát minh khoa học kỹ thuật dã là những con dao hai
lưỡi và những thích thú giác quan và hạnh phúc tâm hồn
đã khác nhau mà còn luôn luôn đi ngược chiều nhau nữa.
Vậy
là dưới ánh sáng mặt trời, sự bế tắc và đau khổ của
con người đã có mặt cùng khắp, mỗi nơi nó mang một hình
dạng khác nhau, chẳng phải chỉ riêng những người ngu dốt,
nghèo khó ở các quốc gia lạc hậu mới khổ.
Nhiều
nhà đạo đức cho rằng chính những tham vọng đã làm tâm
bất an và tạo ra mâu thuẫn tranh chấp với người khác,
chúng là đầu mối của các khổ, chỉ cần trừ bỏ nguyên
nhân đó tức thời có hạnh phúc. Lời này có đúng hẳn không,
vì cũng có những tham vọng ích lợi cho con người. Nền văn
minh khoa học và kỹ thuật hiện nay đang đem lại biết bao
tiện nghi cho nhân loại chẳng phải cũng bắt nguồn từ tham
vọng sao? Vậy phải là có hai thứ tham vọng: xấu và tốt?
Phải chăng tham vọng làm thiệt hại người là xấu, nên bỏ,
và tham vọng không làm hại ai mà còn lợi ích cho tha nhân
là tốt, nên giữ? Có vẻ như thế, nhưng xét kỹ ta thấy
lòng tham có bao giờ chịu dừng lại ở biên giới thiện ác
nói trên đâu, ta thấy nó luôn luôn vượt qua, và nó cũng
luôn luôn bỏ hẳn lãnh vực thiện để nhảy qua lãnh vực
ác. Đã có những phát minh khoa học nào không bị lợi dụng
để tác hại con người, trong những hoạt động xã hội và
cả tôn giáo nữa đã có biết bao lạm dụng không tốt? Chúng
ta còn thấy nhiều mê tín và ngu si phát sinh từ tham vọng
và lo sợ. Nên, con người muốn được bình an lâu dài, mà
chỉ có bình an mới là hạnh phúc, thì không thể tham muốn
điều gì vì dầu là tham vọng loại nào, nó vẫn giữ cái
đặc tính "thúc ép", nó gia tăng mau chóng và trói buộc mạnh
mẽ, không cho con người được an ổn, được tự do tự tại.
Cho nên nói tham vọng là nguyên nhân của đau khổ, thì chỉ
mới đúng được một phần vì đó chưa phải là nguyên nhân
đầu tiên. Phải khám phá ra cái đầu tiên này và triệt tiêu
nó, con người mới có tự do, hạnh phúc thực sự được.
Nếu
cứu xét sâu xa để biết do đâu con người sanh ra nhiều tham
vọng, ham muốn thì các nhà luân lý, triết học, đạo học
chỉ đưa ra được những trả lời dựa trên suy luận không
căn cứ, hoặc lý do hoang đường. Đã có cá nhân nào, do thực
nghiệm, đã tìm ra được nguyên nhân đầu tiên của tham vọng?
Điều
này có liên quan chăng với sự kiện Ki Tô Giáo gọi là "tội
tổ tông truyền"? và phải chờ đến ngày phán xét
cuối cùng, tất cả những người chết đứng dậy, những
ai đạo đức do Chúa tuyển chọn sẽ được lên Thiên-đàng,
nơi đó mới có hạnh phúc muôn đời.
Năm
1988, hồi còn sống trong vòng quản lý chặt nhân hộ khẩu,
một buổi tối mở nhỏ đài BBC, tôi được nghe điểm một
cuốn sách phát hành tại Tây Phương. Chủ đề của sách,
được giới thiệu là tư tưởng tiến bộ nhất về con người,
đại khái là "Người ta không thể tạc một tượng con người
ngay thẳng từ một khúc gỗ cong". Vì nghe nhỏ nên tôi đã
không nhận ra rõ ràng tên tác giả cũng như tựa đề Anh văn
của sách.
Như
vậy, con người đã phải mang một thân phận đáng buồn và
hầu như vĩnh viễn không thể nào ra khỏi, cho nên chữ "Hạnh-Phúc",
hạnh phúc trọn vẹn và miên viễn, vẫn chỉ có trong ước
mơ. Tại sao? Tại vì con người đã được tạo nên từ một
khúc gỗ cong, tại vì hắn ta đã lỡ mang một cái tội, một
sai lầm từ ông Tổ đầu tiên truyền lại. Nói cho đúng là
vì ' Con người đã được sanh ra với một nền tảng tâm
linh hư hỏng, vận chuyển không đúng đắn, cho nên những
gì tạo tác trên đó cũng đều méo mó, tác dụng không hoàn
hảo", và suy ra: tham vọng chỉ là một hệ quả. Do đó mà
những công trình của con người chỉ thâu hái được những
khoái lạc giác quan nhất thời, kéo dài được phần nào đời
sống sinh vật của thân xác, tăng thêm những hiểu biết tri
thức mà thôi, chứ không bao giờ thực hiện được hạnh
phúc đích thực và trường cửu cho hắn. Trong tương lai lâu
dài, nếu trái đất này còn tồn tại, không chừng hắn sẽ
chinh phục được thái dương hệ này và thái dương hệ khác,
nhưng không bao giờ hắn có thể làm chủ được tự thân,
thực hiện được hạnh phúc cho mình và cho người khác, hậu
quả là xã hội loài người chẳng bao giờ được thực sự
hoà bình lâu dài và cùng khắp. Những thứ tự do mà tới
nay nhiều dân tộc đang còn tranh thủ như tự do ngôn luận,
hội, họp, đi lại, tin ngưỡng mà dân chúng tại nhiều quốc
gia Âu Mỹ đang hưởng thụ, chỉ có tác dụng xã hội chớ
đâu có làm cho con người được thực sự tự do. Tự do,
khởi đầu và cuối cùng, phải là tự do với chính mình,
là tự do tự tại.
Vậy
là không có phương thuốc tuyệt hảo, trừ bệnh tận gốc?
và ta đành phải chấp nhận những giải pháp đưa đến kết
quả tương đối với hy vọng rằng trong tương lai lâu dài,
với những cải thiện liên tiếp trong các xã hội, các phiền
não thế gian sẽ bớt dần, đời sống tâm tư con người sẽ
khá hơn? Hiện nay đã có một số đạo nhân tu tập được
một số phép lạ, nhưng có phải là sự giải thoát triệt
để và vĩnh viễn hay chỉ cốt để hưởng thụ những khoái
cảm nhất thời về tâm lý, hoặc để sống lâu, kéo dài
sinh tử ?
Đã
có nhiều lời khuyên con người hãy nhìn ra để thấy tất
cả những cái đẹp trong thiên nhiên do tạo hóa ban cho, thấy
những tấm lòng vị tha, yêu thương của người đồng chủng,
thấy những tiện nghi do khoa học kỹ thuật đem lại. Tất
cả những tốt đẹp đó là cảnh sắc tươi vui, là hương
vị ngọt ngào của cuộc đời, chúng làm ta phấn khởi vui
sống, rồi hòa sức mình, trí óc mình, đóng góp vào sự nghiệp
tiến hoá chung , cho trái đất này ngày thêm mỹ miều, nhân
loại này thêm hạnh phúc. Theo nhạc điệu này, một vị Thiền-Sư
tại đây cũng dạy tín đồ mổi sáng thức dậy hãy nhìn
ra cảnh vật nở một nụ cười, tự nhủ rằng ta có thêm
một ngày vui và trong bước thiền hành, hãy tưởng tượng
dưới mỗi bàn chân ta sẽ nở một bông hoa.
Cao
hơn nữa, còn có những pháp thiền được truyền bá trong
các giới mục đích phát triển trạng thái ý thức thường
trực (thức tỉnh), chú tâm vào việc trước mắt để ngưng
chỉ vọng niệm lăng xăng, hoặc lắng đọng tâm tư được
đôi lúc tịch lặng, nhận thức cảm giác mạnh khỏe và bình
an, hoặc chú tâm liên tiếp kêu gọi ân sủng của Thượng-Đế,
Đấng Sáng-Tạo, cầu xin cứu rỗi linh hồn.
Những
lời dạy trên đều đáng trân trọng vì chúng có ích lợi.
Do hiểu biết, do tự chế, do tự kỷ ám thị, do tưởng tượng,
do tập trung tâm ý để cầu nguyện, người thực hành có
cảm thấy bình an, vui vẻ, dịu đi phần nào những sôi
động trong tâm tư, lắng đọng bớt lòng ham muốn, nỗi
lo sợ, oán hờn, nương tựa vào một uy lực cao cả mà mình
cố gắng tin tưởng mạnh mẽ để trú ẩn và cũng có ít
trường hợp thấy một biến hiện linh diệu mau chóng thoáng
qua.
Tuy
nhiên, những hiệu quả tương đối vừa kể chỉ có thể
gặt hái được trong những hoàn cảnh bình thường, khi người
thực hành không có những lo nghĩ lớn, và chúng chỉ có tác
dụng nhất thời và nông cạn. Còn nếu là trường hợp người
đang bị bệnh nan y chờ chết, đang bị đau đớn dữ dội
vì cơ thể bị thương tích nặng, hoặc người bị tổn thất
lớn vì mất người thân, tài sản, danh vọng, hoặc người
đang phải đương đầu với một đe dọa ghê gớm từ thiên
nhiên, từ xã hội hay từ người khác, thì những phương cách
tu luyện kể trên hầu như chẳng có hiệu quả. Vì sao? Vì,
chúng đều là những tạo tác của tâm thức, tức cái tâm
hư vọng hiện nay, nên chúng chỉ có công dụng hời hợt và
tạm thời, trong khi cường độ của sự đau đớn, sự thôi
thúc của lo sợ, oán thù, lại tác động mạnh mẽ và liên
tục trên thân xác hoặc tâm thần của nạn nhân. Vì chúng
không triệt bỏ được tận gốc nguyên nhân đầu tiên của
đau khổ.
Con
người thực sự có cái thân phận phi lý và đáng thương
này, hắn là nạn nhân của những thiên tai do thiên nhiên gây
ra, của đồng loại với những ganh ghét, áp bức, bóc lột,
chiến tranh, của những bệnh tật nơi thân và những mối
ưu tư, lo sợ, giận hờn, tham muốn dằn vặt nơi tâm. Cái
thân phận vừa kể đó chính là đầu mối ưu tư căn bản
từ cổ lai đến giờ của tất cả những triết gia, những
nhà tư tưởng, những văn nghệ sĩ thế giới. Đạo Phật
gọi nó là "việc lớn sinh tử" (sanh tử sự đại), "lớn"
vì nó là gốc của tất cả các việc khác trong đời, giải
quyết được nó thì mọi việc cũng tự trừ, nếu không giải
quyết được việc lớn này thì không giải quyết dứt khoát
được việc nào khác cả. Mà con người thì đa số không
nhận ra nó, có gặp khổ thì chỉ ở trong khổ mà than vãn,
không biết phải làm sao, không tự mình tìm lối thoát ra,
khi cái khổ tạm qua rồi thì lại quên ngay, trong lúc vui sướng
nhất thời ta có biết đâu rằng nó vẫn liền theo sát sau
lưng. Đức Phật dạy ta nên nhận định rõ ràng, thấu đáo,
để giải quyết nó dứt khoát, triệt để, tận căn nguồn,
thực hiện tự do hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu, nếu
không thì mãi mãi vấn đề vẫn còn nguyên, cũng như không
thanh toán ngay cái gốc mà chỉ chặt lá cành. Thày tôi nói
rằng: "Những sai lầm nếu được gột rửa dần dần thì
cũng như bứt lá cây. Hôm nay cố gắng bứt được một lá,
ngày mai cây sẽ ra một hay hai lá khác, không bao giờ xong việc.
Nhưng nếu bứng được cả cái cây lên thì tất cả các lá
sẽ tự rụng hết, không cần phải bứt, và chúng cũng vĩnh
viễn không mọc thêm được". Như vậy, trong việc tái
tạo con người, một giải pháp cục bộ, phiến diện, tạm
thời, nếu có tác dụng thì cũng chỉ như một viên aspirin
dùng cho cái đau của một ung thư không chịu cắt bỏ.
Nhận
ra thực chất cuộc đời, rồi ước mong sao giải tỏa được
hết mọi trói buộc nơi tâm, không còn tất cả những ưu
phiền vì những đau khổ đang chịu đựng, vì những tham muốn
đang thúc dục, vì những nỗi lo sơ, oán thù nung nấu tâm
can, cho đến những cảm giác u sầu man mác vì cô đơn, trống
trải ... để thực hiện hạnh phúc nơi mình và giúp người
cùng đến được chỗ sung sướng ấy.
Với
ý niệm này, xin mời quí vị cất bước vào thăm khuôn vườn
Đạo Phật.
|